Trang

Thứ Bảy, 11 tháng 7, 2020

12-07-2020 : (phần I) CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN năm A


12/07/2020
 Chúa Nhật 15 Thường Niên năm A
(phần I)

BÀI ĐỌC I: Is 55, 10-11
“Chúng làm cho đất phì nhiêu”.
Trích sách Tiên tri Isaia.
Đây Chúa phán: “Như mưa tuyết từ trời rơi xuống và không trở lên trời nữa, nhưng chúng thấm xuống đất, làm cho đất phì nhiêu, cây cối sinh mầm, cho người gieo có hạt giống, cho người ta có cơm bánh ăn, cũng thế, lời từ miệng Ta phán ra sẽ không trở lại với Ta mà không sinh kết quả, nhưng nó thực hiện ý muốn của Ta, và làm tròn sứ mạng Ta uỷ thác”. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 64, 10abcd. 10e-11. 12-13. 14
Đáp: Hạt giống rơi vào đất tốt, và sinh hoa kết quả (Lc 8, 8).
Xướng:
1) Chúa đã viếng thăm ruộng đất và tưới giội: Ngài làm cho đất trở nên phong phú bội phần. Sông ngòi của Thiên Chúa tràn trề nước, Ngài đã chuẩn bị cho thiên hạ có lúa mì. – Đáp.
2) Vì Ngài đã chuẩn bị như thế này cho ruộng đất: Ngài đã tưới giội nước vào những luống cày, và Ngài san bằng mô cao của ruộng đất. Ngài làm cho đất mềm bởi thấm nước mưa; Ngài chúc phúc cho mầm cây trong đất. – Đáp.
3) Chúa đã ban cho một năm hồng ân, và lốt xe ngự giá của Ngài khơi nguồn phong phú. Đống đất hoang vu có nước chảy đầm đìa, và các đồi núi vận xiêm-y hoan hỉ. – Đáp.
4) Đồng ruộng đông chật những đàn chiên dê, và các thung lũng được che lợp bằng ngũ cốc; muôn loài đều hát xướng và hoan ca. – Đáp.

BÀI ĐỌC II: Rm 8, 18-23
“Các tạo vật ngóng trông sự mạc khải của con cái Thiên Chúa”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, tôi nghĩ rằng những đau khổ ở đời này không thể sánh với vinh quang sắp tới sẽ được mạc khải cho chúng ta. Vì chưng các tạo vật ngóng trông sự mạc khải của con cái Thiên Chúa. Các tạo vật đã phải tùng phục cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn như vậy, nhưng vì Đấng đã bắt nó phải tùng phục với hy vọng là các tạo vật sẽ được giải thoát khỏi vòng nô lệ sự hư nát, để được thông phần vào sự tự do vinh hiển của con cái Thiên Chúa. Vì chúng ta biết rằng cho đến bây giờ, mọi tạo vật đều rên siết và đau đớn như người đàn bà trong lúc sinh con. Nhưng không phải chỉ có các tạo vật, mà cả chúng ta là những kẻ hưởng ơn đầu mùa của Thánh Thần, chúng ta cũng rên siết trong khi ngóng chờ phúc làm nghĩa tử và ơn cứu độ thân xác chúng ta. Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Ga 17, 17b và a
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Lời Cha là chân lý; xin hãy thánh hoá chúng trong sự thật”. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mt 13, 1-9 hoặc 1-23
“Kìa, có người gieo giống đi gieo lúa”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Ngày ấy, Chúa Giêsu ra khỏi nhà và đi đến ngồi ở ven bờ biển. Dân chúng tụ tập quanh Người đông đảo đến nỗi Người phải xuống thuyền mà ngồi, còn tất cả dân chúng thì đứng trên bờ. Và Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều. Người nói:
“Này đây, có người gieo giống đi gieo lúa. Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường, chim trời bay đến ăn mất. Có hạt rơi xuống trên đá sỏi, chỗ có ít đất, nó liền mọc lên, vì không có nhiều đất. Khi mặt trời mọc lên, bị nắng gắt, và vì không đâm rễ sâu, nên liền khô héo. Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc um tùm, nên nó chết nghẹt. Có hạt rơi xuống đất tốt và sinh hoa kết quả, có hạt được một trăm, có hạt sáu mươi, có hạt ba mươi. Ai có tai thì hãy nghe”.
Các môn đệ đến gần thưa Người rằng: “Tại sao Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ?” Người đáp lại: “Về phần các con, đã cho biết những mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không cho biết. Vì ai đã có, thì ban thêm cho họ được dư dật; còn kẻ không có, thì cái họ có cũng bị lấy đi. Bởi thế, Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ: vì họ nhìn mà không thấy, lắng tai mà không nghe và không hiểu chi hết. Thế mới ứng nghiệm lời tiên tri Isaia nói về họ rằng: ‘Các ngươi lắng tai nghe mà chẳng hiểu, trố mắt nhìn mà chẳng thấy gì. Vì lòng dân này đã ra chai đá, họ đã bịt tai nhắm mắt lại, kẻo mắt thấy được, tai nghe được, và lòng chúng hiểu được mà hối cải, và Ta lại chữa chúng cho lành’. Phần các con, phúc cho mắt các con vì được thấy; và phúc cho tai các con vì được nghe. Quả thật, Thầy bảo các con: Nhiều vị tiên tri và nhiều đấng công chính đã ao ước trông thấy điều các con thấy, mà không được thấy; mong ước nghe điều các con nghe, mà không được nghe.
“Vậy, các con hãy nghe dụ ngôn về người gieo giống: Kẻ nào nghe lời giảng về Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp lấy điều đã gieo trong lòng nó: đó là kẻ thuộc hạng gieo dọc đường. Hạt rơi trên đá sỏi là kẻ khi nghe lời giảng, thì tức khắc vui lòng chấp nhận, nhưng không đâm rễ sâu trong lòng nó, đó là kẻ nông nổi nhất thời, nên khi cuộc bách hại, gian nan xảy đến vì lời Chúa, thì lập tức nó vấp ngã. Hạt rơi vào bụi gai, là kẻ nghe lời giảng, nhưng lòng lo lắng việc đời, ham mê của cải, khiến lời giảng bị chết nghẹt mà không sinh hoa kết quả được. Hạt gieo trên đất tốt, là kẻ nghe lời giảng mà hiểu được, nên sinh hoa kết quả đến nỗi có hạt được một trăm, có hạt sáu mươi, có hạt ba mươi”. Đó là lời Chúa.


Suy Niệm: Những Ðòi Hỏi Của Ðức Tin
Lời Chúa bao giờ cũng cụ thể và nuôi sống con người. Nếu có khi nào chúng ta thấy Lời Chúa có vẻ xa vời không thiết thực, thì chẳng qua là tại chúng ta chưa lãnh hội được sức sống chứa đựng ở trong đó. Ðối với Lời Chúa mà chúng ta vừa nghe đọc trong thánh lễ hôm nay, ai đã không thấy cụ thể và sống động? Những bài Kinh Thánh ấy nêu lên một thắc mắc của mọi thời ở trong Dân Chúa; và dọi ánh sáng đức tin vào tâm trạng bất ổn của chúng ta, để thúc giục chúng ta càng tin tưởng nhiều hơn nữa.

A. Một Thắc Mắc Của Mọi Thế Hệ Tín Hữu
Quả vậy, niềm tin của mọi thời không ngớt bị thử thách. Nếu hiện tại chúng ta có những thắc mắc đối với đường lối của Chúa, thì trước chúng ta, dân Cựu Ước và các tín hữu tiên khởi thời các Tông đồ cũng đã bị dày vò trong chính những thắc mắc như vậy.
Bài sách Isaia hôm nay rõ ràng muốn giải tỏa một trong những thắc mắc như thế. Chúng ta biết Israel là Dân được Chúa chọn làm sở hữu. Ngài đã phải dùng cánh tay mạnh mẽ để đưa họ ra khỏi đất nô lệ. Ngài hứa sẽ đời đời trung tín với giao ước. Và chắc chắn trong giao ước có Lời Hứa cho dòng dõi Abraham sẽ nhiều như sao trên trời và như cát ngoài biển. Lại còn viễn tượng mọi dân tộc sẽ lấy số phận của Israel mà chúc phúc cho nhau nữa. Tức là mọi dân nước sẽ thèm số phận của Israel.
Thế mà miêu duệ Abraham hiện bị phân tán, lưu lạc ở mọi nơi. Ða số đang sống cuộc đời lưu đày khổ sở ở Babylon. Lời Chúa hứa đâu còn gì nữa? Ðền thờ cũng không còn nữa, mà tư tế với tiên tri cũng bị đuổi ra khỏi nước. Vua, đấng được xức dầu cũng đã bị giết. Không những không hơn được ai, mà Israel lại còn là dân "trâu ngựa" hơn hết thảy. Mà thử thách đâu có mau qua! Lần này, dân chịu cảnh lưu đày phương Bắc đã xấp xỉ 200 năm đối với Samari và 100 năm đối với Yuđa. Chẳng có một tia hy vọng nào.
Nghe nói ở xa xa có một tướng quân Cyrus nào đó đang chinh phạt thế giới. Nhưng ông ta không phải là miêu duệ Abraham. Ông ta có chiếm được đất Babylon này, thì Dân Chúa cũng thế thôi. Chúa có thật đã hứa với Tổ phụ Dân những điều tốt đẹp như Sách Thánh kể không? Ngài có thật là Ðấng trung tín sẽ đời đời giữ Lời giao ước không? Sao Ngài để Dân có Lời Hứa long trọng như vậy phải lầm than quá sức thế này? Có nên tiếp tục tin Lời Chúa nữa, hay là bắt đầu sống như dân ngoại cho xong?
Ðó là bối cảnh của bài sách Isaia hôm nay. Chúng ta thấy Lời Chúa không xa chúng ta tí nào. Nhưng trước khi xem Ngài trả lời cho những thắc mắc trên, chúng ta hãy tiếp tục lắng nghe nỗi lòng của thế hệ tín hữu tiên khởi.
Ðây không còn phải là dân Israel cũ nữa, nhưng là Dân mới được Ðức Kitô cứu chuộc nhờ cuộc khổ nạn-phục sinh của Người. Dân Kitô hữu mới lúc đầu cũng đầy hứa hẹn. Thánh Thần đã ban ơn chan hòa. Các Tông đồ giảng dạy dạn dĩ và đầy quyền năng. Các tín hữu sốt sắng và đồng tâm ý hợp. Chẳng bao giờ người ta thấy loài người thương mến nhau như vậy. Nhưng rồi mọi sự lại bắt đầu buồn chán. Người Dothái vẫn khăng khăng không chấp nhận đức tin mới. Dân ngoại muốn theo Chúa, nhưng vua quan lại bắt bớ. Ngay đến nội bộ Hội Thánh cũng bắt đầu chán nản: nhiều người tội lỗi và thậm chí có nhiều kẻ bỏ đức tin. Nước Thiên Chúa mà Ðức Kitô đã sáng lập có hơn gì những phong trào trước đây trong lịch sử loài người không? Lời Chúa nói với Con Một của Ngài trong thời kỳ sau hết có hiệu nghiệm hơn Lời mạc khải trong Cựu Ước không?
Chúng ta phải nhìn thấy những bối cảnh như vậy mới hiểu được bài Tin Mừng và bài sách Isaia hôm nay. Cả hai bài đều nói đến Lời Chúa, và hiệu năng của Lời Chúa. Dân Cựu Ước hỏi rằng: Lời Chúa đã mạc khải cho cha ông họ có đi đến đâu không? Và Dân Tân Ước cũng đặt nghi vấn, không hiểu Lời mạc khải nơi Ðức Yêsu Kitô có đem lại hạnh phúc thật như đã hứa không? Và chúng ta cũng phải nhớ một bối cảnh như thế để hiểu bài thơ Phaolô. Thánh Tông đồ không những cũng thắc mắc về số phận tương lai của dân tín hữu và của loài người, mà còn đặt thắc mắc về hạnh phúc của toàn thể vũ trụ nữa.
Chúng ta hãy xem đức tin dọi ánh sáng thế nào trên các khắc khoải ngàn đời ấy.

B. Giải Ðáp Của Ðức Tin
Bài sách Isaia thi vị nhưng không thiếu phần thiết thực. Nếu đọc những câu trước và sau đoạn trích hôm nay, chúng ta còn thấy rõ tư tưởng của tác giả hơn nữa. Ông tuyên sấm Lời của Chúa trong giai đoạn đen tối của lịch sử Dân Chúa. Dân đang ngao ngán và dường như đã tuyệt vọng. Thì này, Lời Chúa phán: Ngươi sẽ chiêu tập dân tộc người không biết; dân tộc không biết ngươi sẽ chạy đến với ngươi... Các ngươi sẽ ra đi mừng rỡ và được rước về bình an.
Lại những lời hứa suông nữa sao? Không, đây là lý do để Dân Chúa tin tưởng. Trời cao hơn đất thế nào, đường lối của Ngài cũng hơn ý nghĩ của loài người như vậy. Loài người thấy bi quan trong gian truân thử thách; Thiên Chúa thấy tất cả sẽ thành tựu theo ý nghĩ của Ngài. Vì mưa với tuyết từ trời sa xuống không lùi lại về trời nếu không thấm nhuần đất đai sinh sôi nảy nở thì Lời từ miệng Chúa phán ra cũng không trở về với Ngài nếu không thực hiện mọi điều Ngài muốn. Ðịnh luật trong thiên nhiên rõ ràng chắc chắn. Và những định luật ấy cũng là những ý định của Chúa. Thì tại sao loài người có thể hoài nghi về sự chắc chắn của những Lời Chúa hứa?
Lập luận của Isaia vững vàng. Và những ai chấp nhận vẫn tin vào Chúa và đã thấy lịch sử làm chứng Chúa luôn luôn trung tín với Lời giao ước. Tướng quân Cyrus đã đem lại cho dân lưu đày cơ hội trở về quê hương. Chúa đã thực thi lời hứa giải phóng. Và nhất là, cuối cùng Ngài đã sai Con Một Ngài xuống thế cứu dân khỏi tội lỗi và ban Thánh Thần quy tụ các dân tộc nên một. Ở nơi Chúa Yêsu Kitô, mọi lời hứa trong Cựu Ước đã nên trọn.
Nhưng còn nơi chính Hội Thánh của Chúa, nơi Nước Trời mà Ðức Yêsu Kitô đã thiết lập? Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy vấn đề và giải đáp được nêu lên cũng không khác thời Isaia là mấy. Tuy nhiên, nơi miệng Ðức Yêsu Kitô chân lý mặc hình thức vừa đơn sơ vừa sinh động hơn. Còn gì đơn sơ hơn hình ảnh và công việc của người gieo giống? Chúng ta chỉ cần nhìn. Trên đường đi có hạt rơi xuống chỗ này chỗ kia và không kết quả gì hết. Nói đúng hơn người đi gieo cũng như kẻ quan sát không hề để ý đến số hạt rơi mất dọc đường. Ðiều quan trọng là cuối cùng công việc gieo giống này sẽ kết quả ra sao. Thế mà thóc giống sẽ sinh hoa kết quả nơi đất tốt: hạt được 100, có hạt 60, có hạt 30. Chúa Yêsu trong chính bài dụ ngôn của Người, chỉ để ý đến câu kết luận đó. Và Người muốn nói: cuối cùng Nước Trời sẽ thành tựu; thành tựu một cách tất nhiên chắc chắn, như công việc tự nhiên của người gieo giống.
Người đã kể dụ ngôn đó về Nước Trời. Áp dụng vào chính công việc Người đang làm, các môn đệ đừng sợ Lời Giảng của Người không đem lại kết quả khi thấy công lao vất vả hàng ngày của Người không gặt hái được gì cụ thể. Khi người đi gieo giống đang gieo thì chưa phải là mùa gặt. Lúc hạt giống đã nằm xuống đất và nát ra, bấy giờ sẽ mọc lên cây. Thế thì tại sao các tín hữu thời các Tông đồ có thể quên bài học ấy? Tại sao họ bắt đầu nghi ngờ công hiệu của việc rao giảng Lời Chúa khi gặp phải những thái độ bịt tai chống đối bắt bẻ, bỏ tù hay nguội lạnh, tội lỗi? Hội Thánh đã quên mình đang lữ thứ trần gian rồi sao?
Thánh Phaolô trong bài thư hôm nay nhắc lại chân lý ấy. Người còn nói mạnh hơn: thời gian chúng ta đang sống hãy còn là giai đoạn thai nghén. Hơn nữa những khó khăn đau khổ hiện tại không phải là những cơn đau của người phụ nữ đang sinh con ư? Chúa Yêsu đã có lần gợi lên hình ảnh ấy để nhắc nhủ các môn đệ nhớ có lúc họ sẽ phải khóc lóc khi thế gian vui mừng; nhưng rồi không ai sẽ cất được sự vui mừng của họ, khác nào sự vui mừng của người mẹ sau khi sinh con.
Người tín hữu của Chúa ở mọi thời có thể thấy thắc mắc của mình đã được đức tin soi sáng. Họ có lý để tự hỏi vì sao Lời Chúa hứa ban hạnh phúc như không hiệu nghiệm. Nhưng nếu họ đã tin vào các định luật tự nhiên trong trời đất, thì họ cũng phải tin hơn nữa vào giao ước của Chúa. Hơn nữa Lời Chúa trong giao ước còn long trọng hơn nhiều vì là lời thề hứa. Họ phải có lòng tin vào đường lối hướng dẫn lịch sử của Chúa và chắc chắn kẻ tin vào Chúa sẽ không bị hổ ngươi, vì những đau khổ hiện tại không là gì sánh với vinh quang sẽ tới.
Như thế, không có nghĩa là họ thụ động chờ cho cơn giống tố qua đi và ngày mai trời bừng sáng. Ðức tin Kitô giáo phải làm việc. Như người đi gieo tin ở thành quả do công việc mình làm, người tín hữu cũng phải sống động trong đức tin. Và điều này, rõ ràng bài Tin Mừng muốn ám chỉ trong phần giải thích dụ ngôn.

C. Những Ðòi Hỏi Của Ðức Tin
Chỉ cần một phân tích đơn sơ cũng đủ để nhận ra có một sự chuyển hướng nào đó từ bài dụ ngôn sang phần giải thích. Tác giả sách Tin Mừng khéo léo đặt ra những câu sang ý. Ông cho các môn đệ đến xin Chúa cắt nghĩa bài dụ ngôn, và ông đã gói ghém phương hướng giải thích ngay trong câu Chúa trả lời: đã ban cho các con biết mầu nhiệm Nước Trời; còn không ban cho các kẻ ấy, vì kẻ có thì sẽ được thêm, còn kẻ không có thì điều có cũng bị giựt mất.
Chúng ta thấy ngay, Chúa đã phân biệt môn đệ với quần chúng. Và Người đề cao vinh dự cũng như hạnh phúc của môn đệ. Họ được biết các mầu nhiệm Nước Trời. Và sở dĩ như vậy, một phần vì họ có khả năng, có điều kiện để lĩnh hội. Họ biết xem biết nghe, chứ không như những kẻ khác có mắt có tai mà không thấy không nghe gì cả.
Thế rồi tác giả xây dựng phần giải thích dụ ngôn trên tiền đề đó. Tất cả không nhằm vào điểm chung cục nữa. Phần giải thích nhắm vào các hạt rơi mất đi. Nói đúng hơn, yếu tố được để ý là các thứ đất khác nhau đã đón nhận hạt gieo. Chúng đã làm hạt giống hư đi vì thiếu khả năng. Và theo Matthêô, khả năng ở đây là phải hiểu được Lời Chúa. Vì kẻ nào nghe Lời giảng về Nước Trời mà không hiểu thì quỷ dữ đến cướp lấy; trong khi kẻ nghe lời giảng mà hiểu được thì sinh hoa kết quả.
Nhưng hiểu ở đây là gì? Có lẽ thay vì dùng từ ngữ này, chúng ta hãy dùng chữ "lĩnh hội". Lĩnh hội cũng là hiểu; nhưng lĩnh hội gợi lên thái độ đón nhận, bao bọc lấy lời đã nghe, thành ra lời rao giảng không vào tai này ra tai khác, nhưng sẽ dừng lại, rơi vào lòng và gặp được suy nghĩ sẽ trở nên phong phú và phát xuất ra việc làm, khiến đức tin trở thành đức tin sống động.
Như vậy Lời Chúa nói với chúng ta hôm nay không những đã soi sáng một thắc mắt ngàn đời của các thế hệ tín hữu, mà còn đề ra con đường ánh sáng, để chúng ta đi vào trong những lúc gặp khó khăn. Nhiều lúc quả thật chúng ta như thấy mù mịt. Hiện tại nhiều thử thách đau thương, mà tương lai cũng tối tăm dầy đặc. Chúng ta bị cám dỗ hoài nghi cả đường lối của Chúa và không còn hy vọng vào Lời Người đã hứa. Nhưng nếu những định luật thiên nhiên kia còn chắc chắn, huống nữa là Lời Chúa! Lịch sử trong quá khứ không làm chứng Chúa trung tín tuyệt đối sao? Và thánh Phaolô bảo chúng ta là những kẻ hưởng khai ân của Thần khí, tức là đã nắm giữ được bảo chứng của vinh quang Nước Trời rồi. Những đau khổ hiện tại phải kích thích niềm tin tưởng chờ đợi ơn Chúa cứu độ. Không phải là một niềm tin lười biếng từ chối nỗ lực phấn đấu; nhưng là một niềm tin yêu mến đón nhận Lời Chúa vào lòng để suy nghĩ, trau dồi và phát sinh ra những công việc phù hợp với đức tin. Một cuộc đời như vậy sẽ chẳng khác nào đòi một người gieo giống, tha thiết với công việc làm vì tin vào thu hoạch sau này.
Chính Chúa Yêsu Kitô giờ đây cũng làm công việc ấy. Người đã gieo Lời của Người nơi cộng đồng chúng ta. Người còn muốn lấy Máu Thánh tưới trên Lời đã gieo. Và Người ban Thánh Thể kích thích chúng ta lĩnh hội Lời ấy. Nếu chúng ta đón nhận thật sự, không để Lời vào tai này ra tai kia, nhưng rơi vào lòng, được ấp ủ bằng suy nghĩ và cầu nguyện, rồi mọc thành cây nhiều công việc khác nhau, thì chắc chắn có hạt sẽ sinh 100, có hạt 60, có hạt 30.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật 15 Thường Niên, Năm A
Bài đọcIsa 55:10-11; Rom 8:18-23; Mt 13:1-23
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hiệu quả và lợi ích của Lời Chúa.
 Lời phát ra từ miệng của một người gây ra những hậu quả khác nhau nơi người nghe: có người chăm chú lắng nghe và ghi nhận trong tâm hồn, có người lắng nghe cho qua lần chiếu lệ hay nghe như “nước đổ đầu vịt,” có người tuy ngồi đó nhưng chẳng nghe gì cả vì trí óc còn bận tâm những chuyện khác, có người nghe để tìm sơ hở của người nói để bắt bẻ hay truy tố… Tùy vào cách lắng nghe, những lời của diễn giả nói sẽ sinh lợi ích hay thiệt hại cho khán giả.
 Các bài đọc hôm nay dùng nhiều hình ảnh khác nhau để nhấn mạnh tới sự chuẩn bị con người cần có khi lắng nghe Lời Chúa. Trong bài đọc I, ngôn sứ Isaiah dùng hình ảnh của mưa và tuyết sa xuống từ trời. Mục đích của chúng là để thấm nhuần đất đai để cho hạt giống được nẩy mầm và tăng trưởng, để người gieo có hạt giống và người đói có bánh ăn. Lời Chúa cũng thế, một khi đã nói ra sẽ không trở về với Ngài sau khi đã thấm nhập vào trí óc và sinh ích lợi cho con người. Trong bài đọc II, Lời Chúa mặc khải cho con người biết Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa, để con người hiểu biết tình trạng cuộc đời mình và giữ vững niềm hy vọng sẽ được sống lại với Thiên Chúa trong vinh quang. Trong Phúc Âm, Lời Chúa được ví như hạt giống mà một nông phu ra đi vãi gieo. Nó có thể rơi bên vệ đường, trong chỗ đá sỏi, trong bụi gai hay rơi vào đất tốt. Tùy chỗ rơi vào mà hạt giống sẽ cho những kết quả khác nhau.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Ngôn sứ Isaiah chú trọng đến tính liên tục của Lời Chúa.
1.1/ Lời Chúa được so sánh như mưa và tuyết từ trời rơi xuống: Ngôn sứ Isaiah liệt kê 4 công dụng hay mục đích của mưa tuyết mà nhà nông nào cũng có thể hiểu cả.
(1) Thấm nhập và làm cho đất được phì nhiêu: Đất đai không có nước sẽ trở nên cằn cỗi và khô cứng như đá. Trước khi gieo hạt, nông phu phải cuốc hay cày bừa làm cho đất cứng vỡ ra, rồi đợi mưa hay tuyết rơi xuống làm cho đất xốp hay mềm. Không có nước chẳng hạt giống nào có thể nảy mầm được chứ đừng nói tới việc sinh trái.
(2) Giúp cây cối sinh hoa kết quả: Hạt giống được gieo vào miền đất đã chuẩn bị sẽ có cơ hội nảy mầm, mọc lên lớn mạnh, và sinh hoa kết trái. Tùy vào sự phì nhiêu của đất và nước, hạt giống sẽ cho những kết quả khác nhau: nhiều hay ít, ngọt ngào hay chua chát…
(3) Giúp nhà nông có hạt giống để trồng: Trong sự quan phòng của Thiên Chúa, hạt giống được gieo ra sẽ cho hàng trăm, ngàn những hạt giống khác từ hoa quả của nó. Nhà nông sẽ để dành những hạt giống tốt để tiếp tục gieo mùa sau.
(4) Mục đích tối hậu của hạt giống là giúp con người có lương thực: Trong sự quan phòng của Thiên Chúa, các hạt giống là để cho thú vật và con người có cơm bánh ăn. Nếu không có các hạt giống thì cũng chẳng có sự sống trên trái đất này.
Đó là tất cả mục đích của mưa và tuyết, chúng sẽ không trở lên trời và tiếp tục mưa xuống cho tới khi hoàn thành những mục đích đã tiên liệu cho chúng.
1.2/ Tính liên tục của Lời Chúa: Hạt giống không thể sinh hoa kết trái nếu vùng đất chỉ mưa tuyết một lần, chúng đòi lượng nước đủ để có thể lớn mạnh và sinh quả. Cũng vậy, Lời Chúa cần được gieo nhiều lần như mưa tuyết vào lòng con người. Trình thuật muốn nhấn mạnh tới sự liên tục quan tâm của Thiên Chúa trong việc tác động vào trí óc và trái tim con người để họ tin Thiên Chúa và hành động cách xứng hợp. Lời Chúa gieo ra có thể chưa có hiệu quả ngay lần đầu, nhưng cứ thấm nhập mỗi ngày một tí. Lời Chúa gieo ra có thể chưa sinh hoa kết quả ngay nhưng nhưng đã có những chồi non đợi ngày sẽ sinh hoa kết trái.
Lời ở đây có thể hiểu theo ý nghĩa sâu xa hơn là Ngôi Lời. Chúa Giêsu là Lời phát xuất từ Thiên Chúa ngay từ khi tạo dựng trời đất và sẽ không trở về với Thiên Chúa cho tới khi hoàn tất việc cứu chuộc con người.
2/ Bài đọc II: Những đau khổ chúng ta chịu bây giờ không sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta.
Trồng cấy là một tiến trình đòi nhiều thời gian, khổ đau, và kiên nhẫn. Nông phu phải vất vả đổ mồ hôi từ chỗ cày bừa, gieo hạt, bón phân, vun tưới, thì mới có ngày mùa thắng lợi vinh quang. Nếu một nông phu không qua tiến trình này, anh sẽ chẳng mùa gặt hái. Thánh Phaolô dùng một hình ảnh khác cho toàn bộ cuộc đời con người. Các tín hữu cũng phải trải qua một tiến trình tương tự, cũng đòi nhiều hy sinh, gian khổ, và kiên nhẫn còn hơn nhà nông trước khi đạt tới kết quả vinh quang là ơn cứu độ Thiên Chúa đã dành sẵn cho con người.
2.1/ Sự cần thiết của khổ đau: Vinh quang có được là phải đi qua con đường đau khổ, đường rộng rãi thênh thang chỉ dẫn đến chỗ diệt vong. Chính Đức Kitô đã mặc khải cho chúng ta chân lý này, và Ngài đã làm gương cho chúng ta bằng cách trải qua cùng tận đau khổ để mang ơn cứu độ đến cho muôn người.
Ai cũng nhận ra cuộc đời là bể khổ. Thánh Phaolô diễn tả cuộc đời đau khổ như sau: “Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở. Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng.” Điều này xảy ra, “không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy.” Vì thế, không ai có thể tránh được con đường đau khổ cả.
Nhưng đâu là ý nghĩa hay mục đích của đau khổ? Có rất nhiều, nhưng chúng ta chỉ có thể liệt kê những lợi ích chính trong khuôn khổ của bài viết: Thứ nhất, đau khổ giúp chúng ta cảm nhận được tình yêu của những người đã hy sinh cho chúng ta. Thứ hai, đau khổ giúp chúng ta định giá đúng giá trị của cuộc đời. Thứ ba, đau khổ thanh luyện con người, giúp chúng ta trở nên như những người con của Chúa. Ngài đã hy sinh cứu chuộc chúng ta, đến lượt chúng ta cũng phải hy sinh cho người khác được sống.
2.2/ Vinh quang con người nhận được sau đau khổ: Tuy nhiên, đau khổ chỉ tạm thời, chính thánh Phaolô đã quả quyết: “Thật vậy, tôi nghĩ rằng: những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta… Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người.” Đau khổ nhất của con người và của các loài thọ tạo là sự hủy diệt, nhưng ngay cả đau khổ này cũng chỉ tạm thời, vì tất cả “vẫn còn niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang.”
Con người không phải đợi đến Ngày Phán Xét mới nhận được vinh quang cứu độ từ Thiên Chúa, họ đã cảm nghiệm được điều đó ngay từ đời này. Thánh Phaolô diễn tả thực tại này như sau: “Chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa.” Lãnh nhận Thánh Thần là xác nhận quyền làm con để chúng ta có thể gọi Thiên Chúa là Cha. Ngài đã gieo vào lòng chúng ta những ân huệ của Thánh Thần để chúng ta có thể sống nhân đức như những người con của Thiên Chúa ngay từ đời này.
3/ Phúc Âm: Matthêu chú trọng đặc biệt đến bốn mảnh đất mà Lời Chúa được gieo vào.
Chúa Giêsu đã cắt nghĩa rõ ràng ý nghĩa của dụ ngôn, chúng ta chỉ cần chú ý đến khía cạnh thực tế của đời sống của các tín hữu.
3.1/ Vệ đường: là những người nghe qua mà không hiểu nên quỷ dữ đến cướp đi cũng như hạt giống bị chim trời ăn mất. Để Lời Chúa sinh ích lợi, con người cần có sự chuẩn bị chu đáo trước khi nghe: thời gian để tâm hồn lắng đọng, cầu nguyện với Thánh Thần để xin ơn soi sáng cho hiểu được ý nghĩa thực sự của Lời Chúa. Đến nhà thờ khi thánh lễ đã bắt đầu có thể được ví như những người này.
3.2/ Đá sỏi: là những kẻ nghe qua thì vui vẻ đón nhận; nhưng không để cho Lời Chúa thấm sâu vào đời sống, giống như hạt giống rơi vào đá sỏi không thể đâm rễ sâu vì ít đất. Những kẻ này khi gặp gian nan khốn khó vì Lời Chúa sẽ vấp ngã ngay cũng như hạt giống sẽ bị khô héo khi mặt trời nóng lên. Để Lời Chúa sinh lợi ích không phải chỉ lắng nghe, nhưng còn đòi một người phải để tâm suy niệm và mang ra áp dụng trong đời sống. Lời Chúa có sức để làm cho đức tin tăng trưởng. Nếu đức tin không vững mạnh, làm sao một người có thể đứng vững trước những phong ba của cuộc đời!
3.3/ Bụi gai: những kẻ cũng để cho Lời Chúa lớn lên nhưng không sinh hoa kết quả được vì bị gai góc bóp nghẹt. Gai góc đây là những lo lắng ưu tư về cuộc đời phải ăn gì, uống gì và có gì. Lời Chúa đòi con người phải chọn lựa: hoặc hạnh phúc đời này hoặc hạnh phúc đời sau, chứ không thể bắt cá hai tay.
3.4/ Đất tốt: những kẻ nghe và hiểu Lời Chúa, đồng thời để cho Lời Chúa hướng dẫn cuộc đời họ; tùy theo mức độ tốt, họ sẽ sinh lời 30, 60, hay 100. Thửa ruộng tốt là những người biết bỏ nhiều thời gian để dọn dẹp tâm hồn cho Lời Chúa được gieo vào, không để những giá trị hào nhoáng của thế gian làm xao lãng việc học hỏi Lời Chúa, dành nhiều thời gian ưu tiên cho việc học hỏi Lời Chúa vì “vô tri bất mộ,” suy niệm Lời Chúa đêm ngày, và tìm mọi dịp áp dụng Lời Chúa trong cuộc đời.
Sau đây là kinh nghiệm sống của một chứng nhân trong Vietcatholic: Thật Chúa đã để cho hạt của tôi có lúc thì như:
(1) Kẻ thuộc hạng gieo dọc đường: Đây là thời gian tôi còn ở tuổi vị thành niên ham chơi và ưa tìm những thú vui vật chất. Chúa lúc này vắng bóng trong cuộc đời tôi vì tôi chưa biết Ngài.
(2) Kẻ thuộc hạng rơi trên đá sỏi: Đây là khoảng thời gian tôi còn bôn ba và rất vất vả để tự lực cánh sinh lo cho thân phận của tôi để đi vào đời trong cùng những lạc lõng, bơ vơ, vật vã lo toan cho hiện tại và tương lai của mình. Thời gian này tôi có cảm nhận được có Chúa trong đời nhưng tôi không có thời giờ dành cho Chúa.
(3) Kẻ thuộc hạng gieo trên đất tốt: Cách đây được vài năm cho đến bây giờ mới là khoảng thời gian mà thân tôi mới bớt gian khổ. Giờ thì cây tôi cũng ở được nửa đoạn đời và cũng bao mùa có cống hiến được cho đời trái ngon trái ngọt tuy không nhiều nhưng cũng tạm đủ để dâng lên cho Chúa tôi làm của Lễ Tạ Ơn.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Trở nên tốt và hữu ích là một tiến trình giống như tiến trình của hạt giống trước khi thành cây và sinh hoa kết quả. Hãy để cho Lời Chúa liên tục thấm nhập vào lòng mỗi ngày một chút cho tới khi thành thửa ruộng phì nhiêu.
– Tiến trình này đòi hỏi liên tục rất nhiều ơn thánh và Lời Chúa mỗi ngày cũng như sự cộng tác cá nhân.
– Bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể đều quan trọng như nhau. Lời Chúa chuẩn bị tâm hồn chúng ta để lãnh nhận chính Ngài. Nếu không biết chuẩn bị tâm hồn, Chúa có vào cũng chẳng sinh ích lợi gì. Vì thế, chúng ta đừng bao giờ đi lễ trễ, sau khi Lời Chúa đã bắt đầu công bố.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

12/07/2020 – CHÚA NHẬT TUẦN 15 TN – A
Mt 13,1-23


NGƯỜI GIEO GIỐNG LẠC QUAN
Chúa Giê-su dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều. Người nói: “Người gieo giống ra đi gieo giống.” (Mt 13,3)

Suy niệm: Những loài cây họ đậu có một khả năng đặc biệt. Bộ rễ của nó có những nốt sần tích tụ chất đạm từ trong khí trời. Khi nó chết đi, chất đạm trong bộ rễ của nó biến thành một thứ phân bón giúp cải tạo đất xấu thành đất tốt. Thiên Chúa chính là người chủ ruộng này. Ngài gieo hạt giống Lời Chúa vào mọi tâm hồn, bất kể người tốt kẻ xấu. Điều Ngài mong muốn là mọi tâm hồn đều phải được đón nhận Lời Ngài, dù họ chưa sẵn sàng đón nhận, dù họ trổ sinh bông hạt ít hay nhiều. Ngài có lý do để lạc quan và hào phóng như thế không chỉ vì hạt giống Lời Chúa không bao giờ sợ cạn kiệt, mà cũng như các loại cây họ đậu, Lời Ngài còn có sức cải tạo những mảnh hồn sỏi đá, gai góc trở thành những cánh đồng tốt tươi màu mỡ.
Mời Bạn: Bạn có nản lòng vì mình nghe Lời Chúa đã nhiều mà chưa sinh hoa trái gì? Hoặc bạn có bi quan vì đã đổ ra biết bao công khó trong công việc tông đồ mà kết quả chỉ là số không? Mời bạn chiêm ngắm vị Thiên Chúa đầy lạc quan và nhẫn nại qua dụ ngôn người gieo giống và bạn ghi nhớ lời trong thư thánh Phao-lô: “Hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện…” (2Tm 4,2-5).
Chia sẻ: Bạn có sáng kiến gì để phát triển việc Chia Sẻ Lời Chúa trong giáo xứ, gia đình, hoặc cộng đoàn của bạn?
Sống Lời Chúa: Dành thời gian thích hợp để suy niệm Lời Chúa mỗi ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, dù tâm hồn con có chai lì khô cứng, Chúa cũng không coi đó là một mảnh đất bỏ đi, xin cho con không bao giờ nản lòng nhưng luôn quảng đại và nhiệt thành rao giảng Lời Chúa cho anh chị em con.
(5 Phút Lời Chúa)


Nghe và hiểu (12.7.2020 – Chúa nhật 15 Thường niên năm A)
Suy Niệm

Dụ ngôn người gieo giống đầy tính lạc quan, hy vọng.
Ðức Giêsu gieo hạt giống Lời Chúa khắp nơi.
Có hạt bị chim trời ăn mất, khi chưa kịp nảy mầm.
Có hạt bị khô cháy khi chưa bám rễ.
Có hạt đã thành cây, nhưng bị gai làm chết ngạt.
Thực tế đau buồn ấy làm nản lòng nhiều người.
Ðức Giêsu đã gặp biết bao chống đối và thất bại.
Ngài có thật là Ðấng được Thiên Chúa sai đến
để thiết lập Nước Trời trên trần gian không?
May thay có những hạt rơi vào đất tốt,
và đem lại kết quả gấp bội.
Nhìn vào khuôn mặt của Giáo Hội hôm nay,
nhiều người thất vọng trước những khó khăn, khủng hoảng.
Ðức Giêsu khuyên ta hãy vững lòng.
Lời Chúa vẫn còn gặp được mảnh đất phì nhiêu.
Dụ ngôn người gieo giống đòi chúng ta phải xét mình
Có bao hạt Lời Chúa được gieo vào lòng tôi?
Ðâu là số phận của chúng?
Có hạt rơi vào lòng tôi như rơi trên mặt đường.
Tôi nghe mà không hiểu.
Không hiểu vì không muốn hiểu, vì cố tình né tránh,
bởi lẽ Lời Chúa đòi tôi hoán cải và từ bỏ mình.
Thế là Lời Chúa trượt đi như nước đổ lá khoai.
Có hạt rơi vào lòng tôi như rơi trên đất đá.
Tôi vội vã, hớn hở đón lấy ngay,
nhưng chỉ dừng lại ở bề mặt hời hợt.
Lời Chúa không đâm rễ sâu trong mảnh đất đời tôi.
Khi thử thách gay gắt của cuộc sống ập đến,
tôi té nhào và bỏ cuộc, chẳng dám sống Lời Ngài.
Có hạt rơi vào lòng tôi như rơi trong bụi gai.
Bụi gai là nỗi lo âu chuyện đời, là đam mê của cải.
Bụi gai bóp nghẹt, làm cây Lời Chúa không sinh trái.
Có hạt rơi vào long tôi như rơi vào đất tốt.
Tôi nghe và hiểu.
Tôi hiểu được là nhờ dám sống Lời Chúa trong đời.
Chỉ ai hiểu nhờ sống mới đem lại mùa bội thu.
Dụ ngôn trên đòi tôi xét lại thái độ nghe Lời Chúa,
đòi tôi cải tạo lại mảnh đất lòng mình.
Có biết bao gai góc, đá sỏi trong mảnh đất đời tôi.
Có bao hạt giống bị mất mát vì tôi từ khước.
Nếu tôi dám để cho một câu Lời Chúa tự do lớn lên
thì đời tôi sẽ hoàn toàn thay đổi.
Hôm nay, tôi được mời gọi đi gieo hạt.
Nhưng trước hết, tôi cần được Lời Chúa biến đổi,
cần hiểu sâu nhờ dám sống Lời Chúa tận căn.
Xin Chúa giúp tôi tìm ra những lối gieo mới,
để Lời Chúa sai trái hơn trong thế giới hôm nay.
 Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.
Chúng con thường xây nhà trên cát,
vì chỉ biết thích thú nghe Lời Chúa dạy,
nhưng lại không dám đem ra thực hành.
Chính vì thế
Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.
Xin cho chúng con
đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa,
đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ.
Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh đất đời mình,
để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng trưởng.
Ước gì ngôi nhà đời chúng con
được xây trên nền tảng vững chắc,
đó là Lời Chúa,
Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
12 THÁNG BẢY
Không Có Gì Giấu Ẩn Đối Với Thiên Chúa
Vâng, con người là triều thiên của thế giới tạo vật hữu hình! Điều này mở ra cho chúng ta một nhận thức hoàn toàn mới về mầu nhiệm quan phòng thần linh. Công Đồng Vatican I đã nhấn mạnh đến giáo huấn đức tin này khi xác quyết rằng trong ánh nhìn khôn ngoan và thượng trí của Thiên Chúa, tất cả đều phơi bày trần trụi – kể cả những hành vi tự do của các tạo vật có lý trí, tức những hành vi đến từ một sự chọn lựa có ý thức và một sự quyết định tự do.
Sự quan phòng của Thiên Chúa – một cách đầy ân cần và yêu thương – đưa dẫn con người tiến về mục tiêu của mình, đồng thời vẫn tôn trọng sự tự do của con người. Đó chính là quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa Quan Phòng.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 12/7
Chúa Nhật  XV Thường Niên
Is 55, 10-11; Rm 8, 18-23; Mt 13, 1-23.

LỜI SUY NIỆM: “Dân chúng tụ họp bên Người rất đông, nên Người phải xuống thuyền mà ngồi, còn tất cả dân chúng thì đứng trên bờ. Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều.”
          Khởi đầu chương 13 Tin Mừng của Thánh Mátthêu cho chúng ta thấy được viêc Chúa Giêsu dùng dụ ngôn mà dạy cho dân chúng. Những câu chuyện dụ ngôn rất gần gủi với cuộc sống của từng hoàn cảnh sống của từng con người; giúp cho họ nhận ra ý định và sự trung tín yêu thương của Thiên Chúa đối với họ. Như trong dụ ngôn “Người đi gieo giống.”. Lời Chúa được vung vãi khắp nơi; tất cả đều được quyền đón nhận, nhưng còn tùy vào khả năng đón nhận của từng người; và cách thức đón nhận, đón nhận với tất cả con tim của mình. Hạt giống sẽ đem lại hoa trái cho cuộc sống của chính mình, và đem lại lợi ích cho tha nhân.
            Lạy Chúa Giêsu. Xin Chúa ban cho chúng con có những người đi gieo hạt giống Tin Mừng không giới hạn vào bất cứ loại đất nào, vào bất cứ thời gian nào, hoặc hoàn cảnh thuận tiện hay không thuận tiện và có thêm những cọng tác viên nhiệt thành, để hạt gống Tin Mừng được phát triển, giúp cho con người tìm được: “Niềm Vui Tin Mừng”.
Mạnh Phương


12 Tháng Bảy
Những Niềm Vui Nhỏ
Biết tận hưởng những niềm vui nhỏ trong cuộc sống: đó là một trong những bí quyết của hạnh phúc.
Người Nhật Bản thường kể câu chuyện như sau: Một người đàn ông nọ đi qua một cánh đồng, thình lình bị cọp đuổi… Anh ta chạy bán sống bán chết mà vẫn không tìm ra chỗ dung thân. Anh chạy mãi để rồi cuối cùng thấy mình đứng bên bờ vực thẳm. Phía sau lưng, con cọp vẫn không buông tha. Không còn biết làm gì nữa, người đàn ông phải lấy sức để đu lên một cành cây bắc qua vực thẳm. Nhìn xuống dưới thung lũng, anh ta lại thấy một con cọp khác cũng đang nằm chờ chực. Người đàn ông đáng thương chỉ còn niềm hy vọng duy nhất: đó là nằm chờ đợi cho đến khi hai thú vật mệt mỏi bỏ đi… Chờ đợi trong lo sợ vẫn là cực hình lớn lao nhất đối với con người.
Giữa lúc anh ta đang phải chiến đấu với sợ hãi và mệt mỏi, thì tình cờ bỗng có hai con chuột bỗng từ đâu xuất hiện trên chính cành cây anh đang đu vào. Hai con vật bắt đầu gặm nhấm lớp vỏ xung quanh cành cây. Bình thường, chuột là một trong những loài thú mà anh gớm ghiếc nhất vì sự dơ bẩn của nó. Tiếng kêu của nó cũng là một âm thanh làm cho lỗ tai anh khó chịu. Thế nhưng, trong cơn sợ hãi tột cùng này, người đàn ông bỗng nhìn thấy hai con chuột thật đáng yêu. Những hàm răng mũm mĩm của chúng trông dễ thương làm sao! Tiếng kêu của hai con vật cũng trở thành một âm thanh êm dịu hơn tiếng gầm thét của hai con cọp.
Giữa lúc anh đang theo dõi từng động tác của hai con chuột, thì một con chim bỗng từ đâu bay lại, thả rớt trên cành cây một trái dâu rừng. Anh đưa tay nhặt lấy trái dâu và thưởng thức hương vị ngọt ngào của trái rừng bỗng nên thơ đáng yêu lạ lùng.
Thiên Chúa tạo dựng con người để được sống hạnh phúc và hạnh phúc ngay từ trên cõi đời này. Do đó, hạnh phúc không chỉ đến trong cuộc sống mai hậu, hạnh phúc không hẳn nằm ở ngoài tầm tay với con người. Kitô giáo không chỉ hướng chúng ta đến hạnh phúc đời sau, nhưng còn mời gọi chúng ta hưởng niềm hạnh phúc ấy trong cõi đời này.
Mang lấy thân phận con người, nhập cuộc vào trần gian này, Chúa Giêsu như mang hạnh phúc Thiên Ðàng đến với con người. Ngài mời gọi chúng ta hưởng niềm hạnh phúc ấy, Ngài nói với chúng ta rằng cuộc sống trần gian này là một cuộc đời đáng sống. Chấp nhận cuộc sống, chấp nhận chính bản thân, chấp nhận ngay cả những nghịch cảnh trong cuộc sống: đó chính là bí quyết của hạnh phúc trên đời này.
Bí quyết của hạnh phúc cũng chính là biết đón nhận những niềm vui nhỏ trong cuộc sống mỗi ngày. Có những ngày tù đày, chúng ta mới thấy được giá trị của hai chữ tự do. Có sống xa gia đình, chúng ta mới nhung nhớ những ngày sống bên những người thân. Có những lúc nằm quằn quại trên giường bệnh, chúng ta mới thấy được giá trị của sức khỏe… Cuộc sống của chúng ta tràn ngập những niềm vui nhỏ mà chỉ khi nào mất đi, chúng ta mới cảm thấy luyến tiếc.
“Hãy quẳng gánh lo đi và vui sống”: đó là lời kêu gọi Chúa Giêsu không ngừng nhắn gửi cho chúng ta khi Ngài mời gọi chúng ta chiêm ngắm hoa huệ ngoài đồng và chim chóc trên rừng… Hãy quẳng gánh lo đi và vui sống có nghĩa là đón nhận từng phút giây trong cuộc sống với cảm mến và hân hoan. Hãy quẳng gánh lo đi và vui sống cũng có nghĩa là biết nhìn thấy xuyên qua những mất mát, thua thiệt, và ngay cả tội lỗi, bàn tay quan phòng nâng đỡ của Chúa… Chúa Giêsu không bao giờ loan báo cái chết một cách riêng rẽ, Ngài luôn gắn liền nó với sự Phục Sinh.
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét