Thứ Hai sau Chúa Nhật 23 Quanh Năm
Bài Ðọc I: (Năm
II) 1 Cr 5, 1-8
"Anh em hãy tẩy trừ
men cũ, vì Chiên Vượt Qua của chúng ta là Ðức Kitô đã hiến tế".
Trích thư thứ nhất của Thánh
Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, người ta
nghe nói giữa anh em có chuyện tà dâm, thứ tà dâm mà nơi dân ngoại cũng không
có như vậy, là có người lấy vợ cha mình. Thế mà anh em còn lên mặt kiêu căng,
đáng lẽ anh em phải để tang mà loại trừ khỏi anh em con người làm chuyện đó.
Tuy tôi vắng mặt phần xác, nhưng hiện diện bằng tinh thần, tôi đã tuyên án kẻ
làm chuyện đó, như tôi đang hiện diện, nhân danh Chúa chúng ta là Ðức Giêsu
Kitô, tập họp anh em lại với tâm trí tôi, lấy quyền năng của Chúa chúng ta, là
Ðức Giêsu, tôi trao con người như thế cho Satan, để xác nó chết đi, hầu cho tâm
hồn nó được cứu thoát trong ngày của Chúa chúng ta, là Ðức Giêsu Kitô.
Việc anh em lên mặt kiêu căng
không tốt đâu. Nào anh em chẳng biết rằng chỉ một dúm men là đủ làm hư cả khối
bột đó sao? Anh em hãy tẩy trừ men cũ, để nên bột mới, như anh em là bánh không
men. Vì Chiên Vượt Qua của chúng ta là Ðức Kitô đã hiến tế. Vì thế, chúng ta
hãy mừng lễ không phải với men cũ, cũng không phải với men gian tà và độc ác,
nhưng với bánh không men tinh tuyền và chân chính.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 5, 5-6. 7. 12
Ðáp: Lạy Chúa, xin dẫn con trong đức công minh (c. 9a).
Xướng: 1) Chúa không phải là
Chúa tể ưa điều gian ác, kẻ độc dữ không được cư trú nhà Ngài, đứa bất nhân
không thể đứng trước thiên nhan. Chúa ghét những kẻ làm điều gian ác. - Ðáp.
2) Ngài tiêu diệt những đứa
nói man; người độc ác và gian giảo, thì Chúa ghê tởm không nhìn. - Ðáp.
3) Nhưng hết thảy ai tìm đến
Chúa sẽ mừng vui, họ sẽ hân hoan cho tới muôn đời. Chúa che chở họ, họ sẽ mừng
vui bởi Chúa, đó là những kẻ yêu mến danh Ngài. - Ðáp.
*
* *
Alleluia: Pl 2, 15-16
Alleluia, alleluia! - Anh em
hãy tích trữ lời ban sự sống, anh em hãy chiếu sáng như những vì sao ở giữa thế
gian. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 6, 6-11
"Các ông quan sát xem
Người có chữa lành bệnh trong ngày Sabbat không".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Luca.
Vào một ngày Sabbat, Chúa
Giêsu vào hội đường và giảng dạy. Khi ấy ở đó có một người tay hữu bị khô bại.
Những luật sĩ và biệt phái quan sát xem Người có chữa lành người ấy trong ngày
Sabbat không, để có cớ tố cáo Người. Nhưng Người biết tư tưởng các ông, liền
bảo người có tay khô bại rằng: "Ngươi hãy chỗi dậy mà đứng ra giữa
đây". Người đó đứng thẳng dậy. Ðoạn Chúa Giêsu bảo các ông ấy rằng:
"Tôi hỏi các ông, ngày Sabbat được phép làm sự lành hay sự dữ, cứu sống
hay là giết chết?" Rồi đưa mắt nhìn mọi người, Chúa bảo người đó rằng:
"Ngươi hãy giơ tay ra". Người ấy giơ ra, và tay người ấy được lành.
Bấy giờ các ông đầy lòng tức
giận, và bàn định với nhau xem có thể làm gì được Chúa Giêsu.
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm:
Ðức Giêsu chữa người bại tay
trong ngày hưu lễ bị ký lục và người biệt phái rình xét, phản kháng. Người biệt
phái giữ luật chặt chẽ nhưng chỉ là hình thức. Họ luôn tìm cách bắt bẻ Ðức
Giêsu mà không biết nhân nghĩa là gì. Ðức Giêsu rất trung thành với lề luật, và
Ngài đi sát tinh thần yêu thương của lề luật, chứ không phải hình thức bên
ngoài. Ngày hưu lễ là ngày dành làm vinh danh Thiên Chúa. Cứu chữa con người để
con người được hạnh phúc. Con người được hạnh phúc là lúc Thiên Chúa được vinh
danh. Vì thế chữa bệnh trong ngày hưu lễ là điều Chúa Cha rất vui lòng.
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng
con tinh thần của Chúa để chúng con trung thành với Chúa. Xin cho chúng con
trái tim của Chúa để chúng con yêu thương quảng đại với anh chị em chúng con,
nhất là những người đau khổ. Xin cho chúng con nhìn thấy hình ảnh đáng yêu của
Chúa trong mọi anh chị em của chúng con. Amen.
(Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)
Cốt Lõi Của Ðạo
(Lc 6,6-11)
Suy Niệm:
Cốt Lõi Của Ðạo
Văn hào Nga Léon Tolstoi có
kể câu truyện ngụ ngôn như sau: Một ông chủ nọ giao cho các gia nhân một công
việc và bảo họ chỉ chu toàn công việc ấy mà thôi. Ông hứa sẽ thưởng công cho
họ, nếu họ làm tốt công việc. Lúc mới bắt tay vào việc, ai cũng muốn làm vừa
lòng ông chủ, cho nên để hết tâm trí vào công việc được giao. Thế nhưng, một
thời gian sau đó, nhiều người cho rằng để làm vừa lòng ông chủ và để được phần
thưởng bội hầu hơn, cần phải làm nhiều việc khác nữa. Họ nghĩ ra nhiều việc
khác và dần dần chú tâm vào đó đến độ quên bẵng đi công việc được chủ giao cho
lúc đầu. Bận bịu với những công việc mới, chẳng những họ không còn nhớ tới công
việc đã được giao, mà cũng chẳng màng tới phần thưởng ông chủ đã hứa. Cuối
cùng, tưởng mình đã có thể tự túc với công việc của mình, họ cũng gạt luôn ông
chủ ra khỏi cuộc sống của họ. Léon Tolstoi đưa ra kết luận: Người ta thường
thấy một thái độ như thế nơi các Kitô hữu; họ thay thế đạo của tình thương bằng
vô số những nghi lễ trống rỗng vô hồn.
Nhiều người Do thái thời Chúa
Giêsu, nhất là các thành phần lãnh đạo trong dân cũng có lối hành đạo tương tự.
Thật ra, đạo của mạc khải Do thái giáo cốt yếu cũng là đạo của tình thương; thế
nhưng trong thực tế, cái cốt lõi ấy thường bị quên lãng để nhường chỗ cho biết
bao nghi thức trống rỗng vô hồn; người ta sẵn sàng loại trừ tha nhân và chối bỏ
tình thương để tuân giữ những nghi thức và luật lệ vô hồn ấy.
Chúa Giêsu đã đến và đưa con
người trở lại cái cốt lõi của đạo. Tin Mừng hôm nay ghi lại một nỗ lực của Chúa
Giêsu nhằm nhắc nhở cho người Do thái về cái cốt lõi của đạo được thể hiện qua
lề luật. Một trong những khoản quan trọng của lề luật chính là ngày Hưu lễ.
Chúa Giêsu đã không đến để hủy bỏ, nhưng để kiện toàn lề luật, và kiện toàn lề
luật chính là mặc cho tinh thần và ý nghĩa của yêu thương; không có tình
thương, lề luật chỉ còn là một cái xác không hồn. Như vậy, kiện toàn luật giữ
ngày Hưu lễ chính là biến ngày đó thành ngày tôn vinh Thiên Chúa, và không gì
đúng đắn và xứng hợp hơn để tôn vinh Thiên Chúa trong ngày Hưu lễ cho bằng thể
hiện tình thương đối với tha nhân. Chính trong ý nghĩa ấy mà Chúa Giêsu đã chữa
lành một người có bàn tay khô bại trong ngày Hưu lễ. Lề luật là một thể hiện ý
muốn của Thiên Chúa, và ý muốn của Chúa không gì khác hơn là con người được sống,
và sống dồi dào, sung mãn chính là sống yêu thương. Như vậy chu toàn lề luật
trước tiên là sống yêu thương.
Lời Chúa hôm nay mời gọi
chúng ta nhìn lại cách sống đạo của chúng ta. Ðọc kinh, dự lễ, tham gia sinh
hoạt giáo xứ mà không sống yêu thương, điều đó có thật sự là sống đạo chưa?
Sống đạo đích thực là sống yêu thương: một lời kinh đích thực phải phát xuất từ
cõi lòng rộng mở yêu thương; một của lễ đẹp lòng Chúa phải là một nghĩa cử yêu
thương dành cho tha nhân. Xin Chúa giúp chúng ta mỗi ngày thêm thấm nhuần cái
cốt lõi của đạo là yêu thương.
(Veritas Asia)
Thứ Hai tuần 23 thường niên
Sứ điệp:Chúa Giêsu chữa lành
người bại tay trong ngày Sa-bát, và như thế đối với người Do thái là phạm luật.
Nhưng qua đó, Ngài muốn nói với ta rằng: không có luật nào lớn hơn luật yêu
thương.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Lời Chúa hôm nay cho phép con hình dung hai hình
ảnh trái ngược nhau: một bên là khuôn mặt dịu hiền đầy nhân ái của Chúa khi
Chúa thương chữa lành cho người bại tay. Một bên là những khuôn mặt đầy hận thù
ghen ghét của những người biệt phái và luật sĩ. Họ tự hào là kẻ trung thành giữ
luật Chúa, nhưng không hề biết xót thương con người.
Lạy Chúa, Chúa muốn con trở nên giống Chúa và
hành động như Chúa. Chúa muốn con luôn biết nhạy cảm trước những nỗi khổ đau
của tha nhân. Chúa muốn dạy con rằng việc thờ phượng Chúa không tách rời khỏi
việc giữ đức ái với tha nhân. Con không thể yêu mến Chúa nếu không thương mến
anh em mình. Vâng, lạy Chúa, chính vì để tôn vinh và yêu mến Chúa Cha, Chúa đã
hiến thân cho nhân loại, và để kiện toàn luật Chúa, Chúa dạy con bài học yêu
thương.
Xin cho con biết yêu thương mọi người bằng một
tình yêu không so đo tính toán, không ích kỷ nhỏ nhen. Xin đừng để con lây
nhiễm tinh thần biệt phái hẹp hòi, thích lên án chỉ trích anh em mình hơn là
yêu thương tha thứ cho họ. Xin cho đời sống đạo của con, không phải chỉ đóng
khung trong nhà thờ, nhưng luôn được thực hiện cách cụ thể trong đời sống
hằng ngày, cho những người anh em đang cần đến sự giúp đỡ của con. Nhờ ơn Chúa
giúp, xin cho con trở thành chứng nhân cho tình yêu Chúa. Amen.
Ghi nhớ : "Các ông quan sát xem Người có chữa lành bệnh trong
ngày Sabbat không".
10/09/12
THỨ HAI TUẦN 23 TN
Lc 6,6-11
Lc 6,6-11
CÁI
NHÌN BAO DUNG THƯƠNG XÓT
Các kinh sư và những người pharisêu rình xem Đức Giêsu có chữa người ấy trong ngày Sabat không, để tìm được cớ tố cáo Người. (Lc 6,7)
Suy niệm: Để có thể tập chú quan sát, người ta phải thu hẹp góc nhìn, nheo mắt lại, có khi phải che bớt ánh sáng mới có thể nhìn rõ một điểm nhỏ, một chi tiết nào đó trong toàn cảnh. Các kinh sư và người Pharisêu ắt cũng làm như thế khi họ “rình mò” xem Chúa Giêsu có chữa bệnh trong ngày sabát hay không. Thế nhưng việc “rình mò” của họ không đem lại hiệu quả như việc quan sát kia. Chính tâm địa hẹp hòi pha lẫn ác ý khiến họ không nhận ra được lẽ phải: “phải làm điều lành thay vì điều ác, phải cứu sống thay vì giết chết;” hơn nữa, họ trở nên vô cảm, mất khả năng bao dung thương xót trước những đau khổ khốn cùng của anh em.
Mời Bạn: Thái độ “rình mò” của những người lãnh đạo Do Thái thời Chúa Giêsu biểu lộ một ác ý và là hệ quả của sự không tôn trọng công lý và nhân phẩm. Thái độ đó vẫn đang xảy ra nhan nhản mỗi ngày trong đời sống chúng ta. Nó phải được thay thế bằng lòng bao dung và nhân ái, biết nhận ra nỗi khổ đau của tha nhân và sẵn lòng chia sẻ giúp đỡ.
Chia sẻ: Có khi nào bạn làm điều thiện mà bị người khác rình mò, dèm pha không? Bạn cảm thấy thế nào? Đó cũng có thể là tâm trạng của người khác khi họ bị rình mò, dèm pha như vậy.
Sống Lời Chúa: Có cái nhìn tích cực về người khác bằng cách nhìn ra những ưu điểm của họ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa là Đấng công minh và chân thật. Xin cho chúng con biết tôn trọng công lý và nhìn tha nhân bằng cặp mắt trong sáng của lòng bác ái khoan dung.
Giơ bàn tay anh
ra !
Các
Kitô hữu không còn phải giữ ngày sabát nữa, nhưng giữ Chúa Nhật. Đây là ngày để
chúng ta làm điều tốt, để chăm lo cho sự sống.
Suy niệm:
Chúng ta không biết nhiều chi tiết về người đàn
ông này.
Ông bao nhiêu tuổi, có gia đình chưa, sống bằng
nghề gì?
Chỉ biết là bàn tay phải của ông bị teo, không
duỗi được (c. 6).
Chắc là nó bị co quắp vì các cơ không hoạt động
bình thường.
Như thế sẽ rất khó chịu và bất lợi để sinh hoạt
hàng ngày.
Hơn nữa đây lại là bàn tay phải, bàn tay chính
để làm việc.
Người đàn ông có bàn tay thương tật đã đến hội
đường vào ngày sabát.
Ông đến để nghe giảng dạy và cầu nguyện như mọi
người.
Có vẻ ông chẳng mong gì, chẳng xin được Đức
Giêsu chữa lành,
dù tiếng tăm của Ngài lúc đó đã lan rộng nhiều
nơi (Lc 5, 15).
Thật bất ngờ khi Ngài bảo ông: “Hãy trỗi dậy và
ra đứng giữa đây.”
Ông chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra cho mình,
nhưng đã vâng lời.
Ông đứng ở ngay giữa cho mọi người thấy.
Sau đó Ngài bảo ông: “Hãy duỗi bàn tay của anh
ra!” (c. 10).
Một lần nữa ông lại vâng lời.
Ông làm điều mà có lẽ từ lâu ông không làm
được.
Duỗi bàn tay khô héo, co quắp này, để có thể
cầm cái ly, cái chén.
Ước mơ đơn giản ấy nào ngờ hôm nay được thực
hiện.
Ông đã duỗi bàn tay theo lời Đức Giêsu, và nó
đã trở lại bình thường.
Bàn tay như được sống lại, được phục hồi, mềm
mại, dễ bảo.
Cuộc đời ông từ nay sẽ tươi hơn, có ích hơn, ít
phải nhờ vả hơn.
Đức Giêsu đã làm phép lạ này không phải vì được
yêu cầu,
nhưng như một câu trả lời cho các kinh sư và
những người Pharisêu.
Họ rình xem Ngài có chữa bệnh trong ngày sabát
không, để tố cáo Ngài.
bởi lẽ theo họ, ngày sabát chỉ được chữa những
bệnh nguy tử.
Đức Giêsu đã vạch trần âm mưu này và công khai
tỏ thái độ.
Câu hỏi quen thuộc: có được phép làm điều này
vào ngày sabát không?
được thay bằng câu hỏi mới: ngày sabát được
phép làm điều lành hay dữ;
cứu mạng sống hay hủy hoại mạng sống? (c. 9).
Phép lạ sau đó của Đức Giêsu chính là câu trả
lời (c. 10).
Nhiều khi không làm một điều tốt, cũng bằng với
việc làm một điều xấu,
Không cứu một người vào giây phút ấy, cũng bằng
gián tiếp giết chết họ.
Đức Giêsu đã không coi ngày sabát như ngày chỉ
biết ngồi khoanh tay,
nhưng như ngày để làm điều tốt, để cứu sự sống
con người.
Dù sao Đức Giêsu đã không hề đụng đến ông có
bàn tay bị tật.
Khó lòng bắt lỗi Ngài đã vi phạm ngày sabát
Ngài chữa cho ông ấy chỉ bằng một lời mà thôi.
Các Kitô hữu không còn phải giữ ngày sabát nữa,
nhưng giữ Chúa Nhật.
Đây là ngày để chúng ta làm điều tốt, để chăm
lo cho sự sống.
Chữa cho một bàn tay bị teo tóp được lành, việc
này không nhỏ.
Làm cho một con người có thể sống bằng đôi tay
của mình, là chuyện lớn.
Đức Giêsu đã phải trả giá cho việc chữa bệnh
của mình.
Chúng ta cũng phải trả giá khi dám bảo vệ một
sự sống nhỏ nhoi.
Chỉ mong bàn tay tôi không co lại, nhưng mở ra
cho mọi người.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
ai trong chúng con cũng thích tự do,
nhưng mặt khác chúng con thấy mình dễ bị nô
lệ.
Có nhiều xiềng xích do chính chúng con tạo
ra.
Xin giúp chúng con được tự do thực sự :
tự do trước những đòi hỏi của thân xác,
tự do
trước đam mê của trái tim,
tự do
trước những thành kiến của trí tuệ.
Xin giải
phóng chúng con khỏi cái tôi ích kỷ,
để dễ
nhận ra những đòi hỏi tế nhị của Chúa,
để nhạy
cảm trước nhu cầu bé nhỏ của anh em.
Lạy Chúa
Giêsu,
xin cho
chúng con được tự do như Chúa.
Chúa tự
do trước những ràng buộc hẹp hòi,
khi Chúa
đồng bàn với người tội lỗi
và chữa
bệnh ngày Sabát.
Chúa tự
do trước những thế lực đang ngăm đe,
khi Chúa
không ngần ngại nói sự thật.
Chúa tự
do trước khổ đau, nhục nhã và cái chết,
vì Chúa
yêu mến Cha và nhân loại đến cùng.
Xin cho
chúng con đôi cánh của tình yêu hiến dâng,
để chúng
con được tự do bay cao.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
"Các
ông quan sát xem Người có chữa lành bệnh trong ngày Sabbat không".
Làm việc ngày sabát
Ðoạn
Phúc Âm hôm nay kể lại việc Chúa Giêsu chữa lành người bị bại tay phải trong
ngày nghỉ sabát, hoặc cho những luật sĩ và những biệt phái đang rình xem Chúa
có lỗi luật nghỉ ngày sabát hay không, ngõ hầu có lý do ám hại Chúa.
Nơi
đoạn Phúc Âm theo thánh Luca mà chúng ta vừa đọc lại trên đây, những luật sĩ và
những người Pharisiêu xem ra có thái độ dứt khoát phải chọn một trong hai việc
là giữ ngày sabát hoặc làm việc thiện để cứu người bị bại tay phải. Nhưng theo
Phúc Âm thánh Mátthêu chương 12 câu 11 và những câu kế tiếp, chúng ta được biết
rằng những luật sĩ và biệt phái có một giải thích rộng rãi khác về luật nghỉ
ngày sabát. Họ cho phép cứu thoát con vật bị sa xuống giếng trong ngày sabát.
Thật là nghịch đời, họ cho phép cứu con vật mà lại không cho phép cứu con
người. Phải chăng các luật sĩ và biệt phái coi trọng con vật hơn con người.
Ngày nay, chúng ta có thể gặp trường hợp tương tự, có những người nhân danh
lòng nhân từ để kêu gọi bảo vệ súc vật nhưng lại thẳng tay loại trừ những thai
nhi còn trong lòng mẹ, mạnh mẽ cổ võ việc phá thai.
Phần
Chúa Giêsu, qua hành động chữa lành người bị bại tay cả trong ngày sabát, Chúa
Giêsu biểu lộ tâm hồn tràn đầy yêu thương đối với con người và đặt luật nghỉ
ngày sabát trong viễn tượng rộng rãi hơn của tình yêu thương. Các ngày sabát
được làm việc lành để thể hiện tình thương. Một tâm hồn khô khan không có tình
yêu đối với Thiên Chúa cũng như đối với anh chị em thi sẽ dễ dàng rơi vào cám
dỗ chạy trốn trước việc lành cần phải làm để phục vụ anh chị em. Họ dễ dàng
biện hộ cho thái độ sống thiếu quảng đại, thiếu bác ái bằng lý do hết sức đạo
đức nhưng có thể đó là sự đạo đức giả hình, chưa trưởng thành.
Lạy
Chúa,
Chúng
con cảm tạ Chúa vì đã thức tỉnh chúng con qua mẫu gương và bài học căn bản.
"Trong ngày sabát được làm sự lành hay sự dữ, cứu sống hay giết
chết?" Xin thương giải thoát con khỏi thái độ sống đạo vụ hình thức, ham
danh lợi, lo củng cố địa vị hơn là thực hành yêu thương bác ái. Xin thương ban
cho chúng con tâm hồn tràn đầy tình yêu Chúa để có thể trổ sinh những việc làm
tốt phục vụ anh chị em mọi nơi và mọi lúc.
(Trích
trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Làm việc thiện lúc nào
Đức Giêsu nói với họ: “Tôi xin hỏi các ông: ngày sa-bát được phép
làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay hủy diệt?” Người rảo mắt nhìn họ
tất cả, rồi bảo người bại tay: “Anh hãy giơ tay ra!” Anh ấy làm như vậy và tay
anh liền trở lại bình thường. (Lc. 6, 9-10)
Luôn
còn tái diễn trong ngày sabát! Đức Giêsu hỏi biệt phái: ngày sabát, được phép
làm việc thiện hay điều dữ, cứu mạng người hay hủy diệt? có phải lúc làm việc
tốt, việc bác ái, lúc khác không được chăng? nếu nhân danh Thiên Chúa mà chủ
trương thế thì quá tệ.
Cấm
làm việc thiện trong ngày thờ phượng Chúa có đúng không? có làm sáng danh Chúa
khi đặt ra luật lệ vụn vặt hẹp hòi không? chúng ta nên nhận định rõ rằng: Khi
xoa dịu những đau đớn của tha nhân bằng mọi cách có thể thì làm sáng danh Chúa
biết chừng nào. Đó là điều Đức Giêsu đã thực hiện. Người vào hội đường, Người
dạy dỗ. Ánh mắt Người bắt gặp một người bại tay. Những kẻ bảo toàn luật lệ rình
rập xem: Thầy này táo bạo, chẳng sợ gì, sẽ làm gì để đảo lộn lề luật đây? Ông
có dám chữa kẻ tàn tật đó trong ngày sabát không? Đức Kitô biết rõ ý nghĩ của
những thẩm phán cay nghiệt này luôn luôn săn bắt Người. Người vẫn coi thường
họ, một lần nữa trịnh trọng, công khai, giữa ban ngày, không hề che giấu, Người
nói với kẻ khô bại tay: “ Anh chỗi dậy, ra đứng giữa đây! người ấy liền chỗi dậy
và ra đứng đó. Người hỏi những kẻ ghen ghét dò xét Người rằng: ngày sabát được
phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay hủy diệt?” Tất nhiên, không
ai trả lời, không ai có can đảm dám nói ra ý nghĩ của mình. Nếu nói ra đúng ý
nghĩ của mình, tất nhiên, phải liên minh với Người vì tự nhiên phải chấp nhận
trong ngày của Chúa thì phải làm điều lành, phải cứu mạng sống, không thể làm
điều dữ. Và như thế sẽ thấy rõ người ta đã hiểu sai luật ngày sabát.
Một
lần nữa Đức Kitô đã thấu suốt ý nghĩa của luật lệ. Một lần nữa Người đã được sự
ủng hộ của con người để Người cứu chữa bệnh nhân: “Anh hãy giơ tay ra,... và
tay anh được bình thường”.
Trong
Giáo Hội được đổi mới là nhờ Chúa Thánh Thần luôn hoạt động hơn bao giờ hết,
không thiếu những người theo chân Đức Giêsu, muốn làm cho chúng ta hiểu rõ con
người có giá trị vô biên hơn muôn vàn luật lệ. Chúng ta cố gắng nghe và theo
chân Đức Giêsu và những vị đó.
GF.
Ngày 10
Một trong
những đặc điểm của Thần Khí Thiên Chúa là kiên định. Điều này ở nơi thần dữ
toàn là sự bất an và thay đổi. Chúng ta đã biết tâm trạng và ước muốn của satan
là hay thay lòng đổi dạ... Ngược lại, nguồn cảm hứng của Thiên Chúa thì an định
và bất biến. Đó là lý do của mọi sự tốt lành. Một cách chung chung để xác định
nguồn cảm hứng mau chóng đổi thay và biến mất sau một thời gian, thì đó là dấu
hiệu cho thấy nó không đến từ Thiên Chúa.
Một tính năng
khác của Thần khí Thiên Chúa là, trong khi soi sáng và thúc đẩy hành động, nó
in sâu trong tâm hồn sự khiêm nhường thật. Nó làm cho chúng ta biết hành động
tốt và mang lại niềm vui, một niềm vui đích thực, không hư danh hay tự mãn.
Chúng ta nhận thức rõ ràng rằng những điều tốt mà chúng ta có được thì không
đến từ chúng ta, nhưng đến từ Thiên Chúa...
Chúng ta có thể nói rằng để nhận ra nguồn cảm hứng của Thiên
Chúa thì hệ tại ở điều này: Chúng được thiết lập trong hòa bình, kiên định, và
chúng in sâu sự khiêm nhường trong cảm xúc của chúng ta.
Jacques Philippe
Thứ Hai 10-9
Thánh Tô-ma Villanova. |
Thánh Tôma ở Villanova
(1488-1555)
Thánh Tôma sinh ở Castile Tây Ban Nha, và tên Villanova là thành
phố nơi ngài lớn lên. Ngài được giáo dục rất chu đáo ở Ðại Học Alcala và trở
nên một giáo sư triết của đại học này.
Sau khi gia nhập dòng Augustine ở Salamanca ngài được thụ phong linh mục và
tiếp tục dạy học, mặc dù ngài hay đãng trí và kém trí nhớ. Ngài làm tu viện
trưởng và bề trên tỉnh dòng, và là người đầu tiên gửi các cha Augustine đến Tân
Thế Giới. Ngài được hoàng đế đề nghị làm tổng giám mục ở Granada , nhưng ngài từ chối. Và khi tòa giám
mục trống ngôi thì ngài lại bị áp lực phải chấp nhận. Số tiền ngài được hưởng
để sắm sửa cho tòa giám mục thì ngài đã tặng cho một bệnh viện. Ngài giải thích
"Khi dùng tiền cho người nghèo ở bệnh viện thì đó là việc phục vụ Chúa
tốt đẹp hơn. Một tu sĩ khó nghèo như tôi thì muốn bàn ghế để làm gì?"
Ngài vẫn mặc các bộ quần áo từ khi còn là đệ tử sinh, mà chính tay
ngài khâu vá lại. Các giáo sĩ và người trong dòng xấu hổ vì ngài, nhưng họ
không thể thuyết phục ngài thay đổi. Mỗi sáng có đến vài trăm người nghèo đến
nhà ngài để được ăn uống và được cho tiền. Khi người ta chỉ trích là ngài bị
lợi dụng, ngài trả lời, "Nếu có những người không chịu làm việc thì đó
là phần của chính phủ và cảnh sát phải đối phó. Nhiệm vụ của tôi là giúp đỡ và
an ủi những người đến với tôi." Ngài nhận nuôi các trẻ mồ côi và ngài
thưởng tiền cho những ai đem các trẻ về cho ngài. Ngài khuyến khích những người
giầu có hãy bắt chước ngài để trở nên giầu lòng thương xót và bác ái hơn là
giầu của cải trần gian.
Ngài thường bị chỉ trích là không khắt khe và không mau chóng
trừng phạt những kẻ có tội, ngài nói, "Hãy để họ (người chỉ trích) tìm
hiểu xem Thánh Augustine và Thánh Gioan Kim Khẩu có rút phép thông công hay ra
vạ tuyệt thông để ngăn chặn những người say sưa và phạm thượng, là những người
mà các ngài đang săn sóc không."
Khi ngài sắp chết, Thánh Tôma ra lệnh lấy tất cả tiền của ngài có
mà phân phát cho người nghèo. Các vật dụng của ngài thì được tặng cho văn phòng
hiệu trưởng trường cũ của ngài. Thánh Lễ được cử hành và sau khi Truyền Phép,
ngài thở hơi cuối cùng với những lời: "Lạy Chúa, con phó linh hồn con
trong tay Chúa."
Ngay khi còn sống Thánh Tôma Villanova đã được gọi là "người
bố thí" và "cha của người nghèo." Ngài được phong
thánh năm 1658.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét