23/04/2018
Thứ Hai tuần 4 Phục Sinh
Bài Ðọc I: Cv 11, 1-18
"Thiên Chúa
cũng ban cho dân ngoại ơn ăn năn sám hối để được sống".
Trích sách Tông đồ
Công vụ.
Trong những ngày ấy,
các tông đồ và anh em ở Giuđêa nghe tin rằng cả dân ngoại cũng đã đón nhận lời
Thiên Chúa. Khi Phêrô lên Giêrusalem, các người đã chịu cắt bì trách móc người
rằng: "Tại sao ngài vào nhà những kẻ không chịu cắt bì và ăn uống với họ?"
Phêrô trình bày cho họ sự việc từ đầu đến cuối theo thứ tự sau đây: "Tôi
đang ở tại thành Gióp-pê, lúc cầu nguyện, trong một thị kiến, tôi thấy một vật
gì giống chiếc khăn lớn túm bốn góc, từ trời thả xuống sát bên tôi. Tôi chăm
chú nhìn và thấy những con vật bốn chân, những mãnh thú, rắn rết và chim trời.
Tôi nghe tiếng phán bảo tôi: "Phêrô, hãy chỗi dậy giết mà ăn". Tôi
thưa: "Lạy Chúa, không được, vì con không khi nào bỏ vào miệng con những đồ
dơ nhớp hay bẩn thỉu". Tiếng từ trời nói lần thứ hai: "Vật gì Thiên
Chúa cho là sạch, ngươi đừng nói là dơ nhớp". Ba lần xảy ra như thế, và mọi
sự lại được kéo lên trời.
"Và ngay lúc đó,
ba người từ Cêsarêa được sai đến nhà tôi ở. Thánh Thần truyền dạy tôi đừng ngần
ngại đi với họ. Sáu anh em cùng đi với tôi, và chúng tôi vào nhà một người. Anh
thuật lại cho chúng tôi biết: anh đã thấy thiên thần hiện ra thế nào; thiên thần
đứng trong nhà anh và nói với anh rằng: "Hãy sai người đến Gióp-pê tìm
Simon có tên là Phêrô; người sẽ dạy ngươi những lời có sức làm cho ngươi và cả
nhà ngươi được cứu độ". Lúc tôi bắt đầu nói, Thánh Thần ngự xuống trên họ
như ngự trên chúng ta lúc ban đầu. Bấy giờ tôi nhớ lại lời Chúa phán:
"Gioan đã rửa bằng nước, còn các con, các con sẽ được rửa bằng Thánh Thần".
Vậy, nếu Thiên Chúa ban cho họ cũng một ơn như đã ban cho chúng ta, là những kẻ
tin vào Chúa Giêsu Kitô, thì tôi là ai mà có thể ngăn cản Thiên Chúa?"
Nghe những lời ấy, họ thinh
lặng và ca tụng Thiên Chúa rằng: "Vậy ra Thiên Chúa cũng ban cho dân ngoại
ơn ăn năn sám hối để được sống".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 41, 2. 3;
42, 3. 4
Ðáp: Hồn con khát Chúa Trời, Chúa Trời hằng sống (Tv 41,
3a).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Như nai rừng
khát mong nguồn nước, hồn con khát Chúa, Chúa Trời ôi. - Ðáp.
2) Hồn con khát Chúa
Trời, Chúa Trời hằng sống; ngày nào con được tìm về ra mắt Chúa Trời! - Ðáp.
3) Xin chiếu giãi
quang minh và chân thực của Chúa, để những điều đó hướng dẫn con, đưa con lên
núi thánh và cung lâu của Ngài. - Ðáp.
4) Con sẽ tiến tới bàn
thờ Thiên Chúa, đến cùng Thiên Chúa làm cho con được hoan hỉ mừng vui. Với cây
cầm thụ, con sẽ ca ngợi Chúa, ôi Chúa là Thiên Chúa của con. - Ðáp.
Alleluia:
Alleluia, alleluia! -
Chúng con biết rằng Ðức Kitô đã thật sự sống lại từ cõi chết: Lạy Vua chiến thắng,
xin thương xót chúng con. - Alleluia.
Phúc Âm: Ga 10, 1-10
"Ta là cửa chuồng
chiên".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu
phán rằng: "Thật, Ta bảo thật cùng các ngươi, ai không qua cửa mà vào chuồng
chiên, nhưng trèo vào lối khác, thì người ấy là kẻ trộm cướp. Còn ai qua cửa mà
vào, thì là kẻ chăn chiên. Kẻ ấy sẽ được người giữ cửa mở cho, và chiên nghe
theo tiếng kẻ ấy. Kẻ ấy sẽ gọi đích danh từng con chiên mình và dẫn ra. Khi đã
lùa chiên mình ra ngoài, kẻ ấy đi trước, và chiên theo sau, vì chúng quen tiếng
kẻ ấy. Chúng sẽ không theo người lạ, trái lại, còn trốn tránh, vì chúng không
quen tiếng người lạ".
Chúa Giêsu phán dụ
ngôn này, nhưng họ không hiểu Người muốn nói gì. Bấy giờ Chúa Giêsu nói thêm:
"Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ta là cửa chuồng chiên. Tất cả những kẻ đã đến
trước đều là trộm cướp, và chiên đã không nghe chúng. Ta là cửa, ai qua Ta mà
vào, thì sẽ được cứu rỗi, người ấy sẽ ra vào và tìm thấy của nuôi thân. Kẻ trộm
có đến thì chỉ đến để ăn trộm, để sát hại và phá huỷ. Còn Ta, Ta đến để cho
chúng được sống và được sống dồi dào".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Ta Là Cửa
Ðoàn Chiên
Anh chị em thân mến!
Phần lớn vùng đất
Giuđêa nằm trên độ cao, nhiều gồ ghề và sỏi đá, thuận tiện cho việc chăn nuôi
hơn là trồng trọt. Bởi thế, người dân vùng này nói riêng và toàn thể vùng Palestina
nói chung thường sống bằng nghề chăn nuôi. Họ nuôi nhiều cừu để lấy lông chiên
hơn là ăn thịt. Thế nên, mối liên lạc giữa đàn chiên và người chăn thật mật thiết.
Chiên hiểu chủ và chủ biết từng con chiên một.
Hình ảnh người chăn
chiên là một diễn tả quen thuộc của lòng nhân từ, yêu thương. Trong Kinh Thánh
các tác giả Cựu Ước đặc biệt là Thánh Vịnh thường hay so sánh mối quan hệ giữa
Giavê Thiên Chúa và dân Israel như người chăn và đàn chiên. Israel và đàn chiên
Giavê chăm sóc trong đồng cỏ của Ngài.
Qua tân Ước, hình ảnh
người chăn và đàn chiên cũng được nhiều lần nói đến, đặc biệt là người chăn
chiên được Chúa Giêsu tự đồng hóa mình với người chăn chiên nhân lành. Nỗi lòng
của người chăn chiên cũng là nỗi lòng của Ngài. Một trong những diễn tả ấy được
thánh sử Gioan ghi lại trong bài Tin Mừng hôm nay.
Anh chị em thân mến!
Thấy người Do Thái
không lãnh hội được ý nghĩa là người chăn chiên, Chúa Giêsu nói rõ cho họ biết:
"Ta là cửa chuồng chiên". Qua đó, chính Chúa Giêsu mạc khải cho họ biết
con đường đi tới Chúa Cha như là cửa mà đàn chiên ra vào và được hưởng sự an
toàn, được sống dồi dào. Còn những kẻ đến trước mà vào là kẻ trộm cướp nên
chiên đã không nghe tiếng họ. Những người đến trước ở đây không phải là các
ngôn sứ, nhưng là những người dựa vào sự khôn ngoan thông thái thế gian. Chính
họ là những người Thiên Chúa dấu không cho biết những điều thuôc về ơn cứu độ.
Trong thực tế, mặc dù bị áp đặt, nhưng người mù được Chúa Giêsu chữa lành không
nghe lời người Pharisiêu và chỉ tin vào Chúa Giêsu. Vì họ là kẻ trộm đã giết hại
chiên và phá hủy, còn Chúa Giêsu đến để chiên được sống và sống dồi dào.
Chúa Giêsu đã tóm tắt
vai trò của Ngài, Ðấng chăn chiên với đàn chiên là hình ảnh cửa đàn chiên:
"Ta là cửa, ai qua Ta mà vào thì sẽ được cứu độ". Ðây là hình ảnh
quen thuộc của vùng Trung Ðông đối với các mục tử chăn chiên. Người mục tử nhân
lành biết lo liệu cho đàn chiên của mình vào ban đêm và ban ngày, sẽ dẫn chiên
tới đồng cỏ xanh tươi với dòng suối mát như tác giả Thánh Vịnh 22 vẫn hát lên
"trong đồng cỏ xanh tươi Người cho tôi nằm nghỉ, Người cho tôi dòng nước
trong lành".
Chúa Giêsu là cửa để
qua đó từng con chiên vào và được nghỉ qua đêm an toàn. Chính nơi cửa, người mục
tử sẽ cầm gậy để kiểm từng con chiên, không để một con nào bị lạc mất. Chúa
Giêsu là cửa, qua đó các con chiên được dẫn đi ăn mỗi buổi sáng, để các chiên
nghe và nhận biết tiếng gọi của chủ chăn. Chủ chăn gọi đàn chiên và dẫn chúng
đi, người chăn chiên đi trước và chiên theo sau, vì chiên biết tiếng chủ chiên
của mình. Hình ảnh cửa chuồng chiên và hình ảnh vị chủ chăn cho chúng ta thấy
Ngài là Ðấng chăn chiên, là Ðấng Cứu Ðộ cho những ai nghe tiếng Ngài.
Veritas Asia
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai Tuần IV PS
Bài đọc: Acts
11:1-18; Jn 10:1-10.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Con người phải
vâng theo Kế Hoạch của Thiên Chúa.
Có hai giai đọan trong
Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa: Trong giai đoạn thứ nhất, Ngài chọn dân Do-thái
để chuẩn bị cho Đấng Thiên Sai tới; sau đó, đến giai đọan thứ hai, Tin Mừng Cứu
Độ được loan báo cho tất cả mọi người. Nhiều người Do-thái chỉ dừng lại ở giai
đọan thứ nhất. Họ tin chỉ có họ mới là con Thiên Chúa và xứng đáng được hưởng
ơn Cứu Độ; Dân Ngoại không phải là con Thiên Chúa, họ xứng đáng để chịu hình phạt
và bị hư mất.
Các Bài Đọc hôm nay
xoay quanh tình thương Thiên Chúa và Kế Hoạch Cứu Độ dành cho mọi người. Trong
Bài Đọc I, Sách CVTĐ mô tả sự xung đột giữa các môn đệ về việc giao tiếp và chấp
nhận Dân Ngoại vào đạo thánh Chúa. Phêrô phải dùng thị kiến chiếc lưới từ trời
và kinh nghiệm mục vụ để thuyết phục họ: Trong Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa,
Dân Ngoại cũng được lãnh nhận Thánh Thần và ơn sám hối để được sự sống đời đời.
Loài người chúng ta không thể ngăn cản Kế Hoạch của Thiên Chúa. Trong Phúc Âm,
Chúa Giêsu tuyên bố Ngài là Mục Tử Tốt Lành đến để qui tụ tất cả các chiên và
cho chúng được sống dồi dào.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Ơn Cứu Độ được Thiên Chúa ban cho tất cả mọi người.
1.1/ Xung đột xảy ra giữa
người Do-thái và ông Phêrô: Theo truyền thống
Do-thái, họ sống cách biệt với các dân tộc khác, và không bao giờ vào nhà của
Dân Ngoại. Các người Do-thái chỉ trích Phêrô đã giao tiếp với Dân Ngoại, vào
nhà những kẻ không cắt bì, và ăn uống với họ. Bấy giờ ông Phêrô trình bày cho họ
biết thị kiến mà ông đã chứng kiến, ông nói: Tôi đang cầu nguyện tại thành
Joppa, trong lúc xuất thần, tôi thấy thị kiến này: Có một vật gì sà xuống,
trông như một tấm khăn lớn buộc bốn góc, từ trời thả xuống đến tận chỗ tôi.
Nhìn chăm chú và xem xét kỹ, tôi thấy các giống vật bốn chân sống trên đất, các
thú rừng, rắn rết và chim trời. Và tôi nghe có tiếng phán bảo tôi: "Phêrô,
đứng dậy, làm thịt mà ăn!” Tôi đáp: "Lạy Chúa, không thể được, vì những gì
ô uế và không thanh sạch không bao giờ lọt vào miệng con!” Có tiếng từ trời
phán lần thứ hai: "Những gì Thiên Chúa đã tuyên bố là thanh sạch, thì
ngươi chớ gọi là ô uế! Việc ấy xảy ra đến ba lần, rồi tất cả lại được kéo lên
trời.”
Thị kiến này đòi Phêrô
phải xét lại truyền thống Do-thái của mình: Vì tất cả những gì Thiên Chúa dựng
nên đều tốt lành và thanh sạch, ông không thể giữ thái độ khinh thường Dân Ngoại,
coi họ là dân không cắt bì, nô lệ, hay không thanh sạch.
1.2/ Thiên Chúa cũng ban
cho các Dân Ngoại ơn sám hối để được sự sống!
(1) Tin Mừng được rao
truyền cho Dân Ngoại: Phêrô tiếp tục kể: "Ngay lúc đó, có ba người đến nhà
chúng tôi ở: họ được sai từ Caesarea đến gặp tôi. Thần Khí bảo tôi đi với họ, đừng
ngần ngại gì. Có sáu anh em đây cùng đi với tôi. Chúng tôi đã vào nhà ông
Cornelius. Ông này thuật lại cho chúng tôi nghe việc ông đã thấy thiên sứ đứng
trong nhà ông và bảo: "Hãy sai người đi Joppa mời ông Simon, cũng gọi là
Phêrô. Ông ấy sẽ nói với ông những lời nhờ đó ông và cả nhà ông sẽ được cứu độ.”
Cornelius là viên Đại Đội Trưởng Roma, tuy là Dân Ngoại, nhưng ông đối xử rất tốt
với người Do-thái. Nhân cơ hội đó, Phêrô đã rao giảng Tin Mừng về Đức Kitô cho
tất cả những người trong gia đình Cornelius. Điều đáng chú ý là Thiên Chúa hoạt
động trong biến cố này: Ngài gởi thiên sứ tới báo tin cho Cornelius, đồng thời
dùng Thần Khí tác động trên Phêrô, để thúc đẩy ông cùng đi với 3 sứ giả của
Cornelius.
(2) Không ai có thể
ngăn cản Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa: Tôi vừa mới bắt đầu nói, thì Thánh Thần
đã ngự xuống trên họ, như đã ngự xuống trên chúng ta lúc ban đầu. Tôi sực nhớ lại
lời Chúa nói rằng: "Ông Gioan thì làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì sẽ
được rửa trong Thánh Thần. Vậy, nếu Thiên Chúa đã ban cho họ cùng một ân huệ
như Người đã ban cho chúng ta, vì chúng ta tin vào Chúa Giêsu Kitô, thì tôi là
ai mà dám ngăn cản Thiên Chúa?" Phêrô nhắc lại biến cố Chúa Thánh Thần hiện
xuống trên các Tông-đồ trong ngày Lễ Ngũ Tuần; và nhờ biến cố này, Phêrô nhận
ra Thiên Chúa ban Thánh Thần cho tất cả mọi người, chứ không riêng gì những người
Do-thái. Sau đó, Phêrô làm Phép Rửa cho tất cả gia đình ông Cornelius.
Nghe Phêrô trình bày đầu
đuôi, người Do-thái mới hiểu ra. Họ tôn vinh Thiên Chúa và nói: "Vậy ra
Thiên Chúa cũng ban cho các Dân Ngoại ơn sám hối để được sự sống!"
2/ Phúc Âm: Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.
2.1/ Chúa Giêsu là Cửa
chuồng chiên: Trong các làng mạc của
Do-thái, họ có chỗ chung để nhốt tất cả các chiên trong làng ban đêm. Chỗ nhốt
này chỉ có một cửa duy nhất có khóa, và chìa khóa chỉ người giữ cửa mới có. Người
giữ cửa biết tất cả các người chăn chiên, và chỉ mở cửa cho những người này.
Tuy nhiên, cũng có những người chăn chiên không vào làng, nhưng giữ chiên ngoài
cánh đồng như tại Bethlehem. Trong trường hợp này, người chăn chiên sẽ tìm những
hang đá mà chỉ có một ngõ ra vào. Đêm đến, họ sẽ lùa chiên vào trong hang đá,
và họ sẽ nằm ngủ ngay cửa ra vào. Trong trình thuật hôm nay, Chúa Giêsu đề cập
đến cả hai trường hợp:
(1) "Thật, tôi bảo
thật các ông: Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà
vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp. Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử.
Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng
con, rồi dẫn chúng ra.”
(2) "Thật, tôi bảo
thật các ông: Tôi là Cửa cho chiên ra vào. Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp;
nhưng chiên đã không nghe họ. Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người
ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ.”
2.2/ Liên hệ giữa mục tử
và chiên: Có một sự liên hệ mật thiết giữa mục
tử và đàn chiên. Người mục tử biết tất cả các chiên của mình và thói quen của từng
con một; nhiều mục tử còn đặt tên riêng cho mỗi con như “vằn” nếu con nào có những
vằn quanh như sóng trên người, “trắng,” “đen,” “khoang”... Đồng thời, các con
chiên cũng biết đánh hơi, hay nhận ra chủ của chúng nhờ tiếng gọi đặc biệt, hay
tiếng chuông, tiếng kèn, tiếng sáo mà người mục tử đeo trên mình. Đó là lý do tại
sao Chúa nói: “Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau,
vì chúng nhận biết tiếng của anh. Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy
trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ."
Chúa cũng đề cập đến sự
khác biệt giữa Mục Tử và trộm cướp: “Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và
phá huỷ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.” Người chăn
chiên thật phải chịu trách nhiệm về đàn chiên của mình với chủ; nếu chiên bị ăn
thịt, anh phải có bằng chứng rõ ràng để trình cho chủ. Người chăn chiên đích thực
phải chăm sóc bằng cách tìm những đồng cỏ xanh và nước trong lành cho chiên ăn
uống. Anh phải bảo vệ chiên khỏi mọi nguy hiểm như: chó sói, sư tử, kẻ trộm, kẻ
cướp... Qua hình ảnh thân thương này, Chúa Giêsu muốn ví Ngài như Mục Tử Tốt
Lành và các tín hữu được ví như đàn chiên. Ngài đến để cho chúng ta được sống,
và sống dồi dào.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Tất cả mọi người đều
có thể nhận được ơn Cứu Độ trong Kế Hoạch của Thiên Chúa, và Tin Mừng cần được
loan báo cho mọi dân tộc.
- Để được hưởng ơn Cứu
Độ, chúng ta cần biết lắng nghe và tin tưởng vào Đức Kitô, Người Mục Tử Tốt
Lành mà Thiên Chúa gởi tới con người.
- Người mục tử tốt
lành là người phải vào qua Cửa là Đức Kitô: họ phải nhân danh Đức Kitô giảng dạy,
chữa lành; và bắt chước Đức Kitô để săn sóc và bảo vệ đòan chiên của mình.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
23/04/2018 - THỨ HAI TUẦN 4 PS
Th. A-đan-be-tô, giám mục, tử đạo
Ga 10,1-10
NOI GƯƠNG MỤC TỬ NHÂN LÀNH
“Tôi chính là Mục tử nhân lành. Mục tử nhân lành hy sinh mạng
sống mình cho đoàn chiên.” (Ga 10,11)
Suy niệm: Chúa Giê-su ví mình như
người Mục tử nhân lành. Mục tử nhân lành khác với người chăn thuê, vì dám hy
sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Tại sao người mục tử lại xả thân cho chiên
như vậy? Đơn giản vì người ấy yêu thương chiên. Tình thương đã tạo nên mối tương
quan mật thiết, gắn bó giữa chủ chiên và từng con chiên. Mục tử biết từng con
chiên, gọi tên từng con một; còn chiên thì chỉ nghe tiếng của mục tử. Còn hình ảnh
nào đẹp cho bằng hình ảnh người mục tử đi trước, chiên theo sau đến đồng cỏ. Rồi
khi một con chiên lạc mất, người mục tử băng núi vượt đồi để đi tìm cho được
con chiên lạc. Chúa Giê-su không chỉ là Mục tử nhân lành chăm sóc ta, Ngài còn
là Cửa chuồng chiên, đưa ta đến với Thiên Chúa.
Mời Bạn: Bạn thật hạnh phúc vì được
sống trong đoàn chiên của Chúa Giê-su, được Ngài biết đến bằng chính tên của bạn,
được chăm sóc yêu thương, đặc biệt qua các bí tích, được Ngài đồng hành để đưa
dẫn đến hạnh phúc muôn đời. Chúa Giê-su cũng muốn bạn trở thành một mục tử theo
mẫu gương Ngài, để chia sẻ hạnh phúc ấy cho người thân, người lân cận. Bạn sẽ
làm gì để thi hành sứ vụ cao quý này?
Sống Lời Chúa: Noi gương Mục Tử nhân
lành, tôi quan tâm thăm viếng, an ủi, khuyên bảo và phục vụ những người bệnh tật,
neo đơn, trẻ em đường phố, những người lầm lỡ…
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su
là Mục tử nhân lành, cảm tạ Chúa đang đồng hành với con. Xin nâng đỡ và giúp
con biết yêu thương phục vụ mọi người như Chúa đã yêu thương con. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
Tôi là cửa cho chiên (23.4.2018 – Thứ hai Tuần 4 Phục sinh)
Cửa chuồng chiên nhằm để chiên đi vào và tìm được sự an toàn. Cửa cũng nhằm để chiên đi ra và tìm được đồng cỏ nuôi sống.
Suy niệm:
Chúng ta vẫn ở trong mùa
Phục sinh, mùa của sự sống tươi mới.
Đức Giêsu là người mục tử
chăn chiên.
Khác với kẻ trộm chỉ đến
để ăn trộm, giết hại và phá hủy,
Ngài đến để chiên có sự
sống, và có một cách dồi dào (c. 10).
Hãy nhìn những nét đặc
trưng của người mục tử đích thực.
Anh đi vào ràn chiên hay
chuồng chiên bằng cửa,
đường đường chính chính,
chứ không lén lút trèo qua tường rào (cc. 1-2).
Người giữ cửa quen anh và
mở cửa cho anh.
Chiên cũng quen anh và
quen tiếng của anh.
Tiếng của anh là dấu hiệu
quan trọng để chiên nhận ra
và phân biệt anh với
người lạ hay kẻ trộm (cc. 3-5).
Chiên nghe tiếng của anh
(c. 3).
nhưng không nghe tiếng
người khác (c. 8).
Anh trìu mến gọi tên từng
con, vì anh biết rõ chiên của mình.
Khi dẫn chúng ra ngoài
chuồng, anh đi trước dẫn đường,
chúng yên tâm theo sau
chứ không chạy trốn,
vì chúng biết mình đang
đi theo ai và sẽ được dẫn đến đâu.
Rõ ràng có sự hiểu nhau,
gần gũi giữa chiên và mục tử.
Nhưng Đức Giêsu không chỉ
là Mục tử chăn chiên.
Ngài còn tự nhận mình là
Cửa cho chiên ra vào (c. 7. 9).
Thánh Gioan Kim Khẩu nói:
“Khi Ngài đưa ta đến với
Cha, Ngài nhận mình là Cửa.
Khi Ngài săn sóc ta, Ngài
nhận mình là Mục Tử.”
Cửa chuồng chiên nhằm để
chiên đi vào và tìm được sự an toàn.
Cửa cũng nhằm để chiên đi
ra và tìm được đồng cỏ nuôi sống.
Chỉ ai qua Cửa Giêsu mà
vào mới được cứu độ.
Ai ra vào Cửa Giêsu mới
tìm thấy đồng cỏ xanh tươi (c. 9).
Cửa Giêsu cũng giúp phân
biệt mục tử giả và thật.
Mục tử giả sẽ không dám
đến với chiên qua Cửa Giêsu.
Mong sao cho Giáo Hội có
nhiều mục tử gần gũi với chiên,
biết gọi tên từng con
chiên và đem lại cho chiên hạnh phúc.
Và mong sao chiên có khả
năng nhận ra tiếng nói của người mục tử.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa nhận mình là Tấm
Bánh,
vì Chúa muốn nuôi tâm
linh chúng con.
Chúa nhận mình là Cây
Nho,
vì Chúa muốn trao cho
chúng con dòng nhựa sống.
Chúa nhận mình là Mục tử
nhân lành,
vì Chúa muốn dẫn chúng
con đến nơi đồng cỏ.
Chúa nhận mình là Cửa,
vì Chúa mở cho chúng con
sự phong phú của Nước Trời.
Chúa nhận mình là Con
Đường,
vì Chúa là Đấng duy nhất
dẫn chúng con đến với Chúa Cha.
Chúa nhận mình là Ánh
sáng,
vì Chúa có khả năng khuất
phục bóng tối trong thế gian này.
Chúa nhận mình là Sự
Thật,
vì Chúa vén mở cho chúng
con khuôn mặt của Thiên Chúa.
Chúa nhận mình là Sự Sống
và là Sự Sống Lại,
vì Chúa không để cho
chúng con bị cái chết chôn vùi.
Lạy Chúa Giêsu,
tạ ơn Chúa vì mọi điều
Chúa định nghĩa về mình
đều hướng đến hạnh phúc
cho chúng con,
và đều cho chúng con sự
sống thâm sâu của Chúa.
Xin cho chúng con chấp
nhận Chúa là Anpha và Ômêga,
là Khởi Nguyên và là Tận
Cùng của cuộc đời mỗi người chúng con. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
23 THÁNG TƯ
Xây Dựng Hòa Bình
Là Chống Lại Sự Chết
Con người hôm nay có
thật sự sẵn lòng tham dự vào sự hiển thắng của Thiên Chúa trên sự chết hay
không? Có một thách đố cho con người hôm nay. Thách đố này vừa phức tạp vừa
thúc bách hơn bất cứ thách đố nào khác. Đó chính là thách đố của hòa bình. Chọn
lựa hòa bình có nghĩa là chọn lựa sự sống. Xây dựng hòa bình có nghĩa là tham dự
một cách can đảm và đầy trách nhiệm vào công cuộc cứu độ của Thiên Chúa của những
người sống. Thiên Chúa mời gọi con người hôm nay chống lại sự chết bất cứ nơi
đâu sự chết xuất hiện.
Bất cứ nơi đâu mà sự
chết xuất hiện xét như là hệ lụy của ích kỷ, chia rẽ và bạo lực, thì con người
phải chống lại nó. Bất cứ nơi đâu mà máu người ta đổ ra do những xung đột quân
sự, do chiến tranh du kích, do khủng bố, do trả thù, bất cứ nơi đâu mà phẩm giá
con người bị chà đạp, nhân vị và tự do của con người bị phủ nhận … thì con người
phải phản kháng.
Tôi muốn mời gọi mọi
người – thuộc mọi niềm tin tôn giáo, tất cả mọi người thiện chí – cùng cầu nguyện
đặc biệt cho hòa bình. Chúng ta hãy khẳng định lại quyết tâm vượt thắng sự chết.
Chúng ta hãy khẳng định chiến thắng của sự sống, chiến thắng của Chúa Kitô Phục
Sinh.
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 23/4
Thánh Giorgiô, tử đạo
và thánh Adalbertô giám mục tử đạo
Cv 11, 1-18; Ga 10,
1-10.
LỜI SUY NIỆM: “Tôi là cửa.
Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ.”
Trong mọi thời đại, đặc
biệt với chúng ta hôm nay, luôn có những tiên tri giả, những học thuyết làm mê
hoặc con người đi sâu vào con đường nô lệ. Nên Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đang
nói chúng ta là con cái của Giáo Hội biết: “những tiên tri giả lợi dụng cảm xúc
của con người để biến họ thành nô lệ. Bao nhiêu người sống như bị mê hoặc vì tiền
bạc, khiến họ trở thành nô lệ lợi lộc nhỏ nhen. Họ sống mà chỉ nghĩ đến mình và
rơi vào tình trạng cô độc. Có những tiên tri giả khác như những ”lang băm”,
cống hiến những giải pháp đơn giản và tức thời cho những đau khổ, nhưng thực ra
những liều thuốc này hoàn toàn vô hiệu: bao nhiêu người trẻ tìm phương dược giả
dối trong ma túy, trong những quan hệ ”dùng rồi bỏ”, kiếm tiền dễ dàng một
cách bất chính.”
Lạy Chúa Giêsu, Chúa
là cửa, và Chúa đa mở ra cho chúng con được ra vào để gặp được Chúa Cha. Xin
cho chúng con được cảm xúc về sự an toàn và bảo đảm của Chúa, giúp cho chúng
con đánh tan được mọi lo âu, sợ hãi trong cuộc sống
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày 23-04
Thánh GIORGIÔ
Tử Đạo (+303)
Thánh Giorgiô chịu chết
vì đạo ở Lydda, Palestine có lẽ trước thời vua Constantinô. Đó là tất cả những
gì chúng ta biết chắc về vị thánh thời danh này. Nhưng lòng tôn kính dành cho
Ngài lan rộng cách mau chóng. Người Đông phương gọi Ngài là vị tử đạo vĩ đại,
người Hy lạp mừng kính Ngài, các hiệp sĩ suy tôn Ngài, nước Anh chọn Ngài làm
thánh bổn mạng và lễ kính của Ngài được coi là lễ nghỉ bắt buộc, tại đây cho tới
năm 1778.
Có nhiều sách viết về
thánh Giorgio nhưng lại khác biệt và không liên hệ gì với nhau:
Một tài liệu kể rằng:
Thánh nhân sinh ra tại Cappatocia trong một gia đình quyền quí. Cha Ngài là
lương dân, mẹ Ngài là một Kitô hữu. Khi thân phụ qua đời, Ngài theo người mẹ về
Palestine. Sau này, Ngài ôm mộng làm lính chiến. Diocletianô đã nhận thấy khả
năng chiến đấu của Ngài nên dù còn rất trẻ,
Ngài đã được xếp vào
hàng sĩ quan cao cấp. Nhưng khi vị vua này ra sắc chỉ cấm đạo, Giorgiô đã can đảm
chỉ trích ông trước hội nghị về sắc chỉ bất công này. Lời biện hộ làm mủi lòng
người nghe, nhưng nhà vua đã nổi giận và ra lệnh hành hạ thánh nhân, Ông còn
cho cột thánh nhân lại và giam vào ngục tối. Ông còn cho cột thánh nhân vào
bánh xe với dao bén và mũi nhọn mà xoay vòng. Những hình phạt còn nhiều thứ độc
dữ như đánh đòn, dầu sôi...
Tuy nhiên, khi tưởng
thánh nhân đã chết, thì một phép lạ đã chữa lành mọi vết thương. Thấy mọi cực
hình đều vô hiệu, nhà vua dịu giọng mở lời khuyên nhủ. Thánh nhân xin vua cho đến
đền thờ. Tưởng thành công, ông đã triệu tập dân chúng lại và dọn sẵn lễ vật cho
Giorgiô dâng kính các ngẫu thần.
Tại đền thờ, thánh
nhân dùng tượng thần Apolô mà hỏi: - Người có phải là Thiên Chúa để cho chúng
tôi dâng lễ vật không ?
Tượng thần bỗng lên tiếng
: - Không, tôi không phải là Thiên Chúa.
Thánh Giorgiô liền làm
dấu thánh giá và tượng thần đổ vỡ tan tành.
Mọi người run sợ. Nhà
vua truyền lệnh chém đầu thánh nhân ngày hôm đó.
(daminhvn.net)
23 Tháng Tư
Bữa Ăn Thiên Ðàng Và Hỏa Ngục
Một ký giả kia được
phép xuống hỏa ngục và lên thiên đàng để làm một bản phóng sự về đời sống của
nhân dân tại đó.
Sau một cuộc hành
trình gay go, ký giả trên lọt được vào địa ngục đúng vào giờ ăn. Nhìn vào bàn
ăn, anh ta không khỏi lấy làm lạ khi thấy trưng bày toàn sơn hào hải vị đang bốc
khói hương ngào ngạt làm anh ta không khỏi nuốt nước bọt.
Nhưng lúc các kiều
dân địa ngục tiến vào phòng ăn, chàng ta lại càng ngạc nhiên hơn khi thấy họ ốm
o gầy mòn, chỉ còn da bọc xương, vài người đi không muốn nổi. Sự kinh ngạc tan
biến khi chàng phóng viên chứng kiến cảnh họ dùng bữa. Vì muỗng nĩa rất dài buộc
dính vào đôi tay không cho phép họ đưa thức ăn vào miệng, nên dù họ có cố gắng
thế nào đi nữa, thức ăn chỉ đổ tháo ra đầy bàn hay rơi tung tóe xuống mặt đất.
Tệ hại hơn là cảnh họ tranh giành nhau: vài người dùng muỗng nĩa để thay vì đưa
thức ăn vào miệng, lại biến chúng thành những khí giới đập đánh nhau. Thật là một
bãi chiến trường. Khi chuông báo giờ ăn đã mãn, họ buồn phiền rời phòng ăn, dạ
dày vẫn trống rỗng.
Quá sợ hãi, chàng
ký giả lập tức từ giã địa ngục để tiếp tục lên phóng sự trên thiên đàng. Ðến
nơi cũng đúng vào giờ cơm. Bàn ăn cũng trưng bày những thức ăn ngon miệng. Quan
sát nhân dân, chàng ta thấy ai nấy đều phương phi, khỏe mạnh, tuy đôi tay họ
cũng được gắn chặt những muỗng nĩa rất dài. Có khác là thay vì họ cố gắng đưa
thức ăn vào miệng mình, họ lại dùng muỗng nĩa để đút thức ăn cho nhau. Phòng ăn
vang lên những giọng nói cười vui, thỏa mãn.
Kết thúc bài phóng
sự tường trình về những điều mắt thấy tai nghe, chàng ký giả viết: Ích kỷ và vị
tha là hai điểm khác biệt giữa địa ngục và thiên đàng.
Kết thúc thời gian
sáng thế, Thiên Chúa phán với hai ông bà nguyên tổ: "Hãy sinh sôi nảy nở
và hãy nên đầy dẫy trên đất. Hãy làm bá chủ nó. Hãy trị trên cá biển và chim trời
và mọi loài sinh vật nhung nhúc trên đất. Này Ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ
lá sinh hạt giống có trên mặt đất, và mọi thứ cây có quả sinh hạt giống, chúng
sẽ làm thức ăn cho các ngươi".
Với công trình sáng tạo
và lời chúc phúc trên, Thiên Chúa muốn biến mặt đất thành Vườn Ðịa Ðàng, nhưng
con người đã chia mặt đất thành đông, tây, nam, bắc, thành những nước thống trị
và những nước bị đô hộ, thành những quốc gia giàu và những nước nghèo. Ðó là
chưa kể con người đã và đang biến Vườn Ðịa Ðàng thành địa ngục qua bao nhiêu cuộc
chiến tranh lớn nhỏ mà xét cho cùng cũng chỉ vì tranh giành quyền lợi, tranh
nhau miếng ăn, manh áo. Thật vậy, ích kỷ và vị tha là hai điểm khác biệt giữa địa
ngục và thiên đàng.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét