28/02/2016
Chúa Nhật tuần 3 Mùa Chay năm C
(Phần I)
Bài Ðọc I: Xh 3, 1-8a. 13-15
"Ðấng
hiện hữu sai tôi đến với anh em".
Trích
sách Xuất Hành.
Trong
những ngày ấy, Môsê chăn chiên cho ông nhạc là Giêtrô, tư tế xứ Mađian. Ông lùa
đoàn chiên qua sa mạc, đến núi Horeb là núi của Thiên Chúa. Thiên Chúa hiện ra
với ông trong ngọn lửa cháy từ giữa bụi gai. Ông nhìn thấy bụi gai bốc lửa,
nhưng không bị thiêu rụi. Môsê nói: "Ta hãy lại xem cảnh tượng kỳ lạ này,
vì sao bụi gai không bị thiêu rụi".
Thiên
Chúa thấy ông lại xem, từ giữa bụi gai Người gọi ông: "Môsê! Môsê!"
Ông thưa: "Dạ con đây!" Chúa nói: "Ngươi đừng đến gần đây. Hãy cởi
dép ở chân ra, vì chỗ ngươi đang đứng là nơi thánh". Chúa lại nói:
"Ta là Thiên Chúa của Tổ phụ ngươi. Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của
Isaac, Thiên Chúa của Giacóp". Môsê che mặt, vì không dám nhìn Thiên Chúa.
Chúa nói: "Ta đã thấy dân Ta phải khổ cực ở Ai-cập. Ta đã nghe tiếng chúng
kêu than kẻ đốc công áp bức. Ta biết nỗi đau khổ của chúng, nên Ta xuống cứu
chúng thoát khỏi tay người Ai-cập và đưa ra khỏi đất ấy đến miền đất tốt tươi rộng
lớn, đất tràn trề sữa và mật".
Môsê
thưa với Thiên Chúa rằng: "Này con sẽ đến với con cái Israel và bảo họ:
Thiên Chúa của tổ phụ anh em đã sai tôi đến với anh em. Nếu họ hỏi con:
"Tên Người là gì?", con sẽ nói sao với họ?" Thiên Chúa nói với
Môsê: "Ta là Ðấng Tự Hữu". Chúa nói: "Ngươi sẽ bảo con cái
Israel thế này: "Ðấng Tự Hữu sai tôi đến với anh em".
Thiên
Chúa lại nói với Môsê: "Ngươi sẽ bảo con cái Israel thế này: "Thiên
Chúa của tổ phụ anh em, Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên
Chúa của Giacóp sai tôi đến với anh em". Ðó là danh Ta cho đến muôn đời,
đó là danh Ta phải ghi nhớ qua mọi thế hệ".
Ðó là
lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 102, 1-2. 3-4. 6-7. 8 và
11
Ðáp: Chúa là Ðấng từ bi và hay thương
xót (c. 8a).
Xướng:
1) Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng
danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của
Người. - Ðáp.
2) Người
đã thứ tha cho mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người chuộc
mạng ngươi khỏi chỗ vong thân, Người đội đầu ngươi bằng mão từ bi, ân sủng. -
Ðáp.
3)
Chúa thi hành những sự việc công minh, và trả lại quyền lợi cho những người bị ức.
Người tỏ cho Môsê được hay đường lối, tỏ công cuộc Người cho con cái Israel. -
Ðáp.
4)
Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân.
Nhưng cũng như trời xanh cao vượt trên trái đất, lòng nhân Người còn siêu việt
hơn thế trên kẻ kính sợ Người. - Ðáp.
Bài Ðọc II: 1 Cr 10, 1-6. 10-12
"Ðời
sống dân chúng đối với Môsê trong hoang địa được viết ra để răn bảo chúng
ta".
Trích
thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em
thân mến, tôi không muốn để anh em không hay biết điều này, là tất cả cha ông
chúng ta đã được ở dưới áng mây, đi ngang qua biển và tất cả nhờ Môsê mà được
thanh tẩy, dưới áng mây và trong lòng biển; tất cả đã ăn cùng một thức ăn
thiêng liêng, và uống cùng một thức uống thiêng liêng. Thật vậy, tất cả đã uống
nước phát xuất từ tảng đá thiêng liêng đi theo họ: tảng đá ấy chính là Chúa
Kitô. Tuy nhiên, không phải phần đông trong họ đã sống đẹp lòng Chúa, vì họ đã
bị gục ngã trong hoang địa.
Bao
nhiêu sự kiện đó nêu gương cho chúng ta, để chúng ta đừng chiều theo những dục
vọng xấu xa như những người đó đã chiều theo. Anh em đừng lẩm bẩm kêu trách như
một số người trong bọn họ đã làm, và đã vong mạng bởi tay một sứ thần huỷ diệt.
Những việc đó đã xảy đến cho họ để làm gương, và đã được ghi chép để răn bảo
chúng ta là những người đang sống trong thời đại cuối cùng. Thế nên, ai tưởng
mình đang đứng vững, hãy ý tứ kẻo ngã.
Ðó là
lời Chúa.
Câu Xướng Trước Phúc Âm: 2 Cr 6, 2
Này là
lúc thuận tiện, này là ngày cứu độ.
Phúc Âm: Lc 13, 1-9
"Nếu
các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy".
Tin Mừng
Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy,
có những kẻ thuật lại cho Chúa Giêsu về việc quan Philatô giết mấy người
Galilê, làm cho máu họ hoà lẫn với máu các vật họ tế sinh. Ngài lên tiếng bảo:
"Các ngươi tưởng rằng mấy người xứ Galilê bị ngược đãi như vậy là những
người tội lỗi hơn tất cả những người khác ở xứ Galilê ư? Ta bảo các ngươi:
không phải thế. Nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi
cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy. Cũng như mười tám người bị tháp Silôe đổ xuống đè
chết, các ngươi tưởng họ tội lỗi hơn những người khác ở Giêrusalem ư? Ta bảo
các ngươi: không phải thế. Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các
ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy".
Ngài
nói với họ dụ ngôn này: "Có người trồng một cây vả trong vườn nho mình.
Ông đến tìm quả ở cây đó mà không thấy, ông liền bảo người làm vườn rằng:
"Kìa, ba năm nay ta đến tìm quả cây vả này mà không thấy có. Anh hãy chặt
nó đi, còn để nó choán đất làm gì!" Nhưng anh ta đáp rằng: "Thưa ông,
xin để cho nó một năm nay nữa, tôi sẽ đào đất chung quanh và bón phân; may ra
nó có quả chăng, bằng không năm tới ông sẽ chặt nó đi".
Ðó là
lời Chúa.
Suy Niệm: Chúa Kêu Gọi Thống Hối
Với
Chúa nhật hôm nay, chúng ta đã đi vào giữa Mùa Chay. Phụng vụ hối thúc chúng ta
phải làm công việc quan trọng nhất trong mùa này, là thống hối ăn năn tội lỗi
và trở về với Chúa. Những tư tưởng này được trình bày rõ rệt trong bài Tin Mừng
và bài Thánh Thư. Nhưng chúng ta cần xem bài Cựu Ước trước, để thấy Chúa thương
xót những người khổ sở như thế nào và Người sẵn sàng giải thoát họ. Ðược niềm
tin như vậy, chúng ta sẽ sung sướng đón nhận Lời Chúa kêu gọi ăn năn thống hối
để được cuộc hành trình mùa Chay nói riêng và đời sống nói chung của chúng ta sẽ
tốt đẹp hơn cuộc hành trình của con cái Israen nơi sa mạc mà bài Thánh thư hôm
nay còn gợi lại. Chúng ta hãy bắt đầu với bài Cựu Ước.
1. Chúa Muốn Cứu Dân
Bài
sách Xuất Hành hôm nay thuật chuyện Chúa gọi Môsê đi cứu dân. Chính ông đã được
cứu ra khỏi nước khi mới sinh được ít tháng. Hoàng đế Ai Cập bấy giờ ra lệnh giết
hết con trai mới sinh của người Do Thái. Mẹ của Môsê thương con, dấu diếm trong
nhà cho đến ngày không dấu được nữa. Bà bỏ con vào thúng đã trét hắc ín và đem
đặt bên bờ sông, nhằm lúc Công chúa của Pharaôn đến tắm. Nàng thấy đứa bé xinh,
cho tìm vú nuôi và sau đem vào hoàng cung giáo dục. Khi đã thành nhân, một hôm
ra khỏi đền vua, Môsê thấy cảnh nô lệ man rợ của đồng bào mình. Ông đã giết một
tên Ai Cập để bênh vực một người đồng hương; và sau đó sợ lộ chuyện, ông phải
trốn đi và trở thành mục tử chăn dê cừu cho nhạc phụ là Jếthro ở đất Mađian.
Hôm
nay Môsê lùa đàn vật đi ăn, ngang qua sa mạc và đến núi của Thiên Chúa. Người
Do Thái miền Bắc gọi núi này là Horeb; còn người miền Nam gọi nó là Sinai. Và
dân của cả hai miền đều coi nó là núi thánh và là núi của Thiên Chúa. Vì nó vẫn
là nơi có điện thờ và có sự hiện diện của Chúa một cách đặc biệt, hay nó chỉ mới
trở nên thánh địa kể từ ngày có câu chuyện Chúa hiện ra hôm nay với Môsê?
Béthel (Kn 28,11) cũng là một nơi giống như vậy. Israen đến đó và mơ thấy có một
bậc thang bắc từ đất đến trời. Ông bừng dậy và nhận ra nơi này là thánh địa.
Nơi ấy xưa nay vẫn thánh, hay mới chỉ thánh từ khi Israen được Chúa hiện ra
trong chiêm bao ở trên đất này? Dù sao việc Chúa hiện ra cũng đã làm cho những
nơi kia trở nên thánh địa một cách khác thường. Và mỗi khi Người hiện ra, các
tác giả Thánh Kinh đều nói rằng "thần sứ" của Người hiện ra chứ không
dám nói rằng chính Người xuất hiện. Và từ ngữ "thần sứ Giavê" đã trở
thành công thức nói về "Thiên Chúa hiện ra".
Vậy
hôm nay thần sứ Giavê đã hiện đến với Môsê trong ngọn lửa giữa bụi gai. Thoạt đầu
Môsê đâu có biết. Ông chỉ thấy một ngọn lửa cháy giữa bụi gai mà gai không bị
thiêu hủy. Thấy lạ, Môsê muốn mon men lại gần để quan sát. Nhưng từ trong lửa
giữa bụi gai có tiếng gọi: "Môsê, Môsê"; rồi bảo ông chớ lại gần vì
đây là nơi thánh địa.
Ðối với
chúng ta, một hình thức Chúa hiện ra như vậy tỏ ra thế nào ấy! Nhưng đối với
người xưa đó là hình thức quá tự nhiên để họ khỏi khiếp đảm. Họ vẫn quan niệm
thần linh ở trong lửa, trong khói. Có ngọn lửa lạ lùng giữa một bụi gai như vậy
là dấu chắc chắn có thần linh muốn hiện ra với người ta. Trong tiếng Do Thái,
chữ bụi gai cũng na ná như chữ Sinai. Và vì thế lửa cháy giữa bụi gai hôm nay,
như báo trước một ngày nào đó lửa cũng sẽ nghi ngút trên đỉnh Sinai khi Chúa muốn
ký kết giao ước với đoàn dân mà Môsê vừa dẫn ra khỏi Ai Cập. Chúa giữa bụi gai
cũng là Chúa ở núi Sinai, Người đã hiện diện đến với Môsê ban cho ông những mạc
khải vô cùng quan trọng.
Người
tự xưng là Chúa của Abraham, Isaac và Giacob, những tổ phụ xa xôi của con cái
Israen. Người đã thấy những nỗi thống khổ của họ bên Ai Cập. Người đã nghe tiếng
roi của các đốc công người Ai Cập quất trên họ. Người nghe hết những tiếng kêu
đau khổ của con cái Israen. Người sẽ ra tay cứu họ ra khỏi Ai Cập, và đưa họ
vào Ðất Hứa chảy sữa và mật. Thế nên Người bảo Môsê: "Vậy bây giờ ngươi
hãy đi! Ta sai ngươi đến với Pharaô; ngươi hãy đem dân của Ta, con cái Israen
ra khỏi Ai Cập".
Lệnh
truyền đầy cương quyết và thật an ủi. Nó nói lên lòng thương đầy thông cảm và
hiểu biết của Chúa. Nó cho thấy Chúa quan tâm săn sóc những người khổ sở. Họ là
"phần riêng" của Người. Họ sẽ trở thành "sở hữu" của Người.
Chúng ta muốn nhận được tình thương của Chúa, hãy đứng vào hàng ngũ những thành
phần khó nghèo và khổ sở. Nhất định chúng ta sẽ nhận được nhiều tình thương cứu
độ, nếu chưa dám nói là nhận được tất cả lòng thương xót của Chúa...
Mà
chúng ta đâu có cần đứng vào hàng ngũ những thành phần đáng thương ấy. Bản chất
chúng ta là tội nhân đầy những yếu đuối và rồi đây sẽ phải chết. Không ai khổ sở
và đáng thương hơn chúng ta; chỉ có điều chúng ta dễ quên và muốn quên thân phận
của mình. Chúng ta tự ái muốn che dấu tội lỗi của chúng ta. Chúng ta muốn bám
vào những lớp sơn có thể che dấu được con người thật của mình. Chúng ta che
thân bằng quần áo thì cũng muốn che tâm hồn và đời sống hèn hạ dưới những cái
"mã" tưởng là dễ coi. Chính sự bỏ quên cũng là một bình phong và là một
tấm màn phủ lên con người xấu xa của chúng ta...
Nhưng
vô ích, lương tâm như một con sâu luôn rúc rỉa tâm hồn. Bài Kinh Thánh hôm nay,
những Lời Chúa vừa tuyên bố, mùa Chay đang cử hành, tất cả kêu gọi chúng ta hãy
giác ngộ, thú nhận tội lỗi và cầu xin ơn tha thứ. Thiên Chúa đang đến. Người đầy
lòng xót thương. Người muốn cứu kẻ lầm than khổ sở. Người sai một Môsê Mới đi cứu
những ai thú nhận mình yếu đuối. Ðó là Ðức Giêsu Kitô. Nhưng để hiểu biết Người,
chúng ta hãy tiếp tục xem Môsê cũ.
Nghe
Chúa muốn sai mình đi cứu dân. Ông xin được muốn đích danh của Người để khi con
cái Israen hỏi ông biết đàng mà thưa. Nhưng không lẽ ông chưa biết danh Giavê!
Và chắc chắn ông cũng đã biết con cái Israen vẫn dùng danh Giavê mà xưng tụng
Chúa. Có lẽ ở đây tác giả viết như vậy là vì muốn giải thích danh Giavê và muốn
cho lời giải thích này khởi sự từ Môsê và từ miệng Chúa. Người trả lời cho
Môsê: Ta là Ðấng "Ta có".
Vẫn biết
lời của Chúa nói ở đây khó dịch ra tiếng Việt Nam. Nhưng trong mọi thứ tiếng và
ngay trong tiếng Do Thái, ý nghĩa của câu Chúa trả lời để mạc khải Danh của Người
cũng thật khó hiểu. Nó khó hiểu đến nỗi có thể nói được rằng nghe rồi người ta
cũng chẳng hiểu gì hơn. Và điều này chứng tỏ không từ ngữ và quan niệm nào có
thể diễn tả được Thiên Chúa. Người là Ðấng Vô Danh theo nghĩa của Lão Tử, tức
là theo nghĩa không thể nào gọi tên được. Mọi danh xưng đều bất lực nói về bản
tính Thiên Chúa.
Nhưng
khi nói Giavê Ðấng đang có, người ta cũng có thể nghĩ đến sự trường tồn của Người,
đang khi hết thảy là phù vân không có nền tảng hiện hữu. Nhất là tựa vào ý
nghĩa ấy, người ta có thể nghĩ rằng Giavê là Ðấng luôn hiện diện với Môsê và với
dân Người để ở với họ, hướng dẫn họ, giúp đỡ họ thi hành kế hoạch của Người. Và
điều này sẽ được triển khai khi cũng tác giả Xuất Hành viết: Giavê là Chúa chạnh
thương, huệ ái, bao dung, đầy nhân nghĩa và tín thành (34,6). Mà quả thật mọi
trang Kinh Thánh mạc khải đều nói lên lòng từ nhân của Thiên Chúa Giavê. Người
không ở xa con cái loài người, nhưng hằng quan tâm độ trì họ.
Ðặc biệt
trong bài sách Xuất Hành hôm nay Người tỏ ra thông cảm, lo lắng cho số phận con
cái Israen. Người hiện ra với Môsê với tâm trạng ấy, thì khi Người giải thích
danh xưng Giavê của Người, chúng ta có thể và có lẽ phải hiểu theo ý nghĩa từ
nhân này. Và phụng vụ hôm nay cũng muốn chúng ta biết Thiên Chúa là Ðấng đầy
lòng thương xót đang muốn cứu độ chúng ta. Chúng ta hãy nghe thêm lời Con của
Người nói trong bài Tin Mừng để hiểu Người hơn và mến Người hơn nữa.
2. Chúa Kêu Gọi Thống Hối
Thánh
Luca kể, hôm ấy người ta đưa tin cho Ðức Giêsu biết: Pilatô mới giết một số người
Galilê, khi họ dâng lễ. Vụ này ai cũng biết nên tác giả không cần nói rõ thêm.
Ðàng khác Pilatô đã làm nhiều vụ như vậy mà sử sách còn kể lại. Phản ứng của Ðức
Giêsu không chính trị tí nào, mà chỉ hoàn toàn đạo đức. Người đáp: các ngươi tưởng
đó là những người tội lỗi hơn mọi người Galilê khác sao? Không đâu, nếu không hối
cải, các ngươi hết thảy cũng sẽ bị tiêu diệt như thế.
Người
còn nói thêm về vụ 18 người bị tháp Silôam đổ xuống đè chết. Vụ này chắc cũng
phải thời danh lắm. Ai nghe nói cũng hiểu tức thời. Nhưng 18 người kia có phải
là hạng tội lỗi hơn mọi kẻ cư ngụ ở Giêrusalem không? Không đâu, Người nói:
"Nếu các ngươi không hối cải, các ngươi cũng sẽ bị tiêu diệt in như thế".
Trong
phản ứng của Người, chúng ta có thể nhận ra một số quan niệm Người không coi những
kẻ bị tai họa bên ngoài tất nhiên phải là hạng tội lỗi hơn mọi người khác. Cũng
như trong sách của Gioan, Người không coi một kẻ mù từ khi mới sinh là vì tội của
nó, hay của cha mẹ nó. Ðối với Người ai cũng có tội hết, cả những người ở
Galilê và cả những người ở Giêrusalem. Tất cả những người đang ở trước mặt Người
và nghe Người nói đều có tội. Họ hãy thống hối và cải thiện; nếu không họ cũng
sẽ bị tiêu diệt, dĩ nhiên không phải hết thảy sẽ bị giết hay tháp đè. Nhưng tất
cả đều sẽ chết và chết đời đời.
Và để
thúc đẩy người ta nhận thấy tình cảnh đã khẩn trương, Ðức Giêsu kể tiếp dụ ngôn
về cây vả. Chủ vườn muốn chặt nó tức khắc, vì đã ba năm rồi, ông đến tìm quả mà
không thấy một trái nào. Nếu bài dụ ngôn đã dừng lại ở đây, thì chúng ta chỉ thấy
tính cách khẩn trương của vấn đề hối cải. Và chúng ta có thể nghĩ rằng Ðức
Giêsu đã nói dụ ngôn này vào khoảng cuối đời truyền giáo, sau ba năm hoạt động
nơi người Do Thái, như Mátthêu và Máccô đã kể chuyện về một cây vả tương tự vào
hai, ba ngày trước khi Chúa Giêsu bị bắt nộp.
Nhưng
Luca tác giả của lòng thương xót, đã không dừng lại ở lời ngăm đe tức thời như
vậy. Ông cho người làm vườn đến trước mặt chủ và xin để cây vả lại một năm nữa,
chờ cuốc xới và bón phân thêm xem thế nào, không chừng nó sẽ sinh quả; bằng
không sẽ chặt nó đi.
Người
làm vườn nào mà lạ lùng như vậy? Xét theo chuyên canh, lời ông chủ thật có lý.
Ðể cây vả lại trong tình trạng ấy chỉ làm hại đất. Nhưng chính vì lạ lùng, người
làm vườn kia khiến chúng ta nghĩ đến một câu trong sách của Gioan: "Cha Ta
là người trồng nho". Quả thật câu nói của người làm vườn ở đây đầy lòng
nhân từ. Lời người ấy buộc chúng ta phải nghĩ đến lòng thương xót kiên nhẫn của
Thiên Chúa. Người muốn cuốc xới và bón phân, tức là săn sóc chăm nom để tội
nhân trở lại sinh quả tốt. Kinh Thánh không thường ví dân Chúa như một thân nho
sao?
Và như
vậy, khi cho người làm vườn xuất hiện nài xin ông chủ vườn để cây vả lại, tác
giả Luca muốn cho chúng ta thấy lòng thương xót lạ lùng của Thiên Chúa đã tỏ hiện
đối với tội nhân. Và cụ thể người muốn nói đến Ðức Kitô Giêsu, Ðấng mà Chúa Cha
đã sai đến để kêu gọi người tội lỗi. Ngài đang lao nhọc vất vả giảng dạy và
khuyên bảo người ta. Người đang cuốc xới và bón phân. Ngài ban cho người ta một
hạn chót để trở lại: một năm nữa thôi. Phải chăng Ngài đang ở trong năm thứ hai
của cuộc đời truyền giáo? Ðúng hơn đó chỉ là kiểu nói ám chỉ hạn chót.
Do đó
tính cách khẩn trương của lời kêu gọi hối cải vẫn còn y nguyên. Nó được trình
bày kèm với quan niệm về lòng thương xót kiên nhẫn của Thiên Chúa. Và như vậy
luôn luôn nó sẽ có tính cách tức thời; khiến hôm nay đọc bài Tin Mừng này,
chúng ta vẫn thấy đang được thôi thúc phải ăn năn hối cải và sinh quả công
chính.
Hơn nữa,
có thể nói được rằng lời hối thúc lại càng khẩn trương khi nó lại là tiếng nói
của một tấm lòng đầy nhân nghĩa, nó làm chúng ta lại nhớ tới Lời Chúa thổ lộ với
Môsê trước khi sai ông đi cứu dân. bao giờ Chúa cũng từ nhân và muốn cứu độ;
chúng ta có thể làm ngơ trước kêu gọi tha thiết như vậy không? Thánh Phaolô bảo
chúng ta phải coi chừng. Chúng ta hãy đọc thư Người.
3. Chúa Ðã Chẳng Hài Lòng
Thánh
Tông đồ không viết cho dân thời Môsê, cũng chẳng gởi cho người Do Thái thời
Chúa Giêsu, mà là cho các Kitô hữu, những người đã được lãnh nhận Thánh tẩy và
thường cử hành thánh lễ tạ ơn. Họ được ưu đãi như thế, nhưng cũng phải coi chừng,
vì dân Cựu Ước cũng đã được những ơn tương tự, nhưng đã chết nơi sa mạc và
không được vào Hứa Ðịa. Họ cũng đã thanh tẩy khi tin vào Môsê mà đi qua nước Biển.
Họ đã được ăn Manna, cũng là một thứ lương thực thiêng liêng. Họ đã uống được ở
Tảng Ðá giữa sa mạc chảy ra và như vậy nước ấy cũng linh thiêng vì vọt ra từ một
tảng đá lạ lùng (Ds 20,8) mà truyền thống Do Thái nói rằng nó đi theo con cái
Israen suốt trong thời gian nơi sa mạc. Nếu có một sự kiện như thế, thì theo
Phaolô, tảng đá ấy phải là hình ảnh về Ðức Giêsu Kitô cứu thế, vì nó có sức độ
trì dân khát nước như vậy. Do đó dân Cựu Ước đã có tất cả những sự thánh thiện tương
tự của Tân Ước là "Thánh tẩy và Thánh thể"... nhưng họ đã chết vì đam
mê (Ds 11,4-6); vì thờ quấy (Xh 32,6); vì dâm dật (Ds 25,1-5); vì thử thách
Chúa (Ds 21,4-6); và vì kêu ca Người (Ds 13,25...). Tất cả những việc ấy đã xảy
ra để làm gương cho chúng ta. Ðừng ai tưởng mình đã đứng vững trong sự thánh
thiện. Hãy coi chừng kẻo ngã. Hãy khiêm nhường thú nhận tội lỗi để được hưởng
nhờ lòng Chúa xót thương.
Trong
cả ba bài Kinh Thánh hôm nay, chúng ta đã thấy lòng từ bi của Chúa khẩn thiết
kêu gọi chúng ta thống hối ăn năn. Chúa Giêsu trong mầu nhiệm bàn thờ mà chúng
ta cử hành bây giờ càng mong muốn chúng ta trở lại hơn nữa. Người đến không những
để tha thứ mà còn để hoán cải. Chúng ta hãy dự lễ để thêm ơn Phục sinh; để cải
tạo đời sống, để làm cho mùa Chay thành mùa đổi mới con người và xã hội, đáp lại
lòng Chúa luôn xót thương muốn cứu độ mọi người.
(Trích dẫn từ tập sách Giải
Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô
Nguyễn Sơn Lâm)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật III Mùa Chay, Năm C
Bài đọc: Exo 3:1-8a,
13-15; I Cor 10:1-6, 10-12; Lk 13:1-9.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy biết dùng cơ hội Thiên Chúa ban để sám hối và sinh hoa kết
trái.
Không
ai trong chúng ta muốn giữ những thứ vô dụng, vừa choán chỗ vừa không dùng được:
chiếc áo đã rách, đôi giày đã thủng lỗ, cái dù đã bị bung; nếu đã cố gắng sửa
mà vẫn không dùng được, chúng ta sẽ vất nó vào sọt rác để mua sắm cái khác. Con
người trước mặt Thiên Chúa cũng thế, Ngài sẽ làm mọi cách để sửa dạy và giúp
con người thăng tiến như: răn dạy, cảnh cáo, và dùng hình phạt; nhưng nếu đã cố
gắng mọi cách mà không sửa đổi được, Ngài sẽ phải cất đi để khỏi tốn công và
tránh thiệt hại cho người khác.
Các
Bài Đọc của Chủ Nhật III Mùa Chay tập trung trong việc con người phải biết nắm
lấy cơ hội Thiên Chúa ban để ăn năn sám hối và thăng tiến không ngừng. Trong
Bài Đọc I, Thiên Chúa động lòng thương xót dân của Ngài khi thấy họ bị đối xử
tàn nhẫn như những nô lệ bên Ai-cập; Ngài hiện ra với ông Moses để tỏ ý định của
Ngài và sai ông đến với con cái Israel để chuẩn bị đưa họ ra khỏi đất nô lệ để
vào Đất Hứa. Trong Bài Đọc II, Phaolô muốn các tín hữu nhìn lại biến cố Xuất
Hành để rút ra bài học cụ thể cho các tín hữu Corintô: cho dù con cái Israel đã
được Thiên Chúa yêu thương và ban cơ hội để giải thoát; nhưng nhiều người trong
họ đã không biết dùng cơ hội, vẫn càm ràm, than trách, và sau cùng phải chết
trước khi vào Đất Hứa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu muốn nhắc nhở cho dân chúng phải
biết nhìn các biến cố xảy ra trong cuộc đời và học hỏi những điều quan trọng
cho bản thân: khi thấy người khác chết, đừng nghĩ là họ tội lỗi hơn mình, nhưng
hãy biết sự chết cũng sẽ xảy ra cho mình; điều quan trọng là phải biết ăn năn
sám hối và sinh hoa kết trái cho Thiên Chúa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Ta xuống để giải thoát chúng khỏi làm nô
lệ cho người Ai-cập.
1.1/
Thiên Chúa thương xót và muốn giải cứu con cái Israel khỏi cảnh làm nô lệ.
(1) Cuộc
thần hiện của Thiên Chúa cho ông Moses: Moses tuy là người Do-thái; nhưng lớn
lên trong hoàng gia như là con của công chúa Ai-cập. Sở dĩ ông phải bỏ hoàng
gia để trốn qua đất Madian là vì ông đã giết một người Ai-cập khi người này đối
xử dã man với một người Do-thái; tin này được loan truyền tới tai vua Pharaoh
và nhà vua đang tìm cách bắt ông. Giống như tổ-phụ Abraham, Moses chưa một lần
được biết Thiên Chúa. Để tỏ cho ông Moses biết uy quyền của Thiên Chúa, Ngài
cho ông chứng kiến một hiện tượng lạ khi ông đang chăn chiên cho bố vợ là
Jethro, tư tế Madian. Ông Moses nhìn thấy bụi cây cháy bừng, nhưng bụi cây
không bị thiêu rụi, ông tự bảo: "Mình phải lại xem cảnh tượng kỳ lạ này mới
được: vì sao bụi cây lại không cháy rụi?" Đức Chúa thấy ông lại xem, thì từ
giữa bụi cây Thiên Chúa gọi ông: "Moses! Moses!" Ông thưa: "Dạ,
tôi đây!" Người phán: "Chớ lại gần! Cởi dép ở chân ra, vì nơi ngươi
đang đứng là đất thánh."
(2) Ý
định của Thiên Chúa: Người mặc khải cho Moses: "Ta là Thiên Chúa của cha
ông ngươi, Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Jacob…
Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than
vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. Ta xuống giải
thoát chúng khỏi tay người Ai-cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt
tươi, rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật.”
1.2/
Thiên Chúa chọn ông Moses để lãnh đạo con cái Israel: Khi biết Thiên Chúa muốn chọn mình để
lãnh đạo con cái Israel ra khỏi Ai-cập, ông Moses nhìn thấy trước hai khó khăn
trong sứ vụ Thiên Chúa trao phó: Thứ nhất, vua Pharaoh đang tìm giết ông, làm
sao ông dám vào để yêu cầu nhà vua phóng thích con cái Israel. Thứ hai, con cái
Israel sẽ không tin ông, một người họ không biết và chẳng có trong tay một sức
mạnh nào cả.
(1)
Thánh danh của Thiên Chúa: Ông Moses thưa với Thiên Chúa: "Bây giờ, con đến
gặp con cái Israel và nói với họ: Thiên Chúa của cha ông anh em sai tôi đến với
anh em. Vậy nếu họ hỏi con: Tên Đấng ấy là gì? Thì con sẽ nói với họ làm
sao?" Thiên Chúa phán với ông Moses: "Ta là Đấng Hằng Hữu." Người
phán: "Ngươi nói với con cái Israel thế này: "Đấng Hiện Hữu sai tôi đến
với anh em."” Đấng Hằng Hữu nghĩa là Đấng luôn có. Đây là thánh danh mới của
Thiên Chúa mặc khải cho con người. Để cho Moses và con cái Israel khỏi nhầm lẫn
với một thần mới, Thiên Chúa dùng hai lần câu: “Thiên Chúa của cha ông anh em,
Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Jacob.” Nói cách
khác, Ngài vẫn là Thiên Chúa mà tổ phụ của họ đã biết và chính họ đang kêu cầu.
Truyền thống Do-thái sau này rất sợ dùng thánh danh “Yahveh,” họ thay thế bằng
các danh từ: Đức Chúa (Elohim), Thiên Chúa của con (Adonai),
Thiên Chúa các đạo binh (El Sabaoth), Thiên Chúa uy quyền (El Shaddai)…
(2) Mối
liên hệ giữa Thiên Chúa với ông Moses: Để củng cố niềm tin và đánh tan sự sợ
hãi của Moses, Ngài hứa với ông: “Ta sẽ ở với ngươi” (x/c 12). Lời hứa này được
Thiên Chúa thực hiện bắt đầu từ cuộc thương lượng với vua Pharaoh, suốt trong
cuộc hành trình 40 năm trong sa mạc, cho tới khi đem dân vào Đất Hứa. Ông Moses
cũng chịu thử thách bởi Thiên Chúa như dân. Thử thách lớn nhất ông phải chịu là
tuy được thấy Đất Hứa từ xa; nhưng không được cùng dân vào Đất Hứa, mà phải chết
và an táng trước khi qua sông Jordan.
2/ Bài đọc II: Chúng ta đừng chiều theo những dục vọng
xấu xa như cha ông chúng ta.
2.1/ Biến
cố Xuất Hành là bài học cho mọi tín hữu: Bối cảnh của trình thuật hôm nay là câu
trả lời của Phaolô cho các tín hữu Corintô có nên ăn thịt cúng. Phaolô cho các
tín hữu một nguyên tắc: được ăn, nhưng phải có lòng bác ái tôn trọng những người
yếu đức tin; hơn nữa, người tín hữu phải biết đề phòng các chước cám dỗ; đừng
quá tự tin nơi sức hèn của mình.
Để dẫn
chứng một ví dụ cụ thể, Phaolô mời họ nhìn lại gương của con cái Israel khi họ
xuất hành khỏi Ai-cập, lang thang suốt 40 năm trời trong sa mạc để được thanh
luyện bởi Thiên Chúa, trước khi được vào Đất Hứa. Phaolô viết: “Thưa anh em,
tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì về việc này: là tất cả cha ông chúng
ta đều được ở dưới cột mây, tất cả đều vượt qua Biển Đỏ. Tất cả cùng được chịu
phép rửa dưới đám mây và trong lòng biển, để theo ông Moses.
Tất cả
cùng ăn một thức ăn linh thiêng (manna), tất cả cùng uống một thức uống linh
thiêng, vì họ cùng uống nước chảy ra từ tảng đá linh thiêng vẫn đi theo họ. Tảng
đá ấy chính là Đức Kitô. Nhưng phần đông họ không đẹp lòng Thiên Chúa, bằng chứng
là họ đã quỵ ngã trong sa mạc.”
2.2/ Biết
học nơi gương người đi trước: Phaolô
khuyên các tín hữu: Biến cố Xuất Hành không chỉ là biến cố lịch sử của người
Do-thái; nhưng còn là “bài học răn dạy chúng ta đừng chiều theo những dục vọng
xấu xa như cha ông chúng ta.”
Được
hưởng mọi đặc quyền từ Thiên Chúa không có nghĩa là sẽ được vào Đất Hứa. Giống
như con cái Israel trong biến cố Xuất Hành, người tín hữu cũng đã được hưởng mọi
đặc quyền từ Đức Kitô: được chịu Phép Rửa trong Phép Rửa của Ngài, được ăn thịt
và uống máu trong Bữa Tiệc Ly với Ngài; nhưng những điều này không bảo đảm sẽ
được phục sinh vinh hiển với Đức Kitô trong vương quốc của Ngài, nếu người tín
hữu không biết dùng ơn thánh Đức Kitô ban để luyện tập nhân đức và vượt qua mọi
cám dỗ cuộc đời để giữ vững đức tin vảo Thiên Chúa. Các tín hữu Corintô không
thể tự mãn với đức tin của họ; nếu họ không đề phòng và làm cho đức tin vững mạnh,
họ cũng có thể sa ngã như những người đi trước.
3/ Phúc Âm: Nếu các ông không ăn năn sám hối, thì
các ông cũng sẽ chết hết như vậy.
3.1/ Phải
biết ăn năn sám hối khi còn có cơ hội.
(1) Đừng
vội kết tội tha nhân: Truyền thống Do-thái có khuynh hướng đồng nhất đau khổ, bệnh
tật, chết chóc với tội lỗi của cá nhân (x/c Sách Job, Jn 9:1). Trong trình thuật
hôm nay, “có mấy người đến kể lại cho Đức Giêsu nghe chuyện những người Galilee
bị tổng trấn Philatô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang
dâng.”
Đức
Giêsu đáp lại rằng: "Các ông tưởng mấy người Galilee này phải chịu số phận
đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Galilee khác sao? Tôi nói cho các ông biết: không
phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như
vậy.” Như câu trả lời của Chúa Giêsu cho các môn đệ trong John 9, Chúa Giêsu từ
chối làm một sự nối liền giữa đau khổ và tội lỗi.
(2)
Hãy học gương người đi trước: Điều Ngài muốn nhấn mạnh là con người phải biết
rút ra bài học cho mình khi chứng kiến những gì xảy ra cho người khác. Trong
hai ví dụ hôm nay, Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đến nhu cầu con người phải ăn năn
sám hối khi còn có cơ hội; nếu không họ cũng sẽ chết mà không được hưởng ơn cứu
độ.
3.2/
Thiên Chúa kiên nhẫn với con người: Rồi Đức Giêsu kể dụ ngôn này:
"Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái
mà không thấy, nên bảo người làm vườn: "Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây
vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất?”
(1)
Con người phải sinh hoa trái cho Thiên Chúa bằng các việc lành: Ai cũng cho cây
không sinh trái là cây vô dụng, con người không sinh ích lợi cho Thiên Chúa và
tha nhân cũng là người vô dụng. Khi một người hay một vật đã trở nên vô dụng, họ
sẽ bị lấy đi để dành cơ hội cho người khác. Khi những thứ vô dụng bị loại ra
ngoài, chúng sẽ bị hủy hoại. Sự kiện người làm vườn kiên nhẫn cho cây vả 3 năm
để sinh hoa kết trái cho thấy sự kiên nhẫn của ông. Thiên Chúa cũng thế, Ngài
kiên nhẫn cho con người rất nhiều cơ hội để sửa mình và sinh hoa kết trái cho
Ngài.
(2)
Hãy biết năm lấy cơ hội như lần cuối cùng: Nhưng người làm vườn đáp lời ông chủ:
"Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và
bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó
đi."
Con
người phải khôn ngoan vì họ không biết khi nào là cơ hội cuối cùng. Đừng bao giờ
giả định cơ hội sẽ đến mãi: Biết bao nhiêu người chúng ta nhìn thấy năm trước,
năm nay không còn nhìn thấy họ nữa; điều này có thể xảy ra cho chúng ta; vì thế,
hãy sống như đây là Mùa Chay cuối cùng của cuộc đời; và hãy biết lợi dụng cơ hội
Chúa ban để trở về.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Thiên Chúa cho chúng ta sống trong thế gian là để chúng ta mưu cầu lợi ích cho
phần rỗi linh hồn của chúng ta và của tha nhân.
- Nếu
sau khi Thiên Chúa đã cung cấp mọi cơ hội để chúng ta có thễ lãnh nhận ơn cứu độ
mà chúng ta vẫn từ chối, Ngài phải cất đi để chúng ta đừng làm thiệt hại phần hồn
cho người khác.
- Hãy
biết nắm lấy cơ hội như là cơ hội cuối cùng của cuộc đời, vì chúng ta không biết
cơ hội có đến nữa hay không. Đàng khác, tại sao không tận dụng cơ hội để sống hạnh
phúc và bình an ngay từ bây giờ để khỏi làm nô lệ cho xác thịt, thế gian và quỉ
thần.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên,
OP
28/02/16 CHÚA NHẬT TUẦN 3 MC – C
Lc 13,1-9
Lc 13,1-9
Suy niệm: Mỗi
dịp mùa Chay, lại nghe các cha lập lại điệp khúc “hãy sám hối, hãy hoán cải!”
Lại ngồi suy nghĩ: bản thân mình tuy chưa phải là thánh thiện, nhưng cũng thuộc
loại tốt rồi! Mình còn chỗ nào cần phải sám hối, hoán cải nữa đâu! Có lẽ ông A,
bà B kia mới cần... Đó có thể là cảm nghĩ của ta cũng như nhiều người. Thật ra,
Lời Chúa nhắc nhở rằng cần thiết phải có một sự thay đổi, điều chỉnh thường
xuyên trong lối nghĩ cũng như lối sống của ta cho hợp với Tin Mừng hơn. Tin
Mừng nói với ta rằng mải mê hưởng thụ các tiện nghi đang khi người lân cận
thiếu thốn đã trái với tinh thần của người môn đệ Chúa. Tin Mừng xác quyết rằng
không quên mình, không sống cho người khác, cũng chẳng quan tâm đến hạnh phúc
người chung quanh là chưa sống đạo thật sự. Người thân trong gia đình, người
lân cận mời ta bỏ đi thói nói xấu, xét đoán, gán cho họ những ý đồ xấu. Họ mời
ta khoan dung hơn, thông cảm hơn, cư xử nhân hậu với họ hơn. Mùa Chay này, ta
có làm ngơ trước lời ngỏ ấy không?
Sống Lời Chúa: Trong
mùa Chay này, tôi quyết tâm đổi mới lối suy nghĩ và lối sống: tích cực hơn
trong việc tham gia sinh hoạt chung, quảng đại hơn trong việc quan tâm giúp đỡ
người khác, bao dung hơn trong các mối tương quan.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa dạy con không bao giờ tự mãn về mình, nhưng
phải thường xuyên hoán cải, đổi mới theo đòi hỏi của Tin Mừng Chúa. Đây là điểm
yếu của con, vì con thích an phận trong lối sống, an toàn cho bản thân trong
lối nghĩ, và an nhàn cho thân xác của mình. Xin giúp con dám đổi mới trong mùa
Chay này. Amen.
HẠI ĐẤT
Hoán cải là đón lấy những săn sóc tế nhị của
Chúa, là đừng để thui chột những ơn lành Ngài ban. Mùa Chay không phải chỉ là để
thú tội, mà còn thú cả sự cằn cỗi, ì ạch của mình.
Suy
niệm:
Ðiều
làm chúng ta khó sám hối
đó
là cảm thấy mình ở trong tình trạng an toàn.
Ðức
Giêsu nói về hai biến cố nóng hổi tính thời sự,
một
do sự tàn ác của Philatô, một do tai nạn lao động.
Cả
hai đều dẫn đến cái chết thảm khốc;
những
người Galilê bị đổ máu ngay lúc dâng lễ ở Ðền Thờ,
mười
tám người chết vì bị tháp Silôa đè bẹp.
Vào
thời Ðức Giêsu, họ bị coi là kẻ có tội, bị Chúa phạt.
Những
người khác dễ nghĩ mình vô tội, vì còn được bình yên.
Ðiều
này đưa đến sự tự hào và an toàn giả tạo.
“Ðừng
tưởng...”: Ðức Giêsu đưa ta ra khỏi ảo tưởng về mình.
Ngài
nhắc mọi người sám hối vì biết ai nặng tội hơn ai.
Lúc
còn được sống yên lành là lúc cần hoán cải.
Có thể
đây là cơ hội cuối cùng, trước khi cái chết ập xuống.
Cây
vả trong dụ ngôn cũng ở trong tình trạng an toàn.
Nó
không cho trái độc, không làm hại nho, không phá cảnh quan.
Nó
chỉ phạm một tội thôi: tội làm hại đất,
tội
sử dụng đất màu mỡ mà không sinh trái.
Chúng
ta có thể cảm thấy an toàn như cây vả cằn cỗi.
Tự
hào vì mình không làm điều xấu, chẳng làm hại ai,
nhưng
lại quên rằng mình đã phạm tội không làm điều tốt,
những
điều tốt có thể làm được và phải làm.
Có
bao nén bạc Chúa giao không được đầu tư (Mt 25,18),
bao
người túng thiếu mà ta không giúp đỡ (Mt 25,42).
Khi
không làm điều tốt cho đời, cho người,
ta
tiếp thêm sức mạnh cho sự dữ tung hoành.
Sống
đạo không phải chỉ là lo tránh tội,
mà
còn là tích cực gieo rắc phát huy cái tốt.
Một
Kitô hữu sống an phận, cằn cỗi là một phản chứng.
Thế
giới cần những Kitô hữu dấn thân biết bao!
Dụ
ngôn cây vả cho ta thấy khuôn mặt Thiên Chúa.
Chúa
Cha là người chủ vườn kiên nhẫn: “Ðã ba năm nay...”
Ngài
đã nuôi bao hy vọng: “Tôi ra tìm trái mà không thấy”.
Quyết
định chặt cây chỉ đến sau những lần hụt hẫng.
Ngài
chỉ phạt khi đã làm đủ cách để lay động tim ta.
Chúa
Giêsu là người làm vườn kiên nhẫn không kém:
“Xin
ông cứ để nó lại năm nay nữa”.
Ngài
không ngừng ấp ủ chút hy vọng mong manh:
“Tôi
sẽ vun xới, bón phân, may ra sang năm nó có trái”.
Nhưng
đừng quên lời đe dọa cuối cùng:
“Nếu
không ông chủ cứ chặt nó đi”.
Kiên
nhẫn, hy vọng, chăm bón, nhưng cương quyết đòi hỏi:
đó
là thái độ của Thiên Chúa đối với tội nhân.
Ðức
Giêsu vừa thôi thúc chúng ta mau mau hoán cải,
vừa
chấp nhận cho ta có thời gian trì hoãn.
Hoán
cải là đón lấy những săn sóc tế nhị của Chúa,
là
đừng để thui chột những ơn lành Ngài ban.
Mùa
Chay không phải chỉ là để thú tội,
mà
còn thú cả sự cằn cỗi, ì ạch của mình.
Ước
gì cây đời của ta có nhiều trái hơn và ngọt hơn.
Cầu
nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin dẫn con vào nhà của con,
căn nhà của trái tim,
căn nhà vừa quen vừa lạ.
Xin hãy cho con thấy
những phức tạp, rắc rối, những che đậy, giằng
co,
những mâu thuẫn và vô lý nơi con.
Xin hãy cho con thấy
những nhỏ mọn, ích kỷ,
những yếu đuối, khô khan,
những cứng cỏi và tự ái nơi con.
Xin cho con ý thức
những lo âu, sợ hãi
đang đè nặng làm con ngột ngạt,
những nỗi đau thầm kín khiến đời con mất vui,
những vết thương không biết bao giờ lành,
những đổ vỡ khiến lòng con khép lại.
Lạy Chúa Giêsu,
xin giúp con dọn những bề bộn nơi tim con.
Xin biến đổi tim con, để nó trở nên đơn sơ hơn,
hồn nhiên hơn và tươi tắn hơn.
Ước gì con nhìn mọi sự, mọi người,
bằng trái tim bao dung của Chúa.
Và ước gì khi đã ra khỏi nỗi bận tâm về mình,
trái tim con được nhẹ nhàng hơn và tự do hơn
để yêu mến mọi người. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
28
THÁNG HAI
Đức
Kitô - Chóp Đỉnh Của Giao Ước
“Đức
Chúa đã thiết lập một giao ước với Abram” (St 15,18). Xuyên suốt Mùa Chay,
chúng ta được mời gọi đặc biệt kết hợp mật thiết với Thiên Chúa – Đấng đã tự kết
ước với chúng ta. Thiên Chúa của đức tin chúng ta là Đấng Tạo Hóa và là Chủ Tể
của hoàn vũ. Ngài là Thiên Chúa uy phong khôn sánh song cũng đồng thời là Đấng
tự hạ mình xuống để kết ước với chúng ta.
“Cha
đã nhiều lần kết ước với loài người” – đó là lời chúng ta đọc trong Kinh Nguyện
Thánh Thể IV. Lời kinh ấy đưa ta về với các tổ phụ của mình trong đức tin – tới
tận tổ phụ Nô-e.
Giao
ước với Abram – được nhắc đến trong phụng vụ – đánh dấu một khởi đầu mới cho
câu chuyện của dân Thiên Chúa: “Hãy nhìn lên bầu trời và đếm các vì sao … Dòng
dõi của ngươi cũng sẽ đông đúc như vậy” (St 15,5). Thật vậy, dòng dõi của ông
trở thành vô cùng đông đúc. Có lẽ hơn một nửa nhân loại hiện nay (những người
DoThái giáo, Hồi giáo và Kitô giáo) tự nhận mình là con cái thiêng liêng của
Abraham – nhân vật mà Thánh Phao-lô gọi là “cha của đức tin chúng ta” (Rm
4,11).
Trong
suốt Mùa Chay, chúng ta được mời gọi làm mới lại giao ước với Thiên Chúa – một
giao ước bắt nguồn từ đức tin của Abraham. Giao ước này đạt đến sự hoàn thành của
nó nơi Đức Kitô. Điều này được Tin Mừng làm chứng một cách hùng hồn. Hằng năm,
trong Mùa Chay, Giáo Hội đưa chúng ta lên núi Ta-bo. Ở đó, trước sự chứng kiến
trực tiếp của Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an, mạc khải hoàn toàn về giao ước đã hiển
hiện ra – từ Abraham cho đến Giê-su Na-da rét, Đấng Mê-si-a. Chúng ta gặp thấy
Mô-sê và Ê-li-a ở bên cạnh Đức Giêsu. Các ngài đại diện cho Lề Luật và các ngôn
sứ – tức những cột mốc trong giao ước của Thiên Chúa với con cháu Abraham. Và tất
cả mạc khải của Thiên Chúa biểu hiện qua Luật và các ngôn sứ đưa dẫn chúng ta đến
với Đấng mà Chúa Cha nói về Người như sau: “Đây là Con Ta, kẻ Ta tuyển chọn;
hãy nghe lời Người” (Lc 9,35).
-
suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm.
Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT
UP YOUR HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày
28-2
Chúa
Nhật thứ Ba Mùa Chay
Xh
3:1-8,13-15; 1 Cr 10:1-6,10-12; Lc 13:1-9
Lời
Suy Niệm: “Tôi nói cho các ông biết: không phải thế
đâu, nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy.”
Chúng
ta đang sống trong hiện tại nghe nhìn qua truyền thanh truyền hình và có những
lúc trực tiếp chứng kiến biết bao nhiêu biến cố xãy đến nơi này hay nơi khác
trên thế giới; dẫn đưa đến cái chết cách này hay cách khác cho đủ mọi thành phần
trong nhân loại. Điều này, chúng ta không thể vô tư, hay không quan tâm; Mà cứ
nghĩ mình đang được sống trong yên bình, không bị cái chết đe dọa. Trong Mùa
Chay, Giáo Hội dùng lời Chúa hôm nay để nhắc nhở từng người chúng ta cần phải
biết mình là người tội lỗi hơn những người khác, cần phải sám hối, khi còn thời
giờ để sám sửa mình lại.
Lạy
Chúa Giêsu. Chúa luôn muốn tất cả chúng con nhận ra mình là người có nhiều tội
lỗi hơn các người khác để biết sám hối ăn năn mà sửa mình. Xin ban cho mọi
thành viên trong gia đình chúng con luôn tỉnh thức và cầu nguyện và biết sám hối,
phó thác đời mình trong tình thương xót của Chúa.
Mạnh
Phương
28
Tháng Hai
Nụ Cười Của Bà Sarah
Kinh
thánh thuật lại rằng, khi bà Sarah, vợ của tổ phụ Abraham, một lão bà gần đất
xa trời, được Chúa cho biết là sẽ cưu mang và sinh con, bà đã có một phản ứng
thật là người và cũng thật là kỳ diệu: bà đã cười!
Phải,
bà cụ già Sarah có lẽ đã cười nắc nẻ khi đứng trước một hoàn cảnh xem ra trớ
trêu như thế: một người đàn bà trên 70 tuổi mà còn được Thiên Chúa cho có
con!... Thiên Chúa xem ra thích khôi hài!
Và
khi Thiên Chúa hỏi tại sao cười, Sarah lại chối rằng mình đã không hề cười. Có
lẽ do sợ hãi mà Sarah đã nín cười. Sự sợ hãi có lẽ không còn cho con người được
nhìn thấy khía cạnh đáng cười, đáng vui trong cuộc sống... Nhưng liền sau khi
sinh con, bà Sarah đã tìm lại được óc khôi hài cho nên bà đã đặt cho đứa con một
cái tên khá ngộ nghĩnh là Issac; Issac theo tiếng Do Thái có nghĩa là được sinh
từ một người đã cười...
Cười,
cười một cách lạc quan: có lẽ đó là một trong những nét nổi bật của người có niềm
tin. Người ta thường định nghĩa rằng: một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn...
Tất cả các vị thánh đều là những người có óc khôi hài. Các ngài là những con
người đã từng biết cười với cuộc sống với tha nhân.
Thánh
Phanxicô thành Assisi, vị sứ giả của Hòa Bình, đã có lần tuyên bố: "Hãy trả
lại sự buồn phiền cho ma quỷ, bởi vì chỉ có ma quỷ mới có đủ lý do để buồn phiền".
Cha
sở họ Ars, là thánh Gioan Maria Vianey, mặc dù thường được người ta tạc tượng
như một con người buồn bã, ảo não, nhưng kỳ thực không ai có tâm hồn vui tươi lạc
quan như Ngài. Thánh nhân đã nói: "Linh hồn của những ai phục vụ Chúa đều
được tràn ngập vui mừng, họ luôn luôn sống như nghỉ ngơi và luôn luôn sẵn sàng
để ca hát..."
Thánh
Thomas Moore khi bị đưa lên máy chém, đã nói đùa với người lý hình rằng hãy để
cho ngài được giúp một tay, cho việc hành quyết được dễ dàng. Ngài còn nói thêm
rằng, sau khi đã chém đầu ngài, chớ đụng đến bộ râu vì bộ râu của ngài không hề
phản bội một ai...
Một
vị tu sĩ nào đó vào thời Trung Cổ đã viết như sau: "Một nụ cười và óc khôi
hài thu hút được nhiều người đến với tôn giáo hơn là những khuôn mặt dài vì ủ dột".
Chúa
Giêsu bảo chúng ta rằng: khi ăn chay hãm mình hãy xức dầu thơm vào người.
Còn
thứ dầu thơm nào quý giá hơn để tô thắm cho gương mặt của chúng ta cho bằng niềm
vui.
Cuộc
sống dù có trăm nghìn vất vả, đau thương vẫn là cuộc sống đã được Chúa trao ban
như một kho tàng cao quý nhất.
Tình
đời có đen bạc, nhân nghĩa có phôi pha: những con người đang sống với chúng ta
vẫn là những người con cái Chúa và là anh em của chúng ta.
Hãy
cười với cuộc sống, hãy cười với người anh em của chúng ta: đó là sứ điệp của
Kitô Giáo mà trọng tâm chính là Mầu Nhiệm Phục Sinh. Qua Mầu Nhiệm ấy, Thiên
Chúa đã cười cợt, thách thức tội lỗi và sự chết. Sự Sống và Niềm Hy Vọng đã
phát sinh từ cái chết của Ðức Kitô.
(Lẽ
Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét