Trang

Thứ Hai, 6 tháng 8, 2012

07-08-2012 : THỨ BA TUẦN XVIII MÙA THƯỜNG NIÊN


THỨ BA TUẦN XVIII THƯỜNG NIÊN năm II

BÀI ĐỌC I: Gr 30, 1-2. 12-15. 18-22

"Vì tội lỗi ngươi quá nặng, nên Ta đã làm cho ngươi những sự ấy. Nhưng Ta sẽ đem Giacóp về nhà xếp".
Trích sách Tiên tri Giêrêmia.
Có lời Chúa phán cùng Giêrêmia rằng: "Chúa là Thiên Chúa Israel phán thế này: Ngươi hãy chép vào sách mọi lời Ta đã phán với ngươi".
Vì Thiên Chúa phán rằng: "Nơi giập gãy của ngươi đã bất trị, thương tích ngươi làm độc quá đỗi. Không ai đoái thương băng bó cho ngươi: không có thuốc hay chữa ngươi bình phục. Mọi kẻ yêu ngươi đã bỏ quên ngươi, không tìm kiếm ngươi nữa, vì Ta đã đánh ngươi bị thương như kẻ thù sửa phạt ngươi nặng
nề, vì sự gian ác của ngươi quá nhiều, tội lỗi của ngươi quá nặng, nên Ta đã làm cho ngươi những sự ấy".
Chúa phán thế này: "Đây Ta đem những kẻ trong nhà xếp Giacóp bị bắt trở về gia cư họ, Ta sẽ xót thương. Thành sẽ được xây lại trên nơi cao của nó, đền thờ sẽ được trùng tu theo trật tự của nó. Thế là sẽ vang lên lời ca tụng và tiếng reo mừng. Ta sẽ làm cho nó thêm nhiều, và nó sẽ không bị hạ nhục. Con cái nó sẽ được như xưa; trước mặt Ta, cộng đồng nó sẽ đứng vững. Ta sẽ hỏi thăm mọi người áp bức nó. Thủ lãnh nó sẽ bởi nó mà ra; vua chúa nó sẽ từ trong nó mà lên. Ta sẽ cho nó triều yết và nó sẽ đến gần Ta, vì thật ra có ai dám liều mạng đến gần Ta? -Chúa phán như thế-. Bấy giờ các ngươi sẽ là dân Ta, và Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi".
 Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 101, 16-18. 19-21. 29 và 22-23

Đáp: Chúa tái lập Sion, và xuất hiện trong vinh quang xán lạn (c. 17).
Xướng: 1) Lạy Chúa, muôn dân sẽ kính tôn danh thánh Chúa, và mọi vua trên địa cầu sẽ quý trọng vinh quang Ngài, khi Chúa sẽ tái lập Sion, Chúa xuất hiện trong vinh quang xán lạn. Chúa sẽ đoái nghe lời nguyện kẻ túng nghèo, và không chê lời họ kêu van. - Đáp.
2) Những điều này được ghi lại cho thế hệ mai sau, và dân tộc được tác tạo sẽ ca tụng Thiên Chúa. Từ thánh điện cao sang Chúa đã đoái nhìn, từ trời cao Chúa đã nhìn xuống trần thế, để nghe tiếng than khóc của tù nhân, để giải thoát kẻ bị lên án tử. - Đáp.
3) Con cháu của bầy tôi Chúa sẽ được an cư, và miêu duệ chúng sẽ tồn tại trước thiên nhan, để người ta truyền bá danh Chúa tại Sion, và lời khen ngợi Chúa ở Giêrusalem, khi chư dân cùng nhau quy tụ, và các vua nhóm họp để phụng thờ Chúa. - Đáp.

ALLELUIA: Tv 24, 4c và 5a

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin dạy bảo con lối bước của Chúa và xin hướng dẫn con trong chân lý của Ngài. - Alleluia.

PHÚC ÂM: Mt 14, 22-36

"Xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi dân chúng đã ăn no, lập tức Chúa Giêsu giục môn đệ trở xuống thuyền mà qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi cầu nguyện một mình. Đến chiều, Người vẫn ở đó một mình. Còn thuyền thì đã ra giữa biển, bị sóng đánh chập chờn vì ngược gió.
Canh tư đêm tối, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông. Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hồn mà nói rằng: "Ma kìa" và các ông sợ hãi kêu la lớn tiếng. Lập tức, Chúa Giêsu nói với các ông rằng: "Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ". Phêrô thưa lại rằng: "Lạy Thầy, nếu quả là Thầy, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy". Chúa phán: "Hãy đến". Phêrô xuống khỏi thuyền bước đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa Giêsu. Khi thấy gió mạnh, ông sợ hãi và sắp chìm xuống nên la lên rằng: "Lạy Thầy, xin cứu con". Lập tức, Chúa Giêsu giơ tay nắm lấy ông mà nói: "Người hèn tin, tại sao lại nghi ngờ?" Khi cả hai đã lên thuyền thì gió liền yên lặng. Những người ở trong thuyền đến lạy Người mà rằng: "Thật, Thầy là Con Thiên Chúa!"
<Khi đã sang qua biển hồ, các ngài lên bộ và ghé vào Ghênêsarét. Nhận ra Ngài, dân địa phương liền loan tin đi khắp cả vùng xung quanh, và người ta đem đến cho Ngài hết mọi kẻ ốm đau. Họ nài xin Ngài cho họ rờ đến tua áo choàng của Ngài thôi, và ai đã rờ đến thì đều được chữa lành>.
 Đó là lời Chúa.
_______________________
Hôm nay có thể đọc bài Tin Mừng sau đây, đặc biệt trong năm A, khi đã đọc bài Tin Mừng trên trong thánh lễ ngày thứ hai:
PHÚC ÂM: Mt 15, 1-2. 10-14
"Cây nào Cha Ta không trồng thì sẽ bị nhổ đi".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy có những luật sĩ và biệt phái từ Giêrusalem đến gặp Chúa Giêsu mà nói: "Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân? Vì họ không rửa tay khi dùng bữa".
Và Người gọi dân chúng lại mà bảo: "Các ngươi hãy nghe và hãy hiểu lấy: Không phải cái gì vào trong miệng mà làm cho người ta ra dơ nhớp đâu, nhưng cái từ miệng phát xuất ra cái đó mới làm cho người ta ra dơ nhớp".
Bấy giờ các môn đệ của Người tiến lại thưa với Người rằng: "Thầy có biết các người biệt phái lấy làm chướng tai khi nghe Thầy nói lời đó không?" Người đáp lại rằng: "Tất cả cây nào Cha Ta trên trời đã không trồng, thì sẽ bị nhổ đi. Các con hãy để mặc chúng: chúng là những người mù dẫn dắt những người mù. Mù mà dẫn mù, cả hai sẽ lăn cù xuống hố".
Đó là lời Chúa.
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
THỨ BA TUẦN XVIII THƯỜNG NIÊN năm II
Bài đọc: Jer 30:1-2, 11-15, 18-22; Mt 15:1-2, 10-14
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ :
Tay sạch hay lòng thanh ?

Ăn uống sao cho có vệ sinh để bảo vệ sức khỏe là điều mọi người mong muốn. Ở Mỹ có cơ quan gọi tắt là USDA (United States Department of Agriculture) có nhiệm vụ kiểm tra mọi hàng hóa được dân chúng tiêu thụ. Nếu hàng hóa nào không đủ tiêu chuẩn, họ sẽ hủy đi không cho bán vì có nguy hiểm đến sức khỏe. Người Do Thái nói chung và nhất là người Do Thái thuộc phe bảo thủ, họ rất cẩn thận giữ luật Kashrut hay Kosher. Luật này cho biết những thực phẩm nào có thể được ăn và thứ nào không đựơc ăn. Hơn nữa, luật còn chỉ dẫn cặn kẽ cách sửa sọan và cách ăn cho những thực phẩm được phép dùng. Thông thường, những luật này được giám sát bởi một thầy thông luật (Rabbi).
Các bài đọc hôm nay nhấn mạnh đến nguy hiểm của tội lỗi bên trong hơn là sự thanh sạch bên ngoài. Trong bài đọc I, ngôn sứ Jeremiah khuyên con cái Israel hãy nhận ra tội lỗi của họ đã xúc phạm đến Đức Chúa và ăn nay quay về với Ngài. Phúc Âm thuật lại có mấy người Pharisees và mấy thầy thông luật từ Jêrusalem đến gặp Đức Giêsu và chất vấn: "Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa?" Chúa trả lời: “Hãy nghe và hiểu cho rõ: Không phải cái vào miệng làm cho con người ra ô uế; nhưng cái từ miệng xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế.”

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Ta đánh ngươi để nghiêm khắc sửa trị, chỉ vì sự gian ác của ngươi quá nhiều.

1.1/ Thiên Chúa thấu suốt mọi tội của Israel.
Tại sao Thiên Chúa sửa phạt Israel? Ngay trong những chương đầu tiên, tiên tri Jeremiah đã vạch trần những tội lỗi của Jerusalem và Judah:
Tội nặng nhất là tội bỏ quên Thiên Chúa, không nhắc nhở đến Ngài nữa và chạy theo các thần ngoại bang của những nhà lãnh đạo. Hàng tư tế chẳng thèm hỏi: "Đức Chúa ở đâu? Các thầy thông Luật chẳng biết đến Ta, các mục tử thì chống lại Ta, còn các tiên tri lại nhờ Baal mà tuyên sấm, chúng đi theo những thần vô tích sự” (Jer 2:8). Nếu bậc lãnh đạo lơ là không thèm nhắc đến Chúa, chẳng lạ gì khi dân chúng tuyên bố: "Chúng tôi muốn tự do chứ không muốn đến với Ngài nữa!" (Jer 2:31).
Tội thứ hai là đổ máu người vô tội. Vì muốn cho họ trở về để hưởng ơn tha thứ nên Thiên Chúa đã không ngừng sai các tiên tri của Ngài đến vạch trần những tội lỗi để họ có cơ hội ăn năn và quay trở lại. Họ đã không nghe lại còn nhục mạ các tiên tri và thậm chí đến độ còn giết luôn các tiên tri của Chúa. Jeremiah đã tố cáo họ: “Gươm của các ngươi đã làm thịt các ngôn sứ”(Jer 2:30). Ngòai ra họ còn lợi dụng quyền hành áp bức dân chúng để lấy nhà cửa và ruộng nương của họ: “Ngay trên tà áo ngươi, cũng thấy máu người nghèo vô tội, dù ngươi chẳng bắt gặp họ khoét vách đục tường” (Jer 2:31).

1.2/ Dân chúng chỉ quan tâm đến những hình thức thờ phượng bên ngoài.
Một trong những lý do chính tại sao họ không chịu ăn năn trở lại là họ không nhận ra họ có tội khi họ hãnh diện tuyên bố: "Tôi hoàn toàn vô tội; bằng chứng là Người không trút cơn giận trên tôi" (Jer 2:33). Hay họ nghĩ rằng tội to lớn đến đâu cũng được tha khi họ dâng những bò bê béo tốt lên Thiên Chúa tại Đền thánh Jerusalem theo Luật đã chỉ thị!
Tiên tri Jeremiah đã sửa dạy họ về những quan niệm sai lầm này: “Các ngươi ỷ vào những lời dối trá vô giá trị. Trộm cắp, giết người, ngoại tình, thề gian, đốt hương tế thần Baal và đi theo các thần lạ các ngươi không biết, rồi lại vào nhà này, nơi danh Ta được kêu khấn, đến trước mặt Ta mà nói: "Chúng ta được an toàn!" Sau đó cứ tiếp tục làm những điều ghê tởm ấy. Thế nghĩa là gì? Phải chăng các ngươi coi nhà này, coi nơi danh Ta được kêu khấn là hang trộm cướp sao? Ta, Ta thấy rõ hết” (Jer 7:9-11).
Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn rộng lượng với con cái Israel nếu họ biết ăn năn quay về. Ngài sẽ cho họ hồi hương và tái thiết Đền Thờ cũng như xứ sở. Ngài sẽ trừng phạt cả những kẻ thù của họ. Ngài sẽ nối lại tình xưa nghĩa cũ với họ, và họ sẽ được phục hồi.

2/ Phúc Âm: Luật sĩ và Pharisees chú trọng đến thanh sạch thể lý, cái vào trong miệng; Chúa chú trọng đến thanh sạch luân lý, cái từ miệng ra.

2.1/ Người Do Thái chú trọng nhiều đến tay sạch: Họ trách Chúa: "Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa?" Điều chúng ta cần chú ý: Lý do họ vịn vào để trách Chúa là “truyền thống của tiền nhân.” Truyền thống này phát xuất từ con người, chứ không phải đến từ Thiên Chúa như các giới răn của Ngài.
Câu cắt nghĩa của Chúa cho các môn đệ trong Phúc Âm Marcô rõ ràng hơn: "Cả anh em nữa, anh em cũng ngu tối như thế sao? Anh em không hiểu sao? Bất cứ cái gì từ bên ngoài vào trong con người, thì không thể làm cho con người ra ô uế, bởi vì nó không đi vào lòng (trái tim), nhưng vào bụng người ta, rồi bị thải ra ngoài! Như vậy là Người tuyên bố mọi thức ăn đều thanh sạch” (Mk 7:18-19).

2.2/ Chúa Giêsu chú trọng đến lòng thanh: Câu hỏi quan trọng mà Chúa Giêsu muốn nêu lên ở đây: Cái gì làm cho con người ra ô uế? Và Ngài trả lời rõ ràng: "Hãy nghe và hiểu cho rõ: Không phải cái vào miệng làm cho con người ra ô uế, nhưng cái từ miệng xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế."
Phúc Âm Marcô còn liệt kê tất cả những ô uế từ trong con người phát ra: “Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế" (Mk 7:21-23).
Các môn đệ hoang mang vì các ông cũng là người Do-thái và đã quen biết sự quan trọng của các luật Kosher, đến gần Chúa Giêsu nói với Ngài: "Thầy có biết những người Pharisees đã vấp phạm khi nghe Thầy nói lời ấy." Chúa Giêsu đáp: "Cây nào mà Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời, đã không trồng, thì sẽ bị nhổ đi. Cứ để mặc họ! Họ là những người mù dắt người mù. Mù mà lại dắt mù, cả hai sẽ lăn cù xuống hố."
Câu hỏi được nêu ra ở đây là Chúa có khuyến khích việc ăn bẩn không? Chắc chắn Chúa không khuyến khích việc đó, nhưng Ngài muốn mở mắt cho họ để nhìn thấy việc gì quan trọng hơn cần phải giữ: Sạch trong tâm hồn quan trọng hơn tay sạch. Luật Kosher do con người làm ra chỉ có thể giữ cho thực phẩm sạch chứ không thể giữ cho tâm hồn sạch. Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm hồn, quí trọng tâm hồn sạch hơn là thực phẩm sạch.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta đừng quá chú trọng đến sự hào nhoáng bên ngòai, nhưng hãy chú trọng đến sự thanh sạch trong tâm hồn. Khi Chúa phán xét, chắc chắn Ngài sẽ không phán xét những cái bề ngoài, nhưng sẽ phán xét những tội lỗi bên trong.
- Chúng ta thử tưởng tượng hậu quả của những nhà lãnh đạo gây ra khi họ chỉ chú trọng đến cái vỏ bên ngoài mà không chú trọng đến cái tốt bên trong? Lời Chúa tiên đoán: “Mù mà lại dắt mù, cả hai sẽ lăn cù xuống hố.” Chúng ta đừng để những nhà lãnh đạo như thế dẫn dắt cuộc đời chúng ta.
Lm.An-tôn Đinh Minh Tiên, OP.

Thứ Ba tuần 18 thường niên
Sứ điệp: Giữa biển đời sóng gió, Chúa Giêsu vẫn hiện diện bên ta dù ta không thấy. Sự hoài nghi làm ta sợ hãi và chìm xuống biển sâu. Còn lòng tin sẽ giúp ta nhận ra Chúa và bước đi trong bình an.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chẳng bao giờ Chúa bỏ các tông đồ một mình trong sóng gió. Chúa luôn có mặt chính lúc các ngài đang gặp thử thách. Chúa đến củng cố niềm tin các ngài: “Cứ yên tâm Thầy đây, đừng sợ”.
Lạy Chúa, hôm nay con nhớ đến Giáo Hội đang gặp những cơn sóng gió, những khủng hoảng, đang phải đương đầu với nhiều thế lực, những quyền bính, những phong trào: tất cả như những đợt sóng vùng lên đòi nhận chìm Chân Lý.
Con cũng nhớ đến những khủng hoảng của loài người trong xã hội hôm nay. Khủng hoảng của gia đình và của chính bản thân con. Chúng con đang bị vật nhào giữa biển đời đầy bất công, hận thù, đang quay cuồng trong dòng sông gian nan vất vả, và linh hồn con đang thoi thóp giữa cơn sóng gào tội lỗi.
Lạy Chúa, con vẫn tin tưởng Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng con. Xin Chúa đến nâng đỡ để chúng con đi trọn hành trình trần gian trong bình an của Chúa. Xin Chúa yên ủi và giúp chúng con vượt qua những đau khổ, nhất là những người không còn được xã hội quan tâm. Xin cho chúng con nhận ra Chúa vẫn ở bên chúng con và cho chúng con biết tin tưởng vào tình yêu Chúa luôn mãi. Niềm tin sẽ là sức mạnh và bình an luôn mãi cho con. Amen.
Ghi nhớ : "Xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy".
07/08/12 THỨ BA TUẦN 18 TN
Th. Xíttô II, giáo hoàng và các bạn tử đạo 
Mt 14,22-36

CHÍNH THẦY ĐÂY, ĐỪNG SỢ

Thấy Người đi trên mặt biển các ông hoảng hốt bảo nhau: “Ma đấy!”, và sợ hãi la lên. Đức Giêsu liền bảo các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” (Mt 14,26-27)

Suy niệm: Nhiều lần Tin Mừng nói đến sự nhút nhát lo sợ của các môn đệ của Chúa Giêsu: sợ không có đủ bánh ăn, sợ người Do Thái… Tin Mừng hôm nay kể lại các ông lại hoảng sợ khi chèo thuyền xa bờ ban đêm và bị sóng đánh vì ngược gió. Ngay cả khi Chúa hiện đến trấn an các ông: “Chính Thầy đây đừng sợ” Phêrô vẫn chưa thực sự vững tin: khi đi trên mặt nước đến với Chúa, vừa gặp cơn gió thổi ông đã đâm ra hốt hoảng và kêu cứu. Chúa lại nắm lấy tay ông và trách ông kém lòng tin. Chúa đã cho các ông thấy rõ quyền năng của Chúa để củng cố đức tin nơi các ông để rồi sau này chính các ông sẽ mạnh dạn làm chứng đức tin cho mọi người.

Mời Bạn: Những người con cái Chúa không được miễn trừ khỏi những điều phải lo âu, sợ hãi trong cuộc sống. “Chính Thầy đây đừng sợ” cũng là lời mà Chúa muốn nói với mỗi người chúng ta để dạy ta biết phó thác và đặt niềm tin nơi Chúa. Ta có biết chạy đến kêu cứu với Chúa như Phêrô hay không?

Chia sẻ: Những gì trong gia đình, trong cộng đoàn đang làm chúng tôi lo sợ? Thái độ chúng tôi thế nào? Hoảng sợ than trách hay kiên trì cầu nguyện, duy trì mối hiệp nhất trong cộng đoàn?

Sống Lời Chúa: Khi gặp điều lo sợ, tôi biết phó thác nơi Chúa, xác tín rằng: tư tưởng của Chúa vượt quá tư tưởng của con người và Ngài có cách hành động của Ngài để yêu thương dẫn dắt từng người đến với Ngài.

Cầu nguyện: Giữ gìn con Chúa ơi, vì Chúa là chốn con tựa nương. Trong tay Ngài, con xin phó thác xác hồn con.



Xin cứu con
Thầy Giêsu là một nhà giáo nhân từ và cương quyết. Ngài giáo dục các môn đệ bằng cách đưa họ vào những kinh nghiệm..

Suy nim:
Bài Tin Mừng hôm nay là một loạt những kinh nghiệm thiêng liêng.
Có thể chúng ta ít nhiều đều đã có những kinh nghiệm này.
Thầy Giêsu là một nhà giáo nhân từ và cương quyết.
Ngài giáo dục các môn đệ bằng cách đưa họ vào những kinh nghiệm.
Kinh nghiệm bị Thầy bắt buộc phải qua bờ bên kia (c. 22),
dù họ rất muốn ở lại bờ bên này để nếm dư vị của thành công vừa rồi.
Sau phép lạ nhân bánh, người ta định tôn Thầy lên làm vua (Ga 6, 15).
Chỉ cần Thầy gật đầu là trò được chia sẻ tiếng tăm và quyền lực.
Các môn đệ đã bị ép lên thuyền, ngay lập tức, lúc chạng vạng tối.
Kinh nghiệm bị sóng đánh vì ngược gió.
Thuyền đã xa bờ mấy cây số, tiến tới không được, lùi lại cũng không xong.
Vào lúc khó khăn ấy lại không có Thầy ở trong thuyền.
Hầu như suốt đêm các môn đệ phải vất vả chèo chống với sóng gió.
Họ phải tập chiến đấu trong đêm tối khi không có Thầy ở bên.
Họ có nghĩ quyết định của Thầy là sai lầm, vội vã không ?
Kinh nghiệm hốt hoảng, sợ hãi và được trấn an.
Mãi đến lúc gần sáng, Thầy Giêsu mới đi trên biển mà đến với các môn đệ.
Ngài đến khi họ chưa thấy rõ mặt Ngài.
Ngài đến vào lúc bất ngờ và đến theo cách bất ngờ, khiến họ khiếp kinh.
Ngài đến đem bình an mà họ tưởng là ma quái đe dọa (c. 26).
Quả thật có những lúc không dễ nhận ra là Chúa đang đến với mình.
Chúa đến làm các môn đệ sợ hãi hơn cả sóng gió.
Nhưng “Cứ yên tâm, chính Thầy đây. Đừng sợ !” (c. 27).
Kinh nghiệm tự đưa mình vào một thách đố của lòng tin.
Một mặt Phêrô vẫn chưa tin trọn vẹn khi nói câu: Nếu quả là Thầy…(c. 28).
Nhưng mặt khác ông lại rất táo bạo khi dám xin ơn đi trên mặt nước.
Ông coi đó là cách thức chắc chắn nhất để biết có phải là Thầy không.
Nếu đúng là Thầy thì Thầy cũng có thể cho mình làm được như Thầy.
Chỉ cần Thầy truyền lệnh là đủ, Phêrô tin như thế.
Kinh nghiệm đi trên mặt nước và kinh nghiệm bị chìm.
Khi được Thầy cho phép, Phêrô đã dám từ thuyền bước xuống biển động.
Và ông đã đi được một quãng không rõ bao xa (c. 29).
Mặt nước cứng như đá hay người ông trở nên nhẹ bổng?
Bây giờ thì đúng là Thầy rồi, chỉ Thầy mới cho mình làm được như Thầy.
Phêrô sung sướng tiến về phía Thầy với lòng tin đang lớn lên.
Nhưng khi gặp gió thổi mạnh thì ông lại sợ, lại hoài nghi, yếu tin.
Ông mất tập trung vào sự hiện diện quyền năng của Thầy và bị chìm.
Người ta có thể bị chìm ngay khi biết Chúa ở trước mặt.
Kinh nghiệm được Thầy nắm tay mà dắt vào thuyền.
Khi Phêrô kêu cứu, Thầy Giêsu đã giữ ông khỏi bị nước nuốt chửng.
Sau đó hẳn hai Thầy trò đã cùng nhau đi trên sóng mà về thuyền.
Khi cả hai lên thuyền thì gió lặng, chẳng cần Thầy phải dẹp yên sóng gió.
Các kinh nghiệm môn đệ vừa trải qua thật kinh khủng và gần gũi với ta.
Buồn bực, sợ hãi, căng thẳng, bình an, nghi ngờ, chới với, hạnh phúc.
Đời Kitô hữu là một chuỗi những kinh nghiệm như thế.
Chúng ta tưởng Chúa bỏ rơi, Chúa vắng mặt, Chúa là ma làm ta sợ hãi.
Đơn giản Chúa là Thầy biết cách làm ta trưởng thành qua kinh nghiệm.
Cuối cùng chúng ta sẽ nhìn nhận: “Quả thật Thầy là Con Thiên Chúa” (c. 33).
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
con chẳng dám xin đi trên mặt nước như Phêrô,
nhưng nhiều khi con cảm thấy
sống đức tin giữa lòng cuộc đời
chẳng khác nào đi trên mặt nước.
Có bao thứ sóng gió đẩy đưa và lôi cuốn.
Có bao cám dỗ muốn hút con vô vực sâu.
Cả sự nặng nề của thân xác con
cũng kéo ghì con xuống.
Đi trên mặt nước cuộc đời chẳng mấy dễ dàng.
Nhiều khi con thấy mình bàng hoàng sợ hãi.
Xin cứu con khi con hầu chìm.
Xin nắm lấy tay con khi con quỵ ngã.
Xin nâng đỡ niềm tin yếu ớt của con,
để con trở nên nhẹ tênh
mà bước những bước dài hướng về Chúa. Amen.

 
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
"Xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy".
Chúa đi trên biển
Thiên Chúa tỏ ra là một nhà giáo dục đại tài: Ngài luôn tôn trọng tư tưởng, dự định của con người, nhưng với thời gian và qua dòng lịch sử, Ngài thanh lọc, kiện toàn những gì không phù hợp với Nước Trời. Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa nhập thể làm người cũng đi theo đường lối đó, như chúng ta có thể thấy trong bài Tin Mừng hôm nay.
Sau khi cho dân chúng ăn no, Chúa Giêsu buộc các môn đệ lên đò sang bờ bên kia. Giải tán dân chúng xong, Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện một mình. Các môn đệ vâng lời Thầy ra đi, nhưng có lẽ các ông không được hài lòng. Các ông đã hết sức kiên nhẫn chờ đợi ngày Chúa Giêsu làm vua, cơ hội đó hôm nay đã đến, nhưng Chúa lại từ chối. Không những bỏ lỡ cơ hội, Chúa còn ra lệnh cho các ông lập tức rời bỏ hiện trường. Bất mãn, chán nản và mệt nhọc làm cho các ông ngã lòng. Chúa Giêsu biết rõ tâm trạng của các ông, không những bằng ánh mắt và bằng cả cõi lòng khi Ngài cầu nguyện trên triền núi. Ngài thấy các ông chèo chống ngược với sóng gió và ngược với cả ý muốn. Chính lúc đó, Ngài đi trên mặt biển để đến với các ông. Ngài đã làm như thế để các ông hiểu rằng Ngài có quyền năng trên các tạo vật, Ngài có chương trình của Ngài và Ngài sẽ thực hiện chương trình ấy khi giờ của Ngài đến.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta đặt tất cả niềm tin vào quyền năng của Chúa. Ngài có chương trình cho mỗi người chúng ta. Ðiều quan trọng không phải là chúng ta bắt Thiên Chúa làm theo ý chúng ta, để rồi khi không được như ý nguyện, chúng ta tỏ ra buồn phiền, than trách Chúa. Trái lại, chúng ta hãy đặt hết tin tưởng vào Chúa, Ngài vẫn hiện diện để sẵn sàng cứu giúp chúng ta. Hãy phó thác vào quyền năng yêu thương của Ngài và như thế tâm hồn chúng ta sẽ được bình an.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Ðừng sợ
Biến cố Chúa đi trên mặt biển cũng được tường thuật nơi Phúc Âm thánh Maccô chương 6 và nơi Phúc Âm thánh Gioan chương 6, nhưng nơi Phúc Âm thánh Mátthêu thì có thêm chủ ý hành văn của tác giả và ý định trình bày một cái nhìn. Các nhà chú giải đồng ý có ba phương diện giúp dễ hiểu đoạn Phúc Âm này hơn:
- Bình diện thứ nhất là bình diện của biến cố khi được tường thuật.
- Bình diện thứ hai là bình diện thần học về việc Chúa mạc khải Thần Khí của Người.
- Bình diện thứ ba là ý nghĩa xã hội học của biến cố.
Trước hết, về bình diện tường thuật biến cố thì câu chuyện được kể đơn sơ, dễ hiểu: "Sau biến cố bánh hóa nhiều, Chúa Giêsu truyền cho các tông đồ xuống thuyền sang bờ bên kia. Còn Người thì ở lại giải tán dân chúng, rồi lên núi cầu nguyện. Ðến khuya, Chúa đi trên mặt biển đang bị động để đến với các tông đồ".
Nhưng nếu nhìn biến cố trong viễn tượng việc Chúa mạc khải chính mình thì biến cố mang một đặc điểm mới. Chúa Giêsu có quyền trên mọi biến cố thiên nhiên. Câu nói của Chúa: "Thầy đây, đừng sợ!" nhắc lại công thức Thiên Chúa mạc khải chính mình bằng lời quả quyết: "Ta là Ðấng Ta là".
Ý nghĩa xã hội học được trình bày qua hình ảnh con thuyền tượng trưng cho Giáo Hội Chúa. Thuyền gặp bão, Giáo Hội Chúa gặp thử thách. Nhưng Chúa Giêsu không để cho các tông đồ một mình chống lại với bão táp, không thể để cho Giáo Hội một mình gặp thử thách: "Ta sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế". Chúa muốn cho các tông đồ luôn kiên trì trong đức tin, đừng lo sợ mê man. Chúa đến với các tông đồ, Chúa đến với Giáo Hội trong cơn thử thách. Chúng ta hãy để cho Chúa đến với chúng ta và hiện diện với chúng ta mãi mãi.
Lạy Chúa, Ðấng đã kêu gọi mọi người "Ðừng sợ".
Xin thương củng cố đức tin chúng con trong những lúc gặp gian nan thử thách.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)


Tôi tin
Thấy Người đi trên mặt biển các ông hoảng hốt bảo nhau: “Ma đấy!”, và sợ hãi la lên. Đức Giêsu liền bảo các ông: “Cứ yên tâm chính Thầy đây đừng sợ!” Ông Phê-rô liền thưa với Người: “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài.” Đức Giêsu bảo ông: “Cứ đến!” Ông Phê-rô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Đức Giêsu. Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và bắt đầu chìm, ông la lên: “Thưa Ngài, xin cứu con với!” (Mt. 14, 26-30)
Phêrô
Mọi chú ý đổ dồn vào một nhân vật: Phêrô. Ông là tông đồ thứ nhất. Ông nói, làm nhân danh các bạn khác. Hơn nữa, ông là người thứ nhất trong các kẻ tin. Ông tỏ vẻ rất linh hoạt và diễn xuất niềm tin xuất sắc. Ông mạnh mẽ và hiên ngang tuyên bố những lời kêu gọi và lôi cuốn con người. Đó là khát vọng sâu xa hướng về mình, ở bên mình, ở với mình. Đó là bước đường dẫn tới hố sâu vì được người ta tin cậy và yêu mến. Thế rồi, khi lòng tin cậy yếu đuối, lập tức kéo theo sự mất sức căn bản và những nguy khốn tứ bề ập tới làm mình run sợ mất lòng trông cậy. Lúc đó mình là mồi ngon cho các thế lực đe dọa, nếu mình không tìm ngay đến bàn tay của Thầy đến cứu vớt. Có lòng trông cậy, có lòng tin, nhưng quá hèn mọn, quá yếu ớt thì đừng bo bo cậy mình. Chỉ có đức tin vô điều kiện mới mong dẫn dắt các bạn một cách chân chính mà thôi. Điều xảy ra với tông đồ thứ nhất là Phêrô, luôn là gương mẫu cho tất cả những kẻ tin tưởng.
Giáo Hội
Giáo hội toàn thể luôn luôn ở trước tôn nhan Đức Giêsu. Giáo hội đã được bảo đảm thắng vượt mọi gian nan thử thách, có đủ khả năng thoát khỏi mọi nguy biến. Giáo hội biết mình được bảo đảm không bao giờ bị đắm chìm tan biến theo chiều dài của lịch sử ở điều kiện nắm vững đức tin.
Một đức tin đơn sơ
Những câu cuối cùng của đoạn Tin mừng này nhắc nhở chúng ta bài học về Phêrô bước đi trên mặt biển: một bài học về đức tin đơn sơ, không giải thích. Một đức tin biểu lộ bằng cử chỉ, bằng chỉ cần động đến gấu áo Chúa, nhưng đã diễn tả mọi rung động của con tim. “Nếu anh không trở nên trẻ nhỏ…”. Nếu đức tin không như thế, chúng ta phức tạp hóa đức tin của chúng ta, đức tin sẽ mất sức mạnh, mất sức sống! Ước chi chúng ta hãy hết lòng nói với Chúa: “Lạy Chúa, con tin”.
J.M

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 8
7 THÁNG TÁM
Không Gì Có Thể Tách Chúng Ta Ra Khỏi Tình Yêu Thiên Chúa
Thánh Tông Đồ Gia-cô-bê cũng diễn tả tương tự khi ngài dạy các Kitôhữu thái độ đương đầu các thử thách với niềm vui và kiên nhẫn: “Anh em hãy tự cho mình là được chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều. Vì như anh em biết: đức tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn. Chớ gì anh em chứng tỏ lòng kiên nhẫn đó ra bằng những việc hoàn hảo, để anh em nên hoàn hảo, không thiếu sót điều gì” (Gc 1,2-4).
Cuối cùng, trong Thư gửi các tín hữu Rôma, Thánh Phaolô so sánh những đau khổ của con người và của vũ trụ với ‘cơn đau sinh nở’ của mọi tạo vật. Ngài nhấn mạnh rằng đây là ’những tiếng rên siết’ của những ai lãnh nhận Thần Khí như ‘ơn huệ mở đầu’ nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là ‘cứu chuộc thân xác chúng ta nữa’(Rm 8,22-23).
Rồi, Thánh Phaolô ghi nhận về đau khổ: “Chúng ta biết rằng Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi cho những ai yêu mến Ngài, tức là cho những kẻ được Ngài kêu gọi theo như ý Ngài định…” (Rm 8,28). Cũng trong văn mạch này, ngài tuyên bố: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?” (Rm 8,35).
Với cảm nhận sâu xa ấy về tình yêu và sự tốt lành của Thiên Chúa trong Đức Kitô, Thánh Phaolô kết luận: “Tôi tin chắc rằng: dù sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay ma vương quỉ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8,38-39).
Ở đây Thiên Chúa, Cha chúng ta đang yêu thương chúng ta đời đời trong Đức Kitô. Ngài là người Cha dạy bảo chúng ta trong sự quan phòng yêu thương của Ngài: “Con hãy kiên trì để cho Ta sửa dạy; Ta đối xử với con như con cái. Thật vậy, có đứa con nào mà người Cha không sửa dạy?… Ta sửa dạy con vì lợi ích của con, để con được thông phần vào sự thánh thiện của Ta” (Dt 12,7.10).
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 07-8
THÁNH XYSTÔ II Giáo hoàng, và các bạn tử đạo,      
THÁNH CAJÊTANÔ, Linh mục;
Gr 30, 1-2.12-15.18-22; Mt 14, 22-36
LỜI SUY NIỆM: Đức Giêsu liền bảo các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ.”  (Mt 14, 27).
          Trong cuộc sống của mỗi con người trong trần thế này luôn có những luồng gió ngược, do những cám dỗ về tiền tài của cải vật chất; những đam mê của xác thịt; của những đau khổ do bệnh tật và tuổi tác; của những thất bại trong thi cử và công việc làm ăn để mưu sinh. Đôi khi chúng ta cứ loay hoay một mình chống chọi để rồi chán chường và vô vọng. Là người Ki-tô hữu, những lúc như vậy, trong những giây phút ấy chúng ta không phải chỉ chiến đấu một mình; vì bên cạnh chúng ta luôn có sự hiện diện của Chúa Giêsu. Với ân sủng; quyền năng và tình yêu của Ngài; Chúa Giêsu đang đưa tay Ngài ra; chỉ cần cánh tay của chúng ta có nắm tay Ngài hay không. Nhất là hãy nhớ Lời của Chúa: “Cứ yên tâm, chính Thầy, đây đừng sợ”
Mạnh Phương
++++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
Ngày 07-08
Thánh GAETANÔ
(1480 - 1547)
Thánh Gaetanô (Cajetan) là một trong những khuôn mặt lớn đặt nền tảng cho cuộc canh tân Giáo hội tại Ý vào thế kỷ 16. Ngài sinh năm 1480 tại Vicenza, trong một gia đình giầu có và quí phái. Năm 1504, Ngài đậu bằng tiến sĩ luật và giáo luật tại Padua và năm 1508 tham phần vào việc điều khiển Giáo hội tại Roma. Đức Juliô rất quí chuộng Ngài và có lẽ Ngài đã được Đức Giáo hoàng này cử đi thương thuyết với vương quốc Venice, thời kỳ ký hiệp ước Cambray và thời kỳ hậu chiến 1509 -1516.
Có thể những hoàn cảnh này đã gợi lên trong Gaetanô lần đầu tiên ước muốn chấn hưng đạo đức thật sự. Năm 1516 Ngài nhập dòng tình yêu Thiên Chúa ở Roma, một tu hội tìm bảo đảm đời sống thiêng liêng của hội viên bằng kinh nguyện, việc năng lãnh nhận bí tích và thực hiện các công cuộc từ thiện tại các nhà thương, cô nhi viện, trại cải huấn... Ngài thụ phong linh mục ngày 30 tháng 9 năm 1516. Ngài dâng lễ mở tay mấy tháng sau đó và bắt dầu dâng lễ hàng ngày, một thực hành bất thường vào thời đó. Do một người bạn từ Brescia tên là Bartolômeô Stella, Ngài chịu ảnh hưởng của nữ tu Laura Mignani, trong dòng Augustinô. Ngài thường xuyên liên lạc thư từ với chị, nhưng có lẽ không bao giờ gặp mặt chị.
Năm 1517, Ngài trở về Vicenza, nuôi bệnh mẹ lần cuối. Tại đây Ngài chọn cha Fra Batttista Carieni da Grema, một cha dòng Daminh nổi tiếng làm cha giải tội, từ đây Ngài hiến trọn đời phục vụ Thiên Chúa. Sau khi dàn xếp xong câu chuyện và từ bỏ sự tiến cử trong Giáo hội, Ngài hiến 6 năm tiếp làm việc thiêng liêng và bác ái trong các cộng đoàn ở Vicenza, Verona và Venice. Nơi đây, Ngài truyền bá việc rước lễ thường xuyên, lòng tôn sùng Thánh thể, đời sống cầu nguyện hãm mình. Ngài trở thành người hướng dẫn tinh thần và gương mẫu thúc đẩy thánh Hiêrônimô Emilimô lập dòng Somaco.
Dầu vậy năm 1523, khi trở về Roma và dưới sự hứơng dẫn của cha Fra Battista, cha Gaeta gặp các bạn và lập một dòng mới vào năm 1524. Nhân vật chính trong số các bạn của Ngài là Pietro Carafa, sau này sẽ là Đức Phaolô IV. Hai người tính tự nhiên khác hẳn nhau, nhưng lại hợp nhất trong một nhiệt tình muốn canh tân Giáo hội, nhất là ở Roma. Bề trên tiên khởi của dòng là Pietro Crafa, lúc ấy đang làm Tổng giám mục Chicti. Bởi đấy dòng được gọi là Theatinus. Dầu là các linh mục triều, sống thành cộng đoàn và dấn thân làm việc mục vụ. Các hội viên vẫn giữ lời khấn nghèo khó, vâng lời và trong sạch. Từ chối sở hữu mọi của cải, họ không đi ăn xin và chỉ sống nhờ lòng bác ái của các tín hữu. Đây là một cuộc mạo hiểm chống lại những lạm dụng của hàng giáo sĩ thời đó và tìm tái lập nét đẹp tinh thần của chức linh mục.
Cộng đoàn ở Rôma nhỏ bé nhưng đã trở nên trung tâm đạo đức, bác ái và nghiên cứu Phụng vụ. (Năm 1527 bị xâm chiếm. Nhà dòng phải trốn về Venice. Các hội viên nhất là chính cha Gaetanô bị người Tây Ban Nha hành hạ dã man. Mãi tới năm 1555, khi đức Hồng y Carafa lên làm giáo hoàng và cha Gaetanô đã chết nhà dòng mới trở lại Roma)
Cha Gaetanô là bề trên thứ hai của nhà dòng. Linh đạo của cha đã in nét tối hậu tạo thành nếp sống của dòng. Linh đạo này hoà hợp đời mục vụ với đời sống chiêm niệm. Trong khi Đức cha càng ngày càng tích cực với các hoạt động công khai thì cha Gaetanô không ngừng lui vào đời sống ẩn dật. Sự khiêm nhường rất mực của cha Gaetanô trở nên như huyền thoại. Ngài để lại một ít thư từ và không có một tác phẩm nào.
Dầu vậy, Ngài đã đạt tới đỉnh cao thánh thiện và được kính nể nnhư một bậc thánh nhân ngay khi còn sống. Cầu nguyện và rao giảng không biết mệt, tôn sùng Thánh Thể và sống đời nhiệm nhặt, không ngừng làm việc bác ái tông đồ, tất cả những đặc điểm ấy của Ngài ghi dấu vào cuộc canh tân tinh thần của Giáo hội. Ngoài ra, Ngài rất tinh tế trong việc phụng vụ. Nhiều chuyện còn kể các phép lạ Ngài làm khi còn sống. Trong một lá thứ gởi cho chị Mignami, chính Ngài đã kể lại việc Đức Mẹ trao cho Ngài săn sóc Chúa Hài Đồng.
Trên giường bệnh Ngài nói rằng mình phải chịu mọi cực hình thánh giá. Thánh Gaetanô qua đời tại Naples năm 1547, được phong chân phước năm 1629 và năm 1691 Đức Innocentê XII tuyên phong hiển thánh.
************************
Ngày 07-08
Thánh XISTÔ II
Giáo Hoàng và Các Bạn Tử Đạo
Ngày 30 tháng 8 năm 257, Đức Xystô lên ngôi Giáo hoàng, kế vị Đức Stephanô I giữa lúc Giáo hội đang chìm trong con người bách hại thời Valerianô. Pontiô, một phó tế của Thánh Cyprianô gọi Ngài là "Linh mục nhân hậu hòa nhã". Ngài đã tránh được một cuộc ly khai khi để cho các Giáo hội địa phương tự do theo thói quen rửa tội lại cho các người theo lạc giáo.
Một năm sau thánh Cyprianô loan tin: Đức giáo hoàng Systô đã bị xử tử đêm 6 tháng 8 cùng với 4 vị trợ tá (phó tế) của Ngài. Các Kitô hữu Roma đã bị cảnh sát đột kích trong khi đang cử hành thánh lễ tại hang toại đạo Callistô. Để khỏi bị bắt giam tất cả, Đức Xystô đã hiến mình chịu chết. Ngài bị chặt đầu ngay tại ngai tòa giám mục cùng với 4 vị trong số 7 vị trợ tá (phó tế) của Ngài là Gianuariô. Mahnô, Vicentê và Stêphanô. Hai vị khác là Fêlicissimô và Agapitô đã bị bắt và bị chặt đầu cùng ngày tại hang toại đạo Praetextato.
Cái chết vì đoàn chiên trong những cảnh thương tâm như vậy đã khiến cho Đức Xystô được dân chúng tôn kính rộng rãi. Ngài được mai táng trong hầm mộ giáo hoàng tại chính nơi Ngài chịu chết. Tuy nhiên di hài của Ngài có lẽ đã được Đức Lêô IV (847 - 855) dời về thánh đường Xystô vẫn còn được tôn kính cho đến ngày nay.
(daminhvn.net)
++++++++++++++++++

07 Tháng Tám
Con Bọ Cạp Giữa Dòng Sông 
Một tín đồ Ấn giáo nọ xuống dòng sông Gange để thanh tẩy và cầu nguyện...
Ông đang trầm mình giữa dòng sông thì bỗng đâu rác rưởi tấp lại dày đặc xung quanh ông. Trong đống rác, một con bọ cạp đang chao đảo chới với giữa dòng nước. Sẵn lòng khoan dung đối với thú vật, người tín đồ Ấn giáo mới chìa cánh tay ra để cứu vớt con vật. Nhưng cánh tay ông vừa đưa ra đã bị con vật dùng chiếc vòi độc của nó đốt lấy. Người đàn ông không mất kiên nhẫn, con vật càng hung hãn, ông càng chịu đựng để nó dùng nọc độc chích liên hồi, miễn là cứu sống nó thoát khỏi dòng nước đang cuốn trôi.
Có người theo dõi cảnh tượng, mới trách người tín đồ như sau: "Ông mất giờ vô ích. Nó là con bọ cạp, bản chất của nó chỉ là dùng nọc độc để chích mà thôi".
Người tín đồ Ấn giáo mới điềm nhiên trả lời: "Bản chất của con bọ cạp là dùng nọc độc để chích, nhưng bản chất của con người là cứu vớt".
Chúng ta dễ có khuynh hướng phân biệt xã hội thành hai loại người: xấu và tốt, bạn và thù... Kẻ xấu là người đáng xa lánh, người thù thì phải oán căm sâu sắc... Chúa Giêsu đã đánh đổ mọi thứ óc "biệt phái". Những kẻ bị xã hội loại ra bên lề đã được Ngài biến thành bạn hữu, những kẻ đồng bàn. Ngài đã không nhìn người bằng những nhãn hiệu có sẵn, mà chỉ bằng hình ảnh cao quý của Thiên Chúa. Trong cái nhìn ấy, hàng rào giữa bạn và thù, giữa tốt và xấu sẽ được tháo gỡ giữa mọi người. Trong cái nhìn ấy, tất cả mọi người đều có chung một danh xưng; đó là anh em của nhau...
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Ngày 07
Thánh Sixtô II, giáo hoàng và các bạn tử đạo 
Thánh Cajêtanô, linh mục; Thánh Donatô, giám mục

Thiên Chúa hằng sống, Đấng mà chúng ta khát khao tìm kiếm, đã tự mặc khải qua dung mạo của Đức Kitô đang cầu nguyện. Cũng thế chỉ khi chúng ta cầu nguyện với Đức Kitô, thì trên dung mạo của chúng ta, những dung mạo đôi khi thiu thiu ngủ, mới có thể thấy được chúng ta có thật sự gắn bó với Thiên Chúa làm người hay không.
 
Ngày hôm sau biến cố Hiển Dung, một biến cố mà các môn đệ còn nhớ mãi, Đức Giêsu xuống núi. Ngài thấy lại những đám đông vất vưởng đang đợi chờ Ngài, những bệnh nhân đang van xin Ngài. Chẳng hề có sự gián đoạn nào giữa hai trang Tin Mừng này. Đức Kitô, Đấng hiển dung khi đang cầu nguyện, Đấng được tiếng nói của Chúa Cha xác nhận là Thiên Chúa làm người, cũng chính là Đấng lại hòa cùng tất cả những ai cầu khấn mình, và con tim đầy thương xót của Ngài không thể nào vô cảm với họ được.
 
Chúng ta có dám chắc là cuộc hiến dung khiêm tốn mà chúng ta đang được kêu gọi dự phần là như thế này không: dần dần, trong mầu nhiệm của kinh nguyện đơn sơ chân thành hiện tại, trái tim chúng ta sẽ biến đổi để sống thương cảm như Đức Kitô. Bởi lòng nhân lành cũng là một mầu nhiệm giãi sáng, và cuối cùng con người chẳng còn là thù địch của chính mình, của đồng loại, nhưng là một người bạn tốt.
Véronique Margron, nữ tu Đa Minh
Ngày 7 tháng 8
THÁNH SIXTÔ II GIÁO HOÀNG TỬ ĐẠO
THÁNH GAÊTANÔ, SÁNG LẬP DÒNG LIÊN HIỆP GIÁO SĨ
(1480-1547)
Thánh Giáo Hoàng  Sixtus II


THÁNH SIXTÔ II GIÁO HOÀNG TỬ ĐẠO
Lịch sử không ghi rõ lai lịch của thánh nhân trước ngày lên ngôi Giáo Hoàng. Vì thế, chúng ta chỉ biết sơ qua về tính danh của Ngài: Thánh nhân là người thuộc thành Athena, đã học mãn khóa nhiều trường triết lý tại Hy lạp. Sau khi Đức Giáo Hoàng Têphanô I băng hà, được một tuần, thì ngày 06 tháng 8 năm 258 toàn thể giáo hữu công giáo bốn phương vui mừng kính chào vị Tân Giáo Hoàng Sixtô lên ngôi hiển trị đoàn chiên Chúa.
Tuy lên ngôi hiển trị Giáo hội giữa muôn tiếng hân hoan đón chào và sự phấn khởi của người công giáo, nhưng người cha chung vẫn ôm nặng một nỗi băn khoăn xao xuyến, là làm sao chinh phục phái ly giáo và khắc phục những địch thủ luôn luôn muốn dấy lên phản đối Giáo hội.
Trở ngại đầu tiên khi lên ngôi Giáo Hoàng, là chính trong Giáo hội Chúa chia làm hai phái đối lập nhau, bất đồng quan điểm về phép Rửa tội. Đoàn giáo sĩ theo thánh Cyprianô thì chủ trương phép Rửa tội do những người ly giáo làm là không thành. Trái lại, đa số giáo sĩ khác lại quyết là thành. Giữa hai lập trường hoàn toàn đối lập nhau, Đức Giáo Hoàng thừa biết phải giữ vững lập trường thứ hai. Nhưng để tránh những va chạm và sự chia rẽ trầm trọng có thể xảy ra, Đức Giáo Hoàng đã khôn ngoan dàn xếp một cách ổn thoả giữa các Giám mục và Giáo sĩ. Nhờ đó, toàn thể giáo sĩ và giáo dân cùng hiệp lựïc chung xây Giáo hội, dưới sự hướng dẫn của người cha chung.
Như lời Chúa Cứu Thế đã tuyên báo, đầy tớ không trọng hơn chủ, con thuyền của Giáo hội Chúa luôn luôn phải vượt qua những làn sóng ào ào đổ tới. Mới dàn xếp xong mối chia rẽ giữa các giáo sĩ, thì Đức Giáo Hoàng Sixtô lại phải bận tâm đương đầu với đối thủ Valêrianô, một bạo vương luôn luôn muốn tróc nã và hành quyết các Tông đồ Chúa. Thấy Giáo hội Chúa liên kết thành một đoàn thể duy nhất, trên thuận dưới hòa. Valêrianô máu ghen nổi lên, và tháng 7 năm 257 hạ lệnh bắt giam các Giám mục, và hạn chế đến mức tối thiểu những buổi hội họp công giáo. Sắc lệnh ban hành, con thuyền Giáo hội lại nghiêng ngửa với những cơn phong ba bão táp, một bầu không khí ngột ngạt khó thở bao trùm Giáo hội. Một lớp sương mù che mờ lá cờ Chúa. Bao nhiêu Giám mục đã bị truy nã và phát lưu, bao nhiêu giáo dân bị đi đày hoặc bị tù tội, đi làm công trường… Nhưng Chúa Thánh Thần tác động mạnh mẽ trong Giáo hội, như lời Chúa Kitô đã phán: “Cha sẽ ở với các con mọi ngày cho đến tận thế”. Vì thế, trong lúc phải đương đầu với những cuộc tấn công của ma quỷ, Giáo hội được Chúa Thánh Thần nâng đỡ càng mạnh mẽ hơn. Bỡ ngỡ trước sức kháng cự mỗi ngày một mạnh, bạo vương Valêrianô ban hành sắc lệnh quyết hạ sát tất cả những Giám mục, linh mục và các phó tế, thải hồi những công chức theo Công giáo, tịch thu gia tài của tất cả những nhân vật có địa vị cao trong Giáo hội, và bắt làm nô lệ tất cả các tín hữu bướng bỉnh, không chịu tuân lệnh nhà vua.
Vừa khi sắc lệnh được ban hành, thì những cộng tác viên đắc lực của nhà vua nhóm họp bàn mưu tìm lấy một giải pháp hữu hiệu nhất để tiêu diệt đạo Chúa. Kết quả là, họ đồng thanh tìm cách triệt hạ Đức Giáo Hoàng. Vì theo họ, nếu triệt hạ được Đức Giáo Hoàng, vị thủ lãnh công giáo, thì cũng như đánh rắn mất đầu, cả đàn chiên phải tan tác. Lúc này hơn bao giờ hết, người Công giáo có cảm tưởng chính ma quỷ trong hỏa ngục đang dấy lên phá hoại Giáo hội Chúa. Nhưng dù trong xao xuyến lo sợ, mọi người đều tin tưởng Giáo hội Chúa vẫn tồn tại “vì Chúa đã thắng thế gian”.
Một lần kia Đức Giáo Hoàng đang giảng thuyết cho đám giáo dân, thì đột nhiên địch thủ bao vây bắt ngài và trảm quyết ngài ngay tai nghĩa địa Prêtexta. Ngày nay mỗi khi khách hành hương qua mộ địa của ngài đều đọc thấy trên mộ chỉ đoạn văn cảm động sau đây: “Giữa lúc nhát gươm bén nhọn đâm thâu qua trái tim thánh của người mẹ hiền (Giáo hội), Ta, Đấng chủ chiên bị hạ thủ nơi đây. Đang khi Ta rao giảng giới răn Chúa, thì đột nhiên người ta xông đến bắt Ta. Theo Ta, bao nhiêu tín hữu đã can đảm giương cổ ra trước lưỡi gươm phũ phàng để lãnh nhận triều thiên tử đạo”.
Sau khi Đức Giáo Hoàng bị hạ sát, thì cũng có biết bao nhiêu tín hữu Chúa đã anh dũng hy sinh vì lý tưởng cao quý. Trong số đó, có bốn thầy phó tế cũng bị trảm quyết như Đức Giáo Hoàng: thầy Javier, Magniô, Vinhsơn, và Têphanô. Ngoài ra còn hai thầy phó tế khác bị thiêu sinh là thầy Félicisme và Agapit.
Sau đó ít lâu, một ngôi thánh đường được xây cất trên ngôi mộ của ngài và trên tiền đường có ghi chữ: “Đây là nơi Đức Giáo Hoàng Sixtô bị trảm quyết”.
Điểm đặc biệt là sau khi thánh Giáo Hoàng bị trảm quyết, toàn thể giáo hữu Chúa nơi kinh thành bất diệt đều bị lầm than hơn dưới chế độ Valêrianô, nhất là hàng giáo phẩm và giáo sĩ Rôma đều gặp phải nhiều khó khăn: các ngài bị trục xuất, bị lưu đầy hay bị tù tội. Các tu viện bị chiếm cứ, tài sản bị tịch thu. Tuy vậy, đức tin của đoàn chiên Chúa không bị sút kém, mà trái lại, còn tăng gấp bội. Bên ngoài đời sống đó không có gì là sống động rầm rộ, nhưng bên trong tiềm ẩn một sức sống sung mãn. Trước hiện tượng kỳ lạ đó, ai cũng tin rằng là do lời bầu cử của thánh nhân và do sức nâng đỡ của Chúa Thánh Thần, như lời Chúa Giêsu đã phán: “Cha hằng ở với các con mọi ngày cho đến tận thế; Phêrô, con là đá, Ta sẽ xây Giáo hội Ta trên đá này, và cho ma quỷ hỏa ngục có dấy lên phản loạn, chúng vẫn không làm gì nổi”.
 -o0o-
THÁNH GAÊTANÔ, SÁNG LẬP DÒNG LIÊN HIỆP GIÁO SĨ
(1480-1547)
Thánh Gajetan

Đây là vị thánh ở thời phục hưng Công giáo tại nước Ý. Ngài đã cộng tác với Giám mục Gioan Carafa ở Chiêti để lập dòng Thêatins. Dân chúng Vênêtia thường gọi ngài là: “Vị thánh của Chúa Quan phòng”.
Thánh nhân sinh trưởng trong một gia đình quý tộc ở Ý. Thân mẫu là Maria Pôrtô, thấy con ra đời giữa một môi trường đầy gương xấu nguy hiểm, nên khi sinh hạ Gaêtanô, bà đã không ngần ngại dâng con cho Đức Mẹ. Để tỏ lòng trung thành lời dâng kính đó, bà đặt tên con là Gaêtanô Maria. Ngay từ thuở niên thiếu, Gaêtanô đã sớm tỏ ra một tâm hồn quảng đại, đã biết yêu thương người đồng loại, đặc biệt những người bần cùng nghèo khổ. Tâm hồn nhân ái và quảng đại đó còn được hun đúc và dưỡng dục nhờ người mẹ phúc hậu và đại độ.
Xã hội thuở niên thiếu của Gaêtanô là một xã hội đầy bất công, không thiếu những cảnh chướng tai gai mắt của những kẻ phong lưu quan cách, cũng như những cảnh lầm than đói khổ của người dân nghèo. Trước hai trạng thái tương phản đó, tâm hồn Gaêtanô không hướng về những cảnh hào hoa phong nhã, nhưng cậu đã biết hướng tâm hồn về với những cảnh lầm than của xã hội. Chính vì thế, cậu thường phân phát tiền bạc, quần áo cho những con người bơ vơ, thất thểu nơi đầu đường xó chợ, hoặc lang thang đây đó với kiếp sống ăn xin. Nhiều lần trông thấy những người hành khất mà không có gì để bố thí, lòng rầu rầu cảm động đến sa lệ, cậu vội chạy đi xin tiền của bất cứ ai để giúp họ.
Với trí khôn thông minh và đức hạnh chắc chắn, sau khi mãn trường trung học, Gaêtanô được gửi đến đại học ở Pađôva. Nơi đây Gaêtanô trở thành ngôi sao sáng cho mọi sinh viên, cả về hai phương diện trí dục và đức dục… Sau những năm chuyên cần trau dồi kiến thức, ngày 17 tháng 7 năm 1504, sinh viên Gaêtanô lĩnh văn bằng tiến sĩ luật. Tuy nhiên, tâm tư ngài vẫn mang nặng một niềm âu lo, vì nghĩ rằng có kiến thức dồi dào mà không đem giúp đời, thì vẫn mang tiếng là hữu tài vô dụng, chưa kể là đã đạt được mục đích của tạo hóa. Với tâm hồn nạêng trĩu những hoài vọng giúp đời ấy, nhà tiến sĩ luật chỉ muốn san bằng những bất công xã hội, muốn tiêu diệt những cảnh “cá lớn nuốt cá bé”. Để đạt mục đích đó, ngài đã dành luôn mấy năm liền để theo học nghề trạng sư tại đại học đường Vicencia. Chính trong thời gian này, lòng nhiệt thành truyền giáo của ngài càng được mãnh liệt phát triển hơn, nhờ ở những hành động xã hội mà ngài chủ trương. Thấy dân miền Rambagizô túng thiếu không tiền xây cất thánh đường, ngài đã trở về quê hương, khuyến khích người anh cả cùng bỏ tiền ra xây cất một ngôi thánh đường ở Rambagizô, nhà thờ này được dâng hiến ngày 10 tháng năm 1505.
Sau khi nghe biết tiếng tăm và công việc của Gaêtanô, Đức Giáo Hoàng Giuliô II đã triệu vời ngài về thánh bộ Rôma giữ chức tổng bí thư tông toà. Nhờ đức khôn ngoan và tài ngoại giao khéo léo, ngài đã tái lập được mối tương giao thân mật giữa Đức Giáo Hoàng và nước Cộng hòa Vênitia. Tuy chưa chịu chức linh mục, danh tiếng của ngài bấy giờ đã ngang hàng với những nhân vật cao cấp của hàng giáo phẩm như Giacôbê Sađôlê tổng bí thư của Đức Giáo Hoàng Piô X, Gioan Phêrô Carafa, sau làm Hồng Y. Năm 1516, ngài tham gia tổ chức Hội dòng Liên Hiệp giáo sĩ, lấy tên là Hội Tình Yêu Thiên Chúa đã được Đức Giáo Hoàng Lêô X chuẩn y và cho phổ biến mau lẹ trên toàn lãnh thổ Ý. Chính trong thời gian cộng tác đắc lực với hàng Giáo phẩm Rôma, mầm ơn thiên triệu linh mục triển nở rất mạnh nơi con người tài cao đức cả này. Gaêtanô đã qua những bậc thang của chức linh mục một cách mau lẹ khác thường. Do đặc ân của Đức Giáo Hoàng Lêo X, ngày 27 tháng 9 năm 1516, ngài chịu chức phó tế, và ngày 30, giữa bầu không khí trang nghiêm và huy hoàng của thánh đường thánh Phêrô, ngài chịu chức linh mục.
Tháng 8 năm 1518, khi được tin bà thân mẫu lâm bệnh, vì đức hiếu thảo, ngài phải tạm biệt thánh toà Rôma, trở về quê hương bản xứ để săn sóc sức khỏe và yên ủi mẹ hiền trong lúc bệnh tật. Ngày 14 tháng 8 năm 1518, bà thân mẫu đã bằng an trút hơi thở cuối cùng trong tay vị linh mục hiếu tử của bà. Sau lễ an táng mẹ, ngài được cha linh hướng mời về Vênitia để giao cho việc chấn hưng bệnh viện Neuf. Với tài tháo vát, thánh nhân đã cải tiến và trùng tu toàn thể bệnh viện. Chính những vị giám đốc bệnh viện đã phải hết lòng khâm phục và tặng ngài danh hiệu: “đấng bảo vệ và duy trì bệnh viện”. Sau khi thánh nhân từ trần, họ đã đặt bức chân dung của ngài trên cổng chính để kỷ niệm và ghi ơn thánh nhân.
Năm 1523, ngài trở về Rôma, thấy tổ chức Hội Liên Hiệp Giáo sĩ đã có phần lỏng lẻo; hơn nữa, theo ý ngài, muốn truyền bá đạo thánh một cách đắc lực, trước tiên cần phải có những cán bộ tài ba và đức hạnh. Vì thế, ngài dốc toàn lực vào việc cải tiến hội dòng Liên Hiệp Giáo sĩ Tình Yêu Thiên Chúa, với những quy chế nghiêm ngặt. Luật dòng đã được chuẩn y ngày 14 tháng 9 năm 1521, và Đức Hồng Y Carafa được cử làm bề trên cả. Với những quy luật rõ ràng và chính đáng, hội dòng tiến triển rất mạnh và ảnh hưởng nhiều nơi. Ngày 11 tháng 02 năm 1533, Đức Giáo Hoàng Clêmentê VII gửi cho vị bề trên cả Carafa một sắc lệnh, tỏ ý muốn thiết lập Hội Dòng Liên Hiệp Giáo sĩ ở Napôli. Phụng nhận sắc lệnh, bề trên Carafa ủy nhiệm cho thánh nhân. Thánh nhân vội lên đường đi Napôli với Gioan Marinôni, mặc dầu khi khởi hành trời đất đầy sương mù và gió lạnh. Tại Napôli, ngài bị bá tước Ôpiđô làm khó dễ, quyết không cho phép thiết lập cư xá tại đó. Nhưng với ơn Chúa nâng đỡ và tài ngoại giao, thánh nhân đã vượt thắng trở lực một cách dễ dàng. Nơi đây, ảnh hưởng của ngài ngày càng lan rộng, nhất là sau khi ngài được Chúa ban cho đặc ân chữa lành một anh em trong dòng đã bị cưa đứt một chân.
Tuy bận tâm lo lắng tổ chức Hội dòng, nhưng không vì thế mà thánh nhân sao nhãng công việc bố thí cho người nghèo khó, thăm viếng an ủi các bệnh nhân. Đặc biệt, ngài đã tỉnh thức đề phòng những tai họa của bọn lạc giáo lăm le tấn công Giáo hội. Để đối phó với hiểm họa đó, thánh nhân đã sớm biết vạch mặt chỉ tên họ bằng những bài báo chí hay những buổi diễn thuyết rầm rộ. Đồng thời ngài đưa tin về bề trên cả Carafa, bấy giờ đang làm Hồng Y, để tâu việc này lên Đức Giáo Hoàng. Do đó, Bộ Thánh Vụ được thành lập để bảo vệ đức tin và cứu vãn những thuần phong mỹ tục của xã hội.
Tháng 4 năm 1540, khi được làm bề trên ở Vênitia, cha Gaêtanô mời người bạn chí thiết của ngài là Đức Giám Mục Giberti tới thăm cơ sở ở Vêrôna. Thấy nhà dòng có vẻ túng thiếu, Đức Giám Mục Giberti liền trao tặng ngài một số tiền và thực phẩm. Nhưng vì yêu mến đức khó nghèo, thánh nhân từ tốn trả lời: “Xin Đức Cha vui lòng giữ lại những tặng phẩm mà Đức Cha có ý ban cho chúng con, riêng đối với con, thà mất nhà cửa và của cải đời này còn hơn mất đức khó nghèo”.
Đầu tháng 8 năm 1547, thánh nhân ngã bệnh, và trong 4 ngày nằm liệt giường, anh em tu sĩ trong nhà muốn dọn cho ngài một giường có đệm quý để ngài nằm chịu bệnh, nhưng vì quý mến đức khó nghèo, thánh nhân chỉ xin cho mình nằm trên áo nhặm trải trên tro. Một tuần sau, ngài êm ái trút hơi thở cuối cùng giữa lời kinh sốt sắng của anh em Hội Dòng. Theo lời di chúc, xác thánh ngài được mai táng không phải trong một hầm mộ quý báu lịch sự, nhưng trong một hầm công cộng chơ vơ gần nguyện đường thánh Phaolô. Năm 1588, xác thánh ngài được di chuyển vào trong lòng nhà thờ. Nơi đây nhiều người đã được hưởng phép lạ khỏi bệnh, nên chẳng bao lâu đã biến thành nơi hành hương của muôn khách thập phương đổ dòng về kính viếng mộ thánh ngài.
Với những công cuộc làm vẻ vang Giáo hội và những phép lạ ngài làm, ngày 22 tháng 9 năm 1629, Đức Giáo Hoàng Ubanô VIII đã phong cha Gaêtanô lên bậc chân phước, và ngày 24 tháng giêng năm 1682, giữa muôn tấm lòng phấn khởi, Đức Giáo Hoàng Innôxentê XI lại tôn phong ngài lên bậc hiển thánh.

Phép lạ của Thánh Donatus, tranh của Jusepe de Ribera.

THÁNH ĐÔ-NA-TÔ, GIÁM MỤC, TỬ ĐẠO
( ? – 362)
       Thánh nhân sinh tại vùng Nicomedia, sau đó cùng với gia đình đến Roma. Khi đã trưởng thành, ngài được một tu sĩ tên là Hilarian giảng dạy đức tin và đã trở lại Đạo. Ngài thụ phong chức Phó tế rồi Linh mục bởi Thánh Giám Mục Satyrus Thành Arezzo. Khi Giám Mục Satyrus qua đời, ngài được Đức Giáo Hoàng Julius I tấn phong làm Giám mục Thành Arezzo.
       Ngài cùng bị bắt với tu sĩ Hilarian-vị này tử đạo vào ngày 16 tháng Bảy-sau đó, ngài bị chém đầu vào ngày 7 tháng Tám tại Arezzo dưới triều đại Julian.
(phỏng theo www.wikipedia.org)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét