02/09/2019
Thứ hai tuần 22 thường niên
BÀI ĐỌC I: 1 Tx 4,
13-17
“Nhờ Đức Giêsu, Thiên Chúa sẽ
đem những người đã chết đến làm một với Người”.
Trích thư thứ nhất
của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.
Anh em thân mến, chúng
tôi chẳng muốn để anh em không biết gì về số phận những người đã an nghỉ, để
anh em khỏi buồn phiền như những người khác, là những kẻ không có niềm hy vọng.
Vì nếu chúng ta tin Đức Giêsu đã chết và đã sống lại, thì cũng vậy, những người
đã chết nhờ Đức Giêsu, Thiên Chúa sẽ đem họ đến làm một với Người.
Bởi vậy, chúng tôi dựa
vào lời Chúa để nói cùng anh em điều này: chúng ta, những kẻ đang sống, những kẻ
còn sót lại khi Chúa đến, thì chúng ta không đi trước những người đã an nghỉ.
Vì khi nghe lệnh và tiếng Tổng lãnh Thiên thần, và tiếng loa Thiên Chúa, thì
chính Chúa từ trời ngự xuống, và những người đã chết trong Đức Kitô sẽ sống lại
trước hết, rồi đến chúng ta, những kẻ đang sống, những kẻ còn sống sót, chúng
ta sẽ được nhắc lên cùng với họ trên các tầng mây, đi đón Đức Kitô trên không
trung, và như vậy, chúng ta sẽ được ở cùng Chúa luôn mãi. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 95, 1 và 3.
4-5. 11-12. 13
Đáp: Chúa ngự tới
cai quản địa cầu (c. 13ab).
Xướng:
1) Hãy ca mừng Thiên
Chúa bài ca mới, hãy ca mừng Thiên Chúa, hỡi toàn thể địa cầu. Hãy tường thuật
vinh quang Chúa giữa chư dân, và phép lạ Người ở nơi vạn quốc. – Đáp.
2) Vì Thiên Chúa, Người
hùng vĩ và rất đáng ngợi khen, Người khả úy hơn mọi bậc chúa tể. Vì mọi chúa tể
của chư dân là hư ảo, nhưng Thiên Chúa đã tác tạo trời xanh. – Đáp.
3) Trời xanh hãy vui mừng
và địa cầu hãy hân hoan, biển khơi và muôn vật trong đó hãy reo lên, đồng nội
và muôn loài trong đó hãy mừng vui. Các rừng cây hãy vui tươi hớn hở. – Đáp.
4) Trước nhan Thiên
Chúa: vì Người ngự tới, vì Người ngự tới cai quản địa cầu. Người sẽ cai quản địa
cầu cách công minh và chư dân cách chân thành. – Đáp.
ALLELUIA: Tv 110, 8ab
Alleluia, alleluia!
– Lạy Chúa, mọi giới răn Chúa được lập ra cho tới muôn đời. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 4, 16-30
“Người sai tôi đi rao giảng Tin
Mừng cho người nghèo khó…Không một tiên tri nào được đón tiếp tại quê hương
mình”.
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu trở
về Nadarét, nơi Người sinh trưởng, và theo thói quen của Người, thì ngày
Sabbat, Người vào hội đường. Người đứng dậy để đọc sách. Người ta trao cho Người
sách tiên tri Isaia. Mở sách ra, Người gặp ngay đoạn chép rằng: “Thánh Thần
Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho
người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát
cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp
bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng”.
Người gấp sách lại,
trao cho thừa tác viên, và ngồi xuống. Mọi người trong hội đường đều chăm chú
nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà
tai các ngươi vừa nghe”. Mọi người đều làm chứng cho Người và thán phục Người về
những lời từ miệng Người thốt ra, và họ nói: “Người này không phải là con ông
Giuse sao?”
Và Người nói với họ:
“Hẳn các ngươi sắp nói cho Ta nghe câu ngạn ngữ này: ‘Hỡi thầy thuốc, hãy chữa
lấy chính mình’; ‘điều chúng tôi nghe xảy ra ở Capharnaum, ông hãy làm như vậy
tại quê hương ông’ “. Người nói tiếp: “Ta bảo thật các ngươi, không một tiên
tri nào được đón tiếp tại quê hương mình. Ta bảo thật các ngươi, đã có nhiều bà
goá trong Israel thời Êlia, khi trời bị đóng lại trong ba năm sáu tháng, khi nạn
đói lớn xảy ra khắp trong xứ; dầu vậy, Êlia không được sai đến cùng một người
nào trong các bà đó, nhưng được sai đến bà goá tại Sarepta thuộc xứ Siđon. Cũng
có nhiều người phong cùi trong Israel thời tiên tri Êlisêô, thế mà không người
nào trong họ được lành sạch cả, ngoại trừ Naaman, người Syria”.
Khi nghe đến đó, mọi
người trong hội đường đều đầy căm phẫn, họ chỗi dậy và trục xuất Người ra khỏi
thành. Họ dẫn Người lên triền núi, nơi xây cất thành trì của họ, để xô Người xuống
vực thẳm. Nhưng Người rẽ qua giữa họ mà đi. Đó là lời Chúa.
Suy Niệm : Bí Quyết Nên
Thánh (Lc
4,16-30)
Sau một thời gian rao
giảng Tin Mừng ở vùng gần Giêrusalem bên bờ sông Giócđan nơi Gioan Tẩy Giả làm
phép rửa, Chúa Giêsu trở về thăm làng cũ. Ở đó dân chúng đã nghe nói về nội
dung lời rao giảng của Ngài, ở đó người ta cũng nghe nói tới một số phép lạ
Ngài đã làm. Tin đồn này làm cho những người đồng hương bỡ ngỡ: "Ông ta đã
học được những điều đó ở đâu? Ông không phải là con ông Giuse đó sao?" Ðó
là một thắc mắc rất chính đáng.
Người dân Nazareth, nhất
là những người đã từng quen biết và lớn lên với Chúa Giêsu hẳn có đủ lý do để tỏ
ra ngỡ ngàng khi nghe kể về thành tích của Ngài, bởi vì trong suốt ba mươi năm
sống trong ngôi làng nhỏ bé ấy, Ngài đã chẳng tỏ ra bất cứ một dấu thánh thiện
siêu phàm nào. Chúng ta có thể tự hỏi làm sao Chúa Giêsu đã có thể sống trong
ngôi làng bé nhỏ ấy trong suốt ba mươi năm mà không để lộ bản tính của Ngài?
Làm sao Con Thiên Chúa lại có thể sống trong ngôi làng hẻo lánh nghèo nàn ấy
trong bao nhiêu năm mà dân chúng không hề thắc mắc? Câu trả lời chỉ có thể là
Chúa Giêsu chỉ có một ý niệm về thánh thiện hoàn toàn khác với những người Do
Thái đồng hương và cả chúng ta nữa. Thời Ngài, thánh thiện có nghĩa là tuân giữ
chi ly mọi Lề Luật, trung thành với truyền thống và phong tục vốn được xem là
biểu thị của đời sống đạo đức, nhưng Chúa Giêsu đã không nghĩ như thế. Chính vì
vậy mà khi Ngài bắt đầu rao giảng, chữa bệnh và làm phép lạ, tất cả những ai đã
từng biết Ngài trong ngôi làng nhỏ bé ấy đều thắc mắc và bỡ ngỡ. Quả thật, tất
cả những ai đã từng quen biết Ngài chỉ xem Ngài như một người như họ mà thôi,
Ngài không để lộ bất cứ một dấu thánh thiện hay siêu phàm nào.
Ðiều đáng làm cho
chúng ta suy nghĩ là không nơi nào trong các sách Tin Mừng viết rằng Chúa Giêsu
là một con người đạo đức, chúng ta chỉ đọc được rằng Ngài đi khắp nơi để rao giảng
Tin Mừng và làm việc thiện mà thôi. Như vậy, chúng ta có thể kết luận rằng Chúa
Giêsu có một quan niệm về sự thánh thiện hoàn toàn khác với những người Do Thái
đương thời. Ðối với Ngài, thánh thiện là sống hoàn toàn như một con người, là
làm người như Thiên Chúa đã dựng nên, đó là câu giải đáp thắc mắc tại sao những
người Do Thái đồng hương của Chúa Giêsu thắc mắc và bỡ ngỡ khi Ngài bắt đầu rao
giảng và chữa bệnh. Ðối với lối suy tư của họ, Ngài xem ra quá trần tục, quá là
người cho nên không thể làm được những chuyện cả thể như người ta đã đồn thổi.
Tuy nhiên đây chính là một mạc khải sâu xa: Thiên Chúa nhập thể làm người để sống
như một con người như mọi người, hầu dạy chúng ta biết sống cho ra người. Chính
cuộc sống đơn giản và bình thường ấy lại chứa đựng một sự thánh thiện tuyệt vời.
Trong các thứ học thì
hẳn học làm người là điều khó nhất, người ta có thể đỗ đạt thành tài trong cuộc
sống, người ta có thể nắm vững được lãnh vực chuyên môn của mình, nhưng học làm
người là một thứ trường học mà con người sẽ chẳng bao giờ tự cho là mình đã tốt
nghiệp và thôi học. Sống như một con người, như Chúa Giêsu đã sống ba mươi năm
âm thầm tại Nazareth, âm thầm đến độ những người quen biết không thấy có gì
đáng chú ý trong cuộc sống ấy. Sống như một con người chính là sống một cách
sung mãn từng giây phút của cuộc sống. Sống một cách phi thường những việc tầm
thường nhất trong đời thường, sống bằng một tình yêu cao cả những việc làm nhỏ
bé nhất hàng ngày, đó chính là bí quyết để nên thánh vậy.
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai Tuần 22 TN1
Bài đọc: I
Thes 4:13-18; Lc 4:16-30.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hy vọng vào cuộc sống trường
sinh giúp con người diệt trừ bản ngã.
Một trong những lý do
ngăn cản con người tiến tới trên đường trọn lành là bản ngã: cái tôi ích kỷ
trong con người. Hầu như mọi tội lỗi đều có nguồn gốc từ bản ngã này. Trong khi
Đức Kitô cố gắng dạy dỗ các môn đệ vượt qua khuynh hướng xấu xa này, thì đa số
nhân loại ngày nay lại tôn thờ nó dưới mầu sắc khác nhau: khuynh hướng cá nhân
chỉ nhằm đạt lợi ích cho bản thân, khuynh hướng vật chất chỉ nhằm hưởng thụ vật
chất và gạt ra ngoài những giá trị luân lý, tinh thần. Làm sao con người có thể
diệt trừ bản ngã này?
Các Bài Đọc hôm nay
giúp chúng ta hiểu sự nguy hiểm của bản ngã này và cách để diệt trừ chúng.
Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô hướng lòng các tín hữu Thessalonica đến mục đích
tối hậu của cuộc đời là hy vọng được sống trường sinh bất tử với Thiên Chúa.
Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu muốn vạch ra tai hại của những người sống theo bản
ngã này: họ từ chối và muốn tiêu diệt ngay cả Đấng đem lại cho họ niềm hy vọng
được sống đời đời.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Hy vọng của chúng ta là sẽ được cùng sống lại với Đức Kitô.
1.1/ Sự cần thiết của hy
vọng: Hy vọng như thế nào, sẽ sống như thế ấy.
Nếu không hy vọng vào cuộc sống mai sau, con người sẽ níu kéo những giá trị của
đời tạm này. Thánh Phaolô nhắc nhở cho các tín hữu hai điều chính về cuộc đời:
(1) Chết không hết,
nhưng bắt đầu cuộc sống đời đời với Thiên Chúa: Ngài nói: “Thưa anh em, về những
ai đã an giấc ngàn thu, chúng tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì, hầu
anh em khỏi buồn phiền như những người khác, là những người không có niềm hy vọng.”
(2) Đức Kitô là niềm
hy vọng của các tín hữu: “Vì nếu chúng ta tin rằng Đức Giêsu đã chết và đã sống
lại, thì chúng ta cũng tin rằng những người đã an giấc trong Đức Giêsu, sẽ được
Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giêsu.”
1.2/ Ngày Chúa Quang Lâm:
Truyền thống Do-thái, trước khi Chúa Giêsu đến,
hiểu rất mơ hồ về Ngày Chúa Đến và về cuộc sống đời đời. Đa số cho hạnh phúc của
những người được ơn nghĩa với Chúa chỉ giới hạn trong cuộc đời này: được khỏe mạnh,
sống lâu, con đàn cháu đống, được bình an hạnh phúc; nhưng khi chết là hết. Thư
thánh Phaolô gởi tín hữu Thessalonica I (được viết khoảng 50-60 AD) là tài liệu
đầu tiên cho chúng ta mặc khải của Đức Kitô về những gì xảy ra sau cái chết.
Thánh Phaolô nói về
Ngày Chúa Đến như sau: “Vì khi hiệu lệnh ban ra, khi tiếng tổng lãnh thiên thần
và tiếng kèn của Thiên Chúa vang lên, thì chính Chúa sẽ từ trời ngự xuống, và
những người đã chết trong Đức Kitô sẽ sống lại trước tiên; rồi đến chúng ta, là
những người đang sống, những người còn lại, chúng ta sẽ được đem đi trên đám
mây cùng với họ, để nghênh đón Chúa trên không trung. Như thế, chúng ta sẽ được
ở cùng Chúa mãi mãi.”
2/ Phúc Âm: Thiên Chúa cho mọi người có cơ hội đồng đều, nhưng không phải
ai cũng biết lợi dụng cơ hội.
2.1/ Chúa Giêsu giảng giải
cho người đồng hương: Trình thuật kể: Đức
Giêsu đến Nazareth, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn
quen làm trong ngày Sabbath, và đứng lên đọc Sách Thánh. Họ trao cho Người cuốn
sách ngôn sứ Isaiah. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: “Thần Khí Chúa ngự trên
tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo
hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người
mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng
ân của Chúa.” Đức Giêsu cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi
ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với
họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.” Mọi người đều tán
thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người.
2.2/ Chúa Giêsu hiểu rõ
thái độ của người đồng hương: Chúa Giêsu
không im lặng để nhận tiếng khen, Ngài muốn họ phải đối diện với thực tế và sửa
đổi hai điều.
(1) Họ muốn Ngài làm
nhiều phép lạ: “Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ: Thầy lang ơi, hãy
chữa lấy mình! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Capernaum, ông
cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào!” Làm phép lạ là để khơi dậy niềm
tin, chứ không phải để điều khiển người làm phép làm điều mình muốn. Khi không
thấy dấu hiệu của đức tin, Chúa Giêsu từ chối việc làm phép lạ.
(2) Họ sẽ khinh thường
Ngài, vì “bụt nhà không thiêng:” Chúa Giêsu biết rõ thái độ này của họ, nên
Ngài bảo: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê
hương mình.”
Tại sao con người có
thái độ khinh thường những người trong gia đình hay trong cộng đoàn? Vì họ
không muốn ai hơn mình trong cộng đoàn. Người ngoài đến rồi đi, họ không ảnh hưởng
gì trong cộng đoàn. Người trong cộng đòan là người sống thường xuyên với mình:
đề cao họ là làm giảm giá trị của mình; vì thế, khi khinh thường người đồng
hương, là đồng thời họ đang đề cao cái tôi của mình. Đây là thái độ vẫn đang xảy
ra trong gia đình và cộng đoàn: khinh thường người trong nhà, người đồng hương,
người trong Dòng, người cùng một nước. Trái lại, đề cao và tôn trọng người
ngoài. Lẽ ra, chúng ta phải nâng đỡ và khuyến khích anh/chị/em cùng nhà và cùng
nguồn gốc, vì “khôn ngoan đối đáp người ngoài, gà cùng một mẹ chớ hoài đá
nhau.” Đây là thái độ giết tài năng của người trong gia đình, và ngăn cản việc
cùng nhau cộng tác. Nếu vượt qua được thái độ này, gia đình và cộng đoàn sẽ tiến
rất mau và mạnh.
Chúa Giêsu muốn sửa chữa
thái độ của họ, nên Ngài đưa ra hai sự kiện lịch sử để chứng minh tai hại của
thái độ “bụt nhà không thiêng.” Ngài nói: “Thật vậy, tôi nói cho các ông hay:
vào thời ông Elijah, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói
kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Israel; thế mà ông không được sai đến
giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Zareptha miền
Sidon. Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Elisah, thiếu gì người phong hủi ở trong nước
Israel, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Naaman, người xứ Syria
thôi.”
Lịch sử tái diễn khi
Chúa Giêsu vừa nói xong những lời này, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ
đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành – thành này được xây trên núi. Họ kéo Người
lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. Lẽ ra họ phải biết sáng suốt chấp nhận
thực tế: khen và tôn trọng những gì đáng khen; phán xét theo như sự việc là, đừng
để bất cứ thành kiến nào ngăn chận để đưa đến phán đoán sai lầm; nhưng họ để
cho cái bản ngã ích kỷ và thành kiến che mắt để rồi lại muốn giết luôn Đấng
mong muốn mọi sự tốt lành cho họ.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Hy vọng vào cuộc sống
trường sinh phải là động lực chính giúp chúng ta vượt qua cái tôi ích kỷ của
mình để làm theo những gì Đức Kitô dạy dỗ.
– Khi chúng ta tháo bỏ
bản ngã của mình, Thiên Chúa sẽ làm đầy chúng ta bằng tình yêu và ơn thánh của
Ngài, để chúng ta ngày càng trở nên giống Ngài hơn. Ngược lại, nếu chúng ta để
cho bản ngã hoành hành, chúng ta sẽ đi dần đến chỗ từ chối luôn mục đích của cuộc
đời.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
02/09/2019 – THỨ HAI TUẦN 22 TN
Lc 4,16-30
LỜI ỨNG NGHIỆM HÔM NAY
Đức Giê-su cuộn sách lại và bắt đầu nói: “Hôm nay đã ứng
nghiệm lời Kinh Thánh mà tai quý vị vừa nghe.” (Lc 4,20a.21)
Suy niệm: Đức Giê-su với tư cách là
Đấng Mê-si-a “ra mắt” dân Do Thái ngay tại quê hương Na-da-rét của Ngài bằng một
bài giảng trang trọng: “Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai quý vị vừa nghe,”
thế nhưng kết quả lại không được như mong đợi. Sự xuất hiện của Chúa Giê-su đã
gây nhiều bất ngờ, và phản ứng trái chiều nơi những người có mặt tại hội đường
Na-da-rét hôm ấy. Họ vẫn chờ đợi một Đấng Cứu Thế với những phép lạ ngoạn mục
siêu phàm, đến để thống trị muôn dân muôn nước. Vì thế họ không thể chấp nhận lời
tiên tri lại được ứng nghiệm nơi một Đấng Cứu Thế khiêm tốn như con chiên hiền
lành bị đem đi xén lông (x. Is 53,7). Và họ đã vấp phạm vì Ngài.
Mời Bạn: Đức Ki-tô đã đến trong trần
gian là Đấng Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (x. Is 7,14; Mt
1,23). Ngài đã “trút bỏ vinh quang” của một vị Thiên Chúa, để sống trọn vẹn
thân phận con người như chúng ta (x. Pl 2,6-8). Đây chính là đường lối cứu độ của
Thiên Chúa. Ngài tiếp tục con đường tự hiến đó bằng cách hằng hiện diện nơi Bí
tích Thánh Thể, và nơi những con người bé nhỏ nghèo hèn để mỗi khi chúng ta
chia sẻ giúp đỡ họ thì Ngài bảo đó là chúng ta đang chia sẻ giúp đỡ chính Ngài.
Sống Lời Chúa: Để lời ngôn sứ ứng nghiệm,
mời bạn siêng năng rước lễ và luôn sẵn sàng quan tâm chăm sóc những anh chị em
bé mọn nghèo hèn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su,
xin cho chúng con biết nhận ra Chúa đang hiện diện nơi người anh em, để chúng
con biết sống tích cực niềm tin yêu của mình trong mọi ngày sống. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
Trả lại tự do
Suy niệm:
Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Luca kể chuyện Đức Giêsu
đến giảng tại hội đường Nadarét, vào một ngày sabát (c. 16),
Dù trước đó Ngài đã giảng tại Caphácnaum và nhiều nơi khác (cc. 15. 23),
nhưng thánh Luca đã cố ý đặt ngay ở đầu sứ vụ công khai
cuộc gặp gỡ đặc biệt này giữa Ngài với người đồng hương ở Nadarét.
Đây là nơi Đức Giêsu tuyên bố chương trình sắp tới của Ngài.
Chương trình ấy được gói trong những câu trích dẫn từ ngôn sứ Isaia.
Được thụ thai bởi quyền năng Thánh Thần (Lc 1, 35),
và được lãnh nhận Thần Khí khi chịu phép rửa (Lc 3, 22),
Đức Giêsu đã được xức dầu để nhận lãnh sứ mạng làm ngôn sứ.
Sứ mạng này chủ yếu là loan báo Tin Mừng cho người nghèo.
Loan báo Tin Mừng là động từ hay được Luca sử dụng (4, 43; 7, 22; 8,1…)
Tin Mừng này trước hết dành cho người nghèo theo nghĩa đen,
nghĩa là những người không có thu nhập cao, không đủ ăn, đủ mặc.
Ai là người nghèo nữa dưới mắt của Đức Giêsu?
Đó là những người nghèo tự do, phải chịu cảnh giam cầm.
Họ có thể là những người bị tù đày chỉ vì không có tiền trả nợ.
Đó là những người nghèo sức khỏe,
họ bị coi là chịu sự trói buộc của Xatan (Lc 13, 16),
Đó là những người nghèo đời sống tâm linh,
họ phạm tội nên thấy mình xa cách Thiên Chúa và cộng đoàn.
Đức Giêsu đến để giải thoát những người nghèo này khỏi áp bức.
Ngài kéo họ ra khỏi cảnh nô lệ và trả lại tự do cho họ.
Chính vì thế Tin Mừng của Nước Thiên Chúa luôn đem lại niềm vui.
Đức Giêsu đã loan báo: Phúc cho anh em là người nghèo (Lc 6, 20).
Ngài đã chữa bệnh cho những kẻ ốm đau thân xác,
đã mở mắt người mù để họ thấy ánh sáng của ơn cứu độ.
Ngài cũng đã giao du và ăn uống với những tội nhân để đưa chiên lạc về.
Bởi đó thời của Đức Giêsu là Năm hồng ân, Năm Thánh.
Lời giảng của Đức Giêsu bước đầu đã được dân làng thán phục.
Họ có vẻ hãnh diện vì một người trong làng được lừng lẫy tiếng tăm.
Nhưng Đức Giêsu không muốn mình bị chi phối bởi dân làng.
Ngài không muốn bị buộc phải dành chút ưu tiên nào cho Nadarét (c. 23).
Đức Giêsu còn nhìn xa hơn đến sứ vụ nơi dân ngoại (cc. 25-27).
Ngài nhắc đến hai vị ngôn sứ trong Cựu Ước là Êlia và Êlisa.
Hai vị này đã giúp bà góa ở Xiđôn và tướng Naaman ở Xyri.
Dân Nadarét phẫn nộ và định giết Đức Giêsu khi Ngài nói rằng
Thiên Chúa chỉ sai hai ngôn sứ trên đến với dân ngoại mà thôi.
Thế giới hôm nay giàu hơn, nhưng vẫn còn lắm người nghèo như xưa.
Nghèo vì thiếu những điều kiện sống cơ bản, thiếu những quyền lợi căn bản.
Nghèo vì chưa được nghe biết về Đức Giêsu,
hay nghèo vì đã gạt Thiên Chúa ra khỏi đời mình.
Loan báo Tin Mừng là làm con người thực sự thêm giàu có.
Cầu nguyện :
Lạy Cha,
thế giới hôm nay cũng như hôm qua
vẫn có những người bơ vơ lạc hướng
vì không tìm được một người để tin;
vẫn có những người đã chết từ lâu
mà vẫn tưởng mình đang sống;
vẫn có những người bị ám ảnh bởi thần ô uế,
ô uế của bạc tiền, của tình dục, của tiếng tăm;
vẫn có những người mang đủ thứ bệnh hoạn,
bệnh hoạn trong lối nhìn, lối nghĩ, lối sống;
vẫn có những người bị sống bên lề xã hội,
dù không phải là người phong...
Xin Cha cho chúng con nhìn thấy họ
và biết chạnh lòng thương như Con Cha.
Nhưng trước hết,
xin cho chúng con
nhìn thấy chính bản thân chúng con.
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
2 THÁNG CHÍN
Đứng Trước Thách Đố
Rao Giảng Tin Mừng
Sứ mạng căn bản của
Giáo Hội là rao giảng cho thế giới Tin Mừng cứu độ. Khi mang Tin Mừng cứu độ
vào giữa lòng thế giới, Giáo Hội cố gắng nhận hiểu các đặc nét văn hóa của người
ta. Giáo Hội muốn chia sẻ mọi tâm tư của con người, các giá trị và phong tục của
họ, những khó khăn mà họ phải đương đầu, những hy vọng và ước mơ của họ.
Một khi Giáo Hội biết
và hiểu được những khía cạnh văn hoá đa dạng này của một dân tộc, Giáo Hội sẽ
có thể bắt đầu cuộc đối thoại về sự cứu độ. Với thái độ vừa kính trọng vừa thẳng
thắn và trong niềm xác tín, Giáo Hội đứng ở vị trí giới thiệu Tin Mừng cứu độ
cho tất cả những ai thành tâm khao khát lắng nghe và đáp trả.
Đức Phaolô VI đã từng
nói về các tôn giáo ngoài Kitô giáo : “Các tôn giáo ấy mang trong mình âm vang
của bao ngàn năm kiếm tìm Thiên Chúa… Các tôn giáo ấy nắm giữ một di sản lớn
lao các truyền thống tín ngưỡng thâm sâu. Các tôn giáo ấy đã dạy cho bao thế hệ
con người biết cầu nguyện. Các tôn giáo ấy chứa đựng bao hạt giống được ươm trồng
bởi chính Ngôi Lời và có thể thực sự sẵn sàng để đón nhận Tin Mừng” (EN 53).
Trong niềm trân trọng
giá trị của các tôn giáo này, Giáo Hội vẫn thường nhận ra trong đó những tác động
của Chúa Thánh Thần, Đấng giống như gió “muốn thổi đâu thì thổi” (Ga 3,8). Tuy
nhiên Giáo Hội luôn xác tín rằng mình phải hoàn thành trọng trách của mình là
đem lại cho thế giới chân lý mạc khải cách trọn vẹn, chân lý về ơn cứu độ nơi Đức
Giê-su Kitô. Chúng ta hãy nguyện cầu để tất cả mọi người đều nhận biết Đức
Giê-su Kitô, Đấng Cứu Độ trần gian.
– suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 02/ 9
1Tx 4, 13-18; Lc 4,
16-30
LỜI SUY NIỆM: Người bắt đầu
nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.”
Lời Chúa trong trong Tin Mừng hôm nay, đang xác nhận với
mỗi người trong chúng ta: Chúa Giêsu chính là Đấng đã được xức dầu, khi Người dẫn
chứng lời của Sách Isaia: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn
phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn…”
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn yêu mến Lời Chúa với ơn soi sáng của
Chúa Thánh Thần; giúp chúng con thờ phượng Chúa một cách xứng đáng hơn với tinh
thần yêu thương và phục vụ người lân cận.
Mạnh Phương
02 Tháng Chín
Khuôn Mặt Giuđa
Một trong những
giai thoại nổi tiếng nhất trong lịch sử hội họa đó là câu chuyện danh họa
Leonardo da Vinci đi tìm người mẫu để họa khuôn mặt của Giuđa, kẻ phản bội.
Leonardo đang miệt
mài trong bức tranh “Bữa Ăn Cuối Cùng” của Chúa Giêsu với các môn đệ. Tất cả
các khuôn mặt, từ Chúa Giêsu đến các môn đệ, đều đã hiện nguyên hình trên khung
vải. Nhưng đến lúc phải tô vẽ cho khuôn mặt của Giuđa, danh họa Leonardo da
Vinci đã tỏ ra lúng túng vì ông không biết phải tìm một người nào làm mẫu cho
con người phản bội này… Ông đã phải đi dạo khắp nơi để tìm một khuôn mặt xấu
xí, hiện thân của kẻ phản bội, gian trá. Sau mấy tháng trời tìm kiếm, cuối cùng
ông đã gặp được khuôn mặt mà ông cho là ưng ý nhất. Trong khu xóm lầy lội,
nghèo nàn, ông đã khám phá được một khuôn mặt mà ông cho là có đầy đủ những đường
nét của tội ác. Ông đã lần mò đến gần người đó, và sau khi đã giải thích về bức
tranh mình đang thực hiện, ông đã đề nghị người đó đến xưởng vẽ của ông để bắt
tay vào công việc.
Người được chọn làm
người mẫu cho Giuđa nhìn nhà danh họahồi lâu. Cuối cùng, ông đốt lên một ngọn
đuốc sáng vào gương mặt của ông… Leonardo ngạc nhiên vô cùng, bởi vì người đàn
ông này cũng chính là người đã làm mẫu cho ông vẽ chân dung Chúa Giêsu… Cũng
khuôn mặt đó, nhưng có lúc Leonardo da Vinci nhìn thấy những đường nét của Chúa
Giêsu, vào lúc khác, ông lại thấy nó xấu xí như gương mặt của Giuđa.
Chúng ta thường nói:
khi yêu thì trái ấu cũng tròn… Trong một lá thư tình nào đó, có lẽ hai người
yêu nhau sẽ nói với nhau: không có anh, không có em, đất trời như vô nghĩa…
Tình yêu có tính sáng tạo. Tình yêu giúp chúng ta chỉ nhìn thấy cái hay cái đẹp
nơi người mình yêu.
Tin và yêu là hai động
tác gắn liền với nhau. Ngôn ngữ của đức tin không thể là ngôn ngữ của khoa học.
Con người không đến với Thiên Chúa sau một thời gian dài tìm kiếm, lý luận. Con
người chỉ đến với Thiên Chúa bằng tình yêu. Nói đến tình yêu là nói đến tin tưởng
và phó thác.
Tomas đã đến với Chúa
Giêsu Phục Sinh bằng sự lý luận, uyên bác của một nhà khoa học: “Nếu tôi không
xỏ ngón tay tôi vào lỗ đinh và vào cạnh sường của Ngài… Tôi không tin”. Thái độ
này rất phù hợp với tinh thần khoa học. Trong công cuộc nghiên cứu khoa học,
người ta quan sát, đưa ra giả thuyết, kiểm chứng, thí nghiệm rồi đi đến kết luận…
Phương pháp này hoàn toàn vô giá trị trong tình yêu. Không ai quan sát một người
nào đó, đưa ra một giả thuyết, rồi mới đi đến một kết luận: yêu hay không yêu.
Mà trái lại, tình yêu đến trước tất cả các lý luận và tìm tòi của chúng ta…
Trong đức tin cũng thế,
Thiên Chúa yêu thương chúng ta và Ngài mời gọi chúng ta đi vào tình yêu của
Ngài.
Tình yêu đó mời gọi
chúng ta vượt lên trên tất cả những lý luận và ngờ vực của chúng ta. Tình yêu
đó giúp chúng ta khám phá ra vẻ đẹp và lòng nhân từ của Thiên Chúa trong tất cả
mọi sự, trong ánh mắt của con người cũng như trong muôn màu sắc của thiên
nhiên. Tình yêu đó giúp chúng ta nhìn thấy nơi gương mặt xấu xí của Giuđa những
đường nét yêu thương của Chúa Giêsu. Tình yêu ấy cho chúng ta tìm thấy nơi niềm
vui trong thất vọng, thua thiệt. Tình yêu ấy cho chúng ta nhìn thấy sự hiện diện
của Chúa trong những giờ phút trống rỗng vô nghĩa của cuộc sống.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét