29/04/2015
Thứ Tư sau Chúa Nhật IV
Phục Sinh
Bài
Ðọc I: Cv 12, 24 - 13, 5a
"Hãy
dành Saolô và Barnaba riêng cho Ta".
Trích
sách Tông đồ Công vụ.
Trong
những ngày ấy, lời Chúa được lan rộng và tiến triển. Nhưng Barnaba và Saolô,
sau khi hoàn tất sứ mạng, đã rời Giêrusa-lem, đem theo Gioan cũng gọi là Marcô.
Bấy
giờ trong Hội Thánh Antiôkia có những tiên tri và tiến sĩ, trong số đó có
Barnaba, Simon cũng gọi là Nigê, Luxiô người thành Xyrênê, Manahê bạn của vua
Hêrôđê lúc còn thơ ấu, và Saolô. Ðang khi các ông làm việc thờ phượng Chúa và
ăn chay, thì Thánh Thần phán bảo các ông rằng: "Hãy để riêng Saolô và
Barnaba cho Ta, để làm công việc mà Ta đã chỉ định". Vậy sau khi ăn chay cầu
nguyện, họ đặt tay trên hai ông và tiễn đưa hai ông lên đường.
Ðược
Thánh Thần sai đi, hai ông xuống Xêlêucia, rồi từ đó vượt biển sang Cyprô. Khi
đến Salamina, hai ông rao giảng lời Chúa trong các hội đường Do-thái.
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 66, 2-3. 5. 6 và 8
Ðáp: Chư dân, hãy
ca tụng Ngài, thân lạy Chúa, hết thảy chư dân hãy ca tụng Ngài (c. 4).
Hoặc
đọc: Alleluia.
Xướng:
1) Xin Thiên Chúa xót thương và chúc phúc lành cho chúng con, xin chiếu giãi
trên chúng con ánh sáng tôn nhan Chúa, để trên địa cầu người ta nhìn biết đường
lối của Ngài, cho chư dân thiên hạ được biết rõ ơn Ngài cứu độ. - Ðáp.
2)
Các dân tộc hãy vui mừng hoan hỉ, vì Ngài công bình cai trị chư dân, và Ngài
cai quản các nước địa cầu. - Ðáp.
3)
Chư dân, hãy ca tụng Ngài, thân lạy Chúa, hết thảy chư dân hãy ca tụng Ngài.
Xin Thiên Chúa chúc phúc lành cho chúng con, và cho khắp cùng bờ cõi trái đất
kính sợ Ngài. - Ðáp.
Alleluia:
Alleluia,
alleluia! - Chúa Kitô đã sống lại và chiếu soi chúng ta, là những kẻ Người đã cứu
chuộc bằng máu của Người. - Alleluia.
Phúc
Âm: Ga 12, 44-50
"Ta
là sự sáng đã đến thế gian".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi
ấy, Chúa Giêsu lớn tiếng nói rằng: "Ai tin vào Ta thì không phải là tin
vào Ta, nhưng là tin vào Ðấng đã sai Ta. Và ai thấy Ta là thấy Ðấng đã sai Ta.
Ta là sự sáng đã đến thế gian, để bất cứ ai tin Ta, người ấy sẽ không ở trong sự
tối tăm. Nếu ai nghe lời Ta mà không tuân giữ, thì không phải chính Ta xét xử
người ấy, vì Ta đã đến không phải để xét xử thế gian, nhưng là để cứu độ thế
gian. Ai khinh dể Ta, và không chấp nhận lời Ta, thì đã có người xét xử: lời Ta
đã nói sẽ xét xử người ấy trong ngày sau hết. Bởi vì Ta đã không tự mình nói
ra, nhưng Cha là Ðấng sai Ta, chính Người đã ra lệnh cho Ta phải nói gì và phải
công bố gì. Và Ta biết rằng lệnh của Người là sự sống đời đời. Những điều Ta
nói, thì Ta nói theo như Cha đã dạy".
Ðó
là lời Chúa.
Suy
Niệm: Tin Con Là Tin Cha
Anh
chị em thân mến!
Lần
nọ, một nhóm giáo sĩ Công giáo Trung Hoa đã nhờ giáo sư Kinh Thánh từ Mỹ đến
giúp họ khóa học về Thánh Kinh. Mở đầu cho khóa học, vị giáo sư đề nghị nhóm
giáo sĩ tìm ra bất kỳ một đoạn Tin Mừng nào mà họ cảm thấy đánh động mình nhất.
Trước sự ngạc nhiên của vị giáo sư, nhóm người ấy họ không chọn bài giảng trên
núi, hay cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu hoặc biến cố Phục Sinh của Ngài. Nhưng họ
lại chọn câu chuyện rửa chân cho các môn đệ. Và cũng chẳng phải là ngẫu nhiên
mà sự chọn lựa của nhóm giáo sĩ người Trung Hoa này đã mang một ý nghĩa thật
trùng hợp với lời dạy của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay.
Anh
chị em thân mến!
Bài
Tin Mừng hôm nay có thể tóm lược cách tổng quát về những lời rao giảng công
khai của Chúa. Chúa Giêsu đã nhắc đến hai điểm chính yếu là: "Tin Ngài là
tin Chúa Cha và thấy Ngài là thấy Chúa Cha".
Tin
Chúa thì sẽ mang lại ánh sáng cho cuộc đời, vì đức tin là ánh sáng, không tin
thì sống trong tối tăm. Từ chối không tin Con Người thì tự kết án mình, mặc dù
Chúa Giêsu không đến để kết án mà để cứu rỗi. Không ai có thể thoát ra khỏi sự
xét xử cuối cùng này, và sự xét xử ấy là bởi thái độ do con người tin nhận hay
từ chối từ Thiên Chúa: "Ai nghe lời Ta mà không tin giữ thì không phải Ta
kết án kẻ đó, nhưng chính Lời Ta sẽ xét xử nó" (Ga 12,47-48), không ai có
thể thoát khỏi sự xét xử này, nhưng sự xét xử đó sẽ đến trong ngày sau hết.
Trong
cuộc sống, Thiên Chúa luôn kêu mời con người trở về với Ngài sau những lần sa
ngã hay lúc họ chối từ Ngài, thời giờ chúng ta đang sống là thời giờ của lòng
nhân từ thương xót Chúa. Ước gì mỗi người chúng ta đừng lạm dụng lòng nhân từ
Chúa, đừng khinh dể bỏ qua ơn soi sáng của Ngài. Qua đoạn Phúc Âm trên, thánh sử
cho thấy rõ ý Chúa muốn nói với mỗi người, đó là Ngài muốn chúng ta lắng nghe lời
Ngài và sống kết hợp với Ngài "biết giới răn Cha Ta là sống đời đời"
(Ga 12,50).
Lạy
Cha là Ðấng Toàn Năng Hằng Hữu, Cha đã đặt vào tâm hồn con người một niềm khao
khát sâu xa về Cha, đến độ con người sẽ được an bình chỉ khi nào họ đến gặp
Cha. Xin Cha hãy thương làm sao để cho con người vượt qua những thử thách, những
trở ngại mà nhìn nhận những dấu chỉ về lòng nhân từ của Cha, và có được niềm
vui khi chân nhận Cha là Thiên Chúa duy nhất, Cha là Ðấng chân thật của mọi người.
Amen.
Veritas Asia
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần IV PS
Bài đọc: Acts 12:24-13:5; Jn
12:44-50.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sẵn sàng vâng lời
Thiên Chúa.
Có
rất nhiều khác biệt giữa lời của Thiên Chúa và lời của con người: Lời của Thiên
Chúa khôn ngoan tuyệt đỉnh, không thay đổi, và mang lại sự sống cả đời này và đời
sau; trong khi lời của con người không thể khôn ngoan bằng Lời Chúa, thay đổi,
chưa chắc đã mang lại sự sống đời này, và không thể mang sự sống đời sau.
Các
Bài Đọc hôm nay dạy con người phải biết vâng lời Thiên Chúa qua sự thúc đẩy của
Thánh Thần và thực thi những gì Chúa Giêsu nói. Trong Bài Đọc I, tuy Hội Thánh
Antioch mới lập, nhưng họ sẵn sàng theo sự hướng dẫn của Thánh Thần, hy sinh
Barnabas, Phaolô, và Gioan Marcô, để các ông lên đường rao giảng Tin Mừng đến
các nơi chưa được nghe. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tuyên bố: Ngài chỉ nói những
gì Ngài nghe được nơi Thiên Chúa. Vì thế, tuân giữ Lời Ngài là tuân giữ Lời
Thiên Chúa; nếu không, những Lời này sẽ trở nên quan tòa xét xử con người.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I:
Hội Thánh tại Antioch vâng lời Thiên Chúa.
1.1/
Lời Chúa tiếp tục lan tràn và phát triển đến mọi nơi: Đây là mục đích
trong Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa nên Ngài tạo mọi cơ hội cho các sứ giả
loan báo Tin Mừng. Vài ví dụ cho chúng ta thấy điều này: Phải có cuộc bách hại
tại Jerusalem sau khi Stephanô chịu tử đạo, các môn đệ Chúa mới chịu tản mác đi
các nơi và rao giảng Tin Mừng; trong khi các Tông-đồ ở lại Jerusalem để củng cố
Hội Thánh Trung Ương. Phó-tế Philip xuống Samaria và rao giảng Tin Mừng cho dân
ở đây. Ông cũng gieo hạt giống cho dân Ethiopia khi rao giảng Tin Mừng và làm
Phép Rửa cho viên Thái Giám. Ngài làm cho Saul, kẻ nhiệt thành bắt bớ đạo
thánh, được trở lại; và giờ đây sẵn sàng để nhiệt thành rao giảng Tin Mừng như
tường thuật hôm nay. Nơi nào Tin Mừng được rao giảng, Thiên Chúa cũng ban cho
có các ngôn sứ và thầy dạy, như trong Hội Thánh tại Antioch, có các ông
Barnabas, Simeon biệt hiệu là Đen, Lucius người Cyrene, Manaen, bạn thời thơ ấu
của tiểu vương Herode, và Phaolô.
1.2/
Giáo đoàn tại Antioch sống theo sự hướng dẫn của Thánh Thần.
-
Sứ vụ riêng cho Phaolô và Barnabas: Một hôm, đang khi họ làm việc thờ phượng
Chúa và ăn chay, thì Thánh Thần phán bảo: "Hãy dành riêng Barnaba và
Phaolô cho Ta, để lo công việc Ta đã kêu gọi hai người ấy làm." Đây là lệnh
truyền không dễ làm cho Hội Thánh tại Antioch, vì hai ông là hai cột trụ của cộng
đoàn và Hội Thánh địa phương còn non nớt. Theo sự suy nghĩ loài người: nếu mất
hai ông, cộng đoàn sẽ suy xụp và không phát triển được. Nhưng họ quyết định
không sống theo sự suy nghĩ của con người; nhưng theo niềm tin vào Thiên Chúa
và sự hướng dẫn của Thánh Thần: "Bấy giờ họ ăn chay cầu nguyện, rồi đặt
tay trên hai ông và tiễn đi."
-
Đây là bài học quí giá cho mọi tín hữu: Phải hy sinh cho việc rao giảng Tin Mừng
sao cho mỗi ngày một lan rộng, chứ không ích kỷ giữ người cho mình. Hơn nữa,
khi nhà lãnh đạo đương nhiệm ra đi, Thiên Chúa sẽ gởi người khác tới, và mọi
người trong Hội Thánh địa phương sẽ ý thức được vai trò của mình và cộng tác đắc
lực hơn.
-
Phaolô, Barnabas, và Gioan Marcô bắt đầu thành các cộng đoàn mới: "Vậy, được
Thánh Thần sai đi, hai ông xuống Seleucia, rồi từ đó đáp tàu đi đảo Cyprius. Đến
Salamis, hai ông loan báo lời Thiên Chúa trong các hội đường người Do-thái. Có
ông Gioan giúp hai ông."
2/
Phúc Âm:
Chúa Giêsu vâng lời Chúa Cha.
2.1/
Con người phải tin và vâng lời Chúa Giêsu: Đức Giê-su lớn tiếng nói rằng:
-
"Ai tin vào tôi, thì không phải là tin vào tôi, nhưng là tin vào Đấng đã
sai tôi." Người được sai đi có đầy đủ chức vị và thẩm quyền như Đấng sai
đi. Vì thế, tin vào sứ giả là tin vào người sai sứ giả; từ chối sứ giả là từ chối
người sai sứ giả.
-
"Ai thấy tôi là thấy Đấng đã sai tôi." Đây là lời mặc khải mới lạ. Đối
với con người, Người sai đi và sứ giả là hai chủ thể riêng biệt. Đối với Thiên
Chúa, Người sai đi (Chúa Cha) và Người được sai đi (Chúa Con) là một; vì cả hai
đều là Thiên Chúa, nhưng làm các việc khác nhau. Điều này cũng được Chúa Giêsu
xác tín, khi Philip yêu cầu: "Xin Thầy chỉ cho chúng con thấy Cha, thế là
chúng con mãn nguyện rồi." Chúa Giêsu trả lời: "Thầy ở với anh em bấy
lâu, thế mà anh Philíp, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha.
Sao anh lại nói: "Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha!" Anh không tin
rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với
anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy,
chính Người làm những việc của mình" (Jn 14:9-10).
-
"Tôi là ánh sáng đến thế gian, để bất cứ ai tin vào tôi, thì không ở lại
trong bóng tối." Ánh sáng và bóng tối là hai điều trái nghịch nhau: khi có
ánh sáng thì không có bóng tối; và ngược lại. Người tin vào Đức Kitô không thể ở
trong bóng tối, vì Đức Kitô là ánh sáng. Điều này không có ý nói, người nào đã
tin Đức Kitô là sẽ không còn bóng tối trong mình; nhưng nếu người tin Ngài chịu
để cho ánh sáng của Ngài soi dẫn vào mọi ngóc ngách trong tâm hồn, họ sẽ chỉ
còn là ánh sáng.
-
"Ai nghe những lời tôi nói mà không tuân giữ, thì không phải chính tôi xét
xử người ấy, vì tôi đến không phải để xét xử thế gian, nhưng để cứu thế
gian." Câu này lặp lại những gì Chúa Giêsu đã nói trong Jn 3:16-21. Chương
12 của Gioan là chương cuối cùng của cuộc đời công khai rao giảng của Đức Kitô,
vì từ chương 13 tới 21 dành cho các môn đệ và Cuộc Thương khó của Ngài. Vì thế,
chương 12 tóm gọn những đạo lý chính của Chúa Giêsu.
-
"Ai từ chối tôi và không đón nhận lời tôi, thì có quan toà xét xử người ấy
- chính lời tôi đã nói sẽ là quan tòa xét xử người ấy trong ngày sau hết."
Theo Jn 3:18, con người xét xử chính mình khi không tin vào Đức Kitô. Với những
người không có cơ hội gặp Chúa Giêsu và những người thuộc các thế hệ sau như
chúng ta, Lời Chúa trở thành quan tòa xét xử cho những ai không chịu tin vào Lời
Ngài.
2.2/
Chúa Giêsu vâng lời Chúa Cha: "Thật vậy, không phải tôi tự mình nói ra, nhưng là chính
Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, truyền lệnh cho tôi phải nói gì, tuyên bố gì."
Người được sai đi phải nói những gì người sai đi muốn nói; nếu không, họ sẽ
không còn là sứ giả hay ngôn sứ của người đã sai họ đi.
Tuy
nhiên, sự vâng lời của Chúa Giêsu không có tính cách nô lệ hay mù quáng, vì
Ngài phán: "Và tôi biết: mệnh lệnh của Người là sự sống đời đời. Vậy, những
gì tôi nói, thì tôi nói đúng như Chúa Cha đã nói với tôi." Nói cách khác,
Ngài biết Lời của Chúa Cha là sự thật, và có khả năng giải thoát con người khỏi
tội, và cho con người được sống muôn đời.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Chúng ta phải luôn nhớ Thiên Chúa vẫn đang hoạt động và điều khiển mọi sự trong
vũ trụ. Bổn phận của chúng ta là cầu nguyện để nhận ra và mau mắn thi hành
thánh ý của Ngài.
-
Chúng ta phải chịu trách nhiệm trong việc rao giảng Tin Mừng cho mọi người, chứ
không ích kỷ chỉ biết lo lắng cho mình hay cho giáo xứ. Khi đã hiêu biết Lời
Chúa rồi, chính chúng ta phải sống và làm chứng cho Tin Mừng.
-
Đừng khinh thường Lời Chúa vì những Lời này sẽ trở thành quan tòa để phán xét
chúng ta; hơn nữa, đó là những Lời mà vì yêu chúng ta, Thiên Chúa nói với chúng
ta những Lời này.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
29/04/15 THỨ TƯ TUẦN 4
PS
Th. Ca-ta-ri-na Xi-ê-na, trinh nữ, tiến sĩ HT
Ga 12,44-50
Th. Ca-ta-ri-na Xi-ê-na, trinh nữ, tiến sĩ HT
Ga 12,44-50
Suy niệm: Đức
Giê-su luôn minh định mình chỉ là ngôn sứ “nói những lời của Thiên Chúa” (Ga
3,34), rằng giữa Ngài và Chúa Cha có một sự kết hợp mật thiết là Người Con Chí
Ái luôn vâng phục, là “kẻ được Cha sai đến” “để thực thi ý Chúa Cha” (Ga 12,27;
Dt 10,5-7). Ngài đã không ngừng dẫn đưa nhân loại đến gặp gỡ Chúa Cha và giúp
họ trải nghiệm mối thâm tình “Cha-Con” với Chúa Cha nơi Ngài.
Mời Bạn: Đức
Giê-su cho thấy Ngài là nhà truyền giáo đích thực: là người đến không phải để nói về
mình mà là nói lời của Chúa Cha và tỏ cho chúng ta biết chương trình cứu rỗi
của Ngài. Noi gương Đức Giê-su, bạn không thể là một nhà truyền giáo nếu không sống cách mật thiết mối tình Cha-con
ấy với Chúa Cha trong Đức Ki-tô và dùng chính cuộc sống bản thân để
làm chứng cho Thiên Chúa là tình yêu cứu độ.
Sống Lời Chúa: Truyền
giáo không chỉ bằng một số công việc mà là truyền giáo thường xuyên bằng việc kết hợp sâu xa với Chúa trong lời
cầu nguyện và bằng đời sống diễn tả Thiên Chúa là Đấng tốt lành và yêu
thương con người.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, thế gian đã không muốn đón nhận ánh sáng Lời Chúa, họ đã
bị thất bại, nhưng chính Chúa cũng đã không lên án họ, vì Chúa đến trong thế
gian để cứu rỗi chứ không phải để lên án! Xin Chúa ban cho chúng con lòng khiêm
tốn đích thực và lòng nhiệt thành hăng say loan báo Lời Chúa cho mọi người anh
em để anh em con và chính bản thân con cũng sẽ được ơn cứu độ của Chúa.
Không tự mình nói
Hãy nghe, đón nhận và tuân giữ lời của Giêsu. Chỉ
khi ở lại trong lời của Giêsu chúng ta mới gặp được sự thật và sự thật sẽ cho
chúng ta được tự do.
Suy niệm:
Tự do là điều con người trân
trọng.
Bao người dám chết để đổi
lấy một chút tự do.
Các bạn trẻ thèm được tự do,
để được là mình.
Người ta vẫn hiểu người có
tự do là người muốn làm gì thì làm,
muốn nói gì thì nói, không
bị bất cứ ràng buộc nào.
Nếu thế thì Đức Giêsu có tự
do không?
Đức Giêsu có tự do không,
khi trong bài Tin Mừng Ngài khẳng định:
“Không phải tôi tự mình nói
ra, nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai tôi,
truyền lệnh cho tôi phải nói
gì, phải tuyên bố gì” (c.
49)?
“Những gì tôi nói, thì tôi
nói đúng như Chúa Cha đã nói với tôi” (c.50).
Ngài có tự do không, khi
Ngài cũng chẳng tự mình làm bất cứ điều gì?
“Đấng đã sai tôi vẫn ở với
tôi, Người không để tôi cô độc,
vì tôi luôn làm những điều
đẹp ý Người” (Ga 8,
29).
Bao nhiêu lần trong Tin Mừng
Gioan, Đức Giêsu quả quyết
Ngài không tự mình nói gì,
cũng không tự mình làm gì.
Ngài chỉ sống theo lệnh
truyền của Cha (Ga 15, 10).
Lệnh truyền này không áp đặt
Ngài từ bên ngoài,
nhưng chi phối sâu xa từ bên
trong
toàn bộ hướng đi và những
chọn lựa cụ thể của cuộc sống trần thế.
Đức Giêsu đã tự do đón lấy ý
Cha, lệnh truyền của Cha.
Chính khi hoàn toàn để Cha
chi phối, mà Ngài được tự do thật sự.
Chính khi đó Đức Giêsu trở
thành sự hiện diện trong suốt của Cha.
“Ai thấy tôi là thấy Chúa
Cha, Đấng đã sai tôi” (Ga
12, 45; 14, 9).
Lời của Ngài là lời của Cha,
việc Ngài làm là việc của Cha.
Chúng ta có thể gặp được
Thiên Chúa một cách nguyên tuyền nơi Đức Giêsu,
Đấng đã dâng hiến tất cả tự
do để sống hoàn toàn tùy thuộc.
Chính khi hoàn toàn tùy
thuộc mà Ngài được hoàn toàn tự do.
Người được sai là một với
người sai mình.
“Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10, 30).
Hãy đến với Giêsu Ánh Sáng
và ra khỏi những bóng tối (c.46).
Hãy nghe, đón nhận và tuân
giữ lời của Giêsu (cc. 47-48).
Chỉ khi ở lại trong lời của
Giêsu chúng ta mới gặp được sự thật
và sự thật sẽ cho chúng ta
được tự do (Ga 8, 31-32).
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
xin
nhận lấy trọn cả tự do, trí nhớ, trí hiểu,
và trọn
cả ý muốn của con,
cùng
hết thảy những gì con có,
và
những gì thuộc về con.
Mọi sự ấy, Chúa đã ban cho con,
lạy Chúa, nay con xin dâng lại cho Chúa.
Tất cả là của Chúa,
xin
Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa.
Chỉ xin ban cho con lòng mến Chúa và ân sủng.
Được như thế, con hoàn toàn
mãn nguyện. Amen.
(Kinh dâng hiến của thánh
I-Nhã)
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
29
THÁNG TƯ
Mối
Quan Tâm Từ Phụ Của Thiên Chúa
Người
Mục Tử Tốt Lành là hình ảnh diễn tả độc đáo nhất về sự quan phòng cứu độ của
Thiên Chúa, về mối quan tâm từ phụ của Ngài đối với con người. Do lòng từ bi của
Ngài, Chúa Cha quyết định rằng Chúa Con phải đến để dẫn dắt đàn chiên của Ngài
đến sự sống sung mãn – một sự sống phong nhiêu như dòng suối mát hay đồng cỏ xanh.
Ngôi Lời đã hủy mình ra không và đã cứu độ chúng ta, làm cho chúng ta nên giống
như Ngài đến nỗi mọi Kitôhữu đều có thể nói như Thánh Phao-lô: “Giờ đây không
còn phải là tôi sống nữa, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).
Tuy
nhiên, chúng ta đừng quên rằng sự hiện diện đầy khích lệ của Đấng Cứu Chuộc
không hề miễn cho chúng ta khỏi gánh vác thập giá. Sự hiện diện ấy là một ơn an
ủi giúp ta kết hiệp với Thiên Chúa, giúp ta sống và chịu đau khổ theo thánh ý
Thiên Chúa và vì ích lợi của anh chị em chúng ta.
Như
vậy, chúng ta thấy rằng Đức Kitô đã triển khai một sứ mạng có tính quan phòng để
phục vụ cho những người mà Chúa Cha đã trao cho Người. Người là Mục Tử Tốt
Lành.
-
suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm.
Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT
UP YOUR HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia
Đình
NGÀY
29-4
Thánh
Catarina Siêna, trinh nữ, tiến sĩ Hội thánh.
Cv
12,24-13,5a; Ga 12, 44-50.
LỜI
SUY NIỆM: Đức Giêsu lớn tiếng nói rằng: “Ai tin vào
tôi, thì không phải tin vào tôi, nhưng là tin vào Đấng đã sai tôi.”
Với
Giao ước Xi-nai, người Do-thái, họ chỉ được thờ phượng một mình Thiên Chúa độc
nhất, ngoài Ngài ra không được thờ phượng bất cứ một vị thần nào khác. Nên khi
Chúa Giêsu đến, mặc dầu họ thấy được nơi Người có quyền năng trong lời nói đi
đôi với việc làm giữa họ; nhưng họ vẫn lưỡng lự, e dè, điễn hình là ông
Ni-cô-đê-mô. Vì yêu thương, Người không muốn một ai trong họ bị hư mất; nên Người
lớn tiếng mời gọi họ: “Ai tin vào tôi, thì không phải tin vào tôi, nhưng là tin
vào Đấng đã sai tôi.” Để họ nhận ra Người là Đấng Cứu độ. Người của Thiên Chúa
sai đến.
Lạy
Chúa Giêsu, chính nhờ các thánh Tông đồ và các thừa tác viên thánh của Giáo Hội
đã dạy cho chúng con biết về KInh Thánh và sự cần thiết của Kinh Thánh. Xin cho
mọi thành viên trong gia đình chúng con có quyết tâm chăm chỉ lắng nghe Lời
Chúa, và đem ra thực hành trong từng ngày sống.
Mạnh
Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày
29-04
Thánh
CATARINA THÀNH SIENA
Đồng
Trinh, Tiến Sĩ Hội Thánh (1347 - 1380)
Cartarina
sinh 1347 tại Siêna, là con út của một gia đình dông đảo, cha Ngài, ông Giacômô
là một thợ nhuộm giàu có, Mẹ Ngài Mônna Lapa là một người quản trị có nhiều khả
năng và giàu nghị lực của gia đình sống động này.
Cartarina
đã trải qua tuổi nhỏ thơ ấu bình thường với tính vui đặc biệt khác hẳn với các
anh chị. Nhưng với tuổi thanh xuân, Ngài đã say mê cầu nguyện trong cô tịch. Bà
Lapa rất bực mình và có thời bà coi Cartarina như một đứa con khó trị, vì cô đã
cưỡng lại sự hướng dẫn của mẹ trong những công việc như ăn mặc và giải trí, chống
đối cả những đề nghị thành hôn và luôn cương quyết trong ý tưởng trở nên một nữ
tu.
Ngay
hồi 7 tuổi, Cartarina đã khấn với Đức Trinh nữ rằng : Chúa Giêsu là vị hôn phu
duy nhất của mình. Lên 12 tuổi, cha mẹ muốn gả chồng cho Cartarina. Nhưng rồi
cha mẹ Ngài đã hiểu rằng: không thể thay đổi ý định của Ngài được. Đàng khác,
sau nhiều thử thách, cha mẹ Ngài phải cảm kích khi thấy Ngài vẫn dịu dàng tuân
phục trong những việc nặng nề và từ đó họ không chống lại tiếng gọi thần linh nữa.
Năm
16 tuổi, Cartarina được mặc áo dòng ba Đaminh. Luật lệ dòng cho phép Ngài mặc
áo đen trắng của dòng mà vẫn ở nhà với cha mẹ. Từ đó, trong 3 năm trời thánh
nhân chỉ rời phòng riêng khi đi lễ và xưng tội. Ngài chỉ nói chuyện với cha giải
tội của Ngài thôi. Sau này vị linh mục tốt lành này thú nhận rằng mình thường cảm
thấy thiếu khả năng để hướng dẫn Cartarina.
Cũng
trong thời gian này có khi thánh nhân chỉ ăn một muỗng cháo và ngủ vài giờ mỗi
ngày. Những khó nhọc khổ chế thể xác ấy còn quá nhẹ so với cơn thử thách mà quỷ
gây ra trong tâm hồn. Khi hết các thử thách, Chúa Giêsu hiện đến dưới hình dạng
bê bết máu trên thánh giá. Thánh nhân trách: - Lạy Chúa, Chúa ở đâu khi con một
mình chiến đấu với những dày vò kia ?
Chúa
trả lời : - Cha vẫn phải với con.
-
Sao, Chúa ở giữa những tư tưởng kinh tởm làm nhơ nhớp linh hồn con sao ?
-
Nhưng những thử thách ấy đâu có làm cho con phiền muộn quá mức ?
-
Ôi, con kinh sợ và đau buồn quá mức ?
-
Đó, các tư tưởng ấy đã không thể làm nhơ uế hồn con vì con tởm gớm chúng. Chính
cha ngự trong lòng con và đã cho con ơn biết đau buồn vì chúng.
Chúa
Giêsu đã thưởng công cho lòng dũng cảm và trung tín của Cartarina bằng cuộc viếng
thăm này. Thánh nhân xin cho được kết hợp mật thiết với Chúa hơn. Trong một thị
kiến, Đức trinh Nữ đã cầm tay thánh nữ và Con Ngài đã xỏ vào tay thánh nữ một
chiếc nhẫn vàng và chỉ một mình thánh nữ trông thấy. Đây là Lễ Cưới nhiệm mầu.
Sau
biến cố đặc biệt này, thánh nữ bắt đầu chia sẻ mọi việc trong nhà, nuôi dưỡng bệnh
nhân và giúp đỡ những người nghèo. Người ta còn nhắc đến việc Ngài săn sóc cho
một người cùi và một người bị ung thư; để vượt qua sự ngại ngùng, Ngài dám hôn
vết thương tanh hôi của họ. Anh hùng săn sóc cho thể xác, chắc chắn Ngài cũng
nhiệt tình lo lắng cho linh hồn con người . Một phạm nhân cứng lòng đã hối cải
sau lời khuyên của thánh nữ, và lãnh nhận cái chết đạo đức trong tay thánh nữ.
Được
ơn thấu suốt các tâm hồn, thánh nhân đã trở nên nơi tập họp của một lớp người
đông đảo cầu thuộc đủ mọi thành phần. Họ bị lôi kéo bởi sự vui tươi lẫn đời sống
khổ hạnh của Ngài, bởi tính khí bình dân lẫn sự hiểu biết sâu sắc về đường
thiêng liêng, bởi nét đẹp bình dị của Ngài. Người ta gọi nhóm người qui tụ bên
Ngài là "Trường phái thần bí".
Với
ảnh hưởng lớn lao ấy, thánh Cartarina được mệnh danh là "Thiên thần hòa giải"
bởi những mối thù hận giữa gia đình không thể chống lại được ảnh hưởng của
Ngài. Ngài nói : - Ghen ghét người lân cận là chống đối lại Thiên Chúa, là hủy
diệt đối với người nuôi dưỡng nó, bởi vì ai sống trong ghen ghét, họ tự ghét bỏ
mình còn hơn là ghét bỏ thù nghịch nữa.
Trước
uy tín dặc biệt này của thánh nhân Bề trên đã đặt Ngài mang lời Chúa đến cho
dân chúng. Ngài dạy ở Siêng Pisa, Rôma. Mọi người đều ngạc nhiên khi thấy một
người con gái bình thường lại có thể diễn đạt tư tưởng như một nhà thần học và
một nhà triết học.
Trở
về phòng riêng, thánh nữ tiếp tục cuộc rao giảng Tin Mừng, khích lệ và nâng đỡ
các tâm hồn. Ngài viết thư cho các vua chúa và cho cả Đức giáo hoàng, các tu sĩ
vâng phục Ngài, các hiệp sĩ bày tỏ nỗi lòng với Ngài. Những việc hệ trọng nhất
được giao phó cho Ngài, một trật Ngài có thể đọc cho hai hay ba thơ ký viết về
những đề tài khác nhau. Bởi đó, Ngài đã giữ một vai trò lớn lao trong lịch sử,
mang lại an bình cho Giáo hội, ngăn chận cuộc nổi loạn ở Pisa và Tôscane. Ngài
là Thiên thần của Siêna trong cuộc nội chiến và dịch hạch. Nhiều thành phố nổi
dậy chống lại Đức giáo hoàng Gregoriô XI là Đấng rời tòa sang Pháp.
Tháng
5 năm 1376, Ngài sang Avignon nài nỉ Đức giáo hoàng trở về Rôma. Các thư từ của
Ngài thổi vào sự can đảm cần thiết cho cuộc trở về này. Khi cuộc nổi loạn ở
Florence bùng nổ, người ta bỗng thấy thánh Cartarina xuất hiện, quỳ dưới chân
thủ lãnh những người nổi loạn và nói: - Ông muốn tìm Cartarina phải không ? Nó
đây, nhưng xin đừng hại những người này.
Cảm
kích vì lòng gan dạ của thiếu nữ, người đứng đầu chấm dứt âm mưu nổi dậy.
Đức
giáo hoàng Grêgoriô XI bỏ Avignon ngày 13 tháng 9 năm 1376. Khi đức giáo hoàng
Gregoriô qua đời, Cartarina trở về Siena và đọc cho thơ ký viết cuốn: "Đối
thoại về Chúa quan phòng". Nhưng có sự chia rẽ, Ngài đứng về phía Urbanô
VI. Trong những bức thư đầy sinh lực, Ngài kêu gọi các vua Au châu vâng phục Đức
giáo hòang. Bốn trăm bức thư và cuốn sách thánh nhân để lại là một kho tàng lớn
lao trong các tác phẩm thiêng liêng.
Giữa
các hoạt động rực rỡ trên, thánh Cartarina đã phải chịu những đau đớn vô danh.
Chúng ta biết rằng: từ Chúa nhật thứ IV mùa chay năm 1375, Ngài đã được in năm
dấu thánh. Dấu chỉ lộ rõ sau khi Ngài qua đời.
Một
chiều tháng giêng năm1380, thánh nhân đã ngã bệnh trong khi đọc một lá thơ viết
cho đức giáo hoàng Urbanô. Phục hồi một phần, nhưng Ngài vẫn sống trong một cơn
hấp hối nhiệm màu, một chuộc chiến đấu với ma quỉ. Và Ngài ngã bệnh hôn mê lần
thứ hai khi đang cầu nguyện tại đền thờ thánh Phêrô và qua đời ba tuần sau vào
ngày 29 tháng 4 năm 1380.
Ngài
được mai táng dưới chân bàn thờ dòng Đaminh Santa Maria Sopra Minerva, nhưng đầu
Ngài sau này được dời về Siena. Tám mươi mốt năm sau Ngài được phong thánh.
Ngày
04 tháng 10 năm 1970, đức Phaolô VI đã tôn phong Ngài vào hàng tiến sĩ Hội
Thánh.
(daminhvn.net)
29
Tháng Tư
Chúc Lành Của Người
Cha
Ðức
Hồng Y Cardjin, vị sáng lập của phong trào Thanh Lao Công, đã tự thuật như sau:
"Tôi là con của giai cấp công nhân. Nếu tôi đã có thể trở thành linh mục,
là cũng nhờ cha tôi". Cha tôi là một công nhân nghèo. người đã phải hy
sinh để nuôi dưỡng những đứa con mà hẳn người đã hãnh diện. Tôi còn nhớ, khi
lên 13 tuổi, một buổi tối nọ, khi các anh chị của tôi đã lên giường đi ngủ, tôi
rón rén bước xuống nhà bếp. Tôi đến gần cha tôi. Người đang ngồi trầm ngâm với
chiếc ống điếu. Còn mẹ tôi thì đang khâu giày cho chúng tôi. Tôi rụt rè thưa với
cha tôi: "Thưa ba, con có thể tiếp tục học không?". Cha tôi trả lời:
"Con ơi, ở tuổi con ba đã phải đi làm rồi. Nay thì ba đã già và sức ba
cũng đã mòn".
Tôi
lấy hết can đảm để thuyết phục cha tôi: "Ba ơi, con nghĩ là Chúa đã gọi
con, con muốn tở thành linh mục".
Bình
thường cha tôi là một người ít biểu lộ tình cảm. Nhưng tối hôm đó, khi vừa nghe
tôi cho biết ý định làm linh mục, nước mắt người bỗng từ từ lăn trên gò má...
Và đôi tay của mẹ tôi cũng run lên vì xúc động.
Cuối
cùng, khi làm chủ được cơn xúc động, cha tôi mới thốt lên với tất cả cương quyết:
"Ba má đã hy sinh quá nhiều... Nhưng để cho một người con làm linh mục, ba
má nguyện sẽ tiếp tục hy sinh".
Mà
quảthực, cha mẹ tôi đã tiếp tục làm việc nhiều hơn nữa để tôi có thể tiếp tục học.
Vừa mãn trung học, 8 ngày trước khi lãnh thưởng cuối năm, tôi nhận được điện
tín nhắn tin cha tôi đau nặng.
Trên
giường hấp hối, cha tôi nhìn tôi mỉm cười: đó là chúc lành cuối cùng mà người
dành cho tôi. Người cha đáng thương, hy sinh cho đến chết để người con được trở
thành linh mục.
Sau
khi vuốt mắt người, tôi đã thề hứa sẽ hy sinh để trở thành linh mục, nhất là
linh mục cho giới công nhân.
Thiên
Chúa muốn gọi ai tùy Ngài muốn. Nhưng tiếng gọi ấy luôn được ngỏ với con người
trong một khung cảnh sống cụ thể. Khung cảnh ấy có thể là gia đình, là chợ búa,
là trường học, là chỗ làm việc... Có những khung cảnh thuận tiện, mà cũng có những
khung cảnh không thuận tiện. Có những nơi hạt giống ơn gọi được nảy mầm, vun xới.
Có những nơi hạt giống ấy bị bóp nghẹt...
Thiên
Chúa muốn gọi ai tùy Ngài muốn, nhưng kẻ được gọi luôn là người đang sống cùng
và sống với những người khác. Do đó, nếu không có sự nâng đỡ của những người
xung quanh, hạt giống ơn gọi cũng sẽ mai một dễ dàng...
Chúng
ta hãy cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ. Ý thức đầu tiên của
chúng ta trong ngày hôm nay phải là: ơn gọi là vấn đề của mọi người Kitô. Từ
gia đình, đến trường học, công sở... mọi người chúng ta đều có trách nhiệm nâng
đỡ và bảo vệ hạt giống ơn gọi mà Chúa muốn gieo vào lòng những người anh chị em
của chúng ta.
Thánh
Gioan Bosco đã nói: phần thưởng quan trọng nhất mà Chúa có thể dành cho mọi gia
đình Kitô, đó là kêu gọi một người con làm linh mục. Phần thưởng trọng đại ấy,
Chúa dành cho các gia đình có con cái tận hiến cho Chúa, nhưng Ngài cũng dành
cho tất cả những ai cách này hay cách khác biết cổ vũ, nâng đỡ và giúp phát triển
ơn kêu gọi...
(Lẽ
Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét