Trang

Thứ Ba, 16 tháng 2, 2016

Ở Chiapas, đạo Công giáo đi lui trước đạo Tin lành

Ở Chiapas, đạo Công giáo đi lui trước đạo Tin lành
lefigaro.fr, Diane Jeantet, San Cristobal de la Casas, 2016-02-14


Ngày thứ hai, Đức Phanxicô sẽ dâng thánh lễ với các cộng đoàn người bản địa ở tiểu bang Chiapas, tiểu bang nghèo nhất Mêhicô, nơi một nửa giáo dân là tín hữu tin lành.
Bên trong nhà thờ ở trung tâm San Juan Chamula, một làng thổ dân của tiểu bang Chiapas, một phụ nữ quỳ trước tượng Đức Mẹ. Bà lấy từ trong túi xắc của mình ra hàng chục cây đèn cầy, bà đặt dưới đất, sau đó bà lấy một chai Coca-Cola, thức uống được dân làng rất thích, ba quả trứng dùng để đuổi tà ma, một con gà dùng để cúng người chết. Đi theo bà có cô con gái và các cháu, bà sẽ dâng cúng bằng thổ ngữ tzotzil.
Kiểu thờ cúng này được nhiều người công giáo áp dụng, đây là truyền thống tiêu biểu của tổ tiên người maya và của những người Tây Ban Nha đi chinh phục, một hình ảnh tiêu biểu cho tiểu bang lạ lùng này.  Ngày thứ hai, trong chuyến đi Chiapas, Đức Phanxicô sẽ nói chuyện với một số ít người công giáo ở đây. Chỉ có 48% dân ở đây là công giáo, trong khi năm 1970 có đến 95 %, hiện nay theo con số của văn phòng tôn giáo San Cristóbal de Las Casas cho biết thì tỷ số trung bình người công giáo ở Mêhicô là 81%.
Một nửa là tín hữu tin lành
Cũng như ở Châu Mỹ La Tinh, đạo tin lành chiếm đa số ở đây. Hiện nay, ở Chiapas, một trên hai người dân là tín hữu tin lành. Chọn thành phố San Cristóbal, một thành phố được nhiều du khách Phương Tây biết đến không phải là một chọn lựa tình cờ, bởi vì thành phố này là biểu tượng đích thực cho sự rã vụn của đạo công giáo, tại đây có đến  tám mươi cơ sở tôn giáo công giáo.
Nguồn gốc sự khác nhau này nằm ở tình trạng bên lề gần như hoàn toàn của các cộng đoàn nông dân trong vùng, nơi một phần ba dân chúng vẫn còn nói tiếng thổ ngữ và không biết tiếng Tây Ban Nha. “Cuộc cách mạng Mêhicô (1910-1920) chưa bao giờ đến Chiapas, nữ luật sư Luisella Preciado thuộc viện Frayba giải thích. Phải chờ sự nổi dậy năm 1994 để người dân bản địa ở đây có được đất đai mà họ đã từng cày cấy gần như là nô lệ trong nhiều thế kỷ.” Và cũng nhờ chương trình cải cách của nhà nước để loại bỏ nạn đôc quyền của công ty dầu hỏa Mêhicô Pemex.
Tiểu bang Chiapas giàu về khoáng mỏ và dầu hỏa vì thế nó có một tầm mức lớn về mặt kinh tế. Như từ lâu trong vùng này, chủ trương của các chính trị gia là chia để trị, như thế sẽ dễ dàng cho họ hơn. “Họ sẽ không thể tước đất đai của các chủ đất nếu họ không chia rẽ”, linh mục José de Jesús García, giáo xứ Las Margaritas giải thích.
Tình trạng này đã nổ bùng ra một loạt các cuộc xung đột, một cách gián tiếp đã làm yếu đi thế độc quyền của Giáo hội Công giáo trong vùng. Bị cho là xa cách và cứng ngắt, Giáo hội mất tín hữu vào tay các tổ chức tôn giáo mới, những tổ chức này thường mang tính chính trị-tôn giáo, họ thừa nước đục thả câu để lan rộng tầm ảnh hưởng của mình. Để đối diện với sự rã vụn này, đến lượt mình, các nhà lãnh đạo Giáo hội Công giáo phải dấn thân hơn trong các cộng đoàn, đôi khi buộc phải đảm trách vai trò chính trị, và vì thế đi xa các phong cách được Vatican khuyến khích.
Dùng các thổ ngữ trong thánh lễ
Đây là trường hợp giáo xứ của linh mục García, cha thông báo bên cạnh cộng đoàn Đầu Thường Tám, một cộng đoàn cách đây 70 cây số. Từ hơn một năm nay, tại đây có một trại dã chiến ở trong rừng, người dân ngủ màn trời chiếu đất, không nước uống, không thức ăn. “Chúng tôi bị chính cộng đoàn mình đuổi ra khỏi đất đai của mình, họ muốn giết chúng tôi”, bà Martha giải thích, bà đã cùng các con phải bỏ trốn sau cuộc cãi vã đất đai. Mỗi tuần một lần, một thành viên trong giáo xứ phải đi hơn một giờ đường để mang gạo, đậu và một vài quà do người hảo tâm tặng cho những người này. “Bây giờ nhờ Giáo hội mà chúng tôi còn sống sót, bà kể. Họ đến đây để bảo đảm ít nhất chúng tôi có gì để ăn.”
Linh mục García biết sự gần gũi này. “Giáo hội không thể xa lánh hoặc dửng dưng khi đứng trước đau khổ, nên đôi khi chúng tôi đụng đến quyền lợi chính trị và kinh tế,” linh mục cho biết.
Ngoài ra, Đức Phanxicô còn muốn đến thăm mộ giám mục Samuel Ruiz García, một anh hùng địa phương, cho đến bây giờ vẫn còn bị Vatican xem như người nổi loạn. Trong vòng bốn mươi năm trời,  giám mục Ruiz dấn thân lo cho các cộng đoàn nông dân ở Chiapas, và giám mục là một trong những trung gian chính trong các cuộc thương thuyết hòa bình lâu dài giữa người bản địa và chính quyền trong những năm 1990. Trong số các thông báo được loan ra, Đức Giáo hoàng sẽ chấp nhận việc dùng thổ ngữ trong các thánh lễ. Nhưng đối với nhiều người, bàn tay đưa ra đã quá chậm. “Hôm nay, Đức Giáo hoàng cố gắng gom các cộng đoàn này lại nhưng ngài sẽ gặp khó khăn, mục sư Esdras Alonso González, thuộc giáo phái phúc âm ở San Cristóbal giải thích. Ở đây, người dân thường có khuynh hướng quay về với những người đã đưa ra giải pháp cho các vấn đề của họ. Đó là một sự hoán cải gần như không lay chuyển được.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch

www.phanxico.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét