08/11/2015
Chúa Nhật
32 Quanh Năm Năm B
(phần I)
Bài Ðọc I: 1 V 17, 10-16
"Bà goá lấy bột làm một cái bánh nhỏ, rồi mang đên cho ông
Êlia".
Trích
sách Các Vua quyển thứ nhất.
Trong
những ngày ấy, tiên tri Êlia chỗi dậy lên đường đi Sarephta. Khi ông đến trước
cửa thành, ông thấy một quả phụ đang lượm củi; ông gọi bà và nói với bà rằng:
"Xin đem cho tôi một ít nước trong bình để tôi uống". Ðương lúc bà đi
lấy nước, ông gọi lại mà nói: "Xin cũng mang cho tôi một miếng bánh".
Bà
thưa: "Có Chúa là Thiên Chúa hằng sống chứng giám: Tôi không có sẵn bánh,
tôi chỉ còn một nắm bột trong hũ với một ít dầu trong bình. Này đây tôi lượm
vài que củi về nấu cho tôi và con trai tôi ăn, rồi chết thôi".
Êlia
trả lời bà rằng: "Bà đừng lo, cứ đi và làm như bà đã nói. Nhưng, với chút
bột ấy trước hết hãy làm cho tôi một cái bánh nhỏ, đem ra đây cho tôi, sau đó
hãy làm cho bà và con trai bà. Vì Chúa là Thiên Chúa Israel truyền rằng: 'Hũ bột
sẽ không cạn và bình dầu sẽ không vơi đi cho đến ngày Chúa cho mưa xuống trên mặt
đất'".
Bà
đi làm theo lời ông Êlia; chính ông và bà cùng cả nhà đều đủ ăn; từ ngày đó hũ
bột không cạn và bình dầu không vơi như lời Chúa đã dùng Êlia mà phán.
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 145, 7. 8-9a. 9bc-10
Ðáp: Linh hồn tôi ơi,
hãy ngợi khen Chúa! (c. 1).
Xướng:
1) Thiên Chúa trả lại quyền lợi cho người bị áp bức, và ban cho những kẻ đói được
cơm ăn. Thiên Chúa cứu gỡ những người tù tội. - Ðáp.
2)
Thiên Chúa mở mắt những kẻ đui mù, Thiên Chúa giải thoát những kẻ bị khòm lưng
khuất phục, Thiên Chúa yêu quý các bậc hiền nhân, Thiên Chúa che chở những
khách kiều cư. - Ðáp.
3)
Thiên Chúa nâng đỡ những người mồ côi quả phụ, và làm rối loạn đường nẻo đứa ác
nhân. Thiên Chúa sẽ làm vua tới muôn đời, Sion hỡi, Ðức Thiên Chúa của người sẽ
làm vua tự đời này sang đời khác. - Ðáp.
Bài Ðọc II: Dt 9, 24-28
"Ðức Kitô chỉ tế lễ chính mình một lần để huỷ diệt nhiều tội
lỗi".
Trích
thư gửi tín hữu Do-thái.
Ðức
Giêsu không tiến vào cung thánh do tay người phàm làm ra chỉ là hình bóng cung
thánh thật, nhưng Người vào chính thiên đàng, để từ đây xuất hiện trước tôn
nhan Thiên Chúa vì chúng ta. Người không còn hiến dâng chính mình nhiều lần,
như vị thượng tế vào cung thánh mỗi năm một lần với máu không phải của mình. Chẳng
vậy, từ tạo thiên lập địa, Người đã phải chết nhiều lần; nhưng từ nay cho đến tận
thế, Người chỉ xuất hiện một lần tế lễ chính mình để huỷ diệt tội lỗi. Như đã
quy định, người ta chỉ chết một lần thế nào, sau đó là phán xét, thì Ðức Kitô
cũng hiến tế một lần như vậy, để xoá tội lỗi của nhiều người. Người sẽ xuất hiện
lần thứ hai, không phải để chuộc tội, nhưng để cứu độ những ai trông đợi Người.
Ðó
là lời Chúa.
Alleluia: Mt 24, 42a và 44
Alleluia,
alleluia! - Các con hãy tỉnh thức và sẵn sàng: vì lúc các con không ngờ, Con
Người sẽ đến. - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 12, 41-44 {hoặc 38-44}
"Bà goá nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi
ấy, {Chúa Giêsu phán cùng dân chúng trong khi giảng dạy rằng:
"Các ngươi hãy coi chừng bọn luật sĩ. Họ thích đi lại trong bộ áo thụng,
ưa được bái chào ngoài công trường, chiếm những ghế nhất trong hội đường và
trong đám tiệc. Họ giả bộ đọc những kinh dài để nuốt hết tài sản của các bà
goá: Họ sẽ bị kết án nghiêm ngặt hơn".}
Chúa
Giêsu ngồi đối diện với hòm tiền, quan sát dân chúng bỏ tiền vào hòm, và có lắm
người giàu bỏ nhiều tiền. Chợt có một bà goá nghèo đến bỏ hai đồng tiền là một
phần tư xu. Người liền gọi các môn đệ và bảo: "Thầy nói thật với các con:
Trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bà goá nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết. Vì
tất cả những người kia bỏ của mình dư thừa, còn bà này đang túng thiếu, đã bỏ tất
cả những gì mình có để nuôi sống mình".
Ðó
là lời Chúa.
Suy Niệm: Câu Chuyện Về Người Góa Phụ
Nhiều khi chúng ta muốn giữ đạo một cách thoải mái. Nhưng Lời
Chúa hôm nay cảnh giác chúng ta về quan niệm này. Tiên tri Êlia ngày trước đã
giữ đạo rất vất vả. Ðức Yêsu trong bài Tin Mừng cũng bảo chúng ta đừng bắt chước
các ký lục Dothái, nhưng hãy xem gương người góa phụ dám dâng cúng cả đồng
trinh cuối cùng. Và tác giả Hipri cho chúng ta thấy Ðức Yêsu đã trở thành Thượng
tế một cách khổ đau như thế nào. Chúng ta cần suy niệm các bài Kinh Thánh hôm
nay để đón nhận ơn cứu độ của Chúa muốn đến với chúng ta hằng ngày trong đời sống.
1. Câu Chuyện Về Êlia
Chúng ta đã nói nhiều về Êlia. Ông là tiên tri của Chúa, sống ở
thời đất nước Dothái phân đôi. Ông được lệnh nói tiên tri ở miền Bắc, tạm gọi
là Israel. Các vua ở đây đi xa đường lối của Thiên Chúa mau lẹ hơn các vua ở
Yuđa. Ðặc biệt, vua Omri, nước Israel đã cưới Izabel, công chúa nước Tyr, cho
Akhab hoàng tử kế vị ông. Bà này đưa tà giáo vào cung điện, quảng cáo cho thần
Baal, một thần được coi như nắm giữ mưa nắng ở trên trời và do đó cả mùa màng
dưới mặt đất. Êlia chống đối hoạt động của bà. Có lần ông thách thức phe tà
giáo ở núi Camêlô. Câu chuyện thời danh ấy ai ai cũng biết (I Các Vua
18,20-40). Nhưng rồi Izabel đã trả thù, bắn tin sai người bắt Êlia... Nhà tiên
tri phải đi ẩn ở trên núi Horeb. Nhưng được thần lương bổ sức, ông lại tiếp tục.
Cuộc đời của ông là cuộc đời chiến đấu với tà giáo để bảo vệ độc thần. Và các
câu chuyện kể về ông đều ít nhiều nói lên sự phấn đấu này.
Trong đoạn trích sách Các Vua hôm nay cũng vậy. Có rất nhiều yếu
tố chiến đấu mà không ý tứ người ta sẽ không dễ nhận ra. Tác giả kể có một góa
phụ ở Serepta hôm ấy đi kiếm củi. Êlia thấy bà ta đội một cái bình trên đầu thì
tưởng bà ta đi múc nước. Nhưng không, đó là một cái vò đựng một chút bột còn
sót lại. Bà ta đi kiếm củi để về nướng chút bột đó lên nuôi sống mình và đứa
con đang ở nhà.
Ðó là hình thức văn chương tác giả dùng để nói lên thời kỳ hạn
hán và đói kém ở trong dân. Không phải vì Baal không làm mưa cho mùa màng tốt
tươi nhưng vì Êlia đã tuyên sấm với Akhab rằng: "Yavê hằng sống! Thiên
Chúa của Israel, Ðấng tôi chầu hầu, những năm tới đây sẽ không có sương, cũng
không có mưa, trừ phi là thừa lệnh của tôi" (17,1). Tiếp theo đó, tác giả
đã mô tả cảnh hạn hán để làm chứng hiệu lực của lời sấm, tức là uy quyền của
Yavê và tiên tri của Người. Hơn nữa sự kiện lại xảy ra ở Serepta thuộc dân ngoại.
Và điều này làm chứng Yavê cai trị toàn thế giới chứ không riêng gì ở đất
Israel. Người thống trị cả những nơi mà người ta bảo là giang sơn của Baal hay
của thần nào khác vì tất cả chỉ là ngẫu tượng và duy một mình Yavê là Chúa.
Tác giả lại chọn câu chuyện một góa phụ. Phải chăng ông không có
ý chống đối và mỉa mai bà Izabel? Góa phụ kia dễ thương biết bao và bà sẽ được
phúc. Còn Izabel? Tác giả để cho độc giả từ đó mà suy.
Ông cho ta thấy Êlia phải xin nước, rồi xin bánh của một góa phụ.
Ngày xưa các góa phụ là hình ảnh của những thành phần lam lũ, khổ sở, túng cực
trong dân. Thế mà Êlia phải đến xin nước và bánh của một người như thế. Ðời ông
không khổ cực và bị dồn vào túng cực sao? Ðiều này muốn nói lên thân phận Người
Tôi Tớ Chúa. Họ bị "rạc gáo". Ðời họ còn hơn phong sương vì họ còn bị
tầm nã, bắt bớ và giết đi. Dù sao bề ngoài họ cũng chỉ như những chiếc bình
sành, tuy bên trong họ mang những kho tàng quý giá. Chính câu chuyện Êlia làm
chứng. Ông đang đói khát cho bản thân mình. Nhưng Lời Chúa ông đang mang trong
mình có thể làm cho bình bột không hết và bình dầu không cạn. Những ơn này dành
để cho người khác. Và ở đây, cho người góa phụ thành Serepta.
Bà được ơn như vậy, mặc dầu bà là dân ngoại và đang sống trên đất
của lương dân. Ðiều này làm chứng ơn Chúa không kỳ thị ai. Nhưng mọi kẻ có điều
kiện đều có khả năng nhận được. Người là Thiên Chúa của mọi người và muốn thi
ân cho hết thảy những ai biết đón nhận.
Người góa phụ thành Serepta không những tỏ ra rất nhân đạo,
nhưng nhất là còn tin ở lời vị tiên tri và tin vào Lời Chúa. Chính niềm tin ấy
khiến bà dám làm bánh cho nhà tiên tri ăn trước. Bà như quên và như bỏ mạng sống
của mẹ con bà vì tin vào lời nhà tiên tri. Và Chúa đã thưởng công lòng tin này,
khiến câu chuyện về bà hôm nay đáng được dùng để dẫn nhập vào bài Tin Mừng.
Nhưng chúng ta đừng vội đi qua mà không ghi kỹ lấy nhiều bài học thâm thúy của
đoạn sách Các Vua.
Không kể những tư tưởng về đạo độc thần và phổ quát, chúng ta
hãy nhớ gương Êlia và người góa phụ này. Cả hai đã giữ đạo và sống đạo không dễ
dàng. Êlia suốt đời phải chiến đấu; lắm lúc thật rã rời và nhục nhã. Người góa
phụ trông cũng tội nghiệp: chỉ còn một chút bột mà cũng phải hy sinh. Nhưng đó
là những con người thánh, dám vì lòng tin Chúa mà chịu đựng gian khổ thử thách.
Hậu thế không quên được những con người như vậy. Cũng như câu chuyện về người
góa phụ trong bài Tin Mừng hôm nay sẽ luôn luôn còn sống động.
2. Câu Chuyện Về Người Góa Phụ
Thoạt đầu chúng ta ít thấy có liên lạc giữa các đoạn Ðức Yêsu
nói về các ký lục và câu chuyện về bà góa. Thánh Marcô đặt cả hai việc xảy ra
trong Ðền thờ. Và có lẽ người đã dùng chữ bà góa trong câu nói về các ký lục:
"ngốn cả nhà cửa các bà góa" để chuyển sang câu chuyện bà góa nọ bỏ
hai trinh vào hòm tiền cúng. Tuy nhiên chúng ta cũng có thể nhìn ra một liên lạc
về ý tưởng. Phần đầu Ðức Yêsu sẽ công kích thái độ đạo đức giả dối của bọn ký lục;
và phần sau Người trỏ cho chúng ta thấy thái độ đạo đức đích thực nơi người góa
phụ, để dạy dỗ chúng ta.
Trước hết, Người tỏ ra không ưa lối sống đạo của các ký lục. Họ
khoe khoang, tham danh vọng, vì họ hay qua lại những nơi đông người, y phục
xúng xính cho người ta dãn ra dành lối cho họ và chào cả trong hội đường lẫn
nơi các bàn tiệc. Trong khi đó, Ðức Yêsu vẫn bảo người ta khi cầu nguyện phải
khiêm tốn và cúi đầu, đấm ngực ăn năn thống hối. Và khi đi dự tiệc hãy ngồi những
hàng ghế dưới. Có lần Người còn bảo môn đệ "chớ cho gọi mình là Thầy vì Thầy
của các ngươi chỉ có một, còn các ngươi hết thảy đều là anh em" (Mt 23,8).
Tệ hơn nữa, các ký lục còn làm nhiều bất công xã hội. Ðối với cả những phần tử
đáng thương nhất, vì khổ sở nhất và cần được nâng đỡ nhất. Ðó là các bà góa. Họ
có gì đâu? Của cải chồng họ để lại thuộc về trưởng nam. Có thể trước đó họ đã gửi
gắm ở đâu được một chút của nào đó. Hay tài sản riêng họ có trước khi về nhà chồng,
họ đã đem gửi nơi các ký lục mà họ tưởng sẽ là những người đạo đức nâng đỡ họ.
Ai ngờ bọn này lại lợi dụng và dã tâm ngốn cả nhà cửa của họ! Trong khi đó, bọn
ký lục còn làm bộ cầu nguyện lâu dài để mặc hình thức đạo đức. Nhưng Ðức Yêsu
lên án thứ đạo đức giả hình này. Và Người muốn cho các môn đồ thấy sự đạo đức
chân thật.
Cơ hội đến khi có nhiều người đến bỏ tiền vào hòm cúng. Lắm người
giàu có bỏ nhiều. Bà góa khó nghèo nọ cũng đến và bỏ vào hai trinh, tức là
không đáng kể gì. Nhưng Ðức Yêsu nói: bà đã bỏ nhiều hơn cả, vì mọi người lấy của
dư bỏ vào, còn bà lấy tất cả của độ thân mà dâng cúng.
Dĩ nhiên có thể có nhiều bài học ở đây. Người ta không xem mặt
mà bắt hình dong. Không phải vì bà góa nọ nghèo mà không đáng trọng bằng kẻ
giàu có; và không phải vì bà bỏ ít mà lòng đạo đức của bà thua kém ai. Cũng như
tác giả sách Các Vua đã lấy hình ảnh một góa phụ ở Serepta để đối chọi với con
người lộng quyền ở thời bấy giờ là Izabel, thì ở đây thánh Marcô cũng đặt người
góa phụ nghèo khó đối lập với bọn giàu có và các ký lục xúng xính trong y phục.
Thân góa phụ đã đáng thương rồi. Thế mà Marcô còn thêm tính từ nghèo khó. Cũng
như Êlia xưa đã đáng thương khi bị tầm nã, thế mà tác giả sách Các Vua còn bắt
ông phải ngửa tay ra xin nước uống và bánh ăn của một góa phụ. Ðó là những con
người nghèo của Chúa. Người mến họ vì họ dám phục vụ Người với hết cả linh hồn
và sức lực. Kìa bà góa nghèo nọ đang đến bỏ vào hòm tiền, tất cả của độ thân của
bà, tức là tất cả mạng sống của bà. Bà làm một cử chỉ mà Ðức Yêsu không thể
không nhìn thấy như muốn báo trước chính công việc Người sẽ làm, là thí mạng sống
mình cho chúng ta. Chúng ta hãy nghe tác giả thư Hipri bàn về vấn đề này.
3. Câu Truyện Về Ðức Kitô
Hôm nay tác giả nhắc cho chúng ta nhớ, Ðức Kitô cũng đã tiến vào
thánh điện. Không phải thánh điện nhân tạo, do tay loài người dựng nên. Nói rõ
hơn, không phải thánh điện trong đền thờ Yêrusalem ngày trước. Bởi vì ở đây
không phải là nơi Thiên Chúa ngự thật sự. Yêrusalem chỉ là hình bóng hay bản
sao của thánh điện trên trời. Ðây mới thật là thánh điện Ðức Kitô đã vào nhờ mầu
nhiệm vượt qua của Ngài. Thánh điện trên trời này chính là bản tính Thiên Chúa
và cung lòng của Người.
Như vậy, Ðức Yêsu vượt xa các ký lục và những người đến đền thờ
dâng tiền hôm nay, kể cả bà góa nọ. Ngay các vị Thượng tế trong đạo cũ cũng
thua kém hẳn Người. Vì họ cũng chỉ vào trong một thánh điện nhân tạo, cho dù
nơi ấy có được gọi là nơi Cực Thánh, và chỉ có vị Thượng tế mỗi năm được vào một
lần.
Ðức Kitô còn hơn hẳn họ vì Người vào thánh điện không phải là để
thi hành một lễ tế vô giá trị như họ. Lễ dâng của Người có giá trị vô song. Họ
thì chỉ dâng tế vật. Trường hợp vị Thượng tế thì dâng máu thay vật. Ðó là những
của lễ "ở ngoài họ", cho dù có được gọi là thế vật cho họ đi nữa.
Chính họ đã ý thức giá trị kém cỏi của những lễ dâng này, nên họ cứ phải dâng
đi dâng lại. Và hằng năm vị Thượng tế lại phải vào nơi cung thánh. Nhưng nhân
hoặc cộng các sự không hoàn toàn vần chỉ đem lại một cộng số hay tổng số không
hoàn toàn.
Trong khi đó, lễ dâng của Ðức Kitô là chính Máu của Người, sự sống
của Người. Và máu này, sự sống này lại tinh sạch tội lỗi, lại thánh thiện công
chính hoàn toàn. Ðó là hy lễ dứt khoát, vẹn tuyền, tẩy xóa tội lỗi. Thế nên
không thể lập đi lập lại, và chỉ cần thực hiện một lần vào chính lúc sung mãn của
thời gian. Thành ra cũng một sự chết mà ở nơi mọi người chỉ mở sang sự phán
xét, còn nơi Ðức Kitô lại đem đến ơn tha thứ cho mọi người.
Chúng ta hãy sung sướng cảm tạ lễ Vượt qua của Ðức Kitô. Nó mưu
phần rỗi cho chúng ta. Chúng ta hãy thành tâm cử hành mầu nhiệm Vượt qua ấy
trong thánh lễ này. Không phải chỉ để chiêm ngưỡng một hy tế của Ðức Kitô;
nhưng còn để tham dự vào hành vi tiến lên thánh điện của Người. Êlia và bà góa
phụ ở Serepta đã muốn tham dự vào lễ tế này khi Êlia chấp nhận cuộc đời phấn đấu
và bà góa kia bằng lòng làm theo lời Thiên Chúa. Người đàn bà góa khó nghèo
trong bài Tin Mừng quả thật cũng đã báo trước việc Ðức Kitô thí mạng sống mình
để xóa tội trần gian. Tất cả những con người ấy đều có lòng đạo đức chân thật,
khác hẳn những người ký lục mà Marcô nói tới hôm nay. Chúng ta sẽ giống hạng
người nào? Chỉ có đời sống xả kỷ mới là tiêu chuẩn để giúp trả lời. Chúng ta cầu
xin và quyết tâm bắt chước các gương tốt lành đã xem trong các bài Kinh Thánh
hôm nay, và đặc biệt gương của Ðức Kitô sắp được tái hiện trên bàn thờ.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Chủ
Nhật 32 Thường Niên,
Năm B
Bài
đọc: I
Kgs 17:10-16; Heb 9:24-28; Mk 12:38-44.
GIỚI
THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải
hy sinh tất cả cuộc đời để cho đi.
Nhiều
người ngày nay sợ hy sinh vì nó ảnh hưởng đến thể xác, ý muốn, và thời gian hưởng
thụ của họ; nhưng nếu mọi người đều sợ và sống ích kỷ, làm sao thế giới này có
thể tồn tại chứ đừng nói tới việc thăng tiến cá nhân và xã hội. Tình yêu thực sự
đòi phải hy sinh tất cả những gì mình có, chứ không phải chỉ cho đi những của
dư thừa mà thôi. Người đời có thể đánh giá tình yêu bằng những vật chất bên
ngoài; nhưng Thiên Chúa đánh giá theo tâm lòng bên trong: niềm tin và tình yêu
con người dành cho Thiên Chúa và tha nhân. Sự hy sinh cao cả nhất một người có
thể làm được là hy sinh chính mạng sống của mình.
Các
Bài Đọc hôm nay nêu bật những hy sinh anh hùng của các tâm hồn cao quí, cho dù
có phải hy sinh mạng sống mình. Trong Bài Đọc I, sự hy sinh của bà góa thành
Zareptha: Bà can đảm hy sinh nắm bột và chút dầu còn lại sau cùng để làm bánh
cho tiên tri Elijah và hai mẹ con; dẫu Bà biết ăn xong là hai mẹ con sẽ chết vì
đói. Hậu quả của niềm tin vào lời ngôn sứ, hai mẹ con có bánh ăn muôn đời.
Trong Bài Đọc II, nhờ sự hy sinh vô cùng cao quí của Đức Kitô đã hy sinh đổ máu
trên Thánh Giá một lần, con người được thanh tẩy khỏi mọi tội lỗi và được sống
muôn đời. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy các môn đệ hãy có cặp mắt thần để biết
đánh giá đúng các hành động của con người. Người thế gian dễ bị đánh lừa bằng
các hành động phô trương bên ngoài; nhưng người môn đệ Chúa phải biết nhìn sâu
và đánh giá tâm hồn bên trong, dù hành động bên ngoài của con người xem ra rất
tầm thường.
KHAI
TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I:
Bác ái đòi hy sinh cho dù phải đương đầu với cái chết.
1.1/
Sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa cho tiên tri Elijah: Để hiểu rõ ràng trình
thuật hôm nay, chúng ta cần đọc toàn chương 17 của Sách Các Vua I. Thiên Chúa để
hạn hán xảy ra, không mưa và cũng không sương rơi trong toàn vùng suốt ba năm,
vì vua quan và con cái Israel bỏ Thiên Chúa để chạy theo các thần ngoại và đường
lối riêng của mỗi người. Riêng tiên tri Elijah được Thiên Chúa truyền sống
trong một thung lũng có suối nước để uống và quạ nuôi ông ăn. Khi suối nước cạn,
Thiên Chúa truyền cho ông đến Zareptha để được nuối ăn bởi một bà góa ở đó.
Ông
liền đứng dậy đi Zareptha. Khi đến cổng thành, ông thấy có một bà goá đang lượm
củi. Ông gọi bà ấy và nói: "Bà làm ơn đem bình lấy cho tôi chút nước để
tôi uống." Bà ấy liền đi lấy nước. Ông gọi bà và nói: "Bà làm ơn lấy
cho tôi miếng bánh nữa!" Bà trả lời: "Có Đức Chúa, Thiên Chúa hằng sống
của ông tôi thề là tôi không có bánh. Tôi chỉ còn nắm bột trong hũ và chút dầu
trong vò. Tôi đang đi lượm vài thanh củi, rồi về nhà nấu nướng cho tôi và con
tôi. Chúng tôi sẽ ăn rồi chết."
1.2/
Niềm tin của bà góa vào lời của tiên tri Elijah: Không gì kinh khủng cho con
người bằng đói khát. Nhiều người Việt-nam chúng ta vẫn còn nhớ những kinh hoàng
của tháng ba đói năm Ất Dậu; bao nhiều người đã chết đói và số còn lại chưa ăn
xong bữa nay đã phải lo cho ngày mai. Ít người dám bố thí vì ai cũng phải lo
cho gia đình mình. Bà góa này bị đặt trong trường hợp rất khó xử, vì điều
tiên-tri xin ảnh hưởng đến sự sống còn của Bà và người con trai.
(1)
Phản ứng của tiên-tri Elijah: Tiên-tri biết rõ uy quyền của Thiên Chúa; nên cho
dù được Bà cho biết tình cảnh tang thương như thế, ông vẫn nói với bà: "Bà
đừng sợ, cứ về làm như bà vừa nói. Nhưng trước tiên, bà hãy lấy những thứ đó mà
làm cho tôi một chiếc bánh nhỏ, và đem ra cho tôi, rồi sau đó bà sẽ làm cho bà
và con bà. Vì Đức Chúa, Thiên Chúa của Israel phán thế này: "Hũ bột sẽ
không vơi, vò dầu sẽ chẳng cạn, cho đến ngày Đức Chúa đổ mưa xuống trên mặt đất."
(2)
Phản ứng của bà góa: Hành động của bà góa là một hành động anh hùng và biểu lộ
một niềm tin sâu xa, vì Bà không biết kế hoạch của Thiên Chúa như tiên-tri
Elijah. "Bà ấy đi và làm như ông Elijah nói;" cho dù biết hai mẹ con
có thể chết đói sau đó.
Thiên
Chúa thử thách và ân thưởng những người có lòng tin nơi Ngài và tỏ tình yêu mến
tha nhân: "Thế là bà ấy cùng với ông Elijah và con bà có đủ ăn lâu ngày.
Hũ bột đã không vơi, vò dầu đã chẳng cạn, đúng như lời Đức Chúa đã dùng ông
Elijah mà phán." Ngoài ra, Thiên Chúa còn cho người con trai của Bà đã chết
được sống lại nhờ sinh khí của tiên-tri Elijah.
2/
Bài đọc II:
Đức Kitô đã hy sinh đổ máu để chuộc tội cho con người.
2.1/
Hiến tế độc nhất vô nhị của Đức Kitô: Tác giả Thư Do-thái so sánh hiệu quả của
hy lễ của Chúa Giêsu trên đồi Calvary với hy lễ của các Thượng Tế làm mỗi năm
Nơi Cực Thánh trong Ngày Xá Giải, và nhận ra những khác biệt sau đây:
(1)
Nơi Cực Thánh khác nhau: "Quả thế, Đức Kitô đã chẳng vào một cung thánh do
tay người phàm làm ra, vì cung thánh ấy chỉ là hình bóng của cung thánh thật.
Nhưng Người đã vào chính cõi trời, để giờ đây ra đứng trước mặt Thiên Chúa chuyển
cầu cho chúng ta." Nơi Cực Thánh mà Chúa Giêsu vào không còn là Đền Thờ;
mà là chính Nước Trời, nơi cung điện của Thiên Chúa.
(2)
Hiến tế của Đức Kitô chỉ xảy ra một lần trên đồi Calgary; nhưng mang lại hiệu
quả suốt đời. Tác giả trình bày: "Người vào đó, không phải để dâng chính
mình làm của lễ nhiều lần, như vị thượng tế mỗi năm phải đem theo máu của loài
khác mà vào cung thánh. Chẳng vậy, Người đã phải chịu khổ hình nhiều lần, từ
khi thế giới được tạo thành. Nhưng nay, vào kỳ kết thúc thời gian, Người đã xuất
hiện chỉ một lần, để tiêu diệt tội lỗi bằng việc hiến tế chính mình." Máu của
các thú vật chỉ có khả năng hạn hẹp là tha các tội nhẹ và phải tái diễn nhiều lần;
nhưng Máu của Con Một Thiên Chúa có sức mạnh tha các tội, cho dù chỉ đổ ra một
lần mà thôi.
2.2/
Đức Kitô đã hy sinh chịu chết để mang lại ơn cứu độ cho muôn người: Khi làm bất
cứ việc gì, Đức Kitô cũng như con người đều cân nhắc những hiệu quả mang lại.
Chúng ta đã một lần bàn qua những hiệu quả xảy ra do việc hy sinh chính thân
mình của Đức Kitô: (1) Thánh ý Đức Chúa Cha được thể hiện: Ngài mong muốn cho
con người không phải chết; nhưng được sống hạnh phúc bên Ngài muôn đời. (2)
Chính Đức Kitô sẽ được Chúa Cha cho sống lại và làm Vua tất cả mọi người. (3)
Con người được tha thứ mọi tội lỗi và được giao hòa với Thiên Chúa. Họ sẽ không
phải chết muôn đời, nhưng sẽ đạt được đích điểm là hạnh phúc muôn đời bên Chúa
Ba Ngôi.
Vì
những hiệu quả này mà Đức Kitô sẵn sàng nhập thể, hy sinh trải qua cuộc Thương
Khó, Tử Nạn, và Phục Sinh; vì Ngài biết sẽ mang lại hiệu quả tốt đẹp cho Chúa
Cha, cho chính mình, và cho mọi người. Hơn nữa, Đức Kitô biết đau khổ chỉ tạm
thời; nhưng hiệu quả sẽ tồn tại muôn đời, như lời tác giả Thư Do-thái nói:
"Đức Kitô đã tự hiến tế chỉ một lần, để xoá bỏ tội lỗi muôn người. Người sẽ
xuất hiện lần thứ hai, nhưng lần này không phải để xoá bỏ tội lỗi, mà để cứu độ
những ai trông đợi Người."
Đây
phải là bài học cho con người noi theo: Nhiều người than phiền cứ hy sinh mãi rồi
mà chết à! Đức Kitô dạy chúng ta: nếu phải hy sinh cho đến chấp nhận cái chết để
mang lại lợi ích cho Thiên Chúa và tha nhân, chúng ta vẫn phải làm; vì chết
không hết, Ngài sẽ trao lại sự sống và ân thưởng những gì chúng ta đã hy sinh
cho tha nhân. Biết bao vị thánh đã đổ máu hay trọn đời hy sinh cho tha nhân, vì
họ đã thấu hiểu triết lý sống của Đức Kitô. Nếu một người sợ phải hy sinh chết
cho người khác, và sống theo tính ích kỷ của bản thân, anh vẫn không thoát khỏi
cái chết; và sẽ bị Thiên Chúa phán xét theo những gì anh đã không làm cho tha
nhân. Chúng ta chỉ có một đời để chứng tỏ niềm tin yêu vào Thiên Chúa và cho
tha nhân, hãy biết sống làm sao cho đẹp một đời.
3/
Phúc Âm:
Bà rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả những gì bà có để nuôi sống
mình.
3.1/
Đừng phán xét con người theo các hành động bên ngoài: Người Việt-nam chúng ta
có câu "chiếc áo không làm nên ông thầy tu," có nghĩa: để được gọi là
bậc chân tu, một người phải sống những điều của một tu sĩ; chứ không phải chỉ
khoác trên mình chiếc áo dòng mà thôi. Trong trình thuật hôm nay, Chúa Giêsu
cũng vạch trần những thói xấu của những người lợi dụng chiếc áo tôn giáo để kiếm
lợi nhuận cá nhân cho mình: "Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo
quanh xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi
công cộng. Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong
đám tiệc. Họ nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện
lâu giờ."
Những
người như thế có thể đánh lừa được những tâm hồn ngây thơ; nhưng không thể đánh
lừa được Thiên Chúa, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn trong tâm hồn. Họ sẽ bị Thiên
Chúa phán xét nghiệm nhặt vì đã lợi dụng tôn giáo cho các ý đồ xấu xa của họ.
3.2/
Hãy biết nhìn sâu vào tâm lòng bên trong của tha nhân: Chúa Giêsu không chỉ dạy
các môn đệ đừng xét đoán theo tiêu chuẩn của thế gian bên ngoài; nhưng Ngài còn
dạy cho họ biết cách nhìn sâu vào tâm hồn bên trong qua việc dân chúng đóng góp
tiền vào Đền Thờ.
(1)
Xét đoán theo cách thức bên ngoài của thế gian: Nhiều người sẽ trầm trồ khen ngợi
những người bỏ tiền nhiều vào thùng, và kết luận họ có lòng quảng đại với Thiên
Chúa; nhưng Chúa Giêsu dạy các môn đệ đừng dễ kết luận như thế, vì có thể đó chỉ
là những của dư thừa của người giầu.
(2)
Xét đoán theo tâm hồn bên trong của Thiên Chúa: Ngồi theo dõi, Chúa Giêsu thấy
cũng có một bà goá nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá khoảng một phần
tư đồng xu Rôma. Chúa Giêsu nói các môn đệ: "Thầy bảo thật anh em: bà goá
nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền
dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của
mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống
mình."
Thiên
Chúa không phán xét theo số lượng con người đóng góp, vì Ngài ban cho mỗi người
tài năng và số lượng khác nhau; nhưng Ngài phán xét theo sự cố gắng của con người.
Nhiều lần Chúa Giêsu nói: "Ai được ban tặng nhiều sẽ bị đòi lại nhiều;"
nghĩa là sẽ phải chịu phán xét nặng hơn.
ÁP
DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Tình yêu đòi hỏi phải hy sinh đến cùng, cho dù phải thiệt hại đến bản thân.
Chúng ta có thể làm điều này vì chúng ta tin chết không hết; nhưng Thiên Chúa sẽ
trao lại mạng sống và ân thưởng tất cả những gì chúng ta đã làm cho tha nhân.
-
Gương mẫu hy sinh chúng ta cần noi theo là Đức Kitô. Ngài đã hy sinh nhập thể,
rao giảng, chữa lành, và sẵn sàng chịu đóng đinh trên Thập Giá để chuộc tội cho
con người. Chúng ta hãy bắt chước Ngài trong mọi việc chúng ta làm trong cuộc đời
này.
-
Khi phải đánh giá con người, chúng ta đừng hời hợt đánh giá họ theo tiêu chuẩn
của người thế gian; nhưng phải biết nhìn sâu vào tâm hồn yêu thương bên trong,
thì mới nhận ra được những hy sinh cao quí của họ.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.
08/11/15 CHÚA NHẬT TUẦN
32 TN – B
Mc 12,38-44
Mc 12,38-44
Suy niệm: Chúa
Giê-su mạnh mẽ lên án lối sống hai mặt của các kinh sư và người Pha-ri-sêu: Họ
có vẻ rất đạo đức, giữ luật nghiêm chỉnh. Thế nhưng, “của người bồ tát, của
mình lạt buộc”: họ “bó những gánh nặng chất lên
vai người ta, còn chính mình lại không động ngón tay vào,” đã thế họ lại còn giả đạo đức: “làm bộ cầu nguyện lâu giờ mà nuốt hết tài sản
của các bà goá.” Làm
như thế họ không chỉ đóng kịch với người khác, nhưng còn muốn lường gạt chính
Chúa, Đấng thấu suốt mọi hành động cũng suy tính bên trong tâm can con người.
Cũng với cách đánh giá ấy, Đức Giê-su xác định rằng người đàn bà góa dâng cúng
hai đồng kẽm, trị giá bằng một phần tư đồng xu Rô-ma, lại là người dâng cúng
nhiều nhất vì bà đã dâng tất cả những gì bà
có để nuôi sống mình.”
Mời Bạn nhìn
vào hai hình tượng trái ngược: các kinh sư và Pha-ri-sêu lợi dụng việc thờ
phượng Chúa để mưu cầu ích lợi cá nhân, đang khi bà góa đến với Chúa cách quảng
đại, không so đo tính toán. Còn bạn thì sao? Động lực bạn sống đức tin, thờ
phượng Chúa có trong sáng không? Có phải bạn đọc kinh, dâng lễ, hy sinh, nhằm
đòi Chúa phải ban ơn này ơn kia cho bạn, chứ không phải phụng sự Chúa vì lòng
mến?
Sống Lời Chúa: Tôi
hăng hái tham gia các hoạt động tông đồ của giáo xứ, và góp phần cụ thể (tiền
bạc, công sức…) cho việc bác ái của cộng đoàn của mình.
Cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin giữ con để con phụng
sự Chúa. Con phụng sự Chúa trong suốt đời con. Dù khi mỏi mệt, dù khi chán
chường, xin giữ con luôn luôn phụng sự Ngài.”
BỎ VÀO TẤT CẢ
Ðiều quan trọng khiến tôi bận tâm đó là tôi có
dâng tất cả bản thân cho Chúa không, chẳng giữ lại gì cho mình, dù chỉ một xu
nhỏ.
Suy niệm:
Khó lòng nhận ra đồ giả
trong các món hàng.
Ta thường đánh giá một sản
phẩm dựa trên mẫu mã,
nên dễ bị đánh lừa về chất
lượng.
Thật ra đồ giả cũng có ở nơi
con người.
Làm cho mình trẻ hơn nhờ
trang điểm, tốt hơn nhờ ăn nói.
Làm cho mình có dáng trí
thức hơn, quý phái hơn
để chiếm được lòng tin, lòng
quý mến của người khác.
Có loại người giả hình dạy
một đàng, làm một nẻo,
bắt người khác làm những
điều mình chẳng bao giờ làm,
mạt sát người khác về những
tội mình không tránh khỏi.
Có loại người giả hình rất
tử tế với người ngoài,
còn sống với người trong nhà
thì không ai chịu nổi.
Nói chung mọi thứ giả hình
đều không thật.
Ðức Giêsu cảnh giác chúng ta
về thứ giả hình đạo đức:
“Anh em hãy coi chừng...”,
kẻo lại giống một số kinh sư.
Ðức Giêsu cố ý ngồi đối diện
với thùng tiền ở Ðền Thờ.
Ngài tò mò muốn xem đám đông
bỏ tiền ra sao.
Những người giàu bỏ nhiều
hơn cả.
Nhưng Ngài lại xúc động khi
thấy một bà goá nghèo
rón rén bỏ vào thùng hai
đồng xu nhỏ.
Ngài quả quyết trước mặt các
môn đệ:
“Bà goá này đã bỏ nhiều tiền
hơn người khác,
vì mọi người lấy từ cái dư
thừa mà bỏ vào,
còn bà, bà lấy từ cái túng
thiếu của mình
mà bỏ vào tất cả những gì bà
có, tất cả của nuôi thân”.
Các môn đệ ngỡ ngàng trước
cách đánh giá của Ðức Giêsu,
cách nhìn con người dựa trên
tấm lòng của họ.
Bà goá bỏ tiền ít hơn mọi
người,
nhưng dưới mắt Ðức Giêsu, bà
đã bỏ nhiều hơn cả,
vì bà đã bỏ tất cả.
Lối đánh giá của Ðức Giêsu
đòi ta xét lại lối đánh giá
của mình về người khác.
Có khi chúng ta ca ngợi một
người
chỉ vì người ấy đã có những
đóng góp lớn lao,
đã đem lại những kết quả cụ
thể, rõ ràng.
Có khi chúng ta chê một
người
vì người đó kém cỏi, thiếu
năng lực.
Tiếng khen chê của ta thường
dựa trên hiệu quả bề ngoài,
và ít đụng đến phần nội tâm
sâu thẳm.
Lối đánh giá của Ðức Giêsu
cũng đòi ta xét lại
lối đánh giá của mình về
chính mình.
Tôi xao xuyến khi bị chê, tự
mãn khi được khen.
Tôi quá trọng dư luận đến
nỗi trở nên nô lệ cho dư luận.
Thật ra tôi cần đánh giá
mình dựa trên cái nhìn của Chúa.
Chúa thấy tôi thế nào thì
tôi là thế ấy.
Ðiều quan trọng khiến tôi
bận tâm
đó là tôi có dâng tất cả bản
thân cho Chúa không,
chẳng giữ lại gì cho mình,
dù chỉ một xu nhỏ.
Cần rất nhiều liều lĩnh khi
bỏ nốt đồng xu cuối cùng
để thực sự trở nên người tín
thác trọn vẹn vào Chúa.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
khi đến với nhau,
chúng con thường mang những
mặt nạ.
Chúng con sợ người khác thấy
sự thật về mình.
Chúng con cố giữ uy tín cho
bộ mặt
dù đó chỉ là chiếc mặt nạ
giả dối.
Khi đến với Chúa,
chúng con cũng thường mang
mặt nạ.
Có những hành vi đạo đức bên
ngoài
để che giấu cái trống rỗng
bên trong.
Có những lời kinh đọc trên
môi,
nhưng không có chỗ trong tâm
hồn,
và ngược hẳn với cuộc sống
thực tế.
Lạy Chúa Giêsu,
chúng con cũng thường ngắm
mình trong gương,
tự ru ngủ và đánh lừa mình,
mãn nguyện với cái mặt nạ
vừa vặn.
Xin giúp chúng con cởi bỏ mọi thứ mặt nạ,
đã ăn sâu vào da thịt chúng
con,
để chúng con thôi đánh lừa
nhau,
đánh lừa Chúa và chính mình.
Ước gì chúng con xây dựng bầu khí chân thành,
để chúng con được lớn lên trong bình an.
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm
Hồn Lên
8
THÁNG MƯỜI MỘT
Giáo
Xứ, Một Môi Trường Ưu Tiên
Thế
giới ngày nay có xu hướng lãng xa Thiên Chúa. Thế giới chỉ muốn các dữ kiện thực
tế và không sẵn lòng để lắng nghe. Nhưng Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta mở rộng tấm
lòng mình ra: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là
anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35). Giáo xứ là môi trường ưu tiên để
trình bày chứng tá ấy. Chúng ta cần thể hiện lại trong thời đại hôm nay điều kỳ
diệu đã xảy ra trong các cộng đoàn Kitôhữu đầu tiên: điều kỳ diệu của một sự sống
mới, không chỉ về mặt thiêng liêng nhưng cả về mặt xã hội và lịch sử nữa.
“Để
tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng
ta” (Ga 17, 21). Công Đồng Vatican II chú giải rằng qua những lời ấy, Chúa
Giêsu đề nghị chúng ta “bắt chước sự kết hợp của Ba Ngôi thần linh để kết hợp
các con cái Thiên Chúa trong tình yêu và chân lý” (MV 24). Thiên Chúa Ba Ngôi
chính là kiểu mẫu của mọi mối tương quan con người và của đời sống chung giữa
con người với nhau!
Từ
mẫu thức tối thượng ấy, chúng ta có thể rút ra vô số hàm ý cho giáo xứ. Thực vậy,
ơn gọi cao cả của một cộng đoàn giáo xứ là phấn đấu để một cách nào đó trở
thành một minh họa về Thiên Chúa Ba Ngôi, “hòa hợp mọi sự khác biệt của con người”
(AA 10): người già và người trẻ, nam và nữ, trí thức và lao động, giàu và nghèo
…
-
suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm.
Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT
UP YOUR HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong
Gia Đình
NGÀY
08-11
Chúa
Nhật XXXII Thường Niên
1V
17, 10-16; Dt 9, 24-28; Mc 12, 38-44.
LỜI
SUY NIỆM: “Thầy bảo thật anh em: Bà góa nghèo này đã bỏ vào
thùng nhiều hơn ai hết. Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ
mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất
cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình.”
Trong
Cựu Ước, thời ông Êlia đã có bà góa nghèo xứ Xa-rép-ta giúp đỡ ông qua khỏi cơn
đói khát và Thiên Chúa đã ghi nhận tấm lòng của bà. Thiên Chúa đã ban cho bà:
“Hũ bột không vơi, vò dầu sẽ chẳng cạn”. (1V 17,14). Ngay hôm nay, và chính lúc
này Chúa Giêsu vẫn đang hiện diện với chúng ta, Người hằng quan tâm đến đời sống
của mỗi một người, và Người ban những ơn cần thiết để chúng ta sống xứng đáng với
phẩm giá của mình; và biết tôn trọng lẫn nhau. Người hằng ghi nhận sự chân
thành dâng cúng, đóng góp của từng người cho công cuộc truyền giáo và cho người
nghèo. Đặc biệt Người luôn đề cao giá trị sự chân thành của những người dám cho
đi cái mình đang cần, chứ không phải cho đi cái dư thừa của mình.
Lạy
Chúa Giêsu. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn được sống
trong tình yêu, được thấm nhuần tình yêu. Từ tình yêu đó, chúng con biết tôn
kính, mến yêu Chúa, và biết trao cho nhau những gì mình đã nhận lãnh với tất cả
tình yêu và vì Tình Yêu.
Mạnh
Phương
08
Tháng Mười Một
Tôi Là Người Hạnh Phúc
Nhất Trần Gian
Một
ông vua giàu có nọ không bao giờ cảm thấy thỏa mãn, bởi vì tất cả tài sản mà ông
có đều do sự miễn cưỡng đóng góp của thần dân. Ông tự so sánh mình với những
người hành khất: người hành khất nhận được tiền của do lòng thương của người
khác, còn ông, ông nhận được tiền do sự cưỡng bách.
Ngày
nọ, ông vua giàu có đã quyết định làm một việc táo bạo: đó là cải trang thành
người hành khất để cảm nghiệm được những đồng tiền bố thí... Thế là mỗi ngày
Chúa Nhật, ông biến mình thành một người ăn xin lê lết trước cửa giáo đường.
Ông cho tất cả những tiền ăn xin được vào một chiếc hộp nhỏ. Tuy không là bao
so với cả kho tàng của ông, nhưng có lẽ nó vẫn có giá trị hơn... Ông tự nghĩ:
bây giờ ta nới thực sự là người giàu có nhất trên đời, bởi vì tiền của ta nhận
được là do lòng thương xót của con người, chứ không do một sự cưỡng bách nào.
Khi
đã gom góp được một số tiền khá lớn sau những năm tháng ăn xin trước cửa các
giáo đường, ông đã xin từ chức khỏi ngai vàng và đi đến một phương xa, nơi
không ai có thể nhận ra ông. Ông mua một mảnh đất, và tự tay cất được một ngôi
nhà tranh đơn sơ. Không mấy chốc, do sự hòa nhã, vui tươi của ông, mọi người
trong lối xóm đều mến thương ông, nhất là các em bé. Ông kể chuyện cho chúng
nghe, ông đem chúng đi câu cá, ông dạy chúng ca hát.
Trong
đám trẻ nhỏ, có một cậu bé gia đình còn nghèo hơn cả ông nữa. Cậu bé chỉ có vỏn
vẹn một con chim họa mi. Nghe tin ông đau nặng, cậu bé đã vội vàng mang con
chim đến tặng ông, với hy vọng rằng con chim sẽ hót cho ông được khuây khỏa.
Ðón
nhận món quà, con người đã từng là vua của một nước mới thốt lên: "Từ trước
đến nay, tất cả những gì tôi có, tôi đều lãnh nhận do lòng thương xót của người
khác. Người ta cho tôi, nhưng không phải là cho tôi mà là cho một người hành khất.
Giờ đây, với món quà tặng là con chim này, người ta tặng cho tôi với tất cả tấm
lòng yêu thương... Chắc chắn, tôi là người hạnh phúc nhất trên trần gian".
Một
thời gian sau đó, trong vùng, có một người táđiền nghèo bị người chủ đe dọa lấy
nhà và trục xuất ra khỏi mảnh vườn đang canh tác. Nghĩ đến cảnh hai vợ chồng và
7 đứa con dại bị đuổi ra khỏi nhà, ông vua không thể nào ăn ngủ được... Cuối
cùng, ông quyết định tặng chính mảnh vườn và ngôi nhà của mình cho gia đình người
tá điền nghèo... Và một lần nữa, không một đồng xu dính túi, ông lên đường trẩy
đi một nơi khác.
Bùi
ngùi vì phải chia tay với những người quen biết trong vùng, nhưng ông cảm thấy
hạnh phúc vô cùng, bởi vì lần đầu tiên ông cảm nghiệm được niềm vui của sự ban
tặng. Ông hiểu được rằng cho thì có phúc hơn là nhận lãnh... Lần này, ông thốt
lên với tất cả xác tín: "Tôi là người hạnh phúc nhất trên trần gian
này".
Câu
chuyện của ông vua đi tìm hạnh phúc trên đây có thể gợi lên cho chúng ta về
hình ảnh của chuyến đi cuộc đời của chúng ta... Người Kitô là một người lữ hành
đi tìm hạnh phúc. Và hạnh phúc đích thực của chúng ta là gì nếu không phải là
trao tặng, trao tặng cho đến lúc trống rỗng, nhưng bù lại, chúng ta được lấp đầy
bằng chính Chúa.
Lẽ Sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét