Trang

Chủ Nhật, 1 tháng 6, 2014

Nhà Tiệc Ly bị phóng hỏa chỉ vài giờ sau khi Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ

Nhà Tiệc Ly bị phóng hỏa chỉ vài giờ sau khi Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ


Vài giờ sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành thánh lễ tại nhà Tiệc Ly trên núi Sion, căn nhà đã bị cố ý phóng hỏa nhưng may mắn chỉ bị hư hại nhẹ.

Thầy Nikodemus Schnabel trong đoàn Hiệp Sĩ Quản Thủ Thánh Mộ cho phóng viên AFP biết là một kẻ lạ mặt hành động đơn độc đã lẻn vào Nhà Tiệc Ly ở khu vực “Nơi Đức Mẹ ngủ” vào đêm thứ Hai 26 tháng 5. Kẻ phóng hỏa đã lẻn xuống nhà nguyện bên dưới kỷ niệm biến cố Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ, lấy một số sách những người hành hương dùng để hát và những thánh giá nhỏ bằng gỗ chụm lại đốt bên cạnh một đàn phong cầm.

Cây đàn bị hư hại nặng nhưng đám cháy đã được nhanh chóng dập tắt.

Nhà Tiệc Ly là một điạ điểm thánh thiêng với người Công Giáo vì nơi đây đã diễn ra những biến cố quan trọng đã được tường thuật trong Tân Ước: đó là nơi Chúa Giêsu đã rửa chân cho các môn đệ, là nơi Chúa Giêsu đã dùng bữa cuối cùng với các môn đệ trước cuộc thương khó của Ngài, là nơi Chúa hiện ra với các tông đồ sau khi từ kẻ chết sống lại, là nơi các tông đồ tụ họp sau khi Chúa lên trời, là nơi Thánh Matthias đã được chọn làm tông đồ thay cho Giuđa Itcariốt, và là nơi Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các thánh tông đồ.

Vì gắn bó với nhiều biến cố quan trọng như thế, điạ điểm này được coi là nơi khai sinh ra Giáo Hội Công Giáo, và đã là nơi hành hương của các tín hữu Kitô từ những thế kỷ đầu tiên. Ngày nay người ta còn giữ lại được những tác phẩm của nhà văn nữ là Egeria hay có khi còn gọi là Aetheria là một phụ nữ miền Gallaeci của Tây Ban Nha đã ghi lại những chuyến hành hương của bà đến vùng này trong khoảng thời gian từ năm 381 đến năm 384.

Nhà thờ được ghi lại trong những tác phẩm của nhà văn nữ Egeria đã bị quân Hồi Giáo phá hủy vào năm 614 khi người Hồi Giáo xâm lăng Thánh Địa. Nó được tái thiết rồi lại bị người Hồi phá hủy. Khi Đạo Binh Thập Tự tới Thánh Địa, nhà thờ ở trong tình trạng đổ nát, chỉ trừ nhà nguyện nguyện hai tầng của Phòng Tiệc Ly. Đạo Binh Thập Tự Kitô đã xây một vương cung thánh đường ba gian dọc gồm Phòng bên trên, tức Nhà nguyện Tiệc Ly, nơi Đức Maria ngủ, và một nhà nguyện bên dưới kỷ niệm biến cố Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ.

Nhà nguyện như chúng ta thấy hiện nay được tái thiết vào thế kỷ thứ 14 sau những thương thuyết khó khăn và tốn kém giữa vua thành Napoli và quốc vương Ai Cập. Nhà nguyện Tiệc Ly bên trên dài 15,3 mét rộng 9,4 mét được xây theo kiểu Gôtích hồi thế kỷ XIV, có một cầu thang nối liền tầng dưới với tầng trên gồm 8 bậc dẫn lên nhà nguyện kỷ niệm biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống. 

Người Hồi Giáo cho rằng địa điểm này năm trên khu hầm mộ của Vua Đavít nên trong thời kỳ đế quốc Ottoman cai trị Giêrusalem, thỏa ước Nguyên Trạng do Hoàng Đế Thổ Nhĩ Kỳ Osamn Đệ Tam đưa ra vào năm 1853 đã ngăn cản người Công Giáo cử hành thánh lễ tại đây.

Hôm thứ Năm 22 tháng 5, hàng ngàn người Do Thái cực đoan đã biểu tình tại khu vực này vì lo ngại trong chuyến viếng thăm Thánh Địa, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ vận động với chính quyền Do Thái nhường lại khu vực này cho người Công Giáo.

Tuy nhiên, cha David Neuhaus, là người Do Thái và là linh mục Dòng Phanxicô cho biết Giáo Hội Công Giáo chỉ muốn được thường xuyên cử hành thánh lễ tại đây.

Tháng 5 năm 2013, những người Do Thái cực đoan đã vẽ bậy lên những bức tường tại nhà nguyện với những khẩu hiệu bài Kitô Giáo. Trước khi Đức Thánh Cha sang thăm Giêrusalem, ít nhất 10 người Do Thái Giáo cực đoan đã nhận được lệnh của cảnh sát không được bén mãng tới khu vực này.

Đặng Tự Do5/29/2014(vietcatholic)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét