29/05/2020
Thứ Sáu tuần 7 Phục
Sinh
BÀI ĐỌC I: Cv 25, 13-21
“Đức Giêsu đã chết mà Phaolô quả
quyết là vẫn sống”.
Trích sách Tông đồ
Công vụ.
Trong những ngày ấy, vua Agrippa và Berni xuống Cêsarêa chào Phestô. Vì
hai người lưu lại đó nhiều ngày, nên Phestô đem chuyện Phaolô trình nhà vua rằng:
“Ở đây có một người tù Phêlixê để lại. Lúc tôi ở Giêrusalem, các thượng tế và kỳ
lão Do-thái đã đến xin tôi lên án hắn. Tôi đã trả lời với họ rằng: ‘Người Rôma
không có thói quen lên án người nào trước khi bị cáo đối diện với nguyên cáo,
và có cơ hội bào chữa để thanh minh tội mình’. Vậy họ liền đến đây, ngày hôm
sau tôi ngồi toà án, truyền điệu bị cáo đến. Các nguyên cáo đều có mặt, nhưng
không đưa ra một tội trạng nào, như tôi đã ngờ trước; họ chỉ tố cáo hắn mấy điều
về mê tín, về một Giêsu nào đó đã chết mà Phaolô quả quyết là vẫn sống. Đang
phân vân về vấn đề ấy, tôi hỏi hắn có muốn đi Giêrusalem để được xét xử tại đó
về các điều ấy không. Nhưng Phaolô nại đến thẩm quyền của hoàng đế Augustô, nên
tôi đã truyền giữ hắn lại để nạp cho hoàng đế”. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 102, 1-2.
11-12. 19-20ab
Đáp: Chúa thiết
lập ngai vàng Người ở cõi cao xanh (c. 19a).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và toàn thể con người tôi,
hãy chúc tụng thánh danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá
quên mọi ân huệ của Người. – Đáp.
2) Cũng như trời xanh cao vượt trên trái đất, lòng nhân Người còn siêu việt
hơn thế trên kẻ kính sợ Người. Cũng như từ đông sang tây xa vời vợi, Người đã
ném tội lỗi xa khỏi chúng tôi. – Đáp.
3) Chúa thiết lập ngai vàng Người ở cõi cao xanh, và vương quyền Người phủ
trị trên khắp muôn loài. Hãy chúc tụng Chúa đi, chư vị thiên thần, dũng lực
hùng anh, thi hành lời Chúa. – Đáp.
ALLELUIA: Ga 14, 18
Alleluia, alleluia!
– Chúa phán: “Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi: Thầy sẽ đến với các con và lòng
các con sẽ vui mừng”. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Ga 21, 15-19
“Con hãy chăn dắt các chiên mẹ
và chiên con của Thầy”
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Gioan.
Khi Chúa Giêsu đã tỏ mình ra cho các môn đệ, Người dùng bữa với các ông,
và hỏi Simon Phêrô rằng: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những
người này không?” Ông đáp: “Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo
ông: “Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy”.
Người lại hỏi: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?” Ông
đáp: “Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Con hãy chăn
dắt các chiên con của Thầy”.
Người hỏi ông lần thứ ba: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy
không?” Phêrô buồn phiền, vì thấy Thầy hỏi lần thứ ba “Con có yêu mến Thầy
không?” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự: Thầy biết con yêu mến Thầy” Người
bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên mẹ của Thầy. Thật, Thầy bảo thật cho con
biết: khi con còn trẻ, con tự thắt lưng lấy và đi đâu mặc ý, nhưng khi con già,
con sẽ giang tay ra, người khác sẽ thắt lưng cho con và dẫn con đến nơi con
không muốn đến”. Chúa nói thế có ý ám chỉ Phêrô sẽ chết cách nào để làm sáng
danh Thiên Chúa. Phán những lời ấy đoạn, Người bảo ông: “Con hãy theo Thầy”. Đó
là lời Chúa.
SUY NIỆM : Cơ hội thứ
hai.
Trong một cuộc phỏng vấn, khi những người trung niên và lớn tuổi được hỏi
về những năm tháng đã qua của cuộc đời mình, họ có hối tiếc gì không, và nếu có
cơ hội thứ hai, họ sẽ quyết định như thế nào. Một số người cho biết, họ vẫn làm
những gì họ đã chọn lựa. Ngược lại, một số đông cho biết họ đã chọn lựa sai ở một
số thời điểm quyết định sự thành bại, và nếu bây giờ có cơ hội thứ hai, họ sẽ
chọn lựa khác hẳn.
Tin mừng hôm nay cho chúng ta chứng kiến việc Chúa Giêsu trao ban cho
Phêrô cơ hội thứ hai. Thật thế, trong Bữa Tiệc ly trước khi chịu khổ hình, Chúa
Giêsu đã tuyên bố với các môn đệ: “Tất cả các con sẽ bị vấp ngã vì Ta trong đêm
nay”. Nghe thế, Phêrô phản đối và quả quyết: “Cho dù tất cả vấp ngã vì Thày,
con sẽ không vấp ngã bao giờ”, nhưng rồi chỉ vài giờ sau đó ông đã nhát đảm chối
Thày đến ba lần. Giờ đây, sau khi Phục sinh. Chúa Giêsu đã gặp riêng Phêrô và
cho ông cơ hội thứ hai. Chúa hỏi: “Simon, con của Giona, con có mến Ta hơn những
người này không?. Phêrô không khỏi ngạc nhiên tự hỏi: những giọt lệ thống hối
chân thành sau khi chối Thày đã không đủ để minh chứng mình yêu mến Thày sao?
Nhưng Phêrô đã học được bài học của quá khứ, nhất là bài học khiêm nhường cần
thiết để lãnh nhận ơn cứu rỗi mà nhóm Biệt phái không thể lãnh nhận được vì tự
cao tự đại. Phêrô đã thưa: “Lạy Thày, Thày biết rõ mọi sự, Thày biết con yêu mến
Thày”. Ba lần hỏi dẫn đến ba câu trả lời cùng một nội dung, nhưng không phải là
để bù đắp cho ba lần chối Thày trước đây, mà là một đòi hỏi tiên quyết là tuyên
xưng lòng yêu mến. Sau đó, Chúa đã trao cho Phêrô nhiệm vụ chăn dắt Giáo Hội,
Phêrô đã sống đến tận cùng cơ hội thứ hai và đã sẵn lòng chết vì niềm tin của
mình.
Thiên Chúa luôn sẵn sàng cho chúng ta cơ hội thứ hai, không phải một lần
mà là nhiều lần. Điều quan trọng là chúng ta phải thành tâm nhìn nhận tội lỗi,
xin ơn tha thứ và bắt đầu lại. Do đó mối hiểm nguy là do chúng ta tự định giới
hạn cho lòng nhân từ vô biên của Thiên Chúa, mà không xin Ngài một cơ hội khác.
Đó là sự khác biệt giữa Giuđa và Phêrô: Cả hai đã phản bội Thày trong cùng một
ngày, nhưng Giuđa không xin cơ hội thứ hai nên đã thất bại, còn Phêrô đã tận dụng
cơ hội được ban cho và đã toàn thắng.
Ước gì lời Chúa hôm nay giúp chúng ta khám phá ra lòng nhân từ vô biên của
Chúa, để chúng ta luôn khiêm nhường chỗi dậy sau mỗi lần sa ngã, và xin Chúa
ban cho chúng ta trung thành với ơn Chúa cho đến cùng.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu Tuần VII PS
Bài đọc: Acts
25:13-21: Jn 21:15-19.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Người môn đệ phải lãnh trách nhiệm coi sóc và hy sinh cho đoàn chiên.
Trong cuộc đời, chúng
ta rất dễ tìm người lãnh đạo ngoài xã hội, vì ai cũng mong có địa vị, uy quyền,
và các lợi lộc vật chất; nhưng không dễ tìm người lãnh đạo trong Giáo Hội, vì
chẳng những không có lợi lộc vật chất, mà còn đòi phải chịu phê bình, bắt bớ,
tù đày, và ngay cả phải hy sinh đến tính mạng. Vì thế, chẳng lạ gì mà càng ngày
càng thiếu những người tình nguyện hy sinh cuộc đời làm mục tử để lãnh đạo Dân
Chúa, nhất là trong những quốc gia phát triển, nơi mà sự thành công được đo lường
trên địa vị và lương bổng. Điều gì đã thúc đẩy các mục tử trong Giáo Hội sẵn
sàng hy sinh quên mình, để chăm sóc cho đoàn chiên của Thiên Chúa?
Các Bài Đọc hôm nay
cho chúng ta thấy những mẫu gương và lý do của việc hy sinh phục vụ. Trong Bài
Đọc I, Phaolô bị các người Do-thái trong Thượng Hội Đồng bắt nộp cho Thống-đốc
Rôma, vì niềm tin vào Đức Kitô và sự loan truyền đạo lý của Ngài. Những nhà cầm
quyền Rôma không dám tha cho Phaolô, dù không tìm thấy nơi ông tội gì đáng chết,
vì họ sợ người Do-thái. Phaolô kháng cáo lên hoàng đế Caesar vì ông có quốc tịch
Rôma. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu hỏi Phêrô ba lần: “Anh có yêu mến Thầy không?”
trước khi trao cho ông nhiệm vụ chăm sóc đoàn chiên của Ngài. Nếu không có tình
yêu dành cho Chúa Giêsu, Phêrô không bao giờ có thể hy sinh nghề nghiệp để chăm
sóc đoàn chiên, nhất là phải chịu tù đày và hy sinh mạng sống.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Phaolô được chuyển đi Rôma để được xét xử bởi Hoàng-đế
Caesar.
1.1/ Các nguyên cáo đã
không đưa ra một tội trạng nào như tôi tưởng: Khi vua Agrippa trị vì lãnh thổ của
Galilee và Perea, và Bernice, chị em với bà Drussila, vợ của Felix, tới Judea
thăm Festus, là Thống-đốc của Judea, Festus biết Agrippa có kiến thức sâu rộng
về Đạo Do-thái và truyền thống, nên đã đề nghị ông có cuộc nói chuyện về trường
hợp của Phaolô. Ông nói với Agrippa: “Ở đây có một người tù do ông Felix để lại.
Khi tôi tới Jerusalem, các thượng tế và các kỳ mục Do-thái đến kiện và xin tôi
kết án người ấy. Tôi đã trả lời họ rằng người Rôma không có lệ nộp bị cáo nào,
trước khi đương sự ra đối chất với nguyên cáo, và được cơ hội biện hộ về lời tố
cáo. Vậy họ cùng đến đây với tôi, và không chút trì hoãn, ngày hôm sau tôi ra
ngồi toà và truyền điệu đương sự đến. Đứng quanh đương sự, các nguyên cáo đã
không đưa ra một tội trạng nào như tôi tưởng.”
1.2/ Tranh luận về tôn
giáo: Giống như trong trường hợp của Chúa Giêsu, Philatô không tìm được một lý
do chính trị hay luật pháp nào để buộc tội Chúa. Người Do-thái phải họp nhau để
lập mưu và tìm một lý do chính trị “Chúa Giêsu xưng mình là Vua! Ai xưng mình
là Vua, kẻ ấy chống lại Caesar!” Với lý do đó, Philatô sợ và trao Chúa Giêsu
cho họ mang đi đóng đinh. Trong trường hợp của Phaolô, Festus nói: “Họ chỉ
tranh luận với ông ta về một số vấn đề liên quan đến tôn giáo riêng của họ, và
liên quan đến một ông Giêsu nào đó đã chết, mà Phaolô quả quyết là vẫn sống. Phần
tôi, phân vân trước cuộc tranh luận về những chuyện ấy, tôi hỏi xem ông ta có
muốn đi Jerusalem để được xử tại đó về vụ này không. Nhưng Phaolô đã kháng cáo,
xin dành vụ này cho Thánh Thượng xét xử, nên tôi đã ra lệnh giữ ông ta lại cho
đến khi giải lên hoàng đế.” Phaolô rất khôn ngoan, vì ông biết nếu họ xử ông ở
Jerusalem, ông chắc chắn sẽ bị buộc tội và bị chết.
2/ Phúc Âm: Hãy chăm sóc chiên của Thầy.
2.1/ Chúa Giêsu trao
cho Phêrô nhiệm vụ chăm sóc đoàn chiên của Ngài: Trình thuật hôm nay nằm trong
chương cuối cùng của Tin Mừng Gioan. Nhiều học giả Kinh Thánh cho chương 21
không phải chính Gioan viết, nhưng là do các môn đệ của ông thêm vào; nhưng có
rất nhiều điểm Gioan đã trình bày trong các chương trước được nêu bật trong
chương này:
(1) Sự quan trọng của
tình yêu: Trong các chương 13-16, Chúa Giêsu đã đề cập rất nhiều với các môn đệ
về việc liên hệ giữa tình yêu và giữ các giới răn: Nếu anh em yêu mến Thầy, hãy
giữ các giới răn của Thầy; và giới răn quan trọng nhất trong Tin Mừng Gioan là
giới luật yêu thương. Trong trình thuật hôm nay, Chúa Giêsu hỏi Phêrô đến 3 lần:
“Này anh Simon, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy không?” Điều này làm chúng
la liên tưởng ngay đến 3 lần Phêrô đã chối Chúa Giêsu trong Cuộc Thương Khó của
Ngài.
(2) Phải có tình yêu của
Thiên Chúa trước khi có thể phục vụ tha nhân: Bắt đầu chương 13, khi Chúa Giêsu
biết đã sắp đến giờ Ngài phải về với Chúa Cha; và để tỏ tình yêu thương cho các
môn đệ, Ngài đã hạ mình làm công việc của người đầy tớ phục vụ chủ: Ngài rửa
chân cho các ông! Sau khi rửa chân, Ngài đã nói với các môn đệ đang sững sờ ngạc
nhiên về hành động của Ngài: ” Anh em gọi Thầy là “Thầy,” là “Chúa,” điều đó phải
lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn
rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Jn 13:13-14).
Chúa Giêsu phải hỏi
Phêrô tới 3 lần trước khi trao cho ông nhiệm vụ chăn dắt các chiên con và chiên
mẹ của Ngài. Chúa Giêsu muốn nhắc nhở cho Phêrô biết phải có tình yêu Chúa ông
mới có thể hoàn tất sứ vụ Ngài trao; vì đó là sứ vụ rất khó khăn và đòi nhiều
hy sinh và kiên nhẫn. Đó cũng là sứ vụ rất dễ bị nản chí và bỏ cuộc, vì không
được đền bù bằng địa vị và lương bổng.
2.2/ Phải sẵn sàng hy
sinh tính mạng vì đòan chiên: Trong Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu cũng dạy dỗ các
môn đệ: “Không có tình yêu nào cao quí cho bằng tình của người sẵn sàng hy sinh
tính mạng cho người mình yêu.” Chúa Giêsu không chỉ dạy như một điều lý tưởng;
nhưng Ngài đi tiên phong vác Thập Giá và chết cho các ông và con người, để khuyến
khích các ông cũng phải làm như vậy cho nhau và cho đoàn chiên Chúa như người Mục
Tử Tốt Lành. Trong trình thuật hôm nay, Ngài nói với Phêrô: “Thật, Thầy bảo thật
cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng
khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến
nơi anh chẳng muốn.” Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để
tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: “Hãy theo Thầy!”
Noi gương Thầy Chí
Thánh, Phêrô can đảm từ bỏ mọi sự: gia đình, nghề nghiệp, danh vọng, để lãnh
trách nhiệm coi sóc đoàn chiên Chúa là Giáo Hội, trong giai đoạn đầu cực kỳ khó
khăn; và trong khi về già, ông sẵn sàng chịu chết vì Danh Chúa. Chỉ có một điều
khác với Chúa Giêsu là ông xin cho được chịu đóng đinh ngược, vì ông cảm thấy
mình không xứng đáng để chịu đóng đinh như Chúa.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC
SỐNG:
– Lãnh đạo các tín hữu
trong Giáo Hội rất khác với lề lối lãnh đạo dân chúng ngoài xã hội. Chúa Giêsu
đòi hỏi người mục tử phải thấm nhuần tình yêu Thiên Chúa, và lãnh đạo bằng tình
yêu và phục vụ; chứ không bằng quyền hành và ra lệnh.
– Vì yêu Thiên Chúa,
người mục tử được trao phó đoàn chiên để săn sóc, bảo vệ, và yêu thương. Để
hoàn tất sứ vụ, người mục tử nhiều khi phải hy sinh đến tính mạng của mình.
– Người mục tử sẽ
không được đền bù theo kiểu của thế gian: địa vị, quyền hành, và lợi nhuận vật
chất; nhưng ông sẽ tìm được niềm vui và yêu thương nơi Thiên Chúa, vì đã được
đáp trả tình yêu của Ngài dành cho ông.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
29/05/2020 – THỨ SÁU TUẦN 7 PS
Th. Phao-lô VI, giáo hoàng
Ga 21,15-19
CHÚA BIẾT CON MẾN CHÚA
Đức Giê-su hỏi ông
Si-mon Phê-rô: “Này anh Si-mon, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” Ông
đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con mến Thầy.” (Ga 21,15)
Suy niệm: Chỉ có Chúa mới khẳng định một cách chắc chắn về
tình yêu của Ngài đối với chúng ta: – một tình yêu luôn đi bước trước; – một
tình yêu luôn trung thành; – một tình yêu đã yêu là yêu tới cùng. Còn Phê-rô dù
đã từng mạnh miệng tuyên bố “có phải chết vì Thầy cũng không bỏ Thầy,” ông cũng
“run” khi phải trả lời Thầy câu hỏi “có yêu không”. Dù biết mình thực sự yêu Thầy
với tất cả tấm lòng, nhưng Phê-rô cũng quá hiểu tình yêu của mình thật nhỏ bé
mong manh, lại hay thay đổi, nên ông chỉ biết dựa vào tình yêu của Chúa để bảo
đảm cho tình yêu của mình: “Thầy biết con mến Thầy”.
Mời Bạn: Ít nhiều chúng ta kinh nghiệm cay đắng về tình yêu
mong manh và hay thay đổi của chúng ta. Và chúng ta cũng cảm thấy như thánh
Phê-rô, cần phải đặt tình yêu của mình ở trong một tình yêu lớn hơn: đôi tân
hôn cam kết trước bàn thờ Chúa “để tình yêu của họ được Thiên Chúa đóng ấn” là
vì thế. Nói rộng hơn, tôi tha thứ cho người khác là vì tôi đã được Chúa tha thứ
nhiều hơn gấp bội phần; tôi dấn thân phục vụ người khác là vì Ngài đã phục vụ
tôi đến độ hiến dâng cả mạng sống mình.
Chia sẻ: Yêu người như Chúa yêu là cách lý tưởng để thăng tiến
các mối quan hệ nhân loại.
Sống Lời Chúa: Trước hoặc sau mỗi việc làm cho người khác, tôi tự
hỏi: “Trong hoàn cảnh này của tôi, Chúa sẽ cư xử như thế nào?”
Cầu nguyện: Hát: “Chúa không lầm khi Ngài dựng nên con.”
(5 Phút Lời Chúa)
SUY NIỆM : Hãy theo
Thầy
Suy niệm
:
Câu chuyện của bài Tin Mừng hôm nay diễn ra bên bờ hồ,
một cái hồ mang nhiều tên gọi: hồ Galilê, hồ Ghennêxarét, hồ Tibêriát.
Cái hồ quen thuộc đầy ắp kỷ niệm giữa Thầy và trò.
Nơi đây tiếng gọi đầu tiên của Thầy Giêsu đã vang lên: Hãy theo Thầy.
Tiếng ấy đã khiến họ từ bỏ nghề sông nước
để lên bờ, đi theo ông thợ mộc làng Nazareth.
Bao lần Thầy trò đi qua cái hồ rộng như biển này.
Sóng gió họ cũng đã gặp, vui buồn họ cũng đã từng.
Sáng sớm hôm nay, trên hồ này họ đánh được mẻ cá lớn,
nhờ một người lạ đứng trên bờ mà họ từ từ nhận ra là Thầy của mình.
Bữa ăn sáng do Thầy chuẩn bị thật chu đáo.
Có bánh và cá, có cả đống than hồng hong ấm tình Thầy trò.
Ngọn lửa này gợi nhớ đến đống than hồng ở dinh Thượng tế,
nơi Phêrô đã đứng sưởi và đã chối Thầy (Ga 18, 18. 25).
Bây giờ, cũng bên đống than hồng,
Thầy Giêsu cho Phêrô có cơ hội công khai bày tỏ tình yêu của mình.
“Anh có yêu mến Thầy không ?”: ba lần Thầy Giêsu hỏi Phêrô như thế.
“Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy”: ba lần Phêrô trả lời như thế.
Ba lần chối Thầy như được xóa đi bởi ba lần tuyên xưng tình yêu.
Nhưng bây giờ Phêrô khiêm tốn, biết tình yêu của mình mong manh, dễ vỡ.
“Hãy chăn dắt chiên của Thầy”: ba lần Thầy Giêsu đã nói như thế.
Tình yêu dẫn đến sứ mạng chăn dắt đoàn chiên mà Thầy quý chuộng.
Phải yêu Thầy thì mới yêu chiên của Thầy.
Yêu Thầy là điều kiện để được Thầy trao sứ mạng mục tử.
Làm mục tử là tiếp nối công việc của Thầy Giêsu, Mục tử nhân hậu,
nên cũng phải sẵn sàng chấp nhận cái chết như Thầy (cc. 18-19),
chết cho đoàn chiên, chết để tôn vinh Thiên Chúa (c. 19).
“Hãy theo Thầy”, lời mời năm xưa cũng là lời mời được lặp lại bây giờ.
“Hãy theo Thầy”, sau những vấp ngã, yếu đuối và chối Thầy.
“Hãy theo Thầy”, sau khi những giấc mơ trần tục bị tan vỡ bởi biến cố Núi
Sọ.
“Hãy theo Thầy”, sau những hăng hái nồng nhiệt thuở ban đầu.
“Hãy theo Thầy” để giang tay ra và đến nơi mình không muốn đến.
“Hãy theo Thầy” để củng cố anh em và chăn dắt chiên của Thầy (Lc 22,
31-32).
Hôm nay Chúa Giêsu Phục sinh cũng hỏi từng Kitô hữu:
Con có mến Thầy không?
Và Ngài chờ một câu trả lời trước khi trao sứ mạng,
vì ai trong chúng ta cũng có sứ mạng chăm sóc một nhóm người nào đó.
Xin ơn yêu Giêsu bằng tình yêu thiết thân riêng tư.
Xin ơn theo Ngài vì nghe thấy lời mời gọi vang lên mỗi ngày: Hãy theo Thầy.
Và xin ơn dám sống hết mình cho những người được Chúa trao phó.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu,
xưa Chúa đã sai các môn đệ ra khơi thả lưới,
nay Chúa cũng sai chúng con đi vào cuộc đời.
Chúng con phải đối diện
với bao thách đố của cuộc sống,
của công ăn việc làm, của gánh nặng gia đình,
của nghề nghiệp chuyên môn.
Xin đừng để chúng con sa vào cạm bẫy
của vật chất và quyền lực,
nhưng cho chúng con
giữ nguyên lý tưởng thuở ban đầu,
lý tưởng phục vụ quê hương và Hội Thánh.
Lạy Chúa Giêsu,
xin dạy chúng con sống thực tế,
nhưng không thực dụng;
biết xoay xở nhưng không mưu mô;
lo cho tương lai cá nhân,
nhưng không quên
bao người bất hạnh cần nâng đỡ.
Giữa cơn lốc của trách nhiệm và công việc,
giữa những xâu xé trước bao lựa chọn,
xin cho chúng con
biết tìm những phút giây trầm lắng,
để múc lấy ánh sáng và sức mạnh,
để mình được thật là mình trước mặt Chúa.
Nhờ lời Đức Trinh Nữ Maria chuyển cầu,
xin cho chúng con thật sự trở nên chứng nhân,
làm tất cả để Thiên Chúa được tôn vinh,
và phẩm giá con người được tôn trọng. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
29 THÁNG NĂM
Vinh Danh Chúa Ba
Ngôi
Lạy Chúa Ba Ngôi,
chúng con tôn vinh Chúa! Chúng con ca mừng tán dương Ngài, Đấng duy nhất trong
thần tính. Chúa là Đấng duy nhất trong Ba Ngôi Thần Linh: một mầu nhiệm khôn
dò! Ôi, Đấng duy nhất trong thần tính. Ôi, Đấng duy nhất trong mối hiệp thông
ba ngôi vị cùng một bản tính thần linh! Chúng con ngợi ca vinh quang Chúa Ba
Ngôi. Chúng con chúc tụng Chúa, “Đấng đang có, đã có, và sẽ đến” (Kh 1,4).
“Ngài là Thần Khí sự
thật, khi Ngài đến, Ngài sẽ hướng dẫn anh em đến với sự thật trọn vẹn” (Ga 16,
13).
Vâng, khi Ngài đến,
Ngài sẽ hướng dẫn anh em. Ngài không chỉ là Đấng đang có mà còn là Đấng sẽ tới;
do vậy, Ngài sẽ đưa dẫn chúng ta tới gần sát hơn với mầu nhiệm sự sống của
Thiên Chúa Ba Ngôi. Vốn vẫn hoàn toàn vượt trên chúng ta trong uy phong và dũng
lực của Ngài, Thiên Chúa đã trở thành Thiên Chúa của ơn cứu độ cho chúng ta.
“Và chúng ta đã nhìn thấy vinh quang của Ngài” (Ga 1, 14).
– suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 29/5
Thánh Phaolô VI
Giáo Hoàng
Cv 25, 13b-21; Ga
21, 15-19.
Lời Suy Niệm: “Này anh
Simon, con ông Gio-an, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?”
Căn tính của người môn đê của Chúa Giêsu trước tiên phải có lòng yêu mến, và đặc
biết là yêu mến Chúa trên hết mọi sự, kể cả phải hy sinh mạng sống mình vì tình
yêu mến Chúa.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho chúng con có tâm tình yêu mến Chúa thật sự, nhờ đó
chúng con có thể yêu mến tất cả mọi sự Chúa đã tạo dựng, đặc biệt với từng con
người đang sống chung với chúng con.
Mạnh Phương
29 Tháng Năm
Ðỉnh Cao
Ðỉnh Everest cao nhất
thế giới của dãy Hy Mã Lạp Sơn như có một ma lực hấp dẫn những người leo núi
thiện nghệ. Ai đã vướng vào môn thể thao leo núi xem đó như là một giấc mơ, nếu
ngày nào đó họ đặt được chân trên đỉnh núi cao 8,880 thước, quanh năm phủ tuyết
này, nhưng chỉ có một số ít người thực hiện được giấc mộng ấy và rất nhiều người
đã bỏ mình dọc theo con đường lên đỉnh.
Trên những con đường
ấy, người ta thấy hai bia mộ ghi những dòng chữ sau đây: bia thứ nhất đề “Họ thấy
được lần cuối cùng trong lúc gắng sức leo lên”. Và bia thứ hai tưởng niệm một
huấn đạo viên chỉ viết vỏn vẹn một câu “Ông ta chết trong lúc đang leo”.
Nếu đời sống là một cuộc
tranh đấu không ngừng thì để sống đạo và hành đạo cũng thế. Ðiều quan trọng
không phải là thành công hay thất bại, mà là chỗi dậy và tiến bước. Phải gọi là
thẳng tiến thì đúng hơn, vì câu tâm niệm của các Kitô hữu phải là: “ngày hôm
nay tốt hơn ngày hôm qua, nhưng kém hơn ngày mai”.
Bí quyết thành công thứ
hai là không bao giờ chúng ta nên đi trên con đường nên thánh một mình, hãy noi
gương những người đi trước, những thánh nhân và hãy cùng nhau tiến bước. Và nhất
là hãy đi vào những vết chân Chúa Giêsu đã để lại.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét