Trang

Thứ Ba, 1 tháng 10, 2013

02-10-2013 : THỨ TƯ TUẦN XXVI MÙA THƯƠNG NIÊN - CÁC THIÊN THẦN HỘ THỦ (Lễ Nhớ)

THỨ TƯ 02/10/2013
Thứ Tư sau Chúa Nhật 26 Quanh Năm
Các thiên thần hộ thủ. Lễ nhớ.

* Các thiên thần được ơn gọi trước hết là để chiêm ngưỡng ánh huy hoàng của thánh nhan Thiên Chúa và không ngừng ca hát ngợi khen Người. Nhưng theo Kinh Thánh, Chúa cũng trao cho các thiên thần sứ mạng hiện diện bên cạnh con người để giúp đỡ con người. Ngày lễ kính các thiên thần bản mệnh nhắc cho ta nhớ lại điều đó.

Bài Ðọc I: (Năm I) Nkm 2, 1-8
"Nếu đức vua thấy tốt đẹp, xin sai thần đến thành phố của thân phụ thần, và thần sẽ xây cất lại thành phố".

Trích sách Nơkhemia.
Việc xảy ra trong tháng Nisan, năm thứ hai mươi triều vua Artexerxê, là trước mặt vua có để rượu, tôi liền nâng rượu dâng lên nhà vua, và bấy giờ tôi tỏ vẻ buồn rầu trước long nhan, nên vua hỏi tôi rằng: "Cớ sao mặt ngươi buồn sầu thế, mặc dầu trẫm không thấy ngươi có bệnh? Sự việc này chẳng phải vô cớ, chắc trong lòng ngươi có điều chi bất an mà trẫm không biết".
Tôi quá sợ hãi, liền tâu vua rằng: "Thánh hoàng vạn vạn tuế! Lẽ nào mặt thần không lo buồn, vì thành phố nơi có phần mộ tổ tiên của thần bị bỏ hoang, và các cửa thành bị lửa thiêu rụi?" Vua mới hỏi tôi rằng: "Ngươi thỉnh nguyện điều gì?"
Tôi cầu nguyện cùng Chúa Trời, rồi tâu vua rằng: "Nếu đức vua thấy tốt đẹp, và tôi tớ đức vua đẹp lòng trước long nhan, thì xin hãy sai thần về Giuđêa, đến thành phố nơi có phần mộ tổ phụ của thần, thần sẽ xây cất lại".
Lúc đó có hoàng hậu ngồi bên cạnh vua, nên vua hỏi tôi rằng: "Ngươi đi bao lâu, và chừng nào trở về?" Vua bằng lòng sai tôi đi, và tôi định kỳ hạn với nhà vua.
Tôi tâu vua rằng: "Nếu đức vua thấy tốt đẹp, xin đức vua ban chiếu chỉ cho thần, để thần xuất trình cho các quan cai vùng bên kia sông, hầu các ngài đưa thần đến Giuđêa; lại xin ban chiếu chỉ cho Asaph quan cai rừng cây của đức vua, để người cấp gỗ cho thần hầu có thể làm cửa tháp đền, tường thành và nhà thần cư ngự". Vua ban cho tôi theo như tay nhân lành Chúa ở với tôi.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 136, 1-2. 3. 4-5. 6
Ðáp: Lưỡi tôi dính vào cuống họng, nếu tôi không nhớ đến ngươi (c. 6a).
Xướng: 1) Trên bờ sông Babylon, chúng tôi ngồi khóc nức nở, khi tưởng nhớ lại thành thánh Sion. Trên những cây dương liễu miền đó, chúng tôi treo các cây lục huyền cầm của chúng tôi. - Ðáp.
2) Vì nơi này, quân canh ngục đòi chúng tôi vui vẻ hát lên. Họ giục chúng tôi rằng: Hãy vui mừng, hãy ca hát cho chúng ta nghe điệu ca Sion. - Ðáp.
3) Lẽ nào chúng tôi ca hát ngợi khen Thiên Chúa trên đất khách quê người? Hỡi Giêrusalem, nếu tôi lại quên ngươi, thì cánh tay tôi sẽ bị khô đét. - Ðáp.
4) Lưỡi tôi dính vào cuống họng nếu tôi không nhớ đến ngươi. Nếu tôi không đặt Giêrusalem trên tất cả mọi niềm vui thoả. - Ðáp.

Alleluia: Tv 118, 8ab
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, những giới răn Chúa được lập ra cho tới muôn đời, được ban hành một cách chân thành và đoan chính. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 9, 57-62
"Dù Thầy đi đâu, tôi cũng theo Thầy".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, đang lúc Chúa Giêsu và các môn đệ đi đường, thì có kẻ thưa người rằng: "Dù Thầy đi đâu, tôi cũng sẽ theo Thầy". Chúa Giêsu bảo người ấy rằng: "Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có nơi gối đầu". Người bảo một kẻ khác rằng: "Hãy theo Ta". Người ấy thưa: "Xin cho phép tôi đi chôn cha tôi trước đã". Nhưng Người đáp: "Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết; phần con, hãy đi rao giảng Nước Thiên Chúa". Một người khác thưa Người rằng: "Lạy Thầy, tôi sẽ theo Thầy, nhưng cho phép tôi về từ giã gia đình trước đã". Nhưng Chúa Giêsu đáp: "Ai đã tra tay vào cày mà còn ngó lại sau lưng thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa".
Ðó là lời Chúa.


Suy niệm : Ðiều Kiện Theo Chúa

Một linh sư Ấn đang ngồi tịnh niệm bên bờ sông, có một người đàn ông nọ muốn xin làm đệ tử. Ông rón rén đến bên vị linh sư và đặt dưới chân vị tu hành hai viên ngọc quí nhất như của lễ ra mắt. Vị linh sư mở mắt ra, nhưng ông không để lộ một chút thích thú nào; không cần nhìn kỹ vào món quà quí giá ấy, vị linh sư cầm lấy một viên và ném xuống dòng sông.
Tiếc của, người đàn ông giầu có liền nhảy xuống sông để cố tìm lại viên ngọc, nhưng mất một ngày mà ông không tài nào tìm lại được. Chiều đến, mệt mỏi, chán nản, người đàn ông đến vị linh sư xin chỉ rõ nơi đã ném viên ngọc quí. Vị linh sư cầm viên ngọc còn lại ném xuống dòng sông và nói: "Ta đã ném vào chỗ đó, ngươi hãy lặn xuống mà tìm lại".
Chúa Giêsu cũng đòi hỏi môn đệ Ngài một thái độ từ bỏ và dứt khoát như thế. Thánh Luca trình bày cuộc đời Chúa Giêsu là một hành trình lên Giêrusalem mà đích điểm là cái chết trên thập giá. Trong hành trình ấy, Chúa Giêsu đã kêu gọi một số người theo Ngài. Ðiều kiện đầu tiên là phải biết kiên nhẫn như đã được đề cập đến trong bài Tin Mừng hôm qua.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Luca ghi tiếp những điều kiện Chúa Giêsu đòi hỏi nơi các môn đệ. Một trong những điều kiện đó là chia sẻ cuộc sống nay đây mai đó với Ngài. Không nhà không cửa, sống nhờ vào sự bố thí của người khác, sống không có lấy một tiện nghi tối thiểu, Chúa Giêsu muốn những kẻ theo Ngài chuẩn bị đương đầu với số phận bi thảm mà Chính Ngài phải trải qua. Cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài trên thập giá là một sự lột bỏ trọn vẹn đối với tất cả mọi an toàn trong cuộc sống.
Một điều kiện nữa Chúa Giêsu đòi nơi những kẻ theo Ngài, đó là dấn thân rao giảng Tin Mừng Nước Chúa. Một cuộc sống từ bỏ sẽ không có giá trị, nếu đó không là dấu chỉ của một cuộc đầu tư trọn vẹn vì Nước Trời. Cuối cùng, Chúa Giêsu đòi hỏi môn đệ phải cắt đứt ngay cả những liên hệ ruột thịt họ hàng. Ngài là tất cả đối với người môn đệ đến độ họ phải sẵn sàng hy sinh tất cả vì Ngài, Ngài phải được đặt vào trọng tâm cuộc sống của người môn đệ.
Môn đệ không phải là tước hiệu dành riêng cho một số người ưu tuyển. Mỗi Kitô hữu là một môn đệ của Chúa Kitô, và là môn đệ Chúa Kitô thiết yếu đi theo Ngài. Chúa Kitô cách đây 2,000 năm cũng là Chúa Kitô ngày nay mà mỗi Kitô hữu đang đi theo. Ngài đồng hành với họ và cũng đòi hỏi những điều kiện mà Ngài đề ra cho các môn đệ tiên khởi của Ngài. Cuộc sống có cách biệt, hoàn cảnh có xoay chuyển, sinh hoạt có thay đổi, nhưng những điều kiện ấy không hề đổi thay. Tựu trung, người môn đệ ngày nay phải đồng hành với Chúa Kitô để tiếp tục là dấu chỉ, là tín hiệu của Nước Trời cho mọi người.
(Veritas Asia)


HẠT GIỐNG NẨY MẦM
- MÙA QUANH NĂM –
- TUẦN 26–

"Có những hạt rơi vào đất tốt.
Chúng mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả :
hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi,
hạt thì được một trăm" (Mc 4,8)

Lc 9,57-62

A. Hạt giống...
Tiểu đoạn này gồm ba chuyện nhỏ về 3 người muốn đi theo làm môn đệ Chúa Giêsu. Điều quan trọng trong những chuyện này không phải là những nhân vật (vì không chi tiết nào mô tả các nhân vật ra sao), mà là giáo huấn của Chúa Giêsu về những điều kiện để làm môn đệ Ngài.
1. Người thứ nhất muốn đi theo Chúa Giêsu đến bất cứ nơi nào. Trường hợp này thường xảy ra trong xã hội thời đó : có những người vì ngưỡng mộ một rabbi nào đó nên bỏ gia đình và xin theo ở với rabbi đó trong một thời gian vài ba năm (xem Ga 1,37-49)
            - Câu trả lời của Chúa Giêsu cho thấy Ngài không giống như các rabbi : cuộc sống của Ngài là cuộc sống lang thang rày đây mai đó, vì Ngài là một con người bị từ chối (x. chuyện trên, một làng Samaria không tiếp rước Ngài). Vậy điều kiện thứ nhất để làm môn đệ Chúa Giêsu là phải giống Ngài ở chỗ chấp nhận một cuộc sống vật chất không ổn định, có thể bị từ chối và còn có thể bị giết chết nữa.
2. Người thứ hai : không phải cha người này vừa chết, nhưng ông ta vẫn còn sống. Ý người này là tuy cũng muốn theo Chúa Giêsu, nhưng xin một thời hạn chờ cho tới khi cha anh chết và được chôn cất xong xuôi rồi anh mới theo Ngài. Trong đầu anh đã có sẵn một ưu tiên : ưu tiên cho bổn phận hiếu thảo.
            - “Mặc cho kẻ chết chôn người chết” : tiếng Pháp rõ nghĩa hơn “mặc cho les mortels chôn les morts”. Điều kiện thứ hai là phải dành ưu tiên cho bổn phận đối với Nước Thiên Chúa, trên cả những bổn phận đối với thân nhân. Không phải Chúa Giêsu coi nhẹ những bổn phận đối với gia đình (x. Mt 15,3-9) nhưng Ngài dạy rằng trong trường hợp có xung đột giữa hai bên thì môn đệ phải coi trọng Nước Thiên Chúa hơn.
3. Lời xin của người thứ ba cũng giống lời xin của Êlisê (1.V 19,19-21). Lời đáp của Chúa Giêsu cũng khiến ta nhớ lúc đó Êlisê đang kéo cày “đầu ngoái lại sau” : còn luyến tiếc quá khứ. Như vậy điều kiện thứ ba là phải dứt khoát với quá khứ (của cải, địa vị vv...), hơn nữa phải có một con tim không san sẻ để chỉ còn lo cho Nước Thiên Chúa mà thôi.
Theo văn mạch : Chúa Giêsu sắp đi vào giai đoạn quyết liệt là chịu chết, sống lại và lên trời. Ngài muốn các môn đệ mình cũng phải đi cùng một hành trình như Ngài. Thế nhưng người ta có thể từ chối lời mời gọi của Ngài bằng nhiều cách : hoặc vì những thành kiến tôn giáo như dân làng Samaria ; hoặc vì quá cậy dựa vào những bảo đảm vật chất, những quyến luyến gia đình và quyến luyến quá khứ.

B.... nẩy mầm.
1. Nhiều lần trong lúc sốt sắng, tôi cũng thưa với Chúa “Dù Thầy đi đâu, tôi cũng sẽ theo Thầy”. Thế nhưng trên thực tế con cũng như các nhân vật xưa đã không thực sự theo Chúa vì những thành kiến (như dân làng Samaria) ; hoặc vì quá cậy dựa vào những bảo đảm vật chất, những quyến luyến gia đình và quyến luyến quá khứ (3 người được kể trong Tin Mừng hôm nay).
2. “Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có chỗ gối đầu” : đôi khi tôi cũng gặp cảnh thiếu thốn cả những tiện nghi cơ bản như thế. Cám ơn Chúa vì khi đó con đã không rút lui. Nhưng thú thật là tinh thần con đã bị chao đảo, nhiệt tình con đã bị nguội lạnh.
3. “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết” : Tuy là môn đệ Chúa, tức là người chuyên lo những việc của Nước Trời, nhưng đầu óc tôi vẫn còn vấn vương những lo lắng thế tục, lo cho gia đình, cho những người thân. Chúa không cấm tôi nghĩ đến những việc đó và những người đó. Nhưng Chúa khuyên tôi đừng để những lo lắng ấy xâm lấn nhiệm vụ chính hiện tại của tôi, ngoài ra tôi còn phải biết phó thác vào Chúa quan phòng nữa.
4. “Ai đã tra tay vào cày mà còn ngó lại sau lưng thì không xứng đáng…” : quá khứ mà Chúa dạy tôi phải quên đi là những quyến luyến tình cảm thế phàm, những ước mơ thế tục, kể cả những mặc cảm tội lỗi xa xưa…
4. Một linh sư ấn độ đang ngồi tịnh niệm bên bờ sông. Có một người đàn ông nọ muốn xin làm đệ tử. Ông rón rén đến bên vị linh sư và đặt dưới chân vị tu hành hai viên ngọc quý như của lễ ra mắt. Vị linh sư cầm lấy một viên và ném xuống sông. Tiếc của, người đàn ông giàu có liền nhảy xuống sông để cố tìm lại viên ngọc. Nhưng mất một ngày mà không tài nào tìm lại được. Chiều đến, người đàn ông đến xin vị linh sư chỉ rõ nơi ông đã ném viên ngọc quý. Vị linh sư cầm viên ngọc còn lại ném luôn xuống sông và nói : “Ta đã ném vào chỗ đó. Ngươi hãy lặn xuống mà tìm”.
Chúa Giêsu cũng đòi hỏi môn đệ Ngài một thái độ từ bỏ dứt khoát như thế. ("Mỗi ngày một tin vui")

Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp.Cần Thơ

­­­
CÁC THIÊN THẦN HỘ THỦ (lễ nhớ)


BÀI ĐỌC I:  Xh 23, 20-23a
"Thiên thần của Ta đi trước mặt ngươi".

Trích sách Xuất Hành.
Đây Chúa phán: "Này Ta sẽ sai thiên thần Ta đi trước mặt ngươi, gìn giữ ngươi khi đi đàng, và dẫn đưa ngươi đến nơi Ta đã dọn sẵn cho ngươi. Ngươi hãy ăn ở cẩn thận trước mặt người, hãy nghe lời người, và chớ cả lòng khi dể người: vì người sẽ không tha thứ cho ngươi khi ngươi phạm lỗi, bởi người mang lấy danh Ta trong người. Nếu ngươi nghe lời người, và tuân giữ tất cả những gì Ta truyền dạy, thì Ta sẽ là địch thù của những kẻ thù nghịch ngươi, và Ta sẽ trừng phạt những kẻ uy hiếp ngươi. Thiên thần Ta sẽ đi trước mặt ngươi".  Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA:   Tv 90, 1-2. 3-4. 5-6. 10-11
Đáp: Chúa đã lệnh cho các thiên thần săn sóc bạn, để chư vị đó gìn giữ bạn trên khắp nẻo đường (c. 11).

Xướng: 1)   Bạn sống trong sự che chở của Đấng Tối Cao; bạn cư ngụ dưới bóng của Đấng Toàn Năng. Hãy thưa cùng Chúa: "Chúa là chiến luỹ nơi con nương náu; lạy Chúa con, con tin cậy ở Ngài".    - Đáp.
2)   Vì Chính Người sẽ cứu bạn thoát lưới dò của kẻ bẫy chim, và thoát khỏi quan ôn tác hại. Người sẽ che chở bạn trong bóng cánh của Người, và dưới cánh Người, bạn sẽ nương thân: lòng trung tín của Người là mã giáp và khiên thuẫn.   - Đáp.
3)   Bạn không còn sợ hãi cảnh kinh dị ban đêm, cũng không còn e ngại mũi tên ban ngày bay tới; không còn sợ quan ôn trong bóng tối lang thang, cũng không còn lo dịch tễ vào buổi trưa sát hại.   - Đáp.
4)   Tai nạn không đến gần được bạn, và oan ương không bén bảng tới nhà bạn ở. Vì Chúa đã lệnh cho thiên thần Người săn sóc bạn, để chư vị đó gìn giữ bạn trên khắp nẻo đường.   - Đáp.

ALLELUIA:  Tv 102, 21

Alleluia, alleluia! - Hãy chúc tụng Chúa đi, chư binh toàn thể, chư vị thần hạ thừa hành ý muốn của Chúa. - Alleluia.

PHÚC ÂM:  Mt 18, 1-5. 10
"Các thiên thần của họ trên trời hằng chiêm ngưỡng thánh nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, các môn đệ đến bên Chúa Giêsu mà hỏi rằng: "Thưa Thầy, ai là kẻ lớn nhất trong Nước Trời?" Chúa Giêsu gọi một trẻ nhỏ lại, đặt nó giữa các ông mà phán rằng: "Thật, Thầy bảo thật các con: nếu các con không hoá nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời. Vậy ai hạ mình xuống như trẻ nhỏ này, người ấy là kẻ lớn nhất trong Nước Trời. Và kẻ nào đón nhận một trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón nhận Thầy. Các con hãy coi chừng, đừng khinh rẻ một ai trong những kẻ bé mọn này, vì Thầy bảo các con, thiên thần của chúng trên trời hằng chiêm ngưỡng thánh nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời".  Đó là lời Chúa


SUY NIỆM : Tâm tình trẻ thơ
Hôm nay, Giáo Hội nhắc nhở chúng ta về sự hiện diện của một người bạn thiết thân của chúng ta nhất, đó là vị thiên thần bản mệnh của chúng ta. Mỗi người chúng ta từ giây phút đầu tiên được thụ thai trong lòng mẹ, đều được Thiên Chúa cắt cử một vị thiên thần để che chở, gìn giữ chúng ta, bằng một cách thế chúng ta không chờ đợi mà cũng chẳng tưởng tượng được, đây là chân lý mà Giáo Hội muốn nhắc nhở và mời gọi chúng ta đào sâu trong ngày hôm nay. Mỗi người chúng ta đều có một vị thiên thần luôn sát cánh để nhắc nhở, chỉ bảo, hướng dẫn và gìn giữ chúng ta trong từng đường đi nước bước của chúng ta, nhắc nhở chúng ta điều đó Giáo Hội muốn mời gọi chúng ta đi vào mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thương mỗi người chúng ta bằng một tình yêu vượt lên trên mọi dự đoán tính toán và chờ đợi của chúng ta.
Thánh nữ Têrêsa Hài Ðồng Giêsu mà Giáo Hội mừng kính hôm qua đã tìm được một bí quyết hạnh phúc và mở ra cho chúng ta một con đường nên thánh đơn sơ nhất, đó là hãy chấp nhận để cho Thiên Chúa yêu thương. Thảm kịch lớn nhất của con người hẳn phải là không cảm nhận hay không muốn đón nhận tình yêu của Thiên Chúa, trái lại ai đón nhận tình yêu của Thiên Chúa, người đó sẽ thấy rằng cuộc sống của họ là một chuỗi những phép lạ.
Theo định nghĩa thông thường phép lạ là một biến cố hay một thứ hiệu quả xem ra nghịch với định luật khoa học, và do đó được gán cho các nguyên nhân siêu nhiên. Giáo Hội tin ở phép lạ nhưng lại chỉ nhận phép lạ ở một biến cố nào mà khoa học không thể lý giải được mà thôi. Ðây là tiêu chuẩn được áp dụng một cách khắt khe tại Trung Tâm Thánh Mẫu Lộ Ðức.
Từ hơn một trăm năm qua mặc dù không biết bao nhiêu người tuyên bố cảm nhận được cảm kích của Chúa, Giáo Hội chỉ nhìn nhận với con số bốn mươi lăm trường hợp được xem là phép lạ thực sự, sau khi ủy ban y khoa quốc tế tuyên bố không thể giải thích được sự lành bệnh theo phương diện y khoa, ít có người trong chúng ta được may mắn là đối tượng của một phép lạ như thế. Tuy nhiên, nếu hiểu phép lạ theo một ý nghĩa rộng rãi hơn như là một sự can thiệp quan phòng trường kỳ của Chúa vào cuộc sống mỗi ngày của mỗi người chúng ta, thì có thể nói đức tin sẽ cho chúng ta thấy được vô số phép lạ mà Chúa đang thực hiện trong từng biến cố và từng giây phút trong cuộc sống của chúng ta. Phép lạ không chỉ là những sự kiện lạ lùng ở bên ngoài của những sự kiện khoa học; phép lạ không những diễn ra trong những trung tâm thánh mẫu nổi tiếng; phép lạ là từng hơi thở, là từng nhịp tim của chúng ta; phép lạ là từng tia sáng mặt trời hay từng cơn gió, hạt mưa từng ngày; phép lạ là mỗi cuộc gặp gỡ chúng ta đang có với mỗi người; phép lạ mọi nơi và mọi lúc, bởi vì Thiên Chúa luôn hiện diện bên trong chúng ta mọi nơi và mọi lúc.
Các thiên thần không chỉ là những vị có cánh đến từ trời cao, các ngài ở bên cạnh chúng ta giây phút này đây, các ngài không ngừng hiện diện với chúng ta để nhắc nhở chúng ta về tình yêu của Thiên Chúa, các ngài không ngừng gợi lên trong chúng ta những tâm tình trong sạch và cao quí, và xua đuổi khỏi chúng ta những tư tưởng ám muội, bất chính, để chúng ta lắng nghe tiếng nói của các ngài, chính là để tiến bước trên đường ngay nẻo chính và chúng ta sẽ được hạnh phúc đích thực.
Với đoạn Tin Mừng được đề nghị cho chúng ta suy niệm trong ngày kính nhớ các thiên thần bản mệnh hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta mặc lấy tâm tình của trẻ thơ. Trẻ thơ luôn biết ngạc nhiên và ngây ngất trước những điều kỳ diệu của cuộc sống; trẻ thơ khi nói đến những chuyện thần tiên, thế giới của người lớn cũng còn là thế giới thần tiên, bởi vì mỗi người đều có một vị thiên thần hộ mệnh gìn giữ, bao bọc và hướng dẫn; thế giới ấy sẽ thật sự thần tiên khi con người luôn biết lắng nghe sự hướng dẫn của vị thiên thần bản mệnh ấy, và cảm nhận được tình yêu bao bọc chở che của Chúa. Hãy để cho Thiên Chúa yêu thương, còn gì đơn sơ bằng bí quyết hạnh phúc ấy.
Nguyện xin Chúa soi lòng mở trí để cho chúng ta luôn biết để cho vị thiên thần bản mệnh hướng dẫn, hầu cảm nhận được tình yêu của Ngài.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)


LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Lễ Thiên Thần Hộ Thủ
Neh 2 :1-8 ; Mt 18 :1-5, 10

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Các thiên thần sẽ gìn giữ bạn trên khắp nẻo đường.

            Nhìn lại sự quan phòng của Thiên Chúa, con người không thể kêu trách Ngài được điều gì; vì Ngài đã làm mọi sự để con người có thể sống bình an và hạnh phúc. Ngài đã ban hành Lề Luật để con người biết sống đúng mối liên hệ với Thiên Chúa và với tha nhân. Khi con người bất tuân Lề Luật, Ngài sai ngôn-sứ đến để khiển trách và kêu gọi con người quay về nẻo chính đường ngay; trước khi sửa phạt con người. Hơn nữa, Thiên Chúa còn ban cho mỗi tín hữu một thiên thần bản mệnh để cùng đồng hành, săn sóc, và bảo vệ con người.
            Các Bài Đọc hôm nay chú trọng đặc biệt đến sự quan phòng của Thiên Chúa và sự cứng lòng trong tội lỗi của con người. Trong Bài Đọc I, Nehemiah quan tâm đến việc xây dựng tường thành cho đền thờ Thiên Chúa tại Jerusalem, chứ không bằng lòng với cuộc sống sung túc trong triều đình nước ngoài. Ông đã mạnh dạn xin vua Ba Tư cho xây dựng lại tường thành chung quanh Đền Thờ Jerusalem. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy dỗ các môn đệ phải tránh khuynh hướng muốn được quyền cao chức trọng theo kiểu loài người, nhưng phải biết khiêm nhường như trẻ nhỏ và phục vụ những người cô thân cô thế. Hơn nữa, người môn đệ phải tuyệt đối tránh đối xử bất công với những hạng người này, vì thiên thần của họ hằng bảo vệ họ trước ngai của Thiên Chúa.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thần vui sao được, khi mà thành đô, nơi tổ tiên của thần an nghỉ, đã ra hoang tàn, và cửa thành bị thiêu huỷ.

1.1/ Nỗi buồn của Nehemiah: Ông là người Do-thái tha hương, và là quan Ngự Tửu trong triều đình của vua Artasersex. Nhiệm vụ của quan Ngự Tửu là phải nếm trước mọi thứ ăn uống trước khi nhà vua dùng, để bảo đảm thức ăn ngon và an toàn cho nhà vua. Ông có đủ mọi phương
tiện và của cải vật chất để sống an toàn nơi xứ lạ quê người; nhưng ông đau buồn mỗi khi nghĩ về Thành Jerusalem hoang tàn đổ nát, nơi mà tổ tiên của ông đã tốn bao công lao để xây dựng lên, và giờ đang nằm trong đống gạch vụn đó.
            Khi vua Artasersex nhận ra nỗi ưu tư của ông, nhà vua hỏi: "Sao mặt khanh buồn rầu thế? Khanh có đau ốm gì đâu! Hẳn trong lòng phải có chuyện chi buồn lắm!" Nehemiah vô cùng sợ hãi, bèn tâu vua: "Đức vua vạn vạn tuế! Sắc mặt của thần không buồn sao được, khi mà thành đô, nơi tổ tiên của thần an nghỉ, đã ra hoang tàn, và cửa thành bị thiêu huỷ." Vua hỏi: "Vậy khanh muốn gì?" Sau khi Nehemiah cầu xin Thiên Chúa các tầng trời, ông thưa với vua: "Nếu đẹp lòng đức vua và nếu bề tôi của ngài là người vừa ý ngài, thì xin cử thần đi Judah, đến thành có phần mộ của tổ tiên thần để xây dựng lại." Vua bằng lòng cho ông đi, và ông xin hẹn với vua một kỳ hạn sẽ trở lại.

1.2/ Thiên Chúa đã lo liệu mọi việc cho Nehemiah: Ông mạnh dạn xin với vua: "Nếu đẹp lòng đức vua, thì xin hạ lệnh cấp chiếu thư cho thần đem tới các trưởng Vùng bên kia sông Euphrates, để họ cho phép thần đi qua đó đến tận Judah. Cũng xin một chiếu thư cho ông Asaph, quản đốc ngự lâm, để ông cấp gỗ cho thần làm khung cửa đồn luỹ ở sát Đền Thờ, làm tường thành và làm nhà cho thần đến ở." Vua ban cho ông như sở nguyện, vì bàn tay nhân lành của Thiên Chúa che chở ông. Nehemiah và tư tế Ezra đã xây dựng tường Thành Jerusalem trong một thời gian kỷ lục.
Chúng tôi đã không vâng nghe tiếng Đức Chúa là Thiên Chúa chúng tôi.
          
2/ Phúc Âm: Các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy.

2.1/ Phục vụ trẻ nhỏ là điều kiện vào Nước Trời: Mong ước được nổi tiếng nhất, được trở thành người quan trọng nhất, là ước mơ của nhiều người trong thế gian. Mong ước này cũng xảy ra nơi các môn đệ của Chúa Giêsu, khi các ông lại gần hỏi Ngài rằng: "Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?"
            Đức Giêsu liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và bảo: "Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời. Còn ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy.'' Qua câu rả lời của Chúa Giêsu, chúng ta nhận ra hai điều quan trọng:
            (1) Phải khiêm nhường, tự hạ, mới được vào Nước Trời: Trẻ thơ không mong được quyền cao chức trọng, chúng bằng lòng với sự yêu thương, chăm sóc, và bảo vệ của cha mẹ chúng. Người môn đệ của Đức Kitô cũng thế, tại sao cần phải có quyền cao chức trọng khi đã được Thiên Chúa yêu thương, dạy dỗ, và quan phòng cho mọi sự! Mong ước được nổi tiếng chẳng những không giúp gì cho người môn đệ, mà còn làm cho người môn đệ dần dần xa Chúa. Mọi người chúng ta đã quá rõ lý do sự sa ngã của Lucifer và của cặp vợ chồng đầu tiên rồi.
            (2) Phải phục vụ trẻ nhỏ vì danh Chúa: Một tính xấu nữa nơi con người là muốn được phục vụ, chứ không muốn phải phục vụ người khác. Chúa Giêsu dạy các môn đệ của Ngài phải khử trừ thói xấu này bằng cách xả thân phục vụ trẻ nhỏ, và những người cô thân cô thế vì danh Đức Kitô. Những người này không có gì để trả lại cho các môn đệ; đó chính là động lực mà Chúa Giêsu muốn các môn đệ phục vụ: để Thiên Chúa trả công cho anh em.

2.2/ Mỗi người tín hữu đều có một thiên thần bản mệnh: Niềm tin vào thiên thần bản mệnh được Giáo Hội dựa trên những gì Chúa Giêsu tuyên bố hôm nay: "Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.''
            (1) Mọi người đều được Thiên Chúa bảo vệ: Thiên Chúa dùng các thiên thần để giúp Ngài trong việc điều khiển thế giới và con người. Mỗi tín hữu, không cần biết nhỏ bé và tầm thường đến đâu, đều có một thiên thần để bảo ban, dạy dỗ, và phù hộ trong cuộc đời. Mỗi tín hữu phải biết lắng nghe tiếng thiên thần của mình, để có thể tránh hậu quả tai hại xảy ra trong cuộc đời.
            (2) Động đến họ là động đến Thiên Chúa: Nhiều người có khuynh hướng ức hiếp kẻ cô thân cô thế, vì nghĩ họ không có đủ khôn ngoan và sức mạnh chống lại mình. Những lời của Chúa Giêsu tuyên bố hôm nay là lời cảnh cáo cho những ai suy nghĩ như thế. Cho dẫu họ có thể ức hiếp người cô thân cô thế ở đời này, nhưng họ sẽ không thoát nổi lời tố cáo của thiên thần bản mệnh trước tòa án của Thiên Chúa.
          
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
            - Chúng ta hãy vâng nghe những lời chỉ dạy của Thiên Chúa qua Thập Giới và hướng dẫn của Giáo Hội; để có thể tránh tội lỗi và hình phạt gây ra bởi tội.
            - Chúng ta hãy luôn ý thức sự hiện diện và lắng nghe tiếng của thiên thần bản mệnh, để tránh được chước cám dỗ của ma quỉ và nhưng nguy hiểm của cuộc đời.
            - Chúng ta hãy bằng lòng với sự yêu thương, dạy dỗ, và bảo vệ của Thiên Chúa. Mơ ước được quyền cao chức trọng chẳng sinh lợi ích gì cho phần rỗi linh hồn của chúng ta.

Lm.Anthony ĐINH MINH TIÊN,OP.

02/10/13 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 26 TN
Thiên thần hộ thủ
Mt 18,1-5.10

SỐNG TINH THẦN TRẺ THƠ
“Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.” (Mt 18,3)
Suy niệm: Mặc dù về mặt tự nhiên, trẻ em có những hạn chế, khuyết điểm, nhưng những tính cách nổi bật của trẻ thơ: đơn sơ vô tội, không dối trá, không mưu mô xảo quyệt, luôn tin tưởng phó thác nơi cha mẹ, v.v… khiến truyền thống Thánh Kinh vẫn nhận ra nơi các em hình ảnh biểu trưng của những người luôn sống khiêm nhường tín thác vào Chúa và được Ngài đặc biệt yêu thương chăm sóc: “Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con hồn lặng lẽ an vui” (Tv 131,2). Chúa Giêsu tiếp tục nhấn mạnh rằng điều kiện thiết yếu để được ơn cứu độ là phải có tinh thần trẻ thơ: Chỉ những ai “trở lại mà hoá nên như trẻ nhỏ” mới được vào Nước Trời.
Mời Bạn: Lịch sử nhân loại không ngừng đi lại vết xe đổ của Ađam bất tuân phục“dương oai ngạo với Trời, ăn nói ngang tàng khinh cả Chúa” (x. Tv 75,6). Trong một thế giới kỹ thuật phát triển vượt bậc, mức sống vật chất không ngừng nâng cao, con người dễ bị say men đắc thắng về những thành quả của mình và tưởng rằng mình chính là chủ của mọi sự mà chối bỏ Thiên Chúa là Chủ tể thực sự và là Đấng ban cho họ tất cả những thứ đó. Mời bạn khiêm tốn nhìn lại thân phận con người để nhận ra tình thương của Thiên Chúa và sống trong tình con thảo với Ngài.
Sống Lời Chúa: Sống giản dị với bản thân, khiêm tốn với tha nhân để có thể trở nên trẻ thơ trước mặt Chúa.
Cầu nguyện: “Lòng con chẳng dám tự cao, mắt con chẳng dám tự hào Chúa ơi… Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con lòng lặng lẽ an vui. Cậy vào Chúa Ít-ra-en ơi, từ nay mãi đến muôn đời muôn năm.” (Tv 131)



Suy niệm

Giáo lý Hội Thánh Công Giáo dạy rằng Thiên Chúa  dựng nên hai thế giới hữu hình và vô hình. Thế giới vô hình là thế giới thiêng liêng, mắt phàm không thấy được, thế giới thiêng liêng đó có các thiên thần.
Thiên Chúa dựng nên các thiên thần nhằm để thờ phượng Thiên Chúa, thi hành những mệnh lệnh của Thiên Chúa và giúp đỡ, bảo vệ con người. Thiên Chúa dựng nên vô số các thiên thần, nhưng có 3 tổng lãnh thiên thần là: Micae, Gáprien và Raphaen mà Hội Thánh đã mừng lễ vào ngày 29 tháng 09.
Riêng hôm nay cùng với Hội Thánh, chúng ta kính nhớ các thiên thần bản mệnh hay còn gọi là thiên thần hộ thủ. Thiên Chúa đã ban cho mỗi người chúng ta một thiên thần bản mệnh riêng. Vị thiên thần này luôn gìn giữ bảo vệ chúng ta khỏi mọi sự hãm hại của ma quỷ, giúp chúng ta tránh xa mọi cám dỗ ma quỷ ở mọi nơi mọi lúc.
Vị thiên thần hộ thủ sẽ luôn ở bên cạnh chúng ta, đồng hành với chúng ta suốt cuộc đời dương thế cho đến khi chúng ta nhắm mắt xuôi tay.
Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giê-su nhắc đến vị thiên thần này. Từ đó Chúa muốn chúng ta hãy tôn trọng phẩm giá mỗi người, chớ khinh thường bất cứ ai, nhất là những con người bé nhỏ nghèo hèn, vì mỗi người chúng ta đều mang hình ảnh Thiên Chúa, là con Thiên Chúa và được Thiên Chúa giao cho một vị thiên thần bảo vệ, gìn giữ. Đồng thời Chúa cũng mời gọi chúng ta hãy trở nên như trẻ nhỏ. Vì trẻ nhỏ có tâm hồn đơn sơ trong trắng như thiên thần, biết mình yếu đuối mỏng manh nên luôn tin tưởng phó thác vào tình thương của Chúa.
Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa, vì Chúa đã thương ban cho mỗi người chúng con một vị thiên thần hộ thủ. Xin cho chúng con luôn nhớ tới thiên thần hộ thủ của chúng con, để chúng con cùng cộng tác với ngài mà cố gắng tránh xa những cám dỗ của ma quỷ. Đồng thời xin Chúa cũng luôn soi sáng giúp chúng con luôn ý thức tôn trọng phẩm giá của mỗi người, nhất là những con người bé nhỏ nghèo hèn; sẵn sàng đón tiếp những con người đó vì Danh Chúa.
 Lm. Seoka

Thứ Tư 2-10
Lễ Các Thiên Thần Bản Mệnh

Có lẽ không khía cạnh đạo đức nào của Công Giáo an ủi các phụ huynh cho bằng sự tin tưởng rằng thiên thần sẽ bảo vệ con cái họ khỏi những nguy hiểm dù có thực hay tưởng tượng. Nhưng thiên thần bản mệnh không chỉ dành riêng cho các em. Vai trò của các ngài là thay mặt cho mỗi cá nhân trước mặt Thiên Chúa, luôn luôn trông chừng họ, giúp họ cầu nguyện và đưa linh hồn họ lên với Chúa vào giờ lâm tử.
Quan niệm về thiên thần bản mệnh---được chỉ định để hướng dẫn và trông coi mỗi người---là sự triển khai của học thuyết và lòng sùng mộ Công Giáo được dựa trên Kinh Thánh nhưng không trực tiếp xuất phát từ đó. Lời của Chúa Giêsu trong Phúc Âm Mátthêu 18:10 hỗ trợ cho sự tin tưởng này: "Hãy cẩn thận, đừng khinh miệt những người bé nhỏ này, vì Ta bảo thật cho các ngươi, thiên thần của họ ở thiên đàng luôn nhìn đến Cha Ta."
Việc sùng kính các thiên thần được bắt đầu khi truyền thống đan viện khai sinh. Thánh Bênêđích là người thúc đẩy mạnh và Thánh Bernard Clairvaux, người cải cách mạnh mẽ của thế kỷ 12, thường nói nhiều về các thiên thần bản mệnh, nhờ đó sự sùng kính các thiên thần được hình thành cho đến ngày nay.
Ngày lễ kính các thiên thần bản mệnh được cử hành đầu tiên vào thế kỷ 16. Vào năm 1615, Ðức Giáo Hoàng Phao-lô V đã đưa lễ này vào niên lịch Công Giáo Rôma.
Lời Bàn
Sự sùng kính các thiên thần, trên căn bản, là sự bày tỏ đức tin nơi tình yêu vô tận của Thiên Chúa và sự quan phòng của Ngài đối với mỗi người chúng ta mọi ngày cho đến khi chết.
Lời Trích
"Xin thiên thần dẫn đưa linh hồn ông/bà vào thiên đàng; xin các thánh tử đạo đón nhận ông/bà và đưa ông/bà vào thành thánh Giêrusalem mới và vĩnh cửu" (Nghi Thức An Táng).



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét