19/07/2016
Thứ ba tuần 16 thường niên.
Bài Ðọc
I: (Năm II) Mk 7, 14-15. 18-20
"Chúa
ném mọi tội lỗi chúng tôi xuống đáy biển".
Trích
sách Tiên tri Mikha.
Lạy
Chúa, với cây trượng của Chúa, xin chăn dắt dân Chúa, chăn dắt những con chiên
thuộc quyền sở hữu của Chúa sống lẻ loi trong rừng, ở giữa núi Carmêlô. Tất cả
được chăn dắt ở Basan và Galaad như ngày xưa. Như ngày ra khỏi Ai-cập, tôi cho
nó thấy những việc lạ lùng. Có Chúa nào giống như Chúa là Ðấng dẹp tan mọi bất
công, và tha thứ mọi tội lỗi của kẻ sống sót thuộc về Chúa? Chúa không khư khư
giữ mãi cơn thịnh nộ của mình, vì Chúa ưa thích từ bi. Chúa còn thương xót
chúng tôi, còn dày đạp những bất công của chúng tôi dưới chân Chúa, và ném mọi
tội lỗi chúng tôi xuống đáy biển. Chúa ban cho Giacóp biết sự trung thành của
Chúa, cho Abraham biết lòng từ bi mà Chúa đã thề hứa với tổ phụ chúng tôi từ
ngàn xưa.
Ðó là
lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 84, 2-4. 5-6. 7-8
Ðáp: Lạy Chúa, xin cho chúng con được
nhìn thấy tình thương của Chúa (c. 8a).
Xướng:
1) Lạy Chúa, Chúa đã phù trợ đất nước của Ngài, đã tài tình thay đổi số phận
nhà Giacóp. Chúa đã tha thứ lỗi lầm của dân Ngài, và che đậy mọi điều tội ác của
họ. Chúa đã cầm hãm tất cả sự bất bình, và tự nguôi đi lòng phẫn nộ. - Ðáp.
2) Lạy
Chúa là Ðấng cứu độ, xin thương hồi phục chúng con, và từ bỏ lòng xung giận
chúng con. Phải chăng Chúa giận chúng con muôn đời ngàn kiếp, hay là kéo dài
lòng căm hận tới muôn đời? - Ðáp.
3) Há
không phải chính Ngài cho chúng con hồi sinh, để dân tộc Ngài được hoan hỉ ở
nơi Ngài? Lạy Chúa, xin cho chúng con nhìn thấy tình thương của Chúa, và ban
cho chúng con được ơn Ngài cứu độ. - Ðáp.
Alleluia:
Ga 14, 5
Alleluia,
alleluia! - Chúa phán: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống, không ai
đến được với Cha mà không qua Thầy". - Alleluia.
Phúc
Âm: Mt 12, 46-50
"Người
giơ tay trên các môn đệ mà nói: Ðây là mẹ Ta và là anh em Ta".
Tin Mừng
Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy,
Chúa Giêsu còn đang nói với dân chúng, thì mẹ Người và anh em Người đứng ngoài
tìm cách nói chuyện với Người. Có kẻ thưa rằng: "Kìa, mẹ Ngài và anh em
Ngài đang đứng tìm Ngài ngoài kia". Nhưng Người trả lời kẻ ấy rằng:
"Ai là mẹ Ta, ai là anh em Ta?" Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ mà
nói: "Ðây là mẹ Ta và là anh em Ta, vì hễ ai làm theo ý Cha Ta trên trời,
thì người ấy là anh em, chị em và là mẹ Ta vậy".
Ðó là
lời Chúa.
Suy Niệm:
Thực Hành Lời Chúa
Mỗi
tác giả Tin Mừng đều có một lối giải thích về thái độ của Chúa Giêsu đối với
gia đình của Ngài, và sự khẳng định về tình liên đới của Ngài đối với gia đình
thiêng liêng gồm những ai thực thi ý Chúa. Ðối với thánh Marcô, thái độ của
Chúa Giêsu được tỏ ra sau khi Chúa chọn Nhóm Mười Hai. Trong Nhóm Mười Hai đã
có một cuộc tranh cãi sôi nổi về chuyện ai sẽ được ngồi bên tả hay bên hữu Chúa
Giêsu; những người có họ hàng với Ngài dĩ nhiên nuôi nhiều hy vọng hơn. Chính
trong bối cảnh đó, Chúa Giêsu khẳng định trong Nước Ngài, quan hệ máu mủ ruột
thịt không quan trọng bằng niềm tin; gần gũi với Ngài không đương nhiên là bà
con ruột thịt, mà chính là những ai thực thi ý Chúa.
Trong
Tin Mừng Luca, thì thái độ của Chúa Giêsu đối với gia đình ruột thịt của Ngài
được ghi lại như một kết luận của toàn bộ những lời giảng dạy của Ngài về Nước
Chúa, cũng như những điều kiện để thuộc về Nước Chúa. Như vậy, đối với Luca, chỉ
có việc lắng nghe và thực thi Lời Chúa mới thực sự làm cho con người được đi
vào quan hệ mật thiết với Chúa Giêsu.
Ðoạn
Tin Mừng hôm nay là phần kết luận của trình thuật về cuộc chiến đấu giữa thần
khí Chúa và thần khí ma quỉ. Ma quỉ vốn làm cho con người ra câm điếc đối với Lời
Chúa; do đó, như người câm được Chúa Giêsu chữa lành, con người cũng cần phải
được tháo cởi khỏi xiềng xích của ma quỉ mới có thể lắng nghe được Lời Chúa và
thần khí của Ngài. Ðức Maria chính là mẫu mực của con người không hề bị giam
hãm trong xiềng xích của ma quỉ. Mẹ luôn luôn lắng nghe và đáp trả Lời Chúa.
Chính vì lắng nghe Lời Chúa mà Mẹ đã cưu mang Con Chúa; nơi Mẹ, quan hệ máu mủ
ruột thịt với Chúa Giêsu được xây dựng trên chính thái độ lắng nghe Lời Chúa; Mẹ
chỉ là Mẹ Chúa Giêsu, bởi vị Mẹ đã lắng nghe Lời Chúa.
Chúa
Giêsu đã đề cao thái độ của Mẹ Maria, để từ đó nói lên mối giây liên kết đích
thực trong gia đình Giáo Hội mà Ngài sẽ thiết lập. Hầu hết các tôn giáo đều dựa
trên gia đình như là cộng đoàn nền tảng nhất. Truyền thống khôn ngoan và luật
Do Thái luôn đề cao tầm quan trọng của gia đình. Chúa Giêsu xem ra đã làm một
cuộc cách mạng táo bạo khi xây dựng tôn giáo của Ngài, không dựa trên mạng lưới
những quan hệ gia đình, mà trên nền tảng của sự tự do. Trong gia đình Giáo Hội,
con người trở nên thân thiết với nhau, không nhất thiết nhờ máu mủ ruột thịt,
mà do chính niềm tin.
Dĩ
nhiên, gia đình tự nhiên vốn là nơi con người đón nhận và nuôi dưỡng đời sống đức
tin; gia đình là trường học đầu tiên về cung cách làm người cũng như sự trưởng
thành trong đức tin. Chúa Giêsu không bao giờ chối bỏ vai trò ấy của gia đình.
Cộng đoàn xã hội, nhất là xã hội gia đình là môi trường cần thiết giúp con người
đón nhận và phát huy đức tin.
Khi đề
cao thái độ lắng nghe và thực thi Lời Chúa của Ðức Maria, Chúa Giêsu muốn chúng
ta thấy rằng đức tin là sự gặp gỡ cá biệt giữa con người với Thiên Chúa, đó là
cuộc gặp gỡ của mỗi người mà không ai có thể thay thế được. Càng sống Lời Chúa,
càng đi sâu vào sự thân tình với Chúa, con người càng nhận ra tương quan của
mình với tha nhân. Hai giới răn mến Chúa và yêu người gắn liền mật thiết với
nhau là thế đó: người yêu mến Chúa một cách nồng nàn không thể không yêu thương
người anh em của mình, trái lại, lòng bác ái đối với tha nhân cũng không thể
không làm cho con người thêm gần gũi với Chúa hơn.
Ước
gì chúng ta biết chạy đến với Ðức Maria như mẫu gương của lắng nghe và thực
hành Lời Chúa; chạy đến với Người như người Mẹ thân thương của mỗi người, chúng
ta cũng hãy đón nhận tha nhân như người anh em trong cùng một gia đình của
Chúa.
Veritas Asia
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba Tuần 16 TN2
Bài đọc: Mic 7:14-15, 18-20; Mt 12:46-50
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Làm sao để được Thiên Chúa yêu thương và
trở thành người nhà của Ngài?
Khi
chứng kiến sự khôn ngoan cũng như uy quyền của Chúa Giêsu, một người cảm phục
đã thốt lên: “Phúc thay dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú!” Chúa Giêsu
trả lời: “Hạnh phúc hơn cho những ai nghe và giữ Lời Thiên Chúa” (Lk 11:27-28).
Các
bài đọc hôm nay muốn nhấn mạnh đến điều kiện để được Thiên Chúa yêu thương,
chăm sóc, và coi như người nhà là phải nghe lời và làm theo thánh ý Thiên Chúa.
Trong bài đọc I, ngôn sứ Micah cung cấp nguồn hy vọng cho con cái Israel, nếu họ
muốn được Thiên Chúa xót thương và giải thoát khỏi cảnh lưu đày. Họ phải nhận
ra tình yêu trung thành của Thiên Chúa và ăn năn quay về với Ngài. Trong Phúc
Âm, khi được báo cáo mẹ và anh em của Chúa Giêsu đang chờ Ngài ở ngoài, Chúa
Giêsu cung cấp nguồn hy vọng cho khán giả: Mẹ và anh em Ta là tất cả những ai
nghe và giữ lời Ta.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài
đọc I: Thần minh nào sánh
được như Ngài, Đấng chịu đựng lỗi lầm.
1.1/
Chính Thiên Chúa sẽ chăn dắt dân Ngài: Đây là những câu cuối cùng của Sách tiên tri Micah. Giống
như phần đông các Sách Ngôn Sứ, Micah tuy thấy trước việc mất nước và những
ngày lưu đày sẽ không tránh khỏi, nhưng ông cũng cho dân chúng một niềm hy vọng
vào tương lai, nếu họ biết ăn năn hối cải.
Ông
kêu gọi dân chúng nhìn lại quá khứ để biết những gì Thiên Chúa đã làm cho họ.
Biến cố Xuất Hành ra khỏi Ai-cập là biến cố biểu lộ tình thương của Thiên Chúa
dành cho họ. Trong biến cố này, Thiên Chúa đã làm những điềm thiêng, dấu lạ để
đưa dân Israel ra khỏi nô lệ bên Ai Cập và đem vào miền đất Canaan phì nhiêu,
chảy sữa và mật. Ngài cũng đồng hành với họ suốt 40 năm trường trong sa mạc. Biến
cố này đã làm cho các dân chung quanh Israel phải khiếp sợ kinh hoàng.
Nếu họ
ăn năn quay về, chính Thiên Chúa sẽ là mục tử chăn dắt dân chúng là đàn chiên,
là cơ nghiệp của Ngài. Ngôn sứ đề cập đến hai vùng nổi danh mà người Do-thái
quen thuộc: Bashan là ngọn núi cao nằm ở biên giới giữa Syria và Do-thái. Đây
là một vùng đất màu mỡ vì sự kết tụ của đất và nhất là nước trào tràn khắp nơi.
Nơi đây, nước từ trên núi tuyết của Bashan chảy xuống kết hợp với những sông của
Syria trước khi tràn vào Biển Hồ Galilee. Bashan nổi tiếng về gỗ cây sồi, lý tưởng
cho việc trồng lúa mì và chăn nuôi. Xuôi xuống miền Nam dọc theo sông Jordan là
Gilead, vùng Transjordan. Vùng này cũng nổi tiếng về cây sồi, thông, và rất
thích hợp cho việc chăn nuôi. Ngày nay, du khách đi dọc theo vùng này có thể thấy
những cánh đồng chuối nối tiếp nhau.
1.2/
Thiên Chúa trung thành yêu thương cho dù con người phản bội.
(1)
Thiên Chúa phải sửa phạt để con người biết nhận ra tội lỗi và quay trở về với
Ngài, chứ không phải để tiêu diệt. Một khi con người đã nhận ra và quay trở lại,
Thiên Chúa sẽ nguôi cơn giận và cứu họ, cho dù chỉ còn một số nhỏ còn sót lại.
(2)
Ngài là Thiên Chúa của thương sót: Như một người cha, Thiên Chúa không vui mừng
gì khi thấy con mình quằn quại trong đau khổ. Ngài cũng hiểu hoàn cảnh của con
người: khi họ còn mang thân xác yếu đuối, tội lỗi là điều khó tránh khỏi. Điều
cần thiết là phải biết nhận ra tội lỗi và thống hối ăn năn. Khi con người đã biết
ăn năn quay về, Thiên Chúa sẽ tha thứ tất cả tội lỗi và phục hồi quyền làm con
cho con người. Ngôn sứ diễn tả tình thương tha thứ của Thiên Chúa cho dân
chúng: “Người sẽ lại thương xót chúng ta, tội lỗi chúng ta, Người chà đạp dưới
chân. Mọi lỗi lầm chúng ta, Người ném xuống đáy biển.”
(3) Lời
Thiên Chúa hứa với các tổ phụ Ngài sẽ thi hành: “Ngài sẽ bày tỏ lòng thành tín
cho Jacob, và tình thương cho Abraham, như đã thề với tổ phụ chúng con từ thuở
trước.”
2/
Phúc Âm: "Ai là mẹ
tôi? Ai là anh em tôi?"
2.1/ Thi
hành thánh ý Thiên Chúa là cách thức để gia nhập gia đình Thiên Chúa.
Khi
Chúa Giêsu đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài,
tìm cách nói chuyện với Người. Có kẻ thưa Người rằng: "Thưa Thầy, có mẹ và
anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy." Người bảo
kẻ ấy rằng: "Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?" Rồi Người giơ tay chỉ
các môn đệ và nói: "Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Bất cứ ai thi hành ý
muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ
tôi."
Khi
nói những lời này, Chúa Giêsu không có ý khinh thường Mẹ Ngài hay mối liên hệ
gia đình; nhưng Ngài muốn nhấn mạnh 2 điểm:
(1) Mọi
người đều có thể trở thành phần tử của gia đình Thiên Chúa, nếu họ nhận ra và
thực thi thánh ý của Thiên Chúa.
(2)
Cách trở thành phần tử trong gia đình Thiên Chúa khác với cách của người đời.
Theo cách của người đời, một người trở thành phần tử trong gia đình, hoặc bằng
cách sinh ra trong gia đình, hoặc do gia trưởng trong gia đình nhận làm con
nuôi (Jn 1:13). Theo cách của Thiên Chúa, một người trở thành con Thiên Chúa bằng
cách làm theo thánh ý Thiên Chúa; hay một cách rõ nét hơn: bằng cách tin vào Đức
Kitô là Con Thiên Chúa (Jn 1:12).
2.2/ Đức
Mẹ là người thi hành thánh ý Thiên Chúa cách trọn vẹn: Giống như Chúa Giêsu, cả cuộc đời của Đức
Mẹ là làm theo thánh ý Thiên Chúa. Chúng ta có thể trưng dẫn ba nét chính:
(1)
Trong biến cố Truyền Tin: Khi sứ thần Gabriel hiện đến báo tin về Kế Họach Cứu
Độ của Thiên Chúa. Mặc dù Mẹ đã khấn giữ mình đồng trinh; nhưng sau khi đã nhận
ra thánh ý của Thiên Chúa, Mẹ đã khiêm nhường thưa với sứ thần lời Xin Vâng:
"Này tôi là tôi tớ Chúa, xin làm cho tôi như lời sứ thần
truyền" (Lk 1:38).
(2) Tại
tiệc cưới Cana: Khi nhận ra sự lúng túng của đôi tân hôn vì hết rượu, Mẹ đến
kêu cầu với Chúa: "Họ hết rượu rồi!" Mặc dù Chúa nói với Mẹ:
"Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến;" Mẹ vẫn
căn dặn gia nhân: "Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo"
(Jn 2:4-5).
(3)
Khi tìm thấy Chúa Giêsu trong Đền Thờ: Sau ba ngày vất vả tìm thấy Chúa Giêsu
đang ngồi giữa các thầy giáo và đàm thoại với họ, mẹ Người nói với Người:
"Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ
đây đã phải cực lòng tìm con!" Người đáp: "Sao cha mẹ lại tìm con?
Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?"
Nhưng
ông bà không hiểu lời Người vừa nói. Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở
về Nazareth và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ
tất cả những điều ấy trong lòng (Lk 2:48-51).
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Thiên Chúa luôn trung thành yêu thương dù con người bất trung phản bội. Nếu
chúng ta biết ăn năn quay về, Ngài sẵn sàng giơ hai tay để đón nhận chúng ta
như những người con.
-
Chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa vì tin tưởng và làm theo thánh ý Ngài, chứ
không phải vì liên hệ máu mủ hay vì bất kỳ lý do nào khác.
Linh
mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
19/07/16 THỨ BA TUẦN 16 TN
Mt 12,46-50
Mt 12,46-50
Suy niệm: Chắc chắn Đức Giê-su không chối bỏ tình thân ruột thịt: “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”; Ngài cũng chang phải là người con vô ơn: “Sắc hơn răng rắn độc là đứa con vô ơn”. Trước khi lìa đời trong cơn đau đớn, Ngài vẫn nhớ đến mẹ mình và nhờ người môn đệ thân tín chăm sóc mẹ. Điều Ngài muốn nhắn nhủ ta là bên trên gia đình, huyết thống tự nhiên như bao con người, người Ki-tô hữu còn thuộc một đại gia đình khác, gia đình của Thiên Chúa Ba Ngôi, và mỗi người là nghĩa tử của Ngài. Dấu hiệu xác định chúng ta là con cái Thiên
Chúa, là người thân của Ngài là chúng ta biết nhận ra ý Chúa và thực thi ý ấy mỗi ngày.
Mời Bạn: Bạn có thể đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội để trở thành con cái Chúa. Nhưng bạn chỉ thật sự là người thân của Thiên Chúa không chỉ trên danh nghĩa, mà con cái đích thực bằng việc chăm chỉ đọc Lời Chúa và thực hành Lời Ngày trong cuộc sống hằng ngày.
Chia sẻ: Tôi là người thân thật sự của Chúa hay chỉ trên danh nghĩa? Tôi thuộc hạng người trân trọng Lời Chúa hay coi thường Lời Ngài?
Sống Lời Chúa: Luôn dành
mỗi ngày ít là 5 phút để đọc và suy niệm Lời Chúa và có một quyết tâm cụ thể để thực thi Lời Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con cảm tạ Chúa đã thương cho chúng con được trở thành người nhà của Chúa. Xin cho chúng con thật sự là người nhà của Chúa bằng việc đón nhận ý Chúa và cố gắng thực thi mỗi ngày. Amen.
Ai là mẹ tôi?
Nước Trời bắt đầu đến khi hơn hai tỉ kitô hữu nhận ra là mình cùng muốn làm trọn Ý Cha, cùng gắn bó keo sơn với Giêsu và cùng coi nhau là anh chị em
Suy
niệm:
Bài
Tin Mừng hôm nay có thể làm chúng ta bị sốc.
Đức
Giêsu đang giảng cho một đám người khá đông.
Chắc
là họ đứng chen chúc nhau đến nỗi khó lòng đến gần Ngài được.
Chính
vào lúc này thì mẹ và anh em Ngài đến, không rõ lý do.
Họ
muốn nói chuyện với Đức Giêsu, nhưng đành phải đứng ở ngoài.
Có
người vào báo cho Ngài về chuyện đó.
Chúng
ta tưởng Ngài sẽ ngưng ngay bài giảng để ra gặp mẹ và anh em.
Một
giọt máu đào hơn ao nước lã.
Mẹ
Ngài hẳn đã phải đi một đoạn đường xa để đến gặp con trò chuyện.
Nhưng
lạ thay Đức Giêsu vẫn tiếp tục giảng.
Ngài
vẫn tiếp tục nói chuyện với đám đông đang nghe Ngài,
thay
vì đi ra nói chuyện với mẹ.
Sự
quan tâm của Ngài nhắm vào những người ở trong đây,
hơn
những người đứng ở ngoài kia.
Sau
đó Ngài lại đặt những câu hỏi vừa dễ lại vừa lạ:
“Ai
là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” (c. 48).
Dĩ
nhiên đó là những người đang đứng ngoài kia,
đang
chờ được gặp mặt và nói chuyện với Ngài.
Nhưng
đó không phải là đáp án của Đức Giêsu.
Chính
Ngài cho ta đáp án bằng cách giơ tay chỉ các môn đệ mà nói:
“Đây
là mẹ tôi, đây là anh em tôi” (c. 49).
Có
một gia đình máu mủ đậm đà đứng ở ngoài kia,
và
một gia đình mới rất thân thương đứng ở trong này.
Đức
Giêsu không coi thường tình mẫu tử hay tình họ hàng ruột thịt.
Điều
Ngài muốn nhấn mạnh ở đây là chuyện Ngài có một gia đình mới.
Các
môn đệ của Ngài thuộc về gia đình này.
Họ
là mẹ, là anh chị em của Ngài, vì họ thi hành Ý muốn của Cha Ngài.
Chính
Đức Giêsu là người Con luôn thi hành Ý muốn của Cha.
Ai
thi hành Ý Cha trên trời cũng trở nên gần gũi với người Con (c. 50).
Chúng
ta có họ với Đức Giêsu và làm nên một gia đình bao la rộng lớn.
Bỗng
nhiên chúng ta thấy mình gần Cha, gần Giêsu và gần nhau.
Nước
Trời bắt đầu đến khi hơn hai tỉ kitô hữu
nhận
ra là mình cùng muốn làm trọn Ý Cha,
cùng
gắn bó keo sơn với Giêsu và cùng coi nhau là anh chị em (Mt 23, 8).
Đức
Giêsu có nhiều anh chị em trong gia đình của Ngài.
Các
phụ nữ thật là chị em của Ngài, dù xã hội Ngài trọng nam khinh nữ.
Đức
Giêsu cũng không chỉ có một người mẹ tên là Maria.
Bất
cứ ai sống theo ý Cha trên trời trong niềm vâng phục phó thác,
bất
cứ ai sinh Đức Giêsu ra cho môi trường sống của mình,
bất
cứ ai làm cho Ngài lớn lên trong trái tim nhân loại,
người
ấy là mẹ Đức Giêsu.
Trong
gia đình mới là Giáo Hội của Đức Giêsu,
Maria
đã là Mẹ Đức Giêsu theo ý nghĩa tuyệt vời nhất.
Cầu
nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin thương nhìn đến Hội Thánh
là đàn chiên của Chúa.
Xin ban cho Hội Thánh
sự
hiệp nhất và yêu thương,
để
làm chứng cho Chúa
giữa
một thế giới đầy chia rẽ.
Xin cho Hội Thánh
không
ngừng lớn lên như hạt lúa.
Xin
đừng để khó khăn làm chúng con chùn bước,
đừng
để dễ dãi làm chúng con ngủ quên.
Ước gì Hội Thánh trở nên men
được
vùi sâu trong khối bột loài người
để
bột được dậy lên và trở nên tấm bánh.
Ước
gì Hội Thánh thành cây to bóng rợp
để
chim trời muôn phương rủ nhau đến làm tổ.
Xin cho Hội Thánh
trở
nên bàn tiệc của mọi dân nước,
nơi
mọi người được hưởng niềm vui và tự do.
Cuối cùng xin cho chúng con
biết
xây dựng một Hội Thánh tuyệt vời,
nhưng
vẫn chấp nhận cỏ lùng trong Hội Thánh.
Ước gì khi thấy Hội Thánh ở trần gian,
nhân
loại nhận ra Nước Trời ở gần bên. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
19
THÁNG BẢY
Rồi
Tôi Sẽ Đi Về Đâu?
Vấn đề
định mệnh con người là một nỗi khắc khoải của mọi con tim. Đây là một vấn đề vừa
quan trọng vừa gay go: “Rồi ngày mai tôi sẽ ra sao?” – chúng ta thường băn
khoăn tự hỏi như thế. Và chúng ta thường dễ có nguy cơ hài lòng với một câu trả
lời không thích đáng, và bị lung lạc bởi một thuyết định mệnh yếm thế nào đó,
hoặc bị đánh lận bởi một cảm giác yên ổn giả tạo. “Đồ ngu! Nội đêm nay người ta
sẽ đòi mạng sống ngươi” (Lc 12,20).
Nhưng
cũng chính ở đây, chúng ta nhận ra lòng từ bi và ân sủng khôn cùng của Thiên
Chúa Quan Phòng. Vì Đức Giêsu không đưa ra lời cảnh báo đó để tố cáo chúng ta.
Trái lại, khi Người đề cập đến sự quan phòng thần linh trong Bài Giảng Trên
Núi, Người đã kết thúc với giáo huấn rất sáng tỏ này: “Trước hết, hãy tìm kiếm
Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài; và mọi sự khác sẽ được ban thêm cho
các ngươi” (Mt 6,33; Lc 12,31).
Chúng
ta đã suy tư về mối quan hệ thâm sâu giữa sự quan phòng thần linh và sự tự do của
con người. Chính bởi vì con người đã được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa mà
Đức Giêsu đã đề cập với con người về Nước Thiên Chúa và sự khẩn thiết phải ưu
tiên tìm kiếm Nước ấy trước hết.
Mối
liên kết này giữa sự quan phòng của Thiên Chúa và mầu nhiệm về Vương Quốc của
Ngài – vốn phải được thực hiện trong thế giới thụ tạo – giúp chúng ta nghĩ đến
định mệnh của con người trong Đức Kitô: đó là, con người được tiền định ở trong
Đức Kitô. Sự kiện con người và thế giới được tiền định ở trong Đức Kitô càng
xác nhận mạnh mẽ hơn nữa giáo thuyết về sự quan phòng thần linh: đó là, sự quan
phòng của Thiên Chúa nhằm hướng đến việc bảo đảm ơn cứu độ dứt khoát và chung
cuộc cho con người. Chính Đức Giêsu có ý nói đến điều này trong cuộc đàm thoại
với Ni-cô-đê-mô: “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi trao ban chính Con
Một của Ngài, để những ai tin vào người Con ấy thì không phải hư nát, nhưng được
sống đời đời” (Ga 3,16).
-
suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm.
Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT
UP YOUR HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày
19 – 7
Mk
7,14-15.18-20; Mt 12,46-50.
Lời
suy niệm: “Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng
ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.”
Chúa
Giêsu nhìn vào các môn đệ và đám đông quanh Người và Người đưa tay chỉ vào và
khẳng định đây là anh em của Người là Mẹ Người. Khi những người này được nối kết
nhau bằng một tình yêu. Tình yêu của Chúa Cha đối với Người và Người đối với
Chúa Cha, cũng như tình yêu của Người đối với họ, để họ cũng yêu thương nhau
như chính Người đã yêu thương họ.
Lạy
Chúa Giêsu. Xin cho tất cả chúng con được ơn sống đức ái theo thánh ý của Chúa
Cha, để chúng con được Chúa ghi nhận vào gia đình của Chúa.
Mạnh
Phương
19
Tháng Bảy
Ðôi Cánh Thiên Thần
Một
người Nga, sai khi mãn tù, đã kể lại tâm trạng mình như sau: Dáng vẻ bên ngoài
của tôi xấu xí đến độ không có ai muốn gần tôi. Trong thời gian lao động cải tạo,
thay vì làm trại chung với các trại viên khác, tôi đã tự giam mình dưới hầm...
Tình cờ một tai nạn xảy ra, khiến tôi bị gù lưng.
Một
ngày kia, có một cậu bé nhìn tôi thật lâu rồi hỏi một cách ngây thơ: "Chú
ơi, chú mang cái gì trên lưng thế?". Tôi nghĩ rằng cậu bé chế nhạo tôi, dù
vậy tôi bình thản trảlời: "Cục bướu đấy cháu ạ".
Tôi
chờ đợi cậu be tiếp tục trò chơi gian ác của nó... Nhưng không, nó nhìn tôi một
cách trìu mến và nói: "Không phải thế đâu chú ạ. Chúa là tình yêu. Ngài
không cho ai hình thù kỳ dị cả. Không phải chú có cục bướu đâu. Chú đang mang
trên lưng một cái hộp đó. Trong cái hộp, có dấu đôi cánh của Thiên Thần... Rồi
một ngày nào đó, cái hộp mở ra và chú sẽ bay lên trời với đôi cánh đó". Ý
nghĩ ngộ nghĩnh của cậu bé đã làm tôi sung sướng đến khóc thành tiếng.
Biết
nhìn xa hơn đằng sau mặt nạ của mỗi người: đó là cái nhìn của thánh nhân. Thánh
nhân là người biết nhìn thấy Thiên Chúa trong những nỗi bất hạnh, là người biết
nhìn thấy sự may mắn ngay cả trong những mất mát, thua thiệt và nhất là biết
nhìn thấy Thiên Chúa trong những người không ai muốn nhìn đến... Nhưng để được
cái nhìn ấy, người ta cần có cái nhìn thông suốt và tràn ngập ánh sáng của
Thiên Chúa.
(Lẽ
Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét