08/04/2015
Thứ Tư Trong Tuần Bát
Nhật Lễ Phục Sinh
Bài
Ðọc I: Cv 3, 1-10
"Có
cái này tôi cho anh, là nhân danh Ðức Giêsu, anh hãy đứng dậy mà đi".
Trích
sách Tông đồ Công vụ.
Trong
những ngày ấy, vào giờ thứ chín, là giờ cầu nguyện, Phêrô và Gioan lên đền thờ.
Lúc bấy giờ có một anh què từ lúc mới sinh, hằng ngày được người ta khiêng đến
cửa đền thờ, gọi là Cửa Ðẹp, để xin những người vào đền thờ bố thí cho. Khi thấy
Phêrô và Gioan tiến vào đền thờ, anh liền xin bố thí. Phêrô và Gioan nhìn anh
và nói: "Anh hãy nhìn chúng tôi". Anh ngước mắt chăm chú nhìn hai
ngài, mong sẽ được hai ngài cho cái gì. Nhưng Phêrô nói: "Vàng bạc thì tôi
không có, nhưng có cái này tôi cho anh, là: nhân danh Ðức Giêsu Kitô Nadarét,
anh hãy đứng dậy mà đi!" Rồi Phêrô nắm tay mặt anh mà kéo dậy, tức thì mắt
cá và bàn chân anh trở nên cứng cát; anh nhảy ngay lên mà đứng và đi được; anh
cùng hai ngài tiến vào đền thờ, anh vừa đi vừa nhảy nhót và ngợi khen Thiên
Chúa, và dân chúng đều thấy anh đi và ngợi khen Chúa. Họ nhận ra anh chính là kẻ
ngồi ăn xin ở Cửa Ðẹp đền thờ, nên họ bỡ ngỡ sửng sốt về việc xảy đến cho anh.
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 104, 1-2. 3-4. 6-7. 8-9
Ðáp: Tâm hồn những
ai tìm Chúa, hãy mừng vui (c. 3b).
Hoặc
đọc: Alleluia.
Xướng:
1) Hãy ca tụng Chúa, hãy hoan hô danh Ngài, hãy kể ra sự nghiệp Chúa ở giữa chư
dân. Hãy xướng ca, đàn hát mừng Ngài, hãy tường thuật mọi điều kỳ diệu của
Chúa. - Ðáp.
2)
Hãy tự hào vì danh thánh của Ngài, tâm hồn những ai tìm Chúa, hãy mừng vui. Hãy
coi trọng Chúa và quyền năng của Chúa, hãy tìm kiếm thiên nhan Chúa luôn luôn.
- Ðáp.
3)
Hỡi miêu duệ Abraham là tôi tớ của Ngài, hỡi con cháu Giacóp, những người được
Ngài kén chọn. Chính Chúa là Thiên Chúa chúng ta, quyền cai trị của Ngài bao
trùm khắp cả địa cầu. - Ðáp.
4)
Tới muôn đời Ngài vẫn nhớ lời minh ước, lời hứa mà Ngài đã an bài tới muôn thế
hệ, lời minh ước Ngài đã ký cùng Abraham, lời thề hứa Ngài đã thề với Isaac. -
Ðáp.
Alleluia:
Tv 117, 24
Alleluia,
alleluia! - Ðây là ngày Chúa đã thực hiện, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày
đó. - Alleluia.
Phúc
Âm: Lc 24, 13-35
"Hai
ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Cùng
ngày thứ nhất trong tuần, có hai môn đệ đi đến một làng tên là Emmaus, cách
Giêrusalem độ sáu mươi dặm. Dọc đường, các ông nói với nhau về những việc vừa xảy
ra. Ðang khi họ nói truyện và trao đổi ý kiến với nhau, thì chính Chúa Giêsu tiến
lại cùng đi với họ, nhưng mắt họ bị che phủ nên không nhận ra Người. Người hỏi:
"Các ông có truyện gì vừa đi vừa trao đổi với nhau mà buồn bã vậy?" Một
người tên là Clêophas trả lời: "Có lẽ ông là khách hành hương duy nhất ở
Giêrusalem mà không hay biết những sự việc vừa xảy ra trong thành mấy ngày
nay". Chúa hỏi: "Việc gì thế?" Các ông thưa: "Sự việc liên
can đến ông Giêsu quê thành Nadarét. Người là một vị tiên tri có quyền lực
trong hành động và ngôn ngữ, trước mặt Thiên Chúa và toàn thể dân chúng. Thế mà
các trưởng tế và thủ lãnh của chúng ta đã bắt nộp Người để xử tử và đóng đinh
Người vào thập giá. Phần chúng tôi, chúng tôi vẫn hy vọng Người sẽ cứu Israel.
Các việc ấy đã xảy ra nay đã đến ngày thứ ba rồi. Nhưng mấy phụ nữ trong nhóm
chúng tôi, quả thật đã làm chúng tôi lo sợ. Họ đến mồ từ tảng sáng. Và không thấy
xác Người, họ trở về nói đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng: Người đang sống. Vài
người trong chúng tôi cũng ra thăm mồ và thấy mọi sự đều đúng như lời các phụ nữ
đã nói; còn Người thì họ không gặp".
Bấy
giờ Người bảo họ: "Ôi kẻ khờ dại, chậm tin các điều tiên tri đã nói! Chớ
thì Ðấng Kitô chẳng phải chịu đau khổ như vậy rồi mới được vinh quang
sao?" Ðoạn Người bắt đầu từ Môsê đến tất cả các tiên tri, giải thích cho
hai ông tất cả các lời Kinh Thánh chỉ về Người. Khi gần đến làng hai ông định tới,
Người giả vờ muốn đi xa hơn nữa. Nhưng hai môn đệ nài ép Người rằng: "Mời
ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã về chiều, và ngày sắp tàn". Người liền
vào với các ông.
Ðang
khi cùng các ông ngồi bàn, Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho
hai ông. Mắt họ sáng ra và nhận ra Người. Ðoạn Người biến mất. Họ bảo nhau:
"Phải chăng lòng chúng ta đã chẳng sốt sắng lên trong ta khi Người đi đường
đàm đạo và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta đó ư?" Ngay lúc ấy họ chỗi dậy
trở về Giêrusalem, và gặp mười một tông đồ và các bạn khác đang tụ họp. Các vị
đó bảo hai ông: "Thật Chúa đã sống lại, và đã hiện ra với Simon". Hai
ông cũng thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc
bẻ bánh như thế nào.
Ðó
là lời Chúa.
Suy
Niệm: Chúa Ðã Sống Lại
Anh
chị em thân mến!
Trên
đường về làng Emmau có hai kẻ song hành. Họ âm thầm bước đi bên nhau, mỗi người
một suy nghĩ nhưng có cùng một mẫu số chung là tuyệt vọng. Và tuyệt vọng cũng
là điều dễ hiểu vì Thầy họ, một người đầy uy quyền mà phải đầu hàng trước hội
đường Do Thái, phải gục ngã trước uy quyền của thần chết.
Bởi
thế, dù bước đi bên nhau mà tưởng chừng như độc hành. Cùng trên đoạn đường đi ấy,
một người thứ ba xuất hiện đi cùng và đối thoại trao đổi cách thân tình. Vì thế,
lòng họ ấm áp lại và rồi tâm hồn họ đã hồi sinh thực sự khi Ngài bẻ bánh trao
cho họ. "Trao bánh" là ban một cử chỉ thông hiệp thân mật và là mối
dây thông cảm thân tình giữa Thầy và Trò.
Thế
giới hôm nay cũng không thiếu những tâm hồn cô độc tuyệt vọng. Tuyệt vọng vì mất
niềm tin, vì không thấy ý nghĩa cuộc đời. Tuyệt vọng vì chiến tranh bạo lực, vì
những cấu xé tranh giành giữa con người cùng chung một dòng máu. Tuyệt vọng vì
nghèo đói, bị khinh bỉ, bị đặt ra ngoài lề xã hội.
Giữa
những cảnh tuyệt vọng ấy, bổn phận người Kitô hữu là gì nếu không phải là đốt
lên ngọn lửa yêu thương để sưởi ấm tâm hồn. Bổn phận này không đòi hỏi phải có
những tổ chức rộng lớn, nhưng phương tiện tân kỳ hoặc những khả năng phi thường,
nhưng chỉ cần những đối thoại trao đổi đơn sơ nhưng đầy tình Chúa và tình người
cũng mang lại những giá trị của nó: "Phải chăng trong lòng chúng ta đã chẳng
sốt sắng lên trong khi Ngài đi đường đàm đạo và giải thích Kinh Thánh cho chúng
ta đó ư?"
Một
cử chỉ cầm tay và ngồi bên giường bệnh nhân hàng giờ của người nữ y tá chẳng là
gì, nhưng nếu không có cử chỉ ấy thì giá trị của cuộc giải phẫu sẽ chẳng lường
trước được.
Lạy
Chúa, nếu cuộc sống đã làm cho con đau lòng tuyệt vọng thì xin Chúa cho con biết
tìm về Lời Chúa và Mình Chúa để lấy lại sức mạnh cho tâm hồn. Vì Lời Chúa sẽ
hâm nóng tâm hồn giá lạnh của con; và bàn tiệc Thánh Thể sẽ cho con được hồi
sinh. Ðể như hai môn đệ trên đường Emmau, một khi đã được hồi sinh, con sẽ đến
với người anh em để nói cho họ về niềm tin vui Phục Sinh, về tình thương của
Chúa. Amen.
Veritas Asia
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần I BNPS
Bài đọc: Acts 3:1-10; Lk
24:13-35.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chúa vẫn đồng hành
với các môn đệ sau cái chết của Ngài.
Xa
cách Chúa là một khủng hỏang và mất mát tất cả cho các môn đệ, vì họ đã đặt trọn
vẹn niềm tin và cuộc đời của họ nơi Ngài. Hầu hết đã bỏ Chúa trong Cuộc Thương
Khó của Ngài; và giờ đây không còn được nhìn thấy Ngài nữa, họ chán nản, thất vọng.
Nhiều người rời Jerusalem để trở về với gia đình, làm lại cuộc đời như hai môn
đệ trên đường về Emmaus. Chính Chúa Giêsu đã nhìn thấy trước viễn ảnh này khi
Ngài nói với các môn đệ: “Họ sẽ diệt chủ chăn, và đàn chiên sẽ tan tác.”
Các
Bài Đọc hôm nay muốn nhấn mạnh: mặc dầu không còn sống trên dương gian, Chúa vẫn
đồng hành và hoạt động trong và với các ông. Ngài vẫn có thể chữa lành, dạy dỗ,
và làm cho con người thất vọng được sống hy vọng qua các môn đệ của Ngài. Trong
Bài Đọc I, Chúa cho Phêrô quyền lực để chữa lành người què từ khi sinh, như
Ngài đã từng làm cho dân chúng. Phêrô đã nhân danh Chúa Giêsu Kitô người
Nazareth để làm phép lạ này. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu thắp lên niềm hy vọng
cho 2 môn đệ trên đường Emmaus khi Ngài cùng các ông bẻ bánh và học hỏi những
biến cố vừa xảy ra dưới lăng kính của Kinh Thánh.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I:
Ông Phêrô chữa lành người què từ khi lọt lòng mẹ.
Một
hôm, ông Phêrô và ông Gioan lên Đền Thờ, vào buổi cầu nguyện giờ thứ chín. Các
ông vẫn giữ thói quen lên Đền Thờ cầu nguyện mặc dù Chúa Giêsu không còn nữa và
Ngài đã khai mào một kỷ nguyên mới. Điều này chứng tỏ cho chúng ta thấy, có những
thói quen tốt lành cần giữ, chứ không phải khi bắt đầu kỷ nguyên mới là đạp đổ
tất cả những gì của kỷ nguyên cũ.
(1)
Phép lạ chữa lành cần thiết để khơi dậy niềm tin: Thiên Chúa vẫn không ngừng cảm
thương với những đau khổ của kiếp người, và Ngài luôn dùng tình thương của con
người để làm vơi đi những nỗi bất hạnh của đồng loại. Phép lạ chữa lành của
Phêrô hôm nay chứng minh điều này, và cần thiết để cho các tông đồ biết Chúa
ban uy quyền và tình thương để các ông tiếp tục thi hành sứ vụ mang con người về
cho Thiên Chúa.
(2)
Giúp đỡ tha nhân không chỉ bằng vàng bạc: nhưng có thể là làm cho bình phục,
hay mở mang trí tuệ bằng sự dạy dỗ, hay làm cho tha nhân có được niềm tin và hy
vọng ... Khi anh què nhìn thấy ông Phêrô và ông Gioan sắp vào Đền Thờ, anh liền
xin bố thí. Ông Phêrô nói với anh: "Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái
tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giêsu Kitô người Nazareth, anh đứng dậy
mà đi!" Rồi ông nắm chặt lấy tay mặt anh, kéo anh chỗi dậy. Lập tức bàn
chân và xương mắt cá của anh trở nên cứng cáp. Anh đứng phắt dậy, đi lại được.
(3)
Phản ứng của con người khi chứng kiến phép lạ: Sau khi được chữa lành, anh què
vào Đền Thờ cùng với hai ông, anh vừa đi vừa nhảy nhót và ca tụng Thiên Chúa.
Toàn dân thấy anh đi lại và ca tụng Thiên Chúa. Và khi nhận ra anh chính là người
vẫn ngồi ăn xin tại Cửa Đẹp Đền Thờ, họ kinh ngạc sững sờ về sự việc mới xảy đến
cho anh.
2/
Phúc Âm:
Chúa Giêsu hiện đến với hai môn đệ trên đường đi Emmaus.
Có
hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Emmaus, cách Jerusalem
chừng mười một cây số. Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy
ra. Sự kiện hai ông đi khỏi Jerusalem và tâm sự của hai ông khi trò chuyện với
Chúa Giêsu chứng tỏ hai ông đã đánh mất niềm tin và hy vọng vào Đức Kitô.
2.1/
Họ nghe và nhìn thấy Chúa, nhưng không nhận ra Ngài: Đang lúc hai ông
trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giêsu tiến đến gần và cùng đi với họ.
Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản nên không nhận ra Người. Chúa đồng hành với họ, để
tìm ra những băn khoăn lo lắng của họ, và Ngài giúp họ để nhìn thấy ý nghĩa của
những biến cố liên quan đến Ngài.
(1)
Nỗi lo âu và thất vọng của hai môn đệ: Người hỏi họ: "Các anh vừa đi vừa
trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?" Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu, và
thưa: "Chuyện ông Giêsu Nazareth. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc
làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. Thế mà các thượng tế và
thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người
vào thập giá. Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ
cứu chuộc Israel. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi. Thật
ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc.
Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy
thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống. Vài người trong nhóm chúng tôi đã
ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy."
Các ông đã không thể nối kết các sự kiện đã xảy ra nên đã không nhìn ra ý nghĩa
của chúng. Trong cuộc đời, chúng ta đã nhiều lần như vậy. Chúng ta để cho những
biến cố qua đi mà không nhận ra sự liên hệ của chúng trong cuộc đời chúng ta. Để
có thể nhìn thấy ý nghĩa và vai trò của chúng, chúng ta cần năng nhìn lại và
dành thời giờ suy tư về những biến cố xảy ra.
(2)
Giải thích Kinh Thánh: Bấy giờ Đức Giêsu nói với hai ông rằng: "Các anh chẳng
hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Đấng
Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người
sao?” Rồi bắt đầu từ ông Moses và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai
ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh. Khi gần tới làng họ
muốn đến, Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa.Họ nài ép Người rằng:
"Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn."
Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ.
2.2/
Các môn đệ nhận ra Chúa.
(1)
Qua việc cử hành Thánh Lễ: Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời
chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng
Người lại biến mất. Họ mới bảo nhau: "Dọc đường, khi Người nói chuyện và
giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên
sao?" Đây là hình ảnh của một Thánh Lễ mà chúng ta tham dự: phần cắt nghĩa
Kinh Thánh tương xứng với phần Phụng Vụ Lời Chúa, và phần bẻ bánh tương xứng với
phần Phụng Vụ Thánh Thể; cả hai đều cần thiết để chúng ta nhận ra sự hiện diện
của Chúa trong cuộc đời mỗi người, và có sức mạnh để đương đầu với mọi vấn đề của
cuộc sống.
(2)
Qua việc hiệp thông huynh đệ và học hỏi: Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại
Jerusalem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. Những người này
bảo hai ông: "Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Simon."
Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra
Chúa thế nào khi Người bẻ bánh. Khi đứng riêng lẻ một mình, chúng ta dễ cảm thấy
chán nản, thất vọng; nhưng khi hội họp cùng nhau chia sẻ niềm tin, chúng ta sẽ
được thêm khôn ngoan và sức mạnh để nâng đỡ niềm tin của nhau.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Chúa vẫn đang sống; Ngài vẫn hoạt động giữa chúng ta. Cuộc sống sẽ vô nghĩa, nặng
nề, và buồn tẻ nếu chúng ta không có Chúa Giêsu đồng hành; nhưng cuộc sống sẽ
vô cùng ý nghĩa nếu chúng ta có sự hiện diện của Ngài trong đời sống. Ngài cung
cấp cho chúng ta tất cả khôn ngoan, sức mạnh, ơn thánh để sống cách ý nghĩa
trong cuộc đời này.
-
Những lúc chán nản, nghi nan, và thất vọng, chúng ta hãy cầu nguyện với Ngài:
“Mời Chúa ở lại với chúng con, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.”
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
08/04/15 THỨ TƯ TUẦN
BÁT NHẬT PS
Lc 24,13-35
Lc 24,13-35
Suy niệm: Ba
ngày sau khi Chúa chịu tử nạn, các môn đệ vẫn còn kinh hãi. Họ trốn kỹ trong
nhà, đóng kín cửa, nơm nớp lo sợ tới lượt mình. Hôm nay, hai môn đệ người làng
Em-mau tính chuyện rút lui, về quê cũ làm ăn. Chủ chiên đã bị đánh gục, đàn
chiên ắt tan tác. Nhóm môn đệ của Chúa Giê-su sau ba năm gầy dựng nay như sắp
tới hồi tan rã. Đúng lúc đó, Chúa Giê-su phục sinh hiện đến và đồng hành với
các ông. Người ân cần hỏi han, giải thích Kinh Thánh. Lòng các ông ấm lại khi
nghe nói “Người
phải chịu khổ hình rồi mới vào vinh quang.” Khi mời Người ở lại dùng bữa
cơm thân mật với mình, các ông nhận ra đó chính là Người! Người vẫn đang sống,
đang hiện diện với các ông. Người đang bẻ bánh và trao cho các ông. Cách cư xử
gần gũi, thân tình của Ngài là chìa khoá Chúa Giê-su dùng để khai mở lòng tin
của các môn đệ, giúp các ông đón nhận mầu nhiệm Phục Sinh.
Mời Bạn: Lời
Chúa hôm nay dạy chúng ta một bài học kép: - Đức Ki-tô vẫn đồng hành với chúng
ta khi chúng ta lắng nghe Lời Chúa và kết hiệp với Người trong Thánh Thể; - với
lối sống gần gũi thân tình, bạn sẽ mở đường cho anh chị em mình đến với Đức
Ki-tô Phục Sinh.
Sống Lời Chúa: Chúng
ta dùng việc chia sẻ Lời Chúa trong nhóm làm phương thế giúp nhau gặp gỡ Chúa
Phục Sinh và giới thiệu Chúa Phục Sinh cho người khác.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp chúng con nhận ra Chúa vẫn đồng hành với chúng
con. Xin sưởi ấm lòng chúng con và khơi lên nơi chúng con niềm hy vọng.
Mời ông ở lại với chúng tôi
Ðấng Phục Sinh vẫn đến với ta hôm nay qua một người
bạn hay một người lạ ta gặp tình cờ. Qua họ, Ngài thổi vào lòng ta niềm hy vọng
tin yêu.
Suy niệm:
Dưới dáng dấp một người
khách lạ,
Chúa Giêsu phục sinh đến với
hai môn đệ Emmau.
Ngài đến đúng lúc, đúng lúc
họ đang bỏ cuộc,
quay quắt và ray rứt vì
chuyện đã qua.
Ngài đi cùng với họ, đi gần
bên họ,
khiêm tốn trở thành một
người bạn đồng hành.
Ngài gợi chuyện, hay đúng
hơn,
Ngài muốn tham dự vào câu
chuyện dở dang của họ.
Chúa Giêsu không nản lòng
trước câu trả lời lạnh nhạt:
“Chắc chỉ có ông mới không
biết chuyện vừa xảy ra...”
Ngài không cắt đứt cuộc đối
thoại: “Chuyện gì vậy?”
Ngài giả vờ không biết để họ
nói cho vơi nỗi buồn.
Chúa Giêsu kiên nhẫn lắng
nghe lời họ tâm sự.
“Trước đây, chúng tôi hy
vọng rằng...”
Như thế niềm hy vọng này chỉ
còn là chuyện quá khứ.
Cả niềm tin cũng trở nên
chai lì,
họ đâu có tin vào lời của
các bà ra thăm mộ.
Khi lắng nghe, Chúa Giêsu
nhận ra cái gút của vấn đề,
những câu hỏi mà họ không
tìm ra lời giải đáp.
Tại sao một người của Chúa,
người mà họ tin là Ðức Kitô
lại bị đóng đinh như một kẻ
bị Thiên Chúa chúc dữ?
Chúa Giêsu vén mở ý nghĩa
của mầu nhiệm đau khổ.
Ðau khổ là nhịp cầu mà Ðức
Kitô phải vượt qua
để sang bờ bên kia là vinh
quang bất diệt.
Ðau khổ không phải là chuyện
xui xẻo, rủi ro,
nhưng nó có chỗ đứng trong
chương trình cứu độ.
Lời của Chúa Giêsu là Tin
Mừng ngọt ngào,
khiến nỗi đau của họ dịu đi,
lòng họ như ấm lại.
Họ cố nài ép Ngài ở lại dùng
bữa chiều.
Và chính lúc Ngài cầm bánh
bẻ ra trao cho họ
thì họ nhận ra vị khách lạ
chính là Thầy Giêsu.
Kinh nghiệm của hai môn đệ
Emmau cũng là của chúng ta.
Lúc ta tưởng Ngài vắng mặt,
thì Ngài lại đang ở gần bên.
Lúc ta nhận ra Ngài ở gần
bên, thì Ngài lại biến mất rồi.
Nhưng chính lúc Ngài biến
mất,
ta lại cảm nghiệm sâu hơn sự
hiện diện của Ngài.
Ngài đến lúc ta không ngờ.
Ngài đi mà ta không giữ lại
được.
Ngài ở lại với ta cả khi ta
không thấy Ngài nữa.
Ðấng Phục Sinh vẫn đến với
ta hôm nay
qua một người bạn hay một
người lạ ta gặp tình cờ.
Qua họ, Ngài thổi vào lòng
ta niềm hy vọng tin yêu.
Ngài vẫn đến với ta qua từng
thánh lễ.
Ngài đích thân giảng Tin
Mừng và bẻ bánh trao cho ta.
Sống như Chúa phục sinh là
tập đến với tha nhân,
tập đồng hành, tập gợi ý,
tập lắng nghe, tập soi sáng...
Hôm nay vẫn có nhiều người
bạn đang lê gót về Emmau.
Cầu nguyện:
Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì con cần có Chúa hiện diện
để con khỏi quên Chúa.
Chúa thấy con dễ bỏ Chúa biết chừng nào.
Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì con yếu đuối,
con cần Chúa đỡ nâng để con
khỏi ngã quỵ.
Không có Chúa,
con đâu còn nồng nhiệt hăng
say.
Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì trời đã xế chiều và ngày
sắp tàn,
cuộc đời qua đi, vĩnh cửu
gần đến.
Con cần được thêm sức mạnh
để khỏi ngừng lại dọc đường.
Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì con cần Chúa trong đêm
tối cuộc đời.
Con không dám xin những ơn siêu phàm,
chỉ xin ơn được Ngài hiện
diện.
Xin ở lại với con
vì con chỉ tìm Chúa, yêu Chúa
và không đòi phần thưởng nào khác
ngoài việc được yêu Chúa hơn.
(Cha Piô)
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
8
THÁNG TƯ
Chia
Sẻ Kinh Nghiệm Riêng Của Mình Cho Người Khác
“Thiên
Chúa đã nâng Đức Giêsu dậy, và tất cả chúng tôi làm chứng về điều đó” (Cv
2,32).
Chứng
từ của đức tin về Chúa Phục Sinh là một mối dây gắn kết tất cả các thành viên của
Dân Thiên Chúa lại bằng một cách thế đặc biệt. Công Đồng đã đúc kết tiếng gọi
này thành một lời hiệu triệu rõ ràng cho tất cả mọi giáo dân. Công Đồng tuyên bố
rằng sứ mạng này đúng thực thuộc về mọi người giáo dân, do họ đã tháp nhập vào
Đức Kitô qua Phép Rửa: “Mỗi người giáo dân phải là một chứng nhân cho thế giới
về sự sống lại và về sự sống của Chúa Kitô” (GH 38).
Một
cách thiết yếu, làm chứng nghĩa là chứng thực về sự chắc chắn của một sự thật –
và sự chắc chắn này, một cách nào đó, là kết quả của kinh nghiệm bản thân. Một
số phụ nữ đã là những người chứng đầu tiên về cuộc Phục Sinh của Chúa (Mt
28,5-8). Khi họ đến cửa mộ, họ không thấy Đức Giêsu, nhưng họ bắt đầu chắc chắn
về sự Phục Sinh của Người vì ngôi mộ trống rỗng và vì thiên thần nói với họ rằng
Người đã sống lại. Đó là cuộc hạnh ngộ nguyên sơ nhất của họ với mầu nhiệm Phục
Sinh. Kinh nghiệm của họ về Chúa càng đạt thêm giá trị khi Đức Giêsu hiện ra với
các Tông Đồ và các môn đệ trên đường về Emmau.
-
suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm.
Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT
UP YOUR HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia
Đình
NGÀY
08-4
Thứ
Tư Trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh.
Cv
3, 1-10; Lc 24, 13-35.
LỜI
SUY NIỆM: “Khi đồng bàn với họ, Người cầm bánh, dâng lời
chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra, và họ nhận ra Người, nhưng
Người lại biến mất.”
Câu
chuyện hai người môn đệ của Chúa Giêsu, sau cuộc tử nạn của Người, các ông đã
thất vọng, và sợ những người lãnh đạo Do-thái tra hỏi nên đã quay trở về quê củ.
Nhưng Chúa Giêsu vẫn yêu thương họ, và Người đã đồng hành với họ trên một đoạn
đường đầy đau thương thử thách này, Người đồng hành không phải trong thinh lặng,
nhưng lắng nghe, để rồi giải thích Kinh Thánh, không những chỉ giải thích Kinh
Thánh mà còn thể hiện điều Kinh Thánh đã nói về Người và chính cử chỉ đặc trưng
của Người, khi lập Bí Tích Thánh Thể đã làm cho mắt các ông được mở ra và nhận
biết Chúa.
Lạy
Chúa Giêsu. Trong đời sống đức tin của chúng con cũng có nhiều đám mây đen, đã
bao phủ tâm trí của chúng con. Xin cho mọi thành viên trong gia đình mỗi khi
như vậy, luôn hướng về Chúa đặc biệt luôn đến với Thánh Lễ hằng ngày để nhận
thêm sức mạnh của Lời và Mình Thánh Chúa.
Mạnh
Phương
08
Tháng Tư
Cái Này Của Tôi
Hai
hiền nhân đã chung sống với nhau dưới một mái nhà trải qua nhiều năm tháng,
nhưng không bao giờ họ lớn tiếng cãi vã nhau. Một hôm kia, một người có ý nghĩ
ngộ nghĩnh. Ông bảo bạn:
"Ít
ra là một lần, tôi muốn chúng ta phải cãi vã nhau, như chúng ta thấy thiên hạ thường
làm".
Ông
kia không khỏi ngạc nhiên về ý nghĩ kỳ lạ này, nhưng chiều bạn, ông ta hỡm hờ hỏi:
"Cãi vã thế nào được, ít ra chúng ta phải tìm ra một việc gì chính đáng để
cãi nhau chứ". Người có ý kiến phải cãi nhau đề nghị: "Này nhé, dễ lắm!
Tôi để một viên đá ra giữa sân và quả quyết viên đá này là của tôi. Ông phải
phùng mang trợn mắt, đỏ mặt tía tai và lớn tiếng cãi lại: làm gì có chuyện đó,
viên gạch là của tôi. Rồi sau đó chúng ta cãi nhau".
Nói
xong ông ta bèn ra đường và tìm một viên đá to, khệ nệ khiêng ra đặt ở giữa
sân. Ông bạn kia bắt đầu ngay, ông ta lớn tiếng:
"Viên
đá đó của tôi mà mắc mớ gì ông lại mang ra giữa sân". Ông kia cãi lại:
"Viên đá này là của tôi. Tôi vừa tìm được ở ven đường. Bộ ông mù rồi sao
mà không thấy?". Nghe nói thế, ông kia đáp:
"À
phải rồi, viên đá đó ông tìm được thì đúng là của ông rồi. Vả lại tôi cũng
không cần có đá để làm gì".
Nói
xong, ông ta bỏ đi làm việc khác. Thế là ý định cãi nhau của hai người không được
thành tựu như ý muốn.
Ngay
từ thuở bập bẹ nói được, con người đã học câu "Cái này là của tôi" để
thể hiện quyền làm chủ của mình. Quan sát các cuộc cãi nhau của trẻ con, chúng
ta nghe thấy câu nói đó được lặp đi lặp lại nhiều nhất.
Rồi trong xã hội của những người lớn, dù có những cách nói hoa mỹ hay những lý luận có vẻ hợp lý hơn, nhưng chung quy phần lớn những mối bất hòa vẫn xoay xung quanh câu xác quyết "Cái này là của tôi".
Rồi trong xã hội của những người lớn, dù có những cách nói hoa mỹ hay những lý luận có vẻ hợp lý hơn, nhưng chung quy phần lớn những mối bất hòa vẫn xoay xung quanh câu xác quyết "Cái này là của tôi".
Trẻ
con tranh nhau hòn bi, trái banh. Người lớn giành nhau địa vị, lợi lộc. Quốc
gia tranh nhau đất đai, hòn đảo, vùng ảnh hưởng, môi trường tiêu thụ.
Trẻ
con dùng lời vã cãi nhau, dùng thoi đánh đấm nhau. Người lớn dùng bạo lực, thủ
đoạn thanh toán nhau. Quốc gia dùng khí giới, bom đạn giết hại, tàn phá nhau.
Ngược
lại bẩm tính thích tranh nhau chiếm hữu này, sứ điệp của Giáo Hội luôn vang lên
hai tiếng: Chia sẻ.
Ở
Hoa Kỳ, mỗi gia đình công giáo được phân phát một hộp giấy, để trong suốt Mùa
Chay, mỗi phần tử trong gia đình bỏ vào đấy những đồng tiền tiết kiệm do bớt
ăn, bớt uống, bớt chi tiền vào những việc giải trí. Cuối Mùa Chay, những số tiền
dành dụm đó được đóng góp vào quỹ dành cho việc tài trợ những chương trình cứu
tế xã hội trong và ngoài nước.
(Lẽ
Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét