Thứ Hai sau Chúa Nhật 19 Quanh Năm
Thị kiến của Ê-zê-kiel. |
Bài Ðọc I: (Năm
II) Ed 1, 2-5. 24 - 2, 1a
"Ðây là hình lạ trông
giống vinh quang của Chúa".
Trích sách Tiên tri Êdêkiel.
Ngày mồng năm trong tháng,
năm thứ năm vua Gioakim bị lưu đày, có lời Chúa phán cùng tư tế Êdêkiel, con
của Buzi, ở xứ Calđêa, trên bờ sông Côbar. Chính tại đây, bàn tay Thiên Chúa đã
đặt trên tôi.
Tôi nhìn thấy có một cơn gió
mạnh từ phương bắc thổi đến. Có một đám mây to lớn và lửa bao bọc chung quanh
và bốn bề có ánh sáng phát ra, và ở giữa bầu lửa như vàng pha sáng chói. Chính
giữa, có giống gì như bốn con vật hình dáng giống như hình người.
Và tôi nghe tiếng cánh của
chúng như tiếng nước lũ, như tiếng của Chúa vạn năng; khi chúng đi thì khác nào
như đám đông người, như tiếng đạo quân: khi chúng dừng lại thì chúng xếp cánh
xuống. Vì khi chúng nghe có tiếng trên không trung, trên đầu chúng, thì chúng
dừng lại và xếp cánh xuống.
Và trên không trung, trên
đỉnh đầu chúng, có cái gì như một viên ngọc thạch, hình như chiếc ngai, và trên
ngai đó, phía trên hẳn, có hình giống như hình người. Và tôi thấy người như
vàng pha sáng chói, bên trong, tứ bề khác nào như lửa, từ lưng người trở lên,
và từ lưng trở xuống, tôi thấy có gì như lửa chiếu sáng chung quanh, giống như
cái mống hiện ra trên mây trong ngày mưa: đó là hình thể chiếu sáng chung
quanh. Ðây là hình lạ trông giống vinh quang của Chúa. Tôi nhìn thấy thì sấp
mặt xuống đất.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 148, 1-2.
11-12ab. 12c-14a. 14bcd
Ðáp: Trời đất đầy vinh quang của Người.
Hoặc đáp: Alleluia.
Xướng: 1) Hãy ca tụng Chúa từ
muôn cõi trời, hãy ca tụng Người trên nơi cao thẳm. Các thiên thần Chúa, hãy ca
tụng Người đi; ca tụng Người đi, hỡi các đạo thiên binh. - Ðáp.
2) Quân vương địa cầu và tất
cả chư dân, quan chức và các vị chính quyền nơi cõi đất, các thanh nhiên và cả
những cô trinh nữ, những ông cụ già với đoàn con trẻ. - Ðáp.
3) Họ hãy ca tụng danh Chúa,
vì danh Người siêu phàm, độc nhất, oai nghiêm Người tràn lan trên trời dưới
đất, và Người nâng cao quyền thế dân Người. - Ðáp.
*
* *
Alleluia: Ga 14, 23
Alleluia, alleluia! - Nếu ai
yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta
sẽ đến và ở trong người ấy. - Alleluia.
Phúc Âm: Mt 17, 21-26
"Họ sẽ giết Người,
nhưng Người sẽ sống lại. Con cái thì được miễn thuế".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Matthêu.
Khi ấy, các môn đệ và Chúa
Giêsu còn đang ở Galilêa, thì Chúa Giêsu bảo các ông rằng: "Con Người sắp
bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết người, nhưng ngày thứ ba, Người sẽ sống
lại". Các môn đệ rất đỗi buồn phiền.
Khi các ngài đến Capharnaum,
thì những người thu thế đền thờ đến gặp Phêrô và hỏi rằng: "Thầy các ông
không nộp thuế "đền thờ' sao?" Ông nói: "Có chớ".
Khi ông về đến nhà, Chúa
Giêsu hỏi đón trước rằng: "Simon, con nghĩ sao? Vua chúa trần gian thu
thuế má hạng người nào? Ðòi con cái mình hay người ngoài?" Ông thưa rằng:
"Ðòi người ngoài". Chúa Giêsu bảo ông rằng: "Vậy thì con cái được
miễn. Nhưng để chúng ta không làm cho họ vấp phạm, con hãy ra biển thả câu: con
cá nào câu lên trước hết thì bắt lấy, mở miệng nó ra, sẽ thấy một đồng tiền,
con hãy lấy tiền đó mà nộp cho họ, trả phần Thầy và phần con".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm:
Ðức Giêsu chính là Con Thiên
Chúa. Ngài là chủ đền thờ. Lẽ ra Ðức Giêsu không phải nộp thuế cho đền thờ.
Nhưng việc Ðức Giêsu nộp thuế chứng tỏ Ðức Giêsu chu toàn lề luật, sống khiêm
nhường như mọi người Do Thái bình thường.
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, qua mầu nhiệm
Nhập Thể, Ngài đã chia sẻ trọn vẹn kiếp người với chúng con. Ngài đã sống và
làm gương cho chúng con biết sống tốt đạo đẹp đời. Ðó chính là lời chứng sống
động để mọi người nhận biết Chúa. Amen.
(Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)
Suy Niệm:
Nộp Thuế Cho Ðền Thờ
Vào thời Chúa Giêsu, người Do
thái không những phải đóng thuế cho nhà nước tức là thuế dân sự, mà còn phải
đóng thuế cho Ðền thờ nữa: ngoại trừ đàn bà, các thiếu niên và các nô lệ, tất
cả những ai từ 20 tuổi trở lên đều phải nộp thuế để bảo trì và tu sửa Ðền thờ
Giêrusalem.
Câu chuyện trong Tin Mừng hôm
nay xẩy ra vào khoảng tháng 10, năm thứ hai cuộc đời rao giảng của Chúa Giêsu,
tức là ít lâu sau biến cố Chúa Giêsu biến hình trên núi Thabor. Chúa Giêsu và
các môn đệ trở lại Capharnaum, và ở đó, những người thu thuế đến yêu cầu Phêrô
nộp thuế. Dĩ nhiên là Phêrô sẵn sàng nộp thuế.
Khi Phêrô về tới nhà, Chúa
Giêsu hỏi đón ông: "Simon, con nghĩ sao? Vua chúa trần gian lấy thuế của
ai? Con cái mình hay người ngoài? Phêrô đáp: "Thưa, người ngoài. Chúa
Giêsu liền bảo thế thì con cái được miễn". Ðây cũng là một mạc khải, bởi
vì qua câu: "Thế thì con cái được miễn", Chúa Giêsu muốn nói rằng xét
về bản tính Thiên Chúa, Ngài không phải nộp thuế;bởi vì qua câu: "Thế thì
con cái được miễn", Chúa Giêsu muốn nói rằng xét về bản tính Thiên Chúa,
Ngài không phải nộp thuế; nhưng xét về bản tính loài người, Ngài cũng tuân giữ
việc nộp thuế cho Ðền thờ như bất cứ ai. Tuy nhiên, Ngài nộp thuế bằng một phép
lạ: Chúa Giêsu bảo Phêrô đi câu cá, bắt được con cá đầu tiên, trong miệng có một
đồng bạc, đủ để nộp thuế cho Ngài và cho Phêrô. Chúa không bảo Giuđa xuất quĩ
mà nộp, cũng không bảo các phụ nữ đạo đức dâng cúng, nhưng Ngài đã làm phép lạ
để các môn đệ tin vào quyền năng của Ngài.
Nếu ngày xưa, người Do thái
có bổn phận nộp thuế cho Ðền thờ để lo việc phụng sự Nhà Chúa, thì ngày nay
trong Giáo Hội cũng có những cách đóng góp hay dâng cúng, đó cũng là một việc
thờ phượng và là một sự chia sẻ cho những anh chị em nghèo khó. Chúng ta hãy
nhận ra nét đặc biệt trong nhân cách của Chúa, khi hòa nhập vào nếp sống cụ thể
của những người đồng thời với Ngài. Mầu nhiệm nhập thể đòi buộc Chúa phải chia
sẻ trọn vẹn đời sống con người. Ước gì chúng ta cũng biết noi gương Chúa, chấp
nhận như hạt lúa mì rơi xuống đất và chết đi để trổ sinh nhiều hoa trái tốt
đẹp.
(Veritas Asia)
LỜI CHÚA
MỖI NGÀY
THỨ HAI TUẦN XIX THƯỜNG
NIÊN năm II
Bài đọc:
Eze 1:2-5, 24-28; Mt 17:22-27
GIỚI
THIỆU CHỦ ĐỀ:
Sự hiện diện của Chúa
trong Đền Thờ.
Thiên Chúa tuy là Đấng Vô Hình nhưng đã chọn
để ở lại với con người trong Đền Thờ vì yêu thương con người. Bắt đầu từ Đền
Thờ Jerusalem và lan rộng ra các đền Thờ khắp nơi trên thế giới. Một trong
những bổn phận của con người là đóng thuế (10%) để bảo trì và chi phí những thứ
cần thiết cho Đền Thờ.
KHAI
TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thị kiến đầu tiên của tiên tri
Êzêkiel.
Bắt đầu từ hôm nay, các bài đọc I trong chu kỳ
II (năm chẵn) sẽ được lấy từ sách của tiên tri Êzêkiel, một trong 4 tiên tri
lớn. Ông sống trong Thời kỳ lưu đày Babylon
và họat động trong khỏang 593-571 BC. Tên của ông có nghĩa “Chúa kiện tòan
(người này).” Bởi vì ông thuộc giòng dõi tư tế, nên có lẽ ông được ăn học, đặc
biệt về Luật, kết hôn (Eze 24:18), và cha ông, Buzi (Eze 1:2) có thể có ít
nhiều ảnh hưởng trên thành Jerusalem .
Truyền thồng nói ông được an táng trong một ngôi mộ ở Al-Kift, gần thành phố
Hilla (Iraq hiện nay), không
xa thành Babylon
ngày xưa bao nhiêu.
Có thể nói thế hệ của tiên tri Êzêkiel là thế
hệ gạch nối giữa quá khứ (Israel và Judah bị bại trận và lưu đày) và tương lai
(Đền Thờ Jerusalem sẽ được xây dựng lại và Israel sẽ được phục hồi) và sách của
ông phản ánh rất rõ hai chủ đề này. Thời gian lưu đày Babylon là khỏang 70 năm,
như thế thời gian hồi hương và bắt đầu xây dựng lại Đền Thờ Jêrusalem nằm trong
khỏang 520-518 BC.
Đền Thờ Jêrusalem là một trong những chủ đề
chính của tiên tri Êzêkiel vì đây sẽ là nơi Chúa các đạo binh ở với Dân Người.
Ông ghi lại tỉ mỉ những chi tiết cần thiết để xây dựng lại Đền Thờ trong tương
lai, bắt đầu từ thị kiến đầu tiên: Tôi nhìn, thì kìa một cơn gió bão từ phương
Bắc thổi đến; có đám mây lớn, có lửa loé ra và ánh sáng chiếu toả chung quanh;
ở chính giữa như có một kim loại lấp lánh, ở chính giữa lửa. Ở chính giữa, có
cái gì tựa như bốn sinh vật. Đây là dáng vẻ của chúng: chúng trông giống như người
ta. Khi chúng đi, tôi nghe tiếng cánh vẫy giống như tiếng nước chảy mạnh; như
tiếng của Đấng Toàn Năng, tiếng ấy ồn ào như tiếng trong một doanh trại. Khi
chúng dừng lại, thì cánh rủ xuống.
Thị kiến đầu tiên thuật lại việc ông nhìn thấy
những gì từ trời xa xuống: tuy ông không nhìn thấy rõ ai là người ngồi trên
ngai, nhưng qua cách mô tả chúng ta biết đó là Thiên Chúa. 4 sinh vật có cánh
mà ông mô tả “chúng trông giống như người ta,” đã được nhiều tác giả và họa sĩ
đồng nhất với 4 Thánh Ký: Matthêu (đầu người), Marcô (đầu sư tử), Luca (đầu
bò), và Gioan (đầu phượng hoàng).
Những gì tiên tri thuật lại dưới đây khuôn mẫu
của Đền Thờ Đức Chúa cho Đền Thánh Jerusalem sẽ được xây sau này: Có tiếng vọng
xuống từ trên cái vòm, ngay trên đầu chúng. Từ trên cái vòm, ngay trên đầu
chúng, có cái gì giống như đá lam ngọc, tựa như cái ngai, và trên cái gì tựa
như cái ngai đó, có cái trông như hình dáng một người ở trên ngai đó, ở trên
cao. Và tôi thấy có cái gì giống như kim loại lấp lánh, giống như một đám lửa bao
quanh, từ khoảng coi như ngang lưng trở lên, còn từ khoảng coi như ngang lưng
trở xuống, tôi thấy có cái gì giống như một đám lửa và ánh sáng chiếu toả chung
quanh. Như hình cầu vồng xuất hiện trên mây một ngày mưa thế nào, thì ánh sáng
chiếu toả chung quanh cũng như vậy. Đó là một cái gì trông tựa vinh quang của
Đức Chúa.
2/ Phúc Âm: Trả thuế Đền Thờ?
Đền Thờ mà Chúa Giêsu và Phêrô phải đóng thuế
hôm nay cũng là Đền Thờ Jerusalem mà tiên tri
Êzêkiel đề cập tới trong Bài
đọc I.
Có rất nhiều chi phí cho Đền Thờ: lễ hy sinh sáng chiều qua việc sát tế con
chiên một tuổi, rượu, bột, và dầu ôliu. Những thứ này sau khi dâng sẽ là thức
ăn nuôi hàng tư tế, ngòai ra còn phải mua dụng cụ, hương lửa, và quần áo cần
cho việc tế lễ. Sách Xuất Hành (Exo 30:13) ấn định: Tất cả các đàn ông Do Thái,
20 tuổi trở nên, phải đóng góp vào thuế Đền Thờ mỗi năm ½ shekel (khỏang lương
của 2 ngày làm việc). Phương pháp trả tiền được ấn định như sau: Mỗi năm vào
tháng Ba (Adar), người có trách nhiệm trong các làng mạc sẽ ra thông cáo cho
biết thời gian phải trả thuế Đền Thờ đã đến và các quầy đóng thuế sẽ được đặt
các nơi để thâu nhận thuế. Nếu ai không trả thuế trước ngày 25 của tháng này,
họ sẽ phải lên Jerusalem
để trả.
Nhà của Phêrô rất gần Hội đường Capernaum , nên không lạ khi
những người thu thuế cho Đền Thờ đến hỏi ông Phêrô: "Thầy các ông không
nộp thuế sao?" Ông đáp: "Có chứ!" Những người thu thuế có thể
hỏi vì thói quen nhưng cũng có thể hỏi để lấy cớ tố cáo Chúa Giêsu nếu Ngài
không chịu đóng thuế.
Vừa về tới nhà, Đức Giêsu hỏi ông trước:
"Anh Simôn, anh nghĩ sao? Vua chúa trần gian bắt ai đóng sưu nộp thuế? Con
cái mình hay người ngoài?" Ông Phêrô đáp: "Thưa, người ngoài."
Hai lý do thật rõ ràng Chúa Giêsu có thể dùng
để miễn trừ đóng thuế: Thiên Chúa là Cha Ngài, và Đền Thờ là nơi ngự của Thiên
Chúa, là nhà Cha của Ngài (Lk 2:49).
Chúa Giêsu liền bảo: "Vậy thì con cái
được miễn. Nhưng để khỏi làm gai mắt họ, anh ra biển thả câu; con cá nào câu
được trước hết, thì bắt lấy, mở miệng nó ra: anh sẽ thấy một đồng tiền bốn
quan; anh lấy đồng tiền ấy, nộp thuế cho họ, phần của Thầy và phần của
anh." Nhiều nhà chú giải đặt câu hỏi cho phép lạ này vì lý do nó quá nhỏ
đế cần làm phép lạ. Phần đông cho rằng nó chỉ là một kiểu nói của người Do
Thái. Chúa bảo Thánh Phêrô: Hãy mang lưới ra biển và thả lưới bắt cá để lấy
tiền trả thuế Đền Thờ cho Thầy và anh.
ÁP DỤNG
TRONG CUỘC SỐNG:
- Đền Thờ là nơi Chúa ở với con người, và vì
thế cần bảo trì xứng đáng.
- Để bảo trì cần giáo dân phải đóng góp. Rất
nhiều giáo dân đã quên bổn phận này hay đóng góp chưa đủ.
- Là người lãnh đạo, Chúa được hưởng đặc quyền
miễn trừ; nhưng vì không muốn làm gương mù cho người khác, Ngài bảo Phêrô hãy
chu tòan việc đóng thuế Đền Thờ.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
****************
Thứ Hai tuần 19 thường niên
Sứ điệp: Chúa Giêsu là Con
Thiên Chúa, đáng lẽ không phải nộp thuế cho đền thờ, nhưng Chúa vẫn nộp để khỏi
làm cớ cho người ta gai mắt. Chúa khước từ quyền lợi đáng được hưởng để sống vì
người khác.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa
đã để lại mẫu gương quên mình để hoàn toàn sống vì người khác. Chúa có quyền
không nộp thuế cho đền thờ bởi vì Chúa là Con Thiên Chúa, Chúa mới là Đấng mà
người ta phải nộp thuế để lo việc tế lễ tôn thờ. Nhưng dù vậy Chúa vẫn nộp thuế
để khỏi trở nên cớ cho người ta công kích và chống lại sứ điệp của Chúa.
Suốt cả cuộc đời, Chúa đã không sống cho mình,
nhưng chỉ biết sống cho chúng con. Dù là Con Thiên Chúa đáng được địa vị và
vinh quang như Chúa Cha, nhưng Chúa đã khước từ và hủy mình ra không. Chúa
không sống theo sở thích của mình, nhưng hy sinh tất cả vì chúng con. Đối với
chân lý mà Chúa phải mạc khải, thì Chúa cương quyết không bao giờ nhượng bộ.
Còn đối với quyền lợi Chúa đáng hưởng, thì Chúa lại khước từ tất cả.
Lạy Chúa, trong khi đó, con lại thích sống ích
kỷ, quyền lợi thì đòi hưởng thật nhiều, còn bổn phận thì lại trốn tránh. Xin
Chúa giúp con canh tân cuộc sống, biết hy sinh quyền lợi và đặc ân, biết từ
khước những điều con đáng được hưởng để chỉ biết sống cho tha nhân. Những điều
có thể trở nên gương xấu, thì dù có thể làm, con cũng sẽ không làm. Còn những
điều có thể giúp ích cho người khác, thì dù không muốn làm, con sẽ cố làm. Con
bắt chước Chúa sống như thế không phải là giả hình, vì lời khen tiếng chê,
nhưng vì con muốn sống cho tha nhân, vì con yêu mến họ, vì con muốn nâng đỡ đức
tin của họ. Xin Chúa dẫn dắt con. Amen.
Ghi nhớ : "Họ sẽ giết Người, nhưng Người sẽ sống lại. Con cái thì
được miễn thuế".
13/08/12
THỨ HAI TUẦN 19 TN
Th. Pontianô, giáo hoàng và Hippôlitô, linh mục tử đạo
Mt 17,22-27
Th. Pontianô, giáo hoàng và Hippôlitô, linh mục tử đạo
Mt 17,22-27
THIÊN
CHÚA THẬT LẠ LÙNG!
“Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ngày thứ ba Người sẽ chỗi dậy.” (Mt 17,22-23)
Suy niệm: Trong khi người Do-thái, và nhất là các môn đệ theo Chúa đều chờ đợi Đấng Mêsia theo kiểu một trang anh hùng hào kiệt “xuống Đông Đông tĩnh, lên Đoài Đoài tan” để đập tan ách đô hộ của người Rôma, khôi phục lại ngai vàng Đa-vít, thì Chúa Giê-su lại nói: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời!” Thật lạ lùng! Thiên Chúa mà lại bị nộp vào tay người đời? Không chỉ nói suông mà Ngài thực hiện cụ thể qua cái chết bị ghim chặt lên gỗ giá. Rồi trong thánh lễ mỗi ngày, Chúa tiếp tục trao nộp khi lập lại lời: “Nầy là Mình Thầy sẽ bị nộp vì anh em. Này là Máu Thày hãy nhận lấy mà uống”.
Mời Bạn: Các tông đồ cũng như người Do Thái bị “sốc” trước đường lối cứu độ lạ lùng của Chúa. Chỉ sau khi Đức Giêsu từ cõi chết sống lại họ mới ngộ ra sứ điệp của thập giá: bằng cách khó nghèo trong cuộc sống, khiêm nhường trong phục vụ và hiến thân chịu sỉ nhục chịu chết Chúa đã đền bù tội lỗi cho nhân loại chúng ta. Ngày nay khuôn mặt của Đức Kitô chịu đóng đinh vẫn còn đó nơi những anh chị em rốt cùng, nghèo hèn khốn khổ. Bạn có nhận ra Chúa nơi họ không? Và bạn đã có thể quên mình đi để phục vụ họ cách khiêm tốn chưa?
Sống Lời Chúa: Làm một việc phục vụ anh chị em cách khiêm tốn và vui vẻ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã yêu thương con cách lạ lùng bằng cách hiến thân chịu chết vì con. Xin cho con biết nhìn anh chị em con bằng đôi mắt của Chúa, biết nhận ra hình ảnh Chúa trong mọi người, biết tôn trọng yêu thương anh em, nhất là những người nghèo hèn khốn khổ bằng chính tình yêu bao la của Chúa. Amen.
Để khỏi làm cớ sa ngã
Nếu chúng ta tự ý làm hay
tránh làm một điều gì đó chỉ vì tôn trọng lương tâm mong manh của người khác,
thì Thiên Chúa cũng sẽ giúp ta bằng những phép lạ thật ngỡ ngàng
Suy niệm:
Đọc bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta không khỏi
mỉm cười,
khi nghĩ đến việc anh Phêrô đi ra hồ Galilê để
thả câu bắt cá,
một chuyện bắt cá rất bất thường, vì một mục
đích cũng bất thường.
Thầy Giêsu dặn anh hãy túm lấy con cá đầu tiên
câu được,
bắt lấy, mở miệng nó ra, thấy ngay một đồng
tiền trị giá bốn quan,
vừa vặn để nộp thuế Đền Thờ cho cả Thầy lẫn
trò.
Đây là thứ thuế mà hàng năm, theo sách Xuất
hành (30, 14)
những người đàn ông Do Thái trên hai mươi tuổi
phải nộp
để lo việc tu bổ Đền Thờ và việc tế tự trong
đó.
Ta không thấy kể chuyện anh Phêrô đã vâng lời
Thầy ra sao,
và phép lạ đã xảy ra như thế nào.
Chỉ biết chẳng khi nào trong Tân Ước
Thầy Giêsu lại có ý làm một phép lạ vì lợi ích
cho mình như vậy.
Nhưng chuyện bắt cá để lấy tiền nộp thuế
lại không phải là chuyện quan trọng của đoạn
Tin Mừng này.
Điểm chính yếu nằm ở những câu nói của Thầy
Giêsu.
Ai cũng biết con cái của vua chúa trần gian thì
được miễn thuế,
vì các vua chỉ đánh thuế người ngoài thôi (c.
26).
Đức Giêsu chính là Người Con tuyệt hảo của Vị
Vua thiên quốc.
Và những Kitô hữu cũng là con cái của Đức Vua
tối cao.
Họ là những người đã mở lòng đón nhận Nước Trời
(Mt 13, 38),
và đã gọi Thiên Chúa là Cha trên trời của chúng
con (Mt 6, 9).
Như thế Thầy Giêsu và các môn đệ của mình đều
được miễn thuế.
Thầy trò không phải nộp thuế Đền Thờ như những người
Do Thái khác.
Tuy Thầy trò có quyền không nộp thuế,
nhưng Thầy Giêsu lại không muốn làm cớ cho
người khác vấp phạm.
Khi về đến nhà của anh Phêrô ở Caphácnaum,
Thầy Giêsu bày tỏ ý muốn nộp thuế Đền Thờ cho
cả Thầy lẫn trò.
Thầy chấp nhận giữ luật mà các người đàn ông Do
Thái đều giữ.
Thầy biết mình có tự do,
nhưng Thầy cũng dám hy sinh tự do ấy vì lợi ích
cho người khác.
Thánh Phaolô cũng sẽ nói về nguyên tắc này khi
bàn về việc ăn đồ cúng.
“Đành rằng mọi thức ăn đều thanh sạch,
nhưng ăn mà gây cớ vấp ngã, thì là điều xấu”
(Rm 14, 20).
Chúng ta cần lưu tâm đến những người “yếu”
trong cộng đoàn.
Chính tình yêu đối với họ khiến tôi cân nhắc
điều mình được phép làm.
Tự giới hạn tự do của mình là một cách để biểu
lộ tình yêu.
Thế giới hôm nay ca ngợi tự do, nên cũng đầy cớ
gây vấp phạm.
Bao sa ngã của giới trẻ là do sự phóng túng của
người lớn.
Con người hôm nay quá gần nhau bởi các phương
tiện truyền thông,
nên ảnh hưởng xấu lan đi vừa nhanh lại vừa
rộng.
Nếu chúng ta tự ý làm hay tránh làm một điều gì
đó
chỉ vì tôn trọng lương tâm mong manh của người
khác,
thì Thiên Chúa cũng sẽ giúp ta bằng những phép
lạ thật ngỡ ngàng.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
xin dạy
con luôn tươi tắn và dịu dàng
trước mọi
biến cố của cuộc sống,
khi con
gặp thất vọng, gặp người hờ hững vô tâm,
hay gặp
sự bất trung, bất tín
nơi những
người con tin tưởng cậy dựa.
Xin giúp
con gạt mình sang một bên
để nghĩ
đến hạnh phúc người khác,
giấu đi
những nỗi phiền muộn của mình
để tránh
cho người khác phải đau khổ.
Xin dạy
con biết tận dụng đau khổ con gặp trên đời,
để đau
khổ làm con thêm mềm mại,
chứ không
cứng cỏi hay cay đắng,
làm con
nhẫn nại chứ không bực bội,
làm con
rộng lòng tha thứ,
chứ không
hẹp hòi hay độc đoán, cao kỳ.
Ước gì
không ai sút kém đi
vì chịu
ảnh hưởng của con,
không ai
giảm bớt lòng thanh khiết, chân thật,
lòng cao
thượng, tử tế,
chỉ vì đã
là bạn đồng hành của con
trong
cuộc hành trình về quê hương vĩnh cửu.
Khi con
loay hoay với bao nỗi lo âu bối rối,
xin cho
con có lúc
thì thầm
với Chúa một lời yêu thương.
Ước chi
đời con là cuộc đời siêu nhiên,
tràn trề
sức mạnh để làm việc thiện,
và kiên
quyết nhắm tới lý tưởng nên thánh.
Amen.
(dịch theo Learning Christ)
Lm. Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
"Họ sẽ giết Người, nhưng
Người sẽ sống lại. Con cái thì được miễn thuế".
Quy luật của cuộc sống
Bác
sĩ Ý Antinori đã tạo ra một chấn động mạnh trong lương tâm nhân loại khi ông
tuyên bố việc tạo sinh con người theo phương pháp vô tính. Phương pháp tạo sinh
vô tính đã được áp dụng thành công vào việc sản sinh ra con cừu có tên là Doli
tại Anh Quốc cách đây vài năm và đã được áp dụng vào những loài vật khác nhau
từ chuột đến bò, heo. Vấn đề cần đặt ra không phải là chuyện phương pháp kỹ
thuật tạo sinh vô tính có hoàn hảo không.Tất nhiên, đem thí nghiệm tạo ra một
con người mà không biết chắc sẽ sinh ra một con người bình thường hay một quái
thai, quả là một hành động liều lĩnh, vô trách nhiệm. Nhưng ngay cả khi phương
pháp tạo sinh vô tính đã được nghiên cứu tới mức hoàn hảo đi nữa thì câu hỏi
vẫn là con người có quyền sản sinh vô tính con người không? Không riêng gì
những con người có niềm tin tôn giáo mà ngay cả với những ai không thuộc tôn
giáo nào đi nữa, đã là con người có lương tri, người ta không thể trốn tránh
một câu hỏi như thế.
Tựu
trung, đạo đức vẫn luôn luôn là chiều kích bao trùm toàn bộ mọi khía cạnh của
cuộc sống con người. Trong bất cứ sinh hoạt nào, con người cũng luôn luôn phải
tự hỏi: Tôi có được phép làm điều này không? Tôi phải cư xử như thế nào cho
xứng với phẩm giá con người? Ðã làm người là phải chấp nhận những giới hạn.
Không ai được hỏi ý kiến khi sinh ra. Không ai chọn lựa cha mẹ, quê hương để
sinh ra. Con người đến trong cõi đời không do chọn lựa của mình. Ðiều ấy cho
thấy tính giới hạn là tất yếu đối với con người. Cái chết lại càng là một khẳng
định về những giới hạn ấy, mà đã có giới hạn, cho nên con người không thể sống
mà không tuân theo những qui luật của cuộc sống. Bên cạnh những qui luật của
thiên nhiên, quan trọng hơn cả là những qui luật đạo đức. Chỉ khi nào tuân hành
những qui luật đạo đức ấy, con người mới có thể triển nở trong nhân cách và
thành toàn.
Là
người tín hữu Kitô chúng ta được mời gọi để suy nghĩ về thân phận con người
dưới ánh sáng mầu nhiệm nhập thể. Chỉ trong Ngôi Lời nhập thể làm người, chân
lý về con người mới được sáng tỏ. Chúng ta biết về mình và chúng ta biết phải
sống như thế nào cho ra người khi nhìn vào con người và cuộc sống của Chúa
Giêsu. Trong thư gởi cho giáo đoàn Philipphê, thánh Phaolô đã tuyên xưng mầu
nhiệm nhập thể như sau: "Chúa Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không
nghĩ phải nhất quyết duy trì sự ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn
trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người
trần thế. Ngài lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và
chết trên cây thập tự".
Quả
thật, Chúa Giêsu là mẫu gương của vâng phục. Suốt ba mươi năm ẩn dật tại Nazareth , Ngài đã vâng
phục cha mẹ, tuân thủ các Lề Luật của Môsê. Tin Mừng hôm nay ghi lại việc Ngài
đóng thuế cho đền thờ, đây là một điển hình của rất nhiều cử chỉ vâng phục mà
Chúa Giêsu đã thể hiện trong suốt cuộc đời trần thế của Ngài.
Vâng
phục là nói lên tính cách bất toàn và giới hạn của thân phận con người. Ðã làm
người, Chúa Giêsu đã không đi ra ngoài những qui luật ấy của thân phận con
người, nhưng chính vì vâng phục mà Ngài đã chọn kiếp sống con người. Ngài là
một mẫu người hoàn hảo. Hoàn hảo không phải vì không có giới hạn trong kiếp
người mà chính là vì đã vâng phục. Thánh Phaolô đã khẳng định rằng: "Chính
vì Ngài đã vâng phục mà Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài và tặng ban cho Ngài danh
hiệu, vượt lên trên muôn ngàn danh hiệu".
Vâng
phục để được suy tôn, tự hạ để được nâng lên. Sống những giới hạn của kiếp
người với tinh thần trách nhiệm để được là người hơn. Ðó là qui luật của cuộc
sống mà Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta.
(Trích trong
‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Tình yêu của con người? … của Thiên Chúa.
Khi thầy trò tụ họp ở miền Galilê, Đức Giêsu nói với các ông:
“Con người sắp bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ngày thứ ba
Người sẽ chỗi dậy.” Các môn đệ buồn phiền lắm.(Mt. 17, 22-23)
Lần
thứ nhất Đức Giêsu loan báo Người sẽ phải chịu chết, Phê-rô, nhân danh mình và
các bạn tông đồ ra mặt phản đối. Tại sao? Thưa, Người đã không làm điều gì dữ.
Người phải xa lánh Giê-ru-sa-lem vì thảm họa sẽ xảy ra ở đó. Chớ gì người ta
chẳng cho phép bảo vệ Người. Những kẻ muốn mưu hại tính mạng thường đến đó.
Thầy không muốn nghe về những chuyện đó. Phê-rô và các tông đồ nhớ rõ Thầy đã
khiển trách các ông như thế rồi. Không có chuyện tái can Thầy nữa. “Các ông
buồn!” Người ta nổi khùng khi đứng trước một người thân yêu lâm bệnh nguy tử,
đành khoanh tay ngồi nhìn trước cảnh tượng vô phương đó, chúng ta cũng buồn.
Người thân yêu của chúng ta sắp ra đi. Còn yêu gì được nữa.
Trống rỗng và nặng nề.
Con
tim trống rỗng làm chúng ta cảm thấy bị đè nặng.
Các
tông đồ buồn sầu. Còn nói gì được nữa? các ông biết chắc sẽ xẩy ra như thế vì
Chúa đã nói rồi. Làm sao không tin được? Mọi sự Người đã nói, đã loan báo, thì
đã thực hiện. Những công việc của Thiên Chúa mà Thầy hoàn tất chứng tỏ Thầy
biết rõ ý định của Chúa Cha.
Phép lạ!
Nhân
dịp kẻ thu thuế đòi đóng thuế, Đức Giêsu làm một phép lạ rất giản dị và dịu êm.
Thấy
một con cá nuốt một vật, chẳng phải lạ, dù là một đồng tiền hay vật khác. Nhưng
lạ lùng là chính Phê-rô đã bắt được con cá này để lấy đồng tiền ra nộp thuế đền
thờ.
Đức
Giêsu cho biết: Con không phải nộp thuế cho Cha. Cuộc thương khó và cái chết
của Thầy nói cho biết Thầy là Con Chúa Cha. Để chứng tỏ Con luôn luôn vâng lời
hết mọi sự.
J.M
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 8
13 THÁNG TÁM
Xây Dựng Một Nơi Cư Ngụ Xứng Đáng Cho Con Người
Con người được mời gọi
phát triển thế giới, làm việc hướng về việc phát triển tốt hơn các hệ thống
kinh tế và văn hóa. Công việc này là một phần của ơn gọi con người, vì con
người được mời gọi làm chủ trái đất. Đó là lý do tại sao sự suy nghĩ khoa học
và kỹ thuật hiện đại cũng như văn hóa và sự khôn ngoan của mọi thời phải được
định hình bởi con người để phù hợp với kế hoạch của Thiên Chúa đối với tạo vật
của Ngài.
Công Đồng Vatican II
nhìn nhận giá trị và chức năng của công việc và văn hóa trong thời đại chúng
ta. Thật vậy, Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng mô tả tình hình xã hội và văn hóa
mới của chúng ta với những khả năng thay đổi và tiến bộ nhanh chóng của nó.
Những khả năng này làm nhiều người ngạc nhiên và đem lại niềm hy vọng cho nhiều
người khác. (MV 53-54).
Công Đồng không ngần
ngại nhìn nhận những thành tựu ngoạn mục của con người. Công Đồng đặt những
thành tựu này trong bối cảnh kế hoạch và lệnh truyền của Thiên Chúa cho con
người. Công Đồng liên hệ những thành tựu ấy với Phúc Âm về tình huynh đệ được
rao giảng bởi Đức Giê-su Kitô. “Khi cày cấy với hai bàn tay hoặc với phương
tiện kỹ thuật để trái đất nảy sinh hoa quả và trở thành nơi cư ngụ xứng đáng
của toàn thể gia đình nhân loại, và khi tham dự cách ý thức vào tập thể xã hội,
con người đã tuân theo ý định của Thiên Chúa được tỏ bày ngay từ thuở đầu là
loài người phải chế ngự trái đất và hoàn tất công cuộc tạo dựng, đồng thời con
người phát triển được chính bản thân; và cùng khi ấy con người tuân giữ giới
răn quan trọng của Chúa Kitô là hiến thân phục vụ anh em” (MV 57; 63).
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 13-8
THÁNH PONTIANÔ, giáo hoàng tử đạo,
và THÁNH HIPPÔLYTÔ, linh mục, tử đạo;
Ed 1, 2-5.24-28c; Mt 17,22-27.
LỜI
SUY NIỆM: Đức Giêsu nói
với các môn đệ: “Ai muốn theo Thầy phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà
theo.” (Mt 17, 24).
Những ai muốn được làm môn đệ của Chúa Giêsu thì phải thực hiện hai điều này
hằng ngày chứ không phải tùy vào hoàn cảnh và thời gian. Như vậy sống cho Chúa
thì phải khai trừ mọi tính hư tật xấu cùng những đam mê mà con người đòi hỏi và
lôi kéo nơi chính mình; không những thế mà còn phải biết hy sinh, hy sinh hết
mình, vì yêu kính Thiên Chúa, và yêu thương tha nhân với sự tôn trọng vì Chúa;
Đã vác thập giá thì cũng phải chết trên thập giá của mình. Muốn được chu toàn;
chỉ còn một cách duy nhất là cầu xin ân sủng và sức mạnh của Ngài ban cho; và
tin tưởng tuyệt đối vào Ngài; phó thác mọi giây phút đời mình vào quyền năng
yêu thương của Ngài.
Mạnh Phương
++++++++++++++++++
Bức tường Berlin. |
13 Tháng Tám
Bức Tường Ô Nhục
Ngày 13/8/1961, sau nhiều
cuộc thương thảo vô ích giữa Washington và Mascơva nhằm giải quyết cuộc chiến
tranh lạnh giữa hai khối Ðông và Tây, Kruschev, chủ tịch nhà nước Liên Xô, đã
ra lệnh cho xây cất một bức tường ngăn cách Ðông và Tây Bá Linh. Bức tường này
được dựng lên không những để đánh dấu sự đọan tuyệt giữa Ðông và Tây, nhưng còn
để ngăn chặn làn sóng những người Ðông Ðức ồ ạt chạy sang tỵ nạn tại Tây Bá
Linh. Khối Ðông Âu thì giải thích rằng bức tường này được dựng lên là để ngăn
chặn những người Tây Phương có thể đến Ðông Ðức để làm gián điệp. Còn phía Tây
Phương thì lại gọi bức tường đó là bức tường ô nhục... Nhưng dù được gọi dưới
danh hiệu nào, dù được xây dựng dưới mục đích nào, bức tường ngăn cách giữa
Ðông và Tây Bá Linh vẫn mãi mãi là biểu trưng của những chia cách giữa con
người mà chính con người đã tạo nên...
Có những bức tường ngăn
cách về kinh tế, chính trị, chủng tộc, văn hóa do con người dựng lên... Nhưng
cũng có những bức tường vô hình mà mỗi người chúng ta có thể xây lên để tự ngăn
cách với người khác.
Bức tường vô hình đó
trước tiên là bức tường của nghi kỵ. Người ta thường xây kín khu vực của mình ở
bằng kín cửa cao tường là bởi vì người ta sợ con mắt dòm ngó của những người
xung quanh. Sự nghi kỵ không những ngăn ngừa người khác đến với mình, nhưng còn
giam hãm chính mình trong cô đơn...
Bức tường vô hình cũng là
bức tường của ích kỷ. Người ích kỷ chỉ biết đến thế giới của mình và khép mắt,
bịt tai trước những gì đang xảy ra cho người khác...
Bức tường đó cũng có thể
là bức tường của sự bất cảm thông. Kẻ xây tường để bao bọc mình sẽ không muốn
nhìn thấy và thông cảm với những người xung quanh...
Nhưng bức tường nào cũng
là một nấm mồ chôn kín mình trong sự cô đơn. Càng bảo vệ chính mình, con người
càng mất mát trong sự hao mòn. Trái lại, càng cởi mở, càng đến với tha nhân
càng triển nở trong nhân cách...
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Ngày 13
Thánh Pontianô, giáo hoàng
và Thánh Hyppôlytô linh mục tử đạo
và Thánh Hyppôlytô linh mục tử đạo
Thánh Thần biến đổi con người chúng ta,
đồng thời cũng hướng lòng chúng ta về với anh em. Quả vậy, bởi vì chúng ta được
tác động bởi cùng một Thần Khí Tình Yêu, và sống nhờ cùng một Nguyên Lý biến
đổi con người mình tận gốc rễ, nên chúng ta khám phá ra rằng mình là anh em của
nhau, mình được kêu gọi để phục vụ nhau, tùy theo ơn Chúa ban.
Như vậy ân huệ của Thánh Thần biến đổi
hoàn toàn mọi mối tương quan của chúng ta. Một cách nhiệm mầu, chúng ta trở
thành những biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa cho nhau, và có khả năng dành cho
nhau một phần sự dịu hiền thẳm sâu của Thiên Chúa, cùng với một lòng quý trọng
vô biên...
Nhờ Thánh Thần, chúng ta được mời gọi
yêu mến nhau như chính Đức Kitô yêu mến chúng ta, bằng tình yêu nối kết Chúa
Cha và Chúa Con, một tình yêu thuần khiết mà chỉ Thánh Thần mới có thể ban
tặng. Tình yêu thuần khiết ấy đòi hỏi chúng ta phục vụ lẫn nhau, trong khiêm
nhường an vui.
Pierre Hugo, op.
Ngày
13 tháng 8
THÁNH PONTIANÔ GIÁO
HOÀNG TỬ ĐẠO
VÀ HIPPÔLITÔ LINH MỤC
TỬ ĐẠO
(Thế kỷ III)
THÁNH PONTIANÔ
Thánh Giáo Hoàng Pon-ti-a-nô, tử đạo. |
Kế
vị Thánh Urbanô I làm Giáo Hoàng vào khoảng năm 230, ngài bị bắt đi lưu đầy
cùng với vị Giáo Hoàng giả là Hippôlitô, tới đảo Sardinia trong thời kỳ bách
hại của Hoàng đế Maximinô. Ngài đã nổi danh và được kính nhớ vì đã tử đạo tại
đó.
-o0o-
THÁNH HIPPÔLITÔ
Thánh Hippolytus tử đạo. |
Ít
ra có ba vị thánh mang tên này.
Một
huyền thoại kể rằng: thánh Hippôlitô là viên cai ngục canh giữ thánh Laurensô
và được thánh nhân cải hóa. Hippôlitô đã trở thành môn đệ và đã dự vào đám táng
thánh nhân. Tin này tới tai Hoàng đế, ông ta truyền đánh đòn ngài. Vú nuôi
ngài, thánh nữ Concorđia cùng với 18 gia nhân bị đánh đòn cho tới chết, còn
thánh nhân được tha để cho ngựa xé. Câu chuyện này còn đáng nghi ngờ, vì
Hippôlitô có nghĩa là “ngựa tháo cương” và vì câu chuyện rất giống với huyền sử
Hy lạp về Hippôlitô con của Thêsêô, cũng đã chịu một hình phạt như vậy. Điều
thật dễ hiểu khi thánh nhân trở thành vị bảo trợ của các kỵ sĩ.
Đúng
hơn, thánh Hippôlitô được kính nhớ hôm nay là một linh mục và là một thần học
gia, sống vào đầu thế kỷ thứ ba. Ngài đã trước tác một số tác phẩm bằng tiếng
Hy lạp, nay chỉ còn lại quá ít. Trong số các tác phẩm này, có cuốn
Philosôphoumena đả kích những học thuyết đương thời. Kính ngài, các đồ đệ đã
dựng một pho tượng mà thế kỷ XVI người ta tìm thấy. Trên ghế pho tượng của ngài
có bảng ghi các sách của ngài. Ngài lập bảng tính về lễ Phục sinh không được
chính xác lắm. Trong số các sách chú giải Kinh Thánh của ngài còn lại cuốn chú
giải sách Đaniel, trong đó ngài trấn an người đương thời về biến cố Chúa lại
đến, bằng cách chứng minh rằng, thế giới còn tồn tại 6.000 năm. Dầu không kết
án, Đức Callistô nghi ngờ thần học của thánh Hippôlitô về lời Thiên Chúa. Khi
Đức Callistô được chọn làm Giáo Hoàng năm 217, Hippôlitô chống lại và tự đặt
mình làm Giáo Hoàng giả. Ngài còn tố giác điều mà ngài coi như sự dung thứ của
Đức Callistô, cũng như không rút lại lời gièm pha. Ngài được coi như là người
đã viết cuốn chỉ nam chính yếu về phụng vụ, gọi là cuốn “Truyền thống tông đồ”.
Sớm bị Giáo hội Tây phương quên lãng, ngài lại sống còn lâu dài trong các Giáo
hội Đông phương, thế giá của ngài đối với chúng ta là bản lễ qui Rôma của ngài,
dầu không cố định từng lời.
Năm
235, Hoàng đế Maximinô khơi lại cuộc bách hại các kitô hữu. Cả Đức Pontianô lẫn
vị Giáo Hoàng giả Hippôlitô đều bị lưu đầy tới hầm mỏ đảo Sardinia .
Hippôlitô không đòi làm Giáo Hoàng nữa và khuyên những ai theo mình hãy vâng
phục Đức Giáo Hoàng hợp thức. Cả hai đấng đều từ trần như là nạn nhân của trại
tập trung. Khi cuộc bách hại chấm dứt, xác các ngài được mang về mai táng tại
Rôma.
Dầu
thái độ cư xử của thánh Hippôlitô chẳng thánh thiện gì, nhưng ngài được kính
nhớ vì đời sống tư rất khắc khổ nhiệm nhặt, và vì đã chết vì đạo. Mộ ngài ở tại
đường Tiburtine, được kính như mồ thánh tử đạo, nhưng chuyện thật của ngài lại sớm
bị quên lãng. Người ta còn coi ngài như vị thánh Giám mục của Portô “con người
lừng danh về học thức”. Nhưng có lẽ thánh Hippôlitô chính là đấng mà chúng ta
đã nói tới ở trên.
Bức tượng được cho là mô tả Thánh Hippolytus được tìm thấy vào năm 1551. |
Thứ Hai 13-8
Thánh Pontian và Thánh Hippolytus
(k. 235)
V
|
ào năm
235, Maximinus làm hoàng đế Rôma và hầu như ngay sau khi lên ngôi, ông bắt đầu
bách hại người Kitô Giáo. Một trong những hình phạt thông thường đối với các
giám mục và linh mục là các ngài bị lưu đầy đến những quặng mỏ nguy hiểm ở
Sardinia, nước Ý. Chính vì sự bách hại này mà ngày nay chúng ta mừng kính hai
thánh tử đạo.
Thánh
Pontian lên ngôi giáo hoàng sau khi Ðức Urban I từ trần năm 230. Khi Maximinus
lên ngôi hoàng đế, Ðức Pontian cùng chung số phận với các Kitô Hữu khác và ngài
phục vụ Giáo Hội trong sự đau khổ ở Sardinia .
Hippolytus
là một linh mục và là học giả ở Rôma. Ngài có nhiều sáng tác về thần học và là
bậc thầy tài giỏi. Hippolytus thất vọng với Ðức Giáo Hoàng Zephyrinus (được tử
đạo năm 217) vì đức giáo hoàng không mau mắn ngăn chặn những người giảng dạy
cách lầm lạc. Khi Ðức Callistus I được bầu làm giáo hoàng kế vị Ðức Zephyrinus,
Hippolytus cũng không hài lòng. Lúc bấy giờ, rất đông người theo Hyppolytus và
họ đồng lòng bầu Hippolytus lên làm giáo hoàng. Vị thần học gia tài giỏi này đã
không chế ngự được tính kiêu ngạo và đã chấp nhận. Khi cuộc bách hại bùng nổ,
Hyppolytus bị bắt và cũng bị lưu đầy đến Sardinia .
Trong
hoàn cảnh đáng thương ấy, một phép lạ hòa giải đã xảy ra giữa sự cười nhạo của
kẻ thù. Ðức giáo hoàng Pontian gặp gỡ với Hippolytus trong hoàn cảnh lưu đầy và
vị linh mục tài giỏi này đã cảm hóa trước sự khiêm tốn của vị giáo hoàng.
Hippolytus trở về với Giáo Hội và mọi tức giận đều tiêu tan. Ðức giáo hoàng
Pontian thông cảm với vị linh mục. Ngài nhận ra nhu cầu của mỗi người là phải
giúp đỡ và khuyến khích lẫn nhau trong tình bác ái của Ðức Giêsu Kitô. Cả hai
đã được phúc tử đạo và mãi mãi trở nên nhân chứng cho sự tha thứ và niềm hy
vọng Kitô Giáo.
www.nguoitinhuu.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét