21/06/2016
Thánh Lu-y Gôndaga, tu sĩ.
Lễ nhớ
* Sinh năm 1568, gần Man-tu-a miền
Lom-bác-đi-a, trong một gia đình Cát-ti-di-ô-nê quyền quý, hấp thụ lòng đạo đức
của thân mẫu. Lu-y sớm có khuynh hướng sống đời tu.
Sau khi trao lại cho anh (em) phần đất người được tổ tiên
giao cho để cai quản, người gia nhập dòng Chúa Giêsu. Trong khi phục vụ bệnh
nhân đang kỳ dịch, thánh nhân bị lây và qua đời lúc mới 23
tuổi (năm
1591).
Bài Ðọc
I: (Năm II) 2 V 19, 9b-11. 14-21. 31-35a. 36
"Ta
sẽ che chở và cứu thành này vì danh Ta cùng vì Ðavít".
Trích
sách Các Vua quyển thứ hai.
Trong
các ngày ấy, Sennakêrib, vua dân Assyria, đã phái các sứ giả đến với vua Êdêkia
và dặn rằng: "Các ngươi hãy nói với Êdêkia, vua Giuđa như thế này:
"Chớ để Thiên Chúa, mà vua tin cậy, mê hoặc vua nghĩ rằng: Thành
Giêrusalem sẽ không bị lọt vào tay vua dân Assyria. Vì chưng chính đức vua đã
nghe biết những gì các vua Assyria đã làm khắp mọi nơi, đã tàn phá các nơi đó
thế nào. Có lẽ nào một mình vua sẽ thoát khỏi?". Vua Êdêkia đã nhận và đọc
thư do các sứ giả trao cho, vua lên đền thờ Chúa, trải bức thư đó ra trước mặt
Chúa, và cầu nguyện cùng Chúa rằng: "Lạy Chúa là Thiên Chúa Israel, Ðấng
ngự trên các Vệ Binh thần, chỉ một mình Chúa là Thiên Chúa các vua trên mặt đất,
Chúa đã dựng nên trời đất, xin lắng tai nghe; lạy Chúa, xin mở mắt nhìn xem.
Chúa hãy nghe các lời vua Sennakêrib đã gửi đến, để lăng mạ Chúa hằng sống của
chúng con. Lạy Chúa, quả thật các vua dân Assyria đã huỷ diệt các dân và đất
đai chúng, đã vất các tượng thần của chúng vào lửa: vì các tượng thần đó không
phải là Chúa, song là sản phẩm bằng gỗ đá do tay người phàm làm ra, nên bị họ
huỷ diệt. Vậy giờ đây, lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, xin cứu chúng con khỏi
tay vua Sennakêrib, để mọi vương quốc hoàn cầu biết rằng: chỉ có mình Chúa là
Thiên Chúa".
Vậy
Isaia con trai Amos sai người đến tâu vua Êdêkia rằng: "Ðây là những điều
Chúa là Thiên Chúa Israel phán: Ta đã nghe các điều ngươi cầu xin Ta về
Sennakêrib, vua dân Assyria. Ðây là lời Thiên Chúa phán về vua ấy: Trinh nữ
Sion khinh chê và cười ngạo ngươi; thiếu nữ Giêrusalem chế diễu sau lưng ngươi.
Từ Giêrusalem sẽ còn lại một số người, và từ núi Sion sẽ có một số người được cứu
thoát: Ðó là điều mà lòng nhiệt thành của Chúa các đạo binh sẽ thực hiện. Bởi
thế, Chúa phán những điều này về vua dân Assyria: Vua sẽ không vào được thành
này, sẽ chẳng bắn được một mũi tên nào vào thành, chẳng dùng thuẫn mà vây hãm
thành, chẳng đắp lũy quanh thành: vua tới lối nào thì sẽ về lối ấy, và sẽ không
vào được thành này, đó là lời sấm của Chúa. Ta sẽ che chở và cứu thành này, vì
danh Ta cùng vì Ðavít tôi tớ Ta".
Chính
đêm ấy, thiên thần Chúa đến giết một trăm tám mươi lăm ngàn người trong trại
quân Assyria. Sennakêrib, vua dân Assyria, trở về và ở lại thành Ninivê.
Ðó là
lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 47, 2-3a. 3b-4. 10-11
Ðáp: Thiên Chúa kiên thủ thành của Người
tới muôn đời (c. 9d).
Xướng:
1) Chúa vĩ đại và rất đáng ngợi khen, trong thành trì của Thiên Chúa chúng ta.
Núi thánh của Ngài là ngọn đồi duyên dáng, là niềm hoan lạc của khắp cả địa cầu.
- Ðáp.
2)
Núi Sion là cùng kiệt Phương Bắc, là thành trì của Ðức Ðại Ðế. Thiên Chúa ngự
trong thành quách của Người, tự chứng tỏ Người là an toàn chiến luỹ. - Ðáp.
3) Ôi
Thiên Chúa, chúng con tưởng nhớ lại lòng thương của Chúa, ngay trong nơi đền
thánh của Ngài. Ôi Thiên Chúa, cũng như thánh danh Ngài, lời khen ngợi Ngài sẽ
vang cùng cõi đất. Tay hữu Ngài đầy đức công minh. - Ðáp.
Alleluia:
Tv 118, 27
Alleluia,
alleluia! - Xin Chúa cho con hiểu đường lối những huấn lệnh của Chúa, và con
suy gẫm các điều lạ lùng của Chúa. - Alleluia.
Phúc
Âm: Mt 7, 6. 12-14
"Tất
cả những gì các con muốn người ta làm cho các con, thì hãy làm cho người
ta".
Tin Mừng
Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy,
Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Ðừng lấy của thánh mà cho chó, và đừng
vất ngọc trai trước mặt heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi quay lại cắn xé
các con.
"Vậy
tất cả những gì các con muốn người ta làm cho các con, thì chính các con hãy
làm cho người ta như thế! Ðấy là điều mà lề luật và các tiên tri dạy.
"Các
con hãy vào qua cửa hẹp, vì cửa rộng và đường thênh thang là lối đưa đến hư mất,
và có nhiều kẻ đi lối ấy; cửa và đường đưa tới sự sống thì chật hẹp, và ít kẻ
tìm thấy".
Ðó là
lời Chúa.
Suy Niệm:
Hãy qua cửa hẹp
Một
cuốn phim Mỹ với nội dung như sau: Có đôi vợ chồng trẻ mới thành hôn đưa nhau
đi nghỉ cuối tuần tại Las Vegas, một thành phố cờ bạc nổi tiếng nhất nước Mỹ.
Ðang lúc thuận thời vận, hai người chia sẻ cho nhau ước muốn có được một căn
nhà. Một nhà tỷ phú tình cờ theo dõi câu chuyện của đôi vợ chồng trẻ. Với tất cả
nghiêm chỉnh, ông đề nghị với họ: nếu cô vợ chịu ngủ với ông một đêm, ông sẽ tặng
cho họ một triệu Mỹ kim. Chỉ sau một đêm họ có thể trở thành triệu phú. Nghĩ thế,
họ ra phòng luật sư để ký giao kèo. Nhưng khi người vợ lên đường đến với nhà tỷ
phú, người chồng cũng bắt đầu nghĩ lại, viễn ảnh mất vợ bỗng làm anh lo sợ. Thế
nhưng đã quá muộn, sau một đêm để có được tất cả cũng chính là lúc họ mất nhau
để rồi đi đến tan vỡ.
Câu
chuyện phim trên đây có thể là một dụ ngôn cho chúng ta hiểu được giáo huấn của
Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay: con đường dễ dãi là con đường dẫn đến hư mất,
đó là định luật chung của cuộc sống. "Hãy vào qua cửa hẹp, vì cửa rộng và
đường rộng đưa đến diệt vong". Thái độ hững hờ không thể đi đôi với những
đòi hỏi của Tin Mừng; cuộc sống dễ dãi, buông thả không có chỗ đứng trong nếp sống
của những người theo Chúa. Ðã một thời cùng ăn, cùng uống, cùng nghe giảng dạy,
chưa phải là giấy thông hành để vào Nước Trời: "Ai nghe những lời Ta dạy
mà không đem ra thực hành, thì ví được như người ngu xây nhà trên cát". Nếu
viện lý do mình là con dòng cháu giống, cũng chưa phải là lý do để được thâu nhận
vào Nước Trời.
Trong
lúc huấn đức cho đồ đệ, một người mới nhập viện lên tiếng hỏi vị Thiền sư:
-
Thưa Thầy, con quyết chí tu cho đắc đạo dễ hay khó?
Thiên
sư trả lời:
-
Không dễ cũng không khó.
Người
đồ đệ ngạc nhiên hỏi:
- Tại
sao lại không dễ cũng không khó? Con thật không hiểu, xin thầy giải thích.
Thiền
sư dõng dạc trả lời:
- Vì
tu đắc đạo không ở đó.
Người
đồ đệ càng sửng sốt hơn:
- Con
không thể nào hiểu được. Vậy làm sao để đạt đích?
Thiền
sư trả lời:
- Vì
đường tu không khoảng cách. Khi con ngưng bước là lúc con tới đích.
Xin
Chúa cho chúng ta thực thi những gì Chúa đòi hỏi. Xin cho chúng ta luôn đi sát
Chúa và hướng thẳng tới đích cao vời.
Veritas Asia
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba Tuần 12 TN2, Năm Chẵn
Bài đọc: 2 Kgs 19:9b-11, 14-21, 31-35a, 36; Mt
7:6, 12-14.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chọn đường khó khăn và hẹp để đi.
Phần
đông con người thích chọn lựa đường bằng phẳng và ngắn nhất để đi, cách nào ít
đòi cố gắng nhất để làm, việc nào dễ dàng nhất nhưng có tiền nhiều nhất. Thực tế
chứng minh, người thành công là người phải chọn lựa ngược lại, như chí sĩ Nguyễn
Thái Học đã nói: "Nếu đường đời bằng phẳng cả; anh hùng hào kiệt có hơn
ai?" Vài ví dụ cho chúng ta thấy điều này: Các lực sĩ trước khi đoạt huy
chương vàng, họ phải hy sinh luyện tập nhiều giờ và kiêng khem ăn uống. Binh
lính phải luyện tập nhiều giờ, vì họ tin: ''thao trường đổ mồ hôi, chiến trường
bớt đổ máu.''
Các
Bài Đọc hôm nay cho chúng ta lời dạy quí giá của Chúa Giêsu và gương chọn lựa
con đường khó đi của vua Hezekiah. Trong Bài Đọc I, khi chứng kiến sự thất thủ
của vương quốc Israel và thế lực mạnh mẽ của đế quốc Assyria, vua Judah là
Hezekiah vẫn không nao núng. Nhà Vua cầu nguyện và hoàn toàn tin tưởng nơi Đức
Chúa, nên Ngài đã sai ngôn sứ Isaiah loan tin mừng cho vua: Quân thù Assyria sẽ
không chiếm được Judah. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy các môn đệ: "Hãy qua
cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều
người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít
người tìm được lối ấy."
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài
đọc I: Niềm tin của vua
Hezekiah được thử luyện
1.1/ Vua
Judah tin tưởng và cầu nguyện với Thiên Chúa
(1) Lời
đe dọa của vua Sennacherib: Sau khi vương quốc Israel miền Bắc thất thủ và bị
lưu đày, vua Assyria là Sennacherib đã phái các sứ giả đến nói với vua Hezekiah
rằng: “Đừng để Thiên Chúa của ông là Đấng ông tin tưởng, lừa dối ông rằng:
Jerusalem sẽ không bị nộp vào tay vua Assyria. Này, ông thừa biết các vua
Assyria đã xử thế nào với tất cả các nước: Các vị ấy đã tru hiến chúng; còn
ông, ông thoát sao được? Vua Hezekiah cầm lấy thư từ tay các sứ giả trao cho mà
đọc, rồi lên Nhà Đức Chúa, mở thư ra trước nhan Đức Chúa.
(2)
Vua Hezekiah vững niềm tin nơi Thiên Chúa: Trong gian nan là lúc biểu lộ niềm
tin. Vua Hezekiah tuyệt đối tin tưởng nơi Đức Chúa. Vua cầu nguyện trước nhan Đức
Chúa rằng: "Lạy Đức Chúa, Thiên Chúa Israel, Đấng ngự trên các Cherubim,
chính Ngài, và chỉ mình Ngài mới là Thiên Chúa thống trị mọi vương quốc trần
gian. Chính Ngài đã làm nên trời đất. Lạy Đức Chúa, xin lắng tai nghe, lạy Đức
Chúa, xin đưa mắt nhìn. Xin nghe rõ những lời Sennacherib là kẻ đã sai người đến
thoá mạ Thiên Chúa hằng sống.”
Nhà
Vua phân biệt các thứ thần do tay con người nhào nặn với uy quyền vô biên của
Thiên Chúa: “Quả thật, lạy Đức Chúa, các vua Assyria đã tàn phá các dân và xứ sở
của nhiều nước, quăng các tượng thần của họ vào lửa, vì chúng không phải là thần,
mà chỉ là tác phẩm bằng gỗ đá do tay người phàm làm ra, cho nên các vua ấy đã
phá huỷ được. Nhưng giờ đây, lạy Đức Chúa, Thiên Chúa chúng con, xin đoái
thương cứu chúng con khỏi tay vua ấy, để mọi vương quốc trần gian nhận biết rằng
chính Ngài, và chỉ một mình Ngài mới là Thiên Chúa, lạy Đức Chúa!"
1.2/
Thiên Chúa giải phóng Judah khỏi tay vua Assyria.
+ Khi
vua Hezekiah cầu nguyện xong, ngôn sứ của Đức Chúa là Isaiah con ông Amoz, sai
người đến tâu vua Hezekiah rằng: "Đức Chúa, Thiên Chúa Israel, phán thế
này: Ta đã nghe lời ngươi cầu nguyện về vụ Sennacherib, vua Assyria. Đây lời Đức
Chúa kết tội nó: Trinh nữ, cô gái Sion khinh dể, nhạo báng ngươi; sau lưng
ngươi, cô gái Jerusalem lắc đầu!”
+ Kết
quả của cuộc xâm chiếm: “Chính đêm ấy, thiên sứ của Đức Chúa ra đánh chết một
trăm tám mươi lăm ngàn người trong trại quân Assyria. Ban sáng, khi người ta thức
dậy, thì kìa, toàn là thây ma xác chết. Vua Assyria là Sennacherib nhổ trại và
lên đường. Ông rút về Nineveh và ở lại đó.”
2/
Phúc Âm: Cửa hẹp và đường
chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy.
2.1/ Phải
hiểu thì mới biết quí trọng Lời Chúa và các bí tích: Để dẫn chứng sự cao quí của Lời Chúa và
các bí tích, Chúa Giêsu đưa ra 2 hình ảnh cho các môn đệ suy nghĩ: "Của
thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai, chớ liệng cho heo, kẻo chúng giày đạp dưới
chân, rồi còn quay lại cắn xé anh em.'' Có nhiều cách phiên dịch và áp dụng câu
này trong lịch sử:
(1)
Các tín hữu Do-thái quá khích dùng câu này để loại trừ Dân Ngoại. Họ nghĩ chỉ
có họ mới xứng đáng được hưởng những của thánh, và Dân Ngoại bị so sánh với chó
và heo.
(2)
Giáo Hội sơ khai dùng câu này để bảo vệ bí tích Mình Thánh Chúa. Khẩu hiệu
"của thánh dành cho người thánh" được dùng để ngăn cản những người
không cùng niềm tin đến lãnh nhận Mình Thánh Chúa.
(3)
Giáo Hội sơ khai cũng dùng lời này để bảo vệ Lời Chúa và đức tin Công Giáo, vì
luôn có những lạc thuyết nổi lên đe dọa đức tin hay muốn thích ứng với những
trào lưu hiện hành. Nói tóm, các tín hữu cần phải học hỏi để hiểu, thì mới biết
quí trọng Lời Chúa và các bí tích.
2.2/ Hai
ví dụ của việc sống Lời Chúa:
(1)
Luật Vàng của nhân loại còn kém xa Lời Chúa: Luật Vàng dạy: "Điều gì mình
không muốn người khác làm cho mình, mình đừng làm cho người khác." Luật
này chỉ tiêu cực, vì nó ngăn cản không cho tội xảy ra; nhưng không giúp con người
phát triển vác mối liên hệ với tha nhân. Chúa Giêsu đẩy các môn đệ đến một bước
tiến xa hơn: "Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì
chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Moses và lời các ngôn sứ là thế
đó.'' Đây là luật tích cực, vì nó giúp xây dựng và phát triển các mối liên hệ.
(2)
Con người thích đường rộng rãi thênh thang, Chúa Giêsu dạy: "Hãy qua cửa hẹp
mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người
lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người
tìm được lối ấy.''
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Đương đầu với đau khổ và thế lực mạnh là lúc biểu lộ niềm tin của chúng ta vào
Thiên Chúa. Ngài sẽ không bỏ rơi những ai hết lòng tin tưởng nơi Ngài.
-
Chúng ta chỉ biết quí trọng Thiên Chúa và những gì thuộc về Ngài khi chúng ta
chịu bỏ thời giờ học hỏi, vì “vô tri bất mộ.”
- Con
đường đau khổ là con đường Thiên Chúa chọn cho Đức Kitô và loài người đi qua.
Chúng ta hãy can đảm chọn con đường đó vì nó sẽ dắt chúng ta đến chỗ vinh
quang.
Linh
mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
21/06/16 THỨ BA TUẦN 12 TN
Th. Lu-y Gon-da-ga, tu sĩ
Mt 7,6.12-14
Th. Lu-y Gon-da-ga, tu sĩ
Mt 7,6.12-14
Suy niệm: “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi; nhưng khó vì lòng người ngại núi e sông.” Câu nói của Nguyễn Bá Học có thể giúp minh hoạ cho Lời Chúa hôm nay. Con đường bị sông núi cản ngăn chẳng khác chi con đường chật hẹp, muốn vượt qua ta phải oằn mình, lách mình hoặc tìm phương thế vượt chướng ngại vật. Đó là con đường chẳng mấy ai muốn đi vì nó đòi ta phải lao nhọc, khép mình vào kỷ luật nghiêm ngặt, mà lắm khi không thấy kết quả tức thời. Đức Giê-su dạy ta đi con đường của Ngài mới có thể đạt đến sự sống đời đời. Đó là đường khổ giá mà Chúa cũng trải qua rồi mới được vinh quang phục sinh. Ngược lại, chọn “cửa rộng và đường thênh thang” là tự mình đi vào chỗ đến diệt vong.
Mời bạn: Chí sĩ Phan Bội Châu đã an ủi linh mục Mai Lão Bạng: “Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai?” Lời khuyên của ông minh giải thâm thúy cho lời dạy của Chúa trong Tin Mừng hôm nay, giúp ta đón nhận cách dễ dàng hơn, dẫu biết rằng “ít người tìm được lối ấy.”
Sống Lời Chúa: Tôi xác
tín rằng cuộc đời trần thế của Chúa Giê-su có thể được tóm gọn trong châm ngôn này: “Đau thương là đường lên ánh sáng; gian khổ là đường về vinh
quang.” Đó cũng phải là châm ngôn cuộc đời tôi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con biết khôn ngoan chọn lựa cho mình con đường sống: con đường hẹp của hy sinh từ bỏ, của nghị lực can trường. Con đường ấy chính là con đường Chúa đã chọn và khuyên dạy con bước theo. Xin giúp con trung thành đi trên con đường hẹp này đến cùng. Amen.
Cửa hẹp và đường chật
Chúng ta được mời chọn đi con đường Giêsu, con đường tình yêu đòi hy sinh mạng sống, con đường đòi ra khỏi mình để sống cho và sống với tha nhân.
Suy niệm:
Bài Tin Mừng hôm nay gồm những câu rời rạc.
Câu đầu tiên là một câu khó hiểu đối với chúng ta ngày
nay (c.6),
tuy có thể rất dễ hiểu đối với những người trực tiếp
nghe Đức Giêsu.
“Của thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai chớ liệng
cho heo…”
Heo là con vật nhơ uế, chó thường được dùng để chỉ dân
ngoại.
Vào khoảng đầu thế kỷ thứ hai,
sách Điđakhê coi của thánh ở đây là Mình Thánh Chúa,
từ đó xác định rằng chỉ tín hữu mới được rước lễ (9,
5).
Tuy nhiên, có thể hiểu của thánh hay ngọc trai là Tin
Mừng Nước Trời.
Tin Mừng này có thể được đón nhận hay bị từ chối một
cách thô bạo.
Không hẳn chỉ dân ngoại mới có người từ chối và chà
đạp viên ngọc quý.
Cả người Do thái cũng có kẻ bách hại những ai rao
giảng (Mt 10, 17).
Thái độ của người môn đệ là không dừng lại, nản lòng
khi bị chối từ.
nhưng là tiếp tục mang sứ điệp ấy đến cho người khác.
Câu 12 thường được coi là khuôn vàng thước ngọc.
Nó xuất hiện trong nhiều tôn giáo và văn hóa từ xưa.
“Làm cho người khác mọi điều mình muốn họ làm cho
mình.”
Đây là một thái độ tích cực đòi chúng ta một chút
tưởng tượng.
Tôi thử nghĩ xem mình muốn gì nơi người khác.
Cảm thông, bao dung, yêu mến, kính nể, trung thành,
nâng đỡ…
Rồi tôi tìm cách trao cho họ những điều tốt lành mà
tôi ước mong,
vì giữa con người với nhau, vẫn có chung những khát
vọng.
Trong một thế giới mà người ta chỉ tìm làm điều tốt
cho nhau,
thì thế giới đó là địa đàng, nơi sự dữ không còn đất
đứng.
Như thế người Kitô hữu không chỉ yêu anh chị em trong
cộng đoàn,
yêu người thân cận như chính mình (Mt 22, 39),
mà còn yêu mọi người đau khổ cơ nhỡ (Mt 25, 31-46),
thậm chí yêu cả kẻ thù (Mt 5, 44).
Cộng đoàn Kitô hữu là cộng đoàn yêu bằng hành động
tích cực :
“chính anh em hãy làm cho người ta” (c. 12).
Người ta ở đây là mọi người, vượt quá mọi thứ biên
giới.
Con đường mà Đức Giêsu đã đi là con đường hẹp, khó đi.
Nó hẹp vì nó là con đường tình yêu, mà yêu thì không
dễ.
Ít ai tìm thấy con đường này, mà cũng ít người muốn đi
(c. 14).
Chúng ta được mời chọn đi con đường Giêsu,
con đường tình yêu đòi hy sinh mạng sống,
con đường đòi ra khỏi mình để sống cho và sống với tha
nhân.
Và chúng ta tin mình sẽ gặp được hạnh phúc.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Tình Yêu của con,
nếu Hội Thánh được ví như một thân thể
gồm nhiều chi thể khác nhau,
thì hẳn Hội Thánh không thể thiếu
một chi thể cần thiết nhất và cao quý nhất.
Đó là Trái Tim, một Trái Tim bừng cháy tình yêu.
Chính tình yêu làm cho Hội Thánh hoạt động.
Nếu trái tim Hội Thánh vắng bóng tình yêu,
thì các tông đồ sẽ ngừng rao giảng,
các vị tử đạo sẽ chẳng chịu đổ máu mình...
Lạy Chúa Giêsu,
cuối cùng con đã tìm thấy ơn gọi của con,
ơn gọi của con chính là tình yêu.
Con đã tìm thấy
chỗ đứng của con trong Hội Thánh :
nơi Trái tim Hội Thánh, con sẽ là tình yêu,
và như thế con sẽ là tất cả,
vì tình yêu bao trùm mọi ơn gọi trong Hội Thánh.
Lạy Chúa, với chỗ đứng Chúa ban cho con,
mọi ước mơ của con được thực hiện.
(dựa theo lời của thánh Têrêxa)
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
21
THÁNG SÁU
Thiên
Chúa Can Thiệp Vì Ích Lợi Của Chúng Ta
Giáo
Hội rao giảng về sự quan phòng của Thiên Chúa, không phải vì đó là sáng kiến của
chính Giáo Hội, song bởi vì Thiên Chúa đã quyết định mạc khải chính Ngài. Chính
Thiên Chúa là Đấng tự mạc khải chính Ngài và cứu độ dân Ngài, chính Ngài vén mở
cho thấy kế hoạch cứu độ mà Ngài đã chuẩn bị từ đời đời. Trong ánh sáng này,
Thánh Kinh là bản trình thuật vĩ đại nhất về sự quan phòng của Thiên Chúa, bởi
vì Thánh Kinh cho thấy rằng Thiên Chúa đã sáng tạo nên mọi sự từ đầu và Ngài
can thiệp một cách kỳ diệu xuyên qua lịch sử cứu độ. Đây chính là sự quan phòng
của Thiên Chúa – sự quan phòng này làm cho chúng ta trở thành những tạo vật mới
trong một thế giới đổi mới nhờ tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Kitô.
Thánh
Kinh đặc biệt nói về sự quan phòng thần linh trong các chương về sự sáng tạo và
nhất là trong những chỗ qui chiếu đặc biệt đến công cuộc cứu độ trong Sách Sáng
Thế và các Sách Ngôn Sứ, nhất là Sách Isaia. Thánh Phao-lô cũng có những suy tư
sâu sắc về những kế hoạch khôn dò của Thiên Chúa diễn ra trong lịch sử, nhất là
trong các Thư Ê-phê-sô và Cô-lô-sê. Trong các Sách khôn ngoan, các tác giả nhắm
đến việc tái khám phá các kế hoạch và đường lối của Thiên Chúa. Tông Đồ Gio-an
trong Sách Khải Huyền thì cố gắng khám phá lại ý nghĩa của các mục đích cứu độ
của Thiên Chúa trong thế giới.
Xem
ra quan điểm Kitô giáo về quan phòng không chỉ là một chương khác của triết lý
tôn giáo. Vâng, Thiên Chúa trả lời cho những vấn nạn sừng sững của Gióp (và của
mọi người giống như Gióp) với nhãn giới Thánh Kinh về sự trung thành và sự quan
phòng của Thiên Chúa đối với con người. Đây là một thần học rõ ràng về sự trợ
giúp và sự can thiệp có sức cứu độ của Thiên Chúa khi Dân của Ngài đáp lại Ngài
trong đức tin.
-
suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm.
Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT
UP YOUR HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày
21 – 6
Thánh
Luy Gônzaga, tu sĩ
2V
19,9-11.14-21.31-36; Mt 7,6.12-14.
Lời
suy niệm: “Của thánh, đừng quăn cho chó, ngọc trai, chớ
liệng cho heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi còn quay lại cắn xé anh em.”
Trong
việc truyền giáo, trước hết mỗi người chúng ta phải cầu nguyện và lắng nghe tiếng
nói của Thần Khí. Khi chúng ta kết hợp hai điều này. Thì có sự trợ giúp của
Chúa trên chúng ta và cả trên người anh em mà chúng ta muốn truyền đạt. Điều
này chúng ta nhớ lại trong Công Vụ Tông Đồ (Cv 8,26-39 ) Tông đồ Philípphê và
viên quan Thái Giám Êthiốp. Nếu chúng ta không biết kết hợp hai yếu tố này, thì
sẽ không đem lại kết quả tốt mà đôi khi còn phản truyền giáo.
Lạy
Chúa Giêsu. Xin cho mỗi người chúng con luôn cẩn thận trong việc dùng Lời Chúa
trong cuộc sống của chúng con cũng như khi trao ban cho người anh em, để Lời
Chúa được sinh nên nhiều hoa trái tốt đẹp cho người và cho chúng con.
Mạnh
Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày
21-06: Thánh LUY GONZAGA
Tu
Sĩ (1568 - 1591)
Thánh
Luy là con trưởng của Ferrante, bá tước lâu đài Castiglione miền Lombardic. Ông
đã nhượng chức tổng chỉ huy cho hiệp sĩ của vua Henry VIII vì thích triều đình
Tây Ban Nha hơn, tại Marid, Ferrante gặp Martha Tana đi theo hoàng hậu
Isabelle. Ông lập gia đình với Martha năm 1566. Ngày 9 tháng 3 năm 1568, Luy
chào đời.
Thân
mẫu thánh nhân là người đạo đức. Bà đã dạy cho Luy biết kính sợ và yêu mến Chúa
ngay từ hồi còn thơ ấu. Vì vậy, thánh nhân hay được gọi là "thiên thần
con". Thân phụ Ngài trái lại đã muốn hứơng dẫn con mình vào nghề binh đao.
Hồi lên 4 tuổi, Ngài được dẫn tới Casal để dự cuộc duyệt binh. Thân phụ Ngài
cho Ngài mặc như một sĩ quan và vui mừng khi thấy con dẫn đầu đoàn quân, với
quân phục vừa tầm cậu. Luy sống ở đây nhiều tháng và có dịp nghe những lời tục
tĩu của lính tráng, dầu không hiểu gì.
Một
ngày kia,, khi binh sĩ đang ngủ, Luy ăn cắp thuốc nạp vào súng khai hóa và suýt
chết vì súng giật. Bá tước định trừng phạt đứa con của mình nhưng nhờ binh sĩ
can thiệp, cậu được thả. Tuy nhiên đây là một lỗi lầm mà Luy than khóc suốt đời.
Năm
1577, Luy cùng với em trai là là Rôđôlfo được gởi đi học tại Florence. Tại đây,
Luy đã khấn giữ mình trinh khiết trước ảnh Đức Mẹ truyền tin nhà nguyện dòng
Tôi Tớ Đức Mẹ. Chẳng bao lâu sau, Ngài trở về Castigliône, và quyết định hiến
mình cho Thiên Chúa, Ngài tăng thêm việc đạo đức và coi đó như bổn phận: quỳ đọc
kinh nhật tụng Đức Mẹ, các thánh vịnh sám hối và những kinh nguyện khác. Tại
Castigilione, Đức Hồng y Carrôlô Borrômeô đã làm cho Luy rước lễ lần đầu. Đức hồng
y đã ngạc nhiên trước nhiệt tình và sự khắc khổ của thánh nhân và thốt lên:
"Đứa trẻ này có thể làm gương cho chính các tu sĩ".
Bá tước
Ferrante được đặt làm quan thị vệ của vua Tây Ban Nha, Luy trở thành thị đồng của
hoàng tử, Luy nhiệt tình phục vụ hoàng tử Diogô, nhưng vẫn tìm cách sống tại
triều đình như là sống trong tu viện. Nhưng rồi cái chết của Diegô dẫn Luy tới
quyết định dứt khoát từ bỏ thế gian để gia nhập dòng Chúa Giêsu. Thân phụ Ngài
bất mãn vì quyết định ấy và Luy phải đợi ba năm để được sự ưng thuận của thân
phụ. Năm 18 tuổi, Ngài vui vẻ nhượng quyền thừa tự và bước vào đời sống tu trì.
Tại
tu viện Luy muốn được hoàn toàn quên lãng. Ngài lo chuyện bếp núc, giúp đỡ người
nghèo đeo bị đi ăn xin ngoài phố. Đối với gia đình, Ngài chỉ còn muốn nghĩ tới
trong kinh nguyện mà thôi. Sau 2 năm trong dòng, ngày 25 tháng 11 năm 1587, Ngài
tuyên khấn và lãnh phép cắt tóc gia nhập hàng giáo sĩ ít lâu sau đó.
Nhưng
gia đình bỗng có chuyện tranh chấp sau khi thân phụ Ngài qua đời. Tháng 9 năm
1589, bề trên cho phép Luy về Castiglione để giàn xếp. Luy được tiếp đón như một
thiên thần từ trời xuống. Mẹ Ngài không cầm mình nổi, đã quì xuống trước mặt
con. Từ khắp ngả người ta nói với nhau: Chúng ta thấy Một Vị Thánh.
Cuộc
dàn xếp ổn thỏa, Luy được lãnh giảng thuyết trước khi đi. Ngài đã diễn thuyết một
cách kỳ diệu đến nỗi hơn 700 thính giả đã tới tòa cáo giải ngay.
Giã từ
cha mẹ, Luy trở lại Milan ngày 22 tháng 3 năm 1590 để tiếp tục lớp thần học và
được dời về Rôma ngay năm đó để diễn thuyết trước mặt nhiều giám mục nước Ý.
Chính tại đây Ngài qua đời như là nạn nhân của lòng bác ái. Lúc ấy có một bệnh
dịch tàn phá Rôma.
Thánh
Luy hiến trọn xác hồn phục vụ các bệnh nhân, Ngài làm nhiệm vụ khuân vác giúp đỡ
mọi người, có khi vác cả xác chết nữa. Tận tụy làm việc cho đến ngày 20 tháng 6
năm 1591 thì bị bất tỉnh. Hôm sau tỉnh dậy Ngài chào anh em, rước của ăn đàng rồi
từ trần.
(daminhvn.net)
21
Tháng Bảy
Lúa Mì VàHoa Mồng Gà
Hòa
Lan là một nước nổi tiếng về hoa. Ở phía bắc Hòa Lan, có những cánh đồng hoa chạy
dài tắp tít vượt cả tầm nhãn giới. Nhiều loại hoa sặc sỡ tuyệt đẹp làm say mê
khách du lịch. Phía nam của Hòa Lan, trái lại, chỉ có những cánh đồng lúa mì
bát ngát và khi lúa chín thì khắp nơi chỉ còn là một màu vàng ối làm nổi bật
màu đỏ tím của những bông hoa mồng gà.
Cảnh
đó đẹp với thi sĩ và họa sĩ nhưng rất đáng buồn đối với nông gia vì mồng gà
càng sặc sỡ thì vụ lúa càng kém. Chẳng có cách nào nhổ hết được những cây mồng
gà này mà không làm hư hại lúa, đằng khác hoa mồng gà càng nhiều và càng đẹp
thì khách du lịch càng làm hư hại lúa nhiều, mỗi khi họ nhảy xuống ruộng để hái
hoa.
Sự
chung đụng của lúa mì và hoa mồng gà: đó là bức tranh tuyệt hảo của nhân loại
chúng ta. Thiên Chúa tạo dựng lúa mì để nuôi sống chúng ta, nhưng Người cũng
cho hoa mồng gà mọc lên để làm vui mắt chúng ta. Có lúa mì thì cũng có hoa mồng
gà. Có nhà nông thì cũng có thi sĩ, họa sĩ.
Thiên
Chúa cho nắng mưa hòa nhịp với nhau. Người nông gia không thể đòi hỏi chỉ có
mưa cho lúa tốt. Người nghệ sĩ không thể đòi hỏi chỉ có ánh mặt trời... Sống là
biết chấp nhận sự đa diện của vũ trụ như một bức tranh tuyệt hảo. Sống là biết
lấy đau khổ, mất mát của mình làm hạnh phúc cho người khác.
(Lẽ
Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét