07/08/2014
Thứ Năm sau Chúa Nhật
18 Quanh Năm
Bài
Ðọc I: (Năm II) Gr 31, 31-34
"Ta
sẽ ký kết giao ước mới và Ta sẽ không còn nhớ tội lỗi nữa".
Trích
sách Tiên tri Giêrêmia.
Chúa
phán: "Ðây tới ngày Ta ký kết giao ước mới với nhà Israel và nhà Giuđa,
giao ước này không giống như giao ước Ta ký kết với tổ phụ chúng trong ngày Ta
cầm tay chúng dắt ra khỏi đất Ai-cập, giao ước ấy chính chúng đã phản bội, mặc
dầu Ta thống trị chúng". Chúa phán: "Ðây là giao ước Ta sẽ ký kết với
nhà Israel sau những ngày đó. Ta sẽ đặt lề luật của Ta trong đáy lòng chúng, và
sẽ ghi trong tâm hồn chúng; Ta sẽ là Chúa của chúng, và chúng sẽ là dân của
Ta". Chúa phán: "Người này sẽ không còn phải dạy người nọ, anh sẽ
không còn phải dạy em rằng: 'Ngươi hãy nhìn biết Chúa', vì mọi người từ nhỏ chí
lớn đều nhìn biết Ta, vì Ta sẽ tha tội ác của chúng, và sẽ không còn nhớ đến tội
lỗi của chúng".
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 50, 12-13. 14-15. 18-19
Ðáp: Ôi lạy Chúa,
xin tạo cho con quả tim trong sạch (c. 12a).
Xướng:
1) Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch, và canh tân tinh thần cương
nghị trong người con. Xin đừng loại con khỏi thiên nhan Chúa, chớ thu hồi Thánh
Thần Chúa ra khỏi con. - Ðáp.
2)
Xin ban lại cho con niềm vui ơn cứu độ, với tinh thần quảng đại, Chúa đỡ nâng
con. Con sẽ dạy kẻ bất nhân đường nẻo Chúa, và người tội lỗi sẽ trở về với
Ngài. - Ðáp.
3)
Bởi vì Chúa chẳng ưa gì sinh lễ; nếu con dâng lễ toàn thiêu, Chúa sẽ không ưng.
Của lễ con dâng, lạy Chúa, là tâm hồn tan nát; lạy Chúa, xin đừng chê tấm lòng
tan nát, khiêm cung. - Ðáp.
Alleluia:
Tv 144, 13cd
Alleluia,
alleluia! - Chúa trung thành trong mọi lời Chúa phán, và thánh thiện trong mọi
việc Chúa làm. - Alleluia.
Phúc
Âm: Mt 16, 13-23
"Con
là Ðá, Thầy sẽ ban cho con chìa khoá nước trời".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi
ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt thành Cêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng:
"Người ta bảo Con Người là ai?" Các ông thưa: "Người thì bảo là
Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri
nào đó". Chúa Giêsu nói với các ông: "Phần các con, các con bảo Thầy
là ai?" Simon Phêrô thưa rằng: "Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng
sống". Chúa Giêsu trả lời rằng: "Hỡi Simon con ông Giona, con có
phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy,
Ðấng ngự trên trời. Vậy Thầy bảo cho con biết: Con là Ðá, trên đá này Thầy sẽ
xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho
con chìa khoá Nước trời. Sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc;
và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở". Bấy giờ Người truyền
cho các môn đệ đừng nói với ai rằng Người là Ðức Kitô.
Kể
từ đó, Chúa Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ thấy: Người sẽ phải đi Giêrusalem,
phải chịu nhiều đau khổ bởi các kỳ lão, luật sĩ và thượng tế, phải bị giết, và
ngày thứ ba thì sống lại. Phêrô kéo Người lại mà can gián Người rằng: "Lạy
Thầy, xin Chúa giúp Thầy khỏi điều đó. Thầy chẳng phải như vậy đâu". Nhưng
Người quay lại bảo Phêrô rằng: "Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy: con
làm cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những sự thuộc về Thiên Chúa, mà
chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người".
Ðó
là lời Chúa.
Suy
Niệm:
Vác
Thập Giá Theo Chúa Giêsu
Có lẽ chúng ta quá quen thuộc
với hình ảnh của Thập giá. Nơi nào có người Kitô hữu thì nơi đó có Thập giá.
Vào thời Chúa Giêsu, Thập giá là một cực hình làm cho con người khiếp sợ, tủi
hổ. Hằng ngày, người Do thái chứng kiến cảnh các tội nhân vác những khúc gỗ lớn
tuần hành qua các khu phố trước khi đến Núi Sọ; những khúc gỗ sần sùi ấy sẽ
được sử dụng để treo chính các tội nhân.
Chúa Giêsu đã loan báo về cái chết
của Ngài, đồng thời mời gọi các môn đệ Ngài cũng hãy vác Thập giá của mình để
tiến bước theo Ngài. Theo Chúa Giêsu, đó là lời mời gọi cốt yếu của Kitô giáo.
Vì sự nghiệp, vì lý tưởng, người ta có thể hy sinh mạng sống của mình. Một
người vô tín ngưỡng có thể vì lý tưởng dám hy sinh tất cả cuộc đời của mình;
thế nhưng điểm chính yếu của Tin Mừng lại là một con người, đó là Chúa Giêsu
Kitô. Ðời sống Kitô giáo chỉ có thể là đời sống, nếu nó được tiếp tục nuôi
dưỡng bởi con người Chúa Kitô như là nguồn mạch của sự sống.
Chúng ta ghi dấu Thánh giá trên
người chúng ta, chúng ta mang Thánh giá trong người chúng ta, đó không là dấu
hiệu của sự chết, nhưng là biểu dương của một sức sống của Ðấng đã chết, đã
phục sinh và đang tác động trong chúng ta. Nói như thánh Phaolô: "Tôi
sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi". Chúa
Kitô sống trong chúng ta để tiếp tục và hoàn tất công trình cứu rỗi của Ngài.
Chúa Kitô đã vác Thập giá và đã chết một lần, cuộc Tử nạn ấy cần phải đươc tiếp
tục qua các Kitô hữu. Cũng chính thánh Phaolô đã nói: "Tôi cần phải bổ
khuyết những gì còn thiếu sót trong cuộc tử nạn của Chúa Kitô".
Thập giá đang được vẽ lại dưới muôn
nghìn hình thức. Chúa Kitô đang tiếp tục vác Thập giá với những người đang bị
giam giữ một cách bất công, những người bị tước đoạt quyền sống, những người bị
tra tấn và hành hạ. Chúa Kitô đang tiếp tục cuộc tử nạn của Ngài qua con người
chúng ta. Người Kitô hữu chịu gian khó thử thách vì ý thức rằng Chúa Kitô đang
sống trong chúng ta.
Xin cho Lời Chúa và sức sống của
Chúa nâng đỡ chúng ta, để giữa những đau khổ, thử thách của cuộc sống hiện tại,
chúng ta luôn kiên vững và an vui.
Veritas Asia
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ
Năm Tuần 18 TN2
Bài
đọc:
Jer 31:31-34; Mt 16:13-23
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Giao ước giữa Thiên
Chúa và con người
Giao
ước được thiết lập là do sự thỏa thuận của hai bên về một số những điều phải giữ:
ví dụ: giao ước hôn nhân, khấn dòng. Nếu một bên vi phạm, giao ước sẽ không còn
hiệu lực. Các bài đọc hôm nay đề cập đến những giao ước Thiên Chúa đã thực hiện
với con người.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I:
Sự khác biệt giữa hai giao ước: cũ và mới.
1.1/
Giao ước cũ:
Giao ước này được thiết lập trên núi Sinai, khi Chúa đưa Israel ra khỏi Ai Cập
và dẫn họ vào Đất Hứa. Chúa hứa nếu họ trung thành với Chúa và giữ Luật Chúa
truyền, họ sẽ là dân riêng Chúa, và Chúa sẽ bảo vệ họ khỏi mọi quân lân bang
xâm lấn.
Nhưng
Israel đã hủy bỏ giao ước này như tiên tri Jeremiah tuyên sấm hôm nay: “Chính
chúng đã huỷ bỏ giao ước của Ta, mặc dầu Ta là Chúa Tể của chúng.” Họ đã không
trung thành với Chúa khi chạy theo các thần ngọai bang để thờ phượng chúng. Họ
đã không tuân giữ các điều răn Chúa truyền bằng lối sống bất công và vô luân.
1.2/
Giao ước mới:
Thay vì chia tay để con người chết trong tội, Thiên Chúa chọn để thiết lập một
giao ước mới khi tuyên sấm hôm nay: “Này sẽ đến những ngày Ta sẽ lập với nhà
Israel và nhà Giuđa một giao ước mới, không giống như giao ước Ta đã lập với
cha ông chúng, ngày Ta cầm tay dẫn họ ra khỏi đất Ai-cập.”
Đây
là nội dung của giao ước mới: “Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm
chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của
Ta. Chúng sẽ không còn phải dạy bảo nhau, kẻ này nói với người kia: "Hãy học
cho biết Đức Chúa," vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết
Ta. Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa.
Israel sẽ tồn tại mãi.”
2/
Phúc Âm:
Giao ước mới giữa Chúa Giêsu và Hội thánh qua trung gian của Phêrô.
2.1/
Người ta bảo Thầy là ai? Bối
cảnh lịch sử và địa dư của Caesar Philippi: Có hai nơi gọi là Caesar trên Đất
Thánh: một gọi là Caesar Maritime, nằm gần bờ biển Mediteranean, và một gọi là
Caesar Philippi vì nó nằm trong vùng thuộc tiểu vương Philip, một trong ba người
con của Vua Herode. Nơi này cách Biển Hồ Galilee khỏang 25 miles về phía Đông Bắc,
giáp biên giới với Syria, và được gọi là Banias ngày nay. Đây là vùng rất khác
biệt với tất cả các nơi khác trong Đất Thánh: Điểm khác biệt đầu tiên là nước ở
khắp mọi nơi, vì nó nằm dưới chân rặng núi Hermon, và khi tuyết chảy đều tập
trung về đây lập thành đầu nguồn của sông Jordan trước khi chảy vào Biển Hồ
Galilee.
Nơi
đây là trung tâm của nhiều tôn giáo vì tính rất linh thiêng của nó: Thánh Vịnh
42:6 và 133:3 nhắc nhở cho mọi người Do-thái phải nhớ đến Chúa khi đến đây, vì
sông Jordan là huyết mạch không thể thiếu trong đời sông của người dân. Nó là
phúc lành và sức sống Chúa ban cho dân. Nơi đây cũng có khỏang 14 đền thờ của
người Syria vì họ đã từng cư ngụ nơi này. Lại là nơi thờ thần Pan, thần
thiên nhiên của người Hy-lạp khi họ đô hộ nơi này. Nơi thờ thần Pan là một cái
động khổng lồ: đỉnh là một ngọn núi, chân là một vực thẳm rất sâu chứa đầy nước.
Nơi đây, Philip cũng cho xây một đền thờ khổng lồ bằng đá cẩm thạch trắng trên
núi để thờ hòang đế Caesar.
Đứng
trước một trung tâm huyền bí và qui tụ rất nhiều các thần như nơi này, con người
không khỏi lẫn lộn khi đặt cho mình một câu hỏi: Đâu là sự thật? Thần nào là thần
phải thờ? Chúa Giêsu có ý định đặt câu hỏi để bắt các môn đệ phải tìm ra câu trả
lời. Hơn nữa, hai sứ vụ chính của Ngài khi xuống thế là (1) mặc khải cho con
người biết tất cả những gì Thiên Chúa muốn, và (2) huấn luyện các môn đệ để tiếp
tục sứ vụ của Ngài trên trần gian. Đây là giờ phút quan trọng vì Ngài sắp sửa
lên Jerusalem để chịu chết và hoàn thành sứ vụ của Ngài trên trần gian, nên
Ngài cần phải biết chắc chắn những môn đệ của Ngài có hiểu sứ vụ của Ngài, nhất
là biết rõ Ngài là ai trước khi có thể tiếp tục sứ vụ khi Ngài đã về trời.
Vì
thế, Ngài bắt đầu bằng câu hỏi: "Người ta nói Con Người là ai?" Các
ông thưa: "Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Elijah, có
người lại cho là ông Jeremiah hay một trong các vị ngôn sứ." Tiểu vương
Herode Antipas đã gọi Chúa Giêsu là Gioan Tẩy Giả sống lại từ cõi chết (Mt
14:2). Khi gọi Chúa là Eliiah, họ đã nhận ra phần nào sự quan trọng và uy quyền
của Chúa vì người Do Thái tin tiên tri Eliiah chưa chết và sẽ trở lại trước thời
Đấng Messiah sẽ tới (Mal 4:5). Họ vẫn để một ghế trống trong hội đường cho tiên
tri khi họ cử hành Lễ Vượt Qua. Cũng vậy, khi gọi Chúa là Jeremiah vì họ cũng
tin ông sẽ tới trước thời Đấng Messiah. Truyền thống tin là Jeremiah đã vào Đền
thờ Jerusalem trước khi đi lưu đày bên Babylon để lấy Hòm Bia và hương án đem
giấu trên núi Nebo và sẽ trở lại để “đúc lại” hai thứ này để Thiên Chúa tiếp tục
hiện diện với Dân Người (2 Mac 2:1-12). Như thế, khi gọi Chúa Giêsu là Elijah
hay Jeremiah, họ không tin Chúa Giêsu là Đấng Messiah, mà chỉ là tiên tri đến dọn
đường trước khi Đấng Messiah đến. Nếu các môn đệ cũng tin như thế thì Chúa
Giêsu sẽ thất bại!
2.2/
Các con bảo Thầy là ai? Vì
vậy, giờ phút quyết liệt đã tới, Chúa Giêsu lại hỏi: "Còn anh em, anh em bảo
Thầy là ai?" Ông Simon Phêrô thưa: "Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa
hằng sống." Chúa Giêsu nói với ông: "Này anh Simon con ông Jonas, anh
thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng
là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.”
Đấng
Kitô, Christ (tiếng Hy-lạp) chính là Đấng Messiah (tiếng Do-thái), có nghĩa là
Đấng được xức dầu để làm vua mà toàn dân Do-thái đang mong đợi. Đây là câu trả
lời Chúa Giêsu mong muốn, nhưng Chúa muốn cho Phêrô biết lý do tại sao ông biết
điều mà người khác không biết: vì ông đã được mặc khải bởi Chúa Cha, Đấng ngự
trên trời. Lý do này cũng được tuyên bố bởi Phaolô: Không ai có thể tuyên xưng
Đức Kitô là Chúa mà không do Thánh Thần (I Cor 12:3).
Vì
Phêrô đã đại diện các tông đồ để tuyên xưng con người đích thực của Chúa Giêsu,
nên Ngài có thể an tâm sẽ có người kế vị để tiếp tục công việc Ngài đã khởi sự.
Và Chúa Giêsu thiết lập giao ước mới với Phêrô: “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết:
anh là Phêrô, nghĩa là Đá, trên đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền
lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới
đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh
tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy." Rồi Người cấm ngặt
các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Đấng Kitô.
Từ
lúc đó, Chúa Giêsu Kitô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi
Jerusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây
ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại. Ông Phêrô liền kéo riêng Người
ra và bắt đầu trách Người: "Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải
chuyện ấy!" Điều trên xảy ra cho Phêrô, chúng ta có thể hiệu được theo
tính loài người: vì tuy Phêrô đã biết căn tính của Chúa là Đấng Thiên Sai phải
đến, nhưng cũng như bao người Do-thái đương thời, ông nghĩ Chúa sẽ dùng uy quyền
Thiên Chúa để thống trị các dân tộc. Vì thế, một Thiên Chúa phải cứu độ qua con
đường đau khổ của Thập Giá là chuyện ông không thể tưởng tượng có thể xảy ra.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Trung thành với giao ước là điều kiện tiên quyết để được Thiên Chúa bảo vệ.
-
Người khác có thể dạy cho chúng ta biết về Chúa, nhưng để nhận ra Chúa Giêsu là
ai và tin vào Ngài đòi hỏi mối liên hệ của chúng ta với Chúa và phải được trợ
giúp của Chúa Cha hay Thánh Thần.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.
Mt 16,13-19
* Đặt trong sơ đồ chung của Mt :
Phân đoạn trước (13,53—16,12) là hành trình đức
tin của nhóm người đi theo Chúa Giêsu làm thành một “Giáo Hội phôi thai”. Trong
phân đoạn này (16,13—17,27 – Từ hôm nay đến Thứ Hai tuần 19), Thánh Matthêu cho
ta thấy mức độ đức tin mà nhóm người này – qua đại biểu là Phêrô - đạt được :
vừa nhận biết Chúa Giêsu là “Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống” nhưng đồng thời
vẫn chưa hiểu rõ kiểu “Kitô” mà Chúa Giêsu muốn là như thế nào, do đó Phêrô đã
lên tiếng cản ngăn khi Chúa Giêsu báo tin Ngài sẽ chịu nạn chịu chết. Vì vậy,
Chúa Giêsu một lần nữa nhắc lại sự cần thiết phải từ bỏ.
A. Hạt giống...
Đoạn này cho thấy 3 mức độ hiểu biết về Chúa
Giêsu :
1. Mức độ của dân chúng : nếu chỉ thấy những việc
Chúa Giêsu làm và nghe những lời Ngài dạy mà không suy nghĩ thêm thì người ta
chỉ biết Ngài là một ngôn sứ thôi.
2. Mức độ của Phêrô : được ơn Chúa soi sáng,
Phêrô hiểu Chúa Giêsu là Đức Kitô Con Thiên Chúa. Nhưng nếu ơn soi sáng của
Thiên Chúa không có sự hợp tác là sự “đi theo” của con người thì dù có hiểu
biết Chúa Giêsu, con người vẫn có thể phản đối và cản bước Thiên Chúa.
3. Mức độ Chúa Giêsu đòi hỏi nơi người môn đệ :
hiểu biết Chúa Giêsu cộng thêm sự từ bỏ và vác thập giá đi theo Ngài.
B.... nẩy mầm.
1. Tôi hiểu biết Chúa Giêsu tới mức độ nào :
- Coi Ngài là một ngôn sứ. Do đó tôi chỉ liên hệ
với Ngài để xin ơn ?
- Coi Ngài là Đức Kitô Con Thiên Chúa, là lẽ sống
đời tôi, nhưng lại sợ khó, ngại khổ ?
- Sẵn sàng bỏ tất cả và vác thập giá đi theo Ngài
?
2. “Con là đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh
của Thầy” : cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng và cho Giáo Hội.
3. Chúng ta có nhiều cách để khước từ thập giá :
khi không tiếp nhận cuộc sống như một ơn ban, khi chỉ bị quay nhìn về các biến
cố và con người, khi bán đứng lương tâm vì chút lợi lộc vật chất, khi đóng kín
niềm tin trong các buổi phụng vụ mà quên rằng sống đạo là sống niềm tin kitô
trong từng phút giây cuộc sống. ("Mỗi ngày một tin vui")
4. Ngày kia, hoàng đế của một vương quốc lớn đã
mời gọi các nghệ sĩ từ nhiều nước đến dự cuộc thi “mô tả chân dung hoàng đế”.
Các nghệ sĩ Ấn Độ đến với đầy đủ dụng cụ và các thứ đá hoa kim cương quí nhất.
Các nghệ sĩ Ai cập thì mang đến đủ thứ đồ nghề và một khối cẩm thạch hảo hạng.
Sau cùng người ta rất nhạc nhiên khi thấy phái đoàn Hy Lạp chỉ mang vỏn vẹn một
gói thuốc đánh bóng.
Mỗi phái đoàn dự thi trong một căn phòng đặc biệt
của cung điện. Khi thời gian đã hết, Đức vua cho trưng bày các tác phẩm tranh
giải. Ông hết sức khen các bức chân dung của chính mình do các nghệ sĩ Ấn Độ và
Ai cập tạc nên. Sau cùng đến phòng trưng bày của người Hy Lạp, hoàng đế chỉ
thấy duy nhất một bức tường đã được đánh bóng đến độ khi hoàng đế nhìn vào ông
thấy khuôn mặt của mình hiện ra từng nét. Và phái đoàn Hy Lạp đã đoạt giải nhất
trong cuộc thi đó.
Sứ mệnh căn bản của mỗi kitô hữu là hoạ lại dung
nhan của Đức Kitô nơi cuộc sống và tâm hồn của mình. Để đạt được điều đó, chúng
ta phải đục đẽo, phải loại bỏ tất cả những gì là gồ ghề, thô nháp, những thói
hư tật xấu và phải cầu xin để có một đức tin vững mạnh.
Lạy Chúa, xin cho con biết kiên nhẫn đục đẽo tâm
hồn và cuộc sống con để dung nhan Ngài giãi sáng qua mọi hành vi của đời sống
con. (Hosanna)
5. Ông Simon Phêrô thưa : “Thầy là Đấng Kitô Con
Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16)
Hằng ngày tôi phải đối mặt với biết bao vấn đề,
biết bao chuyện mà Thiên Chúa đòi tôi phải làm chứng cho Ngài. Trước bao vấn đề
cần sự can thiệp của tôi : kỷ luật trong lớp học, dàn hoà một cuộc cãi nhau hay
một xích mích, giúp đỡ kẻ nghèo... Tôi chỉ biết suy nghĩ cách giải quyết này
đến cách giải quyết khác. Tất cả chỉ là những lý tưởng. vì chúng chỉ lẩn quẩn
trong đầu tôi mà không thể đi tới hành động.
Ông Phêrô đã tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng
Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống, nhưng khi chối Chúa 3 lần, ông đã không dám dấn
thân đến cùng cho niềm tin. Và đức tin không có việc làm là đức tin chết !
Lạy Chúa, xin ban Thần Khí của Người, để con mạnh
dạn tuyên xưng Chúa bằng chính hành động của con. (Hosanna)
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp. Cần Thơ
07/08/14 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 18 TN
Th. Xít-tô II, giáo hoàng và các bạn tử đạo
Mt 16,13-23
Th. Xít-tô II, giáo hoàng và các bạn tử đạo
Mt 16,13-23
Suy niệm: Thành Xê-da-rê Phi-líp-phê ở thượng nguồn sông
Gio-đan, dưới chân núi Khe-môn, cách hồ Ga-li-lê 50 cây số. Đây là miền đất
ngoại giáo, thờ nhiều vị thần, kể cả hoàng đế Rô-ma; ngày nay vẫn còn dấu tích
đền thờ các vị thần, nói nôm na, nơi đây là “siêu thị tôn giáo.” Chính trong
bối cảnh này, Đức Giêsu làm một cuộc “thăm dò dư luận” với các môn đệ: “Người
ta nói Con Người là ai?” - “Còn anh em, anh embảo Thầy là ai?” Cuộc thăm dò đi từ việc tường thuật
lời “người ta nói” sang việc khẳng định chính kiến “còn
anh em, anh em bảo”. Câu trả lời của các môn đệ không còn chung chung nữa, nhưng
phải là một sự xác định mang tính cá vị trong tương quan với Đức Giêsu và mặc
khải của Chúa Cha (c. 17), nghĩa là tin vào Thiên
Chúa duy nhất và
vào Đấng
Cứu Thế duy nhất là
Đức Giêsu, Con Thiên Chúa.
Mời Bạn: “Còn
anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Trả lời câu hỏi của Thầy Giêsu ở nhà thờ hay
trong giờ học giáo lý thì thật dễ dàng, nhưng không dễ trong cuộc sống, phải
không bạn? Nhất là khi quanh bạn đang có nhiều thứ “thần” khác mà lắm khi được
cho là quan trọng hơn cả Chúa: tiền bạc, danh vọng, những đam mê bất chính, sự
ích kỷ… Ngày hôm nay Chúa Giê-su cũng hỏi bạn câu hỏi quan trọng đó, bạn sẽ trả
lời Ngài thế nào?
Sống Lời Chúa: Chậm
rãi lặp đi lặp lại lời tuyên xưng: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên
Chúa hằng sống”.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con tuyên xưng Chúa là Đức Ki-tô, Con Thiên
Chúa hằng sống. Xin giúp chúng con sống niềm tin này. Amen.
Anh là tảng đá
Cám dỗ tránh con đường hẹp của khổ đau, nhục nhã,
thất bại, khó nghèo... cũng là cám dỗ muôn thuở của Giáo hội mọi thời.
Suy niệm:
Chúng ta đã quen cầu nguyện
cho Đức giáo hoàng với bài hát:
“Này con là đá, trên viên đá
này Ta xây Giáo hội…”
Theo Tin Mừng Gioan, ngay từ
lần đầu gặp gỡ (Ga 1, 42),
Đức Giêsu đã đặt cho anh
Simon một tên mới: Kêpha, nghĩa là Đá.
Trong bài Tin Mừng bằng
tiếng Hy Lạp, Đức Giêsu nói với Simon:
“Anh là Petros (Phêrô), và trên
petra (đá) này, Thầy sẽ xây Giáo Hội Thầy.”
Rất có thể Ngài đã nói với
Simon bằng tiếng Do Thái thời của Ngài như sau:
“Anh là Kêpha, và trên kêpha
này Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy.”
Người Do Thái hầu như không
có thói quen đặt tên con là Đá, Kêpha.
Khi đặt cho Simon cái tên
lạ, Đức Giêsu đã muốn trao sứ mạng cho anh.
Anh sẽ là nền cho ngôi nhà
mới của Thầy, do tay Thầy xây dựng (c. 18).
Ngôi nhà ấy chính là Giáo
hội, là cộng đoàn giao ước mới do Thầy lập nên.
Chúng ta rất ngạc nhiên vì
Đức Giêsu muốn đặt nền trên Kêpha (Phêrô),
một con người bình thường,
một ngư phủ ít học.
Làm sao Giáo hội có thể xây
nền trên một con người yếu đuối như thế?
Kêpha vững như bàn thạch
không nhờ sức riêng, nhưng nhờ ơn Chúa.
Quyền lực của Tử thần, của
Ác thần không thắng được cộng đoàn này.
Bất chấp những tấn công
trong ngoài từ hai mươi thế kỷ qua,
Giáo hội vẫn đứng vững trên
nền đá Phêrô, anh ngư phủ vùng Galilê,
đơn giản vì Chúa phục sinh
vẫn luôn ở với Giáo hội (Mt 28, 20),
và vẫn tiếp tục xây dựng
Giáo hội của Ngài trong sự thăng trầm của lịch sử.
Nhưng Phêrô cũng có những
yếu đuối của mình.
Khi Thầy Giêsu loan báo về
con đường khổ nạn và cái chết sắp đến,
Phêrô không thể chấp nhận
được con đường hẹp này.
Dù đã được Cha mặc khải để
biết Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa,
nhưng Phêrô lại chưa thể
hình dung được một đấng Kitô thất bại ê chề.
“Xin Thiên Chúa thương đừng
để Thầy gặp phải chuyện ấy” (c. 22).
Nếu Thầy là Con Thiên Chúa,
thì Cha chẳng để Thầy phải chịu như vậy.
Trong phút chốc, từ Đá Tảng
vững chắc (kêpha, petra)
Phêrô trở thành viên đá làm
cho Thầy vấp phạm (scandalon),
trở thành cơn cám dỗ lớn cho
Thầy đến từ Satan (c. 23).
Đức Giêsu đã phản ứng mạnh
mẽ đối với anh môn đệ mà Ngài tin tưởng.
“Lui đi sau Thầy!”: Ngài nói
giống như lần bị cám dỗ bởi Satan (Mt 4, 10).
Ngài muốn Phêrô trở lại vị
trí đi sau của người môn đệ.
Cần có thời gian Phêrô mới
hiểu được con đường Thầy đã đi.
và tự nguyện đón lấy cái
chết thập giá mà chính Thầy đã chịu.
Cám dỗ tránh con đường hẹp
của khổ đau, nhục nhã, thất bại, khó nghèo
là cám dỗ muôn thuở mà Thầy
Giêsu và anh Phêrô đã trải qua,
cũng là cám dỗ muôn thuở của
Giáo hội mọi thời.
Làm thế nào để chúng ta nghĩ
như Thiên Chúa, chứ không như thế gian,
chọn sự ngu dại của Thập Giá
hơn là sự khôn ngoan người đời (x. 1 Cr 1, 25)?
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
Xin nhìn đến Hội Thánh của
Chúa trên khắp hoàn cầu,
Hội Thánh Chúa đã lập bằng
rất nhiều tình yêu.
Xin nhìn đến những nơi thiếu
nhà thờ, cần chủ chăn,
những đồng lúa chín vàng chờ
người gặt.
Xin nhìn đến những thánh
đường vắng bóng giáo dân,
những chủng viện và tập viện
phải đóng cửa vì thiếu ơn gọi.
Xin thương những kitô hữu
đang bị bách hại ở nhiều nơi,
và bao người trẻ
mất đức tin, mất niềm hy vọng vào Chúa.
Lạy Chúa Giêsu,
Hội Thánh sau hai ngàn năm
đã lớn mạnh hơn nhiều,
nhưng vẫn bị đe dọa bởi bao
sóng gió bên ngoài và bên trong.
Xin cho Hội Thánh biết không
ngừng canh tân nhờ Thánh Thần,
để có thể đồng hành và đối
thoại với con người hôm nay.
Xin cho các kitô hữu sống
thánh thiện như Cha trên trời.
để những khiếm khuyết của
chúng con khỏi làm cớ cho nhiều người bỏ Chúa.
Cuối cùng, xin Chúa cho Hội
Thánh chúng con những vị thánh mới,
tươi tắn, khiêm hạ và nhân
từ như Chúa,
để cuộc sống ngát hương của
họ khiến Hội Thánh đáng tin hơn,
và chinh phục được những tâm
hồn chưa biết Chúa.
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Suy niệm
TÔI VÀ PHÊRÔ
Tôi nhận thấy rằng tôi cũng có những điểm giống như Phêrô trong bài Tin
mừng hôm nay. Và Chúa
Giêsu cũng hỏi tôi như Ngài hỏi các môn đệ: “Anh em nói Thầy là ai?”.
Chúa Giêsu là ai? Chúa Giêsu quan trọng như thế nào với bản thân tôi? Ngài là
tất cả trong cuộc đời của tôi không? Câu hỏi này có một ý nghĩa rất lớn trong
cuộc đời của tôi. Nó quyết định cho những chọn lựa trong cuộc sống của tôi.
Cũng như
Phêrô, tôi được biết Ngài, tôi tin Ngài, tôi đã bước theo Ngài, và tôi đã tuyên
xưng Ngài.
Cũng như
Phêrô, khi nghe nói tới vất vả, đau khổ, hy sinh và chết chóc. Tôi cũng nhiều
lần tìm cách tháo lui hay trốn tránh.
Tôi nhận
ra một điều đó là từ lời nói đến việc làm thật khó biết bao. Từ lời tuyên xưng
đến những hành động cụ thể trong cuộc sống không hề dễ dàng.
Mong sao
tôi có thể làm nhiều hơn những gì mình nói và mong sao tôi có thể sống tốt những
điều tôi đã tuyên xưng.
Lạy Chúa,
xin cho con biết rằng những gì con đang có là do Chúa ban. Xin cho con ơn Chúa
để con vượt thắng những yếu đuối của bản thân và để con sẵn sàng dấn thân bước
theo Chúa trong cuộc sống mỗi ngày. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét