Ngày 1 tháng Giêng
(Cuối Tuần Bát Nhật Lễ Chúa Giáng
Sinh)
Lễ Ðức Maria Mẹ Thiên Chúa
(Lễ Trọng)
Bài
Ðọc I: Ds 6, 22-27
"Họ
sẽ kêu cầu danh Ta trên con cái Israel và Ta sẽ chúc lành cho chúng".
Trích
sách Dân Số.
Chúa
phán cùng Môsê rằng: "Hãy nói với Aaron và con cái nó rằng: Các ngươi hãy
chúc lành cho con cái Israel; hãy nói với chúng thế này: "Xin Chúa chúc
lành cho con, và gìn giữ con. Xin Chúa tỏ nhan thánh Chúa cho con, và thương
xót con. Xin Chúa ghé mặt lại cùng con, và ban bằng yên cho con". Họ sẽ
kêu cầu danh Ta trên con cái Israel, và Ta sẽ chúc lành cho chúng".
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 66, 2-3. 5. 6 và 8
Ðáp: Xin Thiên Chúa xót thương
và ban phúc lành cho chúng con (c. 2a).
Xướng:
1) Xin Thiên Chúa xót thương và ban phúc lành cho chúng con; xin chiếu giãi
trên chúng con ánh sáng tôn nhan Chúa, để trên địa cầu người ta nhìn biết đường
lối của Ngài, cho chư dân thiên hạ được biết rõ ơn Ngài cứu độ. - Ðáp.
2)
Các dân tộc hãy vui mừng hoan hỉ, vì Ngài công bình cai trị chư dân, và Ngài
cai quản các nước địa cầu. - Ðáp.
3)
Chư dân, hãy ca tụng Ngài; thân lạy Chúa, hết thảy chư dân hãy ca tụng Ngài!
Xin Thiên Chúa ban phúc lành cho chúng con, và cho khắp cùng bờ cõi trái đất
kính sợ Ngài. - Ðáp.
Bài
Ðọc II: Gl 4, 4-7
"Thiên
Chúa đã sai Con Ngài sinh hạ bởi người phụ nữ".
Trích
thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Galata.
Anh
em thân mến, khi đã tới lúc thời gian viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con Ngài sinh
hạ bởi người phụ nữ, sinh dưới chế độ Luật, để cứu chuộc những người ở dưới chế
độ Luật, hầu cho chúng ta được nhận làm dưỡng tử. Sở dĩ vì anh em được làm con,
Thiên Chúa đã sai Thần Trí của Con Ngài vào tâm hồn chúng ta, kêu lên rằng:
"Abba!", nghĩa là "Lạy Cha!" Thế nên, bạn không còn phải là
tôi tớ, nhưng là con; mà nếu là con, tất bạn cũng là người thừa kế, nhờ ơn
Thiên Chúa.
Ðó
là lời Chúa.
Alleluia:
Dt 1, 1-2
Alleluia,
alleluia! - Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã dùng các tiên tri mà
phán dạy cha ông, nhưng đến thời sau hết, tức là trong những ngày này, Người đã
phán dạy chúng ta nơi người Con. - Alleluia.
Phúc
Âm: Lc 2, 16-21
"Họ
đã gặp thấy Maria, Giuse và hài nhi... và tám ngày sau người ta gọi tên Người
là Giêsu".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi
ấy, các mục tử ra đi vội vã đến thành Bêlem, và gặp thấy Maria, Giuse và hài
nhi mới sinh nằm trong máng cỏ. Khi thấy thế, họ hiểu ngay lời đã báo về hài
nhi này. Và tất cả những người nghe, đều ngạc nhiên về điều các mục tử thuật lại
cho họ.
Còn
Maria thì ghi nhớ tất cả những việc đó và suy niệm trong lòng. Những mục tử trở
về, họ tung hô ca ngợi Chúa về tất cả mọi điều họ đã nghe và đã xem thấy, đúng
như lời đã báo cho họ.
Khi
đã đủ tám ngày, lúc phải cắt bì cho con trẻ, thì người ta gọi tên Người là
Giêsu, tên mà thiên thần đã gọi trước khi con trẻ được đầu thai trong lòng mẹ.
Ðó
là lời Chúa.
Suy
Niệm:
Tâm Tình Hòa Bình
Những
bài Kinh Thánh chúng ta vừa nghe đọc cho thấy Lễ này có nhiều khía cạnh. Từ
ngàn xưa khi mừng Lễ Chúa Giáng Sinh, Dân Chúa vẫn chú tâm đến Ðức Mẹ và không
ngớt chiêm ngưỡng khuôn mặt của Người nơi máng cỏ. Có thể nói, Mùa Giáng sinh
cũng là mùa lễ Ðức Mẹ. Nhưng riêng ngày 1 tháng Giêng hôm nay, Phụng vụ nhiều
khi lúng tún: khi thì chú trọng đến việc cắt bì và đặt tên cho Hài Nhi, khi lại
muốn tôn kính đặc biệt Ðức Thánh Mẫu. Ðức Phaolô VI lại thêm cho ngày này một ý
nghĩa xã hội và đặt tên là Ngày Hòa Bình Thế Giới. Suy nghĩ của chúng ta có lẽ
nên bao gồm cả ba khía cạnh đó để Ngày Lễ hôm nay được cử hành một cách phong
phú.
1.
Cắt Bì Và Ðặt Tên Cho Hài Nhi
Trong
Thánh Lễ Nửa Ðêm Giáng sinh, Phụng vụ đọc cho ta nghe bài Tin Mừng Luca. Tác giả
thuật lại câu chuyện Chúa ra đời một cách chính xác khiến ta thấy rõ lịch sử
tính của Tin Mừng. Nhưng Luca đã dùng một từ ngữ, mà những người có kiến thức đạo
đức nông cạn đã không hiểu gì. Luca nói: Ðức Maria đã sinh con đầu lòng, lấy
khăn bọc lại rồi đặt vào máng cỏ. Có người đã nói: vì sao lại nói là "con
đầu lòng"? Ðức Maria có sinh người con nào khác nữa đâu! Tốt hơn và chính
xác hơn nên nói là "Con Một". Suy nghĩ như thế cũng đúng thôi, và
khoa học đấy,nhưng lại không đạo đức như Luca là một tác giả Sách Thánh. Chữ
"Con đầu lòng" dùng trong Tin Mừng gợi lên nhiều âm vang trong Cựu Ước,
đặc biệt các đoạn sách liên quan tới việc Chúa đưa dân ra khỏi Aicập. Ngày ấy,
thần sứ nhà Trời đã đi qua nước này và giết hết các con trai đầu lòng người Aicập
và bỏ qua các con trai đầu lòng người Dothái. Từ đó, cả dân được cứu vớt được
coi như con đầu lòng của Chúa và mọi con trai đầu lòng người Dothái phải được
hiến thánh cho Ngài để trở thành của Ngài, đến nỗi gia đình phải dâng một đôi
chim hay một con chiên nhỏ cho Ðền Thờ để thế lại rồi mới được đem đứa con đầu
lòng về lại gia đình.
Vậy,
khi dùng từ ngữ "con trai đầu lòng" để nói về Hài Nhi mà Ðức Maria vừa
sinh ra, Luca muốn cho chúng ta nhìn thấy ngay Hài Nhi về phương diện đạo đức.
Ðây là Hài Nhi thánh, Hài Nhi của dân thánh, Hài Nhi được hiến thánh, là Con của
Thiên Chúa. Nhất là Luca đã viết trong bài Truyền tin rằng: Thánh Thần đến phủ
bóng trên Ðức Maria; nên Trẻ Người sinh ra sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con
Thiên Chúa. Thế nên Luca đã không dùng từ ngữ "Con Một" để nói về Hài
Nhi Ðức Maria vừa sinh ra; ông đã dùng từ ngữ "con đầu lòng" để bao
trùm máng cỏ trong một bầu khí thánh thiện đạo đức.
Và
chúng ta cũng phải nhìn việc cắt bì và đặt Tên cho Hài Nhi trong bầu khí thánh
thiện đạo đức ấy. Mọi ý nghĩa tò mò đều không xứng đáng. Người Dothái cử hành
ngày thứ 8 này sau khi đứa trẻ sinh ra, một cách thánh thiện lạ lùng. Họ ý thức
đâu là buổi lễ liên kết gia đình, dòng dõi họ vào Giao ước; họ được gắn liền với
Thiên Chúa để Yavê là Chúa của họ và họ là dân và con của Ngài ở giữa mọi dân
khác chỉ là dân ngoại. Gia đình Hài Nhi ở Bêlem còn cử hành ngày hôm nay đạo đức
hơn nữa. Vì cả Yuse lẫn Maria sẽ phải đặt Tên cho Con Trẻ là Yêsu, như thiên thần
đã dạy. Làm công việc này là vâng theo Ý Chúa, là thực hiện chương trình cứu độ
của Ngài. Ngày hôm nay đáng dùng để suy nghĩ về các Ngài và đặc biệt về Ðức
Maria.
2.
Ðức Maria, Mẹ Thiên Chúa
Còn
tước hiệu nào hợp hơn để nói về Ðức Maria trong hoàn cảnh này bằng tước hiệu Mẹ
Thiên Chúa? Dĩ nhiên những lạc giáo ở những thế kỷ III-IV đã khiến Phụng vụ nhấn
mạnh đến khía cạnh này. Nhưng như vậy cũng chỉ đúng với sự thật thôi! Nhìn Ðức
Maria nơi máng cỏ, ai không thấy Người là Mẹ? Và sở dĩ máng cỏ được chúng ta
chú ý và các thế hệ loài người nhìn ngắm, là vì Hài Nhi nằm đó không phải là một
trẻ thường. Cả Luca, cả Yoan và cả Matthêô chỉ nói về Hài Nhi này như là một Trẻ
Thánh. Luca dù tả chính xác câu chuyện Chúa sinh ra với những chi tiết thật cụ
thể, vẫn gọi Hài Nhi là "con đầu lòng" như chúng ta đã nói ở trên và
vẫn thêm cả một khúc trong bài tường thuật để làm nổi bật tính cách thần linh
trong việc Giáng sinh này. Yoan thì rõ ràng xác định: Hài Nhi chính là Ngôi Lời
trở thành nhục thể. Và chúng ta cử hành Phụng vụ Giáng sinh để cùng với các
thiên thần trên trời thờ lạy người Con mà Chúa Cha vừa sinh ra ở đời. Vậy, Hài
Nhi nơi máng cỏ đã là Ðấng Thánh, là Con Thiên Chúa và là chính Ngôi Lời Thiên
Chúa hóa thân làm người, thì Ðức Maria, mẹ Người, cũng thật là Thánh Mẫu và là
Mẹ Thiên Chúa.
Ðừng
sợ tước hiệu này xúc phạm đến Thiên Chúa Cao Cả. Ngài đã chấp nhận giáng trần để
trở nên như chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi; Ngài chấp nhận mọi luật lệ
sinh sống, đau khổ và tử nạn, thì tại sao ta lại sợ nói phạm đến Ngài khi bảo
Ngài là con của một người mẹ? Ngài đã gọi chúng ta là anh em và muốn là bạn hữu
của mọi người; và chúng ta lấy đó làm vinh dự, thì chúng ta càng không có lý
khi không muốn tuyên xưng Ðức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Suy nghĩ kỹ, chúng ta chỉ
có thể thấy đây là một vinh dự lớn lao cho một người trong loài người chúng ta.
Chúng ta phải hân hoan chúc tụng Mẹ là Ðấng đầy ơn phúc. Chúng ta cảm mến Mẹ và
nhất là muốn theo gương Mẹ để có tâm hồn, tâm tình và thái độ đạo đức như Mẹ.
3.
Tâm Tình Hòa Bình
Trong
bài Tin Mừng Luca hôm nay, Mẹ hiện ra như là một từ mẫu ghi sâu tất cả những điều
về Con và suy đi nghĩ lại trong lòng. Chúng ta quen nhìn thái độ ấy một cách đạo
đức và có lý để coi Mẹ như là gương mẫu về sự chiêm niệm và cầu nguyện. Nhưng
chúng ta cũng đừng quên nhìn thái độ ấy một cách tự nhiên hơn, để thấy Ðức
Maria là một bà mẹ như hết mọi bà mẹ, ghi nhớ tất cả những điều gì về Con và gẫm
suy những điều đó trong lòng. Quả thật, người mẹ nào không tự hỏi về tương lai
của đứa con? Bất cứ dấu hiệu nào cũng khiến người mẹ suy nghĩ. Ðức Maria không
suy đi nghĩ lại sao được khi thấy các mục đồng đến thăm và kể chuyện về việc
các thiên thần hiện ra ban đêm? Và Người có thể nào không suy nghĩ về tiếng
"Yêsu" mà từ nay theo lệnh sứ thần, Người sẽ dùng để gọi Con mình.
Chính sứ thần đã giải thích trong buổi Truyền tin: "Bà sẽ gọi Con Trẻ là
Yêsu. Người sẽ làm lớn và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Chính Chúa là Thiên
Chúa sẽ ban cho Người ngai vua Ðavit cha Người và Người sẽ cai trị trong nhà
Yacob đến muôn đời". Những lời đó không đơn sơ dễ hiểu. Nội dung chắc chắn
vô cùng phong phú. Maria dĩ nhiên phải suy đi nghĩ lại.
Hôm
nay các mục đồng lại kể thêm về các lời của thiên sứ. Hài Nhi trong máng cỏ sẽ
là Cứu Thế, nên các thiên thần đã xướng ca: Vinh quang Thiên Chúa trên trời.
Bình an dưới thế cho người Chúa thương. Như vậy, Yêsu Con của Ðức Maria thực hiện
lời tiên tri hứa cùng nhà Ðavít. Người sẽ đem lại hòa bình cho Dân Chúa và vinh
quang cho Chúa Trời. Ðức Maria hôm nay gẫm suy những điều ấy. Và Ðức Phaolô VI
khuyên ta hằng năm hãy dùng Ngày Ðầu Năm Dương lịch này để suy nghĩ về hòa bình
thế giới.
Chúng
ta đã ra khỏi những năm chiến tranh. Chúng ta vẫn còn nhiệm vụ phải suy nghĩ về
hòa bình. Hòa bình không phải chỉ là hết chiến tranh. Hòa bình còn là xây dựng
bình đẳng, ấm no, thịnh vượng, hạnh phúc nữa. Phần tích cực có thể nói còn gồm
nhiều mặt hơn phần tiêu cực là hết chiến tranh. Vả lại hết chiến tranh cũng phải
là đã hết những hậu quả của chiến tranh là những thương tích, đổ vỡ vật chất và
tinh thần. Chúng ta phải cải tạo cái cũ, xây dựng cái mới. Chúng ta còn có nhiệm
vụ quốc tế và công giáo. Hòa bình hạnh phúc phải là khí thở của mọi người trên
thế giới.
Chúng
ta đóng góp được gì? Hãy suy nghĩ hòa bình như Ðức Maria hằng suy đi nghĩ lại.
Người suy nghĩ về Danh "Yêsu", có nghĩa là Cứu Thế. Danh đó phải được
kêu cầu trên con cái loài người, như bài sách Dân số nói, để phước lộc được đổ
xuống trên các dân. Và phước lộc phong phú cụ thể là chính Thánh Thần yêu mến
mà Thiên Chúa muốn đổ xuống lòng mọi người, như lời thư Galát nói, để khi chúng
ta gọi Chúa là Cha thì thấy mình là anh em với nhau.
Nhưng
làm sao có thể kêu cầu Danh Chúa Yêsu mang lại hòa bình như thế, khi không bắt
chước Ðức Maria mà kêu Danh ấy với tất cả lòng yêu mến dấn thân. Mỗi lần Ðức
Maria gọi tên Yêsu, Người muốn hiến thân để cùng cứu thế. Ðiều đó thật chắc chắn!
Ðiều đó nhắc nhở ta là Kitô hữu phải hiến thân cứu đời, tức là quên mình để sống
vì hạnh phúc của xã hội. Yêu hòa bình thì phải xây dựng công bình bác ái; phải
kiến tạo bình đẳng, ấm no, thịnh vượng, hạnh phúc; phải dứt khoát với mọi hình
thức vinh thân phì gia, sống chết mặc bay miễn là cái tôi ích kỷ được thỏa mãn.
Như vậy, hòa bình đòi phấn đấu và đấu tranh để tiêu diệt các xấu và phát triển
cái tốt. Rất nhiều công tác cụ thể đang ở tầm tay mỗi người. Hết thảy chúng ta
hãy tích cực để chúng ta không chỉ nói hòa bình nhưng muốn xây hòa bình.
Chúng
ta sẽ đáp lại nguyện vọng của Ðức Phaolô VI khi đặt tên cho ngày hôm nay là
Ngày Hòa Bình Thế Giới. Chúng ta sẽ bắt chước Ðức Maria, Mẹ Thiên Chúa, hôm nay
suy nghĩ về Danh Ðức Yêsu, muốn hiến thân cùng cứu thế với Người. Chúng ta sẽ
thể hiện ý nghĩa của mầu nhiệm Thánh Thể sắp cử hành, khi đem thân, đem máu
mình ra để hủy diệt cái cũ, xây dựng cái mới cho muôn người được cứu độ.
(Trích
dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của
Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Ngày 1 tháng 1, Lễ Mẹ Thiên Chúa, Năm ABC
Bài đọc: Num 6:22-27; Gal 4:4-7; Lk
2:16-21.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Lời chúc lành tốt đẹp nhất của
Năm Mới.
Trong
Ngày Đầu Năm, chúng ta có thói quen chúc cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất,
tùy vào những gì mà người khác muốn nghe; chẳng hạn, đối với các thương gia:
phú quí, thịnh đạt; đối với các sinh viên sắp ra trường: thành công và thắng lợi
trên đường công danh; đối với nhà nông: mùa màng trù phú; đối với người bệnh: sức
khỏe lành mạnh. Nhưng đâu là lời chúc tốt đẹp và hòan hảo nhất của Ngày Đầu
Năm? Các tín hữu tin đó là lời chúc có được Thiên Chúa; lý do của niềm tin này:
có Chúa là có tất cả. Hơn nữa, chưa chắc có được những gì người khác chúc là đã
tốt lành, chẳng hạn như được trúng số mà gia đình tan nát; nhưng nếu được những
gì Thiên Chúa ban, chắc chắn sẽ tốt lành cho người lãnh nhận, vì Ngài biết con
người cần gì.
Các
Bài đọc của Ngày Đầu Năm tập trung trong các ơn lành đến từ Thiên Chúa. Trong
Bài Đọc I, Thiên Chúa dạy cho Aaron biết cách chúc lành cho con cái Israel: phải
nhân danh Thiên Chúa, phải xin Thiên Chúa tươi mặt nhìn đến và dủ lòng thương,
phải xin Thiên Chúa ghé mắt nhìn đến và ban bình an. Trong Bài Đọc II, Thiên
Chúa đã tỏ tình yêu của Ngài qua Mầu Nhiệm Nhập Thể: Ngài không những giải
thóat con người khỏi tội, ban cho con người diễm phúc được làm nghĩa tử, và còn
ban Thánh Thần để thúc đẩy con người gọi Thiên Chúa là Abba, Cha ơi! Trong Phúc
Âm, Thiên Chúa đã ban cho con người, đại diện qua Thánh Giuse, Đức Mẹ Maria, và
các Mục-đồng được nhìn thấy Mặt của Thiên Chúa. Vì thế, khi con người có được
Thiên Chúa, được Ngài đóai thương nhìn tới, con người sẽ không còn thiếu một ân
huệ nào nữa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Lời chúc tốt đẹp nhất:
Xin Thiên Chúa đóai thương nhìn tới anh em!
1.1/
Phải nhân danh Thiên Chúa mà chúc lành: Đức
Chúa phán với ông Moses: "Hãy nói với Aaron và các con nó rằng: Khi chúc
lành cho con cái Israel, anh em hãy nói thế này: "Nguyện Đức Chúa chúc
lành và gìn giữ anh em!””
Theo
truyền thống Do-Thái, tên là người. Danh của Thiên Chúa, Yaweh, đồng nhất với
lòng thương xót, sự tốt lành, và sự bình an. Khi Thiên Chúa hiện ra với ông
Moses, Người đã mặc khải tên này cho Moses. Khi chúng ta lấy tên ai để kêu cầu,
chúng ta muốn đặt những lời cầu xin dưới sự bảo trợ của người đó; chẳng hạn,
khi chúng ta kết thúc lời cầu xin bằng câu: “chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô,
Chúa chúng con. Amen;” là chúng ta đặt lời cầu dưới sự bảo trợ của Đức Kitô.
Trong đọan văn hôm nay, Thiên Chúa cũng bảo đảm điều này: “Chúc như thế là đặt
con cái Israel dưới quyền bảo trợ của danh Ta, và Ta, Ta sẽ chúc lành cho
chúng.”
1.2/
Xin Thiên Chúa ghé mặt nhìn tới: “Nguyện
Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em và dủ lòng thương anh em! Nguyện Đức Chúa
ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em!" Truyền thống Do-Thái tin: Chúa
nhìn thấy con người, nhưng con người không thể nhìn thấy Thiên Chúa. Ai nhìn thấy
Thiên Chúa sẽ phải chết. Khi Chúa nhìn đến ai, người đó được Ngài chúc lành; ví
dụ, Mẹ Maria ca ngợi Thiên Chúa: “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đóai thương nhìn tới.”
Ngược lại, khi Thiên Chúa ngỏanh mặt đi, hay nhìn đến với nét mặt không tươi,
người đó bị chúc dữ.
2/
Bài đọc II: Chúa Giêsu làm cho
con người nên công chính trước mặt Thiên Chúa.
2.1/
Thiên Chúa cho Con của Người nhập thể để cứu chúng ta khỏi Lề Luật: “Nhưng khi thời gian tới hồi
viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống
dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn
làm nghĩa tử.”
Tại
sao phải cứu con người thóat khỏi Lề Luật? Vì Lề Luật mà con người phạm tội,
không chu tòan những gì Lề Luật dạy. Hậu quả của tội là sự chết. Con người
không thể nên công chính trước mặt Thiên Chúa bằng Lề Luật. Để cứu con người
thóat khỏi sự chết, hậu quả của Lề Luật, Thiên Chúa đã cho Người Con nhập thể
trong cung lòng một con người, Đức Mẹ Maria, để sinh ra làm người. Chính Người
Con này sẽ gánh tất cả tội cho con người; vì thế, con người có thể trở nên công
chính trước mặt Thiên Chúa. Khi Người Con cất đi mọi tội, Ngài đã vô hiệu hóa Lề
Luật - làm cho Lề Luật không còn giam hãm con người nữa.
2.2/
Thiên Chúa nhận chúng ta làm nghĩa tử qua Chúa Giêsu: Không những chỉ giải phóng con
người khỏi tội, Chúa Giêsu còn ban cho con người muôn vàn ân phúc qua Mầu Nhiệm
Nhập Thể. Thánh Phaolô nói: “Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai
Thánh Thần của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: "Abba, Cha
ơi!" Vậy anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con
thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa.”
(1)
Ơn làm con Thiên Chúa:
Nhờ Chúa Giêsu, con người trở thành những người con của Thiên Chúa bằng niềm
tin vào Đức Kitô, như Thánh Gioan nói: “Còn những ai đón nhận, tức là những ai
tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa. Họ được sinh
ra, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước
muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa” (Jn 1:12-13). Đã là con, cũng
là người thừa kế. Con người được thừa hưởng tất cả những gì Thiên Chúa ban qua
Đức Kitô, nhất là ơn được sống đời đời.
(2)
Các ơn của Chúa Thánh Thần: Để
có thể tin vào Đức Kitô, và gọi Thiên Chúa là Abba, Cha ơi! con người phải được
Chúa Thánh Thần tác động. Nếu đã có Thánh Thần, con người sẽ không thiếu những
ơn lành của Ngài, cách cụ thể là 7 ơn của Chúa Thánh Thần.
3/
Phúc Âm: Các Mục-đồng đến thờ
lạy Hài Nhi.
3.1/
Ba phản ứng của các Mục-đồng: Sau
khi được các Thiên-thần loan báo Tin Mừng, các Mục đồng đã đáp lại bằng 3 phản ứng:
(1)
Họ đi tìm và đã thấy: Trình
thuật kể: “Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp Bà Maria, Ông Giuse, cùng với
Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ
về Hài Nhi này.” Con người chúng ta cũng phải hối hả và nhiệt thành như các Mục-đồng
trong việc tìm kiếm Thiên Chúa; vì nếu không lên đường đi tìm, làm sao chúng ta
có thể thấy Ngài được. Yếu điểm của nhiều người chúng ta là nhiệt thành tìm kiếm
mọi điều, nhưng không nhiệt thành trong việc tìm kiếm và học hỏi về Thiên Chúa.
Với một thái độ như thế, không lạ gì khi chúng ta vẫn còn xa cách Thiên Chúa vạn
dặm!
(2)
Họ tôn vinh ca tụng tình yêu Thiên Chúa: “Rồi
các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều
họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ.” Không có niềm vui
nào lớn hơn niềm vui của người đã cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa. Các Mục-đồng
chắc chắn đã được Hài Nhi cho cảm nghiệm được tình yêu này, khi họ chiêm ngắm
Ngài. Chúng ta đã cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa khi chiêm ngắm Hài
Nhi trong máng cỏ chưa?
(3)
Phải rao giảng và làm chứng cho tình yêu này: “Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên.” Một
khi đã cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa, con người trở thành khí cụ ca rao tình
yêu của Thiên Chúa cho muôn người. Thánh Phanxicô Khó Khăn chỉ có thể hát lên
“Kinh Hòa Bình” sau khi đã cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa dành cho ngài. Nếu
các tín hữu đều phản ứng như các Mục-đồng hôm nay, chẳng mấy chốc mọi con người
trong thế giới này sẽ cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa.
3.2/
Mẹ Maria ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy để suy đi nghĩ lại trong lòng: Một gương sáng Đức Mẹ dạy cho
con người: đứng trước Mầu Nhiệm Nhập Thể, chúng ta đừng nói nhiều, nhưng hãy
ghi nhận mọi sự kiện xảy ra và suy niệm trong lòng. Như một con người, có rất
nhiều điều Mẹ có thể hỏi và kêu ca trách Thiên Chúa trong ngày sinh của Chúa
Giêsu; chẳng hạn: Con Thiên Chúa mà lại sinh ra trong cảnh khó nghèo như vậy
sao? Uy quyền của Thiên Chúa đâu mà để cho Con Ngài mới sinh ra đã phải chạy nạn
rồi? Không phải chỉ lúc sinh con, nhưng trong suốt cả cuộc đời, Mẹ đã chứng kiến
cuộc sống của Chúa Giêsu: khi thì rất uy quyền làm các phép lạ như tại tiệc cưới
Cana, khi thì cô đơn bại trận như lúc sinh thì trên Thánh Giá. Mẹ có thể hỏi
Thiên Chúa những lý do tại sao, nhưng Mẹ đã chọn sự thinh lặng và hòan tòan tin
tưởng vào Kế Họach và tình yêu của Thiên Chúa cho gia đình Mẹ.
3.3/
Đặt tên cho con trẻ là Jesus: Tên Jesus trong
tiếng Do-Thái có nghĩa là “Jaweh cứu thóat,” đó là tên mà Sứ-thần đã truyền đặt
cho Người trước khi Người được thụ thai trong lòng mẹ (Lk 1:31). Trong Cựu-Ước,
cũng có một nhân vật mang tên này là Thủ Lãnh Joshua. Ông được chọn để thay
Moses mang dân vào Đất Hứa (Num 13:6). Giống như Joshua, Chúa Giêsu cũng được
Chúa Cha tuyển chọn để cứu nhân lọai khỏi tội, và mang họ đế cuộc sống đời đời
trên Thiên Đàng. Khi ban cho chúng ta Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã sống đúng với
Danh của Ngài là Thiên Chúa Thương Xót.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Trong Ngày Đầu Năm, chúng ta hãy dùng danh Đức Kitô mà chúc cho nhau được Thiên
Chúa đóai thương nhìn tới.
-
Vì Thiên Chúa đóai thương, nên Người ban cho chúng ta Người Con Một của Ngài, để
gánh tội và để cho chúng ta thành những người con của Ngài.
-
Thuở xưa, con người không được phép nhìn mặt Thiên Chúa; nhưng qua Biến Cố Nhập
Thể, con người có thể chiêm ngưỡng dung nhan Thiên Chúa qua khuôn mặt của Chúa
Hài Nhi.
-
Với nền kinh tế bấp bênh của thế giới và của quốc gia chúng ta đang định cư,
chúng ta không biết tương lai sẽ thế nào; nhưng chúng ta biết chắc chắn một điều:
“những người được Thiên Chúa đóai thương, sẽ chẳng thiếu chi những điều tốt
lành và bình an.”
-
Cầu chúc quí khán giả khắp nơi luôn hăng hái nhiệt thành trong việc học hỏi Lời
Chúa, và luôn sống trong tình yêu và ơn thánh của Ngài. Chúng con cầu xin nhờ
Danh Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
Linh
mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH
(26/12 đến 1/1)
(Kết
thúc tuần Bát Nhật GS)
Lc
2,16-21
A.
Hạt giống...
Bài
Tin Mừng này trình bày 2 thái độ khác hẳn nhau : a/ Thái độ của những người
chăn chiên là tíu tít kể chuyện ; b/ Thái độ của Đức Maria là ghi nhớ mọi
sự và suy niệm trong lòng.
B....
nẩy mầm.
1.
“Đức Maria đã thinh lặng không chỉ lúc này, nhưng trong suốt cuộc đời Người. Được
làm Mẹ Thiên Chúa nhưng chung quanh Người chẳng có mấy ai biết đến tước hiệu
này... Tại Cana, Người đã nhẹ nhàng báo cho Chúa Giêsu biết bữa tiệc không còn
rượu nữa. Trong cuộc đời công khai của Chúa, Người đã âm thầm theo bước chân Con.
Và bên Thánh giá, trong nỗi đau đớn tột cùng, Người đã chứng kiến những giờ
phút cuối cùng của Con. Có thể nói Người đã sống tâm tình của một nữ tì khiêm tốn.
Người chỉ muốn phục vụ trong âm thầm, còn vinh quang danh dự thì Người xin dành
cho người khác. Trong một thế giới có quá nhiều tiếng động : tiếng động của
bom đạn, của tranh chấp, của bạo lực, chúng ta hãy bắt chước thái độ thinh lặng
và lắng nghe của Đức Maria, nhờ đó chúng ta sẽ tìm được bình an trong tâm hồn
và tạo được hòa khí trong tương quan với tha nhân” (Trích "Mỗi ngày một
tin vui").
2.
Thánh Luca khám phá đặc điểm của Mẹ Thiên Chúa là “ghi nhớ những kỷ niệm đó và
suy đi nghĩ lại trong lòng”. Tuy là mẹ của Chúa Giêsu nhưng ban đầu Đức Mẹ
không hiểu hết về con mình. Tuy không hiểu nhưng nhờ “ghi nhớ và suy đi nghĩ lại”
nên sau cùng Mẹ đã rất hiểu Ngài. Huống chi chúng ta : chúng ta là môn đệ
Chúa, là con Chúa, chúng ta càng cần phải ghi nhớ và suy đi nghĩ lại những kỷ
niệm về Chúa thì mới hiểu được Ngài.
3.
Một bài hát kia có một tựa đề rất gợi ý, là “The sound of silent”, tiếng của
thinh lặng. Phải, thinh lặng nói với ta rất nhiều điều. Ta thử thinh lặng để
“suy đi nghĩ lại” về những sự việc chung quanh việc Chúa Giáng sinh, để coi xem
ta nghe được gì.
4.
Một người da đỏ cùng đi với một người da trắng trên đường. Người da đỏ bỗng vỗ
vai người da trắng, hỏi
-
Anh có nghe gì không ?
Người
da trắng hết sức lóng tai nghe, rồi đáp
-
Tôi chẳng nghe gì cả.
-
Có mà, tôi nghe tiếng một con dế gáy.
-
Làm gì mà có con dế nào giữa đường phố nhộn nhịp như thế này ? Mà cho dù
có đi nữa thì làm sao anh nghe được tiếng nó giữa bao tiếng ồn ào của xe cộ và
người qua kẻ lại ?
Người
da đỏ không thèm trả lời. Anh đi đến một bức tường bên vệ đường. Bức tường đã
cũ. Nhiều dây leo chằng chịt trên đó. Anh vạch đám dây leo sang một bên. Một lỗ
trống hiện ra, trong đó rõ ràng có một con dế đang gáy.
Người
da trắng thán phục :
-
Dân da đỏ các anh có lỗ tai thính hơn dân da trắng chúng tôi nhiều.
-
Không phải thế đâu. Để tôi thử cái này cho anh xem.
Người
da đỏ lấy trong túi ra một đồng tiền kẽm, thảy xuống mặt đường. Tiếng đồng tiền
lăn len ken khiến mọi người đi đường ngoái đầu nhìn lại. Liền đó người da đỏ giải
thích :
-
Tiếng của đồng tiền kẽm nhỏ hơn tiếng dế kêu rất nhiều. Thế mà mọi người da trắng
đều nghe được. Còn tiếng con dế lớn hơn nhưng chỉ có tôi nghe được. Không phải
ai thính tai hơn ai cả. Sự thực chính là chúng ta chỉ nghe được tiếng của những
thứ chúng ta thường quan tâm để ý (Willi Hoffsemmer).
5.
“Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Maria, ông Giuse cùng với Hài nhi đặt
nằm trong máng cỏ” (Lc 2,16)
Một
buổi sáng Chúa nhật, ngày đẹp nhất trong tuần, tôi đến nhà thờ dự lễ và ngao
ngán với một bài giảng quá dài, lại chẳng có gì hấp dẫn… Chúa nhật sau, anh hẹn
đưa tôi đi chơi. Tôi náo nức chờ đợi, đợi cờ từng phút giây, mong tới giờ hẹn.
Và chúng tôi đã lên đường… bỏ lại đàng sau không buồn luyến tiếc : ngôi
thánh đường và cả Chúa Giêsu nữa !
Tôi
là thế đó, chỉ muốn làm những gì mình thích và thích làm những điều thật vĩ đại.
Còn Mẹ Maria thì chọn những gì Chúa muốn và để cho Ngài làm nên những điều cao
cả. Nếu như Thiên Chúa cần một người mẹ cho Ngôi Lời nhập thể thì Mẹ đã cất tiếng
xin vâng để trần gian được cứu độ. Và trong nữ giới, Mẹ thành người diễm phúc
nhất.
Lạy
Mẹ Maria, Mẹ đã chọn phần tuyệt hảo là lắng nghe và tuân giữ lời Chúa. Xin cho
con hằng noi gương Mẹ mà gắn bó cùng Chúa trọn đời. (Epphata)
Lm.Carolo
HỒ BẶC XÁI
01/01/15 THỨ NĂM ĐẦU
THÁNG TUẦN BÁT NHẬT GS
Đức Ma-ri-a, Mẹ Thiên Chúa
Lc 2,16-21
Đức Ma-ri-a, Mẹ Thiên Chúa
Lc 2,16-21
Suy niệm: Mỗi
năm các tạp chí danh tiếng trên thế giới lại chọn những nhân vật quyền lực nhất
trong năm qua. Trong số 72 nhân vật của năm 2014, ta nhận thấy đa số là các
nguyên thủ các cường quốc, các tổng giám đốc điều hành những tập đoàn lớn, các
tỷ phú. Năm nay (2014), Đức giáo hoàng Phanxicô được xếp thứ tư trong số các
nhân vật danh giá ấy. Ngày đầu năm mới, Hội Thánh long trọng mừng kính Đức
Maria như nhân vật quyền lực, ảnh hưởng nhất với người Kitô hữu trong năm mới
cũng như mọi năm. Người mẹ Đức Giêsu được gọi là Mẹ Thiên Chúa, một tước hiệu quá
cao quý, vượt quá mọi trí óc siêu phàm nào. Thế nhưng, người Mẹ Thiên Chúa ấy
lại ảnh hưởng đến ta trong tư thế của một nữ tỳ của Thiên Chúa: mau mắn, vui vẻ
vâng lời Thiên Chúa, và suy đi nghĩ lại về chương trình của Thiên Chúa để làm
theo ý Ngài.
Mời Bạn: “Khi nào cảm thấy đau buồn, bạn
hãy cầu xin cùng Đức Mẹ theo lời kinh đơn sơ này: ‘Lạy Mẹ Maria, Mẹ Chúa Giêsu,
xin hãy là ngươi mẹ với con bây giờ đây.’ Tôi phải thú nhận rằng lời cầu nguyện
này chưa bao giờ làm tôi thất vọng” (Mẹ Têrêxa Calcutta). Hãy chạy đến với Đức
Maria, bạn sẽ vượt qua mọi thách đố cuộc đời.
Sống Lời Chúa: Tôi
tập ảnh hưởng tích cực đến người khác bằng cách nỗ lực sống tinh thần vâng theo
thánh ý Chúa như Đức Maria.
Cầu nguyện: “Lạy Mẹ Maria, xin ban cho con quả tim của Mẹ: quả tim xinh đẹp,
tinh tuyền, không tì vết. Quả tim tràn đầy tình yêu và khiêm tốn ấy giúp con có
thể đón nhận Chúa Giêsu trong Bánh Sự Sống, yêu mến và phục vụ Ngài nơi người
nghèo” (Mẹ
Têrêxa).
GHI NHỚ VÀ SUY NIỆM TRONG LÒNG
Để đi vào mầu nhiệm cách
sâu xa, cần ơn soi sáng của Chúa, Nhưng cũng cần thái độ chiêm niệm, nghiền ngẫm
trong lặng thinh.
Suy niệm:
Làm người ai cũng cần có mẹ.
Mẹ là người cưu mang, sinh ra và dưỡng nuôi con cho
khôn lớn.
Khi Con Thiên Chúa làm người, mang lấy trọn phận người,
Ngài cũng cần một người mẹ, như bao người khác.
Mẹ Maria là thiếu nữ, là trinh nữ được Thiên Chúa tuyển
chọn,
Để thụ thai và sinh hạ Con Một Thiên Chúa.
Khi Công đồng Êphêsô (năm 431) gọi Đức Maria là Mẹ
Thiên Chúa,
Công đồng không có ý dạy
Đức Mẹ sinh ra Chúa Cha hay Chúa Thánh Thần.
Đức Mẹ chỉ sinh ra Đức Giêsu,
Mà Đức Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể,
Nên Mẹ thực sự là Mẹ Thiên Chúa (Theotokos).
Chắc Mẹ Maria không thể hiểu hết và hiểu ngay
Màu nhiệm lớn lao mà Mẹ đang cưu mang trong dạ.
Khi các mục đồng kể lại những điều huy hoàng họ nghe
thấy ở Belem,
Mẹ Maria ghi nhớ tất cả những điều ấy và suy đi nghĩ lại
trong tim mình.
Để đi vào mầu nhiệm cách sâu xa, cần ơn soi sáng của
Chúa,
Nhưng cũng cần thái độ chiêm niệm, nghiền ngẫm trong lặng
thinh.
Chúng ta thường để ý đến biến cố Truyền Tin và biến cố
Giáng Sinh,
biến cố Ngôi Lời bắt đầu hiện hữu trong lòng mẹ và biến
cố chào đời.
Nhưng chúng ta không được quên chín tháng Mẹ cưu mang
người Con.
Con Thiên Chúa đã lớn lên từ từ trong lòng Mẹ như các
thai nhi khác.
Muốn sinh Đức Giêsu cho thế giới hôm nay,
Chúng ta cũng cần nhiều thời gian để cưu mang Ngài
trong cuộc đời ta,
để Ngài trở nên đủ cứng cáp khi chào đời.
Chúng ta cũng phải chấp nhận cả sự đau đớn khi sinh hạ.
Bước qua một Năm Mới, mở trang đầu của cuốn lịch mới,
Chúng ta mong những điều mới mẻ tốt lành xảy đến cho
mình
Và muốn tặng cho nhau một câu chúc đầy ý nghĩa:
“Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh
em!” (Ds 6, 26).
Cầu
nguyện:
Lạy
Mẹ Maria,
khi đọc Phúc Âm,
lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường.
Mẹ đi giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Ðức Giêsu.
Mẹ đưa con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ.
Mẹ tìm Con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana.
Mẹ đi thăm Ðức Giêsu khi Ngài đang rao giảng.
Và cuối cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ.
khi đọc Phúc Âm,
lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường.
Mẹ đi giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Ðức Giêsu.
Mẹ đưa con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ.
Mẹ tìm Con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana.
Mẹ đi thăm Ðức Giêsu khi Ngài đang rao giảng.
Và cuối cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ.
Mẹ
lên đường để đáp lại một tiếng gọi
âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong,
từ con người hay từ Thiên Chúa.
Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Ðức Giêsu
trong mọi bước đường của cuộc sống.
Chẳng phải con đường nào cũng là thảm hoa.
Có những con đường đầy máu và nước mắt.
âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong,
từ con người hay từ Thiên Chúa.
Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Ðức Giêsu
trong mọi bước đường của cuộc sống.
Chẳng phải con đường nào cũng là thảm hoa.
Có những con đường đầy máu và nước mắt.
Xin
Mẹ dạy chúng con
đừng sợ lên đường mỗi ngày,
đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa
dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly.
đừng sợ lên đường mỗi ngày,
đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa
dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly.
Xin
giữ chúng con luôn đi trên Ðường-Giêsu
để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ
đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa.
để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ
đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa.
Lm
Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
1
THÁNG GIÊNG
Lời
Kinh Dâng Hiến
Mẹ
Ơi!
Chúng
con xin dâng hiến
chính
mình chúng con cho Mẹ,
vì
Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ chúng con;
vì
Chúa Giê-su, Con Mẹ, đã ký thác chúng con cho Mẹ;
vì
Mẹ sẵn lòng nhận làm Mẹ Giáo Hội.
Từ
muôn nẻo, tất cả chúng con sum họp về đây,
hòa
lời kinh dâng hiến.
Xin
dâng Mẹ toàn thể Giáo Hội:
các
mục tử và các tín hữu.
Xin
Mẹ đón nhận các giám mục – là những vị nối gót Chúa Chiên Lành săn sóc đoàn dân
được Ngài trao phó;
Xin
Mẹ đón nhận các linh mục – là những người đã được xức đầu bởi Thánh Thần;
Xin
Mẹ đón nhận các tu sĩ nam nữ – là những người tận hiến cuộc đời cho Nước Chúa
Kitô;
Xin
Mẹ đón nhận các chủng sinh – đang nồng nhiệt đáp lại tiếng gọi của Chúa;
Xin
Mẹ đón nhận các đôi vợ chồng Kitôhữu – trong mối kết hiệp bền vững của tình yêu
trao hiến cho nhau và cho gia đình họ;
Xin
Mẹ đón nhận các anh chị em giáo dân đang dấn thân hoạt động tông đồ, các bạn trẻ
đang khao khát một xã hội mới, các em thiếu nhi đang lớn lên trong một thế giới
còn thiếu nhân đạo và hòa bình;
Xin
Mẹ đón nhận các bệnh nhân, những người nghèo, những tù nhân, những anh chị em bị
ngược đãi, các trẻ mồ côi, những tâm hồn tuyệt vọng và những người hấp hối.
Lạy
Mẹ là Mẹ Giáo Hội,
Chúng
con ẩn náu trong sự chở che của Mẹ;
Chúng
con phó thác chính mình trong bàn tay săn sóc của Mẹ.
Xin
Mẹ cầu bàu cho Giáo Hội,
để
Giáo Hội trung thành
trong
đức tin tinh tuyền,
trong
niềm cậy trông không lay chuyển,
trong
lòng mến yêu nồng cháy,
trong
nhiệt tâm tông đồ và sứ mạng,
trong
dấn thân phụng sự cho công lý và hòa bình giữa lòng nhân loại của thế giới đã
được chúc phúc này.
Chúng
con cầu xin Mẹ cho toàn thể Giáo Hội
luôn
gìn giữ mối hiệp thông trọn vẹn trong đức tin và đức ái,
luôn
hiệp nhất với Tòa Thánh Phê-rô trong niềm mến yêu và vâng phục.
Chúng
con ký thác cho Mẹ
hạt
giống rao giảng Tin Mừng của chúng con,
lòng
kiên định ưu tiên yêu mến người nghèo,
và
công cuộc giáo dục đức tin cho thế hệ trẻ.
Xin
Mẹ giúp gia tăng ơn gọi linh mục và tu sĩ,
xin
Mẹ nuôi dưỡng lòng quảng đại của những người cống hiến bản thân mình vì sứ mạng
của Chúa Kitô,
xin
Mẹ giúp xây dựng mối hiệp nhất và cuộc sống thánh thiện trong mọi gia đình.
Lạy
Đức Trinh Nữ Mân Côi, Mẹ chúng con!
Xin
cầu bàu cho chúng con bây giờ:
Xin
ban cho chúng con ơn bình an vô giá,
để
biết thứ tha mọi đố kỵ và xua tan trong lòng mình mọi hiềm khích;
để
hòa giải với mọi anh chị em.
Xin
Mẹ giúp chấm dứt mọi bạo động và loạn lạc;
Xin
cho con người biết sẵn sàng đối thoại với nhau hơn – và biết chung sống thuận
hòa;
Xin
Mẹ giúp chúng con mở ra những nẻo đường mới,
để
mưu cầu công bình và thịnh vượng.
Lạy
Mẹ, là Nữ Vương Hòa Bình của chúng con,
Chúng
con kêu cầu Mẹ, bây giờ và trong giờ sau hết!
Chúng
con ký thác trong tay Mẹ,
tất
cả những nạn nhân của bất công và bạo lực,
tất
cả những người gục chết vì thiên tai,
tất
cả những ai trong giây phút từ giã cõi đời đã chạy đến với Mẹ để nấp bóng bảo
trợ từ mẫu.
Lạy
Mẹ là cửa thiên đàng,
Xin
trở thành sức sống, sự ngọt ngào và hy vọng của chúng con,
để
chúng con được cùng với Mẹ
mãi
mãi chúc tụng tôn vinh
Chúa
Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Amen.
-
suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm.
Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT
UP YOUR HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY
01-01
Đức
Maria Mẹ Thiên Chúa
Ds
6, 22-27; Gl 4,4-7; Lc 2,16-21.
LỜI
SUY NIỆM: “Còn Bà Maria thì hằng ghi nhớ
mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng.”
Qua
các sự kiện, các biến cố và Lời của Chúa. Đức Mẹ đã ghi sâu tận trong tâm hồn,
để suy đi nghĩ lại, để đáp trả lời xin vâng một cách trọn vẹn và hoàn hảo làm đẹp
lòng Thiên Chúa.
Lạy
Chúa Giêsu, Chúa đã ban Đức Mẹ cho chúng con để trở thành Mẹ của Giáo Hội cũng
là mẹ của mọi gia đình chúng con. Xin cho mọi thành viên trong gia đình của
chúng con luôn học biết nơi Đức Mẹ sự đón nhận Lời Chúa và suy đi nghĩ lại để sống
đúng những gì Chúa muốn nơi chúng con.
Mạnh
Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày
01-01: ĐỨC MARIA,
MẸ THIÊN CHÚA
Mẹ
Thiên Chúa, đó là phẩm chức cao cả nhất của Đức Maria, chính phẩm chức cao cả
này là nền tảng mỗi đặc ân khác dành cho Mẹ. Công đồng Vaticano II đã trình bày
các đặc ân liên kết với phẩm chức Thiên Chúa như sau:
· "Không
có gì lạ, nếu các giáo phụ đã thường xưng tụng Mẹ là Đấng toàn thánh, không
vương nhiễm một tội nào, như một tạo vật mới do Chúa Thánh Thần uốn nắn và tác
thành. Tràn đầy thánh thiện, có một không hai ngay từ lúc thụ thai, Đức Trinh Nữ
thành Nazareth được Thiên thần vâng lệnh Chúa đến truyền tin và đã kính chào là
"Đầy ơn phườc" (Lc. 1,28). (GH.59).
· "Được
gìn giữ tinh sạch khỏi mọi vết tội nguyên tổ, và sau khi hoàn tất cuộc đời dưới
thế, Đức Nữ Trinh Vô nhiễm đã được đưa lên hưởng vinh quang trên trời cả hồn lẫn
xác, và được Thiên Chúa tôn vinh làm nữ Vương vũ trụ, để nên giống Con Ngài
cách trọn vẹn hơn" (GH.59).
· "Đức
Maria luôn tiếp tục thiên chức làm Mẹ... Thật vậy, sau khi về trời, vai trò của
Ngài trong việc cứu chuộc không chấm dứt, nhưng Ngài vẫn tiếp tục liên lỉ cầu bầu
để đem lại cho chúng ta những ân huệ giúp chúng ta được phần rỗi đời đời... Vì
thế trong Giáo hội, Đức Trinh Nữ Maria được kêu cầu qua các tước hiệu: trạng
sư, vị bảo trợ, Đấng phù hộ và Đấng Trung gian" (GH.62)
Như
vậy, long trọng mừng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, chúng ta hãy tỏ một niềm tin vững
chắc vào vai trò của Mẹ trong chương trình cứu rỗi nhân loại. Đức Maria là Mẹ
Thiên Chúa vì Ngài đã sinh ra cho chúng ta Thiên Chúa cứu chuộc. Trong buổi
Truyền Tin, chính sứ thần Gabriel đã quả quyết: "Người sẽ thụ thai và sinh
con... trẻ sẽ sắp sinh sẽ được gọi là Đấng Thánh, là Con Thiên Chúa" (Lc
1,31-35). Được Thánh Thần linh hứng, bà Elisabeth cũng đã lên tiếng: "Bởi
đâu tôi được thế này, là mẹ Chúa tôi đến với tôi" (Lc1,43). Niềm tin vào
chức phẩm cao quí là Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria đã có từ đầu Giáo hội. Chính
thánh Phaolô đã viết: "Khi thời viên mãn đến, Thiên Chúa sai con của Người,
sinh bởi người Nữ" (Gl 4,4).
Tiếp
tục niềm tin đã có từ đầu, các tín hữu còn xác tín hơn nữa do biến cố dẫn tới
những xác quyết chắc chắn của Công đồng chung Ephêsô (năm 413). Nestoriô khi ấy
bác bỏ tước hiệu Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria, ông chỉ chấp thuận Đức Maria là Mẹ
Chúa Kitô, vì Ngài chỉ sinh ra xác thể Chúa Kitô thôi, chống lại lời rao giảng
của Giám mục Nestoriô, khoảng hai trăm Giám mục đã họp tại Ephêsô ngày
22.6.431, dưới quyền chủ tọa của Thánh Cyrillô thành Alexandrioa. Công đồng này
kết án Nestoriô và tuyên bố tín điều Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Toàn thể dân
thành đã công khai bày tỏ niềm hân hoan trước thành quả này. Họ tổ chức rước đuốc
để mừng các nghị phụ công đồng. Cũng từ công đồng này mà có phần sau của kinh
Kính mừng: "Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội
khi nay và trong giờ lâm tử".
Hợp
với niềm hân hoan của dân Chúa dịp công đồng Êphêsô bế mạc, niềm tôn kính dâng
lên Mẹ Thiên Chúa ngày một thêm sâu đậm. Vua Giuse Emmanuel nước Bồ Đáo Nha đã
xin ông được đặc ân mừng lễ Mẹ Thiên Chúa. Thánh bộ nghi lễ đã ban bố sắc lệnh
thiết lập ngày 22 tháng giêng năm 1751 và ấn định vào Chúa nhật đầu tháng năm.
Từ đó nhiều nước cũng được hưởng đặc ân này.
Năm
1931, dịp kỷ niệm 1500 năm, công đồng Ephêsô, Đ.G.H Piô XI đã lập lễ Đức Maria
là Mẹ Thiên Chúa, kính trọng thể trong khắp Giáo hội vào ngày 11 tháng 10.
Chính Đức giáo hoàng Piô XI đã viết: - "Tín điều Mẹ Thiên Chúa là một mối
nước mầu nhiệm vô tận, đã tuôn ra mọi đặc ân cho Đức Mẹ và nâng Người lên một địa
vị cao sang tuyệt vời bên Thiên Chúa (Lux Veritatis 1931).
Năm
1962, Đức Giáo hoàng Gioan XXIII đã chọn lễ kính Mẹ Thiên Chúa làm ngày khai mạc
công đồng Vaticanô II.
Đức
giáo hoàng Phaolô VI dời ngày lễ vào đầu năm dương lịch, việc dời ngày kính này
vào ngày thế giới Hòa Bình, nhấn mạnh thêm ý nghĩa lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa
hôm nay.
Đức
giáo hoàng Phaolô VI viết: - "Khi canh tân mùa Giáng sinh, mọi người phải
chú ý đến việc tái lập lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa vào ngày 1 tháng giêng, đúng
phụng vụ Roma từ xưa, nhằm tôn kính việc Đức Maria góp phần vào mầu nhiệm cứu rỗi
và tôn vinh địa vị đặc biệt, khiến cho "Mẹ rất thánh, đáng tiếp nhận Nguồn
sống cho chúng tôi". Lễ này cũng là dịp rất tốt để chúng ta tôn thờ Vua
Hòa Bình mới sinh, và nghe lại lời chúc hoà bình của các thiên sứ (Lc 2,14), để
cầu Chúa, nhờ sự can thiệp của Nữ Vương Hòa Bình, ban cho ta ơn cao cả nhất là
Hòa bình. Vì sự trùng hợp tốt đẹp giữa ngày 1 tháng giêng với ngày thứ tám giáp
Lễ Giáng sinh mà chúng tôi đã đặt ngày đó là ngày thế giới hòa bình, mà thế giới
mỗi ngày càng hưởng ứng thêm, và thành quả của hòa bình đã phát sinh trong lòng
nhiều Người" (ĐGH Phaolô VI. Marialis Cultus, số 5b)
(daminhvn.net)
01
Tháng Giêng
Chiếc Mốc Thời Gian
Cứ
ở mỗi cuối năm, hoặc ở khởi đầu của một năm mới, một thập niên mới, một kỷ
nguyên mới, tạp chí Time có thói quen chọn một người nổi bật nhất trong lịch sử
nhân loại để làm một cái mốc cho thời gian.
Lần
đầu tiên, năm 1927, phi công Hoa Kỳ tên là Charles Lindbergh đã được chọn làm
người của năm. Viên phi công này là người đầu tiên trong lịch sử nhân loại đã
thực hiện một chuyến bay liên tục từ New York sang Paris. Người của năm không
phải chỉ là một đấng mày râu, mà ngay cả phái yếu cũng được chọn vào danh dự ấy.
Trước kia, có nữ hoàng Elizabeth đệ nhị, và năm 1986, tổng thống Aquino của Phi
Luật Tân cũng đã được chọn làm người của năm.
Có
đàn ông, có đàn bà. Có những người xây dựng Hòa bình như Mahatma Gandhi, như
martin Luther King, mà cũng có những người chỉ biết gây đau thương tang tóc cho
nhân loại như Stalin, như Hitler, như Ðặng Tiểu Bình cũng đã từng được chọn làm
người của năm.
Gần
đây, thế giới nhìn vào chủ tịch Gorbachov như gương mặt nổi bật nhất của lịch sử
nhân loại. Năm 1987, ông được chọn làm người của năm vì đã xuất hiện như một biểu
tượng của Hy vọng cho Liên Xô. Và với những thay đổi sâu rộng trong khối Ðông
Âu do chính sách đổi mới của ông mang lại, ông được chọn làm người của năm
1989. Nhưng tạp chí Time còn đi xa hơn nữa khi tặng cho ông danh hiệu "Người
của thập niên 80". Trước kia, năm 1949, thủ tướng nước Anh là Winston
Churchill cũng đã được chọn làm người của nửa thế kỷ.
Thời
gian sẽ vô nghĩa và trống rỗng, nếu không được liên tục bằng những cái mốc của
lịch sử. Con người cần có những chiếc ấy để nhìn lại quá khứ và dự phóng cho
tương lai.
Người
Kitô sống giữa thế giới không thể không dựa vào những chiếc mốc thời gian ấy.
Nhưng chúng ta không nhìn vào những chiếc mốc thời gian ấy với đôi mắt bàng
quan, hoặc tệ hơn nữa, bằng cái nhìn bi quan. Trong đức tin, tất cả được nhìn bằng
đôi mắt lạc quan, bởi vì chúng ta tin rằng Thiên Chúa là chủ của lịch sử, Thiên
Chúa luôn có mặt trong lịch sử con người. Tin vào sự hiện diện và hướng dẫn ấy
của Thiên Chúa, chúng ta nhìn vào những chiếc mốc của thời gian như những dấu
hiệu của Hy vọng. Ngay cả trong thất bại, rủi ro, tang tóc, thương đau, người
Kitô cũng luôn nhận ra những dấu chỉ của Hy vọng. Tất cả mọi biến cố xảy đến đều
phải được nhìn trong ánh sáng phục sinh của Ðức Kitô. Cái chết đau thương và nhục
nhã của Ngài trên thập giá không phải là ngõ cụt, là đường cùng, là tăm tối mà
là đường dẫn về Ánh Sáng.
Tin
tưởng ở sự hiện diện của Thiên Chúa trong từng phút giây của cuộc sống và lịch
sử con người, cái mốc thời gian của chúng ta có lẽ không phải là đơn vị của
năm, thập niên, mà là từng phút giây của Hiện tại. Và người được chúng ta chọn
cho từng phút giây ấy phải là Thiên Chúa, chủ của thời gian, chủ của lịch sử.
Xin
chọn Người làm trung tâm điểm của cuộc sống, xin chọn Người làm Sự Sống, xin chọn
Người làm Lý Tưởng, xin chọn Người làm Cảm Hứng, xin chọn Người làm cho tất cả
cho cuộc đời, xin chọn Người trong từng phút giây của cuộc sống.
(Lẽ
Sống)
Lectio Divina: Đức
Trinh Nữ Maria Mẹ Thiên Chúa, Lễ Trọng
Thứ
Năm, 1 Tháng 1, 2015
Các
mục đồng đến viếng thăm Chúa Hài Đồng Giêsu và Mẹ Người
Kẻ
sống bên lề xã hội là người được Thiên Chúa ưu ái
Lc
2:16-21
1. Lời
nguyện mở đầu
Lạy
Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh cùng với
tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau. Trong ánh
sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá
ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của
Chúa. Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng,
đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.
Xin
hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa
trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự việc của đời sống hằng ngày
và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.
Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con, để cũng giống như hai môn đệ từ Emmau,
chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những
người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn gốc của tình
anh em, công lý và hòa bình. Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con của
Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã gửi Chúa Thánh Thần
đến với chúng con. Amen.
2. Bài
Đọc
a) Chìa
khóa để hướng dẫn bài đọc:
Lý
do đã khiến cho thánh Giuse và Đức Maria phải đi đến Bêlem là lệnh kiểm tra dân
số ban ra bởi hoàng đế La Mã (Lc 2:1-7). Theo định kỳ, nhà cầm quyền
La Mã ra lệnh làm tổng kiểm tra dân số trong các khu vực khác nhau trong đế chế
rộng lớn của họ. Họ phân loại dân cư và để biết bao nhiêu người sẽ
phải nộp thuế. Nhà giàu thì phải nộp thuế về đất đai và tài sản họ sở
hữu. Người nghèo thì phải trả thuế cho số con cái mà họ có. Đôi
khi tiền thuế phải đóng đã vượt quá 50% tổng số lợi tức của một người.
Trong
Tin Mừng Luca, chúng ta thấy một sự khác biệt đáng kể giữa sự ra đời của Đức
Giêsu và của ông Gioan Tẩy Giả. Gioan được sinh ra ở quê nhà trên mảnh
đất của ông, ở giữa cha mẹ và làng xóm, và được mọi người đón chào (Lc
1:57-58). Chúa Giêsu được sinh ra không ai biết đến, cách xa khỏi
thân thích và xóm làng, và xa khỏi quê hương của Người. “Không còn
chỗ trong quán trọ”. Chúa Hài Đồng đã được đặt nằm trong máng cỏ (Lc
2:7).
Chúng
ta hãy hình dung và nhận xét đoạn Tin Mừng (Lc 2:16-21) trong bối cảnh rộng lớn
hơn về việc thăm viếng của các mục đồng (Lc 2:8-21). Trong khi đọc,
chúng ta hãy cố gắng chú ý đến điều sau đây: Những sự bất ngờ và
tương phản ta thấy trong văn bản này là gì?
b) Phân
đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:
Lc
2:8-9: Các mục tử ở ngoài đồng, những người đầu tiên được mời đến
Lc
2:10-12: Lời loan báo đầu tiên về Tin Mừng được mang đến cho các
mục đồng
Lc
2:13-14: Lời ca ngợi của các thiên thần
Lc
2:15-18: Các mục đồng đi đến Bêlem và thuật lại việc thiên thần
hiện ra với họ
Lc
2:19-20: Thái độ của Đức Maria và của các mục đồng về những sự việc
này
Lc
2:21: Việc cắt bì của con trẻ Giêsu
c) Phúc
Âm:
Bấy
giờ trong miền đó có những người mục tử đang ở ngoài đồng và thức đêm để canh
giữ đoàn vật mình. Bỗng có thiên thần Chúa hiện ra đứng gần bên họ,
và ánh sáng của Thiên Chúa bao tỏa chung quanh họ, khiến họ hết sức kinh sợ. Nhưng
thiên thần Chúa đã bảo họ rằng: “Các ngươi đừng sợ, đây ta mang đến
cho các ngươi một tin mừng đặc biệt, đó cũng là tin mừng cho cả toàn
dân: Hôm nay Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế, đã giáng sinh cho các ngươi
trong thành của Đavít. Và đây là dấu hiệu để các ngươi nhận biết Người: Các
ngươi sẽ thấy một hài nhi mới sinh, bọc trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ.” Và
bỗng chốc, cùng với các thiên thần, có một số đông thuộc đạo binh thiên quốc đồng
thanh hát khen Chúa rằng: “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời và bình
an dưới thế cho người thiện tâm.” Khi các thiên thần biến đi, thì các mục
tử nói với nhau rằng: “Chúng ta đi đến Bêlem và coi xem sự việc đã xảy
ra mà Chúa đã cho chúng ta được biết.” Rồi họ hối hả tới nơi và gặp
thấy Maria, Giuse và hài nhi mới sinh nằm trong máng cỏ. Khi thấy thế,
họ đã hiểu ngay lời đã báo về hài nhi này. Và tất cả những người
nghe, đều ngạc nhiên về điều các mục tử thuật lại cho họ. Còn Maria
thì ghi nhớ tất cả những sự việc đó, và suy niệm trong lòng. Những mục
tử trở về, họ tung hô ca ngợi Chúa về tất cả mọi điều họ đã nghe và xem thấy,
đúng như lời đã báo cho họ. Khi đã đủ tám ngày, lúc phải cắt bì cho con trẻ,
thì người ta gọi tên Người là Giêsu, tên mà thiên thần đã gọi trước khi con trẻ
được đầu thai trong lòng mẹ.
3. Giây
phút thinh lặng cầu nguyện:
Để
Lời Chúa được thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.
4. Một
vài câu hỏi gợi ý:
Để
giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá nhân.
a) Bạn thích điều gì
nhất trong đoạn Tin Mừng này? Tại sao?
b) Bạn đã tìm thấy những
ngạc nhiên và sự tương phản gì trong đoạn Tin Mừng
này?
c) Làm cách nào đoạn
Tin Mừng cho chúng ta biết rằng kẻ bé mọn và người nghèo khổ nhất trên trần thế
lại là người cao trọng trên thiên đàng?
d) Thái độ của Đức
Maria và của các mục đồng về mầu nhiệm Thiên Chúa vừa mới mặc khải cho họ là gì?
e) Luca muốn nhắn nhủ
gì với chúng ta qua các chi tiết này?
5. Chìa
khóa dẫn đến bài đọc
Dành
cho những ai muốn đào sâu hơn vào trong chủ đề
a) Bối
cảnh của thời ấy và của ngày nay:
Đoạn
Tin Mừng về ngày lễ Mẹ Thiên Chúa (Lc 2:16-21) là một phần của câu chuyện về việc
sinh ra của Chúa Giêsu (Lc 2:1-7) và các mục đồng đến thăm (Lc
2:8-21). Thiên thần đã loan báo sự sinh ra của Đấng Cứu Độ và cho một
dấu chỉ để nhận biết: “Các ngươi sẽ thấy một hài nhi mới sinh, bọc
trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ!” Họ đang mong đợi Đấng Cứu
Thế của toàn dân và họ đã nhận ra Người trong một hài nhi mới sinh, nghèo khó,
nằm giữa các thú vật! Thật là một bất ngờ lớn lao!
Kế
hoạch của Thiên Chúa đã được thực hiện theo một phương cách không thể ngờ, đầy
ngạc nhiên. Điều này cũng còn xảy ra ngày nay. Một bé thơ
nghèo hèn là Đấng Cứu Thế của nhân loại! Có ai ngờ được không?
b) Lời
bình giải về đoạn Tin Mừng:
Lc
2:8-9: Những
vị khách được mời đầu tiên
Mục
đồng là những người cùng đinh trong xã hội, không được coi trọng mấy. Họ
sống cùng với các thú vật, tách biệt với người thường. Bởi vì họ thường
xuyên tiếp xúc với thú vật, nên họ bị xem như là ô uế. Không bao giờ
có ai muốn mời họ tới thăm một em bé sơ sinh. Thế nhưng chính
các Thiên Thần Chúa lại hiện ra với những mục đồng này để loan
báo tin vui sự ra đời của Chúa Giêsu. Trông thấy các thiên thần, họ
thật sự sợ hãi.
Lc
2: 10-12: Lời loan báo đầu tiên về Tin Mừng
Lời
nói đầu tiên của thiên thần là: Các ngươi đừng sợ! Thứ
hai là: Tin Vui cho cả toàn dân! Thứ ba
là: Hôm nay! Và rồi thiên thần mang đến ba danh hiệu
để chỉ Chúa Giêsu là ai: Đấng Cứu Thế, Đức Kitô và Chúa! Đấng
Cứu Thế là Đấng giải thoát mọi người khỏi tất cả những gì trói buộc họ! Các
vua chúa thời bấy giờ thích dùng danh hiệu Đấng Cứu Chuộc. Chính họ
đã tự phong cho mình tước hiệu đấng cứu rỗi. Đức Kitô có
nghĩa là Đấng Được Xức Dầu hay là Đấng Thiên Sai. Trong
Cựu Ước, đây là danh hiệu được trao cho vua chúa và các tiên tri. Đó
cũng là danh hiệu của Đấng Thiên Sai tương lai là đấng sẽ thực hiện lời hứa của
Thiên Chúa với dân của Người. Điều này có nghĩa là hài nhi mới sinh,
đang nằm trong máng cỏ, đã đến để thực hiện niềm hy vọng của toàn
dân. Chúa là danh hiệu của chính Thiên Chúa! Ở
đây chúng ta có ba danh hiệu có thể xem là cao cả nhất. Từ lời loan
báo về sự sinh ra của Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, Chúa Kitô
và là Chúa, có còn ai cao cả hơn thế nữa không? Và thiên thần
nói rằng: “Cẩn thận! Và đây là dấu hiệu để các ngươi nhận
biết Người: các ngươi sẽ thấy một hài nhi mới sinh nằm trong máng cỏ,
trong số những người nghèo khó!” Bạn có tin nổi không? Phương
cách hành động của Thiên Chúa thì thật là khác hẳn với chúng ta!
Lc
2:13-14: Lời hát khen của các thiên thần về Tin Mừng: Vinh
danh Thiên Chúa trên các tầng trời, bình an dưới thế cho người Chúa thương.
Một
số đông thiên thần xuất hiện và từ trời xuống. Đó có thể được giải
thích là thiên đàng đã hạ mình xuống dưới thế. Hai phần của câu Kinh
Thánh này tóm tắt lại chương trình của Thiên Chúa, kế hoạch của Người. Phần
đầu cho biết những gì xảy ra trên thiên đàng: Vinh danh Thiên
Chúa trên trời cao. Phần thứ hai cho biết việc gì sẽ xảy ra ở dưới
đất: Bình an dưới thế cho người Chúa thương. Nếu
người ta có thể nghiệm ra rằng được Chúa thương có ý nghĩa gì,
thì tất cả mọi thứ sẽ đổi thay và bình an sẽ hiện diện trên trái đất. Và
điều này sẽ cao quý hơn vinh quang Thiên Chúa Đấng ngự trên trời cao!
Lc
2:15-18: Các
mục đồng đi đến Bêlem và thuật lại việc hiện ra của các thiên thần
Lời
của Chúa không còn là một âm thanh được phát ra từ môi miệng. Hơn hết
cả nó là một sự kiện! Các mục đồng nói như thế
này: “Chúng ta hãy sang Bêlem và coi xem sự việc đã xảy ra mà Chúa
đã cho chúng ta được biết”. Theo tiếng Do Thái, chữ DABAR có
thể có hai nghĩa là lời và sự việc, được tạo ra bằng lời. Lời
của Chúa là quyền năng tác tạo. Nó hoàn thành những gì đã phán
ra. Vào lúc tác tạo Thiên Chúa phán: “Hãy có ánh sáng, và
liền có ánh sáng!” (St 1:3). Lời của thiên thần nói với
các mục đồng là sự kiện về việc sinh ra của Chúa Giêsu.
Lc
2:19-20: Thái
độ của Đức Maria và của các mục đồng về những sự việc này
Luca
lập tức cho biết thêm rằng: “Còn Maria thì ghi nhớ tất cả những sự
việc đó và suy niệm trong lòng”. Có hai cách để cảm nhận và đón
tiếp Lời Chúa: (i) Các mục đồng chỗi dậy để đi coi xem các sự việc
và xác nghiệm lại dấu chỉ được thiên thần cho biết, và sau đó, họ trở lại với
đàn gia súc của họ, tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa về tất cả mọi điều họ đã
nghe và xem thấy; (ii) Đức Maria, cách khác, lại cẩn thận ghi nhớ lại tất cả mọi
điều này và suy niệm trong lòng. Suy niệm về những việc trong tâm
trí một người có nghĩa là hồi tưởng lại chúng và làm sáng tỏ trong ánh sáng của
Lời Chúa để hiểu rõ hơn ý nghĩa đầy đủ của chúng cho đời sống.
Lc
2:21: Việc cắt bì và đặt tên cho con trẻ Giêsu
Theo
luật định, Hài Nhi Giêsu được cắt bì sau khi sanh được tám ngày (xem St
17:12). Việc cắt bì là một dấu hiệu để chỉ thuộc về dân của
Chúa. Nó cho kẻ ấy một căn tính. Nhân dịp này mỗi trẻ sơ
sinh được đặt tên (xem Lc 1:59-63). Hài nhi được gọi là Giêsu, tên
mà thiên thần đã gọi trước khi con trẻ được thụ thai. Thiên thần đã
nói với Giuse rằng phải đặt tên con trẻ là Giêsu vì “chính Người sẽ cứu dân
Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1:21). Tên gọi Giêsu thì
giống như tên Giôsuê, và có nghĩa là Thiên Chúa sẽ cứu. Một
tên khác mà sẽ được trao dần dần cho Chúa Giêsu là Đức Kitô, có
nghĩa là Đấng Được Xức Dầu hay là Đấng Thiên Sai. Chúa
Giêsu là Đấng Thiên Sai đang được mong chờ. Tên thứ ba là Emmanuel,
có nghĩa là Thiên-Chúa-Ở-Cùng-Chúng-Ta (Mt
1:23). Tên gọi đầy đủ là Đức Giêsu Kitô Thiên Chúa ở cùng
chúng ta!
c) Lời
chú giải thêm:
Đức
Maria trong Tin Mừng theo Luca
i) Vai
trò của hai chương đầu tiên trong Tin Mừng Luca:
Hai
chương này khá nổi tiếng nhưng không được hiểu thấu đáo cho lắm. Luca
đã viết chúng mô phỏng theo Cựu Ước. Giống như thể hai chương này là
phần kết của Cựu Ước để mở ra cho sự xuất hiện của Tân Ước. Trong những
chương này, Luca tạo ra một bầu không khí êm ái và tán dương. Từ đầu
chí cuối, lòng thương xót của Thiên Chúa được ca tụng, Thiên Chúa là Đấng cuối
cùng đã đến để thực thi lời hứa của Người. Luca cho chúng ta thấy
Chúa Giêsu đã hoàn tất phần Cựu Ước và khởi đầu phần Tân Ước như thế
nào. Và Chúa ưa chuộng các kẻ khó khăn, kẻ nghèo hèn, những người biết
cách chờ đợi cho việc xuất hiện của Người: bà Êlisabéth, ông
Giacaria, Đức Maria, thánh Giuse, ông cụ Simêon, bà cụ Anna và các mục đồng. Đó
là lý do tại sao hai chương đầu tiên thuật lại lịch sử nhưng không phải trong ý
nghĩa mà ngày nay chúng ta gán cho lịch sử. Chúng gần như là sự phản
chiếu mà các chương ấy được viết cho những Kitô hữu thuộc dân ngoại, có thể
khám phá ra được Đức Giêsu là ai và làm cách nào mà Người đã đến để thực thi lời
các tiên tri trong Cựu Ước, đáp ứng được những nguyện vọng sâu xa nhất của tâm
hồn con người. Những chương này cũng là một sự phản chiếu các sự việc
đã xảy ra trong các cộng đoàn vào thời Luca. Các cộng đoàn bắt nguồn
từ dân ngoại sẽ được sinh ra bởi các cộng đoàn người Do Thái cải đạo. Tuy
nhiên đây là những khác biệt. Thời Tân Ước không tương ứng với những
gì Cựu Ước đã mường tượng và mong mỏi. Đó là “dấu hiệu của sự mâu
thuẫn” (Lc 2:34), đã gây ra các căng thẳng và là nguồn gốc của nhiều đau khổ. Trong
thái độ của Đức Maria, Luca trình bày một mô hình về làm cách nào các cộng đoàn
có thể phản ứng và kiên trì trong thời Tân Ước.
ii) Chìa
khóa dẫn đến bài đọc:
Trong
hai chương này, Luca trình bày Đức Maria như một gương mẫu cho đời sống cộng
đoàn. Điều quan trọng ban cho chúng ta trong cảnh nơi có người phụ nữ
trong đám đông đã ca ngợi thân mẫu Đức Giêsu. Chúa Giêsu cải sửa lời
khen ngợi ấy và nói rằng: “Phúc thay cho những kẻ biết lắng nghe
và tuân giữ Lời Chúa!” (Lc 11:27-28). Nơi đây hàm chứa sự
cao trọng của Đức Maria. Đó là sống trong thế gian mà Đức Maria biết
cách liên kết với Lời Chúa mà cộng đoàn chiêm niệm một cách chính xác hơn trong
sự liên kết với Lời Chúa: tiếp nhận, thể hiện, sống, đào sâu, suy niệm,
sinh sản và làm tăng trưởng, để cho chính mình được Lời Chúa làm chủ cho dù có
khi không hiểu hoặc phải chịu đau khổ vì nó. Đây là viễn ảnh hàm chứa
trong văn bản của chương 1 và 2 của Tin Mừng Luca, nói về Đức Maria, thân mẫu
Chúa Giêsu.
iii) Áp
dụng của chìa khóa vào văn bản:
1. Lc
1:26-38:
Truyền
Tin: “Tôi
xin vâng như lời thiên thần truyền!”
Mở
lòng để Lời Chúa được tiếp nhận và nhập thể.
2. Lc
1:39-45:
Đi
viếng bà Êlisabéth: “Phúc
cho bà là kẻ đã tin!”
Nhận
ra Lời Chúa trong các sự việc của đời sống.
3. Lc
1:46-56:
Bài
ca Ngợi Khen (Magnificat): “Đấng
Toàn Năng đã làm cho tôi những sự trọng đại!”
Bài
thánh ca hy vọng mang tính chất phá vỡ và chịu đựng.
4. Lc
2:1-20:
Chúa
Ra Đời: “Bà
ghi nhớ tất cả những sự việc này và suy niệm trong lòng.”
Không
có chỗ cho họ. Những kẻ bị xã hội khinh khi chào đón Ngôi Lời.
5. Lc
2:21-32:
Tiến
Dâng Chúa Giêsu cho Thiên Chúa: “Chính
mắt con đã được thấy ơn cứu độ!”
Những
năm tháng của đời sống làm thanh sạch con mắt.
6. Lc
2:33-38:
Ông
Simêon và bà Anna: “Một
lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà”
Là
một người Kitô hữu có nghĩa là một dấu hiệu của sự mâu thuẫn.
7. Lc
2:39-52:
Vào
năm Chúa mười hai tuổi: “Cha
mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”
Họ
không hiểu Lời Chúa nói với họ!
iv) Những
tương phản nổi bật trong đoạn Tin Mừng của chúng ta:
1. Trong
bóng tối của đêm đen có ánh sáng tỏa chiếu (2:8-9).
2. Thiên
đàng trên trời dường như ôm lấy trần thế của chúng ta dưới đây (2:13).
3. Sự
cao trọng của Thiên Chúa được thể hiện nơi một hài nhi nhỏ bé mong manh (2:7)
4. Vinh
quang của Thiên Chúa được hiện diện trong máng cỏ, bên cạnh với súc vật (2:16).
5. Nỗi
kinh sợ tạo ra bởi sự hiện ra đột ngột của thiên thần và được biến đổi thành niềm
vui mừng (2:9-10).
6. Những
kẻ hoàn toàn bị thiệt thòi là những người được mời đầu tiên (2:8).
7. Các
mục đồng nhận thức được Thiên Chúa hiện diện trong một hài nhi mới sinh (2:20).
6. Cầu
nguyện với Thánh Vịnh 23
(22)
“CHÚA
là mục tử chăn dắt tôi!”
CHÚA
là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.
Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.
Người đưa tôi tới dòng nước trong lành
và bổ sức cho tôi.
Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính
vì danh dự của Người.
Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u
con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.
Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.
Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.
Người đưa tôi tới dòng nước trong lành
và bổ sức cho tôi.
Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính
vì danh dự của Người.
Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u
con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.
Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.
Chúa
dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù.
Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm,
ly rượu con đầy tràn chan chứa.
Lòng nhân hậu và tình thương Chúa
ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời,
và tôi được ở đền Người
những ngày tháng, những năm dài triền miên.
Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm,
ly rượu con đầy tràn chan chứa.
Lòng nhân hậu và tình thương Chúa
ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời,
và tôi được ở đền Người
những ngày tháng, những năm dài triền miên.
7. Lời
Nguyện Kết
Lạy
Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn
ý muốn của Chúa Cha. Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm
của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực hành Lời Chúa đã mặc khải
cho chúng con. Nguyện xin cho chúng con, trở nên giống như Đức
Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời
Chúa. Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự
hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét