01/04/2018
Chúa Nhật Phục Sinh năm B
(phần II)
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật Phục Sinh, năm B
CHÚA NHẬT PHỤC SINH
(Cv 10,34a.37-43; Col
3,1-4; Ga 20,1-9)
TIN, NỀN TẢNG ĐỂ ĐƯỢC SỐNG
“Người phải
sống lại từ cõi chết’ (Ga 20,9)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I (Cv 10,34a.37-43)
Đây chính là nội dung bài giảng của Thánh Phêrô tại nhà ông Cônêliô.
Cũng có thể nói đây là bài giảng đầu tiên của Phêrô mà thính giả được nhắm tới
chính là dân ngoại. Nội dung bài giảng này là bản tóm tắt lời rao giảng đầu
tiên của các tông đồ sau khi Đức Kitô phục sinh (Kerygma). Sứ mạng ‘làm chứng’
của các tông đồ được đặc biệt nhấn mạnh không chỉ như một sự tình cờ khi chứng
kiến ‘tất cả những gì Người đã làm’, nhưng trong tư cách là những ‘nhân chứng
được Thiên Chúa tuyển chọn trước’ để chứng thực về biến cố ‘Thiên Chúa đã cho
Người sống lại’. Đấng Phục Sinh, không những được cho sống lại, mà còn được
Thiên Chúa tôn làm ‘Quan án xét xử kẻ sống và kẻ chết.’
2. Bài đọc II (Col 3,1-4)
Dựa trên nền tảng của việc kết hợp với Đức Kitô phục sinh như nguyên lý
của đời sống mới, Thánh Phaolô dùng hai động từ ‘tìm kiếm’ và ‘nghĩ đến’ để mời
gọi các tín hữu Côlôsê luôn hướng lòng về những ‘sự trên trời’. Cụ thể đó chính
là những điều có liên quan tới Thiên Chúa. Nhưng tại sao đang sống ở dưới thế,
chúng ta lại phải quy hướng về những thực tại thần linh? Thánh Phaolô khẳng định
rằng vì chúng ta đã chết với Đức Kitô, do vậy cuộc sống của chúng ta không còn
thuộc về thế gian này nữa nhưng ‘đang ẩn giấu với Đức Kitô trong Thiên Chúa.’
Chính nền tảng đức tin đó thôi thúc chúng ta phải không ngừng qui hướng về
Thiên Chúa để mong đến ngày sự sống của chúng ta cũng được tỏ hiện trong vinh
quang như Đấng Phục Sinh.
3. Phúc âm (Ga 20,1-9)
Bài tường thuật được chia làm hai phân đoạn:
+ Phân cảnh I: những dấu chỉ hữu hình chứng thực biến cố Đức Giêsu phục
sinh được diễn tả qua việc chứng thực mang tính cá nhân của bà Maria Madalêna
khi ra mồ.
+ Phân cảnh II: cũng vẫn những dấu chỉ đó nhưng được chứng thực từ việc
ghi nhận cách chính thức của ‘giáo quyền’ mà Phêrô là thủ lãnh, đồng thời đây
cũng là những bằng chứng sống động để một khi đã ‘thấy’ thì chắc chắn sẽ đi tới
‘tin’ như trường hợp của ‘người môn đệ Chúa yêu’.
Cùng một thực tại ‘mồ trống’ phải đối diện, nhưng đã gây ra những phản ứng
khác biệt nhau nơi cả ba nhân vật: đối với Madalêna thì đó là vì ‘người ta đã lấy
xác Thầy’, còn thái độ im lặng nơi Phêrô đơn giản chỉ mới diễn tả một sự ghi nhận
không bình luận, đang khi trong lòng ‘người môn đệ Chúa yêu’ dường như đây đã
là một tín hiệu đầy lạc quan và tràn trào niềm vui. Xảy ra những phản ứng đa
chiều đó theo Gioan chính là vì ‘các ông còn chưa hiểu… Người phải sống lại từ
cõi chết’.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. Để có thể là nhân chứng thì điều kiện tiên quyết phải là chứng nhân.
Thái độ mạnh mẽ và can đảm công khai làm chứng cho tin mừng phục sinh nơi các
tông đồ chỉ có thể xảy ra khi giả thiết rằng các ông đã tận mắt nhìn xem những
việc Chúa Giêsu đã làm, hay trực tiếp nghe những lời Chúa Giêsu đã giảng, hơn
thế đã ‘ăn uống với Người… sau khi từ cõi chết sống lại’. Thiếu kinh nghiệm gặp
gỡ Chúa Phục Sinh sẽ làm cho lời chứng kém sống động và khó thuyết phục; không
có kinh nghiệm thực sự với Đấng Phục Sinh, lời rao giảng có nguy cơ trở nên sáo
rỗng và chỉ nặng tính hình thức.
2. Dường như sẽ là không tưởng khi phải sống giữa lòng trần thế mà lại
phải luôn hướng tâm hồn lên những thực tại trời cao. Điều đó chỉ có thể và hợp
lý khi ý tưởng nền tảng ‘cùng chết với Đức Kitô để cùng được sống lại với Người’
(x. Rm 6,5) đã trở nên xác tín cá nhân cho mỗi kitô hữu. Nỗ lực củng cố và làm
mới lại xác tín ấy mỗi ngày sẽ giúp người tín hữu dễ dàng siêu thoát với những
bám víu trần thế để có thể thanh thoát hướng cuộc đời về cuộc sống mai hậu
trong vinh quang với Đấng Phục Sinh nơi cung lòng Thiên Chúa.
3. Điều kiện để ‘tin’, theo kinh nghiệm của người môn đệ Chúa yêu, chính
là chỉ sau khi đã ‘thấy’. Nếu chưa từng một lần ‘thấy’ Đức Giêsu phục sinh, hay
chưa một lần có kinh nghiệm về sự hiện diện của Người trong cuộc đời mình, lối
sống đạo của người tín hữu sẽ mang nặng lề thói và hình thức. Như thế, những nỗ
lực để thay đổi lối sống cho phù hợp với những đòi hỏi của Tin mừng sẽ luôn là
một thách đố vô cùng khó khăn để vượt qua.
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến!
Đức Kitô Phục Sinh đã chiến thắng tội lỗi và sự chết, để mang lại cho nhân loại
sự sống vĩnh cửu. Trong tâm tình chúc tụng và tạ ơn, chúng ta cùng dâng lên
Thiên Chúa những lời nguyện xin:
1. Hội Thánh có sứ mạng loan báo tin mừng phục sinh cho nhân loại. Xin
Chúa cho mọi thành phần Hội Thánh luôn nhiệt tâm chu toàn sứ mạng cao quý ấy bằng
lời rao giảng, bằng đời sống cầu nguyện và chính gương sáng đức tin của mình.
2. Chúa Giêsu sống lại mở đường cho nhân loại đi vào cõi sống. Xin Chúa
cho mọi dân tộc trên thế giới biết mở lòng tin nhận Đức Kitô là “khởi nguyên và
cùng đích” của muôn loài, để luôn sống trong tin yêu hy vọng hướng về hạnh phúc
đời đời.
3. Đức Kitô Phục Sinh là niềm hy vọng và an ủi cho những ai tuyệt vọng.
Xin Chúa cho những người gặp thất bại hay đang đau khổ hồn xác được tham dự vào
niềm vui phục sinh hôm nay, để thêm lòng can đảm đón nhận cuộc sống hiện tại.
4. Niềm tin phục sinh đã thúc đẩy các tông đồ dấn thân làm chứng cho Đức
Kitô. Xin cho anh chị em tân tòng và mọi người trong cộng đoàn chúng ta được
lãnh nhận dồi dào sức sống của Đấng Phục Sinh, luôn can đảm làm chứng cho Chúa
qua cuộc sống hằng ngày.
Chủ tế: Lạy Chúa, Con Chúa đã
chịu chết và sống lại để cứu độ chúng con. Xin nhậm lời chúng con cầu nguyện,
và cho niềm vui phục sinh hôm nay nơi chúng con đem lại nhiều hoa trái trong cuộc
sống. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.
SCĐ CHÚA NHẬT I PHỤC SINH
CHỦ ĐỀ :
CHÚA ĐÃ SỐNG LẠI
Phêrô và Gioan chạy ra mồ Chúa.
Sợi chỉ đỏ
- Bài đọc I (Cv 10,34.37-43) : Tại nhà ông Cornêliô, Thánh Phêrô tuyên bố
Đức Giêsu dù đã bị giết chết nhưng đã sống lại thật.
- Bài Tin Mừng (Ga 20,1-9) : Sáng ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giêsu phục
sinh hiện ra cho bà Maria Mađalêna.
- Bài đọc II (Cl 3,1-4) : Thánh Phaolô dạy : Kitô hữu là người đã chết với
Đức Giêsu và sống lại với Ngài.
I. DẪN VÀO THÁNH LỄ
"Chúa đã sống lại rồi", đó là tiếng hô vui mừng của Phêrô, của
Gioan, của Phaolô và của mọi thế hệ kitô hữu. Đó là niềm tin của Giáo Hội. Cho
dù cuộc sống có muôn vàn khó khăn và ai cũng phải chết, nhưng cái chết không phải
là tiếng nói cuối cùng, bởi vì sau khi chết là sống lại, và ai chết trong Chúa
thì sẽ được sống lại với Ngài.
Trong Thánh lễ này, xin Chúa cho chúng ta càng ngày càng xác tín hơn về
điều ấy.
II. GỢI Ý SÁM HỐI
- Vì chưa xác tín vào việc sống lại nên chúng ta sống như mục đích của
cuộc đời chỉ là ở thế gian này.
- Vì chưa xác tín vào việc sống lại nên khi gặp gian nan thử thách,
chúng ta ngã lòng, thất vọng.
- Cuộc sống chúng ta chưa là một bằng chứng trước mặt người thế về niềm
tin có sự sống lại.
III. LỜI CHÚA
1. Bài đọc I : Cv 10,34.37-43
Lời rao giảng này của Phêrô được các nhà Thánh Kinh gọi là Kerygma, tức
là bài giảng truyền giáo. Lần đầu tiên ngõ lời với một nhóm thính giả mới, các
tông đồ luôn giảng Kerygma.
Mỗi Kerygma, cho dù có khác nhau trong những chi tiết phụ, nhưng luôn gồm
những yếu tố chính về Đức Giêsu : a/ Tóm tắt cuộc sống trần thế của Đức Giêsu ;
b/ Cái chết của Ngài ; c/ Việc Ngài sống lại ; d/ Kêu gọi tin vào Ngài để được
cứu độ.
Tin vào nội dung Kerygma là bước đầu tiên và là điều quan trọng cơ bản để
trở thành Kitô hữu.
2. Đáp ca : Tv 117
Thánh vịnh này là tâm tình của người đã cảm nghiệm được tình thương và
quyền năng của Thiên Chúa. Quyền năng và tình thương ấy đã chiến thắng tất cả,
cho dù là khổ đau, là chết chóc. Tác giả muốn sống mãi để có thể ca tụng Thiên
Chúa đến muôn đời.
3. Bài Tin Mừng : Ga 20,1-9
Những chi tiết quan trọng nhất của bài tường thuật này là ngôi mồ trống
và 3 phản ứng trước hiện tượng ấy.
- Maria Mađalêna nghĩ rằng "Người ta đã lấy mất Chúa rồi". Bà
hoang mang chạy đi báo tin "chẳng lành" ấy cho các tông đồ khác. Phải
chờ đến khi Đức Giêsu phục sinh hiện ra với bà thì bà mới tin Ngài sống lại.
- Phêrô nhìn thấy những hiện tượng nhưng chưa có phản ứng nào cả.
- "Người môn đệ kia" khi thấy thì nhớ lại những lời Đức Giêsu
đã nói trước nên đã tin ngay.
4. Bài đọc II : Cl 3,1-4
Thánh Phaolô dạy cách sống của người thực sự tin vào việc Đức Giêsu sống
lại :
- Kitô hữu là người đã chết với Đức Giêsu và sống lại với Ngài.
- Hãy tìm kiếm những gì thuộc về thượng giới.
- Hãy hướng lòng trí về những gì thuộc về thượng giới.
IV. GỢI Ý GIẢNG
* 1. Hai cách nhìn
Trước ngôi mồ trống của Đức Giêsu, có hai cái nhìn, dẫn đến hai cái thấy
khác nhau :
- Cái nhìn của bà Maria Magdala là cái nhìn tự nhiên, bị ảnh hưởng bởi
tình cảm : chỉ mới nhìn tảng đá đã lăn khỏi mộ, tình cảm của bà bị tác động
ngay khiến bà không còn thấy thêm điều gì khác mà chỉ nghĩ đến tình huống xấu
nhất : "Người ta đã đem Chúa ra khỏi mộ !" Cái nhìn tình cảm này
không giúp thấy được sự thật mà chỉ làm cho bà buồn rầu, lo lắng, khóc lóc.
- Cái nhìn của người môn đệ Chúa yêu được đức tin hướng dẫn : Ông nghe
nói tảng đá đã lăn khỏi mộ, ông chạy đến nơi để xem và xem xét rất kỹ. Ông cúi
xuống nhìn vào trong, quan sát những tấm khăn liệm và dừng lại để suy nghĩ. Rồi
ông nhớ lại những lời Thánh Kinh mà Đức Giêsu đã dạy. Cái nhìn này giúp ông thấy
được sự thật : Đức Giêsu đã sống lại. Cái nhìn đức tin này đem lại cho ông niềm
vui : "Ông đã thấy và đã tin".
*
Có thể so sánh cái nhìn đức tin giống như người ta nhìn các sự vật trong
đêm tối bằng ánh sáng của tia hồng ngoại, nên có thể thấy được những điều mà mắt
thường không trông thấy.
Theo định nghĩa, "Tín hữu" là người tin. Vì thế tín hữu vừa có
cái nhìn tự nhiên như mọi người, vừa phải có cái nhìn đức tin. Ai biết nhìn sự
việc bằng đức tin thì sẽ thấy mọi sự rất thanh thản và lạc quan.
Chẳng hạn Thánh Phaolô trong lúc đang ngồi tù và sắp bị đem ra xử, ông
nghĩ đến hai tình huống có thể xảy ra : một là bị xử tử, hai là được tự
do. Bằng cái nhìn đức tin, ông đã thấy sống
hay chết đều tốt cả : "Đối với tôi, sống là Đức Kitô và chết là một mối lợi"
(Pl 1,21). Còn thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu sau khi đã nhìn lại mọi sự việc xảy
đến trong đời mình bằng cặp mắt đức tin, đã kết luận "Tất cả là hồng
ân".
Đức Giêsu phục sinh đã chiếu một luồng sáng mới lên tất cả mọi sự. Thiết
tưởng, việc đầu tiên mà chúng ta cần cố gắng và cũng là ơn đầu tiên mà chúng ta
cần xin trong mùa Phục sinh là biết nhìn mọi sự bằng cặp mắt đức tin. Có như thế,
trong tất cả mọi sự chúng ta mới đều có thể lạc quan cất lên tiếng hát đặc
trưng của Mùa Phụng vụ này : Halleluia !
* 2. Tin là thế nào ?
Đức tin của các tín hữu thường chỉ có một chiều kích, đó là chiều kích của
trí óc : tin có Thiên Chúa ; tin rằng Ngài đã tạo dựng mọi sự, Ngài biết mọi sự
và điều hành mọi sự…
Đức tin của các tín hữu thường hướng tới đời sau : tin rằng mình sẽ được
ở với Thiên Chúa sau khi từ giã cõi đời này.
Lời Chúa trong Thánh lễ hôm nay buộc ta phải điều chỉnh lại đức tin ấy :
phải có thêm chiều kích hiện sinh nữa : Không chỉ tin bằng trí óc mà còn bằng cả
cuộc sống. Không chỉ nhắm tới cuộc sống mai sau, mà phải nghĩ tới cuộc sống hiện
tại. Thánh Phaolô dạy : "Sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức
Kitô".
* 3. Làm chứng là thế nào ?
Chỉ có các tông đồ là những "chứng nhân" đúng nghĩa : các ngài đã
cùng sống với Đức Giêsu, đã thấy Ngài chết và thấy Ngài sống lại. Việc làm chứng
của các ngài dựa trên điều các ngài đã thấy.
Nhưng lời chứng xuất phát từ cảm nghiệm cũng có giá trị, nhiều khi lại còn
có sức thuyết phục hơn. Chúng ta có thể làm chứng cho Đức Giêsu phục sinh theo
cách thứ hai này : sống làm sao cho người ta biết chúng ta đang sống một cuộc sống
mới, chúng ta hạnh phúc, chúng ta tự do, chúng ta vui mừng trong cuộc sống mới
đó, và trong bất cứ hoàn cảnh nào lòng chúng ta cũng tràn trề hy vọng.
* 4. Tâm thức kiêu căng của kẻ
chiến thắng
Nhiều người trách rằng những người công giáo có tâm thức kiêu căng vì nghĩ
rằng mình là kẻ chiến thắng, kẻ mạnh, kẻ giỏi hơn người… Tiếng pháp là "triomphalisme".
Thực ra, chúng ta có tâm thức đó không ? Và xét cho cùng, nên có tâm thức đó không ?
Chúng ta xác tín rằng chúng ta có một chỗ dựa vô cùng vững chắc là Đức
Giêsu phục sinh, và cũng xác tín rằng nếu có Ngài phù trợ thì chúng ta sẽ vượt
thắng tất cả. Những câu đáp ca hôm nay trích từ Thánh vịnh 117 tuyên bố niềm
xác tín đó : "Tay hữu Chúa đã ra oai thần lực, tay hữu Chúa cao cả vô
song. Tôi không phải chết nhưng còn sống mãi, để tường thuật những kỳ công Chúa
làm".
Thế nhưng, chúng ta không nên kiêu căng, cũng không nên khinh chê những người
khác không có được niềm xác tín của chúng ta. Đúng hơn, chúng ta cần làm chứng
cho họ và chia xẻ với họ niềm xác tín ấy, một niềm xác tín vẫn giúp con người lạc
quan hy vọng cho dù đang ở giữa bao khổ đau, thất bại, bệnh tật và thậm chí sắp
chết.
* 5. Mộ mở toang
Gioan "cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó… Ông đã thấy và
đã tin.
Nhưng ông thấy gì ? Chẳng thấy gì hết. Có gì đâu mà thấy. Tuy vậy điều ông
thấy đã dẫn ông tới chỗ tin.
Ta hãy nghiêng mình xuống như Gioan. Ta thấy gì ? Một hố sâu thăm thẳm, đầy
màu trắng. Một sự trống rỗng mênh mông dâng đầy mầm sống. Cờ tang khăn tang
chuyển biến thành y phục ánh sáng. Một sự vắng mặt vang dội sự có mặt. Một sự
im lặng của nấm mồ nói nhiều hơn mọi bài diễn văn. Một bức tường mà ta chỉ thấy
được phần bị khoét lỗ. Một kết quả của tất cả mang dáng dấp khởi đầu. Một cái
chết có bộ mặt một cuộc giáng sinh. Mầu nhiệm mà ta khám phá ra bí mật.
Vậy ai đã tạo ra ngôi mộ trống. Ngôi mộ đâu có trống. Vì Gioan đã thấy chân
dung thực sự của Đức Giêsu, bạn ngài.
Ngôi mộ không trống, không sâu, không câm nín, không vương mùi chết chóc.
Ngôi mộ nói. Nó sẽ nói. Hôm nay nó còn nói với ta. Ta có bị cụt hứng không ? Vì
sự vắng mặt này, lớn như một nấm mồ, chính là một sự hiện diện, vĩ đại như một
phép lạ.
Dưới nhãn quan của não trạng hiện đại, đã thấm nhiễm vào ta, chết là hết.
Chấm hết. Chết rồi chẳng còn gì ráo. Chẳng còn gì ngoài đêm đen. Chẳng còn gì
ngoài trống rỗng và hư vô. Cái chết khép lại tất cả. Cái chết chôn kín đời ta.
Nhưng ở đây cái chết mở ra. Ngôi mộ của Người đã mở ra. Mở ra một mầu nhiệm
lớn lao. Một mầu nhiệm loan báo sự sống. Mầu nhiệm mang tên chỗi dậy. Phục
sinh.
Ngôi mộ mở lòng mở trí ta. Ký ức sống và sống lại. Ta mở hồn ra với đức
tin. Sau cùng ta hiểu rằng Đức Giêsu đã vượt qua bức tường sự chết, đã nâng phiến
đá che mộ, đã hoàn thành Phục sinh báo trước. (G. Boucher, "Le ciel sur
terre", được trích trong Fiches dominicales, năm A, trang 122-123).
* 6. Tin mừng Phục sinh
Bà Regina Riley hằng cầu nguyện cho hai cậu con trai đã xa rời đức tin nhiều
năm… Bỗng một sáng Chúa Nhật, bà không thể tin vào mắt mình, hai đứa con bước
vào nhà thờ ngồi ghế đối diện với bà. Tan lễ, bà liền hỏi lý do nào khiến các
con trở về với Chúa. Đứa con nhỏ mau mắn kể lại :
Thời gian nghỉ hè tại Colorado, vào một sáng Chúa Nhật, chúng con đang lái
xe thả dốc trong cơn mưa tầm tã. Bỗng nhiên, một cụ già không dù che, người ướt
sũng đang vội vã bước đi, dáng điệu khập khiễng. Chúng con dừng lại mời cụ lên
xe, mới được biết cụ đang đi lễ, đến một nhà thờ cách đó 5 cây số. Chúng con liền
đưa cụ đến dự lễ. Nhưng vì trời vẫn mưa nên hai anh em quyết định vào xem lễ rồi
cùng đón cụ về. Lạ thay, sau khi lắng nghe Lời Chúa chúng con rất xúc động, tâm
hồn như được đổi mới hoàn toàn. Mẹ biết không, lúc bấy giờ chúng con như được
trở về nhà sau một chuyến đi dài đầy mệt mỏi.
*
Câu chuyện hai anh em gặp gỡ cụ già xa lạ sẽ minh họa cho chúng ta bài Tin
mừng Phục sinh hôm nay.
Bà Maria Macđala, bà Maria mẹ ông Giacôbê, và bà Salômê là ba phụ nữ nhân đức
từng theo giúp Đức Giêsu và các môn đệ. Các bà đã từng được Thầy Giêsu dạy dỗ,
yêu thương. Nhưng giông tố kinh hoàng của chiều thứ Sáu Tuần Thánh đã cướp đi
người Thầy rất đáng kính yêu của họ. Giờ đây, Thầy đã nằm yên trong mộ đá. Còn
lại gì ? hay chỉ còn bao kỷ niệm thân thương và nước mắt. Để vơi đi nỗi sầu,
các bà chỉ biết mua dầu thơm về ướp xác Thầy. Nhưng "Ai sẽ lăn dùm tảng đá
ra cho chúng ta ?" (Mc.16,3).
Kinh ngạc thay, khi đến nơi, các bà đã thấy tảng đá được lăn ra một bên, và
xác Thầy cũng không còn nữa. Chỉ còn đó sứ thần chờ để loan báo Tin mừng :
"Đấng bị đóng đinh đã sống lại rồi, Người hẹn gặp lại các môn đệ tại
Galilê" (x. Mc.16,7). Từ ngôi mộ trống, nơi tối tăm và chết chóc, sự sống
đã bừng lên.
Hai anh em trong câu chuyện trên cũng đã một thời tin theo Chúa. Nhưng
giông tố của thời niên thiếu đến, đã cướp đi bao kỷ niệm đạo đức thuở ấu thơ.
Thế rồi, cụ già đã xuất hiện loan báo một Tin mừng, không phải bằng lời mà bằng
gương sáng đạo đức : "Thầy Giêsu hẹn gặp lại các con nơi thánh đường".
Tin mừng chính là : Hễ có giông tố của chiều Thứ Sáu Tuần Thánh, thì cũng
có bình an của sáng Chúa Nhật Phục sinh.
Tin mừng chính là : Hễ có bình an là có niềm hy vọng, có trở về và có đổi mới.
Tin mừng chính là : Nếu ta cùng chết với Đức Kitô, ta sẽ cùng được sống lại
với Người.
Tin mừng chính là : Nếu có tình yêu quằn quại trên thập giá, thì cũng có
tình yêu rạng rỡ sáng Phục sinh.
*
Lạy Chúa,
Xin cho chúng con, luôn xác tín rằng :
Mỗi lần chúng con trở về sau những lầm lỗi, là chúng con đang phục sinh với
Chúa.
Mỗi lần chúng con tin tưởng sau những lần phản bội niềm tin, là chúng con
đang sống lại với Người.
Mỗi lần chúng con tiếp tục cố gắng sau những lần thất bại đắng cay, là
chúng con đang ra khỏi mồ trống.
Xin giúp chúng con biết mở rộng tâm hồn để đón nhận ân sủng Phục sinh của
Chúa. Amen. (Thiên Phúc, "Như Thầy đã yêu")
V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI
Chủ tế : Anh chị em thân mến, hôm
nay toàn thể Hội thánh long trọng mừng Đức Giêsu Kitô sống lại vì đó là nền tảng
cho niềm tin của Hội thánh, là nền tảng cho Tin mừng Người loan báo. Chúng ta
hãy phấn khởi dâng lên Chúa những lời cầu nguyện sau đây :
1. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho mọi người trong Hội thánh / đã được chết
cho tội lỗi và sống lại trong Đức Kitô nhờ Bí tích Thanh tẩy / biết mau mắn từ
bỏ tội ác / và sống theo đời sống mới của con cái Thiên Chúa.
2. Chúng ta cầu xin Chúa cho những người không tin Chúa, chống lại Chúa và
sống trong tình trạng tội lỗi / biết mở lòng mở trí đón nhận ánh sáng của Chúa
Phục sinh / để tìm được chân lý và hy vọng cho đời mình.
3. Chúng ta cầu xin Chúa cho những người đang sống trong nghèo đói, thất
nghiệp không nhà không cửa / gặp được nhiều người giúp đỡ ủi an / và nhận ra Đức
Giêsu là đã chết và sống lại vì yêu thương họ.
4. Chúng ta cầu xin Chúa cho anh chị em giáo hữu trong họ đạo chúng ta / biết
dùng lời nói và việc làm để làm chứng về Đức Giêsu Phục sinh / cho những người
lương dân sống chung quanh chúng ta.
CT : Lạy Đức Giêsu, chúng con cảm
tạ Chúa đã đem niềm vui phục sinh đến cho chúng con hôm nay, xin cho chúng con
biết chia sẻ niềm vui và niềm tin ấy cho mọi người chúng con gặp để tất cả được
chung hưởng niềm vui của con cái Chúa. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn
đời.
VI. TRONG THÁNH LỄ
- Trước kinh Lạy Cha : Đức Giêsu phục sinh đã thiết lập cơ sở vững chắc
cho Nước Thiên Chúa. Chúng ta hãy cầu xin cho Nước ấy được mở rộng khắp nơi,
trong lòng mọi người.
- Sau kinh Lạy Cha : "… xin đoái thương cho những ngày chúng con
đang sống được bình an, sự bình an mà Đức Giêsu phục sinh đã ban cho các môn đệ.
Nhờ Cha rộng lòng thương cứu giúp, chúng con trở thành những con người mới, sẽ
luôn luôn thoát khỏi tội lỗi và được an toàn khỏi mọi biến loạn…"
- Trước khi rước lễ : "Đây Chiên Thiên Chúa… phúc cho ai được mời đến
dự tiệc của Đức Giêsu phục sinh, Đấng ban cho chúng ta một sự sống mới".
VII. GIẢI TÁN
Đức Kitô đã sống lại và đang sống mãi. Ngài sống trong cuộc đời chúng ta
và trong thế giới này. Chúng ta hãy làm những chứng nhân nhiệt tình cho Ngài,
mang niềm vui và an bình đến cho mọi người. Halleluia, Halleluia.
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI
Lectio Divina: Chúa Nhật Phục Sinh (B)
Chủ Nhật 1 Tháng Tư,
2018
Để nhìn thấy trong
đêm tối và để tin tưởng vì tình yêu
Ga 20:1-9
1. Chúng ta hãy cầu nguyện cùng Chúa Thánh Thần
Lạy Chúa Giêsu Kitô,
hôm nay ánh sáng của Chúa tỏa sáng trong chúng con, nguồn mạch của sự sống và
hoan lạc. Xin Chúa hãy sai Thần Khí của tình yêu và chân lý, để giống như
Maria Mađalêna, Phêrô và Gioan, chúng con cũng có thể khám phá ra và giải thích
trong ánh sáng Lời Chúa, những dấu chỉ sự hiện diện thiêng liêng của Chúa trong
thế gian. Nguyện xin cho chúng con có thể chào đón những dấu chỉ này trong đức
tin để chúng con luôn có thể sống trong niềm hân hoan về sự hiện diện của Chúa ở
giữa chúng con, ngay cả khi tất cả dường như bị vây phủ trong bóng tối của sầu
khổ và sự dữ.
2. Phúc Âm
a) Chìa khóa dẫn đến
bài đọc:
Đối với Gioan, tác giả
Tin Mừng, sự phục sinh của Chúa Giêsu là thời điểm quyết định trong tiến trình
đưa đến sự vinh quang của Người, được liên kết bất khả phân ly với giai đoạn đầu
của sự vinh quang này, đó là cuộc thương khó và cái chết của Người.
Dữ kiện của sự phục
sinh không được mô tả trong các chi tiết ngoạn mục và khải huyền của các sách
Tin Mừng Nhất Lãm. Đối với Gioan, đời sống của Đấng Phục Sinh là một thực tại tự
khẳng định một cách âm thầm, trong quyền năng kín đáo và không thể cưỡng chế được
của Chúa Thánh Thần.
Sự thật về đức tin của
các môn đệ đã được công bố: “Khi trời còn tối” và bắt đầu qua viễn ảnh của các
dấu chỉ vật chất gợi nhớ lại Lời của Thiên Chúa. Đức Giêsu là nhân vật chính của
câu chuyện, nhưng Người không đích thân xuất hiện.
b) Phúc Âm:
1 Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm
khi trời còn tối. Bà thấy tảng đá được lăn ra khỏi mồ
2 và liền chạy về tìm Simon Phêrô và người môn đệ
khác được Chúa Giêsu yêu mến. Bà nói với các ông rằng: “Người ta đã lấy xác Thầy
ra khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu.”
3 Phêrô và môn đệ kia ra đi đến mồ. 4Cả
hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô, và đến mồ trước. 5Ông
cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong.
6 Vậy Simon Phêrô theo sau cũng tới nơi, ông vào
trong mồ và thấy những dây băng nhỏ để đó 7 và khăn
liệm che đầu Người trước đây; khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại
để riêng một chỗ.
8 Bấy giờ môn đệ kia mới vào dù ông đã tới mồ trước.
Ông thấy và ông tin, 9 vì chưng các ông còn chưa hiểu
rằng, theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết.
c) Phân đoạn
bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:
Ga 20:1: Lời giới thiệu
và những sự kiện trước khi mô tả tình hình;
Ga 20:2: Phản ứng của
bà Maria Mađalêna và lời loan báo đầu tiên về một sự thật mới được khám phá;
Ga 20:3-5: Phản ứng lập
tức của các môn đệ và hoạt động tương tác giữa các ông.
Ga 20:6-7: Kiểm chứng
sự kiện được công bố bởi bà Maria;
Ga 20:8-9: Đức tin của
người môn đệ thứ hai và mối quan hệ của đức tin với Kinh Thánh.
3. Giây phút cầu nguyện trong thinh lặng và trong lắng
đọng nội tâm
Để mở tâm trí chúng ta
và dọn lòng cho Lời của Chúa:
– Đọc lại chậm rãi
toàn bộ bài Tin Mừng;
– Tôi cũng đang ở
trong khu vườn: ngôi mộ trống đang ở trước mắt tôi;
– Tôi để cho lời của
bà Maria Mađalêna vang vọng trong tâm tư tôi;
– Tôi cùng chạy với
bà, Phêrô và người môn đệ kia;
– Tôi để cho mình được
đắm chìm trong niềm hân hoan kỳ diệu của đức tin vào Chúa Giêsu Kitô, dù rằng
cũng như họ, tôi không nhìn thấy Người với con mắt xác thịt của tôi.
4. Hồng ân của Lời Chúa cho chúng ta
* Chương 20 trong Tin Mừng theo Gioan: Đây là một chương bị phân mảnh trong đó rõ ràng là
soạn giả đã xen vào nhiều lần để nhấn mạnh về một số chủ đề và
để thống nhất các văn bản khác nhau đã nhận được từ các nguồn trước đó, ít nhất
là ba nguồn.
* Sau ngày Sabbát: Đó
là “ngày thứ nhất trong tuần” và trong giới Kitô hữu, kế thừa sự thiêng
liêng ngày Sabbát của người Do Thái. Đối với các Kitô hữu, đó là ngày thứ nhất
của tuần lễ mới, bắt đầu của thời gian mới, ngày tưởng niệm sự sống lại được gọi
là “ngày của Chúa” (dies Domini).
Ở đây và trong câu 19,
tác giả Tin Mừng chấp nhận và thực hiện biểu lộ đã là một truyền
thống cho các Kitô hữu (ví dụ: Mc 16:2, 9; Cv 20:7)
và nó xưa hơn là câu nói mà sau này trở thành đặc tính của việc
loan truyền Tin Mừng đầu tiên; “ngày thứ ba” (ví dụ: Lc 24:7,46; Cv 10:40; 1Cr 15:4).
* Bà Maria Mađalêna: Đây cũng là
người phụ nữ đã hiện diện ở dưới chân thập giá cùng với các người phụ
nữ khác (19:25). Lúc này bà có vẻ như là một mình, nhưng những chữ trong câu
2 (“chúng tôi không biết”) cho thấy rằng câu chuyện ban đầu, được
soạn bởi Thánh Sử, nói về nhiều người phụ nữ, đúng như của các
sách Tin Mừng khác (xem Mc 16:1-3; Mt 28:1; Lc 23:55-24:1).
Tuy nhiên các sách Tin
Mừng Nhất Lãm (xem Mc16:1; Lc 24:1), không nêu rõ
lý do về việc tại saobà đi viếng mộ, chỉ cho thấy
mà suy ra rằng nghi thức an táng đã được hoàn tất (19:40); có
lẽ, điều duy nhất còn thiếu là việc than khóc (xem Mc 5:38).
Dù sao chăng nữa, tác giả quyển Tin Mừng Thứ Tư đã giảm đến mức
tối thiểu câu chuyện về việc khám phá ra ngôi mộ trống hầu để tập trung sự chú
ý của người đọc về những gì xảy ra sau đó.
* Sáng sớm, khi trời còn tối: Máccô (16:2) cho biết có cái gì đó khác thường,
nhưng từ cả hai chi tiết chúng ta hiểu được rằng đó là vào những
giờ khắc rất sớm của buổi sáng, khi ánh bình minh còn rất yếu ớt và mờ nhạt. Có
lẽ Gioan muốn nhấn mạnh đến việc thiếu ánh sáng để đối chiếu một cách biểu tượng
về bóng tối-sự thiếu vắng đức tin và ánh sáng-đón nhận Tin
Mừng về sự sống lại.
* Tảng đá được lăn ra khỏi mồ: tài liệu bằng tiếng Hy Lạp thì nói chung chung: tảng
đá đã được “lăn khỏi” hay “lấy ra” (khác với Mc 16:3-4).
Động từ “lăn khỏi” nhắc
nhớ lại câu Tin Mừng Ga 1:29: Gioan Tẩy Giả chỉ về Đức Giêsu
là “Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian”. Có lẽ Thánh Sử muốn
nhắc lại dữ kiện là tảng đá này “được lấy đi”, lăn khỏi mồ như dấu hiệu thể lý
nói rằng sự chết và tội lỗi đã được lấy đi khỏi nhờ sự phục sinh của
Chúa Giêsu chăng?
* Bà liền chạy
về tìm Simon Phêrô và người môn đệ khác được Chúa Giêsu yêu mến: Maria
Mađalêna chạy đi tìm những người cùng chia sẻ tình yêu của mình với Chúa Giêsu
và nỗi đau khổ về cái chết đau thương của Người, giờ đây nỗi đau khổ càng trở
nên tồi tệ hơn với điều khám phá mới này. Bà quay sang họ, có lẽ bởi vì các ông
là những người duy nhất đã không trốn chạy với những người khác và vẫn giữ sự
liên lạc với nhau (xem 19:15, 26-27). Ít ra là bà muốn chia sẻ với các ông về nỗi
đau buồn cuối cùng phẫn nộ về sự xúc phạm đến thi thể.
Chúng ta thấy Phêrô và
“người môn đệ được Chúa Giêsu yêu mến” và Maria Mađalêna được đặc trưng bởi một
tình yêu đặc biệt kết hợp với Chúa Giêsu: Đó thực sự là tình yêu đối ứng khiến
họ có thể cảm nhận được sự hiện diện của người thân yêu.
* Người môn đệ
khác, được Chúa Giêsu yêu mến: là người chỉ xuất hiện trong sách Tin Mừng
này và chỉ bắt đầu ở chương 13, khi ông thể hiện sự thân mật với Chúa Giêsu và
sự thông cảm sâu xa với Phêrô (13:23-25). Ông xuất hiện ở giây phút quyết định
của cuộc thương khó và sự phục sinh của Chúa Giêsu, nhưng vẫn còn ẩn danh và
nhiều giả thiết về danh tánh của ông đã được nêu ra. Có lẽ ông là môn đệ ẩn
danh của Gioan Tẩy Giả đã đi theo Chúa Giêsu cùng với ông Anrê (1:35-40). Bởi
vì quyển Tin Mừng thứ tư không bao giờ nói về ông Gioan tông đồ và hãy nhớ rằng
quyển Tin Mừng này kể lại những chi tiết một cách rõ ràng được biết đến bởi một
người chứng kiến tận mắt, “người môn đệ” đã được nhận diện như Gioan tông đồ.
Tin Mừng thứ tư luôn được cho rằng ông là tác giả dù rằng có thể không phải
chính tay ông viết; thế nhưng xuất xứ của truyền thống đặc biệt là quyển Tin Mừng
này và các tác phẩm khác được gán là do Gioan viết. Điều này cũng giải thích lý
do tại sao ông là người có phần nào được lý tưởng hóa.
“Người được Chúa
Giêsu yêu mến”: rõ ràng đây không phải
là một điều thêm thắt từ vị tông đồ, người không dám khoe khoang là có một mối
quan hệ mật thiết với Chúa, nhưng từ các môn đệ của ông là những người đã viết
phần lớn quyển Tin Mừng và là người tạo ra lời này sau khi đã suy gẫm về tình
yêu mến đặc biệt giữa Chúa Giêsu và người môn đệ này (xem 13:25; 21:4-7). Nơi
đây chúng ta đọc có những lời đơn giản hơn “người môn đệ kia” hay là “người môn
đệ”, một cách hiển nhiên là các soạn giả đã không thêm điều bổ sung.
* Người ta đã lấy xác Thầy ra khỏi mồ: những lời này, trong đó tái diễn ở các câu 13 và
15, cho thấy bà Maria Mađalêna đã lo sợ rằng những kẻ trộm xác đã đem xác đi, một
điều khá phổ biến thời ấy, đến nỗi mà hoàng đế La Mã đã phải ban hành nghiêm luật
để kiểm soát hiện tượng này. Trong Tin Mừng Mátthêu (28:11-15), các thượng tế
đã dùng việc khả thể này để làm mất uy tín sự thực về việc sống lại của Chúa
Giêsu và, cuối cùng, để biện minh cho việc thiếu can thiệp về phần các lính
canh mộ.
* Chúa: danh
hiệu “Chúa” hàm ý một sự thừa nhận về thiên tính và nói lên Đấng toàn năng Thiên
Chúa. Đó là lý do tại sao thuật ngữ này được dùng bởi các Kitô hữu dành cho
Chúa Giêsu phục sinh. Thật vậy, tác giả Tin Mừng thứ tư đã chỉ dùng thuật ngữ
này trong câu chuyện mầu nhiệm Vượt Qua (xem 20:13).
* Chúng tôi
không biết người ta đã để Thầy ở đâu: những lời này gợi nhớ lại những
gì đã xảy ra cho ông Môisen, người mà nơi chôn cất không ai biết (Đnl 34:10).
Một tài liệu tham khảo hàm ẩn khác là những lời của chính Chúa Giêsu khi Người
nói không thể biết rằng Người đang đi đâu (7:11,22; 8:14,28,42; 13:33; 14:1-5;
16:5).
* Cả hai cùng
chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô… nhưng ông không vào trong: Đoạn
này cho thấy sự lo lắng mà các môn đệ đã phải trải qua.
Sự kiện mà “người môn
đệ kia” dừng lại, có ý nghĩa cụ thể hơn chỉ là một cử chỉ lịch sự hay sự kính
trọng đối với người lớn tuổi hơn, đó là sự thừa nhận ngầm rằng Phêrô, trong
nhóm các tông đồ, giữ một vị trí ưu việt, mặc dù điều này không được nhấn mạnh
đến. Vì thế, đó là dấu hiệu của sự hiệp thông. Cử chỉ này cũng có thể là phương
thức văn chương để đi từ một sự việc trong thuật ngữ của niềm tin vào sự phục
sinh sang sự kiện kế tiếp và là cao điểm của câu chuyện.
* Những dây
băng nhỏ để đó và khăn liệm che đầu… cuộn lại để riêng một chỗ : mặc
dù người môn đệ kia đã không vào trong, ông đã trông thấy điều gì đó rồi.
Phêrô, bước vào trong mồ, khám phá ra bằng chứng rằng đã không có việc trộm cắp
thi thể: không có kẻ trộm nào lại lãng phí thì giờ đi cởi những dây băng quấn
thi thể, trải tấm khăn liệm ra một cách ngăn nắp (trên mặt đấtcó lẽ nên
dịch là “trải ra” hay là “để cẩn thận trên nền”) và sau đó cuộn lại khăn liệm
che đầu và để sang một chỗ. Việc làm như thế cũng sẽ hết sức phức tạp vì các loại
dầu mà thi thể đã được xức vào (đặc biệt là nhựa thơm) có tác động như chất
keo, khiến cho các dây băng vải dính hoàn toàn và vững chắc vào thi thể, giống
gần như là đã làm cho các xác ướp. Ngoài ra, khăn liệm mặt đã được gấp lại; động
từ trong tiếng Hy Lạp cũng có thể có nghĩa là “cuộn”, hoặc nó có thể cho biết rằng
mảnh vải mỏng, phần lớn được dùng như một hình thức giữ gìn khuôn mặt mà nó đã
được đặt lên, gần giống như là một cái mặt nạ tẩm liệm. Các loại vải thì giống
như đã được mô tả trong Ga 19:40.
Tất cả mọi thứ trong mộ
thì thứ tự ngăn nắp, dù rằng thi thể của Chúa Giêsu đã không có ở đó, và Phêrô
cũng đã có thể trông thấy rõ bên trong mộ vì trời đã sáng tỏ. Khác với Lagiarô
(11:44) khi xưa, Chúa Giêsu sống lại hoàn toàn từ bỏ các dây băng vải liệm quấn
chung quanh Người. Các nhà bình luận xa xưa lưu ý rằng, trong thực tế, Lagiarô
đã phải dùng đến vải liệm lần nữa cho việc mai táng cuối cùng của ông, trong
khi Chúa Giêsu đã không có dịp dùng đến chúng nữa vì Người đã không chết lần thứ
hai (xem Rm 6:9).
* Phêrô… đã
trông thấy… người môn đệ kia… đã trông thấy và tin: Vào lúc bắt đầu câu
chuyện, bà Maria Mađalêna cũng “đã trông thấy”. Mặc dù một số bản dịch xử dụng
cùng một động từ, văn bản ban đầu dùng ba động từ khác nhau (theorein cho
Phêrô; blepein cho người môn đệ kia và bà Maria Mađalêna; ở
đây, động từ idein được dùng cho người môn đệ kia), cho phép
chúng ta hiểu rằng có một sự tăng tiến trong chiều sâu tinh thần của việc
“trông thấy” này, là trong thực tế, đức tin của người môn đệ kia đã tăng trưởng
lên đỉnh điểm.
Người môn đệ ẩn danh
chắc chắn đã không nhìn thấy bất cứ điều gì khác hơn là Phêrô đã trông thấy. Có
lẽ ông giải thích những gì ông trông thấy một cách khác với những người khác vì
mối quan hệ đặc biệt tình yêu ông đã có với Chúa Giêsu (kinh nghiệm của Tôma là
việc điển hình, 29:24-29). Dù sao chăng nữa, như đã cho thấy bằng vào thể của động
từ Hy Lạp, đức tin của ông vẫn còn là đức tin ban đầu, đến nỗi mà ông không thể
tìm cách chia sẻ kinh nghiệm này với bà Maria hay ông Phêrô hoặc với bất cứ người
môn đệ nào khác (không có tài liệu tham khảo thêm về việc này).
Tuy nhiên, đối với tác
giả Tin Mừng thứ tư động từ ghép “trông thấy và tin” thật là có ý nghĩa và dành
riêng chỉ về niềm tin vào sự sống lại (xem 20:29). Bởi vì không thể nào tin một
cách thực sự trước khi Chúa đã chết và sống lại (xem 14:25-26; 16:12-15). Bấy
giờ, đức tin-song thị đặc trưng cho toàn bộ chương này và “người môn đệ được
Chúa Giêsu yêu mến” được tình bày như một mẫu mực của đức tin, người thành công
trong việc tìm hiểu sự thật về Thiên Chúa qua vật hữu hình (xem 21:7).
* Vì chưng các
ông còn chưa hiểu theo Kinh Thánh: điều này hiển nhiên đề cập đến tất
cả các môn đệ khác. Ngay cả đối với những người đã sống kề cận với Chúa Giêsu,
lúc ấy rất khó để mà tin vào Người, và đối với các ông, cũng như đối với chúng
ta, cửa ngõ duy nhất cho phép chúng ta bước qua ngưỡng cửa đức tin đích thực là
kiến thức về Kinh Thánh (xem Lc 24:26-27; 1Cr 15:34; Cv 2:27-31)
trong ánh sáng của các dữ kiện của sự sống lại.
5. Một vài câu hỏi để hướng dẫn việc suy niệm và thực
hành của chúng ta
a) Trong cụ thể, “tin vào Chúa Giêsu Đấng Đã Sống Lại
Từ Cõi Chết” có ý nghĩa gì đối với chúng ta? Chúng ta gặp phải những khó khăn
gì? Sự sống lại chỉ duy nhất liên quan đến Chúa Giêsu hay nó thực sự là nền tảng
của đức tin chúng ta?
b) Mối quan hệ mà chúng ta thấy giữa ông Phêrô, người
môn đệ kia và bà Maria Mađalêna rõ ràng là một trong những sự hiệp thông tuyệt
vời trong Chúa Giêsu. Trong những người nào, thực tế nào, và các tổ chức nào
ngày nay mà chúng ta tìm thấy cùng một sự hiểu biết về tình yêu và “cộng đoàn
chung” được thành lập trên danh Chúa Giêsu? Chúng ta có thể đọc được ở đâu những
dấu hiệu cụ thể của tình yêu tuyệt vời đối với Chúa và “tình yêu của Người” đã
linh ứng tất cả các môn đệ?
c) Khi chúng ta nhìn vào cuộc sống của mình và thực tế
chung quanh, gần và xa, chúng ta có nhìn thấy như Phêrô đã nhìn thấy (ông đã
nhìn thấy sự thật, nhưng giữ chặt lấy chúng, đó là, cái chết và việc mai táng của
Chúa Giêsu) hay là chúng ta nhìn thấy như người môn đệ kia đã nhìn thấy (ông
nhìn thấy sự thật và khám phá ra trong đó những dấu hiệu của sự sống mới)?
6. Chúng ta hãy nguyện xin ân sủng và chúc tụng Thiên
Chúa
Với bài thánh ca
trích từ thư của thánh Phaolô gửi các tín hữu tại Êphêsô (trích từ 1:17-23)
Tôi cầu xin Chúa Cha
vinh hiển là Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ban cho anh em thần
khí khôn ngoan để mặc khải cho anh em nhận biết Người. Xin Người soi lòng mở
trí cho anh em thấy rõ, đâu là niềm hy vọng anh em đã nhận được, nhờ ơn Người
kêu gọi, đâu là gia nghiệp vinh quang phong phú anh em được chia sẻ cùng dân
thánh, đâu là quyền lực vô cùng lớn lao Người đã thi thố cho chúng ta là những
tín hữu. Đó chính là sức mạnh toàn năng đầy hiệu lực, mà Người đã biểu dương
nơi Đức Kitô, khi làm cho Đức Kitô trỗi dậy từ cõi chết, và đặt ngự bên hữu Người
trên trời. Như vậy, Người đã tôn Đức Kitô lên trên mọi quyền lực thần thiêng,
trên mọi tước vị có thể có được, không những trong thế giới hiện tại, mà cả
trong thế giới tương lai. Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Kitô và đặt
Người làm đầu toàn thể Hội Thánh; mà Hội Thánh là thân thể Đức Kitô, là sự viên
mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn.
7. Lời nguyện kết
Bối cảnh phụng vụ thì
rất quan trọng trong việc cầu nguyện Tin Mừng này và sự kiện về sự phục sinh của
Chúa Giêsu, nó là trung tâm điểm của đức tin chúng ta và của đời sống Kitô hữu
chúng ta. Trình tự mà đặc điểm của việc phụng vụ Thánh Thể ngày hôm nay và của
cả tuần lễ hướng dẫn chúng ta ngợi khen Đức Chúa Cha và Chúa Giêsu.
Các Kitô hữu, Nạn
Nhân Vượt Qua
Hãy dâng lên sự hy
sinh và ngợi khen.
Chiên cừu được cứu
chuộc bởi Con Chiên;
Và Chúa Giêsu, Đấng
vẹn toàn
Đem những kẻ tội lỗi
về hòa giải với Cha của Người.
Sự chết với cuộc sống
tranh đấu:
Cuộc chiến đấu được
kết thúc cách kỳ lạ!
Cuộc sống của chính
Người Chiến Thắng, bị giết chết,
Thế nhưng lại sống
để trị vì.
Bà Maria ơi, hãy
cho chúng tôi biết:
Hãy nói bà đã thấy
những gì trên đường đi.
Ngôi mộ sự sống đã
được kèm theo;
Tôi đã thấy vinh
quang của Chúa Kitô như Ngài đã sống lại!
Các thiên thần ở đó
đã xác nhận;
Tấm vải liệm cùng với
khăn liệm xếp gọn gàng.
Đức Kitô, niềm hy vọng
của tôi, đã sống lại:
Người đi đến
Galilêa trước các ông.
Chúng tôi biết rằng
Đức Kitô thực sự đã sống lại từ cõi chết.
Vua chiến thắng,
Lòng thương xót của
Người tỏ rõ.
Chúng ta cũng có thể kết
thúc lời nguyện của chúng ta với lời cầu khẩn sống động này bởi một nhà thơ
đương đại, Marcô Guzzi:
Tình Yêu, Tình Yêu,
Tình Yêu!
Tôi muốn cảm nhận,
sống và bộc lộ với tất cả mọi người Tình Yêu này,
Đó là lời cam kết
vui tươi trong thế giới
Và sự liên lạc hạnh
phúc với những người khác.
Chỉ có Ngài mới
tháo gỡ cho tôi, chỉ có Ngài mới giải thoát tôi.
Và tuyết rơi để tưới
cho
Các thung lũng xanh
tươi nhất trong thế giới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét