16/04/2015
Thứ Năm sau Chúa Nhật
II Phục Sinh
Bài
Ðọc I: Cv 5, 27-33
"Chúng
tôi là nhân chứng các lời đó cùng với Thánh Thần".
Trích
sách Tông đồ Công vụ.
Hôm
ấy, khi các thủ hạ dẫn các tông đồ đi, họ đem các ngài ra trước công nghị. Vị
thượng tế hỏi các ngài rằng: "Ta đã ra lệnh cấm các ngươi nhân danh ấy mà
giảng dạy. Thế mà các ngươi đã giảng dạy giáo lý các ngươi khắp cả Giêrusalem;
các ngươi còn muốn làm cho máu người đó lại đổ trên chúng tôi ư?" Phêrô và
các tông đồ trả lời rằng: "Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người
ta. Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã cho Ðức Giêsu sống lại, Ðấng mà các ông
đã giết khi treo Ngài trên thập giá. Thiên Chúa đã dùng quyền năng tôn Ngài làm
thủ lãnh và làm Ðấng Cứu Ðộ, để ban cho Israel được ăn năn sám hối và được ơn
tha tội. Chúng tôi là nhân chứng các lời đó cùng với Thánh Thần, Ðấng mà Thiên
Chúa đã ban cho mọi kẻ vâng lời Người?" Khi nghe những lời đó, họ liền phẫn
nộ và tìm mưu giết các ngài.
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 33, 2 và 9. 17-18. 19-20
Ðáp: Kìa người đau
khổ cầu cứu và Chúa đã nghe (c. 7a).
Hoặc
đọc: Alleluia.
Xướng:
1) Tôi chúc tụng Chúa trong mọi lúc, miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người.
Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao; phúc đức
ai tìm nương tựa ở nơi Người. - Ðáp.
2)
Chúa ra mặt chống người làm ác, để tẩy trừ di tích chúng nơi trần ai. Người hiền
đức kêu cầu và Chúa nghe lời họ, Ngài cứu họ khỏi mọi nỗi âu lo. - Ðáp.
3)
Chúa gần gũi những kẻ đoạn trường, và cứu chữa những tâm hồn đau thương giập nát.
Người hiền đức gặp nhiều bước gian truân, nhưng Chúa luôn luôn giải thoát. -
Ðáp.
Alleluia:
Ga 16, 7 và 13
Alleluia,
alleluia! - Chúa phán: "Thầy sẽ sai Thần Chân Lý đến, người sẽ dạy các con
biết tất cả sự thật". - Alleluia.
Phúc
Âm: Ga 3, 31-36
"Ðức
Chúa Cha thương mến Con Ngài, nên ban toàn quyền trong tay Con Ngài".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi
ấy, ông Gioan nói để làm chứng về Chúa Giêsu rằng: "Ðấng từ trên cao mà đến
thì vượt trên hết mọi người. Kẻ bởi đất mà ra, thì thuộc về đất và nói những sự
thuộc về đất. Ðấng từ trời mà đến thì vượt trên hết mọi người. Ðiều gì Người thấy
và nghe, thì Người làm chứng về điều đó. Nhưng lời chứng của Người không ai chấp
nhận. Ai chấp nhận lời chứng của Người, thì quả quyết Thiên Chúa là Ðấng chân
thật. Ðấng được Thiên Chúa sai đến thì nói lời của Thiên Chúa, vì được Chúa ban
cho thần linh khôn lường. Cha yêu mến Con, nên đã ban mọi sự trong tay Con. Ai
tin vào Con thì có sự sống đời đời. Còn ai không tin vào Con, thì sẽ không được
thấy sự sống, nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đè nặng trên người ấy".
Ðó
là lời Chúa.
Suy Niệm: Tin Vào Ngài Thì Sẽ Ðược
Sống
Một
chú sói xám đang quan sát xem có cách nào để lọt vào vườn nho hầu làm giảm bớt
cơn đói khát đang làm khổ mình. Tình cờ sói xám lọt được vào một vườn nho có đầy
quả chín mọng, thật là một điều may mắn. Những chùm nho mơn mởn đang đong đưa
trước gió, nhưng chúng lại quá cao, khiến sói ta chẳng có cách gì với tới. Sói
xám đành nằm dưới gốc nho há miệng chờ đợi xem trái nho nào chín rụng chăng. Vừa
đợi sói xám vừa thầm ước: "Ôi, những trái nho ngon ngọt làm sao! Lúc này ước
chi có được một trái nho rơi vào miệng ta, chắc hẳn là tuyệt vời".
Chờ
mãi, chờ mãi mà chẳng có một chút may mắn nào. Soi xám nổi giận nguyền rủa:
"Những chùm nho khốn kiếp, chùm nào rớt xuống ta sẽ nghiền nát chẳng còn
chút xót thương". Tuy nhiên, dù cho sói xám có mơ ước hay nguyền rủa đến
đâu đi nữa, thì những chùm nho vẫn điềm nhiên vui đùa trước gió. Dưới đất chú
sói rũ rượi nằm chờ và trên không những chùm nho vẫn tiếp tục đong đưa trước
gió.
Anh
chị em thân mến!
Nếu
không có mầu nhiệm cứu chuộc thì mãi mãi đất trời xa cách và nhân loại vẫn luôn
khao khát đợi chờ. Thiên Chúa đã đoái thương trông đến những sự cùng cực khổ sở
của nhân loại, Ngài đã bắc một nhịp cầu nối liền trời với đất để cho con người
hạ giới được no thỏa niềm vui thiên quốc.
Tiếp
nối bài Tin Mừng hôm qua, Tin Mừng hôm nay cũng trình bày cho con người về tình
yêu thương ấy. Thật vậy, để tìm đến cội nguồn sự thật của một công việc hay một
biến cố, luôn luôn cần đến những người đã nghe và đã thấy, vì họ là những người
đã được chúng kiến.
Tòa
án cần nhiều chứng để việc xét xử được trung thực. Khế ước cần nhiều người chứng
để công việc được minh bạch và bảo đảm. Lời nói của người làm chứng càng giá trị
khi họ là những người theo dõi sự việc suốt từ đầu đến cuối, và chính bản thân
họ là những người trực tiếp đến sự việc chứ không qua trung gian một ai khác.
Trong
hành trình tìm kiếm nguồn hạnh phúc đích thực trên trời, nhân loại may mắn gặp
được người chứng thực. Người này không phải chỉ chứng thực mà thôi, nhưng đã sống
từ đầu, và người ấy chính Chúa Giêsu.
Khi
nói về Thiên Chúa Cha và những sự trên trời, thì chẳng ai bằng Chúa Giêsu. Vì
những điều Ngài nói, Ngài đã không lấy từ một nguồn tài liệu nào cũng chẳng do
ai kể lại, nhưng là những gì mà Ngài đã sống, vì ngoài Ngài ra chưa một ai được
lên trời.
Lời
nói của Chúa Giêsu không những bảo đảm về sự thật Nước Trời mà còn ban Nước Trời
cho những ai đón nhận và tin vào lời Ngài, vì Ngài là Thiên Chúa: "Cha yêu
mến Con nên đã ban mọi sự trong tay Ngài". Bởi thế, lời của Chúa Giêsu
không đơn thuần chỉ trình bày chân lý, nhưng còn đòi hỏi phải tin và sống theo.
Nếu không mãi mãi mang lấy hình phạt.
Một
dịp may đã đến với Nicôđêmô, ông đã gặp được chính Ðấng từ trời xuống để nói về
trời. Tuy nhiên, ông chưa được gọi là môn đệ Ðức Kitô, vì ông chưa tin.
Hôm
nay, Kitô hữu cũng có một may mắn như Nicôđêmô là được gặp gỡ và hiểu biết về Ðức
Kitô. Hệ luận của sự gặp gỡ này là: nếu không tin và không sống điều đã lãnh nhận
thì sẽ không được sống đời và phải nằm dưới cơn thịnh nộ của Thiên Chúa.
Nguyện
xin Ðấng có Lời ban sự sống đời đời ban thêm sức mạnh cho mỗi người trong chúng
ta để chúng ta luôn trung thành với những điều Ngài đã chỉ dạy. Dù rằng thế giới
hôm nay đang có nhiều khuynh hướng muốn đi ngược lại với lời dạy của Ngài, muốn
xóa bỏ gương mặt của Ngài hoặc muốn đuổi Ngài ra khỏi tâm hồn của con người.
Veritas Asia
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần II PS
Bài đọc: Acts 5:27-33; Jn
3:31-36.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Con người cần khiêm
nhường nhận ra và chấp nhận uy quyền của Thiên Chúa.
Vũ
trụ quá bao la trong khi khả năng hiểu biết của con người quá hạn hẹp. Nếu con
người chưa biết hết được những gì xảy ra dưới đất, làm sao có thể thông suốt những
sự trên trời? Vì thế, con người cần tránh thái độ “cóc ngồi đáy giếng.” Vì cóc
chỉ thấy được một bầu trời hạn hẹp bằng miệng giếng, cóc cho mình là nhất. Cóc
có biết đâu bên ngoài miệng giếng là cả một vũ trụ mênh mông!
Vũ
trụ tiềm tàng bao sức mạnh kinh hồn trong khi con người lại quá yếu đuối. Nếu
con người chưa có sức mạnh đủ để đương đầu với những sức mạnh của thiên nhiên
(gió bão, núi lửa, động đất), làm sao con người có thể chống lại uy quyền của
Thiên Chúa? Nếu con người vẫn ngoan cố chống chọi uy quyền của Thiên Chúa, khác
nào như con người lấy trứng chọi vào đá!
Các
Bài Đọc hôm nay nhắc nhở cho con người biết khả năng hạn hẹp của mình. Trong
Bài Đọc I, khi Thượng Hội Đồng cấm các tông đồ không được rao giảng đạo lý Đức
Kitô; các tông đồ cương quyết bảo vệ lập trường của mình: “Phải vâng lời Thiên
Chúa hơn vâng lời người phàm.” Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nhắc nhở cho mọi người
về nguồn gốc của Ngài: “Đấng từ trên cao mà đến thì ở trên mọi người; kẻ từ đất
mà ra thì thuộc về đất và nói những chuyện dưới đất. Đấng từ trời mà đến thì ở
trên mọi người.”
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I:
Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm.
Trong
Cuộc Thương Khó và Tử Nạn của Đức Kitô, tất cả các Tông-đồ và Thượng Hội Đồng đều
chối từ và chống lại Thiên Chúa. Tuy nhiên, Thiên Chúa không kết tội con người,
nhưng Ngài muốn con người phải chịu trách nhiệm về những việc mình làm: Nếu họ
đã làm sai, hãy có can đảm chấp nhận và tìm cách sửa sai; chứ không thể cứ nhắm
mắt và đổ lỗi cho người khác.
1.1/
Các Tông-đồ trình bày niềm tin của mình: Mặc dù các ông đã chối từ và bỏ chạy trong Cuộc
Thương Khó, nhưng khi được Chúa Giêsu hiện ra, các ông đã nhận ra tội của mình;
và sau khi được củng cố bởi quyền lực của Thánh Thần, các ông mạnh dạn ra đi và
làm chứng cho Đức Kitô trước mặt mọi người: Trước tiên, các Tông-đồ tố cáo Thượng
Hội Đồng tội giết Đấng Thiên Sai: “Đức Giêsu đã bị các ông treo lên cây gỗ mà
giết đi.” Sau đó, các ông vạch ra cho mọi người nhìn thấy uy quyền Thiên Chúa:
“Nhưng Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã làm cho Người trỗi dậy, và Thiên Chúa
đã ra tay uy quyền nâng Người lên, đặt làm thủ lãnh và Đấng Cứu Độ, hầu đem lại
cho Israel ơn sám hối và ơn tha tội.”
Khi
bị Thượng Hội Đồng đe dọa và ngăn cấm không cho rao giảng Danh Chúa Giêsu, ông
Phêrô và các Tông-đồ khác đáp lại rằng: "Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng
lời người phàm.”
1.2/
Phản ứng ngoan cố của Thượng Hội Đồng: Đã sai lầm khi luận tội và xin đóng đinh Chúa Giêsu,
họ vẫn không chịu nhận tội khi các Tông-đồ làm chứng cho Ngài. Vị Thượng Tế hỏi
các Tông-đồ: "Chúng tôi đã nghiêm cấm các ông không được giảng dạy về danh
ấy nữa, thế mà các ông đã làm cho Jerusalem ngập đầy giáo lý của các ông, lại
còn muốn cho máu người ấy đổ trên đầu chúng tôi!" Khi các Tông-đồ trả lời
phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm, họ giận điên lên và muốn giết
các ông.
Một
câu trả lời hết sứ hợp lý, nhất là cho những con người mang tiếng bảo vệ Lề Luật
của Thiên Chúa; thế mà họ không nhận ra sự thật, lại còn để cho sự kiêu ngạo và
ghen tị thống trị con người họ, và dùng sức mạnh để áp đảo các Tông-đồ. Họ nhân
danh bảo vệ Lề Luật; nhưng thực ra họ coi thường Lề Luật; chẳng hạn: (1) Họ kết
án Chúa Giêsu mà không điều tra về Ngài như Lề Luật đòi hỏi; (2) Họ đòi đóng
đinh Chúa vào thập giá ngay cả khi một người ngoại, Philatô, đã tuyên bố Ngài
vô tội; và (3) Họ đe dọa, đánh đòn, và muốn giết cả hai nhân chứng, Phêrô và
Gioan, khi các ông muốn làm chứng cho Chúa Giêsu. Nói tóm, họ không còn biết gì
đến Lề Luật như chức vụ họ đòi phải thi hành; nhưng họ để cho tính nóng giận và
sự ghen tức làm chủ, để rồi chỉ biết dùng bạo lực để đàn áp người vô tội.
2/
Phúc Âm:
Ai tin vào Người Con thì được sự sống đời đời.
2.1/
Chúa Giêsu mặc khải cho con người những gì từ Thiên Chúa: Chân lý căn bản con
người cần khiêm nhường nhìn nhận: “Đấng từ trên cao mà đến thì ở trên mọi người;
kẻ từ đất mà ra thì thuộc về đất và nói những chuyện dưới đất. Đấng từ trời mà
đến thì ở trên mọi người.” Tiên tri Isaiah cũng từng tuyên sấm những gì Thiên
Chúa nói: “Trời cao hơn đất bao nhiêu thì tư tưởng và đường lối của Ta cũng cao
hơn các ngươi bấy nhiêu (Isa 55:9).
Vì
có sự khác biệt lớn lao như thế, nên con người không thể hiểu những gì từ Thiên
Chúa, nếu những điều đó không được mặc khải và soi sáng cho con người. Chúa
Giêsu đến để mặc khải cho con người những mầu nhiệm của Thiên Chúa và Chúa
Thánh Thần soi sáng cho con người để họ có thể hiểu những chân lý này. Chúa Giêsu
nói: “Người làm chứng về những gì Người đã thấy đã nghe, nhưng chẳng ai nhận lời
chứng của Người. Ai nhận lời chứng của Người, thì xác nhận Thiên Chúa là Đấng
chân thật.”
Sở
dĩ con người không tin vào Đức Kitô là vì từ trước tới giờ họ chỉ tin có Một Thiên
Chúa. Tuy họ biết, theo lời các ngôn sứ, Thiên Chúa sẽ gởi Đấng Thiên Sai đến để
cứu chuộc dân; nhưng họ tin Ngài là Đấng sẽ dùng uy quyền mà cứu chuộc và thống
trị dân, chứ không phải bằng khiêm nhường chịu đau khổ như Đức Kitô. Chúa Giêsu
đến cắt nghĩa cho họ biết về sự liên hệ giữa Thiên Chúa và Ngài, Người được
Thiên Chúa sai đến, nhưng họ từ chối không tin vào lời chứng của Người. Chúa muốn
nhắc nhở cho họ biết nếu họ chưa thông suốt việc dưới đất, làm sao có thể thông
suốt việc trên trời.
2.2/
Hậu quả của việc nhìn nhận hay chối từ Con Thiên Chúa: Nếu một người nhìn
nhận Đức Kitô là Đấng được Thiên Chúa sai đi, họ sẽ được hưởng sự sống đời đời,
được nhận lãnh Thánh Thần, và được hưởng muôn hồng ân mà Thiên Chúa Cha đã trao
vào tay Người Con. Nếu họ từ chối không tin Đức Kitô là Đấng được Thiên Chúa
sai đến, họ sẽ không được hưởng sự sống đời đời, nhưng cơn thịnh nộ của Thiên
Chúa đè nặng trên kẻ ấy.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Chúng ta cần học hỏi để nhận biết sự khôn ngoan và uy quyền của Thiên Chúa.
Chúng ta cũng phải nhìn nhận khả năng giới hạn và sự yếu đuối của mình. Có như
vậy, chúng ta mới biết cách sống làm sao cho đúng và đạt được kết quả tốt đẹp
cho cuộc đời.
-
Ai tuyên bố phải hiểu mới tin là người kiêu ngạo và rồ dại. Kiêu ngạo vì cho mình
có thể thông suốt mọi sự trên trời cũng như dưới đất. Rồ dại vì không biết giới
hạn của mình và bỏ lỡ cơ hội để học hỏi những điều mới lạ.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
16/04/15 THỨ NĂM TUẦN 2
PS
Ga 3,31-36
Ga 3,31-36
Suy niệm: Nhờ
hiện tượng toàn cầu hóa, các quốc gia xích lại gần nhau hơn, những rào cản như
địa dư, ngôn ngữ được xoá bỏ và các nền văn hoá được gặp gỡ giao thoa. Giữa
muôn vàn lợi ích lớn lao, toàn cầu hoá lại dẫn đến một nguy cơ không nhỏ: đó là
não trạng muốn cào bằng mọi giá trị, kể cả những gì vẫn được xem là chuẩn mực
trong đời sống con người. Trong xã hội Việt Nam, người ta vốn quan niệm “đạo nào cũng như đạo nào,” nay lại chịu ảnh hưởng của việc toàn cầu hoá
cào bằng này, các
Ki-tô hữu mất dần cảm thức về bổn phận phải đem Chúa đến cho lương dân. Ngoài
ra, lỗ hổng kiến thức về giáo lý còn khiến họ không tự tin trình bày Đạo của
mình trước những nghi vấn, nhất là của những người không thiện cảm. Đành rằng
bản chất của Giáo hội là truyền rao Tin Mừng và mỗi Ki-tô hữu, qua Bí tích Rửa
tội, đều nhận lãnh sứ vụ “đi ra” để làm chứng tá cho Chúa Kitô, nhưng hiện nay
việc thực hành đức tin lắm khi chỉ diễn ra trong khuôn viên nhà thờ, chưa có
dấu hiệu “đi ra.”
Mời Bạn: Rụt rè trước những câu hỏi liên quan đến Đạo,
bạn có tìm cơ hội trau dồi thêm kiến thức giáo lý và thanh luyện ý hướng “đi
ra” làm chứng cho Chúa Giêsu không? Bạn có xác tín rằng Chúa vẫn “sai bạn đi”
và một khi bạn “đi ra” để nói Lời Chúa thì Chúa Thánh Thần luôn ở cùng bạn
không?
Sống lời Chúa: Thường
xuyên học hỏi giáo lý và không ngại nói về Chúa Giê-su cho những ai muốn tìm
hiểu.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con ghi khắc lời thánh Phao-lô: “Khốn cho tôi
nếu tôi không rao giảng Tin Mừng.”
Đấng từ trên cao mà đến
Tôi sinh ra trên đất, sống trên đất, chết trên đất.
Nhưng tôi không thuộc về đất, đất không phải là gốc của tôi. Gốc của tôi ở nơi
cung lòng Thiên Chúa.
Suy niệm:
Giêsu ơi! Ngài từ đâu đến?
Tôi là Đấng từ trên cao mà
đến.
Tôi là Đấng từ trời mà đến (c.31).
Tôi sinh ra trên đất, sống
trên đất, chết trên đất.
Nhưng tôi không thuộc về
đất, đất không phải là gốc của tôi.
Gốc của tôi ở nơi cung lòng
Thiên Chúa (Ga 1, 18).
Dù cư ngụ trên mặt đất, tôi
vẫn luôn hướng về Cha tôi trên trời.
Khi làm xong sứ mạng, tôi sẽ
trở về với gốc của tôi.
Giêsu ơi! Ngài làm gì vậy?
Tôi làm chứng về điều tôi đã
thấy và đã nghe (c. 32).
Tôi làm chứng về Thiên Chúa
là Cha của tôi.
Tôi đã thấy việc Người làm
và đã nghe tiếng Người nói.
Nhiều vĩ nhân diễn tả rất
hay, rất đúng về Thiên Chúa
và cũng có kinh nghiệm rất
sâu về Người.
Nhưng họ không phải là Con
như tôi.
Họ chẳng thể nào gần mầu
nhiệm Thiên Chúa như tôi.
Chẳng ai biết Cha bằng Con,
không ai biết Cha trừ ra Con (Lc 10, 22).
Chỉ mình tôi mới có thể vén
mở trọn vẹn khuôn mặt Thiên Chúa.
Giêsu
ơi! Ngài là ai?
Tôi là
người được Thiên Chúa sai đến với nhân loại trên mặt đất (c. 34).
Chẳng
có giây phút nào tôi quên mình là Con, người được sai.
Chẳng
có giây phút nào tôi quên Cha tôi là Đấng sai tôi.
Khi
nhận mình triệt để tùy thuộc vào Cha, tôi chẳng hề xấu hổ.
Tôi
đáng tin vì chính sự tùy thuộc đó.
Tôi
chẳng làm điều gì tự mình,
tôi chỉ
làm điều tôi đã thấy Cha tôi làm (Ga 5, 19).
Tôi
chẳng nói điều gì tự mình,
tôi chỉ
nói điều tôi đã nghe Cha tôi nói (Ga 8, 26).
Chính
khi tôi tùy thuộc trọn vẹn vào Cha mà tôi được tự do.
Giêsu ơi! Ngài có hạnh phúc
không?
Tôi hạnh phúc vì tôi yêu và
được yêu.
Cha tôi yêu mến tôi và tôi ở
lại trong tình yêu của Cha (Ga 15, 10),
Người vẫn ở với tôi và không
để tôi cô độc (Ga 8, 29).
Người yêu mến tôi vì tôi dám
hy sinh mạng sống cho đoàn chiên (Ga 10, 17).
Tình yêu của Cha thể hiện
qua việc Người trao phó mọi sự trong tay tôi (c. 35).
Tôi có quyền phán xét, quyền
cho sống lại ngày sau hết, quyền trên mọi xác phàm.
Bởi vậy tôi mới nói mọi sự
Cha có là của tôi (Ga 16, 15).
Hãy đón nhận lời chứng của
tôi (c. 33).
Hãy tin vào tôi để được sự
sống vĩnh hằng ngay từ đời này (c. 36).
Hãy đến với tôi để được chia
sẻ cùng một sứ mạng và vinh quang.
Cầu nguyện:
Lạy Cha,
con phó mặc con cho Cha,
xin dùng con tùy sở thích Cha.
Cha dùng con làm chi, con cũng xin cảm ơn.
Con luôn sẵn sàng, con đón nhận tất cả.
Miễn là ý Cha thực hiện nơi con
và nơi mọi loài Cha tạo dựng,
thì, lạy Cha, con không ước muốn chi khác nữa.
Con trao linh hồn con về tay Cha.
Con dâng linh hồn con cho Cha,
lạy Chúa Trời của con,
với tất cả tình yêu của lòng con,
Vì con yêu mến Cha,
vì lòng yêu mến
thúc đẩy con phó dâng mình cho Cha,
thúc đẩy con trao trọn bản thân về tay Cha,
không so đo,
với một lòng tin cậy vô biên,
vì Cha là Cha của con.
(Charles de Foucauld)
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
16
THÁNG TƯ
Bảo
Toàn Ơn Tinh Sạch Do Phép Rửa
“Tảng
đá mà những người thợ xây loại bỏ đã hóa nên tảng đá góc tường” (Tv 118,22).
Giáo Hội nhận chính sự sống của mình từ cuộc Phục Sinh của Đức Kitô. Thực tại
này được chuyển tải trong phụng vụ, đặc biệt phụng vụ Mùa Phục Sinh.
Chẳng
hạn, chúng ta có một truyền thống về Chúa Nhật in Albis Depositis. Tên gọi ấy bắt
nguồn từ một nghi thức đã được thực hành thuở xa xưa trong Giáo Hội vào ngày thứ
bảy sau Chúa Nhật Phục Sinh. Về sau, nghi thức ấy được cử hành vào Chúa Nhật
sau Phục Sinh. Vào ngày này, những người tân tòng trả lại chiếc áo choàng trắng
mà họ đã nhận trong nghi thức Phép Rửa buổi tối Vọng Phục Sinh. Khi lãnh Phép Rửa,
họ đã bỏ lại sau lưng y phục cũ của họ để nói lên rằng linh hồn họ đã được
thanh tẩy bởi Đức Kitô. Giờ đây, họ trả lại chiếc áo choàng trắng của Phép Rửa
sau Tuần Lễ Phục Sinh để làm biểu tượng cho sự cam kết rằng họ sẽ gìn giữ ơn
tinh sạch do Phép Rửa ấy trong cuộc sống hằng ngày của họ.
Trong
nghi thức Phép Rửa của chúng ta ngày nay cũng thế, em bé được mặc áo trắng – để
nói lên rằng Phép Rửa không duy chỉ có nghĩa một sự thay đổi bên ngoài. Không,
đó là một sự chuyển hóa đụng chạm đến gốc rễ của hữu thể chúng ta. Làm mới lại
Phép Rửa của mình có nghĩa là chúng ta cởi bỏ con người cũ và mặc lấy con người
mới trong Đức Kitô.
Đức
Kitô thanh tẩy và tái sinh chúng ta. Người mặc chính Người cho chúng ta bằng
cách tháp nhập chúng ta vào thân thể Người. Và như vậy, được làm con trong Chúa
Con, chúng ta bước đi trong sự sống mới. Chúng ta sống một cuộc sống đã được cứu
độ. “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương.
Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, khiêm nhu, nhân hậu, hiền hòa, nhẫn nại.”
(Cl 3,12)
-
suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm.
Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT
UP YOUR HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia
Đình
NGÀY
16- 4
Cv
5, 27-33; Ga 3, 31-36.
LỜI
SUY NIỆM: “Ai tin vào người Con thì được sống đời đời;
còn kẻ nào không chịu tin vào người Con thì không được sự sống, nhưng cơn thịnh
nộ của Thiên Chúa đè nặng trên kẻ ấy.”
Với
tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Chúa Giêsu cũng vì yêu thương hết thảy mọi con
người sống trên trần gian này; Người đã khẳng định: con người muốn được sự sống
đời đời thì phải tin vào Người, nếu không tin Người là Đấng Chúa Cha sai đến và
là Đấng Cứu Độ thì không những không có sự sống đời đời mà còn bị Thiên Chúa đè
nặng trên người ấy
Lạy
Chúa Giêsu. Chúng con tạ ơn Chúa đã ban ơn đức tin cho mọi thành viên trong gia
đình chúng con. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn trung tín
trong việc thờ phượng Chúa và tiếp nối loan báo Tin Mừng để những ai chưa tin
Nhận Chúa, để họ cũng nhận được sự sống đời đời.
Mạnh
Phương
16
Tháng Tư
Không Quyền Lực Nào
"Ðức
Tin không thể nào bị bóp nghẹt bởi bất cứ quyền lực nào!". Ðó là lời tuyên
bố của tổng thống Hoa Kỳ George Bush trong buổi tiễn biệt Ðức Thánh Cha Gioan
Phaolô II (19/9/1987) nhân dịp Ngài viếng thăm Hoa Kỳ. Trong bài diễn văn từ
giã Ðức Thánh Cha, phó tổng thống Hoa Kỳ nói rằng Thiên Chúa vẫn còn tiếp tục
làm việc tại Liên Xô sau hơn 60 năm tuyên truyền cho chủ thuyết vô thần.
Ông
George Bush kể lại cho Ðức Thánh Cha như sau: "Trong nghi lễ an táng tổng
bí thư Breznev tại Mascơva, một lễ nghi với nhiều lính tráng và hoa tím, nhưng
không có Ðức Tin và Lời Chúa, tôi theo dõi bà quả phụ đang tiến đến quan tài để
nói lời từ biệt... Kìa, có Chúa làm chứng cho tôi, giữa sự lạnh cóng của một chế
độ độc tài, bà Breznev chăm chú nhìn người chồng, rồi cúi nhẹ xuống và làm dấu
thánh giá trên ngực của người chết...".
Ông
Bush cũng kể lại rằng ông đã gặp Mao Trạch Ðông trước khi ông này qua đời. Chủ
tịch họ Mao đã tâm sự với ông như sau: "Tôi sắp sửa về Trời, tôi đã nhận
được lời mời gọi của Chúa".
Ðưa
ra hai sự kiện trên đây, ông Bush kết luận: Không có quyền lực nào, không có luật
pháp nào có thể quét sạch những gì đã ăn rễ sâu trong lòng người...
Lời
phát biểu trên đây của ông George Bush có lẽ phải làm cho chúng ta phấn khởi.
Thiên Chúa vẫn luôn có mặt trong cuộc sống của chúng ta. Chính những nơi mà
chúng ta tưởng Ngài đã bị gạt bỏ hoàn toàn, chính những lúc mà chúng ta tưởng
như Ngài không có mặt, Ngài vẫn tiếp tục hoạt động. Bởi vì Thiên Chúa không thể
là Thiên Chúa nếu Ngài không yêu thương con người.
Chúng
ta tiếp nhận sự sống từ chính Chúa, như trái đất nhận lãnh ánh sáng từ mặt trời.
Thiếu ánh sáng mặt trời thì không thể có sự sống trên trái đất. Cũng thế, không
có Chúa thì không thể có sự sống... Thiên Chúa thông ban sự sống cho chúng ta,
bởi vì Ngài yêu thương chúng ta. Ngài yêu thương tất cả mọi người, ngay cả những
kẻ chối bỏ hoặc thù ghét Ngài.
(Lẽ
Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét