Trang

Thứ Năm, 30 tháng 8, 2018

31-08-2018 : THỨ SÁU - TUẦN XXI THƯỜNG NIÊN


31/08/2018
Thứ sáu tuần 21 thường niên


BÀI ĐỌC I: 1 Cr 1, 17-25
“Chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, một cớ vấp phạm đối với người đời, nhưng là sự khôn ngoan đối với những người Thiên Chúa kêu gọi”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, Đức Kitô không sai tôi đi rửa tội, mà là đi rao giảng Tin Mừng, không phải bằng lời nói khôn khéo, kẻo thập giá của Đức Kitô ra hư không.
Vì chưng lời rao giảng về thập giá là sự điên rồ đối với những kẻ hư mất; nhưng đối với những người được cứu độ là chúng ta, thì điều đó là sức mạnh của Thiên Chúa. Vì như đã chép rằng: “Ta sẽ phá huỷ sự khôn ngoan của những kẻ khôn ngoan, sẽ chê bỏ sự thông sáng của những người thông sáng”. Người khôn ngoan ở đâu? Người trí thức ở đâu? Người lý sự đời này ở đâu? Nào Thiên Chúa chẳng làm cho sự khôn ngoan của thế gian này trở nên ngu dại sao? Vì khi thế gian tự phụ là khôn, không theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa mà nhận biết Thiên Chúa, thì Thiên Chúa đã muốn dùng sự điên rồ của lời rao giảng để cứu độ những kẻ tin. Vì chưng, các người Do-thái đòi hỏi những dấu lạ, những người Hy-lạp tìm kiếm sự khôn ngoan, còn chúng tôi, chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, một cớ vấp phạm cho người Do-thái, một sự điên rồ đối với các người ngoại giáo, nhưng đối với những người được kêu gọi, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, thì Ngài là Chúa Kitô, quyền năng của Thiên Chúa, và sự khôn ngoan của Thiên Chúa, vì sự điên dại của Thiên Chúa thì vượt hẳn sự khôn ngoan của loài người, và điều yếu đuối của Thiên Chúa thì vượt hẳn sự mạnh mẽ của loài người. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 32, 1-2. 4-5. 10ab và 11
Đáp: Địa cầu đầy ân sủng của Chúa (c. 5b).
Xướng: 1) Người hiền đức, hãy hân hoan trong Chúa! Ca ngợi là việc của những kẻ lòng ngay. Hãy ngợi khen Chúa với cây đàn cầm, với đàn mười dây, hãy xướng ca mừng Chúa. – Đáp.
2) Vì lời Chúa là lời chân chính, bao việc Chúa làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu chuộng điều công minh chính trực, địa cầu đầy ân sủng của Chúa. – Đáp.
3) Chúa phá tan ý định của các nước, làm cho vô hiệu tư tưởng của chư dân. Ý định của Chúa tồn tại muôn đời, tư tưởng lòng Người còn mãi đời nọ sang đời kia. – Đáp.
ALLELUIA: 1 Tx 2, 13
Alleluia, alleluia! – Anh em hãy đón nhận lời Chúa, không phải như lời của loài người, mà là như lời của Thiên Chúa, và đích thực là thế. – Alleluia. 
PHÚC ÂM: Mt 25, 1-13
“Kìa chàng rể đến, hãy ra đón người”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu. 
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này: “Nước trời giống như mười trinh nữ cầm đèn đi đón chàng rể. Trong số đó, có năm cô khờ dại và năm cô khôn ngoan. Năm cô khờ dại mang đèn mà không đem dầu theo. Còn những cô khôn ngoan đã mang đèn, lại đem dầu đầy bình. Vì chàng rể đến chậm, nên các cô đều thiếp đi và ngủ cả.
“Nửa đêm có tiếng hô to: Kìa, chàng rể đến, hãy ra đón người. Bấy giờ các trinh nữ đều chỗi dậy, sửa soạn đèn của mình. Những cô khờ dại nói với các cô khôn ngoan rằng: ‘Các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em đã tắt cả’. Các cô khôn ngoan đáp lại rằng: ‘E không đủ cho chúng em và các chị, các chị ra (nhà) hàng mà mua thì hơn’. Song khi họ đang đi mua, thì chàng rể đến. Những trinh nữ đã sẵn sàng, thì theo chàng rể cùng vào tiệc cưới, và cửa đóng lại. Sau cùng các trinh nữ kia cũng đến và nói: ‘Thưa ngài, xin mở cửa cho chúng tôi’. Nhưng người đáp lại: ‘Ta bảo thật các ngươi, ta không biết các ngươi’. Vậy hãy tỉnh thức, vì các con không biết ngày nào, giờ nào”. Đó là lời Chúa.

SUY NIỆM : Tích cực sống đức tin
Ðời người là một cuộc đợi chờ và đợi chờ nào cũng bao hàm tình yêu trong đó. Ðợi chờ chính là một cuộc thử nghiệm tình yêu, bởi vì con người chỉ hết lòng đợi chờ mong mỏi người nào hoặc điều gì mà mình hết lòng yêu thương hoặc quí chuộng. Với ý nghĩa đó, đợi chờ phải là một cuộc chuẩn bị thực sự.
Dụ ngôn mười trinh nữ chờ đợi chàng rể đến lúc bắt đầu tiệc cưới mà Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe hôm nay, làm nổi bật thái độ tỉnh thức đợi chờ, nghĩa là các trinh nữ hướng về chàng rể với tâm hồn yêu thương, với đèn dầu để cháy sáng.
Chúa Giêsu được mô tả qua dung mạo chàng rể và tiệc cưới là Nước Thiên Chúa. Chàng rể đến chậm và vào lúc bất ngờ, tức là việc Chúa Kitô đến trong vinh quang vào lúc cuối cùng lịch sử là điều bất ngờ, không ai có thể đoán trước được. Các trinh nữ được bước vào tiệc cưới với đèn cháy sáng. Ðèn cháy sáng là dấu chỉ của một đức tin sống động. Các trinh nữ khôn ngoan đã lãnh lấy và chu toàn trách nhiệm của mình để giữ đèn của mình được luôn cháy sáng, cho đến khi chàng rể là Chúa Kitô đến, dù chàng rể có đến chậm.
Những chi tiết của dụ ngôn cho hiểu thêm trách nhiệm của cá nhân trong việc giữ cho đèn đức tin được luôn cháy sáng. Mỗi Kitô hữu phải tích cực sống đức tin, chứ không thể vay mượn hay nhờ người khác làm thay được; mỗi Kitô hữu cần đến sự khôn ngoan của Thiên Chúa để vượt qua mọi thử thách trong cuộc đời, để luôn sống trong hy vọng, sống theo ánh sáng sự sống, chứ không bị mê hoặc bởi những cám dỗ của thời đại đã bị trần tục hóa và đầy tinh thần hưởng thụ.
Xin Chúa mở rộng đôi mắt chúng ta để nhận ra sự hiện diện của Chúa trong lịch sử. Xin ban sức mạnh để chúng ta chu toàn bổn phận cho phù hợp với thánh ý Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)



Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu Tuần 21 TN2
Bài đọcI Cor 1:17-25; Mt 25:1-13.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Khôn ngoan của Thập Giá.
Con người thường có khuynh hướng không chấp nhận gian khổ và tìm cách tránh né, nhưng không có gian khổ sẽ không có vinh quang. Chẳng hạn, người lực sĩ thế vận phải hy sinh sức khỏe, thời giờ, tiền bạc, sở thích… trước khi có thể có huy chương vàng quàng quanh cổ của mình. Thánh Phaolô nhận xét: họ hy sinh tất cả để có một huy chương vàng sẽ mục nát; còn chúng ta hy vọng sẽ được phần thưởng không bao giờ mục nát: đó là cuộc sống đời đời. Vì thế, chúng ta sẵn sàng hy sinh chịu mọi gian khổ để chiến thắng cho được phần thưởng không mục nát này.
Các bài đọc hôm nay muốn làm nổi bật sự khôn ngoan theo cách thức của Thiên Chúa. Trong bài đọc I, thánh Phaolô đề cao sự khôn ngoan của Thập Giá, cho dẫu người Do-thái cho là một xỉ nhục và dân ngoại cho là một điên rồ. Chính nhờ cây Thập Giá mà Đức Kitô đã gánh mọi tội cho nhân loại và đem lại ơn cứu độ cho tất cả những ai tin vào Ngài. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu ví Nước Trời như 5 cô khôn ngoan đi đón chàng rể, họ mang theo đèn và mang cả bình đựng dầu; vì thế, khi chàng rể đến, họ theo chàng rể vào dự tiệc cưới; chứ không bị loại ra ngoài như 5 trinh nữ khác.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: So sánh khôn ngoan của con người với khôn ngoan của Thiên Chúa.
Thánh Phaolô có lý do để nhận xét: “Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do-thái hay Hy-lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người.”
Đối với các triết gia Hy-lạp là những người yêu mến sự khôn ngoan, họ không thể hiểu được sự khôn ngoan của Thập Giá. Họ không thể chấp nhận một Thiên Chúa khôn ngoan lại mặc lấy thân xác con người; vì theo họ thân xác là ngục tù của linh hồn, mà họ đang dùng khôn ngoan để tìm cách thóat ra (Plato). Hơn nữa, Thập Giá biểu lộ sự dại khờ dưới mắt con người: Tại sao không dùng khôn ngoan để tìm ra cách nào dễ dàng hơn để đạt được sự bất tử? Đối với họ, một Thiên Chúa khôn ngoan sẽ không chọn con đường Thập Giá!
Đối với đa số Luật-sĩ và Biệt-phái Do-thái là những người yêu mến những điềm thiêng dấu lạ, họ không thể hiểu được uy quyền sức mạnh của Thập Giá. Họ cho rằng một Thiên Chúa chọn Thập Giá là một Thiên Chúa không uy quyền. Người Do-thái hy vọng Đấng Messiah sẽ đến trong uy quyền và vinh quang, sẽ đánh dẹp tất cả các quân thù, và sẽ cai trị dân chúng đến muôn đời. Chính ma quỉ đã bày kế cho Chúa trong sa mạc trước khi bắt đầu sứ vụ rao giảng của Ngài: Ông hãy biến đá thành bánh, hãy làm những dấu lạ chưa từng xảy ra để biểu lộ quyền năng, và cho hưởng phú quí vinh quang. Đó là những cái mà con người đang mong muốn, họ sẽ tin vào ông qua những dấu chỉ này.
Nhưng đối với Phaolô và những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do-thái hay Hy-lạp, Đức Kitô chính là sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa, vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người. Con người muốn chọn những con đường rộng rãi thênh thang, nhưng những con đường này chỉ dẫn đến sự hủy diệt. Con người muốn chứng kiến những phép lạ chưa từng xảy ra, nhưng những phép lạ này đã không dẫn đến niềm tin đích thực vào Chúa. Thiên Chúa dùng Thập Giá để biểu tỏ tình yêu của Ngài dành cho con người, và con người cảm nhận được tình yêu này mỗi khi họ ngước nhìn lên Thập Giá. Thiên Chúa đã dùng Thập Giá để tiêu diệt kẻ thù cuối cùng và mạnh nhất của con người là sự chết bằng cách gánh tội lỗi để chết thay cho nhân lọai. Như vậy, Thập Giá được dùng để chứng tỏ tình yêu và công bằng của Thiên Chúa.
2/ Phúc Âm: Khôn ngoan và khờ dại.
Để nhấn mạnh cho con người biết sự cần thiết của việc chuẩn bị sẵn sàng, Chúa Giêsu so sánh Nước Trời giống như chuyện mười trinh nữ cầm đèn ra đón chú rể. Trong mười cô đó, thì có năm cô dại và năm cô khôn. Vì chú rể đến chậm, nên các cô thiếp đi, rồi ngủ cả. Nửa đêm, có tiếng la lên: “Chú rể kia rồi, ra đón đi!” Bấy giờ tất cả các trinh nữ ấy đều thức dậy, và sửa soạn đèn. Theo tục lệ của Do-Thái, đám cưới thường xảy ra ban đêm, và chàng rể muốn tạo sự bất ngờ bằng việc không cho biết giờ đến. Đèn là nguồn ánh sáng duy nhất cho các gia đình trong thời này.
Năm cô khôn ngoan là những người biết nhìn xa và chuẩn bị: không những vừa mang đèn mà còn vừa mang chai dầu theo. Và khi được hỏi để cho mượn dầu, các cô khôn đáp: “Sợ không đủ cho chúng em và cho các chị đâu, các chị ra hàng mà mua lấy thì hơn.” Không phải các cô ích kỷ không cho mượn, nhưng các cô không biết là tiệc cưới sẽ kéo dài bao lâu. Và những cô đã sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới. Rồi người ta đóng cửa lại.
Năm cô khờ dại là những người chỉ thấy những gì trước mắt và không phòng xa: các cô mang đèn mà không mang dầu theo. Khi được báo ra đón chàng rể, các cô năn nỉ với các cô khôn rằng: “Xin các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em tắt mất rồi!” Khi không vay mượn được, các cô chạy đi mua dầu; đang lúc các cô đi mua, thì chú rể tới. Sau cùng, các cô cũng đến gọi: “Thưa Ngài, thưa Ngài! mở cửa cho chúng tôi với!” Nhưng Người đáp: “Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả!”
Và Chúa cảnh cáo: “Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.”
Nhiều nhà chú giải áp dụng dụ ngôn này cho người Do-thái vì họ là những người đã được kêu gọi và chuẩn bị cho ngày của Đấng Thiên Sai tới, nhưng khi Ngài tới họ đã không sẵn sàng để đón tiếp, nên đã bị lọai ra ngòai. Nhưng cách chú giải đúng hơn là dành cho mọi người về sự cần thiết để chuẩn bị cho ngày về với Chúa.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta cần cẩn thận khi so sánh khôn ngoan của con người với khôn ngoan của Thiên Chúa: Hầu hết các khôn ngoan và sức mạnh của con người là khờ dại và yếu hèn trước mắt Thiên Chúa. Ngược lại, những gì con người cho là khờ dại và yếu đuối thì Chúa lại dùng để dạy con người biết khôn ngoan (Thập Giá, người quan trọng nhất, khiêm nhường, phục vụ…).
– Cần biết phòng xa và chuẩn bị thích đáng; đừng để nước đến chân mới nhảy.
– Có những thứ không thể vay muợn: tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân, công bằng xã hội.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


31/08/2018 – THỨ SÁU TUẦN 21 TN
Mt 25,1-13

GHI NHỚ CÙNG ĐÍCH ĐỜI NGƯỜI
“Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.” (Mt 25,13)

Suy niệm: “Quên mục đích của mình là hình thức phổ biến nhất của sự khờ dại” (Triết gia F. Nietzsche). Tại sao các cô phù dâu khờ dại lại có thể quên mang theo dầu dự trữ? – Có lẽ các cô cũng đã nghĩ đến quãng đường dài đi đón chàng rể, nhưng lòng trí còn mãi mê với áo quần, giày dép, đồ trang điểm, nên rốt cuộc quên mất chuyện quan trọng hơn là mang thêm dầu, mục đích của việc phù dâu. Cũng vậy, cuộc sống hôm nay với những tiện nghi vật chất, hưởng thụ lạc thú, lắng lo công ăn việc làm… có thể chi phối tâm trí ta, làm cho ta xao lãng, quên mất cùng đích tối hậu của đời người: phụng thờ Chúa, đạt được ơn cứu độ cho mình và cho người khác. Khi nào quên cùng đích tối hậu của đời mình, ta gia nhập nhóm người khờ dại của thế giới.
Mời Bạn: Nhớ đến mục đích soi đèn đón chàng rể, các cô phù dâu sẽ chuẩn bị dầu dự trữ. Tương tự, nhớ đến cùng đích tối hậu sẽ giúp bạn có những chuẩn bị cho cùng đích ấy. Cùng đích tối hậu ấy chi phối, ảnh hưởng đến mọi lựa chọn lớn nhỏ trong đời bạn. Bạn có ý thức mình đang đi về đâu và hướng đi ấy có đưa bạn đến vui hưởng hạnh phúc muôn đời với Chúa của mình không?
Sống Lời Chúa: Tôi xét xem mục đích cuối cùng của tôi trong cuộc đời là gì: tiện nghi đời sống, hưởng thụ, kiếm tiền hay thờ phượng Chúa, mưu cầu phần rỗi cho mình và cho người khác?
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, cảm tạ Chúa đã chỉ cho con thấy rõ ý nghĩa, cùng đích cuộc đời của mình. Xin cho con xác tín phụng sự Chúa, phục vụ tha nhân trong cuộc sống hôm nay để mai sau được hưởng hạnh phúc muôn đời với Chúa là đích điểm đời con. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)

Vừa mang đèn, vừa mang dầu (31.8.2018 – Thứ Sáu Tuần 21 Thường niên)

Suy niệm
Nếu nhìn bề ngoài mười cô trinh nữ,
chúng ta khó lòng phân biệt được ai khôn ai dại.
Mười cô có thể là những cô phù dâu đang ở bên nhà gái,
Các cô đều mang theo đèn, hay đúng ra là những ngọn đuốc nhỏ,
vì chỉ đuốc mới không tắt khi gặp cơn gió ngoài đường.
Xúng xính trong những bộ áo đẹp,
các cô ngóng chờ chàng rể đến, để ra đón với đuốc sáng trên tay,
và để sau đó tất cả tiến vào nhà gái dự tiệc.
Nhưng vì chàng rể và nhà trai đến chậm, nên mười cô đều ngủ cả.
Đến bây giờ vẫn không thể phân biệt được năm cô khôn và năm cô dại.
Chẳng rõ các cô đã chợp mắt được bao lâu,
nhưng đến nửa đêm có tiếng la lên, báo tin chàng rể đến.
Cả mười cô đều hối hả thức dậy và lo sửa soạn đèn,
vì đèn là điều quan trọng và cần thiết để ra nghênh đón chàng rể.
Bây giờ người ta mới nhận ra trong mười cô, ai dại, ai khôn.
Vì chàng rể đến muộn quá, nên mọi ngọn đuốc của các cô đã hầu tàn.
Phải châm thêm dầu thì mới có đuốc sáng ra đón chàng rể.
Năm cô khôn dễ dàng làm cho đuốc sáng lên, vì họ đem theo dầu dự trữ.
Còn năm cô dại thì lúng túng không biết phải làm sao.
“Xin các chị cho chúng em chút dầu, vì đuốc chúng em sắp tắt rồi” (c. 8).
Các cô khôn cũng cần có đủ dầu cho cuộc đón rước sắp tới, nên đã từ chối.
Không phải vì độc ác, nhưng vì số dầu đem theo chỉ đủ cho riêng họ.
Cách giải quyết tốt nhất là đề nghị các cô dại đi mua nơi cửa hàng.
Chuyện này không khó vì các cửa hàng vẫn thường mở đến khuya.
Tiếc thay, đang lúc các cô đi mua, thì chàng rể tới.
Chỉ có năm cô mang đuốc sáng ra đón chàng rể.
Chỉ có năm cô được coi là sẵn sàng, theo chàng vào dự tiệc cưới.
Cửa được đóng lại, ngăn cách giữa người được dự tiệc và người không.
Năm cô dại cuối cùng đã có dầu, đuốc đã sáng, trở về, gõ cửa.
“Thưa Ngài, thưa Ngài, xin mở cửa cho chúng tôi với !” (c. 11).
Nhưng các cô bị từ chối thẳng : “Tôi không biết các cô là ai” (c. 12).
Dụ ngôn này có một kết thúc không vui trọn vẹn.
Tiệc cưới rất vui ở bên trong, năm cô đứng ngoài không được vào.
Chúng ta thấy tiếc cho năm cô dại.
Dại ở đây không phải vì không có thiện chí hay làm điều gian ác.
Khôn hay dại chỉ khác nhau ở chỗ sẵn sàng hay không sẵn sàng,
đuốc có sáng khi chàng rể đến hay không.
Các cô khôn đã phải tính đến chuyện lỡ chàng rể đến muộn,
làm sao có đủ dầu để thắp cho cây đuốc sáng mà ra đón.
Ai mà có đủ dầu dự trữ rồi thì ngủ cũng yên tâm.
Chúng ta cần nếm nỗi đau của năm cô đứng ngoài, khi cửa đã đóng lại.
Muộn mất rồi, mọi chuẩn bị háo hức trở nên vô ích.
Đức Giêsu chính là Chàng Rể đến bất chợt giữa đêm khuya.
Chỉ mong ta không phải năn nỉ xin dầu và vội vã đi mua dầu trong đêm.
Lời nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đã yêu trái đất này,
Và đã sống trọn phận người ở đó.
Chúa đã nếm biết
Nỗi khổ đau và hạnh phúc,
Sự bi đát và cao cả của phận người.
Xin dạy chúng con biết đường lên trời,
Nhờ sống yêu thương đến hiến mạng cho anh em.
Khi ngước nhìn lên quê hương vĩnh cửu,
Chúng con thấy mình được thêm sức mạnh
Để xây dựng trái đất này,
Và chuẩn bị nó đón ngày Chúa trở lại.
Lạy Chúa Giêsu đang ngự bên hữu Thiên Chúa,
Xin cho những vất vảcủa cuộc sống ở đời
Không làm chúng con quên trời cao;
Và những vẻ đẹp của trần gian
Không ngăn bước chân con tiến về bên Chúa.
Ước gì qua cuộc sống hằng ngày của chúng con,
Mọi người thấy nước trời đang tỏ hiện.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
31 THÁNG TÁM
Đâu Là Vai Trò Riêng Của Các Hội Đồng Giám Mục Cấp Quốc Gia?
Các hội đồng giám mục quốc gia đã trở thành một thực tại sống động, cụ thể trên mọi miền thế giới. Thượng Hội Đồng nhận thấy nhu cầu cần đào sâu sự hiểu biết thần học nhất là nền tảng tín lý của những tổ chức này. Các tổ chức này đã có nhiều đóng góp rất giá trị cho công việc của Giáo Hội tại những quốc gia khác nhau. Điề này thật đáng khích lệ. Nhưng sự phát triển và tầm mức ảnh hưởng ngày càng tăng của các tổ chức này cũng làm bật lên những vấn đề về tín lý và mục vụ trong Giáo Hội. Chúng ta tự hỏi: Các hội đồng giám mục nên phát triển như thế nào? Đâu là vai trò của các tổ chức này trong đời sống Giáo Hội?
Chính Công Đồng Vatican II – trong Sắc Lệnh về các giám mục và về vai trò quan trọng của các giám mục trong đời sống Giáo Hội – đã thúc đẩy việc đào sâu nhận hiểu về nền tảng tín lý của các hội đồng giám mục quốc gia. Trong Bộ Giáo Luật, cũng có đề cập đến các hội đồng giám mục này. Giáo luật tuyên bố rằng các giám mục “liên kết với nhau thực hiện một số chức năng để thăng tiến những thiện ích mà Giáo Hội cung ứng cho con người. (GL 447).
Chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần tác động mạnh mẽ nơi các hội đồng giám mục quốc gia – để mọi quốc gia trên trái đất này có thể được chăm sóc mục vụ hữu hiệu và được lớn lên trong đức tin.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 31/8
1Cr 1, 17-25; Mt 25, 1-13.

LỜI SUY NIỆM:  “Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.”
            Trong dụ ngôn mười cô trinh nữ chuẩn bị đón chàng rể, cho chúng ta một kinh nghiệm, là mặc dầu trong tay chúng ta đều có đèn cháy sáng, nhưng với thời gian lâu dài, dầu thắp sáng đèn sẽ vơi dần rồi cạn hết, không giúp cho đèn của mình có thể cháy sáng được. Đến khi cần thì không kịp thời gian để sắm dầu nữa, và rồi cũng không thể vay mượn bất cứ một ai, bởi vì của ai thì vừa đủ cho họ.
            Lạy Chúa Giêsu. Trong ngày chúng con chịu phép Rửa Tội chúng con đã nhận được ánh sáng và áo trắng và Giáo Hội mời gọi chúng con giữ lấy ánh sáng và sự tinh tuyền cho đến ngày ra đón Chúa. Xin cho mỗi người chúng con luôn trang bị cho mình những ân sủng của Chúa để đèn thân thể chúng con được sáng và thân thể chúng con được tinh tuyền, giúp  chúng con vui sướng đón Chúa đến cuối cuộc đời của chúng con, như năm cố trinh nữ khôn ngoan.
Mạnh Phương


31 Tháng Tám
Ốc Ðảo Hòa Bình
Cách Giêrusalem khoảng 30 cây số, một số người Do Thái và Ả Rập đã tình nguyện sống chung với nhau trong một ngôi làng mà người Do Thái gọi là Nevé Shalom, còn người Ả Rập thì gọi là Wahat as Salam: cả hai tiếng đều có nghĩa là “Ốc đảo hòa bình”.
Năm 1978, khi mới thành lập, ngôi làng Hòa Bình này chỉ có một gia đình. Một năm sau, con số đó lên đến năm và hiện nay, có tất cả 15 gia đình vừa Do Thái vừa Ả Rập chung sống với nhau. Tổng cộng dân số của ngôi làng Hòa Bình này hiện nay là 70 người. Tất cả đều đeo đuổi một mục đích chung là minh chứng rằng người Do Thái và người Ả Rập có thể sống chung với nhau mà vẫn tôn trọng sự khác biệt của nhau.
Người sáng lập ngôi làng này là cha Bruno Hussar, một linh mục công giáo năm nay 78 tuổi. Cha ngài là một người Pháp gốc Do Thái và mẹ ngài là một người Hungary cũng gốc Do Thái. Cả hai đều là những người Do Thái khổ đạo. Năm lên 22 tuổi, ngài đã trở lại công giáo và xin tu trong viện Ðaminh. Cha Bruno Hussar tuyên bố với tất cả xác tín như sau: “Trong Kinh Thánh người ta đọc được lời này: Dân Ta sống trong một ốc đảo hòa bình. Cố gắng cảm thông là điều có thể làm cho những người Do Thái và Ả Rập xích lại gần nhau, cũng như chính những người Kitô có thể đến gần với những người Hồi Giáo và vô thần”.
Ước vọng của các phụ huynh của 33 trẻ em sinh ra trong ngôi làng Hòa Bình này là thấy chúng được giáo dục chung với nhau. Do đó, họ đã cho xây một vườn trẻ chung, một trường mẫu giáo chung, một trường tiểu học chung, nơi đó các trẻ em Do Thái và Ả Rập đều có thể nói một lúc hai thứ tiếng. Một người cộng tác viên của cha Bruno cho biết như sau: “Ngay từ lúc nhỏ, các trẻ em đã có thể làm quen với hai nền văn hóa một lúc. Nhưng điều đó không có nghĩa là các em sẽ đánh mất nền văn hóa của mình, trái lại càng ý thức về nguồn gốc của mình cũng như càng tôn trọng người khác”.
Ðể bảo tồn văn hóa của mình, các gia đình trong ngôi làng Hòa Bình này cũng xây nhà theo sở thích của họ. Nhưng những căn nhà này không thuộc quyền sở hữu của họ. Tất cả đều chọn lựa sống một cuộc sống gần như tập thể: tuy trình độ khác nhau, nhưng tất cả mọi người đều đồng ý một mức lương giống nhau. Mỗi ngày, mọi dân cư trong ngôi làng này dùng điểm tâm và ăn trưa chung với nhau.
Người phụ tá của cha Bruno Hussar nói rằng: “Ngồi đồng bàn để nói chuyện với nhau thay vì giữ những thành kiến riêng, điều đó giúp thay đổi thái độ rất nhiều”.
Cũng như trong tinh thần đó, từ 10 năm qua, 15 gia đình trong ngôi làng Hòa Bình này đã tổ chức được rất nhiều cuộc gặp gỡ cho giới trẻ Do Thái và Ả Rập. Người ta cũng đã nghĩ đến một nhà cầu nguyện chung, chung không những cho người Do Thái và Ả Rập, mà còn chung cho những người không tín ngưỡng nữa…
Thà đốt lên một ngọn nến hơn là ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối… Những người dân cư trong ngôi làng Hòa Bình trên đây, hẳn đã thấy được vết dầu loang của Hòa Bình mà họ đã tung ra. Một ánh lửa được đốt lên sẽ không bao giờ tàn lụi một cách vô ích. Nó sẽ lan ra và khơi dậy những ngọn lửa mới.
Tình yêu là điều có thể có giữa con người. Hòa bình là điều mà con người có thể xây dựng nếu con người biết tin tưởng nhau, biết chấp nhận nhau, biết tôn trọng sự khác biệt của nhau…
Trong phạm vi nhỏ bé của một tổ, của một khu phố, của một xóm làng, liệu những người Kitô chúng ta có thể xây dựng được một ngôi làng Hòa Bình với nhau không?…
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét