Trang

Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2019

28-07-2019 : (phần II) CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN năm C


28/07/2019
 Chúa Nhật 17 Thường Niên năm C
(phần II)


Phụng Vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 17 Thường niên năm C
St 18,20-32; Cl 2,12-14; Lc 11,1-13
Chủ đề: CẦU NGUYỆN THẾ NÀO CHO PHẢI
“Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?” 
(Lc 11,13)
I. CÁC BÀI ĐỌC:
Cầu nguyện, cùng với ăn chay và bố thí, là việc đạo đức truyền thống trong bất kỳ tôn giáo nào, nhưng không phải ai cũng biết cầu nguyện đúng cách. Các bài đọc lời Chúa hôm nay không những đề cao tầm quan trọng của cầu nguyện, mà còn dạy người ta cách cầu nguyện thế nào cho phải. Bài Tin Mừng hôm nay hàm chứa nội dung “Kinh lạy Cha” mà chúng ta đọc hằng ngày. Tuy nhiên, Tin Mừng theo thánh Mátthêu đầy đủ hơn (có bảy lời cầu xin) và nhấn mạnh đến tâm tình cầu nguyện, trong khi Tin Mừng theo thánh Luca lại nhấn mạnh đến nội dung lời cầu nguyện, và chỉ đề cập 5 điều (không đề cập đến các điều 3 và 7 như trong Mt).
1. Bài đọc 1: St 18,20-32
Bài đọc I thuật lại câu chuyện ông Ápraham chuyển cầu qua việc “thương lượng” với Đức Chúa để Ngài không giáng phạt tội lỗi của kẻ dữ cho thấy hai điều: 1) Thiên Chúa là Đấng dễ động lòng thương xót trước lời cầu khẩn chân thành và bền bỉ của người công chính; 2) lòng thành của một số ít người lành cũng có thể trở nên cơ hội cho toàn dân được cứu.
Trước hết, sự kiên trì khẩn cầu của ông Ápraham có giá trị trước mặt Thiên Chúa. Dù biết mình “chỉ là thân tro bụi”, ông Ápraham không ngừng khẩn cầu xin Thiên Chúa bỏ ý định giáng phạt Sôđôma và Gômôra. Cuộc “thương lượng” của ông Ápraham với Thiên Chúa cho thấy rằng Thiên Chúa không phải là Đấng bất di bất dịch, cứng nhắc trong ý định của Ngài, nhưng vì lòng thương xót, Ngài có thể thay đổi. Trong sáu lần khẩn cầu với Thiên Chúa, ông Ápraham đều được Ngài chấp nhận. Quả thật, lời cầu khẩn của người công chính luôn có giá trị trước mặt Thiên Chúa. Ngài thay đổi ý định giáng phạt vì lời khẩn cầu của Ápraham.
Sau nữa, Thiên Chúa là Đấng không muốn bỏ sót bất cứ người lành nào. Cuộc “thương lượng” của ông Ápraham với Thiên Chúa xoay quanh lý lẽ rằng “chẳng lẽ Chúa sắp tiêu diệt người công chính cùng với kẻ dữ sao?” (St 18,23). Phẩm giá của “người lành” luôn có giá trị đặc biệt trước mặt Thiên Chúa, đến nỗi Ngài không muốn bỏ sót bất cứ người nào. Dù cuộc thương lượng của ông Ápraham cuối cùng chỉ dừng lại ở con số “mười người lành”, nhưng có lẽ câu chuyện muốn cho thấy rằng Thiên Chúa không những không tiêu diệt người lành cùng với kẻ dữ, mà còn vì một số ít người lành mà sẵn sàng thứ tha và cứu vớt một số đông kẻ dữ.
Câu chuyện một mặt đề cao giá trị của lời khẩn cầu của người công chính trước mặt Thiên Chúa, mặt khác cho thấy phẩm giá vô song của “người lành” đến nỗi Thiên Chúa không nỡ trừng phạt một số đông “kẻ dữ” chỉ vì thương một số ít “người lành”.
2. Bài đọc 2: Cl 2,12-14
Cái giá phải trả cho tội lỗi là sự hủy diệt, là sự chết như trường hợp của cư dân thành Sôđôma và Gômôra, như được thuật trong bài đọc I. Còn theo thánh Phaolô, trong Bài đọc II trích thư gửi tín hữu Côlôxê, tội lỗi cũng dẫn con người tới cái chết, nhưng lại được cứu nhờ Phép rửa trong Đức Kitô.
Trước hết, nhờ Phép rửa, con người được cùng mai táng với Đức Kitô và được cùng trỗi dậy với Người. Quả vậy, một khi được dìm vào trong nước qua Phép rửa, con người như chết đi cho tội lỗi, được mai táng với Đức Kitô, để khi bước ra khỏi nước, con người như được trỗi dậy với Người, được mặc lấy sự sống mới của Người. Qua Phép rửa, con người được biến đổi, từ tình trạng tội lỗi đến tình trạng được thánh hóa nhờ ân sủng; từ con người cũ thành con người mới trong Chúa Kitô, Đấng đã chết, nhưng đã sống lại để tha tội và ban sự sống cho những ai tin và chịu Phép rửa nhân danh Người.
Sau nữa, nhờ Phép rửa, con người được “hủy bản văn tự bất lợi” do các giới luật gây ra (x. Cl 2,14). Thật vậy, Luật Môsê cố gắng giúp người ta đi đúng đường lối Chúa, ngăn người ta lạc lối, phạm tội, nhưng lại trở thành dịp tội khi người ta không thể giữ trọn vẹn Lề luật dù đã ý thức các điều tội lỗi, dẫn đến án phạt là sự chết (x. Rm 7,7-25). Lề luật trở nên như cuốn sổ ghi nợ những khi người ta không giữ trọn. Qua Phép rửa, Đức Kitô “hủy bản văn tự bất lợi” và cho con người sống trong tình trạng tự do của con cái Thiên Chúa, thoát khỏi tình trạng nô lệ cho tội lỗi.
Như thế, Phép rửa trong Đức Kitô vừa “hủy bản văn tự bất lợi” do các giới luật gây ra, giải thoát khỏi cái chết do tội, vừa cho tham dự vào sự sống mới của Đức Kitô, Đấng đã chiến thắng sự chết.
3. Bài Tin Mừng: Lc 11,1-13
Đoạn Tin Mừng vừa làm nổi bật sự cần thiết của việc cầu nguyện, vừa cho thấy thái độ cần có khi cầu nguyện và nội dung của việc cầu nguyện.
Trước hết, đoạn Tin Mừng cho thấy sự cần thiết của việc cầu nguyện. Cầu nguyện, theo truyền thống Do thái, là một trong ba việc đạo đức truyền thống, cùng với ăn chay và bố thí. Ông Gioan Tẩy Giả, một người sống nhiệm nhặt và đạo đức theo truyền thống Do thái, hẳn rất đề cao việc cầu nguyện, đồng thời dạy các môn đệ cách thức cầu nguyện. Chúa Giêsu cũng là bậc thầy trong việc cầu nguyện. Người thường dành thời gian riêng để cầu nguyện với Chúa Cha. Hẳn các môn đệ đã nhìn thấy nơi Chúa Giêsu như là gương mẫu cầu nguyện và muốn học theo Người. Trong khi theo Tin Mừng Mátthêu, chúa Giêsu chủ động dạy các môn đệ cách thức cầu nguyện thì Tin Mừng Luca lại cho thấy các môn đệ xin Chúa Giêsu dạy cầu nguyện.
Kế đến, đoạn Tin Mừng cho thấy nội dung của lời cầu nguyện. Dù nội dung của lời cầu nguyện trong Tin Mừng Luca ngắn hơn so với Mátthêu nhưng vẫn làm nổi bật những điểm quan trọng thiết yếu. Cầu nguyện trước hết là hướng về Thiên Chúa là Cha mà thân thưa với Ngài, xin Ngài làm cho danh thánh của Ngài được mọi người nhận biết và tôn thờ; đồng thời, xin cho Triều Đại của Ngài được mau hiển trị. Sau đó lời cầu nguyện mới hướng đến các nhu cầu của con người về lương thực, về ơn tha thứ và được gìn giữ khỏi chước cám dỗ. Như thế, lời cầu nguyện đẹp lòng Chúa phải là lời cầu nguyện ưu tiên trước hết cho việc tôn vinh Thiên Chúa, rồi mới đến những điều giúp cuộc sống con người được tốt lành, hạnh phúc và bình an.
Cuối cùng, đoạn Tin Mừng nhấn mạnh thái độ cầu nguyện. Thái độ cầu nguyện cần có trước tiên phải là sự kiên trì. Như người bạn “cứ lì ra đó” cho đến khi nhận được điều mình mong muốn (Lc 11,8), thì Thiên Chúa đâu nỡ chối từ lời cầu xin tha thiết của con người. Điều Ngài chờ đợi nơi con người là sự kiên trì trong lời cầu xin. Thêm nữa, cần có thái độ tin tưởng vào Thiên Chúa là Cha trên trời rằng những gì“xin thì sẽ được, tìm thì sẽ gặp, và gõ cửa thì sẽ mở cho”, vì Thiên Chúa là cha tốt lành, Đấng hằng “ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người” (Lc 11,13).
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. “Abraham thưa: “Lạy Chúa, xin đừng nổi giận, con chỉ xin thưa lần này nữa thôi: Nếu tìm được mười người công chính ở đó thì sao?” Chúa phán: “Vì mười người đó, Ta sẽ không tàn phá”. Câu chuyện ông Ápraham “thương lượng” với Thiên Chúa để xin Ngài hãy vì một số ít người lành mà đừng đánh phạt những kẻ dữ cho thấy lòng khoan dung của một Thiên Chúa, Đấng sẵn sàng thay đổi quyết định trước lời khẩn cầu tha thiết của người công chính. Thay vì chỉ biết chê trách kẻ dữ thì chúng ta có thể nỗ lực trở thành “người lành” để vì một số ít “người lành” đó, Thiên Chúa sẽ không nỡ trừng phạt số đông “kẻ dữ” và qua đó khiến họ ăn năn mà được cứu. Sự kiên trì cầu khẩn của ông Ápraham, là một “người lành”, đã làm cho Thiên Chúa động lòng mà tha thứ cho kẻ tội lỗi. Tôi có đang kiên trì cầu khẩn với một Thiên Chúa giàu lòng khoan dung và sẵn sàng tha thứ? Tôi có cầu nguyện với vị Thiên Chúa thật thân quen, thật gần gũi, đến độ tôi có thể trò chuyện, cò cưa trả giá với Người ở bất cứ đâu hay bất kỳ lúc nào. Mỗi chúng ta đã có thói quen trò chuyện với Chúa mỗi ngày về mọi nỗi vui buồn trong cuộc sống đức tin của chúng ta chưa?
2. “Nhờ phép rửa tội, anh em đã được mai táng làm một với Ðức Kitô, anh em cũng được sống lại với Người”. Thánh Phaolô nhấn mạnh tầm quan trọng của Phép rửa. Quả vậy, Phép rửa trong Đức Kitô vừa “hủy bản văn tự bất lợi” do các giới luật gây ra mà giải thoát con người khỏi cái chết do tội, vừa cho con người tham dự vào sự sống mới của Đức Kitô, Đấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết. Tôi có ý thức về sức mạnh của Phép rửa trong Đức Kitô mà tôi đã lãnh nhận? Tôi có để cho sự sống mới của Đức Kitô biến đổi con người tội lỗi của tôi?
3. “Hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, ai gõ thì sẽ mở cho”. Nhân cơ hội các môn đệ xin Đức Giêsu dạy các ông cầu nguyện, Người đã cho các ông thấy tầm quan trọng của cầu nguyện, đồng thời dạy các ông rằng lời cầu nguyện xứng hợp nhất. Lời cầu xin ưu tiên trước hết cho việc tôn vinh Thiên Chúa và sự hiển trị của Nước Trời, rồi mới đến những điều giúp con người sống tốt lành và bình an. Khi cầu nguyện, hai thái độ cần phải có là kiên trì và tin tưởng vào Thiên Chúa là Cha nhân lành, Đấng hằng lắng nghe lời cầu xin tha thiết của con người. Tôi có đang cầu nguyện đúng cách? Tôi có đang kiên trì cầu nguyện và hoàn toàn tin tưởng nơi Thiên Chúa là Cha nhân lành hằng yêu thương tôi theo cách riêng của Người?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tếAnh chị em thân mến! Chúa Giêsu đã dạy chúng ta phải cầu nguyện kiên trì, vì cầu nguyện là phương thế giúp ta duy trì tương quan thân tình Cha–con với Thiên Chúa. Xác tín vào quyền năng và tình thương của Thiên Chúa là Cha, cộng đoàn chúng ta hãy thành tâm dâng lời cầu xin:
1. Một môn đệ thưa với Chúa Giêsu: “Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện.” Chúng ta cùng cầu xin cho mọi thành phần Hội Thánh luôn ý thức giá trị của việc cầu nguyện, trong khi thực thi sứ mạng làm vinh danh Thiên Chúa giữa thế giới hôm nay.
2. “Xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến.” Chúng ta cùng cầu xin cho lời rao giảng của Hội Thánh được nhiều người đón nhận và thực thi, để Danh Chúa được cả sáng và ý Chúa ngày càng được thể hiện trong mọi môi trường xã hội.
3. “Hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho.” Chúng ta cùng cầu xin cho mọi Kitô hữu luôn xác tín và chân thành chạy đến với Chúa trong mọi hoàn cảnh, với tất cả lòng tin tưởng phó thác, để được Chúa an ủi nâng đỡ cả xác hồn.
4. “Cha trên trời sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người.” Chúng ta cùng cầu xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn biết sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, tận tụy thi hành thánh ý Chúa với tâm tình của người con thảo.
Chủ tếLạy Thiên Chúa là Cha hằng yêu thương chăm sóc chúng con, xin thương nhận những ước nguyện của chúng con dâng lên Chúa, và ban ơn trợ giúp để chúng con biết sống ngày càng xứng đáng hơn với tư cách là con cái Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.


SCĐ Chúa Nhật XVII TN C
Chủ đề :Cầu xin

“Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện” (Lc 11,1)
Sợi chỉ đỏ :
– Bài đọc I : Abraham cầu xin Chúa cho thành Sôđôma
– Đáp ca : Ca tụng Chúa đã nhậm lời cầu xin
– Tin Mừng : Chúa Giêsu dạy các môn đệ cầu xin.
I. Dẫn vào Thánh lễ
Anh chị em thân mến
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu bảo “Ai xin thì sẽ được, ai tìm thì gặp, ai gõ cửa thì sẽ được mở cho”. Chúa nói thế để khuyến khích chúng ta khi cần điều gì thì hãy cầu xin cùng Thiên Chúa một cách mạnh dạn, tin tưởng và kiên trì.
Trước hết chúng ta hãy xin Chúa tha thứ những tội lỗi của chúng ta, để chúng ta xứng đáng dâng Thánh lễ này lên Chúa.
II. Gợi ý sám hối
– Xin Chúa tha thứ vì trong tuần vừa qua chúng con đã không kính mến Chúa cho đủ.
– Xin Chúa tha thứ vì trong tuần vừa qua chúng ta đã nhiều lần lỗi đức bác ái với người khác.
– Xin Chúa tha thứ vì trong tuần vừa qua chúng con chưa chu toàn bổn phận của chúng con.
III. Lời Chúa
1.      Bài đọc I (St 18,20-32)
Vì dân thành Sôđôma phạm tội quá nhiều, Thiên Chúa cho Abraham biết Ngài sẽ cho lửa từ trời xuống thiêu huỷ thành này. Abraham đã mặc cả với Chúa rằng nếu trong thành có một số người công chính thì xin Chúa tha cho cả thành. Chúa đồng ý, và Abraham đã hạ dần con số những người công chính : từ 50 xuống 45, rồi 40, 30, 20 và 10. Rất tiếc là Abraham đã dừng lại ở đó, không dám xuống nữa.
Câu chuyện cho ta thấy 2 điều quan trọng : a/ Lòng thương xót của Chúa vì những người công chính mà sẵn sàng tha thứ cho những người tội lỗi ; b/ Thiên Chúa sẵn sàng nghe lời cầu xin của con người.
2.                  Đáp ca (Tv 137)
Ca tụng Thiên Chúa đã nghe lời cầu xin của con người.
3.                  Tin Mừng (Lc 11,1-13)
Chúa Giêsu dạy về cầu nguyện :
1.      Nội dung phải cầu nguyện : Kinh Lạy Cha : Thời Chúa Giêsu, mỗi nhóm tín ngưỡng có một bài kinh riêng, đặc trưng của nhóm mình. Bài kinh mà Chúa Giêsu sắp dạy cũng là đặc trưng của Kitô giáo. Nét đặc trưng rõ nhất được thấy trong một từ chìa khoá lắp đi lặp lại rất nhiều lần, từ “Cha” : kitô hữu được làm con Thiên Chúa và được gọi Thiên Chúa là Cha.
Vì là một bài kinh rất ngắn gọn cho nên những điều được nói trong đó đều là những điều then chốt nhất. Nói cách khác, những lời xin trong bài kinh này cho ta biết những điều mà kitô hữu cần quan tâm nhất là gì :
a/ Đối với Chúa : sao cho người ta được biết Chúa (“Xin làm cho danh Cha vinh hiển”) ; sao cho nhiều người gia nhập Nước Chúa (“triều đại Cha mau đến”)
b/ Đối với chính bản thân mình : có lương thực hằng ngày, được Cha tha thứ và mình cũng biết tha thứ cho người khác, đừng sa chước cám dỗ.
2.                  Thái độ khi cầu nguyện : Phải kiên trì
Để minh họa cho thái độ kiên trì, Chúa Giêsu đưa dụ ngôn về “người bạn quấy rầy”
– “Quấy rầy” vì đến gõ cửa ban đêm để vay bánh : việc này khiến chủ nhà bị mất ngủ. Và nếu chủ nhà thức dậy thắp đèn lên, rồi lấy bánh, rồi mở cửa, rồi nói chuyện… thì sẽ làm cho vợ con của ông cũng mất ngủ luôn. Bởi thế, chủ nhà đã nói vọng ra lời từ chối. Nhưng người bên ngoài cứ vừa gõ cửa vừa kêu mãi.
– Nhưng người đứng bên ngoài ấy lại là một “người bạn”. Bạn bè thì phải thương yêu nhau và tương thân tương trợ nhau, nhất là trong những khi gặp khó như trường hợp này.
Việc chủ nhà cuối cùng đã cho anh bạn vay bánh có thể vì một trong hai lý do : cho để khỏi bị quấy rầy nữa ; cho vì tình bạn. Theo cách diễn tả của dụ ngôn thì người đó đã làm vì lý do thứ nhất. Nếu làm vì lý do thứ hai thì việc cho sẽ có ý nghĩa hơn. Nhưng dù sao thì cuối cùng anh bạn đứng ngoài đã đạt được điều mình xin, và lý do là nhờ anh kiên trì.
Sau khi kể dụ ngôn, Chúa Giêsu lý luận theo kiểu a fortiori (huống chi) : người đời dù quen hành động theo lý do ích kỷ (để khỏi bị quấy rầy) thế mà cũng phải chịu thua sự kiên trì của người xin. Huống chi Thiên Chúa vốn tốt lành quen đối xử với chúng ta theo tình thương. Bởi thế nếu ai kiên trì cầu xin với Chúa thì chắc chắn sẽ được nhậm lời.
4.                  Bài đọc II (Cl 2,12-14) (Chủ đề phụ)
Thánh Phaolô giải thích những hiệu quả của bí tích Rửa tội :
– Giúp chúng ta chết đi cho con người cũ yếu hèn để sống lại thành con người mới kết hợp với Đức Kitô.
– Tha thứ mọi tội lỗi trước đây của chúng ta.
IV. Gợi ý giảng
* 1. Lời cầu xin của Abraham
Lời cầu xin của Abraham có nhiều điểm hay đáng chúng ta bắt chước :
– Ông không cầu xin cho bản thân mình, mà cho người khác, những người không phải là bà con hay bạn bè thân thích gì của ông cả.
– Ông không cầu xin cho những người đạo đức công chính, mà xin cho những người tội lỗi.
– Ông đã nại vào lòng thương xót của Chúa và vào “uy tín” của một số người công chính.
Nhưng có một điểm mà Abraham chưa làm gương cho chúng ta được. Đó là xem ra ông chưa tin tưởng hoàn toàn vào Chúa cho nên đã dừng lại ở con số 10 người công chính chứ không dám tiến xa hơn vào lòng thương xót vô biên của Chúa.
* 2. Xin, tìm và gõ
Chúa Giêsu khuyến khích chúng ta hãy xin, hãy tìm và hãy gõ cửa. Nghĩa là đức tin của chúng ta phải là một hành động tích cực chứ không phải là một thái độ thụ động chỉ biết đợi chờ.
Tuy nhiên lắm khi vì tự phụ mà chúng ta không xin, nên chúng ta không nhận được ; lắm khi vì chúng ta lười biếng mà không tìm, nên chúng ta không gặp ; lắm khi vì chúng ta nhút nhát mà không gõ cửa nên không được mở cho.
Đừng thụ động ngồi chờ ơn Chúa như những quả sung từ trời rụng xuống. Hãy khiêm tốn, siêng năng và bạo dạn mà xin, mà tìm và gõ cửa. Nếu điều đó tốt cho chúng ta thì chắc chắn Thiên Chúa là Cha nhân hậu sẽ ban cho chúng ta.
* 3. Tại sao phải cầu xin cách kiên trì ?
Phải kiên trì khi cầu xin là để tăng thêm ước muốn của chúng ta, và cũng là để tăng thêm giá trị ơn Người sẽ ban. Nếu chúng ta không nhận được điều mình xin, thì không phải là Chúa không sẵn sàng ban ơn, nhưng có thể điều cầu xin ấy không mang lại ích lợi cho linh hồn chúng ta, hoặc Người muốn dành cho chúng ta một ơn lớn lao hơn. Cho dù sự đáp trả của Chúa không như lòng chúng ta mong ước hay không đúng lúc chúng ta mong đợi, thì đó cũng là bởi sự khôn ngoan và lòng yêu thương của một người Cha đầy tình nhân ái.
* 4. Và chúa nói không
– Tôi xin Người lấy niềm kiêu hãnh của tôi đi. Và Người nói “không”. Người nói việc lấy đi không phải do Người mà là tôi phải từ bỏ nó.
– Tôi xin Người làm cho đứa bé tật nguyền của tôi được lành lặn. Và Người nói không. Người nói tinh thần của tôi mới là tất cả, còn thể xác chỉ là nhất thời thôi.
– Tôi xin Người ban cho tôi sự kiên nhẫn. Và Người nói không. Người nói kiên nhẫn là một phó sản của nỗi gian nan khổ cực, không ban được mà phải tự kếm lấy.
– Tôi xin Người ban cho tôi hạnh phúc. Và Người nói không. Người nói Người ban cho tôi những lời chúc lành, hạnh phúc tuỳ thuộc nơi tôi.
– Tôi xin Người vứt bỏ nỗi đớn đau. Và Người nói không. Người nói khổ đau sẽ đưa con ra khỏi những lo toan trần thế và đưa con lại gần Ta hơn.
– Tôi xin Người làm cho tinh thần tôi phát triển. Và Người nói không. Người nói sẽ cho tôi sự sống để tôi vui hưởng tất cả mọi thứ.
– Tôi xin Người giúp tôi yêu thương những người khác nhiều như Người yêu tôi. Và Người nói : À, cuối cùng thì con cũng có một ý tưởng hay. (Tài liệu nước ngoài. Hải Lý dịch. Đăng trong tuần báo CgvDt, số 1147, ngày 1.3.1998)
* 5. Xin điều này được điều khác
Tôi xin Chúa cho tôi sức khoẻ để tôi có thể làm được những việc lớn lao – Ngài lại ban cho tôi sự yếu đuối để tôi làm mọi việc cách tốt hơn.
Tôi xin Chúa cho tôi giàu sang để tôi có thể sống hạnh phúc hơn – Ngài lại ban cho tôi sự nghèo nàn để tôi sống khôn ngoan hơn.
Tôi xin Chúa ban cho tôi quyền lực để được người đời xưng tụng – Ngài lại ban cho tôi sự mọn hèn để tôi ý thức cần đến Ngài hơn.
Tôi xin Chúa ban cho tôi mọi sự, nhờ đó tôi tận hưởng thú vui cuộc sống – Ngài lại ban cho tôi cuộc sống để nhờ đó tôi tận hưởng mọi sự.
Tuy tôi chẳng được tất cả những điều tôi xin, nhưng lại nhận được mọi thứ tôi cần. (Anon)

6.                  Chuyện minh họa
a/ Kiên trì
            Một người đưa tin đến một lâu đài cũ kỹ và anh lấy búa gõ cửa. Không ai trả lời. Anh lại gõ và chỉ có tiếng vang dội lại. Nhưng anh biết có người trong nhà, anh nhìn thấy họ qua cửa sổ. Giận sôi lên, anh cầm búa và lấy hết sức giáng mạnh vào cửa hai ba chục lần.
            Một khuôn mặt cau có ngó qua lỗ then cửa và lịch sự hỏi xem người khách muốn vào không.
Vị khách nói như mê sảng : “Này ông, tôi vào được không ? Chẳng lẽ ai muốn vào cũng phải gõ như tôi ?”.
– Ồ, ông biết đấy : Có nhiều trẻ ở xung quanh đến đây, chúng gõ cửa một vài lần rồi bỏ chạy, nên chúng tôi biết là không cần để ý đến chúng. Nhưng khi nghe ông gõ cửa, tôi thực sự thấy ông muốn vào. Vì thế tôi ra mở cửa.
b/ Khiêm tốn
            Ngày kia, thánh Clément Hofbauer đi xin đồ viện trợ cho các cô nhi. Ngài vào một quán ăn, có ba người đang đánh bạc, xin họ góp phần vào công việc từ thiện. Một người chửi bới, rồi nhổ vào mặt ngài.
            Thánh nhân lặng lẽ rút khăn tay lau mặt và nhẹ nhàng nói : “Đó là phần ông cho tôi. Còn phần cho các cô nhi của tôi đâu ?”
            Tay cờ bạc kinh ngạc đến thẹn thùng, rồi dốc túi đưa hết cho ngài.
V. Lời nguyện cho mọi người
Chủ tế : Anh chị em thân mến, cầu nguyện là hơi thở, là sức sống, là linh hồn của đời sống người Kitô hữu. Chúng ta cùng dâng lời nguyện xin Chúa giúp chúng ta biết cầu nguyện như Chúa đã dạy :
1.      Hội thánh luôn khuyên nhủ con cái mình siêng năng cầu nguyện / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các tín hữu biết chăm chỉ lắng nghe / và cố gắng thực hiện lời mời gọi tha thiết của Hội thánh / trong đời sống đức tin thường ngày.
2.      Ngày nay / có một số Kitô hữu / đặc biệt là các Kitô hữu trẻ / cho rằng cầu nguyện không còn cần thiết nữa / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho hết thảy mọi tín hữu hiểu rằng / cầu nguyện cần thiết cho đời sống đức tin / như dầu cần cho đèn.
3.      Cầu nguyện trong gia đình rất quan trọng cho cuộc sống đức tin của người tín hữu / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho hết mọi gia đình Công giáo / biết trung thành đọc kinh tối sáng mỗi ngày.
4.      Chúa Giêsu dạy ta kinh Lạy Cha để cầu nguyện cùng Chúa Cha / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / vừa đọc vừa suy niệm / và sống theo tinh thần của lời kinh nguyện tuyệt vời này.
Chủ tế : Lạy Chúa, xin cho chúng con biết luôn cảm tạ Chúa là Đấng đã dựng nên chúng con và gìn giữ chúng con khỏi mọi sự dữ trong cuộc sống thường ngày. Chúng con cầu xin
VI. Trong Thánh Lễ
– Trước kinh Lạy Cha : Khi các môn đệ xin Chúa Giêsu dạy cầu nguyện, Ngài đã dạy họ Kinh Lạy Cha. Chúng ta hãy kết hợp tâm tình với các môn đệ mà cầu nguyện bằng chính lời kinh Chúa dạy.
VII. Giải tán
Trong tuần này, mỗi khi có điều gì cần, chúng ta hãy cầu xin với Chúa cách khiêm tốn, kiên trì và tin tưởng, bởi vì chính Ngài đã hứa : “Ai xin thì sẽ được, ai tìm thì gặp, ai gõ cửa thì sẽ được mở cho”.
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI

Lectio Divina: Chúa Nhật XVII Thường Niên (C)
Sunday 28 July, 2019
Lời cầu nguyện của Thầy  
Lời cầu nguyện của các môn đệ
Lc 11:1 – 13


1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Cha là Đấng hay thương xót,
Nhân danh Chúa Kitô con Cha, chúng con khẩn cầu cùng Cha,
Xin Cha hãy ban Ân Huệ xuống cho chúng con,
Xin Chúa hãy tuôn đổ Thần Khí Chúa trên chúng con!

Lạy Chúa Thánh Thần, Đấng Phù Trợ
Xin hãy dạy cho chúng con cầu nguyện trong chân lý,
trong Đền Thờ mới
chính là Chúa Kitô.

Lạy Chúa Thánh Thần, Đấng trung tín với Chúa Cha và với chúng con,
như chim có tổ,
xin hãy bàu chữa liên lỉ với Chúa Cha cho chúng con,
Bởi vì chúng con không biết cầu nguyện như thế nào.

Thần Khí của Chúa Kitô,
Quà tặng đầu tiên dành cho chúng con là những người tin Chúa,
xin hãy cầu nguyện không ngừng nghỉ với Chúa Cha cùng chúng con,
như Con Người đã dạy cho chúng con.  Amen.

2. Bài Đọc
a)  Để trợ giúp chúng ta hiểu đoạn văn:
Bài Tin Mừng được chia thành ba đoạn:
Lc 11:1-4:  Lời cầu nguyện mà Chúa Giêsu đã dạy
Lc 11:5-8:  Dụ ngôn người bạn quấy rầy  
Lc 11:9-13:  Giáo huấn về hiệu quả của lời cầu nguyện

b)  Tin Mừng:
 1 Có một lần Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia. Khi Người cầu nguyện xong, có một môn đệ thưa Người rằng: “Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, như ông Gioan đã dạy môn đệ của ông.”  2 Người bảo các ông: “Khi các con cầu nguyện, hãy nói:
“Lạy Cha, nguyện xin danh thánh Cha cả sáng.  Nước Cha trị đến.
3 xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày;
4 và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha mọi kẻ có nợ chúng con;
và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.”
5 Và Người còn bảo các ông rằng: “Nếu ai trong các con có người bạn, nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói: “Anh ơi, xin cho tôi vay ba cái bánh; 6 vì tôi có anh bạn đi đường ghé lại nhà tôi, và tôi không có gì thiết đãi anh ấy”; 7 và từ trong nhà có tiếng người ấy đáp: “Xin anh đừng quấy rầy tôi; vì cửa đã đóng, các con tôi và tôi đã lên giường nằm rồi; tôi không thể chỗi dậy lấy bánh cho anh được?  8 Thầy bảo các con, dẫu người đó không dậy vì tình bạn để lấy bánh cho người bạn, người đó cũng sẽ dậy, ít nữa là vì sự quấy rầy của người kia mà cho anh ta tất cả những gì anh ta cần.
9 “Và Thầy bảo các con: Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ cửa thì sẽ mở cho. 10 Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, ai gõ thì sẽ mở cho. 11Người cha nào trong các con có đứa con xin bánh mà lại cho nó hòn đá ư?  Hay nóxin cá, lại cho nó con rắn thay vì cá sao? 12 Hay nó xin quả trứng lại cho nó con bò cạp ư? 13 Vậy nếu các con là những kẻ gian ác, còn biết cho con cái mình những của tốt, phương chi Cha các con trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao? ”

3. Giây phút thinh lặng cầu nguyện
–  Giống như các môn đệ, chúng ta cũng hãy cùng nhau tề tựu chung quanh Chúa Giêsu đang cầu nguyện một mình.  Chúng ta quây quần chung quanh Người và trong Người với tất cả sức lực của chúng ta, mọi ý nghĩ, mọi lời cam kết và mối bận tâm, niềm hy vọng và nỗi đau khổ của chúng ta…
–  Ngày nay chính chúng ta là những môn đệ trông thấy Thầy mình đang cầu nguyện và tự cho phép mình được tham gia vào việc cầu nguyện của Người, trong đó, một cách rõ ràng, là khá đặc biệt.
–  Hôm nay, lời của Người đang nói với chúng ta, lời mời gọi tin tưởng vào tình yêu của Chúa Cha gửi đến cho chúng ta.  Chúng ta đã mải mê với những thứ vật chất, rất nhiều kiếm tìm với “tất cả và ngay lập tức”, do đó say mê bởi một ngàn thứ, rồi sau đó (và chỉ “sau đó”, sau một vài biến cố làm chúng ta bàng hoàng sửng sốt) chúng ta khám phá ra rằng tất cả những thứ đó chỉ là phù phiếm …
–  Hôm nay, đó chính là tùy thuộc vào chúng ta để dâng lên lời cầu nguyện của Thầy Chí Thánh:  Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng

4. Một vài câu hỏi
Chúng ta hãy dùng cơ hội này để kiểm điểm lại cách cầu nguyện của chúng ta:
*  Việc cầu nguyện mang ý nghĩa gì đối với tôi:  Đó có phải là một bổn phận?  Một sự tạm dừng trong việc tìm kiếm bản ngã?  Đó có phải là việc dâng lên Thiên Chúa với một danh sách các lời cầu xin?  Một lúc tạm dừng cùng với Đức Chúa Cha?  Đó có phải là một cuộc đối thoại tin tưởng và đơn giản với Đấng hết lòng yêu thương tôi không?
*  Tôi đã dành ra bao nhiêu thời gian cho việc cầu nguyện: một ít phút mỗi ngày? hay mỗi tuần một lần hay mỗi tháng một lần?  Thỉnh thoảng?  Có đều đặn thường xuyên không?  Tôi có chờ cho đến lúc “cảm thấy có nhu cầu” thì mới cầu nguyện không?
*  Điểm khởi đầu cho lời cầu nguyện của tôi là gì:  Đó có phải là Lời Chúa không?  Có phải là ngày lễ của một vị thánh hay là ngày của nghi lễ phụng vụ không?  Đó có phải là do lòng sùng kính Đức Mẹ không?  Đó có phải là một bức tượng hay bức hình không?  Có phải là từ các sự kiện quan trọng trong đời sống của tôi hoặc trong lịch cử của thế giới không?
*  Tôi gặp gỡ ai khi tôi cầu nguyện:  Nhìn sâu vào bản thân mình, khi cầu nguyện, tôi đã cầu nguyện với người mà tôi cảm thấy là quan tòa phê phán tôi hay là tôi cầu nguyện với một người bạn?  Tôi có cảm thấy Chúa là một người “bằng vai” với tôi hay là một “Đấng Thánh”, vô định hay không thể đến gần được không?  Chúa có gần bên tôi không hay là xa vời và lãnh đạm?  Người là Chúa Cha của tôi hay là Thầy tôi?  Chúa có quan tâm tới tôi không hay là “Người bận rộn với các việc của Người”?
*  Tôi cầu nguyện như thế nào: tôi có cầu nguyện một cách máy móc không, có dùng những khuôn sáo có sẵn không?  Tôi có cầu nguyện bằng các đoạn Thánh Vịnh hoặc các đoạn Kinh Thánh khác không?  Các lời của bài đọc Phụng Vụ không?  Tôi có chọn cầu nguyện bằng những lời tự phát không? Tôi có đi tìm các văn bản với lời lẽ văn hoa hay tôi thích lặp lại những lời nguyện ngắn?  Tôi đã xử dụng “lời cầu nguyện của Chúa” như thế nào? Tôi có thường xuyên cầu khẩn Thiên Chúa vì những nhu cầu hay vì muốn ca ngợi Người trong những lời phụng vụ hoặc chiêm niệm Người trong thinh lặng?  Tôi có khả năng cầu nguyện trong lúc làm việc không, hoặc tại bất cứ nơi nào hoặc chỉ khi trong nhà thờ mà thôi?  Tôi có khả năng tự mình soạn ra lời cầu nguyện phụng vụ của riêng tôi không?  Mẹ Thiên Chúa có chỗ đứng nào trong những lời cầu nguyện của tôi?


5. Chìa khóa dẫn đến bài đọc
Bài Tin Mừng này trình bày lời cầu nguyện như là một trong các nhu cầu căn bản và là một điểm quan trọng trong đời sống của người môn đệ của Chúa Giêsu và của cộng đoàn các môn đệ.
Các câu 1–4:  Chúa Giêsu, như những bậc đại tôn sư trong thời đại của Người, dạy các môn đệ mình một lời cầu nguyện sẽ xác định căn tính của họ:  “Kinh Lạy Cha”.
a) Có một lần Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia.Khi Người cầu nguyện xong, có một môn đệ thưa Người rằng: “Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện:  Chúa Giêsu cầu nguyện riêng một nơi.  Theo Phúc Âm của Luca, Chúa làm điều này thường xuyên (5:16), nhất là trước những biến cố quan trọng:  trước khi chọn Nhóm Mười Hai (6:12-13), trước khi kêu mời Phêrô tuyên xưng đức tin của mình (9:18-20), trước khi Chúa biến hình (9:28-29), và sau cùng, trước cuộc thương khó (22:40-45).
Khi Chúa Giêsu cầu nguyện, Người đã gợi lên trong lòng các môn đệ một niềm ước ao cầu nguyện giống như Người.  Một cách rõ ràng, lời cầu nguyện tự nó đã cho thấy bên ngoài trong một phương thức rất đặc biệt và chắc chắn đã ảnh hưởng đến sự rao giảng của Người.  Các môn đệ hiểu rằng lời cầu nguyện như thế thật là hoàn toàn khác so với những gì đã được dạy bởi các bậc tôn sư tại Israel hay thậm chí ngay cả những người đi trước Chúa Giêsu.  Đó là lý do tại sao các ông xin Chúa dạy cho các ông cầu nguyện.  Do đó, lời cầu nguyện mà Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ mình trở thành lời diễn đạt đặc trưng của lý tưởng và căn tính của họ, trong cách các ông liên quan với Thiên Chúa và với nhau.

b) Chúa Cha:Điều đầu tiên mà Chúa Giêsu dạy về cầu nguyện là gọi Thiên Chúa là “Cha”.  Không giống như Luca, Mátthêu đã không thêm vào đại danh từ sở hữu chủ “của chúng tôi”, ít nhấn mạnh hơn về khía cạnh cộng đoàn của kinh nguyện Kitô hữu.  Mặt khác, sự việc cách gọi Chúa Cha, là yếu tố tạo thành chất kết hợp tốt nhất của cộng đoàn các môn đệ.
Đối với người Do Thái vào thế kỷ thứ nhất, mối quan hệ với cha là một trong những mối quan hệ thân mật, mà cũng là một sự thừa nhận thẩm quyền của người cha trên mỗi thành viên của gia đình.  Điều này được phản ảnh trong phong tục người Kitô hữu gọi Thiên Chúa là “Chúa Cha”, trong khi đó không có một bằng chứng cụ thể nào cho rằng người Do Thái thời bấy giờ đã quen gọi Thiên Chúa với một chữ thân mật “abba”.  Chữ này không có gì khác hơn là hình thức nhấn mạnh của tiếng Aram “ ‘ab”, một từ ngữ quen thuộc và kính trọng được dùng cho những người cha trần thế.
Sự việc mà Chúa Giêsu đã hướng về Thiên Chúa và gọi Thiên Chúa là abba, cho thấy một mối quan hệ mới mà Người, và các môn đệ do đó, đã thiết lập với Thiên Chúa:  Một mối quan hệ thân thiết, quen thuộc và tín thác.
Trong giản đồ hệ thống cổ điển của lời cầu nguyện Kinh Thánh, phần đầu của “kinh Lạy Cha” là thưa chuyện trực tiếp với Thiên Chúa, trong khi phần thứ hai đề cập đến các nhu cầu của con người trong cuộc sống trần gian này.

c) Lạy Cha,nguyện xin danh thánh Cha cả sáng:  trong lời mặc khải của các tiên tri Israel, chính Thiên Chúa là Đấng đã “tự thánh hóa Danh của Người” (có nghĩa là, chính Chúa: “danh tức là người”) can thiệp với quyền năng trong lịch sử nhân loại, ấy thế mà dân Israel và các dân khác đã xúc phạm đến Chúa.  Trong sách Edêkien chúng ta đọc thấy:  “Chúng đã làm cho danh Ta bị xúc phạm giữa các dân mà chúng đi đến, khiến người ta nói về chúng rằng: ‘Đó là dân của ĐỨC CHÚA, chúng đã phải ra khỏi xứ của Người.’  Nhưng Ta ái ngại cho thánh danh Ta đã bị nhà Ít-ra-en xúc phạm giữa các dân mà chúng đi đến.  Vì thế, ngươi hãy nói với nhà Ít-ra-en:  ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phán thế này: Hỡi nhà Ít-ra-en, không phải vì các ngươi mà Ta hành động, mà vì danh thánh của Ta đã bị các ngươi xúc phạm giữa các dân các ngươi đã đi đến.  Ta sẽ biểu dương danh thánh thiện vĩ đại của Ta đã bị xúc phạm giữa chư dân, danh mà các ngươi đã xúc phạm ở giữa chúng. Bấy giờ chư dân sẽ nhận biết chính Ta là ĐỨC CHÚA – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng – khi Ta biểu dương sự thánh thiện của Ta nơi các ngươi ngay trước mắt chúng.  Bấy giờ, Ta sẽ đem các ngươi ra khỏi các dân tộc, sẽ quy tụ các ngươi lại từ khắp các nước, và sẽ dẫn các ngươi về đất của các ngươi.” (36:20-24). Trong cùng một đề tài chúng ta cũng có thể đọc: Đnl 32:51; Is 29:22; Ed 28:22-25).
Chủ đề của động từ “thánh thiêng”, trong Lc 11:2, chính là Thiên Chúa:  chúng ta đang phải đối diện với sự “thần học thụ động”. Điều này có nghĩa là lời khẩn cầu thứ nhất của lời cầu nguyện này không liên quan gì đến loài người và bổn phận không thể chối cãi của họ là phải tôn vinh và kính trọng Thiên Chúa, mà chính Chúa Cha là Đấng phải được biết đến với tất cả mọi loài.  Vì vậy, chúng ta khẩn cầu cùng Thiên Chúa để Người mặc khải cho chúng ta trong quyền năng tối thượng của Người:  đây là một lời khẩn cầu với ý nghĩa cánh chung, được nối kết chặt chẽ với lời khẩn cầu sau đây.

d) NướcCha trị đến:  sự kiện vĩ đại được công bố bởi Chúa Giêsu là việc khẳng định Nước Trời sắp đến giữa chúng ta:  “Hãy chắc chắn điều này: Triều đại của Thiên Chúa đã đến gần” (Lc 10:11; và xem Mt 10:7).  Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu và của các Kitô hữu, khi ấy, là sự hòa hợp chặt chẽ với lời công bố này.  Việc cầu xin trong lời cầu nguyện này là Triều Đại Thiên Chúa đã và đang hiện diện rõ ràng hơn bao giờ hết, trên thực tế, có hai hiệu quả:  người đang cầu nguyện phải đến mặt đối mặt với kế hoạch ngày cánh chung của Thiên Chúa, mà cũng còn với bổn phận sẵn lòng nhiệt thành phục vụ cho ý muốn cứu rỗi của Chúa Cha.  Vì thế, nếu đúng là chúng ta có thể và phải thưa với Đức Chúa Cha về các nhu cầu của chúng ta, thì cũng đúng là lời cầu nguyện của người Kitô hữu không bao giờ có loài người trong lời kết của nó, nó cũng không bao giờ là một lời cầu xin vị kỷ, nhưng kết thúc sau rốt của nó là để vinh danh Thiên Chúa, cầu khẩn sự gần gũi trọn vẹn của Người, sự khải hiện hoàn toàn của Người:  “Vậy hãy lo tìm Nước của Người, còn các thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Lc 12:31).

e) Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày:  chúng ta đã tiến đến phần thứ hai của lời cầu nguyện của Chúa.  Người cầu nguyện bây giờ đã đưa vào áp dụng mối quan hệ mật thiết và chính xác với Thiên Chúa, và hiện đang sống trong sự mật thiết hợp lẽ với Thiên Chúa là Chúa Cha và những lời cầu xin của người ấy xuôi chảy từ cách sống này.
Trong thời đại của Chúa Giêsu, cũng (gần giống) như thời đại của chúng ta, bánh là lương thực thiết yếu nhất, là chất dinh dưỡng chính.  Tuy nhiên, trong trường hợp này, “bánh” tượng trưng cho thực phẩm nói chung, và hơn thế nữa, tất cả các nhu cầu vật chất của các môn đệ.
Danh từ “bánh” là bản dịch từ chữ Hy-Lạp “epiousion”, cũng được thấy trong Phúc Âm Mátthêu nhưng không thấy trong bất kỳ bản kinh thánh Hy-Lạp hoặc văn bản ngoài kinh thánh nào khác.  Điều này đã khiến cho khó có thể mà đưa ra một phiên bản thực sự đáng tin cậy, vì thế mà chúng ta bị hạn chế trong việc phiên dịch danh từ này một cách chuẩn xác theo bối cảnh.
Tuy nhiên, có điều rõ ràng là người môn đệ khi cầu nguyện theo ý này thì hiểu rằng sẽ không có nhiều của cải vật chất trong tương lai, thậm chí ngay cả thức ăn hằng ngày: người ấy đã thực sự “từ bỏ tất cả mọi sự” để đi theo Đức Kitô (xem Lc 5:11).  Ở đây chúng ta đang bàn luận tới đặc tính tình trạng của thế hệ tiên khởi của những người Kitô hữu.  Điều này không có nghĩa là lời cầu nguyện xin “bánh” không còn thiết thực với các Kitô hữu ngày nay nữa:  Tất cả chúng ta được kêu gọi để nhận lãnh tất cả mọi thứ từ Thượng Đế, như một món quà cho không từ Thiên Chúa, ngay cả khi những thứ này có được từ sức lao động bởi đôi tay chúng ta.  Việc dâng của lễ Thánh Thể nhắc nhở chúng ta điều này trong mọi lúc:  chúng ta dâng lên Thiên Chúa những gì chúng ta biết rõ là đã được nhận lãnh từ Thiên Chúa để chúng ta có thể nhận lãnh trở lại từ tay Người.  Điều này cũng có nghĩa là người Kitô hữu thuộc mọi thời đại không nên quá bận tâm với tình trạng vật chất của mình, bởi vì Chúa Cha sẽ chăm sóc người ấy:  “Vì vậy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc; vì mạng sống thì hơn của ăn, và thân thể thì hơn áo mặc” (Lc 12:22-23).

f) Xin Cha tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha mọi kẻ có nợ chúng con:  Người Kitô hữu, được đắm mình trong sự cứu rỗi ban cho bởi Đức Chúa Cha với Triều Đại sắp đến của Người, biết rằng tất cả tội lỗi của người ấy đã được tha thứ.  Điều này đặt để người Kitô hữu trong điều kiện và bổn phận phải tha thứ cho những người khác, do đó cho phép Thiên Chúa cũng có thể dứt khoát tha thứ cho người Kitô hữu giống như họ đã tha thứ cho anh em mình (xem Mt 18:23-25).
Chúng ta luôn chần chừ giữa vương quốc “đã” hiện hữu và vương quốc “chưa” đạt được.  Một người Kitô hữu cư xử trái với ơn cứu độ đã nhận được từ Thiên Chúa qua Đức Kitô, làm cho sự tha thứ mà người ấy đã nhận được trở nên vô dụng.  Đó là lý do tại sao Luca đã nói:  “như chính chúng con tha thứ”.  Luca không muốn đặt để loài người chúng ta ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng chỉ để cho chúng ta biết rằng chúng ta có thể làm hỏng công cuộc cứu rỗi của Thiên Chúa, trong đó Đức Chúa Cha đã sẵn lòng bao gồm cả chúng ta như một nhân tố tích cực, để mở rộng ơn tha thứ nhưng không của Người đến tất cả mọi người.

Các câu 5-8:  không chỉ là một dụ ngôn, đây là một sự so sánh, bởi vì nó minh họa một thái độ điển hình gợi lên trong những người nghe một câu trả lời tự phát và duy nhất.  Trong trường hợp này, sẽ khó mà tìm ra được bất cứ ai có thể trả lời một cách nhanh nhảu “không có ai!” cho câu hỏi “Người nào…? (Câu 5).  Như vậy, đoạn Tin Mừng này muốn chỉ cho chúng ta thấy Thiên Chúa hành động như thế nào qua sự gạn lọc của cung cách cư xử con người, tức là một bản sao chép nghèo nàn của cung cách cư xử của Đức Chúa Cha.
Cảnh được diễn ra trong một vùng đất Palestine.  Thông thường, bất cứ ai đi trên một cuộc hành trình dài sẽ bắt đầu vào lúc hoàng hôn để tránh nhiệt độ rất nóng của ban ngày.  Trong nhà của người Paléstine vào thời ấy, chỉ có một gian phòng và cả gia đình xử dụng nó cho tất cả các hoạt động trong ngày cũng như dùng để ngủ vào ban đêm bằng cách chỉ cần trải chiếu dưới sàn nhà.
Lời yêu cầu của người đàn ông mà bất chợt có một người khách viếng thăm giữa đêm khuya, phản ảnh một cảm giác đặc thù về sự hiếu khách của những người xưa, và lời giải thích về sự yêu cầu của “ba chiếc bánh” (câu 5) đó là một bữa ăn bình thường cho một người lớn.
Người đàn ông đã tin tưởng người bạn mình vào ban đêm là hình ảnh người môn đệ của Chúa Kitô, được mời gọi để cầu nguyện cùng Thiên Chúa liên lỉ mọi nơi và mọi lúc, một sự tin tưởng hoàn toàn rằng người ấy sẽ được lắng nghe, không phải bởi vì người ấy đã quấy rầy Thiên Chúa, nhưng bởi vì Người là một người Cha giàu lòng thương xót và là Đấng trung tín với mọi giao ước của Người.  Do đó, dụ ngôn cho chúng ta thấy một người môn đệ nên phải cầu nguyện “kinh Lạy Cha chúng con” như thế nào:  với một lòng trông cậy hoàn toàn vào Thiên Chúa, Chúa Cha yêu thương và công bằng, một lòng trông cậy mà ngay cả những việc táo gan nhất là “quấy rầy Người” vào bất cứ lúc nào và nài nỉ với Người trong mọi việc, chắc chắn là sẽ được trả lời.
Cầu nguyện, được xem như là một thái độ căn bản của mỗi người Kitô hữu muốn thực sự là môn đệ của Chúa Giêsu, được diễn đạt rành mạch bởi thánh Phaolô tông đồ: “Anh em hãy cầu nguyện không ngừng.  Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu” (1Tx5:17-18); “Theo Thần Khí hướng dẫn, anh em hãy dùng mọi lời kinh và mọi tiếng van nài mà cầu nguyện luôn mãi. Để được như vậy, anh em hãy chuyên cần tỉnh thức và cầu xin cho toàn thể dân thánh” (Ep 6:18).

Các câu 9-13:  phần cuối bài Tin Mừng của chúng ta đúng ra được gọi là phần hướng dẫn kiến thức.  Nó tóm tắt lại chủ đề của các câu trước, nhấn mạnh đến lòng tin tưởng phải được biểu thị bằng lời cầu nguyện của người Kitô hữu, dựa trên một đức tin vững vàng.  Chính đức tin của người cầu nguyện sẽ mở rộng cánh cửa đến trái tim của Chúa Cha, và đó là bản sắc của Chúa Cha, Đấng luôn sẵn lòng che chở con cái Người trong vòng tay và an ủi chúng với sự trìu mến của một người mẹ(xem Is 66:12-13), là phải nuôi dưỡng đức tin của các Kitô hữu.
Thiên Chúa là một người Cha thích được nhận những lời cầu xin của các người con, bởi vì điều này cho thấy rằng họ đã đặt lòng trông cậy vào nơi Người; để cầu xin, họ phải tiến đến Người với tấm lòng rộng mở; vì cầu xin đã thúc đẩy họ phải nhìn đến gương mặt nhân hậu và yêu thương của Người, vì bằng sự cầu xin (kể cả cầu xin gián tiếp) họ cho thấy là họ tin tưởng rằng Người đích thực là Chúa của mọi thời đại và của thế giới, và hơn hết cả, bởi vì lời cầu xin của họ đã tạo cơ hội cho Người sẵn sàng công khai tỏ ra tình yêu cho không, ân cần, và tinh tế của Người chỉ vì lợi ích của con cái Người.  Điều làm phiền lòng Chúa Cha không phải là những lời cầu xin khăng khăng hoặc thiếu cân nhắc của con cái Người, mà đó là họ không cầu xin một cách đầy đủ, giữ im lặng và hầu như thờ ơ với Người, là họ lánh xa với một ngàn lý do bào chữa khách sáo, chẳng hạn như “Chúa đã biết tất cả mọi việc”, v.v.  Thiên Chúa chắc chắn là một người Cha, Đấng cung cấp tất cả mọi sự và chăm sóc cuộc sống hằng ngày của con cái Người, nhưng, đồng thời Người cũng biết điều gì tốt đẹp nhất cho họ, thậm chí còn biết rõ hơn họ nữa.  Đó là lý do tại sao Chúa tuôn đổ trên các Kitô hữu những điều tốt đẹp, và hơn hết cả, món quà tuyệt hảo:  Chúa Thánh Thần, món quà duy nhất thật sự không thể thiếu cho đời sống của họ, món quà mà nếu được phép làm, Đấng sẽ khiến họ trở nên con cái đích thực trong Đức Chúa Con

6. Đáp Ca: Thánh Vịnh 104
Lạy Thiên Chúa thương xót và quan phòng, Đấng đã tạo ra sự hài hòa kỳ diệu của vũ trụ và Đấng đã đặt để loài người trong ấy như “vị đại diện” của Người, chúng ta hãy ca tụng Người với bài Thánh Vịnh: 
Chúc tụng CHÚA đi, hồn tôi hỡi!
Lạy CHÚA là Thiên Chúa con thờ, Chúa muôn trùng cao cả!
Áo Ngài mặc: toàn oai phong lẫm liệt,
cẩm bào Ngài khoác: muôn vạn ánh hào quang!
Tầng trời thẳm, Chúa căng như màn trướng,
điện cao vời, dựng trên khối nước cõi thanh không.
Chúa ngự giá xe mây, Ngài lướt bay cánh gió.
Sứ giả Ngài: làm gió bốn phương,
nô bộc Chúa: lửa hồng muôn ngọn.
Chúa lập địa cầu trên nền vững,
khôn chuyển lay muôn thuở muôn đời!
Áo vực thẳm choàng lên trái đất,
khối nước nguồn tụ lại đỉnh non cao.
Nghe tiếng Ngài doạ nạt, chúng đồng loạt chạy dài;
sấm Ngài mới rền vang, chúng kinh hoàng trốn thoát,
băng qua núi qua đồi, chảy xuôi ra đồng nội
về nơi Chúa đặt cho.
Ngài vạch đường ranh giới ngăn cản chúng vượt qua,
không còn cho trở lại dâng lên ngập địa cầu.
Chúa khơi nguồn: suối tuôn thác đổ,
giữa núi đồi, lượn khúc quanh co,
đem nước uống cho loài dã thú,
bầy ngựa hoang đang khát được thoả thuê.
Bên dòng suối, chim trời làm tổ,
dưới lá cành cất giọng líu lo.
Từ cao thẳm, Chúa đổ mưa xuống núi,
đất chứa chan phước lộc của Ngài.
Ngài khiến mọc cỏ xanh nuôi sống đàn gia súc,
làm tốt tươi thảo mộc cho người thế hưởng dùng.
Từ ruộng đất, họ kiếm ra cơm bánh,
chế rượu ngon cho phấn khởi lòng người,
xức dầu thơm cho gương mặt sáng tươi,
nhờ cơm bánh mà no lòng chắc dạ.
Hương bá Li-băng, những cây CHÚA đã trồng,
được tràn trề nhựa sống.
Bầy chim tước rủ nhau làm ổ,
hạc bay về xây tổ ngọn cao.
Núi chon von, loài sơn dương tìm đến,
hốc đá sâu, giống ngân thử ẩn mình.
Chúa đặt vầng trăng để đo thời tiết,
dạy mặt trời biết lặn đúng thời gian.
Đêm trở lại khi Chúa buông màn tối,
chốn rừng sâu, muông thú tung hoành.
Tiếng sư tử gầm lên vang dội,
chúng săn mồi, gào xin Chúa cho ăn.
Ánh dương lên, chúng bảo nhau về,
tìm hang hốc, chui vào nằm nghỉ.
Đến lượt con người ra đi làm lụng,
những mải mê tới lúc chiều tà.
Công trình Ngài, lạy CHÚA, quả thiên hình vạn trạng,
Chúa hoàn thành tất cả thật khôn ngoan!
Những loài Chúa dựng nên lan tràn mặt đất.
Này đại dương bát ngát mênh mông,
nơi muôn vàn sinh vật to lẫn nhỏ vẫy vùng,
nơi tàu bè cỡi sóng và thủy quái tung tăng,
là vật Chúa tạo thành để làm trò tiêu khiển.
Hết mọi loài ngửa trông lên Chúa
đợi chờ Ngài đến bữa cho ăn.
Ngài ban xuống, chúng lượm về,
Ngài mở tay, chúng thoả thuê ơn phước.
Chúa ẩn mặt đi, chúng rụng rời kinh hãi;
lấy sinh khí lại, là chúng tắt thở ngay, mà trở về cát bụi.
Sinh khí của Ngài, Ngài gửi tới,
là chúng được dựng nên,
và Ngài đổi mới mặt đất này.
Vinh hiển CHÚA, nguyện muôn năm tồn tại,
công trình CHÚA làm Chúa được hân hoan!
Chúa nhìn đất thấp, đất sợ run lẩy bẩy,
Người chạm núi cao, núi toả khói mịt mù.
Suốt cuộc đời, tôi sẽ ca mừng CHÚA,
sống ngày nào, xin đàn hát kính Thiên Chúa của tôi.
Nguyện tiếng lòng tôi làm cho Người vui thoả,
đối với tôi, niềm vui là chính CHÚA.
Ước gì tội nhân phải biệt tích cõi đời,
bọn bất lương sạch bóng chẳng còn ai.
Chúc tụng CHÚA đi, hồn tôi hỡi!
7.  Lời nguyện kết
Lạy Chúa Cha tốt lành và thánh thiện, tình yêu của Cha đã làm cho chúng con trở thành anh chị em và thúc giục chúng con đến quây quần trong Hội Thánh của Cha để ca tụng với đời sống mầu nhiệm của sự hiệp thông.  Chúa kêu gọi chúng con để chia xẻ chiếc bánh, hằng sống và muôn đời, Chúa đã ban cho chúng con từ trời.  Xin Chúa hãy giúp chúng con cũng biết cách bẻ bánh, trong tình yêu của Đức Kitô, chiếc bánh trần thế của chúng con, để cơn đói cơ thể và tinh thần của chúng con có thể được no thỏa.  Amen.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét