Thứ Năm sau Chúa Nhật 24 Quanh Năm
Lc 7,36-50 |
Bài Ðọc I: (Năm
II) 1 Cr 15, 1-11
"Chúa hiện ra với
Giacôbê, rồi với tất cả các Tông đồ".
Trích thư thứ nhất của Thánh
Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, tôi xin nhắc
lại cho anh em Tin Mừng mà tôi đã rao giảng cho anh em, và anh em đã lãnh nhận
và đang tin theo, nhờ đó anh em được cứu độ, nếu anh em tuân giữ lời lẽ tôi đã
rao giảng cho anh em, bằng không, anh em đã tin cách vô ích. Tôi đã rao truyền
cho anh em trước tiên điều mà chính tôi đã nhận lãnh: đó là Ðức Kitô đã chết vì
tội lỗi chúng ta, đúng theo như lời Thánh Kinh. Người được mai táng và ngày thứ
ba Người đã sống lại đúng theo như lời Thánh Kinh. Người đã hiện ra với ông
Kêpha, rồi với mười một vị. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em
trong một lúc; nhiều người trong số anh em đó hãy còn sống tới nay, nhưng có
vài người đã chết. Thế rồi Người hiện ra với Giacôbê, rồi với tất cả các Tông
đồ. Sau cùng, Người cũng hiện ra với chính tôi như đứa con sinh non.
Tôi vốn là kẻ hèn mọn nhất
trong các tông đồ, và không xứng đáng được gọi là tông đồ, vì tôi đã bắt bớ Hội
thánh của Thiên Chúa. Nhưng nay tôi là người thế nào là nhờ ơn Thiên Chúa, và
ơn của Người không vô ích nơi tôi, nhưng tôi đã chịu khó nhọc nhiều hơn tất cả
các đấng: song không phải tôi, mà là ơn của Thiên Chúa ở với tôi. Dù tôi, dù là
các đấng, chúng tôi đều rao giảng như thế cả, và anh em cũng đã tin như vậy.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 117, 1-2.
16ab-17. 28
Ðáp: Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm (c. 1a).
Xướng: 1) Hãy cảm tạ Chúa, vì
Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở. Hỡi nhà Israel , hãy
xướng lên: "Ðức từ bi của Người muôn thuở". - Ðáp.
2) Tay
hữu Chúa đã hành động mãnh liệt, tay hữu Chúa đã cất nhắc tôi lên. Tôi không
chết, nhưng tôi sẽ sống và tôi sẽ loan truyền công cuộc của Chúa. - Ðáp.
3) Chúa là Thiên Chúa của con
và con cảm tạ Chúa, lạy Chúa con, con hoan hô chúc tụng Ngài. - Ðáp.
*
* *
Alleluia: Tv 118, 135
Alleluia, alleluia! - Xin tỏ
cho tôi tớ Chúa thấy long nhan hiền hậu, và dạy bảo con những thánh chỉ của
Chúa. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 7, 36-50
"Tội bà rất nhiều mà
đã được tha rồi, vì bà đã yêu mến nhiều".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Luca.
Khi ấy, có một người biệt
phái kia mời Chúa Giêsu đến dùng bữa với mình; Người vào nhà người biệt phái và
vào bàn ăn. Chợt có một người đàn bà tội lỗi trong thành, nghe biết Người đang
dùng bữa trong nhà người biệt phái, liền mang đến một bình bạch ngọc đựng thuốc
thơm. Bấy giờ bà đứng phía chân Người, khóc nức nở, nước mắt ướt đẫm chân
Người, bà lấy tóc lau, rồi hôn chân và xức thuốc thơm. Thấy thế, người biệt
phái đã mời Người, tự nghĩ rằng: "Nếu ông này là tiên tri thì phải biết
người đàn bà đang động đến mình là ai, và thuộc hạng người nào chứ: là một đứa
tội lỗi (mà)!" Nhưng Chúa Giêsu lên tiếng bảo ông rằng: "Hỡi Simon,
Tôi có điều muốn nói với ông". Simon thưa: "Xin Thầy cứ nói".
"Một người chủ nợ có hai
con nợ, một người nợ năm trăm đồng, người kia nợ năm mươi. Vì cả hai không có
gì trả, nên chủ nợ tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, người nào sẽ yêu chủ
nợ nhiều hơn?" Simon đáp: "Tôi nghĩ là kẻ đã được tha nhiều
hơn". Chúa Giêsu bảo ông: "Ông đã xét đoán đúng".
Và quay lại phía người đàn
bà, Người bảo Simon: "Ông thấy người đàn bà này chứ? Tôi đã vào nhà ông,
ông đã không đổ nước rửa chân Tôi, còn bà này đã lấy nước mắt rửa chân Tôi, rồi
lấy tóc mình mà lau. Ông đã không hôn chào Tôi, còn bà này từ lúc vào không
ngớt hôn chân Tôi. Ông đã không xức dầu trên đầu Tôi, còn bà này đã lấy thuốc
thơm xức chân Tôi. Vì vậy, Tôi bảo ông, tội bà rất nhiều mà đã được tha rồi, vì
bà đã yêu mến nhiều. Kẻ được tha ít, thì yêu mến ít".
Rồi Người bảo người đàn bà:
"Tội con đã được tha rồi". Những người đồng bàn liền nghĩ trong lòng
rằng: "Ông này là ai mà lại tha tội được?" Và Người nói với người đàn
bà: "Ðức tin con đã cứu con, con hãy về bình an".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm:
Người phụ nữ trong Tin Mừng
tuy có tội nặng hơn mọi người, nhưng chị biết lỗi và tin vào Ðức Giêsu. Chị bất
chấp cái nhìn khinh miệt của mọi người để tìm đến với Ðức Giêsu. Trước niềm tin
mạnh mẽ và tình yêu mến chân thành, dù tội chị rất nhiều, nhưng chị đã được tha
tất cả. Như vậy niềm tin và lòng yêu mến là điều kiện cần thiết để chúng ta
được ơn tha thứ và cứu độ.
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Thánh Thần, xin soi
sáng tâm hồn mỗi người chúng con. Ðể chúng con biết nhận ra con người tội lỗi
của mình mà ăn năn hối cải. Xin cho chúng con luôn đặt trọn niềm tin vào Thiên
Chúa là Ðấng bao dung và luôn yêu thương. Dù tội của chúng con có thẫm như vải
điều, Thiên Chúa vẫn làm cho trắng tinh như tuyết. Chúng con không bao giờ phải
lo sợ và thất vọng. Amen.
(Lời Chúa trong giờ
kinh gia đình)
Lòng Sám Hối
(Lc 7,36-50)
Suy Niệm:
Lòng Sám Hối
Tin Mừng hôm nay ghi lại một
phiên tòa; phiên tòa này không có luật sư biện hộ, không có bản án được đọc
lên, nhưng kẻ được ân xá ra về với bình an trong tâm hồn.
Có được bình an trong tâm hồn
là điều quí giá nhất Chúa Giêsu mang lại cho con người. Nhưng để có được bình
an ấy, điều kiện tiên quyết là con người phải có lòng sám hối. Sám hối vốn là
nội dung chủ yếu trong sứ điệp của Chúa Giêsu. Lời đầu tiên của Ngài khi bắt
đầu sứ vụ công khai là: "Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng". Ngài đến
là để khơi dậy lòng sám hối của con người; Ngài đến là để hòa giải tội nhân với
Thiên Chúa. Cái chết của Ngài trên Thập giá không phải là cái chết của nhà cách
mạng hay chính trị gia, mà thiết yếu là để đền bù tội lỗi con người.
Người phụ nữ trong Tin Mừng
hôm nay đã nhận ra sự cần thiết của sám hối. Bất chấp những lời dị nghị, bất
chấp sự khinh bỉ của người xung quanh, bà đã thể hiện một cách chân thành và
trọn vẹn lòng sám hối của mình. Chúa Giêsu đã nói lên ý nghĩa hành động của
người phụ nữ này như sau: "Bà đã được tha nhiều, vì bà đã yêu mến
nhiều". Càng cảm nhận được ơn tha thứ, con người càng được thôi thúc thể
hiện lòng yêu mến nhiều hơn.
Lịch sử Giáo Hội được tô điểm
bằng lòng sám hối thể hiện qua tình mến. Cuộc đời của bất cứ vị thánh nào cũng
đều bắt đầu bằng lòng sám hối, nghĩa là ý thức sâu xa về tội lỗi của mình.
Nhưng sám hối không chỉ là ý thức về tội lỗi của mình. Có lẽ không ai ý thức
được hành động phản bội của mình cho bằng Yuđa, nhưng ý thức ấy chưa hẳn là sám
hối. Phêrô cũng đã chối Thầy, nhưng nơi ngài lòng sám hối không chỉ dừng lại ở
ý thức tội lỗi, nhưng đã biến thành tình yêu thương; Phêrô đã nói lên lòng sám
hối bằng ba lần thưa với Chúa: "Lạy Chúa, Chúa biết con yêu mến
Chúa".
Người ta thường nói đến cuộc
khủng hoảng về đức tin. Trong thực tế, khủng hoảng đức tin cũng chính là khủng
hoảng về lòng sám hối. Khi con người đánh mất ý thức về tội lỗi, con người cũng
không còn cảm nhận được thế nào là ơn tha thứ của Chúa, và dĩ nhiên cũng đánh
mất sự cảm thông và tha thứ đối với người khác. Thái độ khoan nhượng của con
người chỉ xuất phát từ ý thức về nỗi bất toàn và sự tha thứ mà mình cảm nhận
được. Xét cho cùng, bác ái chính là hoa trái của lòng sám hối: càng cảm thấy
mình được yêu thương và tha thứ, con người càng được thúc đẩy để tha thứ và yêu
thương.
Nguyện xin Chúa nung nấu tâm
tình sám hối đích thực nơi chúng ta và ban cho chúng ta niềm an bình nội tâm,
để chúng ta cũng biết chia sẻ niềm an bình ấy với mọi người bằng cảm thông, tha
thứ, và những thể hiện của bác ái.
(Veritas Asia)
Thứ Năm tuần 24 thường niên
Sứ điệp:Thái độ ăn năn thống hối
thực lòng của người phụ nữ tội lỗi đã được Chúa thương xót. Ai tin tưởng vào
tình yêu Chúa, sẽ được cứu độ và được bình an.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu là Đấng hiền từ và hay thương xót, tấm lòng
bao dung của Chúa là nơi nương tựa cho con là kẻ tội lỗi. Nhờ lòng thương xót
của Chúa, một người dù tội lỗi đến đâu, cũng vẫn có cơ may làm lại cuộc đời.
Bởi lẽ, Chúa không đánh giá chúng con theo vẻ bên ngoài hoặc dựa vào công
nghiệp của chúng con. Trái lại, Chúa xét xử con người theo những tâm tình, suy
tưởng sâu kín trong lòng, Chúa thấu suốt tâm tình sám hối chân thành phát xuất
từ lòng yêu mến.
Phủ phục dưới chân Chúa, người phụ nữ tội lỗi
không nói gì mà chỉ biết khóc. Chị khóc cho tội lỗi của mình, những giọt nước
mắt của lòng sám hối ăn năn.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con thấy được sự nặng nề
của tội con đã xúc phạm đến tình yêu Chúa. Xin cho con được lòng yêu Chúa để
biết khóc tội lỗi mình. Xin đừng để lòng con chai đá, nhưng giúp con biết
chân thành sám hối.
Lạy Chúa, Chúa đã tha, đang tha, và mãi mãi tha
hết những lỗi lầm con xúc phạm đến Chúa. Chúa yêu con vô bờ. Xin cho con luôn
tin tưởng vững vàng và cậy trông vào Chúa, cho con biết siêng năng đến với Chúa
nơi bí tích Hòa Giải, để con được giao hoà lại với Chúa và anh em. Chỉ có Chúa
mới có thể làm cho con được tái sinh và có sức mạnh đổi mới đời sống. Chỉ trong
Chúa con mới tìm lại được bình an và được sống trong tình yêu. Con được tha
nhiều, con sẽ yêu mến Chúa nhiều hơn. Amen.
Ghi nhớ : "Tội bà rất nhiều mà đã được tha rồi, vì bà đã yêu mến
nhiều".
20/09/12
THỨ NĂM TUẦN 24 TN
Th. Anrê Kim, Phaolô Chung và các bạn tử đạo
Lc 7,36-50
Th. Anrê Kim, Phaolô Chung và các bạn tử đạo
Lc 7,36-50
YÊU
NHIỀU, ĐƯỢC THA NHIỀU
“Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều.” (Lc 7,47)
Suy niệm: Tòa án của loài người thường cân lường tội trạng của tội nhân để tìm ra hình phạt cân xứng. Thiên Chúa không áp dụng cán cân như thế với tội lỗi chúng ta. Vì chưng, Ngài có một trái tim vô cùng nhân hậu. Ngài yêu thương và tha thứ tất cả tội lỗi của chúng ta, chỉ cần ta yêu mến Ngài. Trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu hoàn toàn tha thứ cho người phụ nữ tội lỗi nổi tiếng cấp thành phố vì chị yêu mến Chúa nhiều. Tình yêu của chị dành cho Chúa mạnh đến nỗi chị sẵn sàng làm tất cả dù phải "mất mặt" hay "mất của," vì chị hiểu rằng chỉ có lòng sám hối ăn năn trở về với Chúa là nguồn bình an và hạnh phúc đích thực.
Mời Bạn: Với tình yêu Chúa chân thành, thì một cử chỉ nhỏ mọn cũng trở thành của lễ dâng đẹp lòng Chúa. Vậy, mỗi lần đọc kinh, dâng lễ, hay làm những nghĩa cử chia sẻ cho người khác, hoặc làm những việc khổ chế thân xác để bày tỏ lòng sám hối ăn năn, hay bất cứ việc nhỏ bé nào, bạn hãy làm vì lòng mến Chúa. Thánh Phaolô nhắc bạn rằng giả như bạn có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác để thiêu đốt, mà không có lòng mến, thì chẳng ích gì (x. 1Cr 13,3).
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ thực hiện gẫm thứ ba của Mầu Nhiệm Sáng: “Chúa Giêsu rao giảng Nước Trời và kêu gọi sám hối. Ta hãy xin cho được tin vào lòng Chúa thương xót và siêng năng lãnh nhận bí tích giao hòa.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa nhân từ và tha thứ cho người biết hối cải ăn năn. Xin soi sáng cho chúng con biết ăn năn hối cải bằng việc nhận ra và đáp lại tình yêu Chúa với tất cả tâm hồn chúng con. Amen.
Chị hãy đi bình an.
Những
vấp ngã khi được chữa lành lại trở nên một khởi đầu cho cuộc sống mới, can đảm
hơn, quảng đại hơn và nồng cháy hơn.
Suy niệm:
Chỉ Luca mới nói đến chuyện các người Pharisêu
mời Đức Giêsu dùng bữa.
Họ mời Đức Giêsu dự tiệc ba lần (7, 36; 11, 37;
14, 1).
Họ còn báo cho ngài biết về việc Hêrôđê toan ám
hại ngài (13, 31).
Xem ra không phải mọi người Pharisêu đều có ác
cảm với Đức Giêsu.
Hôm nay Đức Giêsu là khách mời của ông Simon.
Ngài chẳng ngại đáp lại lời mời của một người
thuộc phái Pharisêu,
cũng như ngài đã chẳng sợ làm bạn với người thu
thuế và tội lỗi (Lc 7, 34).
Khi ăn tiệc lớn ở xứ Palestine thời đó,
các vị khách thường ngả người nằm trên những
chiếc ghế dài, có gối,
chân đưa ra ngoài, tay trái dùng để tựa, còn
tay phải để lấy thức ăn.
Khi nhà có đại tiệc, người ngoài được tự do ra
vào.
Bất ngờ có một phụ nữ mạnh dạn bước vào phòng
tiệc.
Người ta nhận ra chị là một người tội lỗi sống
trong thành phố,
nhưng không chắc chị có phải là một cô gái điếm
không.
Chị cố ý đến đây vì biết Đức Giêsu đang có mặt
trong bữa tiệc.
Đây là người mà chị đã từng gặp và đã nhận được
ơn tha thứ.
Chị đã chuẩn bị khá kỹ và biết rất rõ việc mình
sắp làm cho Ngài.
Chị đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm
(c. 37).
Đứng ở gần chân Đức Giêsu, chị bật khóc nức nở.
Nước mắt chị làm ướt chân Ngài.
Những giọt nước mắt ăn năn vì tội lỗi quá khứ,
hay vui sướng vì biết mình đã đựoc thứ tha ?
Sau đó chị cởi khăn choàng đầu và xõa tóc để
lau khô chân Đức Giêsu.
Cuối cùng, chị còn hôn lên chân và xức dầu thơm
nữa.
Nói chung, những cử chỉ táo bạo của chị thật
hết sức chướng mắt
đối với những người dự tiệc trong xã hội thời
đó (và bây giờ cũng vậy !).
Xõa tóc trước công chúng là điều phụ nữ Do Thái
không được phép làm,
vuốt ve và hôn chân một người đàn ông hẳn là
những cử chỉ khêu gợi.
Hơn nữa, chị lại là một người tội lỗi có tiếng
trong thành.
Một con người nhơ uế như chị khi đụng chạm sẽ
làm người khác nhơ uế.
Chúng ta không ngạc nhiên khi thấy ông Simon
nghĩ thầm:
“Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn ông
phải biết
người phụ nữ đang đụng vào mình là ai, vì chị
ta là một người tội lỗi.”
Đức Giêsu có biết không? Nếu không, thì Ngài
không phải là ngôn sứ.
Nhưng nếu Ngài biết, mà ngài lại cứ để chị làm
như vậy,
thì còn gì là danh dự của ông Simon và của
chính Ngài nữa!
Đức Giêsu biết chị là ai, biết cả điều Simon
thầm nghĩ (x. 5, 21-22; 6, 7-8).
Ngài không phản ứng gì vì ngài hiểu ý nghĩa
điều chị làm.
Đó không phải là cử chỉ khêu gợi của một cô gái
làng chơi,
nhưng là những hành vi diễn tả lòng biết ơn của
người được tha thứ.
Đức Giêsu hiểu những giọt nước mắt của chị, vừa
hối hận, vừa hạnh phúc.
Ngài hiểu cả những cử chỉ có vẻ quyến rũ của
chị trên đôi chân mình:
rửa chân bằng nước mắt, lau chân bằng tóc, hôn
chân và xức dầu thơm.
Ngài đọc thấy trong đó lòng trân trọng và biết
ơn.
Đó là sự trào dâng không thể cưỡng lại được của
tâm tình yêu mến.
Tuyệt đối không có chút nhơ uế nào nơi những cử
chỉ ấy.
Và Đức Giêsu đã đón nhận tất cả với trái tim
thanh khiết của mình.
Để soi sáng cho ông Simon hiểu về hành động của
người phụ nữ,
Đức Giêsu kể cho ông nghe một dụ ngôn kèm theo
một câu hỏi (cc. 41-42)
Hai người cùng mắc nợ, một người 500 quan tiền,
một người 50.
cả hai cùng được chủ nợ tha vì họ không có gì
để trả.
“Vậy trong hai người đó, ai sẽ yêu mến chủ nợ hơn ?”
Câu hỏi chẳng có gì khó đối với Simon và ông đã
trả lời đúng.
Ta nên lưu ý: yêu
mến ở đây có nghĩa là biết ơn.
Tự nhiên người được tha nhiều thì sẽ biết ơn
nhiều, kẻ được tha ít sẽ biết ơn ít.
Dụ ngôn đơn giản của Đức Giêsu được áp dụng vào
thực tế.
Rõ ràng là chị phụ nữ đã yêu mến Đức Giêsu hơn ông Simon.
Đức Giêsu làm một so sánh giữa cách tiếp đón
của hai người (cc.44-46).
Simon đã chẳng cho Ngài nước để rửa chân, chẳng
hôn, chẳng xức dầu trên đầu.
Dĩ nhiên đó chẳng phải là những đòi hỏi bắt
buộc khi tiếp khách,
nhưng dù sao cách tiếp khách của Simon cũng
nhạt nhẽo hơn so với chị kia.
Câu 47 là một câu quan trọng để hiểu đúng ý của
đoạn Tin Mừng này.
Câu này trước đây thường được dịch như sau:
“Tội của chị ấy tuy nhiều, nhưng đã được tha, vì (hoti) chị đã yêu mến nhiều.
Còn ai được tha ít thì yêu mến ít,”
Dịch như thế dễ gây hiểu lầm rằng vì yêu nhiều nên chị được tha nhiều.
Thật ra phải hiểu ngược lại mới đúng.
Chính vì chị được tha nhiều nên chị mới yêu mến biết ơn nhiều.
Lòng yêu mến là kết quả, chứ không phải là
nguyên nhân của sự tha thứ.
Lòng biết ơn đến sau khi nhận ơn.
Hiểu như thế sẽ hợp với ý nghĩa của dụ ngôn
(cc. 41-42),
và hợp với vế sau của câu 47: còn ai được tha
ít thì yêu mến ít.
Chẳng rõ ông Simon có nhận ra mình là ai chưa.
Ông đúng là người yêu ít hơn chị phụ nữ tội lỗi
kia,
vì ông được tha ít hơn, vì ông có ít tội hơn
!!!
Nhưng có thật ông ít tội hơn người phụ nữ tội
lỗi này không?
Hay vì tự hào mà ông không thấy cần đến sự tha
thứ của Thiên Chúa?
Tự hào về đạo đức vẫn là một vật cản khiến
người ta khép lại và vô ơn.
Người phụ nữ tội lỗi là người yêu hơn (c. 42) và yêu nhiều (c. 47).
Tội quá khứ, khi được tha, lại tạo nên một hứng
khởi mới để người ta yêu hơn.
Những vấp ngã khi được chữa lành lại trở nên
một khởi đầu cho cuộc sống mới,
can đảm hơn, quảng đại hơn và nồng cháy hơn.
Cuối cùng, Đức Giêsu đã quay lại nói chuyện với
người phụ nữ.
Ngài khẳng định lại ơn mà chị đã lãnh nhận trước khi
chị bước vào phòng tiệc:
“Tội của chị đã được tha rồi”, Ngài nhắc cho
mọi người biết chuyện đó.
Như thế Đức Giêsu không phải chỉ là một ngôn sứ
như Simon nghĩ.
Ngài còn lớn hơn một ngôn sứ nữa khi dám tha
tội cho chị.
Cuối cùng, Đức Giêsu lại ca ngợi lòng tin của
chị.
Lòng tin thắm đượm tình yêu, hay tình yêu thắm
đượm lòng tin.
Cả hai quyện vào nhau giúp chị đón lấy ơn cứu
độ, ơn bình an:
“Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an” (c. 50).
Chúng ta có thể học được nhiều điều nơi người
phụ nữ:
lòng tin mãnh liệt vào sự tha thứ, lòng mến táo
bạo của sự biết ơn,
Chúng ta cũng cảm nghiệm được sức mạnh của ơn
tha thứ của Thiên Chúa.
Sức mạnh ấy có thể làm mới lại cuộc đời một phụ
nữ hư hỏng,
và dạy chị biết yêu như yêu lần đầu.
Chẳng rõ ông Simon có học được điều gì từ biến
cố này không?
Cầu nguyện:
Lạy Thiên
Chúa, đây lời tôi cầu nguyện :
Xin tận diệt, tận diệt trong tim tôi
mọi biển lận tầm thường.
Xin cho tôi sức mạnh thản nhiên
để gánh chịu mọi buồn vui.
Xin cho tôi sức mạnh hiên ngang
để đem tình yêu gánh vác việc đời.
Xin cho tôi sức mạnh ngoan cường
để chẳng bao giờ khinh rẻ người nghèo khó,
hay cúi đầu khuất phục trước ngạo mạn, quyền
uy.
Xin cho tôi sức mạnh dẻo dai
để nâng tâm hồn vươn lên khỏi ti tiện hằng
ngày.
Và cho tôi sức mạnh tràn trề
để âu yếm dâng mình theo ý Người muốn.
R. Tagore
(Đỗ Khánh Hoan dịch)
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
"Tội
bà rất nhiều mà đã được tha rồi, vì bà đã yêu mến nhiều".
Tinh thần khoan nhượng
Tin
Mừng hôm nay có thể gợi lên cho chúng ta một vài suy nghĩ về tinh thần khoan
nhượng đích thực. Chúa Giêsu là hiện thân của tinh thần ấy. Trong những quan hệ
xã hội của Ngài, Ngài vốn dành ưu tiên cho người nghèo, những người tội lỗi,
những kẻ bị xã hội đẩy ra bên lề. Ngài tìm đến với họ và nhất là ngồi đồng bàn
để ăn uống với họ, nhưng Chúa Giêsu không khơi dậy cuộc đấu tranh giai cấp.
Ngài không bao giờ đi với người nghèo để kêu gọi chống lại những người giàu có.
Ngài đến với những người nghèo và những kẻ tội lỗi nhưng không loại trừ những
người giàu có và những người đạo đức thánh thiện. Ngài chia sẻ cơm bánh với
những người tội lỗi nhưng cũng không ngại ngồi đồng bàn với những người công
chính. Người biệt phái Simon được Tin Mừng hôm nay nhắc tên là một người giàu
có và đạo đức, ông có thể là đại biểu cho những người giàu có và thánh thiện mà
Chúa Giêsu không hề muốn loại trừ ra khỏi những quan hệ xã hội của Ngài. Chúa
Giêsu kết thân với những người nghèo khổ và tội lỗi nhưng không xa cách những
người giàu có và đạo đức.
Cuộc
gặp gỡ được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay là điển hình của thái độ khoan
nhượng của Chúa Giêsu. Chính trong một bữa tiệc được một người giàu có và đạo
đức khoản đãi mà Chúa Giêsu đã gặp gỡ một người đàn bà tội lỗi nổi tiếng trong
thành phố, Ngài luôn có thái độ khoan nhượng đối với mọi người.
Sự
khoan nhượng là thái độ cần thiết cho mọi người bởi vì xã hội nào cũng gồm
những thành phần khác biệt nhau bởi vì nhân loại gồm những con người khác biệt
mà họ cần đối xử với nhau bằng thái độ khoan nhượng. Hai chìa khóa để mở cánh
cửa của khoan nhượng là sự chấp nhận và cảm thông. Chấp nhận thường đi trước sự
cảm thông. Chấp nhận sự khác biệt nơi người khác để dễ dàng cảm thông với họ
hơn, nhưng dĩ nhiên khoan nhượng không hề đồng nghĩa với đồng lõa. Chúa Giêsu
tỏ ra cảm thông và tha thứ với những người tội lỗi nhưng Ngài không bao giờ
nhân nhượng trước tội lỗi; Ngài khoan dung tha thứ bao nhiêu với tội nhân thì
lại càng cương quyết bấy nhiêu với tội lỗi. Chính vì thế mà sự tha thứ của Ngài
luôn đi kèm với mệnh lệnh: "Con hãy đi về và đừng phạm tội nữa". Với
người biệt phái tên là Simon, Ngài đã kêu gọi với thái độ khoan nhượng khi để
cho người đàn bà tội lỗi đến thể hiện lòng sám hối của mình bằng việc xức dầu
thơm cho Ngài. Với người đàn bà tội lỗi, Ngài cho cảm nhận được ơn tha thứ.
Ngài kêu gọi chúng ta: "Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường
trong lòng". Lời ấy bảo đảm cho chúng ta ơn tha thứ và sự bình an của
Ngài, đồng thời cũng mời gọi chúng ta hãy sống khoan nhượng và tha thứ đối với
mọi người.
Ước
gì chúng ta luôn cảm nhận được ánh mắt nhân từ tha thứ của Chúa để cũng biết
sống cảm thông và tha thứ với mọi người.
(Trích
trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Yêu nhiều được tha nhiều
Vì thế tôi nói cho ông hay: “Tội của chị rất nhiều,
nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu
mến ít.”Rồi Đức Giêsu nói với người phụ nữ: “Tội của chị đã được tha rồi.” (Lc.
7, 47-48)
Lòng quảng đại không phải là một nhân đức ai cũng có
thể biết được và luyện tập được. Nó cũng chính thứ tình yêu, không thể đặt giới
hạn và thời hạn vì nó quá mạnh. Đức Kitô đã thực hiện tình yêu này không ngừng
và Tin Mừng hôm nay cho chúng ta một gương sáng trong nhiều gương khác.
Đức Giêsu đang dự tiệc tại nhà một người biệt phái đã mời
Người đồng bàn, Thánh Lu-ca nói đến ba lần những người biệt phái tiếp đón Người
tại nhà họ. Chứng tỏ có những người biệt phái ít hiềm khích Người, họ cũng mong
hiểu biết Người hơn.
Đang bữa ăn, một đàn bà tội lỗi trong thành bước vào.
Cô mang theo một bình dầu thơm quý giá và khóc nức nở quì xuống lấy nước mắt
tưới ướt chân Người, lấy tóc mình mà lau chân Người và xức dầu thơm vào chân
Người. Trước cảnh tượng chướng tai gai mắt này, người biệt phái cảm thấy tức
giận và xúc phạm nặng nề, ông nói thầm trong lòng rằng: “Nếu quả thật ông này
là ngôn sứ, thì phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai!”. Nếu biết rõ
nó, Giêsu không được ngây ngất như thế.
Đức Kitô biết ý nghĩ của chủ nhà và đề cập đến một dụ
ngôn nhỏ để biến đổi con tim của ông: “Một chủ nợ có hai con nợ, một kẻ nợ năm
trăm quan tiền, một kẻ nợ năm mươi. Vì họ không có gì trả nên chủ nợ thương
tình đã tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó ai mến chủ nợ hơn? Ông Simon
đáp: Tôi thiết tưởng là người đã được tha nhiều hơn. Đức Giêsu bảo: Ông suy xét
đúng lắm”. Giữa biệt phái trong sạch và bà này, nhơ bẩn chất chứa tội lỗi chắc
là không giống nhau: tộibà này chất đống nhiều hơn, biẹt phái ít hơn, nhẹ hơn.
Vậy rõ ràng bà được tha thứ nhiều hơn biệt phái. Đức Giêsu kết luận: điều đáng
kể đối với tôi không nhất thiết là tội lỗi nhưng chính là tình yêu để được ơn
thương xót: “Tội của chị rất nhiều, nhưng được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến
nhiều!”.
Ồ vâng, yêu đi thì không còn phạm tội nữa!.
GF.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 9
20 THÁNG CHÍN
Nối Những Nhịp Cầu Yêu Thương
Bạn hãy hăng say cộng tác với Đấng Cứu Độ. Người bày tỏ cho chúng ta thấy lòng thương xót của Chúa Cha. Trong Đức Kitô, Chúa Cha luôn luôn chan tưới hồng ân của Ngài trên chúng ta. Ngài ban cho chúng ta sự sống và sức mạnh. Ngài tha thứ chúng ta và đưa chúng ta vào mối quan hệ riêng với Ngài; Ngài sai Con của Ngài đến với chúng ta, qua Người Con ấy lòng thương xót của Ngài tuôn trào.
Vâng, bạn hãy học với Đức Ki-tô, hình ảnh hoàn hảo (Tổng Luận Thần Học I,35) diễn tả tình yêu vô hạn của Chúa Cha. Như Chúa Giêsu, bạn hãy gần gũi với con người. Nhất là, hãy gần gũi với những người bệnh tật, những người bị chà đạp phẩm giá. Bạn hãy trở thành người chiến sĩ xây dựng nền văn minh tình thương, hãy nhiệt thành chia sẻ lòng bác ái chân thực, để thăng tiến nhân loại này nên tốt hơn. Như vậy, bạn sẽ tham dự trọn vẹn vào công cuộc cứu độ của Đức Ki-tô.
Hội Thánh ngỏ lời với các bạn, những người xây đắp nền văn minh tình thương: “Kinh nghiệm của quá khứ và của chính thời đại chúng ta cho thấy rằng chỉ công bằng mà thôi thì chưa đủ để đảm bảo cho con người được sống trên mọi chiều kích của sự sống. Chúng ta cần phải có được năng lực sâu xa hơn nữa, đó chính là tình yêu” (Div. In Mis, 12).
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 20-9
Thánh Anrê Kim Têgon, Phaolô Chong Hasang
và các bạn tử đạo; 1Cr 15, 1-11; Lc 7, 36-50.
LỜI SUY NIỆM: Trong câu chuyện Chúa Giêsu đang dùng bữa tiệc tại nhà ông Simon, có một người phụ nữ mang tiếng là tội lỗi trong thành đến lấy dầu thơm mà rửa chân cho Chúa Giêsu mà còn xõa tóc mình mà lau chân cho Chúa. Cả câu chuyện cho chúng ta thấy sự trái ngược giữ hai thái độ và hai lòng trí: Đối với ông Simon, ông đang là người thuộc nhóm biệt phái, ông ta tự cho mình là người công chính và tin tưởng mình là người tốt trước mặt Thiên Chúa và người đời. Nên đã không nhận được ơn tha thứ. Còn người phụ nữ nhận biết mình là kẻ tội lỗi trước mặt Thiên Chúa cùng với đồng loại, người phụ nữ này cần đến tình yêu thương và sự tha thứ, khi nhận biết Chúa Giêsu là Đấng yêu thương, có quyền tha thứ tội lỗi và chữa lành cho con người. Nàng đã đến với Ngài, bất chấp những cặp mắt xoi bói và kết án; Nàng đã nhận được ơn tha thứ và chữa lành trong tình thương của Chúa. Thiên Chúa là tình yêu và Ngài trông chờ con người tìm đến tình yêu.
Mạnh Phương
++++++++++++++++++
20 Tháng Chín
Bởi Vì Tôi Rất Yêu Mến Bà!
Một buổi tối nọ, Mẹ Têrêxa thành Calcutta tiến lại gần một người mà người ta vừa mang vào căn nhà dành cho những người hấp hối. Ðó là một lão bà. Mình phủ đầy những mảnh giẻ rách, nước da đen đầy những vết thương hôi thối. Mẹ Têrêxa đã chùi rửa các vết thương và chăm sóc để ngừa bị nhiễm trùng. Nhưng người đàn bà đáng thương này đang hấp hối... có lẽ khó mà qua khỏi, do đó tốt hơn là nên tìm cách an ủi lần cuối cùng bằng một chén canh nóng và tràn đầy tình thương yêu.
Người đàn bà đáng thương ấy sững sờ nhìn và hỏi Mẹ Têrêxa bằng một giọng thều thào:
- "Tại sao bà lại làm như vậy?"
Mẹ Têrêxa trả lời:
- "Bởi vì tôi rất yêu mến bà..."
Một tia sáng hạnh phúc, dù vẫn còn pha chút nghi ngờ, phát xuất từ tận đáy lòng, đã ngời lên khuôn mặt gầy gò của người đàn bà, nơi dấu ấn của tử thần đã bắt đầu xuất hiện.
- "Ôi bà hãy nhắc lại một lần nữa đi!"
- "Tôi rất yêu mến bà". Mẹ Têrêxa lập lại bằng một giọng điệu rất dịu dàng.
- "Hãy nhắc lại, hãy nhắc lại đi bà".
Người đàn bà đang bước vào cõi chết xiết chặt tay Mẹ Têrêxa và kéo về phía bà ta, như muốn lắng nghe rõ hơn, nghe với niềm hạnh phúc tràn trề những lời lẽ tuyệt vời nhất trên cõi đời...
Bằng chính tình yêu của mình, Mẹ Têrêxa đã biết nhìn sự suy sụp của tình người, Mẹ đã biết khám phá ra cái thực thể thiêng liêng Mầu Nhiệm của những con người nghèo hèn xấu số nhất. Chúng ta cũng hãy luôn nhìn mọi người bằng chính cái nhìn yêu thương và tôn trọng của chính Chúa đối với mọi người...
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Ngày 20
Thánh Phaolô
Chong Hasang và các bạn tử đạo
Hạnh phúc
thay những ai hằng mơ ước và sẵn sàng trả giá cho ước mơ của mình, đang được
hình thành trong lịch sử nhân loại.
Chúng tôi tạ
ơn Thiên Chúa là Thiên Chúa của Israel .
Ngài đã viếng thăm, cứu vớt và ở lại với dân Ngài trong niềm vui ngợi ca. Mỗi
chủ nhật, ngay khi bắt đầu Thánh Lễ, kinh vinh danh hòa điệu: Chúng tôi ngợi
khen Chúa, chúng tôi chúc tụng Chúa, chúng tôi vinh danh Chúa, chúng tôi thờ
lạy Chúa... Vì vinh quang cao cả Chúa! Đó là tất cả niềm vui đơn sơ của sự
chiêm ngưỡng vinh quang Ngài: Quyền năng cao cả của Ngài!
Bạn có thể khám phá ra những nghĩa cử
trong bữa tiệc ly cuốì cùng của Ngài: Ngài cẩm lấy bánh và rượu, rồi chúc lành
cho hoa màu ruộng đất và lao công của con người. Ngài đã biến tất cả thành thịt
và máu Ngài và cuối cùng, Ngài biến chúng ta thành chính thân thể Ngài. "Ai ăn Tôi sẽ sống trong Tôi."
Vì Ngài, với Ngài và trong Ngài, Ngài muốn làm tất cả cho cuộc
sống của chúng ta như điều Ngài đã hứa, lời ngợi khen vinh quang Cha trên trời.
Để thực hiện điều này, xin làm cho chúng con trở nên nhỏ bé, ở lại trong sự nhỏ
bé, để tiếp nhận Lời Ngài, Lời mà Chúa Cha đã mạc khải... và là Lời hằng sống mãi muôn đời.
p. Pierre Duvillaret
Hạnh Các Thánh
Ngày 20 tháng 9
THÁNH ANRÊ KIM
THÁNH PHAOLÔ CHUNG
VÀ CÁC BẠN TỬ ĐẠO
(1839-1846 và 1862-1867)
Các thánh tử đạo Hàn Quốc. |
Năm 1984, Giáo hội công giáo Hàn quốc mừng lễ kỷ niệm 200
năm kể từ khi nhà học giả trẻ tuổi Li Sung Hung đến Bắc Kinh năm 1784 và được
rửa tội tại đây, đoạn ông trở về quê hương với một số sách đạo và một ánh lửa
đức tin, để rồi sau đó làm bùng cháy ngọn lửa đức tin công giáo tại Hàn quốc
.
Ngày 6.5.1984, tại Seoul, Nam Hàn, lễ phong thánh đầu
tiên đã được cử hành ngoài Rôma kể từ thế kỷ XIII, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô
II đã nâng 103 vị tử đạo lên bàn thờ và gọi dịp này là ngày vui mừng nhất, ngày
trọng đại nhất trong lịch sử Giáo hội công giáo tại Hàn quốc. 103 vị tử đạo này
tiêu biểu cho khoảng mười ngàn tín hữu kitô tử đạo tại Hàn quốc trong khoảng
thời gian kéo dài gần 100 năm. Trong số 103 vị tử đạo này có 92 giáo dân thuộc
đủ mọi giai cấp trong xã hội, 45 người nam và 47 phụ nữ. Cũng có vị linh mục
đầu tiên tại đất nước Hàn quốc là Anrê Kim Têgôn và mười nhà truyền giáo Pháp.
Trong số 103 vị tử đạo, 79 vị đã được phong chân phước năm 1925, họ là nạn nhân
của cuộc bách hại đầu tiên, và 24 vị được nâng lên hàng chân phước năm 1968, là
nạn nhân của cuộc bách hại sau này. Hàn quốc là quốc gia duy nhất trong lịch sử
Hội thánh, bắt đầu theo đạo công giáo nhờ vào việc trao đổi mậu dịch với nước
Trung Hoa. Công việc này thành hình là nhờ những nỗ lực của một nhóm học giả
Hàn quốc đã tìm tòi, nghiên cứu về đức tin công giáo trong các sách vở mà ông
Li Sung Hung đã mang về nước từ Trung Hoa. Những người giáo dân Hàn quốc này
bắt đầu dạy giáo lý cho những người khác và rửa tội cho họ. Nhờ sự học hỏi sâu
rộng, nhóm giáo dân công giáo đầu tiên này mới bắt đầu nhận thức được rằng: họ
cần có một linh mục. Và như thế, một đại diện ngoại giao đoàn đã được gửi sang
Bắc kinh theo lời yêu cầu này. Đức giám mục Bắc kinh đã chấp thuận liền ngay.
Và năm 1795, cha Chumuymô, vị linh mục thuộc giáo phận
Bắc kinh đã trở thành nhà truyền giáo đầu tiên tại Hàn quốc. Sau sáu năm truyền
giáo ở Hàn quốc, cha Chumuymô đã được phúc tử đạo. Cùng chịu tử đạo với cha lúc
đó, có khoảng 300 người mới trở lại đạo. Những người chống Giáo hội công giáo
đã tuyên truyền và gán cho đức tin công giáo là một cái gì chối bỏ quyền làm
cha mẹ và nhà vua, và tuyên bố rằng các tín hữu kitô có ý đồ mang quân đội Âu
châu sang thống trị đất nước.
Năm 1831, Toà thánh Vatican đã gửi các linh mục thuộc hội
Thừa sai Paris
đến làm việc cho Giáo hội công giáo tại Hàn quốc. Đức cha Batôlômêô Ruyghit và
cha Phêrô Philipphê Môboong liền bắt đầu một cuộc hành trình dài và khó khăn
xuyên qua Trung Hoa để đến Hàn quốc. Đức cha Ruyghit chết trước khi đặt chân
lên đất nước Hàn quốc, nhưng cha Môboong thì được đến nơi vào năm 1863, và đến
ngay thủ đô Seoul .
Từ nơi ẩn náu, cha bắt đầu bí mật chăm sóc cho các tín hữu. Đức cha Lôrensô
Giuse Maria Humbert được bổ nhiệm làm vị đại diện Toà thánh và đã đến Hàn quốc
vào năm 1837. Sau đó nhà truyền giáo thứ ba lại đến. Nhưng vào năm 1839 thì
cuộc bách hại bắt đầu. Đức cha Humbert cùng với hai nhà truyền giáo ngoại quốc lúc
này đã ra trình diện với chính quyền, với hy vọng sẽ làm cho họ nguôi cơn tức
giận các tín hữu. Tuy nhiên, cả ba đã bị tra tấn và bị hành quyết cùng với một
số tín hữu Hàn quốc, cả đàn ông lẫn đàn bà. Những người khác thì phải chịu tù
ngục hoặc phải đi đày. Sánh với cuộc đàn áp của năm 1801-1802, trong đó những
vị tử đạo đều thuộc các gia đình vọng tộc. Lần này hầu hết các tín hữu thuộc
giai cấp cùng đinh. Tổng cộng có 70 tín hữu bị chém đầu, 60 vị bị cắt cổ hoặc
đánh cho đến chết, hoặc chết vì bị các vết thương làm độc. Hai thí dụ cho thấy
đức tin và lòng can đảm mạnh mẽ của những vị tử đạo.
Ông Phaolô Chung, nhân công trong một xưởng dệt dây
thừng, đã được rửa tội năm 30 tuổi, và đã hoạt động tích cực trong việc truyền
bá đức tin công giáo bằng cách giấu ẩn các tín hữu trong vùng khi họ đến nhận
lĩnh các bí tích. Ông đã bị bắt vào năm 1839, bị tống ngục và bị tra tấn dã
man. Vì không chịu đựng được những cực hình, ông đã đồng ý chối đạo, và được
trả lại tự do. Tuy nhiên, sau đó ông hối hận và trở lại nói với chánh án, là
ông muốn rút lại lời tuyên bố chối đạo. Một lần nữa, ông bị bắt giam tù và bị
đánh đập. Ông chết vì các vết thương làm độc, năm ấy ông 41 tuổi.
Một thiếu nữ trẻ, đẹp, mới 17 tuổi, tên là Agatha Dy,
cùng với người em trai của cô đã bị đánh lừa là cha mẹ của cô đã chối bỏ đức
tin. Agatha đã trả lời rằng: “Cha mẹ tôi có phản bội hay không, đó là quyền của
họ, còn chúng tôi, chúng tôi không thể phản lại Chúa tể trời đất, Người mà
chúng tôi hằng phục vụ”. Và như thế, Agatha đã bị hành quyết cùng với cha mẹ và
người em trai của cô. Cả bốn người đã được phúc tử đạo. Năm 1845. Một thời gian
ngắn sau đó, cha Anrê Kim đã trở thành nạn nhân của cuộc bách hại đạo dã man
này. Cha đã bị chém đầu năm 1846. Trước ngày chịu tử đạo, cha Anrê Kim đã viết
cho các tín hữu một lá thư, trong đó cha khuyên họ chấp nhận cuộc khủng bố như
là một hành động của Chúa Quan phòng. Cha bảo các tín hữu rằng: Giáo hội Hàn
quốc không thể miễn trừ khỏi Giáo hội khổ đau của Chúa Kitô và được làm cho lan
rộng bởi những khổ đau của các tông đồ tiên khởi. Thời kỳ mười năm sau khi Đức
cha Feriô đến Hàn quốc, đánh dấu một bước tiến mạnh mẽ của Giáo hội Hàn quốc,
một linh mục địa phương thứ hai là cha Tôma Choi Giăng đã được chịu chức. Năm
1866, cuộc bắt đạo mạnh mẽ cuối cùng bùng nổ. Một lần nữa đe dọa tiêu diệt Giáo
hội công giáo Hàn quốc. Hai vị Giám mục và bảy nhà truyền giáo khác bị tử hình.
Ba nhà truyền giáo thoát chết và trốn được ra khỏi nước. Cho tới tháng 9 năm
1868 đã có 2.000 tín hữu kitô bị sát hại. Từ trong số người này, con số tử đạo
tăng thêm là 103 vị. Dù được biết mười ngàn tín hữu kitô Hàn quốc đã chịu tử
đạo, hội Thừa sai Paris
vẫn không nản chí. Nhiều cố gắng đã được thực hiện để gửi các nhà truyền giáo
vào trong quốc gia thù địch này.
Năm 1876, một linh mục Pháp đã được hướng dẫn viên Hàn
quốc đưa vào nội địa. Năm 1877, một vị tân Giám mục vào nước. Ngài tên là
Philipphê Claire Quyđăng, một trong những linh mục đã đào thoát khỏi cuộc bách
hại đạo của năm 1866. Đức cha Quyđăng đã bị bắt. Nhưng nước Pháp gây áp lực
trên Trung Hoa và Nhật Bản để ngài được trả lại tự do. Lệnh bãi việc chống Giáo
hội công giáo có từ năm 1881, nhưng không được thi hành triệt để và một năm sau
đó, các cuộc bách hại mới chính thức chấm dứt, nhờ hiệp ước ký kết với Hoa Kỳ.
Một hiệp ước với nước Pháp năm 1886 đã đảm bảo được an ninh cho cả những nhà
truyền giáo lẫn những người trở lại đạo. Như thế, những cuộc bách hại những nhà
truyền giáo kitô đã trở thành chuyện quá khứ. Năm 1887, tại Hàn quốc đã có 5
linh mục và 12.500 tín hữu. Giáo hội Hàn quốc đã trải qua cuộc bách hại đạo dài
gần 100 năm, một khoảng thời gian đánh dấu của gần 10 cuộc bắt đạo thuộc mọi
cấp độ trầm trọng. Cuối cùng hạt giống kitô là máu của không biết bao nhiêu vị
tử đạo kitô Hàn quốc, những người được biết đến, cũng như những người không
biết đến, đã trổ sinh nhiều hoa trái. Giờ đây, con số tín hữu kitô Nam Hàn lên tới
một triệu rưỡi. Tại Bắc Hàn hiện đang sống trong chế độ cộng sản, không có bản
thống kê mới nhất về con số các tín hữu. Các tín hữu Bắc Hàn hiện vẫn một mực
trung thành với đức tin, hẳn đã phải chịu đau khổ nhiều, và những nhân đức anh
hùng của họ sẽ có ngày được biết đến. Trong khi chờ đợi ngày được tự do thực
hành niềm tin của mình, nhưng tín hữu kitô đau khổ này rất cần đến những lời
cầu nguyện của chúng ta.
Thứ Năm 20-9
Thánh Anrê Kim Taegon, Phaolô Chong Hasang và
Các Bạn
St.Andrew Kim Taegon. |
A
|
nrê Kim Taegon là linh mục Ðại Hàn đầu tiên và là con của một
người trở lại đạo. Cha của ngài, ông Ignatius Kim, được tử đạo trong thời cấm
đạo năm 1839 và được phong thánh năm 1925. Sau khi được rửa tội vào lúc 15
tuổi, Anrê phải trải qua một hành trình dài 1,300 dặm để gia nhập chủng viện ở
Macao, Trung Cộng. Sáu năm sau, ngài xoay sở để trở về quê hương qua ngả Mãn
Châu. Cùng năm ấy ngài vượt qua eo biển Hoàng Sa đến Thượng Hải và thụ phong
linh mục. Khi trở về quê, ngài có nhiệm vụ thu xếp cho các vị thừa sai vào Ðại
Hàn qua ngã đường biển, nhằm tránh né sự kiểm soát biên phòng. Ngài bị bắt, bị
tra tấn và sau cùng bị chặt đầu ở sông Han gần thủ đô Hán Thành
Thánh Phaolô Chong Hasang là một chủng sinh, 45 tuổi.
Kitô Giáo được du nhập vào Ðại Hàn khi Nhật xâm lăng quốc gia này
vào năm 1592, lúc ấy có một số người Ðại Hàn được rửa tội, có lẽ bởi các binh
sĩ Công Giáo người Nhật. Việc truyền giáo rất khó khăn vì Ðại Hàn chủ trương bế
quan tỏa cảng, ngoại trừ những hành trình đến Bắc Kinh để trả thuế. Một trong
những chuyến đi này, khoảng năm 1777, sách vở tài liệu Công Giáo của các cha
dòng Tên ở Trung Cộng được lén lút đem về để dạy bảo người tín hữu Kitô Ðại
Hàn. Giáo Hội tại gia bắt đầu thành hình. Khoảng mười năm sau đó, khi một linh
mục Trung Hoa lén lút đến Ðại Hàn, ngài thấy có đến 4,000 người Công Giáo mà
chưa có ai được gặp một vị linh mục. Bảy năm sau, số người Công Giáo ấy lên đến
khoảng 10,000 người. Sau cùng, tự do tôn giáo được ban hành vào năm 1883.
Khi Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến Nam Hàn năm 1984 để phong
thánh, ngoài Thánh Anrê và Phaolô, còn 98 người Ðại Hàn và ba vị thừa sai người
Pháp, tất cả đều tử đạo trong khoảng 1839 và 1867. Trong số đó có các giám mục
và linh mục, nhưng hầu hết là giáo dân: 47 phụ nữ, 45 quý ông.
Trong những người tử đạo năm 1839 là Columba Kim, một phụ nữ 26
tuổi. Ngài bị cầm tù, bị tra tấn bằng vật dụng bằng sắt nung nóng và than. Ngài
và người em là Agnes bị lột quần áo và bị giam chung với những tù nhân hình sự,
nhưng họ không bị làm nhục. Sau khi Columba phàn nàn về sự sỉ nhục này, từ đó
về sau không một phụ nữ nào bị nhục nhã như vậy nữa. Hai người bị chém đầu. Một
em trai 13 tuổi, Phêrô Ryou, bị tra tấn dã man đến độ em có thể lấy da thịt của
mình mà ném vào quan toà. Em bị xiết cổ cho đến chết. Protase Chong, một người
quý tộc 41 tuổi, sau khi bị tra tấn ông đã chối đạo và được thả tự do. Sau đó,
ông trở lại, tuyên xưng đức tin và bị tra tấn cho đến chết.
St.Paul Chong Hasang. |
Lời Bàn
Chúng ta bàng hoàng khi thấy sau khi được thành lập, Giáo Hội Ðại
Hàn hoàn toàn là một Giáo Hội của giáo dân khoảng hơn một chục năm. Làm thế nào
mà giáo hội ấy sống còn khi không có bí tích Thánh Thể? Ðiều này cho thấy,
không phải các bí tích không có giá trị, nhưng phải có một đức tin sống động
trước khi thực sự được hưởng ơn ích của bí tích Thánh Thể. Bí tích là dấu chỉ
của sự hoạt động và đáp ứng của Thiên Chúa đối với đức tin sẵn có. Bí tích làm
gia tăng ơn sủng và đức tin, nhưng chỉ khi nào sẵn có một điều gì đó để được
gia tăng.
Lời Trích
"Giáo Hội Ðại Hàn thì độc đáo vì được thành lập hoàn toàn
bởi giáo dân. Giáo Hội còn non yếu, thật trẻ trung nhưng thật vững mạnh trong
đức tin, và đã đứng vững sau những đợt sóng bách hại mãnh liệt. Do đó, chỉ
trong vòng một thế kỷ, Giáo Hội đã kiêu hãnh với 10,000 vị tử đạo. Cái chết của
các vị tử đạo này trở thành men cho Giáo Hội và đưa đến sự triển nở huy hoàng
của Giáo Hội Ðại Hàn ngày nay. Ngay cả bây giờ, tinh thần bất khuất ấy vẫn còn
trợ giúp cho người tín hữu của Giáo Hội thầm lặng ở miền bắc bên kia vĩ tuyến" (ÐGH Gioan Phaolô II, bài
giảng trong lễ phong thánh).
Bài đọc 2
Ngày 20 tháng 9: Thánh An-rê Kim Tê-gon,
Phao-lô Chung Ha-san và các bạn, tử đạo. Lễ nhớ
Nhờ việc tông đồ của một số giáo dân, đức
tin Kitô giáo đã đi vào Hàn Quốc đầu thế kỷ thứ XVII.
Dù thiếu các mục tử, giáo đoàn vẫn sống
đức tin hăng say và mạnh mẽ. Cộng
đoàn được hướng dẫn và xây dựng hầu như chỉ nhờ những người giáo dân, cho tới
cuối năm 1836, khi những nhà truyền giáo đầu tiên người Pháp bí mật đến xứ
này.
Giáo đoàn này, với những cuộc bách hại vào
những năm 1839, 1846, 1866 và 1867, đã sinh sản ra 103 thánh tử đạo, trong đó
nổi bật nhất là linh mục đầu tiên người Hàn quốc, An-rê Kim Tê-gon. Người là
một mục tử hăng hái nhiệt thành. Kế đó là người tông đồ giáo dân, anh Phao-lô
Chung Ha-san.
Còn những vị khác là giáo dân nam, nữ, độc
thân, có gia đình, người già, thanh niên, thiếu nhi. Tất cả đều đã lấy máu mình
để làm chứng cho Chúa Kitô, làm nên mùa xuân tươi đẹp của Giáo Hội Hàn
Quốc.
Đức tin được thành toàn nhờ đức ái và sự
kiên trì
Trích huấn dụ cuối cùng của thánh An-rê
Kim Tê-gon, linh mục, tử đạo.
Tượng Thánh An-rê Kim Tê-gon. |
Anh em và các bạn rất thân mến, trước hết
hãy suy nghĩ cho thấu đáo : từ thuở ban đầu, Thiên Chúa đã tạo dựng trời đất
muôn vật thế nào. Sau đó, hãy suy gẫm xem vì lý do và ý định nào Thiên Chúa đã
dựng nên từng người theo hình ảnh của Chúa và giống như Người.
Vậy, nếu trong thế giới đầy hiểm nguy và
khốn khổ này, chúng ta không nhận biết Thiên Chúa là Đấng tạo thành, thì có
sinh ra và sống ở trên đời cũng chẳng ích lợi chi. Mặc dù nhờ ơn Thiên Chúa,
chúng ta chào đời, cũng nhờ ơn Thiên Chúa chúng ta lãnh nhận bí tích thánh tẩy,
được gia nhập Hội Thánh, trở thành môn đệ của Chúa và mang danh Người, nhưng
hữu danh vô thực nào có ích chi ? Nếu thế, sinh ra trên đời và gia nhập Hội
Thánh thật là vô ích ; hơn thế nữa, đó còn là phản bội Thiên Chúa và cưỡng lại
ơn Người. Thà không sinh ra còn hơn là lãnh nhận ơn Chúa mà xúc phạm đến
Người.
Hãy xem người nông dân lo việc đồng áng
thế nào : người ấy cày bừa đúng thời vụ, rồi bỏ phân và gieo hạt giống quý báu,
không quản ngại lao nhọc nắng nôi. Đến mùa gặt, nếu thấy bông lúa nặng trĩu, ông
ta quên cả mồ hôi và nỗi vất vả, lòng hân hoan vui sướng, hạnh phúc tràn trề.
Còn nếu thấy những bông lúa lép xẹp, nếu chỉ thu được rơm rạ và những hạt lúa
lép, người nông dân lại nhớ đến mồ hôi và nỗi lao nhọc vất vả, và trước đã chăm
sóc thửa ruộng đó bao nhiêu thì nay lại càng bỏ hoang nó bấy nhiêu.
Tương tự như thế, Thiên Chúa nhận mặt đất
làm thửa ruộng của Người, nhận chúng ta là những con người làm thóc giống, ban
ân sủng làm phân bón. Người còn lấy máu mình mà tưới trên chúng ta nhờ việc
nhập thể và cứu chuộc, để chúng ta có thể lớn lên và trở thành bông lúa chín
vàng. Đến ngày phán xét là lúc thu hoạch, người nào nhờ ân sủng mà thành bông
lúa chín, sẽ được hưởng Nước Trời với tư cách làm nghĩa tử của Thiên Chúa. Còn
ai không thành bông lúa chín, sẽ trở nên kẻ thù của Thiên Chúa, dù trước đó
chính họ đã từng là nghĩa tử của Người, và sẽ bị trừng phạt đời đời theo tội
trạng của họ.
Anh em rất thân mến, anh em hãy biết rằng
Chúa chúng ta là Đức Giê-su, khi xuống thế gian đã chịu muôn vàn đau khổ, đã
lấy cuộc thương khó của mình mà thiết lập Hội Thánh và lấy cuộc thương khó của
các tín hữu mà làm cho Hội Thánh được lớn lên. Quyền lực thế gian mặc sức đàn
áp và chống đối, cũng đã chẳng bao giờ thắng được Hội Thánh. Sau khi Chúa lên
trời, kể từ thời các thánh Tông Đồ cho đến nay, Hội Thánh đã lớn lên ở khắp nơi
giữa những gian truân.
Còn nay, suốt năm, sáu mươi năm trở lại
đây, kể từ lúc Hội Thánh có mặt trên đất Triều Tiên của chúng ta, các tín hữu
cũng đã nhiều lần bị bách hại. Ngay cả ngày nay, cuộc bách hại cũng còn đang
khốc liệt, đến nỗi nhiều người bạn chia sẻ cùng một niềm tin, trong đó có tôi,
đang chịu cảnh ngục tù, cũng như chính anh em đang sống giữa cảnh gian truân.
Chúng ta đã làm nên một thân thể như thế, làm sao lòng chúng ta lại chẳng buồn,
làm sao chúng ta lại chẳng cảm thấy nỗi buồn chia ly theo tình cảm con người
?
Tuy nhiên, như lời Kinh Thánh nói, ngay cả
sợi tóc nhỏ nhất trên đầu, Thiên Chúa cũng quan tâm, và quan tâm bằng sự thông
suốt vô cùng của Người. Vậy, sao lại coi một cuộc bách hại lớn như thế là cái
gì khác chứ không phải là mệnh lệnh của Thiên Chúa, hoặc là phần thưởng hay
thậm chí là hình phạt của Người ?
Vậy, chúng ta hãy tuân theo ý Thiên Chúa,
anh em hãy hết lòng chiến đấu cho thủ lãnh trên trời là Đức Giê-su, và đánh bại
ma quỷ của thế gian này là kẻ đã từng bị Đức Ki-tô đánh bại.
Tôi xin anh em, đừng sao lãng tình bác ái
huynh đệ, nhưng hãy giúp đỡ lẫn nhau, hãy kiên trì cho tới khi Thiên Chúa
thương xót mà cất nỗi gian truân khỏi chúng ta.
Chúng tôi ở đây gồm hai mươi người và nhờ
ơn Thiên Chúa, chúng tôi vẫn còn khoẻ mạnh. Sau này, nếu có ai chịu tử hình,
tôi xin anh em đừng lơ là gia đình của người đó. Tôi còn nhiều điều phải nói
nữa, nhưng làm sao có thể diễn tả hết bằng giấy trắng mực đen ? Đến đây tôi xin
ngừng bút. Vì chúng tôi sắp bước vào cuộc chiến đấu, tôi xin anh em luôn sống
trung thành để cuối cùng chúng ta được hưởng niềm vui với nhau trên trời. Trong
tình yêu thương, tôi xin hôn chào anh em.
Lời
nguyện
Lạy Chúa là Ðấng tạo thành và cứu độ muôn dân, Chúa đã mời gọi dân tộc Triều Tiên đón nhận đức tin công giáo để gia nhập cộng đoàn dân Chúa chọn. Chúa lại ban cho cộng đoàn này tăng trưởng nhờ lời tuyên xưng đức tin của các bậc anh hùng là hai thánh An-rê Kim, Phao-lô Chung cùng các bạn, tử đạo. Xin nhận lời cầu nguyện của các ngài mà ban cho chúng con biết noi gương các ngài để lại là trung thành tuân giữ giới răn Chúa cho đến khi nhắm mắt lìa đời. Chúng con cầu xin...
(trích bài đọc Giờ kinh Sách-bản dịch của nhóm CGKPV)
Lạy Chúa là Ðấng tạo thành và cứu độ muôn dân, Chúa đã mời gọi dân tộc Triều Tiên đón nhận đức tin công giáo để gia nhập cộng đoàn dân Chúa chọn. Chúa lại ban cho cộng đoàn này tăng trưởng nhờ lời tuyên xưng đức tin của các bậc anh hùng là hai thánh An-rê Kim, Phao-lô Chung cùng các bạn, tử đạo. Xin nhận lời cầu nguyện của các ngài mà ban cho chúng con biết noi gương các ngài để lại là trung thành tuân giữ giới răn Chúa cho đến khi nhắm mắt lìa đời. Chúng con cầu xin...
(trích bài đọc Giờ kinh Sách-bản dịch của nhóm CGKPV)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét