Các giám mục Úc: hãy bỏ phiếu “không” cho hôn nhân đồng
tính
Vũ Văn An8/18/2017
Đầu tuần
này, chính phủ Úc, do Thủ Tướng Malcolm Turnbull lãnh đạo, đã tuyên bố rằng cả
nước sẽ tham dự một cuộc trưng cầu dân ý (plebiscite) không bắt buộc qua bưu điện
về hôn nhân đồng tính.
Người dân
Úc sẽ được yêu cầu phát biểu ý kiến của mình hạn chót vào tháng Mười Một năm
2017 về việc liệu có nên hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính ở trong nước hay
không. Không giống một cuộc referendum, tuy cũng là trưng cầu dân ý, nhưng thường
lá phiếu của người dân sẽ thay đổi luật lệ hay ít nhất không thể bị bác bỏ dễ
dàng, một cuộc plebiscite chỉ là để thu lượm ý kiến công chúng chứ không có
tính trói buộc về luật pháp.
Hội Đồng
Giám Mục Úc
Cuốn sách
nhỏ về cuộc trưng cầu ý dân trên của Hội Đồng Giám Mục Úc viết rằng: “Hãy bỏ
phiếu KHÔNG, để duy trì hôn nhân như liên hệ độc đáo giữa một người đàn bà và một
người đàn ông”.
Đạo luật
Hôn Nhân năm 1961 của Úc dự liệu rằng hôn nhân là “cuộc kết hợp của một người
đàn ông và một người đàn bà đến nỗi loại bỏ mọi người khác”. Gần đây, các thành
viên cấp tiến của quốc hội ở trong nước đã cố gắng đề xuất một tu chính án đối
với đạo luật này nhằm bao gồm hôn nhân đồng tính. Ông Turnbull quyết định thăm dò
niềm tin của quốc gia qua cuộc trưng cầu ý dân trước khi mang vấn đề ra thảo luận
trước quốc hội.
Trong cuốn
sách nhỏ, các giám mục Úc nói rằng việc nhấn mạnh hôn nhân là mối liên hệ giữa
một người đàn ông và một người đàn bà “không phải là lời chỉ trích các loại
liên hệ khác” và không loại trừ các cặp đồng tính khỏi bước vào các mối liên hệ
hợp pháp khác.
Các ngài viết
trong cuốn sách nhỏ đề ngày 15 tháng Tám như sau “việc nhìn nhận rằng hôn nhân
là giữa một người đàn ông và một người đàn bà không phải là lời xác quyết cuồng
tín, tín điều tôn giáo hay truyền thống phi lý, nhưng chỉ là lời thừa nhận sinh
thái nhân bản”.
Các giám mục
tiếp tục tuyên bố rằng “các hậu quả của việc thay đổi hôn nhân là điều rất có
thực” và tự hỏi liệu các tín hữu có bị buộc phải can dự vào các nghi lễ trái
ngược với các tín ngưỡng của họ không, liệu các tổ chức có được tự do tuyển dụng
các nhân viên theo các nguyên tắc của họ không hay họ sẽ bị loại khỏi các cuộc
đấu thầu để được các khế ước của chính phủ hoặc các hình thức tài trợ khác với
điều kiện họ phải ủng hộ hôn nhân đồng tính.
Các giám mục
viết tiếp “Chúng tôi đã thấy mỗi một thứ tự do trên bị thách thức ở ngoại quốc
nơi định nghĩa về hôn nhân đã thay đổi”.
Đức Tổng
Giám Mục Adelaide
Trong một
quyết định đang gây tranh luận của chính phủ, cuộc trưng cầu ý dân sẽ được tiến
hành qua Văn Phòng Thống Kê Úc; vì điều này có nghĩa sẽ không có các bảo vệ
thông thường chống lại việc phân phối các tài liệu có tính kỳ thị hay lừa bịp.
Đức Tổng
Giám Mục Philip Wilson của Adelaide, trong một tuyên bố ngày 16 tháng Tám, nói
rằng “Chúng ta tiến hành cuộc đối thoại này với một cảm thức tôn kính và tôn trọng
sâu xa đối với mọi người trong nước, và đối với các chọn lựa họ được tự do đưa
ra”.
Đức Tổng
Giám Mục kêu gọi mọi người Công Giáo trong nước “tham gia cuộc biện phân cộng đồng
này” và làm thế “trong tinh thần phong nhã, tôn kính và tôn trọng thanh thản.
Trong cuộc đối thoại này, không hề có chỗ cho chỉ trích, chửi rủa hay bôi nhọ
người khác hoặc các lựa chọn của họ”.
Ngài nói
thêm: “đây là một cơ hội để chúng ta làm chứng cho cam kết sâu xa của chúng ta
đối với hôn nhân theo cung cách có thể thuyết phục người khác bằng sự sâu sắc
trong đức tin của ta và lòng kính trọng của ta đới với mọi người”.
Bản tuyên bố
kết thúc bằng việc nhìn nhận sự thánh thiện của hôn nhân giữa một người đàn ông
và một người đàn bà và vai trò nền tảng của nó trong việc dưỡng dục con cái như
là thành phần trong kế hoạch thánh thiêng của Thiên Chúa dành cho gia đình nhân
loại.
Các cuộc
thăm dò
Các cuộc
thăm dò dư luận cho thấy thái độ đối với hôn nhân nơi người Úc đang từ từ thay
đổi nghiêng nhiều về phía chấp nhận hôn nhân đồng tính, nhất là nơi phụ nữ. Cuộc
thăm dò hàng năm của Household, Income and Labour Dynamics in Australia cho thấy
67 phần trăm phụ nữ và 59 phần trăm đàn ông có thiện cảm với việc hợp pháp hóa
hôn nhân đồng tính.
Một cuộc
thăm dò mới đây của Galaxy Research, và do Parents and Friends of Lesbians and
Gays ủy nhiệm, cho thấy trong số 1,000 Kitô hữu Úc, 54 phần trăm có cảm tình với
hôn nhân đồng tính và 49 phần trăm chống lại các điều khoản bảo vệ phản đối
lương tâm đối với việc cung cấp dịch vụ cho các cặp đồng tính.
Tuy nhiên,
kinh nghiệm cho thấy các cuộc thăm dò dư luận không hẳn hoàn toàn vô tư trong một
cuộc chiến phức tạp như hôn nhân đồng tính. Người ta vẫn tin đa số thầm lặng có
đó để phản công thứ thăm dò đầy chất ý thức hệ hiện nay.
Ký giả
Andrew Probyn, tuy không tin có thứ đa số thầm lặng trên, nhưng dựa vào thực tế
chính trị Úc để tiên đoán có thể phe “CÓ” của cuộc trưng cầu dân ý lần này sẽ
thất bại như họ từng thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý trước đây về Nền Cộng
Hòa Úc, một cuộc trưng cầu dân ý mà người đứng đầu không ai khác mà là chính
ông Malcolm Turnbull, đương kim Thủ Tướng Úc.
Theo
Probyn, lòng ông Malcolm Turnbull chắc phải thắt lại khi nghe cựu thủ tướng
John Howard sẽ cùng cựu thủ tướng Tony Abbott mở chiến dịch chống lại hôn nhân
đồng tính.
Turnbull biết
rõ thế nào là đứng mũi chịu sào đối với một chính nghĩa tưởng rằng được nhiều
người ủng hộ, chỉ để sau đó thấy nó ra cùn nhụt và bị bẻ gẫy bởi bộ hai
Howard-Abbott.
Là chủ tịch
Phong Trào Cộng Hòa Úc gần hai thập niên trước, Ông Turnbull đứng đối chọi với
Ông Abbott, người lãnh đạo tổ chức Người Úc vì Nền Quân Chủ Lập Hiến với sự
khuyến khích của thủ tướng Úc lúc bấy giờ là John Howard.
Giống như
hôn nhân đồng tính bây giờ, các cuộc thăm dò lúc ấy cho thấy một nước cộng hòa
Úc một là được đa số ủng hộ hai là ít nhất cũng được ủng hộ nhiều hơn bị chống
đối.
Nhưng lá
phiếu CÓ đã thua trong cuộc trưng cầu dân ý năm 1999, vì người cộng hòa bị chia
rẽ đối với việc mô thức nào được chuộng hơn và vì điều mà giám đốc chiến dịch
CÓ, là ông Greg Barns, rầu rĩ coi là các chủ trương quá đơn giản và lừa bịp.
Tuần này,
Ông Barns bảo rằng nếu những người cổ vũ hôn nhân đồng tính cũng chia rẽ như
người Cộng Hòa năm 1999, thì họ cũng sẽ gặp cùng một số phận.
Ông nói với
tờ The Australian Financial Review rằng: “Họ sẽ thua nếu thiếu sự đoàn kết và nếu
họ không phản công được điều đã bắt đầu trở thành nỗi sợ thái quá và chiến dịch
gây hoang mang bằng những dối trá trắng trợn. Thiếu đoàn kết và không có khả
năng phản công các chủ trương lừa bịp mà Abbott đang vung vãi khắp nơi sẽ đánh
bại điều ai cũng cho là sẽ thắng”.
Cuộc chiến
văn hóa của Abbott về các giá trị
Ông Abbott,
theo Probyn, là trái banh chính trị có tính phá hoại đến tử vong nhất trong thế
hệ của ông ta. Ông ta đã phát động chiến dịch KHÔNG của ông ta vào hôm thứ Ba.
Chẳng cần cờ
xí, diễn đàn hay phông ảnh loè loẹt chi, chỉ một vài hàng phá hoại nói trước cửa
ra vào Hạ Nghị Viện với một nhúm ký giả. Ông ta bảo:
“Tôi nói
cho qúy bạn hay, nếu qúy bạn không thích hôn nhân đồng tính, hảy bỏ phiếu
KHÔNG. Nếu qúy bạn lo ngại cho tự do tôn giáo và tự do ngôn luận, qúy bạn hãy bỏ
phiếu KHÔNG, và nếu qúy bạn không thích cái thứ chuẩn mực (correctness) chính
trị, qúy bạn hãy bỏ phiếu KHÔNG vì bỏ phiếu KHÔNG sẽ giúp chặn đứng thứ chuẩn mực
chính trị ấy khỏi đường đi của nó”.
Tự do tôn
giáo. Tự do ngôn luận. Chuẩn mực chính trị. Ông Abbott đóng khung cuộc đấu
tranh chống hôn nhân đồng tính thành một cuộc chiến văn hóa có tính thế hệ về
các giá trị.
Ông kêu gọi
sự bất đồng chống lại toàn bộ nghị trình của phe cấp tiến và xỉ vả việc phe tả
xâm lấn vào truyền thống và định chế.
Cuộc tranh
đấu chống hôn nhân đồng tính của ông, trên thực tế, là công việc suốt đời của
ông. Và ông gợi ý cho rằng cuộc đấu tranh chống việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng
tính là một thập tự chinh để giành nền dân chủ tự do chứ không để chống lại nó.
Và ông ca
ngợi việc chính phủ theo đuổi cuộc trưng cầu dân ý bằng bưu điện; và việc này
ngay tức khắc gây lo ngại cho các đồng nghiệp phò hôn nhân đồng tính của ông,
vì họ thừa nhận rằng Ông Abbott đã nhìn thấy cơ may tức khắc để tuyên một cuộc
chiến thành công.
Ông Abbott
đã gọi lá phiếu KHÔNG của năm 1999 là lá phiếu bảo vệ dân chủ chống lại “nền cộng
hòa của các chính trị gia” thế nào, thì ông cũng mừng vui coi cuộc trưng cầu ý
dân về hôn nhân đồng tính như một cú đấm vào “lá phiếu của các chính trị gia”
như thế.
Shorten chẳng
đặng đừng lên tiếng
Probyn cho
biết: trong hơn hai ngày, những phát biểu của Ông Abbott không bị bất cứ lãnh tụ
chính trị nào thách thức cả.
Thực vậy, gần
như cả tuần lễ, không một ai trong giới lãnh đạo chính trị Úc, cả chính phủ lẫn
phe đối lập, chịu đứng ra lãnh đạo chiến dịch CÓ cả.
Ông
Turnbull thì do dự, vừa không muốn nhận quyền sở hữu đối với một diễn trình rõ
ràng có nhiều khuyết điểm vừa không muốn làm phe hữu nổi sùng, một phe từ lâu vốn
cảnh cáo chống lại việc thúc đẩy hôn nhân đồng tính.
Ông Thủ Tướng
nói mình sẽ bỏ phiếu CÓ nhưng cho biết các cam kết khác trong tư cách thủ tướng
không cho phép ông tích cực tham dự chiến dịch; lý do này quả không thuyết phục
được ai vì quá yếu.
Thủ Lãnh Đối
Lập Bill Shorten, đi dây giữa một diễn trình ông không thích và một kết quả ông
rất thích, đợi đến mãi thứ Năm mới lên tiếng.
Ông bảo:
“Tôi sẽ bỏ phiếu CÓ. Tôi sẽ vận động cho phiếu CÓ. Chúng tôi nói với giới trẻ
Úc đồng tính rằng chúng tôi sẽ bỏ phiếu trong cuộc thăm dò này, chúng tôi sẽ bỏ
phiếu trong cuộc thăm dò này vì qúy bạn. Chứ không phải vì chúng tôi tôn trọng
diễn trình này, nhưng vì Đảng Lao Động sẽ không để người Úc đồng tính và người
trẻ đồng tính phải tự mình đương đầu với cuộc thăm dò này, với việc lượng giá
các mối liên hệ của họ”.
Ông ta đổ
cho Ông Turnbull phải chịu trách nhiệm bản thân đối với “mọi thứ hôi thối gây
đau lòng” do việc đầu phiếu bưu điện này tạo ra, sau khi đã hèn nhát để cuộc
tranh luận nổ ra.
Cũng nên biết,
cử tri Úc sẽ nhận được phiếu bầu bắt đầu từ ngày 12 tháng Chín, và ngày 7 tháng
Mười Một là hạn chót để họ bỏ phiếu thuận hay chống hôn nhân đồng tính. Kết quả
sẽ được công bố vào ngày 15 tháng Mười Một.
Nếu đa số bỏ
phiếu thuận (CÓ), thì các dân biểu Liên Minh sẽ được phép bỏ phiếu tự do tại Quốc
Hội cho một dự luật hợp pháp hóa hôn hân đồng tính vào cuối năm 2017. Họ không
buộc phải bỏ phiếu theo kết quả của cuộc trưng cầu dân ý. Còn nếu đa số bỏ phiếu
chống (KHÔNG), thì chính phủ sẽ không cho phép các dân biểu Liên Minh bỏ phiếu
tự do tại Quốc Hội, nghĩa là họ phải tôn trọng kết quả của cuộc trưng cầu dân
ý.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét