Trang

Thứ Ba, 24 tháng 4, 2018

24-04-2018 : THỨ BA – TUẦN IV PHỤC SINH


24/04/2018
Thứ Ba tuần 4 Phục Sinh


Bài Ðọc I: Cv 11, 19-26
"Họ cũng rao giảng Chúa Giêsu cho người Hy-lạp".
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, vì cơn bách hại xảy ra nhân dịp Têphanô bị giết, có nhiều người phải sống tản mác, họ đi đến Phênixê, Cyprô và Antiôkia, họ không rao giảng lời Chúa cho một ai ngoài những người Do-thái. Nhưng một ít người trong họ quê ở Cyprô và Xyrênê; khi đến Antiôkia, họ cũng rao giảng Chúa Giêsu cho người Hy-lạp nữa. Và tay Chúa ở với họ; nên có đông người tin trở về với Chúa. Tin đó thấu tai Hội Thánh Giêrusalem, nên người ta sai Barnaba đến Antiôkia. Khi đến nơi và thấy việc ơn Chúa thực hiện, ông vui mừng và khuyên bảo mọi người hãy vững lòng tin nơi Chúa; Barnaba vốn là người tốt lành, đầy Thánh Thần và lòng tin. Và có đoàn người đông đảo tin theo Chúa. Vậy Barnaba đi Tarxê tìm Saolô. Gặp được rồi, liền đưa Saolô về Antiôkia. Cả hai ở lại tại Hội Thánh đó trọn một năm, giảng dạy cho quần chúng đông đảo; chính tại Antiôkia mà các môn đồ lần đầu tiên nhận tên là Kitô hữu.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 86, 1-3. 4-5. 6-7
Ðáp: Hỡi muôn dân, hãy ngợi khen Chúa (Tv 116, 1a).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Chúa yêu cơ sở Ngài thiết lập trên núi thánh; Ngài yêu cửa nhà Sion hơn mọi cư xá nhà Giacóp. Hỡi thành trì của Thiên Chúa, thiên hạ đang nói những điều hiển hách về ngươi. - Ðáp.
2) Ta sẽ kể Rahab và Babel vào số người thờ phượng Ta, kìa Philitinh, Tyrô và dân Êthiôpi: những người này đã sinh ra tại đó. Và thiên hạ sẽ nói về Sion rằng: "Riêng từng người và hết mọi người đã sinh tại đó, chính Ðấng Tối Cao đã củng cố thành này". - Ðáp.
3) Chúa sẽ ghi chép vào sổ sách của chư dân rằng: "Những người này đã sinh ra tại đó". Và khi ca vũ, người ta sẽ ca rằng: "Mọi nguồn vui thú của tôi đều ở nơi ngươi". - Ðáp.

Alleluia:
Alleluia, alleluia! - Chúa Kitô, Ðấng tác tạo mọi loài, đã sống lại và đã xót thương nhân loại. - Alleluia.

Phúc Âm: Ga 10, 22-30
"Tôi và Cha Tôi là một".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, người ta mừng lễ Cung Hiến tại Giêrusalem. Bấy giờ là mùa đông. Chúa Giêsu đi bách bộ tại đền thờ, dưới cửa Salômôn. Người Do-thái vây quanh Người và nói: "Ông còn để chúng tôi thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Ðức Kitô, thì xin ông nói rõ cho chúng tôi biết". Chúa Giêsu đáp: "Tôi đã nói với các ông mà các ông không tin. Những việc Tôi làm nhân danh Cha Tôi, làm chứng về Tôi. Nhưng các ông không tin, vì các ông không thuộc về đàn chiên tôi. Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi. Tôi cho chúng được sống đời đời, chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Tôi. Ðiều mà Cha Tôi ban cho Tôi, thì cao trọng hơn tất cả, và không ai có thể cướp được khỏi tay Cha Tôi. Tôi và Cha Tôi là một".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Ta Và Cha Là Một
"Ta ban cho chúng được sự sống đời đời, Ta ban cho những ai tin Ta có sự sống đời đời, không ai cướp được chúng khỏi tay Ta. Ta và Cha là một" (Ga 10,28-30).
Ðây là một thực tại cao cả nơi cuộc sống của những người tin vào Chúa, và Chúa Giêsu muốn mạc khải cho những người Do Thái đến hỏi Chúa: "Ông để chúng tôi phân vân đến bao giờ nữa, nếu ông là Ðức Kitô thì hãy nói trắng ra cho chúng tôi biết" (Ga 10,24). Thánh Gioan đã đặt những lời mạc khải trên của Chúa Giêsu về thực tại đời sống Ðức Tin của người Kitô hữu vào dịp lễ cung hiến Ðền Thờ Giêrusalem, và như ta đã biết, cổng đền thờ là nơi các thầy thông luật Do Thái đến để giải thích lề luật cho dân chúng, do đó Chúa Giêsu đến đây để giảng dạy cho dân chúng. Nhưng hơn ai hết, Chúa Giêsu là một vị thầy hơn mọi vị thầy thông luật của Israel thời đó, vì Con Thiên Chúa Lam Người đã hiện diện nơi đó không những để giảng dạy lề luật, mà còn là Ðấng thay thế cho các bậc thầy vĩnh viễn. Như lời Chúa đã phán: "Chúng con không có vị thầy nào khác vì Thầy là Ðường, là Sự Thật và là Sự Sống" (Ga 14,6).
Hơn nữa, dịp tụ họp dân chúng nơi cổng Salomon ở đền thờ là dịp lễ cung hiến đền thờ Giêrusalem. Lễ cung hiến đền thờ có ý nghĩa gì đối với người Do Thái? Thưa, đây là một trong những lễ trọng của người Do Thái vì để ghi dấu đền thờ Giêrusalem trước đó đã bị ô uế, bị xúc phạm, nay thánh hiến lại để bắt đầu trở lại sinh hoạt tôn giáo. Lễ cung hiến đền thờ nhắc cho người dân nhớ lại sự phục hưng tôn giáo được những sứ giả của Chúa là anh em Macabê thực hiện vào năm 146 trước Chúa Giáng Sinh. Vào năm 170 đền thờ đã bị vua Syria làm ô uế, làm nơi dâng lễ vật cho thần ngoại bang Hy Lạp vì thế mà đã xúc phạm đến Thiên Chúa chân thật. Giờ đây đền thờ cung hiến được lại là để nhắc nhớ lại khung cảnh tôn giáo và địa điểm cung thánh giảng dạy là cổng Salomon.
Như vậy, thánh Gioan muốn nhắc lại một cách kín đáo cho các độc giả của ngài về chương trình hay những ý định sâu xa của Chúa Giêsu, đó là lúc Chúa Giêsu muốn mạc khải sự thật về ơn cứu rỗi, hầu khai mạc một thời đại mới, thời đại phục hưng tôn giáo dựa trên đức tin vào Chúa Giêsu Kitô Con Thiên Chúa.
Khi ấy ở Giêrusalem dịp cung hiến đền thờ bấy giờ là vào mùa đông, và Chúa Giêsu đã đi đi lại lại ở cổng đền thờ Salomon. Sau những câu nhập đề mô tả khung cảnh tôn giáo như vậy, thánh Gioan kể tiếp thắc mắc của người Do Thái, bấy giờ người Do Thái vây quanh Chúa Giêsu và hỏi: "Ông để chúng tôi phân vân đến bao giờ nữa, nếu ông là Ðức Kitô thì hãy nói trắng ra cho chúng tôi biết".
Thánh Gioan thường dùng từ ngữ những người Do Thái để chỉ những kẻ không tin Chúa, không những không tin mà còn có ý đồ xấu bắt bẻ lời Chúa và âm mưu làm hại Người. Xem ra họ muốn tìm hiểu về Chúa nhưng thực sự là họ có ý đồ xấu, muốn nghe chính Chúa nói mình là Con Thiên Chúa, là Ðấng Kitô để tố cáo Ngài. Nói phạm thượng và tội phạm thượng là tội đáng bị xử tử theo luật Do Thái, họ muốn có bằng cớ thêm để tố cáo "Ông này là người mà dám xưng mình là Con Thiên Chúa" (Ga 5,18). Ðó là lời tố cáo sau này được nói lên khi luận xử Chúa Giêsu trước khi đóng đinh Ngài vào Thập Giá như chúng ta đã biết.
Chúa Giêsu đã phơi trần âm mưu của họ: "Ta đã nói với anh em rồi mà anh em không tin, vì các anh không phải là chiên Ta" (Ga 10,25-27). Lời nói và việc làm của Chúa mà người Do Thái thấy tận mắt tai nghe từ khi Chúa Giêsu rao giảng cho đến lúc này đã quá đủ mạc khải Ngài là ai rồi. Nếu những kẻ nghe và nhận thấy Chúa Giêsu có một tâm hồn sẵn sàng, đó là tâm hồn yêu thương gắn bó với người chủ chăn. Không có thái độ nội tâm sẵn sàng thì không có thái độ đón nhận Lời Chúa mạc khải và cũng không tin nhận Ngài. Mà nếu không tin nhận Chúa làm sao có được sự sống đời đời, làm sao gắn bó kết hợp mật thiết với Chúa được. Còn đối với những kẻ tin nhận Chúa thì được một lời bảo đảm vô cùng quan trọng: "Không ai có thể cướp khỏi Cha được" (Ga 10,29-30).
Sống tin tưởng vào Chúa là một bảo đảm chắc chắn cho những ai yêu mến Ngài. Lạy Chúa, xin cho con luôn kết hợp với Chúa trong mọi nơi, mọi lúc của cuộc đời. Amen.
Veritas Asia



Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba Tuần IV PS
Bài đọcActs 11:19-26; Jn 10:22-30.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Ai thuộc về đoàn chiên của Thiên Chúa nghe tiếng Chúa Giêsu.
Có những tiếng nói hay tiếng cười đã quá quen thuộc khiến con người chẳng cần nhìn cũng nhận ra người đang nói hay đang cười là ai. Chẳng hạn, khi Chúa Giêsu hiện ra với Mary Magdala, Chúa chỉ cần gọi một tiếng ngắn ngủi: “Mary.” Bà nhận ra ngay và kêu lên: “Lạy Thầy!” Trong mối liên hệ giữa Thiên Chúa với con người cũng thế. Vì Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh và các đức tính của Ngài, con người theo tính tự nhiên dễ hướng chiều về sự thật, về yêu thương và tha thứ, và nhất là về Thiên Chúa, Đấng dựng nên con người.
Các Bài Đọc hôm nay muốn nói lên mối liên hệ mật thiết giữa Thiên Chúa và con người. Trong Bài Đọc I, Sách CVTĐ tường thuật sự thành công trong việc rao giảng Tin Mừng của các môn đệ Chúa: Vì có bàn tay Chúa ở với họ, nên một số đông đã tin và trở lại cùng Chúa; không chỉ những người Do-thái, mà còn rất nhiều Dân Ngoại. Chính tại Antioch mà lần đầu tiên các môn đệ được gọi là Kitô hữu. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tuyên bố với các đối phương của Ngài: "Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi."

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Vì có bàn tay Chúa ở với họ, nên một số đông đã tin và trở lại cùng Chúa.
1.1/ Tin Mừng bắt đầu được loan truyền ra ngoài lãnh thổ của Do-thái: Sau cuộc bách hại xảy ra nhân vụ ông Stephanô, các môn đệ phải tản mác đi đến tận miền Phoenicia, đảo Cyprius và thành Antioch. Họ không rao giảng Lời Chúa cho ai ngoài người Do-thái. Nhưng trong nhóm, có mấy người gốc Cyprius và Cyrene; những người này, khi đến Antioch, đã giảng cho cả người Hy-lạp nữa, loan Tin Mừng Chúa Giêsu cho họ.
Điều làm chúng ta ngạc nhiên là sự trở lại của rất nhiều người và trong nhiều trường hợp rất ly kỳ, như sự trở lại của Phaolô, của viên Thái Giám người Ethiopia, và của viên Đại Đội Trưởng người Roma. Trình thuật hôm nay cho chúng ta lý do chính xác của các cuộc trở lại: "Vì có bàn tay Chúa ở với họ, nên một số đông đã tin và trở lại cùng Chúa." Nói cách khác, những người này luôn khao khát sự thật, khao khát được biết về Thiên Chúa, và khao khát được sống muôn đời; nên khi họ nghe những lời các môn đệ của Chúa rao giảng Tin Mừng, họ nhận ra ngay những khao khát của họ được đáp ứng, nên họ tuyên xưng đức tin và chịu Phép Rửa.
1.2/ Chính tại Antioch mà lần đầu tiên các môn đệ được gọi là Kitô hữu: Khi Hội Thánh tại Jerusalem nghe tin nhiều người trở lại tại Antioch, họ cử ông Barnabas đi Antioch để thành lập cộng đoàn tại đó. "Khi tới nơi và thấy ơn Thiên Chúa như vậy, ông Barnabas mừng rỡ và khuyên nhủ ai nấy bền lòng gắn bó cùng Chúa, vì ông là người tốt, đầy ơn Thánh Thần và lòng tin. Và đã có thêm một đám rất đông theo Chúa." Tên của ông Barnabas có nghĩa "con của khuyên nhủ," vì ông được Chúa ban cho có biệt về "khuyên nhủ." Điều này cho ta thấy người mục tử phải là người sống gần gũi với Thiên Chúa, trước khi có thể dẫn dắt con người đến với Thiên Chúa. Nếu người mục tử không nghe được tiếng Thiên Chúa, làm sao ông có thể giảng giải cho dân và khuyên nhủ họ đến với Ngài?
Sau đó, ông Barnabas trẩy đi Tarsus tìm ông Phaolô. Khi tìm được rồi, ông đưa ông Phaolô đến Antioch. Hai ông cùng làm việc trong Hội Thánh ấy suốt một năm và giảng dạy cho rất nhiều người. Sứ vụ của hai ông tại Antioch khởi sự cho sứ vụ rao giảng Tin Mừng đặc biệt cho Dân Ngoại. Chính tại Antioch mà lần đầu tiên các môn đệ được gọi là Kitô hữu. Danh xưng này có nghĩa là những người theo Đức Kitô. Để theo Ngài, họ cần biết nghe và thực hành những gì Ngài giảng dạy, chứ không phải chỉ là Kitô hữu trên danh nghĩa. Nói cách khác, họ là những môn đệ của Đức Kitô, và có bổn phận phải họa lại cuộc đời của Ngài cho người khác thấy và tin vào Ngài.
2/ Phúc Âm: Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi.
2.1/ Người Do-thái thắc mắc về căn tính của Chúa Giêsu: "Khi ấy, ở Jerusalem, người ta đang mừng lễ Cung Hiến Đền Thờ. Bấy giờ là mùa Đông. Đức Giêsu đi đi lại lại trong Đền Thờ, tại hành lang Solomon. Người Do-thái vây quanh Đức Giêsu và nói: "Ông còn để lòng trí chúng tôi phải thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Đấng Kitô, thì xin nói công khai cho chúng tôi biết." Ngày lễ Cung Hiến Đền Thờ cũng là ngày lễ hội ánh sáng (Hanukka) của người Do-thái. Họ cử hành lễ để tôn vinh ánh sáng vì ngày trở nên ngắn và đêm tối trở nên dài hơn (tháng 12). Ánh sáng và bóng tối có một ý nghĩa đặc biệt trong Gioan.
Tại sao cũng những lời rao giảng của Chúa Giêsu, mà có người tin vào Ngài, và có những người không tin vào Ngài? Thái độ cần phải khiêm nhường khi đi tìm sự thực là điều quan trọng, vì nếu đã hãnh diện biết rồi, còn cần gì phải đi tìm nữa! Khi người Do-thái hỏi Chúa Giêsu câu hỏi như trên, họ không có ý nhiệt thành muốn đi tìm sự thực; nhưng coi Chúa Giêsu như lý do làm họ phải nhức đầu, và họ không muốn thay đổi lề lối suy nghĩ của họ. Với một thái độ như thế, làm sao họ có thể học hỏi những gì Chúa Giêsu muốn mặc khải cho họ! Lý do khác làm họ cứng lòng vì họ muốn ở trong bóng tối (Jn 3:19-20).
2.2/ Mối liên hệ giữa Chúa Giêsu với Chúa Cha, và với con người:
(1) Liên hệ giữa Chúa Giêsu và con người: Chúa Giêsu thẳng thắn cho họ biết lý do tại sao họ không nghe Ngài: "Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông không tin. Những việc tôi làm nhân danh Cha tôi, những việc đó làm chứng cho tôi. Nhưng các ông không tin, vì các ông không thuộc về đoàn chiên của tôi. Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi." Họ không tin Chúa Giêsu không phải vì không có các lý do chắc chắn để tin; nhưng vì họ từ chối không chịu lắng nghe và suy nghĩ những gì Chúa Giêsu đã nói và đã làm. Họ muốn thấy dấu lạ, Chúa Giêsu đã làm nhiều dấu lạ. Họ muốn nghe lời chân lý, Chúa Giêsu đã mặc khải bao nhiêu sự thật của Thiên Chúa. Nếu những người thiện chí muốn đi tìm sự thật, họ đã nhận ra Ngài đến từ Thiên Chúa từ lâu rồi. Nhưng họ đã nhìn và đã nghe đến độ Chúa phải dùng lời tiên tri Isaiah mà nói: "Chúng ra đui mù và lòng chúng ra chai đá, kẻo mắt chúng thấy và lòng chúng hiểu được mà hoán cải, rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành" (Jn 12:40).
(2) Liên hệ giữa Chúa Giêsu với Chúa Cha: Chúa nói: "Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. Tôi và Chúa Cha là một."
Trong Kế Hoạch Cứu Độ, con người được Chúa Cha ban cho Chúa Giêsu bằng cách tạo cơ hội để họ nghe Chúa Giêsu rao giảng; đồng thời ban Thánh Thần để họ nhận ra sự thật và thúc đẩy họ tin vào Đức Kitô. Vì thế, cả hai: Chúa Cha và Chúa Con đều hoạt động cho cùng một mục đích là để con người có thể tin vào Đức Kitô và được hưởng cuộc sống muôn đời. Khi các tín hữu đã tin vào Đức Kitô, Ngài sẽ bảo vệ họ; nếu họ trung thành nghe tiếng Ngài hướng dẫn, không một quyền lực nào có thể động đến các tín hữu, và cuộc sống muôn đời là của họ (Jn 6:39-40).

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta có bổn phận loan truyền Lời Chúa cho mọi người và cho mọi dân tộc trên thế giới; vì tất cả được Thiên Chúa dựng nên và có khả năng để đón nhận sự thật.
- Chúng ta là đoàn chiên của Đức Kitô, chúng ta phải biết lắng nghe để nhận ra tiếng của Ngài, và theo sự hướng dẫn của Ngài, thì mới mong tránh được mọi nguy hiểm trong cuộc đời.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


24/04/2018 - THỨ BA TUẦN 4 PS
Th. Phi-đen Dich-ma-ring-gân, linh mục
Ga 10,22-30

VIỆC LÀM MINH CHỨNG
“Nếu ông là Đấng Ki-tô, thì xin nói công khai cho chúng tôi biết.” Đức Giê-su đáp: “Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông không tin. Những việc tôi làm nhân danh Cha tôi, những việc đó làm chứng cho tôi.” (Ga 10,24-25)
Suy niệm: Trả lời cho viên sĩ quan cai ngục về nguồn gốc của mình, cha Kolbe dõng dạc nói: “Tôi là một linh mục Công Giáo”. Lời tuyên bố này được minh chứng bằng những việc bác ái ngài thực hiện trong tù, đặc biệt bằng hành động chết thay cho một người bạn tù đáng thương. Những hành vi bác ái ấy minh chứng cha Kolbe thuộc về Thiên Chúa và là môn đệ Chúa Giê-su. Chúa Giê-su luôn thể hiện nguồn gốc của mình thuộc về Chúa Cha, bằng lời giảng dạy và việc làm. Đời sống của Ngài khiến những người đương thời nhìn nhận nơi Ngài không có điều gì gian dối, là “người vô tội” và là “Con Thiên Chúa”. Việc của Ngài làm chứng minh nguồn gốc của Ngài.
Mời Bạn: Chúng ta là Ki-tô hữu, là những người được chọn để thuộc về Thiên Chúa. Trong khuôn viên nhà thờ quen thuộc, chúng ta dễ dàng để tuyên xưng như thế. Nhưng có những lúc rất ngại để nói mình là Ki-tô hữu, vì những việc chúng ta làm nghịch lại với nguồn gốc và ơn gọi của mình. Bạn sẽ nói thế nào về nguồn gốc Ki-tô hữu của bạn khi bạn không sống phù hợp với đức tin?
Chia sẻ: Người ta hãnh diện về vị trí, tài năng, nguồn gốc của họ. Tại sao bạn ngại ngùng nói về nguồn gốc Ki-tô hữu của bạn?
Sống Lời Chúa: Quyết tâm thực hiện Lời Chúa dạy qua một việc làm cụ thể.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su Phục Sinh, xin giúp con mạnh dạn sống Lời Chúa dạy, để con vui sướng khi tỏ dấu con thuộc về Chúa.
(5 Phút Lời Chúa)

Không ai cướp được chúng (24.4.2018 – Th ba Tun 4 Phc sinh)
Theo Chúa đâu phi đ tránh bão, nhưng đ vượt qua cơn bão. Theo Chúa đâu phi đ khi b cám d, nhưng đ thng cơn cám d.


Suy nim:
Có những Kitô hữu theo đạo để mong tránh sóng gió của cuộc đời.
Nhưng đã có lần con thuyền chở Đức Giêsu và môn đệ gặp bão lớn,
nước tràn vào khiến thuyền gần chìm, làm môn đệ hốt hoảng.
Theo Chúa đâu phải để tránh bão, nhưng để vượt qua cơn bão.
Theo Chúa đâu phải để khỏi bị cám dỗ, nhưng để thắng cơn cám dỗ.
Cuộc sống của người Kitô hữu không tránh khỏi những khó khăn
mà những người không Kitô hữu phải đối mặt mỗi ngày.
Hơn nữa, người Kitô hữu còn gặp nhiều khó khăn hơn.
Có những cơn bão ập đến bất ngờ chỉ vì họ là Kitô hữu.
Làm chiên trong đàn chiên của Đức Giêsu
không có nghĩa là được hưởng một sự êm ả dễ chịu.
Được ở trong ràn chiên của Chúa,
không có nghĩa là được yên ổn, chẳng bị ai quấy phá.
Đức Giêsu đã nói đến chuyện kẻ trộm, kẻ cướp, leo tường mà vào (c.10).
Chúng đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy đàn chiên (c. 10).
Khi được dẫn đi ăn nơi đồng cỏ, chiên còn phải đối đầu với sói dữ.
“Sói cướp lấy chiên và làm cho chiên tán loạn” (c. 12).
Đức Giêsu khẳng định mình không phải là người làm thuê,
nên khi sói đến, Ngài không bỏ chiên mà chạy.
Chiên là điều quý giá đối với Ngài đến độ Ngài dám nói nhiều lần:
“Tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (cc. 11.15.17.18.).
Và thực sự Ngài đã làm điều đó trên thập giá.
Rõ ràng bảo vệ đoàn chiên là chuyện mấy chẳng dễ dàng.
Nếu Đức Giêsu, người mục tử nhân hậu mà bất khuất,
đã phải hy sinh mạng sống cho đoàn chiên,
thì hẳn cuộc chiến giằng co phải rất là ác liệt.
Kẻ thù của chiên chẳng phải là kẻ kém cỏi tầm thường.
Trong cuộc chiến để bảo vệ chiên, còn có sự hiện diện của Cha.
Chiên là của Cha và Cha đã giao chiên cho Đức Giêsu (c. 29).
Cha và Con cùng hợp tác để bảo vệ đoàn chiên,
không để ai cướp chiên ra khỏi vòng tay che chở của mình (cc. 28-29).
Cha và Con một lòng một ý trong nhiệm vụ này (c. 30).
Việc bảo vệ chiên còn kéo dài mãi đến tận thế.
Chúng ta làm gì để cộng tác với Chúa trong việc bảo vệ mình khỏi sói dữ?
Hãy tin vào Giêsu và nhận ra giọng nói của Giêsu để khỏi bị lừa.
Hãy theo sát sự dẫn đường của Giêsu, vị Mục tử đã chiến thắng cái chết.
Và hãy tin vào Chúa Cha, Đấng mạnh mẽ hơn tất cả (c. 29).
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu, vị tử đạo tuyệt vời,
Chúa đưa chúng con vào thế giằng co liên tục.
Chúa vừa chọn chúng con ra khỏi thế gian,
lại vừa sai chúng con vào trong thế gian đó.
Thế gian này vàng thau lẫn lộn.
Có khi vàng chỉ là lớp mạ bên ngoài.

Xin cho chúng con giữ được bản lãnh của mình,
giữ được vị mặn của muối,
và sức tác động của men,
để đem đến cho thế gian
một linh hồn, một sức sống.

Chúng con chẳng sợ mình bỏ đạo,
chỉ sợ mình bỏ sống đạo
vì bị quyến ru bởi bao thú vui trần thế.

Xin cho chúng con đừng bao giờ quên rằng
chúng con mang dòng máu của các vị tử đạo,
những người đã đặt Chúa lên trên mạng sống.

Lạy Chúa Giêsu, nếu thế gian ghét chúng con,
thì xin cho chúng con cảm thấy niềm vui
của người được diễm phúc nên giống Chúa. Amen.

Lm Antôn Nguyn Cao Siêu, SJ


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
24 THÁNG TƯ
Phó Thác Cho Quyền Lực Cứu Độ Của Đức Kitô
Ơn cứu chuộc bắt đầu với Thập Giá và được hoàn thành nơi cuộc Phục Sinh. Chiên Con đã cứu chuộc bầy chiên. Đức Kitô vô tì tích đã giao hòa các tội nhân với Chúa Cha.
Và, con người đã được giải thoát khỏi sự chết và được trao ban lại sự sống. Và, con người đã được giải phóng khỏi tội lỗi và được trao ban lại tình yêu. Hỡi tất cả những ai còn đang chìm trong bóng tối của sự chết, xin hãy lắng nghe: Đức Kitô đã sống lại! Hỡi tất cả những ai còn đang bị đè nặng dưới ách của tội lỗi, xin hãy lắng nghe: Đức Kitô đã vượt thắng tội lỗi nơi Thập Giá và nơi cuộc Phục Sinh của Người! Hãy phó thác sự sống của anh em cho Người!
Hỡi con người của thế giới hôm nay! Hãy qui phục Đức Kitô, qui phục quyền lực của Người! Càng khám phá ra những nẻo đường tội lỗi sau lưng mình, anh em càng ý thức hơn sự chết khủng khiếp như thế nào. Anh em hãy đặt mình trong quyền năng cứu độ của Đức Kitô!
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 24/4
Thánh Fiđêlê Sigmaringen linh mục tử đạo
Cv 11,  19-26;  Ga 10, 22-30.

LỜI SUY NIỆM: “Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai được cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. Tôi và Chúa Cha là một.”
Đây là một lời khẳng định của Chúa Giêsu đối với những ai tin và thuộc về Người, sự an toàn của mỗi người không chỉ được quyền năng của Người bảo vệ, mà còn có sự bảo vệ của chính Chúa Cha, với lời khẳng định này của Người, Người còn cho chúng ta biết được Người với Chúa Cha là một. Điều này được làm sáng tỏ trong Tin Mừng của Gioan: “Để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con.” (Ga 17,21)
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã yêu mến và vâng lời Chúa Cha trọn vẹn và đã đón nhận chúng con vào vòng tay quyền năng yêu thương tha thứ của Chúa, xin cho mỗi người trong chúng con luôn yêu mến và tạ ơn Chúa với đời sống vâng phục Chúa và yêu thương nhau.
Mạnh Phương


Gương Thánh Nhân
Ngày 24-04
Thánh FIDÊLÊ Đệ SIGMARINGA
Tử Đạo - (1528 - 1622)

Thánh Fidelê, tên thật là Marê Rey, sinh ra năm 1528 ở Sigmaringa nước Đức. Sau những ngày trong tuổi thơ ấu trong trắng vô tội, Ngài được gởi đi học tại đại học tại Friburg, Thụy Sĩ. Để tự chủ, Marê thực hiện nhiều việc bỏ mình nghiêm ngặt. Khi đã hoàn tất cấp bậc tiến sĩ về triết học, Ngài đã tỏ ra rất mực khôn ngoan đến nỗi người ta gọi Ngài là triết gia Kitô giáo.
Năm 1604, công tước Stotzngen xin Ngài hứơng dẫn cho con mình và hai nhà quí phái khác trong một cuộc du hành khắp các vương quốc Âu Châu để học hiểu. Cuộc du hành kéo dài sáu năm. Marê đã khuyên nhủ họ nhiều điều không thể quên được. Ngài thúc giục họ phải biết thắng vượt chính mình: - Sống xa hoa nhẹ dạ, người ta bất xứng với vinh quang thực mà chỉ chinh phục được bằng nỗ lực và bằng việc chà đạp vui thú dưới chân.
Sau cuộc viễn du những nhà quí phái trẻ muốn Ngài đừng bỏ họ. Ngài đã theo học luật. Và sau khi nhận bằng tiến sĩ luật Ngài lập văn phòng luật sư ở Colmar. Ngài quyết thực thi đức ái đến nỗi Ngài được gọi là luật sư của dân nghèo. Nhưng nghề nghiệp đã cứu giúp Ngài khám phá ra được những bất lương của cuộc đời. Quyết định theo đuổi đời sống hoàn hảo, Ngài tới gõ cửa dòng Phanxicô. Năm 1612 Ngài được danh hiệu Fiđêlê.
Vị luật sư trở thành thầy dòng làm cho ma quỉ tức giận. Trước các cơn cám dỗ, thày Fiđêlê bối rối, nhưng thử thách tan biến khi Ngài đến giải bày nỗi lòng với một linh mục giàu kinh nghiệm, Người đã dạy Ngài cầu nguyện nhiều hơn,
Fiđêlê đã khẩn cầu tha thiết. - Lạy Chúa cứu chuộc con, xin trả lại niềm vui cần thiết và bình an tâm hồn. Xin hãy tẩy sạch mọi nghi ngờ để ý Chúa được thực hiện và để con thắng vượt quân thù, thắng con người và những đam mê của con.
Fiđêlê nỗ lực hy sinh hãm mình cho đến khi Thiên Chúa ban lại bình an cùng ánh sáng cho Ngài. Từ đó thánh nhân luôn trung thành quảng đại hiến mình cho Chúa. Ngài nói: - Thật bất hạnh nếu tôi là một chiến sĩ dưới quyền thủ lãnh đầu đội mão gai, mà lại chiến đấu một cách yếu hèn.
Khi được chọn làm bề trên tu viện ở Weltkirvhen, Ngài được ơn làm phép lạ để hoán cải người ta. Gặp thời dịch tể, Ngài hết mình phục vụ các bệnh nhân. Người ta thấy Ngài ở khắp nơi, trong nhà thương, ở tư gia, chạy trên đường phố, săn sóc thân xác linh hồn mọi người và thường chữa lành cho cả hồn lẫn xác.
Lạc giáo tàn phá miền Grisons. Đức giáo hoàng giao cho thánh Fiđêlê trách nhiệm đối phó với nhón người theo pháí Calvin. Thánh nhân giã từ tu viện, để lại bao nhiêu là xúc động, Ngài từ biệt dân Weltkirchen như đi chịu tử đạo.
Nhưng với các bạn đồng hành, Ngài khích lệ: - Nào chúng ta lên đường tới nơi mà Chúa kêu gọi và mùa gặt thúc bách.
Ngài giảng cho dân chúng, dạy người nghèo, thông truyền giáo lý cho trẻ em.
Để cứu một linh hồn, Ngài cũng sẵn sàng đi chân không vượt qua mọi sỏi đá tuyết sương. Những người Thệ phản bực tức vì sự anh dũng của thánh nhân nên họ quyết thủ tiêu Ngài. Thư từ Ngài viết còn ghi: - Thày Fiđêlê sẽ sớm làm mồi cho sâu bọ.
Một lần kia, sau bài giảng hùng hồn, thánh nhân xin bạn mình ngồi tòa giải tội vì Ngài phải đi Seewis không biết có điều gì sẽ xảy ra, nhiều người lo lắng cầu nguyện cho Ngài.
Một người đã hỏi : - Nếu các người theo lạc giáo tấn công thì Cha làm sao ?
Thánh Fiđêlê trả lời : - Tôi sẽ làm như các vị tử đạo. Tôi sẽ vui mừng đón nhận cái chết vì tình yêu Chúa và coi đó như một ân huệ lớn lao dành cho tôi.
Ngài thường nói : - Lạy Chúa, con phải chịu khó với Chúa nếu con muốn được hoàn toàn thuộc về Chúa.
Tại Seewis, Ngài rung chuông tập họp dân chúng lại. Một riếng súng nổ, nhưng không trúng Ngài. Trên đường về Grisch, Ngài bị một nhóm binh sĩ lạc giáo xông vào đánh đập, Ngài chỉ nói được trong hơi thở yếu ớt: - Tôi hiến mạng sống tôi để các bạn nhận biết đức tin của tổ tiên chúng ta.
Bị đập, Ngài vẫn gắng gượng để thốt lên : - Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con. Lạy Mẹ Maria, xin giúp đỡ con.
Và Ngài đã xin Thiên Chúa tha cho kẻ thù mình và gục ngã dưới lưỡi gươm ngày 24 tháng 04 năm 1622.
(daminhvn.net)


24 Tháng Tư
Hạt Táo
Tại một xứ Hồi giáo nọ, có một người đàn ông bị vua truyền lệnh treo cổ vì đã ăn cắp thức ăn của một người khác. Như thường lệ, trước khi bị treo cổ, tù nhân được nhà vua cho phép xin một ân huệ. Kẻ tử tội bèn xin với nhà vua như sau: "Tâu bệ hạ, xin cho thần được trồng một cây táo. Chỉ trong một đêm thôi, hạt giống sẽ nảy mầm, thành cây và có trái ăn ngay tức khắc. Ðây là một bí quyết mà cha thần đã truyền lại cho thần. Thần tiếc là bí quyết này không được truyền lại cho hậu thế".
Nhà vua truyền lệnh cho chuẩn bị mọi sự sẵn sàng để sáng hôm sau người tử tội sẽ biểu diễn cách trồng táo. Ðúng giờ hẹn, trước mặt nhà vua và các quan văn võ trong triều đình, tên trộm đào một cái lỗ nhỏ và nói: "Chỉ có người nào chưa hề ăn cắp hoặc lấy của người khác, người đó mớico thể trồng được hạt giống này. Vì đã từng ăn trộm nên tôi không thể trồng được hạt giống này".
Nhà vua tin người tử tội, nên mới quay sang nhìn vị tể tướng, có ý nhờ ông ta làm công tác ấy. Nhưng sau một hồi do dự, vị tể tướng mới thưa: "Tâu bệ hạ, thần nhớ lại lúc còn niên thiếu, thần cũng đã có lần lấy của người khác... Thần cảm thấy mình không đủ điều kiện để trồng hạt táo này". Nhà vua đảo mắt nhìn quanh các quan văn võ đang cómặt, ông nghĩ bụng: may ra quan thủ kho trong triều đình là người nổi tiếng trong sạch có thể hội đủ điều kiện. nhưng cũng giống như vị tể tướng, quan thủ kho cũng lắc đầu từ chối và tuyên bố trước mặt mọi người rằng, ông cũng đã có một lần gian lận trong chuyện tiền bạc. không còn tìm được người nào có thể thực hiện được bí quyết trồng cây ấy, nha vua định cầm hạt giống đến cho vào lỗ đã đào sẵn. Nhưng ông cũng chợt nhớ rằng lúc còn niên thiếu, ông cũng có lần đánh cắp một báu vật của vua cha...
Lúc bấy giờ, người tử tội chỉ vì ăn cắp thức ăn, mới chua xót thốt lên: "Các ngài là những kẻ quyền thế cao trọng. Các ngài không hề thiếu thốn điều gì. Vậy mà các ngài cũng không thể trồng được hạt giống này, bởi vì các ngài cũng đã hơn một lần lấy của người khác. Còn tôi, một con người khốn khổ, chỉ lỡ lấy thức ăn của người khác để ăn cho đỡ đói qua ngày, thì lại bị các ngài nghị án treo cổ...". Nhà vua và cả triều thần nghe như xốn xáo trong lương tâm. Ông ra lệnh phóng thích cho người ăn trộm.
Lời cầu chúc "bình an" của Ðức Kitô Phục Sinh là một thứ hạt táo được gieo vào tâm hồn chúng ta. hạt giống bình an đó chỉ có thể nảy mầm thành cây và mang lại hoa trái là nếu mỗi người ai cũng dọn sẵn đất đai cho nó. Ðất đai thuận tiện để cho hạt giống của Bình An ấy được nảy mầm, chính là lòng sám hối thực sự. Sám hối nghĩa là biết chấp nhận chính bản thân và sãn sàng cảm thông, tha thứ cho người khác. Có nhận ra những yếu đuối bất toàn của mình, con người mới dễ dàng cảm thông và tha thứ cho người. Và có cư sử như thế, chúng ta mới thấy được hạt giống Bình An nảy mầm trong tâm hồn chúng ta và mang lại hoa trái cho người xung quanh...
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét