24/09/2019
Thứ Ba tuần 25 thường niên
BÀI ĐỌC I: Esd 6, 7-8. 12b. 14-20
“Họ hoàn tất việc xây cất nhà Chúa và mừng lễ Vượt
Qua”.
Bài tích sách Esdra.
Trong những ngày ấy, (Vua Đariô viết
thư cho các vị tư lệnh vùng ở bên kia sông Euphrate mà nói rằng:) “Hãy để cho vị
thủ lãnh người Do-thái và các kỳ lão của họ xây cất đền thờ của Thiên Chúa, để
đền thờ của Thiên Chúa được xây cất chính nơi cũ. Ta cũng ra lệnh về việc các
ngươi phải làm với các bậc Kỳ cựu Do-thái, để tái thiết nhà Thiên Chúa: là phải
lấy của trong kho nhà vua, nghĩa là tiền nộp thuế của miền bên kia sông
Euphrate, và cẩn thận phân phát cho những người ấy, để công việc không bị trì
hoãn. Ta là Đariô ra sắc chỉ này, ta muốn mọi người ân cần tuân giữ”.
Các kỳ lão người Do-thái xây cất đền
thờ và công việc tiến hành nhanh chóng, nhờ lời sấm của tiên tri Khác-gai và
tiên tri Dacaria, con ông Ađđô: họ xây cất và hoàn thành theo lệnh Chúa Israel truyền
dạy, và theo lệnh các vua nước Ba-tư là Kyrô, Đariô và Artaxerxê. Họ hoàn tất
việc xây cất nhà Thiên Chúa ngày mồng ba tháng Ađar, năm thứ sáu triều vua
Đariô. Vậy con cháu Israel, các tư tế, các thầy Lêvi, và những người lưu đày
còn sống sót, đều vui mừng hiến thánh nhà Thiên Chúa. Trong lễ cung hiến nhà
Thiên Chúa, họ dâng một trăm con bò, hai trăm con cừu, bốn trăm con chiên, và để
làm lễ đền tội cho cả dân Israel, họ cũng dâng mười hai con dê theo số các chi
tộc Israel. Rồi họ cắt đặt các thầy tư tế theo phẩm trật và các thầy Lêvi theo
cấp bậc, để giúp việc đền thờ Thiên Chúa ở Giêrusalem, như đã chép trong sách của
Môsê.
Những con cái Israel lưu đày về mừng lễ
Vượt Qua ngày mười bốn tháng thứ nhất. Các thầy tư tế và Lêvi, tất cả như một,
đều được thanh tẩy, tất cả đều trong sạch, để sát tế mừng lễ Vượt Qua cho toàn
thể dân lưu đày và cho anh em tư tế của họ và chính mình họ. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 121, 1-2. 3-4a. 4b-5
Đáp: Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: “Chúng ta sẽ tiến
vào nhà Chúa” (c. 1).
Xướng:
1) Tôi vui mừng khi người ta nói với
tôi: “Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa”. Hỡi Giêrusalem, chân chúng tôi đang đứng
nơi cửa thành rồi. – Đáp.
2) Giêrusalem được kiến thiết như
thành trì, được cấu tạo kiên cố trong toàn thể. Nơi đây các bộ lạc của Chúa tiến
lên. – Đáp.
3) Theo luật pháp của Israel, để ngợi
khen danh Chúa. Tại đây đã đặt ngai toà thẩm phán, ngai toà của nhà Đavit. –
Đáp.
ALLELUIA: Tv 118, 18
Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin giáo huấn con, để con tuân cứ
luật pháp của Chúa và để con hết lòng vâng theo luật đó. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 8, 19-21
“Mẹ và anh em Ta là những người nghe lời Thiên Chúa
và đem ra thực hành”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, mẹ và anh em Chúa Giêsu đến
tìm Người, nhưng vì đám đông, nên không thể đến gần Người được. Người ta báo
tin cho Người rằng: “Có mẹ và anh em Thầy đứng ở ngoài muốn gặp Thầy”. Người trả
lời với họ rằng: “Mẹ và anh em Ta là những người nghe lời Thiên Chúa và đem ra
thực hành”. Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM : Lắng Nghe và Thực Hành Lời Chúa
Cả ba tác giả Nhất Lãm đều kể lại sự
kiện Ðức Maria và các thân nhân Chúa Giêsu đi tìm Ngài, nhưng mỗi tác giả có một
dụng ý riêng: Matthêu, Marcô xếp đoạn này lên trước phần Chúa Giêsu giảng dạy dụ
ngôn người gieo giống, còn Luca thì đặt sau dụ ngôn ấy, liền sau dụ ngôn chiếc
đèn cháy sáng. Luca không đề cập đến việc các thân nhân đến tìm Chúa Giêsu để
đưa Ngài về Nazarét, nhưng nhấn mạnh đến điểm này: "Ai nghe Lời Chúa và
đem ra thực hành, đó là người sống trong gia đình Thiên Chúa, là Mẹ, là anh em
của Ngài.
Một điểm nữa cần ghi nhận là trong đời
sống thực tế, nhiều khi người ta cảm thấy gần gũi thân thiết với những người
cùng chung chí hướng, nguyện vọng, hơn là những người ruột thịt, nhất là khi những
người ruột thịt ấy không cùng chí hướng, nguyện vọng. Như thế, mối liên hệ sâu
xa giữa con người với nhau không phải là liên hệ huyết thống, mà còn là liên hệ
của cả tư tưởng, ý chí, tình cảm.
Chúa Giêsu đến trần gian để xây dựng một
gia đình duy nhất của Thiên Chúa, gia đình của những người cùng một mục đích là
nguyện cho Danh Cha được cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất
cũng như trên trời. Ðể cho thấy sự duy nhất về cùng một gia đình đó, Chúa Giêsu
đã cầu nguyện: "Lạy Cha, xin cho chúng nên một như Cha ở trong Con và Con ở
trong Cha". Ðó là hình ảnh Chúa Giêsu muốn diễn tả khi Ngài nói: "Mẹ
tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực
hành".
Với ý nghĩa đó, Ðức Maria hai lần xứng
đáng làm Mẹ Chúa Giêsu: Mẹ theo huyết thống và Mẹ của Thân mình mầu nhiệm của
Ngài là Giáo Hội. Chẳng những là Mẹ thật vì đã sinh ra
Chúa Giêsu, mà còn là Mẹ vì đã thực thi ý Cha trên trời. Trong biến cố truyền
tin, Ðức Maria đã thưa với Sứ thần: "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng
theo lời thiên thần truyền". Ðiều đó nói lên suốt đời Ðức Maria, người
luôn làm theo ý Chúa.
Câu định nghĩa của Chúa Giêsu mở ra
cho chúng ta con đường đi vào gia đình của Thiên Chúa, đó là làm theo thánh ý
Chúa Cha. Xin cho chúng ta luôn biết thực thi thánh ý Chúa trong suốt cuộc sống
chúng ta, để xứng đáng được thuộc về gia đình của Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Lời
Chúa Mỗi Ngày
Thứ
Ba Tuần 25 TN1
Bài
đọc: Ezr 6:7-8, 12, 14-20; Lk
8:19-21.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Làm theo thánh ý Thiên Chúa.
Nhiều người cho mọi sự xảy ra trong trời
đất này là ngẫu nhiên tình cờ, không có chuyện gì liên hệ đến chuyện gì cả;
nhưng lịch sử và đức tin chứng minh chẳng có sự gì ngẫu nhiên xảy ra cả, mọi sự
xảy ra đều nằm trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Dù có biết hay không biết, mọi
người trong cuộc đời đều làm theo ý định của Thiên Chúa. Nếu con người ý thức
được điều này, họ sẽ thấy cuộc đời có ý nghĩa và tìm được niềm vui khi thi hành
ý Thiên Chúa; nếu không, con người sẽ phản kháng, khó chịu, và có thể đi lạc đường.
Các Bài Đọc hôm nay muốn chứng minh mọi
người: Do-thái hay Dân Ngoại đều làm theo thánh ý Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I,
các vua Ba-tư, bắt đầu từ vua Cyrus, vâng lệnh Thiên Chúa cho dân Do-thái hồi
hương, và giúp họ tái thiết Đền Thờ. Lý do của sự vâng lời này vì Thiên Chúa đã
giúp vua Ba-tư đánh bại quân đội của vua Babylon. Các kỳ-mục Do-thái vâng lời
Thiên Chúa trở về tái thiết Đền Thờ, thiết lập lại hàng tư tế và Lêvi, chuẩn bị
các lễ nghi, và cử hành lễ Vượt Qua đầu tiên sau Thời Lưu Đày vào năm 515 BC. Tất
cả những điều này đều đã được Thiên Chúa báo trước qua các tiên-tri. Trong Phúc
Âm, Chúa Giêsu tuyên bố mở rộng gia đình Thiên Chúa: tất cả những ai nghe và
thi hành ý Thiên Chúa đều là mẹ, là anh/chị/em của Ngài.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Các vua Ba-tư
thi hành ý định của Thiên Chúa.
1.1/ Các vua Ba-tư, Cyrus và Darius, làm
theo thánh ý Thiên Chúa: Các vua Ba-tư là Dân Ngoại, hoàn toàn
không biết Thiên Chúa, nhưng sẵn sàng làm theo thánh ý của Thiên Chúa, vì Ngài
giúp các vua đánh bại quân Babylon. Điều này chứng minh Thiên Chúa quan phòng mọi
sự trong vũ trụ: Thiên Chúa dùng vua Babylon như chiếc roi để đánh phạt dân
Do-thái, rồi lại dùng vua Ba-tư như chiếc roi để trừng phạt vua Babylon, kế đến
lại dùng vua Ba-tư để phóng thích dân Do-thái. Sau khi đã thắng trận, vua Ba-tư
là Cyrus thực hành như Thiên Chúa đã truyền cho ông. Người kế vị Cyrus là
Darius, ông cũng thi hành như thế.
(1) Xây dựng lại Đền Thờ (520-515 BC):
Vua Darius ra sắc chỉ: ”Hãy để cho tổng trấn của người Do-thái và các kỳ mục
Do-thái lo việc xây cất Nhà Thiên Chúa, họ phải tái thiết Nhà Thiên Chúa ở chỗ
cũ.”
(2) Đài thọ chi phí xây dựng Đền Thờ:
Không những vua Darius cho tái thiết Đền Thờ, Vua lại còn cung cấp chi phí để
xây dựng Đền Thờ bằng tiền thuế thu được của dân Babylon. Vua Darius ra lệnh:
”Phải lấy tiền bạc của nhà vua trích từ thuế thu được ở Vùng bên kia sông
Euphrate, mà cung cấp đầy đủ các chi phí cho những người đó, không được gián đoạn.”
(3) Hình phạt cho những ai dám phá hủy
Đền Thờ: Để bảo vệ Đền Thờ không bị các vua khác tàn phá, vua Darius ra chiếu
chỉ: ”Chớ gì Thiên Chúa, Đấng đã đặt Danh Người ngự tại đó, lật đổ bất cứ vua
hay dân nào dám vi phạm sắc chỉ này mà tra tay phá huỷ Nhà Thiên Chúa ở
Jerusalem. Chính ta, Darius, đã ban lệnh này. Sắc chỉ phải được thi hành chu
đáo!”
1.2/ Hàng kỳ mục của Do-thái thi hành ý định
của Thiên Chúa.
(1) Hoàn tất việc xây cất Đền Thờ (515
BC): ”Hàng kỳ mục Do-thái tiếp tục xây cất và thành công trong việc đó, theo lời
sấm của ngôn sứ Haggai và của ông Zechariah con ông Iddo. Họ hoàn thành công việc
xây cất đúng theo lệnh của Thiên Chúa Israel và lệnh của vua Cyrus, vua Darius,
và vua Artaxerxes của Batư. Nhà đó được xây xong ngày mồng ba tháng Ada, năm thứ
sáu triều vua Darius.” Con cái Israel ở các nơi, các tư tế, các thầy Lêvi, và
những người lưu đày trở về, hân hoan cử hành lễ khánh thành Nhà Thiên Chúa.
(2) Thiết lập lại các lễ nghi trong Đền
Thờ: Đã khoảng gần 70 năm kể từ khi Đền Thờ thứ nhất bị phá hủy; giờ hàng kỳ mục
phải giúp thiết lập trở lại các lễ nghi trong Đền Thờ và hàng tư tế cũng như
Lêvi. Điều này rất quan trọng để có sự chuyển tiếp dễ dàng cho các thế hệ theo
sau.
+ Dâng lễ vật hy sinh và đền tội: Để
khánh thành Nhà Thiên Chúa, họ đã dâng một trăm con bò, hai trăm con cừu đực, bốn
trăm con chiên, và bắt mười hai con dê đực, theo số các chi tộc Israel, làm lễ
tạ tội cho toàn thể Israel.
+ Thiết lập hàng tư tế và Levi: ”Họ
thiết lập hàng tư tế theo các phẩm trật của họ, và các thầy Lêvi theo các cấp bậc
của họ, để phục vụ Thiên Chúa tại Jerusalem, như đã chép trong sách Moses.”
+ Mừng lễ Vượt Qua (515 BC): ”Những
người đi đày trở về cử hành lễ Vượt Qua ngày mười bốn tháng thứ nhất. Các thầy
Lêvi, trăm người như một, đã thanh tẩy mình: tất cả đều thanh sạch, nên họ đã
sát tế chiên Vượt Qua cho những người đi đày trở về, cho anh em của họ là các
tư tế, và cho chính họ.”
2/ Phúc Âm: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai
nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành.”
2.1/ Ai là mẹ tôi và anh em tôi? Trình thuật kể: ”Mẹ và anh em Đức Giêsu đến gặp Người,
mà không làm sao lại gần được, vì dân chúng quá đông. Người ta báo cho Người biết:
“Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn gặp Thầy.”
Chúa Giêsu đáp lại: “Mẹ tôi và anh em
tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành.” Thoạt nghe câu
trả lời, nhiều người sẽ dễ dàng đi đến kết luận: Chúa Giêsu không có tình nghĩa
gia đình hay bất hiếu với Đức Mẹ. Điều này hoàn toàn thiếu cơ sở, vì ý của Chúa
Giêsu là muốn mở rộng gia đình của Thiên Chúa tới mọi người cho tất cả những ai
thi hành thánh ý Thiên Chúa; chứ không phải chỉ giới hạn trong vòng gia đình của
Ngài mà thôi.
2.2/ Đức Mẹ và các anh em của Chúa Giêsu:
Đức Mẹ không những là Mẹ vì đã sinh ra
Chúa Giêsu; nhưng còn là Mẹ theo tiêu chuẩn mà Chúa Giêsu tuyên bố: “nghe lời
Thiên Chúa và đem ra thực hành.” Đức Mẹ nghe và vâng lời Thiên Chúa suốt cuộc đời:
khi khấn giữ mình đồng trinh; khi thưa lời “Xin Vâng” với sứ thần Gabriel; tại
tiệc cưới Cana cũng như khi tìm thấy Chúa Giêsu trong Đền Thờ; khi đứng dưới
chân Thập Giá; và khi giữ lời trăn trối của Chúa Giêsu để trở thành Mẹ các môn
đệ và loài người. Nói tóm, Mẹ là gương mẫu cho những ai “nghe lời Thiên Chúa và
đem ra thực hành.”
Các anh em của Chúa Giêsu: Nhiều người
dựa vào câu này để chứng minh Chúa Giêsu có anh em và Đức Mẹ không thể đồng
trinh vì có nhiều con khác. Tiếng Hy-lạp chỉ có một danh từ “adelphos” để
chỉ anh em ruột, anh em họ, anh em kết nghĩa, hay anh em cùng chí hướng như
trong quân đội, dòng tu, hay bất cứ hiệp hội nào. Vì thế, không thể dựa vào từ
ngữ “adelphos” để kết luận như thế. Anh em của Chúa đề cập đến ở đây có
thể là anh em họ với Chúa, như Giacôbê và Gioan; hay có thể là các tông-đồ, những
người đồng chí hướng với Ngài. Các ông là anh em của Chúa không những theo tiêu
chuẩn tự nhiên, mà còn là anh em theo tiêu chuẩn là người “nghe lời Thiên Chúa
và đem ra thực hành;” vì các ông sẵn sàng bỏ mọi sự để đi theo Chúa rao giảng
Tin Mừng.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta phải tin vào sự quan phòng
của Thiên Chúa trong vũ trụ và trong cuộc đời chúng ta. Một niềm tin như thế sẽ
giúp chúng ta chấp nhận mọi chuyện xảy ra trong cuộc đời.
– Bổn phận của chúng ta là tìm ra và
thực hành ý định của Thiên Chúa. Ý định hiển nhiên nhất là lo sao cho chúng ta
và mọi người đều được hưởng ơn cứu độ mà Đức Kitô đã sắp sẵn.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
24/09/19
– THỨ BA TUẦN 25 TN
Lc
8,19-21
NGHE
VÀ THỰC HÀNH
“Mẹ
tôi và anh em tôi chính là những ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành.”
(Lc 8,21)
Suy niệm: Đức
Ma-ri-a “đang đứng bên ngoài” (c. 20), bị tách biệt khỏi nhóm các môn đệ đang
ngồi thật an bình hạnh phúc chung quanh Chúa Giê-su để nghe Ngài giảng dạy. Thế
nhưng Mẹ không đứng bên ngoài một mình mà đứng cùng với các anh em của Chúa
Giê-su. Mẹ cũng không bất ngờ khi nghe Chúa Giê-su, con của Mẹ, nói những lời
như thế. Hơn một lần – trong đền thờ khi Chúa Giê-su lên mười hai tuổi (Lc
2,49); tại tiệc cưới Ca-na (Ga 2,4) – Mẹ đã nghe Chúa nói: phải vượt qua mối
quan hệ gia đình theo “huyết nhục” để trở thành “mẹ và anh em của Chúa Giêsu” bằng
việc “nghe và thực hành Lời của Thiên Chúa”. Vì thế, Mẹ đã không chỉ “lắng nghe
và suy niệm trong lòng” cho riêng mình; Mẹ còn dẫn đưa những người thân của
mình đến với Chúa Giêsu để cũng trở thành người thân trong gia đình của Thiên
Chúa, giống như Mẹ đã làm tại tiệc cưới Ca-na: “Ngài bảo gì, các anh hãy cứ làm
theo” (Ga 2,5).
Mời Bạn: Dường
như những lo toan cho cuộc sống đã làm cho tôi ít để tâm đến Lời Chúa, dù vẫn
nghe Lời Chúa nhưng ít khi đem ra thực hành. Nếu chính tôi không dành một khoảng
lặng cho Chúa, làm sao đời sống của ta được thống nhất làm sao có được an bình
thật sự!
Sống Lời Chúa: Dù
cuộc sống của bạn có bận rộn thế nào đi nữa, bạn cũng tìm cho được ít phút dành
riêng cho Chúa để nghiền ngẫm lại Lời Chúa bạn đã nghe.
Cầu nguyện: Lạy
Chúa, lắm lúc con thấy cuộc sống xung quanh con thật xô bồ, ồn ào và trống rỗng.
Xin giúp con có được những khoảng thời gian trầm lắng bên Chúa, để kín múc lấy
sức mạnh từ Lời Chúa, hầu nội tâm con được vững vàng giữa bao thách đố của cuộc
đời.
(5 Phút Lời Chúa)
Mẹ tôi và anh em tôi
Suy niệm :
Chẳng rõ Đức Giêsu đã xa gia đình ở
Nadarét bao lâu,
mà hôm nay Mẹ và anh em Ngài mới đến gặp
Ngài.
Có phải vì nhớ, hay vì lo lắng do nghe
các lời đồn đại?
Để biết được Ngài đang ở đâu, thì phải
hỏi thăm,
bởi hồi đó chưa có những phương tiện
truyền thông như bây giờ.
Vì vậy chuyện Mẹ đến được chỗ của Con
là một nỗ lực không nhỏ.
Tiếc là khi đã đến nơi Con đang giảng
dạy,
thì Mẹ lại không làm sao vào được, vì
người đông quá (c. 19).
Chắc Mẹ đã nhờ ai đó vào báo cho Đức
Giêsu:
“Có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài
kia, muốn gặp Thầy” (c. 20).
Các sách Tin Mừng Nhất Lãm đều không
cho biết
Đức Giêsu có ra ngoài để đón tiếp Mẹ
và các anh em Ngài không.
Điều này khiến ta có cảm tưởng bầu khí
đón tiếp hơi lạnh lùng.
Nhưng cả ba Tin Mừng đều kể lại câu
nói gây sốc của Ngài:
“Mẹ tôi và anh em tôi chính là những
ai nghe lời Thiên Chúa
và đem ra thực hành” (c. 21).
“Mẹ tôi và anh em tôi” là ai? Một câu
hỏi quá dễ !
Hiển nhiên đó là những người đang đứng
ở ngoài kia.
Mẹ của Ngài là bà Maria, người phụ nữ
làng Nadarét,
người đã cưu mang, cho bú mớm, và chăm
lo dưỡng dục Ngài.
Anh em là những người họ hàng gần gũi,
tuy không phải là anh em ruột.
Mẹ và anh em của Đức Giêsu là những
người đang đứng ngoài nhà.
Ngài không hề khinh họ, nhưng Ngài tập
trung vào người trong nhà.
Những người ở trong nhà là những người
đang ngồi nghe lời Đức Giêsu.
Họ được mời gọi không nghe suông,
nhưng đem ra thực hành,
để trở thành mẹ và anh em của Ngài.
Như thế Đức Giêsu đã nới rộng gia đình
của Ngài.
Ngài không bó hẹp trong gia đình ruột
thịt, mà khai mở một gia đình mới.
Gia đình thiêng liêng thì rộng lớn hơn
nhiều,
và mỗi Kitô hữu đều có chỗ trong gia
đình đó.
Đức Giêsu có nhiều mẹ và nhiều anh chị
em.
Ai nghe và thi hành lời Thiên Chúa thì
trở nên mẹ của Ngài,
bởi vì, theo thánh Bêđa, qua gương
sáng và lời nói của họ,
họ sinh ra Ngài trong trái tim tha
nhân.
Đức Giêsu là Con, luôn nghe và thi
hành lời Thiên Chúa Cha.
Bất cứ ai sống như Ngài cũng trở nên
con Thiên Chúa,
nên lập tức trở nên anh chị em với
Ngài.
Chúng ta ít khi nghĩ tới chuyện mình
có họ hàng với Đức Giêsu.
Có một thứ liên hệ còn sâu nặng hơn cả
liên hệ máu mủ nữa.
Chúng ta mang dòng máu của Đức Giêsu,
dòng máu vâng nghe lời Chúa.
Chính Thiên Chúa nối kết Đức Giêsu và
cả nhân loại thành một gia đình.
Trong gia đình đó có chỗ quan trọng
cho Đức Maria,
vì hơn ai hết Mẹ là người đã lắng nghe
và thi hành lời Thiên Chúa.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu,
con đường dài nhất là con đường từ tai
đến tay.
Chúng con thường xây nhà trên cát,
vì chỉ biết thích thú nghe Lời Chúa dạy,
nhưng lại không dám đem ra thực hành.
Chính vì thế
Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.
Xin cho chúng con
đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa,
đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở
nên xa lạ.
Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh đất đời
mình,
để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng
truởng.
Ước gì ngôi nhà đời chúng con
được xây trên nền tảng vững chắc,
đó là Lời Chúa,
Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng
con.
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)
Hãy
Nâng Tâm Hồn Lên
24 THÁNG CHÍN
Một Đức Tin Trưởng Thành Trong Đức Kitô
Qua việc trao ban Bí Tích Thêm Sức,
Giáo Hội đẩy đến mức viên mãn sự sống ân sủng mà chúng ta đã tham dự vào nhờ
Phép Rửa. Để điều này có thể trở thành một thực tại sống động, chúng ta lặp lại
những lời cam kết đức tin trong giao ước với Thiên Chúa – là giao ước được ký kết
vào ngày chúng ta lãnh nhận Phép Rửa.
Ngày lãnh nhận Phép Rửa, những lời cam
kết đó đã được cha mẹ và người đỡ đầu nói lên thay cho chúng ta. Giờ đây chính
chúng ta sẽ tuyên bố giao ước này. Chúng ta tuyên bố từ bỏ Satan và tuyên xưng
đức tin của mình. Chúng ta đạt đến một đức tin cá nhân và trưởng thành vào Đức
Ki-tô. Chúng ta có thể nói: “Đó là đức tin của tôi!”.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
Lời
Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 24/ 9
Er 6, 7-8.12b.14-20; Lc 8, 19-21.
LỜI SUY NIỆM: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời
Thiên Chúa và đem ra thực hành.”
“Trở thành môn đệ của Chúa Giêsu là chấp nhận lời mời gọi thuộc về gia đình
Thiên Chúa, sống theo cách sống của Người: ‘Ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng
ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.’”(Mt 12,50)
Lạy Chúa Giêsu, xin cho các bậc cha mẹ biết đón nhận và tôn trọng, với tâm tình
tạ ơn mà Chúa dành ơn gọi cho một người con trong gia đình của mình.
Mạnh Phương
24 Tháng Chín
Hãy
Có Ánh Sáng
Năm 1963, trên màn ảnh truyền hình,
dân chúng Hoa Kỳ đang hồi hộp theo dõi hai phi hành gia Armstrong và Aldrin đặt
chân xuống mặt trăng, thì tại Houston thuộc tiểu bang Texas, một cậu thanh niên
tên là Thomas Franklin Caraway bị đưa lên ghế điện vì tội cướp của, giết người…
Cậu vừa lên 18 tuổi.
Trước đó, trong thời gian chờ đợi bị xử
tử, cậu đã đọc và nghiền ngẫm quyển kinh thánh mà một người nào đó đã tặng cậu.
Khi một ký giả hỏi cậu thích đoạn nào nhất, cậu giở lại trang đầu quyển kinh
thánh và đọc đoạn: “Hãy có ánh sáng và tức thì ánh sáng đã có”. Cậu lặp đi lặp
lại: “Và đã có ánh sáng. Ngày càng trôi qua, tôi càng nghĩ đến điều đó. Tất cả
ý nghĩa của cuộc sống nằm ở đó: ánh sáng đã che chở chúng ta khỏi những đêm dài
tăm tối”.
Giữa bốn bức tường đen tối của nhà tù,
Tình Yêu của Thiên Chúa đã đánh động được Thomas. Không có sự dữ nào mà Thiên
Chúa không thể biến thành sự thiện… Thiên Chúa quyền năng không bao giờ mong muốn
và tạo nên sự dữ cho con người, nhưng Tình Yêu của Người mãnh liệt đến nỗi có
thể biến sự dữ thành một cơ may phúc lộc cho con người.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét