Trang

Thứ Năm, 18 tháng 2, 2016

Dòng vốn không thể quyết định dòng đời của con người

Dòng vốn không thể quyết định dòng đời của con người
Vatican Insider | Andrea Tornielli | 17-02-2016
Tại Ciudad Juarez – Mễ Tây Cơ

‘Tâm lý thịnh hành hiện thời đang bào chữa cho việc kiếm lợi sao cho nhiều nhất có thể, ngay lập tức có thể và bất chấp mọi giá, nhưng Thiên Chúa sẽ buộc chúng ta chịu trách nhiệm cho tình trạng nô lệ thời nay.’
Đức Giáo hoàng Phanxicô gặp gỡ đại diện của giới lao động, doanh nhân, và các nghiệp đoàn, tại Ciudad Juarez. 3000 đại diện có mặt ở Colegio de Bachilleres, bang Chihuahua, để lắng nghe ngài.
Sau khi nghe các lời chứng và câu hỏi, Đức Giáo hoàng mở lời:
‘Bất kỳ điều gì chúng ta có thể làm để thúc đẩy đối thoại, gặp gỡ, và tìm kiếm các chọn lựa thay thế tốt hơn các cơ hội tốt hơn, thì đó là một thành quả đáng trân trọng và đáng nêu bật. Rõ ràng còn nhiều việc cần phải làm, và ngày nay chúng ta không được bỏ qua bất kỳ cơ hội nào để gặp gỡ, bàn luận, đương đầu và tìm kiếm. Đây là cách duy nhất để chúng ta xây dựng cho tương lai.
Về các tổ chức công nhân, đại diện của Phòng Thương mại và các công ty, lúc đầu, có thể xem nhau là đối thủ, nhưng tất cả hợp nhất với nhau trong một trách nhiệm chung, là tìm cách tạo công ăn việc làm có phẩm giá và thực sự đem lại lợi ích cho xã hội, đặc biệt là cho người trẻ ở mảnh đất này.
Một trong những tai ương lớn nhất của người trẻ, là việc thiếu cơ hội học hành, và thiếu công ăn việc làm ổn định và đủ sống, những điều cho họ cơ hội làm việc vì tương lai. Trong nhiều trường hợp, sự thiếu cơ hội này dẫn đến tình trạng đói nghèo. Sự nghèo đói này rồi lại trở thành cái nền dung dưỡng khiến người trẻ rơi vào vòng tròn buôn thuốc phiện và bạo lực. Chúng ta không thể cứ thong dong, chúng ta không thể để hiện tại và tương lai của Mễ Tây Cơ bị bỏ mặc.
Thật đáng buồn, khi thời đại chúng ta sống lại đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu trong các mối quan hệ người với người. Tâm lý thịnh hành hiện thời đang bào chữa cho việc kiếm lợi sao cho nhiều nhất có thể, ngay lập tức có thể và bất chấp mọi giá. Điều này không chỉ làm tiêu tan đạo đức kinh doanh, mà còn quên mất rằng khoản đầu tư đáng giá nhất là đầu tư vào con người, vào mỗi một người và gia đình. Khoản đầu tư tốt nhất là tạo được các cơ hội.
Tâm lý thịnh hành hiện thời đẩy dòng người phục vụ cho dòng vốn, kết quả là bóc lột nhân công như thể họ là đối tượng để lợi dụng và thải loại vậy. Thiên Chúa sẽ bắt chúng ta chịu trách nhiệm cho các dang nô lệ thời nay, và chúng ta phải làm mọi cách để bảo đảm rằng những tình trạng thế này sẽ không diễn ra nữa.
Dòng vốn không thể quyết định dòng đời của con người.
Một vài người chỉ trích Huấn giáo Xã hội của Giáo hội. Thường người ta nhắm đến theo kiểu: ‘Các giáo huấn này sẽ khiến chúng tôi trở thành tổ chức từ thiện hoặc sẽ biến việc kinh doanh thành một cơ chế hảo tâm mất thôi.’ Nhưng, khát vọng duy nhất của Huấn giáo Xã hội của Giáo hội là bảo vệ sự chính trực của con người và cấu trúc xã hội. Mỗi khi, dù là vì lý do gì, sự chính trực này bị đe dọa hay hạ giá xuống thành một món hàng tiêu thụ, thì Huấn giáo Xã hội của Giáo hội là một tiếng nói ngôn sứ để bảo vệ tất cả chúng ta khỏi bị lạc lối trong biển đầy quyến rũ của tham vọng. Mỗi khi sự chính trực trong một con người bị xâm phạm, thì xã hội cũng bắt đầu đi xuống. Huấn giáo Xã hội của Giáo hội không chống lại ai, mà là giúp đỡ cho tất cả mọi người.
Mỗi một nhóm, có bổn phận tìm kiếm lợi ích chung cho toàn thể, tất cả chúng ta đều chung một con thuyền. Tất cả chúng ta phải đấu tranh để bảo đảm rằng công việc là một khoảnh khắc nhân văn hướng đến tương lai, là nơi để xây dựng xã hội và mỗi một người đều có phần trong đó.
Chúng ta muốn để lại một thế giới ra sao cho con cái mình?
Cha tin rằng đa số sẽ đồng tình với cha. Đây chính là nhận thức, là lập trường, là mục tiêu của chúng ta, và chúng ta phải cùng nhau làm việc vì điều này. Sẽ luôn luôn tốt khi nghĩ về những gì tôi muốn để lại cho con cái mình, và cũng thật tốt đẹp khi nghĩ về con cái của người khác nữa. Mễ Tây Cơ muốn để lại một thế giới ra sao cho con cái mình? Anh chị em có muốn để lại cho con cái ký ức về bóc lột, về đồng lương quá thấp, hay những khủng bố ở nơi làm việc? Hay anh chị em muốn để lại cho con cái mình một văn hóa với việc làm có phẩm giá, một mái nhà đúng nghĩa, và một mảnh đất được vun trồng? Anh chị em muốn cho những người đến sau một tương lai như thế nào? Con cái chúng ta sẽ thở một bầu không khí thế nào? Một bầu không khí bị ô nhiễm bởi tham nhũng, bạo lực, bất an, và ngờ vực, hay ngược lại, là một bầu không khí có qua có lại, đổi mới và thay đổi?
Cha biết rằng các vấn đề được nêu ra ở trên không phải là chuyện dễ dàng gì, nhưng sẽ tệ hơn nữa nếu như để mặc tương lai trong tay những kẻ tham nhũng, tàn bạo, và thiếu đức công bằng. Cha biết thường không dễ gì để đưa tất cả các bên cùng ngồi vào thương lượng, nhưng sẽ tệ hơn nữa, và gây hại hơn nữa, khi thiếu thương lượng và sự trân trọng. Cha biết thật không dễ để sống trong một thế giới ngày càng cạnh tranh, nhưng sẽ tệ hơn nữa khi để cho thế giới cạnh tranh hủy hoại vận mệnh dân tộc. Nếu đặt lợi nhuận và dòng vốn trên con người, thì chúng không tốt. Chúng chỉ tốt đẹp khi phục vụ cho lợi ích chung của mọi người. Khi lợi ích chung bị sử dụng để phục vụ cho lợi nhuận và dòng vốn, thì chúng ta chỉ còn sự loại trừ.
Một người bạn cũ của cha, một lãnh đạo nghiệp đoàn thâm niên, từng nói với cha rằng, ‘Mỗi khi ngồi vào bàn đàm phán, tôi biết tôi phải mất đi điều gì đó để chúng tôi có thể đạt được điều gì đó.’ Thật là một triết lý tuyệt vời.
Khi thương lượng, bạn luôn luôn mất đi điều gì đó, nhưng là để cho tất cả mọi người đạt được điều gì đó.’
J.B. Thái Hòa chuyển dịch


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét