Thứ Năm Tuần XVII
Thường Niên Năm II
|
|
BÀI ĐỌC I: Gr 18, 1-6
"Như hòn đất nơi tay
thợ gốm thế nào, thì các ngươi ở trong tay Ta cũng như vậy".
Trích sách Tiên tri Giêrêmia.
Có lời Chúa phán cùng Giêrêmia rằng: "Ngươi
hãy chỗi dậy, đi xuống nhà thợ gốm, và ở đấy ngươi sẽ nghe lời Ta". Tôi
liền xuống nhà thợ gốm, và đây anh đang nắn đồ trên bàn quay. Cái bình đất do
tay anh nắn đã vỡ nát, anh lại nắn cái khác theo như ý anh muốn làm. Và có lời
Chúa phán cùng tôi rằng: "Chúa phán: Hỡi nhà Israel , nào Ta chẳng làm được cho
các ngươi như người thợ gốm này sao? Hỡi nhà Israel ! Đây, như hòn đất trong tay
người thợ gốm thế nào, thì các ngươi ở trong tay Ta cũng như vậy".
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 145, 2abc. 2d-4.
5-6
Đáp: Phúc thay người được Thiên Chúa nhà Giacóp phù
trợ (c. 5a).
Xướng: 1) Linh hồn tôi ơi, hãy khen ngợi Thiên Chúa;
tôi sẽ khen ngợi Thiên Chúa trong cả cuộc đời; bao lâu còn có thân tôi, tôi còn
ca ngợi Chúa. - Đáp.
2) Đừng tin cậy vào những vị quân vương, vào con
người phàm không thể ban ơn cứu độ. Lúc y tắt thở, y sẽ trở về bụi đất; bấy giờ
những lời bàn của y cũng tiêu tan. - Đáp.
3) Phúc thay người được Thiên Chúa nhà Giacóp
phù trợ, người đặt hy vọng vào Chúa là Thiên Chúa của mình: Người là Đấng đã
tạo thành trời đất, biển khơi và muôn vật chúng đang chứa đựng. Người là Đấng
giữ trung tín muôn đời. - Đáp.
ALLELUIA: Tv 24, 4c và 5a
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin dạy bảo con
về lối bước của Chúa và xin hướng dẫn con trong chân lý của Ngài. - Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 13, 47-53
"Người ta lựa cá tốt
bỏ vào giỏ, còn cá xấu thì ném ra ngoài".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng:
"Nước trời lại giống như lưới thả dưới biển, bắt được mọi thứ cá. Lưới
đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi đó mà lựa chọn: cá tốt thì bỏ vào giỏ, còn
cá xấu thì ném ra ngoài. Đến ngày tận thế cũng như vậy: các thiên thần sẽ đến
mà tách biệt kẻ dữ ra khỏi người lành, rồi ném những kẻ dữ vào lò lửa: ở đó sẽ
phải khóc lóc nghiến răng. Các ngươi có hiểu những điều đó không?" Họ thưa:
"Có".
Người liền bảo họ: "Bởi thế, những thầy
thông giáo am tường về Nước trời cũng giống như chủ nhà kia, hay lợi dụng những
cái cũ, mới trong kho mình". Khi Chúa Giêsu phán các dụ ngôn đó xong, thì
Người rời khỏi nơi ấy.
Đó là lời
Chúa.
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
THỨ NĂM TUẦN XVII THƯỜNG NIÊN năm II
Bài đọc: Jer 18:1-6; Mt
13:47-52
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ :
Cần biết mình trong
mối tương quan với Thiên Chúa.
Khi con người càng giàu có và tiến bộ văn minh, con người càng
xa Thiên Chúa; ngược lại, ở những nước nghèo khổ và chậm phát triển, con người
dễ tin tưởng vào Thiên Chúa hơn. Một ví dụ dẫn chứng: Đức Giáo Hoàng Benedict
đã hơn một lần cảnh cáo các nước Âu Châu đang mất dần đi đức tin, gia sản Kitô
giáo của mình; đang khi đó ở Phi Châu và Á Châu, số tín hữu và linh mục lại gia
tăng rất nhiều. Lý do nào đã đưa con người xa Thiên Chúa khi họ trở nên giàu có
và thụ hưởng một nếp sống văn minh hơn? Có phải khi con người giàu có và tiến
bộ, Thiên Chúa không còn chỗ đứng trong cuộc đời của họ nữa?
Các bài đọc hôm nay cho chúng ta một cái nhìn xác thực về vấn đề
này. Trong bài đọc I, ngôn sứ Jeremiah được Thiên Chúa mặc khải sự khôn ngoan
khi ông chứng kiến người thợ gốm làm việc. Như nắm đất sét trong tay thợ gốm,
ông có thể nặn ra những chiếc bình khác nhau; nếu có chiếc bình nào không đúng
ý, ông có thể loại bỏ hoặc sửa lại cho vừa ý. Thiên Chúa cũng thế, Ngài có thể
sáng tạo nên những con người khác nhau; nếu một người trở nên không đúng ý
Thiên Chúa, Ngài có thể loại bỏ hay sửa chữa cho hợp với thánh ý của Ngài.
Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đưa ra hai hình ảnh để mời gọi con người suy nghĩ.
Thứ nhất, như chiếc lưới thả xuống biển và bắt lên mọi cá tốt cũng như cá xấu,
người ngư phủ ngồi lựa cá tốt cho vào giỏ, cá xấu quăng đi; thiên thần của
Thiên Chúa cũng gom nhặt tất cả mọi người, người công chính cho vào Nước Trời,
trong khi những người xấu nết bị quăng ra ngoài. Thứ hai, như một quản gia tích
trữ trong kho cả những cái cũ lẫn cái mới, Nước Trời cũng bao gồm cả cái cũ lẫn
cái mới, chứ không phải chỉ có những cái mới mà thôi.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Đất sét ở trong tay
người thợ gốm thế nào, các ngươi ở trong tay Ta cũng như vậy.
Mặc khải của Thiên Chúa cho con người không chỉ bằng lời nói,
nhưng còn bằng hình ảnh, vì chúng giúp con người dễ cảm nhận hơn. Những thị
kiến các ngôn sứ nhìn thấy, không nhất thiết phải từ trời; nhưng có thể từ
những kinh nghiệm nhìn thấy hằng ngày. Thiên Chúa ban ơn linh hứng cho các ngôn
sứ, để ông có thể hiểu một chân lý cao sâu đàng sau những gì đang thấy, trước
khi loan truyền lại cho dân chúng.
1.1/ Hình ảnh đất sét ở trong tay người thợ gốm: Trình thuật hôm
nay muốn diễn tả: Đất sét chỉ là chất liệu. Nó không thể đòi người thợ gốm tạo
thành chiếc bình thay vì cái nồi. Óc sáng tạo là ở nơi người thợ gốm, ông có
thể nặn lên bất cứ hình ảnh nào ông muốn. Khi nặn một đồ vật bị hỏng, ông có
thể vứt đi, hoặc nhồi đất sét để nặn lại. Đất sét không có một chút uy quyền gì
đối với người thợ gốm.
Bàn xoay (obnayim) chỉ tìm thấy ở đây, là hai cối đá được nối
kết với nhau bằng một trục đứng. Cối đá ở dưới được điều khiển bằng chân; trong
khi cối đá ở trên được điều khiển bằng tay (Sir 38:29-30). Chiếc bình bị hỏng
vì nhiều lý do, nhưng lý do chính yếu là nó không theo đúng ý của người thợ
gốm. Khi thấy không hợp ý, người thợ gốm có quyền vứt đi để nặn chiếc bình khác
hay sửa chữa cho đúng ý. Đây chính là ý chính của thị kiến.
1.2/ Con người ở trong tay Thiên Chúa.
Trình thuật hôm nay
có ý muốn nói: Thiên Chúa chính là người thợ gốm. Israel chính là đất sét trong tay
Ngài. Thiên Chúa có thể (yasar), có nghĩa
“nặn” hay “sáng tạo” nên những con người khác nhau. Ý tưởng con người là đất
sét rất phổ thông trong vùng Cận Đông, và nguồn gốc của nó liên quan với thợ
gốm.
Ý chính của trình thuật là con người hoàn toàn tùy thuộc vào
Thiên Chúa cho sự hiện hữu của họ. Thiên Chúa có thể làm cho con người trở
thành một thọ tạo tốt đẹp nhất, như người thợ gốm làm một chiếc bình đẹp nhất.
Chiếc bình không thể nói với thợ gốm: Tự tôi làm ra chiếc bình đẹp này. Như đất
sét không thể truyền cho người thợ gốm nặn mình thành cái gì mình muốn hay đừng
nặn những gì mình không muốn; con người cũng không thể yêu cầu Thiên Chúa tạo
họ thành những gì họ muốn, và họ cũng không thể trở thành những gì mà Thiên
Chúa không muốn.
Trong thực tế, khi vật chất tương đối đầy đủ hay hưởng thụ các
văn minh tiến bộ, con người thường có khuynh hướng kiêu hãnh: coi như tất cả
những gì mình sở hữu là do chính mình tạo nên. Vì quên nguồn gốc nên họ coi họ
như chủ nhân và làm bất cứ điều gì họ muốn. Họ khinh thường những điều răn Chúa
dạy và coi những điều này như là dây xích giới hạn sự tự do của họ.
2/ Phúc Âm: Nước Trời giống như
lưới cá thả xuống biển gom được đủ thứ cá.
2.1/ Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng
ngũ người công chính.
Chúa Giêsu dùng hình ảnh người ngư phủ ngồi lựa cá để nhắc nhở
cho dân chân lý này: Chẳng có ngư phủ nào dại dột bỏ chung cá tốt với cá xấu.
Trái lại, ông sẽ ngồi chọn lựa: cá tốt bỏ vào giỏ, cá xấu quăng ra ngoài. Cũng
vậy, trong Ngày Phán Xét, Chúa sẽ sai các thiên thần của Ngài lựa những người
tội lỗi ra khỏi những người công chính, và quăng họ vào lò lửa, ở đó họ sẽ phải
khóc lóc và nghiến răng! Nếu con người biết họ sẽ không thể vào Nước Trời nếu
cứ mang trong mình đủ mọi tội lỗi, họ phải biết ăn năn trở lại và tập sống
thành người tốt hơn.
2.2/ Nước Trời giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của
mình cả cái mới lẫn cái cũ.
Chúa dùng hình ảnh của người luật sĩ đã được học hỏi thông thạo
về Nước Trời: Ông giống như người quản gia, mang ra từ kho tàng của mình cả cái
mới lẫn cái cũ. Qua hình ảnh này, Chúa cho dân chúng thấy Nước Trời không chỉ
toàn cái cũ, cũng không chỉ toàn cái mới; mà là cả cũ lẫn mới. Nếu hiểu Nước
Trời là chính Chúa Giêsu, từ nơi Ngài tập trung cả cái cũ lẫn cái mới, cả Cựu
Ước lẫn Tân Ước. Ngài đến để làm trọn những gì Cựu Ước đã nói về Ngài.
Một trong những thái độ vô cùng nguy hiểm của con người thời đại
là thái độ “có mới nới cũ.” Những người này chủ trương phải đạp đổ hay ít nhất
xét lại tất cả quá khứ và xây dựng lại từ đầu. Họ quên đi rằng không phải tất
cả những gì cũ là dở và những gì mới đều hay; chưa chắc cái mới đã tốt bằng cái
cũ, và rất nhiều lần cái mới là kiện toàn của cái cũ. Những tiến bộ của khoa
học không nên làm con người xa Thiên Chúa; nhưng phải là lý do để con người
tiến gần Chúa hơn, vì Thiên Chúa đã cho con người có khôn ngoan để khám phá ra
những trật tự mà Thiên Chúa đã cho tiềm ẩn trong thế giới.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Con người do Thiên Chúa tạo dựng và điều khiển. Chúng ta không
bao giờ được kiêu hãnh coi mình trên Thiên Chúa hay không cần đến Ngài. Trái
lại, chúng ta cần khiêm nhường nhìn nhận mình chỉ là loài thụ tạo trước mặt
Chúa và không thể sống thiếu Ngài.
- Chúng ta sẽ chết và bị phán xét trong Ngày Tận Thế. Ngày Tận
Thế không phải do trí tưởng tượng nhưng do chính Con Thiên Chúa đã mạc khải.
Trong ngày này, chúng ta sẽ phải trả giá tất cả các việc mình đã làm khi còn
sống nơi thế gian, và sẽ được vào Nước Trời hay bị quăng ra ngoài là do hậu quả
của các việc làm này.
- Vì những chân lý này mà chúng ta phải sống rất khôn ngoan đang
khi còn sống trên thế gian. Chúng ta phải cẩn thận tuân giữ luật Chúa, càng văn
minh bao nhiêu càng cần giữ luật nghiệm nhặt bấy nhiêu. Chúng ta đừng sống như
không có nguồn gốc và cũng đừng sống như không có ngày mai.
Lm. An-tôn Đinh Minh Tiên, OP.
02/08/12
THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 17 TN
Th. Phêrô Giulianô Êma, linh mục
Mt 13,47-53
Th. Phêrô Giulianô Êma, linh mục
Mt 13,47-53
CHIẾC
LƯỚI THU GOM
“Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá…” (Mt 13,47)
Suy niệm: Chiếc lưới thả xuống biển thu về đủ loại cá, lớn bé, tốt xấu lẫn lộn, đó là hình ảnh của Nước Trời không phải “ở trên trời” mà là Nước Trời ở trần gian này. Chiếc lưới cá có thời thả xuống biển và cũng có thời kéo lên bờ. Thả xuống biển, chiếc lưới thu gom tất cả mọi thứ tôm cá, cũng thế Nước Trời thời đón nhận mở rộng cửa cho tất cả mọi người, không phân biệt màu da, giai cấp, giàu nghèo, v.v…. Không chỉ những người lành thánh, mà cả những người bị coi là tội lỗi nữa, cũng được mời gọi vào Nước Trời. Thời kéo lưới là thời chọn lọc, đó chính là Nước Trời thời sau hết, thời cánh chung: đó là lúc ngồi lựa “cá tốt cho vào giỏ, cá xấu vất ra ngoài” (c. 48).
Mời Bạn: Việc chọn lựa cá tốt là việc của Chúa. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi ngày ấy, Ngài cho bạn cơ hội để: 1/ gia nhập vào Nước Trời: việc này thật dễ dàng, vì Nước Trời đón nhận mọi người không loại trừ ai; 2/ lãnh nhận các bí tích là lương thực thiêng liêng giúp bạn lớn lên thành “cá tốt.” Bạn hãy nỗ lực tận dụng ơn thánh ngay trong thời gian hiện tại này để trở thành “cá tốt đạt chuẩn” để được chọn vào Nước Trời.
Chia sẻ: Tình trạng chung đụng người tốt kẻ xấu là điều tất yếu trong thân phận con người ở trần gian này. Làm thế nào để tránh được những hậu tiêu cực của tình trạng này gây nên và tận dụng những cơ hội tích cực nó đem lại?
Sống Lời Chúa: Năng lãnh nhận các bí tích và thường xuyên cầu nguyện là phương thế giúp bạn tăng trưởng thiêng liêng và sống thánh thiện đáng được vào hưởng Nước Trời
Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha.
Cá
tốt cho vào giỏ
Suy niệm:
Dụ ngôn chiếc lưới được coi là dụ ngôn cuối
cùng
trong một chuỗi bảy dụ ngôn của chương 13 theo
Tin Mừng Mátthêu.
Dụ ngôn này có nhiều điểm tương đồng với dụ
ngôn lúa và cỏ lùng.
Cả hai đều nói đến sự tách biệt kẻ xấu và người
tốt vào ngày tận thế,
và kẻ xấu sẽ bị Thiên Chúa luận phạt nghiêm
minh (cc. 42. 50).
Đức Giêsu đã dùng những hình ảnh quen thuộc,
gần gũi để nói về Nước Trời.
Có khi là hình ảnh nông nghiệp như dụ ngôn
người gieo giống,
dụ ngôn lúa và cỏ lùng, hay dụ ngôn hạt cải.
Có khi là hình ảnh về chăn nuôi như dụ ngôn về
người mục tử.
Có khi là hình ảnh về ngư nghiệp như trong dụ
ngôn chiếc lưới.
Một số môn đệ của Ngài đã sống bằng nghề chài
lưới ở hồ Galilê.
Thời xưa việc đánh cá ở hồ này cũng đơn giản
như ở quê ta ngày nay.
Những ngư phủ đi trên những chiếc thuyền nhỏ.
Họ quăng lưới vào những nơi thấy dấu hiệu có cá
đang đi.
Lưới với những hòn chì nặng sẽ chụp xuống đàn
cá và họ chỉ cần kéo vào bờ.
Một chi tiết đáng chú ý ở đây là họ gom được mọi loại cá, cả tốt lẫn xấu.
Hình ảnh này gợi cho ta về việc mọi người, bất
luận tốt xấu,
đều được mời gọi tham dự bàn tiệc Nước Trời (Mt
22, 9-10).
Trong Hội Thánh, cũng có sự pha trộn giữa người
tốt, kẻ xấu,
như được ám chỉ trong dụ ngôn lúa và cỏ lùng.
Ở các tỉnh ven hồ Galilê, ta dễ thấy cảnh tượng
các ngư phủ ngồi trên bờ,
gom cá đánh được trong ngày, giữ lại cá tốt,
quăng đi cá xấu.
Chỉ khi lưới đầy, họ mới làm công việc lựa cá
như vậy (c. 48).
Tương tự như trên, chỉ khi đến ngày tận thế,
các thiên thần mới xuất hiện
để tách biệt kẻ xấu ra khỏi người công chính
(c. 49).
Như thế tình trạng hiện nay của Hội Thánh vẫn
là chưa hoàn hảo.
Không phải mọi Kitô hữu đều đã sống tinh thần
Bài Giảng trên núi.
Có những Kitô hữu không sinh trái, vì hạt giống
nhận được đã bị thui chột,
bởi thử thách gian nan hay mối lo toan vật chất
(Mt 13, 18-22).
Có những Kitô hữu tuy vẫn kêu Đức Giêsu là Lạy
Chúa ! (Mt 7, 21-23),
vẫn nhân danh Ngài mà nói tiên tri, trừ quỷ hay
làm phép lạ,
nhưng lại không thi hành ý muốn của Cha trên
trời và làm điều gian ác.
Có những Kitô hữu dự tiệc cưới mà không mặc áo
cưới (Mt 22, 11-13).
Có những Kitô hữu là muối nhạt, đã trở thành vô
dụng (Mt 5, 13).
Như thế gia nhập Hội Thánh không phải là một
bảo đảm để được cứu độ.
Còn cần sống hoàn thiện như Cha trên trời (Mt
5, 48).
Thời nay chúng ta không thích nghĩ đến những
chuyện bị coi là xa xôi,
như chuyện tận thế, chuyện Thiên Chúa phán xét
và luận phạt.
Chúng ta thích sống yên ổn với một Thiên Chúa
nhân hậu vô cùng,
đến độ có vẻ như hỏa ngục chỉ là chuyện viển
vông để dọa con nít.
Nhưng dù sao cũng không tránh được ngày cỏ lùng
bị tách khỏi lúa,
cá xấu bị tách khỏi cá tốt, kẻ bất lương bị
tách khỏi người lành.
Cuối cùng Nước Trời sẽ không còn chút bóng dáng
của sự dữ,
và Thiên
Chúa sẽ là mọi sự cho mọi người (1
Cr 15, 28).
Cầu nguyện:
Lạy Chúa
Giêsu,
xin
thương nhìn đến Hội Thánh
là đàn chiên
của Chúa.
Xin ban cho Hội
Thánh
sự hiệp nhất và
yêu thương,
để làm chứng
cho Chúa
giữa một thế giới
đầy chia rẽ.
Xin cho Hội Thánh
không ngừng lớn
lên như hạt lúa.
Xin đừng để khó
khăn làm chúng con chùn bước,
đừng để dễ dãi
làm chúng con ngủ quên.
Ước gì Hội Thánh trở nên men
được vùi sâu
trong khối bột loài người
để bột được dậy
lên và trở nên tấm bánh.
Ước gì Hội
Thánh thành cây to bóng rợp
để chim trời
muôn phương rủ nhau đến làm tổ.
Xin cho Hội Thánh
trở nên bàn
tiệc của mọi dân nước,
nơi mọi người
được hưởng niềm vui và tự do.
Cuối cùng xin cho chúng con
biết xây dựng
một Hội Thánh tuyệt vời,
nhưng vẫn chấp
nhận cỏ lùng trong Hội Thánh.
Ước gì khi thấy Hội Thánh ở trần gian,
nhân loại nhận
ra Nước Trời ở gần bên. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
"Người
ta lựa cá tốt bỏ vào giỏ, còn cá xấu thì ném ra ngoài".
Thái độ bao dung
Có một Bác sĩ nọ tìm đến với một
vị Giám mục cao niên và tuyên bố: "Thưa Ðức Cha, con đến để thông báo cho
Ðức Cha biết con đang nghĩ đến chuyện ra khỏi Giáo Hội, Ðức Cha nghĩ
sao?".
Vị Giám mục yêu cầu ông cho biết
một vài lý do khiến ông có ý định đó. Viên Bác sĩ nhìn thẳng vào mắt vị Giám
mục và nói: "Thưa Ðức Cha, Ðức Cha nghĩ coi: Giáo Hội đã có mặt trên trần
gian này 2,000 năm nay, thế mà con người có khá hơn không?".
Vị Giám mục bình tĩnh trả lời:
"Bác sĩ nói thật chí lý, nhưng Bác sĩ hãy thử nghĩ lại: nước đã xuất hiện
trên mặt đất này từ bao nhiêu triệu năm nay, vậy mà ngày nào Bác sĩ cũng như
tôi, ai cũng phải rửa tay".
Nghe thế, viên Bác sĩ thinh lặng
ra về, ông không còn nghĩ đến chuyện rời bỏ Giáo Hội nữa.
Với bài Tin Mừng hôm nay, Chúa
Giêsu mời gọi chúng ta hãy có thái độ kiên nhẫn bao dung hơn đối với Giáo Hội
của Ngài. Qua hình ảnh chiếc lưới thả xuống biển, kéo lên với đủ loại cá, trong
đó người ta giữ lại những con cá tốt và ném đi những con cá xấu, Chúa Giêsu
muốn nói với chúng ta rằng cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người chỉ được
thực hiện trọn vẹn vào ngày cánh chung mà thôi, trong khi chờ đợi, thì người
môn đệ của Ngài cần có thái độ kiên nhẫn, bao dung.
Giáo Hội là Thân Thể của Chúa
Kitô. Tự bản chất, Giáo Hội là thánh thiện, như chúng ta vẫn tuyên xưng trong
Kinh Tin Kính, nhưng Giáo Hội thánh thiện ấy lại gồm những con người tội lỗi. Ý
thức cơ bản và quan trọng nhất của người Kitô hữu chính là luôn nhận biết mình
là tội nhân, để từ đó kêu cầu lòng thương xót của Chúa và sự tha thứ của anh em.
Thiếu ý thức ấy, người Kitô hữu sẽ rơi vào thái độ kiêu căng giả hình của những
người Biệt phái bị Chúa Giêsu lên án gắt gao. Ðồng hành với nhân loại, mang đến
cho nhân loại Tin Mừng cứu rỗi, cũng như Chúa Giêsu, Ðấng cứu độ, Giáo Hội chỉ
có thể thực thi sứ mệnh của mình với thái độ kiên nhẫn, cảm thông, yêu thương,
tha thứ mà thôi. Không ngôn ngữ nào hùng hồn hơn, không sứ điệp nào có tính
thuyết phục hơn lòng nhân từ, sự khoan dung và tha thứ. Cái chết của Chúa Giêsu
trên Thập giá là tuyệt đỉnh của hành động cứu rỗi của Ngài và lôi kéo mọi người
lên với Ngài.
Luôn ý thức về thân phận tội lỗi
yếu hèn của mình, không ngừng cảm thông với những thiếu sót bất toàn trong Giáo
Hội, cố gắng thực thi lòng nhân từ bao dung với mọi người, đó là thách đố đang
đặt ra cho người Kitô hữu chúng ta hơn bao giờ hết. Xin Chúa khơi dậy trong tâm
hồn chúng ta lòng yêu mến Giáo Hội được thể hiện bằng những cử chỉ cảm thông
bao dung, kiên nhẫn mỗi ngày.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin
Vui’)
Tự do
“Nước
Trời còn giống như chuyện một chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá.
Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá
xấu thì vứt ra ngoài. Đến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các Thiên Thần
sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính. Và quăng
chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng.” (Mt. 13, 47-50)
“Anh
em có hiểu tất cả những điều ấy không?” Đó là loại câu hỏi chỉ có thể gây bối
rối. Khi ta hiểu biết rồi, mà sau đó lại không hành động theo, thì người ta có
quyền chất vấn ta. Nếu hiểu biết sao anh lại làm ngược lại điều anh biết? Anh
không chữa mình được. Nếu không hiểu biết sao anh không nói ra điều đó? Vì thế
hiểu biết là điều quan trọng, chính sự hiểu biết biện minh họăc kết án cho thái
độ, hành vi của ta.
Tôi chọn lựa.
Giống
như trong các dụ ngôn khác, ta phải lưu ý điều này là ttc không xét xử cũng
chẳng kết án: Người nhìn thấy mọi sự, Người biết hết tất cả rồi, và theo thiển
ý tôi, “đương nhiên” có sự tách biệt hạt giống tốt với cỏ lùng, thì phải chăng
chính sự thể rõ ràng như vậy rồi trước khi ông chủ có ý kiến? Trong mớ cá đủ
loại có cá tốt cá xấu. Nhưng không phải Thiên Chúa xét xử và phân loại; cỏ lùng
và cây lúa chúng đã khác nhau và phân biệt nhau rồi. Cũng vậy đến ngày tận thế,
kẻ xấu sẽ bị tách ra khỏi hàng ngũ những người công chính, thì cũng không phải
là do Chúa lên án, là bởi vì chính hành động của con người đã biết sống tự do
hay nô lệ cho một chúa tể nào đó mà họ sùng bái.
Chúa
hỏi chúng ta: “Anh em có hiểu không?” Hiểu cho rõ để rồi lựa chọn và lựa sự
thiện bằng tất cả lòng thành tâm, thiện chí và trung thành. Đó chính là ý nghĩa
thực của đời ta!
Tôi hiểu biết.
Chúa
kết thúc dụ ngộn với lời: “Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào được học hỏi về Nước
Trời thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái
mới lẫn cái cũ” Cái cũ đó là chủ đề về vương quyền của Thiên Chúa, chủ đề lớn
thống lĩng toàn bộ lịch sử của dân Ít-ra-en. Chúa Giêsu đã đến cùng với Tin
Mừng của Người làm cho vương quyền của Thiên Chúa nên trọn, đó là cái mới.
Như
vậy truyền thống vẫn luôn luôn được sống động, như thường phải được giải thích
theo sự am hiểu sâu xa hơn để có thể đạt cái mới đích thực và việc thực hiện
luôn được hoàn hảo hơn.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 8
2 THÁNG TÁM
Mầu Nhiệm Của Sự Dữ Luân Lý
Bây giờ chúng ta hãy xét đến sự dữ luân
lý. Nói “sự dữ luân lý”, chúng ta có ý đề cập đến các hình thức khác nhau của
tội lỗi và những hậu quả của nó trên thế giới vật chất của chúng ta. Thiên Chúa
tuyệt đối không muốn thứ sự dữ này. Sự dữ luân lý hoàn toàn đi ngược lại với
thánh ý Thiên Chúa. Trong cuộc sống của con người và trong thế giới, nếu sự dữ
này xảy ra – và đôi khi xảy ra một cách hết sức nghiêm trọng – thì đấy chỉ bởi
vì Thiên Chúa quan phòng muốn bảo đảm duy trì sự tự do của con người trong thế
giới thụ tạo này.
Sự tồn tại của sự tự do nơi tạo vật đồng
nghĩa với sự tồn tại của con người và các hữu thể tinh thần thuần túy – chẳng
hạn các thiên thần. Sự tự do này là điều kiện tất yếu để cho con người có thể
đạt đến sự sung mãn của tạo vật và đáp lại kế hoạch vĩnh cửu của Thiên Chúa. Để
có được sự thiện trọn vẹn và sự sung mãn trong tạo vật, cần phải có những hữu
thể tự do – và đối với Thiên Chúa, điều này có giá trị hơn nhiều so với tình
trạng bi đát do các hữu thể ấy có thể lạm dụng sự tự do đã được ban cho mình để
chống lại Đấng Tạo Hóa. Như vậy, chúng ta nhận ra rằng sự tự do của con người
có thể dẫn đến sự dữ luân lý.
Từ khả năng suy lý của mình cũng như từ
mạc khải của Thiên Chúa, chúng ta chắc chắn nhận hiểu rất nhiều về mầu nhiệm
quan phòng thần linh – trong đó dù sự dữ không phải là điều được tìm kiếm song
cũng là điều được nhận chịu trong ý hướng tranh thủ một sự thiện lớn hơn. Tuy
nhiên, một sự nhận hiểu đầy đủ về mầu nhiệm sự dữ luân lý chỉ có thể xảy đến
với chúng ta xuyên qua Thập Giá khải thắng của Đức Kitô.
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 02-8
Thánh Êusêbiô Vercellêsi, Thánh Phêrô Julianô Eymard, linh mục
Gr 18, 1-6; Mt 13, 47-53.
LỜI
SUY NIỆM: Người bảo họ: “Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước
Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái
mới lẫn cái cũ” (Mt 13, 52).
Khát vọng của con người là muốn tìm ra chân lý, Trong đời sống có biết bao con
người có khả năng hiểu biết để làm phong phú cho cuộc sống và cho đời. Hôm nay
Giáo Hội của Chúa Giêsu Ki-tô rất trân trọng những con người đó, và muốn mời
gọi họ đến với Chúa Giêsu qua học hỏi Tin Mừng. Chính trong Tin Mừng sẽ chỉ ra
những điều mà những con người đó chưa hiểu biết, không những thế mà còn giúp
cho những điều hiểu biết của con người được soi sáng thêm. Để họ hiểu biết thêm
trong ánh sáng mới, và kiến thức của người ấy trở thành một kho tàng quý giá
hơn xưa.
Mạnh Phương
++++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
Ngày 02-08
Thánh EUSÊBIÔ VERCELLÊSI
Giám Mục (+371)
Thánh Eusêbiô sinh tại Sardinia trong một gia đình quí phái. Nhưng trổi vượt sự
sao sang giàu có trần thế. Ngài được vinh dự là con của một người cha chịu chết
vì đức tin dưới thời Diôclêtianô. Mẹ Ngài đã đưa hai người con về sống tại
Roma. Ngài được Đức giáo hoàng Eusêbiô rửa tội và lấy chính tên mình đặt cho
con trẻ.
Eusêbiô được nuôi dưỡng
trong bầu khí đạo đức, Ngài theo học văn chương và nghệ thuật. Gia nhập hàng
giáo sĩ, Ngài được phong chức đọc sách.
Ngài được sai đi Vercelli và năm 345 được
chọn làm giám mục tiên khởi của giáo phận này. Xét rằng phương cách hữu hiệu
nhất để thánh hóa các linh hồn là phải có một hàng giáo sĩ được huấn luyện tử
tế, Ngài thiết lập một trường đào tạo linh mục. Cùng với nhóm môn sinh, Ngài
sống đời ẩn tu ngay giữa thành phố. Nhưng lời khuyên dạy đầy cảm kích đã làm
cho Vercellêsi thay đồi hẳn. Các tội nhân tìm về lãnh nhận các bí tích và nhiệt
thành phụng sự Chúa.
Chịu bách hại vì đạo,
cuộc đời Eusêbiô đã đạt tới vinh quang cao cả. Khi ấy bè rối Ariô bành trướng
mạnh mẽ, với sự bảo trợ của hoàng đế Constantino. Eusêbiô mãnh liệt chống lại
và đức tin không thể lay chuyển của Ngài mang lại niềm an ủi cho Đức giáo hoàng
chỉ định dẫn dầu phái đoàn các giám mục đến gặp hoàng đế để bênh vực đức tin.
Đầy nhiệt tâm Ngài thuyết phục được hoàng đế triệu tập một công đồng.
Năm sau công đồng khai
diễn tại Milan .
Tại công đồng, hoàng đế thúc bách các giám mục phải để cho Eusêbiô tham dự.
Nhưng những người theo bè rối Ariô ngăn cản. Cuối cùng Ngài được tham dự. Thấy
phần đông theo lạc giáo, Ngài trình biểu thức đức tin của công đồng Nicea, đòi
mọi người ký nhận trước khi bàn đến điều gì khác nữa. Bọn lạc giáo tức giận.
Ngược lại, Ngài cương quyết không chịu ký vào văn bản lên án thánh Athanasiô,
vị giám mục chúng sợ nhất. Tức giận chúng vận động hoàng đế đẩy Ngài đi
Palestina.
Nơi lưu đầy, Eusêbiô
chịu không biết bao nhiêu là điều cực khổ bởi cách đối xử dã man của các địch
thù, Ngài bị giam trong phòng tối, bị bỏ đói. Khi biết rằng không thể bắt phục
được con người sắt đá này, chúng còn trói chân Ngài lại và lôi kéo Ngài qua các
bậc thang nhiều lần. Theo lời thánh Hiêrônimô kể lại, thánh nhân còn bị gởi đi Cappadocia và tới miền thượng Thébaide bên Ai cập. Tại
những nơi nầy thánh nhân còn chịu muôn vàn cực hình cho đến khi hoàng đế
Constantiô băng hà và được hồi hương.
Dầu vậy trên đường về
theo lệnh Đức giáo hoàng, thánh Eusêbiô còn phải ghé nhiều giáo đoàn để an ủi
khích lệ các giáo hữu bị đau khổ bởi những tàn phá của phái Ariô để lại, dàn
xếp những tranh chấp nội bộ của một số giáo đoàn.
Trở về Vercelli , thánh Eusêbiô được tiếp đón nồng
nhiệt như một vị anh hùng. Già cả và yếu sức, Ngài vẫn tận tụy phục vụ giáo
phận cho đến khi qua đời năm 371. Người ta tôn kính Ngài như vị thánh tử đạo,
vì những đau khổ mà Ngài đã chịu suốt những ngày lưu đày.
(daminhvn.net)
+++++++++++++++++
02 Tháng Tám
Nghệ Thuật Làm Lửa
Thời xa xưa, tìm được
cách làm ra lửa là cả một phát minh vĩ đại...
Có một nhà phát minh nọ,
sau khi đã tìm được nghệ thuật làm ra lửa đã đi từ bộ lạc này sang bộ lạc khác
để quảng bá phương pháp của mình. Có nhiều bộ lạc tiếp thu phương pháp của ông
mà không hề bày tỏ một dấu hiệu nào của lòng biết ơn. Nhưng con người quảng đại
này không màng đến chuyện người ta biết ơn hay phản bội. Niềm hạnh phúc của ông
là thấy được mỗi ngày càng có được nhiều người hưởng được sự phát minh của ông.
Cũng giống như những bộ
lạc trước, bộ lạc cuối cùng mà ông mang đến nghệ thuật làm ra lửa cũng hồ hởi
đón tiếp ông. Nhưng không mấy chốc, các tư tế trong bộ lạc tỏ lòng ghen tức, họ
âm mưu sát hại ông để xóa bỏ mọi ảnh hưởng của ông. Sau khi mưu sát ông, để
đánh tan mọi nghi ngờ, các tư tế cho vẽ một bức chân dung của ông và đặt trên
bàn thờ. Trong mọi nghi thức tế tự, tên của ông được thành kính nhắc đến như
một đại ân nhân của bộ lạc. Các dụng cụ ông làm ra lửa cũng được các tư tế cho
đặt vào trong một chiếc hộp quý. Họ cũng rêu rao rằng bất cứ ai lấy lòng tin mà
chạm đến các báu vật ấy sẽ được chữa mọi bệnh tật.
Vị Thượng tế của bộ lạc
cũng nhận trách nhiệm biên soạn một tiểu sử của vị phát minh ra lửa. Quyển tiểu
sử ấy cũng trở thành một thứ sách Thánh trong đó gương sáng, đời sống gương mẫu
của vị đại ân nhân được ca tụng và đề ra như lý tưởng cho mọi người noi theo.
Các tư tế cũng tự nhận cho họ quyền được giải thích về cuộc đời và các lời răn
dạy của vị phát minh.
Ðể đảm bảo tính cách tinh
ròng của những lời răn dạy của vị phát minh, các tư tế ra vạ tuyệt thông hoặc
tử hình cho tất cả những ai không chấp nhận những lời giải thích của họ. Dân
chúng sợ hãi đến độ dần dà họ chỉ còn biết có những lưòi giải thích của các vị
tư tế và quên hẳn cả chính nghệ thuật làm ra lửa.
Câu chuyện ngụ ngôn trên
đây đã được một vị linh đạo nổi tiếng của Ấn Ðộ là linh mục Anthony De Mello
ghi lại trong các câu chuyện có nội dung giáo lý của cha. Qua câu chuyện này,
cha De Mello như muốn nhắn nhủ với chúng ta rằng cái khuynh hướng chung của
những người có tôn giáo là dễ dàng quên đi chính cái cốt lõi của tôn giáo. Con
người dẽ bám vào những nghi thức bên ngoài của tôn giáo mà quên đi sứ điệp
thiết yếu của nó. Chiến tranh tôn giáo, sự bất khoan dung của các tín đồ đều
bắt nguồn từ khuynh hướng trên.
Người tín hữu Kitô chúng
ta có lẽ cũng không thoát khỏi khuynh hướng ấy. Chúng ta dễ bị cám dỗ nhìn vào
đạo của chúng ta như một hệ thống của những cơ cấu, của những nghi thức, của
những điều phải tin, phải giữ, nhưng lại quên đi cái cốt lõi của đạo chúng ta
chính là tình yêu. Chúng ta sẵn sàng nhân danh Chúa, nhân danh đạo lý để loại
trừ, để bách hại người anh em bằng cách này hay cách khác. Rốt cục cũng giống
như bộ lạc cuối cùng trong câu chuyện ngụ ngôn trên đây, lửa của yêu thương mà
Chúa Giêsu đã mang đến, chúng ta đã dập tắt đi để thay vào đó bằng những nghi
thức thừa thãi trống rỗng. Chúng ta dễ dàng thay thế đạo của yêu thương, đạo
của Tin Mừng bằng đạo của hình thức, đạo của giả hình...
Quên đi cốt lõi của Tin
Mừng là Yêu Thương, chúng ta cũng loại bỏ chính Chúa Kitô ra khỏi cuộc sống của
chúng ta. Không chừng chúng ta cũng đang đóng đinh Ngài một lần thứ hai. Lời
Kinh của chúng ta sẽ chỉ là những tiếng kêu trống rỗng, các nghi thức của chúng
ta sẽ chỉ là những trò hề, nếu cuộc sống của chúng ta chưa được thấm nhuần,
tưới gội bằng Lửa của Yêu Thương mà Chúa Giêsu đã mang đến cho chúng ta.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Ngày 01
Thánh Phêrô
Eymard, sáng lập Dòng Thánh Thể
Thánh Eusêbiô Vercellêsi, giám mục
Thứ năm đầu tháng
Thánh Eusêbiô Vercellêsi, giám mục
Thứ năm đầu tháng
Bí tích
Thánh Thể: ta chỉ có thể đến với Chúa Giêsu trong tình hiệp thông. Tất cả chúng
ta sẽ cùng đưa nhau đến với phép Thánh Thể, và kiểu nói "cùng đưa
nhau" có nghĩa là chúng ta sẽ mang tất cả nhân loại cùng với toàn bộ lịch
sử của nó, những khổ đau, những yếu hèn, những khốn cùng, những lỗi lầm, những
tuyệt vọng... Chúng ta sẽ tổng hợp tất cả những thứ ấy trong mình... Và một khi
mỗi người chúng ta trở nên người khác, chúng ta sẽ đến gần bàn tiệc của Ngài,
và cuối cùng chúng ta sẽ chiếm hữu lấy Ngài, vì Ngài đã hiến thân cho mọi
người, trong nội tâm mỗi người, đổng hóa mình với người đang đói, đang khát,
đang ở tù, đang yếu đau, đang trần trụi. Chỉ khi nào chúng ta đồng hóa mình
được như thế chúng ta mới tìm thấy Ngài.
Xin đừng
bao giờ quên rằng Thiên Chúa luôn luôn "có đó". Ngài không cần phải
đến trong thế gian này. Nhập Thể, đó không phải là việc Chúa đến trong thế
gian, nhưng là việc con người đến với Thiên Chúa. Trong cung lòng Đức Maria,
chính nhân loại này đang nở rộ: đó là thụ tạo mới, được giải thoát khỏi mọi thứ phụ
thuộc, bỏ lại sau lưng tất cả những gì mình sở hữu, và cuối cùng sẵn sàng để cho
rực sáng sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng luôn luôn "có đó", trong
thâm tâm chúng ta , đang đợi chờ từ muôn thuở.
Maurice Zundel
Thứ Năm 2-8
Thánh Eusebius ở Vercelli
(283?-371)
C
|
ó người nói nếu không có lạc giáo Arian có lẽ thật khó để viết về
cuộc đời của nhiều vị thánh tiên khởi. (Nguyên lý căn bản của lạc thuyết Arian
là từ chối thiên tính của Ðức Kitô và bởi đó, họ cũng từ chối thiên tính của
Chúa Thánh Thần). Thánh Eusebius là một trong những vị bảo vệ Giáo Hội trong
thời kỳ nhiều thử thách.
Sinh ở đảo Sardinia, ngài là một thành viên của giáo sĩ Rôma và là
giám mục đầu tiên của Vercelli thuộc Piedmont . Ngài cũng là người đầu tiên kết hợp đời sống
đan viện với đời sống giáo sĩ, qua sự thành lập một cộng đoàn các tu sĩ trong
giáo phận với sự tin tưởng rằng phương cách tốt nhất để thánh hóa giáo dân là
để họ nhìn thấy các giáo sĩ được đào tạo trong một cộng đoàn nhân đức và sống
động.
Ngài được Ðức Giáo Hoàng Liberius sai đến gặp hoàng đế Constantius
để thuyết phục nhà vua triệu tập một công đồng nhằm giải quyết các khó khăn
giữa Công Giáo và Arian. Khi công đồng được triệu tập ở Milan, vì cảm thấy khối
Arian đang thắng thế, mặc dù người Công Giáo đông hơn nên Ðức Eusebius không
đến tham dự, mãi cho đến khi chính nhà vua ép buộc.
Khi nhà vua yêu cầu mọi giám mục phải ký vào bản án để buộc tội
Ðức Athanasius -- là người cương quyết chống với lạc thuyết Arian -- Ðức
Eusebius đã từ chối; thay vào đó, ngài đặt Kinh Tin Kính lên bàn hội nghị và
yêu cầu mọi người ký tên vào đó trước khi bàn đến các vấn đề khác. Nhà vua dùng
áp lực với Ðức Eusebius, nhưng ngài quả quyết rằng Ðức Athanasius vô tội, và
nhắc nhở hoàng đế rằng không thể dùng thế lực ngoài đời để ảnh hưởng đến các
quyết định của Giáo Hội. Lúc đầu nhà vua đe dọa giết ngài, nhưng sau đó lưu đầy
ngài đến Palestine .
Ở đây, phe Arian kéo ngài lê lết trên đường phố và giam ngài trong một căn
phòng nhỏ, và sau bốn ngày ngài tuyệt thực để phản đối họ mới thả ngài ra,
nhưng được một ít lâu, họ lại tiếp tục hành hạ ngài.
Ðức Eusebius phải tiếp tục cuộc sống lưu đầy ở Tiểu Á và Ai Cập,
cho đến khi tân hoàng đế cho phép ngài trở lại giáo phận ở Vercelli . Ngài tham dự Công Ðồng Alexandria
với Ðức Athanasius và chấp thuận khoan hồng cho các giám mục trước đây theo phe
Arian. Ngài còn cộng tác với Thánh Hilary ở Poitiers để chống với lạc giáo Arian.
Lời Trích
"Ðể việc chăm sóc các linh hồn có hiệu quả, các linh mục
được yêu cầu sống chung trong một cộng đoàn, nhất là những ai sinh hoạt trong cùng
một giáo xứ. Nếp sống này không những khích lệ giáo dân hoạt động tông đồ, mà
còn là một gương mẫu của lòng bác ái và sự hiệp nhất cho người tín hữu"
(Sắc Lệnh về Nhiệm Vụ Mục Vụ của Giám Mục, 30).
Thánh Phêrô Julianô Eymard, linh mục
Thánh
nhân chào đời tại làng La Mure nước Pháp, vào ngày 04 tháng 02 năm 1811 trong
một gia đình không khá giả vào thời sau cuộc cách mạng Pháp với nhiều biến động
về văn hóa, chính trị và tôn giáo. Cha ngài là người cần cù làm ăn nhưng tính
tình lại nghiêm khắc. Bù lại, mẹ ngài là người nhẫn nại và đạo đức.
Ngay
từ khi mới được 5 tuổi, Eymard đã có những lần tự đi đến nhà thờ trèo lên gần
nhà chầu để chuyện vãn thân tình với Chúa Giêsu Thánh Thể.
Mặc
dù hoàn cảnh thiếu thốn phải vất vả làm ăn trong xưởng ép dầu của cha, rồi sức
khỏe thì mong manh, lại còn bị cha mình ngăn cản ý định đi tu, Eymard vẫn kiên
trì phấn đấu học tập.
Ngày
20 tháng 07 năm 1834, lúc 23 tuổi, Eymard được thụ phong linh mục, phục vụ cho
giáo phận Grenoble. Trước khi sáng lập dòng Thánh Thể, cha Eymard đã từng là
linh mục dòng Đức Mẹ với những chức vụ quan trọng.
Cuộc
đời của cha Eymard luôn có bóng dáng của Thánh Giá với muôn vàn hy sinh, nhất
là trong giai đoạn cha phải nghe theo tiếng Chúa rời bỏ dòng Đức Mẹ để thành
lập dòng Thánh Thể.
Thánh
Thể là trung tâm cuộc đời của thánh Eymard. Thánh nhân đã vượt qua mọi gian nan
thử thách, miễn là Thánh Thể Chúa được tôn vinh. Sau những hoạt động không ngơi
nghỉ cho lý tưởng Thánh Thể và vì quá kiệt sức, thánh nhân từ trần ngày 01
tháng 08 năm 1868 tại chính nơi ngài chào đời và lãnh Bí tích Thánh Tẩy.
Đức
Giáo Hoàng Gioan XXIII đã nâng ngài lên bậc Hiển Thánh ngày 09 tháng 12 năm
1962. Ngày 02 tháng 08 là ngày lễ mừng kính ngài trên toàn Giáo Hội.
Ý CẦU
NGUYỆN THÁNG TÁM
Ý chung : Cầu cho các tù nhân. Xin cho các tù nhân
được đối xử công bằng và nhân phẩm của họ được tôn trọng.
Ý truyền giáo: Cầu cho các người trẻ được mời gọi theo Đức Kitô: Xin cho các người trẻ được mời gọi theo Đức Kitô, sẵn sàng để công bố và
làm chứng cho Tin Mừng đến tận
cùng trái đất/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét