Trang

Thứ Tư, 29 tháng 4, 2015

30-04-2015 : THỨ NĂM TUẦN IV MÙA PHỤC SINH

30/04/2015
Thứ Năm sau Chúa Nhật IV Phục Sinh


Bài Ðọc I: Cv 13, 13-25
"Bởi dòng dõi Ðavít, Thiên Chúa đã ban Ðức Giêsu làm Ðấng Cứu Ðộ".
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Rời Paphô, Phaolô và các bạn vượt biển đến Perghê xứ Pamphy-lia; còn Gioan từ biệt các ngài, và trở về Giêrusalem. Hai ngài sang qua Perghê và đến Antiôkia xứ Pisiđia; ngày Sabbat, các ngài vào ngồi trong hội đường. Sau khi đọc sách luật và các tiên tri, những thủ lãnh nhà hội đường sai người đến nói với các ngài rằng: "Hỡi anh em, nếu ai trong anh em có lời khuyên bảo dân chúng, xin hãy nói".
Phaolô đứng lên, giơ tay ra hiệu cho mọi người yên lặng và nói: "Hỡi người Israel và những kẻ kính sợ Thiên Chúa, hãy nghe đây. Thiên Chúa dân Israel đã chọn Tổ phụ chúng ta, Người đã thăng tiến dân Người khi họ còn cư ngụ trong nước Ai-cập và Người ra tay mạnh mẽ đưa cha ông chúng ta ra khỏi nước ấy. Trong thời gian bốn mươi năm, Người chịu đựng thói xấu họ trong hoang địa; và sau khi đã tiêu diệt bảy dân tộc trong đất Canaan, Người đã cho họ chiếm đất của các dân tộc ấy gần bốn trăm năm mươi năm; và sau đó, Người ban cho họ các thẩm phán cho đến tiên tri Samuel. Kế đó, họ xin một nhà vua và Thiên Chúa cho Saolê, con ông Cis, thuộc chi họ Bengiamin, cai trị họ bốn mươi năm. Sau khi loại bỏ Saolê, Chúa đã đặt Ðavít lên làm vua dân Người, để chứng nhận điều đó, chính Người đã phán: "Ta đã gặp được Ðavít con của Giêsê, người vừa ý Ta, người sẽ thi hành mọi ý muốn của Ta".
"Bởi dòng dõi Ðavít, theo lời hứa, Thiên Chúa ban cho Israel Ðức Giêsu làm Ðấng Cứu Ðộ, Ðấng mà Gioan đã báo trước khi người đến rao giảng phép rửa thống hối cho toàn dân Israel. Khi Gioan hoàn tất hành trình, ngài tuyên bố: "Tôi không phải là người mà anh em lầm tưởng; nhưng đây, Người sẽ đến sau tôi mà tôi không đáng cởi dây giày dưới chân Người".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 88, 2-3. 21- 22. 25 và 27
Ðáp: Lạy Chúa, con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời (c. 2a).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời; qua mọi thế hệ, miệng con loan truyền lòng trung thành Chúa. Vì Ngài đã phán: "Tình thương của Ta đứng vững muôn đời", trên cõi trời cao, Ngài thiết lập lòng trung tín. - Ðáp.
2) Ta đã gặp Ðavít là tôi tớ của Ta. Ta đã xức dầu thánh của Ta cho người, để tay Ta bang trợ người luôn mãi, và cánh tay Ta củng cố thân danh người. - Ðáp.
3) Thành tín và ân sủng của Ta hằng ở với người, và nhân danh Ta, sức mạnh người tăng thêm mãi. Chính người sẽ thưa cùng Ta: "Chúa là Cha con, là Thiên Chúa và Tảng Ðá cứu độ của con". - Ðáp.

Alleluia: Mt 28, 19 và 20
Alleluia, alleluia! - Các con hãy đi giảng dạy muôn dân: Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế. - Alleluia.

Phúc Âm: Ga 13, 16-20
"Ai đón nhận kẻ Thầy sai, là đón nhận Thầy".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Sau khi đã rửa chân các môn đệ, Chúa Giêsu phán với các ông: "Thật, Thầy bảo thật các con: Tôi tớ không trọng hơn chủ, kẻ được sai không trọng hơn đấng đã sai mình. Nếu các con biết điều đó mà thực hành thì có phúc. Thầy không nói về tất cả các con, vì Thầy biết những kẻ Thầy đã chọn, nhưng lời Thánh Kinh sau đây phải được ứng nghiệm: Chính kẻ ăn bánh của Ta sẽ giơ gót lên đạp Ta. Thầy nói điều đó với các con ngay từ bây giờ, trước khi sự việc xảy đến, để một khi xảy đến, các con tin rằng: Thầy là ai. Thật, Thầy bảo thật các con: Ai đón nhận kẻ Thầy sai, là đón nhận Thầy, và ai đón nhận Thầy là đón nhận Ðấng đã sai Thầy".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm:  Củng cố đức tin
Ðó là những lời Chúa Giêsu tâm sự với các tông đồ vào lúc khởi đầu cuộc khổ nạn của Ngài, loan báo tương lai cuộc sống của các tông đồ sẽ như thế nào. Nhưng tại sao Giáo Hội lại chọn để chúng ta suy niệm đoạn Phúc Âm này trong những ngày của mùa phụng vụ Phục Sinh? Những gì đã xảy ra đúng theo như lời Kinh Thánh và theo lời loan báo trước của Chúa, nhằm củng cố các tông đồ và cả chúng ta ngày hôm nay trong đức tin vào Chúa. Tin Chúa là Thiên Chúa, là Ðấng Hằng Hữu, là Ðấng Ta Là, "Ta bảo các con điều đó ngay từ bây giờ, trước khi sự việc xảy ra để đến khi sự việc xảy ra, các con tin Ta là Ðấng Hằng Hữu, là Thiên Chúa".
Bản văn Phúc Âm thánh Gioan dùng từ "Ta là Ðấng Ta Là", từ dùng để chỉ chính Giavê Thiên Chúa. Trong ánh sáng của mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Giêsu, các tông đồ và mỗi người chúng ta được mời gọi suy niệm những lời Chúa Giêsu có liên quan đến vận mệnh tương lai của những ai làm đồ đệ Chúa. Trước hết là hồng ân được Chúa sai đi, được đại diện cho Ngài "Ai đón rước kẻ Ta sai là đón rước Ta và ai đón rước Ta là đón rước Ðấng đã sai Ta". Ðó là chiều dọc từ con người lên cùng Thiên Chúa Cha qua Chúa Giêsu Kitô. Mọi đồ đệ của Chúa cần phải duy trì trọn vẹn chiều dọc này. Ðây là hồng ân Chúa ban cho những con người Chúa chọn làm kẻ đại diện của Ngài, mang sứ điệp của Ngài đến cho anh chị em khác và hồng ân này có thể bị mất đi do chính quyết định tự do của con người như trường hợp của Giuđa ngày xưa, người môn đệ phản Thầy, "Ta biết những kẻ Ta đã chọn, kẻ ăn bánh cùng Ta đã giơ gót chân đạp Ta".
Lời cảnh tỉnh của Chúa thôi thúc mỗi người chúng ta xét lại cuộc sống làm đồ đệ theo Chúa của mình đang ở mức độ nào. Chúng ta sẽ làm đại diện cho Chúa một cách hữu hiệu hơn nếu chúng ta trở nên giống Chúa hơn và chia sẻ vận mệnh của Chúa: "Tôi tớ không hơn chủ; kẻ bị sai đi không trọng hơn người sai họ". Chúa đã đi qua con đường thập giá, thì đồ đệ của Ngài chắc chắn cũng sẽ đi qua con đường này. Hơn nữa, cám dỗ phản bội Chúa như Giuđa ngày xưa luôn là cám dỗ thường hằng của mọi môn đệ Chúa cả ngày hôm nay. Chúng ta hãy tỉnh thức đề phòng.
Lạy Chúa, xin hãy ban cho con ơn can đảm theo Chúa cho đến cùng trong mọi hoàn cảnh.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần IV PS
Bài đọc: Acts 13:13-25; Jn 13:16-21.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa hoàn tất mọi ý định và lời hứa của Ngài.
Có một sự khác biệt giữa ý định và lời Thiên Chúa hứa với ý định và lời hứa của con người. Những gì Thiên Chúa muốn, Ngài sẽ hòan thành; không một ai có thể cản trở ý định của Ngài. Những gì Thiên Chúa hứa, Ngài sẽ ban; vì Ngài có uy quyền làm mọi sự. Những gì con người muốn luôn thay đổi, và những gì con người hứa ít khi được hoàn thành vì con người giới hạn và không đủ uy quyền để hoàn thành lời hứa. Nhìn lại lịch sử được ghi chép trong Kinh Thánh, con người phải ngạc nhiên và phải tin vững vàng vào Thiên Chúa, vì tất cả những gì Thiên Chúa đã muốn và hứa đều được làm trọn đến từng chi tiết. Khi những biến cố xảy ra trong hiện tại, con người nghĩ họ đang thực hiện ý định của họ; nhưng thực ra, họ chỉ đang làm theo ý Thiên Chúa đã muốn.
Các Bài Đọc hôm nay muốn nói lên sức mạnh và sự trung thành của Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, Phaolô dùng lịch sử để chứng minh cho khán giả biết Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa: Ngài hòan thành hai lời hứa với Abraham sẽ ban cho ông con cháu và Đất Hứa. Ngài hoàn thành lời hứa sẽ ban cho Israel một Đấng Cứu Độ xuất thân từ giòng dõi vua David. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tiên báo một người trong các Tông-đồ, là người cùng ăn uống với Chúa, sẽ "giơ gót đạp Chúa" như lời TV 41:9 tuyên bố; điều này được ứng nghiệm qua sự phản bội của Judah. Chúa Giêsu tiên đoán các Tông-đồ sẽ cùng chịu chung số phận bị bắt và giết chết như Chúa. Lời tiên đoán này cũng được làm trọn qua sự tử đạo của các Tông-đồ.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa đã thực hiện những gì Ngài hứa với tổ-phụ Abraham và vua David.
Ngày Sabbath, hai ông Phaolô và Barnabas vào hội đường ngồi tham dự. Sau phần đọc sách Luật và sách Các Ngôn Sứ, các trưởng hội đường cho người đến nói với hai ông: "Thưa anh em, nếu anh em muốn khuyên nhủ dân điều gì, xin cứ nói. Ông Phaolô đứng dậy, giơ tay xin mọi người lưu ý, rồi nói:
1.1/ Thiên Chúa làm trọn lời hứa với Abraham: Vì Abraham luôn vâng lời Thiên Chúa trong mọi sự, nên Ngài hứa với ông hai điều:
(1) Ban cho ông con đàn cháu đống (Gen 17:7): Mục đích của Phaolô là muốn khán giả nhìn lại lịch sử để xem lời Thiên Chúa hứa được hoàn thành thế nào: "Thiên Chúa của dân Israel đã chọn cha ông chúng ta, đã làm cho dân này thành một dân lớn trong thời họ cư ngụ ở đất Ai-cập (Deut 4:37, 10:15), và đã giơ cánh tay mạnh mẽ của Người mà đem họ ra khỏi đó. Và trong thời gian chừng bốn mươi năm, Người đã nuôi dưỡng họ trong sa mạc (Deut 4:34, 5:15, 9:26, 29, Exo 6:1-6, 12:42). Tất cả những điều này đã được ghi chép cẩn thận trong Lề Luật của họ.
(2) Ban cho ông Đất Hứa (Gen 17:8): Sau 40 năm thanh luyện trong sa mạc, Thiên Chúa dùng Joshua để đưa dân vào Đất Hứa: " Rồi Người đã tiêu diệt bảy dân tộc ở đất Canaan và ban đất của chúng cho họ làm gia sản: tất cả đã xảy ra trong khoảng bốn trăm năm mươi năm (Exo 16:35, Num 14:33ff, Deut 1:31). Sau đó, Người ban cho họ các vị thủ lãnh cho đến thời ngôn sứ Samuel."
1.2/ Thiên Chúa làm trọn lời hứa với David: Sau thời của Joshua, Thiên Chúa ban cho Israel các vị Thủ Lãnh để lãnh đạo dân chúng; nhưng khi Israel thấy các dân tộc khác có vua, họ đòi tiên tri Samuel cho họ cũng có vua cai trị họ.
(1) Israel có vua cai trị: "Rồi họ đòi có vua, Thiên Chúa ban cho họ ông Saul, con ông Kish thuộc chi tộc Benjamin, trị vì bốn mươi năm. Sau khi truất phế vua Saul, Người đã cho ông David xuất hiện làm vua cai trị họ. Người đã làm chứng về ông rằng: Ta đã tìm được David, con của Jesse, một người đẹp lòng Ta và sẽ thi hành mọi ý muốn của Ta. Từ dòng dõi vua này, theo lời hứa, Thiên Chúa đã đưa đến cho Israel một Đấng Cứu Độ là Đức Giêsu (2 Sam 7:12, 22:51).
(2) Gioan Tẩy Giả làm chứng cho Chúa Giêsu: Lời hứa ban Đấng Cứu Độ được thực hiện khi để dọn đường cho Đức Giêsu, ông Gioan đã rao giảng kêu gọi toàn dân Israel chịu phép rửa tỏ lòng sám hối (Mt 3:11). Khi ông sắp hoàn thành sứ mệnh và được tra vấn bởi các kinh sư và luật sĩ nếu ông là Đấng Thiên sai, ông Gioan đã tuyên bố: "Tôi không phải là Đấng mà anh em tưởng đâu, nhưng kìa Đấng ấy đến sau tôi, và tôi không đáng cởi dép cho Người" (Jn 1:20, 27, Mc 1:7f). Khi ông nhìn thấy Chúa Giêsu đi ngang, ông chỉ vào Ngài và nói với các môn đệ: "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian." (Jn 1:29).
2/ Phúc Âm: Thầy nói với anh em điều đó ngay từ lúc này, trước khi sự việc xảy ra, để khi sự việc xảy ra, anh em tin là Thầy Hằng Hữu.
2.1/ Nếu người ta đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em: Cuộc Thương Khó đã gần kề, Chúa Giêsu biết trước những gì sẽ xảy ra cho Ngài và những gì sẽ xảy ra cho các môn đệ; nên Ngài muốn chuẩn bị tâm hồn cho các ông. Ngài nói với các ông: "Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi." Chúa Giêsu muốn các tông-đồ biết trước điều đó và biết cách đối phó khi điều ấy xảy đến. Trong Cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Chúa Giêsu, tất cả những gì Chúa đã tiên báo đều ứng nghiệm đến từng chi tiết. Trong Sách CVTĐ, chúng ta đã nghe tường thuật đầy đủ tất cả những bắt bớ, tù đày, roi đòn, và tử đạo của các môn đệ Chúa.
2.2/ Chúa Giêsu tuyên bố về sự phản bội của Judah: Chúa Giêsu dẫn chứng lời TV 41:9 "Thầy không nói về tất cả anh em đâu. Chính Thầy biết những người Thầy đã chọn, nhưng phải ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con." Ngài muốn nói với các ông ngay cả việc bị một người trong số các ông phản bội, Judah, không phải là chuyện tình cờ, nhưng đã được xếp đặt và báo trước bởi Thiên Chúa. Sở dĩ Ngài nói với các ông điều đó ngay từ lúc này, trước khi sự việc xảy ra, để khi sự việc xảy ra, các ông tin là "Ngài Hằng Hữu." Biệt hiệu này chỉ dành cho Thiên Chúa mà thôi vì Ngài luôn hiện hữu.
Chúa nói trước về sứ vụ tương lai của các Tông-đồ; các ông là sứ giả mang Tin Mừng của Ngài. Ai đón tiếp sứ giả loan Tin Mừng là đón tiếp Đức Kitô và Thiên Chúa, vì Thiên Chúa sai Đức Kitô, và Đức Kitô sai các sứ giả. Điều cần là các sứ giả phải loan báo những gì Đức Kitô muốn nói cho dân chúng. Bổn phận của dân chúng là phải nhận ra ai là sứ giả thật từ những sứ giả mạo danh.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Tất cả mọi biến cố xảy ra trong cuộc đời là do ý định và sự quan phòng của Thiên Chúa. Điều gì Thiên Chúa muốn, Ngài sẽ làm cho thành tựu; điều gì Thiên Chúa hứa, Ngài sẽ ban.
- Con người chúng ta chỉ thi hành những gì Thiên Chúa muốn; không một ai có thể chống lại ý định hay vô hiệu hóa lời hứa của Thiên Chúa.
- Hạnh phúc của chúng ta là cố gắng tìm ra và vui vẻ làm điều Thiên Chúa muốn. Dĩ nhiên, chúng ta có thể làm ngược lại; nhưng có ích lợi gì đâu!
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

30/04/15 THỨ NĂM TUẦN 3 PS
Th. Pi-ô V, giáo hoàng.
Ga 13,16-20

Suy niệm: Có lẽ không con đường nào dài hơn con đường từ đầu đến tay, từ lý thuyết đến thực hành. Ai cũng từng cảm nghiệm được sự thách đố và khó khăn khi thi hành điều mình nhận biết hay quyết tâm thực hiện. Từ chỗ biết đến chỗ sống điều mình biết không chỉ là con đường dài nhất, nhưng còn là con đường chẳng dễ dàng chút nào, nếu không muốn nói là trắc trở và lắm gian nan. Đang khi ấy, con đường nên thánh của người môn đệ Chúa Giê-su gồm hai bước: bước hiểu biết Lời Chúa và bước thực hiện Lời ấy, nhất là qua việc phục vụ tha nhân với lòng khiêm nhường. Chúa Giêsu đã chúc phúc cho những ai “lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11,28), nghĩa là biết đem Lời Chúa ra thực hành trong đời sống. Thực hiện được hai bước song hành này là ta thật sự trở nên những chứng nhân sống động cho tình yêu Chúa giữa xã hội hôm nay.
Mời Bạn: Đừng bao giờ hài lòng vì đã đọc Lời Chúa mỗi ngày, vì bạn còn thiếu bước hai, là thực hiện Lời Chúa ấy mỗi ngày, nhất là qua việc sống đức ái với những người lân cận. Để chu toàn đức ái Kitô hữu, bạn hãy bắt đầu từ những nghĩa cử yêu thương nhỏ mọn.
Chia sẻ: Chia sẻ cảm nghiệm về những khó khăn bạn phải đương đầu khi sống Lời Chúa.
Sống Lời Chúa: Tôi quyết tâm thi hành Lời Chúa bằng cách phục vụ một người nghèo khó ở bên cạnh.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con biết rằng nếu không có Chúa chúng con sẽ không làm gì được. Xin ở bên chúng con luôn mãi, ban ơn giúp sức để chúng con mau mắn thực thi Lời Chúa. Amen.

Thật phúc cho anh em 
Đức Giêsu đã biến hành vi rửa chân thành mối phúc. Con người thường tìm hạnh phúc nơi việc được phục vụ, được tôn vinh. Thầy Giêsu dạy ta tìm hạnh phúc nơi việc cúi xuống khiêm hạ.


Suy nim:
Khi giảng cho các Giám mục Anh Giáo,
ông Jean Vanier có kể câu chuyện như sau xảy ra tại cộng đoàn của ông,
một cộng đoàn được lập tại nước Pháp để giúp những người cơ nhỡ.
Nhà ông có nhận nuôi anh Eric, 16 tuổi, vừa mù lại vừa điếc.
Anh không đi được, không muốn ăn, chỉ quậy phá và muốn chết.
Anh thật là mối kinh hoàng cho những ai phải chăm lo cho anh.
Làm sao để anh yêu cuộc sống này ?
Làm sao để anh thấy mình được yêu và đáng quý,
bất chấp những khiếm khuyết của mình ?
Tìm đâu thứ ngôn ngữ để một người vừa mù vừa điếc hiểu được điều ấy ?
Ông Jean Vanier có nhiệm vụ tắm cho anh mỗi sáng.
Và ông đã tìm ra được thứ ngôn ngữ mà anh hiểu được, cảm được,
thứ ngôn ngữ của bàn tay, ngôn ngữ của thịt.
“Lời đã thành thịt, để thịt của chúng ta thành lời,” ông đã nói như thế.
Khi Thầy Giêsu chạm tay của mình vào chân các môn đệ để rửa
với sự trân trọng và yêu thương,
chắc họ đã cảm được thứ ngôn ngữ không lời đó.
Kinh nghiệm được Thầy rửa chân là kinh nghiệm chẳng thể nào quên.
Thầy muốn các môn đệ tiếp tục làm điều Thầy đã làm:
“Thầy đã nêu gương cho anh em,
để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13, 15).
Thầy Giêsu nhắc các môn đệ về vị thế của họ,
vị thế của người tôi tớ, người được sai.
Vị thế này hẳn thấp hơn vị thế của Thầy là chủ, là người sai họ đi (c. 16).
Bởi đó việc rửa chân cho nhau giữa các tôi tớ là một đòi buộc (c. 14).
“Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành,
thì thật phúc cho anh em !” (c. 17).
Đức Giêsu đã biến hành vi rửa chân thành mối phúc.
Con người thường tìm hạnh phúc nơi việc được phục vụ, được tôn vinh.
Thầy Giêsu dạy ta tìm hạnh phúc nơi việc cúi xuống khiêm hạ.
Nhiều Kitô hữu đã nếm được thứ hạnh phúc này,
trong đó có ông Jean Vanier, Mẹ Têrêsa, cha Đamiêng, Đức Cha Cassaigne…
Họ đã tình nguyện dâng đời mình cho những người cùng khổ.
Hôm nay, Đức Giêsu vẫn ở nơi những người cần được rửa vết thương,
vết thương thể chất và tinh thần.
Hôm nay, Ngài vẫn ở nơi những người đang cúi xuống,
âm thầm, nhẹ nhàng băng bó các vết thương của thế giới.
Cầu nguyn:
Lạy Thầy Giêsu,
khi Thầy rửa chân cho các môn đệ
chúng con hiểu rằng Thầy đã làm một cuộc cách mạng lớn.
Thầy dạy chúng con một bài học rất ấn tượng
khi Thầy bưng chậu nước, bất ngờ đến với các môn đệ trong bữa ăn,
khi Thầy cúi xuống, dùng bàn tay của mình để rửa chân rồi lau chân cho họ.
Chắc Thầy đã nhìn thật sâu vào mắt của từng môn đệ và gọi tên từng người.
Giây phút được rửa chân là giây phút ngỡ ngàng và linh thánh.
Lạy Thầy Giêsu,
thế giới chúng con đang sống rất thấm bài học của Thầy.
Chúng con vẫn xâu xé nhau chỉ vì chức tước và những đặc quyền, đặc lợi.
Ai cũng sợ phải xóa mình, quên mình.
Ai cũng muốn vun vén cho cái tôi bất chấp lương tri và lẽ phải.
Khi nhìn Thầy rửa chân, chúng con hiểu mình phải thay đổi cách cư xử.
Không phải là ban bố như một ân nhân, nhưng khiêm hạ như một tôi tớ.
Từ khi Thầy cúi xuống rửa chân cho anh Giuđa, kẻ sắp nộp Thầy,
chúng con thấy chẳng ai là không xứng đáng cho chúng con phục vụ.
Lạy Thầy Giêsu,
Thầy để lại cho chúng con một di chúc bằng hành động.
Thầy đã nêu gương cho chúng con noi theo,
để rửa chân chẳng còn là chuyện nhục nhã, nhưng là mối phúc.
Xin cho chúng con thấy Thầy vẫn cúi xuống trên đời từng người chúng con,
để nhờ đó chúng con có thể cúi xuống trên đời những ai khổ đau bất hạnh.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
30 THÁNG TƯ
Nghe Theo Tiếng Người Mục Tử
Sứ mạng của Đức Kitô bao gồm một sự hiểu biết cụ thể về những ai thuộc về Người. “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi. Tôi biết chúng” (Ga 10,27). Đây là một sự hiểu biết đến từ đức tin và sự tín nhiệm. Thực vậy, người mục tử là người duy nhất mà đàn chiên tín nhiệm. Đó là lý do tại sao chiên đi theo người ấy. Người ấy biết chính xác từng con chiên. Mỗi con chiên đều ở trong tâm tư của người ấy. Và chỉ người ấy mới có thể trả giá cho mỗi con chiên.
Giá ở đây, với Đức Kitô, là Thập Giá: “Người mục tử thí mạng mình vì chiên”. Đức Kitô biết rằng chiên của Người được định liệu để chia sẻ sự sống vĩnh cửu trong Người: “Chúng theo tôi. Và tôi ban cho chúng sự sống đời đời.” (Ga 10,27-28).
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 30-4
Thánh Piô V, Giáo hoàng
Cv 13, 13-25; Ga 13, 16-20

LỜI SUY NIỆM: “Thật, Thầy bảo thật anh em ai đón tiếp người Thầy sai đến là tiếp đón Thầy; và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy”
Chúa Giêsu đang liên kết những người được Người sai đến với chính Người và chính Chúa Cha; là một, để mỗi người chúng ta có ý thức tôn trọng những đấng bậc trong Giáo hội, đang chăm sóc dạy dỗ. Đồng thời cũng giúp cho tất cả chúng ta đem ra thực hành trong cuộc sống khi đứng trước người anh em: trong lời nói, việc làm đầy khiêm tốn và tôn trọng họ như chính là Chúa Giêsu. Mọi điều này đều có liên quan đến Người và đến Chúa Cha. Điều này được Chúa Giêsu nói rõ trong  “Cuộc phán xét Chung” (Mt 25,31-46).
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mọi thành phần Dân Chúa, học biết Giáo Huấn Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo. Đặc biệt hiểu biết và sống bốn nguyên tắc căn bản của Giáo Huấn: Tôn trọng Phẩm giá con người. Đem lại Công ích cho mình và cho người, biết Liên đới với nhau và với thiên nhiên và Ra sức Bổ trợ lẫn nhau trong cuộc sống để cùng thăng tiến.
Mạnh Phương


Gương Thánh Nhân
Ngày 30-4
Thánh PIÔ V
Giáo Hoàng (1504 - 1572)

Thánh Piô V chào đời vào ngày lễ thánh Antôn năm 1504 tại Boscô, là con của ông Paolô và bà Đômen icaghisieri. Gia đình nghèo túng, Ngài phải đi chăn chiên. Khi một người láng giềng giàu có muốn trả giúp lệ phí học hành thì Ngài được gởi tới trường Đaminh ở Bôscô. Mười bốn tuổi Ngài nhập dòng và được mang tên là Micae. Năm 1528, thụ phong linh mục ở Ghenoa. Ngài đã dạy triết học và thần học một ít năm trong nhà dòng ở Pavia.
Năm 1543, khi ở nhà mẹ dòng Đaminh Ngài đã nỗ lực trong việc bảo vệ uy quyền của tòa thánh. Ngài được đặt làm ủy viên tòa án tôn giáo ở địa phận Pavia, rồi ở Bergamô và Cômô. Các hoạt động của Ngài ít được biết đến và bị chỉ trích nhiều. Một số lớn sách ủng hộ lạc giáo bị tịch thu để ở tại Milan và đưa về Rôma là nơi thánh nhân đã thắng cuộc và được Đức Hồng y Caraffa quí mến. Năm 1551, theo sự yêu cầu của Đức Hồng y, Ngài được Đức Giáo hoàng Giuliô III triệu về Rôma để làm Tổng Uy viên tòa án tôn giáo. Cùng năm này, Đức Hồng y Caraffa được bầu làm giáo hoàng.
Năm sau Đức tân giáo hoàng Phaolô IV đặt cha Micae Ghisleri làm giám mục Sutri và Nêpi. Ngài miễn cưỡng lãnh nhận trách nhiệm giám mục, chức vụ mà Đức Giáo hoàng nói là để "cột chân Ngài lại để Ngài khỏi trở lại tu viện". Năm sau Ngài lại được cất nhắc lên làm Hồng y rồi làm đại Phán Quán. Bấy giờ Đức Giáo Hoàng trở nên gắt gỏng và vì Đai Phán Quan đôi khi bắt buộc phải chước giảm những chỉ thị quá khích của Ngài. Trái lại Đức Giáo Hoàng kế tiếp là Piô IV lại thiên về thế tục đến nỗi thánh nhân phải lui về địa phận thứ hai của Ngài là Mondovi ở Lombardi. Nhưng năm 1565 Đức Giáo Hoàng qua đời dưới ảnh hưởng của thánh Carôlô Bôrrômeô, Đức Hồng y Ghisleri được chọn làm Đức Giáo Hoàng trong một cuộc họp không bị những can thiệp từ bên ngoài, Ngài chọn danh hiệu là Piô V.
Việc tuyển chọn Đức Piô V ít được mong đọi và không được vua chúa Tây Ban Nha đồng ý và đã là một thắng lợi quyết liệt cho nhóm canh tân. Dầu mang tước vị nào đi nữa, Đức Piô V luôn sống như một người ăn xin trong mức độ có thể được. Chẳng hạn, Ngài chỉ giữ một số nhỏ người giúp việc, thích đi bộ hơn là đi ngựa, luôn nhận biết nguồn gốc khiêm tốn của mình.
Lúc đầu, Ngài ít được dân Rôma biết đến nhưng rồi sự chuyên chăm tham dự phụng vụ, sự thánh thiện cá nhân, thói quen đi bộ để viếng 7 thánh đường ở Rôma, nhóm người tùy tùng ít ỏi, sự từ chối không đề bạt những người trong gia đình, giải pháp phần lớn đoàn quân của giáo hoàng, việc bố thí rộng rãi. Tất cả đã góp phần tô điểm cho Ngài một khuôn mặt Đức Giáo Hoàng vừa bình dân vừa thân thịên.
Nhưng cuộc canh tân công đồng Tridentinô đòi hỏi đã được Đức Giáo Hoàng Piô V thực hiện ngay sau khi được tuyển chọn. Sách nguyện và sách lễ được duyệt xét lại đồng thời bản kinh thánh Phổ Thông và Tân ước tiếng Hy Lạp cũng đã được sửa lại, một ấn bản mới về các tác phẩm của thánh Tôma đã được chuẩn bị và cuốn giáo lý công đồng Tridentinô được phiên dịch sang nhiều thứ tiếng. Thánh nhân đã quan tâm nhiều đến việc thánh hóa hàng Giáo sĩ, khích lệ họ. Ngài diệt trừ thói buôn thần bán thánh và nghiêm khắc với những lạm dụng về luân lý. Ngoài ra Ngài cũng nhạy cảm với nghệ thuật. Chính Ngài bảo trợ việc soát lại Thánh nhạc.
Dầu không thông thạo việc trần thế, thánh nhân cũng đã gặt hái được nhiều thành quả trong lãnh vực chính trị. Trước sức tấn công ngày càng lớn mạnh của quân Thổ, Ngài được thành lập một liên minh với vua Tây Ban Nha, cộng hòa Vênêtia. Các Kitô hữu xuất trận dưới quyền chỉ huy của Don Giuan d'Autriche. Cuộc chiến diễn ra ở vịnh Lêpantê. Chính Đức Giáo Hoàng chạy đến phương thế thiêng liêng. Ngài kêu gọi các tín hữu gia tăng cầu nguyện.
Quận công Soliman nói: - Tôi sợ những lời cầu nguyện của Đức Giáo Hoàng hơn là những đoàn quân hùng hậu của các hoàng đế.
Cuộc chiến đã đưa tới thành công như một phép lạ. Quân Hồi đã bị đánh bại và không còn ngóc lên nổi nữa. Hôm ấy là ngày 07 tháng 10 năm 1571.
Đang hội họp với các hồng y Đức Giáo Hoàng đã ra cửa sổ nhìn về phía Lêpantê rồi quay lại loan báo tin vui chiến thắng, cùng với lời kêu gọi tạ ơn Chúa và Đức Mẹ.
Để kỷ niệm biến cố này, Ngài đã thêm lời cầu: "Đức Bà Phù hộ các giáo hữu, cầu cho chúng con" vào Kinh Cầu Đức Mẹ. Ngài cũng lập một lễ kính mẹ vào ngày 07 tháng 10, sau đổi thành lễ Đức Mẹ Mân Côi.
Cuộc chiến tại Lêpantê chấm dứt, Đức Giáo Hoàng Piô V cũng linh cảm thấy đời mình sắp chấm dứt. Thật vậy, Ngài đã ngã bệnh nặng, trong cơn đau đớn, Ngài đã cầu nguyện: - Lạy Chúa, xin cho con được chịu đau khổ nhiều hơn nhưng xin cũng thêm sức chịu đựng cho con.
Ngày 01 tháng 5 năm 1572, Đức Giáo Hoàng Piô V từ trần.
(daminhvn.net)



30 Tháng Tư
Tôi Xin Chấp Nhận
Tại một bệnh viện trong thành phố Hiroshima bên Nhật Bản, một người đàn bà bị phóng xạ nguyên tử từ 30 năm qua đang lên cơn hấp hối.
Bác sĩ chữa trị cho biết bà chỉ còn nhiều lắm là một hay vài giờ nữa là cùng. Theo thói quen tại Nhật Bản, người ta thông báo để người sắp chết cho biết ý muốn trong những giây phút cuối cùng.
Bác sĩ vào phòng bệnh nhân và nói nhỏ với bà: "Akiramé".
Người đàn bà ngước nhìn vị bác sĩ và dùng ngón tay trỏ viết vào trong lòng bàn trái của bà câu: "Akiramé", nghĩa là "Tôi xin chấp nhận".
Với tất cả bình thản, người đàn bà đã biến những giờ phút hãi hùng nhất trong cuộc sống thành một biến cố tự nhiên và thanh thản.
Cuộc sống của chúng ta dường như được cấu tạo bằng nhiều vị khác nhau: đắng cay, chua xót, ngọt bùi... Gia vị là một điều cần thiết cho thức ăn. Người không thích cay đắng thì sẽ xem trái ớt, hạt tiêu là kẻ thù của khẩu vị. Người thích cay đắng thì lại tìm ra mùi vị thơm ngon của nó.
Hoa nào cũng có mật đắng. Nhưng loài ong khéo léo để chỉ hút mật ngọt.
Thiên Chúa ban cho chúng ta một cuộc sống với muôn màu sắc và hương vị khác nhau. Chúng ta phải là loài ong đi tìm mật ngọt trong vườn hoa cuộc sống ấy. Nếu chỉ nhìn thấy mật đắng, chúng ta sẽ bỏ cuộc đầu hàng trong chán nản. Nếu biết biến báo, chúng ta có thể tìm được mật ngọt và biến những đắng cay chua xót thành mật ngọt và hương thơm.
Sau khi đã đánh bại Ðức Quốc Xã và giải phóng Âu Châu, Churchill thủ tướng nước Anh đãtuyên bố: "Không gì buồn thảm cho bằng một chiến thắng". Cảnh thu dọn chiến trường, cảnh kẻ khóc người cười, cảnh vợ mất chồng, cảnh cha mẹ mất con cái... Chiến thắng ngự trị trên tro tàn, đổ nát.
Dù vui với chiến thắng đến đâu, có ai mà không ngậm ngùi xót xa.
Hôm nay 30 tháng tư, đánh dấu một trong những biến cố đau thương nhất của lịch sử dân tộc. Mỗi năm chúng ta có dịp ôn lại ngày lịch sử ấy. Mỗi người một tâm tình. Nhưng dưới cái nhìn Ðức tin, người Kitô luôn được mời gọi để nhận ra bàn tay quan phòng của Chúa. Với tất cả bình thản và lạc quan, chúng ta hãy thốt lên như thánh nữ Têrêxa Hài Ðồng giữa cơn đau quằn quại trong thân xác và tâm hồn: "Tất cả đều là ơn Chúa".
Tuyên xưng niềm tin vào Chúa Quan Phòng có nghĩa là chấp nhận mọi biến cố trong cuộc sống như một khởi đầu mới, một khởi đầu với những ơn sủng dồi dào hơn. Với những kẻ Thiên Chúa yêu thương, thì mọi sự đều quy về điều tốt...
Còn tâm tình nào đúng đắn hơn trong ngày lịch sử này là cảm tạ và phó thác. Cảm tạ Chúa vì qua mọi biến cố, Chúa Quan Phòng luôn gìn giữ chúng ta và hướng dẫn chúng ta trên đường ân phúc của Ngài. Phó thác cho Ngài bởi vì Ngài luôn có mặt trong cuộc sống để biến tất cả những thất bại, đau khổ, cay đắng trong cuộc sống thành khởi đầu của một cuộc sống tốt đẹp hơn.
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét