Trang

Thứ Ba, 3 tháng 9, 2019

Ngày 1/9/2019: Các nhà thờ Công Giáo và Tin Lành cùng đánh chuông cầu nguyện cho Hồng Kông


Ngày 1/9/2019: Các nhà thờ Công Giáo và Tin Lành cùng đánh chuông cầu nguyện cho Hồng Kông
Giang Thanh

HONGKONG - Cuộc chiến ở Hồng Kông vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, cả 2 bên đều thể hiện thái độ cương quyết. Phía chính quyền bà Lâm Trịnh không những không giữ lời hứa đối thoại cởi mở cùng nhân dân, mà còn đồng thuận với cảnh sát cho mạnh tay trấn áp hơn. Từ ngày 30/8, đã có nhiều lệnh bắt bớ không chính đáng với các đối tượng bị tình nghi là thủ lãnh. Trong khi phía quần chúng cũng càng lúc càng hun thêm lòng căm phẫn, giới trẻ được củng cố ý chí quyết tâm hơn, đập phá khắp nơi, cắt camera giám sát, sửa ký hiệu đèn giao thông đường phố và bến tàu điện ngầm, thậm chí phục kích đả thương cảnh sát, ném bom xăng chống trả, đốt cờ Trung Cộng …vv…

Giờ đây, toàn bộ lịch biểu tình mà ủy ban nhân quyền dân vận phát động đều bị cục cảnh sát từ chối, thậm chí việc mít tinh cũng không được phê chuẩn, đồng nghĩa với việc cảnh sát có quyền bắt bớ những người tham gia xuống đường. Tuy nhiên, trong 1 điều luật ở Hồng Kông, các cuộc mít tinh tôn giáo nghiễm nhiên được coi là hợp pháp mà không cần phải xin phép. Do vậy vào ngày thứ Bảy 31/8, người ta đã kêu gọi nhiều tôn giáo khác nhau liên hiệp hành động, hát vang Thánh Ca trong khi di chuyển, với chủ đề “Cầu nguyện cho tội nhân”. Họ cũng tràn ra các ngả đường. Cảnh sát đã dùng vòi rồng, hơi cay, súng cao su, sau đó truy đuổi đánh đập thẳng tay và bắt bớ nhiều người. Nhưng người ta cũng phát hiện ra vô số cảnh sát trà trộn giả danh, dẫn đầu các hành động công kích, tạo hiện trường giả, áp đặt tiếng ác cho nhóm biểu tình.

Chúa Nhật ngày 1/9, tất cả các nhà thờ Công Giáo và Tin Lành đồng loạt đánh chuông vào lúc 1h trưa để cầu nguyện cho Hồng Kông, cụ thể là “Cầu nguyện cho tội đồ Lâm Trịnh”. Vào buổi chiều, mặc cho việc ấn tín về lệnh cấm quấy nhiễu sân bay vẫn còn hiệu lực, người dân vẫn đúng kế hoạch kéo đến. Một số chuyến bay đã bị hủy, cục quản lý sân bay phải thực thi các biện pháp an ninh cẩn mật. Dân chúng trong nhiều vai diễn khác nhau để hợp pháp tiến vào gần sân bay, họ tự nhận là những nghiên cứu sinh, là người làm công, hoặc đưa đón người thân, v.v… Nhưng mỗi khi khẩu hiệu xướng lên thì tất cả đều hô vang hưởng ứng. Họ cũng dùng các hình thức phát tờ rơi thông tin cho du khách để lý giải tình hình của Hồng Kôngđồng thời loan truyền với thế giới. Chiều tối khi các phương tiện giao thông công cộng hoàn toàn bị đình chỉ, nhiều nhóm phải đi bộ hàng chục km ra ngoài phố. Trong chớp nhoáng, dân chúng lập tức huy động hơn 5000 chiếc xe ca tự nguyện đến cứu trợ người biểu tình an toàn rút khỏi khu vực sân bay. Nghĩa cử cao đẹp này đã được thế giới ca ngợi như là phiên bản của cuộc di tản Dunkirk trong thế chiến thứ II và là hình ảnh ấn tượng nhất trong những ngày qua.

Hôm nay là ngày khai giảng năm học mới ở Hồng Kông, nhưng rất nhiều trường trung học, đại học và học viện đã hưởng ứng chiến dịch bãi khóa. Dù trời mưa bão, vẫn có 30 ngàn học sinh, sinh viên góp mặt trên Bách Vạn đại lộ tại CUHK. Đây là trường ĐH luôn dẫn đầu các hoạt động đồng hành với xã hội trong mọi cuộc chiến dân chủ. Hiệp hội sinh viên tuyên bố sẽ cương quyết duy trì bãi khóa đến ngày 13/9. Nếu các yêu sách vẫn không được đáp ứng, họ có thể nâng cấp chống đối. Họ cũng nhấn mạnh tinh thần “bãi khóa nhưng không ngừng học tập”.

Tại trường trung học St Francis Canonssian, cái nôi học đường của bà đặc khu trưởng, các nữ sinh quỳ trước cổng trường giơ khẩu hiệu khẩn nài “Trịnh sư tỷ, xin hãy thấu lòng sư muội”. Trước kia ngôi trường Band 1A danh tiếng này từng tự hào vì bà Lâm Trịnh bao nhiêu thì nay ắt đau lòng bấy nhiêu.

Tại một số bệnh viện công lập, đội ngũ Y bác sĩ cũng đình công, mít tinh. Nhiều quận khác trong Hồng Kôngvẫn có các nhóm nhỏ được phân bố làm tắc nghẽn giao thông, gây sự cố trong các trạm tàu điện ngầm. Các cuộc nổi dậy tiếp diễn khắp nơi tới đêm khuya.

Cho đến tận bây giờ, nhìn Hồng Kôngngổn ngang “thương tích”, giới học giả vẫn xót xa đặt câu hỏi: tại sao Lâm Trịnh tuyên bố được “Luật dẫn độ đã chết” mà bà lại không thể chuyển ngữ nó thành “triệt tiêu”, chôn vùi nó vĩnh viễn? Chỉ cần một lời vàng ngọc của bà thốt ra lúc này sẽ làm dịu lòng toàn bộ dân chúng, căng thẳng sẽ được tích cực gỡ cởi. Từ một tín đồ Công Giáo, nay bà đang bị xem như một tội đồ. Trong một phát ngôn vừa được tiết lộ, bà nói: Nếu được lựa chọn, bà sẽ từ chức để tạ lỗi thần dân. Khi các mâu thuẫn xã hội càng nhân cấp càng đi càng xa, sẽ càng khó tìm lại lối quay về, cuộc chiến vẫn chưa thể kết thúc. Xin hãy cùng tiếp tục cầu nguyện cho Hồng Kông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét