Thứ Tư Ngày 12/06/2013
Tuần X Thường Niên – Năm C
BÀI ĐỌC I: 2 Cr 3, 4-11
"Người đã làm cho
chúng tôi trở nên thừa tác viên của Tân Ước, không phải của văn tự, mà là của
Thần Trí".
Trích
thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, chúng tôi tin tưởng như thế
trước mặt Thiên Chúa nhờ Đức Kitô. Không phải chúng tôi có thể nghĩ tưởng điều
gì như là bởi chính chúng tôi, nhưng điều đó là do Thiên Chúa: chính Người là
Đấng đã làm cho chúng tôi trở nên thừa tác viên của Tân Ước, không phải của văn
tự, mà là của Thần trí, vì văn tự chỉ giết chết, còn Thần trí mới tác sinh.
Nếu việc phục vụ sự chết, được khắc thành chữ
trên bia đá, rạng ngời vinh quang, khiến con cái Israel không thể nhìn thẳng
vào mặt Môsê vì vinh quang trên mặt ông, dầu đó chỉ là vinh quang nhất thời,
thì việc phục vụ Thần trí lại chẳng được vinh quang hơn sao? Thật vậy, nếu việc
phục vụ án phạt đem lại vinh quang, thì việc phục vụ công chính lại càng đem
vinh quang rực rỡ hơn; và về phương diện này, điều xưa kia là vinh quang, không
còn vinh quang nữa so với sự vinh quang cao cả này. Bởi lẽ điều nhất thời mà
còn được vinh quang, thì điều vĩnh cửu lại càng được vinh quang nhiều biết mấy.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 98, 5. 6. 7. 8. 9
Đáp: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Đấng Thánh (c. 9c).
1)
Hãy cao rao Chúa là Thiên Chúa chúng ta, hãy sấp mình dưới bệ kê chân Ngài, đây
là bệ ngọc chí thánh. - Đáp.
2)
Trong hàng tư tế của Ngài có Môsê và Aaron, và có Samuel trong số người cầu đảo
danh Ngài: các ông kêu cầu Chúa và chính Ngài nhậm lời các ông. - Đáp.
3)
Trong cột mây, bấy giờ Ngài phán bảo, các ông đã nghe những huấn lệnh của Ngài,
và chỉ thị Ngài đã truyền cho các ông giữ.- Đáp.
4)
Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, Ngài đã nhậm lời các ông; lạy Chúa, với các
ông Ngài xử khoan hồng, tuy nhiên, Ngài đã oán phạt điều các ông lầm lỗi. - Đáp.
5)
Hãy cao rao Chúa là Thiên Chúa chúng ta; hãy sấp mình trên núi thánh của Ngài:
vì Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Đấng Thánh.. - Đáp.
ALLELUIA: Tv 24, 4c và 5a
Alleluia,
alleluia! - Lạy Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Chúa và xin hướng dẫn con
trong chân lý của Ngài. - Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 5, 17-19
"Thầy không đến
để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng:
"Các con đừng tưởng Thầy đến để huỷ bỏ lề luật hay các tiên tri: Thầy
không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn. Vì Thầy bảo thật các con: Cho dù trời
đất có qua đi, thì một chấm, một phẩy trong bộ luật cũng không bỏ sót, cho đến
khi mọi sự hoàn thành. Bởi vậy, ai huỷ bỏ một trong những điều luật nhỏ mọn
nhất, và dạy người khác làm như vậy, sẽ kể là người nhỏ nhất trong Nước Trời;
trái lại, ai giữ và dạy người ta giữ những điều đó, sẽ được kể là người cao cả
trong Nước Trời". Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM : Kiện toàn lề
luật
Luật
cơ bản nhất trong đời sống tu trì vốn là luật bác ái và nền tảng của luật này
là sự tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau. Sự kiện này tiêu biểu cho chính sự tuân
hành luật lệ trong Giáo Hội. Giáo Hội có luật lệ, nhưng không bao giờ dùng sức
mạnh đe dọa để cưỡng bách người tín hữu tuân hành. Tinh thần đích thực của việc
tuân hành luật lệ trong Giáo Hội chính là tình mến; không có tình mến, thì một
bộ luật, dù hoàn hảo đến đâu, cũng không khác gì một cây khô héo.
Ý
nghĩa và tinh thần ấy của luật lệ, chúng ta có thể đọc được trong Tin Mừng hôm
nay. Những người Biệt phái, nhất là các Luật sĩ, vốn là những người rất trung
thành với lề luật, họ tuân giữ luật lệ không thiếu một chấm, một phết. Nhưng
đàng sau sự trung thành ấy có hàm ẩn tự mãn: họ cho rằng trung thành với lề
luật là đương nhiên trở thành người công chính, và vì nghĩ mình là người công
chính, nên họ lên mặt khinh dễ những người không tuân giữ luật lệ một cách
nghiêm chỉnh như họ.
Chúa
Giêsu không phải là người vô kỷ cương và luật pháp. Ngài đã sống như một người
Do thái, nghĩa là tuân giữ luật lệ của Môsê truyền lại. Chỉ có điều khác biệt
giữa Ngài và các người Biệt phái, đó là tinh thần: nếu những người Biệt phái tự
cho mình là người công chính nhờ tuân giữ lề luật, thì Chúa Giêsu lại khẳng
định rằng chỉ nhờ ơn Chúa, con người mới có thể nên công chính. Chúa Giêsu tuân
giữ lề luật để kiện toàn nó, kiện toàn theo nghĩa thực hiện chính những lời
loan báo của các tiên tri liên quan đến Ngài, kiện toàn đến độ mặc cho lề luật
một tinh thần mới, tức là tình mến.
Luật
lệ vốn là lời loan báo của các tiên tri về Ðấng Cứu thế, do đó luật lệ có tính
tiên tri. Khi chu toàn lề luật, Giáo Hội chứng tỏ cho mọi người thấy rằng Ngài
chính là Ðấng các tiên tri đã loan báo. Như vậy, một cách nào đó, khi người
Kitô hữu tuân hành lề luật, họ cũng loan báo chính Chúa Kitô, nhưng dĩ nhiên,
họ chỉ có thể loan báo về Ngài khi việc tuân giữ của họ thể hiện được chính
tinh thần của Ngài. Xét cho cùng, đối với người Kitô hữu, tuân giữ lề luật là
mặc lấy tâm tình của Chúa Kitô, là sống như Ngài, là trở thành hiện thân của
Ngài.
Nguyện
xin Chúa giúp chúng ta luôn ý thức sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống của
chúng ta và ban sức mạnh để chúng ta chu toàn lề luật của Ngài.
(Verias Asia)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần 10 TN1, Năm lẻ
GIỚI
THIỆU CHỦ ĐỀ:
Giao Ước mới
kiện toàn Giao Ước cũ
Tác
giả Sách Giáo Sĩ nói về sự cần thiết của thời gian: "Ở dưới bầu trời này,
mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời: một thời để chào đời, một thời để lìa
thế; một thời để trồng cây, một thời để nhổ cây; một thời để giết chết, một
thời để chữa lành; một thời để phá đổ, một thời để xây dựng" (Eccl 3:1-3).
Thánh
Phaolô nói về sự cần thiết của kinh nghiệm: "Cũng như khi tôi còn là trẻ
con, tôi nói năng như trẻ con, hiểu biết như trẻ con, suy nghĩ như trẻ con;
nhưng khi tôi đã thành người lớn, thì tôi bỏ tất cả những gì là trẻ con"
(I Cor 13:11). Khi nhìn lại quãng đời niên thiếu, nhiều người hối hận vì họ
không thể nào ngờ mình lại vô tư và thiếu chín chắn như thế; nhưng trong tiến
trình trở thành người trưởng thành, họ phải trải qua những kinh nghiệm như vậy.
Cũng
thế, khi so sánh hai Giao Ước cũ và mới trong Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa,
chúng ta cần để ý đến tiến trình thời gian và kinh nghiệm, vì Thiên Chúa không
làm sự gì vô ích. Vì con người không thể tiếp nhận một lúc, nên Ngài phải chuẩn
bị mọi sự theo thời gian, mặc dù Ngài không bị lệ thuộc vào thời gian. Vì khả
năng con người giới hạn, nên Ngài phải chuẩn bị từ chỗ bất toàn đến chỗ hoàn
hảo, mặc dù Ngài có uy quyền để thực hiện cái hoàn hảo ngay. Trong tiến trình
trở nên hoàn hảo: phải có cái cũ thì mới có cái mới, và cái mới làm hoàn hảo
cái cũ; nếu không có cái cũ thì cũng chẳng có cái mới.
Các
Bài Đọc hôm nay là những ví dụ của tiến trình trở nên hoàn hảo. Trong Bài Đọc
I, khi thánh Phaolô bị chất vấn bởi những người Do-thái thủ cựu, Ngài so sánh
cho họ thấy sự hoàn hảo của giao ước mới trên giao ước cũ, và kết luận: vì giao
ước mới hoàn hảo hơn giao ước cũ; nên vinh quang có được do việc phục vụ giao
ước mới cũng lớn hơn vinh quang có được do việc phục vụ giao ước cũ. Trong Phúc
Âm, khi nhiều người thuộc phái Pharisees nghĩ Chúa Giêsu đến để dạy dân chúng
phá bỏ Lề Luật, nên Ngài tuyên bố: "Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ
Luật Moses hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để
kiện toàn."
KHAI
TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Giao ước mới hoàn hảo hơn giao ước cũ.
1.1/
Tranh chấp giữa hai giao ước cũ và mới: Giống như Chúa Giêsu, thánh Phaolô cũng đã
từng có kinh nghiệm về sự tranh chấp giữa Lề Luật của Moses và những giáo huấn
của Đức Kitô. Theo kinh nghiệm bản thân, ông đã từng nhiệt thành bắt bớ các tín
hữu theo đạo mới, vì ông cho lối sống của họ là hoàn toàn ngược lại với Lề Luật
và truyền thống; cho đến khi Đức Kitô tỏ uy quyền của Ngài trên đường đi Damascus . Kinh nghiệm này
giúp ông yêu thương và thông cảm với những người Do-thái khó chấp nhận giáo
huấn của Đức Kitô; mặc dù họ không ngừng bắt bớ ông như họ đã từng bắt bớ Chúa
Giêsu.
Trong
trình thuật hôm nay, ông chia sẻ kinh nghiệm của ông về hai Giao Ước với họ như
sau: "Không phải vì tự chúng tôi, chúng tôi có khả năng để nghĩ rằng mình
làm được gì, nhưng khả năng của chúng tôi là do ơn Thiên Chúa, Đấng ban cho
chúng tôi khả năng phục vụ Giao Ước Mới, không phải Giao Ước căn cứ trên chữ
viết, nhưng dựa vào Thánh Thần. Vì chữ viết thì giết chết, còn Thánh Thần mới
ban sự sống."
(1)
Giao Ước cũ:
Giao ước căn cứ trên chữ viết là Giao Ước Thiên Chúa làm với dân trên núi
Sinai. Trong Giao ước này, Ngài đã ban cho họ Thập Giới viết trên đá qua tay
ông Moses, và căn dặn họ như sau:
Coi
đây, hôm nay tôi đưa ra cho anh em chọn: hoặc là được sống, được hạnh phúc,
hoặc là phải chết, bị tai hoạ. Hôm nay tôi truyền cho anh em phải yêu mến Đức
Chúa, Thiên Chúa của anh em, đi theo đường lối của Người, và tuân giữ các mệnh
lệnh, thánh chỉ, quyết định của Người, để anh em được sống, được thêm đông đúc,
và Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, chúc phúc cho anh em trong miền đất anh em
sắp vào chiếm hữu. Nhưng nếu anh em trở lòng và không vâng nghe, lại bị lôi
cuốn và sụp xuống lạy các thần khác và phụng thờ chúng, thì hôm nay tôi báo cho
anh em biết: chắc chắn anh em sẽ bị diệt vong, sẽ không được sống lâu trên đất
mà anh em sắp sang qua sông Jordan để vào chiếm hữu. (Deut 30:15-18)
Mặc
dù đã được căn dặn kỹ càng như thế, nhưng không một ai trong Israel có thể tự
hào mình không bao giờ vi phạm Thập Giới; và hậu quả là tất cả đều phải chết
như lời Thiên Chúa báo trước. Nhưng Thiên Chúa không muốn con người phải chết,
đó là lý do tại sao Ngài thiết lập với con người một giao ước mới.
(2)
Giao Ước mới:
Tiên tri Jeremiah đã tiên báo về giao ước này như sau:
Này
sẽ đến những ngày - sấm ngôn của Đức Chúa - Ta sẽ lập với nhà Israel và nhà
Judah một giao ước mới, không giống như giao ước Ta đã lập với cha ông chúng,
ngày Ta cầm tay dẫn họ ra khỏi đất Ai-cập; chính chúng đã huỷ bỏ giao ước của
Ta, mặc dầu Ta là Chúa Tể của chúng - sấm ngôn của Đức Chúa. Nhưng đây là giao
ước Ta sẽ lập với nhà Israel
sau những ngày đó - sấm ngôn của Đức Chúa. Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc
vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ
là dân của Ta. Chúng sẽ không còn phải dạy bảo nhau, kẻ này nói với người kia:
"Hãy học cho biết Đức Chúa," vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người
lớn, sẽ biết Ta - sấm ngôn của Đức Chúa. Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và
không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa. Israel sẽ tồn tại mãi. (Jer
31:31-34)
1.2/
Vinh quang của việc phục vụ Thánh Thần: Phaolô cũng so sánh vinh quang có được do sự
phục vụ giữa hai Giao ước, và kết luận như sau: "Nếu việc phục vụ Lề Luật
- thứ Lề Luật chỉ đưa đến sự chết và được khắc ghi từng chữ trên những bia đá -
mà được vinh quang đến nỗi dân Israel không thể nhìn mặt ông Moses được, vì mặt
ông chói lọi vinh quang - dù đó chỉ là vinh quang chóng qua - thì việc phục vụ
Thánh Thần lại không được vinh quang hơn sao?"
2/
Phúc Âm: Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.
2.1/
Chúa Giêsu đến để kiện toàn Lề Luật: Nhiều Kinh-sư nghĩ, khi Chúa Giêsu chỉ trích
họ về việc rửa tay và giữ ngày Sabbath, là Ngài muốn hủy bỏ tất cả Lề Luật và
truyền thống của tổ tiên. Thực ra, Ngài chỉ phê bình thói giả hình và khinh
thường Lề Luật của họ. Trong trình thuật hôm nay, Chúa Giêsu muốn làm sáng tỏ
điều này với các môn đệ: "Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Moses
hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.
Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết
trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành."
2.2/
Sự quan trọng của Lề Luật: Khi nói "giao ước mới hoàn hảo hơn giao ước
cũ," cả Chúa Giêsu và thánh Phaolô không bao giờ có ý muốn nói Lề Luật
Thiên Chúa ban qua Moses trở thành vô hiệu. Các tín hữu vẫn phải giữ Lề Luật
của Thiên Chúa như Chúa Giêsu dạy: "Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong
những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ
nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi
là lớn trong Nước Trời."
ÁP DỤNG
TRONG CUỘC SỐNG:
-
Hai thái cực cần tránh: có những người không thích thay đổi, họ muốn giữ tỉ mỉ
từng chi tiết của Lề Luật và truyền thống; ngược lại, có những người dễ dàng
thay đổi như chong chóng, họ phê bình và đả kích tất cả những gì trong quá khứ.
-
Người khôn ngoan là người phải biết suy xét và so sánh cẩn thận, để nhận ra
những gì của quá khứ là tốt cần giữ lại, những gì là xấu cần bỏ đi; đồng thời
biết nhận ra những cái hay đẹp của hiện tại để học hỏi và áp dụng.
Linh mục Anthony Đinh
Minh Tiên OP
HẠT GIỐNG NẨY MẦM
- MÙA QUANH NĂM –
- TUẦN 10 -
"Có những hạt rơi vào đất tốt.
Chúng mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả :
hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu
mươi,
hạt thì được một trăm" (Mc 4,8)
Thứ Tư :
Mt 5,17-19
A. Hạt giống...
Vì Chúa Giêsu dạy một số điều xem ra không
đúng với luật Môsê và giáo huấn của các ngôn sứ theo lối giải thích của những
người Pharisêu, nên nhiều người tưởng Ngài muốn huỷ bỏ Luật Môsê. Vì thế Ngài
phải giải tỏa sự hiểu lầm ấy : Ngài không huỷ bỏ chúng mà là kiện toàn chúng.
- Kiện toàn bằng cách dạy người ta hiểu
những khoản luật đó là ý muốn của Cha trên trời nên phải sống những khoản luật
đó trong tinh thần Cha - con.
B.... nẩy mầm.
1. Cuộc sống xã hội cần được luật pháp bảo
đảm. Cuộc sống càng phức tạp thì mạng lưới luật pháp càng gia tăng. Một đàng
con người cảm thấy được luật pháp bảo vệ, nhưng đàng khác cũng cảm thấy bị luật
pháp đe doạ. Và sự đe doạ đáng sợ nhất là cái chết của tình người. Chúa Giêsu
đến để chỉ cho con người thấy đâu là giá trị cao cả nhất và cũng là quy luật
cao cả nhất của cuộc sống. Giá trị và quy luật ấy chính là tình yêu. Một ngôi
nhà đẹp đẽ đến đâu mà thiếu vắng tình người thì cũng giống như một nghĩa địa ;
một xã hội tiến bộ đến đâu mà thiếu tình người thì chẳng khác nào một bãi sa
mạc. Chúa Giêsu đến không phải để dẹp bỏ luật pháp nhưng là để kiện toàn, bằng
cách đem lại cho nó một linh hồn, một sức sống. Linh hồn và sức sống ấy chính
là tình yêu thương. (Chờ đợi Chúa)
2. Truyện cổ Đông phương kể rằng : ngày
xưa, có vị đạo sĩ dâng cho vua một chiếc nhẫn kì diệu và vô giá. Nó vô giá vì
được làm bằng thứ kim loại quí hiếm và gắn nhiều kim cương lóng lánh. Nó kì
diệu ở chỗ : nếu người đeo nó làm điều lành, thì nó rất vừa vặn và chiếu sáng.
Nhưng nếu người đó làm điều ác, thì nó sẽ biến thành một cái máy xiết rất mạnh,
ngón tay rất đau đớn.
Mỗi người chúng ta cũng có một chiếc nhẫn thần là lề luật của Chúa. (Góp nhặt)
3. Có hai thái độ quá khích đối với lề luật
: một là thái độ vụ luật, vụ nguyên tắc, giữ luật một cách nô lệ không chút
tình cảm ; hai là thái độ bất chấp ngang tàng sống như không có luật.
4. "Ta không đến để huỷ bỏ lề luật
nhưng để kiện toàn" : Trước một khoản luật mà tôi thấy khó chịu vì xem ra
nó không còn thích hợp nữa, tôi phải làm gì ? Lời Chúa Giêsu dạy rằng tôi không
nên đòi huỷ bỏ khoản luật ấy, nhưng tôi hãy tìm cách kiện toàn : kiện toàn bằng
cách tìm hiểu tinh thần và ý nghĩa của nó, kiện toàn bằng cách đặt vào đó một
tình thương.
5. "Ai bãi bỏ dù chỉ là một trong
những điều dăn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ
nhỏ nhất trong Nước Trời" (Mt 5,19)
Một ngày nọ, các dấu chấm câu nghĩ rằng
mình chẳng được đọc lên thành lời như các từ, nên buồn tình rủ nhau bỏ đi
hết. Thế là có người đọc như sau :
"nàng có ba người anh đi bộ
đội những em nàng..."
Chẳng phải tôi đã từng tự nhủ mình thế này
hay sao :
- Tội nhẹ, chẳng sao cả !
- Một lần thì đã sao !
- Mình chỉ thử thôi mà.
Lạy Chúa, xin cho luôn nhớ rằng : "Ai
trung tín trong việc nhỏ thì cũng trung tín trong việc lớn" (Lc 16,10)
(Hosanna)
Lm.Carolo
HỒ BẶC XÁI – Gp.Cần Thơ
2/06/13 THỨ TƯ TUẦN 10
TN
Mt 5,17-19
Mt 5,17-19
ĐẾN ĐỂ KIỆN TOÀN
“Anh em đừng tưởng Thầy đến để
bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các Ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng
là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một
chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn
thành.” (Mt 5,17-18)
Suy niệm: Lập trường của Chúa Giê-su đối
với luật Môsê và lời các tiên tri, nghĩa là đối với Cựu ước, là “không phá đổ, nhưng kiện toàn”. Bằng cách:
+ Lề luật phải phục vụ con người đồng thời giúp con người tìm về
thánh ý Thiên Chúa được gói ghém trong đó. Trong Cựu Ước, luật đã bị méo mó do
cách giải thích quá tỉ mỉ và nặng hình thức của Pharisiêu và kinh sư. Lề Luật,
thay vì diễn tả giao ước tình thương lại trở thành gánh nặng, thay vì phục vụ
lại đè bẹp con người.
+ Luật không dựa vào mặt chữ bên ngoài, nhưng hệ tại tấm lòng bên
trong - luật được nâng lên tầm cỡ Tin Mừng - con người có được vào Nước Trời
hay không, tuỳ thuộc vào việc tuân giữ luật đó: luật Tình yêu.
Mời Bạn: Việc thực hành lề luật phải
được hướng dẫn bởi lòng yêu mến, là cốt mốc chỉ đường, dẫn ta đến chỗ sống chan
hoà với Chúa và với anh em, đó là cách sống luật của người kitô hữu mà Chúa
muốn.
Chia sẻ: Kiểm điểm lại việc giữ luật Hội
Thánh của bạn. Bạn đi lễ ngày Chúa nhật, giữ các giáo luật vì tình yêu hay
chiếu lệ?
Sống Lời Chúa: Sắp đặt công việc để tham dự
Thánh Lễ Chúa Nhật với tâm hồn vui tươi thay vì miễn cưỡng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin khắc ghi lề luật
tình yêu Chúa vào tận trái tim con để đời con hết cằn cỗi, khô khan.
Để
kiện toàn
Đức Giêsu mời chúng ta tuân giữ nghiêm túc Luật Thiên Chúa đã
ban, nhưng theo cách giải thích mới mẻ, hoàn chỉnh và có thẩm quyền của Ngài.
Suy niệm:
Đã có thời người ta nghĩ rằng theo Công giáo là
bất hiếu,
vì phải từ bỏ việc cúng giỗ cha mẹ tổ tiên.
Nếu người chết cũng có nhu cầu ăn uống tiêu
dùng như người sống,
thì hiếu thảo đòi phải lo cho người đã khuất
được đầy đủ, ấm no.
Nhiều người không dám theo đạo,
vì sợ theo đạo thì không được cúng giỗ tổ tiên,
phải bỏ ông bà.
Vào thời thánh Mátthêu, một số người Do thái
cũng có nỗi sợ tương tự.
Họ tin vào Đức Giêsu và muốn trở thành môn đệ
của Ngài,
nhưng họ lại sợ làm thế là bỏ đạo của cha ông,
bỏ Do thái giáo.
Họ sợ giáo huấn mới mẻ của Đức Giêsu làm họ bỏ
Luật Môsê,
và không còn thuộc về dân Thiên Chúa nữa.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu khẳng
định :
“Đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hay
lời các Ngôn sứ.
Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để
kiện toàn” (c. 17).
Luật Môsê thật ra là Luật của Thiên Chúa trao
qua trung gian ông Môsê.
Môsê đã làm nhiệm vụ trao lại cho dân Do thái
và giải thích Luật ấy.
Người Do thái từ bao đời đã giữ Luật theo lời
giải thích của Môsê.
Bây giờ có một Đấng mới xuất hiện, là Đức Giêsu
Kitô Con Thiên Chúa.
Ngài biết rõ ý định của Thiên Chúa mà Ngài âu
yếm gọi là Cha.
Đức Giêsu không gạt bỏ Luật của Thiên Chúa được
trao cho Môsê.
Nhưng Ngài sẽ giải thích lại Luật ấy cho đúng với
ý Thiên Chúa,
vì chẳng ai biết rõ ý Cha bằng Con.
Trong Bài Giảng trên núi mà ta sắp nghe trong
những ngày tới,
ta sẽ thấy Đức Giêsu giải thích lại Luật Môsê
như thế nào.
Hành vi đó được gọi là kiện toàn hay hoàn
chỉnh.
Một giai đoạn mới trong lịch sử cứu độ đã được
mở ra với Đức Giêsu.
Giai đoạn chung cục này vừa liên tục, vừa vượt
quá giai đoạn cũ.
Đức Giêsu mời chúng ta tuân giữ nghiêm túc Luật
Thiên Chúa đã ban,
nhưng theo cách giải thích mới mẻ, hoàn chỉnh
và có thẩm quyền của Ngài.
Muốn trở nên hoàn thiện, muốn đón nhận Nước
Trời do Ngài khai mở,
cần sống Luật Tôra đã được Ngài giải thích lại.
Người Kitô hữu gốc Do thái khi theo Đức Giêsu
thì chẳng sợ mình bỏ đạo,
bỏ Lề Luật, bỏ các Ngôn sứ hay truyền thống của
cha ông
Giáo huấn của Đức Giêsu đã chứa đựng cốt lõi
tinh túy của Luật ấy rồi.
Làm thế nào để các Kitô hữu Á Châu cảm thấy đức
tin của mình
không tạo ra sự xung đột hay đoạn tuyệt
với những giá trị của nền văn hóa mình đã lãnh
nhận và đã sống?
Làm sao để mình sống viên mãn là một Kitô hữu,
một người Công Giáo Rôma,
mà vẫn chẳng mất căn tính là người Việt Nam
hay người Châu Á?
Chỉ cần một điều kiện, đó là thấy Kitô giáo
không phá bỏ, nhưng kiện toàn
tất cả mọi giá trị cao quý có trong các nền văn
hóa và tôn giáo khác.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa,
Chúa đã muốn trở nên con của loài người,
con của trái đất, con của một dân tộc.
Chúa vẫn yêu mến dân tộc của Chúa
dù họ từ khước Tin Mừng
và đóng đinh Chúa vào thập giá.
Xin cho chúng con biết yêu mến quê hương,
một quê hương còn nghèo nàn lạc hậu
sau những năm dài chiến tranh,
một quê hương đang mở ra trước thế giới
nhưng lại muốn giữ gìn bản sắc dân tộc
và bảo vệ nền đạo lý của cha ông.
Xin cho chúng con đừng nhắm mắt ngủ yên
trong sự an toàn và tiện nghi vật chất,
nhưng biết trăn trở trước nỗi khổ đau,
và làm một điều gì đó thật cụ thể
cho những đồng bào quanh chúng con.
Ước gì chúng con biết phục vụ đất nước
bằng khối óc, quả tim và đôi tay.
Và ước gì chúng con biết khiêm tốn
cộng tác với muôn người thiện chí.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Suy
niệm Mt, 5,17-19
Lề luật được đặt ra nhằm đem
lại lợi ích chứ không phải lề luật đặt ra để gây khó khăn, hoặc vướng mắc cho
con người. Thật vậy, lề luật giống như hàng rào bên ngoài dùng để bảo vệ những
gì bên trong hàng rào đó được an toàn.
Trong thời Cựu Ước, vì yêu
thương Thiên Chúa đã trao cho ông Môsê Mười Điều Răn để dạy cho dân Chúa sống
yêu thương.
Đến thời Tân Ước Chúa Giêsu đã
kiện toàn bằng Tám Mối Phúc thật với mục đích giúp chúng ta mạnh dạn bước theo
Chúa dù phải gặp những thử thách hay những nghịch cảnh.
Và hôm nay, Chúa Giêsu đã
khẳng định rằng: “Anh em đừng tưởng thầy đến để bãi bỏ luật Môsê hoặc lời các
ngôn sứ, Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn”.
Cuộc sống luôn có những đổi
thay. Mỗi thời đại luôn có những điều mới mẻ.. Con người luôn đứng trước những
cám dỗ và chọn lựa. Những cám dỗ ấy, những chọn lựa ấy có thể sống xấu đi hay
sống tốt hơn, hoặc làm cho chúng ta xa cách Chúa hay gắn bó với Chúa hơn.
Lạy Chúa, trước một thế
giới luôn thay đổi, xin cho con nhận ra sự hiện diện của Chúa. Xin cho con chọn
Chúa và theo Chúa qua việc sống đúng giới luật Chúa truyền ban để mỗi ngày con
sống đẹp lòng Chúa. Xin Chúa giúp con luôn chu toàn bổn phận đối với Chúa, với
tha nhân và với bản thân mình. Amen.
RẮC RỐI YÊU THƯƠNG
“Anh
em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ. Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến
không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.” (Mt. 5, 17)
Quá
nhiều luật lệ!
Hai
mươi hoặc ba mươi năm vè trước, người Kitô hữu phải tuân giữ nhiều luật lệ và
điều răn hơn hôm nay. Điều gì phải làm hay không được làm đều đã được phân định
rạch ròi đến từng chi tiết. Thời ấy người ta rất tỉ mỉ, phải nói là quá tỉ mỉ
nữa.
Khoảng
mấy năm gần đây, nhiều sự đã thay đổi. Hôm nay người ta thường nghe nói rằng
chẳng còn luật lệ gì nữa. Có người tiếc rẻ, người khác lại vui mừng. Những
người luyến tiếc mạnh miệng nói rằng Giáo hội bây giờ dễ dãi quá, để mặc cho ai
nấy muốn làm gì thì làm.
Đức
Giêsu với lề luật
Chúa
Giêsu bảo ta rằng “dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, cũng không
được bãi bỏ”. Nói được rằng Chúa Giêsu ủng hộ việc có nhiều luật lệ và điều răn
chăng? Chắc chắn là không.
Như
ta biết, đối với Chúa Giêsu chỉ có một điều răn thâu tóm mọi điều răn khác. Đó
là điều răn dạy phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng và yêu thương tha nhân như
chính mình. Nhưng bởi chỉ có một điều răn nền tảng, thì không có nghĩa là không
có điều răn nào khác cũng quan trọng.
Để
yêu thương như Chúa muốn, người ta không thể giữ mực chung chung, mà phải đi
vào cụ thể, phải chú ý đến cả những điều nhỏ nhặt. Tình yêu được hình thành từ
vô vàn những sự chăm chú, từ vô số những cái tế nhị, từ ngàn lẻ một những
chuyện nhỏ nhặt. Ta đừng tin những ai nói mình yêu Chúa yêu anh em mà lại bất
chấp mọi điều khác.
Những
điều răn nhỏ nhất phải tuân giữ mà Chúa nói đến ở đây, chính là những điều tế
nhị phải có trong khi yêu thương vậy.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng
Sáu
12 THÁNG
SÁU
Chúng Ta Quyết Định
Vận Mệnh Của Chính Mình
Công Đồng
Vatican II diễn tả cùng sự thật ấy về con người bằng những ngôn từ vừa bất hủ
vừa rất chính xác đối với thời đại hôm nay: “Con người chỉ có thể quay về với
sự thiện một cách tự do … Phẩm giá con người đòi họ phải hành động theo sự lựa
chọn ý thức và tự do” (MV 17). “Nhờ có nội giới, con người vượt trên mọi vật.
Khi quay về với lòng mình tức là họ trở về với nội giới thâm sâu này, ở đó
Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm hồn, đang chờ đợi họ; và cũng chính nơi đó con
người tự định đoạt về vận mệnh riêng của mình dưới con mắt của Thiên Chúa” (MV
14).
Sự tự do
đích thực của con người là sự tự do đặt nền tảng trên sự thật. Từ nguyên thủy,
sự tự do này đã mạc khải hình ảnh của Thiên Chúa nơi con người. Vâng, sự thật
giải phóng con người để con người trở nên chính mình một cách viên mãn trong
Đức Kitô.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô
II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul
II
Lời Chúa Trong Gia Đình
2Cr
3, 4-11; Mt 5, 17-19
LỜI SUY NIỆM: “Anh em
đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ, Thầy đến không
phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.” (Mt 5, 17)
Chúa
Giêsu khẳng định: Toàn bộ lề luật và các lời của các ngôn sứ đều là những hướng
dẫn cần thiết cho dân trong Cựu Ước chuẩn bị đón nhận Đấng KiTô. Khi Chúa Giêsu
đến, Ngài không bãi bỏ, nhưng làm cho mọi sự nên hoàn thiện, Trong đó có cả
những diễn đạt về nghi lễ, tế lễ trong Cựu Ước, cũng cần phải hiểu và cử hành
dưới ánh sáng mới mà Chúa Giêsu đem lại. Cũng như trong Luật yêu thương và tha
thứ của Cựu Ước bị giới hạn trong một mức độ nhất định. Chúa Giêsu đã nới rộng
không còn giới hạn trong sự yêu thương và tha thứ. Chúa Giêsu đang muốn chúng
ta sống tích cực và trung thành những gì lề luật đã dạy.
Mạnh
Phương
12 Tháng Sáu
Ngọn Lửa
Không Hề Tắt
Trong tác phẩm Ðại Học
Máu, văn sĩ Hà Thúc Sinh cũng giống như văn hào Nga Solzenitzyn ghi lại thân
phận tù đày của các tù nhân Việt Nam trong các trại học tập. Nhưng
giữa những đọa đày cùng cực của kiếp người, Hà Thúc Sinh vẫn có cái nhìn lạc
quan về thân phận con người. Con người bị bạo hành ở những mức độ vô nhân nhất
mà vẫn khôi hài, cười đùa, bỡn cợt được.
Trong tác phẩm đầu tay
của ông có tựa đề "Hai chị em", Hà Thúc Sinh đã nêu bật được hình ảnh
con người tranh đấu lạc quan, chẳng còn biết gì để sợ, sẵn sàng kịch liệt chống
lại định mệnh để tự thắng và tự cứu mình... Hai chị em Lan và Trực bị đắm tàu
trong một cuộc vượt biên đầy nguy hiểm. Là hai người duy nhất còn sống sót, họ
trôi dạt và tấp vào một hoang đảo giữa Thái Bình Dương. Trong nguyên một tuần
lễ, tác giả đề cao sức chịu đựng, tinh thần tháo vát của hai chị em. Sau một
tuần lễ chịu đựng, người chị ngã bệnh, Trực bèn kết bè để ra khơi mong tìm lại
được chiếc ghe đắm trên đó còn chút ít lương thực, thuốc men và quần áo. Khi ra
đi, anh đã nhóm đã nhóm được một ngọn lửa trên núi cao vừa làm dấu hiệu để kêu
gọi sự chú ý của thuyền bè qua lại trong vùng, vừa lấy đó như ngọn hải đăng để
còn có thể quay lại đảo... Nhưng anh đã ra đi và không bao giờ trở lại hoang
đảo... Sóng to gió lớn có lẽ đã chôn vùi anh giữa lòng đại dương. Người chị tất
tả chạy ra bãi cát giữa cơn giông bão để réo gọi tên em.
Tác giả đã kết thúc
câu chuyện như sau: "Nếu có thuyền bè chạy qua eo biển, một vùng hoang đảo
trên Thái Bình Dương những ngày biển lặng sau đó, chú mục, người ta có thể nhìn
thấy một ngọn lửa. Ngịn lửa ấy đốt bập bùng trên một triền núi, khi lớn, khi
nhỏ, khi tỏ, khi mờ. Nhưng có điều chắc chắn là nó chưa hề tắt".
Sống
là một cuộc chiến đấu không ngừng. Chiến đấu chống lại với những khắc nghiệt
của thiên nhiên, chống lại không biết bao nhiêu kẻ thù, chống lại với chính bản
thân đầy ươn hèn, xấu xa.
Nhưng
người Kitô hữu không phải là một thứ anh hùng khắc kỷ, tự chiến đấu một mình và
tin ở sức mạnh vô song của ý chí. Chúa Giêsu đã chiến đấu, nhưng Ngài không là
một anh hùng của một ý chí sắt đá. Sức mạnh duy nhất của Ngài chính là Thiên
Chúa. Lương thực của Ngài chính là Thánh ý Chúa Cha. Khí giới của Ngài là sự
kết hiệp với Chúa Cha.
Qua
ba cơn cám dỗ, Chúa Giêsu đã luôn luôn qui chiếu vào Lời Chúa. Lời của Chúa là
khí giới, là thuẫn đỡ của Ngài.
Tôi
sống nhưng không phải là tôi sống, mà chính là Ðức Kitô sống trong tôi. Ðó phải
là ý lực sống của chúng ta. Chúng ta cũng hãy nói: tôi chiến đấu, nhưng không
phải là tôi chiến đấu, mà chính Ðức Kitô chiến đấu trong tôi. Sức mạnh của Kitô
giáo, bản chất của Kitô giáo không phải là tổng số của các tín hữu, mà chính là
Sự Sống của Ðức Kitô đang châu lưu trong từng người tín hữu.
(Lẽ Sống)
Thứ Tư 12-6
Thánh Giáo Hoàng Lêô III
(c. 816)
S
|
inh ở Rôma, nước Ý, Ðức Lêô là người thủ kho của tòa thánh và là
linh mục trưởng ở Santa Suzanna khi ngài được chọn làm giáo hoàng năm 795 để kế
vị Ðức Hadrian I, vừa mới từ trần.
Hai người cháu của Ðức Hadrian I đều mong muốn được làm giáo
hoàng, do đó họ xúi giục các thanh niên quý tộc tấn công Ðức Lêô. Trong cuộc
rước nhân ngày lễ Thánh Máccô, Ðức Lêô bị bọn côn đồ kéo xuống khỏi ngựa và
chúng định cắt lưỡi và đâm mù mắt của ngài. Nhờ sự can thiệp kịp thời của công
tước xứ Spotelo, ngài thoát chết và trốn trong tu viện Thánh Erasmus, sau đó
ngài đã bình phục mau chóng một cách lạ lùng.
Ðức Lêô được cảm tình của người thế lực nhất thời bấy giờ, đó là
Hoàng Ðế Charlemagne ở Paderborn, và ông đã cung cấp vệ binh để hộ tống đức
giáo hoàng trở về Rôma giữa tiếng reo hò của mọi người.
Tuy nhiên, kẻ thù vẫn không để ngài yên. Họ tố cáo Ðức Lêô về tội
thề gian và ngoại tình. Năm 800, Charlemagne đến Rôma và chỉ định một ủy ban
điều tra để cứu xét điều cáo buộc Ðức Lêô. Uỷ ban không tìm thấy một chứng cớ
nào, và Ðức Lêô đã thề trước hội đồng giám mục rằng ngài vô tội đối với các cáo
buộc ấy.
Vào lễ Giáng Sinh, tại đền Thánh Phêrô, Ðức Lêô đã ban thưởng cho
Charlemagne tước vị Thánh Ðế Rôma. Ðiều này là nguyên do hình thành Ðế Quốc
Rôma Thánh Thiện -- là một cố gắng nhằm thể hiện lý tưởng Thành Phố Thiên Chúa
của Thánh Augustine -- mà đã ảnh hưởng đến lịch sử Âu Châu trong nhiều thế kỷ.
Với sự giúp đỡ của Charlemagne, Ðức Lêô đã dẹp được lạc thuyết
Thừa Tự (*) ở Tây Ban Nha, nhưng khi Charlemagne muốn thêm chữ Filioque("và Ðức Chúa
Con" *) vào kinh Tin Kinh Nicene thì Ðức Lêô đã từ chối, một phần vì
ngài không cho phép giáo dân can thiệp vào nội bộ giáo hội, và một phần vì ngài
không muốn chống đối Giáo Hội Byzantine.
Một cách tổng quát, đức giáo hoàng và hoàng đế hành động ăn khớp
với nhau. Theo lời đề nghị của Charlemagne, Ðức Lêô còn thành lập một đạo quân
để chống với giặc Saracen, lấy lại được một số tài sản của Giáo Hội ở Gaeta . Tính hào phóng của
Charlemagne đã giúp Ðức Lêô canh tân nhiều nhà thờ ở Rôma và Ravenna , cũng như giúp đỡ người nghèo và bảo
trợ các công trình nghệ thuật.
Khi Charlemagne từ trần năm 814 và Ðức Lêô không còn ai bảo vệ,
quân thù lại nổi dậy chống đối ngài. Với tất cả uy thế và quyền bính cá nhân,
ngài đã dẹp tan âm mưu nổi loạn của giới quý tộc ở Campagna. Tuy nhiên, ngài bị
vẫn bị giới quý tộc khinh miệt vì ngài xuất thân từ giới bình dân. Ngài từ trần
năm 816 và được phong thánh năm 1673.
(*) Thuyết Thừa Tự chủ trương Ðức Kitô chỉ là
con nuôi của Thiên Chúa, do đó Người không phải Thiên Chúa thật.
Filioque: Cho đến ngày nay, Chính Thống Giáo Hy
Lạp và một số Giáo Hội Ðông Phương vẫn cho rằng Chúa Thánh Thần chỉ bởi Chúa
Cha mà ra, do đó, những ai chủ trương rằng Chúa Thánh Thần cũng bởi Chúa Con mà
ra thì họ cho là lạc giáo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét