Trang

Thứ Sáu, 11 tháng 9, 2020

12-09-2020 : THỨ BẢY - TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN

 

12/09/2020

 Thứ Bảy tuần 23 thường niên

 


Bài Ðọc I: (Năm II) 1 Cr 10, 14-22a

"Chỉ có một bánh, nên chúng ta tuy nhiều, cũng chỉ làm thành một thân xác".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, anh em hãy xa lánh sự thờ lạy các ngẫu tượng. Tôi muốn nói với những người biết điều! Ðiều tôi tuyên bố, anh em hãy xét thử! Chén chúc tụng mà chúng ta cầm lên chúc tụng Chúa, chẳng phải là thông hiệp với Máu Chúa Kitô sao? Tấm bánh mà chúng ta bẻ ra, chẳng phải là thông phần vào Mình Chúa đó sao? Bởi vì chỉ có một bánh, mà tất cả chúng ta đều thông phần vào một bánh đó, nên chúng ta tuy nhiều, cũng chỉ làm thành một thân xác. Anh em hãy xem Israel về phần xác: Nào những kẻ ăn của tế lễ, chẳng phải là thông phần vào bàn thờ sao?

Vậy nói thế nghĩa là gì? Tôi nói, của lễ dâng lên ngẫu tượng có là cái gì đâu? Hay ngẫu tượng có là cái gì đâu? Nhưng các dân ngoại tế lễ, là tế lễ cho ma quỷ, chứ không phải cho Thiên Chúa. Nhưng tôi không muốn anh em giao kết với ma quỷ. Anh em không thể uống cả chén của Chúa, cả chén của ma quỷ được. Anh em không thể thông phần vừa vào bàn tiệc Chúa, vừa vào bàn tiệc ma quỷ được. Hay là chúng ta muốn chọc tức Chúa?

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 115, 12-13. 17-18

Ðáp: Lạy Chúa, con sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ (c. 17a).

Xướng: 1) Tôi lấy gì dâng lại cho Chúa, để đền đáp những điều Ngài ban tặng cho tôi? Tôi sẽ lãnh chén cứu độ, và tôi sẽ kêu cầu danh Chúa. - Ðáp.

2) (Lạy Chúa,) con sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ, và con sẽ kêu cầu danh Chúa. Con sẽ giữ trọn lời khấn xin cùng Chúa, trước mặt toàn thể dân Ngài. - Ðáp.

 

Alleluia: x. Cv 16, 14b

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin hãy mở lòng chúng con, để chúng con nghe lời của Con Chúa. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 6, 43-49

"Tại sao các con gọi Thầy "Lạy Chúa, lạy Chúa", mà không thi hành điều Thầy dạy bảo?"

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Không có cây nào tốt mà sinh trái xấu, và cũng không có cây nào xấu mà sinh trái tốt. Thật vậy, cứ xem trái thì biết cây. Người ta không hái trái vả nơi bụi gai, và người ta cũng không hái trái nho nơi cây dâu đất. Người tốt phát ra điều tốt từ kho tàng tốt của lòng mình, và kẻ xấu phát ra điều xấu từ kho tàng xấu của nó, vì lòng đầy thì miệng mới nói ra. Tại sao các con gọi Thầy: "Lạy Chúa, lạy Chúa", mà các con không thi hành điều Thầy dạy bảo? Ai đến cùng Thầy, thì nghe lời Thầy và đem ra thực hành. Thầy sẽ chỉ cho các con biết người ấy giống ai. Người ấy giống như người xây nhà: ông ta đào sâu và đặt nền móng trên đá. Khi có trận lụt, dù nước ùa vào nhà, cũng không làm cho nó lay chuyển, vì nhà đó được đặt nền trên đá. Trái lại, kẻ nghe mà không đem ra thực hành, thì giống như người xây nhà ngay trên mặt đất mà không có nền móng. Khi sóng nước ùa vào nhà, nó liền sụp đổ, và nhà đó bị hư hại nặng nề".

Ðó là lời Chúa.

 


Suy Niệm: Căn Nhà Ðức Tin

Một người giàu có nọ muốn thưởng cho người quản lý của mình. Ông cho biết ông sắp đi xa và giao cho người quản lý đứng ra xây cho một căn nhà sang trọng, với những vật liệu đắt giá và những nhân công tài giỏi nhất. Người quản lý xem đây là cơ hội để làm giàu: ông tính toán từng đồng trong việc mua sắm vật liệu cũng như chỉ mướn những thợ xoàng nhất với giá rẻ mạt. Dĩ nhiên, căn nhà cũng được hoàn thành một cách tương đối tốt đẹp.

Khi người giàu có trở về, người quản lý đem tất cả chìa khóa của căn nhà đến cho ông và báo cáo đã làm đúng như chỉ thị của ông. Ông chủ hài lòng, khen người quản lý và thưởng cho ông căn nhà đó. Trong những năm kế tiếp, khi phải chi tiền để tu sửa căn nhà, người quản lý không ngừng hối tiếc: giả như tôi biết trước, đây căn nhà ông chủ tặng cho tôi, thì tôi đã không xây cất nó một cách xoàng xĩnh như thế.

Ðức tin có thể ví như một căn nhà Thiên Chúa ban tặng nhưng không cho con người. Tuy nhiên, đón nhận và xây dựng căn nhà ấy là phần của con người; căn nhà ấy có bền vững và đẹp đẽ hay không là tùy ở con người; căn nhà ấy có làm cho con người được hạnh phúc hay không là tùy ở việc xây dựng của con người. Chúa Giêsu đã nói: Ngài đến để con người được sống và sống dồi dào. Sự sống dồi dào ấy không chỉ ở đời sau; hạnh phúc thật không chỉ được hứa hẹn cho mai sau, nhưng ngay từ đời này, khi con người đón nhận và sống đức tin một cách sung mãn, con người sẽ cảm nếm được hạnh phúc. Chính Chúa Giêsu đã hứa cho các môn đệ và những ai từ bỏ mọi sự mà đi theo Ngài sẽ được gấp trăm ngay từ đời này. Và nhận được gấp trăm ngay từ đời này là gì, nếu không phải là niềm vui và bình an trong tâm hồn. Niềm vui và bình an ấy, con người chỉ có được khi sống cho đến tận cùng những cam kết của niềm tin.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta đặt lại câu hỏi nền tảng: Chúng ta có thực sự an vui, hạnh phúc và hãnh diện vì được làm môn đệ Chúa Kitô không? Niềm tin của chúng ta có được diễn tả cụ thể bằng những hành động bác ái yêu thương chưa? Những giá trị của Tin Mừng có thực sự thấm nhập vào tâm hồn và hướng dẫn cuộc sống chúng ta không?

Veritas Asia

 


Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Bảy Tuần 23 TN2

Bài đọc: I Cor 10:14-22; Lk 6:43-49.

 

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Kiên nhẫn xây nhà trên đá.

Trong đời sống chúng ta thường thấy có hai lọai người: Một lọai người muốn làm gì là làm ngay. Họ không có kiên nhẫn để chờ đợi nên dễ dàng thay đổi kế họach khi không thấy kết quả tức khắc. Lọai người khác khi làm gì thì cẩn thận suy tính, một khi đã bắt đầu làm thì kiên trì vượt qua mọi trở ngại cho tới khi đạt được kết quả. Lọai người thứ nhất thường gặp thất bại trong khi lọai người thứ hai thường thành công. Trong lãnh vực thiêng liêng cũng thế, có những người cho mình có thể làm tôi hai chủ: Thiên Chúa và các ngẫu tượng, như trong Bài đọc I. Chúa ví những người nghe mà không giữ lời Thiên Chúa như người xây nhà trên cát. Khi gió thổi, nước dâng, sóng vỗ là nhà họ bị xụp đổ và bị cuốn đi.

 

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Không thể vừa thông phần nơi Bàn Tiệc Thánh vừa thông phần vào bàn tiệc của ma quỉ.

Thời thánh Phaolô, cộng đòan Corintô cũng giống như tất cả các thành phố Hy-Lạp, họ thờ rất nhiều thần. Mỗi thần tượng trưng cho một sức mạnh trong vũ trụ mà con người không hiểu nổi như núi, mưa gió, sấm sét, động đất, thần tài, ái tình … nhưng chi phối cuộc sống con người. Khi đã thành Kitô hữu, họ vẫn giữ thói quen cũ thờ cúng các thần tuy không coi ngang hàng với Thiên Chúa. Một vấn nạn được đặt ra vì thói quen này như mấy ngày trước đây: Có được phép ăn thịt cúng?

Đối với thánh Phaolô, ngài không tin các thần nhưng tin có sự hiện diện của ma quỉ đàng sau các việc thờ cúng này. Như những người Do-Thái, ngài xác tín “chẳng có một thần nào trên thế gian này ngọai trừ Chúa,” nên việc ăn thịt cúng không thành vấn đề ngọai trừ trường hợp làm mất đức tin cho những người yếu kém. Ngài tin sự hiện diện của ma quỉ là có thực và mục đích của chúng là kéo con người ra khỏi Thiên Chúa bằng việc thờ các ngẫu tượng. Khi con người tôn thờ các ngẫu tượng là họ tôn thờ các thần khác thay vì chỉ một Thiên Chúa duy nhất.

Như đã đề cập trước đây, thói quen của các đền thờ của các thần là trả lại cho người dâng cúng một phần lễ vật đã dâng để họ có thể ăn mừng với gia đình và bạn bè. Khi dâng lễ vật cho thần nào, họ tin thần đó đã vào trong lễ vật họ dâng; và khi ai ăn lễ vật đó thì thần sẽ theo vào thân thể họ. Như vậy, khi ăn thịt cúng, người ăn và thần có một mối liên hệ thực sự.

Thánh Phaolô dùng niềm tin này và thần họ về Bí Tích Thánh Thể để giải thích cho các tín hữu Corintô tại sao không được tôn thờ các ngẫu tượng: “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Kitô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể.” Vì thế, các tín hữu không thể vừa thông phần nơi Bàn Tiệc Thánh vừa thông phần vào bàn tiệc của ma quỉ.

2/ Phúc Âm: Kiên nhẫn xây nhà trên đá.

Trên đất Do-Thái, tuy mùa mưa chỉ kéo dài vài tháng nhưng mưa rất lớn. Sau mùa mưa, đất cát bắt đầu khô lại và tạo nên những nơi bằng phẳng thích hợp cho việc xây nhà. Những người không có kinh nghiệm sẽ xây nhà mình tại những chỗ này vì rất dễ làm và đỡ tốn công phải đục đá. Nhưng họ không biết nhìn xa, vì khi mùa mưa đến, họ mới phát giác ra nhà của họ nằm ngay giữa những giòng nước chảy mạnh và bị chúng cuốn đi. Ngược lại, những người khôn ngoan biết tìm chỗ cứng khi họ xây nhà, và không chỗ nào chắc chắn hơn là trên các tảng đá. Tuy mất giờ để đục đẽo, nhưng một khi đã thiết lập được nền, không sức mạnh nào có thể lay chuyển được.

Trong đời sống thiêng liêng, Đá Tảng là chính Chúa (Ps 95:1), Đền thờ Jêrusalem (Isa 28:16), Phêrô (Mt 16:19). Nếu muốn được an tòan trước những phong ba bão táp của cuộc đời, con người phải tìm trú ẩn nơi Thiên Chúa, nơi Đền Thờ hay trong Giáo-Hội của Ngài.

Chúa Giêsu ví người nghe Lời Chúa mà không mang ra thực hành như người xây nhà trên cát. Họ không chịu thực hành Lời Chúa để làm cho đức tin của họ tăng trưởng mỗi ngày. Khi gian nan khốn khó tới, đức tin của họ không đủ mạnh để chống chọi lại với bao nhiêu đau khổ và sóng gió của cuộc đời. Ngài cũng ví người nghe Lời Chúa và đem ra thực hành như người xây nhà trên đá. Họ biết dùng thời giờ để nghiền ngẫm và mang ra áp dụng trong đời sống để đức tin của họ mỗi ngày một mạnh hơn. Khi gian nan sóng gió tới, họ đã có một đức tin mạnh mẽ để vượt qua những đau khổ này, ngay cả sự chết cũng không thắng vượt được họ.

Một ứng dụng nữa Chúa đưa ra là xem quả biết cây: “Không có cây nào tốt mà lại sinh quả xấu, cũng chẳng có cây nào xấu mà lại sinh quả tốt… Ở bụi gai, làm sao bẻ được vả, trong bụi rậm, làm gì hái được nho!” Lời nói là quả của những suy nghĩ trong đầu. Cứ việc nghe lời nói và việc làm của một người là biết Lời Chúa có tác dụng thế nào trên người ấy.

 

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta phải kiên nhẫn dành nhiều thời giờ để học hỏi, nghiền ngẫm, và mang Lời Chúa ra áp dụng trong cuộc đời. Vì không hiểu cặn kẽ về Thiên Chúa nên các tín hữu Corintô đã tiếp tục thờ các ngẫu tượng và bối rối về việc ăn thịt cúng và thờ các ngẫu tượng.

- Về phương diện tâm linh, chúng ta cũng phải kiên trì để xây dựng cuộc đời mình trên Đá Tảng là chính Chúa và Gíao-Hội qua việc lắng nghe và mang ra thực hành Lời Chúa. Chúng ta đừng để bị Chúa ví như những người xây nhà trên cát, tức là xây trên những tiêu chuẩn nhanh chóng và tạm thời của thế gian: sắc đẹp, tiền của, uy quyền, danh vọng. Một khi thế gian qua là nhà của chúng ta cũng qua đi như vậy. Nhưng nếu biết khôn ngoan trông rộng, chúng ta biết xây đời mình trên những giá trị vĩnh cửu và các giáo huấn của Hội-Thánh. Cho dẫu thế gian qua đi, chúng ta vẫn có một ngôi nhà vững chắc trên Nước Trời.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

 

12/09/20 THỨ BẢY TUẦN 23 TN
Thánh Danh Đức Ma-ri-a
Lc 6,43-49

 


TRÁI TỐT ĐÍCH THỰC

“Không có cây nào tốt mà sinh trái xấu, và cũng không có cây nào xấu mà sinh trái tốt.” (Lc 6,43)

 

Suy niệm: Cùng với đà phát triển của các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram,v.v… trào lưu sống ảo, đặc biệt trong giới trẻ, ngày càng trở nên phổ biến. Các “tín đồ sống ảo” đăng lên trang cá nhân những hình ảnh chỉnh sửa, những câu chuyện dàn dựng, ghép nối như thật, để ảo tưởng tự cho mình là một nhân vật quan trọng, nổi tiếng… vì có nhiều lượt theo dõi, tương tác, hâm mộ. Những hình ảnh giả tạo và lối sống phi thực tế như thế tố giác sự trống rỗng, hư ảo của con người sống ảo. Đối lại lối sống đó, Chúa Giê-su đưa ra nguyên tắc vàng để phân định: xem quả thì biết cây; cây có tốt thì mới sinh trái tốt đích thực. Trái tốt đích thực không phải là những lời lẽ tốt đẹp hoa mỹ “Lạy Chúa! Lạy Chúa!” mà phải là đưa Lời Chúa vào hiện thực cuộc sống bằng những hành động cụ thể.

Mời Bạn: Một người chỉ mang danh nghĩa là “có đạo”, chỉ “giữ đạo” ở mức tối thiểu theo hình thức, còn cả cuộc sống trong gia đình và ngoài xã hội không toả sáng chút nào tinh thần của Tám Mối Phúc Thật, không thông truyền được chút nào những giá trị của Tin Mừng, thì có thể nói người ấy chỉ là một “ki-tô hữu ảo” mà thôi. Bạn hãy sống thực đức tin của mình với cả tấm lòng và thể hiện ra bằng một cuộc sống thấm đầy tinh thần cầu nguyện và bác ái dựa trên nền tảng của Lời Chúa.

Sống Lời Chúa: Đọc lại Tin Mừng hôm nay và rút ra một việc thực hành cụ thể.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin đừng để con sống ảo trong đức tin, nhưng xin Chúa giúp con sinh nhiều trái tốt đích thực qua việc thực thi Lời Chúa trong cuộc sống thường ngày của con. Amen.

(5 phút Lời Chúa)

 

Suy Niệm : Nghe mà không thực hành



Suy niệm

Có nhiều cách để nhận biết sự thật về một người.

Chúng ta có thể bị hấp dẫn bởi những lời giảng hùng hồn.

Chúng ta cũng có thể bị đánh lừa bởi thái độ khôn khéo giả tạo.

Đức Giêsu cho chúng ta một tiêu chuẩn để nhận ra con người thật :

“Xem quả thì biết cây” (c. 44).

Quả ở đây là đời sống thực sự của người đó, là những việc họ làm.

Nếu nhìn kỹ công việc của một người, chúng ta có cơ may biết họ là ai.

Đức Giêsu nói lên một luật tự nhiên của cây cỏ.

Cây tốt sẽ sinh trái tốt, cây bị sâu sẽ sinh ra trái không ngon.

Người công chính được nhận biết qua đời sống tốt lành của họ,

qua những thử thách họ đã vượt qua, qua những hy sinh họ dâng hiến.

Người bất chính sẽ lộ ra qua đời sống xấu xa.

Đời sống và hành động của một người phản ánh con người thật của họ.

Bụi gai không sinh được trái vả, bụi rậm không cho được trái nho.

Bụi gai và bụi rậm chẳng thể nào sinh hoa trái tốt đẹp.

Đời sống là tiêu chuẩn để nhận ra người môn đệ thật của Đức Giêsu.

Không phải chỉ là tuyên xưng đức tin vào Thầy

bằng cách kêu lên : “Lạy Chúa! lạy Chúa !”

Vấn đề là làm điều Thầy dạy (c. 46).

Đức Giêsu đặt câu hỏi tại sao đầy ngạc nhiên với các môn đệ:

Tại sao tin vào Thầy mà lại không sống điều Thầy truyền dạy?

Kitô hữu chân chính là người đến với Chúa Giêsu,

lắng nghe những lời của Ngài và thi hành những lời ấy (c. 47).

Nghe thôi thì chưa đủ.

Lời của Chúa Giêsu phải thấm nhuần vào đời sống của ta,

chi phối mọi hành động, quyết định và lựa chọn.

Đức Giêsu kết thúc Bài Giảng của mình bằng dụ ngôn về hai người xây nhà.

Nhiều người đã nghe Bài Giảng này, đã cảm thấy hay,

nhưng có bao nhiêu người sẽ thực hành những giáo huấn trong đó ?

Người thực hành Lời Chúa được ví như người xây nhà có nền vững chắc.

Còn người không thực hành thì giống như người làm nhà không nền.

Bề ngoài có vẻ hai căn nhà không khác nhau.

Chỉ khi nước lụt dâng lên, và dòng nước ùa vào nhà, mới thấy sự khác biệt.

Một căn đứng vững vì có nền tử tế, căn kia bị sụp đổ tan tành.

Chúng ta thích xây nhà cao, nhưng lại ít để ý tới nền móng.

Chúng ta đã được nghe quá nhiều đoạn Lời Chúa,

nhưng vẫn chỉ dừng lại ở việc suy niệm, cầu nguyện.

Lời Chúa chưa thực sự bám rễ trong hành động và cuộc sống,

vì điều đó đòi một sự trả giá mà chúng ta muốn quay lưng.

Chính vì thế căn nhà tâm linh của chúng ta vẫn không vững.

Xin Chúa cho chúng ta can đảm để làm lại nền cho căn nhà đời ta.

 

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu

Con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.

Chúng con thường xây nhà trên cát,

Vì chỉ biết thích thú nghe lời Chúa dạy,

Nhưng lại không dám đem ra thực hành.

Chính vì thế

Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.

Xin cho chúng con

Đừng hời hợt khi nghe lời Chúa,

Đừng để nỗi đam mê làm lời Chúa trở nên xa lạ.

Xin giúp chúng con dọn dẹp mãnh đất đời mình,

Để hạt giống lời Chúa được tự do tăng trưởng.

Ước gì ngôi nhà đời chúng con

Được xây trên nền tảng vững chắc,

Đó là lời Chúa

Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con.

(Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)

 

 

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

12 THÁNG CHÍN

Ai Thấy Thầy Là Thấy Cha

Hưởng kiến Thiên Chúa trực tiếp, đó là nỗi khao khát sâu thẳm nhất của tâm hồn con người. Về khát vọng này, Tông Đồ Philipphê đã nói lên một cách hết sức tha thiết: “Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha và thế là đủ cho chúng con rồi” (Ga 14,8). Những lời thật cảm kích, vì bộc lộ được khát vọng thâm sâu nhất của tâm khảm con người. Song câu trả lời của Đức Giêsu còn cảm kích hơn nữa.

Đức Giêsu giải thích cho các tông đồ: “Ai thấy Thầy là thấy Cha” (Ga 14,9). Ngài là mạc khải đầy đủ về Chúa Cha. Ngài diễn tả cho thế giới biết Chúa Cha là Đấng nào – không phải vì Ngài là Chúa Cha – nhưng vì Ngài hoàn toàn nên một với Chúa Cha trong sự hiệp thông sự sống thần linh. Ngài nói: “Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy” (Ga 14,11).

Cảm tạ Thiên Chúa ! Con người không còn phải hoàn toàn đơn độc kiếm tìm Thiên Chúa nữa. Cùng với Đức Kitô, con người khám phá Thiên Chúa – và con người khám phá ra Thiên Chúa nơi Đức Kitô.

Vâng, trong Đức Giêsu Kitô, sự tự mạc khải của Thiên Chúa đạt đến tột đỉnh và đầy đủ nhất. Tác giả thư Do thái đã nhấn mạnh điều này khi nói: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã nói với cha ông chúng ta qua các tiên tri; trong những ngày sau hết này, Ngài nói với chúng ta qua một người con” (Dt 1,1-2). Vì vậy, Đức Kitô mãi mãi là con đường của chúng ta. Chúng ta có một Đấng Cứu Độ và một Đấng Trung Gian nối kết chúng ta với Thiên Chúa.

- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

 

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 12 – 9

1Cr 10, 14-22; Lc 6, 43-49.



Lời Suy niệm: “Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt. Thật vậy, xem quả thì biết cây.”

Chúa Giêsu đang hướng đời sống của chúng ta nhìn những điều tốt lành nơi những anh em mình để noi theo, làm cho đời sống của mình sinh ra nhièu cái tốt hơn; chứ đừng nhìn đến những cái xấu, để rồi chỉ biết phê phán, nhưng điều cần thiết nhất là nhận ra những điều xấu để tránh khỏi phải vấp phạm cho mình và cho người.

Lạy Chúa Giêsu. Chúng con được sinh ra bởi tình yêu và sự cứu độ của Chúa. Xin Chúa cho chúng con luôn biết xây dựng đời sống của mình trên nền tảng Lời Chúa, để đức tin chúng con ngày càng trưởng thành, vững mạnh và giàu lòng đức ái.

Mạnh Phương

 

12 Tháng Chín

Bức Tranh Ðời Người

Một họa sĩ vô danh nọ vào thời Trung Cổ đã tóm tắt đời người thành 4 bức tranh xếp bên cạnh nhau. Bức tranh thứ nhất họa lại tuổi thơ. Không gì đẹp và thanh thản cho bằng tuổi thơ. Một em bé hồn nhiên, vô tư ngồi trên một chiếc ghe buồm vừa nhổ neo ra khỏi bờ... Em bé nhìn theo sóng nước không sợ hãi bởi vì người đang cầm bánh lái là một thiên thần. Bóng đen đang ngủ một cách dịu hiền đằng sau bánh lái.

Sang đến bức tranh thứ hai, người ta bỗng thấy cậu bé trở thành một trang thiếu niên đang đứng nhìn chân trời xa tắp với những háo hức trước những điều mới lạ... Vị thiên thần vẫn còn cầm tay lái, nhưng sóng đã bạt đầu và bóng đen đã thức giấc.

Bức tranh thứ ba là cảnh tuổi trưởng thành. Bầu trời đã trở nên ảm đạm. Sóng gió ập phủ tứ bề. Bánh lái đã nằm trong tay của bóng đen. Vị thiên thần đã bị trói chặt trong một góc. Người đàn ông đã phải dùng tất cả sức lực của mình để chiến đấu, để chiếc ghe không bị lật úp...
Cuối cùng, trong bức tranh thứ tư, người ta thấy một cụ già đang ngồi ung dung giữa ghe. Sóng yên, gió lặng, mặt trời xuất hiện trở lại. Vị thiên thần đã dành lại được bánh lái, còn bóng đen thì bị trói chặt đằng sau.

Ðời là một cuộc hải trình gay go... Ðích điểm có thể là bến yên hàn mà cũng có thể là vực thẳm của chết chóc. Ðến nơi yên hàn hay đứt gánh giữa đường: số mệnh ấy không ai có thể định đoạt cho ta, mà chỉ có mỗi người phải biết làm chủ, lèo lái con thuyền của mình...

Có lẽ nhiều người trong chúng ta đã quá quen thuộc với trò chơi "Thiên Ðàng Hỏa Ngục" mà các em bé thường tụ tập trước sân thánh đường để cùng biểu diễn... Thiên đàng hỏa ngục hai bên, ai khéo thì nhờ ai vụng thì sa... Trả lời được một số câu hỏi thì được vào Thiên Ðàng, trả lời không được thì bị chận lại ngoài cửa.

Trò chơi đơn sơ nhưng cũng có tác dụng gieo vào đầu chúng ta một hình ảnh về cuộc đời. Ðời là một cuộc ra đi. Hướng đi của cuộc đời tùy thuộc ở sự định đoạt của mỗi người. Con đường dẫn đến hư đốn luôn rộng thênh thang. Con đường dẫn đến sự sống là một con đường chật hẹp, đòi hỏi nhiều chiến đấu...

Sự thánh thiện là một ơn Chúa ban, nhưng phải mất nhiều lao nhọc, vất vả chiến đấu, con người mới đạt được. Nói đến chiến đấu là nói đến kẻ thù. Con sư tử lượn quanh tìm mồi cắn xé trong cuộc sống của chúng ta là không biết bao nhiêu cạm bẫy giăng mắc trên lối đi của chúng ta. Những cạm bẫy đó từ bên ngoài cũng có, nhưng hầu hết đều xuất phát từ trong tâm hồn chúng ta... Ðó là những dục vọng, đam mê đang cào xé tâm hồn chúng ta. Chỉ khi nào chúng ta đánh bại được kẻ nội thù ấy và biến chúng thành đạo binh trung thành thì lúc đó chúng ta mới chiến thắng được kẻ thù đến từ bên ngoài...

Khí giới tiên quyết và chủ yếu giúp chúng ta chiến thắng được nội thù đó là sự cầu nguyện. Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ của Ngài: chỉ có ăn chay và cầu nguyện các con mới chiến thắng được loài quỷ này...

(Lẽ Sống)

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét