THỨ SÁU TUẦN I MÙA THƯỜNG NIÊN
BÀI ĐỌC I: 1 Sm 8, 4-7.
10-22a
"Các
ngươi sẽ ca thán vì nhà vua, nhưng Chúa sẽ không nhậm lời các ngươi, vì các
ngươi đã xin ban cho các ngươi một nhà vua".
Trích
sách Samuel quyển thứ nhất.
Trong
những ngày ấy, tất cả các kỳ lão Israel tập họp lại và đến cùng Samuel ở
Ramtha, và nói với người rằng: "Nay ông đã già rồi và con cái ông không đi
trong đường lối của ông; vậy ông hãy đặt lên cho chúng tôi một nhà vua, để xét
xử chúng tôi, như tất cả các dân tộc khác".
Lời
ấy làm cho Samuel phật lòng, vì họ đã nói: "Ông hãy cho chúng tôi một nhà
vua, để xét xử chúng tôi". Samuel cầu nguyện cùng Chúa. Và Chúa phán cùng
ông rằng: "Ngươi cứ nghe theo dân trong những gì họ sẽ nói với ngươi, vì
không phải họ khinh bỉ ngươi, mà là khinh bỉ Ta, để Ta không còn cai trị họ nữa".
Vậy
Samuel đã nói tất cả những lời Chúa cho dân nghe khi họ xin một nhà vua. Người
nói: "Đây là quyền bính của vua sẽ cai trị các ngươi: Ông sẽ bắt con trai
các ngươi xung vào đoàn chiến xa và đoàn kỵ binh, và họ sẽ chạy trước xa giá của
ông. Ông cắt đặt người thì chỉ huy một ngàn, người thì chỉ huy năm mươi binh
lính, kẻ thì cày ruộng gặt lúa, người thì chế tạo quân cụ và chiến xa. Còn con
gái các ngươi, ông sẽ bắt làm thợ sản xuất dầu thơm, nấu ăn và làm bánh. Còn đồng
ruộng các ngươi, vườn nho, vườn ô liu tốt nhất của các ngươi, ông sẽ tịch thu
và ban cho các đầy tớ của ông. Ông sẽ đánh thuế một phần mười vào mùa màng và
vườn nho các ngươi, để nuôi các vị thái giám và đầy tớ của ông. Ông sẽ bắt tôi
tớ trai gái, các thanh niên cường tráng và cả lừa của các ngươi mà xung vào
công việc của ông. Ông sẽ đánh thuế một phần mười vào đoàn vật của các ngươi,
và chính các ngươi sẽ trở thành nô lệ của ông. Trong ngày đó, các ngươi sẽ ca
thán vì nhà vua mà các ngươi tuyển chọn, nhưng Chúa sẽ không nhậm lời các
ngươi, vì các ngươi đã xin ban cho các ngươi một nhà vua!"
Nhưng
dân không muốn nghe lời Samuel, và nói với người rằng: "Không, chúng tôi
phải có vua, chúng tôi phải giống như mọi dân tộc khác; nhà vua sẽ xét xử chúng
tôi, sẽ đi trước chúng tôi, và sẽ đánh giặc cho chúng tôi". Samuel nghe tất
cả những lời dân nói, và thưa lại cùng Chúa. Nhưng Chúa nói cùng Samuel rằng:
"Ngươi cứ nghe họ và thiết lập cho họ một nhà vua".
Đó
là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 88, 16-17. 18-19
Đáp:
Tôi sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời (c. 2a).
Xướng:
1) Phúc thay dân tộc biết hân hoan, lạy Chúa, họ tiến thân trong ánh sáng nhan
Ngài. Họ luôn luôn mừng rỡ vì danh Chúa, và tự hào vì đức công minh Ngài. -
Đáp.
2)
Vì Chúa là vinh quang, quyền năng của họ, nhờ ân huệ Chúa, uy quyền của chúng
tôi được suy tôn. Bởi chưng khiên thuẫn chúng tôi là của Chúa, và vua chúng tôi
thuộc về Đấng Thánh của Israel .
- Đáp.
ALLELUIA: Tv 118, 27
Alleluia,
alleluia! - Xin Chúa cho con hiểu đường lối những huấn lệnh của Chúa, và con
suy gẫm các điều lạ lùng của Chúa. - Alleluia.
PHÚC ÂM: Mc 2, 1-12
"Con
Người có quyền tha tội dưới đất".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Sau
ít ngày, Chúa Giêsu lại trở về Capharnaum; nghe tin Người đang ở trong nhà, nhiều
người tuôn đến đông đảo, đến nỗi ngoài cửa cũng không còn chỗ đứng, và Người giảng
dạy họ. Người ta mang đến cho Người một kẻ bất toại do bốn người khiêng. Vì dân
chúng quá đông, không thể khiêng đến gần Người được, nên họ dỡ mái nhà trên chỗ
Người ngồi một lỗ to, rồi thòng chiếc chõng với người bất toại xuống. Thấy lòng
tin của họ, Chúa Giêsu nói với người bất toại rằng: "Hỡi con, tội lỗi con
được tha". Lúc ấy, có một ít luật sĩ ngồi đó, họ thầm nghĩ rằng: "Sao
ông này lại nói thế? Ông nói phạm thượng. Ai có quyền tha tội, nếu không phải
là một mình Thiên Chúa". Chúa Giêsu biết tâm trí họ nghĩ như vậy, liền nói
với họ: "Tại sao các ông nghĩ như thế? Nói với người bất toại này: 'Tội lỗi
con được tha' hay nói: 'Hãy chỗi dậy vác chõng mà đi', đàng nào dễ hơn? Nhưng
(nói thế là) để các ông biết Con Người có quyền tha tội dưới đất". - Người
nói với kẻ bất toại: "Ta truyền cho con hãy chỗi dậy, vác chõng mà về
nhà". Lập tức người ấy đứng dậy, vác chõng ra đi trước mặt mọi người, khiến
ai nấy sửng sốt và ngợi khen Thiên Chúa rằng: "Chúng tôi chưa từng thấy
như thế bao giờ".
Đó
là lời Chúa.
13/01/2012 THỨ SÁU TUẦN 1 TN
Th. Hilariô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh
Mc 2,1-12
*****
NHẬN BIẾT MÌNH ĐƯỢC THỨ THA
Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giêsu bảo người bại liệt: “Này con,
con đã được tha tội rồi.” (Mc 2,5)
Suy niệm: Người bại liệt không đi được, phải khiêng. Người khiêng
không chen vào được, phải trổ mái nhà để có thể đặt bệnh nhân xuống trước mặt Đức
Giêsu. Thật là vất vả. Lòng khao khát mong được Đức Giêsu chữa bệnh thật lớn biết
bao! Nhưng sự đáp ứng của Người thoạt xem dường như ‘trật khớp’: thay vì chữa bệnh,
Người lại...tha tội! Có lẽ không chỉ những kinh sư mà cả bệnh nhân lẫn đám đông
có mặt ở đấy đều bị bất ngờ. Và đây là một sứ điệp lớn mà Tin Mừng muốn chuyển
đạt:
1- Lành bệnh là điều quan trọng, nhưng được giải phóng khỏi tội lỗi
là điều quan trọng hơn nhiều. Chính tội lỗi là căn nguyên của đau khổ, bệnh tật,
và sự chết.
2- Đức Giêsu là Đấng tha tội, bởi Người chính là Thiên Chúa.
Mời Bạn: Tự vấn về cảm thức tội lỗi nơi mình. Bạn có nhận ra mình
có tội, mình là tội nhân không? Bạn cảm nhận mình thống khổ đến mức nào khi vướng
vào tình trạng tội lỗi, chẳng hạn, so sánh với những nỗi khổ do nghèo túng, bệnh
tật, cô đơn...)? Giữa bao nhiêu vấn đề cần giải quyết hiện nay trong đời sống của
bạn, vấn đề khẩn cấp nhất là tội lỗi. Bạn hãy đến với Chúa Giêsu. Chỉ có Người
mới có thể giải phóng cho bạn khỏi sự ràng buộc do tình trạng tội nơi mình.
Sống Lời Chúa: Khi nhận ra mình có tội bạn thành tâm sám hối về tội
lỗi mình và quyết tâm đổi mới cuộc sống ngay không trì hoãn. Đồng thời bạn sẵn
sàng để lãnh bí tích Hòa Giải sớm hết sức có thể.
Cầu nguyện: Đọc Kinh Ăn Năn Tội cách chậm rãi và với tâm tình xứng
hợp.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Thánh Hilariô, Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh; 1Sm 8, 4-7.10-22a;
Tin Mừng Mc 2, 1-12.
LỜI SUY NIỆM: Trong câu chuyện người bại
liệt được bốn người khiêng đến với Chúa Giêsu để được chữa lành. “Thấy họ có
lòng tin như vậy, Đức Giêsu bảo người bại liệt: “Này con, con đã được tha tội rồi.”
(Mc 2,5).
Trong thời của Chúa Giêsu, người Do-Thái có quan niệm, bệnh tật là hậu quả do
phạm tội. Người bại liệt này cũng đang mang trong mình một mặc cảm tội lỗi đó.
Chúa Giêsu đã thấu hiểu nổi khổ đau đó, Ngài cũng thấy được đức tin của anh ta
và bốn người bạn của anh ta. Nên trong việc chữa lành này. Chúa Giêsu đã đã lấy
quyền năng của Ngài tha tội cho anh ta, bằng dấu chỉ là anh ta đứng dậy, và lập
tức vác chõng đi ra trước mặt mọi người. Hình ảnh này cho chúng ta thấy, mỗi
khi chúng ta phạm tội, trong tâm hồn của chúng ta không có sự bình an, sự tội
đó cứ ám ảnh. Muốn thoát ra khỏi tình trạng này, trước tiên chúng ta phải có ước
muốn được chữa lành. Tin vào lòng nhân từ hay thương xót của Chúa. Rồi sám hối,
nếu cần, chúng ta nên mời thêm và người thân, đang cảm thông hoàn cảnh hiện
tại của chúng ta, giúp lời cầu nguyện. Đê chúng ta sớm được chữa lành
Mạnh Phương
++++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
Ngày 13-01
Thánh HILARIÔ
Giám
Mục Tiến Sĩ (khoảng 320-368)
Thánh Hilariô chào đời tại Poa-tu (Poitou ) Ngài là con một nhà quí tộc làm nghị viên và được
giáo dục đầy đủ. Các môn học mà thánh nhân ưa thích là văn chương, thi ca, nhất
là triết lý. Việc học tập của Ngài luôn được đào sâu cho tới cùng là Thiên
Chúa, Ngài nhận định rằng: hạnh phúc thật của con người không phải bị những thú
vui đời này, dù chúng thanh cao đến mấy đi nữa. Trái lại hạnh phúc là được sống
cho chân lý ở một cuộc sống khác với cuộc sống tạm trên trần gian này. Ngài
nói: - "Tôi khóc lên vì vui sướng mỗi khi nghĩ đến thân xác này chỉ được
tiền định để phải chết đi".
Nhưng làm thế nào mà thánh nhân đã gặp được chân
lý, gặp được Thiên Chúa mà các triết gia và các tôn giáo thường nói tới một
cách mù mờ ? Chính thánh nhân kể lại cuộc khám phá của mình: - "Từ môi trường
ngoại giáo, Chúa đã dẫn đưa tôi tới nguồn sáng chân thực. Giữa bao nhiêu hệ thống
triết lý và tư tưởng khác nhau, tôi vẫn ưu tư tìm đến Chúa bằng con đường ngay
thật, chắc chắn hữu thể thần linh vĩnh cửu phải là đơn thuần và độc nhất, không
có gì là không bắt nguồn tự Ngài, vạn vật đều phải thờ phượng Ngài".
Xác tín rằng phải có Chúa, Ngài còn suy nghĩ về
các phẩm tính thần linh của Chúa.
- "Nếu một công rình vượt quá trí khôn
chúng ta, thì nhà nghệ sĩ thần linh còn trổi vượt công trình đó thế nào ? Vậy
phải nhận biết rằng, Thiên Chúa tuyệt mỹ và chúng ta chỉ cảm nhận mà chúng ta
không thể thấu hiểu nổi".
Trong khi còn miên man suy nghĩ như vậy. Thánh
nhân bỗng gặp được một cuốn kinh thánh. Ngài đọc được đoạn văn trên Chúa hiện
ra với Môsê và tự bày tỏ: "Ta là Đấng hiện hữu".
Ngài sung sướng với khám phá này : - "Tôi
vui thỏa với danh hiệu mà Thiên Chúa đã tỏ ra cho Môsê. Thánh danh ấy vừa biểu
lộ một quan niệm sâu xa về Thiên Chúa, lại vừa tầm với trí óc con người.
Từ đó thánh nhân say mê nghiên cứu thánh kinh,
nhất là các sách tiên tri với những đoạn loan báo về Đấng thiên sai. Trong các
sách Tin Mừng, Ngài thích nhất tự ngôn của Tin Mừng theo thánh Gioan. -
"Trí tôi học biết và Thiên Chúa vượt quá điều nó dám ước mong... lòng tôi
run rẩy bồn chồn vì vui sướng trước giáo thuyết về Thiên Chúa Ba Ngôi và trước
lời mời gọi tái sinh nhờ đức tin".
Thế là thánh nhân đã lãnh nhận phép rửa tội và cảm
thấy hạnh phúc lạ lùng. Ngài đã lập gia đình và có được một người con gái. Rồi
đây Ngài sẽ đưa cả vợ con về với đức tin. Khi Ngài muốn trở thành linh mục, vợ
Ngài chỉ còn gặp lại Ngài tại bàn thánh và coi Ngài như một người anh. Nhân đức
và trí khôn ngoại hạng còn đưa Ngài tới chức giám mục cai quản địa phận Pcachie
(Poutiers) năm 350.
Lúc ấy lạc giáo Ariô nổi lên như vũ bão trong
Giáo hội. Vua Constantiô ủng hộ lạc giáo và tiếp tay cho cuộc bách hại. Thánh
Athanasiô bị bắt đi lưu đày. Thánh Hilariô đứng lên lãnh đạo công cuộc bảo vệ đức
tin chân chính. Ngài triệu tập một công đồng để lên án hai giám mục theo lạc
giáo. Cộng đồng còn cử Ngài đi thương thuyết với nhà vua. Nhưng lòng can đảm của
Ngài đã bị trừng phạt bằng cuộc lưu đày năm 356, chấp nhận gian khổ, Ngài tuyên
bố:
- "Người ta có thể bắt các giám mục lưu
đày, nhưng có thể trục xuất chân lý được không ?"
Cuộc hành trình tới Phrygia
nằm ở cuối miền Tiểu Á thật dài và đầy gian khổ. Nhưng thánh nhân đã không hề
phàn nàn mà vẫn bình thản sống mật thiết kết hợp với Chúa. Đầy dũng cảm, Ngài vẫn
tiếp tục làm rung chuyển thế giới bằng công việc viết lách của mình.
Ngài nói : - "Dầu bị lưu đày, chúng tôi vẫn
tiếp tục nói bằng sách vở, bởi vì người ta không thể giam hãm lời Chúa".
Ngài đã viết 12 khảo luận bàn về Chúa Ba Ngôi,
và đưa giáo thuyết chân chính của công giáo với những tư tưởng kinh tế của Hylạp
vào thổ ngữ. Ngài tiếp tục điều khiển giáo phận bằng thư tín. Cũng vào thời
này, thánh nhân diụ dàng hướng dẫn Ebra, người con gái của mình tới đời sống
thánh thện. Một bức thư Ngài viết trong buổi lưu đày còn sót lại có khuyên nhủ
nàng tận hiến cho Chúa như sau:
- "Con thân yêu, con là đứa con duy nhất của
cha, cha muốn thấy con đẹp nhất và đẹp nhất trong các phụ nữ. Người ta nói với
cha về một thanh niên có một viên ngọc quí và một bộ áo quí giá đến nỗi ai mà
có được những thứ đó thì sẽ là người giàu có hơn hết mọi người".
Và thánh nhân kể lại rằng: phải khó khăn lâu
ngày, Ngài mới gặp được người thanh niên này để xin Người ban viên ngọc và chiếc
áo ấy cho Ebra. Bên chiếc áo này, tuyết hết trắng, không có một vết niơ nào có
thể bôi bẩn, không một tai nạn nào có thể xé rách. Còn viên ngọc, không vật nào
chịu nổi vể rực rỡ huy hoàng, chẳng bao giờ tàn sắc, ai mang được sẽ hết khổ và
không phải chết.
Và Ngài tiếp : - "Đấy là những món trang sức
mà cha ước ao, những thứ ban ơn cứu rỗi và hạnh phúc vĩnh cửu".
Ngài còn gửi cho cô những khúc thánh thi để cô
ca nguyện sớm chiều. Ebra sớm theo ước nguyện của người cha nhưng cũng sớm lìa
trần.
Bốn năm trôi qua, Hoàng đế cho triệu tập công đồng
Sêlêucia. May mắn Ngài cũng được mời dự. Tại đây Ngài đã dùng hết tài hùng biện
và trí thông minh để chống lạc giáo, bảo vệ đức tin chân chính. Không chịu nổi ảnh
hưởng của Ngài. Bọn theo lạc giáo đã can thiệp để Ngài về quê hương cho rảnh rợ.
Thế là năm 360, Đức Giám mục Hilariô được trở về Poa-chi-ê.
Cuộc hồi hương của thánh nhân là niềm vui cho
toàn dân chứ không riêng gì cho giáo phận Poa-chi-ê. Thánh Hiêrônumô đã nói :
"Toàn dân Gôn (Gaules) ôm hôn vị anh hùng tay mang ngành vạn tuế trở về".
Trong đoàn người đông đảo đón mừng người cha
già, phải kể đến một người lính trẻ tên là Martinô. Lúc ấy Martinô đang sống ẩn
dật ở Ganlinaria và sau này sẽ làm thánh giám mục. Ngày về của vị giám mục già
cả còn được ghi dấu bằng một phép lạ nhãn tiền. Một bà mẹ khóc lóc ôm một đứa
con mới chết gặp Ngài. Bà tha thiết xin thánh nhân cứu sống con mình, ít ra để
nó được rửa tội. Cảm tưởng nỗi niềm đau đớn của người thiếu phụ, Ngài quì gối cầu
nguyện và da thịt đứa trẻ dần dần đỏ hồng rồi sống lại.
Tuổi già sức yếu nhưng thánh nhân vẫn nhiệt
thành chỉnh đốn lại những tàn phá do bè rối gây nên. Lòng nhiệt thành đã đưa
Ngài tới tận Milan
khiến bọn lạc giáo kinh hoàng và làm áp lực bắt Ngài phải trở lại Poa-chi-ê.
Ngày 13 tháng giêng năm 386 Ngài đã qua đời. Người ta kể lại rằng: lúc thánh
nhân tử trần, một luồng chói chang khắp phòng.
Ngày 10 tháng giêng năm 1852, theo lời thỉnh cầu
của nhiều vị giám mục. Đức giáo hoàng phong Ngài lên bậc Tiến sĩ Hội Thánh.
Ngài là vị thánh tiến sĩ đầu tiên ở Gôn.
(Daminhvn.net)
++++++++++++++++
13 tháng Giêng
Tiếng Chó Sủa
Những người có chức vụ
và quyền hành trong bất cứ xã hội nào cũng thường bị chỉ trích và chống đối.
Có một nhà lãnh đạo quốc gia kia thường bị
những người đối lập tấn công và thóa mạ một cách bất công, nhưng lúc nào ông ta
cũng tỏ ra bình thản như không có gì xảy ra. Một hôm, có người bạn hỏi lý do tại
sao ông có thể tỏ ra bình tĩnh được trước không biết bao nhiêu khiêu khích của
người khác, ông đã giải thích như sau:
"Tôi đã học được bí quyết giữ bình
tĩnh ngay từ lúc nhỏ. Chúng tôi sống bên cạnh một nhà láng giềng có nuôi một
con chó khó tính. Cứ mỗi lần trăng tròn, con chó lại sủa một cách giận dữ vô
căn cứ, có khi cơn sủa của nó kéo dài đến cả tiếng đồng hồ. Tất cả những người
xung quanh đều tỏ ra bực bội đối với con vật khó tính ấy, chỉ trừ có người chủ
của nó. Ông không bao giờ tỏ ra bực bội, bởi vì ông ta là một người điếc.
Tất cả bí quyết của tôi nằm ở đó. Trăng
sáng, con chó sủa. Một lúc sau, nó lại mỏi mệt và thôi sủa mặc dù trăng vẫn cứ
sáng".
Kiên nhẫn chịu đựng thường bị xem như một thể hiện
của tính thụ động, tiêu cực. Có người còn gọi đó là nhân đức của người nghèo.
Thế nhưng, trong cuộc sống, nhất là trong hoàn cảnh hiện tại, có lẽ chúng ta cần
đến nhân đức này hơn bao giờ hết.
Thiên Chúa là đấng kiên nhẫn. Kiên nhẫn vẫn
là nét đặc thù trong công trình sáng tạo của Ngài. Chúng ta có biết rằng trái đất
của chúng ta có bao nhiêu tuổi chưa? Các nhà địa chất nói với chúng ta rằng
trái đất đã được cấu tạo qua từng thời kỳ kéo dài đến cả triệu triệu năm. Ðịa
chất học quả thực là môn học của sự kiên nhẫn của Thượng Ðế. Thiên Chúa luôn tỏ
ra kiên nhẫn đối với con người. Toàn bộ Cựu Ước là một quyển ký lục về những nhẫn
nhục chịu đựng của Thiên Chúa đối với sự yếu đuối, khờ dại cũng như hung bạo của
con người. Ngài phải chờ đợi đến cả trăm năm để cho lụt Hồng Thủy trút xuống
trên con người. Ngài chờ đợi đến cả mười năm mới trừng phạt vua Saolô.
Tân Ước lại càng cho chúng ta cảm nhận được
bằng xương thịt. Tình yêu thương nhẫn nhục, chịu đựng của Thiên Chúa. Chúng ta
hãy chiêm ngắm sự nhẫn nhục của Chúa Giêsu đối với các môn đệ, đối với kẻ thù của
Ngài và nhất là đối với đám đông nghèo khổ, lạc lõng. Nhưng nhất là những đau
khổ, bách hại mà chính bản thân mình gánh chịu, Chúa Giêsu chỉ biết giữ thinh lặng,
thinh lặng không phải của căm hờn, oán trách mà là của yêu mến, tha thứ cho đến
cùng.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu Tuần I TN2
Bài đọc: I Sam 8:4-7, 10-22a;
Mk 2:1-12.
1/ Bài đọc I (năm chẵn):
4 Toàn thể các kỳ mục tập
hợp lại và đến với ông Sa-mu-en ở Ra-ma.
5 Họ nói với ông:
"Ông coi, ông già rồi, và các con ông lại không đi theo đường lối của ông.
Vậy bây giờ, xin ông lập cho chúng tôi một vua để vua xét xử chúng tôi, như
trong tất cả các dân tộc."
6 Ông Sa-mu-en bực mình vì
lời họ nói: "Xin ông cho chúng tôi một vua để xét xử chúng tôi." Và
ông Sa-mu-en đã cầu nguyện với Đức Chúa. 7 Đức Chúa phán với ông Sa-mu-en:
"Ngươi cứ nghe theo tiếng của dân trong mọi điều chúng nói với ngươi, vì
không phải chúng gạt bỏ ngươi, mà là chúng gạt bỏ Ta, không chịu để Ta làm vua
của chúng.'' 10 Ông Sa-mu-en nói lại mọi lời của Đức Chúa
cho dân bấy giờ đang xin ông một vua. 11 Ông nói: "Đây là quyền hành của
nhà vua sẽ cai trị anh em. Các con trai anh em, ông sẽ bắt mà cắt đặt vào việc
trông coi xe và ngựa của ông, và chúng sẽ chạy đàng trước xe của ông. 12 Ông sẽ đặt chúng làm người chỉ huy một
ngàn và chỉ huy năm mươi, sẽ bắt chúng cày đất cho ông, gặt lúa cho ông, chế tạo
vũ khí cho ông và dụng cụ cho xe của ông. 13 Các con gái anh em, ông sẽ bắt vào làm
thợ chế nước hoa, nấu ăn và làm bánh.
14 Đồng ruộng, vườn nho, vườn cây ô-liu tốt nhất của anh em,
ông sẽ lấy mà cho bề tôi của ông.
15 Lúa thóc và vườn nho của anh em, ông sẽ đánh thuế thập phân
mà cho các thái giám và bề tôi của ông. 16 Các tôi tớ nam nữ, các người trai
tráng khá nhất của anh em, các con lừa của anh em, ông sẽ bắt mà dùng vào việc
của ông. 17Chiên dê của
anh em, ông sẽ đánh thuế thập phân. Còn chính anh em sẽ làm nô lệ cho ông. 18 Ngày ấy, anh em sẽ kêu than vì vua của
anh em mà anh em đã chọn cho mình, nhưng ngày ấy Đức Chúa sẽ không đáp lời anh
em."
19 Nhưng dân không chịu nghe theo tiếng ông Sa-mu-en. Họ nói:
"Không! Phải có một vua cai trị chúng tôi! 20 Cả chúng tôi cũng sẽ giống như mọi dân
tộc. Vua chúng tôi sẽ xét xử chúng tôi, sẽ dẫn đầu chúng tôi và sẽ lãnh đạo các
cuộc chiến của chúng tôi." 21 Ông Sa-mu-en nghe tất cả những lời của
dân và nói lại những lời ấy cho Đức Chúa nghe. 22 Đức Chúa phán với ông Sa-mu-en:
"Hãy nghe theo tiếng chúng, và hãy đặt một vua cai trị chúng."
2/ Phúc Âm:
1 Vài ngày sau, Đức Giê-su
trở lại thành Ca-phác-na-um. Hay tin Người ở nhà,
2 dân
chúng tụ tập lại, đông đến nỗi trong nhà ngoài sân chứa không hết. Người giảng
lời cho họ.
3 Bấy
giờ người ta đem đến cho Đức Giê-su một kẻ bại liệt, có bốn người khiêng. 4 Nhưng vì dân chúng quá đông, nên họ
không sao khiêng đến gần Người được. Họ mới dỡ mái nhà, ngay trên chỗ Người ngồi,
làm thành một lỗ hổng, rồi thả người bại liệt nằm trên chõng xuống.
5 Thấy
họ có lòng tin như vậy, Đức Giê-su bảo người bại liệt: "Này con, con đã được
tha tội rồi."
6 Nhưng
có mấy kinh sư đang ngồi đó, họ nghĩ thầm trong bụng rằng: 7 "Sao ông này lại dám nói như vậy?
Ông ta nói phạm thượng! Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa?"
8 Tâm
trí Đức Giê-su thấu biết ngay họ đang thầm nghĩ như thế, Người mới bảo họ:
"Sao trong bụng các ông lại nghĩ những điều ấy? 9 Trong hai điều: một là bảo người bại
liệt: "Con đã được tha tội rồi", hai là bảo: "Đứng dậy, vác lấy
chõng của con mà đi," điều nào dễ hơn?
10 Vậy,
để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội, Đức Giê-su bảo người
bại liệt, 11 Ta truyền cho con: Hãy đứng dậy, vác lấy
chõng của con mà đi về nhà!"
12 Người
bại liệt đứng dậy, và lập tức vác chõng đi ra trước mặt mọi người, khiến ai nấy
đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ bảo nhau: "Chúng ta chưa thấy vậy
bao giờ!"
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Phải lắng nghe, hiểu thấu, và thực hành Lời
Chúa.
Thiên Chúa luôn dạy dỗ và
hướng dẫn con người trong mọi sự, ngày xưa cũng như thời nay; nhưng rất ít người
chịu lắng nghe, tìm hiểu, và mang ra thực hành. Vì thế, không lạ gì mà con người
vẫn tiếp tục cuộc sống triền miên đau khổ trong tội lỗi của mình.
Các Bài Đọc hôm nay tập
trung trong việc con người cần lắng nghe và đáp trả Lời Chúa. Trong Bài Đọc I,
năm lẻ, tác-giả Thư Do-Thái nhấn mạnh đến việc: nếu con người không chịu tuân
giữ Lời Chúa dạy, họ sẽ không được vào chốn yên nghỉ của Người. Trong Bài Đọc
I, năm chẵn, con cái Israel xin ngôn-sứ Samuel chọn cho họ một vị vua như bao
quốc gia khác để cai trị họ, vì họ đã mất tin tưởng nơi ông, và không còn muốn
nghe lời hướng dẫn của Thiên Chúa qua ông nữa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dùng
uy quyền chữa lành để chứng minh Ngài có quyền tha tội; và như một hậu quả,
Ngài đến từ Thiên Chúa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I (năm chẵn): "Hãy nghe theo tiếng chúng, và hãy đặt một vua
cai trị chúng."
1.1/ Con người không thấu
hiểu điều mình xin: "Đứng núi này trông núi kia" luôn là ảo tưởng của
con người. Họ thường không bao giờ bằng lòng với hoàn cảnh hiện tại và cảm nhận
được hạnh phúc trong những gì họ đang có; nhưng luôn mong muốn, tìm tòi, và cầu
xin cho được những gì họ nghĩ phải có thì mới hạnh phúc. Kết quả là họ chẳng
bao giờ có được bình an và hạnh phúc như lòng mong muốn. Trình thuật hôm nay là
một ví dụ điển hình.
(1) Dân chúng không muốn
nghe lời ông Samuel, ngôn sứ của Thiên Chúa: Toàn thể các kỳ mục tập hợp lại và
đến với ông Samuel ở Ramah. Họ nói với ông: "Ông coi, ông già rồi, và các
con ông lại không đi theo đường lối của ông. Vậy bây giờ, xin ông lập cho chúng
tôi một vua để vua xét xử chúng tôi, như trong tất cả các dân tộc."
(2) Dân chúng không muốn
Thiên Chúa làm vua cai trị họ: Ông Samuel rất bực mình với lời yêu cầu và ông cầu
nguyện với Đức Chúa cho biết phải giải quyết cách nào. Đức Chúa phán với ông
Samuel: "Ngươi cứ nghe theo tiếng của dân trong mọi điều chúng nói với
ngươi, vì không phải chúng gạt bỏ ngươi, mà là chúng gạt bỏ Ta, không chịu để
Ta làm vua của chúng.''
1.2/ Con người phải lãnh nhận
hậu quả của những gì mình mong muốn.
(1) Thiên Chúa báo trước hậu
quả: Dân chúng không đủ khôn ngoan để tiên liệu trước những gì sẽ xảy ra do việc
có vua cai trị; vì thế, Thiên Chúa phải báo trước những hậu quả do việc có vua:
"Đây là quyền hành của nhà vua sẽ cai trị anh em: Các con trai anh em, ông
sẽ bắt mà cắt đặt vào việc trông coi xe và ngựa của ông, và chúng sẽ chạy đàng
trước xe của ông... Các con gái anh em, ông sẽ bắt vào làm thợ chế nước hoa, nấu
ăn và làm bánh. Đồng ruộng, vườn nho, vườn cây ô-liu tốt nhất của anh em, ông sẽ
lấy mà cho bề tôi của ông... Các tôi tớ nam nữ, các người trai tráng khá nhất của
anh em, các con lừa của anh em, ông sẽ bắt mà dùng vào việc của ông. Chiên dê của
anh em, ông sẽ đánh thuế thập phân. Còn chính anh em sẽ làm nô lệ cho ông. Ngày
ấy, anh em sẽ kêu than vì vua của anh em mà anh em đã chọn cho mình, nhưng ngày
ấy Đức Chúa sẽ không đáp lời anh em."
(2) Dân chúng chấp nhận hậu
quả: Nếu những người có khôn ngoan đủ, họ sẽ nhận ra điều các kỳ mục xin là rồ
dại, vì những lý do sau: Thứ nhất, làm sao kiếm được một vị vua nào cai trị dân
khôn ngoan hơn Thiên Chúa? Thứ hai, họ được tự do khi Thiên Chúa cai trị; nhưng
họ và con cháu họ phải làm nô lệ khi có vua. Thứ ba, họ phải đóng đủ mọi thứ
thuế để có tiền trang trải cho những nhu cầu của nhà vua. Sau cùng, nếu họ đã lựa
chọn có vua, họ sẽ phải lãnh nhận mọi hậu quả; lúc đó, họ có kêu trách, cũng đã
quá muộn.
Nhưng dân vẫn cứng đầu,
không chịu nghe theo những lời cắt nghĩa của ông Samuel. Họ nói: "Không!
Phải có một vua cai trị chúng tôi! Cả chúng tôi cũng sẽ giống như mọi dân tộc.
Vua chúng tôi sẽ xét xử chúng tôi, sẽ dẫn đầu chúng tôi và sẽ lãnh đạo các cuộc
chiến của chúng tôi." Ông Samuel nghe tất cả những lời của dân và nói lại
những lời ấy cho Đức Chúa nghe. Đức Chúa phán với ông Samuel: "Hãy nghe
theo tiếng chúng, và hãy đặt một vua cai trị chúng."
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu là Thiên Chúa vì Ngài làm được những việc
Thiên Chúa làm.
2.1/ Chúa Giêsu có uy quyền
chữa bệnh: Trình thuật kể: “Đang khi Người giảng dạy cho họ, người ta đem đến
cho Đức Giêsu một kẻ bại liệt, có bốn người khiêng. Nhưng vì dân chúng quá
đông, nên họ không sao khiêng đến gần Người được. Họ mới dỡ mái nhà, ngay trên
chỗ Người ngồi, làm thành một lỗ hổng, rồi thả người bại liệt nằm trên chõng xuống.”
Mái nhà của người Do-Thái không xuôi ra hai bên như mái nhà chúng ta, mà phẳng
như hình chữ nhật để người ta có thể dùng làm sân thượng để hóng mát. Vì thế,
việc dỡ mái nhà xuống cũng đơn giản và ít gây thiệt hại. Khi thấy cách biểu lộ
niềm tin của họ, Chúa Giêsu bảo người bại liệt: "Này con, con đã được tha
tội rồi." Tội này có thể là tội dỡ mái nhà hay tội của người bại liệt.
2.2/ Chúa Giêsu có quyền
tha tội:
(1) Tội lỗi và hình phạt:
Theo truyền thống Do-Thái, hình phạt là hậu quả của tội lỗi: có thể của cá nhân
hay của cha mẹ (Job 4:7, Jn 9:2). Các Rabbi có câu: “Không người bệnh nào được
lành bệnh cho tới khi tất cả tội lỗi của anh được tha thứ.”
(2) Lý luận của Chúa Giêsu:
Khi Ta tha hình phạt qua việc chữa lành, là Ta tha tội, nguyên nhân của hình phạt.
(3) Lý luận của các
Kinh-sư: Trong đám đông, có nhiều các Kinh-sư đến không phải để nghe Thiên Chúa
giảng, nhưng để bới lá tìm sâu để có thể kết án Chúa, và họ nghĩ họ đã tìm ra
lý do để kết án Chúa phạm thượng: " Sao ông này lại dám nói như vậy? Ông
ta nói phạm thượng! Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa?"
(4) Chúa Giêsu dùng lý luận
của các Kinh-sư và việc chữa lành để chứng minh cho họ biết Ngài là Thiên Chúa:
“Tâm trí Đức Giêsu thấu biết ngay họ đang thầm nghĩ như thế, Người mới bảo họ:
"Sao trong bụng các ông lại nghĩ những điều ấy? Trong hai điều: một là bảo
người bại liệt: "Con đã được tha tội rồi," hai là bảo: "Đứng dậy,
vác lấy chõng của con mà đi," điều nào dễ hơn?” Dĩ nhiên điều dễ làm hơn
là bảo “Con đã được tha tội rồi;” vì không ai có thể kiểm chứng được, còn điều
khó làm là bảo "Đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi;" phải là người
có uy quyền mới làm được và mọi người đều kiểm chứng.
“Vậy, để các ông biết: ở dưới
đất này, Con Người có quyền tha tội, Đức Giêsu bảo người bại liệt, Ta truyền
cho con: Hãy đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi về nhà!" Người bại liệt
đứng dậy, và lập tức vác chõng đi ra trước mặt mọi người, khiến ai nấy đều sửng
sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ bảo nhau: "Chúng ta chưa thấy vậy bao giờ!"
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Nghe giảng là để dẫn tới đức tin hay làm cho đức
tin tăng trưởng hơn, chứ không phải nghe cho qua lần chiếu lệ. Cả người rao giảng
lẫn các tín hữu, chúng ta phải tôn trọng lúc lắng nghe và chia sẻ Lời Chúa.
- Nếu chúng ta khinh thường hay không chịu chuẩn
bị, chúng ta đã hoang phí thời giờ của người rao giảng cũng như người nghe; và
nhất là không đạt được mục đích của cuộc đời: được sống với Thiên Chúa muôn đời.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
Ngày 13
THÁNH HILARIO
Giám Mục Tiến Sĩ
Người Pháp (315?-368?)
1. Thân thế: Là con một gia đình ngoại
giáo, Hilariô sinh năm 320 tại Poitiers ,
nước Pháp. Không ai có thể đoán được, sau này Hilariô bị đi đày và bênh vực
đức tin như thế nào. Sau khi học xong, Hilariô kết hôn, vợ chồng có được một
con gái tên Afra.
Mọi người biết Hilariô đều nói ngài tử tế, thân thiện, bác ái. Học hỏi đưa
Hilariô tới thích đọc Kinh thánh, nhờ đó người tìm ra chân lý. Người xác tín rằng:
Chỉ có một Chúa và Con Chúa đã làm người, chết, sống lại và cứu chuộc loài người.
Từ đó người và vợ con xin chịu phép Rửa tội.
Dân thành Poitiers cảm kích lối sống đạo đức của Hilariô, nên đã chọn làm giám
mục năm 250.
2. Chống bè rối Ariô, dù bị đi
đày: Lúc đó, bè rối Ariô rất
mạnh. Bè này không nhận Chúa Kitô là Thiên Chúa nên giám mục Hilariô chống cách
mãnh liệt. Hoàng Đế Constantinô 2 muốn giám mục Hilariô ký tên kết án
giám mục Athanasiô (người cũng chống bè Ariô), nhưng giám mục Hilariô không ký,
nên vua bắt đi đày ở Phrygia. Trong 3 năm lưu đày, người làm nhiều chuyên
hay hơn: rao giảng, viết sách, chịu
khổ vì đức tin. Người còn muốn mở cuộc tranh luận với các giám mục theo bè
Ariô. Nên các giám mục này xin
vua cho giám mục Hilariô được về lại. Đối với các giám mục này, Hilariô tỏ ra đầy tình bác ái, cho họ thấy những
sai lầm và đưa họ trở về với giáo hội.
Người nói :"Tôi không bảo vệ đức tin bằng lời giảng dạy, thì tôi rao
truyền Chúa Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật bằng sách vở".
Những năm cuối đời, thánh nhân dành thời giờ để cầu nguyện và sám hối.
Người không bao giờ bước lên dâng lễ mà không xưng tội trước. Người nói : "Ngày nào không xưng tội được, tôi thấy bất xứng, không đáng dâng lễ. Những ngày đó đối với tôi là những ngày tang chế sầu buồn".
Người không bao giờ bước lên dâng lễ mà không xưng tội trước. Người nói : "Ngày nào không xưng tội được, tôi thấy bất xứng, không đáng dâng lễ. Những ngày đó đối với tôi là những ngày tang chế sầu buồn".
Thánh nhân qua đời ngày 13 tháng giêng năm 386. Năm 1852, Người được phong làm tiến sĩ Giáo Hội.
****************
Cùng ngày 13/1
3 thánh trong một gia đình, người làng Quần cống,
Bùi chu:
1- Đaminh Nguyễn Trọng Khảm, quan án
2- Giuse Phạm Trọng Tả, cai tổng
3- Luca Phạm Trọng Thìn, cai tổng
1/ Thánh Đaminh Phạm Trọng Khảm, quan án, dòng ba Ðaminh
(bị bắt tháng 7-1858, bị thắt cổ
13-1-1859 tại Nam Ðịnh)
1. Giáo dân tốt lành: Sinh
khoảng năm 1780, tại làng Quần Cống, Tỉnh Nam Định. Lúc còn nhỏ, ngài được
cha mẹ chuyên cần dạy dỗ, nên ngài rất đạo đức, hiếu thảo. Năm lên 18 tuổi,
ngài kết hôn với một thiếu nữ đạo đức trong họ đạo. Vợ chồng sống hòa thuận và
hy sinh cho nhau, sốt sáng thờ phượng Chúa, nhiệt thành giúp việc trong xứ, và
hết lòng yêu thương mọi người, nhất là người nghèo khổ bệnh tật.
Cụ giầu lòng bác ái, cụ thích "ngồi ăn chung với những người kẻ khó, Cụ
không chịu ăn nếu không mời được họ"
Vào lúc các quan đang bắt đạo cách dữ
dằn , ông bà tận tâm che giấu các
Giám mục, Linh mục và khích lệ những người đồng đạo can đảm chịu chết vì
Chúa. Mỗi lần binh lính đến bao vây bắt bớ người có đạo, ông bà báo tin
cho mọi người và khuyến khích họ sống chết trung thành theo Chúa. Đối với
những người nhút nhát, ông bà dọa cho họ sợ mà can đảm bền chí :"Kẻ nào trong anh chị em đạp
lên Thánh Giá, khi quan về, tôi sẽ đuổi ra khỏi làng, sẽ không có chỗ mà chôn
xác đâu". Nhờ đó nhiều người nhát đảm vẫn cương quyết chịu chết vì
Chúa.
2. Kiên gan đến cùng: Binh lính lục soát nhưng không bắt được người nào,
nên quan ra lệnh cho bắt cụ Khảm, Cai Tả và Cai Thìn dẫn về Nam Định tống ngục.
Sau nhiều lần dụ dỗ, đe doạ, hành hạ, các ngài vẫn trung thành theo Chúa.
Ngày 13 tháng giêng năm 1859 các ngài bị đưa
ra pháp trường Bảy Mẫu (nơi này hiện còn rất nhỏ hẹp, và không có ghi tích
gì!). Đến nơi binh lính xô các ngài xuống đất, trói tay chân vào cột,
tròng dây vô cổ kéo thật mạnh cho đến khi các ngài tắt thở. Quân lính lấy lửa đốt mặt, chân và tay
ngài. Ngài thọ quãng 80 tuổi.
2/ Thánh Giuse
Phạm Trọng Tả, cai tổng
(bắt tháng 7-1858, bị thắt cổ 13-1-1859 tại Nam Ðịnh)
Các nhân chứng không biết gì nhiều về thân thế của Thánh Giuse Tả, chỉ biết
rằng ngài làm phó tổng làng Quần Cống. Khi quân của tỉnh Nam Ðịnh về vây làng
Quần Cống vì có tin báo thừa sai đang trốn ở đây. Ông Giuse Tả cùng bị bắt một
lượt với Thánh Ða Minh Khảm. Ngài đã có vợ nhưng vợ đã chết trước.
Gia phả ghi:" Đầy tớ ông rất đông,
chưa Tết ông đã đi thăm viếng từng nhà và cho tiền mừng tuổi rất hậu. Số tiền ấy
thường gấp đôi số quà cáp họ biếu ông trong năm. Tiền thóc gia nhân vay mượn
ông thường cho một nửa, nếu túng quá thì cho luôn. Công nợ của dân trong làng
cũng hay được châm chước như thế. Khi bà Cai lên tiếng cằn nhằn, ông thản nhiên
trả lời: Mình quên nợ người, Chúa quên tội mình".
Khi bị bắt ra đình làng điểm danh và ép buộc đạp ảnh, ông Giuse Tả đã can đảm
xưng đạo. Về tỉnh Nam Ðịnh, Giuse
Tả còn bị đem ra tòa ép buộc chối đạo ba lần, nhưng ngài vẫn một mực chống lại
lời dụ dỗ, quyết một lòng chịu chết vì Chúa. Chính tay ngài đã viết một tờ
tuyên xưng như sau: "Tôi là Giuse Tả, không bao giờ muốn chối đạo vì đó
là điều ghê sợ đối với tôi. Tôi sẵn lòng chịu mọi thứ cực hình hơn là làm việc
phản bội Chúa tôi". Ngài bị giam tù bốn tháng rưỡi.
Ngày 13-1-1859, ông Giuse Tả, 60 tuổi, cùng với Án Khảm và Cai Thìn bị đem
ra pháp trường Bảy Mẫu ở Nam Ðịnh xiết cổ cho chết.
3/ Thánh Luca
Phạm Trọng Thìn, Cai Tổng,
Người làng Quần Cống, Bùi chu. Tử đạo lúc 40 tuổi.
(gương: ăn năn cải thiện đời
sống thật, đền tội bằng thực hành bác ái và cái chết của mình)
- Con trai cụ Án Khảm.
Nhà giầu nên ngài được học hành đến nơi đến chốn, làm chánh tổng mới có 30
tuổi. Khi làm chánh tổng, ông có bê bối thờ ơ sống đạo, có vợ
bé, nhưng biết nghe lời khuyên của cha mẹ, của cha giải tội, ông đã thành tâm
thống hối cải thiện,
- Trở thành gia trưởng đạo đức, hội viên dòng
Ba thánh Đaminh tốt, quan chức tốt.
- Đền tội chân thành: Ba lần ra trước tòa, ông cương quyết không bước qua
thập giá. Những người ngoại đạo
trong tù khuyên ngài chối đạo để giữ của cải và mạng sống. Ngài nói: "Xin
các bạn để tôi yên và đừng nói với tôi điều này nữa, tôi thà mất của cải, chịu
mọi cực khổ dữ dằn nhất hơn là đang tâm phạm đến ảnh thánh của Chúa tôi. Tôi
tuyên xưng rằng tôi không có gì khác hơn là ước muốn được đổ máu ra vì đạo
thánh của tôi".
Khi quan bảo ông viết cảm nghĩ lên giấy, ông
viết như sau: "Tôi là một
Kitô hữu, tôi sẵn sàng chấp nhận mọi cực hình, kể cả cái chết đớn đau nhất, hơn
là phạm một lỗi nhỏ nhất trong đạo tôi thờ. Chính tay tôi viết điều này. Luca
Thìn".
- Trên đường ra nơi xử, cùng với cha là quan
Khảm, chú là Tổng Tả và 7 giáo dân cùng làng Quần cống, các ngài lớn tiếng
đọc kinh Tin, Cậy, Mến, Kính mừng, ăn năn tội, tên Chúa Giêsu. Các ngài bị hình
phạt thắt cổ tới chết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét