27/04/2018
Thứ Sáu tuần 4 Phục Sinh
Bài Ðọc I: Cv 13, 26-33
"Thiên Chúa đã
làm trọn lời hứa khi cho Ðức Giêsu sống lại".
Trích sách Tông đồ
Công vụ.
Trong những ngày ấy,
khi Phaolô đến Antiôkia thuộc xứ Pisiđia, ông lên tiếng trong hội đường rằng:
"Thưa chư huynh, con cháu Abraham, và những người kính sợ Thiên Chúa ở giữa
chư huynh, lời cứu độ đó đã được rao giảng cho chư huynh. Những người cư ngụ ở
Giêrusalem và các thủ lãnh của họ đã không nhìn nhận Ðức Giêsu và các lời tiên
tri mà họ đọc mỗi ngày Sabbat; thế mà họ đã làm ứng nghiệm lời tiên tri khi lên
án Người. Và dầu không thấy nơi Người lý do nào đáng phải chết, họ cũng xin
Philatô cho giết Người. Và khi đã hoàn tất mọi điều đã chép về Người, họ đã
tháo Người xuống khỏi cây thập giá và mai táng Người trong mồ. Nhưng Thiên Chúa
đã cho Người sống lại từ cõi chết vào ngày thứ ba. Và trong nhiều ngày, Người
đã hiện ra với những kẻ đã cùng với Người từ Galilêa lên Giêrusalem. Bây giờ những
kẻ đó là những chứng nhân của Người trước mặt dân chúng.
"Phần chúng tôi,
chúng tôi loan báo cho chư huynh hay rằng: lời hứa ban cho tổ phụ chúng ta,
Thiên Chúa đã làm hoàn tất cho chúng ta là con cháu các ngài, khi làm cho Ðức
Giêsu sống lại, như đã chép trong thánh vịnh thứ hai rằng: 'Con là Con Cha, hôm
nay Cha đã sinh ra Con' ".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 2, 6-7. 8-9.
10-11
Ðáp: Con là thái tử của Cha, hôm nay Cha đã sinh thành
ra Con (c. 7).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Chính Ta đã
đặt vương nhi Ta trên Sion, núi thánh của Ta. Ta sẽ tuyên rao thánh chỉ của
Chúa: Chúa đã phán bảo cùng Ta: "Con là thái tử của Cha, hôm nay Cha đã
sinh thành ra Con". - Ðáp.
2) Hãy xin Cha và Cha
sẽ cho Con được chư dân làm phần sản nghiệp, và cùng kiệt cõi đất làm gia tài.
Con sẽ cai trị chúng bằng cây gậy sắt, như bình thợ gốm, Con đem nghiền nát
chúng ra. - Ðáp.
3) Giờ đây, hỡi các
vua, hãy nên hiểu biết, quân vương mặt đất nên giác ngộ. Hãy kính sợ làm tôi
Chúa và hân hoan mừng Người, hãy khiếp run tỏ bày sự vâng phục Chúa. - Ðáp.
Alleluia:
Alleluia, alleluia! -
Chúa Kitô đã sống lại ra khỏi mồ, Người đã chịu treo trên thập giá vì chúng ta.
- Alleluia.
Phúc Âm: Ga 14, 1-6
"Thầy là đường,
là sự thật và là sự sống".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu
phán cùng các môn đệ rằng: "Lòng các con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên
Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở, nếu không, Thầy đã nói
với các con rồi; Thầy đi để dọn chỗ cho các con. Và khi Thầy đã ra đi và dọn chỗ
các con rồi, Thầy sẽ trở lại đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu thì các con
cũng ở đó. Thầy đi đâu, các con đã biết đường rồi". Ông Tôma thưa Người rằng:
"Lạy Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết đường
đi?" Chúa Giêsu đáp: "Thầy là đường, là sự thật, và là sự sống. Không
ai đến được với Cha mà không qua Thầy".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Thầy Sẽ Trở Lại
Với Các Con
Anh chị em thân mến!
Cuộc "trở lại"
nào cũng được khởi đầu bằng sự ra đi. Có ra đi mới có trở lại. Thế nhưng, cũng
có những cuộc ra đi không bao giờ trở lại. Ra đi không trở lại vì nơi xuất phát
của việc ra đi chẳng còn gì có thể lưu luyến người đi. Ði để cởi bỏ một qua khứ
đau buồn, đi để trốn trách nhiệm, đi để tránh những ràng buộc theo đuổi. Chân vừa
cất bước đi thì lòng đã rộn ràng niềm vui.
Những cuộc ra đi ngày
chẳng bao giờ có hứa hẹn. Hoặc nếu có thì cũng chỉ là những lời giả dối đầu môi
để dễ dàng trốn thoát. Hứa hẹn làm gì khi mắt chưa khuất mà lòng đã xa. Gặp lại
nhau làm gì khi đã đào sẵn hố sâu ngăn cách. Người ta chỉ hứa hẹn khi chân phải
bước mà lòng chẳng muốn rời.
Hứa hẹn là gởi gắm sự
hiện diện cho người ở lại. Lời hứa trở lại diễn tả một sự gắn bó tha thiết, dù
mãi tận nơi đâu thì tâm hồn vẫn kề bên với người ở lại. Lời hứa trở lại có sức
xoa dịu nỗi đau bằng viễn ảnh hạnh phúc, ngày tái ngộ lời hứa sẽ vượt thắng những
buồn đau hiện tại. Dù rằng thời gian đợi chờ bao giờ cũng dài dẳng lê thê.
Khi Chúa Giêsu sắp từ
giã các môn đệ để ra đi trở về cùng Cha, bấy giờ các môn đệ u buồn xao xuyến.
Thật vậy, làm sao mà chẳng có u buồn khi đã có ba năm tình nghĩa Thầy trò vui
buồn sướng khổ bên nhau. Làm sao mà chẳng xao xuyến âu lo khi trụ cột gia đình
vắng bóng, khi chốn tựa nương không còn.
Chúa Giêsu đã biết trước
điều này và các môn đệ cũng đã thấm thía nỗi buồn khi Thầy họ tuyên bố ra đi. Bởi
thế, Ngài đã giải thích cho họ biết về sự ra đi của Ngài, và nhất là Ngài hứa sẽ
trở lại.
Ngài ra đi không vì bản
thân Ngài, nhưng là vì các tông đồ. Ngài ra đi vì để dọn chỗ cho các môn đệ, và
khi đã dọn xong chỗ thì Ngài sẽ trở lại để đem các ông đi cùng Ngài.
Còn gì vui sướng cho bằng
khi một người ra đi nhận chịu mọi vất vả gian lao, để tất cả chỉ vì người ở lại.
Như thế, người ở lại sẽ không còn mặc cảm là mình bị bỏ rơi, bị chối từ. Họ
hãnh diện sung sướng vì được người ra đi đặc biệt quan tâm để ý tới. Bởi thế,
thái độ xứng hợp của người ở lại chẳng phải là u buồn than khóc, hoặc ngồi
không chờ đợi, nhưng phải góp sức với người ra đi bằng việc chuẩn bị sẵn sàng để
đến lúc hội ngộ, không còn phải đợi chờ làm giảm đi niềm vui của sự gặp gỡ nữa.
Vì thế, nếu biết chuẩn
bị thì sẽ làm cho người ở hạnh phúc vui mừng biết bao. Và còn gì bẽ bàng cho bằng
khi trở lại mà chỉ gặp toàn những dửng dưng, thờ ơ. Còn gì làm buồn lòng Thiên
Chúa cho bằng khi Ngài đến gõ cửa tâm hồn mà người ta đã đóng kín.
Vậy, khi lãnh nhận niềm
tin, người tín hữu Kitô cũng được Chúa Giêsu hứa hẹn. Ngài hứa hẹn là Ngài sẽ
trở lại, trở lại với riêng từng người, và chung tất cả mọi người trên trần thế
này. Khi trở lại, Ngài sẽ đem họ lên nơi Ngài đã dọn chỗ. Họ sẽ hưởng trọn niềm
vui mà hiện tại họ chỉ mới cảm nghiệm được lờ mờ như nhìn hình ảnh phản chiếu
trong gương. Giờ trở lại Ngài không báo trước, nhưng Ngài muốn họ luôn sẵn sàng
như tân nương vui mừng chờ đón tân lang.
Lạy Chúa, xin cho
con biết chọn lời hứa trở lại của Chúa, để làm ngọn đuốc hướng dẫn ngày sống hiện
tại của Chúa, nó sẽ là ngọn lửa hy vọng giúp chúng con thoát khỏi mạng lưới u
buồn của cuộc đời giăng mắc xung quanh chúng con, có ánh sáng ngọn lửa hy vọng
soi chiếu, chúng con sẽ không còn cô đơn vì biết rằng Chúa vẫn hằng quan tâm đến
chúng con. Amen.
Veritas Asia
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu Tuần IV PS
Bài đọc: Acts
13:26-33; Jn 14:1-6.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Mọi điều
Thiên Chúa hứa được hoàn thành bởi Đức Kitô.
Con người ham sống và
sợ chết. Nếu phải đổi tất cả những gì con người có để khỏi phải chết và được sống
muôn đời, họ sẽ sẵn sàng đổi; nhưng cái chết là một thực tại mà mọi người phải
đương đầu với. Con người tự hỏi: Tại sao khát vọng sống ở trong con người mà
cái chết luôn đeo đuổi họ? May mắn cho con người, Chúa Giêsu đến để cung cấp
câu trả lời cho con người bằng cách cho mặc khải cho con người ý định của Thiên
Chúa: Ngài dựng nên con người cho cuộc sống bất tử và có sẵn Kế Hoạch Cứu Độ để
thực hiện điều này.
Các Bài Đọc hôm nay tập
trung trong Chúa Giêsu; Ngài đến để hoàn thành Kế Hoạch của Thiên Chúa, và mang
lại cuộc sống trường sinh cho con người. Trong Sách CVTĐ, Phaolô đưa khán giả
ngược giòng lịch sử để nhìn thấy những gì Thiên Chúa hứa với dân Do-thái được
hoàn thành nơi Đức Kitô, qua Cuộc Thương Khó – cái chết – và sự Phục Sinh vinh
hiển của Ngài. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu mặc khải cho các Tông-đồ biết về những
gì sắp xảy ra cho các ông: Ngài về trời để dọn chỗ và sẽ trở lại đón các ông về
ở với Ngài. Toàn bộ Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa có thể được tóm gọn trong
câu tuyên bố của Chúa Giêsu: "Ta là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống.
Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy."
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Điều Thiên Chúa đã hứa với cha ông chúng ta được thực hiện
nơi Đức Kitô.
1.1/ Mọi chuyện xảy ra
trong Cuộc Thương Khó của Đức Kitô đã được loan báo trong Kinh Thánh.
Phaolô tiếp tục nói với
khán giả trong hội đường tại Antioch, Pisidia: "Thưa anh em, là con cái
thuộc dòng giống Abraham, và thưa anh em đang hiện diện nơi đây, là những người
kính sợ Thiên Chúa, lời cứu độ này được gửi tới chúng ta." Rồi ông nói về
sự luận tội, cái chết, và sự mai táng của Đức Kitô:
(1) Sự luận tội:
"Dân cư thành Jerusalem và các thủ lãnh của họ đã không nhận biết Đức
Giêsu; khi kết án Người, họ đã làm cho ứng nghiệm những lời ngôn sứ đọc mỗi
ngày Sabbath."
Bốn Bài ca về Người
Tôi Trung của Thiên Chúa phải chịu đau khổ để hoàn thành sứ vụ Thiên Chúa trao
trong Sách Ngôn Sứ Isaiah, và nhiều Sách ngôn sứ khác dẫn chứng điều này.
(2) Cái chết của Ngài:
"Tuy không thấy Người có tội gì đáng chết, họ vẫn đòi Philatô xử tử."
Chính Philatô đã mang Chúa Giêsu ra cho dân thấy và nói: "Ta không tìm thấy
nơi người này có tội gì để kết án;" nhưng họ càng la to hơn: "Đóng
đinh nó đi! Đóng đinh nó vào Thập Giá!"
(3) Sự mai táng:
"Sau khi thực hiện tất cả mọi điều Kinh Thánh chép về Người, họ đã hạ Người
từ trên cây gỗ xuống và mai táng trong mồ."
1.2/ Thiên Chúa đã làm
cho Người trỗi dậy từ cõi chết: Mặc dù con
người đã từ chối và đóng đinh Chúa Giêsu trên Thập Giá, họ không vô hiệu hóa Kế
Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa, vì Ngài đã cho Đức Kitô sống lại từ cõi chết. Vì
thế, Kế Hoạch Cứu Độ được hoàn thành, và từ nay, không những Israel và mọi người
đều có thể nhận được ơn cứu độ. Phaolô trưng dẫn những chứng nhân của Tin Mừng
Phục Sinh:
(1) Đức Kitô đã hiện
ra nhiều lần với các môn đệ: "Trong nhiều ngày, Đức Giêsu đã hiện ra với
những kẻ từng theo Người từ Galilee lên Jerusalem. Giờ đây chính họ làm chứng
cho Người trước mặt dân."
(2) Phaolô và Barnabas
làm chứng cho Tin Mừng Phục Sinh: "Còn chúng tôi, chúng tôi xin loan báo
cho anh em Tin Mừng này: Điều Thiên Chúa hứa với cha ông chúng ta, thì Người đã
thực hiện cho chúng ta là con cháu các ngài, khi làm cho Đức Giêsu sống lại,
đúng như lời đã chép trong Thánh vịnh 2: Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha
đã sinh ra Con."
2/ Phúc Âm: Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Chúa Giêsu.
2.1/ Tình yêu Chúa Giêsu
dành cho các môn đệ: Đây là những lời tâm
huyết của Chúa Giêsu cho các môn đệ trước Cuộc Thương Khó, như những lời trối
trăn của người chết trên giường bệnh trước lúc hấp hối: "Anh em đừng xao
xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ
ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy
đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở
đâu, anh em cũng ở đó. Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi."
2.2/ Đường dẫn đến Chúa
Cha:
(1) Câu hỏi của ông
Thomas: "Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết
được đường?" Câu hỏi của Thomas hợp lý, một người phải biết đích mình muốn
đi, trước khi tìm ra đường để đi tới. Khi hỏi những lời này, Thomas vẫn chưa
tin Chúa Giêsu đến từ trời, nên khi Chúa Giêsu nói Ngài sẽ trở về cùng Cha, ông
không nghĩ là Chúa Giêsu sẽ lên trời. Cho đến khi chính mắt ông nhìn thấy Chúa
khi Ngài hiện ra (Jn 20:26-28), lúc đó ông mới xác tín niềm tin của ông vào
Chúa Giêsu, khi kêu lên: "Lạy Thầy của con! Lạy Thiên Chúa của con"
(Jn 20:28).
(2) Câu trả lời của
Chúa Giêsu: "Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến
với Chúa Cha mà không qua Thầy." Làm sao một con người có thể tuyên bố những
lời này? Các Tông-đồ có lẽ không hiểu ý nghĩa của câu tuyên bố này khi Chúa
Giêsu nói; nhưng chỉ dưới ánh sáng Phục-sinh, các ông mới có thể nhận ra ý
nghĩa của nó.
Trước tiên, Chúa Giêsu
mặc khải cho con người một "Sự Thật" quan trọng. Ngài cho con người
biết ý định của Thiên Chúa: Thiên Chúa muốn cho con người không phải chết,
nhưng được "Sống" muôn đời. Đây là đích điểm của đời người, và cũng
là đích điểm của Kế Hoạch Cứu Độ. Điều này không lạ, vì Thiên Chúa dựng nên con
người, và Ngài phú bẩm trong linh hồn con người khát vọng được sống đời đời.
Làm sao con người đạt được đích điểm này? Con người không thể tự mình đạt tới
vì con người tội lỗi và không có sức mạnh; nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị một Kế
Hoạch Cứu Độ.
Đây là "Đường"
hay "Cách" mà Thiên Chúa cứu độ con người: Ngài cho Người Con Một xuống
thế gian để gánh tội cho con người. Người Con này hoàn thành Kế Hoạch bằng cách
chịu đau khổ, chịu chết, và sống lại để mang lại sự sống đời đời cho con người.
Để con người có thể đạt
đích của cuộc đời, họ phải tin vào Đức Kitô và Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa;
đồng thời, họ cũng phải ngang qua con đường mà Chúa Giêsu đã đi để chuộc tội
cho con người, như thánh Phaolô nói: "Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức
Kitô, chúng ta sẽ cùng sống lại như Người." Quả thực, chỉ một mình Đức
Kitô có đầy đủ thẩm quyền để nói: "Chính Thầy là con đường, là sự thật và
là sự sống."
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
Cuộc đời chúng ta chỉ
có ý nghĩa qua niềm tin vào Đức Kitô. Ngài đến để mặc khải cho chúng ta ý định
của Thiên Chúa, và Ngài sẵn sàng chịu đau khổ và chịu chết để chúng ta được sống
muôn đời. Tất cả mọi biến cố trong Kinh Thánh và trong cuộc đời chúng ta chỉ
tìm thấy ý nghĩa đích thực qua ánh sáng Phục Sinh của Đức Kitô.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
27/04/2018 - THỨ SÁU TUẦN 4 PS
Ga 14,1-6
CON ĐƯỜNG MANG TÊN GIÊ-SU
“Không ai có thể đến
được với Cha mà không qua Thầy.” (Ga 14,6)
Suy niệm: Con đường ngắn
nhất và duy nhất, chắc chắn đưa ta đến với Thiên Chúa, đến hạnh phúc đời đời,
là con đường mang tên Giê-su, con đường của sự thật và sự sống, vì “không ai có
thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.” Như thế, Chúa Giê-su khẳng định Ngài
là con đường ai cũng phải đi theo để được dẫn vào Nước Trời, đến sự sống viên
mãn. Nhưng oái oăm thay! Con đường này “chẳng mấy ai đi” vì đó là “con đường hẹp;”
đang khi đa số thích bước đi trên con đường rộng thênh thang, nhưng có nguy cơ
dẫn đến diệt vong. Chọn lựa bước đi trên con đường nào vẫn luôn là thách đố cho
con người. Chỉ những ai cộng tác với ơn Chúa, biết nhìn xa thấy rộng mới đủ can
đảm bước trên con đường mang tên Giê-su. Nhìn xa thấy rộng bao hàm việc tìm hiểu
cuộc đời các thánh, nhìn lại lịch sử đời mình, nhất là qua những lần thất bại
do “bỏ mồi bắt bóng.”
Mời Bạn: Bạn đang bước đi trên
con đường nào để đạt được hạnh phúc viên mãn? Đích điểm và trung tâm của con đường
ấy là bạn hay là Chúa Giê-su? Đi trên con đường Giê-su, bạn chắc chắn sẽ nghe Ngài
nói với bạn: “Hãy vào hưởng hạnh phúc với chủ ngươi”.
Sống Lời Chúa: Tôi xác tín, ghi nhớ và nỗ
lực thực hành Lời Chúa dạy hằng ngày: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ chính mình,
vác thập giá mình mỗi ngày mà theo” (Lc 9,22).
Cầu nguyện: Hát hoặc đọc:
“Xin chỉ cho con đường đi của Chúa. Xin dạy bảo con nước bước của Ngài. Xin hướng
dẫn con đi trong chân lý. Xin dạy bảo con những điều cao quý vì Chúa là Đấng cứu
độ con, là Đấng ngày đêm con cậy trông.” Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
Thầy là đường (27.4.2018 – Thứ sáu Tuần 4 Phục sinh)
Là người theo Đạo Giêsu, chúng ta biết mình từ đâu đến và sẽ đi đâu. Chúng ta không đi loanh quanh cho đời mỏi mệt. Chúng ta biết hạnh phúc đang chờ mình ở cuối đường.
Suy niệm:
Sách Công vụ Tông đồ có
một lối nói đặc biệt để chỉ Kitô giáo.
Tôn giáo mới này được gọi Đường
của Chúa (Cv 18, 25-26),
hay thường xuyên hơn,
được gọi là Đường (Cv 19, 9. 23; 22, 4; 24, 14. 22).
Sách Công vụ cũng có lối
nói đặc biệt để chỉ các Kitô hữu.
Họ được gọi là những
người thuộc về Đường (Cv 9, 2),
và họ đã chịu bách hại vì
theo con đường này, theo Đạo này.
Trong bài Tin Mừng hôm
nay,
chúng ta nghe Đức Giêsu
nói: “Chính Tôi là Đường” (c. 6).
Phải chăng vì thế Kitô
giáo được sách Công vụ gọi là Đường của Chúa,
và các Kitô hữu đầu tiên
được gọi là những người thuộc về Đường?
Đối với Kitô hữu, theo
đạo chính là theo một Con Đường.
Con Đường ấy không phải
chỉ là một số lễ nghi hay giáo lý phải giữ,
cũng không phải là những
minh triết khôn ngoan phải theo.
Con Đường ấy hiện thân
nơi một con người.
Theo đạo chính là theo
Con Đường mang tên Giêsu,
là gắn bó sống chết với
Giêsu, chia sẻ sứ mạng của Giêsu,
Con Thiên Chúa làm người
bằng xương bằng thịt.
Đức Giêsu không chỉ là
người dẫn đường.
Chính Ngài là Đường, là
Đạo.
Hơn thế nữa, Ngài là Con
Đường duy nhất dẫn ta đến với Chúa Cha.
“Không ai đến với Chúa
Cha mà không qua Thầy” (c. 6).
Phải qua Con Đường Giêsu
chúng ta mới vào được thế giới của Thiên Chúa,
bởi lẽ chỉ Đấng từ trời
xuống mới có thể đưa chúng ta lên trời.
Ngày nay người ta nói đến
nhiều con đường khác để được cứu độ.
Nhưng con đường nào cũng
phải đi qua Con Đường Giêsu.
Nơi Con Đường này chúng
ta gặp được Sự Thật trọn vẹn về Thiên Chúa.
Nơi đây chúng ta gặp được
Sự Sống viên mãn của chính Thiên Chúa.
Khi các môn đệ xao xuyến
vì đến giờ chia tay,
Thầy Giêsu cho biết Ngài
đi về với Cha để dọn chỗ cho họ (c. 2).
Chỗ ở vĩnh viễn của họ là
nơi Thầy trò được ở với nhau mãi mãi.
“Thầy lại đến và đem anh
em về với Thầy,
để Thầy ở đâu, anh em
cũng ở đó” (Ga 14, 3; x. 12, 26; 17, 24).
Thiên đàng là nơi Thầy
trò được ở bên nhau, không gì ngăn cách nổi.
Tình Thầy trò đã bắt đầu
ở đời này và sẽ kéo dài đến vĩnh cửu.
Là người theo Đạo Giêsu,
chúng ta biết mình từ đâu đến và sẽ đi đâu.
Chúng ta không đi loanh
quanh cho đời mỏi mệt.
Chúng ta biết hạnh phúc đang
chờ mình ở cuối đường.
Nhưng nếu chúng ta không
có tình bạn thiết thân với Giêsu ở đời này
thì vào thiên đàng để làm
gì?
Cầu nguyện:
Con đã yêu Chúa quá muộn màng!
Ôi lạy Chúa là vẻ đẹp vừa
cổ kính,
vừa luôn mới mẻ,
con đã yêu Chúa quá muộn
màng!
Bấy giờ Chúa ở trong con
mà con thì ở ngoài,
con cứ chạy đi tìm Chúa ở ngoài.
Con thật hư hỏng,
khi chạy theo các thụ tạo xinh đẹp.
Bởi thế, bấy giờ Chúa ở với con
mà con lại không ở với
Chúa.
Các thụ tạo xinh đẹp kia
cứ giữ con ở xa Chúa,
trong khi chúng hiện hữu
được là nhờ Chúa.
Chúa đã gọi con, đã gọi
to
và phá tan sự điếc lác
của con.
Chúa đã soi sáng
và xua đi sự mù lòa của
con.
Chúa đã tỏa hương thơm
ngát
để con được thưởng thức,
và giờ đây hối hả quay về
với Chúa.
Con đã nếm thử Chúa
và giờ đây con đói khát
Người.
Chúa đã chạm đến con,
nên giờ đây con nóng lòng
chạy đi tìm an bình nơi Chúa.
(Thánh Âu-Tinh)
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
27 THÁNG TƯ
Mục Tử Tốt Lành Hy
Sinh Mạng Sống Vì Đàn Chiên
“Ta là mục tử tốt
lành” (Ga 10,11). Hình ảnh người Mục Tử Tốt Lành được nối kết với Mùa Vượt Qua.
Trong ánh sáng của Cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô, Giáo Hội đọc lại một lần nữa về Đức
Giêsu trong tư cách là người Mục Tử Tốt Lành – truyền thống này đã có trong
Giáo Hội qua bao thế kỷ.
“Người mục tử tốt lành
thí mạng mình vì đàn chiên” (c.11). Đấy là ý tưởng nòng cốt của dụ ngôn về Người
Mục Tử Tốt Lành. Ý tưởng ấy giờ đây đã được hiện thực hoàn toàn qua hiến tế của
Đức Kitô trên Thập Giá. Người đã trao hiến mạng sống Người như hy lễ thay cho
con người. Đó là lý do tại sao Người là Mục Tử Tốt Lành.
Những hình ảnh nguyên
sơ nhất trong các hang toại đạo cho chúng ta thấy các Kitôhữu sơ khai trân trọng
sự thật về Người Mục Tử Tốt Lành biết bao. Sự thật này bắt nguồn từ Cựu Ước. Chẳng
hạn, ta đọc thấy trong Thánh Vịnh 100: “Đức Chúa là Thượng Đế; Ngài đã dựng nên
ta, ta thuộc về Ngài; ta là dân của Ngài, là đàn chiên do Ngài dẫn dắt” (c.3).
Đối với dân Chúa trong
Cựu Ước, hình ảnh người mục tử biết và săn sóc các con chiên của mình là một
hình ảnh rất quen thuộc ngay từ đầu lịch sử của họ. Và tất cả những gì xảy ra
giữa người mục tử và đàn chiên đã trở thành một hình ảnh, một ẩn dụ về mối quan
hệ giữa It-ra-en và Thiên Chúa.
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 27/4
Cv 13, 26-33; Ga
14, 1-6.
LỜI SUY NIỆM: “Anh em đừng
xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều
chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu
Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy
ở đâu, anh em cũng ở đó.”
Chúa Giêsu biết các
môn đệ của Người đã có sẵn trong tâm hồn những lời Thánh Kinh: “Tôi vững vàng
tin tưởng sẽ được thấy ơn lộc Chúa ban trong cõi đất dành cho kẻ sống” (Tv
27,13) hoặc là: “Lạy Chúa là Chúa Tể, con ngước mắt nhìn Ngài, bên Ngài con ẩn
náu, đừng để con thiệt mạng” (Tv 141,8). Nên trong những ngày cận kề cuộc khổ nạn
của Người, Người củng cố niềm tin các ông, hầu giúp cho các ông có niềm tin và
hy vọng để đứng vững trước những biến cố sắp xãy đến.
Lạy Chúa Giêsu. Xin
cho chúng con đức tin và niềm hy vọng vào tình yêu thương, săn sóc và bảo vệ của
Chúa, để chúng con vượt thắng những thử thách trong đời sống của chúng con.
Mạnh Phương
27 Tháng Tư
Kẻ Không Biết Sám Hối
Ngày 03/4/1990, người
tử tù Robert Alton Harris 37 tuổi đã bị đưa vào phòng hơi ngạt tại nhà tù San
Quentin thuộc tiểu bang California bên Hoa Kỳ. Ðây là lần đầu tiên kể từ 23 năm
nay, tiểu bang California tái lập bản án tử hình. Hiện nay, kể từ năm 1976, sau
khi tối cao pháp viện Hoa Kỳ phán quyết án tử hình là hợp hiến, tiểu bang
California là một trong năm tiểu bang tại Hoa Kỳ vẫn còn giữ bản án tử hình.
Người ta tính có khoảng 2,200 người trên khắp nước Mỹ đang chờ sẽ được đưa lên
ghế điện hoặc vào phòng hơi ngạt.
Robert Harris là một
kẻ giết người không biết gớm tay. Ngày 05/7/1978, sau khi đã mãn hạn tù hai năm
vì đã đánh đập một người đến chết, Harris đã cùng với người em của mình định đến
cướp một nhà băng tại San Diego. Ðể có phương tiện di chuyển, Harris đã chiếm
chiếc xe của hai người thanh niên đang đậu trước một quán ăn. Anh ra lệnh cho
hai người thanh niên lái xe đến một nơi vắng vẻ vàtại đây, anh đã rút súng sát
hại họ một cách dã man. Sau khi đã hạ sát hai người thanh niên, Harris vẫn còn
đủ ung dung và bình tĩnh để ăn cho hết cái bánh mà hai người thanh niên đang ăn
dở... Bị bắt giữ sau đó, Harris đã không để lộ bất cứ một dấu hiệu nào của ăn
năn sám hối...
Theo thủ tục hiện
hành của Hoa Kỳ, từ lúc tuyên án cho đến lúc thi hành bản án, người tử tội thường
được bảy năm để kháng cáo hoặc xin ân xá. Robert Alton Harris vẫn chưa để lộ bất
cứ một dấu hiệu nào của sợ sệt hoặc hối cải... Anh đã được dẫn vào phòng đầy
hơi ngạt Cyanide. Chỉ trong vài phút đồng hồ, anh đã chết bằng đúng cái chết mà
dường như anh đã tự chọn và chuẩn bị cho mình.
Công lý và luật pháp của
con người được xây dựng trên nguyên tắc: mắt đền mắt răng thế răng, hoặc tôi
cho anh để tôi cho lại... Kẻ có tội luôn luôn phải bị trừng trị, nặng hay nhẹ
tùy theo tội ác của người đó đã gây ra... Thiên Chúa dường như chỉ có một công
lý: đó là công lý của Tình Thương. Thước đo duy nhất của Công Lý nơi Thiên Chúa
chính là Tình Thương vô bờ bến. Nói như thánh Phaolô, nơi nào tội lỗi càng nhiều,
nơi đó Thiên Chúa càng thi ân. Tội lỗi của con người, dù tày đình đến đâu, cũng
không thể ngăn cản được Tình Thương, sự Tha Thứ của Thiên Chúa.
Ðó phải là niềm xác
tín của chúng ta mỗi khi chúng ta nhìn thấy tội lỗi và suy niệm về Tình Yêu của
Thiên Chúa. Nếu có ai chết đời đời trong hỏa ngục, điều đó không phải do sự
Công Thẳng của Thiên Chúa, cho bằng chính sự Khước Từ của con người. Khi con
người không còn tin ở Tình Yêu của Thiên Chúa, khi con người tự chọn cho mình
cái chết, đó chính là lúc con người tự chuẩn bị cho mình sự trầm luân. Hỏa ngục
đồng nghĩa với quay mặt, với khước từ, với thất vọng... Chúng ta nhìn đến thân
phận tội lỗi của mình không phải để thất vọng về sự yếu hèn của chúng ta, mà
chính là để ngước nhìn lên ánh mắt từ nhân vô biên của Thiên Chúa.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét