28/04/2019
Chúa Nhật 2 PHỤC SINH năm C
Kính Lòng Thương Xót Chúa.
(phần I)
Bài Ðọc I: Cv 5, 12-16
"Số người tin vào Chúa ngày càng gia tăng".
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Khi ấy, các Tông đồ làm nhiều phép lạ và nhiều việc phi thường trong dân,
và tất cả mọi người tập họp tại hành lang Salômôn; nhưng không một ai khác dám
nhập bọn với các tông đồ. Nhưng dân chúng đều ca tụng các ngài. Số những người
nam nữ tin vào Chúa ngày càng gia tăng, đến nỗi họ mang bệnh nhân ra đường phố,
đặt lên giường chõng, để khi Phêrô đi ngang qua, ít nữa là bóng của người ngả
trên ai trong họ, thì kẻ ấy khỏi bệnh. Ðông đảo dân chúng ở những thành phụ cận
Giêrusalem cũng tuôn đến, mang theo bệnh nhân và những người bị quỷ ám. Mọi người
đều được chữa lành.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 117, 2-4.
22-24. 25-27a
Ðáp: Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa
hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở (c. 1).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Hỡi nhà Israel, hãy xướng lên: "Ðức từ bi của Người muôn
thuở". Hỡi nhà Aaron, hãy xướng lên: "Ðức từ bi của Người muôn thuở".
Hỡi những người tôn sợ Chúa, hãy xướng lên: "Ðức từ bi của Người muôn thuở".
- Ðáp.
2) Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường.
Việc đó đã do Chúa làm ra, việc đó kỳ diệu trước mắt chúng ta. Ðây là ngày Chúa
đã thực hiện, nên chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó. - Ðáp.
3) Thân lạy Chúa, xin gia ơn cứu độ; thân lạy Chúa, xin ban cho đời sống
phồn vinh. Phúc đức cho Ðấng nhân danh Chúa mà đến; từ nhà Chúa, chúng tôi cầu
phúc cho chư vị. Chúa là Thiên Chúa và đã soi sáng chúng tôi. - Ðáp.
Bài Ðọc II: Kh 1,
9-11a, 12-13. 17-19
"Ta đã chết, nhưng đây Ta vẫn sống đến muôn đời".
Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.
Tôi là Gioan, anh em của chư huynh, đồng phần chia sẻ sự gian truân,
vương quyền và kiên nhẫn trong Ðức Giêsu Kitô, tôi đã ở đảo Patmô vì lời Chúa
và vì làm chứng Ðức Giêsu. Một Chúa Nhật nọ, tôi xuất thần và nghe phía sau tôi
có tiếng phán lớn như tiếng loa rằng: "Hãy viết những điều ngươi thấy vào
sách và gởi đến bảy giáo đoàn ở Tiểu Á". Tôi quay lại để xem coi tiếng ai
nói với tôi. Vừa quay lại, tôi thấy bảy chân đèn bằng vàng, và ở giữa bảy chân
đèn bằng vàng đó tôi thấy một Ðấng giống như Con Người, mặc áo dài và ngang
lưng thắt một dây nịt bằng vàng. Vừa trông thấy Người, tôi ngã xuống như chết
dưới chân Người; Người đặt tay phải lên tôi và nói: "Ðừng sợ, Ta là Ðấng
trước hết và là Ðấng sau cùng, Ta là Ðấng hằng sống; Ta đã chết, nhưng đây Ta vẫn
sống đến muôn đời. Ta giữ chìa khoá sự chết và địa ngục. Vậy hãy viết những gì
ngươi đã thấy, những điều đang xảy ra và những điều phải xảy ra sau này".
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Ga 20, 29
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên
con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin". - Alleluia.
Phúc Âm: Ga 20, 19-31
"Tám ngày sau Chúa Giêsu hiện đến".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều
đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng:
"Bình an cho các con". Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và
cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại
phán bảo các ông rằng: "Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy
cũng sai các con". Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: "Các
con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các
con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại". Bấy giờ trong Mười hai Tông
đồ, có ông Tôma gọi là Ðiđymô, không cùng ở với các ông khi Chúa Giêsu hiện đến.
Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: "Chúng tôi đã xem thấy Chúa".
Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: "Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở
tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay
vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin".
Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông.
Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán:
"Bình an cho các con". Ðoạn Người nói với Tôma: "Hãy xỏ ngón tay
con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy;
chớ cứng lòng, nhưng hãy tin". Tôma thưa rằng: "Lạy Chúa con, lạy
Thiên Chúa của con!" Chúa Giêsu nói với ông: "Tôma, vì con đã xem thấy
Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin!"
Chúa Giêsu còn làm nhiều phép lạ khác trước mặt các môn đệ, và không có
ghi chép trong sách này. Nhưng các điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng
Chúa Giêsu là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh
Người.
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Chúa sống
lại đang ở giữa Hội Thánh
Chúng ta vừa nghe đọc một bài sách Công vụ các Tông đồ, một bài sách Khải
huyền và một bài Tin Mừng theo thánh Gioan. Ðó là ba quyển sách mà Phụng vụ sẽ
trích đọc trong tất cả các Chúa nhật Phục sinh năm nay; và cũng theo thứ tự
trên. Không nhất thiết mỗi lần ba bài đọc ấy đều ăn ý với nhau; nhưng luôn luôn
cả ba đều nói về mầu nhiệm Phục sinh. Cứ chung mà nói, các Tin Mừng sẽ cho
chúng ta thấy Chúa sống lại hiện ra với các tông đồ. Các bài sách Công vụ nói
Tin Mừng Phục sinh đã xây dựng Hội Thánh thế nào; và các bài sách Khải huyền mở
cửa trời cho chúng ta chiêm ngưỡng Chúa Phục sinh ở trên ấy. Như vậy, trong suốt
mùa Phục sinh này, chúng ta sẽ được hiểu biết mầu nhiệm Chúa sống lại ở những
bình diện khác nhau và bù đắp cho nhau. Chúng ta sẽ thấy nhờ việc sống lại từ kẻ
chết, Chúa Giêsu còn hiện diện và hoạt động hơn trước nơi tâm hồn tín hữu,
trong Hội Thánh của Người và hướng dẫn lịch sử các dân tộc nữa.
Chúng ta sẽ cố gắng tiếp thu giáo huấn của phụng vụ trong mùa này để làm
sống động ơn Phục sinh mà Chúa đã ban cho chúng ta một cách đặc biệt trong ngày
kỷ niệm việc Người sống lại. Và chúng ta sốt sắng đón nhận thêm ơn ấy mỗi khi
tham dự thánh lễ. Ðó là những công việc chúng ta bắt đầu làm ngay từ trong
thánh lễ này, để hiểu biết hơn và đón nhận nhiều hơn ơn phục sinh của Chúa.
Vậy trước hết, các bài Kinh Thánh đọc hôm nay, nói gì với chúng ta? Chúng
ta nên gọi Chúa nhật này là Chúa nhật của thánh Tôma hay là Chúa nhật của Hội
Thánh? Thiết tưởng, tuy câu chuyện về thánh Tôma hôm nay rất nổi, chúng ta vẫn
không thấy hình ảnh của ông che hết được những sự kiện khác đã xảy đến cho Hội
Thánh sau ngày Chúa sống lại. Cả ba bài đọc dường như đều chú trọng đến việc
Chúa sống lại đang ở giữa Hội Thánh và chúng ta nên gọi Chúa nhật này là Chúa
nhật của Hội Thánh được Chúa sống lại viếng thăm. Ngay cả câu chuyện về thánh
Tôma cũng nằm trong bối cảnh chung này. Và vì nó rất nổi, chúng ta hãy bắt đầu
với nó.
1. Chúa Sống lại Hiện
Ra Với Các Tông Ðồ
Câu chuyện Tôma xảy ra vào ngày thứ 8 sau hôm Chúa sống lại tức là vào
chính ngày hôm nay, sau khi chúng ta đã mừng lễ Phục Sinh của Chúa vào Chúa Nhật
trước. Vì lý do ấy, năm nào phụng vụ cũng đọc bài Tin Mừng này vào Chúa Nhật II
Phục Sinh. Nhưng sở dĩ có việc Chúa hiện ra với Tôma là vì 8 hôm trước Chúa đã
hiện ra với các môn đệ. Hôm ấy Tôma không có mặt. Ðược anh em nói cho biết Thầy
đã sống lại và hiện ra, ông thấy thiệt thòi và thua kém. Nhất nữa ông là người
đã giục anh em: "Nào chúng ta hãy lên Giêrusalem với Thầy và chịu chết với
Thầy". Ông nghĩ mình có quyền được xem thấy Chúa sống lại ít là như mọi
anh em.
Thế nên ông cương quyết không chịu tin lời anh em kể lại về việc Chúa đã
hiện ra và ông đòi phải được sờ vào Người. Tên của ông lại có nghĩa là
"sinh đôi", nên ông muốn được Chúa lập lại cho ông thấy việc Người đã
làm cho anh em.
Chúng ta có quyền nghĩ về tâm lý Tôma như vậy, vì Thánh Kinh đã khẳng định
một điều chắc chắn các tông đồ đã được xem thấy Chúa sống lại. Thế mà Tôma cũng
là một tông đồ. Ông phải được Chúa sống lại hiện ra để chứng của ông cũng chắc
chắn như chứng của mọi anh em. Và rất có thể trong câu chuyện này, tác giả
Gioan cũng đã theo thói quen của mình, lấy trướng hợp một cá nhân để làm sáng tỏ
việc xảy đến cho nhiều người. Việc Tôma vắng mặt lúc Chúa hiện ra lần đầu tiên
với các môn đệ, là hữu ý để người ta lại được thấy Chúa hiện ra nữa và rõ hơn,
để không ai còn có thể nghi ngờ được nữa.
Quả vậy, đọc kỹ bài tường thuật hôm nay, chúng ta thấy tác giả Gioan kể
hai lần Chúa hiện ra dường in hệt như nhau. Lần sau như chỉ "lập lại"
lần trước, chỉ cá biệt và rõ ràng hơn thôi. Chúng ta thấy hai lần đều xảy ra
vào ngày Chúa nhật, ngày của Chúa sống lại, ngày Hội Thánh gặp nhau, ngày Chúa
phục sinh đến gặp gỡ Hội Thánh. Ðiều đáng để ý là cả hai lần nhà cửa các môn đệ
đều đóng kín. Như vậy, lần hiện ra trước chưa đủ làm cho họ trở thành những con
người mới sao? Hay là tác giả Gioan còn muốn giữ họ ở lại trong nhà cho đến
ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống? Chúng ta có thể nghiêng về ý nghĩa sau, vì hôm
Chúa hiện ra có mặt cả Tôma, cửa nhà các môn đệ còn đóng kín nhưng không thấy
nói "vì sợ người Do Thái" nữa.
Rồi Chúa cũng đột xuất đứng giữa họ và nói: "Bình an cho các
ngươi". Người ta có thể nghĩ Người đã dùng công thức chào hỏi thông thường
của người Do Thái, nhưng đang lúc các môn đệ còn ở trong nhà đóng kín cửa, lời
chào ấy có một ý nghĩa khác. Nó có tác động trấn an thật sự, nếu chúng ta chưa
muốn gán cho nó hiệu lực của mầu nhiệm thập giá đã đem bình an này mới là sự
bình an mà Ðức Giêsu trước đây đã hứa với môn đệ rằng: "Thầy để bình an lại
cho các con; Thầy ban bình an của Thầy cho các con, sự bình an mà thế gian
không thể ban được".
Dù sao, sau đó Người đã cho môn đệ thấy tay và cạnh sườn của Người. Và
riêng hôm nay, Người bảo Tôma hãy đem ngón tay đặt vào đấy. Trong cả hai lần
cũng là một việc, tuy lần sau có rõ hơn lần trước nhưng cũng chỉ có một ý
nghĩa. Chúa làm như vậy không phải để trấn an môn đệ, vì tính cách đột xuất của
việc hiện đến có thể khiến họ tưởng Người là ma. Không, ma không thể có thân thể
như Người có đây.
Tuy nhiên, Chúa đã nhằm cho môn đệ tin Người đã sống lại. Người đã chết
thật, nhưng đã sống lại. Các vết thương làm chứng Người đã chết; nhưng con người
đã chịu những vết thương đó bây giờ đang sống giữa họ đây. Người đã sống lại thật.
Họ phải tin như vậy.
Lần trước, niềm tin ấy đã khiến họ mừng rỡ. Hôm nay, niềm tin đã được đào
sâu và tiến bộ. Họ như nói trong lời tuyên xưng của Tôma: "Lạy Chúa tôi và
là Thiên Chúa của tôi". Chúng ta thường để ý đến lời Tôma phát biểu trước
đây khi nghe anh em nói rằng Thầy đã sống lại và hiện ra. Nhưng chúng ta lại
hay quên lời tuyên xưng của ông hôm nay.
Ðó là lời tuyên xưng đầu tiên và căn bản của Hội Thánh về Ðức Giêsu Kitô
sau khi đã ý thức việc Người sống lại. Chính niềm tin về sự Phục Sinh của Người
đã khiến Hội Thánh thấy Người là Chúa và là Thiên Chúa của mình. Và Hội Thánh bắt
đầu tuyên xưng Người như vậy. Tác giả Gioan đã cho Tôma được vinh dự nói lời
tuyên xưng ấy lần đầu tiên ở trong Hội Thánh. Như vậy, tác giả đâu có muốn cho
Tôma bị tiếng là cứng lòng tin? Chúng ta phải nghĩ rằng Gioan đã dành cho Tôma
vinh dự tiêu biểu cho Hội Thánh: trước chưa tin, rồi đã tin và mỗi ngày càng
tin sâu xa hơn, đến nỗi trước mới chỉ vui mừng vì đã tin và đã được cứu độ; sau
đã sốt sắng tuyên xưng niềm tin ấy và muốn chia sẻ ơn cứu độ cho mọi người.
Thật vậy, hôm trước thấy môn đệ đã tin thì Chúa Giêsu đã thở hơi ban
Thánh Thần cho họ để họ có thể tha tội cho người ta. Hôm nay chúng ta thấy ý tưởng
truyền giáo ấy được gói trong câu Chúa bảo Tôma: "Bởi thấy Ta, ngươi đã
tin; phúc cho những ai không thấy mà tin". Cả hai hôm đều có sự phân biệt
giữa đoàn môn đệ và người ta. Môn đệ nhận được Thánh Thần và đức tin là để người
ta được khỏi tội và được tin. Hạng trước phải phục vụ hạng sau. Chúa sống lại
hiện ra với các tông đồ là để họ trở thành nhân chứng về sự Phục Sinh của Người
ở trước mặt các dân tộc; và để họ thành lập cộng đồng các tín hữu. Chúng ta hãy
xem họ có làm nổi công việc này không?
2. Các Tông Ðồ Xây Dựng
Hội Thánh
Bài sách Công Vụ Các Tông Ðồ hôm nay là một trong ba bản văn tóm tắt tình
hình chung của Hội Thánh ở buổi đầu tiên (xem chương 2,42 và 4,32). Thật ra mỗi
bản văn đã làm nổi bật một số điểm trên một cái nền chung. Ở đây, tác giả chú
trọng đến việc các tông đồ đã làm được nhiều dấu lạ điềm thiêng. Và điều này
khá phù hợp với tư tưởng của hai bài Kinh Thánh khác trong thánh lễ hôm nay, nhất
là bài Tin Mừng chúng ta vừa đọc.
Nhưng trước hết chúng ta hãy để ý đến nền ảnh chung. Tác giả viết:
"Bấy giờ họ đồng tâm nhất trí thường họp với nhau hết thảy nơi trụ lang
Salomon". Ðiều này làm chứng cho những lời tác giả nói trước đây. Các tín
hữu của Chúa thời bấy giờ hiệp nhất như chỉ có một linh hồn. Và cũng phải nói:
họ như chỉ có một thân thể nữa, vì họ không thể nào chịu để cho trong họ có người
thiếu thốn. Thế nên ai có sở hữu nhiều thì đã đem bán đi, lấy tiền, đem lại cho
các tông đồ để chia sẻ cho những người túng thiếu hơn.
Tuy nhiên, điều đáng để ý nhất ở nơi họ, vẫn là sự đồng tâm nhất trí về
tinh thần, biểu lộ đặc biệt trong những khi họ hội họp nhau để nghe giáo huấn
các tông đồ và cử hành phụng vụ. Ở đây, chúng ta thấy họ đang có mặt ở tất cả ở
các trụ lang Salomon là chỗ khá rộng rãi thuộc đền thờ để tín hữu làm công việc
thờ phượng. Chính tại nơi này, xưa kia Chúa Giêsu đã đi đi lại lại (Ga 10,23);
và cách đây lít lâu, Phêrô đã làm cho một người què được khỏi tức thì.
Hôm nay, tín hữu của Chúa cũng họp nhau lại đây để nghe giáo huấn và cầu
nguyện. "Không ai dám sát lại gần họ". Vì sợ người Do Thái ư? Chắc
không phải, vì như sau sẽ nói, số tín hữu cứ mỗi ngày mỗi tăng. Nhưng người ta
chưa dám lại gần cộng đoàn dân Chúa chỉ vì đang là giờ phụng vụ riêng của Hội
Thánh mà người ta chưa thể tham dự được. Cũng rất có thể những lúc như vậy người
ta thấy họ được dồi dào các ơn Thánh Thần và sốt sắng đặc biệt, như tác giả
sách Công vụ đã nhiều lần nói (vd. 4,31).
Dù sao không dám lại gần, nhưng người ta cũng ca tụng họ vì quả thật họ
đáng ca tụng khi hội họp nhau đồng tâm nhất trí và sốt sắng như vậy. Dĩ nhiên sự
ca tụng này cũng bao gồm cả những lần khác khi người ta thấy các tín hữu ăn ở tốt
lành và có lòng bác ái chia sẻ trong đời sống xã hội.
Chính những hình ảnh đẹp đẽ này đã lôi kéo nhiều người gia nhập dân Chúa,
mỗi ngày mỗi đông, đoàn đoàn lũ lũ, đàn ông đàn bà. Và gia nhập có nghĩa là tin
theo Chúa khiến chúng ta thấy các môn đệ đã thi hành được sứ mạng Chúa giao cho
mình. Sau khi sống lại, như bài Tin Mừng hôm nay viết, Chúa đã hiện ra với họ,
ban Thánh Thần để họ tha tội, ban đức tin để họ làm cho có nhiều người không thấy
Chúa mà vẫn tin. Thế thì bài sách Công vụ hôm nay cho thấy ơn Thánh Thần và đức
tin của các môn đệ càng ngày càng lan sang cho đoàn đoàn lũ lũ. Hội Thánh đã
thành hình và phát triển nhờ ơn Chúa Phục Sinh vậy.
Ở giữa Hội Thánh này, các tông đồ đóng một vai trò quan trọng, và đặc biệt
là Phêrô. Chúa làm cho họ được nhiều dấu lạ điềm thiêng để củng cố lời rao giảng
của họ, như Người đã từng hứa; và như họ vẫn thường xin (4,30). Họ biết khả
năng tự nhiên của họ quá ít; họ còn ý thức hơn nữa tính cách siêu việt của Lời
Chúa và sự khó đoán nhận tự nhiên của xác thịt về phía người nghe. Chúa có trợ
sức, lời giảng về Mầu nhiệm Thập giá mới trở thành thần lực. Và khi có dấu lạ
điềm thiêng kèm theo, lời giảng Tin Mừng mới có sức mạnh.
Chúng ta hãy chú ý: các dấu lạ điềm thiêng ở đây không hề có tính cách
phô trương mê hoặc, nhưng hoàn toàn chỉ bày tỏ ơn Thánh Thần và bác ái. Ðặc biệt
hôm nay chúng ta thấy toàn là việc chữa bệnh tật để nói lên ơn tha tội và sự sống
Phục Sinh của lời giảng. Và khi nhìn thấy quang cảnh người ta từ khắp nơi
khiêng bệnh nhân đến và đặt la liệt trên đường đi cho bóng của Phêrô đi ngang
qua rợp trên những người đau yếu, làm sao tự nhiên chúng ta lại không nhớ lại
Chúa Giêsu ngày trước đã nhiều lần như thế. Phêrô bây giờ là hình ảnh của người,
và là hiện thân của Chúa Phục Sinh, nếu chúng ta nói được như vậy. Nhất là khi
Phêrô xua trừ được tà thần, thì rõ rệt sức mạnh của Chúa Giêsu sống lại đang ở
với ông và ở trong Hội Thánh. Chúa Giêsu đang ở cùng Hội Thánh hằng ngày cho đến
tận thế. Và điều này cũng được bài sách Khải Huyền hôm nay nói lên.
3. Hội Thánh Của Chúa
Sống Lại
Tác giả Gioan tự giới thiệu mình như là một phần tử đang ở giữa cộng đoàn
dân Chúa. Người là anh em với mọi người; và đang đồng hành với anh em. Một thân
phận chung đang trùm lên mọi người. Hội Thánh của Chúa ở trần gian đang trong
cơn thử thách; nhưng đó là thử thách mang lại vương quyền như cuộc tử nạn của
Chúa Giêsu trước đây. Và vì thế Hội Thánh đang kiên nhẫn ở trong Người.
Nói một cách cụ thể hơn, Gioan đang chia sẻ sự bắt bớ mà Hội Thánh đang
chịu. Ông, bị đày ra đảo Patmos vì Lời Chúa và vì chứng của Chúa Giêsu. Ông đã
thi hành sứ mạng Tông đồ, rao giảng Lời Chúa và làm chứng cho Chúa Giêsu, nên
người ta đày ông ra đảo này.
Nhưng cho dù bị tách rời anh em về phần xác, Gioan vẫn ở giữa cộng đồng Hội
Thánh bằng tinh thần và ngày Chúa nhật hôm ấy, ngày Hội Thánh gặp nhau, ngày
Chúa viếng thăm Hội Thánh cách đặc biệt, Gioan được "ngất trí" để sống
giữa Hội Thánh và phục vụ Hội Thánh với cương vị tông đồ của mình.
Ông nghe thấy có tiếng nói lên ở đàng sau tựa tiếng loa. Ðó là tiếng
"thần thánh" nói trong "đầu óc" ông. Tiếng đó bảo ông phải
viết những điều ông trông thấy để gởi các giáo đoàn, tức là cho cả Hội Thánh.
Ông phải làm vai trò rao giảng Lời Chúa như ơn Chúa đã kêu gọi ông.
Và ông thấy gì? Có 7 trụ đăng vàng, tiêu biểu cho 7 giáo đoàn sẽ nhận được
thư ông. Và giữa các trụ đăng ấy có ai giống như Con Người, mình bận áo chùng,
lưng thắt đai vàng. Chẳng thể hồ nghi gì nữa, đó là Chúa Giêsu ở giữa Hội
Thánh, mặc áo tư tế và thắt lưng đai vua. Cảnh tượng ấy khiến Gioan lập tức sấp
mình kính sợ thờ lạy. Nhưng Chúa Giêsu đã đặt tay hữu lên ông và bảo: đừng sợ!
Rồi Người cho ông biết: Người là Ðầu hết và là Sau hết; là Ðấng Hằng Sống, nắm
giữ chìa khóa sự chết và âm phủ. Người bảo ông hãy viết những điều này và những
điều sau này nữa mà gửi cho Hội Thánh.
Chúng ta hãy hiểu ý của Người, khi xưng mình là Ðầu hết và Sau hết, Chúa
Giêsu đã đồng hóa mình với Thiên Chúa theo công thức mà Isaia đã viết trong Cựu
Ước. Người ta đừng tưởng Người đã chết trên thập giá. Không, Người đã sống lại
và là Ðấng Hằng Sống. Người đã chết và sống lại để nắm được chìa khóa (tức quyền
hành) của sự chết và của âm phủ). Những lời mạc khải này quan trọng biết bao!
Nó củng cố niềm tin của Hội Thánh về việc Chúa chết và sống lại. Và được nghe
trong lúc bị bắt bớ, đày ải, những lời ấy tăng thêm sức mạnh kiên nhẫn cho Hội
Thánh hơn hết mọi liều thuốc hồi sinh.
Bài sách Khải huyền, vì thế, rất phù hợp với Hội Thánh thời thánh Gioan.
Và đối với chúng ta đang sống trong thân phận lữ khách trần gian, mạc khải vừa
nghe cũng đem lại nhiều an ủi. Nhưng nhất là chúng ta phải thấy rõ Chúa Giêsu
Phục Sinh hằng ở giữa Hội Thánh như vị Thượng Tế của đạo mới, như vị thủ lãnh
có vương quyền và như Thiên Chúa đang nắm giữ vận mạng của lịch sử. Người không
ở xa Hội Thánh, nhưng ở giữa. Người không bỏ rơi một phần tử nào, nhưng ban sức
cho cả người lưu đày cũng được khả năng thi hành chức vụ. Hoạt động của Người
không giảm đi, theo việc Người chịu chết. Trái lại, cả ba bài Kinh Thánh hôm
nay đều cho thấy, từ sau ngày sống lại, Chúa Giêsu đã hoạt động hơn trước với
quyền lực mới, nắm giữ cả chìa khóa sự chết và âm phủ, khiến tà thần và bệnh tật
cũng phải lui mau khi các Tông đồ và Hội Thánh của Người đến gần...
Trong thánh lễ cử hành bây giờ, Chúa Giêsu cũng đến với quyền lực như thế.
Người có thể làm ra những Tôma mới; Người ban cho Hội Thánh sự hiệp nhất và sức
mạnh mới; Người tỏ ra vẫn hiện diện mới mẻ giữa Hội Thánh. Ước gì chúng ta biết
đón nhận Người với lòng tin của Tôma; cộng đoàn phụng vụ chúng ta muốn chứng tỏ
tình hiệp nhất và khả năng đổi đời nhiều hơn, để chứng tỏ Ðức Giêsu hôm qua,
hôm nay và mãi mãi, là Ðấng Hằng Sống, hằng trị, và hằng cứu độ mọi người.
Amen.
(Trích dẫn từ tập
sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục
Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Chủ Nhật 2 Phục Sinh, Năm C, Chúa
Thương Xót
Bài đọc: Acts 5:12-16; Rev 1:9-11a, 12-13, 17-19; Jn 20:19-31.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phúc cho ai
không thấy mà tin.
Nhiều người nghĩ họ chỉ tin khi
nào thấy tận mắt hay có thể hiểu được; nếu không, họ kết luận tin mà không thấy,
không hiểu là mê tín, dị đoan. Họ quên đi họ cũng đã tin rất nhiều thứ không thấy
và không hiểu được; chẳng hạn như: tin lịch sử, giòng điện, gió hay hơi thở.
Khi tin những điều này, họ dựa vào thế giá của các nhân chứng hay hiệu quả của
những gì họ không thấy được. Trong lãnh vực niềm tin cũng thế, con người tin
không phải vì đã thấy Chúa; nhưng vì đã nhìn thấy hiệu quả của uy quyền và tình
yêu của Ngài trong vũ trụ, qua đời sống của các chứng nhân, hay cảm nghiệm của
chính cá nhân họ trong cuộc đời.
Các bài đọc hôm nay nêu bật những
sự kiện con người phải dựa vào để tin Thiên Chúa và Đức Kitô. Trong bài đọc I,
tác giả Sách Công Vụ Tông Đồ nhấn mạnh đến việc tuy không thấy việc Chúa Giêsu
Phục Sinh từ ngôi mộ hay nhìn thấy Ngài cách nhãn tiền; nhưng qua lời làm chứng
của các tông đồ và những phép lạ các ông làm, rất nhiều người đã tin vào Ngài.
Trong bài đọc II, tác giả Sách Khải Huyền ghi chép lại những gì ông đã thấy về
những gì sắp xảy ra cho bảy giáo đoàn tại Tiểu Á. Mục đích là để các tín hữu của
giáo đoàn xét mình, nhận ra những ưu và khuyết điểm để kịp thời sửa chữa. Trong
Phúc Âm, tông đồ Thomas từ chối không tin vào lời chứng của 10 tông đồ và ông
xác tín ông chỉ tin khi nhìn thấy Chúa Giêsu tận mắt. Chúa Giêsu hiện ra cho
ông thấy tận mắt; nhưng khuyến cáo ông: chỉ tin khi thấy là điều tầm thường,
nhưng phúc cho những ai không thấy mà tin.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Nhiều dấu lạ điềm thiêng được thực hiện trong dân, nhờ bàn tay các
tông đồ.
1.1/ Phêrô và các tông đồ làm cho nhiều
người tin vào Đức Kitô: Bằng chứng rõ ràng nhất của sự
Phục Sinh là sự thay đổi hầu như hoàn toàn nơi các tông đồ, từ những con người
yếu đuối, nhát đảm, sợ sệt, chạy trốn trong Cuộc Thương Khó; nay các ông thành
những người can đảm, mạnh dạn, và sẵn sàng làm chứng cho Chúa Giêsu, đến nỗi
Thượng Hội Đồng cũng phải sợ các ông. Chứng kiến sự thay đổi và nghe những lời
làm chứng của các ông, “càng ngày càng có thêm nhiều người tin theo Chúa, cả
đàn ông đàn bà rất đông.”
Chúa Giêsu đã thấy trước những hiệu
quả này khi Ngài chọn, huấn luyện và sai các ông đi rao giảng và chữa lành ngay
cả trước biến cố Phục Sinh (x/c Mt 10:7-9; Mk 3:13-15, 6:12-13, 16:17-18; Lk
9:1-2). Các môn đệ đã vâng lời ra đi và trở về tường thuật cho Ngài những kết
quả họ thu nhận được. Sau biến cố Phục Sinh, họ ra đi với niềm tin được xác tín
mạnh mẽ hơn, và hậu quả họ thu nhận được nhiều hơn.
1.2/ Phêrô và các tông đồ được Đức
Kitô ban quyền chữa bệnh: Trừ quỉ và chữa lành là những gì
Đức Kitô đã làm để khơi dậy niềm tin nơi khán giả, các tông đồ của Người cũng
được trao quyền làm những phép lạ như vậy để khơi dậy niềm tin trong con người
vào Đức Kitô.
Giống như Tin Mừng Nhất Lãm tường
thuật sự kiện mọi người chen lấn nhau để mong chạm được gấu áo của Chúa Giêsu,
tác giả Sách CVTĐ cũng tường thuật: “Người ta còn khiêng cả những kẻ đau ốm ra
tận đường phố đặt trên giường trên chõng, để khi ông Phêrô đi qua, ít ra cái
bóng của ông cũng phủ lên được một bệnh nhân nào đó. Nhiều người từ các thành
chung quanh Jerusalem cũng lũ lượt kéo đến, đem theo những kẻ ốm đau cùng những
người bị thần ô uế ám, và tất cả đều được chữa lành.”
2/ Bài đọc II: Ta là Đấng Hằng Sống, Ta đã chết, và nay Ta sống đến muôn thuở
muôn đời.
2.1/ Các giáo đoàn cần trung thành với
đức tin và những lời dạy dỗ của Đức Kitô.
Tục ngữ Việt Nam có câu để mô tả
sự yếu đuối của con người: “Chầu lâu gối mỏi.” Sau thời gian nhiệt thành của
giây phút ban đầu, nồng độ của đức tin và đức mến của các tín hữu sẽ từ từ suy
giảm với thời gian; nhất là khi con người phải đương đầu thường xuyên với các
cám dỗ của ba thù. Tác giả của Sách Khải Huyền được lệnh của Thiên Chúa trong
thị kiến đầu tiên viết những lời cảnh giác cho bảy giáo đòan tại Tiểu Á. Mục
đích là để giúp họ biết xét mình, nhận ra những tội lỗi và sửa chữa kịp thời; nếu
không, họ sẽ phải chịu những kết quả của tội đem lại khi Đức Kitô đến lần thứ
hai.
Đọc chi tiết những gì ông Gioan
viết bảy Hội Thánh tại Tiểu Á: Êphêsô, Myrna, Pergamô, Thyatira, Sardis,
Philadelphia và Laodicea; chúng ta có thể nhận ra những cám dỗ của ba thù nơi
chính chúng ta. Mọi người cần phải thường xuyên xét mình để nhận ra mức độ tin
yêu họ dành cho Đức Kitô.
2.2/ Các danh xưng trong trình thuật
muốnnói lên uy quyền của Đức Kitô:
- Ta là Đầu và là Cuối: Đức Kitô
là khởi nguyên và là chung cuộc; không có gì có thể thay đổi được Ngài hay thay
đổi những gì Ngài dạy dỗ. Người tín hữu cần trung thành với đức tin và những
giáo huấn của Đức Kitô; chứ đừng chạy theo những hệ thống tư tưởng và trào lưu
nhất thời của thế gian, kẻo phải lãnh nhận những thiệt hại cho bản thân, gia
đình, và cộng đoàn.
- Ta là Đấng Hằng Sống, Ta đã chết,
và nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời: Đức Kitô vẫn đang sống trong các tín hữu
và trong Giáo Hội qua sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Các tín hữu cần lắng
nghe và tuân theo những gì Ngài hướng dẫn và dạy bảo.
- Ta giữ chìa khoá của Tử thần và
Âm phủ: Đức Kitô có quyền trên cả sự chết ở đời này và sự chết đời đời. Người
tín hữu không được sợ hãi và lùi bước trước bất cứ quyền lực nào của thế gian
hay của quỉ thần. Họ chỉ cần vững tin vào Ngài là sẽ thắng vượt được tất cả các
quyền lực này.
3/ Phúc Âm: "Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy
mà tin!"
3.1/ Chúa Giêsu hiện ra với các Tông
đồ không có ông Thomas: Theo Tin Mừng Gioan, các tông đồ
đã được chuẩn bị để đón nhận Tin Mừng Phục Sinh bởi lời của các phụ nữ ra thăm
mộ, và nhất là lời chứng của Mary Magdala về sự hiện ra của Chúa Giêsu với bà;
nhưng các ông vẫn còn hồ nghi về những lời chứng của các phụ nữ.
Trong trình thuật hôm nay, Chúa
Giêsu thân hành hiện đến với các tông đồ để kiện toàn niềm tin của các ông. Có
ba sự kiện của lần hiện ra này chúng ta cần để ý:
(1) Chúa Giêsu Phục Sinh có thể
đi qua cửa đang đóng kín: Trình thuật nói rõ: “Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất
trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người
Do-thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh
em!"”
(2) Ngài mang một thân xác thật,
chứ không phải là hồn người chết hay ảo ảnh: “Người cho các ông xem tay và cạnh
sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa.” Mười môn đệ đều chứng kiến biến cố
này một lúc; nên không ai có thể chối cãi lời chứng của họ được.
(3) Chúa Giêsu thổi hơi và ban
Thánh Thần cho các tông đồ: “Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo:
"Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.” Trước khi chịu Thương Khó, Chúa Giêsu đã
hứa sẽ không để các ông mồ côi, Người sẽ ban cho các ông một Đấng Bảo Trợ khác
là Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu cũng đã mặc khải cho các ông về Thánh Thần như
sau: “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn.
Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ
nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. Người sẽ tôn vinh
Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em” Jn (16:13-14).
Với sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong các tông đồ, các ông sẽ không còn
chút nghi ngờ nào về sự phục sinh của Chúa Giêsu.
3.2/ Chúa Giêsu hiện ra với các Tông
đồ có cả ông Thomas: Vì tông đồ Thomas không có mặt
trong lần hiện ra trước, nên các tông đồ nói với ông: “Chúng tôi đã xem thấy
Chúa.” Tác giả dùng động từ của câu này ở thời “hoàn hảo” để chứng minh niềm
tin hoàn hảo của các tông đồ.
Nhưng ông Thomas từ chối không
tin lời của 10 nhân chứng; ông đòi niềm tin đặt căn bản trên thực nghiệm:
"Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ
đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin."
“Tám ngày sau, các môn đệ Đức
Giêsu lại có mặt trong nhà, có cả ông Thomas ở đó với các ông. Các cửa đều đóng
kín. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em." Rồi
Người bảo ông Thomas: "Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa
tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin."
Chúa Giêsu vẫn đi qua các cửa
đóng kín như lần trước. Ông Thomas chắc phải lạnh người vì không ngờ tất cả những
gì mình nói giờ đây được lặp lại từng chữ trên môi miệng của Chúa Giêsu. Vì thế,
ông Thomas sụp xuống thưa Người: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của
con!" Nhiều tác giả đã phân tích câu tuyên xưng này và nêu bật niềm tin của
Thomas: ông không những tuyên xưng Chúa Giêsu là Chúa, mà còn là Thiên Chúa của
ông nữa.
3.3/ Niềm tin không dựa trên những
gì trông thấy còn tốt hơn: Con người tin vì nhiều cách khác
nhau như nhìn thấy tận mắt, hay cảm thấy hiệu quả, hay vì lời của một, hai, ba,
hay nhiều nhân chứng. Chúa Giêsu xếp loại chỉ tin khi nhìn thấy tận mắt xuống
dưới hàng tin khi không thấy qua lời Ngài tuyên bố với Thomas: "Vì đã thấy
Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!"
Con người cần tin vào lời của
Kinh Thánh hay lời của các chứng nhân, như tác giả của Tin Mừng thứ bốn viết:
“Đức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ
đó không được ghi chép trong sách này. Còn những điều đã được chép ở đây là để
anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được
sự sống nhờ danh Người.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Đức Kitô Phục Sinh là căn bản của
niềm tin chúng ta; vì thế, chúng ta cần học hỏi và làm mọi các để hiểu rõ niềm
tin này.
- Chúng ta cần giữ vững niềm tin
Phục Sinh trong cuộc đời, nhất là những khi bị cám dỗ và chịu bách hại bởi ba
thù.
- Thấy và tin là mức độ thấp nhất
trong tiến trình đức tin. Chúng ta cần lắng nghe tiếng của Chúa Thánh Thần và
tin vào lời các nhân chứng.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.
28/04/19 CHÚA NHẬT TUẦN 2 PS – C
Kính Lòng Thương Xót Chúa
Ga 20,19-31
Kính Lòng Thương Xót Chúa
Ga 20,19-31
CHÚA ĐÃ SỐNG LẠI, ALLÊLUIA!
“Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy
cũng sai anh em.” (Ga 20,21)
Suy niệm: “Lễ Phục Sinh cho thấy bạn có thể
đặt chân lý vào trong ngôi mộ, nhưng chân lý sẽ không lưu lại nơi ngôi mộ ấy. Bạn
có thể đóng đinh chân lý vào thập giá, bọc lại bằng băng vải, và đóng lại bằng
tảng đá, thế nhưng, chân lý ấy sẽ trỗi dậy!” (C. Hall). Ông Tô-ma đã không
tin Thầy mình sẽ sống lại, dù Thầy đã ba lần tiên báo, mặc cho các Tông đồ khác
xác quyết. Thế nhưng, ta phải cảm ơn ông, vì nhờ ông, ta thấy niềm tin Đức
Giê-su sống lại không phải là điều dễ dàng chút nào. Đó không phải là sản phẩm
của những kẻ nhẹ dạ, cả tin, nhưng của những người chín chắn, chân thành, thậm
chí đòi phải nhìn thấy tận mắt, đụng chạm tận tay như ông Tô-ma. Đấng Phục Sinh
đã chiều theo ý ông, khi lần kế tiếp, Ngài như hiện ra riêng cho ông; để rồi
ông có lời tuyên xưng cao nhất vào thần tính của Chúa Giê-su trong sách Tin Mừng:
“Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con.”
Mời Bạn: Giáo Hội hiện hữu nhờ
cái chết và sự sống lại của Chúa Giê-su. Cuộc đời Ki-tô hữu của bạn cũng vậy
thôi, nếu không tin vào Đấng đã chết, đã sống lại và hằng sống, thì cuộc đời bạn
còn có ý nghĩa gì nữa? Và bạn sẽ làm gì để cuộc đời mình có ý nghĩa và đầy hạnh
phúc?
Sống Lời Chúa: Tôi
tập nhìn mọi sự qua lăng kính phục sinh: mọi sự sẽ qua đi, chỉ có niềm tin và
tình yêu với Chúa tồn tại và quyết định vận mạng của tôi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Ki-tô Phục sinh, Chúa dạy con rằng rốt cùng,
sự sống sẽ chiến thắng sự chết, tình yêu chiến thắng hận thù… Xin cho con luôn
nhìn mọi sự kiện xảy ra cho mình qua lăng kính phục sinh. Amen.
(5 phút Lời Chúa)
HÃY NHÌN
XEM
Tin bao giờ cũng đòi một bước nhảy vọt khỏi cái thấy.
Chúng ta không được phúc thấy Chúa theo kiểu Tôma, nhưng chúng ta vẫn được thấy
Chúa theo những kiểu khác.
Suy niệm:
Thân xác chúng ta thường
mang những vết sẹo,
hậu quả của những lần
bị trầy trụa, té ngã.
Có những vết sẹo gợi lại
cả một vùng kỷ niệm.
Dù vui hay buồn thì
cũng là chuyện đã qua.
Vết sẹo làm ta kém đẹp,
nhưng không làm đau như xưa.
Khi Ðức Giêsu phục
sinh hiện ra thăm các môn đệ,
Ngài giúp họ nhận ra
Ngài nhờ những vết sẹo.
Ngài cho họ xem những
vết sẹo ở tay và cạnh sườn.
Những vết sẹo nói lên
một điều quan trọng:
Thầy chính là Ðấng đã
bị đóng đinh và đâm thâu;
Thầy đã chết nhưng Thầy
đã thắng được cái chết.
Chúng ta ngỡ ngàng khi
thấy Chúa phục sinh có sẹo,
dù điều đó chẳng đẹp
gì.
Ngài không ngượng mà
cho các môn đệ xem.
Những cái sẹo sẽ ở mãi
với Ngài trên thiên quốc.
Chúng gợi lên những kỷ
niệm buồn phiền, thất bại, đớn đau.
Nhưng nếu không có
chúng thì cũng chẳng có phục sinh.
Chẳng cần phải xóa đi
khỏi ký ức
cuộc khổ nạn kinh
hoàng và cái chết nhục nhã.
Chúng ta cũng lên
thiên đàng với các vết sẹo của mình.
Sống ở đời sao tránh
khỏi những dập gẫy, thương tích.
Nếu chúng ta đón nhận
mọi sự với tình yêu
thì mọi sự sẽ trở nên
nhịp cầu cứu độ.
Tin Mừng phục sinh là
Tin Mừng về các vết thương đã lành.
Có những vết thương tưởng chẳng
thể nào thành sẹo.
Chúng ta có dám cho
người khác thấy sẹo của mình không?
Cuộc khổ nạn của Thầy
đã làm các môn đệ bị thương.
Các vết sẹo của Thầy sẽ
chữa lành những vết thương đó.
Hẳn Tôma đã nhìn thật
lâu những dấu đinh.
Chính lúc đó ông khám
phá thật sâu một Tình Yêu.
Tình yêu hy sinh mạng
sống và đủ mạnh để lấy lại.
Tình yêu khiêm hạ cúi
xuống để chinh phục ông.
Ông đâu dám mong Thầy
sẽ đích thân hiện đến
để thỏa mãn những đòi
hỏi quá quắt của mình.
Lòng ông tràn ngập niềm
cảm mến tri ân.
Ông ra khỏi được sự cứng
cỏi, khép kín, tự cô lập,
để bước vào thế giới của
lòng tin.
Tôma đã tin vượt quá
điều ông thấy.
Ông chỉ thấy và chạm đến
các vết sẹo của Thầy,
nhưng ông tin Thầy là
Chúa, là Thiên Chúa của ông.
Tin bao giờ cũng đòi một
bước nhảy vọt khỏi cái thấy.
Chúng ta không được
phúc thấy Chúa theo kiểu Tôma,
nhưng chúng ta vẫn được
thấy Chúa theo những kiểu khác.
Cần tập thấy Chúa để rồi
tin.
Có khi phải tập nhìn lại
những vết sẹo của mình,
của Hội Thánh, của cả
thế giới,
để rồi tin rằng Chúa
phục sinh vẫn đang có mặt
giữa những trăn trở và
vấp váp, thất bại và khổ đau.
“Phúc cho những ai
không thấy mà tin”,
và phúc cho những ai
biết thấy nên tin.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
xin cho con luôn
vui tươi.
dù có phải lo âu và
thống khổ,
xin cho con đừng
bao giờ khép lại với chính mình;
nhưng biết nghĩ đến
những người quanh con,
những người -cũng
như con- đang cần một người bạn.
Nếu như con nên yếu
đuối,
thì xin cho con biết
yêu thương và sáng suốt hơn,
thông cảm và nhân từ
hơn.
Nếu bàn tay con run
rẩy,
thì xin giúp con
luôn biết mở ra và cho đi.
khi lâm tử,
xin cho con biết
đón nhận khổ đau và bệnh tật
như một lời kinh.
Ước chi con sẽ chết
trong khiêm hạ và tín thác,
như một lời xin
vâng cuối cùng.
Và con sẽ về nhà
Chúa,
để dự tiệc yêu
thương muôn đời. Amen.
Lm Antôn Nguyễn
Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
28 THÁNG TƯ
Chúng Ta Là Đàn chiên Do Ngài
Dẫn Dắt
Vào thời đại Thánh Kinh, người mục
tử không chỉ là một người lãnh đạo mà còn là một người bảo vệ cẩn mật và chuyên
chăm. Anh ta quan tâm tới sự sống của đàn chiên. Anh ta dẫn đàn chiên tới những
đồng cỏ và suối nước. Anh ta bảo vệ đàn chiên cho khỏi những kẻ rình rập và thú
dữ. Anh ta lo phòng tránh mọi mối nguy hiểm cho đàn chiên.
Người mục tử là một vị cứu tinh.
Chiên có thể tín nhiệm vào anh ta với một tấm lòng đơn sơ – như chúng ta ngày
nay tín thác vào Chúa Kitô vậy – bởi vì anh ta cung cấp cho chiên cuộc sống an
toàn và phong phú. Thật dễ nhận ra nơi người mục tử uy quyền của Thiên Chúa, Đấng
là Thủ Lĩnh Tối Cao. Ngài trao ban sự tốt lành và ân sủng, Ngài quan tâm tới
con người và trở thành sự đỡ nâng vững chắc của con người. Vâng, chúng ta thuộc
về Ngài. Ngài đã dựng nên chúng ta. Chúng ta là dân Ngài. Chúng ta là đàn chiên
do Ngài dẫn dắt. Đức Kitô đã gọi các môn đệ Người là “của tôi”, vì “Cha tôi …
đã ban chúng cho tôi” (Ga 10,29).
Mỗi tín hữu đều đã được Chúa Cha
trao cho Chúa Con bằng một cách thế đặc biệt. Chúa Con đã trở thành con người để
đảm nhận lấy mối ưu tư của Chúa Cha đối với con người: mối ưu tư của người mục
tử đối với đàn chiên. Mối quan tâm của một người mục tử có thể so sánh với sự
quan phòng từ phụ của Thiên Chúa như được trình bày trong Thánh Kinh. Sự quan
phòng này trở thành một thực tại sống động đối với chúng ta xuyên qua Chúa Con
– là Đức Kitô.
- suy tư 366 ngày của Đức
Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope
John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 28-4
Chúa Nhật II Phục sinh. Cuối tuần
Bát Nhật Phục sinh
Chúa Nhật về Lòng Thương Xót của
Thiên Chúa
Cv 5, 12-16; Kh 1,
9-11a.12-13.18-19; Ga 20, 19-31
LỜI SUY NIỆM: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì
Thầy cũng sai anh em. Nói xong Người thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhận
lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai,
thì người ấy bị cầm giữ.”
Sau khi Chúa Giêsu phục sinh, Người đến gặp các môn đệ của Người nơi căn phòng
các cửa đều đóng kín và Ngươi đã thổi hơi trên các Tông Đồ, và bảo “anh em hãy
nhận lấy Thánh Thần”. Hình ảnh này gợi nhớ trong Sách Sáng Thế: “Đức Chúa là
Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con
người trở nên một sinh vật.” (St 2,7). Chúa Giêsu cũng vậy; khi Người ban Thánh
thần trên các Tông Đồ, các ông có sức sống mới, với quyền năng tha tội: “Anh em
tha tội cho ai thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”
Lạy Chúa Giêsu. Chúa ban Chúa Thánh Thần cho các Tông Đồ, là đã trao cho các
ông quyền thánh hóa của Chúa. Nhờ quyền năng cùng một Chúa Thánh Thần, các ông
trao quyền thánh hóa ấy cho những người kế nhiệm. Xin cho chúng con đặt hết niềm
tin vào việc tha tội của những vị được lưu truyền qua bí tích Truyền Chức
Thánh.
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày 28-04
Thánh PHÊRÔ CHANEL
Linh Mục (1803 - 1841)
Phêrô Chanel sinh ngày 12 tháng
7 năm 1803 tại Cuet. Hồi nhỏ, Phêrô chăn chiên quanh vùng Belley. Một linh mục
chú ý tới Ngài, lo dạy dỗ và đưa Ngài vào chủng viện Brou. Ngày 15 tháng 7 năm
1827 Ngài được thụ phong linh mục. Trước hết Ngài được bổ nhiệm làm phó xứ
Ambere, sau đó làm cha sở Crozet. Năm 1831, Ngài nhập Hội dòng Maria và đi truyền
giáo ở Ocenia.
Thánh nhân tới đảo Futuna với
cha Maria Niziep ở tại hòn đảo hoang vẫn còn tập tục ăn thịt người này, Ngài đã
dốc toàn lực mở mang nước Chúa. Một tu sĩ phụ tá luôn sát cánh với Nhà truyền
giáo đã kể lại như sau:
"Làm việc dưới sức nóng
nung của trong ánh sáng mặt trời, Ngài trở về nhà ướt đẫm mồ hôi, đói khát, nhọc
mệt, nhưng vẫn vui tươi nhanh nhẹn, tâm hồn sảng khoái như vừa trở về từ một
nơi hạnh phúc. Đây không phải chỉ có một lần mà dường như ngày nào cũng vậy".
"Người không từ chối người
dân Futuna điều gì cả. Đối với những ai bắt bớ Ngài, Ngài luôn tha thứ và không
khước từ họ, dù cho họ có dốt nát hủ lậu đi nữa. Ngài luôn hiền dịu đối với mọi
người".
Thật lạ lùng gì khi dân chúng gọi
Ngài là "Người phúc hậu" chính Ngài đã thường nói với các bạn : -
Trong cuộc truyền giáo khó khăn thế này chúng ta phải thánh thiện mới được.
Rao giảng Chúa Kitô và Phúc âm,
Ngài đã chỉ nhận được những kết quả nhỏ nhoi. Dầu vậy, Ngài cũng xác quyết rằng:
việc truyền giáo là việc của loài người và đồng thời cũng là của Thiên Chúa nữa.
Gương và lời Chúa đã nói: "Người lo gieo và người khác sẽ gặt". Nên
thánh nhân luôn nỗ lực rao giảng giáo lý Kitô giáo và chống lại việc sùng bái của
các thần dữ. Nhiệt tình của Ngài đã gây nên nhiều ghen ghét đe dọa tới chính mạng
sống Ngài.
Hôm trước ngày qua đời thánh
nhân còn nói: - Kitô giáo được gieo trồng trên đảo sẽ không bị tiêu diệt với
cái chết của tôi, vì đây không phải là việc của loài người mà là của Thiên
Chúa.
Ngày 28 tháng 4 năm 1241 thánh
Phêrô bị sát hại. Nhưng ít lâu sau toàn thể dân đảo Futuna đã trở lại đạo công
giáo, đức tin từ Futuna lấn sang các đảo lân cận ở Oceania và thánh Phêrô được
tôn kính như một vị tử đạo tiên khởi.
(daminhvn.net)
28 Tháng Tư
Thắp Lên Ngọn Ðèn Cũ
Trong một cuộc phỏng vấn, Mẹ
Têrêxa thành Calcutta đã thuật lại một sự kiện như sau: Ở Úc Châu có một người
thổ dân Aborigines kia sống trong một hoàn cảnh thật thảm thương. Ông cũng đã
khá cao niên rồi, sống trong một túp lều xiêu vẹo. Khởi đầu câu chuyện tôi nói
với ông:
- Ðể tôi dọn dẹp nhà và sửa
soạn giường ngủ cho ông. Ông ta trả lời một cách hững hờ:
- Tôi đã quen sống như vậy rồi.
- Nhưng ông cũng cảm thấy dễ
chịu hơn với căn nhà sạch sẽ và ngăn nắp. Sau cùng ông ta bằng lòng để tôi dọn
dẹp nhà cửa lại cho ông. Trong khi quét dọn tôi thấy một cái đèn cũ đẹp nhưng
phủ đầy bụi bặm và bồ hóng. Tôi hỏi ông:
- Có bao giờ ông thắp đèn này
chưa? Ông ta trả lời một cách cộc lốc:
- Nhưng thắp đèn cho ai? Có ai bước chân vào nhà này bao giờ đâu. Tôi sống ở đây đã từ lâu không hề trông thấy một người nào cả. Tôi hỏi ông:
- Nhưng thắp đèn cho ai? Có ai bước chân vào nhà này bao giờ đâu. Tôi sống ở đây đã từ lâu không hề trông thấy một người nào cả. Tôi hỏi ông:
- Nếu như các nữ tu đến thăm
ông thường xuyên, ông có vui lòng thắp đèn lên không?
- Dĩ nhiên rồi.
Từ ngày đó các nữ tu quyết định
mỗi chiều sẽ ghé qua nhà ông. Từ đó ông ta bắt đầu thắp đèn và dọn dẹp nhà cửa
sạch sẽ hơn. Ông còn sống thêm hai năm nữa. Trước khi chết ông nhờ các nữ tu
ghé thăm nhắn tin cho tôi:
- Xin nhắn với Mẹ Têrêxa, bạn
tôi rằng, ngọn đèn mà Mẹ đã thắp lên trong đời tôi vẫn còn chiếu sáng. Ðó chỉ
là một việc nhỏ mọn, nhưng trong bóng tối cô đơn của đời tôi, một tia sáng đã
thắp lên và vẫn còn tiếp tục chiếu sáng mãi.
Chúng ta đều cảm nghiệm được niềm
vui sướng vì được yêu thương, được chính Chúa thương yêu. Và chúng ta cũng hiểu
được giới răn của Chúa: "Hãy thương yêu nhau, như Thầy yêu thương các
con".
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét