Noi
gương Chúa Giêsu hiến dâng mạng sống cho Thiên Chúa và tha nhân
Nếu chúng ta lên rước lễ mà không thực sự sẵn sàng rửa chân cho
nhau, thì chúng ta không nhận biết Thân Mình của Chúa Kitô.
ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 20.000 tín hữu và du
khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung sáng thứ tư hàng tuần hôm
qua tại quảng trường thánh Phêrô. Vì chúng ta đang ở trong Tuần Thánh nên ĐTC
đã trình bầy về ý nghĩa Tam Nhật Thánh. Ngài nói:
Ngày mai là Thứ Năm Tuần Thánh. Vào ban chiều với Thánh Lễ “Tiệc
Chiều của Chúa” sẽ bắt đầu Tam Nhật Thánh cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục
sinh của Chúa Kitô, tột đỉnh toàn năm phụng vụ của cuộc sống kitô.
Tam Nhật bắt đầu với việc tưởng niệm Bữa Tiệc cuối cùng. Trong
ngày vọng của cuộc khổ nạn Chúa Giêsu hiến dâng cho Thiên Chúa Cha mình và máu
của Ngài dưói hình bánh và rượu, làm của dưõng nuôi các Tông Đồ, và truyền cho
các vị lưu truyền việc hiến dâng ấy để tưởng niệm Ngài. Khi nhắc lại việc rửa
chân, Phúc Âm của lễ này diễn tả cùng một ý nghĩa của Thánh Thể dưới một
viễn tượng khác. Như một người đầy tớ, Chúa Giêsu rửa chân cho ông Simon Phêrô
và mười một môn đệ khác (x. Ga 13,4-5). Với cử chỉ ngôn sứ đó Ngài diễn tả ý
nghĩa cuộc sống và cuôc khổ nạn của ngài như việc phục vụ Thiên Chúa và các anh
em: “Thật ra Con Người không đến để được phục vụ nhưng để phục vụ” (Mc 10,f45).
Điều này cũng xảy ra trong bí tích Rửa Tội, khi ơn thánh Chúa đã rửa chúng ta
sạch khỏi tội lỗi và chúng ta được mặc lấy Chúa Kitô (x. Cl 3,10). Điều này
cũng xảy ra mỗi khi chúng ta tưởng niệm Chúa trong bí tích Thánh Thể: chúng ta
hiệp thông với Chúa Kitô Người Tôi Tớ để vâng lệnh Ngài, lệnh yêu thương nhau
như Ngài đã yêu thương chúng ta (x. Ga 13,34; 15,12). Nếu chúng ta lên rước lễ
mà không thực sự sẵn sàng rửa chân cho nhau, thì chúng ta không nhận biết Thân
Mình của Chúa Kitô. Đó là việc phục vụ của Chúa Kitô, Đấng đã tự hiến
mình một cách toàn hảo.
Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Trong phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh
chúng ta suy niệm mầu nhiệm cái chết của Chúa Kitô và thờ lậy Thánh Giá. Trong
những lúc cuối cùng của cuộc sống, trước khi phó thần hồn cho Thiên Chúa Cha,
Chúa Giêsu nói: “Đã hoàn tất” (Ga 19,30). Lời này có nghĩa gì? Nó có nghĩa là
công trình cứu chuộc đã hoàn tất, rằng Toàn Thánh Kinh đã tìm thấy sự thành
toàn trong tình yêu của Chúa Kitô, Chiên Con bị sát tế. Với hiến tế của mình
Chúa Giêsu đã biến đổi sự gian ác lớn lao nhất trong tình yêu vĩ đại của Ngài.
Dọc dài các thế kỷ, với chứng tá của mình có những người nam nữ
phản ánh một tia sáng của tình yêu toàn thiện, tràn đầy và không nhiễm uế. Tôi
thích nhớ tới một chứng nhân anh hùng của thời đại chúng ta ngày nay đó là cha
Andrea Santoro, linh mục thuộc giáo phận Roma và là thừa sai bên Thổ Nhĩ Kỳ.
Vài ngày trước khi bị ám sát tại Trebisonda bên Thổ Nhĩ Kỳ, cha đã viết: “Tôi ở
đây để sống giữa dân này và để cho phép Chúa Giêsu làm điều đó bằng cách cho
Ngài mượn thịt xác tôi… Ta chỉ có khả năng cứu rỗi, khi hiến dâng chính thịt
xác mình. Phải mang lấy sự dữ của thế giới và chia sẻ sự khổ đau, bằng cách làm
cho nó thấm nhập xác thịt mình cho tới tận cùng như Chúa Giêsu đã làm” (A.
Polselli, Don Andrea Santoro, le eredità, Città Nuova, Roma 2008, tr. 31). Ước
chi thí dụ này và biết bao thí dụ khác nâng đỡ chúng ta trong việc hiến dâng
mạng sống mình như món quà của tình yêu tặng cho các anh em khác, noi gương
Chúa Giêsu. Và cả ngày nay nữa cũng có biết bao nhiêu người nam nữ, các vị tử
đạo thật hiến dâng mạng sống họ với Chúa Giêsu để tuyên xưng đức tin, chỉ vì lý
do đó. Đó là một việc phục vụ, phục vụ của chứng tá kitô cho tới đổ máu, việc
phục vụ mà Chúa Kitô đã làm cho chúng ta: Ngài đã cứu chúng ta cho tới cùng. Và
đó là ý nghĩa của từ “Đã hoàn tất”. Thật đẹp biết bao nếu tất cả chúng ta vào
cuối cuộc đời mình với các sai lầm, các tội lỗi và cả các việc lành, với tình
yêu của chúng ta đối với tha nhân, chúng ta có thể nói với Thiên Chúa Cha như
Chúa Giêsu: “Đã hoàn tất”, không phải với sự toàn vẹn như Người, nhưng nói:
“Lậy Chúa, con đã làm tất cả những gì con có thể làm. Đã hoàn tất”. Khi thờ lậy
Thập Giá, khi nhìn Chúa Giêsu, chúng ta nghĩ tới tình yêu, việc phục vụ, cuộc
sống chúng ta, các kitô hữu tử đạo, và nghĩ tới cuộc sống mình sẽ ích lợi
cho chúng ta. Không ai trong chúng ta biết khi nào điều này sẽ xảy ra, nhưng
chúng ta có thể xin ơn thánh có thể nói: “Lậy Cha, con đã làm điều con có thể
làm. Đã hoàn tất”.
ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ: Ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh là ngày,
trong đó Giáo Hội chiêm ngưỡng “việc ngủ nghỉ” của Chúa Kitô trong mồ, sau
chiến thắng của thập giá. Trong ngày Thứ Bẩy, một lần nữa Giáo Hội tự đồng hóa
với Mẹ Maria: toàn đức tin của Giáo Hội đã được tiếp nhận nơi Mẹ, là
người tin toàn vẹn, đầu tiên. Trong sự tối tăm bao trùm thụ tạo, Mẹ một
mình cầm giữ cho ngọn đuốc đức tin nơi sự sống lại của Chúa Giêsu được
cháy sáng, bằng cách hy vọng chống lại mọi hy vọng (x. Rm 4,18).
Trong lễ vọng phục sinh, trong đó lại vang lên lời tung hô
Alleluiya, chúng ta cử hành Chúa Kitô Phục Sinh, trung tâm và cùng đích của vũ
hoàn và của lịch sử. Chúng ta canh thức đầy hy vọng đợi chờ sự trở lại của
Ngài, khi lễ Vuợt Qua sẽ được biểu lộ tràn đầy. ĐTC giải thích thêm điểm này
như sau:
Đôi khi tối tăm của đêm đen xem ra vào thấu tận linh hồn; đôi khi
chúng ta nghĩ “không còn làm được gì nữa”, và con tim không tìm ra sức mạnh để
yêu thương. Nhưng chính trong sự tối tăm đó Chúa Kitô thắp sáng lên ngọn lửa
tình yêu của Thiên Chúa: một ánh sáng phá tan đêm tối và loan báo một khởi đầu.
Hòn dá của đớn đau đã được lật qua một bên, nhường chỗ cho niềm hy vọng. Đó chính
là mầu nhiệm cao cả của sự phục sinh! Trong đêm thánh này Giáo Hội trao ban cho
chúng ta ánh sáng của Đấng Phục Sinh, để nơi chúng ta không còn có sự tiếc nuối
nữa nhưng có niềm hy vọng cho những ai rộng mở cho một hiện tại tràn đầy tương
lai: Chúa Kitô đã chiến thắng cái chết và chúng ta cùng chiến thắng vời Ngài.
Như là kitô hữu chúng ta được mời gọi là những tuần canh trời sáng biết nhận ra
các dấu chỉ của Đấng Phục Sinh, như các phụ nữ và các môn đệ đã làm khi chạy
tới mộ vào sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần.
Anh chị em thân mến, trong các ngày Tam Nhật Thánh chúng ta đừng
chỉ hạn chế tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa, nhưng cũng hãy bước vào trong mầu
nhiệm, và nhận lấy các tâm tình và thái độ của Chúa, như tông đồ Phaolô mời gọi
chúng ta. “Anh em hãy có chính các tâm tình của Chúa Kitô Giêsu” (Fl
2,5). Và khi đó sẽ là lễ Vưọt Qua tốt lành cho chúng ta,
ĐTC đã chào các đoàn hành hương đến từ các nước Bắc Mỹ và Tây Âu
cũng như các đòn hành hương đến từ các nước Indonesia, Nhật Bản, Hồng Kông,
Mêhicô, Equador, Argentina. Ngài chúc mọi người Tam Nhật Thánh sốt sắng và luôn
sẵn sàng làm chứng cho tình yêu hy hiến của Chúa Kitô và có cùng các tâm tình
của Chúa.
Với các doàn hành hương Ba Lan ĐTC nhắc cho mọi người nhớ mùng 2
tháng 4 là kỷ niệm ngày thánh Gioan Phaolô II qua đời. ĐTC nói: chúng ta nhớ
tới ngài như chứng nhân vĩ đại của Chúa Kitô khổ đau, chết và phục sinh. Chúng
ta hãy xin ngài bầu cử cho chúng ta, cho các gia đình và Giáo Hội, để ánh sáng
phục sinh dãi tỏa trên mọi bóng tối của cuộc sống và khiến cho chúng ta được
tràn ngập niềm vui và sự an bình.
Với các nhóm tiếng Ý ĐTC đặc biệt chào các sinh viên tham dự đại
hội sinh viên quốc tế tại Roma, học sinh Học viện thánh Vinh Sơn de Paoli vùng
Reggio Emilia nhân kỷ niệm 150 năm hoạt động. Ngài khích lệ họ lớn lên
trong tình bạn với Chúa, “vì điều cần thiết không phải là một cuộc sống thoải
mái, mà là một trái tim si tình”. ĐTC cũng chào các tham dự viên cuộc tuần hành
quốc tế Montefortiana tỉnh Verona.
Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới ĐTC
nhắc cho mọi người nhớ ngày giỗ Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ngài xin
người trẻ học đương đầu với cuộc sống với niềm hăng say của thánh nhân; anh chị
em đau yếu biết tươi vui vác thánh giá khổ đau như người, và các đôi tân
hôn biết luôn để Thiên Chúa vào trung tâm cuộc đời hôn nhân để có đươc nhiều
tình yêu và hạnh phúc hơn.
Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành tòa thánh
ĐTC ban cho mọi người.
Linh Tiến Khải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét