Trang

Thứ Hai, 3 tháng 12, 2018

Linh Đạo Trong Cái Nhìn Tổng Quan

Linh Đạo Trong Cái Nhìn Tổng Quan
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
02/Dec/2018

Bàn chuyện về “nên thánh” chẳng khác nào bàn chuyện “tình yêu”; vì xem ra, cả hai “chuyên đề” nầy đều thiên về cái “tâm” (tâm linh - spirituel) hơn là về cái “xác” (thể lý, vật chất – corporel, matériel). Mà nói tới “tâm linh” hay ‘tình yêu” thì không dễ chút nào; như cố thi sĩ Xuân Diệu đã từng than thở :

Làm sao cắt nghĩa được tình yêu !

Có nghĩa gì đâu một buổi chiều.

Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt,

Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu…[1]

Cách riêng, trong sinh hoạt và ký ức đức tin Kitô giáo, “đời sống tâm linh” (la vie spirituelle) là cả một kho tàng đa dạng, phong phú. Linh mục Phan Tấn Thành, tác giả của một bộ sách đồ sộ mang tên “ĐỜI SỐNG TÂM LINH”, đã nhận xét và cắt nghĩa điều nầy như sau :

“Thực vậy, giáo lý, phụng vụ, các cơ cấu Kitô giáo thì có thể điển chế thành một khuôn mẫu hay một bộ luật; chứ còn cảm nghiệm tâm linh của các tín hữu thì khó mà thâu về một mối. Một đàng, tại vì mỗi tín hữu có một cảm nghiệm riêng biệt, không ai giống ai, tuỳ theo tâm lý, tính tình, văn hoá của mỗi cá nhân. Đàng khác, Chúa Thánh Thần hướng dẫn mỗi người theo một đường hướng khác nhau : “Ngài phân phát các ân huệ tuỳ ý” (1 Cr 12,11). Phải kể đây là một đặc trưng của đời sống tâm linh Kitô giáo : đời sống tâm linh không phải chỉ là cảm nghiệm sâu thẳm trong tâm hồn, nhưng tiên vàn là chính tác động của Thánh Linh nơi các tâm hồn.”[2]

CHƯƠNG 1 : ĐỊNH NGHĨA - QUAN NIỆM – TÊN GỌI

I. NGỮ NGHĨA VÀ QUAN NIỆM

1. Ngôn ngữ Việt Nam và quan niệm tâm linh :

Theo quan niệm thông thường xưa nay của “bàn dân thiên hạ”, nhất là của đa phần dân chúng “đầu tắt mặt tối, “tay làm hàm nhai”…thì cái gì có liên quan đến hai chữ “tâm linh” cũng đều được xếp chung vào một hạng mục : chuyện trên trời, chuyện cõi thiêng, chuyện xa xôi huyền hoặc…; riêng những người thuộc hàng “đồ đệ của trường phái duy vật, tôn thờ học thuyết “Các-Mác” thì coi đó là chuyện “mê tín của những kẻ duy tâm”[3].

Cũng từ những quan niệm mang tính “bình dân” của số đông hời hợt hay “cố chấp” của một thiểu số “cuồng tín duy vật vô thần”, ý nghĩa và quan niệm về “tâm linh” thường bị xem thường, có khi đố kị, lẫn tránh; tệ hơn nữa, những luận bàn về chủ đề “tâm linh” thường được đánh đồng với “chuyện vẽ ma” trong điển tích của người Trung Hoa ![4]

Tuy nhiên, theo Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng, thì “từ thập kỷ 90 trở đi, từ trong sách vở cho đến đời sống thường nhật, từ “tâm linh” đã trở nên vô cùng quen thuộc, thậm chí nó được dùng nhiều đến mức như một thói quen nhàm chán…”[5]

Cùng với nhận xét đó, tác giả trên đã nêu tên một vài học giả Việt Nam, qua một số tác phẩm được nghiên cứu khá chuyên sâu, đưa ra những định nghĩa và quan niệm về “tâm linh” quân bình và chuẩn xác hơn; hay nói cách khác, không cách xa với các định nghĩa và quan niệm chung của thế giới : Tâm linh chính là “đời sống tinh thần”, thuộc bản chất tư duy, tình cảm hướng thượng và có sự tác động của sức mạnh siêu nhiên…(Xem thêm Nguyễn Đăng Hưng)[6]

Riêng Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, sau khi giới thiệu những quan niệm của các tác giả trên, phần mình đã tóm kết lại như sau :

“Những cấp độ “định nghĩa tâm linh” trên đây dù có khác nhau nhưng điểm chung nhất là gắn tâm linh với cái Thiêng. Cái Thiêng (Sacré) là một phát hiện lớn của loài người với ý nghĩa nó là những giá trị thăng hoa của “cái phàm tục trần thế” và từ lâu được coi là tiêu chí quan trọng bật nhất để nẩy sinh tín ngưỡng, tôn giáo. Điều đáng nói là cái Thiêng trong thế giới đương đại như được tái hiện với những sắc thái và giá trị mới.”[7]

Trong khi đó linh mục Phan Tấn Thành trong “ĐỜI SỐNG TÂM LINH I” – DẪN NHẬP VÀO CÁC KHOA HỌC TÔN GIÁO, có nhắc đến góc nhìn về ý nghĩa tâm linh qua một số nhà nghiên cứu khác cũng đồng quan điểm như trên cùng với một vài ý tưởng bổ sung : Tâm linh thuộc lãnh vực “văn hoá sinh hoạt tinh thần” bao gồm trí tuệ tình cảm, tâm hồn…vừa liên kết vừa tách rời với yêu tố vật chất và là cơ sở dẫn tới tín ngưỡng, tôn giáo, cả mê tín dị đoan… (Xem Phan Tấn Thành)[8]

Chính vì thế, ngoài môi trường Kitô giáo, khó mà tìm thấy một định nghĩa chung, một cách hiểu nhất quán về khái niệm “tâm linh”; trong ngôn ngữ Âu Châu hay Việt ngữ, cả ba từ nầy : Spiritualitas (tâm linh), Religio (tín ngưỡng), Mystica (Thần bí) thường được hiểu cách “hàm hồ”, đan xen lẫn lộn.[9]

2/. Cần thiết cho thế giới hôm nay :

Cùng với những góc nhìn tích cực và tương đối chuẩn xác đó, cọng thêm những áp lực và tác dụng tiêu cực của quá nhiều những nhiễu loạn, động đạt, phức tạp của nền văn minh kỷ thuật hiện đại với trào lưu “duy thực, duy thụ”, con người của thế giới hôm nay đang khao khát và ý thức hơn giá trị và sự cần thiết của đời sống tâm linh.[10]

Cách riêng, đối với những người Kitô hữu, nhất là, với những ai đang dấn thân trong đời thánh hiến, thì “nhịp sống tâm linh” (mà ngôn ngữ Công Giáo gọi là “đời sống thiêng liêng” lại là “một hành trình của lòng trung tín để thuộc trọn về Chúa Kitô”, như xác nhận của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II trong tông huấn “Đời Thánh Hiến” (Vita Consecrata) :

“Chúng ta có thể nói rằng đời sống thiêng liêng, được hiểu như đời sống trong Chúa Kitô và theo sự hướng dẫn của Thánh Thần, là một hành trình của lòng trung tín ngày càng lớn mạnh, trong cuộc hành trình đó, người được thánh hiến được Thánh Thần dẫn dắt và biến đổi nên đồng hành đồng dạng với Chúa Kitô, trong sự trọn vẹn hiệp thông của yêu thương và phục vụ trong Giáo Hội”[11]

Đứng trước những thách đố và đổi thay của xã hội con người hôm nay, đời sống đức tin nói chung hay “đời thánh hiến” nói riêng đều buộc phải “thích nghi và canh tân”. Tuy nhiên, như Công Đồng Vatican lưu ý : cuộc thích nghi và canh tân nào cũng phải ưu tiên chọn lựa điều cốt yếu đó là “canh tân đời sống thiêng liêng” :

“Đời sống tu trì giúp các tu sĩ bước theo Chúa Kitô và kết hợp với Thiên Chúa qua vệc tuyên khấn giữ các lời khuyên Phúc âm, do đó, phải luôn nhớ rằng, những thích nghi hoàn chỉnh với các nhu cầu hiện đại chỉ có thể tạo nên hiệu quả khi tiếp nhận được sinh khí từ việc canh tân đời sống thiêng liêng, đây là yếu tố phải luôn được quan tâm trước nhất ngay cả khi phải gia tăng các hoạt động bên ngài.”[12]

Bởi vì, qua kinh nghiệm ngàn đời của mình, Giáo Hội luôn ý thức và xác tín : giữa bao nhiêu áp lực và thách đố của những trào lưu tục hoá, chính sự hiện diện của những con người chọn sống đời thánh hiến sẽ là “ngọn lửa thiêng giữ ấm” cho “căn nhà tâm linh” của dân Chúa :

“Sự cống hiến của những người thánh hiến nhằm phục vụ phẩm chất đời sống theo Tin Mừng đóng góp vào việc giữ cho sống động, bằng nhiều cách thức, những việc thực hành thiêng liêng trong Dân Thiên Chúa. Các cộng đoàn tu trì luôn tìm cách trở nên những nơi chốn để lắng nghe và chia sẻ Lời Chúa, cử hành phụng vụ, huấn luyện cầu nguyện và đồng hành qua việc linh hướng.”[13]

II. LINH ĐẠO TRONG NGÔN NGỮ KITÔ GIÁO

1. Điểm danh các “tên gọi mang cùng ý nghĩa” :

Cho tới thế kỷ 21 nầy, quả thật thế giới đã tồn tại, đã đi qua một quảng đường dài thăm thẳm; và lịch sử của thế giới không phải chỉ được viết bằng những cuộc chiến tranh, thương mại, chính trị, kỷ thuật, kinh tế…, mà còn chất chứa muôn vàn những giá trị tinh thần, ký ức tâm linh…như một gia bảo thiêng liêng làm nền tảng cho mọi nền văn minh từ đông sang tây, từ Âu sang Á, từ Phi châu đến Mỹ châu, Đại dương châu.[14]

Nói gì thì nói, Kitô giáo với 2000 năm lịch sử, vẫn là nơi chất chứa “kho tàng văn hoá tâm linh” tương đối phong phú, đa diện, xuyên suốt… và cung cấp những khảo cứu, tư liệu, lý chứng…tương đối chuẩn xác[15]; dĩ nhiên trong đó có đầy đủ những dữ liệu liên quan đến đề tài mà chúng ta đang học hỏi: Linh đạo trong Giáo Hội.

Chỉ riêng trong lãnh vực “danh xưng” liên quan đến “đời sống tâm linh” hay “linh đạo” chúng ta cũng được cung cấp rất nhiều hạn từ, tên gọi, diễn ngữ… cùng với những định nghĩa, quan niệm, lập luận…kèm theo.

Sau đây là một số tên gọi đã xuất hiện trong lịch sử Giáo Hội mà nội dung ý nghĩa thường được hiểu tương đương hoặc gần nhau.

a/. Đời sống thiêng liêng (vie spirituelle) : Theo cách thuyên giải của linh mục Phan Tấn Thành, đời “sống thiêng liêng” trong cách hiểu và quan niệm xưa nay theo các nhà thần học về linh đạo, vì có liên quan đến gốc từ “spritus = esprit”, nên cưu mang 3 nội dung với “3 mức độ” sau :

- Là đời sống tinh thần nói chung tương đương với đời sống tâm lý đối lại với đời sống thể chất (matière, matériel), bao gồm các sinh hoạt tinh thần như trí thức, suy tư, tâm lý, tình cảm…)

- Là đời sống theo một lý tưởng, hướng đến Đấng thần linh và rèn luyện để thực hiện lý tưởng đó, tương đương với “đời sống đạo đức, tôn giáo”.

- Là đời sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, sống theo Thần Khí (Gl 5,25 và nhất là chương 8 của thư gởi giáo đoàn Rôma)[16].

Chúng ta có thể tìm thấy ý nghĩa sau cùng nầy trong tông huấn “Đời Thánh Hiến” của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II : “Chúng ta có thể nói rằng đời sống thiêng liêng, được hiểu như đời sống trong Chúa Kitô và theo sự hướng dẫn của Thánh Thần…”[17]

b/. Đời sống trọn lành (vie de perfection) : Đời sống đạt tới sự hoàn thiện theo lời mời gọi của chính Chúa Kitô trong Tin Mừng : “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48)[18]

c/. Đời sống Kitô hữu (vie chrétienne) : Đời sống thuộc về Chúa Kitô, trong Chúa Kitô theo gợi ý của Thánh Phaolô : “Đối với tôi, sống là Chúa Kitô” (Pl 1,21), “Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). (Xem thêm 1 Cr 1,9; Rm 6,8; 2 Tm 2,11)[19]

d/. Đời sống nội tâm (vie intérieure) : Đời sống kết hợp với Thiên Chúa như là nguyên lý chỉ đạo toàn thể cuộc sống được thể hiện qua các hoạt động tâm linh như hồi tâm, suy niệm…[20]

e/. Đời sống siêu nhiên (vie surnaturelle) : Đời sống vượt lên trên cuộc sống tự nhiên để kết hợp với Chúa nhờ sự can thiệp của ân sủng Chúa ban.[21]

f/. Đời sống đạo đức (vie dévote) : Đời sống nên thánh dành cho mọi tín hữu nhờ thực hành lòng đạo đức, tập luyện các nhân đức…[22]

2/. Quan niệm chủ đạo của một thời : TU ĐỨC (ASCÉTIQUE), THẦN BÍ (MYSTIQUE).

Từ thời Trung cổ mãi cho tới khoảng thời gian “tiền Công Đồng Vatican II”, giới thần học hay học thuật liên quan đến “đời sống thiêng liêng”, đến “con đường nên thánh” thường sử dụng hai tên gọi và cũng là hai quan niệm về “hai giai đoạn” trên con đường trọn lành” đó là TU ĐỨC (ASCÉTIQUE) VÀ THẦN BÍ (MYSTIQUE). Phản ảnh cho thói quen sử dụng hai danh từ và quan niệm trên được ghi nhận cụ thể với tên gọi của một tạp chí chuyên về tu đức của Dòng Tên ở Toulouse : “Tạp chí Tu đức và Thần bí” (Revue d’ Ascétique et de Mystique) và một tác phẩm được nhiều cộng đoàn, nhiều nơi chọn làm thủ bản về thần học tu đức của cha Adolphe Tanquerey “Đại cương thần học Tu đức và Thần bí” (Précis de théologie ascétique et mystique, Paris 1923-1924) mà linh mục Phạm Châu Diên đã lược dịch sang tiếng Việt với tựa đề “Tu Đức Học” (Ra Khơi, Sàigòn 1965).[23]

Chúng ta thử dừng lại để tìm hiểu thêm về ý nghĩa và quan niệm của hai từ nầy.

a/. Tu đức (Ascétique) : Tu Đức (còn được gọi là “khổ chế”) chính là việc tập luyện đời sống thiêng liêng, thao luyện tâm linh (exercices spirituelles) bao gồm những việc thực hành đạo đức như hãm mình, ép xác, trừ khử các nết xấu, cho tới việc tập tành nhân đức cũng như việc cầu nguyện. Cũng trong ý nghĩa đó, Thánh Ignatio Loyola, vị sáng lập Dòng Tên đã xướng xuất một đường lối tĩnh tâm mang tên “Linh Thao” (exrcices spirituelles = tập dụng thần công). Từ thời Trung cổ cho tới gần đây, các nhà thần học về đời sống thiêng liêng đã cho rằng tu đức (ascétique) như đã nói trên được hiểu là “giai đoạn đầu tiên” (sơ cấp và trung cấp, mang tính chủ quan do con người chủ động) trên con đường thánh thiện, để phân biệt với “giai đoạn cao cấp cuối cùng” là thần nhiệm hay thần bí (mystique) mang tính khách quan do ân sủng, Chúa tác động, can thiệp.[24]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét