Xin cho các cơ may đối thoại
giữa đức tin kitô và các
dân tộc Á châu gia tăng
Xin cho các cơ may đối thoại
giữa đức tin kitô và các dân tộc Á châu gia tăng.
Roma (Vat. 31-01-2016) -
Trong tháng hai năm 2016 Ðức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta hiệp ý với tín
hữu công giáo toàn thế giới cầu xin cho các cơ may đối thoại và gặp gỡ giữa đức
tin kitô và các dân tộc Á châu gia tăng.
Trong 100 năm qua số tín hữu
kitô trên thế giới giảm tại Âu châu nhưng gia tăng tại Á châu, từ 4% lên 13% và
tại Phi châu, từ 2% lên 23% cũng như tại Châu Mỹ Latinh số kitô hữu gia tăng
10%. Hiện nay trên thế giới số kitô hữu được 2 tỷ, và Kitô giáo là tôn giáo lớn
nhất thế giới.
Riêng Giáo Hội Công Giáo từ
năm 2005 tới 2013 có số giáo dân gia tăng 12% từ 1 tỷ 115 triệu lên 1 tỷ 254
triệu, nghĩa là gia tăng 139 triệu. Trong cùng thời gian đó dân số địa cầu từ 6
tỷ 463 triệu lên 7 tỷ 94 triệu người. Như thế số tín hữu công giáo trên toàn cầu
từ 17.3% tăng lên 17.7%.
Trong năm 2013 số tín hữu
công giáo âu châu được 287 triệu gia tăng 6.5 triệu so với năm 2005. Trong khi
số tín hữu công giáo tại Phi châu hồi năm 2005 là 153 triệu đã lên tới 206 triệu
trong năm 2013, tức gia tăng 34%. Số tín hữu công giáo từ 17.1% tăng lên 19%.
Tại châu Mỹ số tín hữu công
giáo tăng 10.5% và chiếm 63% tổng số dân, trong khi tại Á châu số tín hữu công
giáo từ 2.9% trong năm 2005 tăng lên 3.2% trong năm 2013. Như thế số tín hữu
công giáo Á châu nói riêng và số kitô hữu nói chung vẫn là thiểu số.
Ngày 17 tháng 8 năm 2014
trong chuyến viếng thăm Nam Hàn Ðức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ các Giám Mục
thuộc Liên Hội Ðồng Giám Mục Á châu, gồm 19 Hội Ðồng Giám Mục thuộc 27 nước và
9 thành viên liên kết không có Hội Ðồng Giám Mục. Ngỏ lời chào Ðức Thánh Cha, Ðức
Hồng Y Oswald Gracias, Tổng Giám Mục Bom bay, chủ tịch Liên Hội Ðồng Giám Mục Á
châu đã nêu bật rằng 60% dân số toàn cầu sống tại Á châu. Á châu là một đại lục
trẻ, trong đó đa số các dân tộc đều trẻ trung. Vì thế trong nhiều cách thế Á
châu là nền tảng đối với tương lai của thế giới và tương lai của Giáo Hội. Tuy
bản chất người dân Á châu là tôn giáo, nhưng bản chất ấy đang bị đe dọa trầm trọng
bởi tinh thần tục hóa và duy vật. Tuy tâm hồn người dân Á châu coi sự sống là
thánh thiêng, nhưng các đe dọa sự sống gia tăng. Tuy người dân á châu tìm kiếm
và đánh gia cao cộng đoàn, nhưng ý thức này đang bị đe dọa bởi chủ thuyết cá
nhân. Ngày Giới Trẻ Á châu đã cho thấy người trẻ Nam Hàn sinh động và hăng say
chừng nào. Ðại Hàn là một vùng đất, trong đó các giáo dân đã có một vai trò đặc
biệt trong việc rao truyền Tin Mừng, và vì thế Ðại hàn trở thành một mô thức
cho nhiều Giáo Hội khác. Các Giám Mục Á châu cương quyết dấn thân làm cho con
người của Chúa Giêsu và sứ điệp của Ngài ngày càng được hiểu biết, yêu mến và
tin theo hơn. Các Giám Mục sẽ làm điều đó với lời nói, cuộc sống và công việc
làm.
Ngỏ lời với các Giám Mục tại
đền thánh Haemi, nơi 132 vị tử đạo Nam Hàn đã chết để làm chứng cho Chúa hồi thế
kỷ XVIII, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã khích lệ các Giáo Hội Á châu linh động và
có óc sáng tạo trong việc làm chứng tá cho Tin Mừng, qua nỗ lực đối thoại và cởi
mở đối với tất cả mọi người. Ðây là thách đố lớn, vì trước hết nó đòi hỏi các
kitô hữu Á châu ý thức sâu xa về căn tính của chính mình, có khả năng rộng mở
tâm trí, có khả năng đặt mình vào trong tình trạng của người khác để hiểu họ và
chân thành tiếp đón những người mà chúng ta nói chuyện với. Nếu chúng ta muốn
thông truyền một cách tự do, cởi mở và hiệu quả với người khác, chúng ta phải
biết rõ mình là ai, điều mà Thiên Chúa đã làm cho chúng ta và điều Chúa xin
chúng ta. Và để cuộc đối thoại không trở thành cuộc độc thoại, các kitô hữu phải
rộng mở tâm trí để chấp nhận các cá nhân và các nền văn hóa khác, mà không sợ
hãi, vì sợ hãi là kẻ thù của các rộng mở.
Tuy nhiên, vì là những người
tội lỗi tín hữu có thể gặp nhiều chướng ngại cản ngăn việc thực hiện chứng tá
này. Trước hết là ánh sáng loé mắt của khuynh hướng tương đối hóa làm lu mờ ánh
quang chân lý và suy yếu căn tính kitô. Thứ hai là khuynh hướng hời hợt bề
ngoài, chạy theo các mốt thời thượng, các thứ vô ích ít giá trị và các lo ra,
thay vì tập trung vào những gì thực sự quý báu. Ðây là cám dỗ thường xuyên của
nền văn hoá để cao cái phù du mau qua và cống hiến nhiều nơi giải trí và chạy
trốn thực tại. Nếu không đâm rễ sâu nơi Chúa Kitô và các chân lý, kitô hữu có
nguy cơ bị gẫy gập, biến việc thực thi nhân đức thành duy hình thức, và biến việc
đối thoại trở thành một hình thức thương thuyết hay thoả hiệp về những bất đồng.
Cám dỗ thứ ba mà kitô hữu có thể gặp phải là cái an ninh bề ngoài nấp sau các
câu trả lời dễ dàng, có sẵn, các luật lệ hay điều khoản. Trái lại, việc đối thoại
đòi buộc phải đi ra khỏi chính mình, tìm cách làm cho người khác hiểu mình, làm
nảy sinh ra chứng tá và sứ mệnh. Trong nghĩa này đức tin khiến cho chúng ta có
khả năng vừa can đảm vừa khiêm tốn trong chứng tá hy vọng và yêu thương. Căn
tính kitô của chúng ta là vĩnh viễn dấn thân chỉ thờ lậy Thiên Chúa, yêu thương
nhau, phục vụ nhau và qua gương sống cho thấy chúng ta tin gì và hy vọng gì, và
ai là Ðấng chúng ta đặt lòng tin tưởng. Ðó là điều mà chúng ta được mời gọi
chia sẻ môt cách chân thành, liêm chính, không kiêu căng, qua việc đối thoại của
cuộc sống thường ngày, đối thoại của tình bác ái và trong tất cả các dịp có thể.
Căn tính kitô phong phú, vì nó liên tục nảy sinh và được dưỡng nuôi bằng ơn
thánh cuộc đối thoại của chúng ta với Chúa và các thúc đẩy của Chúa Thánh Thần,
nó đem lại hoa trái của công lý, lòng nhân hậu và hoà bình. Căn tính kitô đó được
thể hiện trong các chương trình mục vụ cho giới trẻ, trong việc phục vụ người
nghèo và những người bị gạt bỏ ngoài lề xã hội, và trong các nỗ lực vun trồng
ơn gọi linh mục tu sĩ.
Trong cuộc đối thoại thách đố
lớn là đặt mình vào trong tình trạng của người khác để hiểu điều họ muốn thông
truyền nhưng không nói ra bằng lời, liên quan tới các kinh nghiệm, các khó
khăn, niềm hy vọng, các ước mong thầm kín trong tim của họ. Chúng ta phải có
cái nhìn thiêng liêng và kinh nghiệm cá nhân để nhìn các người khác như anh chị
em, và lắng nghe vượt ngoài các lời nói và hành động điều con tim họ ước mong
thông truyền cho chúng ta. Trong nghĩa này việc đối thoại đòi hỏi phải có một
tinh thần chiêm niệm đích thực: tinh thần chiêm niệm, cởi mở và tiếp đón tha
nhân. Khả năng đặt mình vào trong tình trạng của người khác khiến cho chúng ta
có khả năng đối thoại một cách nhân bản, trong đó các lới nói, các tư tưởng và
các vấn nạn vọt lên từ một kinh nghiệm của tình huynh đệ và tính nhân bản chia
sẻ# Việc dấn thân đối thoại được xây nền trên chính cái luận lý việc nhập thể của
Chúa Giêsu: trong Ngài chính Thiên Chúa đã trở thành một người trong chúng ta,
đã chia sẻ cuộc sống của chúng ta và đã nói thứ ngôn ngữ của chúng ta. Khi nhìn
vào đại lục Á châu với diện tích đất đai rộng rãi, với các nền văn hóa và các
truyền thống cổ xưa, chúng ta ý thức được rằng trong chương trình của Thiên
Chúa, các cộng đoàn kitô của anh em thực sự là một đoàn chiên nhỏ, nhưng được
giao phó cho sứ mệnh đem ánh sáng Tin Mừng cho tới tận cùng bờ cõi trái đất.
Với các tư tưởng trên đây
trong tháng hai này hiệp ý với Ðức Thánh Cha và tín hữu công giáo toàn thế giới
chúng ta hãy cầu xin cho các cơ may đối thoại và gặp gỡ giữa đức tin kitô và
các dân tộc Á châu gia tăng.
(Ý chỉ truyền giáo tháng
2-2016)
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét