Trang

Thứ Tư, 27 tháng 8, 2014

28-08-2014 : THỨ NĂM TUẦN XXI MÙA THƯỜNG NIÊN - THÁNH ÂU-TINH, GIÁM MỤC, TIẾN SĨ HỘI THÁNH (Lễ Nhớ)

28/08/2014
Thánh Âu-tinh, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.


* Thánh nhân sinh năm 354 tại Ta-gát, châu Phi. Người đã trải qua giai đoạn thanh xuân đầy náo động cả về đạo lý lẫn cách sống cho tới khi được thánh Am-rô-xi-ô thanh tẩy cho năm 387. Người trở về quê hương và sống một cuộc đời khắc khổ. Rồi người được chọn làm giám mục giáo phận Híp-pôn. Trong suốt ba mươi bốn năm làm giám mục, người đã tận tụy chăm sóc đoàn chiên. Nhưng đáng kể nhất là tư tưởng và chứng tá đời sống của người đã lan tỏa. Người đã sống một cuộc đời hoàn toàn lo tìm kiếm Thiên Chúa và phục vụ Hội Thánh. Đối với người, Hội Thánh là cộng đoàn tín hữu Híp-pôn và đồng thời cũng là Thân Thể Chúa Kitô trải rộng khắp thế giới. Người qua đời năm 430.
1/ Bài đọc I: 1 Jn 4:7-16
7 Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa.
8 Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu.
9 Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này:
Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống.
10 Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa,
nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta.
11 Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau.
12 Thiên Chúa chưa ai được chiêm ngưỡng bao giờ. Nếu chúng ta yêu thương nhau,
thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta mới nên hoàn hảo.
13 Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được rằng chúng ta ở lại trong Người và Người ở lại trong chúng ta:đó là Người đã ban Thần Khí của Người cho chúng ta.
14 Phần chúng tôi, chúng tôi đã chiêm ngưỡng và làm chứng rằng: Chúa Cha đã sai Con của Người đến làm Đấng cứu độ thế gian.
15 Hễ ai tuyên xưng Đức Giê-su là Con Thiên Chúa,
thì Thiên Chúa ở lại trong người ấy và người ấy ở lại trong Thiên Chúa.
16 Còn chúng ta, chúng ta đã biết tình yêu của Thiên Chúa nơi chúng ta, và đã tin vào tình yêu đó. Thiên Chúa là tình yêu: ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy.
2/ Phúc Âm: Mt 23:8-12
8 "Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là "ráp-bi", vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau.
9 Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời.
10 Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Ki-tô.
11Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em.
12 Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.

 Suy niệm : Con yêu Chúa quá muộn màng
"Lạy Chúa, con yêu mến Chúa quá trễ: Ôi vẻ đẹp của ngàn xưa nhưng muôn thuở vẫn còn tươi mát, trẻ trung.
Con yêu mến Chúa quá trễ: Chúa ở bên trong tâm hồn, còn con, con sống hời hợt bên ngoài và chỉ chú tâm tìm kiếm Chúa ở đó.
Chúa hiện diện ở trong con nhưng con không sống ở trong Chúa. Nhiều tạo vật đã kềm hãm khiến con sống xa Chúa.
Chúa đã gọi tên con, Chúa đã lớn tiếng kêu gọi con, Chúa đã đâm thủng đôi tai giả điếc làm ngơ của con.
Chúa đã tỏa ánh sáng chiếu soi và đã phá tan màn đêm tối dày đặc nơi con.
Chúa thở ra hơi thơm ngào ngạt, con hít vào và con khao khát Chúa. Chúa đã chạm đến con và con luôn cảm thấy nung nấu được hưởng sự bình an của Chúa".
Trên đây là một đoạn trong quyển "Tự Thú" của thánh Augustinô, vị thánh Giáo Hội mừng kính hôm nay. Sau khi ăn năn trở lại, ngài đã nhận lãnh Phép Rửa vào năm 33 tuổi, chỉ sau đó 3 năm ngài được phong chức linh mục, 5 năm sau đó được đề cử làm giám mục thành Hippone.
Duyệt qua cuộc sống của thánh Augustinô, chúng ta có thể nói: Ngài là một tội nhân đã trở thành thánh nhân nhờ được Thiên Chúa đến gõ cửa lòng bằng câu nói mạnh mẽ của thánh Phaolô: "Ðừng sống theo dục tình và lạc thú dâm ô, nhưng hãy mặc lấy Ðức Giêsu Kitô".
Và kể từ đó, có thể nói được là Tình Yêu Thiên Chúa không bao giờ buông tha ngài, trái lại tạo trong tâm hồn ngài một sự khắc khoải và khao khát để đáp trả lại lời mời gọi yêu thương của Thiên Chúa.
Ngoài lời mời gọi và thôi thúc của Tình Yêu Thiên Chúa, quãng đầu cuộc đời của Augustinô, một tội nhân trở thành thánh nhân, có lẽ được vẽ lại bằng những nét chấm phá và những bàn tay cộng tác với ơn Chúa trong việc hoán cải như sau:
Trước tiên, cường độ của sức sống nơi ngài trên con đường thụt lùi xa lìa Thiên Chúa cũng như cường độ mãnh liệt hơn của sức sống ấy trên con đường tiến về Thiên Chúa.
Tiếp đến, những dòng nước mắt sầu đau và những kinh nguyện thành tâm của mẹ ngài, bà thánh Mônica dâng lên Thiên Chúa trong kiên tâm, bền chí ròng rã bao năm trời.
Và sau cùng là sự hướng dẫn tận tình của thánh Giám Mục Ambrôsiô.
Tất cả những yếu tố trên cộng lại đã giúp chuyển tình yêu cuộc sống thành một cuộc sống cho và vì Tình Yêu, như thánh nhân đã tự thú trong đoạn sách được trích dẫn ở trên: "Lạy Chúa, con yêu mến Chúa quá trễ, ôi vẻ đẹp của ngàn xưa, nhưng muôn thuở vẫn còn tươi mát, trẻ trung".
(Trích trong ‘Lẽ Sống’)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thánh Augustinô, Tiến Sĩ Hội Thánh
Bài đọc: 1 Jn 4:7-16; Mt 23:8-12

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa là sự thật và tình yêu hoàn hảo nhất.
Để hiểu Lời Chúa hôm nay, tôi thiết nghĩ, tìm hiểu đôi nét về cuộc đời của Thánh Augustinô sẽ giúp làm sáng tỏ các điều còn ẩn giấu trong đó. Augustinô là một người rất thông minh và giỏi lý luận. Tuy là người có đạo từ nhỏ, nhưng không dùng Kinh Thánh để đi tìm Thiên Chúa. Ông bị lung lay niềm tin vào chạy theo bè rối Manicheanism. Ông rất thích học triết học La-Hy, đặc biệt Neoplatonism của Plotinus, và thuật hùng biện của họ; vì ông nghĩ ông có thể dùng sự khôn ngoan và lý luận của mình để tìm ra sự thật.
Nhưng Augustinô đã lầm to, ông không thể tự mình tìm ra sự thật; ông phải nhờ đến sự giúp đỡ của Thiên Chúa mới có thể hiểu biết về Ngài, như ông đã tự thú, “Bị thúc đẩy để suy tư về chính con, con được dẫn vào chiều sâu thẳm nhất của linh hồn con dưới sự hướng dẫn của Ngài. Con đã có thể làm được điều đó chỉ vì Ngài là người giúp đỡ con.” Giống như Thánh Thomas Aquinas, Augustinô gọi sự giúp đỡ từ Thiên Chúa là “ánh sáng bất biến;” một thứ ánh sáng khác hẳn với mọi thứ ánh sáng khác được cảm nhận bởi giác quan. Nó là ánh sáng soi sáng và hướng dẫn linh hồn để hiểu những sự thật của Thiên Chúa. Không có ánh sáng này, con người không thể hiểu những sự thật của Thiên Chúa. Thiên Chúa có thể soi sáng trực tiếp trên trí tuệ con người vì Ngài dựng nên họ.
Augustinô thú nhận ông đã tìm cách để có sức mạnh cần thiết để chiêm ngắm Thiên Chúa, nhưng ông không thể tìm được cho đến khi ông tìm đến Đức Kitô, người trung gian giữa Thiên Chúa và con người, vì Ngài cũng chính là Thiên Chúa muôn đời. Chính Đức Kitô đã mặc khải, "Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống; không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Jn 14:6). Ngài là Lời đã hoá thành xác thịt, là sự khôn ngoan của Thiên Chúa qua đó Thiên Chúa tạo dựng mọi sự. Ngài có thể cung cấp cho chúng ta, con cái của Ngài, sữa khôn ngoan.
Khi đã cảm nghiệm được sự dịu ngọt và bình an của Thiên Chúa, Augustinô đã đau đớn thú nhận những lời này, “Con biết Ngài muộn màng quá, Ôi sắc đẹp cổ kính nhưng luôn mới! Ngài đã ở trong con, nhưng con đã ở ngoài và con đi tìm Ngài ở bên ngoài. Trong những xấu xa của con, con đã gieo mình vào những tạo vật do Ngài sáng tạo. Những tạo vật này, nếu Ngài không tạo dựng chúng sẽ không bao giờ hiện hữu, ngăn ngừa con đến với Ngài. Ngài đã gọi, đã thét lên, và đã phá vỡ bệnh điếc của con. Ngài đã chớp, đã chiếu sáng, và đã làm tiêu tan sự mù loà của con. Ngài đã thở hương thơm của Ngài trên con; con đã hít lấy và khao khát Ngài. Con đã nếm thử Ngài, và giờ đây con đói khát Ngài hơn nữa. Ngài đã đụng chạm con và con đã tiêu tan trong bình an của Ngài.”

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa là tình yêu.
1.1/ Thiên Chúa yêu thương chúng ta trước: Tác giả Thư Gioan thứ nhất dạy chúng ta nhiều điều quan trọng về tình yêu:
(1) Tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa: Thiên Chúa tạo dựng nên vũ trụ vì yêu thương con người, và nếu Ngài ghét bỏ điều gì, điều đó sẽ không có mặt trong cuộc đời. Mọi tình yêu đều bắt nguồn từ Thiên Chúa: tình yêu vợ chồng, tình yêu cha mẹ, anh em, bạn hữu...
(2) Ai yêu thương, người ấy được Thiên Chúa sinh ra: Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh (selem) và đức tính (demut) của Ngài (Gen 1:26; 5:1-3). Con người giống Thiên Chúa nhất ở đức tính con người biết yêu thương. Thánh Gioan xác tín: “Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu.”
(3) Cách biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa: Ngài đã biểu lộ bằng nhiều cách trong vũ trụ và trong lịch sử; nhưng theo thánh Gioan, cách biểu lộ tuyệt vời nhất là Ngài đã hy sinh cho chúng ta Người Con Một: “Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống.”
(4) Thiên Chúa yêu thương chúng ta trước: Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa trước, nhưng chính Thiên Chúa là Người đi bước trước. Ngài yêu thương con người khi họ chẳng có gì đáng yêu cả, khi họ vẫn còn là các tội nhân: “Chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta.”
1.2/ Chúng ta cũng phải yêu thương nhau: Như đã nói trên, điều làm cho con người giống Thiên Chúa nhất là họ biết yêu thương: họ biết yêu thương đáp trả tình yêu Thiên Chúa và biết yêu thương nhau. Thánh Gioan truyền cho các tín hữu của Ngài: “Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau.” Tính hỗ tương của tình yêu còn được nhấn mạnh hơn nữa trong Tin Mừng Gioan: “Như Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” (Jn 15:9). “Như Thầy yêu mến anh em thế nào, anh em cũng phải yêu mến nhau như vậy” (Jn 13:34).
Có nhiều loại tình yêu khác nhau trong cuộc đời như tình yêu lãng mạn giữa trai gái, tình yêu chung thủy giữa vợ chồng, tình yêu huynh đệ giữa anh em hay những người chung chí hướng, tình yêu thương xót khi gặp người đau khổ... Đức Giáo Hoàng Benedict trong Thông Điệp Deus Caritas Est, # 10-11, cho rằng tất cả tình yêu đều bắt nguồn từ Thiên Chúa, nhưng tất cả tình yêu này đều bất toàn so với tình yêu của chính Thiên Chúa, vì cách nào đó chúng vẫn còn tính vị kỷ. Tình yêu hoàn hảo nhất mà con người cần đạt đến là tình yêu của Thiên Chúa, vì với tình yêu này, con người có thể yêu thương tha nhân như chính Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta. Với tình yêu này, con người có thể đáp ứng những đòi hỏi của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Matthew, chương 5, là yêu thương ngay cả kẻ thù, làm ơn và cầu nguyện cho những người bách hại chúng ta...
2/ Phúc Âm: “Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là "ráp-bi", vì anh em chỉ có một Thầy.”
2.1/ Giá trị giới hạn của kiến thức và tình yêu của con người: Tục ngữ Việt-Nam dạy, “Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo.” Lời nói có thể chỉ cho con người biết điều đúng sai, nhưng gương sáng có sức hấp dẫn để người khác làm theo như vậy. Người lãnh đạo hoàn hảo là người biết dùng cả lời nói lẫn hành động để hướng dẫn những người dưới quyền mình làm theo những gì họ muốn. Tuy nhiên, nếu không tìm thấy một người lãnh đạo hoàn toàn như thế, người lãnh đạo chỉ bằng lời nói cũng có thế giá giới hạn của họ như Chúa Giêsu đã công nhận giá trị dạy dỗ của các Kinh-sư và Biệt-phái.
2.2/ Giá trị vĩnh cửu của sự thật và tình yêu của Thiên Chúa: Chúa Giêsu đã tố cáo những tật xấu của các luật-sĩ và Pharisees:
(1) Họ là những người làm luật và kiểm soát những người lỗi phạm luật; vì thế họ đặt ra rất nhiều luật đến độ quá chi li không cần thiết, chẳng hạn cách thức rửa tay trước khi ăn hay đóng thuế thập phân những lá cây như bạc hà. Chúa buộc tội: “Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào.”
(2) Họ làm việc cốt để cho thiên hạ thấy: Tất cả những việc đạo đức họ làm không vì Thiên Chúa, nhưng để cho người đời trông thấy để khen ngợi họ. Tuy việc đeo hộp kinh và mang tua áo trong khi cầu nguyện là việc luật buộc phải làm để nhắc nhở họ phải không ngừng nhớ tới Thiên Chúa là Chúa của họ (hộp kinh: Exo 13:16, x/c Deut 6:8, 11:18; tua áo: Num 15:37-41, Deut 22:12); nhưng để kéo sự chú ý của người khác, họ thi nhau làm những hộp kinh lớn hơn và đeo những tua áo dài hơn.
(3) Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường: Trong các đám tiệc, chỗ nào quan trọng nhất là chỗ của họ, chẳng hạn ngồi bên trái hay phải của chủ nhà hay cùng bàn với những nhân vật quan trọng. Trong hội đường Do-thái, những ghế trên đầu là những ghế dành cho những người già cả và vị vọng. Họ muốn những ghế này để tỏ cho thiên hạ biết mình quan trọng và chú ý tới cách ăn mặc của họ cũng như các việc họ làm.
(4) Họ thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là “rabbi.” Người luật sĩ và Pharisees quan niệm dân chúng phải đối xử với họ như những công dân bậc nhất, hơn cả cha mẹ, vì cha mẹ chỉ có công về phần xác; trong khi họ có công về phần tinh thần và tinh thần quan trọng hơn thân xác.
Tại sao Chúa Giêsu ngăn cấm không cho các môn đệ gọi ai là "rabbi," “cha,” hay “người lãnh đạo”? Ở đây Chúa muốn nhắc nhở cho các môn đệ đừng tôn thờ ai như thần tượng của mình để bắt chước họ ngòai một mình Thiên Chúa. Sau cùng, Chúa nhắc nhở con người về tiêu chuẩn đánh giá trị của Thiên Chúa: “Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG
- Cuộc đời của thánh Augustinô phải là bài học kinh nghiệm cho chúng ta, nhất là những người trẻ, biết rằng: Đừng mong tìm được sự thật của Thiên Chúa ngoài Kinh Thánh. Nói cách khác, nếu muốn biết các sự thật vĩnh cửu, chúng ta phải học Kinh Thánh.
- Muốn đến với Thiên Chúa, chúng ta phải ngang qua Đức Kitô. Một cuộc sống cầu nguyện và kết hợp mật thiết với Đức Kitô sẽ giúp chúng ta am tường về Thiên Chúa, như thánh Thomas Aquinas nhận định, “Tôi học được nhiều hơn hết từ Thập Giá của Đức Kitô.”
- Đừng dại nhận ai là thần tượng của đời mình, ngoài Thiên Chúa. Ngài là Người có quyền tối thượng trên hết mọi sự và yêu thương chúng ta nhất.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP




Thứ Năm Tuần XXI Mùa Thường Niên Năm chẵn


BÀI ĐỌC I:  1 Cr 1, 1-9
"Trong mọi sự, anh em hãy nên giàu có trong Người".
Khởi đầu thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Phaolô, do thánh ý Chúa, được kêu gọi làm Tông đồ của Chúa Giêsu Kitô, và Sôtênê, anh em chúng tôi, kính chào Hội Thánh Chúa ở Côrintô, những người được thánh hoá trong Chúa Giêsu Kitô, được kêu gọi nên thánh, làm một với tất cả mọi người khắp nơi đang kêu cầu thánh danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta: Nguyện xin ân sủng và bình an của Thiên Chúa là Cha chúng ta, và của Đức Giêsu Kitô, ở cùng anh em.
Tôi hằng cảm tạ Chúa thay cho anh em, vì ơn đã ban cho anh em trong Chúa Giêsu Kitô. Vì chưng, trong Người, anh em được tràn đầy mọi ơn: ơn ngôn ngữ và ơn hiểu biết, đúng như Chúa Kitô đã minh chứng nơi anh em, khiến anh em không còn thiếu ơn nào nữa trong khi mong chờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta tỏ mình ra. Cũng chính Người sẽ ban cho anh em bền vững đến cùng, không có gì đáng khiển trách trong ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta ngự đến. Thiên Chúa là Đấng Trung Tín, đã kêu mời anh em hiệp nhất với Con của Người, là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.  Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA:  Tv 144, 2-3. 4-5. 6-7
Đáp: Lạy Chúa, con sẽ chúc tụng danh Chúa tới muôn đời (c. 1b).
Xướng: 1) Hằng ngày con sẽ chúc tụng Chúa, và con sẽ khen ngợi danh Chúa tới muôn đời, Chúa vĩ đại và rất đáng ngợi khen, sự vĩ đại của Chúa không thể đo lường được. - Đáp.
2) Thế hệ này rao giảng cho thế hệ kia hay công việc Chúa, và thiên hạ loan tin quyền năng của Ngài. Người ta nói đến vinh quang cao cả oai nghiêm, và phổ biến những điều kỳ diệu của Chúa. - Đáp.
3) Người ta nói tới quyền năng trong những việc đáng sợ, và kể ra sự vĩ đại của Ngài. Người ta lớn tiếng khen ngợi lòng nhân hậu bao la, và hân hoan vì đức công minh của Chúa. - Đáp.
ALLELUIA:  Cl  3, 16a và 17c
Alleluia, alleluia! - Nguyện cho lời Chúa Kitô cư ngụ dồi dào trong anh em; anh em hãy nhờ Đức Kitô mà tạ ơn Thiên Chúa Cha. - Alleluia.

PHÚC ÂM: Mt 24, 42-51
"Các con hãy sẵn sàng".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con hãy tỉnh thức, vì không biết giờ nào Chúa các con sẽ đến. Nhưng các con phải biết điều này, là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông ta sẽ canh phòng, không để cho đào ngạch khoét vách nhà mình. Vậy các con cũng phải sẵn sàng, vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến.
"Vậy các con nghĩ ai là đầy tớ trung tín và khôn ngoan mà chủ đã đặt lên coi sóc gia nhân, để cứ giờ mà phân phát lương thực cho họ? Phúc cho đầy tớ ấy, khi chủ nó đến thấy nó đang làm như vậy. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ đặt người ấy lên coi sóc tất cả gia sản ông. Nhưng nếu đầy tớ ấy xấu, nghĩ trong lòng rằng: 'Chủ tôi về muộn', rồi nó đánh đập các bạn đầy tớ, lại còn chè chén với lũ say sưa: chủ đầy tớ ấy trở về vào ngày nó không ngờ, vào giờ nó không biết, ông sẽ xé xác nó ra, và cho nó chung số phận với những kẻ giả hình: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng".  Đó là lời Chúa.


Suy niệm : Người quản lý trung tín
Bài Tin Mừng hôm nay gồm có hai phần: Phần thứ nhất là lệnh truyền của Chúa là hãy sống tỉnh thức; và phần thứ hai là câu chuyện dụ ngôn Chúa Giêsu muốn nói về người quản lý trung tín, để chỉ cho chúng ta phải biết sống tỉnh thức như thế nào.
Sống tỉnh thức, chờ mong Chúa đến không có nghĩa là án binh bất động, không làm gì cả, chỉ ngồi yên mà chờ. Ðây là một thái độ tỉnh thức thụ động không được Chúa Giêsu khuyến khích qua dụ ngôn người quản lý trung tín. Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta một thái độ tỉnh thức tích cực, luôn sinh động, thực hiện công việc Chúa muốn chúng ta thực hiện với hết khả năng của mình. Chúng ta biết rằng tất cả những gì Chúa ban cho ta là bảo chứng cho sự tốt lành và tình thương của Ngài, đồng thời cũng là lời nhắc nhở chúng ta nhớ đến Chúa và gắn bó với Ngài. Ðó cũng là phương tiện để chúng ta tự hoàn thiện bản thân và đạt được cùng đích cuối cùng là Nước Trời. Hơn nữa, những gì Chúa ban cho chúng ta không chỉ nhằm sinh ích cho chúng ta, mà chúng ta còn phải chia sẻ cho anh chị em chung quanh. Những gì Chúa ban cho chúng ta đều do lòng quảng đại của Ngài. Ngài ban cho chúng ta một cách nhưng không, và đến lượt chúng ta, chúng ta có bổn phận phải sẵn lòng chia sẻ những điều tốt lành ấy cho anh chị em chung quanh một cách quảng đại.
Vai trò của chúng ta như Chúa muốn thì chúng ta là những người quản lý trung tín và tốt lành, là những người quản lý ân sủng thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa trong thời gian chúng ta chờ đợi Chúa tỏ bày vinh quang của Ngài cho chúng ta. Khi chúng ta chia sẻ cho anh chị em, chúng ta phải luôn ý thức rằng chúng ta phải có bổn phận và trách nhiệm trong vai trò của một người quản lý và phân phát, rồi hãy để cho Chúa được tỏ lộ. Tất cả những gì chúng ta làm phải được định hướng và làm cho danh Chúa được rạng rỡ vinh quang.
Xác định mọi sự là của Chúa, còn mình chỉ là người quản lý và phải làm người quản lý trung tín và khôn ngoan thì sẽ bảo quản những gì Chúa trao cũng như coi sóc gia nhân và cấp phát lương thực cho họ đúng giờ, đúng lúc. Hơn nữa, khi ý thức mình là người quản lý thì cũng sẽ cho đi một cách khiêm nhường và vị tha như Chúa đòi hỏi, chúng ta sẽ không thể có thái độ kẻ cả hay coi thường người khác.
Khi tiếp xúc với những người mà họ chưa biết Chúa, chưa biết Tin Mừng Chúa, chưa nhận ra ân sủng và tình thương của Chúa, chúng ta không được hành xử như người quản lý xấu xa trong dụ ngôn trên là đánh đập các đồng bạn và chè chén với những bọn say sưa. Mỗi chúng ta hãy luyện cho mình có được thái độ sống, sống cho tròn bổn phận Chúa đã trao cho chúng ta như một người quản lý tốt lành và khôn ngoan, luôn thức tỉnh, sẵn sàng bảo quản ân huệ Chúa ban để không hao hụt mà còn biết sinh lợi và chia sẻ với anh chị em. Thái độ đó sẽ giúp chúng ta sống trọn vẹn hơn, dám đi ra khỏi chính mình, luôn hăng say và nhiệt thành đến với anh chị em ở mọi nơi và trong mọi hoàn cảnh, để gặp gỡ, chia sẻ tình thương, ân sủng và tất cả những gì Chúa ban cho chúng ta. Nhờ đó chúng ta và mọi anh chị em sẽ được lãnh phần thưởng muôn đời mà Chúa đã hứa cho những ai trung thành.
Lạy Chúa,
Mọi sự con có là của Chúa, xin ban cho chúng con luôn sống đúng vai trò người quản lý trung tín của Chúa, để qua chúng con, mọi người sẽ nhận ra lòng quảng đại và yêu thương cũng như sự tốt lành của Ngài.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)


LỜI CHÚA MỖI NGÀY
THỨ NĂM TUẦN XXI THƯỜNG NIÊN năm II
Bài đọc: I Cor 1:1-9; Mt 24:42-51.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ :Thiên Chúa trang bị cho con người đầy đủ mọi sự để đạt tới Nước Trời.
Có một câu chuyện nhỏ thuật lại cuộc đối thoại giữa thánh Gioan Bosco và các em nhỏ như sau: Một hôm cha hỏi: “Nếu bây giờ Chúa gọi các em về thì các em sẽ làm gì?” Một em bảo: “Con sẽ vào nhà thờ kiếm cha để xưng tội.” Em khác bảo: “Con sẽ về từ giã cha mẹ.” Sau cùng, có một em trả lời: “Con vẫn tiếp tục làm những gì con đang làm.” Cha xoa đầu và khen em bé thật khôn ngoan. Để có thể trả lời như thế, em bé phải rất tự tin vào những gì em đã sống.
Các bài đọc hôm nay muốn nêu bật thái độ tự tin mà một người tín hữu phải có khi sống trong cuộc đời. Trong bài đọc I, thánh Phaolô muốn xác tín với các tín hữu Corintô Thiên Chúa đã trang bị cho họ mọi sự cần thiết trong cuộc đời để họ có thể đạt được đích điểm mà Ngài đã tiền định cho họ như: Giáo-hội, Lời Chúa, ơn thánh, các mạc khải. Họ chỉ cần mở lòng tiếp nhận và vâng lời làm theo những gì Ngài dạy. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu kể một câu truyện để nói lên hai thái độ người môn đệ có thể rơi vào: Anh có thể có thái độ luôn trung tín và sẵn sàng chờ đợi chủ, hay có thể có thái độ lười biếng vì nghĩ ông chủ còn lâu mới trở lại. Thái độ thứ nhất là thái độ Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Ngài phải sống.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Liệt kê những hành trang Chúa trao ban cho con người: Giáo Hội, Lời Chúa, ân sủng, và mục đích của cuộc đời.

(1) Giáo Hội: Tuy Chúa Giêsu không còn hiện diện bằng thân xác hữu hình, nhưng Ngài vẫn ở với con người bằng những cách vô hình. Một trong những cách này là sự hiện diện của Ngài trong Giáo Hội, nơi các Tông Đồ và những người kế vị các ngài. Ngài không chỉ hiện diện trong Giáo Hội hòan vũ mà còn nơi các giáo hội địa phương như Côrintô, Thessalonica, Êphêsô… Mục đích của sự hiện diện này là để tiếp tục hướng dẫn, dạy dỗ, và ban ơn cho tất cả mọi người ở khắp nơi. Sự hiệp thông của mọi thành phần trong Giáo-hội được bày tỏ qua những lời chào thăm của thánh Phaolô tới giáo hội Côrintô: “Tôi là Phaolô, bởi ý Thiên Chúa được gọi làm Tông Đồ của Đức Giêsu Kitô, và ông Sosthenes là người anh em của chúng tôi, kính gửi hội thánh của Thiên Chúa ở Côrintô, những người đã được hiến thánh trong Đức Kitô Giêsu, được kêu gọi làm dân thánh, cùng với tất cả những ai ở bất cứ nơi nào kêu cầu danh Chúa của chúng ta.”
(2) Được nghe Lời Chúa và hiểu biết các mầu nhiệm của Người: Một trong những hành trang quan trọng nhất mà Thiên Chúa trang bị cho con người là “Lời Chúa.” Có thể nói rằng không có điều gì con người cần biết mà đã không được nhắc đến trong Kinh Thánh. Khi Chúa Giêsu đến, Ngài đã mặc khải cho con người tất cả các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Nếu Chúa Giêsu không mặc khải, con người không thể hiểu biết những mầu nhiệm này.

(3) Không thiếu bất cứ một ân huệ nào trong Chúa Giêsu Kitô: Ngoài Lời Chúa, tất cả những ơn thánh cần thiết được ban cho con người qua các bí-tích và những dịp đặc biệt được ban qua Giáo-hội. Nếu con người biết năng chạy đến lãnh nhận các bí-tích, họ sẽ không thiếu một ơn thánh nào cần thiết cho cuộc sống. Sự lơ là lãnh nhận các bí-tích làm con người không có đủ ơn thánh để chống trả với những cám dỗ và đau khổ của cuộc đời. Thánh Phaolô quả quyết điều này khi ngài nói: “Thật thế, lời chứng về Đức Kitô đã ăn sâu vững chắc vào lòng trí anh em, khiến anh em không thiếu một ân huệ nào, trong lúc mong đợi ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mặc khải vinh quang của Người.”

(4) Cho con người biết mục đích chính xác của cuộc đời qua những giáo huấn về Ngày Tận Thế: Sự khác biệt giữa người Công-giáo và các tín hữu của các đạo khác là người Công-giáo biết rõ mục đích của cuộc đời và những gì cần phải làm để đạt mục đích đó. Nếu đã biết tất cả những điều quan trọng này, các tín hữu Công-giáo phải an tâm chuẩn bị cho ngày về tới đích.

2/ Phúc Âm: Hãy chuẩn bị hành trang về nhà Chúa khi trời còn sáng.

Chúng ta đã được báo trước bởi Chúa Giêsu trong những chương cuối cùng của Phúc Âm Matthêu về Ngày Tận Thế là: (1) Điều chắc chắn là ngày ấy sẽ xảy ra; (2) Ngày và giờ sẽ xảy ra thì chỉ một mình Chúa Cha biết. Để luôn chuẩn bị cho ngày này, con người cần làm những việc sau:
(1) Chuẩn bị sẵn sàng: Yếu tố bất ngờ là một trong những điều sẽ xảy ra trong Ngày Tận Thế; vì thế cần chuẩn bị sẵn sàng. Phúc Âm hôm nay dùng ví dụ của tên ăn trộm để nói lên tính bất ngờ: “Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông đã thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu. Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.” Chuẩn bị sẵn sàng là chuẩn bị những gì cần thiết để ra trước tòa phán xét: đức tin vững mạnh vào Chúa, yêu thương và giúp đỡ mọi người, sạch mọi vết nhơ tội lỗi.
(2) Chu tòan các bổn phận hằng ngày: Sau khi đã chuẩn bị sẵn sàng, con người cần chu toàn các bổn phận hằng ngày của mình cách tốt đẹp. Một điều để biết ai là người trung tín và khôn ngoan là thử thách họ bằng cách thăm viếng bất ngờ: nếu lúc nào họ cũng làm việc dù có mặt hay không có mặt của chủ, luôn chu toàn đầy đủ bổn phận của mình. Những người nào làm những điều này, chủ có thể tin cậy và trao mọi việc cho họ.

(3) Luôn tỉnh thức chờ đợi chủ: Sống ngày nào cũng như ngày cuối của đời mình. Một nguy hiểm thường xảy ra cho phần lớn các tín hữu là ngày ấy còn lâu mới đến! Đây là cách cám dỗ rất hiệu nghiệm của ma quỉ và không biết bao người đã rơi vào bẫy này. Nhiều người nói tuổi tôi còn trẻ chắc Chúa chưa gọi về, cứ việc ăn chơi thỏa thích cho tới khi bước vào tuổi già rồi sẽ ăn năn trở lại. Người khác lý luận: Chẳng cần theo đạo bây giờ để phải giữ bao nhiêu luật lệ và cứ phải xưng tội mãi, cứ chờ cho đến lúc nằm trên giường hấp hối, lúc đó sẽ trở lại cũng không muộn vì Thiên Chúa nhân lành sẽ trả công cho người làm một giờ cũng một nén bạc. Nhưng cuộc đời họ không học được chữ ngờ, Chúa cất họ đi khi họ chưa chuẩn bị như tên đầy tớ xấu xa hôm nay.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta phải vững tin vào Lời Chúa dạy bảo, đừng có thái độ ai nói gì cũng nghe. Sống trong một xã hội với bao nhiêu tôn giáo và niềm tin khác nhau, người Công-giáo phải xác tín vào những gì Chúa dạy bảo.
- Chúng ta phải luôn chuẩn bị sẵn sàng và sống giây phút hiện tại trong an bình và hy vọng.
- Điều gì chúng ta muốn làm và cần phải làm, hãy làm ngay đi khi trời còn sáng, trí khôn còn sáng.
Lm.An-tôn Đinh Minh Tiên, OP.


HẠT GIỐNG NẨY MẦM - MÙA QUANH NĂM - TUẦN 21
Mt 24,42-51

* Đặt trong sơ đồ chung của Mt :
Hai chương 24-25 (Từ hôm nay đến Thứ Bảy) là bài giảng về thời cánh chung. Ý chính của bài giảng này là ngày tận thế và việc Đức Kitô quang lâm. Ý tưởng đi liền với ý tưởng trên là những biến cố vô cùng hệ trọng này buộc người ta phải chọn lựa dứt khoát hoặc đón nhận hoặc từ chối Đức Kitô. Nhưng không phải chờ tới lúc đó mới chọn, mà phải chọn ngay từ bây giờ. Do đó những biến cố ấy và sự chọn lựa ấy có ảnh hưởng tới cách sống hằng ngày trong hiện tại.

A. Hạt giống...
Hai dụ ngôn về tên trộm và người quản gia :
- Dụ ngôn tên trộm : vì không ai biết giờ nào trộm sẽ đến, do đó lúc nào cũng phải đề cao cảnh giác.
- Dụ ngôn quản gia : người quản gia trung tín làm việc theo tinh thần trách nhiệm, lúc nào cũng chu toàn những việc được giao, chứ không phải lúc có mặt chủ thì làm tốt còn khi vắng mặt chủ thì bê tha.

B.... nẩy mầm.
1. Áp dụng bài học của dụ ngôn tên trộm : ta biết luôn đề cao cảnh giác để bảo vệ tài sản vật chất, sao không làm như thế đối với tài sản thiêng liêng vốn quý giá hơn nhiều.
2. Ta cũng có thể áp dụng bài học của dụ ngôn người quản gia trong hai bình diện :
- Đối với bề trên : cách tôi làm bổn phận khi có mặt và khi không có mặt bề trên có khác nhau không ?
- Đối với Chúa : phải chăng khi gặp nguy hiểm, khi đau yếu, khi đụng chuyện khó khăn… tôi mới cư xử đàng hoàng với Chúa ?
3. Trách nhiệm : “Con người là tạo vật duy nhất gánh lấy trách nhiệm đối với chính bản thân, đối với tha nhân, đối với thiên nhiên và trước mặt Thiên Chúa” (Chờ đợi Chúa)
4. Một ngôi trường bị nổ. Cả trăm học sinh và giáo viên thiệt mạng. Nhiều gia đình chết 2 hay 3 em. Chính quyền địa phương bí mật sai người đến điều tra nguyên nhân vụ nổ. Trong một cuộc dò hỏi, vợ một công nhân xây dựng ngôi trường đó nói : trước khi thảm kịch xảy ra, chồng bà đã biết là việc xây đường ống dẫn khí đốt ở đó có vấn đề.
- Cái gì ? Chồng bà biết rõ việc đặt đường ống dẫn khí có vấn đề ?
- Đúng vậy.
- Thế chồng bà có báo cho ai biết việc đó không ?
- Không.
- Vậy chồng bà phải chịu trách nhiệm về sự cố đó, chồng bà cũng là một tội phạm. (Góp nhặt)
5. Một người dân thuộc một bộ lạc miền núi được đưa đi thăm một đô thị. Ngay đêm đầu tiên ông đã giật mình thức giấc vì tiếng trống vang cùng khắp đô thị. Người ta cho anh biết đó là tiếng trống báo động về một cuộc hoả hoạn vừa xảy ra tại một khu phố. Chẳng bao lâu cuộc hoả hoạn được dập tắt. Trở về làng, ông đã báo cáo với các chức sắc trong làng như sau : người thành thị có một hệ thống chữa cháy rất kỳ diệu : khi có hoả hoạn, người ta chỉ cần đánh trống là ngọn lửa được dập tắt ngay tức khắc. Nghe thế, các chức sắc liền sai người đi mua đủ loại trống phát cho dân làng. Không bao lâu sau đó, hoả hoạn xảy đến trong làng, mọi người đều đem trống ra khua inh ỏi vì tin chắc tiếng trống sẽ xua đuổi được thần lửa. Thế nhưng ngọn lửa vô tình cứ thiêu rụi từ căn nhà này đến căn nhà khác trước cái nhìn ngỡ ngàng thất vọng của mọi người.
Tình cờ ghé thăm bộ lạc và được nghe kể lại, một người dân thành thị giải thích : Các người tưởng tiếng trống có thể dập tắt ngọn lửa ư ? Không phải thế. Người ta đánh trống để đánh thức dân chúng và kêu gọi họ tích cực tham gia chữa cháy chứ không phải ngồi đó mà chờ ngọn lửa tắt đâu.
Trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu nói đến sự tỉnh thức. Nhưng tỉnh thức không có nghĩa là ngồi đó khoanh tay mà chờ đợi. ("Mỗi ngày một tin vui")
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp. Cần Thơ

28/08/14 THỨ NĂM TUẦN 21 TN
Th. Âu-tinh, giám mục, tiến sĩ HT
Mt 24,42-51

Suy niệm: Chúa Giê-su nhắc nhở các môn đệ phải sẵn sàng chờ đợi Chúa đến với tinh thần tỉnh táo và trong tư thế sẵn sàng hành động như người đang canh phòng kẻ trộm. Sự tỉnh thức sẵn sàng của các môn đệ không giống như sự tỉnh thức của toán quân đang phục kích chờ địch đến để tiêu diệt; nó cũng khác với sự tỉnh thức trong run sợ của một tử tội chờ đến giờ mình bị hành quyết. Chúa Giê-su chân dung người tôi tớ trung thành, đó là: chu toàn với tinh thần trách nhiệm các bổn phận được giao phó, tận tâm chăm lo cho tha nhân trong tình huynh đệ, sẵn sàng chờ đón chủ bằng lòng yêu mến trung thành. Việc chủ trở về cách bất ngờ không phải là một điều gây sợ hãi mà trái lại càng làm sâu đậm hơn sự gắn bó của người tôi trung với chủ mình.
Mời Bạn: Bạn có xác tín rằng chọn lựa căn bản của những người môn đệ của Chúa Ki-tô chính là sống như người tôi trung của Thiên Chúa không? Là người tôi trung của Chúa, bạn có trách nhiệm coi sóc những tài sản của Ngài, đó là vũ trụ, mà Thiên Chúa đã tạo dựng, là nhân loại trong đó có cả chính bạn, là những thụ tạo đặc biệt đã được tạo thành giống hình ảnh của Thiên Chúa.
Chia sẻ: Những đam mê hưởng thụ ích kỷ và vô độ là đầu mối dẫn đến chỗ bất trung với Thiên Chúa. Cộng đoàn của bạn đang vướng vào thứ bất trung nào?
Sống Lời Chúa: Bạn chu toàn cách tốt nhất bổn phận hằng ngày trong tâm tình người tôi trung của Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con chỉ là tôi tớ vô dụng của Chúa. Xin chỉ cho con biết Chúa muốn con làm gì và giúp con chu toàn những việc đó.

Hãy sẵn sàng
Canh thức không phải là không ngủ. Canh thức là sống đời sống Kitô hữu của mình cách trung tín, quảng đại. 


Suy nim:
Châm ngôn của hướng đạo sinh là Sắp Sẵn, nghĩa là hãy sẵn sàng.
Không rõ ông tổ của phong trào hướng đạo
có được gợi hứng từ bài Tin Mừng hôm nay không.
Nhưng hãy sẵn sàng đúng là châm ngôn của mọi Kitô hữu,
từ những Kitô hữu sống ở thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ 21 và cho đến tận thế.
Hãy sẵn sàng vì từng Kitô hữu cũng như cả Kitô giáo
vẫn luôn ở trạng thái chờ Chúa Kitô trở lại.
Ngài đã đến làm người cách đây hai ngàn năm,
Ngài đã cứu độ nhân loại bằng cuộc sống và cái chết trên thập giá,
Ngài vẫn đang ở với Giáo Hội nhờ Thánh Thần,
nhưng Ngài sẽ trở lại trong vinh quang như Đấng phán xét cả thế giới.
Đó là điều chúng ta chờ mong, điều duy nhất Ngài chưa thực hiện.
Nếu chủ nhà biết canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông sẽ canh thức,
không để nó khoét vách nhà mình (c. 43).
Còn người Kitô hữu, vì không biết ngày nào, giờ nào Chúa trở lại,
nên họ phải canh thức luôn luôn, phải sẵn sàng liên lỉ.
Canh thức không phải là không ngủ.
Canh thức là sống đời sống Kitô hữu của mình cách trung tín, quảng đại.
Canh thức không làm chúng ta bị căng thẳng thường xuyên,
vì thấy mình như bị đe dọa bởi một tai họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Chúa cũng không cố ý đến bất ngờ, để ta không kịp trở tay.
Đơn giản là chúng ta biết chắc chắn Ngài sẽ đến,
nên chúng ta luôn sẵn sàng.
Chuyện khi nào Ngài đến, không làm chúng ta lo âu và sợ hãi nữa,
vì cả cuộc sống của chúng ta đã là một chuẩn bị, một đợi chờ.
Canh thức cũng có nghĩa là làm tròn phận sự được Chúa trao.
Ông chủ đi vắng nên trao cho người đầy tớ quyền cấp phát lương thực.
Đó là quyền hành mà cũng là phận sự trên các gia nhân.
Nếu khi trở về, ông chủ thấy người đầy tớ ấy đang phục vụ nghiêm chỉnh,
thì phúc cho anh ấy, vì anh sẽ được coi sóc toàn bộ tài sản của ông (c. 47).
Nhưng nếu anh ấy nghĩ rằng ông chủ sẽ về muộn,
anh còn nhiều thời giờ để vui chơi hơn là chu toàn bổn phận.
Nếu anh ấy lạm dụng quyền lực trong tay để đánh đập các đầy tớ khác,
nếu anh ấy nhậu nhẹt với bọn say sưa, nên không còn tỉnh thức đủ,
thì ông chủ sẽ về bất ngờ, vào ngày và giờ sớm hơn anh nghĩ.
Lúc ấy khuôn mặt thật của anh sẽ lộ ra, khuôn mặt giả hình.
Và anh sẽ chịu chung số phận với những người đạo đức giả (c. 51).
Anh đầy tớ xấu xa nghĩ chủ sẽ về trễ, nào ngờ chủ về sớm.
Kitô giáo đã chờ Chúa quang lâm từ gần hai mươi thế kỷ.
Có người nản lòng, nên cho rằng chắc còn lâu lắm mới đến ngày đó.
Có người đồn thổi lung tung về ngày tận thế sắp đến tới nơi rồi.
Cả hai thái độ đều không đúng.
Điều quan trọng đối với người môn đệ là trung tín chu toàn công việc.
Tỉnh thức và sẵn sàng giúp ta luôn bình an, dù ngày mai tận thế.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu,
nếu ngày mai Chúa quang lâm,
chắc chúng con sẽ vô cùng lúng túng.

Thế giới này còn bao điều khiếm khuyết, dở dang,
còn bao điều nằm ngoài vòng tay của Chúa.

Chúa đâu muốn đến để hủy diệt,
Chúa đâu muốn mất một người nào...

Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa
xây dựng một thế giới yêu thương và công bằng,
vui tươi và hạnh phúc,
để ngày Chúa đến thực là một ngày vui trọn vẹn
cho mọi người và cho cả vũ trụ.

Xin nuôi dưỡng nơi chúng con
niềm tin vững vàng
và niềm hy vọng nồng cháy,
để tất cả những gì chúng con làm
đều nhằm chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ


Suy niệm
Sau khi quở trách sự giả hình của nhóm luật sĩ và biệt phái, Chúa Giêsu hướng sang dạy dỗ các môn đệ. Bài học mà Ngài dạy dỗ chúng ta hôm nay là tỉnh thức và sẵn sàng.
Tỉnh thức và sẵn sàng với điều gì?
Tỉnh thức và sẵn sàng với "ngày Con Người đến". "Ngày của Con Người" thường được hiểu là ngày cánh chung nhưng cũng được hiểu là ngày chúng ta lìa cõi thế trở về với Chúa.
Tại sao phải tỉnh thức và sẵn sàng?
- Phải tỉnh thức và sẵn sàng vì "ngày Con Người đến" rất bất ngờ, bất ngờ như kẻ trộm. Chúng đến vào lúc chủ nhà không ngờ đến. Cái chết đến với chúng ta vào lúc chúng ta không ngờ.
- Phải tỉnh thức và sẵn sàng để khi "ngày Con Người đến" chúng ta như người đầy tớ trung tín đợi chủ, được vào hưởng hạnh phúc chứ không bị ném vào nơi phải khóc lóc nghiến răng.
Tỉnh thức và sẵn sàng thế nào?
Tỉnh thức và sẵn sàng được nhìn trong hai mối tương quan.
Tỉnh thức và sẵn sàng trong bổn phận đối với Chúa. Chúng ta phải tỉnh thức và sẵn sàng trong đời sống đức tin. Ngọn đèn đức tin của chúng ta phải luôn cháy sáng chờ đợi Chúa, để khi Chúa đến ta ra đón Chúa với ngọn nến cháy sáng trong tay.
Tỉnh thức và sẵn sàng trong bổn phận đối với tha nhân.
Một người tỉnh thức trong bổn phận này là người biết chu toàn bổn phận chủ giao: coi sóc và phân phát lương thực cho tha nhân"Coi sóc" là phải biết sống quan tâm đến tha nhân. "Phân phát lương thực" là biết yêu thương và giúp đỡ tha nhân, nghĩa là luôn quan tâm và phục vụ tha nhân.
Ngược lại, một người không tỉnh thức và sẵn sàng là người chỉ biết lo cho mình, tìm thoả mãn cho mình, thờ ơ với tha nhân, thậm chí còn bóc lột và hà hiếp tha nhân.
Chúng ta không biết "ngày Chúa đến" với chúng ta khi nào, ở đâu và cách nào, nhưng chắc chắn ngày ấy sẽ đến, thậm chí đến cách bất ngờ. Vì vậy, cách tốt nhất là phải biết sống tỉnh thức và sẵn sàng.
- Tỉnh thức và sẵn sàng bằng cách chúng ta luôn sống gắn bó, tin tưởng và yêu mến Thiên Chúa qua việc chúng ta đến với Ngài trong kinh nguyện, Thánh Thể và các Bí tích.
- Tỉnh thức và sẵn sàng bằng cách chúng ta luôn sống quan tâm và sẵn sàng phục vụ tha nhân trong hoàn cảnh và khả năng của chúng ta. Có như thế, chúng ta mới mong trở thành người đầy tớ trung tín của Chúa và mới hy vọng được vào hưởng hạnh phúc vĩnh cửu với Ngài.
Lạy Chúa, con đang sống trong một xã hội đầy những lo lắng, nhất là những lo lắng cho cuộc sống đời này. Xin đừng để những lo lắng đời này làm cho con không còn sống tỉnh thức và sẵn sàng trong đời sống thiêng liêng. Xin cho con biết tỉnh thức và sẵn sàng bằng cách sống gắn bó với Chúa, quan tâm và phục vụ tha nhân. Amen.

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
28 THÁNG TÁM
Bên Thềm Thiên Niên Kỷ Thứ Ba
Một vấn đề quan trọng khác mà các nghị phụ Thượng Hội Đồng đặc biệt ưu tư, đó là nhu cầu huấn luyện và đào tạo các linh mục tương lai. Giáo Hội của thiên niên kỷ thứ ba sẽ được ủy thác trong tay và trong sự săn sóc mục vụ của những thế hệ linh mục mới. Đời sống và sứ vụ của họ phải là một sự diễn dịch sống động các giáo huấn của Công Đồng. Họ phải đảm nhận trách nhiệm lớn lao – đó là triển khai các giáo huấn của Công Đồng trong đời sống của dân Thiên Chúa.
Tiếng gọi đại kết cũng là một tiếng gọi hết sức thúc bách. Thực vậy, các nghị phụ nhấn mạnh vai trò của Công Đồng Vatican II trong việc thúc đẩy phong trào đại kết. Chúng ta chứng kiến những bước tiến chắc chắn và đều đặn hướng về hiệp nhất, một số kết quả đầy triển vọng đã bắt đầu hiện lộ ra. Tôi đã tham dự buổi cầu nguyện cùng với mười quan sát viên đến từ các nhóm và các Giáo Hội khác nhau để tham gia vào cuộc đối thoại thần học với Giáo Hội Công Giáo.
Tất cả những vấn đề ấy nằm ở trung tâm ưu tư của Thượng Hội Đồng, và đã dấy lên một sự hưởng ứng sôi nổi. Một lần nữa, Thánh Thần đã nói với Giáo Hội với “tiếng nói như nước lũ” (Kh 1,15; 2,7.11.17.29; 3,6.13.22). Chúng ta hãy chú ý lắng nghe Ngài.
Bản Báo Cáo Chung Kết của Thượng Hội Đồng là một tổng hợp quan trọng các suy tư và các điểm nhắm cho tương lai mà mọi người được kỳ vọng hướng tới. Đây không phải là những từ ngữ suông. Đây là một nỗ lực mời gọi cầu nguyện, lắng nghe và áp dụng. Đây là những hướng dẫn cho hoạt động mục vụ của Giáo Hội trong những năm cuối cùng của thiên niên kỷ thứ hai. Chúng ta hãy lắng nghe Thánh Thần.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 28-8
Thánh Augustinô, Giám mục tiến sĩ Hội Thánh
1Cr 1, 1-9; Mt 24, 42-51.

LỜI SUY NIỆM: “Vậy anh em hãy tỉnh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến”.
Đối với người Kitô hữu hành trình đi về Nhà Cha, nó như là một cuộc chạy đua, trên hành trình này có rất nhiều vật cản, cần rất nhiều sức khỏe; để vượt qua. Nên cần phải cố gắng, chắc chiu từng giây từng phút, không thể lơ-là hay chần chừ, hoặc chạy chậm lại, hay là dừng chân.
Lạy Chúa Giêsu. Chúng con thật hạnh phúc khi được sống làm con của Chúa, được Chúa và của Hội Thánh chỉ dạy, soi sáng, hướng dẫn. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn biết tỉnh thức trong cầu nguyện, và trong ngày sống của mỗi người chúng con theo thánh ý của Chúa.
Mạnh Phương


Gương Thánh Nhân
Ngày 28-08
Thánh AUGUSTINÔ
Giám mục Tiến Sĩ Hội Thánh (354 - 430)

Thánh Augustinô sinh ngày 13 tháng 11 năm 354 tại Thagaste miền Numidia nay là Souk-Akras nước Algeria. Ông Patricô, cha ngài là một tiểu nông và là nghị viên thành phố. Ong là lương dân và chỉ theo đạo vào lúc cuối đời. Mẹ Ngài là thánh Monica đã nhờ kinh nguyện, lòng nhẫn nại và tình yêu không biết mệt mỏi đã cải hoá con. Theo thói quen thời đó, Augustinô thuộc vào số những ứng viên lãnh phép rửa tội, nhưng lại trì hoãn để tránh nguy cơ phạm tội, Ngài chỉ được thánh Ambrosiô rửa tội cho sau khi trở lại vào tuổi 32.
Augustinô đã theo học những lớp về văn chương tại Thagaste và Madaura, cuối cùng Ngài theo học khoa tu từ tại Carthage. Đời sống luân lý của Ngài vào thời kỳ này không đến nỗi tồi tệ mà có lẽ khá hơn nhiều những thanh niên cùng thời và chúng ta không nên gắt gao kết án lối cư xử của Ngài theo sát chữ viết trong cuốn "tự thuật", chắc chắn Ngài có một tình nhân và trung tín với nàng cho tới năm 385. Ngài đã có với nàng một người con tên là Adcodatus cũng vào thời này Ngài trở thành người theo phái Manichêô.
Năm 383, Augustinô đến Roma dạy tu từ và năm 384 có được một địa sở tại Milan. Lúc này Ngài đã thấu suốt được thuyết Manichêô và rơi vào tình trạng nghi nan bất định. Tại Milan Ngài có dịp tiếp xúc với vị giám mục thời danh của giáo phận nầy là thánh Ambrosiô. Các bài giảng của thánh nhân cho Ngài thấy lần đầu tiên rằng Ngài có thể tin vào Thánh Kinh như sự giải thích của Giáo hội mà không phải hy sinh sự hiểu biết của mình. Ngài còn đọc sách của những nhà tân học phái Platôn như Plotinê và Per phyry, Những sách đã chữa cho Ngài khỏi thuyết duy vật của Manichêô và đưa Ngài vào triết học linh thiêng hơn, phù hợp với mạc khải Kitô giáo.
Augustinô đã xác tín về sự chân thật của Kitô giáo vẫn chưa đi đến bước quyết định, cho tới tháng 9 năm 386 khi Ngài trải qua một kinh nghiệm bất ngờ nhưng được chuẩn bị từ trước. Ngài đã trình bày kinh nghiệm ấy trong cuốn VIII bộ "tự thuật". Đây là cuộc trở lại Kitô giáo lẫn cuộc sống khổ hạnh đã theo đuổi bậc trọn lành. Bỏ nghề, Ngài lui về Cassiciacum, gần Milan, cùng thánh nữ Monica mẹ Ngài và Adeodatus con Ngài, với một số bạn bè. Tại đây, Ngài bắt đầu viết và xuất bản một số tác phẩm và trau dồi về triết học, những tác phẩm đầu tiên của Ngài.
Ngài được thánh Ambrosiô rửa tội vào lễ phục sinh năm 387 rồi cùng mẹ và các bạn trở về Phi Châu. Thánh nữ Monica qua đời trên đường về tại Ostia. Tại Phi Châu theo lời khuyên của Đức Cha Valêriô địa phận Kippô, Ngài xin làm linh mục và được thụ phong năm 391. Năm 395, Ngài được tấn phong làm giám mục phụ tá và chẳng bao lâu sau lên kế vị đức cha Valêriô làm giám mục Hippô. 35 năm còn lại, Ngài bận rộn với công việc mệt nhọc của một giám mục địa phận, đồng thời vẫn dành giờ để trước tác. Ngoài tác phẩm được biết nhiều là bộ "tự thuật" còn nhiều tác phẩm thần học của Ngài (gồm 96 cuốn không kể các bài giảng và thư tín) đã mang lại sức sống mãnh liệt cho Giáo hội thời đó lẫn ngày nay.
Thánh Augustinô sống đời tu viện với hàng giáo sĩ và làm mọi sự để khích lệ việc canh tân các cộng đoàn tu sĩ. Hai bài giảng về đời sống khổ hạnh trong cộng đoàn và một bức thư dài về các nguyên tắc mà Ngài viết cho các cộng đoàn nữ tu do Ngài thành lập và em Ngài là bề trên tiên khởi, làm thành "luật thánh Augustinô".
Thánh Possidiô bạn Ngài đã viết một bản tường thuật rất hay về đời giám mục của thánh Augustinô. Bản tường thuật này cho thấy Ngài là một người rất nhân bản, dễ thương và giàu lòng bác ái, tận tụy phục vụ cộng đoàn, thích sống nghèo khó nhưng lại hiếu khách. Chỉ có một điều Ngài không thể tha thứ được là gương mù tại bàn ăn. Ngài luôn dấn thân vào việc bệnh vực Giáo hội chống lại các người theo lạc giáo như những người theo phái Manichêô, Phômatô, Pêlagiô. Cuộc tranh luận với Pêlagiô đã để lại những bút tích của thánh Augustinô về ơn thánh. Với ảnh hưởng lớn lao trong Giáo hội sau này. Dầu nhiệt tâm chống lại lạc thuyết, thánh Augustinô vẫn luôn lịch sự và thân ái khi đối thoại với các người theo lạc giáo.
Thánh Augustinô đã sống để chứng kiến cuộc xâm lược man rợ của người Vandal vào Phi Châu bắt đầu từ năm429. Ngày 28 tháng 8 năm 430 Ngài từ trần, hưởng thọ 76 tuổi, Ngài không để lại chúc thư vì không có tài sản gì. Nhưng kể từ khi qua đời tới nay, di sản tư tưởng của Ngài được ghi nhận là phong phú nhất sau thánh Phaolô.
(daminhvn.net)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét