17/05/2016
Thứ Ba tuần 7 thường niên
Bài Ðọc
I: (Năm II) Gc
4, 1-10
"Anh
em xin mà không nhận được là vì anh em xin không đúng".
Trích
thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.
Anh
em thân mến, bởi đâu anh em cạnh tranh và cãi cọ nhau? Nào không phải tại điều
này: tức tại các đam mê đang giao chiến trong chi thể anh em đó sao? Anh em ham
muốn mà không được hưởng, nên anh em giết nhau. Anh em ganh tị mà không được
mãn nguyện, nên anh em cạnh tranh và cãi cọ. Anh em không có, là tại anh em
không xin. Anh em xin mà không nhận được, là vì anh em xin không đúng, cứ mơ tưởng
thoả mãn các đam mê của anh em. Hỡi những kẻ ngoại tình, anh em không biết rằng
thân thiết với thế gian là thù địch với Thiên Chúa đó sao? Vậy kẻ nào muốn thân
thiết với thế gian này, thì đặt mình làm thù địch với Thiên Chúa. Hay anh em tưởng
Kinh Thánh nói cách vô lý rằng: "Chúa quyến luyến thần trí mà Người đặt
trong anh em, đến nỗi ghen lên". Vả Người ban ơn bội hậu. Bởi đó có lời rằng:
"Thiên Chúa chống lại những kẻ kiêu căng, nhưng ban ơn phúc cho người
khiêm nhường!" Vậy anh em hãy phục tùng Thiên Chúa, hãy chống trả ma quỷ,
và nó sẽ trốn xa anh em. Hãy đến gần Thiên Chúa, và Người sẽ đến gần anh em. Hỡi
những kẻ tội lỗi, anh em hãy rửa tay cho sạch. Hỡi những kẻ hai lòng, hãy thanh
luyện tâm hồn đi. Anh em hãy buồn sầu, than van và kêu khóc. Hãy đổi tiếng cười
ra tiếng khóc, và đổi niềm vui ra nỗi buồn. Anh em hãy hạ mình xuống trước mặt
Chúa và Người sẽ nâng anh em lên.
Ðó là
lời Chúa
Ðáp
Ca: Tv 54, 7-8. 9-10a. 10b-11a. 23
Ðáp: Hãy trút nhẹ gánh lo âu cho Chúa để
chính Người nâng đỡ thân ngươi (c. 23a).
Xướng:
1) Tôi tự nhủ: ước chi tôi có cánh như bồ cầu, tôi sẽ bay đi và tìm nơi an nghỉ.
Này đây tôi sẽ rời tới cõi xa xăm, tôi sẽ ở lại chỗ sơn lâm hoang vắng. - Ðáp.
2)
Tôi tìm chỗ dung thân cấp tốc vội vàng, đi ngược dòng phong ba và gió lốc. Lạy
Chúa, xin đập tan, xin chia rẽ ngôn từ của chúng. - Ðáp.
3) Vì
tôi thấy có bạo lực và tranh chấp trong thành trì. Ngày đêm, trên mặt tường
chúng đi dạo. - Ðáp.
4)
Hãy trút nhẹ gánh nặng cho Chúa, để chính Người nâng đỡ thân ngươi: Người không
để người hiền lương muôn đời xiêu té. - Ðáp.
Alleluia:
Tv 94, 8ab
Alleluia,
alleluia! - Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa, và đừng cứng lòng. -
Alleluia.
Phúc
Âm: Mc 9, 29-36
"Con
Người sẽ bị nộp. Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết".
Tin Mừng
Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy,
Chúa Giêsu và các môn đệ từ trên núi xuống, rồi đi ngang qua xứ Galilêa và Người
không muốn cho ai biết. Vì Người dạy dỗ và bảo các ông rằng: "Con Người sẽ
bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người
sẽ sống lại". Nhưng các ông không hiểu lời đó và sợ không dám hỏi Người.
Các
ngài tới Capharnaum. Khi đã vào nhà, Người hỏi các ông: "Dọc đàng các con
tranh luận gì thế?" Các ông làm thinh, vì dọc đàng các ông tranh luận xem
ai là người lớn nhất.
Bấy
giờ Người ngồi xuống, gọi mười hai ông lại và bảo các ông rằng: "Ai muốn
làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người". Và
Người đem một em bé lại đặt giữa các ông, rồi ôm nó mà nói với các ông rằng:
"Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón
tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy,
nhưng là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy".
Ðó là
lời Chúa.
Suy Niệm: Làm tôi tớ mọi người
Ở cuối
văn kiện Tòa Thánh, các Ðức Giáo Hoàng thường ghi dòng chữ này cùng với chữ ký
của mình: "Tôi tớ của các tôi tớ". Ðây là tinh thần mà Chúa Giêsu muốn
tất cả các vị lãnh đạo trong Giáo Hội phải có, như được đề cập đến trong bài
Tin Mừng hôm nay: "Ai muốn làm đầu thì phải làm người rốt hết, và làm tôi
tớ mọi người".
Cám dỗ
về quyền hành và cám dỗ lạm quyền là sự kiện thường xuyên và mãnh liệt đối với
con người mọi thời. Chính những cám dỗ ấy cũng đã xảy ra cho Nhóm Mười Hai Tông
đồ. Thật vậy, vào chính lúc Thầy của các ông loan báo về cuộc khổ nạn và cái chết
của Ngài, thay vì dừng lại và chia sẻ với Thầy, hoặc nếu chưa hiểu thì trao đổi
với Thầy để am tường hơn, các ông đã có thái độ ích kỷ, vụ lợi; các ông tưởng
thời lập quốc của Ðấng Mêsia và ngày vinh quang của các ông đã tới, thế là các
ông bắt đầu tranh cãi về địa vị với nhau. Chính các ông cũng cảm thấy sự tranh
cãi như thế là đáng trách, bởi vì khi được Chúa Giêsu hỏi, các ông đã làm
thinh.
Và rồi
sự việc đã diễn biến không như các ông tưởng nghĩ, bởi vì đối với Chúa Giêsu,
trong Nước Trời tồn tại ở trần gian này, cho dù vẫn có tôn ti trật tự, nhưng đó
là một trật tự lạ lùng: Người làm lớn sẽ là người hầu hạ kẻ khác, người nhỏ nhất
phải là đối tượng để được hầu hạ. Rốt cuộc, chúng ta có thể hầu hạ ai chính là
vì chúng ta muốn hầu hạ Chúa Giêsu trong họ, và chúng ta có được hầu hạ ai, thì
cũng chỉ vì họ đang hầu hạ Chúa Giêsu nơi chúng ta. Như vậy, điều quan trọng
không phải là làm lớn hay làm nhỏ trong Nước Trời, chỉ có Thiên Chúa là nhân vật
quan trọng trong Nước Trời, và làm lớn hay làm nhỏ, tất cả đều phục vụ Thiên
Chúa mà thôi.
Bài
Tin Mừng hôm nay vẫn thường được dùng làm kim chỉ nam cho việc thi hành quyền
bính trong Giáo Hội. Nếu mọi người, kẻ cầm quyền cũng như người dưới quyền đều
hiểu và thực thi giáo huấn này, chắc chắn Giáo Hội sẽ trở nên thu hút hơn đối với
nhân loại, nhất là đối với con người hôm nay đã quá mệt mỏi với những hình thức
mị dân, lạm quyền, dua nịnh của giới lãnh đạo; người ta sẽ nhận ra nơi đó khuôn
mặt của Chúa Kitô một cách rõ ràng hơn, một Chúa Kitô lãnh đạo bằng cách bị nộp,
bị giết chết vì người khác.
Bao
lâu xã hội loài người còn, thì bấy lâu bài học Chúa dạy hôm nay vẫn còn giá trị,
bởi vì cám dỗ về quyền lực và lạm quyền đã ăn sâu trong mỗi người và trong mọi
cơ chế xã hội. Nhưng để bài học ấy tác động mạnh mẽ và hữu hiệu, chúng ta cần
nghĩ tới hình ảnh của Chúa, Ðấng lãnh đạo dân Chúa, nhưng đã trở thành tôi tớ
cho mọi người.
Veritas Asia
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ
Ba Tuần 7 TN2,
Năm chẵn
Bài
đọc: Jam 4:1-10; Mk
9:30-37.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Các đức tính cần có của nhà lãnh đạo
tinh thần.
Rất
nhiều người muốn làm lớn để ra lệnh cho người khác, để được mọi người biết tới,
và để mọi người hầu hạ mình. Điều này có thể áp dụng với những nhà lãnh đạo
chính trị, quân sự, hay kinh tế; nhưng không được áp dụng cho những nhà lãnh đạo
tinh thần. Chính Chúa Giêsu đã dạy bảo các môn đệ: "Vua các dân thì dùng
uy quyền mà thống trị dân, và những ai cầm quyền thì tự xưng là ân nhân. Nhưng
anh em thì không được như thế, trái lại, ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên
như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ” (Lk
22:25-26).
Các
Bài Đọc hôm nay liệt kê những đức tính cần có của người lãnh đạo theo tiêu chuẩn
của Kitô Giáo. Trong Bài Đọc I, tác giả Thư Giacôbê liệt kê những điều tốt nhà
lãnh đạo phải có và những điều xấu nhà lãnh đạo phải tránh xa. Trong Phúc Âm,
Chúa Giêsu tuyên bố với các tông đồ: "Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải
làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người." Chúa Giêsu làm gương bằng
cách rửa chân cho các ông, và chấp nhận gian khổ của con đường Thập Giá để đưa mọi
người về cho Thiên Chúa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài
đọc I: Anh em hãy hạ mình
xuống trước mặt Chúa và Người sẽ cất nhắc anh em lên.
1.1/
Lãnh đạo không phải để mưu cầu lợi ích hay hưởng lạc.
(1)
Lãnh đạo để hưởng lợi sẽ dẫn tới chiến tranh: Điều này không lạ, vì khuynh hướng
con người ai cũng muốn có quyền lợi; vì thế, họ phải tranh chấp nhau để được hưởng
quyền lợi. Nếu không tranh chấp được bằng lời nói, họ sẽ dùng tới vũ lực để
tranh dành quyền lợi.
(2)
Thiên Chúa sẽ không ban ơn cho những nhà lãnh đạo hưởng thụ: Của cải trong trời
đất là của Thiên Chúa ban cho mọi người hưởng dùng. Ngài sẽ không ban ơn cho những
kẻ tham lam muốn vơ vét của cải để hưởng lạc; nhưng sẽ lấy ra để cho mọi người
hưởng dùng.
(3)
Ai muốn là bạn của thế gian thì tự coi mình là thù địch của Thiên Chúa: Thế
gian ở đây được hiểu là những người không theo giá trị của Nước Trời; trái lại,
họ còn tìm cách chống lại những người sống theo giá trị đó. Câu 5 trong trình
thuật có căn bản của Sách Sáng Thế 6:5: Thiên Chúa thấy sự gian ác của con người
ngày càng nhiều trên mặt đất và tâm trí họ tối ngày chỉ toan tính điều xấu. Có
lẽ thánh Giacôbê nghĩ Thiên Chúa ban tặng cho con người Thánh Thần là để chế ngự
và điều khiển những đam mê xấu xa của con người.
Sự
suy xụp của cá nhân hay xã hội là do ở sự ghen tị, và điều này càng ngày càng
bành trướng. Thần khí mà nó cư ngụ trong con người cách tự nhiên luôn luôn sản
xuất hết ý tưởng xấu này đến ý tưởng xấu khác, luôn luôn thúc đẩy con người tìm
kiếm những điều cần phải sở hữu để hưởng thụ. Cách thức này của thế gian, ảnh
hưởng bởi sự xa hoa và lạc thú, dẫn con người đến ghen tương và cãi lộn để đạt
được những điều này, là hệ quả chắc chắn của việc làm bạn với thế gian; vì
không có tình bằng hữu mà không có sự hiệp nhất trong thần khí. Vì thế, các tín
hữu, để tránh tham lam, phải tránh làm bạn với thế gian, và phải chứng tỏ rằng
họ được hướng dẫn bởi những nguyên lý cao siêu hơn và một thần khí tốt lành hơn
đang cư ngụ trong họ. Nếu chúng ta thuộc về Chúa, Ngài cho chúng ta nhiều ân sủng
để sống và hành động hơn những người thế gian. Thần khí thế gian dạy con người
sống ích kỷ, Thiên Chúa dạy con người sống rộng lượng. Thần khí của thế gian dạy
con người tích trữ của cải cho mình, Thiên Chúa dạy chúng ta phải biết đóng góp
những điều cần thiết và an ủi tha nhân.
1.2/
Lãnh đạo bằng khiêm nhường và phục vụ. Những ai khiêm nhường lãnh đạo theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa,
Ngài sẽ ban mọi ân sủng để giúp họ sinh lợi ích cho muôn người. Thánh Giacôbê
liệt kê một số những đức tính mà nhà lãnh đạo phải có:
(1) Gần
Thiên Chúa là xa ma quỉ: Nhà lãnh đạo phải vâng phục Thiên Chúa và khử trừ mọi
tội lỗi. Khi con người tiến đến gần Thiên Chúa là ma quỉ sẽ không dám bén mảng
tới họ, vì Thiên Chúa thánh thiện và ma quỉ tội lỗi không thể ở chung.
(2)
Đau khổ có giá trị hơn niềm vui của thế gian: Nhà lãnh đạo phải biết hy sinh,
chịu đựng gian khổ. Đau khổ giúp con người nhận ra giá trị thực sự của cuộc đời.
Phúc cho ai khóc lóc vì họ sẽ được Thiên Chúa an ủi. Sung sướng chỉ làm con người
xa cách Thiên Chúa vì họ nghĩ họ đã có mọi sự.
2/
Phúc Âm: Ai muốn đứng đầu
phải phục vụ mọi người.
2.1/
Lãnh đạo bằng hy sinh mạng sống cho người khác.
(1)
Chúa Giêsu dạy một đường: "Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết
chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại." Đây chính
là “bí mật của Đấng Thiên Sai” theo Marcô. Khác với hình ảnh Đấng Thiên Sai mà
người Do-thái thêu dệt lên theo truyền thống: Ngài sẽ làm những phép lạ lớn
lao, sẽ dùng uy quyền để tiêu diệt các thế lực ngọai bang, và lên ngôi cai trị
khắp bờ cõi trái đất. Chúa Giêsu mặc khải cho các tông đồ kế họach Cứu Độ của Đấng
Thiên Sai: Ngài sẽ chấp nhận con đường đau khổ để cứu độ con người, không phải
giải thóat con người khỏi cảnh nô lệ của ngọai bang; nhưng là giải thóat con
người khỏi ách nô lệ của tội lỗi và sự chết.
(2)
Các ông hiểu một nẻo: Marcô tường thuật phản ứng của các môn đệ: “Nhưng các ông
không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người.” Các ông không hiểu
vì các ông đã quá quen với hình ảnh của Đấng Thiên Sai theo truyền thống. Các
ông sợ không dám hỏi Chúa, có thể vì các ông sợ khi phải đối diện với sự thật:
Chúa Giêsu sẽ bị bắt bớ và bị giết chết.
Điều
này được sáng tỏ hơn qua những gì mà các tông đồ bàn cãi dọc đường. Khi về tới
nhà, Đức Giêsu hỏi các ông: "Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy?"
Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn
cả. Vẫn hy vọng vào một Đấng Thiên Sai có thế lực quân sự, nên các ông bàn cãi
với nhau xem ai sẽ là nhân vật thứ hai sau Chúa Giêsu khi Ngài lên ngôi cai trị.
2.2/
Lãnh đạo bằng phục vụ: Đức
Giêsu ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: "Ai muốn làm người đứng đầu,
thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người." Nhà lãnh đạo
tinh thần khác với nhà lãnh đạo quân sự, và tiêu chuẩn để làm người lớn nhất
trong vương quốc của Thiên Chúa cũng khác với tiêu chuẩn của vương quốc trần
gian: Họ phải trở nên rốt hết và phục vụ mọi người. Để dẫn chứng, Chúa Giêsu dạy
họ phải phục vụ những người nhỏ, những người không có gì để đền trả, và Ngài
nói: "Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy;
và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã
sai Thầy."
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Không phải ai cũng có thể lãnh đạo. Người lãnh đạo phải được huấn luyện để có
những đức tính cần thiết trước khi có thể lãnh đạo.
-
Không phải chỉ có các cha mới là những người lãnh đạo tinh thần, cha mẹ cũng là
những nhà lãnh đạo trong gia đình. Noi gương Chúa Giêsu, cha mẹ cũng phải lãnh
đạo bằng hy sinh, chịu đựng gian khổ để phục vụ con cái.
- Phần
thưởng của những nhà lãnh đạo tinh thần không phải là những lợi nhuận vật chất,
nhưng là chính Thiên Chúa và niềm vui khi thấy mọi người tin vào Thiên Chúa.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.
17/05/16 THỨ BA TUẦN 7 TN
Mc 9,30-37
Mc 9,30-37
Suy niệm: Trọn vẹn cuốn Tin Mừng Mác-cô chỉ qui hướng về đỉnh cao là cái chết của Đức Giê-su. Thật kỳ lạ! Hầu như đối với Đức Giê-su, cuộc sống tại thế này không đáng kể mà duy chỉ có cái chết của Ngài mới là điều quan trọng thôi! Người còn báo trước cái chết của mình cách bình tĩnh và đương nhiên không phải một lần mà tới ba lần!
Mời Bạn suy nghĩ: Thật lạ! Trong lịch sử loài người, chưa từng có một danh nhân hay một nhà sáng lập tôn giáo nào, dù là Đức Phật hay Mahômét, dám có cao vọng giải phóng con người khỏi định mệnh cuối cùng là cái chết! Chỉ có một mình Đức Giê-su với sự bình thản và đơn giản tuyên bố: “Họ sẽ giết Người và sau ba ngày Người sẽ sống lại!”Vì Người biết rõ sự gì đang đón chờ Người sau cánh cửa sự chết! Chính là sự sống! Mầu nhiệm sống lại là điều cơ bản của Đức Tin Ki-tô giáo, đặc ân duy nhất và cốt thiết của Đức Giê-su.
Chia sẻ: Đứng trước linh cữu một người thân yêu vừa nhắm mắt ra đi, bạn nghĩ
gì? Nếu bạn là hành khách duy nhất sống sót trong chuyến bay
MH370 mất tích cách đây hơn hai năm, trong khi những người khác bên cạnh bạn đã chết, bạn sẽ nghĩ gì về cuộc sống hiện tại? Về cuộc sống bên kia thế giới? Làm thế nào để bạn cũng có tâm trạng bình tĩnh trước cái chết như Đức Giê-su?
Tin tưởng cầu nguyện cùng Chúa Cha: Lạy Cha, sau cánh cửa sự chết, như Đức Giê-su, con tin Cha sẽ đón chờ con, ôm con vào vòng tay yêu thương của Cha! Con không sợ chết nữa! Allêluia!
Cãi nhau
Đức Giêsu không
dạy ta lật đổ người đứng đầu để chiếm lấy quyền lực. Ngài cũng không đòi ta bỏ ước mơ làm lớn. Ngài dạy cho ta cách trở nên lớn lao thực sự trước mặt Thiên Chúa.
Suy
niệm:
Ngoài
chuyện chậm tin, chậm hiểu,
các
môn đệ còn có một điểm yếu là hay cãi nhau.
Họ
cãi nhau xem ai là người lớn nhất trong nhóm.
Người
ấy sẽ là người đứng đầu trong Nước sắp tới của Đấng Mêsia.
Tiếc
thay trong bài Tin Mừng hôm nay,
họ lại
cãi nhau khi đang đi ngoài đường (c. 33).
Tệ
hơn nữa, họ cãi nhau ngay sau khi Thầy Giêsu loan báo lần thứ hai
về
cái chết và sự phục sinh sắp đến của mình (c. 31).
Hẳn
Thầy Giêsu rất đau vì thấy học trò của mình khá trần tục.
Dù
đang đi với Thầy trên cùng một con đường,
nhưng
họ vẫn để lòng mình theo đuổi vinh quang thế gian.
Đức
Giêsu quả là một bậc thầy về sự điềm đạm.
Ngài
đợi tới khi về nhà ở Caphácnaum mới gợi lại chuyện trên đường.
Ngài
làm như mình không rõ về đề tài câu chuyện:
“Dọc
đường anh em đã bàn tán điều gì vậy?”
Khi
các ông mắc cỡ làm thinh, không dám nói ra chuyện cãi nhau (c. 34),
Thầy
Giêsu cũng chẳng nỡ ép các ông phải nói.
Ngài
ngồi xuống như một vị thầy bắt đầu giảng dạy (c. 35),
gọi
Nhóm Mười Hai lại - nhóm các nhà lãnh đạo tương lai của Giáo Hội -
và
đưa ra một nguyên tắc chi phối việc quản trị cộng đoàn:
“Nếu
ai muốn làm người đứng đầu thì phải làm người rốt hết của mọi người
và
làm người phục vụ cho mọi người (c. 35).
Câu
nói trên của Đức Giêsu mở ra một cuộc cách mạng nơi tâm con người.
Đức
Giêsu không dạy ta lật đổ người đứng đầu để chiếm lấy quyền lực.
Ngài
cũng không đòi ta bỏ ước mơ làm lớn.
Ngài
dạy cho ta cách trở nên lớn lao thực sự trước mặt Thiên Chúa.
Đó là
trở nên người phục vụ mọi người, sống như Ngài đã sống:
“Suốt
đời Thầy đã sống giữa anh em như một người phục vụ” (Lc 22, 27).
Nếu
làm đầu mà phải phục vụ thì có ai muốn làm người đứng đầu nữa không?
Lịch
sử của nhân loại là lịch sử của những cuộc cãi nhau không ngớt
giữa
các quốc gia, các tôn giáo, các bộ tộc, và ngay trong giáo xứ, gia đình.
Đề
tài muôn thuở vẫn là quyền lực, chức tước, địa vị, tiếng tăm.
Ai
cũng muốn làm đầu, làm lớn để được phục vụ, để khỏi phải hầu bàn.
Ước
gì chúng ta hiểu rằng quyền uy chỉ là giấy phép để phục vụ.
Cầu
nguyện:
Lạy Chúa,
xin
cất khỏi con mọi lo lắng bề ngoài.
Xin
tha thứ cho con
vì
đã quá bận tâm
đến
những điều mình nói,
đến
ảnh hưởng của mình,
đến
những điều người ta nói và nghĩ về con.
Xin
tha thứ cho con
vì
muốn nên giống kẻ khác
mà
quên mất chính mình,
vì
khao khát có được những đức tính của họ,
mà
quên phát triển bản thân.
Xin
tha thứ cho con
vì
đã mất nhiều thời gian
cho
việc phô trương
hơn
là cho việc xây dựng bản thân.
Xin cho con biết cởi mở với anh em ;
nhờ đó, Chúa có thể đến với con
như đến với một người bạn.
Và Chúa sẽ làm cho con trở nên “người”
mà Chúa mong muốn trong tình yêu của
Ngài
vì con là con của Chúa
và là anh em của mọi người.
(Michel Quoist)
Lm
Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
17
Tháng Năm
Thánh Paschal Baylon
(1540
- 1592)
Trong cuộc đời Thánh Paschal, đế quốc Tây Ban Nha cực kỳ có thế lực ở Tân Thế
Giới, mặc dù sau đó không lâu, Pháp và Anh đã làm suy giảm thế lực này. Thế kỷ
16 thường được gọi là Thời Ðại Vàng Son của Giáo Hội Tây Ban Nha, vì đã phát
sinh các vị thánh như Y-Nhã ở Loyola, Phanxicô Xaviê, Têrêsa ở Avila, Gioan
Thánh Giá, Phêrô ở Alcantara, Phanxicô Sôlanô và Salvator ở Horta.
Thánh Paschal sinh ở Aragon, Tây Ban Nha trong một gia đình nghèo nhưng đạo đức.
Trong khoảng thời gian từ bảy đến 24 tuổi, ngài làm nghề chăn cừu và bắt đầu một
cuộc sống rất hãm mình. Ngài luôn luôn cầu nguyện, ngay cả khi làm việc và nhất
là khi tiếng chuông nhà thờ báo hiệu lúc dâng Mình Thánh trong Thánh Lễ.
Năm 1564, Paschal gia nhập dòng Anh Em Hèn Mọn và tận tụy hiến thân cho cuộc đời
ăn năn đền tội. Mặc dù ngài được khuyến khích học làm linh mục, nhưng ngài chọn
làm thầy trợ sĩ. Trong những quãng thời gian khác nhau, thầy đảm trách các công
việc giữ cửa, nấu ăn, làm vườn và chính yếu là đi khất thực.
Thầy Paschal rất thận trọng tuân giữ lời khấn khó nghèo. Thầy không bao giờ phí
phạm thức ăn hay bất cứ gì được sử dụng trong nhà dòng. Khi là người giữ cửa và
tiếp đón các người nghèo đến xin giúp đỡ, thầy nổi tiếng là độ lượng. Ðôi khi,
các tu sĩ trong dòng phải ngăn cản sự phóng khoáng của thầy!
Một đặc tính của Thầy Paschal là sùng kính Thánh Thể. Ngoài những thời giờ bận
rộn vì nhiệm vụ, bất cứ khi nào có cơ hội, thầy thường dành để cầu nguyện trước
Thánh Thể. Cuộc đời thầy đầy dẫy những phép lạ chữa lành mà dân chúng được lãnh
nhận qua sự cầu nguyện của thầy. Tuy là thầy trợ sĩ nhưng lúc bấy giờ rất nhiều
người tìm đến thầy để xin cố vấn.
Ngay cả cái chết của thầy cũng được ghi dấu bằng một biến cố bất thường. Người
ta kể rằng thầy trút hơi thở cuối cùng khi linh mục nâng Mình Thánh lên cao
trong Lễ Hiện Xuống.
Thầy Paschal được phong thánh năm 1690, và năm 1897, ngài được đặt làm quan thầy
của các tổ chức cũng như nghị hội về Thánh Thể.
Lời Bàn
Việc cầu nguyện trước Thánh Thể chiếm nhiều thời giờ và năng lực của Thánh
Phanxicô. Hầu hết các lá thư của thánh nhân đều thúc giục sự sùng kính Thánh Thể.
Thánh Paschal cũng noi gương đó. Một giờ cầu nguyện trước Thánh Thể có thể dạy
bảo chúng ta rất nhiều điều. Một số người Công Giáo đạo đức ngày nay thấy rằng
công việc của họ được phong phú hóa là nhờ những giây phút dành để cầu nguyện
và chiêm niệm trước Thánh Thể.
Lời Trích
"Hãy suy nghĩ kỹ về điều này: Hãy tìm kiếm Thiên Chúa trên hết mọi sự. Thật
đúng khi bạn tìm kiếm Thiên Chúa trước hết và trên hết mọi sự, bởi vì Thiên
Chúa cao cả sẽ ban cho bạn những gì bạn cầu xin. Ðiều này cũng giúp bạn sẵn
sàng phục vụ Thiên Chúa và kính mến Người cách tuyệt hảo hơn" (Thánh
Paschal).
Trích
từ NguoiTinHuu.com
17 Tháng Năm
Ði Một Ðoạn Ðường Với Chúa
Người Ấn Ðộ có kể một
câu chuyện ngụ ngôn như sau: Có một người thanh niên nọ khao khát được nhìn thấy
Chúa. Ðêm ngày, anh cầu nguyện liên lỉ chỉ mong sao cho ước nguyện của mình
thành sự thật. Quả thực, không bao lâu, Thiên Chúa đã đến với anh dưới hình dạng
của một con người đẹp đẽ, uy quyền, trầm tĩnh.
Chúa đề nghị với anh:
"Con có thể đi với Ta một quãng đường không?". Người thanh niên cảm
thấy hạnh phúc hơn bao giờ hết. Chúa và anh đồng hành với nhau như một đôi bạn
tri âm. Ði một lúc, Chúa dừng lại nói với anh: "Ta khát nước, con có thể
đi tìm cho Ta một ít nước không?".
Người thanh niên hăm
hở đi tìm nước. Lòng anh tràn ngập hạnh phúc. Còn gì sung sướng bằng đi tìm nước
để mang về cho Chúa... Nhưng, anh đi tìm mãi mà không thấy nơi nào có nước...
Anh đi mãi để rồi cuối cùng dừng lại bên một bờ sông. Anh đang chuẩn bị lấy nước
mang về cho Chúa, thì tình cờ một cô gái đẹp xuất hiện bên bờ sông. Cô gái đẹp
đến độ người thanh niên không còn thấy cảnh vật xung quanh, cũng như không còn
nghĩ đến việc mang nước về cho Chúa.
Anh nấn ná đến làm
quen với cô gái. Họ thương nhau, lấy nhau và sinh được nhiều con cái. Không gì
đầm ấm, hạnh phúc cho bằng. Nhưng một cơn ôn dịch xảy đến. Người thanh niên đưa
vợ con đi đến một nơi khác. Nhưng khi họ đi qua một chiếc cầu, thì thình lình
mưa gió thổi đến, nước dâng lên kéo cả vợ con anh theo. Người đàn ông bám vào
được một gốc cây lớn. Anh khóc thương cho thân phận bọt bèo của vợ con cũng như
chính kiếp cô đơn lạc loài của anh.
Giữa lúc đó, Thiên
Chúa xuất hiện trước mặt anh: Ngài mỉm cười hỏi anh: "Này con, con có mang
nước về cho Ta không? Con làm gì để Ta phải chờ đợi gần cả tiếng đồng hồ".
Một người cha nhân từ mòn mỏi trông đứa con hoang trở về: đó là hình ảnh cảm động
nhất về Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta trong bài dụ ngôn
"Người Con Hoang Ðàng". Từng ngày, người cha ra đầu ngõ để trông đợi.
Khi đứa con còn ở đằng xa, ông đã chạy đến để giang rộng đôi cánh tay để ôm trọn
đứa con vào lòng, không một lời quở trách, không một cử chỉ bất bình... Thiên
Chúa cũng đối xử với chúng ta như thế. Chúng ta tưởng mình đi tìm Ngài, chúng
ta tưởng Ngài ẩn mặt với chúng ta. Nhưng kỳ thực, chính Ngài mới là Ðấng đeo đuổi
chúng ta, tìm kiếm chúng ta, chờ đợi chúng ta. Chúng ta tưởng mình đang đi đến
với Chúa, nhưng kỳ thực chính Ngài đang ở với chúng ta.
Trích sách Lẽ Sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét