Trang

Thứ Ba, 7 tháng 7, 2020

Thánh nữ Maria Goretti, qua bảy mươi năm hương thơm thánh thiện


Thánh nữ Maria Goretti, qua bảy mươi năm hương thơm thánh thiện
Thánh Maria Goretti

Chứng tá về đức tin và tình yêu của vị thánh nữ tử đạo bé nhỏ bị giết chết ở tuổi mười hai trong một vụ cưỡng hiếp và được phong thánh vào năm 1950 bởi Giáo hoàng Piô thứ XII vẫn luôn tràn đầy sức sống cho đến ngày nay. Đức ông Crociata, giám mục Latina chia sẻ rằng: “Trong những niên đại này, khi mà những người phụ nữ bị đối xử bất công và bị loại bỏ bằng bạo lực tàn ác thì gương sáng của thánh nữ lại nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của nhân phẩm con người và về sự liêm chính”.
Hoài Thương - CTV Vatican News
Trong năm đại dịch này, đã có ba kỷ niệm đặc biệt để tưởng nhớ về thánh nữ Maria Goretti. Đầu tiên chính là ngày kỷ niệm tròn bảy mươi năm Đức Giáo Hoàng Piô thứ XII tuyên bố nâng vị thiếu nữ của chúng ta lên bậc hiển thánh. Đó là ngày 24 tháng 6 năm 1950, Năm Thánh sau Thế chiến thứ II, Đức Giáo hoàng Piô thứ XII đã chỉ ra cho cả thế giới thấy gương sáng của vị tử đạo nhỏ chỉ mới tròn mười hai tuổi, bị giết bởi một cậu bé hàng xóm của mình, trong một vụ cưỡng bức và bạo hành mà thánh nữ đã dùng tất cả sức lực tuổi trẻ của mình để chống đỡ. Thứ hai là kỷ niệm 130 năm ngày sinh của thánh nữ. Thánh Maria Teresa Goretti sinh vào ngày 16 tháng 10 năm 1890, trong một gia đình nghèo và đạo đức ở Corinaldo, một thị trấn nhỏ thuộc vùng Marche, nước Ý. Cha mẹ của thánh nữ vì muốn tìm kiếm may mắn và mưu cầu một cuộc sống tốt hơn đã quyết định chuyển đến vùng Latina, nơi mà thánh nữ đã trở thành vị thánh bảo trợ. Và còn có một kỷ niệm thứ ba không thể quên có liên quan đến một sự kiện đã mãi mãi ghi dấu ấn lịch sử của Giáo hội: đó là lần đầu tiên lễ phong thánh được diễn ra ở bên ngoài Vương cung thánh đường Thánh Phê-rô, tại quảng trường năm 1950, để chào đón vô số tín hữu và khách hành hương. Đã có khoảng 300 nghìn người hiện diện tại quảng trường thánh Phê-rô, theo những con số được ghi chép trong biên niên sử thời đó.
Chạm đến trái tim của nhân loại
Lễ phong thánh đó đã chạm đến trái tim của cả nhân loại. Đức ông Mariano Crociata, giám mục của Latina-Terracina-Sezze-Priverno kể rằng: “Ngay sau lễ phong thánh đó, rất nhiều giáo xứ ở Mỹ Latinh, Hoa Kỳ và các nơi khác trên thế giới đã được đặt theo tên của thánh nữ. Thậm chí ngày nay, nhiều khách hành hương nước ngoài vẫn tìm đến Nettuno, nơi thánh nữ Maria Goretti đã trút hơi thở cuối cùng, để hành hương. Hoặc đến thăm ngôi nhà nơi thánh nữ đã kiên vững giữ trọn nhân đức và tử đạo. Thánh nữ chết tại bệnh viện Nettuno, và nơi đó đã được xây cất một nơi thánh và việc coi sóc nơi thánh được ủy thác cho các cha Dòng Thương Khó Chúa Giê-su (hay còn gọi là Dòng Passionist). Sự kiện năm đó đã động chạm cách sâu sắc đến trái tim nhân loại bởi vì đó là câu chuyện về một cô bé dù nhỏ tuổi nhưng đã có lòng can đảm mạnh mẽ để trung kiên với Chúa và với chính mình”.
Di sản để lại của Thánh nữ cho thế giới hôm nay
Ngày nay cũng như khi đó, Giáo hội đề cử vị thánh tử đạo bé nhỏ như một mẫu gương để noi theo về đức khiết tịnh, đặc biệt là dành cho giới trẻ. Tuy nhiên, trong thời đại của chúng ta, có rất ít sự sẵn lòng để đón nhận chiều kích này. Lời chứng bằng chính sự tử đạo của mình, thánh Maria Goretti đã chỉ ra cho chúng ta thấy một khía cạnh quan trọng đó là: ý nghĩa về phẩm giá và ý nghĩa về sự liêm chính của một con người. Ý nghĩa của giá trị lương tâm con người trước những người khác và trước Thiên Chúa. Những khía cạnh này ngày càng thể hiện rõ ràng hơn trong thời đại mà phụ nữ được coi là đối tượng có thể bị loại bỏ mà không có quá nhiều sự can thiệp và bảo vệ, thậm chí với bạo lực cực đoan.
Tha thứ và hoán cải, những phép lạ của Ân sủng
Sự tha thứ mà thánh Maria Goretti dành cho kẻ đã hạ sát mình đã làm trổ sinh hoa trái là sự hoán cải của Alessandro Serenelli, kẻ đã hãm hại và tước đi mạng sống của thánh nữ. Alessandro bị tuyên án 30 năm tù khổ sai lưu đày vì tội cố sát. Sau khi thụ án, anh đã tìm đến nhà Goretti gặp bà Assunta, mẹ của thánh nữ để xin được tha thứ. Với lòng nhân hậu bà đã đón tiếp và mời anh ở lại dùng bữa cơm thân mật với gia đình, đúng ngày sinh nhật của Goretti năm 1937. Anh cũng đã có mặt tại quảng trường thánh Phê-rô tham dự lễ phong thánh của Maria Teresa Goretti cùng với bà Assunta. Sau đó, anh đến xin làm lao công trong một tu viện dòng Phanxico: để sống cuộc đời hoán cải và đền tội. Có thể thấy rằng, hai phép lạ đã xảy ra khi sự tha thứ làm nảy sinh ơn hoán cải. Khả năng tha thứ xuất phát từ ân sủng của Thiên Chúa và sự quảng đại của một tâm hồn thánh thiện, liêm chính đã thúc đẩy Maria Goretti nói những lời này: “Tôi muốn kẻ giết tôi cũng được như tôi trên Thiên Đàng”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét