Trang

Thứ Năm, 9 tháng 4, 2015

Ngày Ta Thể Hiện Đức Công Chính Của Ta Đã Đến Gần

Ngày Ta Thể Hiện Đức Công Chính Của Ta Đã Đến Gần

Hàng năm có khoảng 250 ngàn du khách chịu khó leo cầu thang tiến về thư viện của Học Viện Chúa Ba Ngôi ở Dublin, thủ đô cộng hòa Ái-nhĩ-lan. Đây là căn phòng thuộc thế kỷ XVIII, dài 63 thước và chứa khoảng 100 ngàn tác phẩm quý hiếm. Trong số này có một tác phẩm nổi bật, lôi kéo sự chú ý của hầu hết mọi người. Đó là cuốn chép tay sách Phúc Âm. Tác phẩm là công trình nghệ thuật của các đan sĩ dòng thánh Columba ở Iona, một đảo nhỏ thuộc Anh quốc, nằm ở phía Tây nước Écosse. Nguồn gốc tác phẩm như sau.
 Năm 563, thánh Columba (521-597), thuộc hoàng tộc Ái-nhĩ-lan, từ bỏ mọi giàu sang lên đường đến đảo Iona cùng với 12 bạn đồng chí hướng. Tại đây thánh nhân xây cất một đan viện và trở thành người sáng lập một hội dòng chiêm niệm, sau này mang tên dòng thánh Columba ..
 240 năm sau - khoảng đầu thế kỷ thứ IX - các đan sĩ hậu duệ thiêng liêng của thánh Columba khởi công chép tay 4 văn bản Phúc Âm bằng tiếng La-tinh.
 Các vị đem trọn tài năng nghệ thuật, nhất là trọn tấm lòng yêu mến Lời Chúa ra để chép và trang điểm cho từng trang của cuốn Phúc Âm này. Các vị có tham vọng biến cuốn Phúc Âm thành một tác phẩm nghệ thuật vô tiền khoáng hậu .. Và các đan sĩ đã thành công. Ngoài các giờ kinh Phụng Vụ, quyển Phúc Âm được đặt trên bàn thờ, trưng bày cho các tín hữu đến viếng đan viện có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nó.
 Ngoài công trình nghệ thuật trổi vượt, cuốn Phúc Âm còn là kỳ công sáng chói của Kitô-Giáo và là biểu tượng lâu đời cho Đức Tin Kitô vững chắc, không đổi dời. Chính nhờ sự có mặt của các đan sĩ Columba tại đảo Iona mà nền văn minh tây phương cũng như Kitô-Giáo được bảo tồn suốt trong hai thế kỷ bị quân rợ quấy phá.
 Để thực hiện dự án chép tay văn bản Phúc Âm, các đan sĩ Columba không hề đắn đo do dự về phí tổn. Người ta ước lượng các vị phải dùng đến 150 tấm da bò để có được 680 trang sách khổ 38 trên 28 centimét. Thêm vào đó, việc phân tích các sắc tố còn cho biết, để tô màu các tranh ảnh trong sách, ngoài màu sắc có thể tìm thấy tại địa phương, các đan sĩ phải tìm mua màu ở những nơi thật xa xôi như Trung Á hoặc ở Địa Trung Hải.
 Cuốn Phúc Âm được các đan sĩ chép bằng tiếng La-tinh. Sau đó, 4 đan sĩ khéo tay nhất tận dụng mọi tài nghệ cùng năm tháng ngày giờ cho việc kẽ chữ hoa và vẽ hình ảnh Kinh Thánh, tô điểm cho các trang sách Phúc Âm. Có tất cả 31 hình ảnh chiếm trọn trang sách. Còn lại là rải rác trong hầu hết các trang sách những hình ảnh nhỏ li ti, với màu sắc và nghệ thuật vô cùng tỉ mỉ diệu kỳ.
 Ông William O'Sullivan, người canh giữ các thủ cảo xưa tại thư viện của Học Viện Chúa Ba Ngôi ở thủ đô Dublin, một hôm đã hỏi một nhà chuyên môn, xem thử phải mất thời gian bao nhiêu để tô điểm cho một hình vẽ, chỉ chiếm diện tích 7 centimét vuông thôi. Họa sĩ trả lời ngay:
 - Phải mất 15 ngày!
 Theo ông O'Sullivan, một trong các đan sĩ tô màu chính của cuốn Phúc Âm, đã dành ra ít nhất 30 năm, nếu không phải là trọn cuộc đời đan sĩ của mình, để vẽ hình, trang điểm cho cuốn Phúc Âm. Rất có thể nghệ sĩ tô màu chính đã qua đời trước khi hoàn tất một số hình vẽ trong cuốn Phúc Âm. Vì có một vài cảnh tượng, các nhân vật Kinh Thánh bị bỏ dở hoặc thiếu sót.
 Thật thế, vào năm 806, quân rợ Vikings xâm chiếm đảo Iona và sát hại 68 đan sĩ. Các đan sĩ sống sót đã lên tàu chạy trốn, mang theo cuốn Kinh Thánh chép tay chưa hoàn tất. Tàu chạy về hướng nam và tiến đến Ái-nhĩ-lan. Các đan sĩ tìm chỗ nương ẩn nơi thành phố Kells. Tại đây các vị lại tiếp tục công trình nghệ thuật dang dở. Nhiều hình vẽ tiếp nối trong thời gian này minh chứng các đan sĩ tìm được an bình nơi đây. Nhưng không bao lâu sau, vào năm 899, đan viện lại bị các bọn côn đồ cướp bóc, phá hoại. Bọn cướp mang đi cuốn Kinh Thánh chép tay quý giá. May thay, chúng chỉ tước đoạt những đồ trang điểm quý giá bằng vàng nơi trang bìa, rồi chôn những trang sách còn lại trong một đầm lầy. Nhờ phép lạ, chỉ có một số trang bị hư hại, các trang còn lại vẫn nguyên vẹn.
 Sau nhiều thế kỷ được trưng bày tôn kính tại nhà thờ xứ đạo thành Kells, vào giữa thế kỷ XVII, cuốn Kinh Thánh chép tay được trao cho Thư viện của Học Viện Chúa Ba Ngôi ở thủ đô Dublin giữ gìn .. Trải dòng thời gian, ngày nay, cuốn Kinh Thánh thành Kells vẫn còn là biểu tượng tuyệt vời cho Đức Tin Kitô vững chắc và không dời đổi.
 ... ”Hãy nhớ lại những chuyện thưở ban đầu, những chuyện thời xa xưa, nhớ rằng Ta là Thần, không có thần nào khác, Ta là THIÊN CHÚA, và chẳng có Thần nào như Ta. Những chuyện xảy ra sau, Ta báo trước từ đầu, những gì chưa thể hiện, Ta đã báo từ lâu. Ta phán: Điều Ta dự tính sẽ thành tựu, Ta sẽ thi hành điều Ta ưa thích. Từ phương Đông, Ta đã chọn một con săn mồi, từ miền đất xa xăm, Ta đã cho vời người thực thi kế hoạch của Ta. Quả thật, Ta đã nói thì sẽ thi hành, đã nghĩ tới thì sẽ thực hiện. Hãy nghe Ta, hỡi kẻ cứng lòng, kẻ xa đường công chính! Ngày Ta thể hiện đức công chính của Ta đã đến gần, chẳng còn xa nữa đâu; ơn cứu độ của Ta, Ta sẽ không trì hoãn. Ta sẽ ban ơn cứu độ tại Sion, và sẽ cho Israel được vinh quang rạng rỡ” (Isaia 46,9-13).
 (”Reader's Digest SELECTION”, 6/1974, trang 65-70)
 Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét