Đức tân Giáo hoàng Lêô
XIV (ANSA)
Giáo hội khắp nơi vui mừng khi Giáo hội có Giáo hoàng mới
và bày tỏ sự ủng hộ ngài
Các Hội đồng Giám mục và các giáo phận trên khắp thế giới đã
cùng cầu nguyện và tạ ơn sau Mật viện bầu Đức Giáo hoàng Lêô XIV, mô tả vị Giáo
hoàng mới là một món quà ân sủng cho Giáo hội và là một mục tử được kêu gọi để
lãnh đạo trong thời kỳ đầy thử thách.
Vatican News
Châu Á
Việt Nam
Tại Việt Nam, Trong thông báo đến toàn thể cộng đoàn Dân
Chúa về Đức tân Giáo hoàng, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng viết: “Trong 19
ngày Tông toà trống ngôi, Dân Chúa trên toàn thế giới đã cầu nguyện, và Chúa
Thánh Thần đã soi sáng hướng dẫn các Hồng y để hôm nay Chúa ban cho chúng ta Vị
Mục tử của Hội Thánh hoàn vũ”. Ngài cũng mời gọi hiệp ý cầu nguyện cho Đức
Giáo hoàng Lêô XIV, xin Chúa ban cho ngài “được trở nên nguyên lý và nền tảng hữu
hình cho sự hợp nhất đức tin và tình hiệp thông nơi Dân Chúa”.
Nhật Bản
Tại Nhật Bản, Đức Giám mục Paul Daisuke Narui của Niigata gọi
cuộc bầu Giáo hoàng là khoảnh khắc “vui mừng, hy vọng và biết ơn”, lưu ý rằng
những lời đầu tiên của Đức Giáo hoàng Leo XIV - Bình an ở cùng tất cả anh chị
em - là một “thông điệp rõ ràng cho một thế giới đang ngày càng chia rẽ và xa
cách”. Ngài khuyến khích tất cả các giáo xứ và tu viện cử hành Thánh lễ cầu
nguyện cho vị Giáo hoàng mới và canh tân quyết tâm bước đi trên con đường Phúc
Âm.
Thái Lan
Tại Thái Lan, Đức Tổng Giám mục Francis Xavier Vira
Arpondratana, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Thái Lan, đã đưa ra một suy tư sâu sắc
và cảm động về sức nặng của sứ vụ Giáo hoàng. Ngài nói: “Giáo hoàng mới không
tuyên bố ngai vàng mà đang ôm lấy Thánh Giá. Ngài không bước vào vinh quang
nhưng đang bước vào sự hy sinh. Nhiều người sẽ không nhìn thấy gánh nặng của
ngài, nhưng tâm hồn ngài sẽ cảm nhận được nó mỗi ngày”.
Hàn Quốc
Tại Hàn Quốc, Đức Tổng giám mục Peter Soon-taick Chung của
Seoul đã nhấn mạnh ý nghĩa của tên mà tân Giáo hoàng đã chọn: “Tên Lêô XIV gợi
lên sự tiếp nối với Giáo hoàng Lêô XIII… một dấn thân đổi mới đối với lợi ích
chung và sự chú ý mục vụ đối với các giáo huấn xã hội của Giáo hội”. Ngài ca ngợi
lịch sử truyền giáo, đời sống tâm linh sâu sắc và khả năng lãnh đạo của tân
Giáo hoàng, đồng thời kêu gọi cầu nguyện cho hòa bình ở Châu Á và Bán đảo Triều
Tiên.
Philippines
Tại Philippines, Đức Tổng giám mục Socrates Villegas của
Lingayen-Dagupan nhắc nhở các tín hữu rằng Giáo hoàng là “ân sủng bằng xương bằng
thịt để hiệp nhất chúng ta… và dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu”. Ngài kêu gọi
hiệp nhất và thúc giục người Công giáo vượt lên trên những chia rẽ về ý thức hệ.
Đức cha nói: “Ngài là Giáo hoàng của chúng ta. Chúng ta đừng sợ Giáo hoàng.
Ngài là ân sủng của hy vọng. Ngài là lời cầu nguyện được đáp lại của chúng ta”.
Ấn Độ
Hội đồng Giám mục Ấn Độ cũng chào đón tân Giáo hoàng “với đức
tin và tình yêu thương con thảo”, gọi ngài là mục tử của “kinh nghiệm mục vụ, sự
khiêm nhường và sự tận tụy với Tin Mừng”. Các giám mục đã cam kết ủng hộ sứ vụ
của tân Giáo hoàng về truyền giáo, công lý, hòa bình và chăm sóc người nghèo và
thụ tạo.
Châu Mỹ
Hoa Kỳ
Đón nhận vị tân Giáo hoàng đồng hương, các Giám mục Hoa Kỳ tạ
ơn Chúa vì cuộc bầu cử. Đức Cha Timothy P. Broglio, Chủ tịch Hội đồng Giám mục
Hoa Kỳ, bình luận về việc bầu Đức Hồng y Robert Francis Prevost làm Giáo hoàng
thứ 267, rằng: “Trong cuộc đời tôi, Giáo hội đã được chúc lành bởi một loạt các
vị Giáo hoàng, mỗi người đều độc đáo và chuẩn bị cho thời điểm lịch sử của
riêng mình, nhưng tất cả đều hiệp nhất trong sứ mạng công bố chân lý vĩnh cửu của
Phúc Âm”.
Ngài nói thêm: “Chúng tôi chắc chắn rất vui mừng khi một người
con của đất nước này được các Hồng y bầu chọn, nhưng chúng tôi thừa nhận rằng
giờ đây ngài thuộc về tất cả những người Công giáo và tất cả những người thiện
chí”. Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của những lời đầu tiên của Đức Lêô XIV, chỉ
ra “con đường hòa bình, thống nhất và hoạt động truyền giáo”. Phó thác Đức tân
Giáo hoàng cho sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Đức Cha Broglio hy vọng rằng Đức
Giáo hoàng mới, “người kế vị Thánh Phêrô, sẽ tận hưởng sự thanh thản trong sứ vụ
của mình và là một mục tử sáng suốt và tỉnh thức, có khả năng củng cố chúng ta
trong đức tin và lấp đầy thế giới bằng niềm hy vọng được truyền cảm hứng từ
Phúc Âm của Chúa Giêsu Kitô”.
Canada
Giáo hội Canada cũng hòa chung niềm vui của Giáo hội hoàn vũ
chào đón Đức tân Giáo hoàng Lêô XIV. Đức Cha William T. McGrattan, Chủ tịch Hội
đồng Giám mục Canada mời gọi các Giám mục và các tín hữu chào đón và nhớ đến
tân Giáo hoàng trong lời cầu nguyện hàng ngày “để ngài có thể bắt đầu sứ vụ
Phêrô với lòng trung thành, tin tưởng rằng Chúa sẽ trợ giúp ngài”.
Peru
Hội đồng Giám mục Peru, nơi Đức tân Giáo hoàng đã truyền
giáo nhiều năm, cũng bày tỏ niềm vui và biết ơn sự dấn thân của Đức tân Giáo
hoàng cho Giáo hội và đất nước Peru, nhắc lại gương sáng phục vụ cống hiến quảng
đại của ngài. Các Giám mục mời gọi cầu nguyện xin Chúa ban cho Đức tân Giáo
hoàng một triều đại giáo hoàng hiệu quả và sáng suốt, được Chúa Thánh Thần hướng
dẫn, để tôn vinh Thiên Chúa và cứu rỗi thế giới. Các Giám mục viết: “Mong rằng
sứ vụ của ngài sẽ là nguồn hiệp nhất, hy vọng và đổi mới cho toàn thể nhân loại.
Từ Peru, chúng con bày tỏ lòng hiếu thảo, sự vâng phục trong đức tin và lòng tận
tụy của chúng con đối với sứ vụ Phêrô của Ngài”.
Châu Âu
Ý
Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý viết rằng các Giám mục nước này
hoan nghênh lời mời gọi của Đức Giáo hoàng trở thành “một Giáo hội truyền giáo,
một Giáo hội xây dựng những cây cầu, đối thoại, luôn mở lòng đón nhận, giống
như quảng trường này với vòng tay rộng mở, tất cả mọi người, tất cả những ai cần
lòng bác ái, sự hiện diện, đối thoại và tình yêu của chúng ta”. Chúng tôi cam kết
“xây dựng những nhịp cầu đối thoại, giúp đỡ nhân loại đang đau khổ, luôn phục vụ
những người nghèo khổ và cần sự giúp đỡ nhất”.
Pháp
Hội đồng Giám mục Pháp đã chào đón Đức Giáo hoàng Lêô XIV với
lòng biết ơn và cảm ơn ngài “vì đã chấp nhận sự lựa chọn của các anh em trong Hội
đồng Hồng y”. Các Giám mục viết: “Lần đầu tiên ngài xuất hiện trên ban công Đền
thờ Thánh Phêrô, những lời đầu tiên, lời chúc phúc đầu tiên của ngài đã khiến
toàn thế giới cảm nhận được cảm xúc, niềm vui sâu sắc và quyết tâm khiêm nhường
của ngài trong việc phục vụ toàn thể nhân loại”.
Các giám mục nhấn mạnh rằng sứ mạng của Giáo hoàng đòi hỏi một
tinh thần từ bỏ lớn lao, điều mà Đức Lêô XIV đã chuẩn bị thông qua những kinh
nghiệm mục vụ và đời sống của mình với tư cách là một tu sĩ, bề trên của hội
dòng, nhà truyền giáo và giám mục giáo phận. “Đức tin của ngài từ nay sẽ là đá
tảng mà các tín hữu của Chúa Kitô có thể dựa vào; lời của ngài sẽ củng cố các
giám mục và tín hữu Công giáo trong sứ vụ của họ trên thế giới hiện tại”.
Hội đồng các Hội đồng Giám mục Châu Âu
Hội đồng các Hội đồng Giám mục Châu Âu gửi thông điệp trong
đó nhắc rằng khi còn là Tổng trưởng Bộ Giám mục, Đức tân Giáo hoàng đã đồng
hành với Hội đồng Giám mục Châu Âu bằng cách chỉ ra cho các giám mục châu Âu những
ưu tiên trong sứ mạng của Giáo hội. Các ngài viết: “Trong thời điểm khó khăn
này đối với lục địa của chúng tôi, chúng tôi tin rằng Đức Thánh Cha sẽ không
quên khiến chúng tôi cảm nhận được sự gần gũi và khích lệ của ngài”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét