03/08/2014
Chúa Nhật XVIII thường
niên - Năm A
(phần I)
Bài
đọc 1: Is 55,1-3
Hãy
đến mà ăn.
Bài
trích sách ngôn sứ I-sai-a.
1Đức
Chúa phán như sau :
“Đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây !
Dù không có tiền bạc, cứ đến mua mà dùng ;
đến mua rượu mua sữa, không phải trả đồng nào.
2Sao lại phí tiền bạc vào của không nuôi sống,
tốn công lao vất vả vào thứ chẳng làm cho chắc dạ no lòng ?
Hãy chăm chú nghe Ta, thì các ngươi sẽ được ăn ngon,
được thưởng thức cao lương mỹ vị.
3Hãy lắng tai và đến với Ta,
hãy nghe thì các ngươi sẽ được sống.
Ta sẽ lập với các ngươi một giao ước vĩnh cửu,
để trọn bề nhân nghĩa với Đa-vít.”
“Đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây !
Dù không có tiền bạc, cứ đến mua mà dùng ;
đến mua rượu mua sữa, không phải trả đồng nào.
2Sao lại phí tiền bạc vào của không nuôi sống,
tốn công lao vất vả vào thứ chẳng làm cho chắc dạ no lòng ?
Hãy chăm chú nghe Ta, thì các ngươi sẽ được ăn ngon,
được thưởng thức cao lương mỹ vị.
3Hãy lắng tai và đến với Ta,
hãy nghe thì các ngươi sẽ được sống.
Ta sẽ lập với các ngươi một giao ước vĩnh cửu,
để trọn bề nhân nghĩa với Đa-vít.”
Ðó
là lời Chúa.
Đáp
ca: Tv 144,8-9.15-16.17-18 (Đ. x. c.16)
Đ.Chúa
thương rộng mở tay ban,
đoàn con hết thảy muôn vàn thoả thuê.
đoàn con hết thảy muôn vàn thoả thuê.
8Chúa
là Đấng từ bi nhân hậu,
Người chậm giận và giàu tình thương.
9Chúa nhân ái đối với mọi người,
tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên.
Người chậm giận và giàu tình thương.
9Chúa nhân ái đối với mọi người,
tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên.
Đ.
Chúa thương rộng mở tay ban,
đoàn con hết thảy muôn vàn thoả thuê.
đoàn con hết thảy muôn vàn thoả thuê.
15Lạy
Chúa, muôn loài ngước mắt trông lên Chúa,
và chính Ngài đúng bữa cho ăn.
16Khi Ngài rộng mở tay ban,
là bao sinh vật muôn vàn thoả thuê.
và chính Ngài đúng bữa cho ăn.
16Khi Ngài rộng mở tay ban,
là bao sinh vật muôn vàn thoả thuê.
Đ.
Chúa thương rộng mở tay ban,
đoàn con hết thảy muôn vàn thoả thuê.
đoàn con hết thảy muôn vàn thoả thuê.
17Chúa
công minh trong mọi đường lối Chúa,
đầy yêu thương trong mọi việc Người làm.
18Chúa gần gũi tất cả những ai cầu khẩn Chúa,
mọi kẻ thành tâm cầu khẩn Người.
đầy yêu thương trong mọi việc Người làm.
18Chúa gần gũi tất cả những ai cầu khẩn Chúa,
mọi kẻ thành tâm cầu khẩn Người.
Đ.
Chúa thương rộng mở tay ban,
đoàn con hết thảy muôn vàn thoả thuê.
đoàn con hết thảy muôn vàn thoả thuê.
Bài
đọc 2: Rm 8,35.37-39
Không
một loài thọ tạo nào có thể tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa
thể hiện nơi Đức Ki-tô.
Bài
trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.
35Thưa
anh em, ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô ? Phải chăng là
gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo ?
37Nhưng
trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta.
38Đúng
thế, tôi tin chắc rằng : cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma
vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, 39 trời
cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được
chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa
chúng ta.
Ðó
là lời Chúa.
Tung
hô Tin Mừng: Mt 4,4b
Ha-lê-lui-a.
Ha-lê-lui-a. Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng
Thiên Chúa phán ra. Ha-lê-lui-a.
Tin
Mừng: Mt 14,13-21
Ai
nấy đều ăn và được no nê.
Tin
Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
13 Khi ấy, được tin ông Gio-an Tẩy Giả chết, Đức Giê-su xuống thuyền
đến một chỗ hoang vắng riêng biệt. Nghe biết vậy, đông đảo dân chúng từ các
thành đi bộ mà theo Người. 14 Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su
trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh
nhân của họ.
15Chiều
đến, các môn đệ lại gần thưa với Người : “Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy
xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn.” 16 Đức
Giê-su bảo : “Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn.” 17 Các
ông đáp : “Ở đây, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá !” 18 Người
bảo : “Đem lại đây cho Thầy !” 19 Sau đó, Người truyền cho
dân chúng ngồi xuống cỏ. Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt
lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho môn đệ, và môn đệ trao cho đám
đông.20 Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa,
người ta thu lại được mười hai giỏ đầy. 21 Số người ăn khoảng
chừng năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con.
Ðó
là lời Chúa.
(Nguồn:
kinhthanhchomoinguoi.org)
Suy niệm : Một Niềm
Tin Bất Khuất
Chúng
ta hết thảy đều thuộc lòng câu truyện Chúa Yêsu hóa bánh ra nhiều. Câu truyện ấy
hôm nay lại được bài sách Isaia báo trước, vì ngay từ thời bấy giờ � khoảng 600 năm trước
Chúa Yêsu giáng sinh �
nhà tiên tri đã thay mặt Chúa hứa cho người ta bánh rượu no đầy. Ðứng trước
lòng rộng rãi bao la và quyền năng của Thiên Chúa, người ta có thể kêu lên như
thánh Phaolô trong đoạn thư hôm nay: dù sự chết hay sự sống� dù hiện tại hay
tương lai... hay bất cứ tạo vật nào khác, không gì sẽ có thể tách chúng ta ra
khỏi lòng mến của Thiên Chúa trong Ðức Yêsu Kitô.
Như
vậy những bài Kinh Thánh hôm nay đã rõ nghĩa và chúng ta không thấy khó khăn gì
khi muốn liên kết cả ba lại thành một để có một giáo huấn duy nhất. Chúng ta chỉ
còn cần đọc lại để có một nhận thức sâu xa hơn về lòng tốt của Thiên Chúa đối với
chúng ta, hầu chúng ta được khích lệ hơn muốn đáp trả và gắn bó với Người.
A.
Lòng Thương Cứu Ðộ Của Thiên Chúa
Bài
sách Isaia rất đơn sơ. Nó ghi lại Lời sấm của Thiên Chúa nói với Dân vào khoảng
cuối thời Lưu đày. Ðã sắp hết thời gian khổ sở. Dân Chúa sắp được đoái thương.
Thiên Chúa sai ngôn sứ của Người đến báo tin vui mừng này. Chúng ta hãy tưởng
tượng ông đang đi đến với đám dân trong giai đoạn cuối của cuộc Lưu đày. Ðó
cũng là giai đoạn cực khổ, rã rời. Sức chịu đựng hầu như không còn nữa. Niềm hy
vọng dường như cũng gần tắt. Thân phận của những con người khổ sở lúc ấy có
khác gì cảnh tượng những con người đói khát trong sa mạc sau nhiều ngày không
nước uống và cơm ăn. Tiếng kẻ bán nước rao lên lúc đó sẽ là tiếng cứu độ. Thế
nên nhà tiên tri đã mượn giọng kẻ bán nước:
"Ai
khát nước, hãy đến mà uống!"
Và
ông làm cho mọi người phấn khởi hồi sinh, khi nói tiếp ông có cả bánh ăn và có
rượu có sữa nữa. Nhất là ai đến lấy ăn cũng được, chẳng phải mua bán gì cả.
Ðó
không phải là ơn cứu độ nhưng không sao? Ðó mới là tình yêu của Thiên Chúa hiểu
rõ thân phận loài người. Bởi vì Dân Chúa hiện nay đã kiệt quệ. Không còn sức lực
nào nữa. Không thể tự cứu ra khỏi cảnh lưu đày này. Chỉ còn biết trông cậy vào
ơn Chúa mà thôi. Nhà tiên tri thay mặt Chúa phải bảo đảm sẽ có ơn cứu độ nhưng
không như thế thì dân mới có thể tin. Và ông có dùng những hình ảnh về nước uống,
bánh ăn với sữa rượu mới hợp với tâm lý những người đã từng kinh nghiệm thế nào
là đói khát giữa sa mạc.
Nhưng
đó chỉ là những hình ảnh thôi. Ơn cứu độ sẽ đến cho dân Lưu đày như nước đến
trong sa mạc, như bánh rượu được phân phát trong thời kỳ đói kém. Tuy nhiên ơn
cứu độ là gì? Những hình ảnh kia trình bày thời đại cứu độ như thời đại cứu sống
và bổ dưỡng. Nhưng cái gì có thể cứu sống và bổ dưỡng Dân Chúa đang bị bỏ rơi?
Ðó
chính là Giao ước, một giao ước mới và vĩnh cửu. Bởi vì Dân Chúa đã được hình
thành từ Giao ước và định luật chi phối lịch sử thịnh suy của Dân này là câu:
"Nếu các ngươi giữ giao ước của Ta thì các ngươi sẽ được chúc phúc; bằng
không, các ngươi sẽ trở nên như đồ vứt bỏ". Và Dân đã xóa bỏ giao ước. Và
họ đã đi đến tình trạng này. Giờ đây sẽ chỉ có ơn cứu độ đến, khi chính Chúa lại
giao ước mới với Dân. Và ước gì, Giao ước ấy sẽ được như giao ước với nhà
Ðavít, bởi vì Chúa đã tỏ lòng nhân hậu với Ðavít một cách quá đặc biệt. Và Người
đã thề hứa sẽ cho nhà Ðavít tồn tại muôn đời.
Hôm
nay Chúa sai ngôn sứ của Người đến tuyên bố những điều ấy. Người sẽ ký kết với
Dân một giao ước vĩnh cửu như đã hứa cho nhà Ðavít. Chắc chắn không lời nào làm
phấn khởi Dân Lưu đày hơn những Lời sấm này. Và ở bất cứ thời đại nào, những lời
ấy vẫn còn biểu lộ tình thương mênh mông của Thiên Chúa muốn cứu độ loài người.
Có thể nói, Người không muốn cứu chúng ta ra khỏi cơn bĩ cực này hay hoàn cảnh
bi đát khác. Như vậy còn là quá ít, chưa xứng đáng với tình yêu và quyền năng của
Người. Người muốn ký kết với chúng ta một giao ước vĩnh cửu, một mối tình bất
diệt, là căn bản duy nhất và sâu xa hơn cả xây lên hạnh phúc của loài người
chúng ta.
Ước
gì hôm nay chúng ta hiểu như vậy. Và chúng ta xin với Thiên Chúa một cơ sở hạnh
phúc vững vàng như thế. Chúng ta liệu sao giữa Thiên Chúa và chúng ta có được mối
quan hệ tình nghĩa mặn mà, thắm thiết. Chúng ta sẽ thấy đó là nguồn hạnh phúc bất
diệt cho con người. Và cho được như vậy, chúng ta đã phải đọc bài sách Isaia từ
bình diện khả giác sang bình diện tâm linh, từ hình thức bánh rượu sang thực tại
giao ước. Chúng ta càng phải làm như vậy hơn nữa khi đọc bài Tin Mừng hôm nay
vì muốn thấu đạt một bản văn Tân Ước, chúng ta phải giữ lấy tất cả những tinh
hoa của Cựu Ước. Và bây giờ chúng ta đề cập đến bài Tin Mừng.
B.
Sứ Mạng Và Khả Năng Cứu Thế Của Hội Thánh
Câu
truyện Chúa Yêsu hóa bánh ra nhiều lại càng quen thuộc. Câu truyện ấy xảy ra
vào hồi Chúa còn tại thế, nhưng soạn giả các sách Tin Mừng đã thuật lại câu
truyện cho con cái của mình nghe, không phải chỉ để họ biết truyện về Chúa,
nhưng nhất là để câu truyện ấy hướng dẫn và thánh hóa cuộc đời của họ. Không phải
Hội Thánh đã thêm thắt ý tưởng riêng của mình vào mạc khải của Chúa; nhưng nhờ
ánh sáng Phục sinh và ơn Thánh Thần Hiện xuống, Hội Thánh đọc thấy trong câu
truyện Chúa hóa bánh ra nhiều những chân lý phong phú có thể nuôi dưỡng đời sống
đức tin của các tín hữu.
Dù
sao, trước hết Hội Thánh vẫn nhìn thấy trong câu truyện này việc thực hiện Lời
Hứa trong các sách Tiên tri. Isaia đã tuyên sấm sắp đến ngày Thiên Chúa ban
bánh rượu nhưng không cho dân lưu lạc. Thì nay Chúa Yêsu đang hóa bánh ra nhiều
cho người ta ăn nhưng không. Và nếu bánh rượu trong Isaia đã được dùng để hướng
về giao ước vĩnh cửu, thì bữa ăn trong sa mạc hôm nay cũng phải chiếu dẫn vào
bàn tiệc Thánh Thể, nơi Chúa Yêsu sẽ dùng bánh rượu để đổi thành Thịt Máu hầu
ký kết giao ước mới và vĩnh cửu. Thế nên chúng ta không lạ gì khi thấy tác giả
bài Tin Mừng mô tả các cử chỉ của Chúa Yêsu khi hóa bánh ra nhiều y hệt cách thức
Người sẽ làm trong bàn Tiệc ly là: Người cầm lấy bánh, ngước mắt lên trời, đọc
lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ...
Như
vậy điều Isaia đã tuyên sấm thì nay đang được thực hiện trong việc Chúa Yêsu
hóa bánh ra nhiều để nuôi dân một cách nhưng không. Và việc này lại báo trước
việc Người sẽ làm trong bàn Tiệc ly để mỗi khi tham dự lễ nghi Thánh Thể, chúng
ta phải ý thức tình thương cứu thế mênh mông của Thiên Chúa muốn cứu độ loài
người. Tình thương này biểu lộ nơi Chúa Yêsu khi Người nhìn thấy quần chúng
đông đảo; Người chữa những kẻ bệnh tật trong họ; Người cho họ ăn chứ không giải
tán họ đi vào các làng mạc để tự mua thức ăn như các môn đệ muốn làm. Nhưng nhất
là tình thương ấy tỏ ra vô tận khi Chúa Yêsu muốn dùng các môn đệ và Hội Thánh
để mãi mãi chăm sóc loài người.
Quả
thật, đây còn là một dụng ý của tác giả khi thuật lại việc hóa bánh ra nhiều.
Các môn đệ của Chúa Yêsu bây giờ không phải là khách bàng quan, đứng ngoài nhìn
vào đám đông với Chúa Yêsu mà không muốn can thiệp vào. Trái lại, thấy trời đã
về chiều, các ông đến thưa Người: Xin Thầy giải tán dân chúng để họ vào các
làng mạc mà mua thức ăn. Các ông tỏ ra có lòng săn sóc đến quần chúng. Chỉ có
điều các ông không ý thức đủ quyền năng của Chúa. Các ông có cái nhìn của những
con người tổ chức. Nhiều khi những tông đồ ở trong Hội Thánh cũng làm y như vậy.
Họ thương người nhưng mới chỉ có cái nhìn nhân loại. Tuy nhiên phải công nhận
hôm ấy các môn đệ của Chúa có lòng thương dân thật sự. Không những thương dân
nên có cái nhìn quán xuyến công việc, muốn để họ đi vào làng mạc mà mua thức
ăn; mà còn tỏ ra hết lòng thương họ khi sẵn sàng trao tất cả 5 chiếc bánh và 2
con cá cho Chúa Yêsu lúc Người vừa ngỏ ý bảo chính các ông phải cho dân chúng
ăn. Các ông không sợ mất hết phần của mình. Nhiều tông đồ trong Hội Thánh ngày
nay phải học để có thêm tinh thần xả kỷ như các môn đệ đầu tiên của Chúa Yêsu.
Chắc chắn Người đã thỏa mãn về thái độ của các ông. Người nhận lấy gia tài 5
cái bánh và 2 con cá của môn đệ. Qua bàn tay tạ ơn của Người, những của bé mọn
này lại được trao lại cho các môn đệ để họ phân phát cho người ta. Lạ lùng
thay, 5 cái bánh và 2 con cá đã nuôi no hơn 5,000 người, và còn lượm lại được
12 thúng đầy những mảnh vụn, chắc chắn là để trao lại cho 12 môn đệ, để trong
tay những ông này luôn luôn còn có lương thực mà Thiên Chúa muốn dùng để dưỡng
nuôi tinh thần của các xã hội loài người.
Như
vậy rõ ràng thái độ của Chúa Yêsu đối với các môn đệ trong câu truyện này muốn
gieo vào tâm hồn chúng ta lòng tín nhiệm vào các môn đệ và Hội Thánh. Ðó là những
người có bản chất yêu thương quần chúng, sẵn sàng trao ban tất cả những gì mình
có cho hạnh phúc của loài người. Nhưng điều quý hóa ở nơi họ và trong Hội Thánh
bấy giờ, là khả năng mà Thiên Chúa ban để từ nay, Hội Thánh và các Tông đồ có
thể nuôi dưỡng người ta bằng tình thương của Chúa. Chúa đã trao quyền biến đổi
bánh rượu cho Hội Thánh, để Hội Thánh luôn luôn có thể trao ban chính tình
thương cứu độ của Thiên Chúa cho loài người. Chúng ta hãy tin tưởng vào Hội
Thánh. Chúng ta hãy đến với Hội Thánh. Nơi Hội Thánh luôn luôn có Chúa đầy tình
yêu thương cứu vớt mọi người. Hiểu về Thiên Chúa và Hội Thánh như vậy, chúng ta
có thể coi những lời thơ Phaolô hôm nay như của mình.
C.
Một Niềm Tin Bất Khuất
Thật
vậy, nếu chúng ta đã suy nghĩ về tình yêu của Thiên Chúa qua bài sách Isaia và
bài Tin Mừng, chúng ta phải thấy Người yêu thương Dân Người và loài người chúng
ta quá chừng! Người không bỏ rơi Dân trong cảnh lầm than tuyệt vọng. Ngược lại
hoàn cảnh cơ cực của dân càng làm nổi bật tình yêu lớn lao của Thiên Chúa. Và
tình yêu này thật sâu xa, vì ơn cứu độ Người gửi đến cho dân không phải chỉ là
sự giải phóng dân khỏi cảnh lưu đày; nhưng còn ký kết với Dân một giao ước mới
và vĩnh cửu như Người đã hứa với Ðavít. Người thể hiện việc này khi Ðức Yêsu
Kitô ở bàn Tiệc ly đã cầm lấy bánh rượu và nói: Ðây là Chén Máu Ta, Máu Tân Ước
vĩnh cửu. Bài Tin Mừng hôm nay đưa chúng ta về bàn tiệc Thánh Thể ấy, để chúng
ta thấy tình thương của Thiên Chúa không thể làm gì cho chúng ta hơn nữa khi
Người đã sai Con của Người xuống thế và Chúa Con đã trao ban Thịt Máu Người để
chịu chết xóa tội cho chúng ta. Chính vì nghĩ đến điều đó mà Thánh Phaolô hôm
nay không thể cầm lòng được nữa. Người thốt ra những tâm tình chân thật này
trong bài thư hôm nay: Ai sẽ tách chúng ta ra khỏi lòng mến của Ðức Kitô? Không
gì sẽ có thể tách chúng ta ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa trong Ðức Yêsu Kitô
Chúa chúng ta! Bởi vì Chúa đã yêu thương chúng ta đến như thế, thì dù gian
truân, bĩ cực, bắt bớ, đói khát, trần truồng, hiểm nguy và cho đến gươm giáo
cũng chẳng có thể lay chuyển lòng chúng ta tách khỏi Chúa. Thánh Tông đồ đã chịu
tất cả những khổ sở trên, như người đã kể trong nhiều thư về cuộc đời của người.
Có thể người đã kể ra hết những điều đó để gợi lên những thử thách lớn lao vào
thời sau hết như các tác giả thường nói. Người nhắc lại cả một câu thánh vịnh
thường được dùng để nhắc đến hoàn cảnh kinh khủng của thời Epiphane bắt đạo như
sách Macabê kể. "Nhưng trên các điều ấy hết thảy, chúng ta toàn thắng nhờ
Ðấng đã yêu mến chúng ta". Bởi vì chính tình yêu bất khuất của Người khiến
chúng ta không chịu thua; và nhất là bởi vì chính trong những lúc chúng ta yếu
đuối như thế, tình yêu của Người mới thi thố sức mạnh phi thường của bản tính
Thiên Chúa. Như vậy điều cốt yếu là phải tin vào tình yêu của Thiên Chúa.
Bài
sách Isaia và bài Tin Mừng hôm nay khuyến khích chúng ta suy nghĩ về tình yêu
này. Và Thánh Thể mà chúng ta cử hành giờ đây là chứng từ hùng hồn. Chúng ta ý
thức về ý nghĩa của Thánh Thể bao nhiêu, chúng ta càng thấy Thiên Chúa yêu
thương chúng ta một cách chân thực và sâu xa bấy nhiêu. Lên rước lấy Mình Thánh
Người, chúng ta sẽ đón nhận lấy tất cả tình yêu của Người đối với chúng ta.
Chúng ta phải nói lên như thánh Phaolô: Không có ai và không có gì có thể tách
chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa nữa. Cho nên dù có gì xảy đến cho
chúng ta trong những ngày này, vui hay buồn, cám dỗ hay thử thách, chúng ta nhớ
đến tình yêu của Chúa và chúng ta cương quyết sẽ bất khuất sống xứng đáng với
tình yêu của Người, để đời sống chúng ta không những không tội lỗi mà còn có
nhiều đóng góp xây dựng hạnh phúc cho mọi người như các môn đệ, như Hội Thánh
và như chính Thiên Chúa và Chúa Yêsu Kitô theo như chúng ta được biết qua các
bài Kinh Thánh chúng ta vừa nghe đọc.
(Trích
dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của
Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Chủ Nhật 18 Thường Niên, Năm A
Bài
đọc:
Isa 55:1-3; Rom 8:35, 37-39; Mt 14:13-21
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tình thương Thiên
Chúa.
Một
bà mẹ rất đông con, khi sinh được một con trai, Bà cầu xin Thiên Chúa ban cho
con Bà được học hết bằng trung học. Đối với Bà, được như thế là đã quá nhiều.
Ít lâu, sau khi được sang Hoa-kỳ đoàn tụ và dự lễ ra trường Cao Học của con, Bà
nhớ lại ước nguyện xưa và Bà cầu nguyện với Thiên Chúa: Lạy Chúa của con, sao
Chúa rộng lượng đến thế! Con chỉ xin cho con của con cái bằng Trung Học, thế mà
Chúa đã ban cho nó cái bằng Đại Học, giờ còn ban thêm cho nó cái bằng Cao Học nữa.
Sao Chúa rộng lượng thế!
Để
biết Chúa rộng lượng thế nào, con người cần biết đếm những hồng ân Thiên Chúa
ban cho. Để biết đếm hồng ân, con người cần trí nhớ để đừng quên những gì Thiên
Chúa làm. Thỉnh thoảng, rất lợi ích khi chính mỗi người chúng ta, hay gia đình
chúng ta, hay cộng đoàn chúng ta cùng ngồi xuống đếm những gì Thiên Chúa đã làm
cho chúng ta. Qua các bài đọc hôm nay, Giáo Hội muốn dân Chúa nhớ lại phần nào
những gì Thiên Chúa đã làm cho họ. Trong bài đọc I, ngôn sứ Isaiah sau khi đã
nói tiên tri về các cực hình Người Tôi Trung của Thiên Chúa phải chịu trong Bài
Ca Thứ Tư (52:13-53:12), ông tuyên bố những kết quả mà Người Tôi Trung sẽ mang
đến cho dân trong hai chương 54 và 55. Trình thuật hôm nay là 3 câu đầu tiên của
chương 55. Trong bài đọc II, thánh Phaolô xác tín: Nếu các tín hữu hiểu rõ những
gì Đức Kitô đã làm cho họ, thì không một quyền lực nào có thể tách rời họ ra khỏi
tình yêu của Đức Kitô. Trong Phúc Âm, trình thuật của Matthew làm trọn phần nào
những gì ngôn sứ Isaiah đã tiên báo. Chúa Giêsu cảm thương dân chúng vất vưởng
như chiên không người chăn, và Ngài đã làm phép lạ Bánh Hóa Nhiều cho 5,000 người
được ăn no nê từ 5 chiếc bánh lúa mạch và 2 con cá nhỏ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I:
Thiên Chúa kêu gọi dân chúng đến với Ngài để được nuôi sống.
1.1/
Thiên Chúa cho dân người ăn mà không phải trả tiền: Đây là ý tưởng
chính trong câu đầu tiên. Ngôn sứ mời gọi tất cả mọi người: có tiền cũng như
không có tiền, vì tất cả những thứ con người cần: không phải chỉ có nước uống,
mà còn cả sữa và rượu, được Thiên Chúa cho không? Sữa cần cho sự dinh dưỡng và
rượu làm hoan hỷ lòng người. Tại sao ngôn sứ quảng cáo mua mà không phải trả tiền?
Điều này chỉ có thể xảy ra do lòng rộng rãi của Thiên Chúa, hay vì đã được trả
trước bởi chính công nghiệp của Người Tôi Trung.
1.2/
Con người cần phải biết phân biệt lương thực ích lợi cho con người từ những
lương thực có hại: Không
phải thức ăn đồ uống nào cũng tốt cho con người, nhưng cần phải ăn uống những
gì phù hợp với nhu cầu của cơ thể; nếu không sẽ sinh bệnh tật và có thể bị ngộ
độc mà chết. Ngôn sứ biết có nhiều người đã “phí tiền bạc vào của không nuôi sống,
tốn công lao vất vả vào thứ chẳng làm cho chắc dạ no lòng.” Lương thực của
Thiên Chúa ban, mặc dù biếu không, nhưng “các ngươi sẽ được ăn ngon, được thưởng
thức cao lương mỹ vị... và nhất là được sống.” Ai trong cuộc đời này biết những
gì lợi ích cho con người hơn chính Đấng đã tạo dựng nên con người!
Điều
tối quan trọng là con người phải chú tâm đến những Lời Thiên Chúa dạy bảo: ngôn
sứ làm nổi bật bằng những cụm từ: “Hãy chăm chú nghe Ta... Hãy lắng tai và đến
với Ta, hãy nghe thì các ngươi sẽ được sống.” Thiên Chúa biết giao ước cũ, giao
ước qua Moses trên núi Sinai, không đủ để đem ơn cứu độ cho con người, nên Ngài
hứa: “Ta sẽ lập với các ngươi một giao ước vĩnh cửu, để trọn bề nhân nghĩa với
David.” Tất cả những điều này, Thiên Chúa tự nguyện làm vì quá yêu thương con
người.
2/
Bài Đọc II:
Con người đáp trả tình thương Thiên Chúa.
2.1/
Phải cảm nghiệm được tình thương Thiên Chúa trước khi có thể đáp trả: Điệp ca của Thánh Vịnh
hôm nay nhắc đi nhắc lại sự rộng lượng của Thiên Chúa:
“Chúa
thương rộng mở tay ban, đoàn con hết thảy muôn vàn thỏa thuê.”
Khi
Chúa mở tay ban, Ngài ban cho tất cả mọi người, kẻ dữ cũng như người lành, kẻ vô
ơn cũng như người biết ơn, như Ngài đã từng kêu gọi con người bắt chước Ngài, Đấng
đã cho mặt trời chiếu sáng và mưa rơi trên cả kẻ dữ và người lành. Tuy nhiên, nếu
người thụ ơn cảm nghiệm được những gì Chúa làm, họ sẽ biết ơn và ca tụng Chúa;
đồng thời họ sẽ tìm cách để đáp lại tình thương mà Thiên Chúa đã dành cho họ.
Thánh Phaolô chắc chắn đã cảm nghiệm được tình thương Thiên Chúa, cho nên dẫu
ngài phải chịu nhiều lo lắng, buồn phiền, bắt bớ, đói khát, trần truồng, tiêu
diệt, người vẫn thốt lên: “Không gì có thể ngăn cản được lòng tôi đừng tin vào
Thiên Chúa.” Thánh nhân biết rằng ngay cả trong khi phải chịu những thiếu thốn
bất công, tình yêu của Chúa vẫn luôn ở với người, vì những bất công sẽ giúp
thanh luyện và hoàn thành công trình cứu chuộc của Thiên Chúa nơi người.
2.2/
Lợi ích khi con người phải đáp trả tình thương Thiên Chúa: Nếu người thụ ơn
không cảm nghiệm được những gì Chúa đã làm, họ sẽ vô ơn và kêu trách Chúa mãi.
Lời Kinh Tiền Tụng nhắc nhở một sự thật: “những lời ca ngợi của chúng ta chẳng
thêm gì cho Chúa, nhưng sẽ giúp con người đạt được cuộc sống muôn đời.” Thực thế
Chúa thi ơn trước khi chúng ta xin vì Ngài biết những gì chúng ta cần; nhưng
chúng ta cần biết ơn Chúa, để lòng biết ơn giúp chúng ta có một lòng tin vững
chắc vào Ngài mỗi khi chịu thử thách. Cuộc đời con người sẽ phải trải qua những
phong ba bão táp như Thánh Phaolô. Nếu không được đào luyện, con người sẽ dễ
than thân trách phận: trách mình, trách người, và có thể sẽ trách luôn cả Thiên
Chúa. Nếu mất đức tin vào Thiên Chúa thì làm sao đáng được hưởng ơn cứu độ muôn
đời?
Một
sự cảm nghiệm sâu xa về tình yêu của Đức Kitô dành cho, khi mình vẫn còn là tội
nhân đi truy lùng các tín hữu, đã khiến thánh Phaolô có lời tuyên xưng đức tin
mạnh mẽ: “Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần
hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời
cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được
chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô, Chúa
chúng ta.”
3/
Phúc Âm:
Người chạnh lòng thương dân chúng vì họ như chiên không người chăn.
Tin
Mừng Matthew chú trọng đặc biệt đến sự làm trọn của các Lời Kinh Thánh trong Cựu
Ước, một ví dụ điển hình là trình thuật hôm nay: Chúa Giêsu thương dân, Ngài dạy
dỗ họ, chữa lành các bệnh nhân của họ, và làm phép lạ cho dân chúng ăn no nê
trong hoang địa mà họ không phải trả đồng nào, như lời ngôn sứ Isaiah đã tiên
báo trong bài đọc I. Trình thuật bắt đầu: “Nghe tin ấy, Đức Giêsu lánh khỏi nơi
đó, đi thuyền đến một chỗ hoang vắng riêng biệt. Nghe biết vậy, đông đảo dân
chúng từ các thành đi bộ mà theo Người.”
Như
Isaiah, Matthew chú trọng đến động từ “nghe.” Khi dân chúng nghe biết Chúa
Giêsu, cho dù Ngài đã lánh mặt vào nơi hoang địa, họ cũng cố đi tìm cho được
Người. Trong nơi hoang địa mà số người đàn ông không đã tới 5,000. Đây là một
con số đặc biệt trong nơi hoang địa. Họ đi tìm Chúa, vì họ biết chỉ có Ngài mới
đáp ứng được những khát khao của họ. Chúng ta hãy lướt qua các khát khao của
con người.
3.1/
Chúa dạy dỗ dân: Câu
Xướng của Alleluia nhắc nhở con người: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh,
nhưng còn nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.” Rất ít khi cả 4 Phúc Âm đều
tường trình về một phép lạ Chúa làm như phép lạ Chúa hóa bánh cho 5000 người ăn
hôm nay. Tuy nhiên, Phúc Âm Nhất Lãm chú trọng nhiều đến phép lạ hơn là việc dạy
dỗ. Điều này không có nghĩa là Chúa Giêsu không dạy dỗ dân chúng, vì theo trình
thuật, dân chúng phải theo Ngài ít là từ sáng tới chiều và họ đã không chuẩn bị
để mang theo thức ăn. Điều này chứng minh Chúa Giêsu đã dạy dỗ dân chúng. Phúc
Âm Gioan chú trọng nhiều đến việc dạy dỗ sau khi Chúa làm phép lạ. Nguyên cả
chương 6 được dùng để dạy dỗ dân về việc tìm kiếm những của ăn không hư nát là
Lời Chúa và Bí Tích Thánh Thể.
3.2/
Chúa chữa lành các bệnh nhân của họ: Con người bị bao vây bởi đủ thứ các chứng bệnh, tật
nguyền, và quyền lực của ma quỉ; vì thế, nỗi khao khát của các bệnh nhân là cần
được chữa lành. Rất nhiều lần trong Tin Mừng tường thuật: Chúa chạnh lòng
thương khi nhìn thấy những nỗi khổ đau của họ, và Ngài đã chữa lành hết mọi bệnh
hoạn tật nguyền.
3.3/
Chúa làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho dân ăn: Chiều đến, các môn đệ lại gần
thưa với Người: "Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy cho dân
chúng về, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn." Đức Giêsu bảo: "Họ
không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn." Các ông đáp: "Ở
đây, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá!" Người bảo:
"Đem lại đây cho Thầy!"
3.4/
Chúa lập Bí Tích Thánh Thể để nuôi dưỡng dân trong suốt cuộc đời: Phúc Âm Nhất Lãm
không nói về Bí-tích Thánh Thể lúc này, nhưng những động tác Chúa làm khi Ngài:
cầm lấy Bánh, ngước mắt lên trời, tạ ơn, bẻ ra, rồi trao cho các môn đệ, nhắc
nhở những gì Chúa sẽ làm trong Bữa Tiệc Ly khi Ngài thiết lập Bí-tích Thánh Thể.
Phúc Âm Gioan không tường thuật về việc Chúa lập Bí-tích Thánh Thể trong Bữa Tiệc
Ly, nhưng trong chương 6 có cả một diễn từ dài về sự quan trọng của Bí-tích
Thánh Thể; rất rõ ràng khi Chúa nói: “vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật
là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, kẻ ấy sẽ ở trong Ta và Ta ở trong kẻ
ấy.”
Như
thân xác cần của ăn uống thế nào, linh hồn con người cũng cần được nuôi dưỡng bằng
Mình và Máu Chúa như vậy. Nếu không ăn uống con người sẽ đói khát và sẽ chết;
linh hồn con người nếu không được nuôi dưỡng bằng Mình và Máu Chúa cũng sẽ khô
héo và sẽ chết. Tuy nhiên, khô héo và chết phần linh hồn không dễ nhận ra,
nhưng những bực dọc, chia rẽ, bất hòa, ghen tương, chúng là những dấu chỉ của
linh hồn đang khô héo; và nếu không được chữa trị kịp thời sẽ đi dần đến cõi chết.
Thiên
Chúa không những lo cho con người có của ăn phần xác qua công việc tạo dựng, mà
còn cả của ăn về phần hồn qua công cuộc cứu chuộc. Chúa hứa tất cả những ai đến
lắng nghe và vâng lời Người, họ sẽ có sự sống cả về phần xác cũng như phần hồn.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Không dễ cho chúng ta nhận ra ơn lành, nhưng rất dễ cho chúng ta quên ơn lành
Thiên Chúa và tha nhân đã làm cho chúng ta.
-
Chúng ta dễ chạy theo của ăn uống phần xác nhưng rất ít khi chịu kiếm lương thực
cho phần linh hồn qua Lời Chúa và Bí-tích Thánh Thể.
-
Việc nhận ra hồng ân Thiên Chúa giúp chúng ta đến chỗ xác tín như Thánh Phaolô:
Không có ai trên đời này thương ta bằng Thiên Chúa; và chúng ta sẽ vượt qua mọi
trở ngại trong cuộc đời để trung thành tin yêu Ngài mãi mãi.
Lm.Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.
03/08/14 CHÚA NHẬT TUẦN
18 TN – A
Mt 14,13-21
Mt 14,13-21
Suy niệm: Thế giới hôm nay là một thế
giới của những tiến bộ vượt bực về công nghệ, kỹ thuật, nhưng cũng là một thế
giới của nhiều góc tối lãnh đạm, và dửng dưng giữa con người với nhau. Từ chỗ
lãnh đạm với nhau, con người trở nên dửng dưng cả với Thiên Chúa. Sự lạnh nhạt,
vô cảm ấy không ở đâu xa, nó nằm ngay trong lòng mỗi người. Ngày xưa, trước đám
đông dân chúng đang đói, các môn đệ cũng vô tâm bỏ mặc đám đông tự bương chải;
nhưng Thầy của họ, Chúa Giê-su chạnh lòng thương dân chúng và yêu cầu: “Chính anh em hãy cho họ ăn đi.” Cũng như các môn đệ, ta thường vô tâm,
không thấy mình có trách nhiệm liên đới với nỗi đói khát, đau khổ của người lân
cận, thậm chí ngay cả với những người đang sống cùng một mái nhà với mình.
Mời Bạn: Người nghèo khó đang ở gần bạn, cần đến sự trợ
giúp của bạn. Cũng có thể do bạn mà họ phải sống trong cảnh nghèo khó, hay buồn
sầu, đau khổ. Chỉ cần một cái ngước mắt nhìn lên cao, khỏi những bận rộn, lợi
lộc và quan tâm bản thân cách ích kỷ, bạn sẽ nhận thấy hiện thân của Đức Ki-tô
nơi họ, cùng với những nhu cầu của họ.
Sống Lời Chúa: Tôi xác tín mình được Thiên Chúa yêu thương
thì cũng phải biết chia sẻ tình yêu ấy cho anh chị em, vì tình yêu mời gọi tình
yêu: “Các con hãy yêu thương nhau như
Thầy đã yêu thương các con.”
Cầu nguyện: Lạy
Chúa Giê-su, xin mở mắt con để con nhìn thấy những anh chị em đang cần trợ
giúp. Xin cho con đừng bao giờ vô tâm, hững hờ với những anh chị em ấy nữa,
nhưng ân cần giúp đỡ, ủi an, và cầu nguyện cho họ trong tình yêu chân thành.
Amen.
Năm chiếc bánh và hai con cá
(Suy niệm của Lm. Giuse
Trần Việt Hùng)
Bước ra khỏi thuyền, Chúa
Giêsu đã tỏ lòng thương xót, ủi an, dậy dỗ, chữa lành và ban phát của ăn nuôi
dân. Gặp những người cùng khổ và bệnh tật, Chúa xót thương chữa lành họ: Người
thấy dân chúng đông đảo, thì thương xót họ, và chữa những người bệnh tật trong
họ (Mt 14,14). Chúa dậy dỗ và mở mang kiến thức để họ hiểu biết về mầu nhiệm
Nước Trời và tình yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn yêu thương và quan phòng
cho mọi loài thọ tạo. Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu
tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý
giá hơn chúng sao? (Mt 6,26).
Để tiếp tục ban phát ơn
lành, Chúa Giêsu cần lòng quảng đại và sự góp phần nhỏ bé của chúng ta. Thánh
Matthêô diễn tả: Các ông thưa lại rằng: "Ở đây chúng con chỉ có năm chiếc
bánh và hai con cá". Người bảo các ông rằng: "Hãy đem lại cho
Thầy"( Mt 14,16). Chúa nhận 5 chiếc bánh và 2 con cá nhỏ, Chúa đã đọc lời
chúc tụng, tạ ơn và phân phát cho mọi người. Chúa ban cho dân đầy dư tràn trề
và ăn uống thỏa thuê. Chúa Giêsu duỡng nuôi con dân bằng của ăn tinh thần và cả
của ăn thể xác.
Năm bánh hai cá là biểu
tượng nguồn tốt lành mà mỗi người chúng ta đang sở hữu. Mỗi cá nhân đều có một
kho tàng vô giá ẩn sâu trong tâm hồn. Tôn giáo giúp chúng ta khơi dậy những tâm
tình, những ân huệ và những khả năng được trao ban.
Chúng ta không thể nói rằng
chúng ta không có gì để cho đi. Mỗi người có cả một kho tàng tình yêu, sự cảm
thông, tình xót thương và lòng quảng đại. Cái gì cũng có thể cho được, chúng ta
có thể cho đi một nụ cười thân thiện, một lời nói êm nhẹ, một cử chỉ yêu
thương, một thái độ tử tế, một ánh mắt thông cảm, một vòng tay ấm áp, một tâm
tình chia sẻ tế nhị và một chút bánh, một ly nước.
Khi chúng ta biết cho đi,
chúng ta sẽ nhân đôi niềm vui cả vốn lẫn lời. Cho đi là làm giầu thêm cho chính
mình. Khi lồng ngực còn thở và trái tim còn đập, chúng ta còn có cái để cho,
cho đi niềm tin, niềm hy vọng và cậy trông. Càng cho càng có thêm. Xởi lởi trời
lại cho mà.
Ngày xưa, khi đi giảng đạo
tại những nước nghèo đói xa xôi, các nhà truyền giáo đã dùng mọi cách thế để đi
vào lòng dân. Một trong những cách cụ thể, là lo cho dân có nơi ăn chốn ở, giúp
đỡ, dậy dỗ và dùng thuốc thang chữa lành bệnh tật. Có nhiều người theo đạo vì:
Theo đạo có gạo mà ăn. Điều này không sai, nhưng nếu lạm dụng sự giúp đỡ thì
mất đi ý nghĩa của việc truyền đạo. Chúng ta thường nghe nói: Có thực mới vực
được đạo. Đúng vậy, con người không sống trên mây trên gió, mà là cuộc sống cụ
thể chân chạm đất. Những nhu cầu thể xác về ăn mặc không thể thiếu. Không phải
ngày xưa khi mơi truyền đạo, mà cả ngày nay cũng thế, những nơi vùng sâu vùng
xa nghèo đói cũng cần sự trợ giúp về cái ăn cái mặc. Không thỏa mãn nhu cầu thể
xác thì khó có thể tập trung cầu nguyện, thờ phượng và trau dồi kiến thức văn
hóa về đạo giáo hay về xã hội.
Ở Ấn Độ, người dân bị phân
biệt giai cấp, những người cùng đinh nghèo đói và bị khinh bỉ. Mẹ Têrêxa đã
phục vụ lâu năm tại đây. Mẹ đã lập nhiều nhà Tế Bần. Có nơi, các chị Dòng Bác
Ái mỗi ngày phải lo phục vụ cả 9 ngàn người ăn. Một ngày không nấu là một ngày
họ không có gì ăn. Vào ngày nọ, có một cặp vợ chồng mới cưới đến thăm và dâng
cúng món tiền lớn. Mẹ Têrêxa hỏi: Ở đâu anh chị có món tiền lớn thế? Anh chị
trả lời: Họ mới cưới nhau được hai ngày. Chúng tôi quyết định không tổ chức đám
cưới vì muốn dành số tiền này để nuôi người nghèo. Mẹ hỏi: Tại sao anh chị lại
muốn làm như thế? Họ trả lời rằng vì chúng tôi yêu nhau và muốn bắt đầu cuộc
sống hôn nhân với hành động hy sinh này. Biết rằng họ thuộc hàng quý phái. Cử
chỉ thật đẹp từ cõi lòng.
Tu thân tích đức là hướng
nội. Từ bi hỉ xả và từ thiện bác ái là hướng ngoại. Khi có nội công thâm hậu,
thì con người sẽ có sức mạnh phi thường. Ý chí là nguồn sức mạnh. Không phải
mọi người to lớn, khỏe mạnh và cường tráng là người có nội lực thâm sâu. Ý chí
giúp con người thành nhân và thành thánh. Vị thánh nào cũng có một ý chí kiên
cường. Vị thánh nào cũng biết xả thân và cho đi. Cho đi mà không cạn kiệt. Cho
đi là hướng ra tha nhân. Càng xả thân càng làm cho sự hiện hữu của mình thêm
phong phú. Các thánh nhân đã cho đi không ngừng để làm giầu cho tha nhân và cho
chính mình. Chúa Giêsu xuống trần gian, Ngài cho đi với cả trái tim yêu thương,
sự tha thứ, thông cảm, chữa lành, sự bình an và cả mạng sống của chính Ngài.
Khi Chúa Giêsu chữa lành,
Chúa chữa tận căn và bệnh tật chấm dứt. Khi Chúa ban của ăn, Chúa ban dư tràn.
Mọi người đều ăn no. Và người ta thu lượm được mười hai thúng đầy những miếng
bánh vụn (x. Mt 14,20). Khi Chúa yêu thương, Chúa hiến cả thân mình đến giọt
máu cuối cùng. Chúa không ban ơn nửa vời.
Bước theo Chúa, Chúa cũng
đòi hỏi một sự dứt khoát: Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì
mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được (x. Lc 14,33).
Xem ra sự đòi hỏi của Chúa
không dễ. Làm sao chúng ta có thể từ bỏ hết những gì chúng ta có? Chúng ta
thường tìm cách tránh né vấn đề và nêu ra nhiều lý do để chối từ. Các tông đồ
xưa đã thực hành lời Chúa một cách triệt để. Các ngài sống trọn vẹn lý tưởng và
chết cho sứ mệnh của mình. Thánh Phaolô đã lên tiếng nói rằng: “Tôi sống, nhưng
không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp
phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng
vì tôi” (Gal 2,20).
Chúa trao quyền năng cho
các tông đồ và sai các ngài ra đi trong tin yêu và phó thác: Đi đường, đừng
mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi dép hay cầm gậy. Vì thợ thì đáng được
nuôi ăn (x. Mt 10,10).
Tôi nghe kể các tu sĩ Dòng
Tên trong những năm huấn luyện tập tu. Mỗi tu sĩ ra đi vào đời trong một tháng
thử thách, họ không được mang theo đồ dùng tiền bạc. Họ phải tự lo liệu tất cả,
khát xin uống, đói xin ăn, tự tìm nơi ăn chốn ở và mọi nhu cầu thể xác tự giải
quyết. Sống hoàn toàn trong sự phó thác nơi Chúa và cậy nhờ lòng tốt người
khác. Trong những ngày lang thang giữa chợ đời, cũng có khi các tu sĩ bị xua
đuổi, bị khinh rẻ, bị nghi ngờ và bị coi là kẻ ăn bám xã hội. Luyện tập nhân
đức cần trải qua những gian truân và nhẫn nại sẽ giúp họ trưởng thành trong đời
sống phục vụ sau này.
Thiên Chúa quan phòng cho
mọi loài thảo mộc sinh hoa trái và ban nguồn thực phẩm để dưỡng nuôi con người
trong thiên nhiên. Trong lịch sử cứu độ, một đôi khi Thiên Chúa can thiệp ban
phát ân sủng trực tiếp như nước uống, Manna và chim cút cho dân Do-thái suốt
hành trình lữ hành trong hoang địa. Nay Chúa Giêsu làm phép lạ cho bánh và cá
hóa nhiều để nuôi dân. Bánh và cá là hình ảnh của bánh hằng sống mà Chúa sẽ ban
chính là Mình và Máu Thánh Chúa. Chúa Giêsu đã chọn chính bánh rượu là của ăn
hằng ngày để hiến thánh. Khi bánh rượu được hiến dâng trên bàn thờ, qua lời
truyền phép của linh mục, bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần, bánh rượu đã trở
nên Mình và Máu Thánh Chúa để dưỡng nuôi toàn dân. Của ăn thần lương này đã
giúp thỏa mãn mọi khát khao của con người dẫn vào cuộc sống đời đời.
Chúa ban cho dư tràn nhưng
Chúa cũng nhăc nhở con người không được phung phí. Sau khi dân chúng ăn no
thỏa, Chúa kêu gọi mọi người thu dọn: Mọi người đều ăn no. Và người ta thu lượm
được mười hai thúng đầy những miếng bánh vụn (x. Mt 14,20).
Không một ân huệ nào là vô
ích. Dù là một chút ít miếng vụn, đó cũng là hồng ân. Trong thế giới chúng ta
đang sống, đang có biết bao nhiêu người lên giường ngủ mà bụng còn đói, trong
khi nhiều người ăn uống thừa thãi và hoang phí. Xã hội bất công đưa dẫn đến con
người tham lam và ích kỷ. Chỉ muốn gom góp và làm giầu cho chính mình. Chúng ta
biết rằng thu vào là tiêu hao và tan biến. Có biết bao nhiêu nguồn sung túc của
thế giới đã bị chiếm đoạt bất công. Có những người sống như nhà phú hộ giầu có,
hằng ngày yến tiệc linh đình, trong khi bên cạnh nhà có Lazarô đói khổ, bệnh
tật và thèm khát chén cơm thừa mà chẳng ai cho. Câu truyện đời như thế vẫn xảy
ra hằng ngày. Hậu qủa thưởng phạt ngày sau tách biệt mỗi người một nơi.
Năm bánh hai cá là vốn
liếng mà mỗi người chúng ta có được. Chúng ta đừng đem chôn vùi, nhưng hãy trao
tặng lại cho Chúa, để Chúa biến hóa ra nhiều phân phát cho mọi người. Mỗi người
hãy cùng chung góp khả năng, sức lực, của cải và thời giờ để sinh hoa kết qủa
trong cuộc sống này. Không có một cuộc sống nào là vô ích. Ai cũng có thể góp
phần làm tốt cho xã hội và Giáo Hội.
Lạy Chúa, xin khơi dậy kho
tàng ân sủng trong lòng con, để chúng con biết đem ra phân phát và chia sẻ với
mọi người.
Tất cả là hồng ân!
Chúng con cảm tạ danh Chúa
đến muôn ngàn đời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét