27/05/2020
Thứ Tư tuần 7 Phục
Sinh
BÀI ĐỌC I: Cv 20, 28-38
“Tôi xin ký thác các ông cho
Thiên Chúa, Đấng có quyền năng kiến tạo và ban cho các ông được dự phần gia
nghiệp”.
Trích sách Tông đồ
Công vụ.
Trong những ngày ấy, Phaolô nói với các trưởng giáo đoàn Êphêxô rằng:
“Các ông hãy thận trọng, và săn sóc đoàn chiên mà Thánh Thần đã đặt các ông làm
giám quản điều khiển giáo đoàn của Chúa đã được Người cứu chuộc bằng máu. Phần
tôi, tôi biết rằng sau khi tôi đi rồi, sẽ có những sói dữ đột nhập giữa các
ông, chúng không dung tha đoàn chiên; và ngay giữa các ông sẽ có những kẻ ăn
nói xảo trá nổi dậy để lôi kéo các môn đồ theo họ. Vì thế, các ông hãy tỉnh thức,
và nhớ rằng trong ba năm trời, đêm ngày tôi không ngừng sa lệ mà khuyên bảo từng
người. Và bây giờ, tôi xin ký thác các ông cho Thiên Chúa và cho lời ân sủng của
Người, Người là Đấng có quyền năng kiến tạo và ban cho các ông được dự phần gia
nghiệp làm một với tất cả mọi người đã được thánh hoá. Tôi đã không ham muốn bạc,
vàng, hay y phục của ai hết, như chính các ông đã biết. Những đồ gì tôi và những
kẻ ở với tôi cần dùng, thì chính hai bàn tay này đã làm ra. Bằng mọi cách, tôi
đã chỉ bảo cho các ông rằng phải làm việc như vậy, để nâng đỡ những người yếu
đuối, và ghi nhớ lời Chúa Giêsu đã phán: ‘Cho thì có phúc hơn là nhận’ “.
Nói xong, ngài quỳ xuống cầu nguyện với mọi người. Ai nấy đều khóc lớn tiếng,
và ôm cổ Phaolô mà hôn, họ đau buồn nhất là vì lời ngài vừa nói rằng họ sẽ
không còn thấy mặt ngài nữa. Rồi họ tiễn đưa ngài xuống tàu. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 67, 29-30.
33-35a. 35b-36c
Đáp: Chư quốc trần
ai, hãy ca khen Thiên Chúa (c. 33a).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Ôi Thiên Chúa, xin tỏ ra quyền năng của Chúa. Ôi Thiên Chúa,
xin củng cố sự việc Chúa đã làm cho chúng con! Vì thánh đài của Chúa ở
Giêrusalem, các vua sẽ tiến dâng Ngài lễ vật. – Đáp.
2) Chư quốc trần ai, hãy ca khen Thiên Chúa, hãy xướng lên bài ca mừng
Chúa, mừng Đấng ngự giá qua cõi trời, cõi trời ngàn thu! Kìa Ngài lên tiếng, tiếng
nói quyền năng: “Các ngươi hãy nhìn biết quyền năng Thiên Chúa”. – Đáp.
3) Oai nghiêm Ngài chiếu giãi trên Israel, và quyền năng Ngài trên cõi nước
mây. Từ thánh điện của Ngài, Thiên Chúa đáng tôn sợ. Thiên Chúa của Israel,
chính Ngài ban cho dân Ngài được quyền năng và mãnh lực. – Đáp.
ALLELUIA: Mt 28, 19 và
20
Alleluia, alleluia!
– Chúa phán: “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân: Thầy sẽ ở cùng các con mọi
ngày cho đến tận thế”. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Ga 17, 11b-19
“Để chúng được nên một như Ta”.
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời cầu nguyện rằng: “Lạy Cha chí
thánh, xin hãy gìn giữ trong danh Cha những kẻ Cha đã ban cho Con, để chúng được
nên một như Ta. Khi Con còn ở với chúng, Con đã gìn giữ chúng trong Cha. Con đã
gìn giữ những kẻ Cha đã giao phó cho Con, không một ai trong chúng bị mất, trừ
ra con người hư vong, để lời Kinh Thánh được nên trọn. Bây giờ Con về cùng Cha,
và Con nói những điều này khi Con còn dưới thế, để chúng được đầy sự vui mừng của
Con trong lòng.
“Con đã ban lời Cha cho chúng, và thế gian đã ghét chúng, vì chúng không
thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian. Con không xin Cha đem
chúng ra khỏi thế gian, nhưng xin gìn giữ chúng cho khỏi sự dữ. Chúng không thuộc
về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian. Xin hãy thánh hoá chúng
trong chân lý: lời Cha là chân lý. Cũng như Cha đã sai Con vào thế gian, thì
Con cũng sai chúng vào thế gian. Và vì chúng, Con đã tự thánh hoá, để cả chúng
cũng được thánh hoá trong chân lý”. Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM : Xin Cha gìn
giữ họ.
Có một câu truyện tưởng tượng như sau:
Khi Chúa Giêsu về Trời giữa muôn vàn tiếng tung hô của các thiên thần. Tổng
lãnh thiên thần Gabriel đã phỏng vấn Ngài:
- Lạy Chúa, có phải bây giờ cả trần gian đã nhận biết tình yêu Thiên Chúa
dành cho họ chăng?
Chúa Giêsu trả lời:
- Không, chỉ có một nhóm nhỏ đếm được trên đầu ngón tay.
Thiên sứ Gabriel giật mình sửng sốt:
- Lạy Chúa, nếu nhóm nhỏ naỳ gặp chống đối khiến họ thất vọng từ bỏ Chúa
trong trường hợp này, Chúa có dự định quay trở lại trần gian không?
Chúa Giêsu đáp:
- Không. Ta hy vọng nơi họ và tin chắc họ không bỏ rơi Ta.
Điều gì đã khiến Chúa Giêsu tin tưởng vào sự trung tín của các môn đệ, dù
gặp gian truân thử thách? Chúng ta có thể tìm được câu giải đáp trong bài Tin mừng
hôm nay.
Thật thế, dù chỉ là một nhóm nhỏ, các môn đệ đã là đối tượng được Chúa
Giêsu đặc biệt quan tâm. Suốt thời gian chung sống, Chúa Giêsu đã gìn giữ họ để
không một ai trong bọn họ hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm Lời Kinh
thánh. Giờ đây, sắp lìa bỏ họ để về cùng Cha, Ngài không che dấu nỗi lo sợ của
Ngài. Ngài đã xin Cha gìn giữ các môn đệ trong Danh Cha, nghĩa là được hiệp
thông vào sự sống của Thiên Chúa, nhờ đó các môn đệ có đủ sức mạnh để thắng vượt
mọi khó khăn trở ngại.
Chúa Giêsu sắp về cùng Cha, nhưng các môn đệ vẫn còn ở lại thế gian và phải
đương đầu với thế gian, vì họ đã bước theo Chúa và đã đón nhận lời Ngài. Nhưng
nếu vì lời mà họ đã bị thế gian ghét bỏ, thì lời cũng giúp họ được thánh hoá
trong chân lý, điều đó cho phép họ lãnh nhận sức sống của Thiên Chúa và xứng
đáng được sai đi. Chúa Giêsu sai các môn đệ vào thế gian, cũng như Chúa Cha đã
sai Ngài. Và để có thể chu toàn sứ mệnh đó, Ngài đã chuẩn bị cho họ đầy đủ.
Trong cuộc hành trình này, họ không đơn độc một mình, vì có Chúa luôn ở với họ
và cùng chiến đấu với họ.
Ước gì lời Chúa hôm nay củng cố chúng ta trong niềm tin tưởng vào sự hiện
diện và quan tâm săn sóc của Chúa, để ngay giữa những khó khăn thử thách của cuộc
sống, chúng ta được luôn kiên vững trong tình yêu và trung thành làm chứng cho
Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần VII PS
Bài đọc: Acts 22:30, 23:6-11: Jn 17:20-26.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Chia rẽ và hiệp nhất
Hiệp nhất là điều ao ước của con người cho gia đình, cộng đoàn, Giáo Hội,
và toàn thế giới. Nhưng sự hiệp nhất hệ tại điều gì? Có phải là cùng chung một
màu da hay nói cùng một ngôn ngữ? Nếu hiệp nhất chỉ cần như thế, thì đã không
có những cuộc nội chiến tương tàn như chiến tranh Nam-Bắc tại Việt Nam! Có phải
là mang cùng một tên gọi? Nếu thế, đã không có quá nhiều giáo phái giữa các
Kitô hữu! Hay tin vào cùng một Chúa? Cả ba tôn giáo độc thần: Do-thái, Kitô
Giáo, và Hồi Giáo đều tin vào một Chúa mà vẫn không hiệp nhất với nhau! Các Đức
Giáo Hoàng sau này đã kêu gọi và cổ võ cho sự hiệp nhất bằng cách chú trọng nhiều
đến điểm tương đồng giữa các tôn giáo, để cùng nhau làm việc và làm cho mọi người
nhận biết Thiên Chúa.
Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta thấy sự hiệp nhất hòan hảo phải đặt căn
bản trên sự thật và yêu thương quí trọng nhau. Trong Bài Đọc I, Phaolô tuy là
người rao giảng về hiệp nhất về nền học thần học thân thể, đã nói những lời gây
ra cuộc ẩu đả dữ dội giữa hai phái Pharisees và Saduccees. Trong Phúc Âm, Chúa
Giêsu chú trọng đến việc làm theo thánh ý Thiên Chúa và yêu thương. Đây là hai
điều căn bản xây dựng sự hiệp nhất.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Chính vì hy vọng rằng kẻ chết
sẽ sống lại mà tôi bị đưa ra xét xử.
1.1/ Phaolô gây chia rẽ giữa những người Pharisees và Saduccees trong
THĐ:
(1) Sự sống lại: Phaolô rất tinh ý. Ông biết cả hai giáo phái đều chống
ông về niềm tin vào Đức Kitô, nên ông không đề cập trực tiếp đến Đức Kitô;
nhưng ông đề cập đến sự sống lại mà hai giáo phái khác biệt nhau, nên ông nói lớn
tiếng giữa hội nghị: “Thưa anh em, tôi là người Pharisee, thuộc giòng dõi
Pharisees; chính vì hy vọng rằng kẻ chết sẽ sống lại mà tôi bị đưa ra xét xử.”
(2) Hậu quả của những gì Phaolô nói: Ông vừa nói thế, thì người Pharisees
và người Saduccees chống đối nhau, khiến hội nghị chia rẽ. Thật vậy, người
Saduccees chủ trương rằng chẳng có sự sống lại, chẳng có thiên sứ hay quỷ thần;
còn người Pharisees thì lại tin là có.
Người ta la lối om sòm. Có mấy kinh sư thuộc phái Pharisees đứng lên phản
đối mạnh mẽ: “Chúng tôi không thấy người này có gì là xấu. Biết đâu một vị thần
hay một thiên sứ đã nói với ông ấy?” Hai bên chống đối gay gắt đến nỗi vị chỉ
huy sợ người ta xé xác ông Phaolô, nên mới ra lệnh cho lính xuống lôi ông ra khỏi
đám người đó mà đưa về đồn.
1.2/ Niềm tin của Phaolô vào sự sống lại: Một người có thể trách Phaolô
đã gây chia rẽ trong THĐ, và đã không là sứ giả mang hòa bình tới cho mọi người;
nhưng Phaolô hoàn toàn có lý khi làm như thế vì những lý do sau:
+ Hiệp nhất lý tưởng là hiệp nhất trong sự thật; chứ không hiệp nhất
trong sự gian dối. Những người trong THĐ đã không theo hướng dẫn của Lề Luật
khi xét xử Chúa Giêsu, Phêrô, Phaolô, và các môn đệ của Ngài. Một THĐ gồm những
người như thế, con người không buộc phải tuân theo, như Phêrô và Gioan đã từng
nói: “Chúng tôi phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người đời.” Phaolô không
nói điều gì gian dối, nhưng hoàn toàn đúng theo sự thật: Ông tin có sự sống lại,
và chính vì điều này mà ông vào tin Đức Kitô, khi Ngài hiện ra khuyến cáo ông
trên đường ngã ngựa tại Damascus. Sự sống lại là nền tảng chính yếu cho đức tin
của Kitô Giáo, đến nỗi Phaolô đã phải nói mạnh: “Nếu Đức Kitô không sống lại,
niềm tin của chúng ta sẽ ra vô ích.”
+ Hiệp nhất đòi con người phải công bằng: Người Kitô hữu không phải ngây
thơ đến độ “cứ đưa má cho người ta vả;” nhưng có lúc họ phải chất vấn những người
bắt nạt, như Chúa Giêsu đã chất vấn viên sĩ quan của Thượng Tế, khi hắn vả mặt
Ngài: “Nếu Ta nói sai, hãy chứng minh; nếu ta nói phải, sao ngươi đánh Ta” (Jn
18:22)?
+ Hiệp nhất đòi người môn đệ phải khôn ngoan: Phaolô biết cách phân tán lực
lượng của kẻ thù; đồng thời ông cũng biết cách đặt vấn đề cho con người phải
suy nghĩ. Chính Chúa Giêsu cũng hài lòng về những gì ông làm, khi “đêm ấy Chúa
đến bên ông Phaolô và nói: “Hãy vững lòng! Con đã long trọng làm chứng cho Thầy
ở Jerusalem thế nào, thì con cũng phải làm chứng như vậy tại Rôma nữa.””
2/ Phúc Âm: Để tất cả nên một, như Cha ở
trong con và con ở trong Cha.
2.1/ Mô hình lý tưởng của sư hiệp nhất: Sự hiệp nhất giữa Ba Ngôi Thiên
Chúa.
+ Hiệp nhất trong sự thật: mọi người cùng chung một niềm tin vào Đức
Kitô. Đây là lời cầu nguyện của Chúa Giêsu cho hết mọi người, trong đó có chúng
ta, những người đã tin vào Ngài: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này,
nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở
trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ
tin rằng Cha đã sai con.” Trong lời cầu nguyện này, chúng ta thấy biểu lộ một
niềm tin không lay chuyển của Chúa Giêsu vào Thiên Chúa và vào con người, cho dẫu
Ngài đã thấy trước sự phản bội của các môn đệ trong Cuộc Thương Khó. Ngài tin
các môn đệ, sau khi đã trải qua sóng gió, sẽ nhận ra sự thật, sẽ tin và làm chứng
cho Ngài.
+ Hiệp nhất trong tình yêu: mọi người cùng chung một tình yêu đến từ
Thiên Chúa. Chúa Giêsu biết rõ hai điều căn bản cho sự hiệp nhất là sự thật và
tình yêu, nên Ngài cầu xin với Chúa Cha: “Phần con, con đã ban cho họ vinh
quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một: Con ở
trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ
nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con.”
Tình yêu phải là đồng phục của hiệp nhất: các tín hữu có thể khác biệt về những
điều khác, nhưng phải cùng một tình yêu, như Chúa đã nhấn mạnh: “Người ta cứ dấu
này, mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con yêu thương nhau” (Jn
13:35).
2.2/ Vinh quang của Chúa Cha ban cho Chúa Giêsu: Tình yêu đòi hỏi sự hiệp
nhất với nhau trong mọi nơi và mọi lúc, khi vinh quang cũng như lúc gian khổ.
Chúa Giêsu cầu xin Chúa Cha liên kết Ngài với các môn đệ luôn: “Lạy Cha, con muốn
rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ
chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã
yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành.” Vinh quang Thiên Chúa đã ban
cho Chúa Giêsu là những điều gì?
(1) Thập Giá là vinh quang của Chúa Giêsu: Theo Gioan, khi chịu treo trên
Thập Giá là lúc Chúa Giêsu được vinh quang. Thiên Chúa cũng được vinh quang vì
Kế Hoạch Cứu Độ của Ngài hoàn tất. Con người cũng được vinh quang vì từ nay con
người không ở dưới ách của tử thần nữa. Vì thế, khi các môn đệ chịu đựng đau khổ
vì Chúa Giêsu, họ mang lại vinh quang cho chính họ và cho Thiên Chúa.
(2) Hoàn toàn vâng lời làm theo thánh ý Thiên Chúa là vinh quang của Chúa
Giêsu: Trong giờ phút hấp hối ở Vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu đã cầu nguyện để làm
theo thánh ý Thiên Chúa. Vì thế, vượt qua mọi gian khổ để chu toàn thánh ý
Thiên Chúa, làm Chúa Giêsu được vinh quang.
(3) Làm cho các môn đệ nhận biết Chúa là vinh quang: “Con đã cho họ biết
danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ,
và con cũng ở trong họ nữa.”
Khi các môn đệ làm cho mọi người nhận biết Thiên Chúa, họ làm cho Danh
Chúa được cả sáng.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC
SỐNG:
– Để có hiệp nhất trong gia đình và cộng đoàn, chúng ta cần biết sống
theo sự thật và yêu thương nhau bằng tình yêu Thiên Chúa.
– Mỗi con người đều có ý kiến khác nhau. Điều làm cho con người liên kết
với nhau là cùng làm theo ý Thiên Chúa.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
27/05/2020 – THƯ TƯ TUẦN 7 PS
Th. Au-gút-ti-nô Can-tơ-bơ-ri, giám mục
Ga 17,11b-19
ƯỚC MONG HIỆP NHẤT
“Để tất cả nên một,
như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha.” (Ga 17,21)
Suy niệm: “Hiệp nhất để loan báo
Tin Mừng” là châm ngôn truyền giáo của nhiều tổ chức trong đạo chúng ta. Mong ước
này phát xuất từ Chúa Giê-su, thông qua các môn đệ và đến với những ai tin vào
lời các ngài giảng dạy. Nói đến hiệp nhất là gián tiếp nhìn nhận có nguy
cơ hoặc thực sự đã có phân hóa, bất đồng, chia rẽ. Sự phân hóa này không
theo trình tự của lý thuyết biện chứng: phải có đối kháng để đi tới một hợp nhất
mới mẻ hài hoà hơn. Trên thực tế những sự phân hoá, bất đồng thường gây ra những
phân ly, đổ vỡ kéo dài rất khó hoặc không thể hàn gắn về sau. Chúa Giê-su thấy
trước nguy cơ này trước khi Ngài từ bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha. Lời cầu của
Ngài còn là một mệnh lệnh cho các tông đồ phải xây dựng, bảo vệ sự hiệp nhất
trong Hội Thánh, coi đó như điều kiện tiên quyết cho việc loan báo Tin Mừng. Sự
hiệp nhất của Hội Thánh phải theo khuôn mẫu của sự hiệp nhất trong Chúa Ba
Ngôi, để qua đó thế gian nhận biết Chúa Cha và Đấng Ngài sai đến là Giê-su
Ki-tô, để mọi người được ơn cứu độ (Ga 17,3).
Mời Bạn: Tiếp nối sứ vụ của Chúa
Giê-su và các môn đệ Ngài, mỗi tín hữu chúng ta cần phải canh cánh bên lòng
châm ngôn: “hiệp quần tạo nên sức mạnh”, và sức mạnh này sẽ biến thành sức bật
cho công cuộc truyền giáo hiện mọi thời và mọi nơi.
Sống Lời Chúa: Cùng với cộng đoàn hoặc
nhóm của mình, thực hiện chung một công tác tông đồ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hiệp nhất
chúng con nên một trong tình yêu Chúa, như tình yêu trong Chúa Ba Ngôi, hầu cho
thế gian tin vào Chúa và được ơn cứu độ.
(5 Phút Lời Chúa)
SUY NIỆM : Xin Cha
gìn giữ họ
Suy niệm
:
Chúng ta đang sống trong một thế giới tự nhận là khoa học kỹ thuật,
trong đó dường như Thiên Chúa vắng mặt,
và Quỷ dữ, Ác thần, Satan cũng không có chỗ.
Thật ra, cả Thiên Chúa lẫn Satan đều có mặt trong thế giới này.
Con người sống trong thế giới là chịu sự lôi kéo của cả hai.
Khi dâng lời cầu nguyện lúc sắp trở về với Cha,
Đức Giêsu ý thức hơn khi nào hết quyền lực có thật của quỷ dữ
đang tác động trên các môn đệ còn sống ở trần gian.
Chính vì thế Ngài khẩn khoản xin Cha gìn giữ họ khỏi Ác thần (c. 15).
“Khi còn ở với họ, Con đã gìn giữ họ… Con đã canh giữ họ…” (c. 12).
Gìn giữ các môn đệ là việc Đức Giêsu đã làm trong suốt sứ vụ,
và Ngài đã không để ai trong họ phải hư mất, trừ Giuđa.
Những sói dữ bao giờ vẫn có, chúng khuấy phá đàn chiên.
Mục tử Giêsu đã không để ai cướp được chiên khỏi tay mình,
và trong cuộc chiến đấu này, Ngài đã dám hy sinh mạng sống (Ga 10, 11).
Bây giờ Ngài xin Cha tiếp tục gìn giữ các môn đệ (c. 11b),
là đoàn chiên của Cha mà Cha đã ban cho Ngài chăm sóc.
Vì Thiên Chúa là Cha chí thánh đối với Đức Giêsu (c. 11b),
nên Cha có khả năng làm cho các môn đệ nên thánh.
Thánh thiện là thuộc tính của Thiên Chúa Cha,
nhưng Đức Giêsu cũng được gọi là Đấng Thánh của Thiên Chúa (Ga 6, 69),
và Đấng Phù Trợ được gọi là Thánh Thần (Ga 14, 26).
Thánh thiện là nét chung của Ba Ngôi, tách biệt Ba Ngôi khỏi thế giới,
dù thế giới vẫn là đối tượng để Ba Ngôi luôn cùng nhau hướng về.
Ba Ngôi vẫn muốn chia sẻ sự thánh thiện của mình cho thế giới.
“Các ngươi phải nên thánh vì Ta là Đấng Thánh” (Lv 11, 44).
Đức Giêsu xin Cha thánh hóa các môn đệ (c. 17),
nhờ Thánh Thần mà Cha sắp ban xuống trên họ.
Làm cho các môn đệ nên thánh chính là tách biệt họ ra khỏi thế gian,
với lối suy nghĩ và hành động, với những giá trị riêng của nó.
Thánh hóa môn đệ chính là làm cho họ không thuộc về thế gian nữa,
để như Đức Giêsu, họ thuộc về Cha trọn vẹn (c. 16).
Nhưng tách biệt khỏi thế gian lại không có nghĩa là cất họ khỏi đó (c.
15),
và giữ họ an toàn trong tháp ngà bảo đảm.
Đời người Kitô hữu chẳng an toàn, vì họ được sai vào thế gian (c.18).
Thế gian đầy bóng tối, dối trá, hận thù, chính là nơi họ phải đến,
phải đằm mình vào, để biến đổi nó thành ánh sáng, sự thật, tình yêu.
“Các con là muối của trái đất, là ánh sáng của thế gian” (Mt 5, 13).
Được thánh hóa, được tách khỏi thế gian, chính là để được sai vào đó.
Nếu không được thánh hóa, không thuộc về Chúa, thì khi được sai vào,
ta sẽ chẳng biến đổi được thế gian, và sẽ bị nó nuốt chửng.
Cầu nguyện :
Lạy Cha,
thế giới hôm nay cũng như hôm qua
vẫn có những người bơ vơ lạc hướng
vì không tìm được một người để tin;
vẫn có những người đã chết từ lâu
mà vẫn tưởng mình đang sống;
vẫn có những người bị ám ảnh bởi thần ô uế,
ô uế của bạc tiền, của tình dục, của tiếng tăm;
vẫn có những người mang đủ thứ bệnh hoạn,
bệnh hoạn trong lối nhìn, lối nghĩ, lối sống;
vẫn có những người bị sống bên lề xã hội,
dù không phải là người phong...
Xin Cha cho chúng con nhìn thấy họ
và biết chạnh lòng thương như Con Cha.
Nhưng trước hết,
xin cho chúng con
nhìn thấy chính bản thân chúng con.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
27 THÁNG NĂM
Thánh Thần Đổi Mới
Bộ Mặt Trái Đất
“Xin sai Thánh Thần Chúa đến để Ngài đổi mới bộ mặt địa cầu!” Phải chăng
lời cầu nguyện ấy chỉ dành riêng cho các Tông Đồ? Chỉ dành riêng cho nhóm bé nhỏ
những người liên kết trực tiếp với Đức Giêsu thuở ấy? Phải chăng lời cầu xin ấy
chỉ dành riêng cho họ?
Không! Đó là lời cầu xin của cả trái đất này. Hết thảy mọi tạo vật, ngay
cả dù không có lời lẫn không có tiếng, đều kêu lên: “Công trình Ngài, lạy Chúa,
quả thiên hình vạn trạng!… Những loài Chúa dựng nên lan tràn mặt đất … Nếu Chúa
lấy sinh khí lại, là chúng tiêu vong ngay, và trở về cát bụi. Ngài gửi sinh khí
tới, là chúng được dựng nên, và Ngài đổi mới mặt đất này” (Tv 104, 24. 29 –
30). “Chính Thần Khí mới làm cho sống” (Ga 6, 63). Chính Chúa Thánh Thần đổi mới
bộ mặt địa cầu.
Xin sai Thánh Thần đến trên chúng con, lạy Chúa!
– suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 27/5
Thán Augustinô
Cantuariô
Cv 20, 28-38; Ga
17, 11-19.
Lời Suy Niệm: “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban
cho Con, để họ nên một như chúng ta.”
Đây là một trong những lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong lời nguyện tư
tế của Người: “Lạy Cha chí thánh, xịn gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha
đã ban cho Con, để họ nên một như chúng ta.”
Lạy Chúa Giêsu. Chúa luôn quan tâm đến chúng con, trước Tôn Nhan Chúa
Cha. Xin cho mỗi người trong chúng con nhận ra ơn lành của Chúa và sự hiện hữu
của Chúa, để chúng con cùng hiệp thông với nhau trong kinh nguyện tạ ơn hằng
ngày.
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày 27-05: Thánh
AUGUSTINÔ CANTURBERY
Giám mục (+605)
Thánh Augustinô là tác nhân của một con người vĩ đại hơn chính Ngài, đức
giáo hoàng Grêgôriô Cả, trừ các tu sĩ Ai Nhĩ Lan, hoạt động truyền giáo không hề
được biết đến tại Giáo hội Tây Pbương và chính Đức giáo hoàng Grêgôriô Cả làm sống
lại phong trào này.
Khi làm bề trên tu viện thánh ANRÊ, Ngài đã muốn sang truyền giáo tại
Anh, nhưng vì được đắc cử giáo hoàng, nên phải từ bỏ ý định. Nước Anh đã được
đón nhận đức tin từ thế kỷ đầu, nhưng rồi cuộc xâm chiếm của dân Saxon vào thế
kỷ V và VI đã làm cho đức tin công giáo bị phai mờ.
Dịp may đưa tới khi Ethebert, tiểu vương miền Kent phía nam nước Anh
thành hôn với người vợ công giáo là công chúa Berthe và còn tiếp nhận một giám
mục xứ Gaule vào triều đình. Năm 596 Đức giáo hoàng Grêgoriô sai tới Anh quốc một
tu sĩ, Augustinô lên đường với 40 tu sĩ. Khi tới miền nam xứ Gaule họ bị khủng
hoảng và sai Augstinô trở về Rôma xin Đức giáo hoàng gọi họ trở về. Đáp lại, Đức
giáo hoàng đã đặt Augustinô làm Đan viện phụ và bắt mọi người trong nhóm phải
vâng phục Ngài.
Với quyền hạn này, Augustinô vẫn còn truyền giáo tới đảo Thanet. Thoạt đầu,
Ethebert được rửa tội và bàn định với Đức Giáo hoàng một dự án chuẩn bị tái lập
toà Giám mục tự Canterbury (Cantuariô) tới Lôn – Đôn (Luân Đôn) và thiết lập một
giáo tỉnh khác ở York.
Theo chỉ thị của Đức Giáo hoàng, Augustinô đi Arles để thụ phong giám mục
do tay Đức Tổng giám mục Vigile, đại diện tòa thánh ở xứ Gaule, nhiều biến cố
dù ngăn trở những dự tính trên. Nhưng diễn tiến trong cuộc truyên giáo vẫn tiếp
tục cho tới khi thánh Augustinô qua đời khoảng năm 605.
Thất bại duy nhất của thánh Augustinô khi Ngài tới nước Anh vì nỗ lực giải
hoà với các Kitô hữu miền Welsh nhằm thuyết phục họ nhận cách tính ngày lễ phục
sinh của Roma, sửa lại vài điều bất thường trong nghi lễ và phục quyền Ngài.
Thánh Augustinô mời các vị lãnh đạo Giáo hội Welsh tới họp, nhưng lại gây cảm
giác bất lợi vì Ngài đã ngồi yên khi họ tới gặp Ngài. Hình như việc này cũng
làm cho thánh Bêđa mất thiện cảm nữa.
Thánh Augustinô không phải là một nhà truyền giáo anh hùng nhất, khéo léo
nhất. Nhưng Ngài đã thực hiện một công cuộc vĩ đại, là một trong số rất ít người
ở Gaule và ở Ý thời đó sẵn sàng tử bỏ mọi sự để ra đi rao giảng : Tin Mừng cho
những miền xa xăm.
(daminhvn.net)
27 Tháng Năm
Thế Giới Trong Tăm Tối
Một cuốn phim mang tựa đề: “Thế giới trong tăm tối” diễn tả câu chuyện một
nhà khảo cổ danh tiếng tổ chức cuộc khai quật khoa học ở Giêrusalem. Ngọn đồi
Calvariô được cẩn thận đào bới, kể cả những phiến đá và hang động của một nghĩa
trang bên cạnh cũng được thăm dò, khám phá kỹ lưỡng, vì theo Phúc Ăm thánh
Gioan, xác của Chúa Giesu được chôn cất trong một phần mộ gần nơi ngài bị xử án
tử hình thập tự.
Sau bao công khó đào xới, khám sát, một ngày kia nhà khảo cổ tuyên bố:
“Tôi đã tìm được xác ông Giêsu” và ông tổ chức một cuộc họp báo rầm rộ với nhiều
phóng viên và nhiếp ảnh viên, dể trình bày thành quả mỹ mãn của bao ngày tháng
đào xới, khảo cứu vất vả. Ông đã trưng dẫn trước mắt mọi người một xác đã khô
đét, nhưng còn có thể nhận ra tay chân của xác này bị đâm thủng, cạnh sườn bị
đâm thâu, có cả những dấu chứng tỏ thân xác này bị nhuộm máu qua những tấm khăn
quấn liệm xác.
Cuốn phim quay cảnh mọi người im lặng theo dõi lời thuyết trình của nhà
khảo cổ, tình cờ có một phụ nữ phát biểu lớn tiếng: “Ðây là một sự thật hiển
nhiên: ông ta đã bị đóng đinh, chết và được xác táng”. Và nhà khảo cổ tiếp lời:
“Vâng, đúng thế, chết và được an táng, nhưng… làm gì có chuyện phục sinh. Xác
ông ta vẫn còn nằm đây”.
Tiếp đến cuốn phim diễn tả hậu quả của cuộc tìm được xác ông Giêsu của
nhà khảo cổ này: không ai còn mừng lễ Phục Sinh nữa, một vị linh mục tắt ngọn
đèn chầu, cất Mình Thánh Chúa và đóng cửa nguyện đường, chuông các nhà thờ im
tiếng, các nữ tu cởi khăn trùm đầu, thánh giá tại nhiều nơi bị hạ xuống, đèn bên
những ngôi mộ bị dập tắt. Bóng tối chìm đắm trong màn đêm u tối dày đặc.
Cuốn phim kết thúc bằng cảnh chính nhà khảo cổ đang hấp hối. Trước khi
trút hơi thở cuối cùng, ông ta đã thú nhận: “Tôi đã đánh lừa thế giới, chính
tôi đã làm xác giả của ông Giêsu và bí mật đặt vào trong mộ mấy năm trước khi
tôi khởi sự đào bới tìm xác Ngài”.
Sau lời tuyên bố đó là cảnh hàng ngàn người tuôn đến mộ thánh ở
Giêrusalem như chúng ta chứng kiến hằng năm trong tuần thánh. Những ngọn nến được
thắp lên và những tín hữu đã mang những ngọn nến được thắp sáng, ngọn nến của
niềm hy vọng, đi khắp nơi để soi sáng những con đường tăm tối. Chuông các nhà
thờ ngân vang như báo tin: Chúa Giêsu đã Phục Sinh, tình yêu mạnh hơn hận thù,
sự sống mạnh hơn cái chết.
Cuộc Phục Sinh của Chúa Giêsu không chỉ liên hệ đến cuộc đời của Ngài,
nhưng nó cũng ảnh hưởng trực tiếp đến vận mệnh của toàn thể nhân loại cũng như ảnh
hưởng mật thiết đến cuộc sống, đến lòng tin và niềm hy vọng của chúng ta.
Chúng ta hãy chung lời cầu nguyện cho nhau và với nhau để mỗi người trong
chúng ta được cùng chết, cùng an táng với Chúa Giêsu cho con người cũ ích kỷ và
tội lỗi của chúng ta. Chết thật sự để chúng ta cùng sống lại với Chúa Giêsu
trong một con người hoàn toàn mới, con người Phục Sinh.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét