05/02/2016
Thứ Sáu đầu tháng, tuần 4 thường niên
Thánh Agata, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.
* Agata là một thiếu nữ quê ở Xi-xi-li-a. Chị
đã chịu tử đạo ở Catana, vào thời hoàng đế Đêxiô bách hại đạo (năm 251). Đồng
bào của chị vẫn tin tưởng kêu cầu chị, nhất là những lúc núi lửa Étna hoạt động.
Rồi việc tôn kính chị được phổ biến rộng rãi trong toàn thể Hội Thánh, cả ở
phương Đông lẫn phương Tây
Bài Ðọc
I: (Năm II): Hc 47, 2-13
"Ðavít đã thành tâm ca tụng và yêu mến Thiên Chúa".
Trích sách Huấn Ca.
Như miếng mỡ lóc ra khỏi thịt con vật tế lễ thế nào, thì Ðavít được chọn
giữa con cái Israel như vậy. Người dỡn với sư tử như dỡn với chiên con và đùa với
gấu như đùa với những chiên con. Khi còn trẻ, nào người đã chẳng hạ sát tên khổng
lồ và rửa nhục cho dân, khi vung dây ném đá đánh ngã tên Goliath kiêu căng đó
sao? Vì người đã kêu cầu Thiên Chúa toàn năng, và Chúa đã ban sức mạnh cho người
để hạ sát tên chiến sĩ hùng dũng, để nâng cao lòng can đảm của dân người. Nhờ
thế, người được tôn vinh như đã giết mười ngàn, được ca tụng vì những lời Chúa
chúc lành, và được người ta trao tặng triều thiên vinh quang, vì người đã tiêu
diệt quân thù chung quanh, đã thanh toán bọn giặc Philitinh cho đến ngày nay,
đã đập tan sức mạnh chúng đến muôn đời. Trong mọi việc, người dùng lời ca khen
mà tuyên xưng Ðấng Thánh Tối Cao; người thành tâm ca tụng Chúa, và yêu mến
Thiên Chúa đã sáng tạo người, đã cho người quyền năng chống lại quân thù. Người
thành lập ca đoàn trước bàn thờ Chúa, để hoà nhịp những bài thánh ca. Người tổ
chức những cuộc lễ huy hoàng, quy định đầy đủ chu kỳ thời gian, để họ ca tụng
thánh danh Chúa, và từ sáng sớm, họ biểu dương sự thánh thiện của Thiên Chúa.
Chúa đã thứ tha tội lỗi của người, và tán dương sức mạnh của người đến muôn đời.
Chúa đã ban cho người giao ước vương quốc và ngôi báu vinh quang trong Israel.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 17,
31. 47 và 50. 51.
Ðáp: Tán tụng
Thiên Chúa là Ðấng cứu độ tôi (c. 47b).
Xướng: 1) Ðường lối Thiên Chúa là đường thanh khiết, lời của Chúa được
luyện trong lửa đỏ, chính Người là khiên thuẫn che kẻ nương nhờ Người. - Ðáp.
2) Chúa hằng sống, chúc tụng Ðá Tảng của tôi, tán tụng Thiên Chúa là Ðấng
cứu độ tôi! - Bởi vậy, con sẽ ca tụng Ngài giữa chư dân, lạy Chúa, và con sẽ xướng
ca khen ngợi danh Ngài. - Ðáp.
3) Ngài đã ban cho vương nhi Ngài đại thắng, đã tỏ lòng từ bi với Ðấng được
xức dầu của Ngài, với Ðavít và miêu duệ ông cho tới muôn đời. - Ðáp.
Alleluia: Mt 4,
4b
Alleluia, alleluia! - Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi
lời do miệng Thiên Chúa phán ra. - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 6,
14-29
"Ðó chính là Gioan Tẩy Giả trẫm đã chặt đầu, nay sống lại".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, vua Hêrôđê nghe nói về Chúa Giêsu, vì danh tiếng Người đã lẫy lừng,
kẻ thì nói: "Gioan Tẩy giả đã từ cõi chết sống lại, nên ông đã làm những
việc lạ lùng"; kẻ thì bảo: "Ðó là Êlia"; kẻ khác lại rằng:
"Ðó là một tiên tri như những tiên tri khác". Nghe vậy, Hêrôđê nói:
"Ðó chính là Gioan trẫm đã chặt đầu, nay sống lại". Vì chính vua
Hêrôđê đã sai bắt Gioan và giam ông trong ngục, nguyên do tại Hêrôđia, vợ của
Philipphê anh vua mà vua đã cưới lấy. Vì Gioan đã bảo Hêrôđê: "Nhà vua
không được phép chiếm lấy vợ anh mình". Phần Hêrôđia, nàng toan mưu và muốn
giết ông, nhưng không thể làm gì được, vì Hêrôđê kính nể Gioan, biết ông là người
chính trực và thánh thiện, và giữ ông lại. Nghe ông nói, vua rất phân vân,
nhưng lại vui lòng nghe. Dịp thuận tiện xảy đến vào ngày sinh nhật Hêrôđê, khi
vua thết tiệc các quan đại thần trong triều, các sĩ quan và những người vị vọng
xứ Galilêa. Khi con gái nàng Hêrôđia tiến vào nhảy múa, làm đẹp lòng Hêrôđê và
các quan khách, thì vua liền nói với thiếu nữ ấy rằng: "Con muối gì, cứ
xin, trẫm sẽ cho", và vua thề rằng: "Con xin bất cứ điều gì, dù là nửa
nước, trẫm cũng cho". Cô ra hỏi mẹ: "Con nên xin gì?" Mẹ cô đáp:
"Xin đầu Gioan Tẩy Giả". Cô liền vội vàng trở vào xin vua: "Con
muốn đức vua ban ngay cho con cái đầu Gioan Tẩy Giả đặt trên đĩa". Vua buồn
lắm, nhưng vì lời thề và vì có các quan khách, nên không muốn làm cho thiếu nữ
đó buồn. Và lập tức, vua sai một thị vệ đi lấy đầu Gioan và đặt trên đĩa. Viên
thị vệ liền đi vào ngục chặt đầu Gioan, và đặt trên đĩa trao cho thiếu nữ, và
thiếu nữ đem cho mẹ. Nghe tin ấy, các môn đệ Gioan đến lấy xác ông và mai táng
trong mồ.
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Sự bất
tử của thánh nhân
Những bậc vĩ nhân thường được nhân gian biến thành bất tử. Người Do thái
tin rằng vị tiên tri vĩ đại nhất của họ là Êlia đã không chết, nhưng được cất
nhắc về Trời; khi Gioan Tẩy Giả xuất hiện, người ta lại tin rằng ngài chính là
hiện thân của Êlia: rồi đến lượt Gioan Tẩy Giả bị giết chết, người ta lại cho rằng
ngài đang sống lại trong con người Chúa Giêsu.
Có lẽ để xóa tan những lời đồn đoán như thế, thánh sử Marcô đã kể lại từng
chi tiết cuộc xử trảm Gioan Tẩy Giả, cũng như ghi lại việc chôn cất thánh nhân.
Gioan Tẩy Giả đã thực sự chết và ngài đã không bao giờ sống lại, cũng chẳng được
cất nhắc lên trời như Êlia.
Gioan Tẩy Giả là nạn nhân của bất công. Có bất công khi người ta đặt
chính trị lên trên những giá trị khác của cuộc sống, như tinh thần và niềm tin;
có bất công khi người ta hành động theo bản năng hơn là theo tinh thần. Vua
Hêrôđê lẫn nàng Hêrôđia đều đã hành động theo lối ấy. Hêrôđia sống bất chấp
luân thường đạo lý, còn Hêrôđê thì cho dù vẫn sáng suốt để phân biệt được điều
ngay với lẽ trái, nhưng lại chọn sống theo bản năng hơn là lý trí.
Gioan Tẩy Giả đã lên tiếng tố cáo bất công và sẵn sàng chết cho công lý.
Trong ý nghĩa ấy, ngài là vị tiền hô của Chúa Giêsu, ngài qua đi nhưng tinh thần
ngài vẫn sống mãi trong các môn đệ của ngài, và một cách nào đó, ngài cũng sống
trong chính con người Chúa Giêsu và nơi mỗi người Kitô hữu. Từ 2000 năm qua,
Giáo Hội vẫn sống trong niềm xác tín đó. Chính tinh thần của Gioan Tẩy Giả, của
các Tông Ðồ, của các Thánh Tử Ðạo, đã sống mãi trong Giáo Hội và trở thành giây
liên kết mọi Kitô hữu. Ðiều này luôn được Giáo Hội thể hiện qua cử chỉ hôn kính
hài cốt các thánh được đặt trên bàn thờ. Tập san Giáo Hội Á Châu do Hội Thừa
Sai Paris xuất bản tháng 12/1995, có ghi lại chứng từ của một vị Giám mục:
"Chúng tôi đã cất giữ hài cốt của vị Giám mục tiên khởi của Giáo Hội
chúng tôi. Chúng tôi tin rằng hài cốt này là thánh thiêng đối với chúng tôi, là
dấu chỉ mà chúng tôi không bao giờ được phép quên lãng. Hài cốt này là sợi giây
liên kết với Giáo Hội mọi thời, mọi nơi. Chúng tôi đã luôn nghĩ rằng chúng tôi
không thể cất khỏi sợi giây liên kết hữu hình ấy. Ðây là một dấu chỉ nối kết
chúng tôi trực tiếp với Chúa Kitô. Làm sao người ta có thể đánh mất Chúa Kitô?
Chúng tôi cất giữ hài cốt này, chúng tôi vẫn tiếp tục yêu mến Chúa Kitô và kết
hiệp với Người mãi mãi".
Chúng ta cũng hãy hiên ngang nói lên niềm tin và lòng trung thành với
Chúa Kitô. Cùng với thánh Phaolô, chúng ta cũng hãy thốt lên: "Không gì có
thể tách tôi ra khỏi lòng yêu mến Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô".
Veritas Asia
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Sáu Tuần 4
TN
Bài đọc: Heb 13:1-8;
Sir 47:2-13; Mk 6:14-29.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Con người cần trung thành sống theo sự
thật.
Đối với những người không có đức tin nơi Thiên Chúa, họ không tin có sự
thật tuyệt đối, và hầu hết mọi sự thật đều có giá trị tương đối – chỉ đúng
trong một thời gian và hoàn cảnh nào đó thôi. Vì thế, họ quan niệm, để có thể bảo
đảm thành công trong cuộc đời, con người cần phải biết sống theo thời; chẳng hạn
sống như các câu tục ngữ dạy: “Gặp thời thế thế thời phải thế!” hay “gió chiều
nào che chiều đó!”
Nhưng đối với những người có đức tin, Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua
cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời; và thành công trong cuộc đời này
không bảo đảm sự thành công trong cuộc đời mai sau. Vì thế, nếu muốn đạt được
cuộc đời mai sau, con người không thể sống theo thời, mà phải sống theo sự thật.
Các Bải Đọc hôm nay đưa ra những mẫu người sống theo 2 lối sống khác
nhau. Trong Bài đọc I, năm chẵn, Sách Đức Huấn Ca tường thuật hai mẫu gương:
vua David và vua Solomon; mặc dù không toàn hảo, nhưng họ biết ăn năn quay về với
sự thật. Đó là lý do Thiên Chúa tha thứ tội lỗi và tiếp tục chúc lành cho họ.
Trong Phúc Âm, Thánh Marcô tường thuật hậu quả của những con người không sống
theo sự thật mà chỉ muốn làm vui lòng người khác như vua Herode, bà hoàng
Herodia, và Salome, con gái của Bà; trong khi Gioan Tẩy Giả sẵn sàng chịu cầm
tù và chết cho sự thật.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
2/ Bài đọc I
(năm chẵn): David yêu mến Đấng tạo thành ông trọn cả tâm tình.
2.1/ Mối liên hệ thân tình giữa Thiên Chúa và vua David: Mối liên hệ
giữa con người với Thiên Chúa đòi hỏi phải có hai chiều, và cần được thử thách
để phát triển. Nhìn vào mối liên hệ giữa Thiên Chúa và vua David giúp chúng ta
hiểu thấu điều này.
(1) Thiên Chúa chúc lành cho David: Từ thời niên thiếu, bàn tay của Thiên
Chúa đã ở với David. Ngài giúp ông thoát khỏi nanh vuốt của sư tử và gấu khi
ông chăn chiên; chọn ông giữa hàng con cái Israel để làm vua; ban khôn ngoan và
sức mạnh để David giết một tên khổng lồ Goliath bằng dây phóng đá mà rửa nhục
cho dân. Khi đã được phong vương, uy quyền của Thiên Chúa luôn ở với David. Ông
đã đánh tan địch thù tứ phía, thống nhất 12 chi tộc, và bành trướng lãnh thổ.
Triều đại của David được coi như một triều đại huy hoàng nhất trong lịch sử
Israel.
(2) David cảm tạ tình yêu Thiên Chúa: Ông rất nhạy cảm với tình yêu Thiên
Chúa, như trình thuật hôm nay kể: "Trong hết mọi việc làm, ông dùng lời
tôn vinh chúc tụng mà ngợi khen Đấng Thánh Tối Cao; với trọn cả tâm tình ông
hát lên những khúc thánh thi và yêu mến Đấng tạo thành ông. Ông cắt đặt ca
viên, để trước bàn thờ, họ hát những bài ca thánh thót. Ông tổ chức cho các
ngày lễ tăng thêm vẻ huy hoàng, và sắp xếp cho lễ lạt được hoàn hảo, để trong
những ngày ấy Danh Thánh được ca khen và từ sáng sớm lời chúc tụng vang lên
trong đền thánh."
2.2/ David phạm tội; nhưng biết ăn năn xám hối và quay về với sự thật: Như một con
người, David không toàn hảo. Trong lúc bị cám dỗ xác thịt, ông đã để cho sắc đẹp
của bà Bathsheba làm ông điêu đứng; và rồi tội này dắt tới tội kia, ông đã phạm
tội tiêu diệt Uriah, chồng bà Bathsheba và là một tướng trung thành với ông. Vì
những tội phạm này, David phải chịu rất nhiều hình phạt đến từ Thiên Chúa: chết
chóc xảy ra trong gia đình, loạn luân xảy ra giữa anh em và con cái; David và
thuộc hạ phải chạy trốn Absalom, con mình. Nhưng trong khi chịu đựng tất cả những
đau khổ này, David không một lời oán trách Thiên Chúa. Ông chỉ xin Thiên Chúa
tha thứ tội lỗi và đình chỉ việc giáng phạt xuống trên gia đình ông. Những thử
thách này đã giúp ông nhận ra hậu quả khủng khiếp của tội và làm cho tình yêu của
ông với Thiên Chúa được vững mạnh hơn.
3/ Phúc Âm: Gioan Tẩy Giả chết
làm chứng cho sự thật.
3.1/ Rau nào sâu nấy: Nhìn vào gia đình của Herode, một người có thể nhìn
thấy quyền lực vủa ma quỉ thống trị gia đình này. Vua Herode Cả có tất cả 5 đời
vợ (Cleopatra của Jerusalem, Doris, Mariamne của Hasmonean, Mariamne của
Boethusian, và Malthake). Chính ông đã giết 3 người con: Antipater bởi Bà
Doris, Alexander và Aristobulus bởi Bà Mariamne của Hasmomean. Loạn luân xảy ra
khi Herodias, con của Aristobulus, kết hôn với Philip, chú của Bà; rồi lại muốn
kết hôn với Herode Antipas, em của Philip, như trình thuật kể hôm nay. Chuyện
loạn luân khác nữa là Salome, người con gái của Bà Herodias trong trình thuật
hôm nay, lại kết hôn với Philip, con của bà Cleopatra.
3.2/ Các thái độ sống khác nhau trong cuộc đời:
(1) Vua Herode Antipas: thừa hưởng một nếp sống hoang dâm và ác độc của
vua cha, ông cũng không sống theo lập trường rõ rệt. Ông đã sai người đi bắt
ông Gioan và xiềng ông trong ngục: lý do là vì vua đã lấy bà Herodia, vợ của
người anh là Philíp; và Gioan đã công khai chỉ trích nhà vua. Thái độ không lập
trường của ông được Marcô mô tả: “Thật vậy, vua Herode biết ông Gioan là người
công chính thánh thiện, nên sợ ông, và còn che chở ông. Nghe ông nói, nhà vua rất
phân vân, nhưng lại cứ thích nghe.”
Sự tình xảy ra là khi nhà vua mở một bữa tiệc thết đãi quan khách tại
Galilee, con gái bà Herodia, Salome, vào biểu diễn một điệu vũ, làm cho nhà vua
và khách dự tiệc vui thích. Vua nói với cô gái: "Con muốn gì thì cứ xin,
ta sẽ ban cho con." Vua lại còn thề: "Con xin gì, ta cũng cho, dù một
nửa nước của ta cũng được." Được sự cố vấn của mẹ, cô xin “đầu của Gioan Tẩy
Giả đặt trên đĩa.” Nhà vua buồn lắm, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách
dự tiệc, nên không muốn thất hứa với cô. Lập tức, vua sai thị vệ đi và truyền
mang đầu ông Gioan tới. Thị vệ ra đi, chặt đầu ông ở trong ngục, bưng đầu ông
trên một cái mâm trao cho cô gái, và cô gái trao cho mẹ.
(2) Bà Herodia và Salome: sống và làm chứng cho sự gian trá. Bà Herodia
căm thù ông Gioan vì đã dám ngăn cản hôn nhân của Bà, và muốn giết ông nhưng
chưa được. Khi cơ hội tới qua câu hỏi của cô con gái: "Con nên xin gì
đây?" Bà đã lạnh lùng trả lời: "Đầu Gioan Tẩy Giả." Lập tức, cô
vội trở vào đến bên nhà vua và xin rằng: "Con muốn ngài ban ngay cho con
cái đầu ông Gioan Tẩy Giả, đặt trên mâm."
(3) Gioan Tẩy Giả: sống và làm chứng cho sự thật. Ông không chú ý đến nhu
cầu vật chất, danh vọng, chức quyền; nhưng can đảm sống và kêu gọi mọi người ăn
năn xám hối.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải trung thành sống theo sự thật, vì một cuộc sống theo thời
thế sẽ không đưa chúng ta tới đích điểm của cuộc đời.
- Chúng ta sẽ phải trả giá đắt để sống theo sự thật, nhưng lối sống theo
sự thật sẽ đem lại cho chúng ta niềm vui, và giúp chúng ta đoàn tụ với Thiên
Chúa và các chứng nhân của sự thật.
Lm. Anthony ĐINH
MINH TIÊN, OP.
05/02/16 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG
TUẦN 4 TN
Th. A-ga-ta, trinh nữ, tử đạo
Mc 6,14-29
Th. A-ga-ta, trinh nữ, tử đạo
Mc 6,14-29
Suy niệm: Vua
Hê-rô-đê trượt dài trên con đường tội lỗi: từ cuộc sống ăn chơi sa đoạ, ông
liên tiếp phạm từ tội ác này đến tội ác khác, mà đỉnh điểm là sát hại Gio-an
Tẩy Giả chỉ để giữ sĩ diện vì lời ông trót thề trong một phút cuồng si. Dù vậy
tiếng nói lương tâm không ngừng thức tỉnh ông quay về con đường hướng thiện:
ông vẫn biết“ông Gio-an là người công chính thánh thiện”, khi Gio-an khiển trách về đời sống thác loạn
của mình, Hê-rô-đê “rất phân vân nhưng lại cứ
thích nghe”. Và
giờ đây, ông linh cảm Đức Giê-su là Gio-an Tẩy giả hiện hình: phải chăng đó là
dấu chỉ tiếng nói của lòng thương xót Chúa không chết trong tâm hồn Hê-rô-đê?
Thiên Chúa không muốn để một con người dù tội lỗi cách mấy đi nữa phải hư mất,
nên vẫn tiếp tục lên tiếng trong lương tâm để thúc giục con người tỉnh ngộ quay
về với đường ngay nẻo chính. Chỉ cần quay đầu trở lại là gặp được bến bờ thứ
tha.
Mời Bạn: Lòng
thương xót của Chúa không còn là một nghi vấn mà là xác tín của chúng ta. Thiên
Chúa là Cha không bao giờ mệt mỏi trong việc tha thứ cho con cái. Ngài mong mỏi
chúng ta đừng bao giờ thất vọng. Trái lại, dẫu bạn tội lỗi mấy đi nữa, hãy quả
quyết đứng lên và trở về với Cha để được ấp ủ trong lòng thương xót của Ngài.
Chia sẻ: Bạn
có bị “dị ứng” đối với bí tích Hoà giải không? Vì lý do gì?
Sống Lời Chúa: Trong
Năm Thánh này, bạn thường xuyên đến với Bí tích Hoà giải hơn, để cảm nhận sâu
xa hơn lòng thương xót của Chúa đối với bạn.
Cầu nguyện: Đọc kinh Ăn Năn tội.
Vì
đã trót thề
Philatô cũng phạm đúng tội của Hêrôđê trước đám
đông, coi ghế ngồi của mình quý hơn mạng sống của Đức Giêsu, người vô tội.
Suy niệm:
Như mọi con người
khác ở trên đời,
con người của
Hêrôđê bị giằng co giữa cái xấu và cái tốt.
Vấn đề là ông
ta sẽ ngả theo cái nào.
Hêrôđê biết
Gioan là người công chính thánh thiện nên sợ ông.
Hêrôđê đã bảo vệ
che chở cho Gioan và thich nghe ông nói,
dù những điều
đó làm Hêrôđê hết sức bối rối (c. 20).
Nhưng Hêrôđê
cũng là người đã sai bắt Gioan và xiềng ông trong ngục,
chỉ vì Gioan
dám nói: “Nhà vua không được lấy vợ của anh mình.”
Rõ ràng cái ác
trong Hêrôđê đã thắng cái thiện, cái xấu đã thắng cái tốt.
Hêrôđê thuộc loại
người “nghe lời thì liền vui vẻ đón nhận,
nhưng không đâm
rễ, mà là những kẻ nông nổi nhất thời…” (Mc 4, 16-17).
Chính vì thế
khi gặp thử thách thì ông vấp ngã ngay.
Hêrôđê còn quỵ
ngã một lần nữa nặng hơn.
Ngày sinh nhật
của ông cũng là ngày chết của một vị ngôn sứ.
Khi con gái bà
Hêrôđia biểu diễn một điệu múa làm vui lòng mọi người,
Hêrôđê đã lỡ thề
hứa một điều thiếu khôn ngoan,
trước mặt bá
quan văn võ và các thân hào miền Galilê:
“Con xin gì, ta
cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được” (c. 23).
Không biết lúc
đó Hêrôđê đã say chưa,
nhưng chắc chắn
nhà vua đã quên một điều quan trọng.
Ông quên mình
chỉ là một tiểu vương nắm vùng Galilê và Pêrê (Lc 3,1),
nên ông không
có quyền cho đất hay chia đất.
Bà Hêrôđia đã
không bỏ lỡ cơ hội ngàn vàng này để trả thù Gioan.
Bà nói với cô
con gái xin đầu Gioan Tẩy giả (c. 24).
Hẳn điều này là
một bất ngờ lớn đối với Hêrôđê .
Lập tức ông bị
đặt vào thế giằng co xâu xé.
Một mặt ông hết
sức đau buồn vì quý mạng sống của Gioan.
Mặt khác ông lại
không muốn thất hứa với cô bé,
một lời hứa đã trót
nói ra công khai trước mặt quan khách dự tiệc.
Hêrôđê có dám
chịu đánh mất chút danh dự của mình không
khi khiêm tốn
xin rút lại lời thề hứa vội vàng, bồng bột?
Ông có dám nhận
mình đã sai và chịu mất mặt không?
Tiếc quá !
Hêrôđê đã không có được can đảm này.
Như người thanh
niên giàu có buồn rầu bỏ đi (Mc 10, 22),
Hêrôđê cũng sẽ
buồn suốt đời vì cái chết do ông gây ra.
Như Hêrôđê, sau
này Philatô cũng chịu áp lực khi ông xử án Đức Giêsu.
Ông cũng phạm
đúng tội của Hêrôđê trước đám đông (Mc 15, 15),
coi ghế ngồi của
mình quý hơn mạng sống của Đức Giêsu, người vô tội.
Cầu nguyện:
Lạy Thiên
Chúa, đây lời tôi cầu nguyện:
Xin tận diệt,
tận diệt trong tim tôi
mọi biển lận
tầm thường.
Xin cho tôi
sức mạnh thản nhiên
để gánh chịu
mọi buồn vui.
Xin cho tôi
sức mạnh hiên ngang
để đem tình
yêu gánh vác việc đời.
Xin cho tôi
sức mạnh ngoan cường
để chẳng bao
giờ khinh rẻ người nghèo khó,
hay cúi đầu
khuất phục trước ngạo mạn, quyền uy.
Xin cho tôi
sức mạnh dẻo dai
để nâng tâm
hồn vươn lên khỏi ti tiện hằng ngày.
Và cho tôi sức
mạnh tràn trề
để âu yếm
dâng mình theo ý Người muốn.
(R. Tagore -
Ðỗ Khánh Hoan dịch)
Lm Antôn
Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hạnh Các
Thánh
5 Tháng Hai
Thánh Agatha
(c. 251?)
Cũng như trường hợp của Thánh Agnes, vị đồng trinh tử đạo thời Giáo Hội tiên khởi,
chúng ta không có dữ kiện lịch sử chắc chắn về Thánh Agatha, ngoại trừ sự kiện
ngài chịu tử đạo ở Sicily trong thời kỳ cấm đạo của hoàng đế Rôma là Decius năm
251.
Theo truyền thuyết, ngài sinh trưởng trong một gia đình giầu có. Khi còn trẻ,
ngài đã tận hiến cuộc đời cho Thiên Chúa, và từ chối bất cứ lời cầu hôn nào. Một
trong những người say mê ngài là Quintian, một người có địa vị cao trong xã hội
nên ông nghĩ rằng có thể ép buộc thánh nữ. Biết ngài là Kitô Hữu nên ông ra lệnh
bắt giữ và đưa ra xét xử -- bởi chính ông. Hy vọng rằng vì sợ hãi sự tra tấn và
cái chết, thánh nữ sẽ đành phải trao thân cho ông. Nhưng ngài nhất quyết tin tưởng
vào Thiên Chúa, và cầu nguyện rằng: "Lạy Ðức Giêsu Kitô, là Chúa mọi sự!
Ngài đã thấy lòng con, Ngài biết con muốn gì. Xin hãy làm chủ toàn thể con người
của con -- chỉ mình Chúa mà thôi. Con là chiên của Ngài; xin giúp con vượt qua
sự dữ một cách xứng đáng."
Sau đó, Quintian tống Agatha vào nhà gái điếm với hy vọng ngài sẽ thay đổi ý định.
Sau một tháng bị đánh đập và xỉ nhục, Quintian lại đưa ngài ra xét xử, nhưng
Thánh Agatha vẫn không lay chuyển, vẫn can đảm tuyên xưng rằng chỉ một mình
Chúa Giêsu mới có thể ban cho ngài sự tự do. Quintian lại tống ngài vào ngục
thay vì nhà gái điếm. Và khi ngài tiếp tục tuyên xưng đức tin nơi Chúa Giêsu,
Quintian ra lệnh tra tấn. Trước khi chết, ngài cầu nguyện: "Lạy Chúa, là Ðấng
dựng nên con, Ngài đã gìn giữ con từ khi còn trong nôi. Bởi tình yêu thế gian
Ngài đã dẫn dắt con và ban cho con sự kiên nhẫn để chịu đựng đau khổ. Xin hãy
nhận lấy linh hồn con."
Ngài được coi là quan thầy của xứ Palermo và Catania.
Trích từ NguoiTinHuu.com
5 Tháng Hai
Một Cách Tỏ Tình
Du khách viếng thăm hành lang nổi tiếng của nhà thờ chánh tòa Thánh Phaolô ở
Luân Ðuân có thể nghe tiếng của người hướng dẫn đang thuật lại lịch sử của nhà
thờ truyền đi khắp nơi chung quanh vòm mái tròn to lớn ở chánh điện, nhờ các kiến
trúc đặc biệt làm tiếng nói vang dội mang âm thanh đi rất xa. Cũng vì thế, nên
nếu áp tai vào tường người ta có thể nghe được những gì một người nói từ phía
bên kia của vòm mái tròn, mặc dầu đó chỉ là một giọng nói thì thầm tâm sự.
Cách đây đã lâu, mượn nhà thờ chánh tòa làm nơi hẹn hò, một người hành nghề
đóng giày than vãn với người yêu là chàng chưa thể tiến hành lễ cưới ngay bây
giờ được. Hiện tại chàng không có cả tiền để mua da và các vật liệu cần thiết để
có thể tiếp tục hành nghề, vì thế chàng đang phải thất nghiệp dài dài, đào đâu
ra tiền để làm đám cưới. Nghe tin bất lành, ý trung nhân của anh chỉ biết sụt
sùi khóc.
Ðang lúc ấy, một người tình cờ đi qua hành lang phia bên kia nghe được câu chuyện
thương tâm và những lời cầu nguyện của anh thợ đóng giày. O?g ta quyết định làm
một cái gì để giúp đôi trai gái được thành gia thất. Vì thế, khi chàng trai từ
giã người bạn gái thất thểu ra về, ông ta cũng tiến bước theo sau để biết chỗ ở
của anh ta và lập tức cho người mang đến tặng cho anh một số da. Chàng đóng
giày phấn khởi bắt tay vào việc và không bao lâu công việc làm ăn phát đạt tạo
đủ điều kiện để anh có thể tiến hành hôn lễ với người yêu. Mãi đến mấy năm sau,
hai vợ chồng mới biết vị ân nhân của mình là ông William Gladston, vị thủ tướng
Anh quốc lúc bấy giờ.
Trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến hai tư tưởng chúng ta có thể đào
sâu để củng cố niềm tin Kitô của chúng ta. Ðó là: Thiên Chúa là Cha nhân hậu,
Người luôn lắng nghe và sẵn lòng ban cho chúng ta, con cái của Người, mọi ơn
lành Người biết là sẽ mang lợi ích thật sự cho chúng ta, như vị thủ tướng Anh
quốc nghe những lời tâm sự thì thầm của đôi trai gái trên và ra tay giúp đỡ họ.
Vì thế, chúng ta hãy kiên tâm, bền chí trong lúc cầu xin.
Trích sách Lẽ Sống
SỐNG LỜI CHÚA MỖI NGÀY
NĂM THÁNH LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT
Thứ Sáu, 5 tháng 2 – Tuần
IV Mùa Thường Niên
Huấn Ca 47,2-11 · Thánh Vịnh 17,31.47.50.51 · Mác-cô 6,14-29
Nhìn Thấu Lòng Dạ
Cô gái đi ra hỏi mẹ: “Con nên xin gì đây?”
Mẹ cô nói: “Đầu Gio-an Tẩy Giả”. Mác-cô 6,24
Câu chuyện diễn ra trong đoạn Tin Mừng cho thấy, việc cô
gái xin người mẹ lời khuyên khi cô đượcvua cha hứa sẽ thưởng dù là “một nửa
vương quốc” là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Điều làm tôi ngạc nhiên là người mẹ đã đề nghị cô xin vua
cha một món quà thật ghê tởm. Vì thế, chúng ta dễ dàng phỉ bang bà Hêrôđia, mẹ
cô gái.
Nhưng Chúa Giêsu mời gọi chúng ta có lòng thương xót đối với
tất cả mọi người. Do đó, chúng ta hãy nhìn nhận kỹ hơn về người phụ nữ này… một
người phụ nữ đầy tham vọng, bất tín trong hôn nhân, và tàn bạo.
Một cách để tôi nhìn rõ lòng dạ của người phạm tội ác là
nghĩ về họ như một đứa trẻ chập chững,
tay cầm chặt món đồ chơi mà nó thích. Chắc chắn rằng bà Hêrôđia đã từng là một
đứa trẻ như thế. Nhưng rồi ông nội của bà, vua Hêrôđê Đại Đế, đã giết bà nội, bố
và nhiều người chú bác khác của bà nữa. Ông chú mà bà cưới làm chồng đầu tiên
đã bị thất sủng. Liệu rằng bà có sợ người chồng cũ sẽ bị giết hại? Liệu bà có sợ
rằng chính bà rồi sẽ bị giết chết?
Chúng ta nhìn người phụ nữ này qua một lăng kính rộng lớn
hơn, không phải để bào chữa cho bà, mà để hiểu rõ hoàn cảnh nào đã dẫn bà đến
hành động độc ác một cách khó hiểu như thế.
Aileen O’Donoghue
HỌC HỎI NĂM THÁNH
Hỏi 99 : Hướng đến Thánh Faustina Kowalska, chúng ta xinngafi điều
gì?
Đáp 99 :
Chúng ta xin ngài chuyển
cầu cho chúng ta luôn biết sống và tiến bước trong ơn tha thứ của Thiên Chúa và
trong niềm tin ững chắc vào tình yêu của Ngài (Số 24).
Hỏi 100 : Mở Năm Thánh Ngoại Thường này, Đức Thánh Cha muốn chúng
ta làm gì để đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa?
Đáp 100
: Mở Năm Thánh Ngoại Thường
này, Đức Thánh Cha muốn chúng ta hãy để cho Thiên Chúa làm cho chúng ta phải
kinh ngạc trước tình yêu của Ngài, Đấng không ngừng mở lòng và ngỏ lời yêu
thương chúng ta, đồng thời chia sẻ cho chúng ta sự sống của Ngài.
CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa, xin đừng để con xét đoán hay kết
án bất kỳ ai, nhưng luôn có cái nhìn thông cảm bao dung đối với mọi người.
Quyết Tâm : Tha thứ cho những xúc phạm của người
chung quanh.
(nguồn trích: Sống Lời Chúa số 2 –
Mùa Thường Niên 1 của Tgp. Sài Gòn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét