Trang

Thứ Bảy, 12 tháng 9, 2020

13-09-2020 : (phần I) CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN năm A

 

13/09/2020

 Chúa Nhật 24 Thường Niên năm A.

(phần I)


 

BÀI ĐỌC I: Hc 27, 33 – 28, 9 (Hl 27, 30 – 28, 7)

“Hãy tha thứ cho kẻ làm hại ngươi, thì khi ngươi cầu nguyện, ngươi sẽ được tha”.

Trích sách Huấn Ca.

Thịnh nộ và giận dữ, cả hai đều đáng ghê tởm, người có tội đều mắc cả hai. Ai muốn báo thù, sẽ bị Chúa báo thù, và Chúa nghiêm trị tội lỗi nó. Ngươi hãy tha thứ cho kẻ làm hại ngươi, thì khi ngươi cầu nguyện, ngươi sẽ được tha. Người này tích lòng giận ghét người kia, mà dám xin Chúa cứu chữa sao? Nó chẳng thương xót người đồng loại với nó, mà còn cầu xin tha thứ tội lỗi nó làm sao? Nó là xác thịt mà tích lòng thịnh nộ, thì dám xin Chúa tha thứ làm sao? Ai sẽ khẩn cầu cho tội ác nó?

Ngươi hãy nhớ đến điều sau hết, và chấm dứt hận thù: hãy nhớ đến sự hư nát và sự chết, hãy trung thành với các giới răn. Hãy nhớ kính sợ Thiên Chúa, và đừng giận ghét kẻ khác. Hãy nhớ đến giao ước của Đấng Tối Cao, và hãy bỏ qua sự lầm lỗi của kẻ khác. Đó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 102, 1-2. 3-4. 9-10. 11-12

Đáp: Chúa là Đấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân (c. 8).

Xướng:

1) Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng thánh danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người. – Đáp.   

2) Người đã thứ tha cho mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người chuộc mạng ngươi khỏi chỗ vong thân; Người đội đầu ngươi bằng mão từ bi, ân sủng. – Đáp.   

3) Người không chấp tranh triệt để, cũng không đời đời giữ thế căm hờn. Người không xử với chúng tôi như chúng tôi đắc tội, và không trả đũa theo điều oan trái chúng tôi. – Đáp.  

4) Nhưng cũng như trời xanh cao vượt trên trái đất, lòng nhân hậu Người còn siêu việt hơn thế trên kẻ kính sợ Người. Cũng như từ đông sang tây xa vời vợi, Người đã ném tội lỗi xa khỏi chúng tôi. – Đáp.  

 

BÀI ĐỌC II: Rm 14, 7-9

“Dù chúng ta sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, không ai trong anh em được sống cho mình, và cũng không ai chết cho mình. Vì nếu chúng ta sống, là sống cho Chúa; nếu chúng ta chết, là chết cho Chúa. Vậy, dù sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa. Vì lẽ ấy, nếu Đức Kitô đã chết và sống lại, là để cai trị kẻ sống và kẻ chết. Đó là lời Chúa.

 

ALLELUIA: Ga 6, 64b và 69b

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, lời của Chúa là thần trí và là sự sống, Chúa có lời ban sự sống đời đời. – Alleluia. 

 

PHÚC ÂM: Mt 18, 21-35

“Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Phêrô đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần. Có phải đến bảy lần không?” Chúa Giêsu đáp: “Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy.

“Về vấn đề này, thì Nước Trời cũng giống như ông vua kia muốn tính sổ với các đầy tớ. Trước hết, người ta dẫn đến vua một người mắc nợ mười ngàn nén bạc. Người này không có gì trả, nên chủ ra lệnh bán y, vợ con và tất cả tài sản của y để trả hết nợ. Người đầy tớ liền sấp mình dưới chân chủ và van lơn rằng: ‘Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn và tôi sẽ trả cho ngài tất cả’. Người chủ động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y.

“Khi ra về, tên đầy tớ gặp một người bạn mắc nợ y một trăm bạc: Y tóm lấy, bóp cổ mà nói rằng: ‘Hãy trả nợ cho ta’. Bấy giờ người bạn sấp mình dưới chân và van lơn rằng: ‘Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, tôi sẽ trả hết nợ cho anh’. Y không nghe, bắt người bạn tống giam vào ngục, cho đến khi trả nợ xong.

“Các bạn y chứng kiến cảnh tượng đó, rất khổ tâm, họ liền đi thuật với chủ tất cả câu truyện. Bấy giờ chủ đòi y đến vào bảo rằng: ‘Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta; còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?’ Chủ nổi giận, trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ.

“Vậy Cha Ta trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình”. Đó là lời Chúa.

 


Suy Niệm: Phải Tha Thứ Không Cùng

Các bài đọc hôm nay không hoàn toàn tiếp nối tư tưởng của ngày Chúa Nhật trước; nhưng cũng bàn về một vấn đề tương tự. Chúng ta đã thấy trong Chúa Nhật trước Lời Chúa dạy bảo chúng ta những thái độ phải có đối với người anh em phạm tội làm cực lòng cộng đoàn tín hữu. Hôm nay Lời Chúa muốn giáo huấn chúng ta phải xử trí thế nào đối với người anh em lỗi phạm đến mình. Chúng ta sẽ thấy sách Huấn Ca của Cựu Ước chuẩn bị để lời loan báo Tin Mừng của Chúa Cứu thế được đón nhận như thế nào? Và thánh Phaolô đã có những tư tưởng nào để giúp đỡ chúng ta thi hành huấn thị của Chúa Cứu thế?

 

A. Không Ðược Giận Anh Em

Sách Huấn ca thuộc loại sách khôn ngoan của Cựu Ước. Ðó là loại sách - có thể nói - muốn bắt chước lối văn triết học đạo đức của trào lưu văn minh thời sau Lưu đày. Người ta bàn đến những thói ăn cách ở xứng đáng với thiên chức làm người "linh ư vạn vật". Nhưng ở các dân tộc kế cận, lý tưởng khôn ngoan chỉ tà tà mặt đất và không nhìn xa hơn cuộc sống trần gian của con người. Còn nơi Dân Chúa, những lời dạy khôn ngoan thường được đưa lên tới Chúa và được coi như phát xuất từ Người. Ðoạn sách Huấn ca hôm nay là một thí dụ rõ ràng.

Quyển sách này có cái tên như vậy vì nó được dùng như là thủ bản để giáo huấn Dân Chúa. Nó được viết theo kiểu thi ca cho dễ đọc dễ nhớ. Nó đề cập tới mọi khía cạnh trong đời sống con người. Ðoạn sách đọc hôm nay bàn về vấn đề giận hờn.

Mở đầu, sách Huấn ca nói luôn: oán hận giận hờn thảy là quái gở, tội nhân thường nổi tiếng cả hai. Ðó là một nhận xét thông thường. Kẻ tội lỗi vẫn có lòng hờn giận. Và kẻ khôn ngoan phải thấy đó là điều quái gở. Nhưng lập tức tác giả sách Huấn ca đã đem ánh sáng mạc khải chiếu trên hiện tượng ấy trong đời sống con người. Ông thấy ngay điều ấy không đẹp lòng Chúa và Người sẽ xử cứng với kẻ giận hờn. Thế nên ông khuyên người ta phải biết tha thứ cho anh em để được Chúa thứ tha tội lỗi. Ông không biết diễn tả hơn thế nào. Ông chỉ thấy người giận hờn sẽ không được tha thứ. Và ông khuyên người ta hãy nghĩ đến ngày chung thẩm, ngày đến trước mặt Chúa mà tha thứ cho anh em. Vì không thể nào Chúa có thể rộng rãi với người không biết tha thứ. Và lúc ấy có ai cầu bầu cho kẻ nhẫn tâm như thế? Do đó tác giả sách Huấn ca khuyên người ta hãy vâng lệnh Chúa và giữ giao ước của Người mà biết tha thứ và bỏ qua các xúc phạm của anh em.

Lời khuyên ấy vượt xa mọi lý lẽ thế gian và rõ ràng đã chuẩn bị cho người ta đón nhận giáo lý của Chúa Cứu thế. Nó làm nổi bật tính cách đạo đức của sách khôn ngoan trong Cựu Ước và còn đáng dùng để giáo huấn Dân Mới của Chúa. Nó khiến chúng ta liên tưởng tới câu kinh Lạy Cha: "Xin Cha tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con", để khi gặp cơn bực tức giận hờn, chúng ta biết suy nghĩ đạo đức hầu việc nhớ đến Chúa sẽ làm cho chúng ta nguôi giận và tha thứ.

 

B. Phải Tha Thứ Không Cùng

Tông đồ Phêrô có phải là người nóng tính nhất không? Có lẽ ông hăm hở muốn thi hành Lời Chúa hơn hết mọi người. Cũng có thể vì địa vị ông năng gặp người xúc phạm và ông phải tha thứ. Nên sách Tin Mừng viết ông đã đến bên Ðức Yêsu và thưa: Thưa Thầy khi anh em xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Ðến 7 lần chăng?

Ðức Yêsu đã không ngần ngại đáp: Ta không nói đến 7 lần, nhưng đến 70 lần 7. Có thể Người đã muốn lấy lại một lời trong sách Khởi nguyên (4,24), Lamek tuyên bố "luật rừng" thời bấy giờ: phải báo thù đến 70 lần 7. Về sau Thập giới đã thu hẹp lại và chỉ cho phép người ta lấy mắt trả mắt, răng đền răng. Nhưng đến Ðức Yêsu, Người tuyên bố phải tha thứ và yêu thương cả kẻ thù địch. Và câu Người khẳng định trên kia, phải tha thứ đến 70 lần 7, chỉ có ý dạy phải tha thứ mãi mãi, tha không bao giờ cùng.

Tại sao như vậy, thì Người đã kể một dụ ngôn. Có tên "bầy tôi" kia mắc nợ hoàng đế một vạn nén vàng. Một số tiền khổng lồ không thể trả nổi. Hoàng đế ra lệnh không những bán của cải anh ta mà còn bán cả anh ta cùng vợ con. Chắc chắn sẽ chẳng được bao nhiêu. Nhưng đó là biện pháp cuối cùng, biện pháp chỉ có dân ngoại mới làm. Và như vậy để nói lên tính cách khắt khe của hình phạt vì món nợ thật lớn lao.

Nhưng tên bầy tôi đã vội quỳ mọp xuống xin nhà vua thư thả cho, để anh sẽ trả hết nợ. Hoàng đế làm quá điều anh xin. Ông tha trắng cho anh. Lẽ ra anh phải sung sướng vì ân huệ lớn lao vừa được. Nhưng lòng anh không tốt! Ơn bất ngờ kia không cảm hóa được anh tý nào. Anh đã túm cổ họng người bạn đồng liêu chỉ nợ anh có 100 đồng bạc. Số tiền này là gì sánh với một vạn nén vàng? Thế mà anh đã bỏ tù bạn cho đến khi lấy lại được một trăm đồng bạc.

Thái độ của anh thật ghê tởm! Và ai ai cũng thấy phải phạt anh ta mới được. Vậy Cha trên trời cũng sẽ xử với chúng ta như thế. Bởi vì chúng ta cũng là tội nhân ở trước mặt Người. Và tội chúng ta nhiều và nặng vô cùng. Thế mà Người vẫn tha thứ. Trông khi đó chúng ta lại không biết bỏ qua một vài xúc phạm nhỏ bé của anh em!

Bài dạy của Chúa Yêsu rõ ràng sáng sủa. Tuy như muốn nối dài và kiện toàn giáo lý của sách Huấn ca, nhưng không thiếu điều khác biệt. Nhất là rõ ràng Chúa Yêsu không nại đến ngày chung thẩm và đời sau. Việc Thiên Chúa tha thứ cho người ta không đi sau và tùy như việc người ta tha thứ cho anh em. Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta trước. Và Người muốn chúng ta thấm ơn Người và theo gương Người mà tha thứ cho anh em.

Thế thì tại sao Kinh Lạy Cha không làm nổi bật tư tưởng này, mà lại như muốn kéo dài giáo lý của sách Huấn ca? Kinh ấy dạy: Xin Cha tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Chúng ta tưởng ở đây như có một so sánh hoặc như có một đòi hỏi bó buộc Thiên Chúa phải tha nợ cho chúng ta như chúng ta đã tha thứ cho anh em. Nhưng không, đây chỉ là một điều kiện, một thái độ chuẩn bị, chứng tỏ lòng chúng ta khi tha thứ cho anh em cũng ao ước được Chúa tha thứ rộng rãi cho mình. Người có tha thứ mới thật lòng muốn được tha thứ và mới đáng nhận được ơn tha thứ. Ơn này Thiên Chúa đã ban sẵn cho mọi người nơi Ðức Yêsu Kitô. Người ta sẽ nhận được khi đến với tâm hồn biết tha thứ. Và người ta phải nhìn vào lòng thương xót tha thứ của Chúa để biết tha thứ cho anh em.

Ðiều này cũng được thánh Matthêô nhấn mạnh trong câu vị hoàng đế nói với kẻ bầy tôi bất nhân bất nghĩa: "Ngươi không phải thương xót bạn đồng liêu với ngươi như chính Ta đã thương xót ngươi sao?" Và như vậy rõ ràng giáo lý của Chúa Yêsu là người ta phải nhìn vào lòng Chúa thương xót đã tha thứ rộng rãi quảng đại cho người ta để người ta cũng phải thương xót tha thứ cho anh em trong mọi xúc phạm thực ra quá nhỏ mọn sánh với các xúc phạm của người ta đối với Chúa.

Và cũng một tư tưởng nữa trong giáo lý của Ðức Kitô: Người ta chỉ là "đồng liêu" với nhau, hoặc như lời sách Huấn ca, người ta hết thảy đều là xác thịt. Tha thứ có là việc đáng kể gì sánh với việc Thiên Chúa tha thứ cho ta, vì Người là Ðấng Thánh khác hẳn với chúng ta và trổi vượt trên chúng ta bội phần? So sánh Người với chúng ta như vị hoàng đế với kẻ bầy tôi chỉ là một kiểu nói theo ngôn ngữ loài người. Khó tìm được lối so sánh nào mạnh hơn. Nhất là nếu còn muốn gợi lên hình ảnh xử án nữa!

Như vậy bài sách Tin Mừng quả thật đã không bỏ mất một yếu tố nào trong bài sách Huấn ca. Hơn nữa thay vì đưa chúng ta nghĩ về phiên tòa xét xử sau này trong ngày chung thẩm, thánh Matthêô cho chúng ta thấy việc phân xử đó đang thi hành trước mắt chúng ta, kể từ ngày Thiên Chúa đã tha thứ tội lỗi cho mọi người nơi Ðức Yêsu Kitô Cứu Thế.

Thánh Phaolô trong bài thư hôm nay cũng có một quan niệm tương tự khi khuyên chúng ta phải biết rộng rãi tha thứ cho anh em. Và phải biết tha thứ đến độ không còn dám đoán xét anh em nữa. Chúng ta hãy tìm hiểu ý người.

 

C. Không Ðược Ðoán Xét

Người nói: chúng ta là gì mà lại đoán xét anh em, mà lại coi anh em là đắc tội? Chúng ta hết thảy chỉ là tôi tớ. Thật vậy, là tín hữu, chúng ta tin Ðức Yêsu Kitô. Chúng ta tuyên xưng Người là Chúa nhờ cuộc khổ nạn-phục sinh của Người. Người đã được đặt làm Chúa kẻ sống và kẻ chết, tức là Chúa của các thế hệ đi trước chúng ta và của chúng ta cũng như của những kẻ đến sau chúng ta. Ðối với Người, chúng ta chỉ là bầy tôi hay là tôi tớ theo nghĩa rất mạnh là vận mạng của chúng ta hết thảy bây giờ ở trong tay Người. Có thể nói, chúng ta ngày nay không còn tự do gì nữa. Từ ngày cùng chết và sống lại với Người trong Bí tích Rửa tội để trở thành Kitô hữu, chúng ta đã tự bán mình cho Người, trở nên nô lệ của Người để được sự tự do của con cái Thiên Chúa.

Vậy thân phận chúng ta đã là những tên nô bộc sống hoàn toàn dưới quyền của Chúa thì chúng ta không còn quyền đoán xét và xét xử nhau nữa. Mọi xích mích giữa chúng ta bây giờ phải được đệ lên trước mặt Chúa để tùy Người phân xử. Chúng ta chỉ còn phận sự chu toàn trách nhiệm của mình và sẽ phải trả lẽ về chính mình ở trước mặt Thiên Chúa.

Bài học của thánh Phaolô như vậy có vẻ dứt khoát và quyết liệt hơn Lời Chúa dạy trong bài Tin Mừng. Không những không được giận hờn mà còn không được đoán xét. Không còn khuyên bảo theo gương Chúa nữa nhưng trắng trợn chỉ tay vào thân phận của mỗi người mà bảo im đi. Nghĩ như vậy là không hiểu tý gì về tư tưởng của thánh Phaolô. Ðối với người, không có vinh dự và hạnh phúc nào sánh được với ơn gọi Kitô hữu. Và người ta càng sống đúng với ơn gọi này khi chỉ còn sống chết cho Chúa Kitô. Sống như vậy là trở nên nô lệ của Người, nhưng đó là thứ nô lệ đem đến thống trị với Người, như chính Người đã tự hư vô hóa mình để được đưa lên trên hết mọi danh hiệu và làm Chúa của kẻ chết và kẻ sống. Người Kitô hữu đã thuộc về Chúa, trở nên sản nghiệp của Người, thì không còn ở dưới quyền ai nữa, một chỉ ở dưới quyền Thiên Chúa mà thôi. Ðó là sự tự do của họ. Thánh Phaolô bênh vực sự tự do này cho mọi tín hữu vì nó đã được mua chuộc bằng Máu của Ðức Kitô. Thế nên thánh nhân không cho ai có quyền đoán xét anh em. Và như vậy người bênh vực mọi Kitô hữu chứ không phản đối ai.

Bài học của người hiểu như vậy thật tích cực và đề cao mọi người. Có thể nói người đã làm cho mọi người được quyền bất khả bị xâm phạm nhân danh Kitô hữu, tức là nhân danh Ðức Kitô. Nói đúng hơn, người nhắc nhở hết thảy chúng ta trở nên thân phận của mình. Là đồng phận, đồng liêu với nhau ở trước mặt Chúa, chúng ta hãy sống hòa hợp với nhau như anh em. Và như vậy không còn được đoán xét giận hờn nhau nữa.

Tư tưởng của Người đã có trong bài sách Huấn ca và trong bài Tin Mừng. Ðọc lại cả ba bài Kinh Thánh hôm nay, chúng ta thấy rõ Lời Chúa vẫn là một: người ta không được đoán xét oán giận nhau vì là những thái độ không tốt; hết thảy chúng ta đều như nhau trước mặt Chúa. Người đã thương xót tha tội vô vàn cho chúng ta thì lẽ nào chúng ta bất nhân đến nỗi còn muốn hạch tội anh em? Người đã đổ máu ra để chuộc anh em, thì làm sao chúng ta còn có thể kết tội anh em? Người sẽ phán xét mọi người thì chúng ta phải tỏ ra thương xót để sẽ được thương xót.

Tất cả những điều ấy đang thật sự xảy ra ở giữa cộng đoàn chúng ta trong giờ phụng vụ này. Ai có thể nói mình hơn ai ở trước mặt Chúa? Người không tỏ ra xót thương chúng ta vô vàn trong hành vi lễ tế này sao? Và Người hy sinh đến như vậy để muốn chuộc hết mọi người và nâng lên bậc làm con Chúa. Có thể nào chúng ta còn dám đoán xét anh em?

Và cuối cùng, mầu nhiệm Thánh Thể này đảm bảo việc Chúa Kitô sẽ trở lại phán xét, đưa tất cả về thiên quốc làm thành Thân thể sáng láng của Người. Ai có tâm nào muốn loại trừ anh em, đi trước quyền phân xử của Chúa và khiến Người sẽ không dung thứ cho chính mình? Không, để tham dự Thánh lễ này cho hữu hiệu, chúng ta hãy thi hành Lời Chúa: trước khi đem lễ vậy dâng trên bàn thờ phải làm hòa với anh em. Và khi đã dâng của lễ hòa giải này nơi bàn thờ, chúng ta lại càng phải duy nhất yêu thương phục vụ anh em hơn nữa. Vì có như vậy chúng ta mới thật sự là một đoàn chiên với một Chúa chiên.

 

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

 

 


LỜI CHÚA MỖI NGÀY

Chủ Nhật 24 Thường Niên, Năm A

Bài đọcSir 27:30-28:7; Rom 14:7-9; Mt 18:21-35.

 

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải tha thứ.

Tha thứ là chuyện khó làm mà phải luôn tha thứ là điều quá vượt quá giới hạn của con người, thế mà các Bài đọc hôm nay lại khuyên con người làm chuyện đó. Những lý do làm cho con người khó tha thứ: (1) Tha thứ mãi để cho người ta lợi dụng. (2) Tha thứ mãi để cứ phải chết lần chết mòn. (3) Chắc gì người ta đã muốn nhận tha thứ của mình. (4) Làm sao quên được những đau khổ và xỉ nhục họ gây ra cho mình? Vì thế, nhiều người kết luận “Chúa tha nhưng tao không tha,” hay “sống giữ chết mang theo.” Có người căm hận người khác đến độ “Chúa có bắt xuống hỏa ngục cũng đành chịu chứ không thể tha thứ được!” Những lý do nêu trên đều chính đáng, nhưng không đủ để tránh tha thứ. Các Bài đọc hôm nay cho chúng ta thấy những lý do tại sao phải tha thứ luôn.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Tha thứ để được thứ tha.

Lý do đầu tiên và trên hết tại sao phải tha thứ là vì để được thứ tha bởi Thiên Chúa. Đã là con người, ai cũng có tội; nếu đã có tội, cần phải được tha thứ. Con người không những có tội, còn luôn luôn phạm tội; vì thế con người luôn luôn cần được tha thứ. Những lời của Sách Đức Huấn Ca lặp đi lặp lại điệp khúc này:

- Hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác, thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha.

- Kẻ báo thù sẽ chuốc lấy báo thù của Đức Chúa, tội lỗi nó, Người xem xét từng ly.

- Người với người cứ nuôi lòng hờn giận, thế mà lại xin Đức Chúa chữa lành!

- Nó chẳng biết thương người đồng loại, mà lại dám xin tha tội cho mình!

Điều làm cho con người khó tha thứ là con người tưởng mình tốt lành và coi người khác là tội nhân. Nếu họ chịu khó xét mình, họ sẽ nhìn thấy rõ hơn tội lỗi của họ. Hơn nữa, nhiều người biết mình có tội nhưng vẫn lên án tha nhân, là vì tội tha nhân đã được phơi ra ánh sáng, trong khi họ nghĩ tội của họ có thể che giấu được. Câu truyện Người Phụ Nữ Ngọai Tình trong chương 8 của Gioan là một ví dụ điển hình. Chúa thách đố mọi người đang muốn ném đá người phụ nữ: “Ai trong các ông không có tội thì hãy quăng viên đá trước.” Không ai dám quăng đá vì họ biết họ có thể giấu mọi người, nhưng không thể giấu chính họ, và Đấng thấu suốt mọi bí ẩn trong lòng họ.

Luôn nghĩ đến Ngày Phán Xét là động lực giúp con người dễ tha thứ: “Hãy nhớ đến ngày tận số mà chấm dứt hận thù, nhớ mình sẽ phải hao mòn và phải chết mà trung thành giữ các điều răn.” Trong ngày này, mọi bí ẩn giấu kín đều được phơi bày ra ánh sáng và Thiên Chúa là Đấng rất công minh sẽ thưởng hay phạt mỗi người tùy theo việc họ đã làm.

2/ Bài đọc II: Dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa.

Tha thứ để được thứ tha là chuyện công bằng nên làm. Tuy nhiên, thánh Phaolô còn cho chúng ta một nguyên lý tích cực hơn để tha thứ: cho Chúa và cho chính chúng ta. Ngài nói: “Thật vậy, không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình. Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa.”

Nguyên lý tích cực này đến từ thần học về thân thể của ngài: Mọi người đều là những chi thể của một thân thể là Hội-Thánh và Đức Kitô là Đầu. Theo thần học này, chúng ta được nối kết với nhau trong một tình tương thân tương trợ vì chúng ta cùng được nối kết vào thân thể của Chúa. Các chi thể không thể sống riêng lẻ, nhưng phải kết hợp với thân thể. Nếu một chi thể đau là tòan thân đau; và nếu tất cả các chi thể khỏe mạnh thì tòan thân khỏe mạnh.

Giống như trường hợp hôn nhân giữa hai vợ chồng: họ không còn là hai nhưng trở nên một xương thịt, vì thế cả hai không thể tách rời nhau vì bất cứ lý do gì cho đến chết; chúng ta có thể áp dụng thần học thân thể của thánh Phaolô vào sự tha thứ. Tất cả chúng ta là những chi thể của một thân thể là Chúa Kitô nên chúng ta không thể tách rời nhau vì bất kỳ lý do gì, không những cho đến chết mà còn cả khi sống lại nữa vì Đức Ki-tô đã chết và sống lại chính là để làm Chúa kẻ sống cũng như kẻ chết. Vì vậy, tha thứ là chuyện phải làm để giữ cho thân thể Chúa Kitô luôn được vẹn tòan.

3/ Phúc Âm: Phải luôn tha thứ, không phải đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.

Chúng ta phải thầm biết ơn sự mau miệng và tính thành thật của Phêrô, vì nhờ thánh nhân mà chúng ta có được sự giảng giải rõ ràng của Chúa Giêsu về một vấn đề hết sức tế nhị và rất khó thi hành. Phải tha thứ bao nhiêu lần? Tục ngữ Việt-Nam có câu “Quá tang ba bận,” và phong tục của người Do-Thái cũng thế “tối đa là 3 lần.” Phêrô muốn tỏ ra chắc ăn, nên đã rộng lượng tăng lên hơn gấp đôi: “7 lần.” Nhưng câu trả lời của Chúa Giêsu đã làm cho Phêrô và chúng ta giật mình: "Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy." Các nhà chú giải thường tranh luận “bảy mươi lần bảy là bao nhiêu lần?” Có người cho là 70*7= 490 lần; người khác cho là 707 hay 777, một con số rất to lớn. Điều quan trọng Chúa muốn nhấn mạnh nơi đây là bất cứ lúc nào anh chị em nói lời xin lỗi là chúng ta phải tha. Nhiều người đã lắc đầu và cho rằng: Nếu thánh trên bàn thờ còn phải nhảy xuống để can thiệp thì làm sao con người có thể tha thứ mãi, nhất là với những người cứ tái đi tái lại? Nhưng nếu chúng ta biết trở nên tốt là một tiến trình tập luyện lâu dài thì việc phải kiên nhẫn tha thứ là chuyện tất nhiên phải làm.

Tại sao phải tha thứ? Thay vì đưa ra câu trả lời, Chúa kể một ví dụ rất rõ ràng và có thể giải quyết nhiều vấn nạn khác chung quanh vấn đề tha thứ. Người nói: “Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách. Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng. Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ. Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy: "Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết." Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ.”

Sự tương phản giữ hai món nợ và cách xử cho ta thấy rõ sự ác độc của kẻ đã được tha thứ này. Số tiền anh được tha là mười ngàn yến vàng (ta,lanton) tương xứng với khỏang 4.8 triệu Mỹ-kim (một yến vàng giá 5000-6000 quan tiền) trong khi bạn anh chỉ nợ 100 quan tiền (khỏang 10 Mỹ-kim). Nếu so sánh giữa hai món nợ, số tiền bạn anh nợ chưa đáng số lẻ của món nợ anh được tha. Chúng ta hãy xem cách xử của anh với người bạn nợ: Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: "Trả nợ cho tao!" Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ: "Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh." Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ.

Tại sao anh làm như thế? Vì anh nghĩ rằng sẽ không ai biết cách cư xử của anh, nhất là vị vua đã tha nợ cho anh. Nhưng tất cả những gì anh làm đã không giấu được các bạn của anh vì những người này có thể cũng là bạn với con nợ của anh. Họ buồn lắm và đến thuật lại cùng vị vua tất cả mọi điều xảy ra. Chúng ta thử tưởng tượng xem phản ứng của nhà vua sẽ ra sao khi biết được tin này: Vua đòi đầy tớ đến mà phán rằng: “Hỡi đầy tớ độc ác kia! Ta đã tha hết nợ cho ngươi vì ngươi cầu xin Ta; tại sao ngươi không thương xót đồng bạn ngươi như Ta đã thương ngươi?” Chủ nội giận, trao anh cho kẻ giữ ngục cho đến khi anh trả xong hết nợ.

Cũng vậy, trong mối tương quan của chúng ta với Chúa: Nếu chúng ta không chịu tha thứ những khuyết điểm nhỏ bé của anh em phạm đến chúng ta như kẻ bất lương hôm nay, làm sao Thiên Chúa có thể tha thứ những tội lớn chúng ta đã xúc phạm đến Ngài? Vì thế, tha thứ không còn là chuyện có thể làm hay không làm, nhưng là một bổn phận phải làm kèm theo hình phạt nếu không làm như Chúa đã báo hôm nay: “Nếu mỗi người trong các ngươi không hết lòng tha lỗi cho anh em mình, thì Cha Ta ở trên trời cũng sẽ xử với các ngươi như vậy.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Tha thứ để được thứ tha.

- Tha thứ cho nhau là giữ cho thân thể của Chúa Kitô được luôn vẹn tòan.

- Phải tha thứ luôn luôn cho tha nhân vì Chúa vẫn hằng tha thứ cho chúng ta mỗi ngày.

Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.

 

13/09/2020 – CHÚA NHẬT TUẦN 24 TN – A

Mt 18,21-35

 


LUẬT NHÂN QUẢ CỦA CHÚA

Bấy giờ tôn chủ đòi y đến và bảo: “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?” (Mt 18,32-33)

 

Suy niệm: Nhiều người mặc nhiên coi câu nói ‘gieo nhân nào gặt quả nấy’ như một quy luật hoàn toàn máy móc. Vì thế khi thấy ai đó gặp phải điều không may, họ quy kết ngay rằng hẳn “anh ta hay cha mẹ anh ta” đã làm điều chi bất nhân thất đức nên mới bị trừng phạt ‘quả báo nhãn tiền’ như thế (x. Ga 9,1-2). Chúa Giê-su không nói luật nhân quả là sai nhưng Ngài cho biết căn nguyên của luật ấy là chính Thiên Chúa và mỗi người đều đã nhận được cái “nhân” tối thượng là ơn tha thứ nhờ lòng thương xót của Ngài: “Tôn chủ” đã tha nợ cho người đầy tớ món nợ vô cùng lớn chỉ vì “anh đã van xin Ngài.” Vì thế từ cái “nhân” tốt lành đó mỗi người sẽ phải sinh “quả ngọt” bằng cách “thương xót người khác như chính Chúa đã thương xót mình”. Ngược lại, người ta sẽ nhận phải cái kết là “trái đắng” nếu họ cư xử nghiệt ngã vô cảm với anh em mình.

Bạn thân mến! Những việc lành phúc đức của bạn, việc bạn bao dung tha thứ cho người khác đúng là những nhân tốt lành để bạn gặt được quả phúc mai sau, nhưng, bạn nhớ rằng đó cũng là việc bạn phải làm để đáp lại việc trước đó Chúa đã xoá cho bạn món nợ vô cùng lớn là tội lỗi mà bạn đã xúc phạm đến Chúa và anh em. Bạn hãy nhớ luật nhân quả của Chúa là: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7).

Sống Lời Chúa: Mỗi tối xét mình, thấy mình còn hờn giận ai, bạn hãy tìm cách tốt nhất để làm hoà với họ.

Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha.

(5 Phút Lời Chúa)

 

 

Hết lòng tha thứ.



Suy Niệm

"Và bạn nữa, người bạn của giây phút cuối cùng.

Bạn không hiểu điều bạn đã làm.

Cầu xin cho hai chúng ta là những người trộm lành

được gặp lại nhau trên Thiên quốc,...

Chúa là Chúa của hai chúng ta."

Đó là lời trối của cha Christian de Chergé

viết cho người Hồi giáo nào đó sẽ ám sát mình,

bởi cha biết cái chết là điều không sao tránh khỏi.

Ta không thấy có chút hờn oán nào.

Cha coi kẻ giết mình như một người bạn,

một người trộm lành như cha, và cha mong được sống với anh trên trời.

Tha thứ một cách phi thường và hồn nhiên,

đó là thái độ của người thấm nhuần Kitô giáo.

Các tôn giáo đều dạy sự tha thứ.

Tha thứ để làm cho oán tiêu tan,

để phá vỡ cái vòng oan nghiệt trói buộc con người.

Kitô giáo mời gọi tha thứ vì một lý do khác:

Tôi phải tha thứ cho anh em tôi vì Chúa đã liên tục tha thứ cho tôi.

Đời tôi là một chuỗi những vấp ngã,

được đan kết với bao thứ tha.

Ơn tha thứ như dòng suối chảy vào đời tôi,

nếu bị ngăn lại, nó sẽ thành ao tù,

nó chỉ trong lành khi được chảy đến tha nhân.

Tha thứ là khả năng của Thiên Chúa.

Tự sức riêng, ta không ra khỏi được vòng oán thù.

Chẳng ngày nào thế giới không có tiếng súng.

Luật mắt đền mắt là luật công bằng,

nhưng có thể làm cả thế giới hoá mù.

Chỉ sự tha thứ mới đem lại bình an.

Dám tha thứ là dám chịu thiệt thòi,

dám tin rằng cuối cùng tình thương sẽ thắng.

Qủa tim chai đá phải tan chảy trước tình thương.

Đức Giêsu mời gọi chúng ta tha thứ, không phải 7 lần, mà là 70 lần 7,

nghĩa là tha thứ như Thiên Chúa, tha vô giới hạn.

Cần biết chạnh lòng thương như Thiên Chúa,

để sẵn sàng tha cho bạn mình một món nợ nhỏ,

vì Chúa đã tha cho mình món nợ khổng lồ.

Chúng ta chỉ biết chắc mình đã được Chúa tha,

khi chúng ta không giữ ơn tha thứ cho riêng mình,

khi chúng ta mang quả tim thương xót của Đấng hay tha thứ.

Cha Chergé đã bị giết cũng với 6 đan sĩ khác.

Chắc nay cha hiểu rõ hơn câu này:

"Vì chính khi thứ tha, là khi được tha thứ."

Gợi Ý Chia Sẻ

Tha thứ cho người xúc phạm đến danh dự, tài sản, quyền lợi của bạn, bạn thấy điều đó có khó không? Bạn làm gì để vượt qua được ước muốn trả thù?

Ở Angiêri đã có 19 tu sĩ và giáo sĩ Công giáo bị nhóm Hồi giáo quá khích giết hại. Bạn có nghĩ rằng những cái chết hiền lành này sẽ khiến ai đó phải nghĩ lại không?

Cầu Nguyện

Xin hãy dẫn dắt con đi từ cõi chết đến sự sống, từ lầm lạc đến chân lý.

Xin hãy dẫn dắt con đi từ thất vọng đến hy vọng, từ sợ hãi đến tín thác.

Xin hãy dẫn dắt con đi từ ghen ghét đến yêu thương, từ chiến tranh đến hoà bình.

Xin hãy đổ đầy bình an trong trái tim chúng con, trong thế giới chúng con, trong vũ trụ chúng con.

(Mẹ Têrêxa Calcutta)

(Trích trong ‘Manna’ - Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ.)

 

 

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

13 THÁNG CHÍN

Chạm Đến Tận Nguồn Sự Sống

Đức Kitô là Đường bởi vì Người là Sự Thật. Chính Người là câu trả lời cuối cùng cho câu hỏi “Thiên Chúa là ai ?” Đây là lời chứng của Tông Đồ Gioan: “Không ai từng xem thấy Thiên Chúa. Nhưng người Con Một của Thiên Chúa, Đấng ở bên cạnh Chúa Cha, đã mạc khải về Ngài. ” (Ga 1,18)

Qua Mầu nhiệm Nhập thể, Đức Giêsu Kitô tỏ bày tình yêu, lòng quan tâm và thương xót của Thiên Chúa hằng sống. Và Người bày tỏ như thế trong tư cách là Con của Đức Maria – là Thiên Chúa làm người – bằng một cách thế mà loài người có thể hiểu được.

Chúng ta đạt đến Thiên Chúa qua sự thật về chính Thiên Chúa và qua sự thật liên quan đến tất cả những gì tồn tại ngoài Thiên Chúa: qua tạo vật, là đại vũ trụ; và qua con người, là tiểu vũ trụ. Chúng ta đạt đến Thiên Chúa qua sự thật được công bố bởi Đức Kitô và qua sự thật là chính Đức Kitô. Chúng ta đạt đến Thiên Chúa nơi Đức Kitô, Đấng không ngừng tuyên bố: “Ta là sự thật”.

Đạt đến Thiên Chúa qua sự thật là Đức Kitô, đó quả thật là đạt đến nguồn mạch của mọi sự sống. Đây là nguồn mạch sự sống vĩnh cửu vốn bắt đầu ngay trên trần gian này trong “sự mịt mù của đức tin”. Chúng ta chịu đựng sự mịt mù này cho đến khi chúng ta nhìn thấy Thiên Chúa diện đối diện trong ánh sáng vinh hiển của chính Ngài.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

 

 

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 13/9

Chúa Nhật XXIV Thường Niên

Hc 27, 33-28, 9; Rm 14, 7-9; Mt 18, 21-35.



LỜI SUY NIỆM: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” Đức Giêsu dáp: Thầy không bảo đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy.”

       Với Thánh Phêrô, cũng như mọi người trong chúng ta đều có chung một quan niệm về tha thứ, nghĩa là: tha thứ trong một giới hạn nào đó, không đi quá sức chịu đựng của chúng ta. Nhưng đối với Chúa Giêsu, thì không phải thế, là phải luôn luôn tha thứ, và sự tha thứ không có giới hạn. Bởi vi mỗi người trong chúng ta ai cũng là người có lỗi trước mặt Thiên Chúa, và cần sự tha thứ của Ngài; do đó Chúa cho biết: “Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.”

       Lạy Chúa Giêsu. Xin cho tất cả chúng con luôn có tâm hồn tha thứ như lời Chúa dạy; chính nhớ có sự tha thứ cho nhau sẽ tạo nên một thế giới chan chưa tình huynh đệ và hòa bình.

Mạnh Phương

 

 

Gương Thánh Nhân

NGÀY 13-09 THÁNH GIOAN KIM KHẨU – GIÁM MỤC, TIẾN SĨ HỘI THÁNH. (347 – 407)

Thánh Gioan Kim Khẩu sinh tại Antiôchia nước Syria, năm 347, cha Ngài là một sĩ quan quân đội, đã qua đời ít lâu sau khi Ngài sinh ra. Mẹ Ngài goá bụa vào tuổi đôi mươi đã từ khước tái hôn để dành trọn tình mẫu tử vào việc giáo dục con cái. Vì vậy thánh nhân liên tiếp được hướng dẫn sống đời cầu nguyện thinh lặng. Gioan còn được mẹ ký thác cho Libaniô, nhà hùng biện thời đó, dạy cho thuật ăn nói. Thánh nhân nhanh chóng bắt kịp rồi qua mặt thầy về khoa này. Một ngày kia, khi đọc bài tập của Gioan, Libanio đã phải thốt lên : – “Phúc cho những hoàng đế nào được tán tụng như vậy”.

Hai mươi tuổi, Gioan đã biện hộ trứơc tòa án với một tài năng đặc biệt khiến nhiều người thán phục. Gioan một thời gian đã để mình bị lôi cuốn theo nhiệt tình của dân chúng. Nhưng rồi Ngài đã sớm nhận ra mối nguy của danh vọng và dứt khoát giã từ pháp đình để tự hiến cho Thiên Chúa. Sau khi học thánh kinh, Ngài theo thánh Meletô (+381). Giám mục Antiochia, là đấng đã dạy dỗ, rửa tội và phong cho Ngài tác vụ đọc sách.

Năm 374, thánh Gioan ẩn mình trong miền núi Syria, thụ giáo với tư sĩ thánh thiện trong 4 năm. Sau đó Ngài ẩn mình trong một hang đá hai năm để cầu nguyện và học hỏi Kinh thánh. Ngã bệnh vì cuộc sống quá khắc khổ, Ngài trở lại Antiochia và được thánh Melatiô phong chức phó tế năm 318. Năm 386, Ngài thụ phong linh mục và bắt đầu giảng dạy, một phận vụ lúc ấy chỉ do các giám mục phụ trách. Suốt 38 năm, tài lợi khẩu của Ngài thật đăc biệt có sức lôi cuốn cả dân thành Antiochia.

Ngày 26 tháng 2 năm 398, thánh Gioan được tấn phong giám mục thành Constantinople. Ngài mau mắn sửa đổi lại tòa giám mục. Bán của cải, Ngài phân phát cho người nghèo khó và xây dựng một nhà thương, Ngài lo lắng nhổ tận gốc rễ những lạm dụng trong giáo đoàn. Với tất cả sự hùng biện, Ngài công kích những vô kỷ luật xa hoa, ngay tại triều đình. Bà vận động chống lại thánh nhân.

Ngài nói : – “Hãy nói với Hoàng Hậu rằng: Gioan Kim Khẩu chỉ sợ có một điều, không phải lưu đày tù tội, cũng không phải nghèo túng và phải chết đi nữa, mà chỉ sợ phạm tội thôi”.

Và Ngài đã bị lưu đày nơi Cucuusus ở Armenia. Đức giám mục tại đó tiếp đón Ngài nồng hậu. Đức giáo hoàng Innocentê I, gởi đặc sứ tới Constantinople triệu tập một công đồng để dàn xếp nội vụ. Nhưng các thành viên bị tống giam và thánh Gioan Kim Khẩu còn bị lưu đầy đi xa hơn nữa. Lúc ấy Ngài đã già nua. Cuối cùng Ngài bị bất tỉnh và được đưa vào nguyện đường thánh Basiliô gần miền Cappadocia. Nơi đây sau khi chịu các phép bí tích cuối cùng,

Ngài qua đời ngày 14 tháng 9 năm 407. Năm 438 xác thánh nhân được long trọng rước về Constantinople. Vị tân hoàng đế và em gái ông đã hối hận vì tội lỗi của cha mẹ họ.

Kim Khẩu có nghĩa là miệng vàng. Tài lợi khẩu và việc rao giảng đã khiến cho thánh nhân xứng đáng mang danh hiệu này. Tên Ngài cũng dính liền với phụng vụ thánh Gioan Kim Khẩu, thịnh hành ở Đông phương.

Tuy nhiên thánh nhân nổi tiếng vì chính con người của Ngài hơn là tài giảng thuyết. Ngài là một khuôn mặt có ảnh hưởng lớn lao và sống động thời đó. Qua các bài giảng của Ngài, chúng ta thấy phản ảnh một con người nhẫn nại và đầy sức sống. Qua các tác phẩm và nhất là qua các thư từ của Ngài, ngày nay chúng ta có được cảm giác sống động thế nào là một con người đầy nhân bản.

(daminhvn.net)

 

 

13 Tháng Chín

Bộ Lông Chồn

Tại những khu rừng ở miền Bắc Âu, có một loại chồn rất đẹp. Vào mùa hạ, lông chồn màu nâu nhạt. Nhưng vào mùa đông, lông chồn bỗng đổi màu và mang sắc trắng như tuyết, trừ có đầu và đuôi chồn vẫn giữ nguyên màu đen. Có lẽ do một bản năng kỳ lạ nào đó, những con chồn này giữ gìn bộ lông đẹp đẽ của mình rất cẩn thận. Chúng không bao giờ để thân thể dính bụi đất dơ bẩn.

Những người thợ săn Âu châu biết được đặc tính kỳ lạ này. Do đó, thay vì đặt bẫy để bắt chồn, họ đi tìm những khe đá hoặc gốc cây nơi chồn cư ngụ, rồi bôi nhựa đường lên. Sau đó, họ thả chó ra để bắt đầu săn đuổi. Những con chồn bị đuổi vội chạy về chỗ ở. Nhưng khi thấy nơi ở của mình bị hoen ố, chúng không chịu vào ẩn núp. Chúng đành chịu đương đầu với nguy hiểm và ngay cả sự chết, hơn là để thân thể hóa ra hoen ố…

Ðối với giống chồn đẹp đẽ trên đây, sự trong sạch còn quý hơn cả mạng sống: chúng sẵn sàng chiến đấu và chết hơn là để cho thân thể phải ra hoen ố.

Cuộc sống của người Kitô chúng ta cũng phải như thế. Ðược tái sinh trong Ðức Kitô Phục Sinh, mỗi người Kitô chúng ta được khoác lên chiếc áo trắng tinh tuyền. Chiếc áo trắng ấy, như lời khuyên của Giáo Hội trong ngày chúng ta chịu Phép Rửa, chúng ta phải mang nó tinh tuyền cho đến ngày ra trước mặt Chúa…

Cuộc sống nào cũng có chiến đấu. Cạm bẫy giăng mắc đầy các lối đi của chúng ta. Người Kitô không vì một chút lợi lộc, một chút an toàn giả hiệu để làm hoen ố chiếc áo tâm hồn của mình.

(Lẽ Sống)

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét