Ăn chay không sống trên mây
Trong Kinh Thánh (Mt
5,20-26), Chúa Giêsu dạy các đồ đệ phải ăn ở công chính hơn những người suốt
ngày chỉ biết chế luật và giữ luật. Sự công chính để được vào Nước Chúa không
hệ tại ở việc tuân giữ nhiều giới luận hơn – một cách chi li, khe khắt và máy
móc – nhưng ở chỗ nhận ra và sống tận căn tinh thần lề luật.
Chẳng
hạn, luật xưa dạy người ta “Chớ giết người”. Chúa kiện toàn luật xưa: ai giận
ghét, xem thường, chửi mắng anh em mình thì cũng đáng tội không kém! Ở đây
không phải Chúa giảm nhẹ tính nghiêm trọng của tội giết người, nhưng khi con
người ta ai giận ghét, xem thường, chửi mắng nhau, thì cũng như đã kết liễu sự
sống xét về mặt phẩm giá của nhau rồi. Có nhiều người vẫn còn sống nhăn răng ra
đấy, mà trong tâm tưởng của tôi: “hắn đã chết rồi!” Ngày nay có đủ thứ giết
người không dao: chỉ trích, vu khống, thù hận, làm gương mù gương xấu, tạo mưu
thâm chước độc…
Thiên
Chúa không cấm con người sống thật với “thất tình lục dục” của mình. Đã là một
con người bình thường, ai chẳng có hỷ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục? Chúa Giêsu –
Con Thiên Chúa Làm Người – cũng có lúc nổi giận và cầm roi xua đuổi những kẻ
ngang nhiên biến đền thờ (nơi phượng tự) thành chợ búa (nơi dễ bề trục lợi) đấy
thôi. Gần đây, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng được người ta khám phá ra là cũng
biết nổi giận, và báo chí đời thi nhau giật những cái “tít” thiệt sốc để thổi
phồng cơn giận rất đỗi bình thường ấy. Số là (thuật lại theo Marta An Nguyễn,
phanxico.vn) khi đến gần một trong các người khuyết tật, và khi cúi xuống để
hôn thì Đức Giáo Hoàng bị những người chung quanh, bằng mọi giá muốn chạm đến
ngài đã kéo áo làm ngài mất thăng bằng và ngã chúi người trên một em ngồi xe
lăn. Đức Giáo Hoàng bật dậy, ngài kiểm tra em bé có sao không, chạm vào vai em,
rồi nhìn thẳng vào người đã kéo ngài ngã, với cái nhìn giận dữ, ngài nói:
“Không được ích kỷ, không được ích kỷ”. Sau đó thì ngài cười lại và kết thúc
buổi gặp đám đông. Chuyện này dễ hiểu thôi: sau một ngày nhiều sinh hoạt như
thế, gặp gỡ hàng ngàn người và sau khi đã tiêu hao rất nhiều năng lực, Đức Giáo
hoàng “có thể hơi căng thẳng trong tình trạng này và ngài đã có một phản ứng
bình thường, rất con người…” (theo linh mục Lombardi).
Thế
nhưng, Chúa Giêsu, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, cùng những con người khôn ngoan và
nhân đức, họ giận mà không ghét, hoặc chỉ ghét tội chứ không ghét tội nhân.
Vâng, Chúa Giêsu ghét lắm tội lỗi nơi con người, nhưng Chúa không ghét con
người lỡ lầm ấy. Chúa mở đường cho người ta ăn năn sám hối để được tha thứ tội
tình. Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng ghét lắm cái sự ích kỉ nơi con người, bằng chứng
là ngài đã phải nổi giận trước thứ tội đó, nhưng chắc chắn ngài đã tha thứ cho
những con chiên “chưa ngoan lắm” trong đoàn chiên mà Chúa trao phó cho ngài săn
sóc. Còn chúng ta, nhiều khi giận xong thì ghét, và một khi đã ghét thì tha
không nổi.
Chúa
Giêsu dạy tiếp: “Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có
người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước
bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình.”
Chúa thích những lễ hy sinh như vậy đó. Vậy mà có khi tôi vì muốn lập công với
Chúa mà đã tranh giành, ganh tức với anh chị em mình. Tôi cũng từng chứng kiến
hai ca đoàn trong một giáo xứ kia kèn cựa lẫn nhau, thậm chí “chơi xấu” và “trả
đũa” lẫn nhau, chỉ vì “anh” này đã lỡ giẫm chân lên việc của “anh” kia, mà việc
của hai “anh” trên nguyên tắc đều mang danh phụng sự Chúa!
Công
bằng mà nói, ở mức độ nhân bản, thì “ăn miếng trả miếng” là điều chấp nhận
được. Nhưng Thiên Chúa Nhân Lành đâu chỉ nói chuyện công bằng. Chúa Giêsu đẩy
cung cách hành xử của con cái Thiên Chúa đến viễn tượng xa hơn: trước tòa phán
xét. Nhiều người quên mất một ngày kia mình sẽ phải chấm dứt đời này, và phải
trả nhẽ trước mặt Chúa về mọi mối tương quan. Khi đó, lầm lỗi của “đối phương”
gây ra cho tôi đâu có hệ trọng bằng tội lỗi mà tôi đã phạm trước mặt Chúa! Ngay
cả việc tôi không thể tha thứ cho người khác cũng đã là một thứ tội rồi: tội
không tin tưởng vào Lòng Chúa Xót Thương! Thế nên Chúa Giêsu đưa ra lời khuyên:
“Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người
ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan tòa, quan tòa lại giao anh cho
thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra
khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng.”
Mùa
Chay, tôi có nhiều cách giữ chay. Trước hết là giữ chay việc ăn uống để tập
luyện làm chủ mình (một bài thao luyện thiêng liêng) theo hướng dẫn của Giáo
Hội. Bên cạnh đó, tôi cũng nên giữ “chay lòng”. Một điều thiết thực là, nhờ đức
tin, kiêng bớt những cơn giận ghét. “Anh em nổi nóng ư? Đừng phạm tội: chớ để
mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn. Đừng để ma quỵ thừa cơ lợi dụng!” (Ep
4:26-27). Ăn chay không sống trên mây, theo tôi nghĩ, là vậy đó.
Bart.
Nguyễn Anh Huy, SJ
(Bài
viết sử dụng bản dịch Kinh Thánh của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét