Ngày 30 tháng 12
(Trong Tuần Bát Nhật Lễ
Chúa Giáng Sinh)
Bài
Ðọc I: 1 Ga 2, 12-17
"Ai
làm theo ý Thiên Chúa, thì tồn tại muôn đời".
Trích
thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.
Hỡi
các con, ta viết cho các con, vì tội lỗi các con được tha vì danh Người.
Hỡi
các phụ huynh, ta viết cho các con, vì các con đã nhận biết Ðấng vẫn có từ ban
đầu.
Hỡi
các thiếu niên, ta viết cho các con, vì các con đã chiến thắng quỷ dữ.
Hỡi
các trẻ nhỏ, ta viết cho các con, vì các con đã nhận biết Chúa Cha.
Hỡi
các thanh niên, ta viết cho các con, vì các con dũng cảm, và lời Thiên Chúa vẫn
ở trong các con, và các con đã chiến thắng quỷ dữ.
Các
con đừng yêu mến thế gian và những điều thuộc về thế gian. Nếu ai yêu mến thế
gian thì lòng mến của Chúa Cha không có trong kẻ ấy. Vì mọi sự ở trong thế gian
là đam mê của xác thịt, đam mê của con mắt, và kiêu căng vì của cải, những điều
đó không phải bởi Chúa Cha, nhưng bởi thế gian mà ra. Và thế gian qua đi với
đam mê của nó. Còn ai thực hiện thánh ý Thiên Chúa, thì tồn tại muôn đời.
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 95, 7-8a. 8b-9. 10
Ðáp: Trời xanh hãy
vui mừng và địa cầu hãy hân hoan! (c. 11a).
Xướng:
1) Hãy kính tặng Thiên Chúa, hỡi người chư dân bá tánh, hãy kính tặng Thiên
Chúa quyền thế với vinh quang; hãy kính tặng Thiên Chúa vinh quang xứng với
danh Người. - Ðáp.
2)
Hãy mang lễ vật, tiến vào hành lang nhà Chúa, mặc lễ phục, thờ lạy Thiên Chúa.
Toàn thể địa cầu, hãy run sợ trước thiên nhan.- Ðáp.
3)
Hãy công bố giữa chư dân rằng: Thiên Chúa ngự trị. Người dựng vững địa cầu cho
nó khỏi lung lay, Người cai quản chư dân theo đường đoan chính. - Ðáp.
Alleluia:
Alleluia,
alleluia! - Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã dùng các tiên tri mà
phán dạy cha ông, nhưng đến thời sau hết, tức là trong những ngày này, Người đã
phán dạy chúng ta nơi người Con. - Alleluia.
Phúc
Âm: Lc 2, 36-40
"Bà
đã nói về Người với tất cả những người đang trông chờ ơn cứu chuộc
Israel".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi
ấy, có bà tiên tri Anna, con ông Phanuel, thuộc chi họ Asê, đã cao niên. Mãn thời
trinh nữ, bà đã sống với chồng được bảy năm. Rồi thủ tiết cho đến nay đã tám
mươi tư tuổi. Bà không rời khỏi đền thờ, đêm ngày ăn chay cầu nguyện phụng sự
Chúa. Chính giờ ấy, bà cũng đến, bà liền chúc tụng Chúa, và nói về trẻ Giêsu
cho tất cả những người đang trông chờ ơn cứu chuộc Israel.
Khi
hai ông bà hoàn tất mọi điều theo luật Chúa, thì trở lại xứ Galilêa, về thành
mình là Nadarét. Và con trẻ lớn lên, thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và ơn nghĩa
Thiên Chúa ở cùng Người.
Ðó
là lời Chúa.
Suy
Niệm:
Lời
Tiên Báo Về Chúa Hài Nhi
Vào
một mùa Giáng Sinh nọ, trước giờ đi lễ, vị chủ nông trại đang ngồi thưởng thức
nhạc Giáng Sinh, bỗng đâu cả đàn ngỗng của ông tụ lại trước sân nháo nhác tìm
chỗ trú. Chúng vừa đói, vừa lạnh, lông cánh rối bời. Tất cả người làm đều đã
nghỉ cả, người chủ cũng đều sắp đóng cửa để về thành phố dự Thánh Lễ. Bởi vậy
ông bèn ra lùa đàn ngỗng về chuồng, nhưng chúng không biết ông nên dù cho gào
thét khàn cả tiếng, chạy ngược chạy xuôi, đã rời cả đôi chân mà ông vẫn không
đem được một con nào về chuồng. Thấy vậy ông thầm ước với mình: "Ước gì
tôi được làm ngỗng trong chốc lát, để tôi có thể dùng tiếng loài ngỗng mà nói
cho chúng hiểu ước muốn của tôi và cho chúng biết đâu là chốn hiểm nguy, đâu là
nơi an toàn". Bỗng chốc, ông đã thành một con ngỗng đứng giữa bầy như ước
nguyện.
Anh
chị em thân mến!
Có
thể chúng ta sẽ là phi lý khi thấy người biến thành ngỗng. Thế nhưng, có một điều
khác còn phi lý hơn nữa mà Giáo Hội đang mời gọi chúng ta chiêm ngắm, đó là
hang đá Belem, nơi Thiên Chúa Vua Cả trời đất giành lấy thân phận làm người,
sinh ra trong hang bò lừa máng cỏ. Ngài làm người để rồi Ngài sẽ dùng ngôn ngữ
của loài người mà chỉ dạy cho con người lối về quê thật.
Trong
bài Tin Mừng hôm nay, thánh sử Luca thuật lại cho chúng ta một trong những điều
con người được nhận lãnh nhờ vào hành động phi lý ấy. Là Ngôi Hai Thiên Chúa
thì Chúa Giêsu đâu cần phải được hiến dâng cho Thiên Chúa theo luật Môisê, thế
nhưng ngài vẫn tuân giữ nghi lễ này, vì Ngài muốn giống con người trong hết mọi
sự ngoại trừ tội lỗi. Ngài giống con người để con người không còn phải e ngại
khi đến với Ngài cũng như hiểu được lời mời gọi của Ngài. Nếu trước đây, Ngài
đã sinh ra trong chuồng bò là để cho mọi người có thể đến với Ngài, không phân
biệt giàu sang hay nghèo khổ, có địa vị hay chỉ là dân đen. Các trẻ chăn chiên
được mời gọi, ba nhà đạo sĩ Phương Ðông được chỉ lối, tất cả đến với Ngài và đã
tìm được nguồn vui.
Hôm
nay, Ngài vào Ðền Thánh bằng nghi lễ thanh tẩy và hiến dâng. Thật ra chỉ có con
người tội lỗi mới cần thanh tẩy, chỉ có loài thụ tạo mới cần hiến dâng. Vậy mà
Chúa Giêsu Ngài vẫn chấp nhận tất cả để nên như một cơ hội quí báu cho tiên tri
Siméon và Anna gặp Ngài. Niềm vui bấy lâu mong đợi, giờ đây Siméon đã đạt được
như ý nguyện, giờ đây ông có thể ra đi bình an không còn gì phải tiếc nuối.
Siméon
và Anna là tiêu biểu cho nhóm những người nghèo của Giavê. Họ ăn chay cầu nguyện,
sống nghèo khổ để canh thức trông chờ Ðấng Cứu Thế, dù cho cuộc sống có đầy dẫy
những lạc thú thì vẫn không quyến dũ được họ cho bằng niềm vui cứu chuộc họ
đang trông chờ.
Thời
gian chờ đợi luôn là thời gian dài dẵng lê thê và nếu dành cả một đời để trông
ngóng đợi chờ thì không khỏi bị coi là phi lý điên rồ. Chắc chắn Siméon và Anna
cũng bị gán cho nhãn hiệu này. Tuy nhiên, Thiên Chúa lại cần đến sự phi lý điên
rồ ấy, vì Ngài cũng đã từng hành động như vậy. Một Ðấng Tạo Hóa mà lại hóa thân
làm một thụ tạo. Một người Chủ uy quyền mà lại nhận thân phận tôi tớ. Siméon và
Anna đã chấp nhận con đường này và Thiên Chúa đã đáp lời họ.
Thế
nhưng, khi hưởng niềm vui bất diệt ấy, họ lại chỉ không dành hết cho mình nhưng
còn mau mắn chia sẻ với người khác. Bà Anna đã nói về trẻ Giêsu cho tất cả những
người đang trông chờ ơn cứu chuộc Israel, vì thế bà được coi là nữ tiên tri, dù
rằng suốt cuộc sống bà cũng chẳng làm một điều gì như các tiên tri ở Israel.
Vị
tiên tri là gì nếu không phải là kẻ truyền rao Thiên Chúa, truyền rao ơn cứu độ.
Như vậy, chúng ta có thể gọi bà Anna là mẫu mực cho người tín hữu trong cuộc sống
và hành động. Bà đã can đảm và chấp nhận một cuộc sống thiếu thốn trong chay tịnh
và cầu nguyện, cũng như luôn hy vọng đợi chờ, dù cho sự việc chẳng biết bao giờ
mới xảy ra và khi đã đón nhận hồng ân thì lại sẵn sàng truyền rao chia sẻ cho kẻ
khác. Hồng ân bà nhận được hôm nay luôn là một chứng từ thôi thúc tín hữu thêm
lòng cậy trông, vì Thiên Chúa sẽ không chê bỏ những ai đặt hết hy vọng vào
Ngài.
Trong
mùa Giáng Sinh, mùa kỷ niệm một biến cố phi lý mà con người không thể hiểu thấu.
Ước mong rằng mỗi người trong chúng ta biết bắt chước như bà Anna là sẵn sàng
đón nhận những đau khổ, những phi lý về ơn cứu độ và nhất là luôn nhớ sứ mệnh
tiên tri đã được trao ban từ ngày lãnh nhận bí tích Rửa Tội, để rồi ta có thể bắt
chước thánh Phaolô mà nói được như Ngài: "Khốn cho tôi, nếu tôi không rao
giảng Ðức Kitô". Amen.
Veritas Asia
Lời Chúa Mỗi Ngày
Ngày 30 tháng 12 BNGS
Bài đọc: I Jn 2:12-17; Lk
2:36-40.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chúng ta được trang
bị đầy đủ để sống theo ý của Thiên Chúa.
Một
lầm lẫn lớn nhất của con người là tội chạy theo các lòai thụ tạo Thiên Chúa dựng
nên thay vì chạy theo Chúa, Người dựng lên chúng. Nếu con người chịu khó suy
nghĩ, họ có thể nhận ra sự phi lý của lối sống này: Làm sao những thụ tạo có thể
so sánh với Đấng đã tạo dựng nên mọi sự cho con người hưởng dùng? Mục đích
Thiên Chúa tạo dựng lên chúng không phải để cho con người thờ phượng chúng,
nhưng để con người biết dùng chúng như phương tiện để sinh sống trong những
ngày còn sống trên dương gian mà thôi. Nhiều người tức cười khi thấy có người
quỳ lạy con bò; nhưng chính họ nhiều khi đang tôn thờ “bò vàng” mà họ không hay
biết!
Các
Bài đọc hôm nay xoay quanh việc con người phải hết lòng từ bỏ lối sống theo kiểu
thế gian, và tập sống theo ý của Thiên Chúa. Trong Bài đọc I, Thánh Gioan xác
quyết Thiên Chúa đã trang bị cho con người đầy đủ những khí cụ cần thiết để có
thể thắng vượt được những cám dỗ của thế gian và sống theo ý của Thiên Chúa.
Gioan liệt kê một số các khí cụ như: sự chiến thắng của Đức Kitô, ơn tha tội, Lời
Chúa. Trong Phúc Âm, Thánh Luca cho chúng ta tấm gương của một nữ ngôn sứ biết
sống theo ý Thiên Chúa: Bà Anna, con ông Penuel, thuộc chi tộc Aser. Bà đã nhiều
tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm, rồi ở goá, đến
nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm
hôm thờ phượng Thiên Chúa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I:
Thiên Chúa trang bị mọi sự cho con người.
1.1/
Những hồng ân con người đã lãnh nhận từ Đức Kitô: Thánh Gioan liệt kê 3 điều
chính:
(1)
Ơn tha tội nhờ Danh Đức Kitô: Nhờ cái chết của Đức Kitô, Ngài đã xóa đi tội Tổ Tông và mọi tội
con người đã, đang, và sẽ phạm. Không những thế, Ngài còn thiết lập Bí-tích Hòa
Giải và ban quyền tha tội cho các Tông-đồ và những người kế vị các Ngài. Điều
Ngài đòi hỏi nơi các tín hữu là năng xét mình và chạy đến với Bí-tích Hòa Giải
để được tha tội.
(2)
Biết Đức Kitô, Đấng vẫn có từ lúc khởi đầu: Nhờ sự mặc khải của Kinh Thánh và của Đức Kitô, con
người biết Ba Ngôi Thiên Chúa và tất cả các việc Thiên Chúa làm, nhất là Kế Họach
Cứu Độ của Thiên Chúa cho con người. Một đời sống cầu nguyện, học hỏi Lời Chúa,
và kết hợp mật thiết với Thiên Chúa sẽ làm cho con người càng ngày càng hiểu biết
Thiên Chúa hơn.
(3)
Đã thắng ác thần: nhờ
chiến thắng của Đức Kitô và nhờ Lời Thiên Chúa ở lại trong anh em. Vì Đức Kitô
đã chiến thắng mọi quyền lực của ác thần (Satan) và của thế gian (giới cai trị),
con người được giải thóat khỏi mọi quyền lực này.
1.2/
Lối sống theo thế gian và lối sống theo ý Thiên Chúa:
(1) Lối sống theo thế gian: Trước tiên, Thánh
Gioan không có ý khinh thường thế gian vì tất cả những gì Thiên Chúa dựng nên đều
tốt. Hơn nữa, Thánh Gioan còn nói: “Thiên Chúa đã quá yêu thế gian đến nỗi đã
hy sinh Người Con Một của mình” (Jn 3:16). Điều ngài muốn nhấn mạnh ở đây là
các khuynh hướng xấu của thế gian đi ngược lại với ý muốn của Thiên Chúa.
-
Những dục vọng của tính xác thịt: không chỉ giới hạn trong những ham muốn về
tình dục, mà còn cả những ham muốn khác nữa như: danh vọng, quyền hành, của cải,
và các thú vui làm con người không còn thời giờ cho Chúa, và ngăn cản con người
trên đường về với Chúa.
-
Những ham muốn của đôi mắt: Con mắt là cửa sổ của linh hồn, vì qua đó các hình ảnh
được thâu nhận vào trí óc. Khi có dịp thuận tiện, các hình ảnh này sẽ thao túng
linh hồn và làm cho con người phải khốn đốn. Hai điều răn thứ chín và thứ mười
là tội liên quan đến con mắt, vì từ chỗ nhìn ngắm sẽ đưa tới chỗ tham muốn. Để
tránh những tội này, điều con người có thể tránh là “ăn chay” con mắt. Với
phương diện truyền thông liên mạng hiện nay, việc ăn chay con mắt càng cần hơn
bao giờ hết.
-
Thói ba hoa chích chòe, hay tiếng thời đại quen dùng “nổ”: Bản dịch của Nhóm
PVCGK không sát nghĩa khi dịch: “thói cậy mình có của,” vì tiếng Hy-Lạp dùng từ avlazonei,a,
có nghĩa ám chỉ không những cậy mình mà còn cậy vào cái mình không có. Câu truyện
sau đây dẫn chứng sự hợm hĩnh của lọai người này: Có một bà mới khai trương cửa
hiệu của mình. Khi Bà thấy một người kéo cửa vào tiệm, Bà vội bốc điện thọai
lên và khoe tiệm ầm ĩ, với mục đích để cho người mới vào biết tiệm Bà tuy mới mở
nhưng đông khách là chừng nào. Sau một hồi khoe khoang khóac lác, Bà bỏ điện thọai
xuống và hỏi khách hàng cần gì; người ấy thưa ông là nhân viên của hãng điện thọai
xuống để nối đường giây điện thọai cho Bà. Lúc ấy, mặt Bà đỏ ửng lên vì biết
người đối diện đã biết “tẩy”của Bà.
(2) Lối sống theo ý Thiên Chúa: là ngược lại hòan
tòan với lối sống theo thế gian vì “tất cả những cái đó không phát xuất từ Chúa
Cha, nhưng phát xuất từ thế gian; mà thế gian đang qua đi, cùng với dục vọng của
nó. Còn ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa thì tồn tại mãi mãi.” Thánh Gioan
khuyên: “Anh em đừng yêu thế gian và những gì ở trong thế gian. Kẻ nào yêu thế
gian thì nơi kẻ ấy không có lòng mến Chúa Cha.”
2/
Phúc Âm:
Mẫu gương của những người biết sống và làm theo ý Thiên Chúa.
2.1/
Cuộc đời của Bà Ngôn-sứ Anna: Bà con ông Penuel, thuộc chi tộc Aser. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ
khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm, rồi ở goá, đến nay đã tám mươi
tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng
Thiên Chúa. Một cuộc sống quanh quẩn nơi Đền Thờ như thế đã giúp Bà nhận ra những
gì là chính yếu hay phụ thuộc trong cuộc đời. Khi được Thánh Thần thúc đẩy cho
nhận ra Đấng Cứu Thế, Bà tiến lại gần bên Gia Đình Thánh, Bà cảm tạ Thiên Chúa
và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc
Jerusalem.
2.2/
Gia đình Thánh trở về Nazareth: “Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa
truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Nazareth, miền Galilee. Còn Hài Nhi ngày
càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên
Chúa.” Thánh Giuse trở về với công việc của người thợ mộc để kiếm tiền nuôi sống
gia đình, chứ không xin Thiên Chúa làm phép lạ để có tiền cho Chúa Giêsu ăn học.
Mẹ Maria trở về với công việc nội trợ để chăm sóc cho Thánh Giuse và Chúa Giêsu
trong suốt 30 năm Ngài sống trên dương thế. Riêng Chúa Giêsu, tuy là Thiên
Chúa, Ngài đã ẩn mình trong 30 năm bên Thánh Giuse và Đức Mẹ: vâng lời và giúp
đỡ các Ngài, và chuẩn bị trước khi bắt đầu sứ vụ công khai rao giảng. Cả ba
thành phần của Gia Đình Thánh đều sống âm thầm thực hiện ý Thiên Chúa.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Chúng ta phải luôn thờ phượng một mình Thiên Chúa, và đừng bao giờ để những cám
dỗ của thế gian lôi kéo chúng ta xa Ngài.
-
Một cách để chúng ta nhận ra nếu chúng ta đã làm điều này chưa là năng kiểm điểm
cuộc sống, nhất là thời giờ và những nỗ lực chúng ta dành cho Thiên Chúa. Nếu
chúng ta bận rộn làm ăn đến nỗi chúng ta không còn thời giờ để cầu nguyện, tham
dự Thánh-lễ, và tham gia các họat động mở mang Nước Chúa; chúng ta đang chạy
theo các thần không phải là Thiên Chúa.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH
(26/12 đến 1/1)
Lc 2,36-40
A. Hạt giống...
Đoạn này gồm 2 chuyện nhỏ :
a/ Bà Anna (cc 36-38)
- Bà sống đúng mẫu mực của một người phụ nữ lý
tưởng : năng lên Đền thờ, ăn chay cầu nguyện (câu 37).
- Vì là một ngôn sứ (câu 36), bà được soi sáng
cho biết Hài nhi Giêsu chính là Đấng Messia, cho nên khi gặp Hài nhi bà đã cảm tạ
Thiên Chúa và loan báo tin mừng đó cho mọi người hiện diện (câu 38).
b/ Toát yếu về nếp sống của Hài nhi Giêsu (câu
39-40) : ngày càng tăng thêm sức khoẻ, sự vững mạnh, sự khôn ngoan và ân
nghĩa với Chúa.
Như thế là sau những biến cố đặc biệt quanh cuộc
Giáng sinh, Chúa Giêsu đi vào cuộc sống bình thường, ngày ngày thu tích những
điều cần thiết cho sứ vụ tương lai.
B.... nẩy mầm.
1. Bà Anna đã đến tuổi “tri thiên mệnh” nên biết
và theo đuổi những gì là quan trọng cho cuộc sống : cầu nguyện, tu thân tích
đức và mong chờ ơn cứu độ.
2. Gương của trẻ Giêsu chỉ cho chúng ta thấy
những gì cần thiết cho quá trình thành nhân : a/ Nuôi dưỡng sức khoẻ thể
lý ; b/ Củng cố sự vững mạnh tâm lý ; c/ Phát triển trí khôn ;
d/ Lớn lên trong ơn Chúa.
3. Trên tường một nhà thờ cổ ở Đức có một bức
tranh được vẽ cách nay khoảng 500 năm, diễn cảnh trẻ Giêsu đang đi học. Họa sĩ
vẽ Ngài là một cậu bé 6 tuổi đang một tay nắm tay bà ngoại Anna và tay kia cầm
cặp.
Trẻ Giêsu cũng giống như những bé trai, bé gái
cùng thời đến trường để thêm kinh nghiệm, như Thánh Kinh nói : “Con
trẻ ngày càng khôn lớn”. Điểm đặc biệt của Ngài là “hằng được nghĩa
cùng Thiên Chúa ” (Góp nhặt).
4. “Bà Anna cảm tạ Thiên Chúa và nói về Hài nhi,
cho hết những ai đang mong chờ ngày giải phóng Giêrusalem” (Lc 2,38)
Tôi tình cờ nghe được mẫu đối thoại giữa hai
người không một trong hai vừa làm dấu thánh giá ở một chỗ đông người. Một người
hỏi : “Sao anh làm dấu thánh giá chỗ này ?”. Người kia tỏ vẻ ngạc
nhiên và điềm tĩnh trả lời : “Mình là người công giáo kia mà !” Câu
trả lời ấy cứ vang mãi trong tâm trí tôi. Và tôi hiểu ra rằng : phải luôn
tự hào được làm con cái Chúa ; và sẵn sàng giới thiệu Chúa cho mọi người.
Vâng, tôi vẫn thường giới thiệu Chúa không chỉ bằng dấu thánh giá nhưng còn bằng
cả cuộc sống, lao động và cầu nguyện, công bình và bác ái, yêu thương và phục
vụ. Chẳng biết tôi đã thực hiện được đến đâu, nhưng nhờ ơn Chúa, tôi sẽ ố gắng.
Lạy Chúa, xin cho con luôn sống thân mật với
Chúa, để có thể nói về Chúa cho mọi người với cả tấm lòng thành. (Epphata)
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI
30/12/14 THỨ BA TRONG
TUẦN BÁT NHẬT GS
Lc 2,36-40
Lc 2,36-40
Suy niệm: “Hãy
nói về Chúa cho những người quanh bạn nghe; và hãy nói về những người quanh bạn
cho Chúa nghe”. Đó là khuôn vàng thước ngọc của việc truyền giáo của Giáo Hội.
Bà An-na trong đoạn Phúc Âm hôm nay là người đã thực hiện vai trò truyền giáo
của mình một cách thiết thực bằng chính cuộc sống của mình: bà đã can đảm chấp
nhận một cuộc sống nghèo nàn, đơn sơ trong chay tịnh và cầu nguyện để trông chờ
Đấng Cứu Thế. Chắc chắn trong suốt thời gian sống ẩn dật, bà đã “nói với Chúa”
rất nhiều về con người trong thời đại đó và về nỗi khát khao ơn cứu độ của họ.
Được Chúa thương cho diện kiến Vị Cứu Tinh và được đụng chạm đến Người, bà đã
không giữ lại cho riêng mình nhưng ngay lập tức “nói về Chúa”, công bố tình
thương Chúa cho mọi người. Qua đó, sứ mạng của nhà truyền giáo được thực hiện
một cách trọn vẹn, đầy đủ, đầy lòng tin và sự nhiệt thành. Bà An-na là mẫu mực
cho mọi Ki-tô hữu trong cuộc sống và hành động trong việc loan truyền Lời Chúa.
Mời Bạn: Gặp
Chúa qua việc cầu nguyện và rao giảng Chúa cho người khác là hai hành động
không thể thiếu của người tín hữu. Bạn đã cầu nguyện bằng thái độ nào và rao
giảng Lời Chúa bằng cách thức nào?
Sống Lời Chúa: Đọc
và suy gẫm câu nói của thánh Phao-lô: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao
giảng Lời Chúa.”
Cầu nguyện: Xin cho con biết nói với Chúa về mọi người và được ơn thúc bách
nói cho mọi người biết về Chúa, trong mọi hoàn cảnh, và bằng những cách thức
thuyết phục nhất để Danh Chúa được loan truyền. Amen.
Ngày càng lớn lên
Hài Nhi Giêsu đã lớn lên một cách quân bình...
Con Thiên Chúa cũng phải chăm chỉ học làm người, qua tha nhân và kinh nghiệm,
qua lao động và thách đố trong cuộc sống.
Suy niệm:
Khi viết sách Tin Mừng,
thánh Luca thích nêu bật vai trò của phụ nữ,
vì trong xã hội Ítraen thời
xưa, việc lãnh đạo chủ yếu do đàn ông.
Luca hay đặt sóng đôi những
câu chuyện về các nhân vật nam và nữ.
Sau trình thuật sứ thần Gabrien
truyền tin cho ông Dacaria,
thì đến trình thuật sứ thần
truyền tin cho Đức Mẹ.
Sau sự xuất hiện của ông già
Simêon nói tiên tri về Hài Nhi,
thì bà Anna cũng được giới
thiệu minh nhiên như một nữ ngôn sứ.
Làm ngôn sứ đâu phải là đặc
quyền dành cho phái nam!
Khuôn mặt của Simêon và Anna
có những nét giống nhau.
Cả hai đều là những người
tuổi cao và đạo hạnh.
Đời sống của họ gắn bó với
Đền thờ.
Riêng cuộc đời của cụ bà
Anna thì thật đáng phục.
Cụ xuất giá được bảy năm thì
ở góa, nay cụ đã tám mươi tư.
Giả như cụ lấy chồng vào năm
mười lăm tuổi,
thì hẳn cụ đã sống trong
cảnh góa bụa hơn sáu mươi năm.
Một thời gian dài không có
chỗ dựa vững chắc của người chồng.
Nhưng cụ Anna lại tìm thấy
một chỗ dựa khác, vững hơn.
Đó là Thiên Chúa mà cụ đêm
ngày thờ phượng (c. 37).
Đó là Đền thờ mà cụ coi như
nhà của mình.
Đời sống của một góa phụ
trẻ, lúc mới ngoài hai mươi, thật không dễ.
Ăn chay cầu nguyện là cách
để cụ làm chủ bản thân và thắng cám dỗ.
Simêon và Anna đều là những
người cao tuổi đã và đang chờ.
Họ sống để chờ những lời
Chúa hứa được thành tựu,
sống để chờ ngày Thiên Chúa
cứu chuộc Giêrusalem (c. 38).
Anna có biết hôm nay nỗi đợi
chờ của cụ được đáp ứng không?
Với trực giác của một ngôn
sứ, cụ nhận ra ngay vị Cứu tinh bé nhỏ
đang được bồng ẵm trên tay
của đôi vợ chồng nghèo.
Như xuất thần, cụ nói về Hài
Nhi cho những người chung quanh.
Không phải chờ nữa, vì ơn
cứu chuộc mong mỏi từ lâu nay đã đến.
Thiên Chúa đã giữ trọn lời
hứa của Ngài.
Chúng ta đang mừng Lễ Giáng
sinh, mừng Con Thiên Chúa làm người.
Chúng ta có ít thời gian để
suy niệm về thời gian của Ngài ở Nadarét.
Hơn ba mươi năm để Hài Nhi
từ từ lớn lên, trở nên người trưởng thành.
Làm người là chấp nhận lớn
lên mỗi ngày một chút về mọi mặt.
Thân xác của cậu Giêsu trở
nên mạnh mẽ, trí tuệ cậu đầy khôn ngoan,
và về mặt tâm linh, ân lộc
của Thiên Chúa ở trên cậu (c. 40).
Hài Nhi Giêsu đã lớn lên một
cách quân bình
để thành Thầy Giêsu đi rao
giảng vào lúc ngoài ba mươi.
Con Thiên Chúa cũng phải
chăm chỉ học làm người,
qua tha nhân và kinh nghiệm,
qua lao động và thách đố trong cuộc sống.
Ngài chia sẻ phận người long
đong của chúng ta,
nên Ngài hiểu gánh nặng của
phận người.
Xin được học nơi Nadarét về
chia sẻ và phục vụ, về tha thứ và yêu thương.
Xin được trở nên người có
khả năng dám sống và chết cho người khác.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
xin cho con luôn vui tươi.
dù có phải lo âu và thống khổ,
xin cho con đừng bao giờ khép lại với chính mình;
nhưng biết nghĩ đến những người quanh con,
những người - cũng như con -
đang cần một người bạn.
Nếu như con nên yếu đuối,
thì xin cho con biết yêu thương và sáng suốt hơn,
thông cảm và nhân từ hơn.
Nếu bàn tay con run rẩy,
thì xin giúp con luôn biết mở ra và cho đi.
Khi lâm tử,
xin cho con biết đón nhận khổ đau và bệnh tật
như một lời kinh.
Ước chi con sẽ chết trong khiêm hạ và tín thác,
như một lời xin vâng cuối cùng.
Và con về nhà Chúa,
để dự tiệc yêu thương muôn đời. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
30
THÁNG MƯỜI HAI
Từ
Trong Đêm Tối
Vụt
Lên Một Ánh Sáng Huy Hoàng
Đêm
Bê-lem xem có vẻ giống như muôn ngàn đêm khác, cũng theo nhịp vận hành bất biến
của hành tinh này: hết ngày lại đêm!
Nhưng
đó là một đêm đặc biệt, vì trong một góc nhỏ của địa cầu, chính xác là trong
vùng phụ cận của Bê-lem, phía nam Giê-ru-sa-lem, bóng tối của màn đêm đã được
biến đổi thành ánh sáng.
Aùnh
sáng này soi chiếu đêm tối với một mầu nhiệm vĩ đại khôn tả. Trong vẻ huy hoàng
của nó, ánh sáng này bao trùm một số người chăn chiên đang có mặt tại vùng phụ
cận ấy để “canh giữ súc vật ban đêm”. Và ánh sáng này đã khiến họ “vô cùng sợ
hãi”.
Từ
giữa ánh sáng rực rỡ ấy vang vọng tiếng nói của thiên thần: “Anh em đừng sợ,
tôi loan báo cho anh em một tin mừng trọng đại … Hôm nay, trong thành của Vua
Đa-vít, Đấng Cứu Thế đã sinh ra cho anh em” (Lc 2,10-11).
Đứa
con của lời hứa đã được sinh ra.
Aùnh
sáng huy hoàng kia và tiếng nói của thiên thần đã chỉ rõ nơi chốn và ý nghĩa cuộc
chào đời của Người. Người đã thực sự được sinh ra. Người đã được sinh ra trong
một chuồng súc vật, vì chẳng có nhà ai còn chỗ cho Người. Người đã được sinh ra
vào lúc đang diễn ra cuộc tổng kiểm tra dân số ở It-ra-en – khi Xêdarê Augustô
cai trị đế quốc Rôma và Quirinô làm tổng trấn Xyria. Người thuộc dòngdõi
Đa-vít, vì thế Người sinh ở Bê-lem, “thành của Vua Đa-vít”. Người được sinh bởi
Ma-ri-a, một trinh nữ. Cô là vợ của Giuse, người thuộc dòng Đa-vít; và cả hai từ
Na-da-rét đi về đây để khai sổ.
Và,
từ giữa ánh sáng kỳ diệu bao phủ những người chăn chiên đã vang lên tiếng nói:
“Anh em sẽ gặp thấy một đứa trẻ vấn tã, được đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2,12).
-
suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm.
Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT
UP YOUR HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia
Đình
NGÀY
30-12.
1Ga
2,12-17; Lc 2,38-40.
LỜI
SUY NIỆM: “Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói
về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu độ Giêrusalem”
Cũng
như tiên tri Si-mê-on, bà An-na, một người đàn bà góa, nhiều tuổi; chắc chắn bà
nếm trải nhiều đau buồn trong cuộc đời, nhưng những đau buồn đó đã không làm
cho bà uất hận, phản nghịch lại Thiên Chúa. Bà đã âm thầm lặng lẽ, không rời bỏ
Đền Thờ, bà ăn chay cầu nguyện, hôm sớm thờ phượng Thiên Chúa. Nên bà đã được
diễm phúc đứng bên Hài Nhi Giêsu và nhận ra Hài Nhi Giêsu chính là niềm trông đợi
của những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu độ Giêrusalem.
Lạy
Chúa Giêsu, Tin Mừng của Chúa cho tất cả chúng con nhìn thấy nơi bà An-na tâm
tình: sống âm thầm lặng lẽ - Không rời bỏ Đền Thờ - Ăn chay cầu nguyện – Hôm sớm
thờ phượng Thiên Chúa. Xin ban cho mọi thành viên trong gia đình chúng con học
được những nhân đức như bà An-na.
Mạnh
Phương
30
Tháng Mười Hai
Sự Chọn Lựa Của
Chúa
Vào
dạo tháng 12 năm 1987, Ðức Hồng Y Jean Marie Lustiger, đương kiêm Tổng Giám Mục
Paris, Pháp Quốc, đã cho xuất bản một quyển sách mang tựa đề " Sự chọn lựa
của Thiên Chúa". Qua tựa đề này, ai cũng đoán được đây là một quyển tự thuật
ghi lại cuộc hành trình Ðức Tin của ngài.
Sinh
ra trong một gia đình Do Thái sùng đạo, ông ngoại là một thầy Rabbi uyên thâm,
Jean Marie Lustiger đã tự ý trở lại với Ðức Tin Công Giáo vào năm 14 tuổi. Hành
động này của Jean Marie dĩ nhiên đi ngược lại với xác tín của gia đình, nhất là
mẹ cậu. Trước khi bị đưa lên xe chở đi qua trại tập trung Ðức Quốc Xã ở
Auschwitz, bà còn nói với các con: "Các con hãy giữ mình, chớ theo đạo
Công Giáo. Ðây là một cơn bệnh hiểm nghèo".
Nhưng
tiếng Chúa còn mạnh hơn sự cảnh cáo của người mẹ. Cũng giống như thi sĩ Paul
Claudel khi ngắm nhìn ánh nến lung linh trên bàn thờ, bỗng nhận ra tiếng gọi của
Chúa, Jean Marie Lustiger cũng đã nghe được tiếng gọi thầm kín ấy một ngày thứ
năm tuần thánh nọ khi cậu bước vào nhà thờ chính tòa Orleáns. Dân chúng đứng
chen chúc đông nghẹt trong nhà thờ. Nhưng ngày hôm sau, khi cậu trở lại, nhà thờ
bỗng trống vắng... Nhưng chính trong nỗi trống vắng của ngày thứ sáu tuần thánh
đó mà Jean Marie Lustiger đã nhận ra tiếng gọi của Chúa.
Qua
quyển tự thuật trên đây, Ðức Hồng Y Jean Marie Lustiger tuyên xưng rằng:
"ơn cứu rỗi và sự hiện diện thầm kín của Ðấng Cứu Thế trong nhân loại là một
Mầu Nhiệm của lòng thương xót". Thiên Chúa yêu thương con người một cách lạ
lùng. Ngài mời gọi con người trên muôn vạn nẻo đường của con người. Do đó, theo
Ðức Hồng Y Lustiger, Hy Vọng, chính là tin rằng Thiên Chúa không bao giờ thất vọng
về con người.
Tin
Mừng được loan báo như một vết dầu loang. Chính nhờ trung gian của nhiều người
khác nhau mà Thiên Chúa ngỏ lời với con người. Nói như thi sĩ Pau Claudel,
Thiên Chúa viết bằng những đường cong.
Những
đường cong mà Thiên Chúa không ngừng viết để ngỏ với chúng ta chính là cuộc sống
hằng ngày của chúng ta. Mỗi một biến cố xảy đến, mỗi một cuộc gặp gỡ là một lời
ngỏ của Thiên Chúa. Chính qua trung gian của những biến cố đó mà Thiên Chúa ngỏ
lời với chúng ta. Do đó, người Kitô sẽ không ngừng thức tỉnh để lắng nghe tiếng
nói của Thiên Chúa. Trong giấc ngủ say như cậu bé Samuel, trong một buổi trống
vắng của ngày thứ sáu tuần thánh như trường hợp của Jean Marie Lustiger, trong
niềm vui của gặp gỡ, của thịnh đạt, trong đau khổ của bệnh tật, mất mát: tiếng
nói của Thiên Chúa vẫn vang dội trong lòng người.
Chúng
ta cũng biết rằng cuộc đời của mỗi người chúng ta là lịch sử của một ơn gọi. Mỗi
người chúng ta không phải là một con số trong năm tỷ người đang sống trên mặt đất,
nhưng là một lịch sử các biệt trong Tình Thương của Chúa. Tiếng Chúa gọi chỉ ngỏ
với từng người mà thôi. Tên gọi của từng người chúng ta có một âm vang đặc biệt
trong tiếng gọi của Chúa. Mỗi người chúng ta chỉ có thể nói: Thiên Chúa yêu
thương tôi và chỉ mình tôi mà thôi... Trong muôn nghìn đau khổ của cuộc sống, mỗi
người chúng ta hãy lập lại lời tuyên xưng của thánh Gioan tông đồ: "Thiên
Chúa là Tình Yêu", Ngài đang yêu thương tôi.
(Lẽ
Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét