Trang

Thứ Hai, 16 tháng 5, 2016

Tại Armenia, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thăm Đài tưởng niệm các nạn nhân của cuộc diệt chủng

Tại Armenia, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thăm Đài tưởng niệm các nạn nhân của cuộc diệt chủng


WHĐ (16.05.2016) – Hôm 13-05 vừa qua, Phòng báo chí Toà Thánh đã công bố chương trình chi tiết chuyến tông du ba ngày (từ ngày 24 đến 26 tháng Sáu 2016) của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Armenia, quốc gia đầu tiên công nhận Kitô giáo là tôn giáo chính thức từ năm 301.
Ngày thứ Sáu 24, sau nghi lễ đón tiếp tại sân bay quốc tế Erevan, Đức Thánh Cha sẽ đi thẳng đến Toà Thượng phụ Etchmiadzin, cách Erevan khoảng 80 km. Giáo hội Tông truyền Armenia, một Giáo hội Chính thống tự trị, vẫn là đa số tại quốc gia này. Tại Etchmiadzin, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự giờ cầu nguyện ở Nhà thờ chính toà; sau đó, sẽ gặp Tổng thống Armenia Serzh Sargsyan cùng với giới chức chính quyền Armenia và ngoại giao đoàn.
Gặp Giáo chủ Karekin II
Vẫn ở tại Toà Thượng phụ Etchmiadzin, Đức Thánh Cha sẽ gặp Đức Thượng phụ Karekin II, Giáo chủ toànArmenia. Đức Thuợng phụ Karekin II năm nay 65 tuổi, đã được bầu chọn hồi tháng Mười 1999 để kế nhiệm Giáo chủ Karekin I. Không chắc Đức Thánh Cha có sẽ gặp Đức Thượng Phụ Aram I, Giáo chủ Armenia Tông truyền Cilicia, có Tòa ở Beirut, Liban, hay không.
Thăm Đài tưởng niệm các nạn nhân của cuộc diệt chủng - Những căng thẳng ngoại giao với Thổ Nhĩ Kỳ
Ngày thứ Bảy 25: vào sáng sớm Đức Thánh Cha sẽ đi thăm Bảo tàng-Lăng mộ Tzitzernakaberd, nơi tưởng niệm các nạn nhân người Armenia của vụ thảm sát năm 1915 do Đế chế Ottoman gây ra.
Cuộc viếng thăm này sẽ khơi lại những căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ, vốn không hài lòng về  phát biểu của Đức Thánh Cha vào ngày 24-04 vừa qua khi ngài sử dụng thuật ngữ “diệt chủng” để nói về vụ thảm sát nói trên,trong một Thánh lễ cử hành cho các Kitô hữu nghi lễ Armenia tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô.
Hơn nữa, thông báo về việc Đức Thánh Cha có thể viếng thăm Armenia vào năm 2015 để dự lễ kỷ niệm mộttrăm năm cuộc diệt chủng người Armenia đã gây căng thẳng ngoại giao với Thổ Nhĩ Kỳ, nơi mà ngài vẫn đến vào cuối tháng Mười Một 2014. Sau đó Đức Thánh Cha đã quyết định dời chuyến viếng thăm Armenia đếnnăm 2016.
Hoạt động tiếp theo trong ngày thứ hai của Đức Thánh Cha là đến Gyumri, thành phố lớn thứ nhì của Armenia, tại đây ngài sẽ cử hành Thánh lễ lúc 11g00 ở quảng trường Vartanants. Vào đầu giờ chiều, Đức Thánh Cha sẽ đến thăm hai Nhà thờ chính toà ở Gyumri: một Nhà thờ thuộc Giáo hội Tông truyền Armenia và một Nhà thờ thuộc Giáo hội Công giáo Armenia. Trở về Erevan, Đức Thánh Cha tham dự buổi cầu nguyện đại kết, cầu nguyện cho hoà bình lúc 19 giờ ở Quảng trường Cộng hòa.
Ký tuyên bố đại kết
Cuối cùng, Chúa nhật 26, sau khi gặp Đức giám mục Công giáo Armenia tại Điện Etchmiadzin, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự Giờ kinh Phụng vụ lúc 10 giờ tại Nhà thờ chính toà Tông truyền Armenia. Sau bữa ăn trưa đại kết tại Điện Tông Toà, Đức Thánh Cha sẽ ký một tuyên bố chung, để củng cố quan hệ đại kết giữa Giáo hội Công giáo và Giáo hội Tông truyền Armenia.
Sau đó, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự buổi cầu nguyện tại tu viện Armenia Khor Virap, gần Erevan. Nằm dưới chân ngọn núi Ararat, tu viện này là nơi thánh quan trọng của Kitô giáo Armenia. Đây là nơi mà thánhGrêgôriô Lusavorich, mệnh danh là “Grêgôriô Người khai sáng” đã bị ném vào một cái hố và vẫn sống sótcách kỳ diệu sau mười ba năm (Khor Virap có nghĩa là “giếng sâu”).
Lúc 18 giờ 15, Đức Thánh Cha sẽ tạm biệt các vị chủ nhà trong một buổi lễ tại sân bay.
Chuyến viếng thăm thứ hai của một vị giáo hoàng
Đây sẽ là lần thứ hai một vị Giáo hoàng đến thăm Armenia, mười lăm năm sau cuộc viếng thăm của Đức Gioan Phaolô II vào năm 2001. Đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, đây là cuộc viếng thăm mới, đến một đất nước ở vùng “ngoại vi” của châu Âu, nơi người Công giáo là thiểu số rất nhỏ, sau Albania và Bosnia.
Sau chuyến tông du này, vào tháng Bảy Đức Thánh Cha sẽ đi Krakow, Ba Lan tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới;rồi đi Gruzia và Azerbaijan vào cuối tháng Chín - đầu tháng Mười; cuối cùng là đi Thụy Điển vào ngày 31 tháng Mười để tham dự lễ khai mạc kỷ niệm 500 năm cuộc cải cách của Luther cùng với người Tin Lành.
(Theo La Croix)

Minh Đức


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét